Lấp lánh ngọc trai hồ Núi Cốc, ý tưởng độc đáo sắp thành hiện thực

Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên) được du khách đánh giá cao bởi phong cảnh huyền ảo, mộng mơ. Giữa lòng non nước, mây núi hữu tình với diện tích 25km², nơi đây vừa mới hình thành một mô hình sản xuất được kì vọng sẽ mang lại giá trị vàng cho dòng sông bạc. Đó là nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc.

Gửi tình yêu vào nước

Khi xem chương trình “Sinh ra từ làng” trên sóng VTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Trịnh Việt Hùng đặc biệt thích thú với mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại Ninh Bình. Vốn là sinh viên trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, ông Hùng đã đề nghị nhà trường phối hợp với địa phương tìm hiểu, ứng dụng.

Mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại hồ Núi Cốc đã đạt được những thành công bước đầu

Ngay sau khi tổ chức đoàn công tác về tận Ninh Bình tham quan, học tập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh xây dựng Dự án ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc.

Ý tưởng độc đáo đã gặp được hoài bão lớn của nhà khoa học. Thạc sỹ Trần Viết Vinh (Khoa Thủy sản, Đại học Nông lâm Thái Nguyên) đã mạnh dạn đứng ra làm chủ nhiệm đề tài. Có một điểm chung giữa ông Hùng và ông Vinh là cả hai đều sinh ra và lớn lên ngay bên bờ hồ Núi Cốc.

Ông Vinh cho biết, sau khi tham quan, học tập tại doanh nghiệp tư nhân Hồng Ngọc Pearl (Yên Khánh, Ninh Bình), nhận thấy, nhân lực sẵn có chắc chắn đảm bảo được việc ứng dụng kỹ thuật cấy ghép ngọc nhân tạo và nuôi trai nước ngọt lấy ngọc.

Một yếu tố đặc biệt khác là năm 2016, các chuyên gia Nhật Bản khảo sát và đánh giá chất lượng ngọc trai thu tại hồ Núi Cốc cao hơn hẳn so với các tỉnh khác ở miền Bắc (dầy, tròn, bóng, kích cơ, không tì vết). Vậy là ông Vinh tự nguyện nhận luôn vai trò là chủ đầu tư thực hiện dự án với tên pháp nhân là Cty TNHH Phát triển nông nghiệp Thảo Vân.

Công ty đã cử 4 kỹ thuật viên về học tập và đào tạo tại Ninh Bình. Đồng thời, thực hiện thu gom trai nguyên liệu từ các sông, hồ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Sau đó tiến hành phân loại, lựa chọn những con đủ tiêu chuẩn để làm trai nguyên liệu cấy. Trai nguyên liệu cấy ngọc được lựa chọn có độ tuổi từ 2 – 6 năm, trọng lượng đạt từ 300g trở lên, hình dạng cân đối.

Có 2 loại trai nguyên liệu là trai xanh cánh mỏng (cho ngọc ánh vàng) và trai đen cánh dày (cho ngọc ánh tím). Ngọc trai tự nhiên phải mất hàng chục năm mới có ngọc. Trong khi đó phương pháp cấy nhân vào cơ thể con trai thì ngọc đạt chất lượng tốt, thời gian lấy ngọc nhanh hơn.

Sau khoảng 18 – 20 tháng là đã thu được ngọc trai. Song hành với việc chuẩn bị nguyên liệu trai cấy ngọc, Cty Thảo Vân cũng xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất gồm các bể nuôi chờ cấy, lồng bè trên hồ để nuôi sau cấy, nhà xưởng, kho bãi… Tháng 4/2017, việc cấy ngọc được thực hiện với số lượng 200 ngàn viên nhân cấy cho 50 ngàn con trai nguyên liệu.

Về kỹ thuật cấy ngọc, ông Vinh say sưa nhân cấy có các loại kích cỡ từ 0,6 – 1cm2. Viên nhân cấy có xuất xứ từ Nhật Bản. Mỗi con trai nguyên liệu có thể được cấy từ 3 – 4 nhân. Trai nguyên liệu sau khi thu mua về phải có thời gian thích ứng với môi trường nuôi mới. Phải hãm sự hoang dã, tức là làm giảm sức khỏe của trai thì mới dễ thao tác cấy nhân. Khi thực hiện cấy, kỹ thuật viên phải thực hiện vô trùng nhà thao tác kỹ thuật; thực hiện nghiêm túc, khắt khe kỹ thuật tách vỏ trai nguyên liệu, cắt tế bào gốc, đặt nhân…

Thạc sỹ Trần Viết Vinh kiểm tra trai cấy nhân trên hồ Núi Cốc

Khu vực nuôi trai nước ngọt lấy ngọc trong lòng hồ Núi Cốc của doanh nghiệp Thảo Vân tại xã Tân Thái (huyện Đại Từ) được bố trí trên diện tích 1ha. Trai sau khi cấy được cho vào bể nuôi từ 20 – 25 ngày.

Để hạn chế trai nhả ngọc, kỹ thuật viên cho vào bể một tỷ lệ dung dịch Flo khiến trai không mở miệng, ắt phải ngậm ngọc. Sau đó, mỗi con trai lại được cho vào một chiếc túi, treo vào lồng bè. Nếu trai nhả ngọc thì vẫn có thể thu được ngọc trong túi đựng. Trai sống lơ lửng, tích lũy phù du, màu mỡ của nước hồ, phủ màng xà cừ lên nhân ngọc. Người nuôi có thể kiểm tra định kỳ, thường xuyên để vệ sinh mảng bám hoặc vi sinh vật gây hại.

Thành công

Ngày ngày, khi hết giờ giảng trên giảng đường hay thực nghiệm cùng sinh viên tại trung tâm thủy sản của trường đại học, thạc sỹ Trần Viết Vinh lại phóng xe máy gần 20km vào khu vực nuôi trai nước ngọt lấy ngọc. Anh cho biết, tỷ lệ trai sống sau cấy ngọc đạt trên 80%. Đó là con số lý tưởng.

Lái thuyền máy đưa chúng tôi ra khu vực lồng bè nuôi trai lấy ngọc giữa lòng hồ, anh giải thích, việc cho trai vào túi, treo vào lồng bè sẽ giúp việc di chuyển khi cần đưa vật nuôi đến vị trí có hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt là dễ dàng trong việc kiểm tra cũng như thu hoạch.

Mang một con trai đã cấy ngọc được 8 tháng, anh thực hiện thao tác mổ để kiểm tra ngọc. 3 viên ngọc trai lấp lánh được lấy ra. Mỗi chúng tôi đều ngạc nhiên, trầm trồ, anh bảo, dù mới được 8 tháng nhưng nhân đã được phủ kín. Tốc độ phủ ngọc của trai nguyên liệu nuôi tại đây được đánh giá là rất nhanh so với các vùng nuôi khác.

Ông Tạ Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên cho biết, qua theo dõi bước đầu, khả năng tạo ngọc của trai được nuôi trong dự án có tốc độ phủ ngọc nhanh, khả năng sinh trưởng nhanh, chất lượng ngọc sáng bóng. Theo dự kiến, đến tháng 10/2018, sẽ thu hoạch được 196.000 viên ngọc trai. Hiệu quả kinh tế đem lại khá cao, chi phí một con trai để nuôi, cấy ghép chỉ hết 35.000 đồng. Song, giá bán hiện tại trên thị trường một viên ngọc trai loại trung bình có giá từ 400.000 – 800.000 đồng, ngọc trai loại đẹp từ 2 – 4 triệu đồng.

Ngoài sản phẩm chính là ngọc trai, vỏ trai còn được tận dụng làm các đồ thủ công mỹ nghệ, thịt trai dùng làm thực phẩm hoặc làm thức ăn chăn nuôi. Nuôi trai lấy ngọc cũng làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước và có thể nuôi kết hợp với các loài thủy sản khác.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Khoa học đánh thức nuôi trồng thủy sản miền Trung

Ngoài nghiên cứu thành công về cá giống bố mẹ, gần đây Viện III đã tiến hành nghiên cứu sản xuất giống các đối tượng nhuyễn thể như trai ngọc nữ, trai tai tượng…

Tôm giống 

Những năm gần đây, với nhiều công trình nghiên cứu khoa học công nghệ nổi bật có ứng dụng cao trong thực tiễn, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã giới thiệu những giống mới, quy trình kỹ thuật nuôi mới giúp các doanh nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ngày một đa dạng hơn về đối tượng nuôi.

Tiến bộ trong sản xuất thức ăn

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS III (Viện III) cho biết, khu vực các tỉnh miền Trung (từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Thuận) hiện có diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên 60.000ha với điều kiện thiên nhiên ưu đãi (độ mặn cao và ổn định quanh năm). Các loại hình thủy vực, đối tượng nuôi, hình thức nuôi khu vực này đang ngày một đa dạng hơn, tuy vậy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng to lớn nơi đây.

Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường về sản phẩm hải sản ngày càng tăng cao, nghề nuôi hải sản ở nước ta đang có xu hướng phát triển nhanh chóng. Trong đó hình thức nuôi công nghiệp đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm định hướng đầu tư, mở rộng diện tích nuôi hải sản công nghiệp ở các địa phương. Do vậy, nhu cầu thức ăn công nghiệp cho nuôi hải sản với số lượng lớn là xu thế tất yếu trong thời gian trước mắt và tương lai.

Mới đây, Viện đã nghiên cứu thành công đề tài “Công nghệ sản xuất thức ăn ương nuôi cá chình” góp phần đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp trong các doanh nghiệp nuôi lớn và một phần sẽ cung cấp thức ăn cho các trang trại có quy mô nhỏ ở các địa phương.

Hiện nay việc nuôi cá chình chủ yếu dựa vào thức ăn tươi, cá tạp tự chế biến (ước tính 100.000 tấn/năm) mang lại tác động xấu đến môi trường cũng như hiệu quả kinh tế. Một số trang trại tiến hành nhập khẩu thức ăn công nghiệp từ nước ngoài, tuy nhiên giá thành cao, thủ tục phức tạp và không chủ động nguồn thức ăn.

Theo ông Ninh, việc nghiên cứu công nghệ sản xuất thức ăn nuôi cá chình từ enzyme và một số nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam là một tiến bộ mới, là bước đột phá trong việc ứng dụng, phát triển ngành sản xuất thức ăn nuôi thủy sản nói chung và lĩnh vực chế biến thức ăn cá chình nói riêng. Do từ trước đến nay chưa có nghiên cứu ứng dụng, công ty hoặc cơ sở nào sản xuất thức ăn cho cá chình từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước có bổ sung enzyme.

Ứng dụng enzyme để sản xuất thức ăn tổng hợp góp phần đảm bảo nghề nuôi phát triển bền vững. Sử dụng nguyên liệu sẵn có trong nước để sản xuất thức ăn, giảm sự phụ thuộc vào thức ăn nhập khẩu, tạo ra sản phẩm hàng hoá có tính cạnh tranh cao (giá thành thấp hơn 20 – 25% so với thức ăn nhập ngoại), làm tăng hiệu quả kinh tế, tăng lợi nhuận cho người nuôi, tiến tới thay thế thức ăn cá tạp nuôi cá chình, góp phần thúc đẩy nghề nuôi cá chình ở nước ta phát triển theo hướng công nghiệp, bền vững.

Ngoài ra, Viện đã xây dựng được quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất thức ăn nuôi cá chình, tạo ra được công thức thức ăn có hiệu quả kinh tế cao, hoàn thiện mô hình thiết bị dây chuyền sản xuất thức ăn công suất 500 kg/giờ, thay thế việc nhập máy móc từ nước ngoài.

Bên cạnh hiệu quả về nghiên cứu tạo ra thức ăn tổng hợp cho cá chình, mới đây Viện III đã xây dựng thành công quy trình nuôi thương phẩm tôm hùm bông bằng thức ăn công nghiệp trong hệ thống bể sử dụng nước tuần hoàn.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh cho hay, sau 2 năm thực hiện, Viện đã thiết kế và vận hành hiệu quả hệ thống nuôi gồm bể nuôi và bể lọc sinh học, và chọn lựa được các thiết bị phụ trợ như máy bơm, máy xử lý nước, máy ổn định nhiệt độ môi trường nuôi, máy cung cấp ô xy nguyên chất, thiết bị lọc…

Bể lọc sinh học sử dụng vật liệu sẵn có trong nước có hiệu suất lọc khá tốt, duy trì ổn định các yếu tố môi trường nuôi phù hợp cho tôm hùm bông phát triển, với tỉ lệ sống của tôm hùm bông nuôi trong bể đạt 70%.

Đến nay, nhóm tác giả bước đầu đã chủ động sản xuất được thức ăn công nghiệp dạng viên sử dụng 100% nguyên liệu sẵn có trong nước, thay thế hoàn thức ăn tươi. Chi phí thức ăn để sản xuất 1kg tôm hùm bông ước tính 300.000 – 400.000 đồng/kg tùy vào cỡ tôm.

Ông Ninh cho biết thêm, nuôi tôm hùm trong bể tuần hoàn nước bằng thức ăn công nghiệp là mô hình nuôi tiên tiến, chủ động kiểm soát chất lượng đầu vào (nước, thức ăn) do đó giúp giảm thiểu dịch bệnh và tạo sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mô hình nuôi trong bể giúp hạn chế được rủi ro như bão, lũ lụt, ô nhiễm môi trường, ít lệ thuộc vào thiên nhiên là hướng đi phù hợp để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm của Việt Nam.

Phát triển công nghệ di truyền và sản xuất giống

Bên cạnh việc nghiên cứu cải tiến các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất thức ăn, thì việc ứng dụng công nghệ trong di truyền chọn giống là rất cần thiết nhằm nâng cao tỷ lệ sống và độ tăng trưởng cho các loại thủy sản nuôi.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh cho biết, ở Việt Nam, từ thập niên 90 các nghiên cứu về sinh sản nhân tạo cá chẽm đã bắt đầu nghiên cứu, đến nay công nghệ sản xuất giống cá chẽm đã đạt những kết quả nhất định. Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đang lưu giữ đàn cá bố mẹ là sản phẩm của đề tài di truyền chọn giống cá chẽm.

Đàn cá này có tốc độ tăng trưởng nhanh so với đàn cá bố mẹ trước đây từ 10 – 15%, đã và đang được sử dụng cho việc sản xuất giống với công suất trại giống 2 – 3 triệu cá giống 3 – 5 cm/năm.

Sản xuất thành công giống cá vua song

Bên cạnh sản xuất thành công giống cá chẽm, mới đây, Viện III đã hợp tác nghiên cứu với Philippines và Úc phát triển công nghệ sinh sản nhân tạo cá song vua (cá mú nghệ), với mục tiêu xây dựng quy trình sản xuất giống ổn định và đạt hiệu quả cao để góp phần phát triển bền vững nghề nuôi cá song vua tại Việt Nam.

Ông Ninh cho rằng, một trong những khó khăn trong việc phát triển nghề nuôi cá mú nghệ chủ yếu do số lượng con giống sản xuất ra trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi nên vẫn còn phụ thuộc vào nguồn giống nhập ngoại. Hiện nay, trong khu vực chỉ có Đài Loan có thể sản xuất giống đối tượng này với số lượng lớn và xuất giống đi các nước.

Đề tài phát triển công nghệ sinh sản nhân tạo cá song vua đã nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ. Cá bố mẹ đưa vào thuần dưỡng và nuôi vỗ có trọng lượng từ 20 – 35kg, tuổi cá từ 3 – 4 năm, được tuyển chọn từ đánh bắt ngoài tự nhiên. Thức ăn cho cá bố mẹ là các loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao như cá tươi, mực, cua, ghẹ…

Ngoài nghiên cứu thành công về cá giống bố mẹ, gần đây Viện III đã tiến hành nghiên cứu sản xuất giống các đối tượng nhuyễn thể như trai ngọc nữ, trai tai tượng…

Chuyên gia thực hiện kỹ thuật cấy ngọc vào trai ngọc nữ

Từ tháng 7/2017, trong khuôn khổ hợp tác với Úc, dự án phát triển nuôi trai cấy ngọc bán cầu tại bắt đầu thực hiện tại Viện III đã được các chuyên gia từ Úc và cán bộ Viện III tiến hành cho trai sinh sản. Kết quả thu được 5 triệu ấu trùng chữ D, và thu được 400 ngàn con giống điệp quạt với kích cỡ 1 – 3mm, hiện con giống đang được ương nuôi tại Viện III.

Ngoài ra, dự án cũng thử nghiệm cấy ngọc và thu được 71 viên ngọc bán cầu. Dự kiến trong năm 2018, dự án sẽ thực hiện việc ương giống, cấy ngọc quy mô lớn và chuyển giao công nghệ đến người dân và doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh cho biết, với những chức năng và nhiệm vụ chính như nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, hợp tác quốc tế, tư vấn dịch vụ về bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng, khai thác thủy sản, chế biến thủy sản… trong giai đoạn 2013 – 2016, Viện Nghiên cứu NTTS III đã chủ trì thực hiện 53 nhiệm vụ KHCN các cấp (11 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 18 cấp Bộ, 18 cấp Tỉnh và 6 nhiệm vụ nhánh) và 9 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng. Trong đó, tập trung vào các vấn đề chính như chọn giống, sản xuất giống, thức ăn trong nuôi trồng thủy sản…

Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tình hình sản xuất và cung ứng giống nhuyễn thể

Đối tượng nhuyễn thể đang được phát triển nuôi chủ yếu là ngao (nghêu Bến Tre), hàu Thái Bình Dương, tu hài, ốc hương, vẹm xanh, sò huyết… Đây là những đối tượng đã có công nghệ sản xuất giống.

Nghêu, ngao

Nuôi nghêu Bến Tre đang phát triển rất mạnh ở các tỉnh ven biển phía Nam, nhất là Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và một số tỉnh ven biển phía Bắc như Thái Bình, Nam Định. Nguồn con giống cung cấp chủ yếu từ khai thác tự nhiên. Nhiều địa phương như Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh đã thực hiện được quy chế quản lý bãi nghêu giống. Lượng ngao, nghêu giống cỡ nhỏ (nghêu cám) tự nhiên của Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau cung cấp cho các địa phương phía Bắc đã hình thành nghề ương nghêu giống trong ao ở Thái Bình, Nam Định, mang lại hiệu quả cao và góp phần tích cực cho việc giải quyết giống nuôi. Hiện nay, một số địa phương đang tiếp nhận công nghệ sản xuất giống nghêu từ các viện nghiên cứu bước đầu khá tốt như Tiền Giang, Bến Tre, Thái Bình, Nam Định.

Ốc hương

Ốc hương được nuôi ở các tỉnh ven biển miền Trung và giống được sản xuất chủ yếu ở các tỉnh Khánh Hòa, Thừa Thiên – Huế, Phú Yên và Ninh Thuận. Nhu cầu mỗi năm khoảng trên 10 – 20 triệu giống và tăng dần vì phần lớn diện tích ao nuôi tôm không hiệu quả ở vùng ven biển đã chuyển sang nuôi ốc hương. Tuy nhiên, sản xuất giống ốc hương chưa được quan tâm kiểm soát, chưa có tiêu chuẩn chất lượng.

Sò huyết

Nuôi sò huyết phát triển khá mạnh ở vùng ĐBSCL, tuy vậy con giống vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên, chưa sản xuất giống nhân tạo. Một số vùng nuôi cũng bắt đầu khoanh vùng bảo vệ các bãi sò huyết phân bố tự nhiên, cấm khai thác trong mùa sinh sản như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Phú Yên, Bình Định.

Trai ngọc

Trai ngọc được phát triển nuôi ở vùng biển Đông Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng) và đang được phát triển nuôi ở Kiên Giang do những công ty có vốn đầu tư lớn nuôi với mục đích cấy ngọc. Do nuôi ở vùng biển xa, đầu tư lớn, thị trường tiêu thụ hẹp có tính chất chuyên sâu nên mức độ nuôi còn rất hạn chế, con giống nuôi do các công ty nuôi tự sản xuất giống.

Tu hài

Nuôi tu hài phát triển mạnh ở vùng vịnh Bái Tử Long (Vân Đồn, Quảng Ninh) và đang nuôi ở một số tỉnh ven biển miền Trung. Hiện nay, sản xuất giống đã hoàn thiện công nghệ và chủ động cung cấp đủ giống, đáp ứng nhu cầu.

Hàu Thái Bình Dương

Nuôi hàu đang được phát triển ở nhiều địa phương ven biển và có triển vọng khả quan về thị trường tiêu thụ. Vùng nuôi tập trung nhất ở Quảng Ninh. Hiện đã sản xuất được giống bằng sinh sản nhân tạo nhưng số lượng chưa nhiều. Công nghệ sản xuất giống hầu tam bội được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III nhập và đang triển khai ứng dụng sẽ góp phần tạo được giống có chất lượng và chủ động sản xuất giống cho nhu cầu nuôi.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.