Tiền Giang: Khá lên nhờ trồng ngò gai và rau húng cây

Đến ấp 5 (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành), người ta sẽ nhìn thấy những ruộng rau xanh mượt chạy dài theo con lộ dal vào xóm. Hỏi ra mới biết đây là ruộng rau của tổ hợp tác rau an toàn do ông Chín Trưng làm tổ trưởng, đã hình thành từ năm 2006 đến nay.

Anh Quốc đang chuẩn bị đất trồng rau.

Tổ hợp tác có 30 hộ tham gia, mỗi hộ đăng ký sản xuất thấp nhất 1.000 m2, nhiều nhất 2.000 m2. Trồng các loại rau màu, nhưng chủ lực là cây ngò gai, rau húng cây, xen vào đó là hành lá, cải bẹ ngọt và rau tía tô, nhằm lấy ngắn nuôi dài.

Do được hướng dẫn kỹ thuật của ngành Khuyến nông, chăm sóc đúng quy trình, Công ty bao tiêu sản phẩm đầu ra, sản xuất vì thế mà có lời. Từ đó, kinh tế gia đình của nhiều hộ trồng màu vươn lên khá giả. Trong số này có anh Nguyễn Văn Quốc, nhờ trồng cây ngò gai và rau húng.

Diện tích ban đầu anh trồng là 4.000 m2 trên đất ruộng nhà, sau làm ăn khá, anh thuê thêm 3.000 m2. Trên diện tích trên, anh trồng được nhiều loại rau, chủ yếu là cây ngò gai và rau húng.

Tiếp chúng tôi, anh Quốc cho biết, làm rẫy cực lắm, công việc đồng áng cứ quần quật mỗi ngày, bắt đất quay vòng liên tục. Nhưng bù lại, khi sản phẩm đạt năng suất, bán được giá, thu nhập nhiều tiền, cũng thấy ham, cái cực khổ cũng dần quên đi.

Nói về sản xuất cây ngò gai, mỗi năm anh trồng 2 lứa trên diện tích 4.000 m2, do chăm sóc tốt, năng suất đạt từ 3 tấn/1.000 m2 trở lên. Giá bán cũng tùy lúc, thấp nhất 6.000 đồng/kg, lúc cao hút hàng giá đến 22.000 đồng/kg. Bình quân 1 công ngò gai có vụ thu từ 25 – 30 triệu đồng.

Còn 3.000 m2 trồng rau húng cây, cứ 2 tháng cắt 1 lần (1 năm cắt 6 lần), năng suất rau tốt đạt 1,5 tấn/1.000 m2. Còn trung bình thì khoảng 700 – 800 kg/1.000 m2. Giá dao động thấp nhất 5.000 đồng/kg, cao nhất 20.000 đồng/kg. Riêng các loại rau trồng xen như ngò gai xen tía tô, mỗi công thu cũng khoảng 1 tấn/1.000 m2 rau tía tô, giá 20.000 – 25.000 đồng/kg.

Ngoài trồng rau, anh còn tận dụng ao nuôi cá tai tượng, mỗi lần thả nuôi khoảng 2.000 con. Do cho ăn phụ phẩm rau trong vườn nên không tốn kém nhiều tiền thức ăn. Cá có trọng lượng từ 800 gram đến 1 kg, bán giá 40.000 đồng/kg, thu hơn 50 triệu đồng. Tổng các nguồn thu trên khoảng 300 triệu, sau trừ chi phí hàng năm còn dư trên 200 triệu đồng.

“Nhờ sự cần cù lao động, chịu thương chịu khó, bám với ruộng đồng, giờ đây kinh tế gia đình anh Quốc đã vươn lên khá, cuộc sống ổn định, nhà cửa xây dựng khang trang, tiện nghi đầy đủ”. Đó là nhận xét của ông Chín Trưng, tổ trưởng tổ rau an toàn ấp 5.

Nguồn: Báo Ấp Bắc được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cánh đồng rau VietGap tỏa hương thơm, nông dân thu nhập cao ở Tân Minh

Nhiều năm nay, xã Tân Minh (huyện Thường Tín) được coi là vùng chuyên trồng các loại rau gia vị lớn nhất TP.Hà Nội. Nhờ sản xuất theo hướng an toàn, việc trồng rau gia vị của người dân tại đây ngày càng phát triển, đem lại thu nhập ổn định cho bà con.

Có mặt trên cánh đồng xã Tân Minh, chúng tôi không khỏi choáng ngợp khi đứng trước những vườn rau kinh giới, mùi tàu, húng, tía tô xanh tốt và tỏa hương thơm ngào ngạt. Bà Đàm Thị Dung (thôn Phúc Trại) đang thu hoạch rau ngổ cho biết, rau ngổ là một trong những loại rau dễ trồng, dễ chăm sóc, lại ít sâu bệnh nên hầu như không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, lại nhanh cho thu hoạch (chỉ khoảng 50 ngày).

Mỗi lần trồng nếu chăm sóc tốt, bà con có thể thu hoạch liền trong vòng 6 tháng mới phải trồng lại. Bên cạnh đó, chu kỳ thu hoạch chỉ khoảng 12 – 15 ngày/lứa nên người trồng rau thơm có thể thu quanh năm.

Nông dân xã Tân Minh chăm sóc ruộng rau thơm. 

“Gia đình tôi trồng 4 sào rau thơm các loại, mỗi tháng thu hoạch đều trong 20 ngày, đem bán cho các thương lái đổ buôn tại chợ đầu mối. Ngày ít cũng được vài trăm ngàn đồng, ngày nhiều có thể thu được tiền triệu nên lúc nào cũng “rủng rỉnh” tiền trong túi ” – bà Dung vui vẻ cho biết.

Cách đó không xa, chị Nguyễn Thị Mai cũng ở thôn Phúc Trại đang chăm sóc ruộng rau tía tô. Chị vui vẻ cho biết: “Mùa này không cần chăm sóc nhiều, rau tía tô vẫn lên ầm ầm. Nếu thời tiết ẩm thì 2 ngày mới phải tưới một lần, còn hanh khô thì ngày nào cũng phải tưới. Hiện nay gia đình nào cũng đầu tư giếng khoan và bể lọc ngay cạnh ruộng, một số gia đình còn đầu tư hệ thống tưới nước tự động nên sản xuất nhẹ nhàng lắm. Gia đình tôi có hơn 2 sào trồng rau thơm, thu nhập bình quân gần 50 triệu đồng/năm, cao gấp 5 – 7 lần so với cấy lúa”.

Nông dân xã Tân Minh chăm sóc rau trồng theo mô hình VietGAP.

Hiện nay, ngoài các hộ chuyên sản xuất, tại địa bàn xã Tân Minh còn hình thành một đội ngũ chuyên thu gom hàng giao cho các chợ đầu mối. Người dân chỉ cần thu hoạch rau lên đầu bờ là đã có người tới thu mua. Toàn xã hiện có hơn 30 ôtô bán tải và vài trăm chiếc xe máy tham gia vận chuyển rau.

Theo tìm hiểu của phóng viên, toàn xã Tân Minh hiện có hơn 4.000 hộ trồng rau gia vị các loại. Mỗi ngày đều có hàng chục ô tô, xe máy của tư thương đến thu mua và chở rau phân phối ra khắp các chợ đầu mối quanh khu vực Hà Nội.

Chị Vũ Thị Hằng, một hộ trồng rau ở đây cho biết, gia đình chị trồng rau gia vị với diện tích hơn 1 sào, chủ yếu là rau kinh giới, tía tô, thơm Láng… Bình quân mỗi tháng, gia đình chị thu lãi khoảng 3 triệu đồng (khi giá thị trường bình ổn). Riêng dịp cuối năm, bao giờ giá rau cũng cao gấp 2, gấp 3 lần giá ngày thường.

Chị Hằng cho biết, thời gian gần đây, với sự giúp đỡ của HTX Tân Minh, gia đình chị được hướng dẫn trồng rau theo mô hình cộng đồng, nhờ vậy rau thơm cho năng suất cao hơn, giá bán tốt hơn. Đặc biệt các hộ tham gia mô hình đều yên tâm khi rau trồng đúng quy trình, thu hoạch đúng cách, đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng.

“HTX phân công các nhóm trưởng trực tiếp quản lý rau của các hộ trong nhóm. Điều này giúp mỗi hộ có ý thức tự giác trong việc trồng rau an toàn và đảm bảo chất lượng. Nhờ đó, rau gia vị Tân Minh ngày càng có uy tín, thương lái thu mua với giá tốt” – chị Hằng nói.

Tuân thủ nghiêm quy trình VietGAP

Cán bộ HTX Tân Minh hướng dẫn trồng và quản lý rau theo mô hình cộng đồng.

Năm 2017, thực hiện nhiệm vụ của Sở NNPTNT Hà Nội, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã phối hợp với các địa phương xây dựng 20 mô hình kiểm tra cộng đồng áp dụng hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS) trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại 20 xã, phường, thị trấn thuộc 14 quận, huyện, thị xã, với tổng diện tích 1.138,7ha. HTX Tân Minh là một trong những mô hình phát huy hiệu quả rất tích cực.

Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Minh Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ, rau thơm đang được xem là cây trồng chủ lực của địa phương với thu nhập bình quân 20 triệu đồng/sào/năm. Trung bình mỗi năm, địa phương xuất ra thị trường 50 – 60 tấn rau. Đặc biệt, xã đã có 90ha trồng rau thơm được công nhận là vùng sản xuất rau an toàn.

Để thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX thường xuyên tập huấn và nâng cao ý thức về trồng rau an toàn cho người dân. Bên cạnh đó, HTX đã thành lập 33 tổ giám sát, mỗi tổ có từ 30 – 35 người, chịu trách nhiệm trực tiếp giám sát quá trình sản xuất của bà con. HTX còn liên kết với một số công ty về trực tiếp thu mua hàng, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, nhờ đó giảm bớt các khâu trung gian, nâng cao giá trị sản phẩm.

“Địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn bà con sản xuất an toàn để ổn định đầu ra cho sản phẩm và xây dựng được thương hiệu rau thơm Tân Minh trên thị trường” – ông Thắng nói.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.