Ngổn ngang… sầu riêng sau bão số 12

Sau cơn bão số 12, hàng trăm héc-ta sầu riêng đang cho thu hoạch ổn định trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) bị gió lốc quật gãy. Nhiều hộ đang có cuộc sống sung túc nhờ loại trái cây đặc sản này bỗng chốc trở nên trắng tay. Buồn trước cảnh vườn cây tan hoang đã đành, nhưng người nông dân còn nhiều nỗi lo phía trước.

Các vườn tan hoang

Đến thôn Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp) những ngày sau bão, chúng tôi thấy một không khí trầm buồn, xót xa. Những cây sầu riêng ngã đổ, lá đã úa màu. Gặp chúng tôi, ông Luân Trung Thắng cố nén tiếng thở dài: “Bây giờ các chú đừng hỏi tôi về sầu riêng. Tôi cũng không muốn ra vườn, bởi cây cối ngổn ngang thế kia lòng tôi chịu không được. Vườn sầu riêng là nguồn thu chính của gia đình, bây giờ bị như thế này…”. Được biết, vườn nhà ông Thắng có 250 gốc sầu riêng có tuổi từ 15 đến 20 năm. Mùa sầu riêng vừa qua, bình quân mỗi cây cho thu nhập 6 triệu đồng. Đặc biệt, có những cây 20 năm tuổi cho thu nhập gấp đôi. Cơn bão đi qua đã làm cây ngã đổ la liệt, gây thiệt hại hoàn toàn 60 gốc sầu riêng. Đó là chưa kể còn một lượng cây khá lớn bị nghiêng gốc, khả năng phục hồi cũng rất thấp.

Vườn sầu riêng nhà ông Trương Nguyên Quốc Việt ở xã Sơn Hiệp cây ngã đổ chỏng chơ, lác đác một vài cây đã được ông Việt cho người cưa dọn. Vườn sầu riêng của ông Việt từng là mô hình điểm trồng xen sầu riêng, cà phê, hồ tiêu từ cách đây gần 30 năm. Với diện tích 2ha vườn, hơn 100 gốc sầu riêng cho thu hoạch từ 10 năm trở lên, nhưng nay bị đổ gần hết. “Mùa vừa qua, gia đình tôi không tốn công chăm sóc nhưng vườn sầu riêng vẫn thu được 120 triệu đồng. 2 tháng trước tôi thuê kỹ sư về chăm sóc, đầu tư hơn 30 triệu đồng mua phân, thuốc để dưỡng cây chuẩn bị cho vụ năm sau. Lúc cây đã đâm nhiều chồi non, hứa hẹn một vụ mùa năng suất thì bão ập đến”, ông Việt tâm sự.

Thôn Liên Hòa và thôn Xóm Cỏ ở xã Sơn Bình lâu nay vẫn nổi danh với tên gọi “làng trang trại”. Bởi nơi đây tập trung khá nhiều trang trại trồng sầu riêng cho năng suất, sản lượng cao. Cơn bão đi qua, hơn 10ha trồng sầu riêng trong vùng với khoảng 2.000 cây cho thu hoạch từ 4 năm nay bị thiệt hại hoàn toàn. Trang trại của ông Đậu Dương Trần Nguyễn (thôn Liên Hòa) có khoảng 1.700 cây sầu riêng giống Mong Thoong đã cho thu hoạch cũng đã có tới 400 cây bị ngã đổ hoàn toàn. Một lượng khá lớn khác bị nghiêng, nhiều khả năng cũng bị chết trong những ngày tới. “Hầu hết những cây đổ là cây lớn, chủ lực trong vườn. Mùa vừa qua, những cây này năng suất bình quân đạt từ 2,5 đến 3 tạ/cây. Với giá bán khoảng 45.000 đồng/kg thì giá trị kinh tế của mỗi cây là rất lớn”, ông Nguyễn cho biết. Ông Nguyễn cũng đã đầu tư 200 triệu đồng mua phân, thuốc, thuê 6 nhân công từ tỉnh Tiền Giang ra và 5 nhân công địa phương chăm sóc cây trong vòng gần 1 tháng trước bão. Việc dưỡng sức cho cây vừa hoàn tất thì bão đến, cây đã bị gió, lốc quật đổ. Cây đổ còn đè lên mấy trăm cây măng cụt, tăng thêm thiệt hại.

Gắng gượng cho những mùa sau

Theo ông Nguyễn Quốc Thái – Chủ tịch UBND thị trấn Tô Hạp, mấy ngày vừa qua, một số hộ có sầu riêng bị ngã đổ đã bắt đầu cắt cành, dựng lại những cây nghiêng 45 độ. Nhưng cách làm này cũng không hiệu quả, vì sầu riêng ra trái bằng cành mà bây giờ cắt cành đi rồi chỉ giúp cây sống lại. “Rất may, không có hộ nào phải vay nợ vì các diện tích sầu riêng này đã cho thu nhập ổn định từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, với những thiệt hại to lớn về cây sầu riêng đã làm nhiều người không còn dám đầu tư trở lại. Nhìn chung, sẽ rất khó khăn và mất nhiều năm để có thể khôi phục lại được diện tích cây sầu riêng như trước đây”, ông Thái nhận định.

Ông Đậu Dương Trần Nguyễn chuyển giống cây sầu riêng để chuẩn bị trồng mới

Quả thật, việc khôi phục lại vườn sầu riêng của những hộ bị thiệt hại trong thời điểm này gặp khá nhiều khó khăn. “Tôi muốn dọn những cây bị ngã đổ để có thể trồng lại, nhưng tiền công thợ cao quá, đến 300.000 đồng/người/ngày. Không có tiền thuê nhân công dọn cây, cho người ta cưa lấy củi mà họ cũng không mặn mà. Bên cạnh đó, hiện nay, giống cây vừa hiếm vừa cao giá. Trước đây cây sầu riêng giống đẹp, đốt đều, chiều cao khoảng 60cm có giá 100.000 đồng/cây. Nhưng hiện nay giống không đẹp, chiều cao 40cm giá đã là 120.000 đồng/cây. Tôi đã đến xã đăng ký mua cây giống, nhưng phải đợi đến tháng Tư năm sau mới có”, ông Việt nói. May mắn hơn ông Việt, hộ ông Nguyễn đã mua được 300 cây giống sầu riêng có xuất xứ từ Bến Tre. Tuy nhiên, nhìn vào chất lượng cây giống với số tiền đã bỏ ra thì ông Nguyễn cũng không mấy hài lòng. “Mình đã thiệt hại, bây giờ muốn khắc phục sớm mà khó khăn về giống. Bây giờ mình cần thì phải mua chứ giống này không được tốt. Với những cây giống này, nếu trồng và chăm sóc tốt thì cũng phải đến 5 năm nữa mới cho trái bói”, ông Nguyễn chia sẻ.

Bên những gốc sầu riêng bị đổ do bão đã có những cây giống mới trồng

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Sau bão, toàn huyện có hơn 110ha sầu riêng bị thiệt hại hoàn toàn, chiếm hơn 20% tổng diện tích. Trong đó, những địa phương bị thiệt hại nặng là: thị trấn Tô Hạp 47ha, Sơn Lâm 24ha, Ba Cụm Bắc 12ha, Sơn Bình 10ha …

Về vấn đề hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại cây sầu riêng do bão, đến thời điểm hiện tại ở Khánh Sơn vẫn chưa có phương án cụ thể. “Theo chế độ hiện hành về việc hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại nông nghiệp do thiên tai, bão lũ đối với các diện tích bị thiệt hại từ 70% trở lên là 4 triệu đồng/ha. Trong khi giống cây sầu riêng tương đối cao, nên nếu có thì sự hỗ trợ đó cũng không đáng kể”, ông Nguyễn Quốc Thái chia sẻ. Còn ông Trần Tấn Chóng – Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết, xã đang cho cán bộ chuyên môn đến từng nhà để người dân đăng ký mua giống. Nhưng việc có cây giống để cung ứng cho người dân cũng phải chờ đến quý I/2018. Còn những hộ nào muốn trồng sớm thì phải tự túc nguồn giống.

Trao đổi với ông Đinh Ngọc Bình – Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, chúng tôi được biết, huyện đang thống kê, kiểm đếm lại diện tích sầu riêng bị thiệt hại sau bão một cách cụ thể. Trên cơ sở đó, sẽ có công văn để trình tỉnh có chính sách hỗ trợ, bởi huyện không chủ động được nguồn kinh phí. Về nguồn giống cung ứng cho người dân cũng phải chờ chính sách của tỉnh, nhưng tiêu chuẩn năm nay đã hết, nên chắc phải chờ đến năm sau mới có thể có giống để cung ứng cho người dân tái sản xuất.

Nguồn: Baokhanhhoa.com.vn được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Khánh Hòa: Bão số 12 gây thiệt hại trên 13.500 tỷ đồng

Theo báo cáo mới nhất của BCH PCTT – TKCC tỉnh Khánh Hòa, cơn bão số 12 khiến toàn tỉnh có 44 người chết cùng nhiều thiệt hại về tài sản, cây trồng, gia súc gia cầm và thủy hải sản, ước tính thiệt hại trên 13.500 tỷ đồng.

Theo đó, Khánh Hòa có 44 người chết, 1 người mất tích; 212 người bị thương; có 2.792 nhà sập hoàn toàn, 114.098 nhà tốc mái; 29.381 ha cây trồng bị thiệt hại. Trong đó có hơn 4.374 ha lúa, 2.066 ha rau màu, 668 ha cây lâu năm, 15.072 ha cây hàng năm, hơn 7.200 ha cây ăn quả.

Về gia súc, gia cầm và thủy hải sản, toàn tỉnh có khoảng 153.204 con gia cầm, 286 con heo và 626 con bò bị cuốn trôi và chết. Diện tích nuôi trồng thủy sản các loại là 133.023 ha, 68.864 lồng nuôi thủy sản bị cuốn trôi, 1.141 tàu thuyền bị đánh chìm.

Ngoài ra, nhiều công trình thủy lợi, giao thông, điện, thông tin liên lạc, trường học, trạm y tế, trụ sở cơ quan, cơ sở sản xuất và cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng nặng.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Tan nát hàng ngàn lồng bè thủy sản vùng tâm bão đi qua

Ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa đang chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề của cơn bão số 12. Hàng ngàn lồng bè nuôi tôm cá bị cuốn trôi, bão đánh phá hư hỏng, nhiều hộ dân thiệt hại hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng.
Huyện Vạn Ninh là địa phương có diện tích nuôi thủy, hải sản lớn của tỉnh Khánh Hòa. Theo UBND huyện Vạn Ninh, tính đến nay, bão số 12 đã khiến gần 12.400 lồng bè thủy sản của địa phương này bị thiệt hại hoàn toàn.
Tại xã Vạn Thắng (Vạn Ninh) có hàng chục hộ nuôi tôm hùm với hàng trăm lồng bè bị bão nhấn chìm hoàn toàn. Không giấu được nỗi buồn, anh anh Lê Thanh Bình (trú thôn Quảng Hội 2, Vạn Thắng, Vạn Ninh) cho biết: “Vụ tôm hùm vừa qua tôi thả nuôi 1000 con tôm hùm giống. Tôm nuôi được 7 tháng rồi. Cơn bão ập đến đã cuốn đi tất cả. Tính cả tiền giống, tiền chi phí thức ăn, làm lồng bè thì nhà tôi đã mất khoảng 1 tỷ đồng”.
Tương tự như gia đình anh Bình, năm nay, chị Trần Thị Hoài (thôn Quảng Hội 2, Vạn Thắng) cũng bị bão cuối trôi, phá hủy lồng bè nuôi 5000 con tôm hùm lớn nhỏ, thiệt hại lên đến gần 3 tỷ đồng.
Ở khu vực Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh) cũng có hàng trăm hộ dân sinh sống bằng nghề khai thác và nuôi trồng thủy hải sản. Trong đó phần lớn là nuôi tôm hùm và cá chim, cá bớp.

Một số hộ gia đình “may mắn” còn lại xác lồng

Chi sẻ với PV, một người dân thôn Đầm Môn cho biết, gia đình chị vay mượn ngân hàng hơn 300 triệu đồng để nuôi tôm hùm, đến nay cũng được hơn 5 tháng tuổi. Bão đến bất ngờ quá, cuốn hết tất cả. Bây giờ cả gia đình chị không biết trông phải trông cậy vào đâu.
Nói trong cay đắng, ông Tư Bụi (Đầm Môn, Vạn Thạnh) cho biết: “Ngay khi có thông tin bão đổ bộ, cán bộ xã và xóm ngay lập tức đã thông báo với bà con để đưa thuyền vào nơi tránh trú. Tuy nhiên toàn bộ tài sản với gần 80 lồng bè nuôi tôm hùm của tôi bão đập nát, ước tính thiệt hại gần 2 tỷ đồng”.
Theo thống kê sơ bộ của BCH PCTT – TKCN tỉnh Khánh Hòa, ngoài huyện Vạn Ninh toàn tỉnh còn có nhiều địa phương nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng như Nha Trang, Ninh Hòa, Cam Ranh… với 22.700 lồng bè nuôi tôm cá bị trôi hoàn toàn và chưa thể thống kê được mức thiệt hại cụ thể.
Một số hình ảnh ghi lại cảnh tan hoang của những lồng bè thủy sản sau bão Con Voi do bà Phan Thị Vân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thủy sản I cùng các cán bộ của Viện có mặt tại hiện trường ghi được:

Theo NNVN, kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

10.000 lồng tôm hùm tan nát sau bão số 12

Cơn bão số 12 Damrey đã đi qua nhưng những thiệt hại mà nó để lại hậu quả khá nặng nề. Thiệt hại nặng nhất là đối với những người ngư dân nuôi trồng thuỷ sản. Hàng trăm gia đình ở xã Xuân Thịnh (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) mất trắng mùa tôm hùm, thiệt hạị hàng trăm tỷ đồng sau khi bão số 12.

Tàu thuyền bị dạt vào trong bờ sau trận bão lịch sử

Nguồn: Zing.vn

Dù không phải là nơi tâm bão đổ bộ nhưng người dân vịnh Xuân Đài vẫn chịu thiệt hại lớn khi hàng nghìn lồng nuôi tôm hùm từ 4 – 7 tháng tuổi, chuẩn bị thu hoạch bị sóng đánh hư hỏng, mất tôm.

Hàng nghìn lồng tôm bị hư hỏng nặng sau cơn bão số 12

Nguồn: Zing.vn

Sau khi bị sóng đánh hư hỏng, nhiều lồng tôm trôi ra biển, dạt vào vách núi và vào bờ thôn Vịnh Hảo, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu. Có lồng tôm bị gió hất lên cành cây, vào nhà dân sống cạnh biển.

Theo anh Nguyễn Văn Thể (thôn Vịnh Hảo, xã Xuân Thịnh), bão số 12 đánh hư tất cả các lồng, số ít còn sót lại được người dân vá lưới để thả lại xuống biển tiếp tục nuôi lại tôm hùm. Mỗi người dân trung bình nuôi 20-30 lồng tôm, có nhà nuôi đến 70-80 lồng. Người dân xã Xuân Thịnh chỉ biết chắt chiu các lồng cũ để vớt vát chút tôm còn sót lại sau khi bão đánh tan cả 1 vùng nuôi tôm lớn ở vịnh Xuân Đài.

Ngư dân mang lồng tôm bị hư hỏng còn sót lại lên bờ vá lưới

Nguồn: Zing.vn

Anh Nguyễn Văn Thể bưng lồng tôm bị hư hỏng lên bờ vá lưới, buộc thép trước khi thả lại xuống biển. “Vụ tôm hùm vừa qua tôi thả nuôi 1.000 con tôm giống. Tôm nuôi được 7 tháng rồi. Cơn bão ập đến đã cuốn đi tất cả. Tính cả tiền giống, tiền chi phí thức ăn, làm lồng bè thì nhà tôi đã mất khoảng 1 tỷ đồng”, anh Thể nói. Theo người dân, lâu nay chưa có cơn bão nào đổ bộ làm lồng tôm hư hỏng, mất sạch tôm như năm nay. Những năm trước trời mưa, lụt lớn nước ngọt đổ ra vịnh thì tôm chết. Lần này tôm vừa mất mà lồng còn hư hỏng, thiệt hại lớn, có nhà mấy tỷ đồng.

Hình ảnh người dân vá lưới

Nguồn: Zing.vn

“Chỉ còn 1 đến 2 tháng nữa gia đình tôi đã thu hoạch tôm hùm rồi, giờ bão cuốn đi sạch. Vừa mất không có tiền bán tôm còn không biết lấy tiền đâu trả ngân hàng. Cả nhà mong còn 1,2 lồng nhưng tìm hoài không còn, mất sạch rồi”, anh Lê Khánh (45 tuổi, thôn Vịnh Hảo) buồn bã. Cũng theo anh, người dân chỉ biết chắt chiu lại những lồng hư hỏng nhẹ để vá lưới, buộc thép thả lại xuống biển tiếp tục nuôi tôm. Nhiều nhà buộc phải làm lại lồng nuôi tôm mới với giá 5-7 triệu/lồng.

Hình ảnh hàng nghìn lồng tôm hùm dính chặt vào nhau cùng trôi dạt vào bờ biển ai cũng quặn lòng

Nguồn: Zing.vn

Theo news.zing.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.