Cá bơn: Công nghệ sản xuất và thị trường tiêu thụ (Phần 2)

Cá bố mẹ là cá nuôi đã được chọn lọc qua hơn một thập kỉ. Nuôi vỗ cá bố mẹ với mật độ thấp (khoảng 5 kg/m2) trong bể xi măng, cho ăn bằng thức ăn viên công nghiệp dành riêng cho cá bố mẹ. Đảm bảo ánh sáng và nhiệt độ tối ưu cho cá bố mẹ có vai trò quan trọng để trứng cá đạt năng suất và chất lượng cao và năng suất quanh năm.

Cá bơn nuôi trong hệ thống tái lưu thông nước (RAS)

Công nghệ nuôi

Sản xuất giống

Cá bố mẹ là cá nuôi đã được chọn lọc qua hơn một thập kỉ. Nuôi vỗ cá bố mẹ với mật độ thấp (khoảng 5 kg/m2) trong bể xi măng, cho ăn bằng thức ăn viên công nghiệp dành riêng cho cá bố mẹ. Đảm bảo ánh sáng và nhiệt độ tối ưu cho cá bố mẹ có vai trò quan trọng để trứng cá đạt năng suất và chất lượng cao và năng suất quanh năm.

Cá bơn không đẻ trứng trong điều kiện nuôi, do vậy, phải thụ tinh nhân tạo. Cá cái sản xuất 1-10 triệu trứng/mùa, phụ thuộc vào kích cỡ.

Ấu trùng mới nở (sau 6-7 ngày thụ tinh) dài khoảng 3mm, được ương nuôi thâm canh ở mật độ khoảng 20 triệu ấu trùng/lít nước, tần suất thay nước khá thấp. Khi ấu trùng lớn hơn, tần suất thay nước sẽ tăng lên. Khoảng 3 ngày sau khi nở, ấu trùng bắt đầu giai đoạn ăn thức ăn ngoài. Ban đầu cho ăn luân trùng Brachionus plicatilis trong khoảng 10 ngày, sau đó chuyển sang ăn ấu trùng Artemia. Sau 40-50 ngày, quá trình biến thái kết thúc, khi đó ấu trùng dài khoảng 25 mm. Trong 2 tháng tiếp theo, con giống được ương trong bể nhỏ, cho ăn thức ăn viên khô cho đến khi cá đạt trọng lượng 5-10 g. Trong số ấu trùng còn sống, có khoảng 10-25% biến thái, và 90% số không biến thái còn lại được chọn để nuôi tiếp. Tất cả con giống đều được tiêm vắcxin phòng các bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, đôi khi vẫn có những loại bệnh hoặc ký sinh trùng “mới” xâm nhập vào con giống; nếu không bị phát hiện, chúng sẽ gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho các công ty nuôi cá bơn như tình hình ở Galicia trong giai đoạn 2006-2007.

Nuôi thương phẩm

Con giống cỡ 5-10 g được thả nuôi trong phòng ương đến cỡ 200-400 g sẽ chuyển sang bể nuôi cố định, diện tích mặt nước từ 60-120 m2 và độ sâu 0,5-1,0 m. Mật độ thả ban đầu là 20 kg/m2 sẽ tăng lên 50-70 kg/m2 khi cá đạt cỡ thu hoạch.

Các bể nuôi luôn được tự làm sạch nhờ thiết kế của bể bảo đảm lưu thông nước. Hàm lượng ôxy bão hòa ở nước thoát duy trì ở mức trên 60%, cong ở nước cấp là 120-150%, nhờ đó giảm được một nửa công đoạn bơm nước

Cho cá ăn thức ăn viên tổng hợp bằng máy cho ăn hoặc bằng phương pháp thủ công (đối với các trại nuôi nhỏ). Phân loại kích cỡ cá 2-4 lần trong khoảng thời gian 1-1,5 năm tiếp theo. Do có tốc độ tăng trưởng chậm hơn, trọng lượng thu hoạch của con đực chỉ đạt dưới 1kg, còn con cái dao động từ 1-2 kg, một số trên 2 kg. Thời gian thu hoạch là 2 năm từ lúc thả con giống 5-10 g.

Ở các trại nuôi lớn, cá bơn được nuôi trong bể ngoài trời với hệ thống dẫn nước liên tục từ biển. Chỉ một lượng nhỏ cá bơn châu Âu sản xuất trong hệ thống nuôi tái lưu thông nước (RAS). Phần lớn các trại được xây dựng tại các vị trí có nhiệt độ nước biển từ 10-20oC quanh năm, và hầu như luôn duy trì nhiệt độ quanh giá trị tối ưu (khoảng 15oC).

Các khu nuôi công nghiệp

Phần lớn các hoạt động nuôi thủy sản trên đất liền hiện nay đều đòi hỏi diện tích đất lớn. Để giảm diện tích, người nuôi cần áp dụng các công nghệ mới như hệ thống ống dẫn nước nông. Với hệ thống này, cá nuôi trong kênh với các ống dẫn nước phân loại ở các mức khác nhau (từ 3-6 mức). Đây là công nghệ nuôi thủy sản siêu thâm canh, thích hợp để áp dụng tại các khu nuôi công nghiệp với sản lượng cao gấp 5-10 lần công nghệ nuôi thông thường.

Các khu nuôi công nghiệp là giải pháp mở rộng sản xuất thủy sản đầy triển vọng với tốc độ tăng trưởng nhanh, có thể triển khai ở nhiều khu vực duyên hải và vùng nội địa.

Quá trình phát triển ngành nuôi thủy sản từ các đơn vị quy mô nhỏ thành các khu công nghiệp mang lại rất nhiều lợi ích, do có thể sử dụng cơ sở vật chất đã được xây dựng chắc chắn trên đất liền, từ đó giúp các quốc gia có chi phí sản xuất cao vẫn có thể cạnh tranh ở các mặt hàng thủy sản giá trị cao.

Sản xuất chi phí thấp được tạo ra thông qua các giải pháp tiết kiệm nguồn lực dựa trên công nghệ tiên tiến và các phương thức sản xuất tuân thủ các quy định về truy xuất nguồn gốc, an sinh động vật, môi trường và các tiêu chuẩn bền vững khác. Các khu công nghiệp có sự phối hợp giữa các hoạt động sản xuất và dịch vụ quan trọng, có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn này dễ dàng hơn rất nhiều so với các cơ sở sản xuất đơn lẻ, tách rời.

Sản phẩm cá bơn hun khói lạnh cắt lát

Ví dụ, để sản xuất 10.000 tấn cá bơn bằng công nghệ thông thường sẽ cần hơn 300.000 m2 đất. Đó là thách thức lớn. Tuy nhiên, với công nghệ siêu thâm canh, diện tích xây dựng khu công nghiệp có thể giảm 80%, tức là có thể đạt sản lượng cá trên chỉ với 60.000 m2 đất xây dựng. Nói cách khác, công nghệ mới này có thể giúp tăng năng suất nuôi cá từ 30 lên hơn 150 kg/m2.

Ngoài ra, công nghệ siêu thâm canh cũng được kì vọng là sẽ giúp cắt giảm sử dụng các yếu tố đầu vào như thức ăn, nước, ôxy, năng lượng và sức lao động. Một yếu tố khác nữa là năng suất lao động. Khi áp dụng công nghệ thông thường, năng suất đạt khoảng 20-50 tấn/năm.lao động. Hệ thống ống dẫn nước nông được thiết kế nhằm mục đích nâng cao sản lượng lên 50- 200 tấn/năm.lao động, phụ thuộc vào quy mô trại nuôi.

Các khu quy hoạch

Tại Galicia, chính quyền đã thông qua kế hoạch xây dựng 25 khu nuôi thủy sản công nghiệp trên diện tích 300 ha với năng suất dự kiến hằng năm 22.500 tấn. Đây có thể sẽ là mô hình mẫu cho ngành nuôi thủy sản ở châu Âu và tạo ra hiệu ứng dây chuyền trong ngành sản xuất này.

Theo kế hoạch, các khu nuôi sẽ áp dụng công nghệ nuôi thủy sản thông thường, cũng có thể chuyển sang công nghệ siêu thâm canh nếu vẫn trong giai đoạn quy hoạch. Sự chuyển giao công nghệ này có thể sẽ tạo ra tác động rất lớn với sự gia tăng sản lượng lên mức 200.000 tấn.

Hệ thống ống dẫn nước nông có những lợi ích sau:

• Diện tích đất tối thiểu: Với sinh khối tương đương, hệ thống này chỉ cần sử dụng 20% diện tích đất so với hệ thống thông thường.

• Bảo toàn nước: Hệ thống này dễ kết nối với các nguồn nước và hỗ trợ việc tái sử dụng hoặc tái lưu thông nước. Hệ thống ống dẫn nước nông chỉ cần 30% lượng nước sử dụng trong công nghệ thông thường để duy trì sinh khối tương đương.

• Mật độ cao: Việc sử dụng thức ăn viên công nghiệp nổi và các tấm chắn có thể di chuyển trong hệ thống ống dẫn nước nông giúp duy trì mật độ nuôi thả cao. So với công nghệ thông thường, sinh khối cá ở hệ thống này cao hơn khoảng 30%.

• Linh động chọn loài nuôi: Có thể sử dụng đối với các loài cá nổi và cá đáy-nổi.

• Hiệu quả sử dụng thức ăn: Sử dụng thức ăn viên công nghiệp nổi có thể làm giảm 10% hệ số thức ăn.

• Hiệu quả sản xuất: Hệ thống ống dẫn nước nông có thể thiết kế như các mô-đun “tòa tháp” để phù hợp với mức tăng sinh khối và giảm chi phí ban đầu.

• Sức lao động giảm: Với cùng năng suất, hệ thống ống dẫn nước nông chỉ cần 50-70% lượng lao động sử dụng trong hệ thống thông thường.

Chi phí sản xuất

Trong trường hợp thông thường, với sản lượng hằng năm 133 tấn, chi phí ước tính trung bình 7,54 eur/kg cá bơn. Khi sản lượng tăng lên 400 tấn/năm, chi phí trung bình giảm 33%, xuống còn 5,07 eur/kg. Qua đó, có thể thấy lợi thế kinh tế nhờ quy mô là rất lớn.

Xét về chi phí đầu tư, một trại nuôi cá bơn sản lượng 133 tấn/ năm cần 4,3 triệu eur. Nếu gấp ba lần sản lượng đó lên mức 400 tấn, chi phí đầu tư bổ sung là khoảng 1,8 triệu eur. So với mức tăng sản lượng, chi phí bổ sung này thấp hơn rất nhiều; đó là lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Hơn nữa, với sản lượng cao hơn, lực lượng lao động và đội ngũ quản lý được sử dụng hiệu quả hơn, nhờ đó cũng góp phần giảm chi phí sản xuất.

Điểm đáng chú ý là cá bơn là một loài thủy sản rất được ưa chuộng nhưng đắt tiền. Do đó, triển vọng tăng trưởng loài này phụ thuộc nhiều vào giá bán. Việc áp dụng các công nghệ nuôi mới sẽ giúp sản lượng tăng mạnh, đồng thời làm giảm chi phí sản xuất, từ đó tháo gỡ bài toán giá cá bơn trên thị trường.

Nguồn: Vietfish được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.