Thị trường xuất khẩu tôm “đổi ngôi”, châu Âu mới là số 1

Các thị trường truyền thống của tôm Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… đã có sự thay đổi “ngôi thứ” trong năm 2017. Năm 2017 cũng được xem là năm “được mùa” của xuất khẩu tôm khi giá trị kim ngạch đạt 3,8 tỷ USD.

Chế biến tôm xuất khẩu

Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dù diễn biến thị trường nhiều bất lợi nhưng hết năm 2018, đã có 3,8 tỷ USD được mang về từ xuất khẩu tôm. Trong đó, Châu Âu vươn lên thay thế Mỹ, dẫn đầu thị trường nhập khẩu của tôm Việt Nam.

Theo đó, xuất khẩu tôm vào EU trong 11 tháng năm 2017 đạt trên 780 triệu USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 22,2% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường.

Tại khối EU, có những thị trường tăng vượt bậc trong năm qua như Hà Lan tăng đến 70,5%, đạt 199,7 triệu USD. Tiếp đó, Anh và Đức lần lượt tăng 54,5% và 6%. Tuy nhiên, theo đánh giá của VASEP, Việt Nam có thể chen chân mạnh mẽ vào thị trường EU trong năm qua nhờ các đối thủ mạnh như Ấn Độ, Thái Lan gặp các vấn đề về kháng sinh, thuế… khi xuất khẩu tôm vào EU.

Ngoài ra, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU khá tích cực là do người tiêu dùng EU ưa chuộng các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng tiện lợi và tăng nhập khẩu để phục vụ nhu cầu các lễ hội cuối năm. Trong khi đó, nguồn tôm nước lạnh lại đang có giá cao và nguồn cung lại giảm.

Không chỉ EU, thị trường Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng có sự “đổi ngôi” thứ vị trong nhập khẩu tôm Việt Nam năm 2017. Mỹ là thị trường sụt giảm duy nhất trong nhóm các thị trường chính của tôm Việt khi 11 tháng đầu năm chỉ nhập khẩu khoảng 610 triệu USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm các thị trường truyền thống của tôm Việt, với mức tăng trưởng 60,2%, đạt 637,9 triệu USD. Với đà tăng trưởng này, VASEP đánh giá, Trung Quốc có khả năng vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường lớn thứ hai của tôm Việt Nam trong quý 1.2018.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP cũng thông tin, từ ngày 1.12.2017, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc có lợi thế hơn khi nước này quyết định giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống 2% đối với sản phẩm tôm đông lạnh. Hơn nữa, với lợi thế về vị trí địa lý, thanh toán linh hoạt… doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu của bạn hàng Trung Quốc khi nhu cầu ở thị trường này tăng mạnh.

Hiện tại, nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường Trung Quốc vẫn ở mức cao, nhằm phục vụ mùa tết âm lịch sắp tới. Một số doanh nhân Trung Quốc còn đến tận ao nuôi các nước lân cận để tìm mua hàng với khối lượng lớn. Một số nhà phân tích cho rằng, lượng tôm thẻ châm trắng nuôi tại Trung Quốc đã giảm 2/3 do gặp các bất lợi về thời tiết. Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng tôm nhập khẩu vào thị trường này tăng mạnh.

Cũng theo ông Hòe, không chỉ ở thị trường Trung Quốc, sự thay đổi ngôi thứ này cũng có thể kéo dài sang năm 2018, khi mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực sẽ tạo nhiều thuận lợi cho xuất khẩu tôm vào thị trường này.

Cụ thể, theo lộ trình cam kết, khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu tôm mã HS 03061100 (tôm hùm xanh ướp đá; tôm sú HOSO, DP đông lạnh; tôm mũ ni vỏ…) sang EU sẽ về 0% thay vì mức 12,5% như hiện tại, thuế sản phẩm tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú thịt đông lạnh, tôm thẻ thịt đông lạnh… cũng về 0% từ mức 20%.

Trong khi đó, sản xuất tôm trong nước năm qua cũng gặp nhiều thuận lợi nhờ giá tốt, được Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan ban ngành ưu tiên. Ông Dương Thành Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết, chỉ trong vòng một năm qua, các mô hình nuôi tôm công nghệ cao phát triển rất mạnh mẽ tại địa phương này, hướng tới xây dựng Bạc Liêu thành trung trâm công nghiệp tôm của cả nước.

“Chỉ với 500 – 600 triệu đồng, nông dân có thể đầu tư ao nuôi tôm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và lấy lại vốn sau 1 năm. Do đó, các mô hình này đang lan tỏa rất nhanh, dẫn tới lo ngại về việc khó kiểm soát ô nhiễm môi trường”, ông Trung cho biết.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.

Xuất khẩu tôm vươn ra 93 thị trường thế giới

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm của Việt Nam đã vươn rộng ra 93 thị trường trên thế giới, tăng 8 thị trường so với cùng kỳ năm ngoái.

Và tăng trưởng tốt trong nhiều tháng qua, dự báo xuất khẩu tôm sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm khi nhu cầu thị trường tăng mạnh vào dịp lễ Noel và năm mới 2018.

1. Chủ động nuôi

Ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm nuôi tại ĐBSCL những tháng cuối năm 2017 được dự báo thuận lợi, nguồn cung nguyên liệu không quá khan hiếm, thị trường đầu ra rộng mở.

Là đơn vị sản xuất tôm theo chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, Cty CP Thủy sản Trung Sơn (Kiên Lương, Kiên Giang) rất chú trọng phát triển vùng nuôi nhằm chủ động nguyên liệu tại chỗ.

Ông Trương Minh Điền, Phó Tổng Giám đốc kỹ thuật Cty CP Thủy sản Trung Sơn cho biết, Cty đang đầu tư 650ha vùng nuôi, trong đó đang khai thác sử dụng là 350ha với 160ha mặt nước thả nuôi. Dù đã thời điểm cuối vụ nhưng Cty vẫn duy trì thả nuôi gần 20 ao (5.000m² mặt nước/ao), tôm nuôi được từ 40 – 60 ngày tuổi. Nếu thuận lợi, tôm nuôi khoảng 85 – 90 ngày sẽ cho thu hoạch, với năng suất từ 10 – 15 tấn/ao. Ngoài tôm đông lạnh trong kho, thì đây sẽ là nguồn cung tôm rất quan trọng trong những tháng cao điểm cuối năm.

Các tập đoàn chế biến tôm xuất khẩu lớn tại ĐBSCL thời gian qua cũng rất chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu, sản xuất bền vững. Cụ thể, Tập đoàn Minh Phú (Cà Mau) đang sản xuất tôm sinh thái (tôm – rừng, tôm – lúa) với diện tích tự đầu tư trên 900ha. Ngoài ra, tập đoàn còn liên kết, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật nuôi cho khoảng 12.000 hộ nuôi tôm sinh thái khác trong vùng, khoảng 100.000ha nữa. Đây sẽ là nguồn cung cấp tôm nguyên liệu sạch cho nhà máy chế biến, xuất khẩu đi hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có gồm thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu.

Tại Bạc Liêu, nhiều đơn vị nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả rất tốt, năng suất vượt trội, hiệu quả kinh tế cao.

Cụ thể, Cty TNHH MTV Hải Nguyên (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) tổng diện tích đầu tư nuôi 60ha, thả nuôi được 20ha mặt nước. Trong đó, 10ha nuôi trong nhà lưới mật độ 100 – 150 con/m² và 10ha nuôi ngoài trời mật độ 60 – 80 com/m² hiện tại thu hoạch được 3ha, sản lượng 90 tấn, diện tích đang còn tôm là 17ha. Chi nhánh Cty CP Việt Úc Bạc Liêu (xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu) đầu tư với tổng diện tích toàn khu hơn 315ha, đang tiếp tục xây dựng 8 trại, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2017.

2. Đầu ra rộng mở

Theo các đánh giá, tình hình xuất khẩu thủy sản thời gian qua khá ấn tượng, với kim ngạch 9 tháng đầu năm đạt hơn 5,9 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc là bốn thị trường tiêu thụ thủy sản lớn của Việt Nam. Các thị trường có sự tăng trưởng mạnh là Trung Quốc (63,3%), Hà Lan (35,1%), Anh (29,5%), Hàn Quốc (28%), Nhật Bản (27,7%), Canada (21,5%).

Hiện nay, Cty CP Trung Sơn đang xuất khẩu tôm qua các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… với mặt hàng chính là tôm đông lạnh nguyên con và tôm chế biến giá trị gia tăng cao. Nhờ có nguồn nguyên liệu tại chỗ, được nuôi theo quy trình ứng dụng công nghệ cao và chủ động thu hoạch theo đứng kích cỡ (size) khách hàng yêu cầu nên sản phẩm của Trung Sơn luôn dễ dàng vượt qua các hàng rào kỹ thuật của các thị trường khó tính.

Ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả tốt, năng suất vượt trội, hiệu quả kinh tế cao

Theo đại diện VASEP, hiện nay châu Âu rất chú trọng đến việc tiêu thụ các sản phẩm thủy sản xuất bền vững. Nhiều nước EU xem đây là điều kiện bắt buộc để thủy sản được chấp nhận vào thị trường. Các quy trình sản xuất bền vững, an toàn với dịch bệnh, môi trường như: tôm nuôi sinh thái, tôm hữu cơ… tại Việt Nam đang được các thị trường này rất ưa chuộng. Trong khối thị trường châu Âu thì Hà Lan, Anh và Bỉ là ba nước nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam.

Theo Sở Công thương Kiên Giang, 9 tháng đầu năm nay chỉ số phát triển công nghiệp của tỉnh tăng 8,21% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến đạt 26.290 tỷ đồng, tăng 8,4%. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh cũng có bước tăng trưởng tốt, 9 tháng ước đạt 357,63 triệu USD, tăng 38,63% so với cùng kỳ, trong đó tăng mạnh nhất là mặt hàng thủy hải sản, với 54,97%.

Còn tại Cà Mau, Sở Công Thương tỉnh này cho biết, trong 9 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm đạt gần 750 triệu USD, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng trong tháng 9 vừa qua, giá trị xuất khẩu tôm của tỉnh đạt gần 120 triệu USD.

Ông Phan Thanh Sang, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu, Sở Công thương Cà Mau cho biết, tình hình xuất khẩu có nhiều tín hiệu khả quan. Đặc biệt, hiện các thị trường như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản, Hàn Quốc đang nhập mạnh các mặt hàng tôm để chuẩn bị cho dịp lễ, tết cuối năm, giá trị xuất khẩu tôm của tỉnh trong quý IV sẽ tăng cao. Khả năng đạt chỉ tiêu 1,1 tỷ USD trong năm nay là rất lớn.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Triển vọng thuỷ sản xuất khẩu sang Canada

Mặc dù Canada là nước sản xuất thủy sản lớn trên thế giới, tuy nhiên hiện nay, nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam, nhất là tôm thẻ, tôm sú vẫn được các DN Canada nhập khẩu với số lượng đáng kể từ thị trường Việt Nam và dư địa thị trường này còn rất lớn.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam sang thị trường Canada đạt hơn 183 triệu USD, đứng đầu trong nhóm các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang Canada. 10 tháng đầu năm 2017, XK thủy sản sang Canada đã tiếp tục tăng khá với tổng kim ngạch hơn 186 triệu USD.

Tôm thẻ, tôm sú vẫn được các DN Canada nhập khẩu với số lượng đáng kể

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) đánh giá: Canada là nước có yêu cầu khắt khe vào diện bậc nhất thế giới về điều kiện nông sản NK, nhất là thủy sản. Vì vậy, đây cũng là thị trường giá trị cao, và khi nông sản Việt Nam đã XK được vào nước này, sẽ tạo ra điều kiện rất lớn để XK được sang các nước khác. Đối với thủy sản, ông Tiệp đánh giá các mặt hàng tôm của Việt Nam có cơ hội hơn cả để XK sang Canada do nhu cầu của nước này khá lớn. Bên cạnh đó, điều kiện của nhiều DN nuôi và chế biến tôm của Việt Nam về cơ bản đã có thể đáp ứng được yêu cầu của Canada. Tuy nhiên đối với vùng nuôi, Việt Nam vẫn cần hoàn thiện thêm mới có thể đáp ứng được yêu cầu.

Cụ thể, Canada đã chuyển sang cơ chế quản lí từ gốc. Theo đó, không chỉ các DN chế biến phải chịu kiểm tra mà cả các vùng nuôi nguyên liệu cũng phải được các cơ quan có thẩm quyền của Canada trực tiếp sang Việt Nam đánh giá, đạt yêu cầu mới có thể được cấp phép XK. Để thúc đẩy XK tôm của Việt Nam sang thị trường này, Canada thời gian qua cũng đã trực tiếp hỗ trợ cho Việt Nam dự án hỗ trợ kỹ thuật để các DN và nông dân tự cải thiện nâng cấp để tự kiểm soát về ATTP. Hiện một dự án giá trị 15 triệu USD do Canada tài trợ với mục tiêu giúp Việt Nam cải thiện ATTP trong nuôi trồng thủy sản sẽ được triển khai trong năm 2017.

Nói về triển vọng thương mại nông sản và hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Canada, ông Nguyễn Đức Hòa, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Canada cho biết: Canada là quốc gia có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho nông nghiệp, nhất là đất đai rộng, công nghệ về nông nghiệp hàng đầu thế giới. Vì vậy, kể cả trong hợp tác để trực tiếp đầu tư SX nông nghiệp của Việt Nam tại Canada trong thời gian tới là rất khả quan, hiện một số DN cũng đã và đang sang Canada thuê đất đầu tư nông nghiệp.

Ngoài ra, qua tìm hiểu, các DN tại Canada cũng rất quan tâm tới Việt Nam về nông nghiệp, trong đó có cả vấn đề kinh nghiệm của nền nông nghiệp Việt Nam trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo ông Hòa, hạn chế lớn nhất về thị trường Canada đó là thông tin và sự hiểu biết hai chiều giữa các DN Việt Nam và Canada còn khiêm tốn.

Theo ông Hòa, thời gian tới, Bộ NN-PTNT nên tổ chức các đoàn DN có thế mạnh của Việt Nam trực tiếp sang Canada để cùng gặp gỡ với các DN nước bạn. Phía Đại sứ quán Việt Nam tại Canada sẽ hỗ trợ để các DN hai bên gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác cụ thể.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.