Quy trình và kỹ thuật nuôi trai lấy ngọc hiện nay trên thế giới

Quy trình và kỹ thuật nuôi trai lấy ngọc trải qua nhiều công đoạn nghiêm ngặt và đòi hỏi kỹ thuật khó. Bao gồm các bước: nuôi vỗ, nuôi thành ngọc, chăm sóc quản lý, nuôi gây màu ngọc và thu hoạch.

1. Nuôi vỗ

Sau khi cấy nhân trai được đem đi nuôi vỗ.

Sau quá trình cấy nhân, cơ thể con trai chịu nhiều tổn thương nên yếu đi. Vì thế cần được nuôi vỗ để trai phục hồi sức khỏe. Môi trường nuôi vỗ phải yên tĩnh và điều kiện môi trường ít dao động ảnh hưởng tới trai. Sau thời gian nuôi vỗ vết thương bình phục và lành dẫn, lớp biểu bì mặt ngoài màng áo sẽ phát triển bao lấy nhân cấy. Biểu bì mặt trong sẽ bị mô liên kết hấp thụ trong hai ngày rồi sẽ chuyển qua nuôi thành ngọc.

2. Nuôi thành ngọc

Trai được nuôi trong lồng tre hay lưới treo trong nước biển.

Sau thời gian nuôi vỗ, trai đã phục hồi, chúng được chuyển đến bãi nuôi chính để nuôi thành ngọc. Dùng lồng tre hay lưới treo trong nước biển có nồng độ muối từ 25-35% ( dưới 15% trai dễ bị chết). Nhiệt độ từ 20-30 độ C. Phụ thuộc vào giống trai mà thay đổi độ sâu của lồng nuôi trai để duy trì điều kiện thích hợp nhất cho trai. Thời gian nuôi cấy ngắn hay dài tùy thuộc vào yêu cầu ngọc to hay nhỏ thường từ 1-4 năm.

3. Chăm sóc quản lý

Lồng trai cần được vệ sinh khi các sinh vật ăn bám bám nhiều ở vỏ trai.

Trong quá trình nuôi trai, công việc chăm sóc chủ yếu là giữ cho lồng trai sạch để trai không mắc bệnh và tránh những bất lợi cho trai. Do lồng trai thường bị các sinh vật sống bám làm ảnh hưởng đến sinh trưởng. Nên định kỳ vệ sinh lồng trai khi thấy vỏ có nhiều sinh vật ăn bám. Trong trường hợp môi trường nuôi bất lợi phải chuyển lồng trai đến nơi khác.

4. Nuôi gây màu ngọc

Trai có màu như ý khi được nuôi cấy trong khu vực lý tưởng.

Ngọc trai được ưa chuộng có màu trắng hồng. Để có màu này thì trai phải nuôi ở những vùng biển nhất định, nơi khác sẽ không cho màu ngọc như ý. Vùng này được gọi là “khu gây màu”. Điều kiện cụ thể để tạo màu ngọc trai chưa được tìm ra nhưng theo nghiệm, khu vực gây màu có thức ăn dồi dào. Và điều kiện môi trường thuận lợi như nhiệt độ, nồng độ muối, khí hậu…biến đổi theo mùa rõ rệt.

5. Thu hoạch

Sau khi thu hoạch trai, ngọc trai được lấy ra và được chế tác thành các sản phẩm tuyệt mỹ.

Công đoạn cuối cùng chính là thu hoạch ngọc, tận hưởng thành quả sau bao ngày nuôi trai. Trai được lấy ngọc vào lúc nhiệt độ thấp thì chất lượng ngọc tốt hơn thu ở nhiệt độ cao. Thời kỳ thu hoạch rộ vào tháng 8-10 hàng năm.

Nguồn: Maxreading.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật cấy ngọc trai

Trước khi tiến hành cấy cần chuẩn bị trai mẹ bằng cách nuôi Trai trong các lồng bằng tre hay lưới. Việc cấy nhân chỉ được thực hiện khi Trai đạt tiêu chuẩn về kích thước, thời gian và tình trạng của tuyến sinh dục.

Nếu khi cấy nhân mà tuyến sinh dục của trai đang ở giai đoạn thành thục thì Trai dể bị chết hay bị rơi nhân hoặc ngọc được tạo thành không đạt chất lượng. Vì vậy cần chọn Trai mẹ có tuyến sinh dục không thành thục để cấy nhân.

1. Chuẩn bị Trai mẹ.

Có hai cách chuẩn bị Trai mẹ:

Cách thứ nhất: ức chế tuyến sinh dục, thường được tiến hành vào đầu mùa sinh sản. Thời gian này nhiệt độ bắt đầu tăng sau mùa Đông lạnh nhưng tầng nước sâu nhiệt độ vẫn còn thấp. Nuôi Trai ở tầng nước sâu, với điều kiện nhiệt độ thấp sẽ ức chế sự phát triển của tuyến sinh dục.

Cách thứ hai: kích thích tuyến sinh dục phát triển nhanh, thường được áp dụng vào mùa Trai đẻ rộ. Kích thích sự phát triển của tuyến sinh dục bằng cách nuôi trai ở tầng nước mặt có nhiệt độ cao (28-32oC). Sau một thời gian ngắn Trai sẽ thành thục và sinh sản. Sau khi Trai đã sinh sản thì chúng ta có thể tiến hành cấy nhân. Tuy nhiên sau khi sinh sản Trai thường yếu đi nên hiệu quả của việc cấy nhân sẽ không cao.

2. Chọn lọc Trai mẹ.

Chọn Trai mẹ có kích thước phù hợp cho vào bể, đặt bụng Trai ngửa lên trên và duy trì nhiệt độ nước khoảng 28-30oC. Khoảng 1 giờ sau Trai sẽ mở vỏ, dùng kẹp mở miệng vỏ Trai (khoảng 1-1,5cm) để kiểm tra tuyến sinh dục. Nếu đạt yêu cầu thì chèn miệng vỏ và đưa về phòng thí nghiệm để tiến hành cấy nhân.

3. Cắt màng áo.

Trai dùng để cấy ngọc gồm hai loại, Trai kỹ thuật và Trai nguyên liệu. Trai kỹ thuật là Trai dùng để cấy nhân vào còn Trai nguyên liệu là Trai dùng để lấy mảnh màng áo. Tỉ lệ của hai loại này là 2:1-5:1. Trai nguyên liệu là loại khoảng 1-2 tuổi, Trai càng to càng tốt nhưng không nên vượt quá 5-6 tuổi. Việc chọn Trai nguyên liệu có ảnh hưởng rất lớn đến thời gian tạo ngọc và chất lượng sản phẩm sau này.

Lớp xà cừ của vỏ trai do toàn bộ biểu bì mặt ngoài màng áo (mặt tiếp xúc với vỏ) tiết ra, nhưng chất lượng tùy theo vị trí của màng áo mà quá trình hình xà cừ nhanh hay chậm và chất lượng của lớp xà cừ cũng khác nhau. Theo kết quả thí nghiệm bằng đồng vị phóng xạ Ca45 thì mép màng áo là nơi hấp thu nhiều Ca45 nhất (trao đổi chất mạnh nhất). Vì vậy, hiện nay trong kỹ thuật cấy ngọc đều dùng lớp tế bào ở mép màng áo để cấy. Tuy nhiên, trên mép màng áo ở từng vị trí khác nhau cũng cho chất lượng xà cừ khác nhau. Một thí nghiệm khác cũng cho thấy mép màng áo ở phần bụng có khả năng phục hồi nhanh nhất và cho chất lượng ngọc tốt nhất.

Dùng dao mổ luồn vào cát đứt cơ khép vỏ, chú ý không nên để dao đụng vào màng áo nếu không màng áo sẽ co lại. Lật vỏ ra cắt lấy phần bụng của màng áo, tẩy sạch chất nhầy rồi đặt lên giá tế bào. Khi đặt màng áo lên giá tế bào, lật mặt tiếp xúc với vỏ quay lên trên sẽ thấy có một đường vàng nâu cách mép màng áo khoảng 3-4mm chạy song song với mép vỏ. Dùng kéo cắt theo đường đó và loại bỏ phần mép rồi cắt màng áo thành từng miếng khoảng 2-3mm2. Khi cắt màng áo cần chú ý đến những điểm sau:

– Phần mép ngoài màng áo là các tế bào tiết ra chất sừng chứ không tiết ra ngọc cho nên cần loại bỏ phần này.

– Khi cắt màng áo xong thì phải tiến hành cấy ngay.

– Trai dùng để lấy màng áo phải khỏe, không bị tổ thương hay dị tật.

– Dụng cụ phải sạch sẽ.

– Thao tác nhanh và chính xác.

4. Cấy màng áo.

Khi cấy đặt Trai lên giá cấy, bụng ngửa lên trên. Dùng móc móc lấy phần giữa chân kéo về phía sau cho chân giãn rộng ra. Cắt lấy một lỗ nhỏ ở giữa gốc chân, kích thước của vết cắt phải tương ứng với đường kính nhân cấy (lỗ mở hơi nhỏ hơn nhân cấy) rồi dùng kim thọc qua lỗ mở đó thông đến vị trí đặt nhân tạo thành một đường ống. Có ba vị trí cấy là nội tạng, trước xoang bao tim, và gốc xúc biện. Sau khi đã thông đường thì dùng kim đưa màng áo ghim lên mép của miếng màng áo đã cắt sẵn và đưa thẳng vào cuối đường ống. Khi cấy chú ý mặt ngoài của mảnh màng áo phải quay về phía nhân cấy.

5. Cấy nhân.

Nhân thường dùng là vỏ trai nước ngọt hoặc thủy tinh đã được mài tròn, nhẵn bóng, đường kính của hạt từ 2-9mm (tùy theo kích thước của Trai kỹ thuật). Sau khi cấy màng áo xong thì tiến hành cấy nhân. Đặt nhân cấy vào đầu lõm của kim đưa nhân và đưa nhân vào tiếp xúc với miếng màng áo vừa mới cấy. Thao tác đưa nhân cũng giống như khi cấy màng áo.

Mỗi Trai kỹ thuật ta có thể cấy 5 nhân, một ở nội tạng, hai ở gốc xúc biện, hai ở trước xoang bao tim. Khi cấy ở trước xoang bao tim và gốc xúc biện thì thao tác cấy ở vị trí bên phải và bên trái là như nhau. Khi cấy màng áo và nhân ở nội tạng cố gắng tránh làm tổn thương đến cơ co rút chân và ống tiêu hóa, cấy ở vị trí trước xoang bao tim thì tránh việc cấy quá sâu dễ làm chết Trai.

6. Nuôi thành ngọc.

Nuôi vỗ: Sau cấy nhân Trai bị tổn thương nên cần phải nuôi vỗ để Trai phục hồi sức khỏe. Nơi nuôi vỗ phải yên tĩnh và điều kiện môi trường ít dao động. Sau một tuần nuôi vỗ vết thương sẽ lành và lớp biểu bì mặt ngoài màng áo sẽ phát triển bao lấy nhân cấy. Biểu bì mặt trong sẽ bị mô liên kết hấp thụ trong 2 ngày.

Nuôi thành ngọc: Sau khi Trai đã phục hồi chúng ta chuyển chúng đến bãi chính để nuôi thành ngọc. Bãi nuôi thành ngọc có nồng độ muối 25-30%o, nhiệt độ từ 20-30oC. Nuôi Trai bằng lồng tre hay lưới, thời gian nuôi thường từ 1-4 năm tùy theo yêu cần ngọc to hay nhỏ.

7. Chăm sóc quản lý.

Trong quá trình nuôi Trai công việc chăm sóc chủ yếu là giữ cho lồng Trai sạch và tránh những bất lợi cho Trai. Lồng Trai thường bị các sinh vật sống bám làm ảnh hưởng đến sinh trưởng. Nên định kỳ tẩy rửa khi thấy trên vỏ Trai có nhiều sinh vật bám, nhất là sinh vật bám trên bản lề của Trai nếu không Trai sẽ không mở vỏ được. Trong điều kiện môi trường bất lợi phải di dời đi nơi khác. Trai cũng có nhiều địch hại như Hải miên, Cua, Sao biển… cần có biện pháp phòng trừ (xem phần chăm sóc quản lý ở chương 2).

8. Nuôi gây màu.

Ngọc trai được ưa chuộng có màu trắng hồng. Loại ngọc này có thể được tạo thành ở những vùng biển nhất định mà nơi khác không tạo ra được. Vùng biển như vậy được người ta dùng để nuôi gây màu. Điều kiện môi trường cụ thể để tạo màu cho ngọc trai thì chưa được xác định rõ, nhưng theo kinh nghiệm thì khu vực này có thức ăn dồi dào, các điều kiện môi trường như nhiệt độ, nồng độ muối, khí hậu biến đổi theo mùa rõ rệt. Vì vậy trước khi thu hoạch ngọc người ta chuyển Trai đến vùng biển gây màu để nuôi, sau vài tháng nuôi gây màu thì có thể tiến hành thu hoạch.

9. Thu hoạch.

Ngọc trai được thu hoạch vào mùa nhiệt độ thấp thì chất lượng ngọc tốt hơn thu ở mùa có nhiệt độ cao. Thời kỳ thu hoạch rộ thường vào tháng 8-10 hàng năm.

Tách vỏ Trai, thu lấy ngọc sau đó rửa sạch và tiến hành phân loại. Trai không đạt tiêu chuẩn như hạt không tròn, có nhiều vết bẩn sẽ được xử lý tiếp. Có thể tẩy bẩn cho ngọc bằng dung dịch H2O2 2% từ 10-15 phút, sau đó rửa lại bằng xà phòng và ngâm vào cồn 40o trong 6 giờ. Có thể dùng sóng siêu âm để tẩy vết bẩn. Ngọc không tròn có thể được mài tròn và đánh bóng. Nếu màu sắc không đẹp có thể dùng phẩm nhuộm để nhuộm màu.

Nguồn: Ngoctrai.co được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nghề ‘chăm con mọn’ ở đầm Nha Phu thu bạc triệu

Nhìn qua tưởng đơn giản nhưng nghề nuôi gia công trai lấy ngọc cũng lắm công phu khi người nuôi chăm những “viên ngọc thô” của mình chẳng khác gì chăm con mọn…

Tỉ mỉ, kỳ công

Sau 15 phút xuất phát từ bến ghe thôn Ngọc Diêm (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), chúng tôi đến khu vực nuôi trai của anh Nguyễn Văn Tuấn trên đầm Nha Phu. Anh Tuấn là người đầu tiên trong tỉnh hợp tác với một công ty của Nhật nuôi gia công trai lấy ngọc. Từ ngoài nhìn vào, khu bè của gia đình anh rộng cả ngàn mét vuông, tít tắp tầm mắt. Khi chúng tôi đến, anh Tuấn đang đo độ mặn của nước.

Trai giống 4 tuần tuổi được đưa lên thay lồng

Hơn chục công nhân hối hả đưa những lồng nuôi trai lên vệ sinh. Những con trai giống xù xì, hàu rêu bám mốc, dính vào nhau, chỉ một loáng đã được tách ra, cắt tai sạch sẽ. Anh Tuấn cho biết, con trai rất “khó tính”, muốn nó sống và tăng trưởng mạnh khi chăm sóc phải rất tỉ mỉ, cẩn thận. Chỉ cần lơ là, vệ sinh không tốt trai sẽ chết.

Nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trai, anh Tuấn rút ra kết luận, nghề này thực lắm công phu. Không chỉ có kỹ thuật nuôi mà việc chăm sóc trai chẳng khác nào chăm con mọn. Giai đoạn trai từ 1 tuần tuổi đến 8 tuần tuổi là thời gian vất vả nhất. “Ban đầu trai được công ty cung cấp để nuôi chỉ nhỉnh hơn hạt cát một chút. Muốn trai lớn và đạt tiêu chuẩn phải qua hàng trăm công đoạn khác nhau, theo đúng chu kỳ nhất định.

Thu hoạch trai

Hàng ngày phải đưa trai lên vệ sinh, thay túi theo kích cỡ tăng trưởng của nó. Lúc vệ sinh cũng phải để ý không được cắt tơ của con trai, nếu cắt trúng tơ thì nó sẽ chết”, anh Tuấn chia sẻ.

Không chỉ có kỹ thuật mà người nuôi phải thành thục con nước triều lên xuống. Anh Lê Thạnh, người có nhiều năm nuôi trai ở trại anh Tuấn cho hay, môi trường khu vực đầm Nha Phu thuận lợi cho việc nuôi con 2 mảnh vỏ, nhất là hàu, trai, vẹm xanh.

Tuy nhiên, với đặc tính của con trai không chịu được nước ngọt nên khi nước nguồn từ núi chảy xuống đầm mang theo nước ngọt, người nuôi phải nhận biết để xử lý kịp thời. Khi nước ngọt xâm nhập, trai phải được thả dây sâu xuống tầng đáy. Nếu không kịp xử lý thì chỉ 2 giờ ngâm nước ngọt trai sẽ chết. Vì vậy, anh em phải trực 24/24 giờ để xử lý khi có sự cố xảy ra.

Theo người nuôi trai kinh nghiệm, trong số các công đoạn nuôi thì việc xử lý muối công phu và khó nhất. Bởi cứ 2 tuần phải xử lý muối 1 lần, giúp trai kháng khuẩn, tránh bệnh tật. Nồng độ muối phải đạt ngưỡng bão hòa mới có thể diệt được rêu mốc, sâu vỏ. Con trai sau 7 tháng nuôi sẽ được xuất bán lại cho công ty thực hiện cấy ghép ngọc; nếu đạt chuẩn nó có trọng lượng từ 10gram trở lên và không bị sâu vỏ.

Người tiên phong nuôi trai lấy ngọc

Với anh Tuấn, cái duyên đến với nghề nuôi trai cũng thật tình cờ. Năm 2012, sau khi thành công với con hàu sữa Thái Bình Dương, tiếng tăm của anh đã được một công ty Nhật Bản chuyên nuôi trai lấy ngọc biết đến. “Họ chủ động liên hệ với tôi, đặt vấn đề nhờ nuôi thí điểm trai giống lấy ngọc. Tôi vốn thích cái mới nên đã nhận lời, bỏ hơn 1 tỷ đồng để đầu tư bè, với hơn 3.000m2.

Phía công ty Nhật cung cấp toàn bộ con giống, mình chỉ việc chăm sóc. Thế nhưng, ban đầu khi mới nuôi, kỹ thuật chưa có, lại không hiểu được con nước triều… nên gặp khá nhiều khó khăn. Có thời điểm giống chết quá nhiều do thiên tai, chán nản tôi tính bỏ nghề nhưng nghĩ lại vì uy tín và là một người Việt nên tôi đã quyết tâm vượt qua”, anh chia sẻ.

Lâu dần, với kinh nghiệm làm nghề nuôi nhiều năm và được sự hướng dẫn của đối tác, anh Tuấn trở thành người nuôi đạt nhất trong số đối tác của Nhật. Đến nay, mỗi tháng trại giống của anh cung cấp cho công ty Nhật Bản từ 500.000 đến 800.000 con trai giống lấy ngọc có trọng lượng từ 17 đến 20gram. Hiện nay, mỗi kg trai giống được bán với giá dao động từ 15.000 đến 17.000 đồng.

Những thành công trong nghề nuôi trai giúp anh Tuấn có thu nhập ổn định từ 200 đến 400 triệu đồng/năm. Không chỉ vậy, anh đã tạo việc làm cho gần 20 lao động thường xuyên ở thôn Ngọc Diêm. Tuy đã chia sẻ kinh nghiệm cho những người cùng làng để làm, nhưng nghề nuôi trai lấy ngọc khá kén người. Vì vậy, ngoài gia đình anh, hiện nay, toàn tỉnh mới chỉ có thêm 2 hộ đang manh nha nuôi thí điểm với số lượng ít.

Nguồn: Danviet được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam