Người Trung Quốc “cuồng” Sầu Riêng Malaysia

Chính quyền Malaysia đang tích cực xúc tiến xuất khẩu sầu riêng tươi khi người dân Trung Quốc ngày càng mê loại quả này.

Sầu riêng được bán tại một siêu thị Walmart ở Trung Quốc

Theo số liệu của Liên hiệp quốc, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc tăng trung bình 26% mỗi năm trong thập kỷ qua, đạt giá trị 1,1 tỷ USD vào năm 2016. Thái Lan đang thống trị thị trường này. Tuy nhiên, các chính trị gia Malaysia kỳ vọng rằng ngoại giao sầu riêng có thể thúc đẩy cơ hội cho sầu riêng tươi nước này, bên cạnh dòng sản phẩm đông lạnh.

Hồi đầu tháng 11, một lễ hội sầu riêng đã được tổ chức tại Nanning, miền nam Trung Quốc, thu hút khoảng 165.000 người đến ăn thử sầu riêng tươi giống Musang King.

“Một số người nói rằng bây giờ ở Trung Quốc có hai thứ mà người ta sẽ xếp hàng để mua là iPhone X và sầu riêng Malaysia”, Bộ trưởng Nông nghiệp Malaysia – Ahmad Shabery Cheek, nhân lễ hội sầu riêng ở bang Pahang (Malaysia). Sự kiện này cũng đã thu hút đông đảo người Trung Quốc đến tham dự.

Tại Malaysia, sầu riêng được mệnh danh là vua của các loại trái cây. Khách Trung Quốc đến nước này luôn háo hức tìm các vườn sầu riêng để thưởng thức loại quả thường xuyên bị cấm tại các sân bay, khách sạn và phương tiện giao thông công cộng vì mùi đặc trưng của nó.

Sầu riêng là loại trái cây bị phân cực cảm xúc mạnh mẽ giữa yêu và ghét. Người mê nó thì cảm thấy cuốn hút bởi vị béo ngậy như hòa trộn của đường bột, caramel và kem. Còn người ghét nó thì chỉ ngửi ra mùi của củ hành hay tất bẩn. Theo chuyên gia về thực phẩm và đồ uống Loris Li thuộc công ty nghiên cứu thị trường Mintel Group (Thượng Hải), người Trung Quốc dùng sầu riêng trong nhiều món ăn khác nhau, từ sữa chua, cà phê đến bánh quy và cả pizza.

Theo thứ trưởng Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia – Ahmad Maslan, sầu riêng và các sản phẩm liên quan đến sầu riêng nằm trong top những sản phẩm được tìm kiếm nhiều nhất trên trang thương mại điện tử Alibaba.com.

Hiện 45.500 nông dân nước này đang bị cấm xuất khẩu sầu riêng tươi vào Trung Quốc, mà phải xuất dạng tách múi sẵn. Nguyên nhân là do họ chờ sầu riêng chín và rụng xuống đất để nhặt thay vì chủ động hái trước từ trên cây. Điều này làm Trung Quốc lo ngại nguy cơ dơ bẩn và côn trùng tiếp cận vào quả sầu riêng.

Tuy nhiên, theo ông Ahmad Shabery, các cuộc đàm phán với Trung Quốc có thể giúp cho sầu riêng tươi nước này xuất khẩu trong vòng một năm nữa. Nước này đã hướng dẫn nông dân làm mạng lưới dây để buộc quả sầu riêng, tránh nó rơi chạm đất khi chín.

“Chúng tôi hy vọng sầu riêng nguyên quả sẽ sớm có mặt ở Trung Quốc. Có nhiều loại sầu riêng ở Trung Quốc nhưng mùi vị rất khác với sầu riêng Malaysia, đơn cử như giống Musang King”, Churan Qiang, khách du lịch tham dự liên hoan sầu riêng Pahang đến từ Tây An cho biết. Theo Qiang, một quả sầu riêng thường tách ra được 5 khía, mỗi khía ở Trung Quốc có giá khoảng 100 nhân dân tệ, tương đương 15 USD.

Dù chưa xuất sang Trung Quốc quả tươi trực tiếp thì các nhà vườn sầu riêng Malaysia cũng đang hốt bạc. Du khách nước này lũ lượt kéo sang ăn sầu riêng khiến các trang trại ngày một có giá. Theo đại lý bất động sản Eric Lau, tùy thuộc vào vị trí, một trang trại sầu riêng 6 năm tuổi tại Pahang sẽ có giá tầm 400.000 ringgit mỗi hécta, tương đương gần 100.000 USD. Các trang trạng sầu riêng tuổi đời 10 – 12 năm thì có giá gấp đôi.

Bản thân giá trị của sầu riêng cũng rất béo bở. Theo ông Ahmad Shaber, vườn sầu riêng có thể mang lại 100.000 ringgit mỗi hécta mỗi năm, so với 30.000 đến 40.000 ringgit cho một hécta dầu cọ, loại cây trồng chính của Malaysia.

Với khoảng 400 cây sầu riêng Musang King ở Raub, Eddie Yong là nhà vườn khá nổi tiếng của bang Pahang. Vườn cây của ông cách Kuala Lumpur khoảng 107 km và cách Singapore 460 km. Ông đang buộc phải hạn chế đón 150 khách mỗi ngày sau khi du khách từ Hong Kong và Trung Quốc tăng vọt. “Người ta đi ra khỏi Singapore đến đây chỉ để ăn sầu riêng. Họ đến vào sáng sớm và lái xe trở về trong ngày”, ông Yong cho biết

Gần đây, ông đã từ chối một đề nghị mua lại vườn sầu riêng 4 hécta với giá 5 triệu ringgit từ một nhà đầu tư Trung Quốc. “Họ cho tôi một mức giá tốt, nhưng tôi không muốn bán. Đây là cuộc sống, là niềm đam mê của tôi”, ông Yong nói.

Nguồn: Theo kinhdoanh.vnexpress.net được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Trung Quốc, Ấn Độ “bắt chước” mô hình nông nghiệp 4.0 từ châu Âu

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tham vọng với những tiến bộ của các công nghiệp khác sẽ hỗ trợ liên minh công nông, áp dụng khái niệm nông nghiệp 4.0 từ châu Âu…

Ấn Độ

Theo Rishi Nair (Công ty Khoa học Nông nghiệp Zuari, 2015), Nông nghiệp 4.0 vẫn còn xa đối với toàn Ấn Độ, vì những lý do:

1. Tiếp cận nguồn dữ liệu: Nguồn dữ liệu tuy đã mạnh nhưng vẫn còn nhiều bất cập như các dữ liệu về các hóa chất nông học, hạt giống, và những vật tư đầu vào khác không hoàn toàn được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật, nên công tác thống kê về thương mại gặp nhiều khó khăn. Ngay cả số liệu chính xác về số doanh nghiệp ở từng địa phương cũng khó chính xác.

2. Việc giải mã dữ liệu và tối ưu hóa vật tư đầu vào cũng đang gặp khó khăn.

3. Các hoạt động ngoài đồng ruộng: Vẫn còn rất nhiều thách thức trong công tác khuyến nông tới nông dân. 2015 mới có 30% (350 triệu người) chủ đăng ký sử dụng internet. Có tất cả 750 loại ngôn ngữ được sử dụng ở Ấn Độ nên rất khó thống nhất ngôn ngữ cho tất cả mọi người (Nair, 2015).

Trung Quốc

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tham vọng với những tiến bộ của các công nghiệp khác sẽ hỗ trợ liên minh công nông, áp dụng khái niệm nông nghiệp 4.0 từ châu Âu, nông dân Trung Quốc thế kỷ 21 sẽ thực hiện nông nghiệp 4.0. Tầm nhìn của liên minh tại kế hoạch 5 năm lần thứ 13, đã định hướng tương lai nông thôn Trung Quốc sẽ phải đạt: 1) Nền nông nghiệp mới kết nối 6 ngành công nghiệp vào sản xuất, chế biến và phân phối lương thực, thực phẩm; 2) Nông dân mới tức là nông dân chuyên nghiệp, thay thế nông dân nông hộ nhỏ, làm việc bán thời gian, hoặc nông dân nghèo đói; 3) Ruộng vườn nông thôn mới hài hòa với thành thị (Dimsumsat, 2015).

Hiện nay ở Trung Quốc, theo hướng nông nghiệp 4.0, nhiều ngành công nghiệp đang được đẩy mạnh như các ngành công nghiệp chế tạo máy kéo công suất cao, máy gặt đập thông minh; ứng dụng thiết bị bay không người lái (Drone); công nghiệp phục vụ chăn nuôi thông minh 4.0; trồng cây trong nhà…

Khả năng của một số nước Đông Nam Á

Theo ADB: Việt Nam có hơn 24 triệu lao động nông nghiệp (46% tổng lao động). Myanmar có 20 triệu lao động (hơn 70%), Indonesia có gần 40 triệu lao động (35%), Campuchia có gần 5 triệu lao động (64%), Philippines có 12 triệu lao động (31%), Thái Lan có gần 16 triệu lao động (41%), Lào có 2 triệu lao động (70%). Malaysia và Singapore có tỷ lệ thấp hơn rất nhiều. Toàn vùng ước khoảng 100 triệu lao động trực tiếp trong nông nghiệp (không kể lao động gia đình giúp đỡ khi cần thiết).

Theo BBC, 70 triệu người, thuộc lực lượng này dễ bị tổn thương. Do lực lượng này có các đặc điểm canh tác rất khác nhau trong khối ASEAN và mức độ tiếp thu công nghệ, khả năng tiếp cận công nghệ cũng rất khác nhau và dễ mẫn cảm với tự động hóa. Nghĩa là còn nhiều việc cần thiết để thiết lập hệ thống tự động hóa kết nối vạn vật (IoT). Tuy nhiên một số đối tác thuộc các nước công nghiệp liên quan đến khối ASEAN như Úc, Mỹ, Nhật đang cạnh tranh gay gắt về IoT và canh tác tự động hóa ở đây. Như vậy, với nhiều nước ASEAN, nông nghiệp 4.0 đang trên đường tiến triển, tuy còn khó khăn nhất định. Trong 15 năm tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp canh tác thông minh ở vùng nông thôn, tùy thuộc vào chính phủ và sự đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối vạn vật.

Lào và Campuchia trong 10 năm tới khó đề cập đến nông nghiệp thông minh. Tuy nhiên tại Thái Lan hay Đài Loan có sự khác biệt. Thái Lan, đang có định hướng theo nông nghiệp 4.0 và đất nước Thái 4.0 như trình bày dưới đây. Hay tại Đài Loan, tự hào là một trong những nơi cung cấp các thiết bị cho nông nghiệp 4.0 trên thế giới.

Thái Lan sẵn sàng

Bộ Nông nghiệp và HTX Thái Lan công bố rằng, mọi điều kiện đã sẵn sàng tạo đà cho nông dân Thái tiến theo hướng “Nông dân thông minh – Smart farmers”. Thứ trưởng Bộ NN và HTX Thái Lan Anekwit, cho rằng Chính phủ có chính sách đối với nông nghiệp cùng đổi mới công nghệ để sao cho thế hệ trẻ trở thành “nông dân thông minh” cùng với chính sách của Chính phủ Thái về Thái 4.0.

Chính phủ Thái định hướng nông nghiệp và thực phẩm của Thái theo Nông nghiệp 4.0 đó là thực phẩm và thành phần thực phẩm thông minh để SX những sản phẩm nâng cao giá trị trong chuỗi giá trị, nông nghiệp thông minh để có chất lượng hảo hạng trong điều kiện biến đổi khí hậu và xã hội già hóa. Chương trình hành động của Bộ NN và HTX Thái Lan là sẽ hình thành các trung tâm nông nghiệp và thực phẩm theo hướng 4.0, đó là:

1) Trung tâm Nông nghiệp Thực phẩm phía Bắc Thái Lan gồm các trang trại thông minh nhằm sản xuất sữa bò đạt tiêu chuẩn quốc tế và thực phẩm chức năng

2) Vùng Đông Bắc có Trung tâm Nông nghiệp Thực phẩm gồm các trang trại trồng trọt thông minh, chăn nuôi gia súc thông minh

3) Khu Đại học ở miền Trung Thái Lan gồm các thực phẩm chức năng và thực phẩm cho người già

4) Trung tâm Nông nghiệp Thực phẩm phía Nam Thái Lan gồm các hải sản, thực phẩm ăn chay, cao su tự nhiên

Để đạt được, Bộ NN và HTX Thái cho rằng, phải tập trung vào con người là nhân tố chủ yếu thông qua hình thành 883 trung tâm đào tạo huấn luyện ở tất cả các tỉnh để tăng cường hiệu quả SX nông nghiệp thông qua đổi mới công nghệ. Hơn nữa, Bộ sẽ giới thiệu “Bản đồ Nông nghiệp”, phân định ranh giới giữa các vùng nông nghiệp ở tất cả các tỉnh. Bản đồ nông nghiệp đáp ứng cho từng cây trồng theo đất canh tác. Từng tổ chức thuộc Bộ phải thống nhất trong chương trình đào tạo và hỗ trợ công nghiệp nông nghiệp.

Đài Loan sẽ là xứ sở của chuỗi cung ứng thiết bị Nông nghiệp 4.0

Theo Matthew Ryan (2017), Đài Loan nổi tiếng về công nghệ chế tạo và có nhiều sản phẩm cơ điện trên đầu người hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, đó là:

1) Các bộ cảm biến kết nối vạn vật (IoT): Đài Loan tự hào là nơi tập trung các thiết bị công nghệ kết nối vạn vật do có lượng lớn các nhà máy sản xuất bán dẫn, chủ yếu ở Công viên Hsinchu. 25% sản lượng bán dẫn của thế giới được chế tạo, sản xuất tại Đài Loan.

2) Đài Loan có nền công nghiệp đèn LED đứng thứ 2 trên thế giới. Vì nông nghiệp trong nhà thúc đẩy công nghệ đèn LED, nó đòi hỏi sự chính xác cao của đèn LED để tạo điều kiện sinh trưởng và năng suất tối ưu nhất.

3) Robot. Đài Loan là một trong những nơi đi đầu về công nghệ robot, đang đặt mục tiêu trở thành một trong những nơi khả năng nhất về công nghệ robot vào 20 năm tới.

4) Tế bào năng lượng mặt trời: Là nơi lớn nhất thế giới sản xuất tế bào năng lượng mặt trời. Đài Loan có thể cung ứng nguồn năng lượng cho các dự án lớn về nông nghiệp trên quy mô lớn.

5) Thiết bị bay không người lái: 10% lượng thiết bị bay không người lái được chế tạo SX tại Đài Loan. Dự kiến hàng năm sẽ tăng 10% đến 2025.

6) Canh tác trong nhà, thủy sản kết hợp thủy canh: Đài Loan có nhiều kinh nghiệm về đèn LED, nên nhiều công ty có thể cung ứng đầy đủ các giải pháp cho canh tác trong nhà, thủy sản kết hợp thủy canh, thủy canh.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.