Nai và các đặc điểm sinh học của nai

1. Tên gọi

Nai là một loài động vật có vú nhai lại thuộc họ Cervidae. Con đực của hầu hết các loài hươu nai đều có sừng mọc và rụng theo năm.

Con nai tơ

2. Hình dáng

Chọn nai giống phải cân đối, nhanh nhẹn, chân dài và nhỏ, cổ dài, đầu nhỏ, tai to và thính. Con đực lớn hơn con cái, lúc trưởng thành con đực có khối lượng từ 200 -250 kg, con cái nặng 100 – 150 kg. Da nai màu tro hay xám đen. Lông nai có màu hung đen hay nâu sẫm, con đực sẫm hơn con cái. Dọc theo chính sống lưng và có lông dài và sẫm hơn. Chỉ có nai đực mới có sừng, sừng có 3-4 nhánh.

3. Tập tính sinh hoạt, tuổi thọ và môi trường sống

Nai có bản tính nhút nhát, hiền lành, khướu giác, thính giác tốt, thích sống theo bầy đàn nhỏ vài ba con. Tuổi thọ của nai khoảng 25-30 năm. Môi trường sống thích hợp là trảng cỏ, rừng thưa có nhiều cây, cỏ non… Ban ngày nai thường tìm nơi nên tĩnh, kín đáo và an toàn để ngủ, nghỉ… ban đêm tìm kiếm thức ăn và những hoạt động khác…

4. Sinh sản

Bao gồm, thức ăn xanh tươi (cỏ, cây các loại), thức ăn tinh (hạt ngũ cốc, củ quả), muối khoáng như tro bếp, đất sét… Thực tế cho thấy, nai thường tìm đến nương rẫy mới đốt kiếm tro, đất sét để ăn.

5. Sinh trưởng, phát triển

Khoảng nửa giờ sau khi sinh, nai con có thể đứng dậy bú mẹ; 15-20 ngày bắt đầu tập ăn cỏ, lá cây: 1,5 tháng chạy nhảy, hoạt động như nai trưởng thành. Nai sơ sinh nặng 4-5 kg/con, 1 tháng nặng 10- 15 kg, 6 tháng nặng 40-50 kg, 12 tháng có thể đạt trọng lượng trưởng thành.

Sau một năm tuổi nai đực sẽ mọc sừng. Cặp sừng đầu tiên không phân nhánh, dài khoảng 20- 30cm. Nai rụng sừng cũ và mọc sừng mới mỗi năm một lần vào mùa xuân. Sau khi rụng sừng cũ 15-20 ngày, cặp sừng mới bắt đầu mọc. Sừng non mới mọc có màu hồng nhạt, đầy dưỡng chất, ngoài phủ một lớp lông tơ màu trắng xám, mịn, mượt mà như nhung nên gọi là nhung. Nhung của những lần mọc sau dài 3-4cm thì bắt đầu phân nhánh, được 20-25cm thì phân nhánh lần thứ 2. Nhung già hóa sừng gọi là gạc nai.

6. Sinh sản

Nai động dục theo mùa, thường vào mùa thu từ tháng 9-10. Mùa động dục nai ít ăn… Nai đực hung hăng, đi lại tìm cái, đầu cúi gằm xuống, sừng chĩa về phía trước, hai chân trước cào bới đất như sẵn sàng lao vào cuộc chiến… Hai dịch hoàn cương to, dương vật tiết ra nước màu nâu đen có mùi đặc trưng khai và hôi.

Nai cái, thời gian động dục kéo dài 1 -3 ngày, thích gần đực, âm hộ xung huyết phồng to và tiết ra dịch nhờn màu trắng… Nai đực thành thục sinh dục hơn 2năm tuổi, nai cái sớm hơn, 12-14 tháng tuổi đã có thể phối giống, 21 -24 tháng tuổi đã có thể đẻ lứa đầu. Sau khi đẻ 2- 4 tháng nai cái sẽ động dục trở lại.

Thời gian mang thai trung bình 280 ngày. Nai tơ mang thai dài hơn nai già. Trước khi đẻ vài ngày nai mẹ hoạt động chậm chạp, lười biếng và thường tách đàn nằm nghỉ, bầu vú căng, sa xuống, âm hộ xung huyết… Nai thường đẻ vào ban đêm, đẻ xong nai mẹ cắn rốn, liếm khô con và khu vực xung quanh cho nai con sạch sẽ, ấm áp . . . Nai cái thường đẻ mỗi năm 1 lứa, mỗi lứa 1-2 con, nai đực mỗi năm cắt được một hoặc hai cặp nhung…

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

 

Những lưu ý khi đỡ đẻ cho bò

Việc nuôi bò sinh sản có nhiều vấn đề mà không phải bà con nào cũng biết cách giải quyết. Dưới đây là một số lưu ý trong vấn đề sinh sản của bò được những người nuôi kinh nghiệm chia sẻ.

Đầu tiên là việc phối giống, với những con bò so, bò xác nhỏ bà con không nên phối những giống bò quá to như vậy khi bò đẻ sẽ rất khó. Thêm vào nữa là khi bò so mang bầu bà con nên cho ăn vừa phải đừng quá thúc làm cho bò con to nên khó đẻ.

Trong thời gian bò mang thai, bà con cần bổ sung canxi khoáng ít nhất 2 lần để đảm bảo bò con sau này không bị thiếu hụt canxi dẫn đến khó đứng, hay dị tật.

Khi bò bắt đầu đẻ, bà con cần chuẩn bị chuồng trại sạch sẽ, cần có người kéo phụ lúc bò mẹ rặn đẻ. Đây là việc cần thiết nếu không khi bò đẻ con quá to sẽ không đẻ ra được gây hại cho bò con và có thể cả bò mẹ.

Sau khi bò đẻ xong, bà con cần chú ý để bò mẹ liếm khô lông bò con. Bà con cũng có thể phụ lau khô lông bò con cũng được. Chú ý, lúc này có thể bò mẹ rất dữ. Vì vậy thao tác tiếp xúc hoặc gần với bò con bà con cần hết sức đề phòng. Nếu gặp trường hợp bò mẹ quá dữ, bà con cứ để bò mẹ tự liếm khô cho bò con. Khi bò mẹ liếm xong, bà con tìm cách cột cố định bò mẹ để tiến hành đỡ bò con tập đứng. Việc này có thể mất 15 phút hoặc cả giờ vì tùy vào thể trạng bò con. Việc đỡ bò con đứng là cần thiết để bò con có thể tự bú được. Nếu việc này kéo quá dài làm bò mẹ căng sữa. Khi đó bò con tiếp xúc với vú bò mẹ sẽ bị bò mẹ đá, đẩy ra không cho bú. Nếu trường hợp bò mẹ dữ mà bò con vẫn không thể tự bú được thì bà con cần cố định 2 chân sau của bò mẹ rồi đỡ bò con đứng bằng cách kẹp bò con vào giữa hai chân người đỡ đẻ rồi dùng tay đưa đầu bò con vào vú bò mẹ; tay còn lại vắt sữa từ vú bò mẹ chảy ra để bò con quen hơi và tập bú. Trường hợp bò mẹ quá căng sữa (sau 2-3 giờ mà bò con vẫn chưa bú được) bà con cần dùng khăn ấm lau các vú bò mẹ và bánh sữa bò mẹ. Biện pháp này vừa làm ấm sữa cho bò con bú, vừa giúp giảm căng sữa ở bò mẹ.

Khi bò con bú, bà con chú ý quan sát bò con bú đều hết các vú mới hiệu quả. Thưòng thì bò con mới đẻ bú rất ít nhưng phải bú mới có sức khỏe được. Nếu bò đẻ ban đêm bà con phải chịu khó theo dõi, việc chậm bú càng lâu càng khó giải quyết. Một là bò mẹ ngày càng căng sữa nên việc cho bú rất khó khăn; hai là bò con ngày càng đói nên đừ dần theo thời gian. Khả năng tìm bú giảm đáng kể. Do vậy bà con cần chú ý điểm này.

Sau khi bò đẻ, bà con có thể cho ăn các loại thức ăn bổ sung sữa cho bò mẹ như đậu nành rang, hoa chuối chát, …

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật đỡ đẻ cho bò

Chăn nuôi bò nói chung và chăn nuôi bà sinh sản nói riêng đã và đang là công việc mang lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Ở những hộ gia đình thì việc chăn nuôi bò thịt gặp nhiều khó khăn do chế độ chăm sóc đòi hỏi khắt khe hơn. Do đó phần lớn bà con nông dân chọn phương án nuôi bò sinh sản.

 

 

Tuy nhiên, việc nuôi bò sinh sản cũng có nhiều vấn đề mà không phải bà con nào cũng biết cách giải quyết. Dưới đây là kỹ thuật đỡ đẻ cho bò giúp bò mẹ và bê con khỏe mạnh.

Triệu chứng trước khi đẻ:

  • Có hiện tượng sụt mông.
  • Bầu vú căng, đầu vú chĩa về 2 bên.
  • Nút niêm dịch thải ra, treo lòng thòng ở mép âm môn.
  • Đau bụng, đứng lên nằm xuống, chân cào đất.
  • Ỉa đái nhiều lần.
  • Có cơn rặn, bọc ối thò ra ngoài mép âm môn.

Thế nào là bò đẻ bình thường?

Bò đẻ bình thường phải ở 1 trong 2 trường hợp sau:

– Trường hợp 1: Thai xuôi là thai dọc đầu, sấp. Đầu và cổ thai phải gác lên hai chân trước duỗi thẳng và bằng nhau.

– Trường hợp 2: Thai ngược là thai dọc đuôi, sấp. Đuôi của thai phải nằm giữa 2 chân sau duỗi thẳng và bằng nhau.

Nếu chiều, hướng, tư thế của thai không ở 2 trường hợp trên là bò đẻ khó, phải mời cán bộ thú y đến can thiệp.

Quy trình đỡ đẻ

Bò đẻ bình thường không cần can thiệp hoặc chỉ cần dùng tay kéo nhẹ nhàng thai ra.

  • Khi bò đẻ sẽ vỡ ối, ta hứng lấy nước ối.
  • Cắt dây rốn dài khoảng 10-12cm (không cần buộc dây rốn) sát trùng bằng cồn Iod 5%.
  • Lau rớt rãi trong mũi, mồm.
  •  Để bò mẹ tự liếm con, nếu không liếm ta phải lau khô.
  • “Bóc móng” để bê con đỡ trơn trượt khi mới tập đi.
  • Cân trọng lượng bê.
  • Vệ sinh phần thân sau và bầu vú của bò mẹ.
  • Cho bò mẹ uống nước ối, thêm ít muối, cám và nước ấm.
  • Cho bê con bú – Ghi sổ sách theo dõi.

Phương pháp làm hồi sinh cho bê

Bê mới đẻ bị ngạt có thể áp dụng một trong các biện pháp sau:

  • Hà hơi thổi ngạt
  • Hô hấp nhân tạo
  • Dùng cuộng rơm hoặc cái lông gà ngoáy nhẹ nhàng vào lỗ mũi để kích thích.
  • Dội nước lạnh: dốc ngược bê xuống và dội xô nước lạnh lên vùng ngực và đầu.

Phòng bệnh sót nhau

12 giờ sau khi đẻ nhau chưa ra gọi là sót nhau phải can thiệp ngay.

  • Phòng sát nhau tốt nhất là cho bò mẹ uống nước ối sau khi đẻ.
  • Tiêm oxytoxin 6 đv/100kg trọng lượng.
  • Thụt Rivanol 1% 600ml vào trong tử cung.

Có thể dùng: lá hồng bì hoặc lá khế 500g. Lá trầu không 20g. Giã nát ngâm trong 1 lít nước đun sôi để nguội gạn nước cho bò uống.

 Chữa bệnh viêm tử cung

  • Dùng Lugol 1% thụt 50ml vào tử cung.
  • Sau 3-4 ngày thụt kháng sinh.
  • Penicillin 1 triệu đơn vị
  • Steptomycin 1 gam
  • Nước cất 10ml

Chú ý:

  • Nếu còn mủ thì phải tiếp tục thụt rửa Lugol 1%.
  • Chỉ thụt kháng sinh khi tử cung hết mủ. Hoặc dùng nước muối 1% hay Rivanol 1% thụt rửa tử cung, hút hết nước trong tử cung ra, rồi thụt kháng sinh (liều lượng như trên). Sau khi điều trị nếu bò động dục có thể phối giống.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Thức ăn cho bò và cách cung cấp thức ăn

1. Thức ăn thô

Thức ăn thô là nguồn cung cấp dinh dưỡng chủ yếu cho bò, bao gồm các loại cỏ: Cỏ tươi, cỏ khô và thức ăn ủ chua. Cỏ tươi có thể từ nguồn cỏ tự nhiên, hoặc cỏ trồng như các loại: Cỏ voi, cỏ sả, cỏ paspalum hoặc cỏ mulato.

Cỏ tươi – thức ăn xanh cho bò

Ngoài ra người chăn nuôi có thể tận dụng các loại phụ phẩm của công nghiệp chế biến rau quả như vỏ trái thơm, bã mía để cho bò ăn. Các loại thức ăn thô xanh thường chứa nhiều nước, dễ tiêu hóa, tạo cảm giác ngon miệng, cung cấp nhiều vitamin và chất xơ. Nếu thiếu cỏ tươi sẽ ảnh hưởng đến hàm lượng chất béo trong sữa, nếu bò thiếu thức ăn thô xanh trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản.

Cỏ khô, rơm… có thể thay thế một phần cỏ tươi trong trường hợp nguồn cỏ tươi bị hạn chế. Cỏ khô tương đối khó tiêu hóa, đặc biệt là rơm nên nếu cho ăn thường xuyên sẽ khiến bò kém ăn, sản lượng sữa giảm sút. Khi cho bò ăn rơm hoặc cỏ khô, có thể tưới nước có pha urê trước khi cho bò ăn, có tác dụng làm mềm và bổ sung thêm chất đạm vô cơ.

Rơm khô được sử dụng làm thức ăn cho bò

Thức ăn ủ chua được làm bằng cách ủ chua thân cây bắp hoặc các loại cỏ. Loại thức ăn này khá thơm, vị hơi chua, nhiều vitamin nhóm B, có chứa nhiều vi khuẩn lên men lactic và bò rất thích ăn. Tuy nhiên, không thể sử dụng hoàn toàn thức ăn ủ chua thay thế cho thức ăn thô xanh, vì có thể gây rối loạn tiêu hóa và bò bị tiêu chảy khi ăn quá nhiều. Ở nước ta có thể tận dụng cỏ thừa không kịp sử dụng, hoặc thân cây bắp sau khi thu hoạch, để sản xuất thức ăn ủ chua và cho bò ăn vào những lúc thức ăn thô xanh khan hiếm.

Ủ chua thức ăn cho bò

Cho dù người chăn nuôi cho bò ăn loại thức ăn thô xanh nào, một điều đáng lưu ý là bò sữa nên được cho ăn suốt ngày, lúc nào trong máng cũng có sẵn cỏ để bò ăn.

2. Thức ăn tinh

Thức ăn tinh gồm các loại cám gạo, bắp, phụ phế phẩm, củ quả và các loại cám hỗn hợp… Những loại thức ăn này chứa nhiều chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa nhưng cũng tiềm ẩn mối nguy gây rối loạn tiêu hóa nếu sử dụng quá nhiều. Bởi lẽ bò sữa có dạ dày 4 túi thích nghi với việc ăn cỏ hơn là sử dụng các loại thức ăn tinh.

Lượng thức ăn tinh cho bò ăn hàng ngày phải được tính toán cho phù hợp và phân thành nhiều lần ăn trong ngày, mỗi lần cho ăn không quá 2kg. Nên cho ăn dưới dạng khô khi bò đang vắt sữa, nhưng cũng có thể cho thức ăn tinh và thức ăn thô băm nhỏ trộn chung. Tuy nhiên, cách này chỉ phù hợp với trại có quy mô chăn nuôi lớn.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Nguồn gốc và đặc điểm của bò lai sind

1. Nguồn gốc bò lai Sind

Bò lai Sind là giống bò hình thành do kết quả tạp giao giữa bò đực Red sindhi với bò vàng Việt Nam.

Bò lai Sind

Bò Red Sindhi hay Shindhi đỏ là một giống bò thịt thuộc giống bò Zebu và xuất xứ từ từ tỉnh Sind của nước Pakistan.

2. Ngoại hình và đặc điểm

Bò lai Sind có tầm vóc trung bình so với các giống bò ở Việt Nam, đa số khỏe mạnh, màu lông vàng hoặc đỏ sẫm.

Bò lai Sind có đầu hẹp, trán gồ, tai to cụp xuống,yếm và rốn rất phát triển, u vai nổi rõ, lưng ngắn,ngực sâu, mông dốc, bầu vú khá phát triển, đa số đuôi dài và đoạn chót không có xương.

Đây là giống bò kiêm dụng cho thịt và sữa. Màu đặc trưng của bò là màu đỏ cánh gián nhưng cũng có thể có một số cá thể có những mảng đen ở dọc lưng, hai bên cổ hoặc có thể có một vài đốm trắng nhỏ cũng có thể được chấp nhận.

Bò lai Sind có sức khỏe rất tốt

Khối lượng trưởng thành của bò cái 320–350 kg và bò đực 370-420kg. Khối lượng bê sơ sinh 20–21 kg, tỷ lệ thịt xẻ 50%. Bò được sử dụng để cho thịt tại Ấn Độ và Pakistan và cho sửa ở Brasil.
Có thể phối giống lần đầu lúc 18-24 tháng tuổi. Khoảng cách lúa đẻ khoảng 15 tháng. Năng suất sữa khoảng 1200-1400kg/240-270 ngày, mỡ sữa: 5­5,5%. Có thể dùng làm nền để lai với bò sữa tạo ra các con lai cho sữa tốt. Tỉ lệ thịt xẻ 48­,49% (bò thiến). Có thể dùng làm nền để lai với bò đực chuyên dụng thịt thành bò lai hướng thịt. Bò này có khả năng cày kéo tốt: sức kéo trung bình 560-600N, tối đa: cái 1300-2500N, đực 2000-3000N.
Bò lai Sind thích nghi với khí hậu nóng ẩm, chịu đựng kham khổ, ít bệnh tật.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Phương pháp cạn sữa đột ngột ở bò

Cạn sữa tạo điều kiện cho cơ thể tích luỹ các chất dinh dưỡng, chuẩn bị cho chu kỳ tiết sữa sau và đặc biệt là để hình thành sữa đầu được tốt. Mặt khác, cạn sữa còn nhằm mục đích tập trung dinh dưỡng cho sự phát triển của bào thai mà ở giai đoạn này tốc độ phát triển rất nhanh.

Ngoài đối tượng bò đang vắt sữa có chửa, cạn sữa còn áp dụng cho cả những con không có chửa nhưng năng suất sữa thấp dưới ngưỡng hiệu quả kinh tế, sữa chất lượng kém, những con gầy yếu, bị viêm vú …

Trong chăn nuôi bò sữa, cạn sữa là một khâu kỹ thuật quan trọng. Nguyên tắc cơ bản của việc cạn sữa là làm ngừng quá trình tạo sữa thông qua việc làm thay đổi các tín hiệu của phản xạ có điều kiện về tiết sữa và hạn chế cung cấp cho bò nguồn nguyên liệu tạo sữa (nếu cần). Nghĩa là thay đổi (giảm) số lần vắt, thời gian vắt, thay đổi cách vắt và địa điểm vắt sữa ….Nếu thấy các biện pháp đó không mang lại hiệu quả thì rút bớt mức dinh dưỡng, loại bỏ khỏi khẩu phần các thức ăn nhiều nước, thức ăn kích thích tạo sữa và thức ăn tinh.

Có ba phương pháp làm cạn sữa:

– Phương pháp làm cạn sữa chậm: thời gian làm cạn sữa khoảng 10-15 ngày.

– Phương pháp làm cạn sữa nhanh: thời gian làm cạn sữa khoảng 5-7 ngày.

– Phương pháp làm cạn sữa đột ngột.

Dưới đây Farmtech VietNam xin giới thiệu về phương pháp cạn sữa đột ngột:

1. Nguyên lý của phương pháp cạn sữa đột ngột:

Cạn sữa cho bò theo phương pháp đột ngột nghĩa là ngay sau khi vắt sữa buổi cuối cùng, bơm ngay thuốc cạn sữa vào các ống núm vú và chuyển bò sang lô theo dõi cạn sữa, đồng thời cho ăn khẩu phần của bò cạn sữa.

2. Lợi ích của phương pháp cạn sữa đột ngột:

Phương pháp cạn sữa đột ngột vừa giảm nguy cơ viêm vú, vừa tác động tốt lên quá trình tiết sữa của chu kỳ sau. Mặt khác, phương pháp này cho phép đơn giản hoá quá trình chăm sóc, cho ăn và vắt sữa so với phương pháp cạn sữa từ từ mà hiện nay nhiều cơ sở chăn nuôi bò sữa ở nước ta vẫn đang áp dụng.

3. Các loại bò đưa vào cạn sữa đột ngột:

– Bò có chửa từ ngày thứ 215 – 219: Bơm thuốc cạn sữa vào ngày chửa thứ 220.

– Bò đang điều trị, gầy yếu, đau chân nặng, ít sữa kéo dài, khả năng hồi phục kém.

– Bò có số ngày vắt sữa trên 305 ngày, ít sữa kéo dài và có hiện tượng viêm vú.

– Bò có số ngày vắt sữa trên 305 ngày, sữa ít và loãng.

4. Các bước tiến hành:

– Lập danh sách bò đưa vào diện cạn sữa theo các đối tượng nêu trên.

– Vắt sữa lần cuối.

– Lau sạch bầu vú với dung dịch khử trùng.

– Bơm vào tất cả các núm vú thuốc cạn sữa, ví dụ Mamifort Secado (với thành phần Cloxacillin sodium 500mg và Ampicillin sodium 250mg), bơm vào mỗi khoang vú một ống Mamifort Secado.

– Chuyển bò về lô theo dõi cạn sữa, cho ăn khẩu phần hàng ngày của bò cạn sữa với 15 – 16 kg cỏ voi (hoặc 10 – 11 kg cây ngô) + 3 kg rơm khô và 3 – 3,5 kg thức ăn tinh (tỷ lệ đạm thô 18%).

– Theo dõi cạn sữa trong 7 – 10 ngày, nếu có vấn đề liên quan đến kết quả cạn sữa thì xử lý.

– Khi cạn sữa thành công, chuyển bò về nuôi ở những lô tương ứng, với chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp (ví dụ: bò cạn sữa chửa kỳ cuối, bò không có chửa, bò gầy yếu ….)

5. Cạn sữa chưa đạt và cách xử lý:

Thông thường, phương pháp cạn sữa đột ngột cho kết quả rất tốt, quá trình tiết sữa bị ngừng ngay, bò không có hiện tượng viêm vú. Tuy nhiên, có một tỷ lệ rất nhỏ, không đáng kể cạn sữa chưa đạt. Tuỳ trường hợp, có các biện pháp xử lý cụ thể như sau:

– Nếu sữa vẫn chảy ra, sữa bình thường, không có biểu hiện viêm vú: nhúng các núm vú bằng dung dịch thuốc sát trùng.

– Bầu vú bị cương, da căng chuyển mầu hồng đỏ nhưng chưa viêm: tiêm kháng sinh và thuốc kháng viêm (không bơm thuốc và không vắt sữa) cho đến khi hết triệu chứng và bầu vú trở lại bình thường.

– Vú bị viêm nhưng không sưng, sữa lợn cợn: bơm lại thuốc cạn sữa vào các vú bị viêm; các vú khác không bơm.

– Vú bị viêm cấp, bầu vú sưng, nóng, đỏ và đau: điều trị viêm vú cấp bằng kháng sinh, kháng viêm, bơm Mamifort 02 lần/ngày cho đến khi khỏi viêm rồi lại bơm thuốc cạn sữa. Chỉ điều trị các vú bị viêm, các vú khác không viêm không vắt sữa và không điều trị.

Cách xác định trọng lượng và tuổi trâu, bò

Việc xác định khối lượng cơ thể chính xác nhất vẫn là cân trực tiếp. Tuy nhiên, để cân trọng lượng của một con trâu hay bò đôi khi lại gặp khó khăn vì trong nông hộ không phải lúc nào cũng sẵn cân, và để tiến hành cân 1 con trâu hay bò có khối lượng lớn không phải là chuyện dễ.

Xác định khối lượng cơ thể trâu bò thông qua việc đo vòng ngực và độ dài thân chéo

Chúng ta có thể ước lượng khối lượng con trâu hay bò tương đối chính xác thông qua công thức đã được nghiên cứu khi biết được vòng ngực và độ dài thân chéo của con trâu (bò) đó. (với sai số khoảng 5%).

Đối với bò: Khối lượng (kg) = 88,4 x VN 2 x DTC

Đối với trâu: Khối lượng (kg) = 90,0 x x VN 2 x DTC

  • Công thức này chỉ áp dụng đối với trâu bò từ 2 tuổi trở lên.
  • Nếu trâu bò mập thì cộng thêm 5% trọng lượng của nó.
  • Nếu trâu bò ốm thì trừ đi 5% trọng lượng của nó.

Trong đó:

  • VN: là vòng ngực của trâu (bò),  là chu vi mặt cắt đằng sau xương bả vai (tính bằng mét)
  • DTC: là độ dài thân chéo, là chiều dài được đo từ mỏm xương bả vai đến điểm tận cùng của xương ngồi (tính bằng mét).

Ví dụ: Một con trâu có vòng ngực là 1,82 m; dài thân chéo là 1,25m. Vậy thì khối lượng của nó sẽ là:

Khối lượng (kg) = 90,0 x (1,82)2 x 1,25=372 ( kg )

Một con bò có vòng ngực là 1,45m; dài thân chéo là 1,15m. Vậy khối lượng của nó sẽ là:

Khối lượng = 88,4 x (1,45)2 x 1,15= 214 (kg).

Cách xác định tuổi trâu

Có nhiều phương pháp giám định tuổi trâu, bò. Tuy nhiên, giám định tuổi qua răng là tương đối dễ và chính xác nhất. Răng của bò có hai loại: Răng sữa và răng vĩnh viễn. Sau khi đẻ 1 tháng, bò có 8 răng sữa, bò từ 2 tuổi trở lên căn cứ vào việc thay răng và độ mòn của răng để đoán tuổi. Có thể chênh lệch giữ năm tuổi.
  • Bò 2 năm tuổi thay 2 răng (cặp răng ở giữa)
  • Bò 3 năm tuổi thay 4 răng (cặp áp giữa)
  • Bò 4 năm tuổi thay 6 răng (cặp áp gốc)
  • Bò 5 năm tuổi thay 8 răng (cặp răng ở gốc)
  • Bò 6 năm tuổi đã thay 8 răng
  • Bò 7 năm tuổi 2 răng cửa mòn hình sợi chỉ
  • Bò 8 năm tuổi 2 răng cửa mình mòn hình chữ nhật
  • Bò 9 năm tuổi 2 răng cửa mòn hình vuông
  • Bò 10 năm tuổi 2 răng cửa mòn hình tròn
  • Bò 11 năm tuổi 4 răng cửa mòn  hình tròn
  • Bò 12 năm tuổi 6 răng cửa mòn hình tròn
  • Bò 13 năm tuổi 8 răng cửa mòn hình tròn

Lưu ý: Ở trâu sự thay đổi răng và mòn răng diễn ra chậm hơn bò khoảng 1 năm.

Dưới đây là một số hình ảnh răng bò ở từng lứa tuổi

                    

Bò dưới 2 năm tuổi- chưa thay răng              Bò 2 năm tuổi- 2 răng trưởng thành

      

Bò 2 năm tuổi                                                   Bò 3 năm tuổi- 4 răng trưởng thành

           

Bò 3 năm tuổi                                                        Bò 4 năm tuổi – 6 răng trưởng thành

   

Bò 4 năm tuổi                                                       Bò 5 năm tuổi – 8 răng trưởng thành

   

Bò 5 năm tuổi                                                                 Bò 6 năm tuổi

Bò 7 năm tuổi

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Các giống bò chuyên thịt

A. Giống bò chuyên thịt gốc nhiệt đới

1. Bò Brahman

Giống bò này đã được phát triển ở vùng vịnh Tây Nam nước Mỹ vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thể kỷ 20, do tạp giao giữa 4 giống bò Zebu với nhau. Hiện nay giống bò này được nuôi rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới do khả năng thích nghi với khí hậu nóng ẩm, chịu được nhiệt độ nóng và ẩm độ cao, có sức đề kháng tốt với bệnh tật, trong đó có các bệnh do côn trùng và ký sinh trùng đường máu. Bò Brahman có khả năng phát triển trên đồng cỏ nghèo và khô, nhưng cũng thích hợp với chế độ nuôi thâm canh.

Bò Brahman

Bò Brahman là giống bò nhiệt đới, thuộc loại lớn con, thân dài, lưng thẳng, chân trung bình đầu dài, cổ khá dài, tai to và sụp. Lông thường có màu xám nhạt nhưng đôi khi có màu đỏ, đen hay đốm trắng, yếm phát triển, bao dương vật sa thấp. Khi trưởng thành, bò đực cân nặng 700-900kg, bò cái có khổi lượng 450-650kg. Bê sơ sinh thường nhỏ nhưng tốc độ phát triển rất nhanh, do chất lượng sữa của bò mẹ tốt, tỷ lệ mỡ cao, trên 5%. Trong điều kiện thức ăn đầy đủ, chăm sóc tốt, bê 1 năm tuổi có thể đạt khối lượng 250-375kg.

So với những giống bò chuyên thịt ôn đới thì Bò Brahman cho tỷ lệ thịt xẻ thấp hơn (trung bình 52-58%) do chân dài, mông hơi dốc; sợi cơ thô và mùi vị của thịt thì chưa ngon. Mặt khác, Bò Brahman thành thục tính dục chậm bò cái thường được phối giống sau 2 năm tuổi.

Tuy nhiên, do khả năng thích nghi tốt và tốc độ tăng trưởng cao nên nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã nhập giống bò này để phục vụ cho công tác lai tạo.

2. Bò Droughmaster

Bò có nguồn gốc từ Úc trên cơ sở lai tạo giữa giống bò Brahman đỏ nhập từ Mỹ với một số giống bò ôn đới.

Đây là giống bò to lớn, có hoặc không có sừng. Lông ngắn, mượt, màu đỏ nhạt đến đỏ đậm. Da mỏng và đàn hồi. U kém phát triển. yếm và bao dịch hoàn của con đực và phần rốn của con cái khá phát triển.

Bò Droughtmaster

Bò Droughtmaster có khả năng kháng ve và các bệnh ký sinh trùng đường máu tốt, có khả năng gặm cỏ và thích nghi tốt với điều kiện nóng ẩm hoặc khô hạn.

Khả năng tăng trọng và phẩm chất thịt tốt, tỷ lệ thịt xẻ cao.

3. Bò Santa- gertrudis

Bò Santa-gertrudis được tạo ra ở King Ranch, Texas, là kết quả lai tạo giữa giống Shothorn, Hereford và bò Brahman (tỷ lệ máu bò Brahman là 3/8). Chính vì vậy bò có tính thích nghi cao tại các vùng nóng (chịu đựng được nhiệt và độ ẩm cao), chịu đựng được kham khổ, chống chịu tốt các bệnh ký sinh trùng đường máu và cho năng suất cao.

Bò có lông mịn, ngắn, màu đỏ sẫm, đôi khi có đốm trắng dưới bụng. Da mỏng và có sắc tố đỏ. Có yếm to, dầy với nhiều nếp gấp. Ở bò đực, bao dương vật phát triển và sa sâu xuống phía dưới nên dễ bị tổn thương nếu chăn thả trên đồng cỏ có nhiều bụi rậm có gai. Ngực sâu, lưng phẳng.

Bò Santa-gertrudis

Bò Santa-gertrudis thuộc loại nặng cân, con đực trưởng thành có khối lương 900-1000k, con cái trưởng thành nặng 600-800kg. Lúc 18 tháng tuổi bê đực nuôi thịt đạt khối lượng 550kg, bê cái đạt 400kg, tỷ lệ thịt xẻ trung bình 60%.

B. Bò Thịt gốc ôn đới

1. Bò Lymousine

Giống bò này có sắc lông màu đỏ và không có đốm. Niêm mạc mũi cũng màu đỏ hoặc màu hồng nhạt (tùy cá thể). Sừng và móng chân màu trắng, trắng xám, tầm vóc của bò lớn, thân hình dài, lưng thẳng, đầu ngắn, trán rộng. Khối lượng bò cái bình quân 540- 600kg, bò đực bình quân 800- 900kg. Nuôi thịt lúc 12 tháng tuổi bê đực đạt 450- 460kg, bê cái 380 -400 kg. Tỷ lệ thịt xẻ bình quân 68 – 70%.

Bò Lymousine

2. Bò Red Angus

Tạo từ bò đực giống cao sản – Có tỷ lệ thụ tinh cao, không bệnh. Bản thân lúc 2 năm tuổi đạt khối lượng 650kg, tăng trọng 1000g/ngày.

Bò Red Angus

Tạo con lai lông màu nâu sáng, kiểu bò thịt, nuôi 2 năm tuổi đạt khối lượng 460kg, tỷ lệ thịt xẻ 58%. – Phù hợp với sở thích và điều kiện chăn nuôi Việt Nam.
Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Phòng, trị côn trùng ký sinh trên da trâu bò

Ruồi, chấy, rận, bọ chét, ve, ghẻ, trong số đó, có nhiều loài ký sinh trên da trâu bò ở nước ta, gây tác hại lớn nhất là ve, ghẻ, rận, ruồi trâu và mòng.

Phòng bệnh:

– Tăng cường nuôi dưỡng, chăm sóc trâu bò, bê, nghé. Tắm cọ thường xuyên, nhốt riêng gia súc bị rận, ghẻ, ve.

– Phát quang đồng cỏ quá rậm rạp, thực hiện việc đốt đồng cỏ trước mùa mưa, luân canh đất canh tác có tác dụng diệt ve, tiêu nưới để trừ ruồi trâu, các chất độn chuồng đem đốt, phân đem ủ kỹ đúng kỹ thuật có tác dụng diệt ghẻ và ấu trùng ruồi mòng.

Trị bệnh:

Biện pháp cơ giới đơn giản nhất đối với ruồi trâu và mòng là đập chết.

Dùng hoá chất: Thuốc bôi, tắm, phun… Có thể dùng một trong các loại thuốc sau để tiêu diệt các động vật chân đốt ký sinh ngoài da gia súc như: Dipterex; Pyrethroids tổng hợp; Permethrin; Cypermethrin; Spinosad; Amitraz… (Cách sử dụng từng loại thuốc trên theo hướng dẫn của nhà sản xuất).

 Thuốc tiêm: Dùng Ivermectin tiêm dưới da với liều 0,2 mg/kg thể trọng, tiêm trong 2-3ngày liền và tiêm nhắc lại sau 10 ngày để diệt nội, ngoại ký sinh trùng gia súc.

 Dùng thuốc nam: Các loại hạt có chất độc để diệt ghẻ như: Hạt thàn mát, hạt máu chó, hạt củ đậu, giã nhỏ hoà với dầu ăn bôi lên chỗ ghẻ của gia súc. Sau 9 ngày bôi lại lần 2 diệt những con ghẻ mới nở.

Dùng lá cây thuốc lá diệt rận: 50 gram giã nhỏ cho 1 lít nước, cắt gọt lông gia súc, xát thuốc ngâm lá thuốc lá lên trên da gia súc mắc bệnh.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Những bệnh thường gặp ở bò (Phần 2)

3. Bệnh lở mồm long móng

Bệnh lở mồm long móng do virus hướng thượng bì gây ra. Đây là bệnh cấp tính, lây lan rất nhanh, mạnh trên diện rộng, có đặc điểm là sốt và hình thành các mụn nước ở miệng, chân và vú.

Tất cả các động vật guốc chẵn như trâu, bò, lợn, dê, cừu, hươu, nai, hoẵng, gấu … đều có thể mắc bệnh, nhưng cảm nhiễm mạnh nhất với virus là trâu và bò, với tỷ lệ lên tới 100%. Ở động vật trưởng thành, tỷ lệ chết do bệnh gây ra không cao, chỉ khoảng 1-5%, nhưng ở động vật non, tỷ lệ này có thể lên tới 50-70%, thậm chí 100%.

Virus lở mồm long móng mẫn cảm với sự thay đổi độ pH, ánh nắng mặt trời. Nhưng nó có thể tồn tại lâu trên đồng cỏ có nhiệt độ thấp. Trong thực tế, virus tồn tại ở thịt buôn bán trên thị trường. Nó có thể sống ít nhất 1 tháng trong tinh bò đông viên -79ºC; 10-12 tuần ở quần áo và thức ăn; và hơn 1 năm trong chuồng nuôi gia súc mắc bệnh.

Bò bị bệnh lở mồm long móng

Bò mắc bệnh do hít phải không khí hoặc ăn uống phải thức ăn, nước uống có chứa mầm bệnh. Sau khi vào cơ thể, ngay lập tức virus vào máu và phát triển mạnh ở biểu bì miệng, chân và đầu vú.

Triệu chứng và bệnh tích:

Ở bò, thời gian ủ bệnh khoảng 3-6 ngày. Ban đầu bò có biểu hiện sốt cao (40-41ºC) kèm theo ủ rũ, kém ăn hoặc hoàn toàn không ăn, sản lượng sữa giảm. Sau đó nhiệt độ giảm, bò có các biểu hiện viêm miệng cấp tính, miệng sưng, nước bọt chảy ra nhiều, thành những sợi dài xoắn vào nhau, bám xung quanh môi. Miệng mím chặt lại nên có tiếng kêu lép bép đặc trưng.

Sau khi sốt 2-3 ngày bắt đầu xuất hiện các mụn ở lưỡi, hàm trên, rồi ở môi, lỗ mũi, kẽ chân, bờ móng, đầu vú…Các mụn có hình tròn hoặc dài, đường kính 1-2 cm. Ban đầu thành mụn có mầu sáng, sau đó chuyển dần sang vàng và dầy lên, 1-3 ngày sau mụn vỡ, dịch chảy ra và tạo thành vùng sẹo mầu đỏ. Do thường xuyên tiếp xúc với môi trường bẩn nên các mụn ở chân thường bị nhiễm trùng, con vật què, đi lại khó khăn hoặc nằm phục và có thể bị tuột móng.

Bệnh cũng có thể diễn ra ở dạng ác tính với các biểu hiện điển hình là đột ngột suy sụp, thở khó, yếu, viêm cơ tim cấp, loạn nhịp tim, rối loạn tuần hoàn, tiêu hóa và con vật chết trong vòng 12-20 giờ khi chưa kịp tạo ra các biến đổi ở miệng và móng.

Chẩn đoán:

Xác định chính xác lở mồm long móng rất quan trọng. Điều đó có thể được thực hiện dựa trên các dấu hiệu lâm sàng và bệnh tích kết hợp với các chẩn đoán phòng thí nghiệm. Trong chẩn đoán, cũng cần căn cứ vào động vật cảm nhiễm để phân biệt lở mồm long móng với một số bệnh khác.

Ví dụ, bệnh viêm mụn nước ở miệng, ngoài trâu, bò, dê, cừu còn thấy ở ngựa; bệnh mụn nước ở lợn chỉ có ở lợn…

Yếu tố quyết định đến kết quả chẩn đoán phòng thí nghiệm là bước lấy bệnh phẩm. Bệnh phẩm dùng trong chẩn đoán lở mồm long móng là các mụn nước ở mồm, lưỡi và vú nhưng các mụn này phải chưa vỡ và tốt nhất là lấy vào ngày thứ 2 – 3 sau khi mọc, khi dịch mụn còn trong. Trước khi cắt phải dùng nước đun sôi để nguội rửa sạch mụn và cần ít nhất 2 g bệnh phẩm.

Phòng và trị bệnh:

Vì mầm bệnh là virus nên thực tế không thể điều trị được và cho đến nay không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh tự khỏi nếu các tổn thương không bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh khác. Do đó cách điều trị tốt nhất là rửa bằng các chất sát trùng nhẹ hoặc sử dụng dấm, khế, chanh và bảo vệ vết thương để ngăn cản bội nhiễm.

Có ba biện pháp phòng chống dịch lở mồm long móng là: giết huỷ toàn bộ, tiêm phòng bằng vacxin và giết huỷ kết hợp với tiêm phòng. Việc áp dụng biện pháp nào tuỳ thuộc vào tình hình của mỗi nước. Ở nước ta, thường sử dụng biện pháp tiêm phòng.

4. Bệnh dịch tả

Dịch tả là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh, do virus gây ra. Bệnh phát quanh năm, nhưng tập trung vào mùa hè và đầu mùa thu. Virus dịch tả thích nghi trên niêm mạc, đặc biệt là niêm mạc ống tiêu hoá, gây ra hiện tượng hoại tử, viêm, tụ máu và loét niêm mạc ruột.

Bệnh lây lan trực tiếp và gián tiếp từ bò bệnh sang bò khoẻ do tiếp xúc, nhốt chung chuồng, chăn thả cùng bãi chăn, qua dụng cụ chăn nuôi, người chăn nuôi hoặc do ăn uống phải thức ăn, nước uống có chứa mầm bệnh, do bò bệnh thải ra qua phân, nước tiểu, các chất dịch bài xuất.

Triệu chứng và bệnh tích:

Thời gian ủ bệnh trung bình 3 – 9 ngày, nhưng cũng có thể kéo dài tới 12 – 15 ngày. Bò bị bệnh ở 4 thể:

– Thể quá cấp tính: diễn ra khoảng 12-24 giờ, bò lăn ra chết mà chưa có các dấu hiệu lâm sàng đặc trưng. Thông thường chỉ thấy niêm mạc xung huyết, đỏ thẫm.

– Thể cấp tính: bò sốt cao, 40-410C trong vòng 3-4 ngày, ủ rũ, mệt nhọc ăn ít hoặc bỏ ăn. Ban đầu niêm mạc mắt, mũi, miệng đỏ thẫm, có chấm xuất huyết sau đó mọc các mụn nhỏ, bằng hạt kê thành từng đám, mầu xám. Khi sốt cao con vật đi táo, khi nhiệt độ hạ đi ỉa lỏng vọt cầu vồng. Phân mầu nâu đen có lẫn máu và màng giả. Bò gầy tọp và sau đó bị chết do kiệt sức.

Thời gian bò bị bệnh kéo dài 7-8 ngày và gây tỷ lệ chết rất cao, 90-100%

– Thể mãn tính: các triệu chứng thể hiện rõ nhất là suy nhược, kiệt sức, đi xiêu vẹo, lúc đi táo, lúc đi lỏng và kéo dài hàng tháng. Đa số bò bệnh bị chết do kiệt sức, một số con có thể khỏi bệnh và sau khi hồi phục vẫn là ổ chứa virút, gieo rắc virút vào môi trường

Các bệnh tích chủ yếu ở bộ máy tiêu hoá: niêm mạc miệng, dạ múi khế, van hồi manh tràng, ruột tụ máu và có những vết loét nhỏ như hạt kê hoặc hạt đỗ màu vàng xám hoặc đỏ tím. Gan vàng úa và dễ nát. Túi mật sưng to, niêm mạc túi mật tụ máu và xuất huyết.

Lá lách, thận, màng treo ruột sưng, tụ máu và xuất huyết giống như niêm mạc túi mật.

Chẩn đoán:

Chẩn đoán bệnh dịch tả dựa trên các dấu hiệu lâm sàng kết hợp với đặc điểm lây lan nhanh của bệnh và đặc điểm của các địa phương có ổ dịch cũ

Dấu hiệu lâm sàng đặc trưng của bệnh dịch tả là con vật cùng một lúc có sốt cao và viêm loét miệng; khi nhiệt độ hạ xuống thì bị ỉa chảy dữ dội. Bệnh tích điển hình là những nốt loét có bờ, phủ bựa vàng xám ở dạ múi khế và van hồi manh tràng

Trường hợp nghi ngờ có thể lấy máu của vật bệnh và tiêm dưới da cho bê khoẻ mạnh. Sau khoảng một tuần bê sẽ phát bệnh với các dấu hiệu điển hình của bệnh dịch tả.

Phòng trị bệnh:

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh dịch tả. Trường hợp bệnh mới phát, con vật chưa bị ỉa chảy, có thể điều trị bằng cách tiêm huyết thanh dịch tả trâu bò

Sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng:

– Khi con vật sốt cao, tiêm dưới da Urotropin 10%, liều 10ml/ngày

– Hạn chế ỉa chảy bằng việc cho uống các loại lá chát như lá ổi, lá sim, lá chè tươi

– Trường hợp bò bị ỉa chảy mạnh, mất nước, cần truyền tĩnh mạch dung dịch sinh lý mặn, sinh lý ngọt đẳng trương với liều 1000ml/100kg khối lượng

Đối với bệnh dịch tả, biện pháp phòng bệnh rất quan trọng. Khi chưa có dịch xảy ra, cần tiêm vacxin cho toàn đàn mỗi năm 1-2 lần, đặc biệt là tại các ổ dịch cũ, những vùng xung quanh các ổ dịch, những vùng có nguy cơ cao, kết hợp với việc tổ chức kiểm dịch nghiêm ngặt và tăng cường các biện pháp vệ sinh thú y.

Khi có dịch xảy ra, cần tổ chức kiểm tra để phát hiện con ốm, cách ly để điều trị và tránh lây nhiễm sang những con khác. Tiêm huyết thanh dịch tả cho những con nghi mắc bệnh và tiêm vacxin cho những con bò khoẻ mạnh. Tiến hành công bố dịch và nghiêm cấm hoàn toàn việc giết mổ, vận chuyển gia súc. Những con bò bị chết do dịch tả phải được chôn sâu 2m, đổ vôi sát trùng và lấp đất cẩn thận. Tẩy uế và khử trùng chuồng trại bằng dung dịch nước vôi 10% hoặc crezin 2-3% và phải để trống chuồng 30 ngày.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.