Qui trình nhân giống hoa Hồng bằng cách giâm cành

Giâm cành cũng là một cách nhân giống vô tính đối với cây hoa Hồng. Tất nhiên, cành được đem giâm phải là cành của cầy Hồng mẹ có những đặc tính thật tốt như siêng hoa, và hoa đạt chất lượng đến mức ai cũng muốn chọn trồng.

Giai đoạn từ tháng 09 đến tháng 12 hàng năm, là thời điểm thích hợp nhất để giâm cành cây hoa hồng, vào khoảng thời gian này tỉ lệ sống khi nhân giống hoa hồng bằng phương pháp giâm cành đạt tỉ lệ sống cao hơn rất nhiều, thậm chí chiết nhánh cây hồng ra rễ vẫn nhiều hơn.

Ưu điểm của việc nhân giống hoa hồng bằng phương pháp giâm cành hồng là khả năng sản xuất hàng loạt cây hồng trong thời gian ngắn. Thế nhưng, không phải giống Hồng nào cũng có khả năng giâm cành hồng thành công mỹ mãn được. Có giống hồng cắt cành, hoặc một số loại hồng leo đem giâm dù trong môi trường tốt nhất cũng không bao giờ ra rễ. Nó có thể sống một thời gian ngắn, cũng nẩy chồi xanh tươi như những cành giâm khác, nhưng khi phần nhựa tích chứa ít ỏi bên trong cành bị cạn kiệt thì “cây” tự động chết. Nếu nhổ lên ta sẽ không tìm thấy một cọng rễ nào !

Cho dù đó là hồng Sa Đéc, hồng leo hay các loại hồng ngoại nhập thì cách thức tiến hành giâm cành hồng để nhân giống là tương tự nhau. Chỉ cần bạn giâm cành thành công trên 1 giống hồng thì các giống khác khả năng thành công là rất cao.

Sau khi tiến hành nhân giống hoa hồng bằng cách giâm cành, các cây hồng đã ra rễ thì tiến hành thay cây hồng từ ly nhựa sang chậu.

Một số vật liệu chuẩn bị trước khi tiến hành giâm cành hồng

1. Giá thể dùng để giâm cành hồng: ta có thể sử dụng sơ dừa trộn với tro trấu làm giá thể giâm cành.

2. Dụng cụ đựng giá thể để giâm cành. Ở đây tôi dùng ly nhựa trong để tiện cho quá trình theo dõi sự phát triển của bộ rễ.

3. Dây buộc


Giâm cành hồng có nghĩa là dùng một khúc cành của cây Hồng mẹ khỏe mạnh (lựa khúc không già quá và cũng không non quá) có chiều dài khoảng 15 cm và không cần to (chỉ bằng chiếc đũa ăn cơm là vừa). Như vậy, một cành của cây Hồng mẹ có thể cắt ra dược nhiều khúc làm hom giống. Nên cắt khúc với dao mỏng lưỡi và thật bén, vết cắt cho ngọt mới tránh bị giập, vì vết cắt bị giập thì dễ bị hư thúi.

Nếu muốn, ta có thể chấm đầu “gốc” cành hồng giâm vào thuốc kích thích ra rễ như Atonic, Boutormone… có bán trên thị trường, trước khi cắm xuống bầu giâm.

Kỹ thuật cấm hom giống là dùng một cái que bằng chiếc đũa thọc sâu xuống đất độ 2 cm rồi mới cắm hom giống vào lỗ đó. Trồng sâu hơn khó ra rễ. Hom có thể trồng thẳng hoặc trồng nghiêng đều được.

Việc giâm cành nếu thực hiện trong mùa mưa rất tốt, vì đỡ công tưới, Nhưng, nếu giâm hồng trong mùa nắng thì phải siêng tưới để giữ ẩm thường xuyên cho đất, và tưới theo cách phun sương với tưới nước thật nhỏ mới tốt. Trong mùa nắng nên giâm cành vào chỗ rợp, có bóng râm, nếu không bên trên phải làm giàn che.

Chỉ khi nào cành giâm đã ra rễ khá dài, cây đã đủ sức tự nuôi sống dược như những cây hồng bình thường khác thì lúc đó mới cho nó tiếp xúc dần với ánh nắng trước ít sau nhiều …


Sau khi tiến hành giâm cành được khoảng 10-15 ngày, nếu thành công cây hồng sẽ đâm tược non


Từ 25-35 ngày (tùy giống hồng) cây sẽ ra rễ


Sau khi giâm cành hồng thành công, từ 2-2,5 tháng cây hồng sẽ đạt kích thước như hình

Nguồn: Vuonhongvanloan.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.