Con tôm ôm rơm lúa

Hàng chục hộ dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) thực hiện mô hình dùng rơm lúa để cải tạo nước, tạo môi trường sinh sống cho các loài thủy sản dưới vuông nuôi, bước đầu cho thấy hiệu quả.

Cuộn rơm được thả xuống vuông nuôi, tạo môi trường trú ẩn cho con tôm.

Theo đó, khi rơm lúa gặp môi trường nước lâu dần sẽ tạo ra chất xúc tác làm giảm độ kiềm trong vuông nuôi. Đồng thời, tạo ra nơi tránh trú cho tôm trong mùa nắng nóng. Khi rơm mục, sẽ tạo ra nguồn thức ăn cho các loài thủy sản, nhất là tôm, cua.

Ông Trần Minh Châu, ngụ ấp Ông Như, xã Tân Ân Tây là người đầu tiên áp dụng mô hình này. Trước khi thả rơm vào vuông, ông tiến hành bó các cuộn rơm lại. Sau đó, dùng cây cố định để rơm nổi lên mặt nước và không bị trôi. Sau 10 – 15 ngày rơm sẽ chìm trong nước, ông mới tiến hành thả giống. Cách làm này vừa tạo chỗ ở cho tôm, vừa tạo thức ăn sau này cho các loài giáp xác.

Sau khi áp dụng kỹ thuật dùng rơm lúa để tạo nơi trú ẩn, nguồn thức ăn cho thủy sản nuôi, trung bình mỗi tháng ông Châu có thu nhập hơn 30 triệu đồng. Hiện tôm đang trong giai đoạn phát triển tốt. Đây là đợt trúng nhất của gia đình ông Châu trong 10 năm qua.

Thấy hiệu quả từ rơm lúa mang lại cho con tôm, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tân Ân Tây đã mạnh dạn áp dụng. Hầu hết đều dùng rơm lúa kết hợp men vi sinh để cải tạo nước, giúp các đối tượng nuôi phát triển nhanh.

“Trước đây khi thả giống, hầu hết người dân chỉ thực hiện theo phương thức nuôi truyền thống, khó kiểm tra, phát hiện vật nuôi nhiễm bệnh. Nhưng với cách làm này con tôm, con cua bám vào rơm lúa để sinh sống, phát triển rất nhanh và rất dễ kiểm soát”, ông Hồ Văn Sỹ, ngụ ấp Ông Như, xã Tân Ân Tây cho biết.

Theo ông Sỹ, mô hình tạo môi trường khá lý tưởng cho vật nuôi trong vuông bám vào trong lúc nhỏ, vừa hạn chế được mức độ thiệt hại. Hiện giá rơm được các mối ở vùng ngọt hóa chuyển tận nơi giá 3 triệu đồng/tấn. Còn mua bó thì khoảng 35 ngàn đồng/bó 12kg. Theo người dân địa phương, trong quá trình thực hiện mô hình cần lưu ý đến cách trải rơm vào vuông phải phù hợp. Tuyệt đối, không để rơm chạm đất, sẽ gây thối rơm, ảnh hưởng môi trường nước.

Ông Lê Minh Thùy, Chủ tịch UBND xã Tân Ân Tây lưu ý trước khi thả giống cần diệt cá tạp. Bởi con giống vào thời gian đầu sẽ trú ẩn, sinh sống ở những cuộn rơm nên dễ làm thức ăn cho cá tạp.

Nguồn: nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.