Đồng Tháp: Nghiên cứu giống tôm thẻ chân trắng thuần ngọt

Chiều ngày 22/11, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Dương có buổi tiếp và làm việc với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thuỷ sản Nam miền Trung về việc thực hiện thuần dưỡng giống tôm thẻ chân trắng vốn sinh sống ở vùng nước mặn thích ứng với vùng nước ngọt để phù hợp với điều kiện tự nhiên tại Đồng Tháp.

Nghiên cứu giống tôm thẻ chân trắng thuần ngọt

Ông Nguyễn Hoàng Anh – Giám đốc Công ty Thuỷ sản Nam miền Trung cho biết, Công ty cần khoảng 50 ha để đầu tư khu nuôi tôm công nghệ cao, với nhiều mô hình để nông dân tiếp cận quy trình nuôi mới. Cùng với đó là chủ động nguồn tôm giống thuần ngọt tại chỗ, kiểm soát nước thải, môi trường, nguồn nước và thâm canh đối với tôm.

Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Công ty trao đổi về quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, thích ứng nước ngọt

Công ty sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật nuôi tôm cho cán bộ thuỷ sản và người nông dân. Bước đầu, Công ty sẽ hỗ trợ giống và hướng dẫn quy trình để người dân nuôi thử nghiệm – ông Nguyễn Hoàng Anh cho hay.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Dương thống nhất với đề xuất của Công ty và chỉ đạo Ngành nông nghiệp phối hợp với Công ty khảo sát địa điểm đầu tư trên địa bàn tỉnh, xây dựng mô hình trình diễn, theo dõi quá trình thuần ngọt của tôm thẻ chân trắng và chọn 4 – 5 hộ nông dân cùng thực hiện; đồng thời, tổ chức cho cán bộ kỹ thuật và nông dân tham quan thực tế mô hình nuôi tôm của Công ty.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Dương đã khảo sát mô hình sản xuất tôm của Công ty Thuỷ sản Nam miền Trung tại Bình Thuận.

Được biết, Công ty Thuỷ sản Nam miền Trung cũng đang đầu tư tại Long An trại vèo thuần dưỡng giống tôm thẻ chân trắng thích ứng với nước ngọt.

Để nuôi được tôm thẻ chân trắng ở vùng nước ngọt, người dân đã khoan giếng lấy nước ngầm, pha thêm muối ăn và một số khoáng chất vào ao. Việc làm này sẽ ảnh hưởng đến tầng nước ngầm và thải ra môi trường làm mặn hoá vùng trồng lúa gây ảnh hưởng năng suất.

Buổi làm việc với Công ty Thuỷ sản Nam miền Trung nhằm mục tiêu nghiên cứu giống tôm thẻ chân trắng thuần ngọt, phù hợp với môi trường tự nhiên, giải quyết bài toán tạo nước mặn ở vùng nước ngọt để nuôi tôm thẻ chân trắng.

Hiện tại, các quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh đối với quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn áp dụng.

Nguồn: Đồng Tháp GOV được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Thời gian đông máu của tôm

Tác dụng của việc biết thời gian đông máu của tôm để xác định sự hiện diện của vi khuẩn, giúp người nuôi có những biện pháp xử lý kịp thời.

Sự hiện diện của vi khuẩn trong máu tôm được đo bằng thời gian đông máu tôm

Máu của tôm

Động vật bậc thấp như tôm, cua, chuồn chuồn, nhện… máu của chúng chỉ có các tế bào trông giống như bạch cầu ở động vật bậc cao, chứ không chứa các tế bào hồng cầu. Vì thế, máu không có màu đỏ. Một số loài động vật bậc thấp khác (như giun đất, tằm cát…) cũng có máu đỏ, nhưng là do trong huyết tương của chúng có chứa huyết sắc tố (chứ không phải do có hồng cầu).

Một số loài côn trùng khác lại có máu màu vàng hoặc màu xanh lục. Đó là bởi trong huyết tương của chúng có chứa một loại huyết tố có chứa kim loại đồng. Đa số các loài động vật bậc thấp có máu không màu và trong suốt. Các nhà khoa học không gọi đó là máu, mà chỉ coi là một dịch thể

Thời gian đông máu tôm

Sự hiện diện của vi khuẩn trong máu tôm được đo bằng thời gian đông máu tôm. Để kiểm tra thời gian đông máu, lấy vài giọt máu tôm bằng kim tiêm và trải lên lam kính sau đó tính thời gian đông máu tôm. Với tôm khỏe, thời gian đông máu khoảng 10 – 30 giây, nếu thời gian đông máu quá 30 giây có thể cho thấy cơ thể tôm đang nhiễm vi khuẩn.

Nguồn: Contom.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Điều kiện cơ sở vùng nuôi tôm thâm canh đảm bảo ATVSTP

Thông tư 45/2010/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2010 của Bộ NN&PTNT Quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mô hình nuôi tôm của Công ty Trúc Anh tại Bạc Liêu 

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến nuôi thương phẩm tôm sú, tôm chân trắng thâm canh tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nuôi thương phẩm tôm sú, tôm chân trắng quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này. Cơ sở nuôi thương phẩm tôm sú, tôm chân trắng tuân thủ các quy định chung trong Thông tư này và khi kiểm tra theo quy trình GAP (SQF, VietGAP, GlobalGAP, …) sẽ được cơ quan có chức năng cấp chứng nhận nuôi tôm sú, tôm chân trắng đạt cấp độ tương ứng. Tại Điều 6, chương II: Điều kiện cơ sở vùng nuôi có quy định:

Điều kiện về quy trình công nghệ nuôi tôm

Chuẩn bị ao nuôi

a) Trước khi thả giống, cơ sở nuôi tôm phải cải tạo ao nuôi với các biện pháp phù hợp nhằm giảm thiểu mầm bệnh và cải thiện chất lượng đáy ao, bảo đảm thời gian gián đoạn tối thiểu 01 tháng sau mỗi đợt nuôi.

b) Nước cấp vào ao nuôi tôm phải được xử lý nhằm loại bỏ mầm bệnh, địch hại. Nước cấp và nước trong quá trình nuôi tôm phải đảm bảo chất lượng nước theo phụ lục 1 của Thông tư này.

Tuyển chọn con giống và thả giống

a) Tôm giống để nuôi phải đảm bảo chất lượng theo Tiêu chuẩn Việt Nam và những quy định của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn hiện hành; có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan quản lý chuyên ngành.

b) Mật độ thả giống

– Nuôi tôm chân trắng thâm canh: mật độ > 60 con/m2.

– Nuôi tôm sú thâm canh: mật độ > 20 con/m2.

c) Mùa vụ thả giống: tuân thủ lịch mùa vụ hàng năm của địa phương.

Thức ăn và chất bổ sung thức ăn

a) Thức ăn và chất bổ sung thức ăn phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

b) Trường hợp cơ sở tự sản xuất thức ăn cho tôm thì chất lượng thức ăn phải đảm bảo theo quy định của Tiêu chuẩn ngành 28 TCN 102 : 2004 Thức ăn hỗn hợp dạng viên cho tôm sú.

Thuốc, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản phải nằm trong các danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

Quản lý và chăm sóc

a) Mực nước ao nuôi: phải được duy trì thấp nhất 1,4 m.

b) Môi trường ao nuôi: chủ cơ sở nuôi tôm phải định kỳ kiểm tra các chỉ tiêu môi trường nước, bùn đáy ao nuôi theo quy định tại mục I phụ lục 5 của Thông tư này.

c) Cho tôm ăn: khẩu phần ăn của tôm thường từ 2-4% trọng lượng tôm/ngày, tuy nhiên mỗi lần cho ăn người nuôi cần kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn lần sau cho phù hợp; số lần cho tôm ăn 2-4 lần/ngày.

d) Nước thải và chất thải

– Nước thải từ nuôi tôm trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo quy định tai phụ lục 3 của Thông tư này.

Chất thải rắn và bùn đáy ao phải được đưa vào khu chứa riêng biệt, không được xả thải ra môi trường xung quanh khi chưa xử lý.e) Phòng bệnh cho tôm

– Cơ sở nuôi tôm phải xây dựng và thực hiện đúng kế hoạch giám sát sức khoẻ tôm nuôi theo hướng dẫn tại phụ lục 4 của Thông tư này.

– Tôm bệnh, tôm chết và chất thải của ao bị bệnh phải được thu gom, xử lý kịp thời.

Người lao động, dụng cụ, thiết bị tiếp xúc trực tiếp với bùn, nước khi di chuyển từ ao này sang ao khác phải được vệ sinh để ngăn ngừa lây lan mầm bệnh.

Yêu cầu về thu hoạch sản phẩm

Cơ sở nuôi tôm phải ngừng sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trước khi thu hoạch tôm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Vèo Tôm Thâm Canh Trên Bể Composite, Xi Măng Ở Braxin

Hệ thống ương tôm giống thâm canh hoạt động như một bộ phận mở rộng của trại giống ở vùng nuôi có tác dụng rất tốt để hậu ấu trùng (PL) nhanh chóng thích nghi với điều kiện trại nuôi, đồng thời giúp quản lý chặt chẽ chất lượng và sức khỏe PL trước khi thả ra ao nuôi.

Đông bắc Braxin, khu vèo tôm của trại nuôi này được đặt gần các ao nuôi thương phẩm

Trong hệ thống nuôi 1 giai đoạn truyền thống, tôm PL được thả trực tiếp vào ao nuôi thương phẩm để nuôi đến khi thu hoạch. Phương pháp này vẫn rất thịnh hành trên thế giới. Tuy nhiên, hệ thống nuôi 2 giai đoạn với kỹ thuật hiện đại hơn đang dần dần chiếm ưu thế. Hệ thống này áp dụng 1 giai đoạn nuôi trung gian, gọi là ương giống, giữa giai đoạn sản xuất giống và nuôi thương phẩm. Trong những năm 1980, nhiều trại nuôi tôm lớn đã được xây dựng với diện tích các ao ương rộng 0,5 đến 3 ha. Ấu trùng tôm được thả với mật độ từ 0,5 đến 2,5 triệu PL/ha, ương trong 4-5 tuần trước khi chuyển vào ao nuôi thương phẩm.

Phương pháp này làm thay đổi chiến lược sản xuất tôm khi cho phép kiểm soát tốt hơn và dự đoán trước được số lượng tôm. Mặc dù tiến bộ đáng kể so với các hệ thống 1 giai đoạn, nhưng chi phí xây dựng các ao ương rất đắt và cần có diện tích đất lớn để hoạt động giống như khu vực nuôi thương phẩm. Việc vận chuyển tôm giống lớn hơn 0,5 g cũng khó và nhiều rủi ro do quá trình thu hoạch dễ làm tôm bị sốc.

Trong những năm qua, người ta đã thiết kế ao ương trong các khu vực nuôi nhỏ hơn ở các trại giống hoặc nằm gần hay ngay trong phạm vi ao nuôi thương phẩm. Phổ biến nhất trong các trang trại tôm ở Braxin là ương tôm thâm canh trong các bể vòng.

Bể ương thâm canh

Khái niệm bể ương thâm canh có lẽ được phát triển từ hệ thống nuôi tôm siêu thâm canh có nguồn gốc từ Nhật Bản do GS. Kunihiko Shigueno và đồng sự khởi xướng vào những năm 1970. Mặc dù thiết kế và kỹ thuật của 2 hệ thống này gần giống nhau, nhưng phương pháp áp dụng và thực tế lại có nhiều điểm khác nhau.

Trong giai đoạn đầu của việc nuôi tôm, các bể của Shingueno vận hành giống phương pháp nuôi thương phẩm với tỉ lệ thay nước cao và mật độ thả lên tới 100 con/m2. Các bể ương thâm canh được sử dụng để tối ưu hóa việc tiếp nhận, phân phối tôm giống ở các trại nuôi tôm, điều chỉnh số lượng PL thả ao.

Bể ương có chức năng như hồ chứa tạm thời để PL thích nghi dần với môi trường trại nuôi, kiểm kê số lượng và đánh giá chất lượng PL. Các trại ương giúp ngăn ngừa mầm bệnh và mối nguy của các loài địch hại, cho phép phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe và dịch bệnh, đồng thời cũng cải thiện chế độ dinh dưỡng cho PL.

Ưu điểm chính của các bể ương là có thể bắt đầu nuôi thương phẩm từ cỡ tôm giống lớn hơn. Điều này làm giảm rủi ro tài chính, rút ngắn thời gian nuôi thương phẩm, giảm thời gian quay vòng ao nuôi và cuối cùng là tăng sản lượng hằng năm.

Xây dựng, kỹ thuật quản lý

Ở hầu hết các trang trại nuôi tôm, khu vực sản xuất giống thâm canh, bao gồm các bể ương, thường có diện tích từ 100m2 đến 0,5 ha. Hạ tầng cơ bản của bể bao gồm mái che để tránh cho PL tiếp xúc nhiệt độ cao trong giai đoạn thích nghi và di chuyển, chòi để quạt thông gió, máy bơm, máy phát điện và các thiết bị điện khác, phòng chuẩn bị thức ăn và máy đo chất lượng nước, kho bảo quản thức ăn và các thiết bị khác.

Các bể vèo được trang bị hệ thống sục khí liên tục đảm bảo ôxy hòa tan trong nước

Tại trang trại, khu ương giống nên đặt ngay trong khu vực sản xuất, nhưng phải cách ly với các ao nuôi vì vấn đề an toàn sinh học. Khu ương giống phải đặt ở vị trí thuận tiện lấy nước biển sạch từ các kênh nước của trại nuôi. Các bể ương thường được đặt cạnh nhau ở ngoài trời để PL tiếp xúc với những thay đổi của điều kiện tự nhiên. Ở những nơi có nhiệt độ biến động mạnh, có thể xây dựng các bể ương trong nhà để dễ dàng kiểm soát nhiệt độ nước.

Các bể ương có thể hình vuông, chữ nhật hoặc hình tròn (bể vòng). Ở Braxin, các trang trại chủ yếu sử dụng bể vòng do có nhiều ưu điểm hơn so với các hình dạng khác. Vì không có góc cạnh nên các bể vòng tích tụ thức ăn thừa, tảo chết, cặn bã và các chất thải khác ít hơn và làm cho nước lưu thông đều hơn.

Đáy bể vòng lõm ở giữa, ở đó có van thoát nước. Các bể ương có thể làm bằng sợi thủy tinh, mạ kẽm, nhựa PVC mỏng hoặc xây bằng gạch, xi măng. Bể xây bằng gạch xi măng có thể phủ lớp nhựa epoxy, hoặc phủ lớp màng polyetilen dày. Có thể đào sâu hoặc xây bể ở các vị trí có địa hình phẳng. Trong cả 2 trường hợp, khu vực này nên quang đãng, không khí lưu thông tốt và dễ tiếp cận.

Các bể ương thương phẩm có dung tích từ 30-55m2, đường kính trong 5-7m, độ sâu 1m và độ cao tối đa 1,2m. Mỗi bể ương có trang bị hệ thống đường ống nước vào và ra độc lập.

Nước thường được bơm từ các kênh vào ao bằng máy bơm điện. Máy bơm không nên đặt ở các khu vực nước nông hoặc các địa điểm nhiệt độ dễ thay đổi, ứ đọng nước hoặc ô nhiễm do việc thoát nước từ ao nuôi thương phẩm. Nước bơm vào ao nên lấy cùng một nguồn với nước nuôi thương phẩm tôm và tốt nhất là đã lọc qua hệ thống lọc cát và túi lọc 10µ để loại bỏ các chất rắn.

Việc thu hoạch PL thực hiện bằng cách sử dụng một ngăn được xây dựng thấp hơn đáy bể ương. Điều này cho phép thoát nước hoàn toàn và gây ít tác động lên hậu ấu trùng. Ngăn thu hoạch hậu ấu trùng này có trang bị sục khí oxy cho nước và hệ thống thoát nước.

Để thu hoạch tôm, cho nước trong bể ương chảy qua bình lọc bằng gỗ hoặc bằng sợi thủy tinh, có lưới lọc 1.000-2.000µ ở đáy. Khi thu hoạch, đặt bình trong ngăn thu hoạch để giữ tôm ngập trong nước trong suốt quá trình thu hoạch.

Để có thể thường xuyên cung cấp oxy trong nước, các bể ương đều có trang bị máy sục khí 5-10 hp và có hệ thống thông khí. Nguồn điện dự phòng, ví dụ máy phát điện diesel với công tắc tự động rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho hoạt động của bể ương.

Dùng các ống nhựa PVC nối liền nhau gắn cố định vào đáy bể để giúp nước lưu thông. Hệ thống sục khí bằng đá bọt ngày càng phổ biến hơn bởi vì có thể dễ dàng làm sạch và bảo trì. Một số nông trại sử dụng đường ống đặt xung quanh tường bể để tạo dòng nước xoay tròn trong bể. Hệ thống này cũng giúp tập trung cặn bẩn và chất thải rắn ở giữa bể để loại bỏ khi thay nước.

Quản lý quá trình ương

Ở Braxin, thường bắt đầu ương hậu ấu trùng 10 ngày tuổi (PL10) hoặc hơn.

Thả tôm vào bể ương từ 5 ngày đến 15 ngày để thích nghi. Mật độ thả ban đầu khoảng 15-30 PL/lít. Tỉ lệ sống thường cao hơn 95%.

Trước khi thả, làm sạch bể ương, các ống nước và đá bọt bằng hypochlorite 20ppm, dùng bản chải đánh và rửa sạch bằng nước, và hong khô trong 24 giờ. Sau khi đổ đầy nước biển vào bể, bón phân vô cơ để gây màu. Khi cần sinh khối tảo lớn, có thể dùng bình nuôi tảo riêng.

Hậu ấu trùng đang được chuyển từ các bể vèo vào ao nuôi thương phẩm

Khi đưa PL đến trại nuôi, cho tôm thích nghi với độ pH, độ mặn và nhiệt độ trong các bể sợi thủy tinh 1.000 lít trước khi thả trong các bể ương. Sau khoảng hơn 2 giờ sẽ cho ăn.

Trong suốt thời kỳ ương, tôm được ăn với chế độ ăn chất lượng cao, hàm lượng protein thô 40% trở lên, kích thước thức ăn nhở hơn 800µ. Trong những ngày đầu, rải đều thức ăn trong bể, sau đó cho ăn trong các khay.Thay nước không quá 10%/ngày trong tuần đầu tiên để. Trong những ngày tiếp theo, có thể thay nước hằng ngày ở mức 30%. Hút chất thải ở đáy bể qua ống xi-phong.

Khi PL đã đủ điều kiện để chuyển sang ao nuôi thương phẩm, cần kiểm tra sức khỏe và thức ăn trong đường tiêu hóa. Không chuyển giao PL nếu có hiện tượng chết, bệnh hoặc có dấu hiệu bị tổn thương. Có thể sử dụng bể sợi thủy tinh hình nón 100 lít, thường gọi là “tàu ngầm” để chuyển PL vào ao nuôi. Những bể này được trang bị hệ thống thông khí dưới đáy và có thể chứa 500.000 PL26/m3  hoặc 800.000 PL20/m3 trong thời gian 2 giờ.

Nguồn: Global Aquaculture Alliance được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao tròn

Với nhiều ưu điểm như nuôi được với năng suất cao, tốn ít chi phí, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường… hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) trong ao tròn nhỏ, có sử dụng hệ thống xử lý chất thải đáy đang được nhiều trang trại ứng dụng và cho hiệu quả cao.

Ưu điểm

So với những ao nuôi TTCT với diện tích thông thường 2.000 – 5.000 m2, ao nuôi hình tròn, có diện tích nhỏ mang nhiều ưu điểm. Do diện tích ao nhỏ, nên việc thu gom chất thải vào giữa bằng tác động của máy quạt nước rất hiệu quả, việc loại bỏ chất thải ra khỏi ao được thực hiện dễ dàng, nền đáy được kiểm soát trong suốt vụ nuôi, giảm thiểu bùng phát vi khuẩn có hại và khí độc. Rủi ro thiệt hại thấp vì ao nhỏ, xử lý nhanh và dễ dàng. Mặt khác, không bị ô nhiễm bởi hóa chất có hại tồn lưu trong đất, vì đã cách ly đất ở mặt đáy. Quan trọng nhất là giảm thiểu tối đa chi phí sử dụng hóa chất xử lý môi trường. Do không mất nhiều thời gian cải tạo cũng như cho ao nghỉ nên mỗi năm có thể nuôi 3 vụ.

Thiết kế ao

Ao nuôi được thiết kế ở những vị trí đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật như những ao nuôi thông thường. Ao nuôi có hình tròn, diện tích 500 – 2.000 m2, tốt nhất 500 – 1.000 m2. Chiều sâu của ao 2 – 2,2 m, chiều sâu mực nước 1,5 – 2 m. Được trang bị máy quạt nước và máy tạo ôxy đáy. Đáy ao nên được lót bạt hoàn toàn bằng tấm bạt nhựa dày 0,5 mm (bền, có thể sử dụng trên 5 năm), hoặc được đổ xi măng. Ao nuôi không thiết kế cống thoát nước mà sử dụng ống PVC đường kính miệng lớn để cấp thoát nước. Ống PVC được chôn ở vị trí phần giữa đáy ao, nơi chất thải tập trung để hút chất thải ra ngoài. Từ đó nước được hút sang hệ thống xử lý nước, rồi chảy lại vào ao nuôi. Như vậy ao có tính khép kín tốt, đồng thời tránh ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là hệ thống chất thải ô nhiễm phần đáy dưới tác dụng của máy quạt nước, nước quay tròn, giúp tập trung chất thải vào chính giữa và thải liên tục ra ngoài.
Ao lắng có diện tích bằng 30% so diện tích ao nuôi. Lấy nước vào ao lắng qua túi lọc bằng vải dày nhằm loại bỏ ấu trùng tôm, cua, còng… Nước trước khi vào ao nuôi cần được xử lý trong ao lắng bằng Clo, liều lượng 2 kg/1.000 m3 nước để khử trùng, quạt nước liên tục trong 1 ngày, rồi dùng tiếp BKC, liều lượng 2 lít/1.000 m3 nước, sau 2 ngày dùng vôi CaCO3 hòa tan, té xuống nước để ổn định pH, dùng EDTA, liều lượng 5 kg/1.000 m3 để khử kim loại nặng và ổn định độ kiềm. Sau đó lọc qua lưới có kích thước 80 mắt, rồi hút nước vào ao nuôi. Với những ao nuôi từ vụ thứ hai, trước khi thả nuôi nửa tháng, tiến hành rửa ao. Sau đó khử trùng và tiêu diệt các động vật và giáp xác tạp, rồi phơi nắng.

Chuẩn bị ao

Trước khi thả nuôi tôm 10 ngày, tiến hành gây màu nước cho ao nuôi. Phương pháp thứ nhất, sử dụng 2 kg cám gạo hoặc cám ngô, 1 kg bột cá, 2 kg bột đậu nành. Trộn đều hỗn hợp trên, sau đó nấu chín, ủ kín trong 2 – 3 ngày, rồi bón để gây màu, liều lượng 3 – 4 kg/1.000 m3, bón liên tục trong 3 ngày, 7 ngày sau tiếp tục bón bổ sung với liều lượng bằng ½ so với ban đầu. Phương pháp thứ 2, phối trộn theo tỷ lệ 3 kg mật đường, 1 kg cám gạo hoặc cám ngô, 3 kg bột đậu nành, trộn đều, ủ trong 12 giờ. Dùng cám ủ để bón lên màu, liều lượng 2 – 3 kg/1.000 m3 nước, liên tục trong 3 ngày, 7 ngày sau bón bổ sung với liều lượng bằng ½ liều lượng so ban đầu. Thả tôm giống cỡ P15, tôm có màu sắc tươi sáng, đều cỡ, khỏe mạnh, đã qua kiểm dịch. Thả tôm giống vào thời điểm trời mát. Do có chiều sâu lớn, môi trường nuôi được quản lý chặt chẽ, nên có thể nuôi với mật độ cao, vào chính vụ có thể nuôi với mật độ 200 – 300 con/m2, vụ nghịch có thể nuôi với mật độ 120 – 150 con/m2.

Quản lý ao

Thường xuyên thay nước ao nuôi, phụ thuộc vào tình trạng thực tế và từng thời kỳ trong vụ nuôi. Hàng ngày, rút lượng chất thải trong ao thông qua hệ thống ống PVC dưới đáy. Thời kỳ đầu vụ nuôi cấp bù lượng nước thải ra, thời kỳ giữa thay nước tùy theo chất lượng nước, thời kỳ cuối mỗi ngày thay nước khoảng 30 cm/ngày, chất lượng nước kém nên thay trên 50 cm/ngày. Trang bị đầy đủ máy quạt nước và bố trí máy ôxy đáy. Duy trì quạt nước trong 24/24 giờ, máy ôxy đáy có thể dùng cả ngày hoặc chỉ dùng ban đêm, tùy theo tình trạng ao và sức khỏe tôm nuôi, nhưng luôn đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan duy trì ở mức trên 4 mg/lít. Sử dụng thức ăn công nghiệp có chất lượng cao, hàm lượng đạm 32 – 38%, kích cỡ thức ăn theo đúng độ tuổi của tôm. Cho ăn ngày 4 lần vào sáng, trưa, chiều tối. Với ao nuôi tròn nhỏ, rất phù hợp cho việc sử dụng máy cho tôm ăn tự động. Trong quá trình nuôi định kỳ bổ sung khoáng chất vào môi trường nước và Vitamin C, thuốc bổ gan vào thức ăn. Khi nhiệt độ cao hơn 340C và thấp hơn 240C, giảm 20% lượng thức ăn. Thời gian nuôi từ 80 đến 120 ngày, tôm thu có kích thước 40 – 70 con/kg.

Nguồn: Tomvang.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn

Bài viết trình bày chi tiết về quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn cho hiệu quả kinh tế cao.

1. Chuẩn bị ao ương nuôi

– Cải tạo ao

+ Để nuôi TTCT theo hình thức này, người nuôi cần bố trí 1 ao với diện tích từ 500 – 1.000 m2 để ương tôm giống giai đoạn đầu. Đồng thời, bố trí ao nuôi liền kề với ao ương để thuận tiện cho việc san thưa, hạn chế tôm nuôi bị sốc.

+ Trước mỗi vụ tiến hành cải tạo ao nuôi và ao ương theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Đầu tiên, tháo cạn nước ao nuôi và ao ương, sên vét làm sạch đáy ao, loại bỏ các địch  hại có trong ao từ vụ nuôi trước, gia cố bờ ao chắc chắn hạn chế thẩm thấu, mất nước trong ao; sau đó rải vôi CaO lượng 10 – 15 kg/100 m2 tiêu diệt mầm bệnh của vụ nuôi trước.

+ Tiếp theo lấy nước vào ao (sâu 20 – 30 cm), thau rửa 2 – 3 lần, xả khô, rải vôi nông nghiệp (CaCO3) từ 15 – 20 kg/100 m2, sau đó tiếp tục phơi ao 5 – 7 ngày đến khi nứt chân chim thì tiến hành lấy nước.

– Lấy nước và xử lý nước

+ Khuyến cáo người nuôi tôm cần thường xuyên theo dõi chất lượng ngoài kênh rạch trước khi lấy vào ao. Khi quan sát thấy chất lượng nước đảm bảo (nước đứng), tiến hành lấy vào ao lắng (qua túi lọc) cho đầy ao, lắng 3 – 5 ngày.

+ Cấp nước từ ao lắng qua ao ương và ao nuôi (qua túi lọc) đạt 1 – 1,2 m, tiến hành chạy quạt liên tục 3 ngày cho trứng cá và giáp xác nở thì tiến hành xử lý BKC liều lượng 10 – 15 kg/1.000 m3 kết hợp saponine liều lượng 7 – 10 kg/1.000 m3 vào lúc trời nắng để đạt hiệu quả diệt tạp và diệt khuẩn tốt nhất.

– Gây màu nước

+ Áp dụng phương pháp bón phân gây màu theo khuyến cáo của ngành chuyên môn nhằm duy trì mật độ tảo trong ao, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm giống. Phân vô cơ (urê hoặc DAP), bón ngày đầu 2,2 kg/1.000 m2, sau đó giảm dần hoặc dùng cám gạo, bón 1 – 1,2 kg/1.000 m2 trong 1 tuần.

+ Sử dụng chế phẩm sinh học có chứa các dòng vi khuẩn (Lactobacillus, Nitrobacter, Nitrosomonas…) để khống chế vi khuẩn gây bệnh, làm sạch đáy ao, hấp thu khí độc NH3, H2S, NO2… Sau khi gây màu nước nên kiểm tra độ trong của nước ao, khi đạt 35 – 40 cm mới tiến hành thả giống.

2. Tôm giống và phương pháp ương

– Chọn tôm giống

+ Trong nuôi tôm, chất lượng tôm giống là yếu tố quyết định thành công của vụ nuôi. Do vậy, muốn tôm giống thả nuôi có chất lượng đảm bảo cần chọn ở các cơ sở có uy tín, xuất xứ nguồn gốc rõ ràng.

+ TTCT giống phải đảm ứng các yêu cầu cảm quan như: Tôm có chiều dài > 0,8 cm (PL10 – 12), kích cỡ đồng đều, tỷ lệ chênh lệch đàn < 5%, phụ bộ tôm hoàn chỉnh, không dị tật và khả năng bơi ngược dòng tốt. Sau đó, đem tôm giống xét nghiệm đảm bảo âm tính với các bệnh nguy hiểm như: Bệnh còi, đốm trắng, đầu vàng, hoại tử gan tụy cấp tính, Taura.

– Phương pháp ương tôm giống

– Sau khi ao ương đã chuẩn bị hoàn tất, tiến hành ương với mật độ ương phổ biến 100 – 150 con/m2. Thả tôm giống vào thời điểm sáng sớm, thời tiết thuận lợi không ảnh hưởng của mưa bão, nắng nóng kéo dài.

+ Trong thời ương cần tăng cường quản lý, chăm sóc tôm nuôi, theo dõi các yếu tố môi trường ao ương (ôxy hòa tan, pH, nhiệt độ, độ kiềm, độ mặn…) hằng ngày để kịp thời xử lý hiệu quả. Theo dõi khả năng tiêu tốn thức ăn của tôm để điều chỉnh cho phù hợp, thông thường lượng thức ăn cho ngày đầu 1,5 – 2 kg/100.000 post, sau đó tăng 300 – 700 g/ngày.

+ Định kỳ sử dụng vôi CaCO3 liều lượng 10 – 15 kg/100 m3 kết hợp tạt vi sinh cho ao ương, khoáng để ổn định các yếu tố môi trường ao ương.

3. Chăm sóc, quản lý sau khi san nuôi

– Trước khi san cần lưu ý kiểm tra môi trường cả hai ao (ao ương và ao san) đảm bảo sự tương đồng các thông số: độ mặn, pH, độ kiềm, ôxy hòa tan… nhằm hạn chế gây sốc cho tôm nuôi. Ao san cần được diệt khuẩn, gây màu, đảm bảo màu nước, độ trong, các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng thích hợp cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt.

– Sau khi ương được 30 – 40 ngày, tiến hành san ra ao nuôi. Khuyến cáo tiến hành san thưa trong những ngày thời tiết thuận lợi, tốt nhất san thưa vào chiều tối. Thông thường có hai cách san tôm từ ao ương san ao nuôi là đào mương cho tôm tự qua và chày tôm chuyển sang.

– Quản lý tốt việc cho tôm ăn trong quá trình nuôi, thông thường cho ăn từ 4 cữ/ngày, cho tôm ăn theo nguyên tắc “ngày nhiều, đêm ít” với tỷã lệ 6:4. Trong những ngày thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, tôm đang lột xác… giảm lượng thức ăn 30 – 50% lượng thức ăn hằng ngày.

– Hàng ngày quan sát hoạt động bắt mồi và sức khỏe của tôm trong ao, xem biểu hiện bên ngoài của tôm thông qua màu sắc, phụ bộ, thức ăn trong ruột… để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường kịp thời xử lý.

– Trong nuôi thẻ chân trắng, cần độ kiềm > 80 mg/l trở lên bằng cách sử dụng vôi CaCO3 hoặc Dolomite với liều lượng 10 – 15 kg/1.000 m3 kết hợp tạt khoáng cho ao nuôi vào ban đêm 3 – 5 ngày/lần giúp tôm nhanh cứng vỏ và lột xác đồng loạt.

–  Định kỳ 7 – 10 ngày sẽ cấy vi sinh để tăng cường mật độ vi khuẩn có lợi trong ao nuôi. Trường hợp vi khuẩn Vibriospp. cao (sau khi có kiểm tra mẫu nước tại các cơ quan chuyên môn) tiến hành diệt khuẩn ao nuôi trước, sau 1,5 – 2 ngày tạt vi sinh để tạo môi trường thuận lợi cho tôm nuôi sinh trưởng và phát triển.

– Cấp nước bổ sung cho ao nuôi khi thật sự cần thiết vì nếu chất lượng nước không đảm bảo tôm dễ bị sốc. Trường hợp cấp nước bổ sung vào ao nuôi thì nên lấy nước từ ao lắng đã được xử lý cẩn thận và mỗi lần bổ sung 10 – 20% vào sáng sớm hoặc buổi chiều mát.

Nguồn: Tạp chí Thủy sản VN được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với cá điêu hồng

Nghiên cứu này được thực hiện tại tỉnh Nam Định, nhằm đánh giá tác động cũng như tìm ra giải pháp thích hợp để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay.

Tổng quan về mô hình

Cá điêu hồng (Oreochromis sp.) là loài ăn tạp, chúng có thể ăn cả thực vật, động vật thủy sinh, động vật đáy, mùn bã hữu cơ trong ao nuôi và thậm chí cả chất thải của đối tượng nuôi khác. Tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi có nhiều triển vọng và phát triển nhanh không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước có nghề nuôi tôm trên thế giới. Nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với cá điêu hồng sẽ giảm thiểu vi khuẩn gây bệnh như AHPND/EMS (acute hepatopancreatic necrosis disease/Early Mortality Syndrome) (SalgueroGonzález et al., 2016).

Mô hình được thực hiện tại xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong vùng: như hiện tượng xâm thực mặn, ngọt hóa một số thời điểm, một số vùng. Vì vậy, sự phù hợp của mô hình được xem là giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong nuôi trồng thủy sản ở vùng duyên hải.

Quy trình kỹ thuật

Chuẩn bị ao nuôi: Tiến hành tát cạn ao, sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý bùn đen ở đáy ao, phơi đáy 10 – 15 ngày, cày xới đáy ao để loại bỏ khí độc NH3, H2S. Bón vôi cải tạo đáy và bờ ao, nhằm diệt tạp, nâng cao pH, tăng khả năng đệm của nước ao nuôi, phơi đáy ao 3 ngày. Ao có diện tích 2.000 – 2.500 m2 là phù hợp.

Chọn giống: Chọn tôm và cá giống khỏe mạnh, nguồn gốc rõ ràng, cá không bị xây xước, dị tật dị hình… Tôm thẻ chân trắng cỡ 2 – 3 cm/con, cá điêu hồng trọng lượng 5 ± 0,35 g.

Mật độ nuôi: Thả tôm chân trắng với mật độ 100 con/m2. Tôm giống trước khi thả ra ao nuôi được thuần hóa về nước ngọt trên các bể ương 7 – 10 ngày. Cá điêu hồng với mât độ 2 con/m2.

Môi trường: Ở thời điểm thả tôm giống, nước ao có nhiệt độ dao động 22 – 25oC, với ao nước ngọt có độ mặn 0 – 0,5‰, ao nước lợ có độ mặn 5 – 10‰. Ôxy hòa tan được cung cấp bổ sung bằng cách bật quạt nước, mỗi ao nuôi được lắp đặt 2 hệ thống quạt 6 cánh ngay từ tháng nuôi thứ 2. Hàng ngày quạt nước thường được bật ngay từ 21 giờ đêm cho đến 6 giờ sáng hôm sau, trong những ngày thời tiết thay đổi quạt còn được bật ngay cả ban ngày vừa để cung cấp ôxy hòa tan vừa thoát khí độc ra khỏi ao nuôi.

Thức ăn: Thức ăn được dùng cho cá điêu hồng là thức ăn viên nổi có hàm lượng đạm 30 – 35%. Một điểm khác biệt ở đây là tôm thẻ chân trắng trong mô hình được cho ăn thức ăn vịt đẻ hàm lượng đạm 18 – 19% (thức ăn có hàm lượng đạm ít hơn so với các mô hình thông thường).

Cho ăn: Hàng ngày cho ăn 2 lần vào 8 – 9 giờ sáng và 4 – 5 giờ chiều.

Chăm sóc: Sử dụng chế phẩm vi sinh có chứa các chủng loại vi khuẩn có lợi như Bacillus sp., Notrosomonas sp., Nitrobacter sp. Bổ sung 1 lần/tháng trong 2 tháng nuôi đầu và 1 lần/2 tuần trong tháng nuôi cuối. Ngoài ra, cũng cần định kỳ bổ sung mật  rỉ đường. Do nhu cầu độ kiềm cao của tôm thẻ chân trắng khi nuôi trong nước ngọt nhằm tránh hiện tượng mềm vỏ nên sử dụng Dolomite được bón định kỳ 2 lần/tháng.

Trong quá trình nuôi thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, nhiệt độ, ôxy hòa tan được đo 2 lần/ngày vào 6 giờ sáng và 2 giờ chiều, các yếu tố khác như độ mặn, N-NO2, NH2, được đo 1 lần/tuần. Tốc độ sinh trưởng của cá, tôm được kiểm tra định kỳ 1 lần/2 tuần để kịp điều chỉnh lượng thức ăn. Thời tiết nắng nóng chú ý bật quạt nước đều và nâng mức nước lên vào những ngày lạnh.

Thu hoạch và kết quả

Nuôi cá trong vòng 6 tháng đạt cỡ > 800 g/con, nuôi tôm chung với cá trong vòng 3 tháng (một vụ cá kết hợp 2 vụ tôm) đạt cỡ 40 – 60 con/kg, trong khi đó nuôi hoàn toàn tôm thẻ chân trắng cùng thời gian, cho kết quả đạt 60 – 80 con/kg.  Mặc dù, ở mô hình nuôi tôm kết hợp cá diêu hồng này đã sử dụng thức ăn thấp đạm (sử dụng thức ăn nuôi vịt đẻ), cho thấy đây là ảnh hưởng tích cực của việc kết hợp giữa cá điêu hồng với tôm thẻ chân trắng, đã tạo môi trường sinh thái thích hợp cho tôm phát triển, hơn nữa, thức ăn có hàm lượng đạm thấp nhằm mục đích sử dụng triệt để nguồn dinh dưỡng trong ao nuôi, tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi phát triển.

Trong quá trình nuôi, tôm nuôi không bị dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp, giảm chi phí thuốc và hóa chất của mô hình lên tới 30% và mang lại hiệu quả kinh tế tăng đến hơn 2,8 lần. Với mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế 124 – 126 triệu đồng/1.000 m2ao nuôi.

Tuy nhiên, trong mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với cá điêu hồng cũng xuất hiện một số hạn chế cần khắc phục như: Tôm hay bị bệnh mềm vỏ do nước ngọt thường có độ kiềm thấp nên cần tăng cường bổ sung Dolomit cho ao nuôi; chất lượng cá điêu hồng giống thường bị hạn chế về màu sắc và gặp khó khăn trong việc tìm con giống sớm do ảnh hưởng của không khí lạnh khu vực phía Bắc; các hộ nuôi thường thu cá thương phẩm đồng loạt do ảnh hưởng của mùa vụ khi thu hoạch nên phần nào đã bị tác động của thị trường tiêu thụ (cung vượt cầu). Từ đó khiến giá bán không ổn định, thu nhập của người nuôi bấp bênh.

Nguồn: Tạp chí thủy sản VN được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Nuôi tôm trên cạn: Mô hình tương lai

Khoa học công nghệ ngày càng phát triển giúp chúng ta phát minh ra những mô hình mới hiện đại và không tưởng. Nuôi tôm trên cạn hứa hẹn là một là một mô hình tương lai đầy hứa hẹn thay đổi diện mạo ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu vì tính bền vững và hiệu quả.

Một số nước trên thế giới đã thực hiện mô hình này và có những kết quả tốt như: công ty Blue Oasis, trang trại Karlanea Brown…của Mỹ, Công ty Camanor Produtos Marinhos Ltda của Brazil

Nuôi tôm trên cạn tại Mỹ

Trại nuôi tôm trong nhà của Blue Oasis có hệ thống kiểm soát nhiệt độ chặt chẽ

Bắt đầu nuôi tôm siêu sạch trên cạn cách đây 5 năm, đến nay, Công ty Blue Oasis đã tạo dựng tên tuổi trên thị trường tôm Las Vegas bằng những sản phẩm sạch và bền vững nhất.

Trại nuôi tôm của Blue Oasis Pure Shrimp được xây dựng trên mảnh đất khô cằn giữa hoang mạc Mojave, cách Las Vegas 30 dặm. Mỗi lứa, trại nuôi hàng ngàn tôm thẻ giống Thái Bình Dương bằng bể chứa nước mặn trong nhà kín có hệ thống kiểm soát nhiệt độ hiện đại. Nhiều người từng nghĩ, mô hình này quá viển vông và mạo hiểm vì Majave không phải là mảnh đất thích hợp để nuôi trồng. Tuy nhiên, Kevin McManus, Giám đốc diều hành Blue Oasis khẳng định trại nuôi tôm sẽ thành công nhờ công nghệ nuôi hiện đại, độc đáo. Đối tượng khách hàng mà Công ty nhắm tới là các chuỗi nhà hàng, khách sạn hạng sang ở Las Vegas. Với khách hàng này, giá cả không phải là điều tiên quyết, mà tôm phải đảm bảo 3 tiêu chí: bền vững, sinh thái và nội địa.

Nói về quy trình, Kevin chia sẻ: Trại chỉ nuôi tôm trong 120 ngày nhưng luôn kiểm soát chặt chẽ nhiệt độ 800F. Tôm được nuôi bằng hỗn hợp tảo biển và đạm thủy sản, tối đa 12 cữ ăn/ngày; năng suất trung bình 450.000 pound/năm. Blue Oasis tái sử dụng toàn bộ nguồn nước trong quá trình nuôi để tiết kiệm nước tối đa. Công ty sẽ mở rộng trại nuôi tôm ở New York, Dallas, Chicago và những thành phố chính ở Mỹ.

Tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương là đối tượng nuôi thích hợp nhất

Nhân viên kỹ thuật loại bỏ váng bẩn trên mặt bể nuôi

Cho tôm ăn

Giám đốc điều hành Kevin McManus đang kiểm tra nồng độ ôxy hòa tan trong nước

Tôm trưởng thành tại Blue Oasis, thịt săn chắc, thơm và ngọt

Tuy nhiên, hướng tiếp cận nuôi tôm bền vững như mô hình của Brown cũng có hạn chế: hệ thống tái tuần hoàn thường phải sử dụng bột cá làm thức ăn. Nguyên liệu chế biến bột cá chủ yếu từ các loài cá nhỏ, sống theo đàn như cá mòi, cá cơm ngoài khơi biển Thái Bình Dương thuộc Nam Mỹ – vốn được khai thác bằng lưới kéo hoặc các ngư cụ mang tính hủy diệt. Như vậy, đây là nguồn thức ăn nuôi tôm không bền vững. Và để khắc phục tình trạng này, các trại nuôi tôm tại đây không ngừng nghiên cứu để tìm ra nguồn thức ăn thay thế có nguồn gốc thực vật như tảo hoặc đậu nành, côn trùng.

Nuôi tôm trên cạn tại Brazil

Mô hình nuôi tôm trên cạn mật độ cao có thể tái chế nước, không sử dụng kháng sinh của Công ty Camanor Produtos Marinhos Ltda, Brazil được nhiều chuyên gia đánh giá cao và khuyến cáo các quốc gia có điều kiện tự nhiên tương tự nghiên cứu, học hỏi.

Đóng tại Barra – thủ phủ của nghề nuôi tôm Brazil – Công ty Camanor trong quá trình phát triển luôn phải loay hoay nghiên cứu, ứng dụng nhiều mô hình nuôi để đối phó với vấn đề sản xuất tôm không hiệu quả, tôm chết hàng loạt. Năm 2013, Công ty cho ra đời một công nghệ nuôi tôm AquaScience.

Công nghệ AquaScience được phát triển dựa trên sự tích hợp nhiều hệ thống và ý tưởng như sản xuất tôm nước mặn, sản xuất cá rô phi phụ phẩm, tái chế, khử trùng và tái sử dụng nước. Tất cả chúng được kết nối trong một hệ thống nuôi trồng, trong khi vẫn tồn tại độc lập. Với nó, bạn có thể nuôi tôm trên cạn mật độ cao, tái sử dụng nước nhiều lần trong khi vẫn hạn chế được tác hại tới môi trường cũng như việc sử dụng chất hóa học và kháng sinh.

Hệ thống AquaScience gồm khoảng 4.000m2 mặt nước được che bằng lớp lót nhựa PAED, một cống thoát chính, không có sự trao đổi nước. Việc tái chế và tái sử dụng nước diễn ra giữa các chu kỳ nuôi, sử dụng công nghệ biofloc. Việc xử lý chất thải hữu cơ như thức ăn thừa, phân… được thực hiện thông qua quá trình phân rã và phân hủy bởi vi khuẩn. Hệ thống này tái sinh hỗn hợp nitrogen bằng các quá trình sinh học nitrat hóa và khử nitơ, đồng thời tái chế hỗn hợp phốtpho bằng vi khuẩn và tảo.

Điểm đặc biệt của hệ thống này là các chỉ số nước đều rất ổn định. “Sự biến động của ôxy hòa tan chỉ ở mức 0,5mg/L và độ pH là 0,3 trong hơn 24 giờ. Điều này cho phép ao nuôi tránh các tác nhân gây bệnh. Nhiệt độ ao được giữ ở mức 27-280C trong bóng mát” – Werner Jost – Giám đốc điều hành Camanor – nói.

Theo ông Jost, để sản xuất một kilôgam tôm, nếu trang trại nuôi tôm kiểu cũ cần 19.000 lít nước thì hệ thống mới chỉ cần 240 lít. “Trong năm 2013, chúng tôi sản xuất 10 tấn/ha, mỗi con tôm nặng 12g, tỷ lệ sống sót là 90%. Mật độ nuôi là 100 tôm giống/m2. Đến tháng 2/2015, chúng tôi đã sản xuất được 48,5 tấn/ha mỗi chu kỳ nuôi, mỗi con tôm nặng 22g. Mật độ nuôi là 230 con/m2 và tỷ lệ sống sót 95%” – Jost nói. Năm 2016, năng suất tôm đã đạt trên 50 tấn/ha.

Werner Jost cũng cho biết thêm: “Với công nghệ mới này, mỗi năm chúng tôi có thể sản xuất được 4 vụ, nuôi trồng được 300 con/m2”. Trong mô hình này, nước thoát ra từ ao tôm sẽ được xử lý khử nitơ để sau đó đưa vào ao nuôi cá rô phi. Khử nitơ và phốtpho là hai vấn đề khó giải quyết nhất trong hệ thống nuôi tôm; nhưng với AquaScience, kể cả tới lần nước thứ năm sau tái chế, nồng độ nitơ và phốtpho vẫn được bảo đảm. Hơn nữa, mô hình này còn giúp người nuôi quản lý các loại virus gây bệnh cho tôm một cách dễ dàng hơn, tránh được những thiệt hại đáng tiếc.

Với công nghệ này, năm 2016, Camanor đã được Hiệp hội Nuôi trồng thủy sản thế giới trao giải thưởng Người lãnh đạo và đổi mới sáng tạo nghề nuôi trồng thủy sản thế giới.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Nuôi tôm thẻ chân trắng thành công bằng vi sinh + tỏi

Trong điều kiện như hiện nay, việc nuôi tôm (đặc biệt là tôm thẻ chân trắng) ngày càng khó, nhiều người trắng tay trước những biến động của thời tiết, mùa vụ. Tuy nhiên, cũng không ít người thành công sau nhiều phen mạo hiểm mang đầm tôm ra “thử nghiệm”.

Farmtech Vietnam xin chia sẻ kinh nghiệm của anh Nguyễn Ngọc Tuấn (Tấm) ở ấp Trí Đồ, xã Bình Đông, thị xã Gò Công, Tiền Giang  đã nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) thành công bằng vi sinh kết hợp với chanh và tỏi.


Tỏi là chất kích thích miễn dịch tự nhiên cho tôm, với rất nhiều hoạt tính kháng vi khuẩn gram âm và dương, hoạt tính kháng virus, kháng nấm, tăng cường hệ miễn dịch cho động vật thủy sản. Tỏi kích thích quá trình thực bào, đại thực bào. Việc bổ sung tinh dầu tỏi cho động vật thủy sản nuôi có thể gia tăng chỉ số hồng cầu, lượng hemoglobin, bạch cầu và tiểu cầu. Như vậy tỏi dùng trong nuôi thủy sản có thể coi như một chất thay thế kháng sinh và các yếu tố trị liệu hóa học.

Allin và Allicinase là hai chất có sẵn trong tỏi, khi tỏi bị đập dập, hai chất này sẽ kết hợp với nhau tạo thành chất Allicin (một kháng sinh tự nhiên có khả năng kháng khuẩn và nấm). Allicin có khả năng kháng khuẩn bằng 1/5 thuốc Peniciline và bằng 1/10 thuốc Ocytetracylin. Ngoài ra, thành phần của tỏi còn chứa diallyl disulfide, chất này có tác dụng nhanh và mạnh hơn hai dòng kháng sinh Erythromycin và Ciprofloxacin. Bên cạnh đó, tỏi còn có công hiệu trị sán, giun kim, các bệnh nấm.

Sử dụng tỏi để phòng và trị bệnh trên tôm an toàn, hiệu quả

Phương pháp sử dụng

Phòng bệnh phân trắng và chết sớm bằng tỏi

Lấy 10 kg tỏi, lột sạch vỏ rồi giã nhuyễn, để trong 24 giờ đến khi tỏi có màu vàng nghệ. Lấy 10 kg rượu 450 trộn chung với tỏi rồi xay nhuyễn, sau đó cho vào bình đậy kín nắp, 7 ngày sau vắt lấy nước cho tôm ăn. Liều lượng: 10 ml/kg thức ăn, ngày 3 cữ, cho ăn từ lúc mới thả giống đến khi thu hoạch.

Phần bã tỏi trộn với vi sinh E.M và rỉ đường. Liều lượng: 6 kg bã tỏi + 1 lít E.M gốc +1,5 kg rỉ đường, cho vào bình 20 lít, rồi đổ đầy nước sạch. Sau 30 ngày, vắt lấy nước cho tôm ăn với liều lượng 20 ml/kg thức ăn/ngày. Sau quá trình nuôi tôm sử dụng tỏi, thấy đường ruột tôm lớn, tôm không mắc bệnh chết sớm và bệnh phân trắng, TTCT 88 ngày đạt kích cỡ 45 con/kg; tỷ lệ sống 100%, năng suất 15 tấn/ha.

Phòng đục cơ cong thân bằng trái chanh

Chanh có chứa nhiều chất có lợi như axit xitric, canxi, magiê, Vitamin C, flavonoid sinh học, pectin, limonin, kali 248 ml các chất hỗ trợ miễn dịch và kháng khuẩn. Cách sử dụng: Dùng khoảng 50 g chanh trộn với 3 kg thức ăn (hoặc lấy 5 ml nước cốt chanh trộn với 1 kg thức ăn) cho tôm ăn ngày 3 lần.

Vi sinh E.M: E.M là tập hợp các loại vi sinh vật gồm khoảng 80 – 120 loài cả kỵ khí và hiếu khí thuộc 10 chi khác nhau. Chúng bao gồm các vi khuẩn quang hợp (tổng hợp chất hữu cơ từ CO2 và H2O), vi khuẩn cố định Nitơ (sử dụng chất hữu cơ của vi khuẩn quang hợp để chuyển N2 trong không khí thành các hợp chất hữu cơ), xạ khuẩn (sản sinh chất kháng sinh ức chế vi sinh vật gây bệnh và phân giải chất hữu cơ), vi khuẩn Lactic (chuyển hóa thức ăn khó tiêu thành dễ tiêu), nấm men (sản sinh vitamin và các axit amin), các vi sinh vật trong E.M tạo ra một hệ thống vi sinh thái với nhau, chúng hỗ trợ lẫn nhau, cùng sinh trưởng và phát triển.

Trị tảo lam: Sử dụng 30 lít E.M cấp 2 + 10 kg rỉ đường dùng cho 2.000 m3, xử lý 3 ngày liên tục.

Cách làm E.M cấp 2: Sử dụng 1,5 lít E.M cấp 1 + 3 kg rỉ đường cho vào bình chứa 30 lít, để trong mát 7 ngày. Hạn sử dụng E.M cấp 2 từ 3 đến 6 tháng và E.M cấp 1 từ 6 đến 12 tháng.

Để giảm khí độc NH3, H2S và ổn định môi trường nước, sử dụng 30 lít E.M cấp 2 + 6 kg rỉ đường dùng cho 2.000 m3, 2 ngày/lần. Sau khi thu hoạch tôm thấy lượng bùn đáy giảm. Phân tích thấy mật độ vi khuẩn có lợi nhiều, ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Biện pháp miễn dịch tự nhiên cho tôm thẻ từ giấm táo và propionic acid

Dung dịch giấm táo (ACV) và propionic acid có tác dụng điều chỉnh và tăng cường sự biểu hiện của các gen liên quan đến miễn dịch của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei). Đây được kỳ vọng như là một biện pháp miễn dịch tự nhiên cho tôm.

Biện pháp miễn dịch tự nhiên cho tôm thẻ từ giấm táo và propionic acid

Giấm táo là gì?

Giấm táo (dấm táo) hay Apple cider vinegar là một loại giấm làm từ rượu táo. Giấm làm từ táo có có màu nâu nhạt, đậm dần đến lưng chừng màu hổ phách. Là một loại giấm sống chưa được tiệt trùng. Khi chưa lọc, giấm táo có chứa những phân tử dấm mẹ nhìn giống như có một lớp màng mỏng phía trên mặt hoặc có những trầm tích màu nâu đục lắng tụ dưới đáy chai, đó là những phân tử giấm mẹ dạng loãng.

– Khởi đầu giấm được làm bằng những trái táo băm nhỏ hay nước ép táo, pha trộn với đường. Vi khuẩn và nấm men được thêm vào chất lỏng để tạo nên quá trình lên men rượu.

– Trong quá trình lên men kế tiếp, rượu được chuyển thành giấm bởi vi khuẩn tạo nên axit axetic (Acetobacter). Axit axetic và axit malic là tác nhân hình thành vị chua của giấm.

Nghiên cứu ảnh hưởng của ACV và propionic acid lên tôm thẻ chân trắng

Thí nghiệm này được tiến hành để nghiên cứu ảnh hưởng của mức độ khác nhau của ACV và Propionic axit (PA) trên biểu hiện của gen miễn dịch liên quan và hiệu suất tăng trưởng ở tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei).

375 con tôm với trọng lượng ban đầu trung bình là 10,2 ± 0,04 g đã được thu thập và làm quen với môi trường nước trong hai tuần. 5 chế độ ăn thử nghiệm bao gồm chế độ ăn đối chứng, chế độ ăn uống 0,5% PA và chế độ ăn 1%, 2% và 4% ACV được sử dụng để nuôi tôm. Tôm được cho ăn 4 lần một ngày với 2,5% trọng lượng cơ thể.

Kết quả:

Biểu hiện của prophenoloxidase (proPo), lysozyme (Lys), penaeidin-3a (Pen-3a) và gen Crustin (Cru) đã được xác định từ gan tụy, sử dụng real-time PCR sau 15, 30 và 60 ngày. Việc biểu hiện gen Lys và proPo được tăng lên đáng kể trong tôm nuôi bằng khẩu phần ACV và PA so với nhóm đối chứng sau 30 và 60 ngày điều trị.

Sau 15 ngày, biểu hiện gen Pen-3a cao hơn đáng kể ở nhóm PA so với nhóm đối chứng. Ngoài ra, tôm ăn với chế độ ăn 1% & 4% ACV và PA cho thấy Pen-3a tăng lên đáng kể sau 30 ngày.

Ngược lại, sự biểu hiện của Cru đã giảm đáng kể khi đáp ứng với chế độ ăn uống của ACV, nhưng sự biểu hiện của Cru trong tôm được xử lý với khẩu phần PA cao hơn nhóm đối chứng sau 30 và 60 ngày.

Kết luận:

Các kết quả cung cấp bằng chứng cho thấy ACV có thể được sử dụng như một biện pháp miễn dịch tự nhiên cho tôm để điều chỉnh và tăng cường sự biểu hiện của các gen liên quan đến miễn dịch.
Nguồn: NCBI được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam