Hoa nội ‘đẩy lùi’ hoa ngoại

Lan hồ điệp nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc thường bị “mù” nụ hoa đầu cành, độ bền của cành hoa chỉ bằng 2/3 hoa cùng loại sản xuất trong nước, giá bán cũng đắt hơn đáng kể.

Trong nhiều năm qua, Trung tâm Nghiên cứu & phát triển hoa – cây cảnh (Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Khoa học nông nghiệp VN) luôn là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển hoa cây cảnh phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngoài nghiên cứu quy trình công nghệ SX và chọn tạo giống hoa cây cảnh mới, trung tâm còn đóng vai trò nòng cốt trong chuyển giao TBKT vào SX hoa cây cảnh cho các địa phương…


Nhân giống lan hồ điệp bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào tại Viện Nghiên cứu Rau quả

PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết: Trong các loại hoa phổ biến trên thị trường hiện nay, thì lan hồ điệp được coi là hoa cao cấp cho hiệu quả SX lớn nhất (thu nhập có thể đạt 25 tỷ đồng/ha canh tác/năm). Hiện SX trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nội địa, còn lại phải nhập khẩu khoảng 1 triệu cây hoa/năm (năm 2017). Tuy nhiên SX hoa lan hồ điệp cần vốn đầu tư khá lớn, yêu cầu kỹ thuật chăm sóc khắt khe, cây giống phải trồng trên giá thể, trong nhà kính/nhà màng, có thiết bị điều khiển nhiệt độ, ẩm độ và ánh sáng chủ động, cây lan mới có thể ra hoa được.

Sớm nắm bắt được các yêu cầu thực tế đặt ra, ngay từ những năm 2005 – 2008 Trung tâm Nghiên cứu & phát triển hoa – cây cảnh đã nghiên cứu xây dựng thành công quy trình SX hoa lan hồ điệp quy mô công nghiệp. Quy trình đã được tặng cúp Vàng hội chợ Asean + 3 và giải thưởng Bông lúa vàng. Được các địa phương trong nước áp dụng phổ biến trong SX.

Theo thống kê, năm 2017 toàn miền Bắc đã xây dựng được 88.300m2 nhà màng hiện đại, SX được gần 1.300.000 cành lan hồ điệp thương phẩm (tăng 87.100m2 nhà màng và 1.248.000 cành lan hồ điệp so với năm 2005). Đáp ứng được hơn 50% nhu cầu hoa lan hồ điệp cho thị trường nội địa. Cơ bản “đẩy lùi” được hoa ngoại nhập vào nước ta qua con đường tiểu ngạch.

Nhà màng trồng lan hồ điệp của Viện Nghiên cứu Rau quả

Đặc biệt từ năm 2011 đến nay, trung tâm còn lai tạo thành công một số giống lan hồ điệp chất lượng cao, phù hợp điều kiện khí hậu miền Bắc. Đồng thời xây dựng được quy trình kỹ thuật nhân giống lan hồ điệp bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào. Đã đảm bảo được 20,3% nhu cầu cây giống lan hồ điệp cho các nhà vườn trồng lan miền Bắc. Đây là những kết quả rất quan trọng để trong thời gian tới, nước ta hoàn toàn tự chủ được nhu cầu cây giống cho SX hoa trong nước, tiến tới xuất khẩu lan hồ điệp sang thị trường các quốc gia khu vực.

Ông Lê Quý Đôn, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) cho biết, trên địa bàn xã có một số nhà vườn, mỗi năm nhập khẩu tiểu ngạch hàng chục nghìn cành lan hồ điệp từ Trung Quốc để xuất bán ra thị trường khu vực. Do hoa Trung Quốc hình thức khá bắt mắt nên dễ bán được giá cao, nhưng sau sử dụng các nụ hoa đầu cành thường bị mù (không nở), độ bền của cành hoa cũng chỉ bằng 2/3 hoa cùng loại SX trong nước.

Trước thực trạng đó, UBND xã Xuân Quan đã phối hợp với Sở KH – CN Hưng Yên và Trung tâm Nghiên cứu & phát triển hoa – cây cảnh xây dựng phòng nuôi cấy mô để ứng dụng các TBKT nhân giống một số loại lan quý hiếm. Bước đầu đã tạo cho ra hàng ngàn cây giống lan đai châu, địa lan, hồ điệp đáp ứng cho nhu cầu phát triển SX tại chỗ.

PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết thêm: Tiềm năng SX hoa – cây cảnh nói chung, hoa lan hồ điệp nói riêng ở nước ta còn rất lớn. Vì chúng ta có thị trường tiêu thụ nội địa lớn, có nguồn lao động rẻ, người dân có ý chí vươn lên làm giàu, cán bộ khoa học có trình độ cao, và có một số vùng khí hậu ôn đới như Mộc Châu, Sa Pa rất phù hợp cho cây lan hồ điệp phân hóa mầm hoa tự nhiên.

Trước những thuận lợi trên Viện Nghiên cứu Rau quả đã và đang tập trung đầu tư lai tạo các giống hoa mới, nâng cao quy trình công nghệ SX hoa thương phẩm, hình thành một số cơ sở nhân giống lan hồ điệp công nghiệp, đảm bảo đủ nguồn giống tốt, giá thành hạ cho nhu cầu SX hoa quanh năm trong nước. Xúc tiến thành lập Câu lạc bộ Hoa lan hồ điệp Việt Nam, là cầu nối cho sự liên kết “4 nhà”, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao trình độ cho cán bộ nghiên cứu và cán bộ kỹ thuật.

Sản xuất lan hồ điệp tại Viện Nghiên cứu Rau quả

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trang trại hoa lan trên vùng đất nắng

Anh Phan Thanh Sang – 30 tuổi; chủ trang trại hoa lan ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng – đã mạnh dạn đầu tư hơn 10 tỉ đồng để trồng các giống hoa lan nhiệt đới theo công nghệ cao ở tỉnh Ninh Thuận.

Đầu năm 2015, sau nhiều lần xuôi ngược khảo sát ở các tỉnh miền Trung, anh Sang quyết định trồng thử nghiệm 1 ha một số giống lan nhiệt đới như hồ điệp, dendro, mokara, ngọc điểm tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Sau gần một năm theo dõi khả năng sinh trưởng, anh nhận thấy vùng đất Lâm Sơn thích hợp với hầu hết giống lan nhiệt đới. Từ đó, năm 2016, anh đầu tư 15 tỉ đồng để mở rộng quy mô lên 5 ha với khoảng 200.000 chậu hồ điệp, hơn 31.000 cây mokara, 3.000 cây ngọc điểm, 3.000 cây lan trầm.

Anh Sang đã đặt tên trang trại hoa lan là YSA Orchid Lâm Sơn. Tại trang trại này, hoa lan được trồng trong nhà kính, có hệ thống quạt thông gió, điều chỉnh ánh sáng, nước tưới, bón phân, đồng hồ theo dõi nhiệt độ, độ ẩm.

Anh Sang cho rằng vùng đất Lâm Sơn có nhiệt độ ban đêm 21-24 độ C, ban ngày hơn 30 độ C, rất phù hợp để lan nhiệt đới phát triển. “Cây con sau khi trồng khoảng 15-18 tháng sẽ được đưa lên Đà Lạt tiếp tục dưỡng thêm 4-5 tháng thì cho hoa, xuất bán” – anh Sang nói.

Trang trại hoa lan YSA Orchid Lâm Sơn

Với niềm đam mê hoa lan từ nhỏ, anh Sang đang là chủ 3 trang trại. Trang trại tại TP Đà Lạt chuyên trồng các loại địa lan. Hai trang trại ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng và huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận trồng các giống hoa lan nhiệt đới. Một số giống địa lan, hồ điệp, mokara được anh tự nhân giống bằng công nghệ cao nuôi cấy mô.

Hiện nhiều hoa lan của trang trại YSA Orchid đã xuất bán cho các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và cả Campuchia với doanh thu hàng chục tỉ đồng mỗi năm.

Không chỉ làm giàu cho gia đình từ nghề trồng lan, ông chủ Phan Thanh Sang còn tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động địa phương với mức thu nhập 3 – 4 triệu đồng/tháng.

Sau thành công của trang trại lan nhiệt đới trên vùng đất nắng Lâm Sơn, anh Sang đang sưu tầm, nghiên cứu nhân giống một số loài lan rừng ở Ninh Thuận nhằm bảo tồn các giống lan đặc hữu đang có nguy cơ tuyệt chủng. “Nếu bà con trong tỉnh muốn đầu tư trang trại trồng hoa lan, tôi sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật trồng và liên kết sản xuất theo mô hình tổ hợp tác để cùng phát triển” – anh Sang bộc bạch.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam