Vài nét về cá Ali mũ đỏ

Cá Ali Mũ Đỏ – Lethrinops Red Cap làm chúng ta liên tưởng tới “cô bé quàng khăn đỏ”. Một tấm thân nuột nà nhỏ nhắn với cái trán đỏ tươi chính là những gì mà mọi người thường nghĩ về chúng.

Tên thông dụng: Lethrinops Red Cap

Tên khoa học: Lethrinops sp. ‘Red Cap’ Mdoka

Kích thước trung bình: 15 cm

Thiết lập bể cá: Phong cách đá đặc trưng của hồ Malawi với nhiều không gian bơi lội

Kích thước bể cá tối thiểu: 300 lít

Khả năng tương thích: Thích hợp thả cùng với các loại cá ali hồ Malawi như Hap hoặc Aulonocara (peacock)

Điều kiện nước: Nhiệt độ 25 – 28 độ C, PH 7,6 – 8,6

Nuôi dưỡng: Những con cá ali Mũ Đỏ ăn khá tạp, tuy nhiên trong môi trường bể nuôi, bạn nên lựa chọn thức ăn chuyên dụng cho các dòng cá ali châu Phi.

Phân biệt giới tính: Cá ali Mũ Đỏ đực lớn hơn và nhiều màu sắc hơn khi trưởng thành. Cá nhỏ rất khó để phân biệt đực cái.

Nuôi dưỡng: Cá ali Mũ Đỏ – Lethrinops Red Cap là loài sinh sản ngậm trứng giống hầu hết các loại cá ali Châu Phi khác. Con đực sẽ tán tỉnh và bắt cặp với một con cái, sau khi nó đẻ trứng, cá đực sẽ thụ tinh. Quá trình cứ thế tiếp diễn khi tất cả trứng được thụ tinh. Con cái sẽ giữ trong miệng từ 3-4 tuần, trong thời gian này chúng sẽ không ăn uống.

Thông tin bổ sung: Đây là một trong những loài cá ali hồ Malawi ít xuất hiện trong các bể cá người chơi. Ngay cả những đơn vị kinh doanh cũng không thường xuyên nhập về dòng cá này. Đây là mộ dòng cá khá ngoan hiền, bạn nên tránh thả với các dòng cá côn đồ hung hãn như Mbuna. Những con cá hiền lành và ít hung hăng như Peacock và Hap rất được hoan nghênh thả cùng.

Nguồn: Tropicalfish được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Giới thiệu vài nét về cá Ali vỏ ốc

Thú chơi cá Ali nói chung và các tình yêu hồ Tanganyika nói riêng đang phần nào tìm lại thời phát triển rực rỡ.

Tuy không bộp chộp và nóng vội như thời mới yêu hồi đầu thập niên, phong trào hiện nay phát triển bền vững và chững chạc bởi những người chơi tâm huyết và có kiến thức. Fman xin cập nhật thông tin về một chủng cá hồ Tanganyika có tập tính ăn đáy và hình dạng như cá bống, mà nói đúng ra thì chúng chính là cá bống của hồ Tanganyika.

Kích thước bể cá tối thiểu: 30 gallon

Mức độ chăm sóc: Dễ dàng

Tính cách: Bán tích cực

Điều kiện nước: 72-82 ◦ F, KH 10-20, pH 7,8 -9,0

Kích thước tối đa: 6 cm

Màu sắc: Xanh, vàng

Chế độ ăn uống: Ăn thịt

Khả năng tương thích: Xem biểu đồ

Xuất xứ: Hồ Tanganyika

Họ: Cichlidae

Cá Vỏ Ốc – Gold Ocellatus Cichlid sống lang thang trong những vỏ ốc quanh bờ hồ Tanganyika, Châu Phi. Kích thước khiêm tốn của chúng thuộc loại gần như nhỏ nhất so với các cá thể Cichlidae khác. Cá Ali Vỏ Ốc có màu sắc chủ đạo và hơi xanh kim loại, với vây lưng và vây bụng to quá khổ, khi chúng sung lên tạo nên một dáng vẻ ấn tượng và độc đáo, và đây cũng chính là một phần giá trị quan trọng trong việc chúng được ưa chuộng trong các bể ali hồ Tang.

Vẻ đẹp của cá ali Vỏ Ốc

Bạn nên nuôi những bé ali Vỏ Ốc này trong một bể cá có kích thước từ 30 gallon trở lên để chúng có thể sinh trưởng và phát triển tốt nhất, cùng với một vài cá thể nhỏ bé của hồ Tanganyika nữa là tuyệt vời. Kết hợp thêm đá, nền cát và vài cái vỏ ốc, thì đấy chính là thiên đường cho chúng rồi đấy.

Cá Ali Vỏ Ốc để trứng, và việc nhân giống cũng khó khăn hơn bình thường rất nhiều, các cá thể cũng phát triển rất chậm, phải mất vài năm để chúng có thể trưởng thành về mặt giới tính. Ở độ tuổi trưởng thành, con đực thường lớn hơn con cái. Để ép đẻ, bạn nên trang bị cho chúng nhiều vỏ ốc vào nhé, sau 3,4 ngày trứng sẽ nở, để an toàn thì bạn nên di chuyển những thiên thần bé nhỏ này sang một bể khác. Cho các bé ăn tôm tươi và thức ăn nghiền nhỏ.

Chế độ ăn uống của những chú bống bé nhỏ này nên là thịt, tôm ngâm nước muối, và một số thức ăn chuyên dụng khác.

Nguồn: Live Aquaria được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Một số loại cá Ali đẹp

Thời gian gần đây, số lượng người biết đến cá ali tăng lên rất nhanh, những người quan tâm đến ali cũng ngày một nhiều hơn.

Cá Ali thường được phân loại theo màu sắc hình dạng

+ Cá ali xanh vằn

Tên khoa học: Maylandia zebra

Tên tiếng Anh: Zebra Malawi Cichlid

Tên tiếng Việt: Cá Ali xanh vằn; Cá Huyết trung cấp hồng

+ Cá Ali vàng

– Tên tiếng Anh: Yellow princes

– Tên tiếng Việt: Cá Ali vàng; Cá Hoàng tử Phi

– Nguồn cá: Sản xuất nội địa

+ Cá Ali Sao – Tropheus Duboisi Cichlid

Họ: Cichlidae

Kích thước tối đa: 13 cm

Màu sắc: Đen, xanh, trắng, vàng

Chế độ ăn uống: Ăn rong, tảo

+ Cá Ali Venustus – Venustus Cichlid

Mức độ chăm sóc: Dễ dàng

Điều kiệnnhiệt độ : 24 – 28 (C)

Kích thước tối đa: 25 ( cm )

Màu sắc: Xanh, trắng

Chế độ ăn uống: Ăn tạp

Xuất xứ: Châu Phi

+ Cá Ali đỏ

Cũng có đặc điểm giống các loại Ali trên

+ Cá Ali- Pseudotropheus Demasoni

Có tên là tiếng anh là Benga Peacock hoặc New Yellow Regal

cá có nguồn gốc từ Tanzania

+ Cá Ali- Aulonocara Baenschi

Tên thường gọi: Benga Peacock hoặc New Yellow Regal

Rất nhiều loài cichlids chỉ thích ăn một loại thức ăn nhưng Ali Aulonocara có thể ăn đa dạng các loại thức ăn.

+ Ngoài ra còn nhiều loại Ali khác : Như Ali trắng mắt đỏ, Ali xanh ……

Ali gấu trúc

Ali heo xanh

Ali trắng mắt đỏ

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Bố cục đá đẹp cho bể cá Ali

Phong trào chơi cá Ali ngày càng nở rộ, bắt đầu phát triển mạnh từ 3 năm trở lại đây, cá ali đang là một trong những thú chơi đầy cá tính và đam mê của người chơi cá cảnh Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Đối với bể cá ali, mỗi người chơi lại có những sở thích riêng trong việc sắp xếp bố cục cho bể. Có người thích một nền cát trắng với một Background 3D hoặc Tranh 3D dán phía sau. Có người lại thích một bể cá ali với bố cục đá hoành tráng, với những tảng đá lớn trong bể. Có người lại thích sử dụng những loại đá đặc biệt để làm giả cảnh một bể cá nước mặn, hay sử dụng cây nhựa để tạo nên màu xanh trong bể cá.

Dưới đây là những bố cục bể cá Ali đẹp mà cá cảnh Thái Hòa sưu tập được, hi vọng nó sẽ giúp ích phần nào cho những người mới chơi đang có ý định setup một bể cá ali cho riêng mình.

Dưới đây là một số hình ảnh về thiết kế bể cá Ali đẹp:

Cách nuôi cá Ali cảnh theo chuẩn kĩ thuật nhất

Là một trong những loài thuộc họ thủy sinh, cá cảnh Ali đã khiến nhiều người chơi say mê bới những màu sắc thực sự nổi bật. Kỹ thuật nuôi cá Ali cũng không quá phức tạp nếu bạn tuân thủ đúng những quy tắc dưới đây. Hãy cùng tìm hiểu nhé !

Cá Ali là loài thuộc dòng thủy sinh nên cũng tương đối dễ nuôi

1. Đặc điểm sinh học trong cách nuôi cá Ali

– Chiều dài cá (cm): 20

– Nhiệt độ nước (C): 24 – 28. Đây là nhiệt độ thích hợp nhất cho cá cảnh Ali sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài ra, nhiệt độ còn giúp quản lý tính hung dữ của cá vì nhiệt độ cao thì vòng sinh học nhanh hơn, cá ăn nhiều, mau lớn nhưng cũng mạnh mẽ và hiếu chiến hơn. Nhiệt độ thấp thì ngược lại. Do vậy khi bạn muốn “bón thúc” cho cá mau lớn thì có thể cho thêm máy sưởi và khi chúng đã lớn có thể giảm nhiệt xuống ở mức độ trên.

– Độ cứng nước (dH): 10 – 25

– Độ pH: 7,6 – 8,8

– Tính ăn: Ăn động vật

– Hình thức sinh sản: Đẻ trứng

– Tầng nước ở: Giữa – đá

– Sinh sản: Tỉ lệ đực cái khi tham gia sinh sản là 1:3. Cá cái đẻ trứng lên giá thể cứng trong bể, cá đực thụ tinh ngoài, sau đó cá cái gắp trứng lên miệng để ấp. Thời gian cá cái ấp trứng và giữ con trong khoang miệng khoảng 3 tuần.

2. Cách nuôi cá Ali chuẩn kĩ thuật

– Chọn giống: Mặc dù cá Ali là loại cá khoẻ, dễ thích nghi, nhưng để giảm thiểu nguy cơ thất thoát cá trong quá trình nuôi vẫn cần lưu ý một số vấn đề. Khi chọn cá, bạn nên nghiên cứu kích thước tối đa của cá để tránh trường hợp bể trở nên quá chật chội về sau, lúc đó xử lý lại cũng rất khó. Khi chọn cá, cố gắng chọn cá cùng một hồ. Ở Hà Nội thì cá Ali phổ thông chủ yếu là Malawi. Vì mặc dù cá Ali dễ thích nghi với hoàn cảnh bên ngoài, nhưng nếu chúng ta tạo được môi trường gần nhất với môi trường tự nhiên thì chúng sẽ phát triển mạnh mẽ nhất.

– Kích thước bể cá: Cá Ali được cho là sinh động, hấp dẫn nhất khi chúng rượt bơi lôi, rượt đuổi nhau ở gần các đồ vật trang trí trong bể. Do vậy, với cùng một thể tích nước, các bạn cần cân đối các chiều với nhau, đặc biệt là chiều cao. Ví dụ, với kích thước ba chiều là 100x40x60, nếu là CxDxR thì rõ ràng không phù hợp, vì cá có rất ít không gian để di chuyển. Cũng với kích thước đó, nếu là DxRxC thì sẽ tốt hơn, bể bạn có đủ chiều dài cho cá rượt đuổi nhau. Nhưng bạn cũng đừng quên xem xét khả năng tuyệt vời hơn là DxCxR, khi đó bể cá có độ dài, tăng chiều sâu và độ cao vừa phải để bạn trang trí thêm các đồ trang trí…

Trong cách nuôi cá Ali, bạn cần chú ý cách chọn giống và kích thước bể

– Phông nền: Phông nền bạn nên chọn phông đồng nhất một màu hoặc ít nhất là có một mầu chủ đạo. Đừng chọn màu nào quá chói (đỏ, cam, vàng chanh) vì như vậy khi ngắm cá sẽ có cảm giác nhức mắt. Cũng không nên chọn phông phong cảnh quá phức tạp (dải san hô), cá sẽ bị lẫn vào phông nền, giảm bớt sự thích thú khi quan sát.. Nhiều người thường chọn màu xanh nước biển, dịu mắt và cũng làm nổi các đồ vật trang trí trong bể. Ngoài ra nếu tìm được những phông theo kiểu 3D và phù hợp với đồ vật trang trí trong bể của bạn thì cũng rất đẹp nhưng hơi kì công.

– Nền: Đặc tính của cá Ali là đặc biệt thích đào nền nên bạn có thể cho nền bằng cát, sỏi…nhưng cần phải lưu ý kích thước. Kích thước tối đa của sỏi không nên to quá miệng của cá vì thông thường cá đào nền bằng cách ngậm vào và thổi ra chỗ khác. Lưu ý nền càng nhỏ, càng khít thì càng đỡ được hiện tượng chất bẩn lọt xuống và lưu giữ ở bên dưới.

Màu của nền cũng ảnh hưởng đến màu của cá. Màu sáng khiến cho màu của cá có cảm giác bị bợt đi, màu tối giúp màu của cá sặc sỡ hơn. Do vậy bạn nên chọn màu sao cho tương phản với màu của đại đa số cá trong bể, lúc đó nhìn cá sẽ nổi bật trên màu nền. Có một lưu ý nhỏ nhỏ là trước khi rải nền các bạn nên có vật liệu lót ở dưới. Bạn nên thiết kế nền bể cá dày bởi cá Ali là loài đào bới rất khỏe

– Đèn: Với cá ali, vai trò của ánh sáng trong quá trình sinh trưởng không quan trọng tuyệt đối như quá trình lên màu của cá rồng hay cây thủy sinh do vậy chọn đèn chủ yếu để tăng thêm vẻ đẹp cho bể cá. Loại đèn phổ biến thường dùng là xanh và trắng vì đèn trắng bên trong để sáng bể, đèn xanh bên ngoài tạo cảm giác về màu. Đối với màu xanh có loại đèn actinic blue trông ánh sáng rất lung linh tuy nhiên giá cả cũng cao hơn chút. Một số tài liệu còn nói rằng nên kết hợp xanh và tím/hồng vì như vậy cá sẽ nổi bật còn bể sẽ có độ sâu.

– Đồ vật trang trí: Cá ali sống trong nước cứng, độ pH tương đối cao. Do vậy vật trang trí phù hợp nhất vẫn là đá và cũng phù hợp với môi trường tự nhiên của nó. Lũa cũng có khi được sử dụng vì đặc tính tạo nhiều hang hốc và nhẹ, nhưng lũa có thể làm giảm pH (do tiết ra acid hoà tan trong nước). Đá và lũa chính là hai loại đồ trang trí phổ biến nhất trong bể Ali.

Một số người thích sử dụng san hô (loại khối to) để mô phỏng cảnh biển cho giống hơn. Đây cũng là một ý tưởng hay vì với màu sắc sẵn có và sự lanh lợi của cá Ali, nếu kết hợp với san hô khối và ánh sáng phù hợp thì cảnh sắc sẽ không hề thua kém cảnh biển. Tuy nhiên lưu ý một điều là cá Ali rượt đuổi, chui rúc, liếc mình trên bề mặt khác rất nhiều nên nếu khối đá san hô quá gai góc thì có thể làm cá bị trầy xước khi bơi lội hoặc khi gặm rêu, từ đó dễ bị nấm và chết. Đối với những loại đồ vật trang trí nặng như đá lớn, cũng không nên đặt trực tiếp lên đáy bể mà nên có lớp lót để phân tán lực ra cho đều. Lớp lót này cũng nên chọn màu dễ nguỵ trang, vì trong quá trình nuôi thì trường hợp cá đào đến lộ cả lớp lót này là tương đối nhiều.

– Yêu cầu sục khí: Trung bình.

Cá Ali là loại cá phàm ăn nên bạn cần đầu tư hệ thống lọc tương đối một chút, ví như có một cái lọc tràn trên, vật liệu lọc sử dụng luôn san hô nếu được để giữ pH cao. Cá ali không thích luồng nước quá mạnh nên hãy cố gắng tìm cách xử lý luồng nước vào bể cho nhẹ nhàng.

– Yêu cầu lọc nước: Ít.

– Thức ăn: Cá Ali chủ yếu là ăn động vật như cá con, côn trùng, giáp xác, trùng chỉ, thức ăn viên …

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Hòa Bình mở rộng diện tích trồng cây có múi

Với lợi thế về điều kiện tiểu khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, thời gian gần đây, diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ngày càng tăng, bước đầu hình thành những vùng sản xuất mang tính hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác của người dân.

Hòa Bình thúc đẩy phát triển cây có múi

“Thủ phủ” cam Cao Phong

Có thể nói, thời gian gần đây, cây có múi, nhất là cây cam đã và đang khẳng định được thương hiệu, hiệu quả trên đồng đất Hòa Bình. Trong đó, huyện Cao Phong được biết đến là một trong những “thủ phủ” cam ở các tỉnh phía bắc. Riêng năm 2016, sản lượng cam đạt hơn 23.000 tấn, bình quân mỗi héc-ta cho thu hoạch khoảng 25 đến 30 tấn quả, với giá bán từ 25 nghìn đến 30 nghìn đồng/kg người dân thu lãi từ 400 đến 600 triệu đồng/ha.

Là một trong những gia đình trồng cam lâu năm và có kinh nghiệm sản xuất, hiện nay, gia đình anh Nguyễn Đức Thủy (khu 3 thị trấn Cao Phong) nổi tiếng là một trong những tỷ phú nhờ trồng cam. Anh Thủy chia sẻ: “Gia đình tôi trồng cam từ năm 1996, đến nay, đang trồng 10 ha cam, trong đó có 7 ha ở thời kỳ thu hoạch, còn lại 3 ha chuẩn bị cho quả. Vụ cam năm 2016, với 7 ha, gia đình thu khoảng 210 tấn quả, bình quân thu khoảng 780 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu về 500 triệu đồng/ha”.

Cũng như nhiều hộ khác, anh Bùi Văn Đồng ở thị trấn Cao Phong, đang mở rộng diện tích trồng cam sau một thời gian canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Đồng cho biết: “Trước đây, gia đình chỉ trồng 1 ha cam, sau một thời gian thấy hiệu quả, nên đã thuê thêm 2 ha để trồng. Hiện nay, 2 ha cam đã bước vào năm thứ 5 và cho bói năm trước được hai tấn quả. Dự kiến năm nay, 2 ha cam sẽ thu khoảng 20 tấn, với giá bán như hiện nay, chắc chắn sẽ thu lãi hàng trăm triệu đồng”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình Vương Đắc Hùng cho biết, đến nay diện tích cây có múi trên địa bàn khoảng 6.300 ha, trong đó, diện tích cam là 3.600 ha, bưởi 2.700 ha. Đặc biệt, cây cam hiện có mặt ở hầu khắp các huyện, nhưng chủ yếu vẫn tập trung nhiều nhất ở Cao Phong. Qua thống kê, bình quân mỗi héc-ta cam đạt năng suất 30 tấn quả, thu nhập từ 650 đến 700 triệu đồng/ha. Ngoài ra, hiện nay cây bưởi, chủ lực là cây bưởi đỏ cũng đang phát triển mạnh ở huyện Tân Lạc, với thu nhập từ 400 đến 450 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, có những gia đình trồng bưởi đỏ hơn 10 năm, có cây cho thu hoạch khoảng 700 đến 800 quả, giá bán 25.000 đồng/quả, bình quân thu nhập hơn 18 triệu đồng/cây. Ngoài ra, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 117 ha cây ăn quả được cấp chứng nhận VietGAP.

Nhằm phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, tạo sản phẩm mang tính hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ phát triển, trong đó chú trọng các loại cây ăn quả chủ lực. Đặc biệt, tỉnh triển khai hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hiện nay, sản xuất cây ăn quả trên địa bàn đã hình thành các vùng sản xuất tập trung có giá trị kinh tế cao ở các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Sơn… Từ các vùng sản xuất tập trung hình thành các hình thức liên kết sản xuất hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, nhằm mục đích trao đổi kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất.

Đẩy mạnh tiêu thụ

Điều đáng mừng là hiện nay cây cam, bưởi trên địa bàn Hòa Bình đang được tiêu thụ tốt do nhu cầu thị trường ngày càng tăng. Tuy nhiên, về lâu dài cây cam cần có giải pháp thúc đẩy chế biến tại chỗ cũng như tìm hướng xuất khẩu, tránh trường hợp phát triển nhiều sẽ gây bão hòa, cung nhiều hơn cầu gây khó khăn cho tiêu thụ.

Cũng như cam, mặc dù diện tích bưởi đỏ trên địa bàn đã tăng nhanh trong những năm gần đây nhưng nhìn chung hầu hết người dân đều trồng tự phát, chưa được tập huấn kỹ thuật; diện tích trồng nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng giống chưa bảo đảm, kỹ thuật trồng trọt chưa cao, ít có sự hỗ trợ để áp dụng sản xuất theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, an toàn (VietGAP).

Bưởi đỏ trên địa bàn đã tăng nhanh trong những năm gần đây

Bên cạnh đó, việc bảo quản hoàn toàn bằng thủ công; thời gian bảo quản ngắn chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch còn cao; việc tiêu thụ sản phẩm mang tính nhỏ lẻ, sức cạnh tranh thấp do chất lượng không ổn định, số lượng còn ít, giá trị sản phẩm chưa cao. Trong khi đó, theo mục tiêu tại Quyết định số 1178/QĐ-UBND ngày 29-4-2016 của UBND tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020, tỉnh xây dựng vùng sản xuất bưởi đỏ ổn định, tập trung quy mô 2.000 ha; phấn đấu giá trị thu nhập bình quân đạt hơn 500 triệu đồng/ha/năm.

Vì vậy để khắc phục tình trạng này, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vương Đắc Hùng, cần có bộ quy chuẩn quốc gia về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả, trong đó chú trọng giống cây ăn quả lâu năm để có cơ sở quản lý giống. Triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án đã được phê duyệt trong sản xuất quả an toàn; hỗ trợ triển khai các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng khu sơ chế sản phẩm có công nghệ tiên tiến đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích lưu thông, thu mua sản phẩm bảo đảm lợi ích người sản xuất, chú trọng liên kết bốn nhà trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, thâm canh cây ăn quả an toàn, nhất là cây có múi; hỗ trợ, xây dựng mạng lưới tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; đẩy mạnh việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác và sản xuất theo hướng trang trại, gia trại quy mô tập trung để tạo sản phẩm lớn thu hút thị trường.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Liều trồng chanh đào trái vụ, anh nông dân thu tiền tỷ vì sai quả

Anh Vũ Văn Thiết là người đầu tiên tại xã Quảng Thành, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) trồng chanh đào. Nhờ chịu khó mày mò, anh đã tập trung thành công vào chanh đào trái vụ, trung bình mỗi cây cho khoảng 10kg quả, có cây ra tới 300 quả (khoảng 20kg). Anh cũng sản xuất thành công “si rô chanh đào”, mang lại thu nhập cả tỷ đồng/năm.

Anh Vũ Văn Thiết liều mình trồng cam trái mùa

Anh Thiết cho biết: Anh vốn là lái xe chở khách đường dài, công việc thì vất vả nhưng thu nhập không được bao nhiêu. Năm 2014 có người bạn khuyên anh về mở gia trại trồng chanh đào, bởi Quảng Thành có thuận lợi về quỹ đất, thích hợp với làm trang trại, gia trại. Thấy hợp lý, anh quyết định bỏ nghề lái xe, dốc hết số tiền bao năm tích cóp, vay mượn thêm anh em bạn bè, ngân hàng để trồng gần 3.000 cây chanh đào trên diện tích 2ha. Giống chanh 3 năm tuổi được mua từ Công ty CP Đầu tư phát triển kỹ thuật giống cây trồng Việt Nam (trụ sở tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Khi mua cây giống, anh còn được Công ty hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chanh đào.

Dù có nhiều lo lắng, nhưng ngay năm đầu tiên đã cho thấy cây chanh đào rất phù hợp với vùng đất ở đây, trung bình mỗi cây cho khoảng 10kg quả, có cây ra tới 300 quả (khoảng 20kg).

Qua gợi ý từ lãnh đạo xã Quảng Thành là nên thử làm si rô chanh đào. Chanh đào cũng có vị chua như chanh thường, nhưng công dụng vượt trội về chữa bệnh, nhiều người thích mua chanh ngâm với đường phèn, mật ong làm si rô trị ho rất hiệu quả. Cách này tiêu thụ được nhiều chanh hơn, giá trị kinh tế cao hơn. Người trồng chanh có thể bán si rô chanh quanh năm, tiêu thụ tốt nhất là vào dịp Tết.

ia đình anh Thiết có nghề truyền thống làm bánh kẹo, nên việc chế biến quả thành si rô không mấy khó khăn. Từ gợi ý của lãnh đạo xã, vụ thu hoạch chanh đào đầu tiên được 4 tấn quả, anh Thiết dành 1 tấn làm được 2.300 lọ si rô. Quả chanh đào tươi được thái lát ngâm với mật ong rừng. Toàn bộ sản phẩm si rô chanh của anh bán hết nhanh tại Hội chợ OCOP tỉnh tháng 4 năm 2016, giá 130.000 đồng/lọ, thu về gần 300 triệu đồng, trong khi 1 tấn chanh tươi bán chỉ được khoảng 30 triệu đồng lại khá khó khăn.

Sản phẩm mật ong chanh đào tạo thêm công ăn việc làm cho nông dân

Từ kết quả này, hiện xã Quảng Thành đã có thêm 5 hộ nữa trồng chanh đào, diện tích 1ha. Anh Thiết nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Vụ chanh năm nay, riêng hộ anh Thiết ước tính thu khoảng 6 tấn quả chanh đào.

Anh Thiết đã đầu tư mở rộng nhà xưởng rộng khoảng 150m2, cùng nhiều thiết bị máy móc để sản xuất si rô. Huyện Hải Hà đã quy hoạch trồng cây có múi, trong đó có cây chanh đào trên địa bàn 2 xã Quảng Thịnh và Quảng Thành với diện tích khoảng 340ha. Cây chanh đào đang cho hiệu quả kinh tế cao là hướng phát triển mới của huyện Hải Hà nhằm hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung cho giá trị kinh tế cao, đồng thời xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Bí thư Đảng uỷ xã Hoàng Phi Trường đánh giá: Thành công của sản phẩm “Si rô chanh đào” không chỉ tạo cho xã sản phẩm OCOP trong chương trình xây dựng nông thôn mới, mà còn tạo thêm việc làm cho nông dân, cải tạo những khu ruộng xấu thành vườn cây ăn quả. Sản phẩm “Si rô chanh đào” cần lượng mật ong rất lớn để chế biến, điều này còn giúp cho nghề nuôi ong của huyện và một số địa phương khác trong tỉnh phát triển.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Cao Phong (Hòa Bình): Niềm vui sau mùa quả ngọt

Thời điểm này, các nhà vườn ở huyện miền núi Cao Phong (Hòa Bình) đã bắt đầu bước vào vụ chăm sóc cam mới. Niên vụ 2016 – 2017 vừa qua, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi nên năng suất, sản lượng cam, quýt của toàn huyện đã tăng hơn so với niên vụ trước.

Cam Cao Phong

Cùng với đó, giá thu mua của thương lái trong toàn bộ thời gian thu hoạch cũng tương đối cao và ổn định… Tất cả những điều đó đã mang đến cho người trồng cam ở Cao Phong một mùa quả ngọt với niềm vui no ấm, mạnh giàu…

Nằm ở trung tâm huyện Cao Phong, thị trấn Cao Phong hiện có khoảng trên 700 ha cam, quýt các loại, chiếm hơn 40% tổng diện tích cam, quýt của toàn huyện Cao Phong. Những năm qua, thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả có múi của tỉnh Hòa Bình, thị trấn Cao Phong đã tập trung chỉ đạo nhân dân tích cực chuyển đổi những diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có múi, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Đồng chí Nguyễn Hồng Thủy, Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong cho biết: “Để nâng cao sản lượng và chất lượng cây ăn quả, thị trấn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư, phát triển diện tích cây ăn quả có múi; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào cải tạo, chăm sóc để nâng cao chất lượng. Cùng với việc phát triển cây cam đúng theo quy hoạch, việc giữ gìn thương hiệu cam Cao Phong cũng được địa phương đặc biệt chú trọng. Hàng năm, 100% số hộ trồng và kinh doanh cam đều được tham gia ký cam kết chấp hành đúng quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh cam, quýt”.

Là hộ có thâm niên trồng cam, ông Tạ Đình Đào, Trưởng khu 5, thị trấn Cao Phong được nhiều người biết đến như là hộ tiên phong trong gắn bó và làm giàu cùng cây cam. Với tổng diện tích trồng cam gần 7 ha, niên vụ quả 2016 – 2017 vừa qua, gia đình ông Đào thu lãi được trên 3 tỷ đồng từ tiền bán cam. Bằng kinh nghiệm nhiều năm với cây cam trên vùng đất này, ông Tạ Đình Đào khẳng định, trồng cam không khó. Nhưng phải nắm vững và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khi lựa chọn vị trí trồng, lựa chọn cây giống cho đến việc sử dụng phân bón, phòng trừ dịch bệnh…, có như vậy cây cam mới cho năng suất cao và chất lượng quả thơm ngon.

Cũng theo Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong Nguyễn Hồng Thủy, để có những cây mới, năng suất và hiệu quả cao đưa vào sản xuất đại trà, UBND thị trấn đã phối hợp Công ty TNHH Một thành viên Cao Phong liên kết với nhiều viện nghiên cứu, ứng dụng thành công các giống cam, quýt mới có chất lượng quả tốt, năng suất cao và phù hợp với thổ nhưỡng Cao Phong. Điển hình như các giống: quýt ôn châu, cam CS1, chanh đào, bưởi đỏ, cam canh, cam V2,… Năm 2014, sản phẩm cam Cao Phong được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận chỉ dẫn địa lý. Từ đó đến nay, giá trị kinh tế từ cây cam mang lại cho người nông dân Cao Phong đã ngày càng tăng lên. Theo thống kê sơ bộ, niên vụ cam 2016 – 2017 vừa qua, thị trấn Cao Phong có khoảng trên 200 hộ đạt mức thu nhập từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ đồng, hơn 70 hộ đạt từ một tỷ đồng đến mười tỷ đồng từ việc bán cam, quýt. Thu nhập bình quân của thị trấn đạt 42 triệu đồng/người. Nhiều hộ dân còn mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, liên kết mở rộng diện tích trồng cam, quýt.

Không chỉ ở riêng thị trấn Cao Phong mà từ khoảng gần chục năm lại đây, diện tích cây cam nói riêng và các loại cây ăn quả có múi nói chung đã được người dân đầu tư phát triển mạnh ra nhiều xã khác của huyện Cao Phong. Đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Phong cho biết: Những năm gần đây, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất cùng với các biện pháp đồng bộ, cây cam ở Cao Phong đã và đang cho hiệu quả, năng suất chất lượng tương đối cao. Diện tích, sản lượng cam của huyện liên tục tăng qua các năm.

Năm 2010, diện tích cam, quýt 557 ha, sản lượng đạt 9.000 tấn; năm 2013, diện tích 920 ha, sản lượng đạt 16.000 tấn; năm 2014, diện tích 1.200 ha, sản lượng đạt hơn 17.000 tấn; năm 2015, diện tích là 1.500 ha, sản lượng 20.000 tấn. Năm 2016, với diện tich cam, quýt trên 1.700 ha, trong đó khoảng 900 ha đang trong thời kỳ kinh doanh, sản lượng trái cây có múi của Cao Phong đã đạt hơn 23.000 tấn. Cây cam đã trở thành cây chủ lực của huyện Cao Phong trong sản xuất hàng hóa; đồng thời cũng là “cây làm giàu” của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn toàn huyện.

Theo thống kê, hiện tại bình quân 1 ha cam, quýt có sản lượng từ 20 – 30 tấn, giá trung bình 25.000 – 30.000 đồng/kg thì giá trị thu nhập của người trồng cam ở Cao Phong cũng vào khoảng từ 600 – 700 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí các loại, người nông dân vẫn có thể thu lãi khoảng 350 – 400 triệu đồng/ha/năm. Hàng năm, nguồn thu từ cam của toàn huyện Cao Phong ước đạt khoảng 600 tỷ đồng, con số đáng mơ ước đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở một huyện vùng cao.

Được biết, thời gian qua, huyện Cao Phong đã đẩy mạnh hướng dẫn, định hướng cho nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, phát triển bền vững vùng cam hàng hóa, tổ chức liên kết hợp tác từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng trồng cam. Đồng thời, để nâng tầm giá trị của cây ăn quả có múi, đặc biệt là cam, quýt, các cơ quan chức năng trực tiếp là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện còn tăng cường hỗ trợ người dân ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để hình thành những vùng hàng hóa như: cam lòng vàng, cam đường canh, cam V2, cam CS1, bưởi đỏ… gắn với xây dựng các vùng cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Một mùa cam mới đang về với những người nông dân ở huyện miền núi Cao Phong. Với định hướng đúng đắn và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, tin tưởng việc đẩy mạnh phát triển cây cam nói riêng và các loại cây ăn quả có múi nói chung sẽ thực sự là hướng đi hiệu quả, giúp nông dân Cao Phong tăng thu nhập, phát triển đời sống.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Tỷ phú từ cây cam

Những năm gần đây, Cam Cao Phong (Hòa Bình) đã trở thành thương hiệu lớn trên toàn quốc và là hình mẫu của nhiều địa phương về cách làm giàu từ nông nghiệp, cụ thể là trồng cây ăn quả.

Cam Cao Phong có giá trị dinh dưỡng rất cao

Theo kinh nghiệm của người dân ở đây, cam trồng càng lâu năm chất lượng càng ngon ngọt. Một hộ gia đình có Vườn cam 300 gốc có tuổi đời trên 10 năm cho biết, với vườn cam này, mỗi năm gia đình này lãi chừng 700 triệu đồng. Có nhiều thương lái đến mua đều phải tự tay cắt từng quả cam trong vườn, do số lượng quả nhiều.

Điển hình như hộ gia đình anh Nguyễn Văn Điệp, khu 3, thị trấn Cao Phong (Hòa Bình). Với diện tích 3 ha cam canh, cam V2 và cam lòng vàng, đồng thời tận dùng phần hàng rào trồng chanh đào. Nhờ trồng cam mà đời sống gia đình khấm khá hơn nhiều. Là khách hàng nhiều năm Trung tâm Cây giống Thôn Trang với nguồn giống chất lượng, được tư vấn quy trình chăm sóc hiệu quả, đến nay gia đình anh đã có thu nhập ổn định mỗi năm gần trên 1 tỷ đồng từ cam và chanh.

Dẫn chúng tôi thăm vườn đồi cam mới thấy hết được công sức anh chị trong việc tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật qua thông tin từ Trung tâm Thôn Trang và theo các chương trình khuyến nông, học hỏi từ bà con xung quanh, đồng thời vừa làm vừa rút kinh nghiệm kết hợp với đầu tư cải tạo phân bón, chăm sóc đúng kỹ thuật giúp cây phát triển tốt. Thấm thoát chẳng bao lâu sau vườn cam của gia đình cũng cho thu hoạch lứa quả đầu tiên.

Đến nay vườn cam của gia đình chị cũng vào năm thứ 5, chủ yếu là cam canh, cam V2 và cam lòng vàng. Năm 2015 gia đình anh thu khoảng hơn 30 tấn quả cam canh, 30 tấn quả cam lòng vàng với giá 20.000 – 25.000đồng/1kg giá buôn, trừ chi phí cho thu nhập gần 2 tỷ và ngoài ra còn thu được 200 triệu từ chanh đào. Là vùng có thương hiệu nên sản phẩm làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Mỗi vụ thu hoạch là thương lái khắp các tỉnh thành tìm về các vườn để thu mua.

Để vườn cây được xanh tốt anh chị đã đầu tư phân chuồng ủ hoai mục để bón cho cây. Đồng thời giống cây này cũng hay bị bệnh nên chị thường xuyên cập nhất những loại thuốc đặc trị trên thị trường như sản phẩm chất lượng của Apolo, Biovina, Agriseeds mà Trung tâm Thôn Trang để phun nhằm phòng và trị bệnh.

Với sự chịu thương chịu khó, cùng tinh thần luôn học hỏi kèm theo sự tư vấn nhiệt tình, hiệu quả, khoa học của Trung tâm Cây giống Thôn Trang, bước đi của a Điệp là bước đi vững chắc cho việc làm giàu từ cây ăn quả.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Độc chiêu trị sâu bệnh cho cam: Dùng chanh đào ngâm mật ong 6 tháng

Áp dụng những “chiêu trò” như trồng cam “siêu phẩm” bằng phân bón là đậu tương xay mịn rồi ngâm ủ hay dùng chanh đào ngâm mật ong 6 tháng pha với chế phẩm sinh học để trị sâu bệnh cho cam, lão nông Vũ Văn Cường ở thôn Vũ Xá, xã Thất Hùng, huyện Kinh Môn, Hải Dương đã có thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm.

Gia đình ông Cường là hộ đầu tiên ở xã Thất Hùng vượt lập ruộng lúa để trồng cam. Dẫn chúng tôi thăm 2 ha cam, cây nào cây ấy sai trĩu, trái nào cũng to đều như nắm tay, ông Cường bộc bạch: “Nhiều năm trước, cuộc sống gia đình chỉ bám bíu vào mấy sào ruộng nên khó khăn vô cùng. Năm 2003, xem ti vi thấy nông dân ở Văn Giang (Hưng Yên) có thu nhập cao từ cam, tôi bèn đến tận nơi tìm hiểu”.

Gia đình ông Cường là hộ đầu tiên ở xã Thất Hùng trồng cam VietGAP thành công

Nhìn thấy những vườn cam chín đỏ rất đẹp mắt, rồi những chủ vườn cam lớn ở Văn Giang ai cũng nhà cửa khang trang, ăn vận đẹp đẽ ông Cường thích mê. Thế là ông về bàn với vợ cải tạo 2 sào vườn trồng cam với hy vọng đổi đời. Nhưng làm giàu đâu có dễ.

Theo ông Cường, dẫu cây cam hợp đất Thất Hùng lớn nhanh, xanh mơn mởn nhưng do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên vụ đầu tiên thu hoạch quả cam nhạt thếch, có bán cũng chả ai mua. Suốt 1 năm ròng sau đó, ông Cường miệt mài đi đến các vùng trồng cam nổi tiếng ở Cao Phong (Hòa Bình), cam Vinh Quỳ Hợp (Nghệ An)… để học hỏi kinh nghiệm trồng cam. Kết hợp với kinh nghiệm tích lũy của bản thân dần dà việc trồng cam của ông Cường thuận lợi hơn.

Hầu hết những vườn cam từ 3 đến hơn chục năm tuổi của ông Cường đều cho hiệu quả kinh tế cao, đạt trung bình 20 tấn quả/ha

Ông Cường cho biết, độ ngọt của cam ngoài phụ thuộc rất nhiều vào cách chăm sóc, trong đó việc bón phân cho cam rất quan trọng. Ông Cường thường dùng lân để bón giai đoạn ra hoa và kali bón giai đoạn nuôi quả. Đặc biệt để tăng độ ngọt cho cam, ông Cường tưới cam bằng nước đậu tương được xay nhỏ và ngâm ủ trong 5 tháng. “Một tháng tưới cho cam hai lần, duy trì như vậy liên tục trong 2 tháng đến khi cam xuất bán cam sẽ sai trĩu, quả đều tay, ngọt lừ. Bình quân 1 ha cam tôi dùng 10 tấn đậu tương mỗi năm”, ông Cường bộc bạch.

Mỗi năm ông Cường dùng 20 tấn đậu tương xay mịn rồi ngâm ủ trong 5 tháng để bón tăng độ ngọt cho 2 ha cam

Điều đáng chú ý, ông Cường là người đầu tiên ở Thất Hùng thực hiện quy trình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, trong quá trình chăm sóc cây, ông Cường đã áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trồng cam thân thiện với môi trường.

Ông Cường cho biết công thức ngâm ủ đậu tương để bón cho cam như sau: 2 tạ đậu tương xay nhỏ + 1.000 lít nước + 1 kg nấm đối kháng ngâm trong 5 tháng. Lưu ý đổ nước ngâm từ từ, lúc đầu chỉ đổ 200 lít nước, 1 tuần sau cho thêm nước dần.

Đặc biệt để diệt trừ rầy, côn trùng trích hư, gây hại cho cam, ông Cường đã nghĩ ra “độc chiêu” bá đạo vô cùng hiệu quả và an toàn. Đó là dùng chanh ngâm với đường và mật ong sau đó pha cùng với chế phẩm sinh học để diệt trừ sâu bệnh gây hại trên cam. “Hơi mất công một tí nhưng trừ sâu bệnh cho cam cực hiệu quả. Sở  dĩ các loài côn trùng rất ưa thích mùi thơm và vị ngọt. Người xưa có câu “mật ngọt chết ruồi” là vì thế”, ông Cường vui vẻ giải thích.

Độc chiêu “mật ngọt chết ruồi” là dùng chanh ngâm mật ong và pha với chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh cho cam, ông cường còn tự làm các bẫy diệt côn trùng

Về liều lượng ông Cường cho biết, ông thường dùng 3 kg chanh đào + 1kg đường + ¼ lít mật ong xịn cho vào bình sạch ngâm từ 5 – 7 tháng. Sau đó lấy 50 ml cốt nước chanh ngâm mật ong hòa với 16 lít nước và chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh cho cam.

Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng cam VietGAP, giá bán cam tại vườn của gia đình ông luôn cao hơn các hộ khác. Thương lái đến tận vườn đặt và hái quả. Vụ cam năm 2016, với giá bình quân 30.000 đồng/kg cam Vinh và 40.000 đồng/cam đường canh, ông Cường có doanh thu hơn 1 tỉ từ việc xuất bán hơn 40 tấn quả cam.

Theo danviet.vn được tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.