Giá dịch vụ “ăn theo” nuôi tôm siêu thâm canh tăng mạnh

Với năng suất cao, ít rủi ro, đem lại lợi nhuận gần như gấp đôi so với các hình thức nuôi khác, loại hình nuôi tôm siêu thâm canh hiện nay đã và đang gây “bão” đối với người dân nuôi tôm trên địa bàn. Diện tích tôm nuôi tăng đột biến, kéo theo đó là những dịch vụ phục vụ nuôi tôm cũng có cơ hội “ăn theo”, nhiều nguy cơ tăng chi phí cho người nuôi.

Người nuôi tôm huyện Đầm Dơi đang chuẩn bị mở rộng diện tích nuôi siêu thâm canh khi bước vào chính vụ.

Là địa phương có diện tích nuôi tôm siêu thâm canh chiếm nhiều nhất hiện nay, huyện Đầm Dơi đã tăng lên 322,5 ha với 357 hộ nuôi. Trong khi diện tích đăng ký kê khai ban đầu chỉ 16,7 ha.

Ông Nguyễn Quốc Thống, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi, chia sẻ: “Hiện nay, diện tích này đang tăng lên, đặc biệt chuẩn bị bước vào mùa nắng, mùa thuận của nuôi tôm, diện tích này sẽ mở rộng ồ ạt. Theo đó, dịch vụ xe cuốc, xe ủi để chuẩn bị ao đầm có thể sẽ đẩy giá lên cao”.

Được biết, hiện tại giá xe ủi, xe cuốc cho mỗi héc-ta khoảng 80-100 triệu đồng, tăng 20-40 triệu đồng/ha so với đầu năm. Đó là chưa kể tuỳ vào địa hình, kết cấu đất, nếu đất khó ủi thì chi phí này có khả năng tăng hơn.

Ông Hồ Chí Khanh, ấp Tân An Ninh B, xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi, than thở: “Vụ rồi gia đình đã nuôi được 1 ao với diện tích 1.600 m2, năng suất đạt khoảng 70%, vụ này dự tính sẽ mở rộng thêm 4 ao với diện tích 1,2 ha. Giá xe cuốc, ủi tăng nhiều, trước đây chỉ 60-70 triệu đồng/ha, giờ tăng lên 100 triệu đồng/ha, còn phải đặt cọc trước”.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi, số lượng xe cơ giới để ủi đầm trên địa bàn không nhiều, không đủ phương tiện, giá có thể đội lên 150 triệu đồng/ha.

Là chủ phương tiện xe cuốc, ủi hoạt động trên địa bàn xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi 17 năm qua, anh Huỳnh Trung Sơn cho biết: “Giá cuốc hiện nay đang tăng do nhu cầu nuôi tôm siêu thâm canh đang mở rộng, hiện đã kín lịch, người dân đã đặt trước để vào vụ sẽ bắt đầu ủi đầm. Lo là xe cuốc vùng trên xuống sẽ phá giá. Vì xong vụ họ đi nơi khác, giá nào họ cũng làm được, không lo sợ bị tẩy chay do làm việc không chất lượng”.

Đang chuẩn bị cột bê-tông, ống nhựa, lưới mành cho vụ nuôi tôm sắp tới, anh Hứa Văn Cường, ấp Tân Thành A, xã Tạ An Khương Nam, lo lắng: “Hiện nay mỗi hộ nuôi tôm muốn phát triển loại hình nuôi tôm siêu thâm canh thì hầu hết là tự liên hệ với một công ty nào đó để cung cấp vật tư, quy trình nuôi. Hiện nay, bắt đầu xuất hiện nhiều công ty mới như: Trúc Anh, Nam Á cung cấp bạt, các thiết bị, vật tư khác cho người dân. Giá xe cuốc tuy tăng giá nhưng giá bạt hiện giảm 4.000 đồng/m2 do các công ty cạnh tranh với nhau”.

Biến động về giá vật tư đang là nỗi lo, gánh nặng cho người nuôi tôm, nhưng lo lắng nhất của địa phương vẫn là môi trường nuôi sắp tới đây nhiều khả năng bất ổn nếu như diện tích cứ tăng ồ ạt mà quy trình nuôi không đảm bảo, kiểm soát chặt chẽ.

Ông Thống chia sẻ: “Hiện nay huyện đang tăng cường kiểm tra, thống kê lại các hộ nuôi tôm siêu thâm canh không đủ điều kiện nuôi sẽ không cho tiến hành nuôi mà phải cam kết thực hiện đúng theo quy trình của Sở NN&PTNT đề ra. Đồng thời, để hạn chế sự phát triển quá nhanh diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, các ngành của huyện còn tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân nuôi tôm tìm hiểu kỹ về quy trình kỹ thuật, nguồn vốn, con giống và thực hiện đúng theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT tỉnh về quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh năng suất cao và quy trình nuôi tôm thâm canh năng suất cao theo công nghệ Semi-Biofloc”.

Nguồn: Báo Cà Mau được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi tôm ứng phó với biển đổi khí hậu: Nhiều mô hình quảng canh hiệu quả

Ba huyện ven biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Nhiều nông dân chuyển đổi từ nuôi tôm biển thâm canh sang quảng canh hoặc quảng canh cải tiến. Đặc biệt, có một số nông dân đã áp dụng công nghệ cao chuyển sang nuôi tôm biển thâm canh 2 giai đoạn. Cùng với việc trúng mùa, giá tôm nguyên liệu thời gian qua luôn duy trì ở mức cao, người nuôi có lãi.

Nhờ mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn áp dụng công nghệ cao nên lần đầu tiên tại Thạnh Phú tôm biển đạt năng suất đến hơn 90 tấn/héc-ta/vụ.
Giá cao, Người nuôi có lãi

Từ đầu năm 2017 đến nay, ao nuôi tôm sú quảng canh rộng 3,5ha của ông Nguyễn Văn Yêm ở xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú đã mang về lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. Đây là năm thứ 5 liên tiếp ao tôm đã mang về lợi nhuận như thế. Theo ông Yêm, nuôi tôm sú quảng canh rất… nhàn nhã, vì ban ngày chăm sóc tôm, chiều tối chèo xuồng đi đặt lú. “Nhiều người khuyên tôi nên chuyển qua nuôi tôm thâm canh cho mau giàu. Nhưng tôi nghĩ nuôi tôm thâm canh mà không đủ tiền đầu tư tới nơi tới chốn sẽ dễ bán đất. Sống ở đây hơn 50 năm, tôi đâu còn lạ gì khí hậu thất thường, lắm rủi ro ở xứ biển mình”, ông Yêm chia sẻ.

Không xổ cống vào 2 con nước rằm và 30 như nhiều người nuôi tôm biển quảng canh ở đây, ông Yêm chọn cách đóng chặt cống và đặt lú đều đặn mỗi ngày để thu hoạch tôm sú. Ông Yêm nói: “Mình chủ động chọn độ to nhỏ của lưới để phù hợp với con tôm thiên nhiên hay con tôm sú ở những kích cỡ khác nhau. Làm như vậy sẽ giữ được nguồn nước an toàn cho tôm, vì xung quanh cũng còn không ít người nuôi tôm thâm canh xả nước mang mầm bệnh ra sông. Ngoài ra, con tôm thu hoạch bằng lú sẽ còn sống, bán được cho các quán ăn, nhà hàng với giá đôi khi cao gấp đôi con tôm sú ướp đá”.

Trong khi đó, những nông dân có diện tích đất dưới 1ha tại vùng biển thường áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ quảng canh cải tiến. Bởi, chi phí đầu tư ít hơn so với nuôi thâm canh, khi thành công thì lợi nhuận cao hơn. Đầu năm 2017, anh Võ Văn Thật ở xã An Điền, huyện Thạnh Phú đầu tư hơn 100 triệu đồng để cải tạo 5 vuông nuôi tôm quảng canh thành quảng canh cải tiến. Anh Thật thả với mật độ hơn 200

con/m2. Hai vụ thu hoạch mang về lợi nhuận gần 1 tỷ đồng. “Nuôi tôm quảng canh cải tiến không phải đầu tư nhiều vốn, diện tích đất ít cũng làm được, chỉ cần chịu khó chạy quạt và thu gom thức ăn như cá phân, ốc… có tại địa phương, cùng với ít thức ăn công nghiệp là nuôi được” – anh Thật chia sẻ.

Cùng với việc trúng mùa, năm nay giá tôm biển luôn duy trì ở mức cao. Tôm sú ướp đá cỡ 30 con/kg ở mức hơn 230 ngàn đồng/kg; 40 con/kg hơn 180 ngàn đồng/kg. Riêng tôm sú còn sống loại 30, 40 con/kg giá thường cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với tôm ướp đá; tôm cỡ 50 – 60 con/kg giá luôn trên 125 ngàn đồng/kg, loại 100 con/kg giá trên 100 ngàn đồng/kg. Người nuôi có lãi cao.

Nuôi tôm “sạch”

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú, toàn huyện hiện có trên 18 ngàn héc-ta nuôi tôm biển, trong đó khoảng 1,5 ngàn héc-ta nuôi tôm biển thâm canh và hơn 1,5 ngàn héc-ta nuôi tôm càng xanh xen trong ruộng lúa. Mô hình nuôi tôm quảng canh thích ứng với biển đổi khí hậu đã đạt hơn 220kg/công/năm, tăng hơn 20% so với các năm trước. Năm nay, trên 90% diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện trúng mùa. Bà con đã theo khuyến cáo trở về với các mô hình có khả năng ứng phó tốt với biến đổi khí hậu như nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, luân canh lúa trong ao tôm. Đặc biệt, trong năm nay, có khoảng 100 héc-ta nuôi tôm thâm canh thông thường chuyển sang nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn áp dụng công nghệ cao thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. 3 vụ nuôi trong năm 2017, nhiều hộ dân đã thành công, năng suất đều trên 90 tấn/héc-ta.

Trong vài năm gần đây, diện tích nuôi tôm thâm canh đầu tư giản đơn tại huyện Thạnh Phú giảm đáng kể. Cụ thể, từ diện tích trên 5 ngàn héc-ta của năm 2013 đã giảm xuống còn khoảng 1,5 ngàn héc-ta vào năm nay. Đây là tín hiệu lạc quan, kiểm soát dịch bệnh tại các vùng nuôi được tốt hơn. Chính quyền đã hỗ trợ người dân tiến hành xây dựng nhãn hiệu cho con tôm biển bằng các khuyến cáo không sử dụng thuốc kháng sinh thay vào đó sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch, hữu cơ nhằm phát triển thương hiệu cùng với lúa sạch Thạnh Phú. Huyện cũng hỗ trợ người dân phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại các vùng nuôi tôm sạch, góp phần tăng thu nhập cho người nuôi. Cũng thông qua mô hình này, huyện quảng bá nhãn hiệu lúa sạch cũng như du lịch sinh thái.

“Việc áp dụng các giải pháp để nâng cao năng suất tôm quảng canh là một nhiệm vụ quan trọng của ngành thủy sản trong thời gian tiếp theo. Vì điều đó chẳng những làm cho môi trường nuôi luôn giữ được sức đề kháng cao trước dịch bệnh, thời tiết khó lường hiện nay, mà còn là một tiêu chí quan trọng để các nhà đầu tư hướng đến xây dựng nhà máy chế biến có quy mô lớn tại Bến Tre. Có nhà máy chế biến tại chỗ thì giá trị thu được của người nuôi chắc chắn sẽ nhiều hơn và việc xây dựng, hoàn thiện chuỗi giá trị liên kết đối với con tôm biển sẽ sớm thành công. Ngoài ra, sử dụng vùng nguyên liệu sạch trên cơ sở phát triển tài nguyên bản địa trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung để phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác phát triển du lịch cộng đồng cũng là một nhiệm vụ quan trọng mà ngành nông nghiệp đang thực hiện”, ông Bùi Văn Lâm – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Nguồn: Báo Đồng khởi được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sản xuất giống thủy sản ở Ninh Hòa (Khánh Hòa): Khó gượng dậy sau bão

Trong cơn bão số 12, các vùng sản xuất giống thủy sản ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) với hàng trăm trại ương nuôi bị tàn phá hoàn toàn. Các chủ trại như đang ngồi trên đống lửa khi của cải bị mất hết, con giống chết và đối mặt với cảnh nợ nần.

Thôn Ninh Tịnh (xã Ninh Phước) là vùng sản xuất giống thủy sản chủ lực của thị xã Ninh Hòa. Toàn vùng có khoảng 140 trại sản xuất con giống ốc hương và ngao để cung cấp cho các cơ sở nuôi trong và ngoài tỉnh. Sau bão, bên cạnh hàng trăm hộ nhà bị tốc mái, thì cả một vùng sản xuất giống thủy sản đã bị xóa sổ hoàn toàn. Ông Ngô Đình Đức – chủ một trại sản xuất giống ốc hương cho biết: “Nhà tôi có 5 trại giống bị thiệt hại hoàn toàn. Riêng cơ sở vật chất thiệt hại 1 tỷ đồng, cùng với 15 triệu con ốc giống chưa kịp bán bị cuốn trôi, ước thiệt hại 750 triệu đồng”. Trại sản xuất giống của ông Ngô Văn Huân gần đó cũng bị bão đánh tan tành. Ông Huân là hộ bị thiệt hại nhiều nhất trong vùng với 7 trại sản xuất bị đổ sập, hơn 10 triệu con ốc giống bị chết, ước thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng.

Vùng sản xuất giống thủy sản thôn Ninh Tịnh tan hoang sau bão

Ở vùng ương nuôi cá bớp giống tại thôn Tân Thành và thôn Tân Đảo (xã Ninh Ích), hàng chục cơ sở sản xuất cũng rơi vào cảnh hoang tàn. Ông Nguyễn Văn Tình – chủ một cơ sở cho biết, khi bão vào, ao ương bị sạt lở, máy móc thiết bị bị bão cuốn bay. Mưa lớn khiến cho nước trong đìa ương bị ngọt hóa đột ngột nên toàn bộ cá giống hơn 20.000 con gần xuất bán bị chết, ước thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ông Phạm Ngọc Khánh – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho biết: “Trên địa bàn có 30 hộ ương nuôi cá bớp giống. Các cơ sở này đều bị thiệt hại hoàn toàn sau bão. Một vấn đề đặt ra đối với công tác khôi phục sản xuất của các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn là ngoài lồng bè bị đánh tan, ao đìa bị sạt lở nghiêm trọng, các hộ khôi phục xong cũng không tìm đâu ra giống để tái sản xuất”.

Ông Đặng Cửu – Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thị xã Ninh Hòa cho biết: “Cơn bão số 12 đã khiến cho ngành Thủy sản Ninh Hòa bị thiệt hại nặng. Về diện tích nuôi trồng có 856ha, chủ yếu nuôi tôm, cá, ốc hương bị thiệt hại; 166 bè nuôi thủy sản bị đánh tan; 240 chiếc tàu thuyền bị chìm. Riêng đối với sản xuất giống, trên địa bàn thị xã có 110 cơ sở sản xuất ốc hương giống, 35 trại sản xuất tôm giống, 30 cơ sở sản xuất cá bớp giống, 2 cơ sở sản xuất giống cá nước ngọt, tất cả đều tan hoang sau bão. Giống ương nuôi, chuẩn bị xuất bán gặp mưa, bão đã chết sạch. Việc khôi phục sản xuất của các cơ sở nói riêng và khôi phục sản xuất thủy sản trên địa bàn thị xã nói chung phải mất một thời gian dài nữa mới hồi phục”.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều chủ cơ sở sản xuất giống cho biết, tuy thiệt hại nặng nề nhưng họ vẫn phải gắng gượng, dọn dẹp những gì tan hoang sau bão để tổ chức lại sản xuất. Khó khăn hiện nay là nhân công, vật tư để xây dựng lại các trại khan hiếm, điện để chạy máy chưa có nên trước mắt chưa thể tổ chức sản xuất được. Các cơ sở sản xuất giống đang rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Nguồn: Vietlinh.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thời gian đông máu của tôm

Tác dụng của việc biết thời gian đông máu của tôm để xác định sự hiện diện của vi khuẩn, giúp người nuôi có những biện pháp xử lý kịp thời.

Sự hiện diện của vi khuẩn trong máu tôm được đo bằng thời gian đông máu tôm

Máu của tôm

Động vật bậc thấp như tôm, cua, chuồn chuồn, nhện… máu của chúng chỉ có các tế bào trông giống như bạch cầu ở động vật bậc cao, chứ không chứa các tế bào hồng cầu. Vì thế, máu không có màu đỏ. Một số loài động vật bậc thấp khác (như giun đất, tằm cát…) cũng có máu đỏ, nhưng là do trong huyết tương của chúng có chứa huyết sắc tố (chứ không phải do có hồng cầu).

Một số loài côn trùng khác lại có máu màu vàng hoặc màu xanh lục. Đó là bởi trong huyết tương của chúng có chứa một loại huyết tố có chứa kim loại đồng. Đa số các loài động vật bậc thấp có máu không màu và trong suốt. Các nhà khoa học không gọi đó là máu, mà chỉ coi là một dịch thể

Thời gian đông máu tôm

Sự hiện diện của vi khuẩn trong máu tôm được đo bằng thời gian đông máu tôm. Để kiểm tra thời gian đông máu, lấy vài giọt máu tôm bằng kim tiêm và trải lên lam kính sau đó tính thời gian đông máu tôm. Với tôm khỏe, thời gian đông máu khoảng 10 – 30 giây, nếu thời gian đông máu quá 30 giây có thể cho thấy cơ thể tôm đang nhiễm vi khuẩn.

Nguồn: Contom.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Điều kiện cơ sở vùng nuôi tôm thâm canh đảm bảo ATVSTP

Thông tư 45/2010/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2010 của Bộ NN&PTNT Quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mô hình nuôi tôm của Công ty Trúc Anh tại Bạc Liêu 

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến nuôi thương phẩm tôm sú, tôm chân trắng thâm canh tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nuôi thương phẩm tôm sú, tôm chân trắng quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này. Cơ sở nuôi thương phẩm tôm sú, tôm chân trắng tuân thủ các quy định chung trong Thông tư này và khi kiểm tra theo quy trình GAP (SQF, VietGAP, GlobalGAP, …) sẽ được cơ quan có chức năng cấp chứng nhận nuôi tôm sú, tôm chân trắng đạt cấp độ tương ứng. Tại Điều 6, chương II: Điều kiện cơ sở vùng nuôi có quy định:

Điều kiện về quy trình công nghệ nuôi tôm

Chuẩn bị ao nuôi

a) Trước khi thả giống, cơ sở nuôi tôm phải cải tạo ao nuôi với các biện pháp phù hợp nhằm giảm thiểu mầm bệnh và cải thiện chất lượng đáy ao, bảo đảm thời gian gián đoạn tối thiểu 01 tháng sau mỗi đợt nuôi.

b) Nước cấp vào ao nuôi tôm phải được xử lý nhằm loại bỏ mầm bệnh, địch hại. Nước cấp và nước trong quá trình nuôi tôm phải đảm bảo chất lượng nước theo phụ lục 1 của Thông tư này.

Tuyển chọn con giống và thả giống

a) Tôm giống để nuôi phải đảm bảo chất lượng theo Tiêu chuẩn Việt Nam và những quy định của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn hiện hành; có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan quản lý chuyên ngành.

b) Mật độ thả giống

– Nuôi tôm chân trắng thâm canh: mật độ > 60 con/m2.

– Nuôi tôm sú thâm canh: mật độ > 20 con/m2.

c) Mùa vụ thả giống: tuân thủ lịch mùa vụ hàng năm của địa phương.

Thức ăn và chất bổ sung thức ăn

a) Thức ăn và chất bổ sung thức ăn phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

b) Trường hợp cơ sở tự sản xuất thức ăn cho tôm thì chất lượng thức ăn phải đảm bảo theo quy định của Tiêu chuẩn ngành 28 TCN 102 : 2004 Thức ăn hỗn hợp dạng viên cho tôm sú.

Thuốc, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản phải nằm trong các danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

Quản lý và chăm sóc

a) Mực nước ao nuôi: phải được duy trì thấp nhất 1,4 m.

b) Môi trường ao nuôi: chủ cơ sở nuôi tôm phải định kỳ kiểm tra các chỉ tiêu môi trường nước, bùn đáy ao nuôi theo quy định tại mục I phụ lục 5 của Thông tư này.

c) Cho tôm ăn: khẩu phần ăn của tôm thường từ 2-4% trọng lượng tôm/ngày, tuy nhiên mỗi lần cho ăn người nuôi cần kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn lần sau cho phù hợp; số lần cho tôm ăn 2-4 lần/ngày.

d) Nước thải và chất thải

– Nước thải từ nuôi tôm trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo quy định tai phụ lục 3 của Thông tư này.

Chất thải rắn và bùn đáy ao phải được đưa vào khu chứa riêng biệt, không được xả thải ra môi trường xung quanh khi chưa xử lý.e) Phòng bệnh cho tôm

– Cơ sở nuôi tôm phải xây dựng và thực hiện đúng kế hoạch giám sát sức khoẻ tôm nuôi theo hướng dẫn tại phụ lục 4 của Thông tư này.

– Tôm bệnh, tôm chết và chất thải của ao bị bệnh phải được thu gom, xử lý kịp thời.

Người lao động, dụng cụ, thiết bị tiếp xúc trực tiếp với bùn, nước khi di chuyển từ ao này sang ao khác phải được vệ sinh để ngăn ngừa lây lan mầm bệnh.

Yêu cầu về thu hoạch sản phẩm

Cơ sở nuôi tôm phải ngừng sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trước khi thu hoạch tôm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Phát triển tôm kháng bệnh cho thị trường Châu Á

Công ty Benchmark đã công bố sự phát triển tôm kháng bệnh cụ thể (SPR) sẽ giải quyết các vấn đề mà người nuôi tôm Châu Á đang đối mặt và tôm giống đã sẵn sàng cho sản xuất thương mại.

Phát triển tôm kháng bệnh cho thị trường Châu Á.

Châu Á sản xuất hơn 2.66 triệu tấn tôm thẻ chân trắng, trị giá khoảng 13 tỷ USD với tổng giá trị thị trường tăng trung bình 7% mỗi năm.

Bệnh trên tôm bao gồm White Spot (WSSV) và AHPND (trước đây gọi là Hội Chứng Tử vong Sớm – EMS), từng gây ra tổn thất hàng tỷ đô la mỗi năm cho ngành tôm toàn cầu. Riêng ngành tôm Châu Á đã phải chịu thiệt hại 22,5 tỷ đô la Mỹ từ AHPND trong giai đoạn 2009-2016.

Tôm của Benchmark đã chứng minh có sức đề kháng với các bệnh chính như: White Spot, Taura (TSV), NHP (Necrotising Hepatopitis), IHHNV và vibrio và có khả năng kháng AHPND.

Malcolm Pye, Giám đốc điều hành Benchmark cho biết:  “Trong vòng 20 năm, các đội của chúng tôi ở Colombia và Na Uy đã phát triển một loại tôm có khả năng kháng một số bệnh tôm chính. Chúng tôi đang chuyển sang giai đoạn thương mại hóa của công nghệ này đưa nó vào các thị trường sản xuất tôm lớn trên thế giới.”

Nguồn: Thefishsite được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Vì sao tôm chậm lớn?

Tôm chậm lớn hay tôm còi ảnh hưởng rất lớn đến năng suất của vụ nuôi do vậy cần theo dõi trọng lượng tôm hằng ngày để phát hiện kịp thời nguyên nhân làm tôm chậm lớn từ đó đưa ra giải pháp kịp thời.

Tác hại của tôm chậm lớn

1. FRC của tôm cao tốn kém thức ăn.

2. Tôm chậm lớn kéo dài thời gian thu hoạch làm tăng chi phí nuôi.

3. Làm giảm giá trị tôm nuôi, giảm năng suất sản lượng tôm nuôi.

Nguyên nhân và cách phòng bệnh của tôm chậm lớn

1. Chất lượng con giống kém

Nếu nguồn giống bố mẹ cho đẻ càng nhiều lần thì chất lượng tôm giống càng kém hoặc tôm giống kém chất lượng do quá trình chăm sóc, vận chuyển chưa đúng cách. Do vậy phải lựa chọn tôm giống có chất lượng, tuyệt đối không thả giống trôi nổi trên thị trường.

Phương pháp lựa chọn tôm giống: Lựa chọn con giống của nhà sản xuất có uy tín. Xét nghiệm PCR và test khuẩn trên môi trường thạch. Nếu tôm không đạt chuẩn kiên quyết loại bỏ.

2. Tôm mắc bệnh còi MPV (Monodon Baculovirus) và HPV (Hepatopancreatic virus)

Dấu hiệu tôm bắt mồi kém, vỏ sậm màu, bơi lội lờ đờ, dễ bị ký sinh trùng hoặc rong bám, nặng hơn chết rải rác trong thời gian nuôi.

Chưa có biện pháp trị: Ngay khi phát hiện tôm bệnh phải bắt bỏ những con tôm bị còi ra khỏi ao bằng cách đặt chà ( dùng rò tre nhỏ bỏ cành cây lá khô, dụ bắt tôm còi)

Biện pháp phòng:

+ Không dùng tôm giống có nhiễm mầm bệnh MBV.

+ Tẩy dọn ao, bể nuôi như phương pháp phòng chung. Thường xuyên diệt khuẩn môi trường ao nuôi.

+ Nuôi tôm đúng mùa vụ, quản lý chăm sóc tốt, cung cấp đầy đủ thức ăn về chất và lượng. Không để tôm sock trong quá trình nuôi.

+ Kiểm dịch nguồn tôm bố mẹ trước khi cho đẻ.

+ Xử lý nước nguồn nước kỹ trước khi ấp trứng thì có thể sản xuất được đàn tôm Postlarvae không nhiễm virus MBV.

3. Tôm bị bệnh phân trắng

Sau khi tôm bị mắc bệnh phân trắng nếu không kịp thời chữa trị tôm yếu dần khả năng hấp thu chất dinh dưỡng kém làm cho tôm bị chậm lớn.

Khi phát hiện tôm bị bệnh phân trắng cần có biện pháp điều trị kịp thời.

4. Vi bào từ trùng

Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) ký sinh trong tế bào gan tụy của tôm, chúng sử dụng dinh dưỡng, năng lượng dự trữ trong gan tụy khiến cho tôm nuôi không đủ dinh dưỡng cho sự tăng trưởng và lột xác.

Phòng: Xét nghiệm con giống trước khi thả nuôi, tuyệt đối không để cua còng vào ao, diệt giáp xác thật kỹ khi thả nuôi.

Khuyến cáo: sử dụng vôi nóng (CaO) xử lý ao để có thể đạt độ pH đáy ao trong quá trình cải tạo cao hơn 11 – 12 để làm chết mầm bệnh EHP.

5. Mật độ quá dày, sinh khối lớn

Khi nuôi tôm mật độ quá dày, những chất dinh dưỡng cần thiết cung cấp cho tôm không đủ để tôm phát triển và lột xác.

Khuyến cáo: nuôi tôm thâm canh thì mật độ thích hợp là dưới 100con/m2. Định kỳ bổ sung khoáng vào thức ăn tôm và khoáng tạt vào ao nuôi. Nếu đánh khoáng nên đánh vào buổi tối.

6. Lạm dụng kháng sinh trong phòng, trị bệnh

Người dân thường sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho tôm và dùng quá liều kháng sinh khi trị bệnh giảm khả năng chuyển hóa thức ăn của tôm làm tôm chậm lớn.

Lưu ý khi sử dụng kháng sinh phòng bệnh cho tôm: dùng đúng liều đúng chu trình 5-7 ngày tránh lờn thuốc. Sau đó cần bổ sung sorbitol 2g/1kg thức ăn nhằm giúp tôm đào thải kháng sinh, sau khi dùng men vi sinh 3 ngày phải cho tôm ăn men đường ruột.

>> Không sử dụng kháng sinh phòng bệnh cho tôm giống và tôm nuôi, vì sẽ gây lờn thuốc và giảm khả năng chuyển hóa thức ăn của tôm.

7. Thức ăn kém chất lượng, chất lượng nước ao nuôi xấu

Thức ăn kém chất lượng cũng là nguyên nhân làm tôm chậm lớn do tôm không đủ dinh dưỡng để tăng trưởng. Do đó phải bảo quản thức ăn đúng nơi quy định. Không được để bao thức ăn dưới sàn đất.

Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường nước (Độ kiềm, Fe, NO2, NH3..) trong ao để nhanh chóng điều chỉnh.

Không được sử dụng thuốc trừ sâu để cải tạo ao.

Trên đây là những nguyên nhân phổ biến làm cho tôm bị chậm lớn, chúc bà con một vụ mùa bội thu.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với cá điêu hồng

Nghiên cứu này được thực hiện tại tỉnh Nam Định, nhằm đánh giá tác động cũng như tìm ra giải pháp thích hợp để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay.

Tổng quan về mô hình

Cá điêu hồng (Oreochromis sp.) là loài ăn tạp, chúng có thể ăn cả thực vật, động vật thủy sinh, động vật đáy, mùn bã hữu cơ trong ao nuôi và thậm chí cả chất thải của đối tượng nuôi khác. Tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi có nhiều triển vọng và phát triển nhanh không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước có nghề nuôi tôm trên thế giới. Nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với cá điêu hồng sẽ giảm thiểu vi khuẩn gây bệnh như AHPND/EMS (acute hepatopancreatic necrosis disease/Early Mortality Syndrome) (SalgueroGonzález et al., 2016).

Mô hình được thực hiện tại xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong vùng: như hiện tượng xâm thực mặn, ngọt hóa một số thời điểm, một số vùng. Vì vậy, sự phù hợp của mô hình được xem là giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong nuôi trồng thủy sản ở vùng duyên hải.

Quy trình kỹ thuật

Chuẩn bị ao nuôi: Tiến hành tát cạn ao, sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý bùn đen ở đáy ao, phơi đáy 10 – 15 ngày, cày xới đáy ao để loại bỏ khí độc NH3, H2S. Bón vôi cải tạo đáy và bờ ao, nhằm diệt tạp, nâng cao pH, tăng khả năng đệm của nước ao nuôi, phơi đáy ao 3 ngày. Ao có diện tích 2.000 – 2.500 m2 là phù hợp.

Chọn giống: Chọn tôm và cá giống khỏe mạnh, nguồn gốc rõ ràng, cá không bị xây xước, dị tật dị hình… Tôm thẻ chân trắng cỡ 2 – 3 cm/con, cá điêu hồng trọng lượng 5 ± 0,35 g.

Mật độ nuôi: Thả tôm chân trắng với mật độ 100 con/m2. Tôm giống trước khi thả ra ao nuôi được thuần hóa về nước ngọt trên các bể ương 7 – 10 ngày. Cá điêu hồng với mât độ 2 con/m2.

Môi trường: Ở thời điểm thả tôm giống, nước ao có nhiệt độ dao động 22 – 25oC, với ao nước ngọt có độ mặn 0 – 0,5‰, ao nước lợ có độ mặn 5 – 10‰. Ôxy hòa tan được cung cấp bổ sung bằng cách bật quạt nước, mỗi ao nuôi được lắp đặt 2 hệ thống quạt 6 cánh ngay từ tháng nuôi thứ 2. Hàng ngày quạt nước thường được bật ngay từ 21 giờ đêm cho đến 6 giờ sáng hôm sau, trong những ngày thời tiết thay đổi quạt còn được bật ngay cả ban ngày vừa để cung cấp ôxy hòa tan vừa thoát khí độc ra khỏi ao nuôi.

Thức ăn: Thức ăn được dùng cho cá điêu hồng là thức ăn viên nổi có hàm lượng đạm 30 – 35%. Một điểm khác biệt ở đây là tôm thẻ chân trắng trong mô hình được cho ăn thức ăn vịt đẻ hàm lượng đạm 18 – 19% (thức ăn có hàm lượng đạm ít hơn so với các mô hình thông thường).

Cho ăn: Hàng ngày cho ăn 2 lần vào 8 – 9 giờ sáng và 4 – 5 giờ chiều.

Chăm sóc: Sử dụng chế phẩm vi sinh có chứa các chủng loại vi khuẩn có lợi như Bacillus sp., Notrosomonas sp., Nitrobacter sp. Bổ sung 1 lần/tháng trong 2 tháng nuôi đầu và 1 lần/2 tuần trong tháng nuôi cuối. Ngoài ra, cũng cần định kỳ bổ sung mật  rỉ đường. Do nhu cầu độ kiềm cao của tôm thẻ chân trắng khi nuôi trong nước ngọt nhằm tránh hiện tượng mềm vỏ nên sử dụng Dolomite được bón định kỳ 2 lần/tháng.

Trong quá trình nuôi thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, nhiệt độ, ôxy hòa tan được đo 2 lần/ngày vào 6 giờ sáng và 2 giờ chiều, các yếu tố khác như độ mặn, N-NO2, NH2, được đo 1 lần/tuần. Tốc độ sinh trưởng của cá, tôm được kiểm tra định kỳ 1 lần/2 tuần để kịp điều chỉnh lượng thức ăn. Thời tiết nắng nóng chú ý bật quạt nước đều và nâng mức nước lên vào những ngày lạnh.

Thu hoạch và kết quả

Nuôi cá trong vòng 6 tháng đạt cỡ > 800 g/con, nuôi tôm chung với cá trong vòng 3 tháng (một vụ cá kết hợp 2 vụ tôm) đạt cỡ 40 – 60 con/kg, trong khi đó nuôi hoàn toàn tôm thẻ chân trắng cùng thời gian, cho kết quả đạt 60 – 80 con/kg.  Mặc dù, ở mô hình nuôi tôm kết hợp cá diêu hồng này đã sử dụng thức ăn thấp đạm (sử dụng thức ăn nuôi vịt đẻ), cho thấy đây là ảnh hưởng tích cực của việc kết hợp giữa cá điêu hồng với tôm thẻ chân trắng, đã tạo môi trường sinh thái thích hợp cho tôm phát triển, hơn nữa, thức ăn có hàm lượng đạm thấp nhằm mục đích sử dụng triệt để nguồn dinh dưỡng trong ao nuôi, tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi phát triển.

Trong quá trình nuôi, tôm nuôi không bị dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp, giảm chi phí thuốc và hóa chất của mô hình lên tới 30% và mang lại hiệu quả kinh tế tăng đến hơn 2,8 lần. Với mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế 124 – 126 triệu đồng/1.000 m2ao nuôi.

Tuy nhiên, trong mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với cá điêu hồng cũng xuất hiện một số hạn chế cần khắc phục như: Tôm hay bị bệnh mềm vỏ do nước ngọt thường có độ kiềm thấp nên cần tăng cường bổ sung Dolomit cho ao nuôi; chất lượng cá điêu hồng giống thường bị hạn chế về màu sắc và gặp khó khăn trong việc tìm con giống sớm do ảnh hưởng của không khí lạnh khu vực phía Bắc; các hộ nuôi thường thu cá thương phẩm đồng loạt do ảnh hưởng của mùa vụ khi thu hoạch nên phần nào đã bị tác động của thị trường tiêu thụ (cung vượt cầu). Từ đó khiến giá bán không ổn định, thu nhập của người nuôi bấp bênh.

Nguồn: Tạp chí thủy sản VN được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Quy trình trồng rong sau đó diệt rong làm thức ăn cho tôm

“Kỹ sư nuôi rong” là tên gọi vui mà bà con đặt cho anh nông dân Lê Ngọc Giao, ấp Đất Sét, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân.

Trong khi nhiều người nuôi tôm thường lạm dụng hoá chất, thì anh Giao lại đi từ yếu tố căn bản là tạo môi trường tự nhiên bằng vi sinh, chế phẩm sinh học. Mất nhiều thời gian tìm hiểu và thực hiện quy trình nuôi rong, rồi lại diệt rong trong đầm nuôi tôm quảng canh cải tiến, anh Giao chia sẻ , đây là khâu quan trọng trong quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến nước tĩnh bền vững. Con tôm cần nhất 3 yếu tố: có thức ăn để sống, có ôxy để thở và môi trường sống rộng rãi, trong lành. 17 năm chuyển dịch cơ cấu sản xuất, thức ăn thiên nhiên không còn, vì vậy đòi hỏi phải tạo nguồn thức ăn cho tôm đối với nuôi quảng canh cải tiến và quảng canh truyền thống.

Anh Lê Ngọc Giao (bìa phải) thường xuyên trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm quảng canh cải tiến cho bà con nông dân

“Yếu tố quan trọng là phải khôi phục các yếu tố tự nhiên, đảm bảo môi trường vì môi trường nước nuôi tôm hiện nay ít nhiều bị ô nhiễm vì chất thải chính từ nuôi tôm và các chất thải công nghiệp khác, thải ra, lấy vào đều bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, bà con thường nóng vội, thả tôm rất dày, có khi chỉ 1 ha nhưng thả đến cả trăm ngàn con giống, vậy mà chừng 2 tháng lại tiếp tục thả nối đuôi. Quá dày, không đủ thức ăn, phát sinh bệnh tật, hậu quả là… thất bại”, anh Giao khẳng định.

Với suy nghĩ làm cách nào vừa có thức ăn tự nhiên cho tôm, vừa cải thiện được môi trường bền vững, với kiến thức tích luỹ được và dựa trên quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến của ngành chuyên môn, anh Giao xây dựng một quy trình nuôi tôm “quảng canh cải tiến bền vững” cho mình và chia sẻ cho bà con xung quanh cùng thực hiện. Nhiều hộ được anh hướng dẫn áp dụng đã thành công ngay vụ nuôi đầu tiên.

Quy trình bền vững

Quy tắc chung của quy trình này là đảm bảo 3 yếu tố: thứ nhất là nuôi thưa, chỉ 1-2 con/m2 để đảm bảo môi trường sống đủ ôxy và thức ăn, hạn chế bệnh tật cho tôm; thứ hai là tạo thức ăn cho tôm nuôi bằng giải pháp tự nhiên. Có thể tận dụng rạ lúa, cỏ khô để thả xuống vuông. Khi cây cỏ phân huỷ sẽ sinh ra các loại sinh vật làm thức ăn cho tôm. Đối với những khu vực vuông nuôi thiếu cỏ khô, gốc rạ như ở huyện Phú Tân hiện nay thì phải thực hiện quy trình tạo rong. Rong sẽ hút chất bẩn do quá trình nuôi tôm thải ra, góp phần cải thiện môi trường và cũng là nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm khi rong chết đi.

Nuôi rong rồi diệt rong làm mồi cho tôm đang được áp dụng rộng rãi trong mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến ở xã Phú Thuận, huyện Phú Tân

Để tạo rong thì dùng chế phẩm sinh học và đạm vô cơ rải đều trên trảng, mỗi công đất chừng 1 kg. Chỉ rải trên một khu vực nhỏ trong vuông tôm thôi, rồi sau đó diệt đám rong này lại tạo rong chỗ khác. Nếu rong mọc hết vuông tôm không khéo tôm lại thiếu ôxy thì tác dụng ngược. Còn cách diệt rong thì dễ, có thể dùng men hoặc thuốc để cắt luồng rong. Rong phân huỷ sẽ tạo nên thức ăn cho tôm. Quy tắc chung là vậy, nếu vuông nuôi có thảm thực vật như cỏ hay năn thì sẽ thực hiện bằng cách khác.

Làm tốt công việc này cũng là đảm bảo cho yếu tố thứ 3 trong quy trình nuôi tôm bền vững, đó là đảm bảo môi trường. Anh Giao nói, trong quá trình cải tạo ao đầm không được dùng hoá chất mà phải sử dụng chế phẩm sinh học, vi sinh. Chỉ sử dụng hoá chất lúc cải tạo ban đầu và diệt tạp.

Vụ nuôi theo quy trình này kéo dài 1 năm, bắt đầu từ khoảng tháng 5 âm lịch hằng năm. Ban đầu phải cải tạo ao đầm triệt để, diệt cá tạp và phơi đất khô. Tiếp đó hứng nước mưa và thực hiện việc tạo rong. Sau đó diệt rong để tạo thức ăn cho tôm rồi tiến hành xử lý nước bằng thuốc diệt khuẩn, tro trấu, khoáng, men vi sinh và thả tôm nuôi. Tôm hầm đất là phù hợp, thả ban đầu khoảng 1 con/m2, sau đó thả bổ sung hằng tháng. Cứ thế, khi lứa nào thu hoạch được thì thu hoạch và thả giống bổ sung nhưng phải đảm bảo mật độ khoảng 2 con/m2. Hằng tháng phải tạt men vi sinh bổ sung trong quá trình nuôi. Điểm đáng lưu ý là nuôi theo quy trình này thì rất ít thay nước, chủ yếu là lấy nước thêm khi mực nước trên ao đầm hụt đi.

Hiệu quả…

Ở ấp Đất Sét và là một trong những hộ được anh Giao hướng dẫn thực hiện nuôi theo quy trình này, đã đạt hiệu quả ngay vụ đầu tiên, ông Tô Ngọc Đẹp cho rằng: “Trước đây, nuôi truyền thống trúng lắm cũng khoảng 50 triệu đồng/ha/năm, thậm chí mấy năm gần đây tôm chết hoài. Bây giờ nuôi theo quy trình này mà thu nhập 50 triệu đồng/ha coi như là thất”.

Ông Phạm Hoàng Phương ở cùng ấp cũng áp dụng theo quy trình này từ giữa năm 2016 trên diện tích 3 ha của gia đình mình. Mức thu nhập đến nay của gia đình đã vượt ngưỡng 100 triệu đồng/ha. Không giấu được sự vui mừng, ông Phương cho biết: “Yếu tố quan trọng là sử dụng các giải pháp hoàn toàn tự nhiên nên tôm nuôi rất mạnh và ổn định, lớn nhanh”.

Hơn 20 hộ dân ở ấp Đất Sét, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân thực hiện theo quy trình này đều có hiệu quả ban đầu. Tất cả bà con đều vô tổ hợp tác để thuận tiện thông tin, trao đổi lẫn nhau. Có lúc thông tin qua điện thoại, có lúc trực tiếp.

Là nông dân thực thụ nhưng anh rất thuần thục cách sử dụng vi sinh, khoáng… Kiểm tra dấu hiệu trên tôm, anh biết nó thiếu thức ăn hay chậm lớn do nguyên nhân gì, từ đó bày cho bà con cách xử lý phù hợp. Anh nhiệt tình đi từ cánh đồng này đến ruộng nọ, từ nhà nọ đến nhà kia để hướng dẫn bà con cách nuôi tôm quảng canh cải tiến bền vững.

Vừa qua, được ngành chuyên môn hỗ trợ để thực hiện quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến nước tĩnh cho 5 hộ, anh Giao lồng ghép thực hiện luôn quy trình của mình. Kết quả, 3 hộ thành công do thực hiện đúng quy trình. Thu hoạch bình quân hơn 100 triệu đồng/ha. 2 hộ thành công chưa cao do thực hiện sai, thả tôm quá dày nên không đủ ôxy, thức ăn.

Kỹ sư Nguyễn Văn Lương, Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân, cho biết: “Về cơ bản quy trình nuôi tôm của anh Giao áp dụng không khác so với quy trình khuyến cáo của ngành chuyên môn nhưng có cải tiến theo hướng phù hợp điều kiện đất đai và thực tế từng vuông nuôi. Điểm quan trọng là nuôi thưa và tạo môi trường tự nhiên lý tưởng cho tôm nuôi sinh sống và có thức ăn, ít thay nước”.

…và nhân rộng

Tiếng lành đồn xa, nhiều bà con ở xã Tân Hưng Tây, Phú Tân, Việt Thắng… đến tìm hiểu, nhờ anh Giao hướng dẫn thực hiện mô hình quảng canh cải tiến bền vững này. Trong đó có cả những người đã từng nuôi công nghiệp thất bại nay muốn trở về mô hình nuôi bền vững hay những nông dân từng nuôi quảng canh truyền thống, giờ muốn nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ông Lê Văn Sơn, ấp Tân Phú, xã Phú Tân, huyện Phú Tân, mấy năm nay tôm thất liên tục. Được anh Giao chuyển giao và hướng dẫn kỹ thuật nuôi quảng canh cải tiến ít thay nước, ông nuôi được hơn 8 tháng, 5 tháng nay đã thu hoạch dần, mỗi tháng cũng hơn chục triệu đồng.

Ông Hồ Hởi, Phó chủ tịch UBND xã Phú Thuận, cho biết: “Xã vừa phối hợp ngành chuyên môn tổ chức hội thảo về mô hình này. Bà con phấn khởi lắm bởi đã có hướng đi cho người nuôi tôm ít vốn, ít kỹ thuật nhưng đất đai rộng. Xã cũng đưa vào kế hoạch trình cấp trên nâng lên thành hợp tác xã để bà con áp dụng mô hình cánh đồng lớn”. “Phải nhân rộng” là câu khẳng định của lãnh đạo xã này, của ngành chuyên môn và nhiều nông dân khác. Đây cũng là điều kiện góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng bền vững, giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu trong điều kiện hiện nay.

Nguồn: Báo Cà Mau được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Những khoáng chất nào cần cho tôm?

Khoáng có vai trò hết sức quan trọng đối với động vật thủy sản, vì nó tham gia trực tiếp vào các quá trình sinh tổng hợp diễn ra bên trong cơ thể vật nuôi.

Do đó, làm thế nào để giúp động vật thủy sản hấp thu đủ lượng khoáng, luôn là vấn đề quan tâm của người nuôi. Khoáng là một nhóm các chất cần thiết và vật nuôi chỉ cần một lượng nhỏ, nhưng nếu thiếu chúng sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và phát triển của vật nuôi. Hiện nay, người ta đã xác định được 16 nguyên tố khoáng đa lượng (Cu, Fe, Mn, Zn, Sn…) và 6 nguyên tố khoáng vi lượng (Ca, Mg, P, Na, K, Cl). Do động vật thủy sản sống trong môi trường nước, có thể hấp thu khoáng qua mang hoặc da, nên rất khó xác định chính xác nhu cầu khoáng. Tuy nhiên, nhu cầu khoáng của động vật thủy sản phụ thuộc vào 3 yếu tố:

• Tình trạng dinh dưỡng  của vật nuôi

• Thành phần và hàm lượng khoáng trong thức ăn

• Nồng độ khoáng trong môi trường nước.

Vai trò một số nguyên tố  Khoáng đối với động vật thủy sản

Trong nuôi trồng thủy sản, nhu cầu về các nguyên tố khoáng Sắt (Fe), Đồng (Cu), Kẽm (Zn), Canxin (Ca), Magie (Mg), Phosphorus (P) được quan tâm nhiều hơn.

Fe

Là thành phần cấu tạo nên Hemoglobin, đóng vai trò vận chuyển máu và hô hấp trên cá. Cá có thể hấp thu Fe qua môi trường, còn nếu bổ sung nên chọn muối có chứa ion Fe 2+ vì sẽ giúp cá dễ  hấp thu hơn. Thiếu sắt sẽ làm số lượng tế bào hồng cầu giảm, gan cá bị vàng. Các loại muối Fe được dùng phổ biến là Sắt (II) choloride (FeCl2), Sắt (II) Sulfat (FeSO4).

Cu

Là thành phần cấu tạo nên Hemocyanin, đóng vai trò vận chuyển máu và hô hấp trên Tôm, góp phần hình thành nên sắc tố melanin.Thiếu Cu tôm sẽ giảm sinh trưởng, giảm lượng Cu trong máu và gan tụy. Tôm có thể hấp thu Cu qua môi trường nước và trong bột cá. Loại muối bổ sung Cu được dùng phổ biến là CuSO4.

Zn

Kẽm giúp tăng khả năng vận chuyển CO2 trên động vật thủy sản, kích thích tiết acid chlohyride (HCl). Thiếu kẽm vật nuôi sẽ giảm sinh trưởng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Loại muối thường dùng để bổ sung Zn là ZnSO4.

Ca

Là thành phần chủ yếu hình thành nên khung xương cá , duy trì áp suất thẩm thấu, tham gia cấu tạo vào chất dẫn truyền thần kinh. Cá có thể hấp thu Ca từ nước qua mang da, thiếu Ca sẽ làm giảm chức năng sinh sản trên cá. Cùng với Mg, Ca tham gia vào quá trình lột xác của tôm, nếu thiếu thì sẽ dẫn đến tôm không lột xác được, chậm lớn. Các muối thường dùng để bổ sung Ca là Calcium lactate (C6H10O6), Tri basic Calcium phosphate (Ca3(PO4)2), Calcium Cacbonate (CaCO3)…

Mg

Là chất xúc tác trong một số phản ứng quan trọng trong hệ thống enzyme. Tôm cá biển dễ hấp Mg từ môi trường nước. Thiếu Mg vật nuôi sẽ giảm ăn, tỉ lệ chết cao. Người ta sử dụng các muối MgSO4.7H2O, K2SO4.2MgSO4 để bổ sung khoáng cho vật nuôi.

P

Tham gia vào quá trình trao đổi năng lượng, sinh trưởng, sinh sản và duy trì sự ổn định của pH trong ao nuôi. Cá tôm không thể hấp thu P qua môi trường nước mà hấp thu trực tiếp từ thức ăn. Khi thiếu P, vật nuôi sẽ giảm sinh trưởng, giảm hiệu quả sử dụng thức ăn, và làm tôm bị mềm vỏ. Do đó người nuôi hết sức lưu ý để bổ sung đủ lượng P cho tôm, cá. Các muối thường dùng để bổ sung P là: KH2PO4, NaH2PO4.

Kết luận

Tùy vào từng giai đoạn phát triển của vật nuôi mà nhu cầu khoáng cho từng giai đoạn sẽ khác nhau. Người nuôi cần chú ý sử dụng các muối có chứa các nguyên tố khoáng ở dạng dễ tan, để giúp vật nuôi hấp thu tốt hơn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Viet Nam.