Tốc độ sinh trưởng của Cá Bơn được cải thiện nhờ quá trình sinh sản chọn lọc

Nhà nghiên cứu Robbert Blonk đã tìm ra cách cải thiện đáng kể tốc độ sinh trưởng của loài cá bơn biển bắc.

Điều này khiến việc nuôi cá bơn thu được nhiều lợi nhuận. Tám năm trước đây, loài cá bơn gần như biến mất khỏi khu vực Biển Bắc.Đây là loài cá rất khó nuôi và việc thụ tinh nhân tạo không mang lại hiệu quả.

Người ta phải cho cá sinh sản trong môi trường tự nhiên với cá bố cá mẹ bắt tại biển. Phương pháp này mất trung bình 2 năm để một con cá bơn có thể đạt trọng lượng là 200 g. Đây là một khoảng thời gian quá dài và tốn nhiều chi phí.

Nhà nghiên cứu Robbert Blonk mong muốn đẩy nhanh tốc độ sinh trưởng này bằng việc lựa chọn các con cá bơn sinh sản nhanh.

Bản phân tích DNA cho thấy hơn một nửa số cá bơn con chỉ do 6 cặp cá bố mẹ sinh ra. Blonk đã tiến hành lựa chọn các con cá bố mẹ có tốc độ tăng trưởng khá. Trong hai năm, các con cá bố mẹ này đã sản sinh ra các con cá bơn có trọng lượng trung bình lớn hơn 20% so với các con khác. Tức là, phương pháp này của Blonk giúp các con cá bơn đạt được mức trọng lượng yêu cầu chỉ trong 1,5 năm thay vì 2 năm. Loài cá bơn có khả năng sinh sản khi được 4 năm tuổi.

Nghiên cứu của Blonk được tài trợ bởi Tổ chức Nghiên cứu NWO của Hà Lan.

Nguồn: Physorg được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi Cá Bơn công nghệ cao hướng làm giàu trên vùng đất cát ven biển Hà Tĩnh

Dồn sức kịp tiến độ

Dự án nuôi cá mú, cá bơn chính thức được khởi động sau khi UBND tỉnh ra Thông báo số 384, ngày 29/9/2014 về “Chiến lược phát triển mô hình nuôi cá trên cát có giá trị kinh tế cao”. Kể từ đó, Sở NN&PTNT, với vai trò chủ công, đã phối hợp với đối tác là Công ty Fineton (Hồng Kông) khảo sát thiết kế dự án và cùng chính quyền các địa phương lựa chọn nhà đầu tư.

HTX Nuôi trồng thủy sản và kinh doanh thương mại Việt Hải tranh thủ làm ngày làm đêm để hoàn thành ao nuôi cá mú kịp ngày thả giống cuối tháng 2 năm 2015.

3 vùng đất cát ven biển: Xuân Liên (Nghi Xuân); Thạch Trị, Thạch Lạc (Thạch Hà); Cẩm Dương (Cẩm Xuyên) với diện tích gần 20 ha được chọn làm các mô hình thí điểm. Đồng thời, các nhà đầu tư có kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản cũng như nguồn lực kinh tế dồi dào được “chọn mặt gửi vàng”, giao trách nhiệm thực hiện dự án, gồm: Công ty Hoàng Dương, Công ty TNHH Như Nam, HTX Nuôi trồng thủy sản và Kinh doanh tổng hợp Việt Hải.

Mục tiêu ấn định cho ngày thả giống cá mú chậm nhất là cuối tháng 2/2015. Bởi vậy, “sức ép” tiến độ có tác động lớn đến các ngành chức năng, chính quyền địa phương và cả nhà đầu tư. Theo ông Nguyễn Công Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh: Nếu cuối tháng 2 không thả giống sẽ mất cơ hội và dự án sẽ bị chậm lại đến năm 2016. Do vậy, quá trình từ thiết kế, thẩm định đến xem xét lựa chọn vùng đất và nhà đầu tư đều được các ngành linh hoạt lồng ghép nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Bắt tay vào cuộc “chạy đua”, các huyện, xã cũng gặp không ít khó khăn bởi công tác GPMB liên quan đến hàng chục hộ dân. Đặc biệt là tại Xuân Liên phải lập lại dự án đầu tư vì diện tích nuôi cá bơn, cá mú chồng chéo với phần diện tích đã được UBND tỉnh phê duyệt nuôi tôm trên cát. Tuy nhiên, đến nay, mọi việc đang “thuận buồm xuôi gió”. Công tác GPMB cơ bản hoàn tất, cả 3 nhà đầu tư đang tích cực tiến hành san lấp và xây dựng các trại. Hiện tại, các nhà đầu tư đã chuyển hơn 137.000 USD để mua giống và trong những ngày tới sẽ chuyển đủ 90% tiền giống, tương đương hơn 273.000 USD.

Hứa hẹn hiệu quả cao

Dự án nuôi cá mú, cá bơn trên cát công nghệ cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả khai thác những vùng cát trắng; đồng thời, ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa. Bởi vậy, quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư sẽ nhận được sự hỗ trợ khá lớn từ những cơ chế, chính sách của tỉnh. Hiện tại, 3 nhà đầu tư đều bỏ ra nguồn vốn 5-6 tỷ đồng/mô hình.

Công ty Hoàng Dương đẩy nhanh tiến độ thi công ao nuôi tại Xuân Liên (Nghi Xuân) để nuôi cá mú.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nuôi trồng thủy sản và Kinh doanh tổng hợp Việt Hải – Tôn Đức Việt, đơn vị từng nuôi cá mú hơn 15 năm, tự tin: “Dự án sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao”.

Theo tính toán, kinh phí trọn gói cho mô hình nuôi cá mú hơn 3 tỷ đồng; sau khoảng 3 năm sẽ hoàn vốn. Trong khi đó, chi phí cho mỗi ha nuôi cá bơn hơn 10 tỷ đồng; thời gian hoàn vốn 6 năm. Đặc biệt, đây là những mô hình nuôi hợp tác nên ngoài hỗ trợ của tỉnh, các nhà đầu tư còn được cung cấp giống, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm (lợi nhuận được chia theo tỷ lệ: nhà đầu tư 70%, công ty Fineton 30%). Ông Nguyễn Công Hoàng cho biết: “Nếu so với nuôi tôm, lợi nhuận của 2 loại cá không bằng, tuy nhiên, lợi thế của nuôi cá là ít xảy ra dịch bệnh và rủi ro không lớn”.

Dự án nuôi cá bơn, cá mú công nghệ cao sẽ mở ra hướng làm giàu đối với các địa phương ven biển. Khi các mô hình đi vào hoạt động, sẽ tạo hàng trăm việc làm cho lao động địa phương.

Nguồn: Báo Hà Tĩnh được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nhận biết và phòng trị một số bệnh thường gặp khi ương nuôi Cá Bơn Vỉ

Cá bơn vỉ có thân cá to, thịt thơm ngon, hàm lượng đạm cao. Cá có tốc độ sinh trưởng nhanh, sức sinh sản mạnh.

1. Bệnh nấm

Bệnh thường phát sinh khi cá được 25 ngày tuổi, chiều dài cơ thể 9mm.

Cá nhiễm bệnh da bị phồng rộp lên dẫn đến các tế bào biểu bì của cá bị hoại tử.

– Dấu hiệu bệnh lý: cá xuất hiện các đốm trắng thường ở phía trước vây lưng, đó là các quần thể nấm có kích cỡ thường 1×100 µm, vi khuẩn nấm hình sợi.

– Phòng bệnh: Trước và trong quá trình ương nuôi, công trình nuôi, dụng cụ phải vệ sinh, nguồn nước ương nuôi cá phải sạch.

Đây là phương pháp tốt nhất để ngừa bệnh.

– Trị bệnh: phun hoá chất pronopol xuống bể ương nuôi với nồng độ 3-5 ppm.

2. Bệnh truyền nhiễm về đường ruột

Bệnh thường phát sinh ở cá được 30 ngày tuổi, giai đoạn cá chuyển xuống sống đáy.

Nuôi trong điều kiện nhiệt độ nước 18-200C thì tỷ lệ cá mắc bệnh giảm.

Khi cá nhiễm bệnh sẽ chết rất nhanh, thường 3-5 ngày cá có thể chết.

Tác nhân gây bệnh này là do vi khuẩn vibrio sp.

– Dấu hiệu bệnh lý: cá nhiễm bệnh thường bỏ ăn, bụng trướng to, đường tiêu hóa thức ăn không tiêu, cá hoạt động kém, bơi chậm chạp, màu sắc cá biến sang màu xám đen, ống tiêu hóa co rút và khi cá chết giải phẫu phát hiện ống tiêu hóa có rất nhiều khuẩn hình que.

– Biện pháp phòng bệnh: Nguồn gây bệnh thường do nguồn thức ăn là luân trùng và artemia.

Do đó, nuôi luân trùng và ương artemia nên sử dụng tiểu cầu tảo (Chorella sp), không nên nuôi trong điều kiện nhiệt độ quá cao và mật độ ương dày.

Môi trường nước ương phải sạch, không ô nhiễm.

Đây là cách phòng ngừa bệnh có hiệu quả.

– Trị bệnh: Trộn vào thức ăn cá thuốc kháng sinh oxytetracyline với nồng độ 1-2 g/1kg cá/ngày.

Cho ăn liên tục 3-5 ngày, kết hợp bổ sung B.complex và vitamin C.

3. Bệnh do vi khuẩn vibrio anguillarium

Bệnh này thường xuất hiện chủ yếu ở giai đoạn cá giống, tỷ lệ chết có thể lên tới 50%, thường gặp ở cá có chiều dài thân 5-20 cm.

Bệnh thường phát sinh quanh năm, đặc biệt phát sinh cao ở thời kỳ từ tháng 4-7.

Tác nhân gây bệnh này là do vi khuẩn vibrio anguillariu.

– Dấu hiệu bệnh lý: màu sắc cơ thể chuyển sang màu xám đen, vảy bị bong ra, vây bị hoại tử phần tia vây ngoài, vây bị xuất huyết thối rữa.

– Biện pháp phòng bệnh: Vi khuẩn vibrio anguillariu tồn tại ở trong nước biển, do vậy muốn phòng bệnh này nguồn nước phải đảm bảo sạch, phải thường xuyên sát trùng đáy bể ương nuôi.

Dung thuốc phun trực tiếp vào bể nuôi để nước bể có nồng độ thuốc formaline nồng độ 10-15ppm.

– Trị bệnh: dùng một trong các loại thuốc kháng sinh (oxytetracyline, rifammycine…) trộn với thức ăn cho cá ăn trong 7 ngày liên tục với lượng như sau: ngày đầu tiên từ 100mg thuốc/kg cá /ngày, từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 lượng thuốc mỗi ngày bằng một nửa ngày đầu.

Kết hợp bổ sung B.complex và vitamin C.

4. Bệnh do vi khuẩn (liên cầu khuẩn)

Bệnh phát sinh từ tháng 4 đến tháng 12, tập trung vào thời điểm nhiệt độ nước khoảng 250C (nhất là tháng 7-10), cá nuôi mật độ cao, tỷ lệ nước thay ít.

Cá bị bệnh có tỷ lệ chết hàng ngày 0,1-2%, có lúc đạt 10%.

Khi nhiệt độ hạ thấp, bệnh hạn chế phát sinh.

Tác nhân gây bệnh do liên cầu khuẩn Streptoccous sp

– Dấu hiệu bệnh lý: màu sắc cơ thể chuyển sang màu xám đen, nhãn cầu trắng đục, xuất huyết, bộ phận đầu và hàm trên hàm dưới cá màu đỏ.

Mang cá có màu đỏ do xuất huyết hoặc tái xám do chuyển sang giai đoạn hoại tử.

Khi giải phẫu nội tạng thấy ruột có màu đỏ.

– Biện pháp phòng bệnh: Bệnh thường xuất hiện khi nhiệt độ nước lên cao, thức ăn chất lượng kém.

Do đó, khi phát hiện cá bị bệnh phải tách cá bệnh ra riêng.

Cho cá ăn thức ăn tươi sống, chất lượng tốt, ngừng cho ăn hoặc cho ăn ít hơn khi phát hiện cá nhiễm bệnh.

Tăng chất dinh dưỡng cho cá, giảm mật độ ương nuôi, tăng cường thay nước, hạn chế thức ăn dư thừa.

– Trị bệnh: trộn vào thức ăn và thuốc kháng sinh Tetracyline hoặc Erythromycine với nồng độ 50mg/1 kg cá/ngày.

Cho ăn liên tục 3-5 ngày, kết hợp bổ sung B.complex và vitamin C.

5. Bênh do ký sinh trùng Benedenia epinepheli:

Gây ra do ký sinh trùng Benedenia epinepheli ký sinh ở phần vây và da cá.

– Dấu hiệu bệnh cá: ký sinh trùng có kích thước nhỏ, màu sắc trong suốt nên khó nhìn thấy bằng mắt thường.

Khi ký sinh trùng ký sinh tập trung với số lượng nhiều mới nhìn thất hiện tượng cá xuất hiện cá đốm loét nhỏ trên vây và da.

– Phòng bệnh: nuôi cá ở mật độ vừa phải, tăng cường thay nước, tăng cường vệ sinh ở đáy bể khi ương nuôi cá.

Bảo đảm điều kiện nuôi sạch, tránh ô nhiễm.

– Trị bệnh: tắm cho cá bằng nước ngọt, sau 24 giờ tắm lặp lại lần 2.

6. Bệnh do ký sinh trùng Endamoeba ở mang cá

Bệnh thường xuất hiện từ tháng 2 đến tháng 3, khi nhiệt độ nước 13-140C, cá ở giai đoạn từ 5-14g/con.

Tỷ lệ chết hàng ngày khi cá nhiễm bệnh từ 0,05-0,2%.

– Dấu hiệu bệnh lý: cá bị nhiễm bệnh hoạt động chậm chạp, bắt mồi kém, mang và đầu cá biến màu đỏ.

Ký sinh trùng thường bám vào mang cá.

– Phòng bệnh: nuôi cá ở mật độ vừa phải, tăng cường thay nước, tăng cường vệ sinh ở đáy bể khi ương nuôi cá.

Bảo đảm điều kiện nuôi sạch, tránh ô nhiễm.

– Trị bệnh: tắm cho cá bằng nước ngọt, sau 24 giờ tắm lặp lại lần 2.

Nguồn: Trung Tâm Nghiên Cứu khoa Học Nông Vận, Hội Nông Dân Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cá bơn: Công nghệ sản xuất và thị trường tiêu thụ (Phần 2)

Cá bố mẹ là cá nuôi đã được chọn lọc qua hơn một thập kỉ. Nuôi vỗ cá bố mẹ với mật độ thấp (khoảng 5 kg/m2) trong bể xi măng, cho ăn bằng thức ăn viên công nghiệp dành riêng cho cá bố mẹ. Đảm bảo ánh sáng và nhiệt độ tối ưu cho cá bố mẹ có vai trò quan trọng để trứng cá đạt năng suất và chất lượng cao và năng suất quanh năm.

Cá bơn nuôi trong hệ thống tái lưu thông nước (RAS)

Công nghệ nuôi

Sản xuất giống

Cá bố mẹ là cá nuôi đã được chọn lọc qua hơn một thập kỉ. Nuôi vỗ cá bố mẹ với mật độ thấp (khoảng 5 kg/m2) trong bể xi măng, cho ăn bằng thức ăn viên công nghiệp dành riêng cho cá bố mẹ. Đảm bảo ánh sáng và nhiệt độ tối ưu cho cá bố mẹ có vai trò quan trọng để trứng cá đạt năng suất và chất lượng cao và năng suất quanh năm.

Cá bơn không đẻ trứng trong điều kiện nuôi, do vậy, phải thụ tinh nhân tạo. Cá cái sản xuất 1-10 triệu trứng/mùa, phụ thuộc vào kích cỡ.

Ấu trùng mới nở (sau 6-7 ngày thụ tinh) dài khoảng 3mm, được ương nuôi thâm canh ở mật độ khoảng 20 triệu ấu trùng/lít nước, tần suất thay nước khá thấp. Khi ấu trùng lớn hơn, tần suất thay nước sẽ tăng lên. Khoảng 3 ngày sau khi nở, ấu trùng bắt đầu giai đoạn ăn thức ăn ngoài. Ban đầu cho ăn luân trùng Brachionus plicatilis trong khoảng 10 ngày, sau đó chuyển sang ăn ấu trùng Artemia. Sau 40-50 ngày, quá trình biến thái kết thúc, khi đó ấu trùng dài khoảng 25 mm. Trong 2 tháng tiếp theo, con giống được ương trong bể nhỏ, cho ăn thức ăn viên khô cho đến khi cá đạt trọng lượng 5-10 g. Trong số ấu trùng còn sống, có khoảng 10-25% biến thái, và 90% số không biến thái còn lại được chọn để nuôi tiếp. Tất cả con giống đều được tiêm vắcxin phòng các bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, đôi khi vẫn có những loại bệnh hoặc ký sinh trùng “mới” xâm nhập vào con giống; nếu không bị phát hiện, chúng sẽ gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho các công ty nuôi cá bơn như tình hình ở Galicia trong giai đoạn 2006-2007.

Nuôi thương phẩm

Con giống cỡ 5-10 g được thả nuôi trong phòng ương đến cỡ 200-400 g sẽ chuyển sang bể nuôi cố định, diện tích mặt nước từ 60-120 m2 và độ sâu 0,5-1,0 m. Mật độ thả ban đầu là 20 kg/m2 sẽ tăng lên 50-70 kg/m2 khi cá đạt cỡ thu hoạch.

Các bể nuôi luôn được tự làm sạch nhờ thiết kế của bể bảo đảm lưu thông nước. Hàm lượng ôxy bão hòa ở nước thoát duy trì ở mức trên 60%, cong ở nước cấp là 120-150%, nhờ đó giảm được một nửa công đoạn bơm nước

Cho cá ăn thức ăn viên tổng hợp bằng máy cho ăn hoặc bằng phương pháp thủ công (đối với các trại nuôi nhỏ). Phân loại kích cỡ cá 2-4 lần trong khoảng thời gian 1-1,5 năm tiếp theo. Do có tốc độ tăng trưởng chậm hơn, trọng lượng thu hoạch của con đực chỉ đạt dưới 1kg, còn con cái dao động từ 1-2 kg, một số trên 2 kg. Thời gian thu hoạch là 2 năm từ lúc thả con giống 5-10 g.

Ở các trại nuôi lớn, cá bơn được nuôi trong bể ngoài trời với hệ thống dẫn nước liên tục từ biển. Chỉ một lượng nhỏ cá bơn châu Âu sản xuất trong hệ thống nuôi tái lưu thông nước (RAS). Phần lớn các trại được xây dựng tại các vị trí có nhiệt độ nước biển từ 10-20oC quanh năm, và hầu như luôn duy trì nhiệt độ quanh giá trị tối ưu (khoảng 15oC).

Các khu nuôi công nghiệp

Phần lớn các hoạt động nuôi thủy sản trên đất liền hiện nay đều đòi hỏi diện tích đất lớn. Để giảm diện tích, người nuôi cần áp dụng các công nghệ mới như hệ thống ống dẫn nước nông. Với hệ thống này, cá nuôi trong kênh với các ống dẫn nước phân loại ở các mức khác nhau (từ 3-6 mức). Đây là công nghệ nuôi thủy sản siêu thâm canh, thích hợp để áp dụng tại các khu nuôi công nghiệp với sản lượng cao gấp 5-10 lần công nghệ nuôi thông thường.

Các khu nuôi công nghiệp là giải pháp mở rộng sản xuất thủy sản đầy triển vọng với tốc độ tăng trưởng nhanh, có thể triển khai ở nhiều khu vực duyên hải và vùng nội địa.

Quá trình phát triển ngành nuôi thủy sản từ các đơn vị quy mô nhỏ thành các khu công nghiệp mang lại rất nhiều lợi ích, do có thể sử dụng cơ sở vật chất đã được xây dựng chắc chắn trên đất liền, từ đó giúp các quốc gia có chi phí sản xuất cao vẫn có thể cạnh tranh ở các mặt hàng thủy sản giá trị cao.

Sản xuất chi phí thấp được tạo ra thông qua các giải pháp tiết kiệm nguồn lực dựa trên công nghệ tiên tiến và các phương thức sản xuất tuân thủ các quy định về truy xuất nguồn gốc, an sinh động vật, môi trường và các tiêu chuẩn bền vững khác. Các khu công nghiệp có sự phối hợp giữa các hoạt động sản xuất và dịch vụ quan trọng, có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn này dễ dàng hơn rất nhiều so với các cơ sở sản xuất đơn lẻ, tách rời.

Sản phẩm cá bơn hun khói lạnh cắt lát

Ví dụ, để sản xuất 10.000 tấn cá bơn bằng công nghệ thông thường sẽ cần hơn 300.000 m2 đất. Đó là thách thức lớn. Tuy nhiên, với công nghệ siêu thâm canh, diện tích xây dựng khu công nghiệp có thể giảm 80%, tức là có thể đạt sản lượng cá trên chỉ với 60.000 m2 đất xây dựng. Nói cách khác, công nghệ mới này có thể giúp tăng năng suất nuôi cá từ 30 lên hơn 150 kg/m2.

Ngoài ra, công nghệ siêu thâm canh cũng được kì vọng là sẽ giúp cắt giảm sử dụng các yếu tố đầu vào như thức ăn, nước, ôxy, năng lượng và sức lao động. Một yếu tố khác nữa là năng suất lao động. Khi áp dụng công nghệ thông thường, năng suất đạt khoảng 20-50 tấn/năm.lao động. Hệ thống ống dẫn nước nông được thiết kế nhằm mục đích nâng cao sản lượng lên 50- 200 tấn/năm.lao động, phụ thuộc vào quy mô trại nuôi.

Các khu quy hoạch

Tại Galicia, chính quyền đã thông qua kế hoạch xây dựng 25 khu nuôi thủy sản công nghiệp trên diện tích 300 ha với năng suất dự kiến hằng năm 22.500 tấn. Đây có thể sẽ là mô hình mẫu cho ngành nuôi thủy sản ở châu Âu và tạo ra hiệu ứng dây chuyền trong ngành sản xuất này.

Theo kế hoạch, các khu nuôi sẽ áp dụng công nghệ nuôi thủy sản thông thường, cũng có thể chuyển sang công nghệ siêu thâm canh nếu vẫn trong giai đoạn quy hoạch. Sự chuyển giao công nghệ này có thể sẽ tạo ra tác động rất lớn với sự gia tăng sản lượng lên mức 200.000 tấn.

Hệ thống ống dẫn nước nông có những lợi ích sau:

• Diện tích đất tối thiểu: Với sinh khối tương đương, hệ thống này chỉ cần sử dụng 20% diện tích đất so với hệ thống thông thường.

• Bảo toàn nước: Hệ thống này dễ kết nối với các nguồn nước và hỗ trợ việc tái sử dụng hoặc tái lưu thông nước. Hệ thống ống dẫn nước nông chỉ cần 30% lượng nước sử dụng trong công nghệ thông thường để duy trì sinh khối tương đương.

• Mật độ cao: Việc sử dụng thức ăn viên công nghiệp nổi và các tấm chắn có thể di chuyển trong hệ thống ống dẫn nước nông giúp duy trì mật độ nuôi thả cao. So với công nghệ thông thường, sinh khối cá ở hệ thống này cao hơn khoảng 30%.

• Linh động chọn loài nuôi: Có thể sử dụng đối với các loài cá nổi và cá đáy-nổi.

• Hiệu quả sử dụng thức ăn: Sử dụng thức ăn viên công nghiệp nổi có thể làm giảm 10% hệ số thức ăn.

• Hiệu quả sản xuất: Hệ thống ống dẫn nước nông có thể thiết kế như các mô-đun “tòa tháp” để phù hợp với mức tăng sinh khối và giảm chi phí ban đầu.

• Sức lao động giảm: Với cùng năng suất, hệ thống ống dẫn nước nông chỉ cần 50-70% lượng lao động sử dụng trong hệ thống thông thường.

Chi phí sản xuất

Trong trường hợp thông thường, với sản lượng hằng năm 133 tấn, chi phí ước tính trung bình 7,54 eur/kg cá bơn. Khi sản lượng tăng lên 400 tấn/năm, chi phí trung bình giảm 33%, xuống còn 5,07 eur/kg. Qua đó, có thể thấy lợi thế kinh tế nhờ quy mô là rất lớn.

Xét về chi phí đầu tư, một trại nuôi cá bơn sản lượng 133 tấn/ năm cần 4,3 triệu eur. Nếu gấp ba lần sản lượng đó lên mức 400 tấn, chi phí đầu tư bổ sung là khoảng 1,8 triệu eur. So với mức tăng sản lượng, chi phí bổ sung này thấp hơn rất nhiều; đó là lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Hơn nữa, với sản lượng cao hơn, lực lượng lao động và đội ngũ quản lý được sử dụng hiệu quả hơn, nhờ đó cũng góp phần giảm chi phí sản xuất.

Điểm đáng chú ý là cá bơn là một loài thủy sản rất được ưa chuộng nhưng đắt tiền. Do đó, triển vọng tăng trưởng loài này phụ thuộc nhiều vào giá bán. Việc áp dụng các công nghệ nuôi mới sẽ giúp sản lượng tăng mạnh, đồng thời làm giảm chi phí sản xuất, từ đó tháo gỡ bài toán giá cá bơn trên thị trường.

Nguồn: Vietfish được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cá Bơn: Công nghệ sản xuất và thị trường tiêu thụ (Phần 1)

Sự phát triển công nghệ nuôi sẽ làm tăng sản lượng và giảm chi phí sản xuất cá bơn trong những năm tới. Giá bán và thị trường tiêu thụ loài thủy sản này, do dó, cũng sẽ thay đổi.

Cá bơn (Scophthalmus maximus) là một loài thủy sản giá trị cao được ưa chuộng ở nhiều phân khúc thị trường, nhất là chuỗi nhà hàng cao cấp. Nguồn lợi tự nhiên của loài này tập trung ở vùng Đông Bắc Đại Tây Dương – từ các bờ biển Châu Âu tới Bắc cực, xuyên suốt khu vực Địa Trung Hải và miền Tây biển Bantích.

Cá bơn sống ở nhiều tầng nước khác nhau, từ tầng nước nông cho tới 100 mét nước sâu, ở đáy biển nhiều cát và bùn. Từ nguồn khai thác và nuôi thương phẩm, cá bơn được cung ứng ra thị trường dưới hai dạng sản phẩm tươi và đông lạnh.

Nghề nuôi cá bơn có lịch sử từ những năm 1970 ở Scốtlen, nhưng chỉ đến đầu những năm 80, sản lượng và số lượng trại nuôi mới bắt đầu mở rộng ở Galicia, Tây Ban Nha. Tiến bộ công nghệ sinh học trong những năm đầu thập niên 90 đã giúp ngành cá bơn ở nhiều nước Châu Âu tăng trưởng ổn định dù tốc độ hơi chậm. Galicia vẫn là khu vực sản xuất cá bơn chính, bên cạnh Pháp, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Đức, Aixơlen, Ailen, Italia, Na Uy và xứ Wales.

Tuy nhiên, vị trí nhà sản xuất cá bơn hàng đầu thế giới có thể sẽ chuyển từ Tây Ban Nha sang Bồ Đào Nha, khi vùng nuôi Pescanova ở phía Bắc Bồ Đào Nha ước tính sản xuất 7.000 tấn cá trong năm 2011. Sản lượng cá bơn ở Châu Âu cũng sẽ tăng từ khoảng 11.000 tấn trong năm 2010 lên 16.500 tấn trong năm 2012. Do đó, thị phần cá bơn nuôi sẽ cao hơn ngành khai thác (6.700 tấn trong năm 2008).

Sản lượng khai thác cá bơn tự nhiên

Hình 1 cho thấy sản lượng khai thác cá bơn của thế giới và Liên minh Châu Âu (EU) trong giai đoạn 1970-2008 với đặc điểm chung là đều tuân theo một chu kì lặp lại. Vào năm 1970, sản lượng cá bơn toàn cầu ước đạt 10.800 tấn và của EU đạt 6.600 tấn. Sản lượng thế giới đạt mức cao nhất là 15.000 tấn vào năm 1979, sau đó giảm xuống mức thấp nhất là 5.500 tấn vào năm 1985. Sau một thập kỉ tăng liên tục, từ giữa những năm 1990, sản lượng khai thác bắt đầu có xu hướng giảm. Năm 2008, sản lượng khai thác cá bơn toàn cầu đạt 6.665 tấn, trong đó 5.740 tấn là từ EU (chiếm 86% sản lượng khai thác toàn cầu).

Ngoài EU, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có sản lượng khai thác cá bơn đáng kể trên thế giới với 528 tấn trong năm 2008. Tuy nhiên, con số này thấp hơn rất nhiều so với mức khai thác vào những năm 1980 và 1990. Một số quốc gia khai thác cá bơn khác bao gồm: Ukraina, Na Uy, Marôc và Liên bang Nga.

Đội tàu khai thác cá bơn chủ lực của Châu Âu tập trung ở các nước Hà Lan, Anh, Đan Mạch, Pháp, Bỉ, Đức, Ailen, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hi Lạp (Hình 2). Từ năm 1970 đến nay, sản lượng khai thác của các quốc gia này luôn chiếm từ 88-97% sản lượng khai thác của khối EU25, trong đó tỉ trọng giảm dần theo thời gian. Nhìn chung, sản lượng khai thác cá bơn của các nước này đều giảm kể từ giữa những năm 1990.

Hà Lan có sản lượng khai thác cá bơn lớn nhất trong khối EU với con số kỷ lục 4.098 tấn vào năm 1979. Tuy nhiên, sản lượng đã giảm xuống còn 3.780 tấn vào năm 1991 và chỉ còn 1.751 tấn vào năm 2008.

Sản lượng khai thác cá bơn dự đoán sẽ tiếp tục giảm; do đó, ngành nuôi cá bơn sẽ đóng vai trò quyết định đối với việc tăng sản lượng loài thủy sản này.

Sản lượng nuôi cá bơn của EU

Nói đến ngành nuôi cá bơn của thế giới thì EU dường như giữ vai trò là nhà sản xuất độc quyền (Hình 3). Sản lượng cá bơn của EU Trong giai đoạn 1985-2007, tổng sản lượng nuôi cá bơn của EU tăng từ mức 53 tấn (1985) lên 8.205 tấn (2007) với tốc độ tăng trưởng hàng năm cao nhất vào khoảng cuối những năm 80-đầu những năm 90. Trong vài năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng dao động ở mức 10-15%/năm. Ngành nuôi cá bơn của EU đạt tốc độ tăng trưởng cao tới mức sản lượng nuôi của nó trong năm 2007 chiếm 50% tổng sản lượng khai thác và nuôi cá bơn của thế giới.

Ngoài EU, Aixơlen là một quốc gia nuôi cá bơn nhỏ (đạt mức sản lượng cao nhất 115 tấn trong năm 2005, giảm xuống còn 100 tấn trong năm 2006-07). Nam Phi cũng có tên trong danh sách các nước sản xuất cá bơn trong vài năm trở lại đây .

Theo Hình 4, khu vực nuôi cá bơn của Châu Âu tập trung ở 5 quốc gia, trong đó Tây Ban Nha giữ vai trò là nhà sản xuất chính (cung cấp 84% sản lượng của EU trong năm 2007). Sản lượng nuôi cá bơn của nước này nhìn chung không ngừng tăng, từ 38 tấn (1985) lên 6.838 tấn (2007), tuy giảm nhẹ vào năm 1997 và 1998.

Sản lượng cá bơn của Pháp cũng tăng từ 15 tấn năm 1985 lên 980 tấn năm 1997 (tuy nhiên, sản lượng gần như chạm đáy trong năm 1996) trước khi chững lại trong giai đoạn sau (1998-2006). Năm 2007, sản lượng nuôi của Pháp đạt 850 tấn, chiếm 12% tổng sản lượng nuôi toàn EU.

Trong khi đó, ngành nuôi cá bơn mới chỉ xuất hiện ở Bồ Đào Nha chưa đầy hai thập kỉ. Với xuất phát điểm 35 tấn vào năm 1994, sản lượng nuôi cá bơn của nước này liên tục tăng lên mức cao nhất là 386 tấn vào năm 2002, trước khi giảm xuống còn 167 tấn vào năm 2007 . Dự đoán, mức sản lượng này sẽ tăng mạnh trong những năm tới nhờ chiến lược tăng cường đầu tư trong thời gian gần đây.

Tại Anh, mặc dù ngành nuôi cá bơn đã hình thành vào năm 1970 ở Scốtlen, nhưng hoạt động nuôi cá bơn thương phẩm chỉ mới phát triển vào khoảng năm 2000 (107 tấn) và đạt sản lượng cao nhất là 233 tấn vào năm 2004, sau đó lại giảm xuống mức 62 tấn vào năm 2007 . Sản lượng nuôi của Hà Lan trong năm 2007 cũng đạt con số tương đương của Anh trong năm này.

Tổng sản lượng nuôi cá bơn của 5 quốc gia này chiếm trên 98,5% sản lượng toàn EU. Gần 1,5% còn lại do các hệ thống sản xuất quy mô nhỏ ở Đan Mạch , Đức và Ailen cung cấp.

Giá trị ngành nuôi cá bơn của EU

Sự tăng trưởng của ngành sản xuất cá bơn EU đã khiến giá trị cá bơn nuôi trong khu vực này tăng từ mức 38.000 EUR (1984) lên 64,3 triệu EUR (2007) (Hình 5).

Tây Ban Nha

Ngành sản xuất cá bơn của Tây Ban Nha tập trung chủ yếu ở khu vực Galicia (sản lượng của Galicia chiếm khoảng 95% sản lượng cả nước). Bảng 1 cung cấp số liệu sản xuất cá bơn của Tây Ban Nha (1999-2010) trong mối tương quan với tổng sản lượng thế giới (2007-2010). Sản lượng nuôi của Tây Ban Nha tăng đáng kể, từ 2.243 tấn (1999) lên 9.400 tấn (2010). Với mức sản lượng này, Tây Ban Nha đóng góp 85,5% tổng sản lượng cá bơn thế giới trong năm 2010.

Acuinova đã xây dựng một trại nuôi cá bơn công suất 7.000 tấn ở Mira, Bồ Đào Nha, với nguồn vốn hỗ trợ từ EU. Theo ước tính, trại này sản xuất 1.500 tấn cá trong năm 2010 và đạt công suất hoạt động tối đa trong năm 2012, khiến tăng sản lượng nuôi cá bơn toàn cầu, và do đó, giảm thị phần nuôi cá bơn của Tây Ban Nha trong năm 2012.

Cán cân thương mại của EU

Các nước trong khối EU25 đã ngừng NK cá bơn kể từ năm 1991 trong khi vẫn tiếp tục XK loài thủy sản này, nhưng với khối lượng không đáng kể. Sản lượng XK giảm từ 879 tấn vào năm 1979 xuống còn 464 tấn vào năm 2006. Theo đó, sự thay đổi trong cán cân thương mại của ngành cá bơn EU25 trong những năm gần đây phụ thuộc hoàn toàn vào XK. Với mức sản xuất giới hạn, trên 95% sản lượng cá bơn (gồm cả nuôi và khai thác) của Châu Âu hiện nay dành cho tiêu dùng nội địa.

*Lưu ý:

1 Báo cáo này không đề cập đến Trung Quốc, mặc dù đây là quốc gia sản xuất trên 50.000 tấn cá bơn.

2 Tây Ban Nha là quốc gia sản xuất cá bơn lớn nhất toàn cầu với công ty Stolt Sea Farm SA là nhà sản xuất cá bơn nuôi dẫn đầu thế giới. Hai trại nuôi của công ty này cung cấp khoảng 1 triệu con giống cá bơn mỗi năm cho các cơ sở nuôi vỗ trong khu vực.

3 Mặc dù nuôi cá bơn, Pháp vẫn phải NK loài thủy sản này với nguồn cung chủ yếu từ Tây Ban Nha. Đây cũng là quốc gia sản xuất cá bơn giống lớn nhất thế giới với thị trường XK chính là Trung Quốc. Sản phẩm cá bơn XK của Pháp bao gồm cả cá sống.

4 Bồ Đào Nha nuôi cá bơn qua hệ thống trên cạn với hầu hết các cơ sở sản xuất được quản lý bởi công ty Stolt Sea Farm SA.

5 Sản lượng do một nhà sản xuất cung cấp.

6 Seafarm BV là công ty nuôi cá bơn duy nhất từ giai đoạn cá bột đến cá trưởng thành (bán ra trên thị trường) thông qua hệ thống nuôi trên cạn. Seafarm BV cung cấp cá bơn sống cho các thị trường Trung Quốc và Nhật Bản.

7 Công nghệ sản xuất cá bơn ở Đan Mạch phát triển mạnh, đặc biệt là sản xuất cá bột – sản phẩm có khối lượng XK lớn.

8 Chỉ có một trại giống và một cơ sở nuôi cá bơn ở Đức.

9 Ailen có một cơ sở nuôi cá bơn thương phẩm ở hạt Galway. Tuy nhiên, trại nuôi này đã bị thanh lý vào đầu năm 2005.

Nguồn: Vietfish được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sinh sản nhân tạo thành công giống Cá Bông Lau

Quy trình sản xuất giống cá bông lau nhân tạo vừa được Thạc sỹ Huỳnh Hữu Ngãi, Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2) nghiên cứu thành công và triển khai nhân rộng cho cán bộ kỹ thuật và nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đây là yêu cầu cấp thiết nhằm góp phần khôi phục đàn cá tự nhiên, bảo tồn nguồn gen quý hiếm, chủ động nguồn giống cho người nuôi thương phẩm và tạo ra hiệu quả kinh tế cho người sản xuất giống.

Vuốt trứng cá bông lau cái (ảnh chụp ở làng bè Châu Đốc, tỉnh An Giang)

Chọn cá bố mẹ

Cá bố mẹ được chọn ngoài tự nhiên từ các xuồng câu, chọn những cá thể khỏe mạnh, ít xây sát, giữ các cá trong bể có sục khí liên tục từ 3-4 ngày cho cá khỏe hoàn toàn rồi vận chuyển đi nuôi thuần dưỡng. Cá được nuôi chung với một số loài cá háu ăn như cá chép, mè vinh với mật độ từ 5-10 kg/m3. Dùng thức ăn viên với hàm lượng đạm từ 28-30%, khẩu phần ăn hàng ngày từ 2-3%.

Sau đó tiến hành nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ trong bè đặt trên sông nước chảy. Bè nuôi vỗ cá bông lau bố mẹ có kích thướt 8x4x3 mét = 96m3, bè được đặt nổi và neo trên sông cố định, nơi có dòng chảy thẳng và liên tục. Nơi đặt bè không ảnh hưởng đến giao thông trên sông, nước sông nơi đặt bè không bị phèn, mặn, xa các cống nước thải và thuận lợi trong giao thông, vận chuyển thức ăn.

Cá bố mẹ chọn nuôi vỗ phải là những cá thể khỏe mạnh, ngoại hình cân đối, không bị dị hình, khối lượng từ 2,5 kg trở lên. Mật độ nuôi vỗ cá bố mẹ là 5 kg/m3 bè. Đánh số thứ tự cho cá bố mẹ bằng que nhọn đầu đánh số lên đầu của cá (dùng số thường đánh cho cá cái, số la mã đánh cho cá đực). Mùa vụ nuôi vỗ cá bố mẹ bắt đầu từ tháng 12 năm trước kéo dài đến giữa tháng 11 năm sau. Thời gian cá thành thục và bước vào sinh sản từ tháng 8, mùa cá đẻ kéo dài đến đầu tháng 11.

Thức ăn cho cá bố mẹ có thể sử dụng thức ăn hỗn hợp tự chế biến hoặc thức ăn công nghiệp. Đối với thức ăn tự chế do thức ăn chìm nên mỗi ngày cho ăn 2 lần, còn thức ăn viên dạng nổi thì mỗi ngày chỉ cho ăn 1 lần vào buổi tối vì tập tính của cá bông lau rất nhát. Hàng ngày dựa vào nhu cầu ăn của cá để điều chỉnh tăng giảm lượng thức ăn cho hợp lý, không cho ăn quá nhiều hoặc thiếu.

Thường xuyên kiểm tra bè, sửa chữa những phần bị hư hỏng, gỡ bỏ rác bám quanh bè. Khi nước chảy yếu nên dùng máy bơm quạt nước để tăng thêm oxy hòa tan. Thường xuyên quan sát và phát hiện những biểu hiện không bình thường của cá để kịp thời xử lý.

Gieo tinh nhân tạo

Ở cá bông lau nhìn bên ngoài rất khó phân biệt đực cái. Khi đến mùa sinh sản mới có sự biểu hiện ra bên ngoài, cụ thể cá đực có lỗ sinh dục dạng hơi tròn lồi ra, còn cá cái lỗ sinh dục hơi lõm vào hơn so với cá đực.

Chọn cá đực là những cá thể khỏe mạnh, vuốt ở mặt bụng gần lỗ sinh dục có tinh màu trắng sửa chảy ra. Chọn cá cái là những cá thể có bụng to, dùng que thu trứng quan sát tế bào trứng khi thấy hạt trứng to, tương đối đồng đều, dễ tách rời nhau, đo kích thướt tế bào trứng phải đạt trung bình từ 1,3 mm trở lên, không có trứng non. Những năm qua do cá đực thành thục chưa tốt nên tỷ lệ đực cái nên chọn là 2:1 hoặc 3:1.

Cho cá đẻ trong bể xi măng có thể tích 3x5x1 mét =15 m3, mực nước sâu 0,8-1mét chứa từ 6-10 con cá bố mẹ có khối lượng trung bình 3,5 kg/con. Tuy nhiên, nếu có điều kiện thì thiết kế lót bạt dạng tròn, tạo nước chảy thành dòng liên tục thì cá sẽ khỏe hơn. Hay có thể cho cá đẻ trong bè khoảng 3x5x2 mét = 30 mét, ngăn làm đôi để chứa đực cái riêng, mỗi ngăn chỉ chứa tối đa 5 con cá.

Cá bông lau không đẻ tự nhiên trong bè do đó phải tiêm kích dục tố để kích thích cho cá rụng trứng. Sử dụng kích dục tố HCG kích thích cá sinh sản nhân tạo như cá tra, basa. Sử dụng phép tiêm nhiều lần cho cá cái để kích thích tế bào trứng hấp thu được chất kích thích làm tăng kích thướt đường kính trứng đến mức tối đa vì đây là loài cá của sông Mêkông có đường di cư dài nên chúng cần được tiêm nhiều lần dẫn với thời gian dài để cho tế bào trứng được chín đồng đều hơn.

Trong 3 – 5 liều dẫn đầu tiên sử dụng kích dục tố HCG ở mức bằng nhau 500UI/kg, khoảng cách giữa các lần tiêm là 24 giờ. Khi trứng đã đạt mức tối đa thì tiêm liều sơ bộ với liều lượng từ 1.000 – 1.500 UI/kg, khoảng cách từ liều dẫn đến liều sơ bộ cũng 24 giờ. Cuối cùng là liều quyết định với mức sử dụng 5.000 UI, khoảng cách từ liều sơ bộ đến liều quyết định từ 8 – 10 giờ. Liều tiêm cho cá đực từ 2.000 – 3.000 UI/kg cùng thời gian tiêm liều quyết định của cá cái. Thời gian hiệu ứng kích thích tố từ lúc tiêm liều quyết định đến khi rụng trứng từ 9-12 giờ.

Kiểm tra cá, dùng khăn sạch lau khô toàn thân nhất là vùng bụng cá, dùng tay vuốt từ phía sau đầu cá chạy dọc theo 2 lườn bụng đến điểm cuối là lỗ sinh dục thì thấy trứng chảy thành dòng từ lỗ sinh dục cá cái. Ở cá đực, tinh cũng nhú ra từ lỗ sinh dục có màu trắng sữa. Trước khi thấy có dấu hiệu rụng trứng thì tiến hành thu tinh cá đực trước, tinh được giữ trong nước muối sinh lý với nồng độ là 0,9%. Dùng xyranh hút 2 ml nước muối sinh lý sau đó hút 0,5 ml tinh bảo quản ở nhiệt độ thấp để kéo dài thời gian sống của tinh trùng.

Sau đó sẽ tiến hành vuốt trứng, bằng phương pháp thụ tinh khô, dùng lông gà quậy đều trứng và sẹ (tinh dịch), trong lúc quậy đều hỗn hợp trứng và sẹ cho thêm nước sạch vào từ từ và tạo điều kiện cho tinh trùng hoạt động, tăng xác suất thụ tinh cho trứng. Điều cần lưu ý là cá bông lau là loài cá rất yếu do đó quá trình kiểm tra sự thành thục cũng như chọn lựa cá bố mẹ cho sinh sản thì thao tác phải nhanh, nhẹ nhàng. Chỉ được phép đưa cá cho vào băng ca kiểm tra và tiêm kích dục tố ngay dưới nước. Đối với cá cái thời gian hiệu ứng kích thích tố là 12 giờ tính từ khi tiêm liều quyết định.

Việc xác định thời gian hiệu ứng nhằm theo dõi chính xác thời điểm rụng trứng để tiến hành sinh sản nhân tạo vuốt khô được kịp thời. Trứng cá bông lau thuộc loại trứng dính nên sau khi cá đẻ trứng được khử dính bằng dung dịch Tanin, sau đó được rửa lại bằng nước sạch và đem ấp trong bình Weiss sau 24-25 giờ thì trứng nở ở nhiệt độ 28-300C. Trứng cá bông lau ấp ở nhiệt độ thường 27,2-300C thường thời gan nở kéo dài từ 26-30 giờ, đạt tỷ lệ thu tinh 26-73,3%, tỷ lệ nở 57-90,1%.

Ương nuôi thành cá giống

Cá bột bông lau sau khi nở 24 giờ thì sẽ hết noãn hoàng và bắt đầu ăn thức ăn bên ngoài chủ yếu là động vật phù du. Ương cá bông lau chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, sau khi nở 24 giờ, cá bột được ương trong bể composite, mỗi bể thể tích là 1m3, mật độ từ 300 con/m3. Thay nước trong quá trình ương mỗi ngày một lần, mỗi lần từ 20-30% lượng nước trong bể. Trong 10 ngày đầu cho ăn Moina hoặc Moina kết hợp với Naulius Artemia. Từ ngày thứ 11 đến ngày thứ 20 cho ăn Moina kết hợp với thức ăn dạng bột mịn 40% đạm. Từ ngày thứ 21 đến ngày thứ 30 cho ăn thức ăn mảnh 40% đạm. Sau 30 ngày tuổi cá nặng 0,21-0,7 g và dài 28-45mm. Tỷ lệ sống của cá giống sau 30 ngày tuổi đạt từ 30,8-90,8%.

Giai đoạn 2, giai đoạn này có thể ương cá bột trong bể composite thể tích 1 m3 với nhiều mật độ khác nhau như: 50, 100 hay 200 con/m3. Dùng một loại thức ăn viên có hàm lượng đạm 40%, sau 60 ngày tuổi cá đạt trọng lượng từ 3,2-3,5 gam/con, tương đương với chiều dài là 72,2 – 73,3 mm, tỷ lệ sống từ 10,9-98%.

Nguồn: Tiengiang.GOV được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi Cá Bông Lau trong ao, hầm: Mô hình mới

Lâu nay, cá bông lau chỉ được bà con nông dân nuôi trong lồng bè, chứ ít ai nghĩ nuôi trong ao, hầm lại có thể cho hiệu quả kinh tế cao. Tận dụng những ao, hầm nuôi cá tra bỏ trống, người dân 2 xã Hòa Lạc và Phú Bình (Phú Tân – An Giang) chuyển sang nuôi cá bông lau, bước đầu cho kết quả khả quan.

Cho cá bông lau ăn.

Sau nhiều năm đeo bám nghề nuôi cá tra, anh Nguyễn Văn Tài ở xã Phú Bình thua lỗ nặng. Năm 2008, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng, thả nuôi 40.000 con cá bông lau trên diện tích 2.000m2 từng nuôi cá tra trước đây. Sau 6 tháng chăm sóc, đàn cá đạt trọng lượng trên 35 tấn, với giá bình quân 32.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh còn lời 200 triệu đồng. Thấy nuôi cá bông lau trong hầm hiệu quả, năm nay, anh Tài đầu tư thả nuôi trên 50.000 con. Anh hồ hởi: “Nhờ nuôi cá bông lau mà nhà tôi đã trả dứt nợ! Năm nay, tôi thả hơn 50.000 con giống, khoảng 2 tháng nữa là có thể xuất bán. Nếu vẫn giữ giá 35.000 đồng/kg như hiện nay, chắc chắn tôi sẽ bỏ túi trên 240 triệu đồng”.

Ông Võ Văn Sàn, ấp Bình Phú I, xã Phú Bình cũng chuyển sang nuôi cá bông lau sau khi trầy trật với con cá tra. ông cho biết, nuôi cá bông lau trong ao, hầm rất dễ, ít tốn công sức và kiểm soát được một số dịch bệnh thông thường như: bọ đeo mang, ghẻ, đường ruột… Bên cạnh đó, nguồn thức ăn cũng dễ tìm, mùa nước nổi cho ăn cá linh, cá chốt; mùa khô cho ăn cá biển. Hiện ông Sàn đang thả nuôi 35.000 con, đàn cá đạt trọng lượng gần 1kg/con, dự tính lời khoảng 182 triệu đồng.

Thấy ông Sàn đầu tư nuôi cá bông lau hiệu quả, anh La Văn Xê, ở xã Hòa Lạc cũng học hỏi làm theo. Anh Xê thả nuôi 250.000 con cá bông lau trong 5 hầm, diện tích 5.000 m2, trong đó 4 hầm anh nuôi cá thịt, hầm còn lại anh tự ương cá giống. “Cá bông lau nuôi hầm dễ hơn so với cá tra. Cá tra phải chạy, xả nước liên tục nên rất tốn chi phí và gây ô nhiễm môi trường. Vốn đầu tư tương đối nhẹ và đầu ra cũng rất dễ”, anh Xê khẳng định.

Có thể nói, nghề nuôi cá bông lau trong ao, hầm là một nghề mới, nhiều triển vọng. Tuy nhiên, hiện nay đầu ra của con cá bông lau chưa thật ổn định. Vì vậy, người nuôi cần tính toán kỹ trước khi ồ ạt mở rộng diện tích, tránh tình trạng cung vượt cầu, rồi dẫm vào “vết xe đổ” như cá tra.

Nguồn: Khoa học nhà nông được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi Cá Bông Lau giống tự nhiên

Anh Nguyễn Tâm Đăng (32 tuổi, ở xã Phú Tân, H.Tân Phú Đông, Tiền Giang) là người đầu tiên thành công trong việc nuôi cá bông lau bằng nguồn giống tự nhiên với quy mô lớn.

Anh Đăng chỉ đặc điểm nhận dạng cá tra bần

Duyên nợ với cá bông lau

Anh Đăng sinh ra và lớn lên tại vùng đất ven biển Tiền Giang – nơi có nhiều loài cá da trơn đặc trưng của vùng ĐBSCL. Vậy mà năm 2007, anh phải bỏ ra hơn 800.000 đồng mua con cá bông lau nặng 7 kg đãi bạn bè. Anh Đăng nói rằng chính việc này đã làm anh suy nghĩ tại sao loài cá có giá trị kinh tế cao như vậy mà chưa ai đầu tư nuôi, trong khi nguồn con giống đã có sẵn ngoài tự nhiên. Suy nghĩ đó đã thôi thúc anh bỏ ngang chuyện học ngành cơ khí (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM), về quê lao vào nghiên cứu con giống, xây dựng mô hình nuôi cá bông lau.

Qua tìm hiểu nhiều tài liệu, anh được biết các loài cá da trơn như cá bông lau, cá dứa, cá tra bần… có giá cao, nhiều người ưa chuộng nhưng ngày càng hiếm ngoài tự nhiên. Đến nay, các công trình nghiên cứu cũng như mô hình lai tạo con giống, thuần dưỡng các loại cá này chưa nhiều. Anh Đăng kể do hiểu biết còn hạn chế nên trong lần mua cá giống đầu tiên, anh bị lừa mua nhầm giống khác. Thất bại nhưng không nản, cứ tới mùa anh lần theo ghe đánh bắt ngoài cửa sông để tìm mua nguồn cá giống tự nhiên. Tuy nhiên, dù anh đã làm mọi cách nhưng cá đưa lên khỏi sông chưa bao lâu thì bị chết hàng loạt. Số còn lại anh đem về, chăm sóc với chế độ đặc biệt trong ao đất vẫn không sống được. “Trải qua nhiều lần thất bại, tôi đã tích lũy thêm kinh nghiệm nuôi cá giống, nhờ đó tỷ lệ cá chết mới giảm dần”, anh Đăng chia sẻ.

Thuần dưỡng thành công

Đến vụ nuôi năm 2010 – 2011, anh Đăng đã thuần dưỡng khoảng 100.000 con giống cá bông lau, cá dứa, cá tra bần. Sau khi chọn ra nguồn giống khỏe, anh thuê luôn 10 ha đất ở xã Phú Tân thả nuôi thử nghiệm khoảng 23.000 con giống. Thạc sĩ Huỳnh Hữu Ngãi, cán bộ nghiên cứu thuộc Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2), cho biết: “Để đảm bảo khả năng sống và phát triển, ngay cả đàn cá bông lau bố mẹ và cá hậu bị của trung tâm cũng phải được thuần dưỡng trong bè nuôi ở khu vực nước sạch có dòng chảy”. Vậy mà với kỹ thuật của mình, sau khoảng 12 tháng nuôi bằng thức ăn công nghiệp, đàn cá nuôi thử nghiệm trong ao nước tĩnh của anh Đăng đã đạt trọng lượng 1 – 1,2 kg/con. Kết thúc vụ nuôi này, anh thu hoạch được khoảng 20 tấn cá thương phẩm. Đầu vụ nuôi 2012 – 2013, anh Đăng tiếp tục thả nuôi hơn 31.000 con giống cũng từ nguồn khai thác tự nhiên, hiện cá đạt trọng lượng bình quân 1 kg/con. Anh cũng đang chuẩn bị khoảng 500.000 con giống cá da trơn cho vụ nuôi 2013 – 2014 để đủ cung ứng cho các đơn đặt hàng.

Thu hoạch cá da trơn giống tự nhiên

Với kinh nghiệm có được trong thời gian qua, anh Đăng chia sẻ cách nhận diện các loại cá da trơn quý hiếm: “Cá bông lau và cá dứa hầu như không thể phân biệt được ở giai đoạn cá giống. Nhìn chung, 2 loại cá này có sống lưng ánh lên màu xanh nhạt, đuôi vàng, viền đuôi hơi tím; trong khi đó, lưng, vây và đuôi cá tra bần đều màu vàng…”. Từ các đặc điểm trên, anh Đăng phân tích: “Cá tra bần chiếm khoảng 10% nguồn cá giống đánh bắt từ tự nhiên. Loại này dễ thuần dưỡng hơn cá bông lau, cá dứa. Do vậy, trong ao nuôi hoàn toàn có thể lẫn lộn cả 3 loại cá trên”.

Dù đem con giống ở sông về nuôi trong ao nhưng anh Đăng muốn các loại cá này có chất lượng thịt gần giống với cá lớn lên trong tự nhiên. “Để đạt được điều đó, mô hình nuôi tối thiểu phải là bán thiên nhiên trên diện tích rộng, nguồn nước cần thay đổi thường xuyên và quan trọng nhất là trong quá trình nuôi không được sử dụng thuốc, chất hóa học”, anh Đăng nói.

Nguồn: Thanhnien.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sóc Trăng: Triển vọng từ nuôi Cá Bông Lau

Trước nhu cầu tiêu thụ của thị trường ngày một tăng, trong khi nguồn đánh bắt tự nhiên giảm mạnh, nhiều nông dân ở xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung đã nuôi cá bông lau thương phẩm và cho thành công, với mức lợi nhuận không hề thua kém một số đối tượng thủy sản nào.

Nghề nuôi cá bông lau ở Cù Lao Dung

Cái lợi lớn nhất của nghề nuôi cá bông lau ở Cù Lao Dung chính là nguồn nước và con giống. Con giống khai thác tại chỗ, nuôi bằng nguồn nước tại chính nơi sinh sống, nên chẳng những phát triển tốt, mà chất lượng thịt cá cũng thơm ngon không thua kém ngoài tự nhiên. Nhắc đến nghề ương và kinh doanh cá bông lau giống ở Cù Lao Dung thì anh Nguyễn Văn Kiệt (ấp Vàm Hồ, xã An Thạnh Nam) được xem là một trong những người tiên phong. Anh Kiệt cho biết, năm 2011, khi dịch bệnh EMS làm tôm chết hàng loạt, cũng là lúc có nhiều thương lái đến thu mua cá bông lau giống về nuôi, nên anh nảy ra ý nghĩ làm dịch vụ ương dưỡng cá giống để xuất bán. Anh Kiệt kể: “Cá con đánh bắt được thường cỡ khoảng 300 – 350 con/kg, phải ương thêm 2 – 2,5 tháng cho cá lên cỡ 70 con/kg mới đạt kích cỡ giống nuôi. Từ ương giống, đến nay tôi chuyển sang nuôi thương phẩm và cũng rất thành công”.

Không chỉ có người nuôi lâu năm như anh Kiệt mới thành công lớn, mà người mới nuôi như anh Trương Văn Vũ (xã An Thạnh 3), cũng vừa trúng ao cá bông lau được nuôi từ ao lắng nuôi tôm, với sản lượng 1,5 tấn, sau 1 năm thả nuôi. Anh Vũ phấn khởi nói: “Năm rồi, thấy mọi người nuôi cá bông lau bán được giá cao, tôi thả hơn 1.500 con giống nuôi thử, ai dè đến nay (khoảng 1 năm) cũng thu hoạch được khoảng 1,5 tấn, trọng lượng trung bình 1,2 kg/con. Sở dĩ, thời gian nuôi kéo dài đến 1 năm là do tôi nuôi bằng nguồn phụ phẩm tự nhiên sẵn có, chứ một số người nuôi bằng thức ăn công nghiệp chỉ có 8 tháng là cá đạt trọng lượng 1,2 – 1,5 kg/con rồi”.

Do nghề nuôi cá bông lau thành công và cho hiệu quả cao, nên giá cá giống cũng tăng lên. Hiện, giá cá giống cỡ 70 con/kg được bán với giá khoảng 10.000 – 12.000 đồng/con, còn cá nhỏ cỡ 300 – 350 con/kg do ngư dân đẩy te về bán lại cho cơ sở ương dưỡng có giá khoảng 5.000 – 6.000 đồng/con. Việc khai thác cá bông lau con làm giống nuôi giúp nghề khai thác ven bờ bằng công cụ thô sơ có thêm thu nhập, nhưng nếu không có sự quản lý tốt sẽ dẫn đến nguy cơ cạn kiệt loài thủy sản có giá trị này.

Ông Hồ Thanh Kiệt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung cho biết, hiện huyện đang tiến hành điều tra về diện tích, hiệu quả, phạm vi vùng nuôi cá bông lau để có những khuyến cáo, hỗ trợ kỹ thuật, nhằm giúp người nuôi đạt năng suất, kích cỡ và giảm thiểu rủi ro trong tiêu thụ.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thu tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi Cá Bông Lau trong ao

Nhận thấy nguồn lợi nhuận từ cá bông lau, anh Nguyễn Tâm Đăng (ở Tân Phú Đông, Tiền Giang) bỏ đại học để nuôi loại cá này trong ao, thu lãi hàng tỷ đồng một mùa thu hoạch.

Anh Đăng ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông là người đầu tiên thành công nuôi dưỡng cá bông lau từ nguồn giống tự nhiên với quy mô lớn nhất ĐBSCL. Đây là loài cá có giá trị cao gấp 4-5 lần cá tra.

Bỏ đại học, nuôi cá

Nhớ hồi khởi nghiệp nuôi cá bông lau, anh Đăng kể, đầu năm 2007 anh có mấy người bạn thân ở phương xa đến chơi. Nghe tiếng cá bông lau đặc sản vùng này, ai cũng thèm ăn. Anh ra chợ may mắn mua được con cá bông lau vừa đánh bắt dưới sông lên nặng hơn 7 kg, bán 120.000 đồng/kg. Về nhà nấu lẩu, bạn bè khen ngon hết ý.

Anh Đăng bên ao nuôi cá bông lau.

Từ chuyện con cá bông lau có giá trị thương phẩm cao hơn cá tra, anh nảy ra ý tưởng nuôi loài cá này vì chưa ai đầu tư nuôi, trong khi nguồn giống có sẵn ngoài tự nhiên.

Suy nghĩ đó thôi thúc khiến anh bỏ học ngành cơ khí Trường ĐH Bách khoa TP.HCM về quê tìm tài liệu đọc nghiên cứu con giống, xây dựng mô hình nuôi cá bông lau. Từ một học viên cơ khí, đùng một cái anh chuyển hẳn sang nuôi thủy sản quả là điều quá khó. Nhưng với quyết tâm, cộng với tính chịu học hỏi qua sách báo nên trong thời gian ngắn anh có được vốn kiến thức về nuôi các loài cá da trơn như cá bông lau, cá dứa, cá tra bần…

Năm 2009, anh Đăng thuê 5ha mặt nước của những hộ nuôi tôm bị thất bại ở xã Phú Tân để mua cá giống bông lau về nuôi. Mặc cho “sự đời” bàn tán lời ra tiếng vào, anh mượn vốn từ người thân trong gia đình 400 triệu đồng mua 25.000 con giống của một DN ở huyện Cần Giờ (TP.HCM) về thả nuôi. Kết quả cá hao hụt quá cao, anh thất bại. Nhiều người trong xóm cho rằng, anh “điên” vì hồi nào tới giờ loài cá bông lau chưa có ai nuôi sống được mà dám thả nuôi.

Anh Đăng tâm sự: “Năm đầu thả nuôi, vì hiểu biết còn hạn chế nên lần đầu mua cá giống, tôi bị lừa mua nhầm giống cá, nên nuôi không đạt. Thất bại nhưng không nản, tới mùa sau tôi dò hỏi theo ghe đánh bắt cá ngoài cửa sông với mong muốn tìm nguồn cá giống bông lau tự nhiên. Dù đã làm mọi cách nhưng cá đưa lên khỏi sông chưa bao lâu thì chết hàng loạt. Số còn lại tôi đem về, chăm sóc với chế độ “đặc biệt” trong ao đất. Vậy mà vẫn không sống được!”.

Sau hai lần thất bại, anh Đăng không chịu thua cuộc, vẫn kiên trì tìm tòi học hỏi. Anh xin tham dự các cuộc hội thảo chuyên đề về cách nuôi loài cá da trơn ở trong và ngoài tỉnh để nắm bắt thêm kiến thức. “Bí quyết” anh đã hiểu ra, vì loại cá da trơn có nhớt, khi thay đổi môi trường đột ngột chúng sẽ chết, nên cần xử lý nước và cho cá thích nghi dần.

Anh Đăng chia sẻ, mùa sinh sản cá giống bông lau xuất hiện nhiều vào tháng 11 năm trước đến sang tháng 3 năm sau. Vào mùa này, những loài cá da trơn được ngư dân đánh bắt rất nhiều; loại bằng ngón tay cái hoặc con lớn hơn bán với giá rất rẻ, chỉ vài chục ngàn đồng một kg. Cái khó là làm sao con giống ngoài tự nhiên bắt được, giữ cho nó sống và nuôi dưỡng thành cá thương phẩm bằng những nguồn thức ăn hiện có trên thị trường.

Có hiểu biết để nhận diện chính xác cá bông lau và tích lũy vốn kinh nghiệm nuôi cá sau bao phen thất bại, anh quyết tâm thử một lần nữa, bỏ ra số tiền khá lớn thu mua cá con của các ngư dân đánh bắt trong thiên nhiên.

Trong lần nuôi này, anh thành công, tỷ lệ cá chết giảm đáng kể. Và từ đó anh bắt đầu tìm thị trường bán cá bông lau giống, cá tra bần cho các DN ở An Giang và Đồng Tháp. Lấy ngắn nuôi dài, nhiều năm anh xoay vòng vốn bán cá giống và đầu tư cho vùng chuyên nuôi cá bông lau.

Đi tiên phong

Năm 2010, anh Đăng thuê gần 10ha đất ở huyện Tân Phú Đông thả nuôi thử nghiệm khoảng 23.000 con giống cá bông lau. Sau nhiều lần thay đổi thức ăn viên cho cá, anh đã thành công trong việc thuần dưỡng, nhân nuôi trong ao đất có nguồn nước tĩnh theo hình thức bán hoang dã. Sau 12 tháng nuôi anh thu hoạch được khoảng 20 tấn cá thương phẩm.

Trên đà thắng lợi, anh Đăng tiếp tục thả nuôi hơn 31.000 con giống cũng từ nguồn cá giống khai thác tự nhiên. Hiện nay cá nuôi đạt trọng lượng bình quân từ 900 gr đến 1 kg/con. Ao nuôi có thể đem về doanh thu cả trăm triệu đồng cho anh. Ngoài ra anh cũng chuẩn bị khoảng 500.000 con giống để đủ cung ứng theo các đơn đặt hàng trong năm nay.

Với kinh nghiệm tích lũy được, anh Đăng cho biết: “Cá bông lau và cá dứa khó có thể phân biệt được nhau ở giai đoạn cá giống, tuy nhiên cách nhận dạng chung là hai loài cá này có sống lưng ánh lên màu xanh nhạt, đuôi vàng, viền đuôi hơi tím; trong khi đó cá tra bần có lưng, vây, đuôi đều màu vàng”.

Từ các đặc điểm trên, anh phân tích: “Cá tra bần chiếm khoảng 10% nguồn cá giống đánh bắt từ tự nhiên. Loại này dễ thuần dưỡng hơn cá bông lau, cá dứa”.

Mô hình nuôi của anh chỉ phải lo 50% nguồn thức ăn, phần còn lại cá tự tìm rong rêu hay cỏ cây để ăn, nên cá đạt tỷ lệ sống 90%. Hiện tại trong khu vực ao nuôi anh cho trồng cỏ xung quanh, vừa tạo bóng mát vừa làm nguồn thức ăn thiên nhiên cho cá. Mật độ thả nuôi để cá có tỷ lệ sống cao, bình quân thả 2 con/m3 nước.

Anh lý giải, vì đây là loại cá sống ngoài thiên nhiên thích nơi dòng chảy nước sâu nên cần oxy, khi đem vào ao nuôi trong môi trường nước tĩnh phải thả thưa, cá mới đủ oxy phát triển tốt. Cá nuôi trong vòng 12-15 tháng đạt trọng lượng 1-1,1 kg/con, còn nuôi theo hình thức công nghiệp chủ động nguồn thức ăn hoàn toàn trong vòng 10-11 tháng cá đạt trọng lượng từ 1,2-1,5 kg/con.

Anh cho biết thêm, kế hoạch anh sẽ thu hoạch lượng cá bông lau trong ao vào đầu tháng 5 tới đây, dự kiến khoảng 25 tấn cá thương phẩm bán với giá từ 120.000-130.000 đồng/kg, còn vào tháng 6 đến tháng 12 cá bông lau có giá từ 160.000-180.000 đồng/kg. Có thể nói vụ cá bông lau năm nay hy vọng sẽ mang lại lợi nhuận cao cho anh. Nếu bán hết chỉ với giá bình quân 120.000 đồng/kg, số tiền thu về đã là vài tỷ.

Để loại cá này có chất lượng thịt gần giống cá trong tự nhiên, thịt trắng, thơm và ít mỡ, mô hình nuôi tối thiểu, theo anh Đăng là bán thiên nhiên trên diện tích rộng. Nguồn nước cần thay đổi thường xuyên và quan trọng nhất là trong quá trình nuôi không được sử dụng thuốc và chất hóa học.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.