Nhãn Việt lần đầu tiên xuất khẩu sang Úc

Sau vải, xoài, thanh long được xuất sang Úc, ngày 9/9/2019, quả nhãn đầu tiên của Việt Nam chính thức được cấp phép nhập khẩu vào thị trường Úc, mở ra cơ hội cho nhiều loại trái cây Việt tiếp tục xuất ngoại. Tuy nhiên, để trái cây Việt xuất khẩu bền vững vẫn còn nhiều thách thức.

 

Nhãn Việt được quản bá tại thị trường Úc

Vào được các thị trường khó tính nhất

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017, trái cây Việt Nam xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2016 (1,7 tỷ USD). Năm 2018, đạt trên 4 tỷ USD. Tính đến nay, trái cây Việt Nam đã thâm nhập thị trường của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc trái nhãn tươi của Việt Nam tiếp tục được xuất khẩu vào Úc không chỉ mở ra cơ hội mới cho trái cây Việt mà còn là nền tảng rất tốt để trái cây Việt Nam thâm nhập vào các thị trường khác, bởi một khi đã vượt qua được sự kiểm duyệt từ một thị trường khắt khe như Úc, sẽ thuận lợi để tỏa đi nhiều thị trường mới nữa với giá bán  tốt hơn. Đến thời điểm này, Việt Nam đã xuất khẩu nhãn vào nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc , EU… và đều đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn, đồng nhất, chất lượng và có đủ sản lượng cung ứng quanh năm.

Đại diện Hiệp hội Xuất khẩu rau quả Việt Nam cũng cho biết, hiện nay trái thanh long, nhãn tươi là một trong hai mặt hàng có kim ngạch cao nhất trong top 10 hoa quả xuất khẩu có kim ngạch cao của Việt Nam. Mặc dù Úc là một nước nông nghiệp và cũng có nhãn tươi nhưng diện tích trồng không nhiều, chủ yếu tập trung tại bang Queensland và một phần tại phía Bắc bang New South Wales. Nhãn tươi của Úc chỉ có một mùa kéo dài từ tháng 1 đến giữa tháng 6. Vì vậy, nếu nhãn tươi Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Úc, nhất là vào thời điểm trái mùa thì có thể được tiêu thụ với giá cao. Bên cạnh đó, cơ hội thị trường cũng rất lớn khi giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Úc trong 10 năm gần đây tăng bình quân gần 10%/năm và Úc cũng là bạn hàng xuất khẩu lớn thứ 8 và nhập khẩu đứng thứ 12 của Việt Nam.

Hình thành chuỗi liên kết là rất cần thiết

Theo các chuyên gia trong ngành, việc được cấp phép nhập khẩu mới chỉ là giai đoạn đầu, thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp là làm sao  trụ vững trên thị trường Úc và các thị trường khó tính khác. Muốn vậy, các doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa để hướng đến một nền sản xuất sạch hơn, ở đó chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu chứ không phải là sản lượng và giá cả thấp. Do vậy, việc hình thành chuỗi liên kết là rất cần thiết.

Nhìn lại quá trình thâm nhập thị trường Úc của trái cây Việt trước đó, mới thấy chặng đường không hề dễ dàng. Chỉ tính riêng vải thiều và xoài, quá trình đàm phán hai loại trái cây này vào thị trường Úc mất lần lượt là 12 năm và 7 năm. Tương tự, lô thanh long tươi đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang Úc cũng mất 9 năm đàm phán và làm thủ tục.

Tuy nhiên, vào được thị trường rồi vẫn chưa vội mừng. Bởi thực tế, những chuyến hàng vải thiều và xoài đầu tiên khi nhập khẩu vào Úc có chất lượng rất tốt, bảo đảm, mang ra chợ bán được giá rất cao, nhưng sau đó giá bị giảm nhanh chóng do trong các lô hàng xuất khẩu tiếp theo, doanh nghiệp không đáp ứng được đủ các quy trình như các lô hàng đầu tiên, dẫn tới việc mất khách hàng.

Theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp Úc, các doanh nghiệp cần lưu ý về liều lượng chiếu xạ tối thiểu và tối đa trong việc xử lý quả nhãn, phải tuân thủ hàng loạt các quy định về kiểm tra chất lượng, dịch bệnh, đóng gói và các vấn đề kiểm dịch, vệ sinh thực phẩm. Ngoài việc phải được chứng minh nguồn gốc, sản xuất và xuất khẩu, quả nhãn cũng phải trải qua các biện pháp quản lý rủi ro bắt buộc. Đó là một trong những điều kiện để xuất khẩu nhãn tươi từ Việt Nam vào Úc được Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc chính thức công bố mới đây.

Ông Nguyễn Đình Tùng-  Tổng giám đốc Công ty T&T Vina cho biết, trái cây Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh rất lớn tại thị trường Mỹ, Úc, EU… Tuy nhiên, thông thường, trong 10 tấn sản phẩm thì chỉ lựa được vài ba tấn hàng đáp ứng thị trường. Tuy nhiên, đây chỉ một phần trong các điều kiện cần, doanh nghiệp còn phải xây dựng quy trình thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, đặc biệt là sở hữu được công nghệ bảo quản mới giữ được chất lượng trái cây tốt cho đến khi đến tay người tiêu dùng”. Đơn cử như quả bưởi của Việt Nam hiện mới chỉ có 30% sản lượng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Con số này sẽ tăng lên 70-80% nếu có đầu tư về chế biến, bảo quản.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi FarmTech Vietnam

Xuất khẩu nông lâm thủy sản lập kỷ lục mới

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11/2017 ước đạt gần 3 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2017 đạt 33,14 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã vượt qua con số 32,1 tỷ USD của cả năm ngoái, để thiết lập kỷ lục mới, và đang hướng đến mốc 35-36 tỷ USD trong năm nay.

Tính trong 11 tháng, giá trị xuất khẩu nông sản tăng 16%; thủy sản tăng 18,3%; lâm sản tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016. Giá trị nhập khẩu (nhập khẩu) nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp trong 11 tháng qua là đạt 25,21 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, tính đến thời điểm này, ngành nông nghiệp đã xuất siêu 8 tỷ USD.

Nhiều nông sản xuất khẩu tăng trưởng mạnh

Đối với lúa gạo, kết quả xuất khẩu tháng 11/2017 ước đạt 389 nghìn tấn, đem về 192 triệu USD. Lũy kế 11 tháng, đã xuất khẩu 5,49 triệu tấn và 2,48 tỷ USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 24,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 39,8% thị phần; tăng 35% về lượng và tăng 33,9% về giá trị. Xuất khẩu gạo càng về cuối năm càng thuận lợi, nhu cầu tăng mạnh khiến nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu.

Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, giá lúa loại thường tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phổ biến tăng 200 đ/kg trong tháng 11 lên mức 5.600 đ/kg; lúa Jasmine tăng 500 đ/kg lên 6.900 đ/kg. Hiện nguồn cung lúa gạo chỉ trông chờ vào diện tích lúa thu – đông còn lại của những tỉnh gieo sạ trễ.

Ngành hàng rau quả tiếp tục thiết lập kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 11 ước đạt 292 triệu USD, đưa giá trị 11 tháng lên 3,16 tỷ USD, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam trong năm nay với thị phần lần lượt là 75,6%, 3,6%, 2,9%, và 2,6%. Giá trị xuất khẩu rau quả còn tăng mạnh ở các thị trường: Nhật Bản tăng 67,6%; Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống Nhất tăng 56,9%, và Trung Quốc tăng 52,7%.

Ước tính khối lượng cao su xuất khẩu tháng 11/2017 đạt 143 nghìn tấn, đem về 210 triệu USD; lũy kế 11 tháng đạt 1,21 triệu tấn và 2,01 tỷ USD, tăng 8,2% về lượng và tăng 38,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cao su xuất khẩu đạt 1.680,4 USD/tấn, tăng 32,6% so với năm 2016.

Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt 63,1%, 5,7% và 4,0%. Trong nước, giá thu mủ cao su dạng nước đã tiếp tục tăng sau nhiều tháng không biến động, từ mức 12.500 đ/kg lên 13.200 đ/kg.

Ở ngành hàng điều, tháng 11, xuất khẩu đạt 32 nghìn tấn và 310 triệu USD, đưa xuất khẩu 11 tháng lên 323 nghìn tấn và 3,2 tỷ USD, tăng 1% về lượng và tăng 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân tăng 22,4% so với năm ngoái.

Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 35,8%, 15,9% và 12,3% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều…

Thủy sản, lâm sản lập kỷ lục mới

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 11/2017 ước đạt 728 triệu USD, đưa kết quả 11 tháng ước đạt 7,57 tỷ USD – cao nhất từ trước tới nay, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 58,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là: Trung Quốc tăng 67,9%, Hà Lan tăng 47,5%, Anh tăng 35%, Hàn Quốc tăng 29,5%, Nhật Bản tăng 22,2%, và Canada tăng 22,7%.

Giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng qua tiếp tục duy trì ở mức cao và có xu hướng tăng lên ở một số vùng, dao động ở mức 26.000-28.500 đ/kg tùy theo chất lượng cá, kích cỡ và phương thức thanh toán, có vùng giá cá lên tới 29.000-30.000 đ/kg như Đồng Tháp, Vĩnh Long vì khan hiếm nguyên liệu.

Tính từ đầu tháng 11/2017, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng liên tục có sự biến động theo kích cỡ tôm, nhưng nhìn chung vẫn còn ở mức cao so cùng kỳ những năm trước.

Ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 11 đạt 655 triệu USD, đưa kết quả 11 đạt kim ngạch 6,87 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 42,7%, 14,1%, và 13,7%. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ tăng mạnh là Hoa Kỳ (tăng 18,8%), Hàn Quốc (tăng 14,2%) và Canada (tăng 13,4%).

Nhìn chung toàn cảnh xuất khẩu ngành nông lâm ngư nghiệp, chỉ có 3 ngành hàng giảm kim ngạch xuất khẩu, đó là cà phê, tiêu, sắn. Xuất khẩu cà phê tháng 11 ước đạt 83 nghìn tấn với giá trị đạt 185 triệu USD; lũy kế 11 tháng đạt 1,27 triệu tấn và 2,89 tỷ USD, giảm 22,5% về lượng và giảm 3,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 2.289,9 USD/tấn, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2016. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 14,3% và 12,8%.

Ngành hàng tiêu đang trong giai đoạn đi xuống về giá trị xuất khẩu, tháng 11 ước đạt 10 nghìn tấn, với giá trị đạt 46 triệu USD; đưa xuất khẩu tiêu 11 tháng lên 203 nghìn tấn và 1,06 tỷ USD; tăng 20,1% về lượng nhưng giảm 21,7% về giá trị.

Giá tiêu xuất khẩu bình quân năm nay giảm 34,6% so với năm trước. Ba thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Ấn Độ, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất với thị phần lần lượt là 19,4%, 6,8%, và 5,8%.

Nguồn: vneconomy.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.