Khánh Hòa: 100 ao nuôi tôm 90 ao trúng đậm, nhiều hộ lãi tiền tỷ

Năm nay thời tiết thuận lợi, tôm thẻ chân trắng thả nuôi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ít xảy ra dịch bệnh, vì thế nhiều nơi bà con thu hoạch có lãi khá. Đặc biệt là do bà con có nhiều năm kinh nghiệm nuôi tôm nên tỷ lệ ao tôm trúng đậm rất cao.
Chúng tôi có mặt tại các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Ninh Phú và phường Ninh Giang (TX Ninh Hòa) khi người nuôi đang thu hoạch vụ thứ 2. Niềm vui thể hiện rõ trên khuôn mặt rám nắng của họ khi 2 vụ liên tiếp có lãi.

Ông Nguyễn Phú, một người nuôi tôm ở khu vực thôn Tiên Du 1, xã Ninh Phú phấn khởi chia sẻ, năm nay hầu hết người nuôi tôm ở đây đều có lãi, trong vụ 1 nuôi 100 ao thì có trên 90 ao bội thu. Tuy nhiên mức lãi nuôi tôm trong ao đất không cao. Người lãi nhiều trên trăm triệu đồng, lãi ít vài chục triệu. Nguyên nhân do người nuôi không dám thả dày kết hợp nuôi cua.

Vụ tôm 2017, nhiều người nuôi ở Khánh Hòa có lãi.

“Với diện tích gần 1ha, tôi chỉ thả khoảng 10 vạn giống/2 vụ, với giá đầu tư 920.000 đồng/vạn con giống, sau khi thu hoạch trừ chi phí còn lãi hơn 50 triệu đồng”, ông Phú chia sẻ.

Ông Nguyễn Phú cho biết qua 2 vụ nuôi tôm hầu hết người nuôi có lãi

Nuôi tôm trong ao đất có mức lãi khiêm tốn, nhưng nuôi ao trải bạt năm nay cho lãi hàng tỷ đồng. Tiêu biểu là hộ anh Lê Minh Chính áp dụng nuôi tôm theo công nghệ biofloc ở khu vực thôn Hang Dơi. Gặp chúng tôi, anh Chính cho biết, vụ 1 gia đình thả 1 triệu giống trong 6.600m2, sau hơn 2 tháng nuôi thu 19 tấn, với kích cỡ tôm đạt từ 40 – 60 con/kg, bán với giá 140.000 đ/kg.

Anh Chính áp dụng nuôi theo công nghệ biofloc.

Còn vụ thứ 2, anh thả 1,5 triệu giống trong 9.600m2, sau 2 tháng nuôi, tôm đạt 70 – 80 con/kg, sản lượng trên 25 tấn, bán với giá 112.000 đ/kg.

Ông Phan Thanh Sinh, Phó Chủ tịch xã Ninh Phú cho biết, toàn xã có khoảng 170ha nuôi tôm, trong đó 4ha nuôi trải bạt. Năm nay ở 2 vụ nuôi bà con đều thả 100% diện tích. Vụ đầu tiên hầu hết người nuôi có lãi, còn vụ thứ 2 đã thu hoạch hơn 50%, trong đó khoảng 15% diện tích có lãi, số còn lại huề vốn.

Tại vùng nuôi tôm ở phường Ninh Giang, người nuôi đã thu hoạch gần kết thúc. Ông Huỳnh Chiếm Đạt, Phó Chủ tịch phường cho hay, toàn phường có 81ha nuôi tôm, qua 2 vụ chỉ có 7,1ha bị dịch bệnh, giảm nhiều so với mọi năm. Số diện tích còn lại bà con thu hoạch đạt 1,5 tấn/ha. Sản lượng cả 2 vụ ước đạt 110 tấn.

“Đây là vụ tôm được mùa hơn mọi năm trước. Việc người nuôi có lãi có thể do thời tiết thuận lợi và tuân thủ thả giống có nguồn gốc, nuôi mật độ thưa. Thêm vào đó, địa phương cũng phối hợp cơ quan chuyên môn tổ chức nhiều lớp tập huấn nuôi tôm an toàn”, ông Đạt chia sẻ.

Tại vùng nuôi tôm trên bạt ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, người nuôi tôm cũng vui mừng không kém vì thu hoạch trúng đậm. Ông Ngô Chín, một người nuôi tôm ở đây cho biết, 2 vụ thả nuôi diễn ra suôn sẻ, rất nhiều hộ lãi tiền tỷ. Gia đình ông có ao nuôi 3.000m2, mỗi vụ thả từ 60 – 80 vạn tôm giống. Sau khi thu hoạch bán sản phẩm, trừ chi phí còn lãi hơn 1 tỷ đồng.

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

 

 

Tìm hiểu về đặc điểm dinh dưỡng của tôm thẻ chân trắng

Đối tượng Tôm thẻ chân trắng là đối tượng có giá trị kinh tế cao nên việc hiện nay người dân từng ngày chú trọng đến kỹ thuật nuôi đến chúng. Và đặc điểm dinh dưỡng cũng là điều ảnh hưởng lớn đến năng suất,chất lượng nuôi Tôm thẻ.

Trong thiên nhiên thức ăn của tôm thay đổi theo từng giai đoạn phát triển và có liên quan mật thiết đến sinh vật phù du và sinh vật đáy. Tôm Chân trắng là động vật ăn tạp

1. Giai đoạn Nauplius

Tôm dinh dưỡng bằng noãn hoàng dự trữ, chưa ăn thức ăn ngoài. Đến cuối N6 hệ tiêu hóa bắt đầu có sự chuyển động nhu động

2. Giai đoạn Zoea

Ấu trùng Zoea thiên về ăn lọc, ăn mồi liên tục, thức ăn là thực vật nổi, chủ yếu là tảo Silic như: Skeletonema costatum, Chaetoceros, Cossinodiscus, Nitzschia, Rhizosolena… Ở giai đoạn này ấu trùng ăn mồi liên tục, thức ăn trong ruột không ngắt quảng, đuôi phân dài cho nên mật độ thức ăn trong môi trường nước phải đạt mật độ đủ cho Zoea có thể lọc mồi liên tục suốt giai đoạn này. Mật độ thức ăn tăng dần từ Z1 đến Z3. Ngoài hình thức ăn lọc là chủ yếu, ở giai đoạn này ấu trùng còn có khả năng bắt mồi chủ động. Khả năng này tăng dần từ Z1 đến Z3­ đặc biệt là cuối Z3 ­­trở đi.

3. Giai đoạn Mysis

Tôm bắt mồi chủ động. Thức ăn chủ yếu là động vật nổi như luân trùng, ấu trùng Nauplius Copepoda, Nauplius artemia, ấu trùng động vật thân mềm… Tuy nhiên, thực tế sản xuất cho thấy ấu trung Mysis vẫn có khả năng ăn được tảo Silic.

4. Giai đoạn Postlarvae

Tôm bắt mồi chủ động. Thức ăn chủ yếu là động vật nổi như: Artemia, Copepoda, ấu trùng của giáp xác, ấu trùng của động vật thân mềm,… Cần chú ý ở giai đoạn này, tôm thích ăn mồi sống nên trong sản xuất nếu cho ăn thiếu N- Artemia, Postlarvae sẽ ăn thịt lẫn nhau.

Cho ăn giai đoạn Post-larvae Tôm thẻ chân trắng

5. Thời kỳ ấu niên đến trưởng thành

Từ thời kỳ ấu niên, tôm Chân trắng thể hiện tính ăn của loài (ăn tạp, thiên về ăn động vật). Thức ăn của tôm là các động vật khác như giáp xác, động vật thân mềm, giun nhiều tơ, cá nhỏ.

Trong sản xuất giống nhân tạo ấu trùng tôm Chân trắng còn được cho ăn các loại thức ăn nhân tạo tự chế biến như lòng đỏ trứng, sửa đậu nành, thịt tôm, thịt hầu và các loại thức ăn nhân tạo sản xuất công nghiệp thường gọi là thức ăn tổng hợp.