Điểm sáng sản xuất giống thủy sản

Trạm Thực nghiệm NTTS Cát Tiến (Trung tâm Giống thủy sản Bình Định) đã nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, không chỉ cung ứng cho người NTTS ở Bình Định mà còn chiếm được niềm tin của người nuôi trên cả nước.

Cán bộ Trạm TNNTTS Cát Tiến chăm sóc hàu giống

Mặc dù phải làm việc trong điều kiện cơ sở hạ tầng vô cùng khó khăn, nhưng với lòng đam mê nghề nghiệp, những cán bộ của Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến (huyện Phù Cát, Bình Định) đã lặng lẽ nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, giúp người nuôi nâng cao hiệu quả SX.

Khó khăn không cản được bước tiến

Cách đây gần 10 năm, trong dịp về công tác tại Trạm Thực nghiệm NTTS Cát Tiến (Trung tâm Giống thủy sản Bình Định), tôi đã thật sự thấy choáng với hệ thống cơ sở vật chất quá xập xệ. Bây giờ về lại, đổi thay duy nhất mà tôi nhận ra là cơ sở hạ tầng ấy càng xuống cấp hơn.

Tuy nhiên, trong chừng ấy năm, Trạm đã nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, không chỉ cung ứng cho người NTTS ở Bình Định mà còn chiếm được niềm tin của người nuôi trên cả nước.

“Trạm được thành lập vào năm 2004, cơ sở hạ tầng được tận dụng từ xí nghiệp SX tôm giống để lại, từ đó đến nay chưa được sửa sang gì nên hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Dù vậy, Trạm vẫn được đánh giá là một trong số ít đơn vị hoạt động hiệu quả nhất trên cả nước”, ông Nguyễn Thế Vũ, GĐ Trung tâm Giống thủy sản Bình Định tự hào.

Ba năm sau ngày thành lập, Trạm đã tạo được tiếng vang khi thành công nhân giống cua xanh, một sản vật của đầm Thị Nại đã dần vắng bóng do khai thác quá mức. Từ công nghệ nuôi cua xanh tại Viện Nghiên cứu NTTS III (Khánh Hòa), những cán bộ của trạm đã SX được giống cua này, để trở thành 1 trong 5 đơn vị trong nước SX được giống cua xanh.

Hàu Thái Bình Dương đang được nuôi mạnh tại Bình Định

Ba năm sau, Trạm tiếp tục thành công với giống hàu Thái Bình Dương. Cũng học hỏi kinh nghiệm từ Viện Nghiên cứu NTTS III, bên cạnh thực hiện quy trình kỹ thuật được chuyển giao, các cán bộ của trạm vẫn thể hiện được dấu ấn sáng tạo của mình. Tùy theo thực tế về môi trường, thời tiết, khí hậu, đặc điểm sinh học, những cán bộ của Trạm có những điều chỉnh phù hợp. Quy trình kỹ thuật dần ổn định, mang lại hiệu quả cao. Hiện mỗi tháng trạm SX ít nhất 70.000 hàu giống, lúc cao điểm lên đến 200.000 con.

Ngoài cung cấp cho người nuôi trồng trong tỉnh, con giống cua xanh, cá chẽm, cá bớp, hàu, tôm của trạm còn “xuất ngoại” ra các tỉnh duyên hải miền Trung và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Bây giờ, giống hàu Thái Bình Dương của Trạm có thể cạnh tranh ngang ngửa với con giống của các đơn vị NTTS lớn trong nước.
Bên cạnh cua xanh, cá chẽm, hàu Thái Bình Dương, Trạm còn SX được nhiều giống thủy sản quý, như ốc hương, tôm sú, chình bông, tu hài. Trạm cũng góp phần lưu giữ nhiều loại giống đặc hữu của địa phương, như cá măng Phù Mỹ.

“Điểm tựa” của người nuôi trồng thủy sản

Mấy chục năm gắn với nghề NTTS trên đầm Đề Gi, nằm trên địa bàn xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), ông Thái Văn Triên từng nuôi thử nghiệm đủ con giống trên diện tích 1ha mặt nước, nhưng cuối cùng ông đã “mê tít” giống hàu. Đều đặn mỗi năm ông thả 3 lứa, mỗi lứa 70.000 – 80.000 hàu giống.

“Giống này phát triển tốt lắm, nhanh thu hoạch, giá giống rẻ hơn mua từ nơi khác. Hàu nuôi khoảng 4 tháng rưỡi là đạt 8 – 9 con/kg. Đây là con giống thủy sản phù hợp để phát triển ở vùng này”, ông Triên bộc bạch.

Trạm còn “nuôi mộng” xây dựng mô hình liên kết nuôi hàu theo chuỗi để làm cầu nối tiêu thụ cho người nuôi hàu thương phẩm. Trạm sẽ mua gom hàu thương phẩm của bà con nuôi từ con giống có xuất xứ từ trạm, xử lý bằng nước sạch và tia cực tím để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sau đó cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị để nâng cao giá trị.

Cán bộ Trạm Cát Tiến phải làm việc trong điều kiện cơ sở hạ tầng xập xệ

Theo ông Nguyễn Thế Vũ, hiện cua xanh và cá chẽm cũng được người NTTS trong tỉnh phát triển rất mạnh theo phương pháp quảng canh ở vùng nước lợ và diện tích mặt nước trong vùng hạ và trung triều với khoảng 1.500ha. Tuy nhiên, dù năng lực có thừa, nhưng Trạm Cát Tiến chỉ có thể SX mức độ do điều kiện cơ sở hạ tầng không cho phép. Do đó, con giống thủy sản của Trạm không đủ cung ứng cho người nuôi trồng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Đột phá giống thủy sản

Năm 2017, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thị trường tiêu thụ khó khăn… nhưng ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh Nghệ An vẫn đạt và vượt kế hoạch. Thành công trên được xác định ở khâu đột phá về giống.

Tính đến cuối năm 2017, diện tích nuôi trồng thuỷ sản tại Nghệ An đạt 21.333ha bằng 102% kế hoạch và bằng 103% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó diện tích nuôi nước ngọt 18.926ha, nuôi mặn lợ 2.408ha.

Nuôi tôm thắng lớn

Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản 50.253 tấn bằng 101% kế hoạch và bằng 105% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, sản lượng nuôi ngọt 39.626 tấn, sản lượng nuôi mặn lợ 10.627 tấn.

Diện tích nuôi tôm đạt 2.119ha, trong đó nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) 2.072ha, tôm sú 27ha, chủ yếu là thâm canh, bán thâm canh. Sản lượng tôm 6.582 tấn, bằng 120% kế hoạch và bằng 108% năm 2016, năng suất bình quân 4,5 tấn/ha.

Trong năm 2017, ngành thủy sản Nghệ An triển khai 3 mô hình nuôi TTCT thâm canh không sử dụng kháng sinh, không sử dụng hóa chất, áp dụng VietGAP; 2 mô hình nuôi TTCT thâm canh tuần hoàn khép kín áp dụng VietGAP. Các tổ chức quản lý cộng đồng tại các vùng nuôi tiếp tục được củng cố; nhiều tiến bộ KHKT được người nuôi áp dụng.

Hiện toàn tỉnh có 7 vùng (240ha) nuôi tôm nước lợ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; 5/7 vùng nuôi tôm an toàn sinh học được đánh giá và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều hộ nuôi trồng áp dụng quy trình sản xuất VietGAP cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với các vùng khác từ 20 – 25%. Nhiều vùng nuôi đạt hiệu quả cao như Nam Tiến, Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) với 90% hộ nuôi có lãi từ từ 200 triệu – 2,5 tỷ đồng/hộ. Vùng nuôi Quỳnh Dị, Quỳnh Xuân (TX Hoàng Mai), Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) khoảng 80% số hộ có lãi, mức lãi từ 100 – 500 triệu/hộ, có một số hộ mức lãi từ 1 – 5 tỷ đồng…

Tổng giá trị sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản Nghệ An năm 2017 ước đạt 2.626 tỷ đồng, bằng 129% so cùng kỳ năm 2016.
Nhờ thời tiết thuận lợi, diện tích nuôi cá – lúa đạt 4.511ha bằng 101% so cùng kỳ năm 2016. Nhiều hộ dân ứng dụng lồng nuôi công nghệ vào nuôi cá lồng trên sông, hồ đập mặt nước với trên 70% số lồng nuôi. Số lượng lồng nuôi toàn tỉnh năm 2017 là 696 chiếc, tăng 246 chiếc so năm 2016, tập trung tại các huyện Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu… Các lồng nuôi phát triển mới trong năm đều lắp đặt theo công nghệ cải tiến.

Toàn tỉnh hiện có 13 cơ sở sản xuất giống thủy sản mặn lợ; 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá giống, trong đó 15 cơ sở xếp loại A, 11 cơ sở xếp loại B. Năm 2017 đã có 15.073 con cá; 1.700 con TTCT; 100% số tôm sú bố mẹ được kiểm tra, đạt chất lượng. Toàn tỉnh sản xuất, ương dưỡng được 1.535 triệu con TTCT; 184 triệu tôm sú giống; 31 triệu con cua giống; 1 triệu con cá hồng mỹ, cá bống bớp, cá chim, cá đối. Việc sản xuất ương dưỡng giống thủy sản ở Nghệ An cơ bản đáp ứng được nhu cầu nuôi trên địa bàn và xuất bán các tỉnh lân cận.

Kiểm tra tôm giống TTCT tại Cty Hải Tuấn, phường Quỳnh Dị, TX Hoàng Mai

Trên địa bàn có 6 trại sản xuất cá giống cấp 1 và 7 cơ sở sản xuất giống cấp 2. Đối tượng sản xuất chủ yếu là các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, rô phi. Tổng số lượng cá bố, mẹ đưa vào sinh sản năm 2017 là 15.073 con, gồm 8.809 cá cái, 6.264 cá đực, tổng khối lượng 15.918kg; cá bố mẹ đáp ứng tiêu chuẩn quy định. Sản lượng cá giống sản xuất được năm 2017 đạt 704 triệu con cá bột, 54.885kg cá hương, 312.585kg cá giống.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Khánh Hòa : Ốc móng tay được sản xuất giống nhân tạo thành công

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa vừa nghiệm thu kết quả đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và thử nghiệm nuôi thương phẩm móng tay dày” do Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản III chủ trì thực hiện.
Móng tay dày (hay còn gọi ốc móng tay) là động vật thân mềm, hai mảnh vỏ, có giá trị kinh tế cao.
Kết quả này đã bổ sung thêm một loài thủy sản có thể nuôi trồng cho người dân Khánh Hòa nói riêng và mở rộng ra các vùng nuôi có điều kiện thích hợp trong cả nước.
Móng tay dày (hay còn gọi ốc móng tay) là động vật thân mềm, hai mảnh vỏ, có giá trị kinh tế cao do thịt thơm ngon, giá bán hiện nay khoảng 450.000 đồng/kg. Loài này sử dụng thức ăn là sinh vật phù du và mùn bã hữu cơ nên có tác dụng làm sạch môi trường sinh thái biển.
Với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng, đề tài được thực hiện từ tháng 7/2015 và kéo dài 2 năm, bao gồm các nội dung: Xây dựng quy trình sản xuất giống nhân tạo móng tay dày; chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống móng tay dày cho ngư dân và thử nghiệm các mô hình nuôi thương phẩm tại đầm Nha Phu, đầm Thủy Triều.
Nhóm nghiên cứu đã sản xuất được 50.000 con giống cỡ 2 – 3mm và 5.000 con giống cỡ 10 – 15mm; đưa vào nuôi thương phẩm đạt 20kg/mô hình, sau đó chuyển giao quy trình kỹ thuật cho người dân để đi vào sản xuất.
Ốc móng tay là loại thực phẩm được nhiều người ưa chuộng
Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam