Tham khảo mô hình nuôi trùn quế hiện đại ở nước bạn

Nước ta còn nghèo, thiếu thốn cơ sở vật chất nên nhiều hộ cũng chỉ đầu tư ngắn hạn để phục vụ cho những mục đích lâu dài, nên chi phí đầu tư nhiều, mất nhiều thời gian và công sức, lại không thể có được những mô hình bài bản đúng kỹ thuật nhằm mang lại hiệu quả cao hơn.

Đây là một mô hình nuôi trùn quế thu phân bón ở nước bạn, nhìn rất hiện đại và đầu tư rất bài bản, ô nuôi được cách mặt đất một khoảng không gian, thành ô nuôi được gia cố bằng sắt khá chắc chắn, và được áp dụng máy móc vào để tiết kiệm công sức và thời gian chăm sóc thu hoạch.

Các nước bạn không chú trọng vào sản lượng sản phẩm lắm, mà tập trung vào chất lượng sản phẩm với cách sử dụng, họ biết cách sử dụng sản phẩm phân bón từ ô nuôi như thế nào cho hiệu quả nên không cần bón nhiều, mà dùng đúng cách sẽ mang lại hiệu quả lớn.

Chúng ta đang sử dụng phân trùn quế như là một loại phân bón thông thường để bón cho cây, nên phải dùng với liều lượng rất lớn, nhưng nếu chúng ta dùng phân trùn quế như một môi trường sinh khối để cải tạo đất, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển để phục vụ cho đất trồng, thì hiệu quả phân trùn quế mang lại rất cao, mà không cần phải dùng quá nhiều phân trùn quế.

Phân trùn quế có thể ví như là một loại men tiêu hóa cho cây, để cây hấp thu và tiêu hóa tốt dinh dưỡng cung cấp cần bón bổ sung phân trùn quế. Không nên chỉ bón phân trùn quế thôi mà không bón thêm gì khác, vì nếu làm như thế phải bón rất nhiều phân trùn quế cho cây để cây đầy đủ dinh dưỡng. Nên sử dụng phân trùn quế như một loại phân bón bổ sung cho cây, để mang lại hiệu quả kinh tế.

Mô hình nuôi trùn quế hiện đại

Và đây là mô hình nuôi trùn quế có thể dành cho các hộ trồng trọt, có thể thu phân trùn quế để bón cho khu vườn của mình, nếu trồng rau thì chỉ cần 0,5kg/m2 cho mỗi vụ. Nếu trồng cây ăn trái thì mỗi gốc chỉ cần 1kg/3 tháng. Ta có thể nuôi trùn quế từ phụ phẩm nông nghiệp nào có thể phân hủy được và phù hợp với trùn quế, muốn biết phù hợp hay không hãy cho ăn thử.

Các nước bạn đã nuôi khá lâu và đầu tư rất tốt, vì họ biết rằng trùn quế mang lại những giá trị rất lớn cho họ, vậy còn chúng ta thì sao, chỉ vì chưa phát hiện ra giá trị lớn của trùn quế nên chúng ta chưa dám đầu tư bài bản. Thiếu tầm nhìn cũng khiến chúng ta e ngại mà không dám đầu tư lâu dài. Hãy cùng mở rộng tầm nhìn với các nước bạn để có thể đầu tư đúng là đủ hơn giống vật nuôi này.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật thu hoạch giun quế

Thu hoạch là khâu cuối cùng của toàn bộ quá trình nuôi. Tuỳ theo mục đích sử dụng của từng hộ gia đình mà chúng ta có thể lựa chọn những phương pháp thu hoạch sao cho phù hợp và hiệu quả nhất.

Hiện nay, một số tài liệu đã đưa ra rất nhiều phương pháp thu hoạch giun quế khác nhau như: thu hoạch bằng nhử mồi, bằng đe doạ, bằng ánh sáng, bằng điện… nhưng chúng tôi nhận thấy 2 phương pháp thu hoạch đơn giản và hiệu quả hiện nay đang được áp dụng nhiều nhất đó là:

1. Phương pháp thu hoạch bằng ánh sáng

Đây là phương pháp thu hoạch hiện nay đang được áp dụng nhiều nhất. Ưu điểm của phương pháp thu hoạch này là đơn giản và có thể lấy được kiệt giun, tuy nhiên nó có nhược điểm là mất khá nhiều thời gian nếu lượng chất nền lớn và với điều kiện giun đã ăn hết phân trên lớp bề mặt chất nền. Trước khi thu hoạch 1 ngày ta phải kiểm tra xem Trùn đã ăn hết lượng phân trên bề mặt của chất nền chưa. Chúng ta chỉ khai thác khi giun đã ăn hết lượng phân này

Ta có thể sử dụng 1 tấm bạt hoặc tấm ni lông có khổ rộng trải ra trên mặt đất. Lưu ý là nơi thu hoạch cần phải có nhiều ánh sáng nhưng tốt nhất không nên để trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời vì tia tử ngoại của ánh sáng mặt trời rất có hại cho giun và có thể làm chết giun. Dùng tay mở tấm đậy ra, bới và bóp nhỏ lớp chất nền trong luống nuôi cho tơi xốp vì trong quá trình nuôi lượng phân giun đã đóng thành từng khối, từng tảng. Xúc phân giun và giun ở trong luống ra đổ thành đống trải đều giữa tấm bạt hoặc tấm ni lông (tốt nhất nên dùng các đồ vật bằng nhựa để xúc, không nên sử dụng các vật nhọn và sắc như: quốc, xẻng…vì nó có thể làm chết hoặc đứt giun). Do giun thường tập trung nhiều trên bề mặt của luống nuôi vì vậy để khai thác nhanh, chúng ta nên chia khối chất nền ra làm hai phần: phần chất nền ở phía trên đổ riêng về 1 phía, phần còn lại đổ sang phía đối diện.

Sau khi xúc phân xong, dùng tay bóp nhỏ những phần phân đóng thành tảng xót lại và vun lên thành ngọn. Dưới tác động của ánh sáng, giun sợ sẽ chui xuống bên dưới. Ta dùng tay bới lớp phân giun ở trên ngọn và hai bên thành đống gạt sang hai bên. Giun lại tiếp tục chui xuống dưới, ta lại tiếp tục bới như trên đã làm, cứ làm như vậy sẽ loại hết được phân giun ra và lấy được toàn bộ lượng giun ở dưới đáy.

2 Phương pháp nhử mồi

Phương pháp này cũng cũng áp dụng khá nhiều trong thực tiễn, người ta thường sử dụng phương pháp này khi muốn san ô nuôi để làm giảm bớt mật độ giun và khối lượng chất nền hiện có ở trong luống. Tuy nhiên, nếu muốn lấy sạch giun trong ô nuôi thì không thể sử dụng phương pháp này mà phải dùng phương pháp thu hoạch bằng ánh sáng.

Khi quan sát thấy luống nuôi đã hết thức ăn, ta rải 1 lượt mỏng thức ăn mới lên trên bề mặt của khối chất nền. Giun sẽ lập tức tập trung tấn công vào lượng thức ăn mới này. Theo dõi đến khi Trùn ăn gần hết lượng thức ăn này, mở tấm đậy và hớt lấy lớp phân trên bề mặt ta sẽ thu được rất nhiều giun.

Nguồn: Giun quế Ba Vì được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thức ăn và hướng dẫn cho hươu ăn đúng kỹ thuật

Để có được những con hươu giống bóng mượt, to khỏe cho những cặp nhung chất lượng có nhiều yếu tố, nhưng yếu tố  tiên quyết đầu tiên chính là khẩu phần thức ăn cho hươu

1. Thức ăn cho hươu

– Thức ăn cho hươu ăn tương đối dễ kiếm đối với bà con nhà nông.

– Hươu chủ yếu ăn các thực phẩm xanh, rau củ quả. Liệt kê một số loại thực phẩm ưu thích và dể kiếm của hươu:

+ Đầu tiên phải kể đến một loại mà gần như là thực phẩm chính quanh năm của hươu được nhiều bà con ưu dùng chính là cỏ voi. Bà con có thể xem cách trồng tại đây: hướng dẫn trồng cỏ voi

+ Cây chuối, thường cây chuối bà con bào nhỏ cho ăn không hoặc trộn ít cám.

+ Rau khoai, rau muống

+ Các loại lá cây như lá mít, chú ý tránh các loại lá độc hại.

+ Gần như các loại hoa quả hươu đều thích ăn.

– Ngoài ra cần bổ xung thêm một số chất khoáng và cám công nghiệp có hàm lượng dinh dưỡng cao cho hươu giống vào mùa sinh sản vào mùa ra nhung hươu.

2. Hướng dẫn kỹ thuật cho hươu ăn

– Mỗi ngày bà con cần dọn chuồng sạch sẽ 2 lần trước bữa ăn, tránh để thức ăn lên vùng chuồng bị bẩn, ẩm ướt dễ nhiễm bệnh cho hươu. Trường hợp bị bệnh bà con có thể thao khảo tại đây: bệnh thường gặp ở hươu

– Hươu chủ yếu hoạt động vào ban đêm, ban đêm hươu ăn tới 60% tổng số thức ăn của khẩu phần, vì vậy mỗi lần cho ăn trong ngày không nhiều, ban ngày hươu ăn ít mà dành thời gian nhai lại thức ăn qua đêm. Đây là một đặc điểm hết sức quan trọng mà người chăn nuôi cần nắm biết. Vì vậy lịch phân bố cho hươu ăn như sau:

Bữa thứ nhất: 6-7 giờ sáng cho ăn 15% thức ăn xanh.

Bữa thứ hai: 9-10giờ sáng cho ăn 15% thức ăn xanh.

Bữa thứ ba: 13-14 giờ chiều cho ăn 10% thức ăn xanh cộng với thức ăn tinh trong ngày.

Bữa thứ tư: 17 – 18giờ tối cho ăn 30% thức ăn xanh.

Bữa thứ năm: 22 giờ tối cho ăn 30% thức ăn xanh.

– Thức ăn tinh không được cho hươu ăn vào buổi sáng vì ăn như vậy sẽ làm cho hươu ăn ít thức ăn xanh và thức ăn củ quả. Nên cho hươu ăn thức ăn tinh vào bữa ăn thứ ba vào lúc 13 – 14 giờ trong ngày. Hàng ngày người chăn nuôi phải thường xuyên theo dõi phân của hươu để điều chỉnh thức ăn cho hợp lý. Thường phân của hươu có dạng viên bóng, cứng hình bầu dục nếu khác với bình thường thì cần xem xét lại thức ăn cho hươu.

– Cho hươu ăn nhiều loại thức ăn xanh, đặc tính của chúng là thích ăn nhiều loại cỏ non, lá non và các loại cây có mủ. Không nên cho hươu ăn độc nhất một loại thức ăn thì sinh trưởng và phát triển, khả năng sản xuất sẽ bị hạn chế.

Nguồn: Naihuou.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Làm giàu ở nông thôn: 9X nuôi thỏ, “bỏ túi” hơn 20 triệu/tháng

Anh Phan Văn Cư, SN 1996 ở xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn (Quảng Nam) đã chọn mô hình nuôi thỏ làm hướng khởi nghiệp, đem lại thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng

Thu nhập 20 triệu/tháng.

Trò chuyện với Dân Việt, anh Cư cho biết, tốt nghiệp phổ thông năm 2015 nhưng không thi đại học, ở nhà tìm hiểu sách báo, mạng internet chi tiết về mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Và anh Cư thấy tâm đắc nhất là mô hình nuôi thỏ.

Trang trại nuôi thỏ của anh Phan Văn Cư cho thu nhập trên 20 triệu/tháng

“Với số tiền vay mượn của người thân hơn 50 triệu, tôi đầu tư xây dựng chuồng trại, lồng nuôi. Lứa đầu tiên thả nuôi 50 con giống; mỗi thỏ nái đẻ từ 8 – 10 con/lứa, trung bình 1 năm thỏ đẻ 6 – 7 lứa. Năm đầu tiên, với kinh nghiệm chưa nhiều nhưng đã có lãi trên 75 triệu đồng. Thấy nuôi thỏ khá thuận, hiệu quả nên từ số tiền lãi thu được, tôi dồn và tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại. Đến nay, trại thỏ đã tăng lên trên 700 con. Hiện nay, ngoài việc cung cấp giống, thức ăn thỏ, tôi còn nhận thu mua, bao tiêu thỏ thành phẩm của bà con trên địa bàn…”.

Theo anh Cư, hiện nay mỗi kg thỏ thịt làm sẵn có giá 130.000 – 150.000 đồng/kg, thỏ hơi có giá 70.000 – 85.000 đồng/kg. Mỗi ngày, anh Cư cung cấp ra thị trường khoảng 15 – 20kg thỏ thịt; còn thỏ giống thì bán với giá 120.000 – 150.000 đồng/kg. Mỗi tháng thu lãi đều đặn hơn 20 triệu đồng.

Mô hình nuôi thỏ của anh Phan Văn Cư cho hiệu quả kinh tế cao

Lai tạo giống thỏ mới

Anh Cư cho biết thêm: “Miền Trung có khí hậu nắng nóng nên không phù hợp với giống thỏ thuần New Zealand, sinh sản kém, lượng sữa cho con bú ít, dẫn đến thỏ con chậm lớn, tỉ lệ hao hụt cao. Để có loại giống thỏ tốt, tôi đã cho lai 2 giống thỏ New Zealand và California (Mỹ), cho ra giống thỏ lai mới. Giống thỏ lai này có nhiều màu sắc, rất dễ nuôi, phù hợp với khí hậu miền Trung. Đặc biệt, khi đẻ, thỏ mẹ cho sữa nhiều, con nhanh lớn, nuôi khoảng 2,5 – 3 tháng là có thể xuất chuồng bán”.

Theo 9X Phan Văn Cư, để thỏ nuôi khỏe mạnh thì chuồng trại phải được thoáng mát

“Thỏ dễ nuôi là vậy, nhưng để nuôi thỏ với số lượng lớn là chuyện không hề đơn giản. Để thỏ luôn khỏe mạnh, yêu cầu chuồng trại phải thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ. Thỏ là loại rất nhạy cảm nên chuồng trại phải thường xuyên dọn vệ sinh, không để tồn phân 2-3 ngày. Bệnh thường gặp ở thỏ là bệnh cầu trùng nhưng chỉ cần cân đối lượng thức ăn là thỏ sẽ hết bệnh ngay. Cần cho thỏ uống nước sạch; thức ăn là cỏ và cám chuyên dụng, cho ăn 1 – 2 lần/ngày.

“Để tăng dinh dưỡng và đề phòng bệnh cho thỏ, cần tiêm vắc xin cho thỏ mẹ 6 tháng/lần, thỏ con từ 1,5 tháng tuổi sẽ tiêm một lần cho tới khi xuất bán. Ngoài ra, thỉnh thoảng còn pha các loại vitamin vào nước hoặc thức ăn, để thỏ ăn nhiều, nhanh lớn…” – anh Cư chia sẻ.

Theo anh Cư, thời gian tới, 9X sẽ tiếp tục mở rộng trang trại, tăng số lượng đàn thỏ lên khoảng 1.000 con, đồng thời hợp tác với các đơn vị, nhà phân phối để cung ứng ra thị trường TP.Đà Nẵng và các huyện ở Quảng Nam.

Thỏ trong trang trại của 9x Phan Văn Cư được nuôi trong lồng sắt, rất kiên cố

Ông Phạm Công Thạnh – Chủ tịch UBND xã Phước Ninh nhận xét: “Trang trại nuôi thỏ của anh Cư là một trong những mô hình chăn nuôi điển hình không những của xã Phước Ninh mà cả huyện miền núi Nông Sơn. Ngoài việc làm kinh tế giỏi, anh còn rất nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật cho bà con có nhu cầu nuôi thỏ. Thời gian tới, xã sẽ khuyến khích nhân rộng mô hình này nhằm tăng thu nhập cho bà con…”.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mô hình nuôi cầy hương hiệu quả bất ngờ

Tình cờ biết được mô hình nuôi chồn hương ở Quảng Ngãi, anh Tuấn mua giống về phát triển mô hình. Sau 5 năm theo đuổi nghề nuôi đã đem lại thành công hơn mong đợi. Đến nay anh nuôi 22 con chồn hương giống, trong đó có 18 con chồn cái và 4 con đực giống và 30 chồn con, mỗi ngày cho ăn thức ăn khoảng 70.000 đồng.

Đến tham quan trang trại nuôi chồn hương của gia đình anh Nguyễn Phước Tuấn (45 tuổi ở thôn Châu Lâm, xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi anh xây dựng được mô hình nuôi chồn khép kín ngay tại khu dân cư. Khu vực nuôi chồn hương nằm phía sau căn nhà được anh Tuấn thiết kế thoáng mát.

Trang trại chăn nuôi chồn hương của anh Nguyễn Phước Tuấn

Anh Tuấn kể, năm 2011 anh biết một người dân ở tỉnh Quảng Ngãi nuôi chồn hương. Qua tìm hiểu, anh thấy mô hình đầu tư ít vốn lại phù hợp với vùng bán sơn địa xã Bình Trị. Anh mua 4 con chồn cái và hai con chồn đực với giá 20 triệu đồng và đến cơ quan chức năng đăng ký nuôi.
Sau 2 năm chăm sóc, đàn chồn sinh sản lứa đầu được 14 con. Tuy nhiên kinh nghiệm chưa có nhiều, chồn mẹ cắn chết 8 con. “Ban đầu nên tôi không biết để tách chồn còn khỏi chồn mẹ khi sinh nên nhận phải “trái đắng”. Sau đó mỗi lần sinh sản, tôi đều tách ra nên không bị chết”, anh Tuấn cho hay.
Theo anh, chồn có đặc tính dễ nuôi, dễ chăm sóc, nó có thể ăn tất cả các loại thức ăn kể cả thực vật lẫn động vật (trừ chuột dú, cóc). Nó thường ăn cháo trắng và chuối vào ban đêm. Quen dần được tập tính của chồn, anh Tuấn tiếp tục mở rộng chuồng trại.
Đến nay anh nuôi 22 con chồn hương giống, trong đó có 18 con chồn cái và 4 con đực giống và 30 chồn con, mỗi ngày cho ăn thức ăn khoảng 70.000 đồng. “Khoảng 10 tháng nuôi chồn thương phẩm sẽ đạt trọng lượng hơn 3kg. Với giá bán là 1,3 triệu đồng/kg, mỗi năm tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng. Nuôi chồn chi phí thấp nhưng lợi nhuận cao, lại nhàn nhã”, anh Tuấn tâm sự.

Mỗi ngày chi phí thứ ăn cho chồn khoảng 70.000 đồng

Theo anh Tuấn, loài chồn này chưa thể thuần chủng được nên vẫn giữ bản tính hoang dã rất dữ, nếu nhốt chung thường cắn nhau đến chết, vì vậy phải thiết kế những ô để nuôi riêng. Khu vực chuồng trại phải được thiết kế phù hợp với từng thời kỳ phát triển của chồn.
Đặc biệt, muốn nuôi được một con chồn cái sinh sản thì phải chú ý không để chồn quá mập. Chuồng trại phải được xây dựng rộng rãi, sạch sẽ để chồn có không gian vận động, có như vậy chồn mới sinh sản nhanh.
“Thường người nuôi không để ý đến những điều này nên nuôi không đạt hiệu quả, chồn cũng không sinh sản được. Ngoài ra chồn hương là loài ưa sạch sẽ, không thích chỗ ẩm ướt, hôi hám. Trong quá trình nuôi phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để chồn không bị bệnh, thay nước uống thường xuyên, định kỳ mỗi tháng xổ giun một lần để chồn háu ăn, mau lớn”, anh Tuấn chia sẻ.
Người nông dân này cho biết thêm, vào mùa nắng phải tưới nước làm mát mái chuồng nuôi, vì chồn chịu được lạnh chứ không chịu được nóng. Khi chồn đẻ con thì phải chú ý quan sát kỹ lưỡng nếu không con lớn sẽ cắn chết con nhỏ. Nuôi được một tháng thì phải tách chồn con ra riêng, để giảm chồn con bị cắn, chồn mẹ mới tiếp tục sinh sản lứa thứ 2.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Mô hình nuôi thỏ, gà kết hợp trồng trọt, thu 30 triệu đồng/tháng

Ngoài mô hình nuôi thỏ ta với quy mô trên 100 con, gia đình bà Lộc còn thực hiện thêm mô hình nuôi gà thả vườn với quy mô trên 350 con. Với kinh nghiệm nuôi gà hơn 15 năm, Bà Lộc luôn cho ấp trứng theo cách thông thường nhưng tỷ lệ nở gà con khá cao…

Thành ngữ Việt Nam có câu “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”. Câu nói đó thật đúng với trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Lộc và ông Nguyễn Quốc Kim ngụ tại Kp7, phường Tân An, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Ở độ tuổi ngoại ngũ tuần, hai vợ chồng vẫn ngày đêm cần mẫn phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Từ mô hình kết hợp này, mỗi tháng gia đình ông bà thu nhập được hơn 30 triệu đồng.

Mô hình nuôi thỏ và gà thả vườn của gia đình bà Lộc

Hơn 2 sào lúa đang trổ bông, 1 sào rau muống xanh mướt, một mô hình nuôi thỏ ta với hơn 100 con và hơn 350 con gà ta được nuôi theo cách thả vườn là điều ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Lộc. Chừng ấy công việc, mà chỉ có 2 người làm là điều không hề đơn giản, nhưng với sự cần mẫn, chịu thương chịu khó, vợ chồng bà Lộc đã bố trí thời gian vừa trồng trọt vừa chăn nuôi hợp lý để vừa chăm sóc tốt cho đàn thỏ và gà cũng như chăm bón tốt cho lúa và rau muống, khiến cho ai nhìn vào vào cũng trầm trồ, ngưỡng mộ.

Bà Nguyễn Thị Lộc chia sẻ: “Khởi đầu ngày mới của gia đình bà thường bắt đầu với công việc đầu tiên là vệ sinh chuồng thỏ để đảm bảo vệ sinh môi trường, nhờ được chăm sóc tốt nên tỷ lệ thỏ lớn khỏe mạnh hầu như lúc nào cũng tuyệt đối, trọng lượng mỗi con thỏ ta nuôi khoảng từ 3 đến 4 tháng, xuất bán cho thương lái và các mối hàng kinh doanh lúc nào cũng trên 2 ký rưỡi. Với giá bán lẻ và bán sỉ đều như nhau: Khoảng 65 ngàn đồng/kg nên người mua khá ưa chuộng”

Chất lượng thịt thỏ của gia đình bà Lộc nuôi được nhiều người mua đánh giá là thơm ngon, chắc thịt… vì thỏ nhà bà Lộc nuôi được cho ăn chủ yếu là rau muống mà gia đình tự trồng, chỉ bổ sung một ít thức ăn tinh vào buổi trưa là từ thức ăn gia súc để đảm bảo dinh dưỡng cho thỏ. Với 20 con thỏ giống, mỗi tháng chúng sinh sản phát triển trung bình trên 50 con thỏ con, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Ngoài mô hình nuôi thỏ ta với quy mô trên 100 con, gia đình bà Lộc còn thực hiện thêm mô hình nuôi gà thả vườn với quy mô trên 350 con. Với kinh nghiệm nuôi gà hơn 15 năm, Bà Lộc luôn cho ấp trứng theo cách thông thường nhưng tỷ lệ nở gà con khá cao, sau khi gà nở và trong quá trình chăn nuôi sau bà đều cho chúng uống vắc xin phòng bệnh theo từng giai đoạn, nên rất hiếm khi xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ xuất bán mỗi tháng trên 100 con với giá khoảng 90.000 đồng/kg. Vào dịp Tết Nguyên Đán, gà nhà bà Lộc nuôi không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bà Lộc trồng thêm lúa và rau muống để chủ động nguồn thức ăn cho thỏ và gà
Ngoài ra để tăng thêm thu nhập cho gia đình, bà Lộc còn trồng thêm 2 sào lúa và 1 sào rau muống. Một mặt là phát triển thêm kinh tế, mặt khác là để chủ động nguồn thức ăn cho thỏ và gà, không những tiết kiệm chi phí đầu tư thức ăn ban đầu, mà còn còn nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Ông Đỗ Bách Việt – PCT Hội Nông Dân phường Tân An cho biết: “Với mô hình vừa kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, gia đình bà Lộc thu nhập khoảng hơn 30 triệu đồng mỗi tháng”.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mô hình nuôi rắn ráo trâu đem lại thu nhập trăm triệu

Bắt đầu triển khai từ năm 2014, đến nay mô hình nuôi rắn ráo trâu của gia đình chị Trần Thị Linh (thôn 2, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) đã cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Nuôi ý chí làm giàu nhưng lại chịu cảnh đất chật người đông của vùng quê Vĩnh Phúc, năm 1996, vợ chồng chị Trần Thị Linh (sinh năm 1965) đưa nhau vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới, quyết chí khởi nghiệp trên vùng đất mới.

Không nản chí sau những lần thất bại liên tiếp trong nuôi dê, nuôi bò do nhà neo người lại không có công và thời gian chăm sóc, tháng 11/2014, gia đình chị Linh đã chọn cho mình một hướng đi mới và táo bạo: nuôi rắn ráo trâu – một loại rắn không độc, có giá trị kinh tế cao.

Chị Linh chia sẻ: Trước khi đến với mô hình này, tôi đi học hỏi ở ngoài quê Vĩnh Phúc. Ở đó, cứ 100 nhà thì có đến 95 nhà nuôi rắn ráo trâu, do đó, tôi cũng mạnh dạn nuôi giống này…

Trang trại nuôi rắn mang lại cho gia đình chị Linh thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Ban đầu, gia đình chị Linh bán đàn bò và trút hết số vốn 200 triệu đồng để mua 150 con rắn giống, xây dựng chuồng trại với diện tích 50m2, chia làm 90 ô chuồng ngay trong vườn cao su của gia đình tại thôn 6.

Dù quy mô chuồng trại khá khiêm tốn nhưng các dãy chuồng được gia đình bố trí ngăn nắp, thường xuyên dọn dẹp sạch sẽ. Mỗi ô chuồng được thiết kế với chiều cao 80cm, rộng 80cm, nền tráng xi măng, lót đất khô, đệm lót sinh học, xung quanh xây bằng gạch, bên trên được đậy cẩn thận, an toàn bằng lưới sắt, mỗi ô chuồng nuôi nhốt từ 4-5 con tùy vào nhóm rắn, đảm bảo không gian cho rắn sinh trưởng và phát triển.

Ngoài thiết kế chuồng trại đảm bảo an toàn, đúng kỹ thuật, nguồn thức ăn cho rắn cũng được gia đình chị Linh chủ động đảm bảo bằng phương pháp nuôi ếch làm thức ăn cho rắn.

Chị Linh cho biết thêm: Nuôi giống rắn này một tuần cho ăn một lần. Rắn rất ít bệnh tật, từ khi nuôi đến nay, trại rắn chưa xuất hiện bệnh tật gì, chỉ thất thoát số ít do chúng cắn nuốt nhau. Nguồn thức ăn thì trước đây tôi chịu khó đi bắt cóc, ếch, nhái cho ăn. Hai năm nay, tôi xây mấy bể nuôi ếch, cho ếch ăn bằng bắp, cám, rồi lấy ếch làm thức ăn cho rắn, như vậy là sẽ đỡ phần nhân công đi bắt ếch, nhái. Ngoài ra, tôi mua thêm 2 tủ đông lạnh khoảng 20 triệu để cho thức ăn vào, hết mùa nuôi, tôi tích góp dự trữ thêm. Mỗi năm tôi chỉ hết tầm 6-7 triệu tiền thức ăn cho rắn bố mẹ.

Hiện nay, gia đình chị Linh đang nuôi 150 con rắn, trong đó có 100 con bố mẹ từ 2 đến 3 năm tuổi, nặng 2,5 – 3kg. Với sự mạnh dạn và cách làm khoa học, chỉ sau hơn 1 năm triển khai, gia đình chị đã thu được 100 triệu đồng; trong đó có 80 triệu tiền bán trứng với giá 140 ngàn đồng/quả và 20 triệu đồng từ bán rắn đực thương phẩm.

Riêng từ đầu năm đến nay, với giá thị trường từ 1- 1,5 triệu/con, gia đình chị thu thêm được 150 triệu tiền bán rắn giống, 90 triệu tiền trứng.

Ngoài ra, da rắn được gia đình thu gom bán cho các đại lý để làm thuốc, phân của rắn cũng được gia đình chị tận dụng bón cây trồng.

Phấn khởi trước hiệu quả mà mô hình mang lại, hiện gia đình chị Linh đang ấp ủ nhiều dự định để mở rộng quy mô cũng như giúp đỡ các hộ gia đình có nhu cầu học hỏi hướng làm giàu từ rắn ráo trâu.

“Tôi cũng muốn nhân rộng mô hình cho bà con ở đây. Tôi mong các cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện cho nhân dân phát triển trang trại này vì nó rất hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn chưa ai mạnh dạn làm trang trại nuôi động vật hoang dã như thế này…” – Chị Linh nói.

Bên cạnh nguồn thu nhập cả trăm triệu đồng từ mô hình rắn, gia đình chị Trần Thị Linh còn trồng thêm 3ha cao su, trong đó, có 1.200 cây đã cạo mủ và 1ha cà phê, ước tổng thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

“Phù thuỷ nuôi rắn” đất cảng

Không ít người sửng sốt với sở thích và tài nuôi rắn của anh Nguyễn Văn Thắng ở thôn Lương Câu (xã Tân Viên, huyện An Lão, Hải Phòng). Biết bắt rắn từ bé, nhưng để trở thành “phù thủy nuôi rắn”, anh phải trải qua nhiều năm gian khổ, nếm đủ thất bại cay đắng mới đến được thành công.

Hằng ngày chăm… 1.000 con rắn

Chúng tôi đi theo anh Thắng vào khu trang trại rộng gần 2 mẫu của anh trên cánh đồng thôn Lương Câu. Những dãy hàng lang tối tăm, lành lạnh và sâu hun hút chạy qua những ô chuồng kín mít xây bằng gạch có những ô cửa lưới đóng chặt. Khách thăm ai nấy đều thấy rờn rợn khi biết trong những khoảng tối kia là hang ổ của hàng nghìn con rắn lớn nhỏ đang sinh sống, trong đó có nhưng con hổ mang dài đến 2,5m.

Chủ nhân vội trấn an: “Không sao đâu, chuồng trại chặt chẽ lắm, hơn nữa, rắn sợ người nên thấy có hơi người là chúng lủi sâu trong hang. Khi có người đem thức ăn vào chuồng cũng vậy, chúng trốn mất cho đến khi người ra hẳn, đóng cửa cài then, chuồng yên tĩnh trở lại, chúng mới bò ra ăn”.

Khu nuôi rắn được chủ nhân chia thành 3 dãy chuồng. Dãy ngoài cùng là khu vực ấp nở và nuôi rắn con. Tiếp theo là dãy nuôi rắn hổ mang thịt, gồm 20 ô lớn, mỗi ô là nhà ở của 50 chú hổ mang. Cạnh đó, một dãy có 250 ô nhỏ bằng bê tông, cứ 6 ô một xếp chồng lên nhau. Trong mỗi ô này có một con rắn ráo trâu trong độ tuổi sinh sản.

Rắn nằm trong những chuồng kín mít xây bằng gạch có những ô cửa lưới đóng chặt

Cơ ngơi này mỗi năm cung cấp cho thị trường 500 – 1.000 con rắn thịt (trung bình 1kg/con), 2.000 – 3.000 con rắn giống.

Anh kể: “Hồi nhỏ, tôi cùng trẻ con trong xóm hay đi bắt những loại rắn không độc, đem bán kiếm ít tiền mua sách vở. Tốt nghiệp trường trung cấp xây dựng, tôi đi làm nhiều nơi thấy không hiệu quả lắm và vẫn luôn ấp ủ ý định về quê lập nghiệp với nghề nuôi rắn. Sau ít năm bươn chải bên ngoài, tôi về quê làm trang trại. Mua và thuê thêm được 2 mẫu ruộng, tôi bắt đầu nuôi rắn từ năm 2007”.

Sau đó là 5 năm thất bại liên tiếp với ít nhất 1,5 tỷ đồng. Mới đầu, anh Thắng mua gom rắn của những người bắt được rắn trong tự nhiên, nuôi 2 – 4 tháng, gặp lúc được giá thì bán. Nếu được thì lãi gấp đôi, nhưng rủi ro cao vì rắn dễ bị chết. Những con rắn đang sống trong tự nhiên, bị người bắt tác động bằng nhiều cách, rồi bị nhốt trong môi trường chật hẹp, chúng thường không chịu ăn và chết dần. Không chỉ nuôi rắn, anh nuôi cả ba ba, ếch cũng hỏng do không có kinh nghiệm.

Quyết chí ắt thành công

Anh lại đi làm nghề xây dựng để trả nợ và dành dụm tiền vốn. Chăm chỉ làm lụng, anh vẫn cố gắng dành thời gian để học hỏi nghề nuôi rắn. Không chỉ tìm hiểu trên mạng internet, báo, đài… anh còn cất công đi tham quan các mô hình nuôi rắn trong Nam, ngoài Bắc.

Nhờ ý chí quyết tâm mà a Thắng đạt được thành công 

Khi đã có chút lưng vốn cùng kinh nghiệm học được, năm 2015, anh Thắng quyết định nuôi rắn quy mô lớn, tập trung vào rắn hổ mang và ráo trâu. Mới đầu, anh nhập giống từ Ninh Bình, rồi tự mày mò nghiên cứu, thử nghiệm cho rắn đẻ thành công. Đến nay, không những anh chủ động được giống rắn cho trang trại mà còn cung cấp trứng và rắn con cho thị trường.

Chủ trang trại cho biết, chọn rắn bố mẹ đẹp, khỏe mạnh, đạt 1,5kg/con trở lên để cho chúng giao phối. Hổ mang chỉ “giao hoan” có mùa, vào tháng 3 – 4, tháng 5 thì đẻ. Ráo trâu đẻ quanh năm. Anh thả 20 – 30 con theo tỷ lệ 1 đực 2 cái vào một chuồng cho đến khi thấy bụng những con cái to ra thì bắt từng con cái ra “ở riêng” một ô, chờ đẻ. Chỉ mang thai hơn 20 ngày là chúng đẻ, mỗi lứa 15 – 20 quả trứng, mỗi năm một con cái đẻ một lứa.

Do chăm sóc con giống từ lúc còn trong trứng, thuần hóa rắn từ bé nên anh Thắng nuôi rắn rất thành công, tỷ lệ sống gần 100%. Anh chăm sóc trang trại hằng ngày và không cần thuê thêm người làm vì nuôi rắn rất nhàn. 5 – 6 ngày chúng mới ăn một bữa, thức ăn là cóc, ếch nhái hoặc gà công nghiệp xay nhỏ. Rắn ít bị bệnh tật, chỉ đôi khi mắc tiêu chảy hoặc bệnh phổi. Mỗi bữa, chủ nuôi trộn thuốc phòng bệnh vào thức ăn cho chúng là có thể hoàn toàn yên tâm về sức khỏe đàn vật nuôi.

Rắn 1,5 tuổi có thể xuất bán, mỗi con nặng trung bình 1kg. Hiện nhu cầu thịt rắn trong nước cao nhưng thường nhỏ lẻ, không có đầu mối thu mua số lượng lớn nên anh Thắng chọn bán buôn cho bạn hàng Trung Quốc. Vào cuối năm hoặc sau Tết Nguyên đán, anh đánh xe rắn lên tận cửa khẩu. So với nhiều năm trước, năm nay giá rắn cao, tới 700 nghìn đồng/kg.

Bên cạnh rắn là sản phẩm chủ lực, trang trại của anh Thắng còn cung cấp chạch giống. Chạch là loài khó sản xuất giống nhưng anh “thợ xây làm trái ngành” này có tài bắt chạch đẻ không kém tài nuôi rắn.

“Sau nhiều tìm tòi, thử nghiệm, tôi cho chạch đẻ nhân tạo thành công, cứ 100kg cá bố mẹ cho 1 triệu con chạch bột. Mỗi năm, tôi sản xuất được 5 – 7 triệu con cá chạch giống. Hiện, khách hàng cần nhiều mà tôi không có đủ bán”, anh Thắng cho hay.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Nuôi trăn trên sân thượng

Tận dụng khoảng diện tích hơn 40m2 trên sân thượng, ông Võ Ngọc Ân (71 tuổi, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) đã xây dựng thành công mô hình nuôi trăn thịt, sinh sản, mỗi năm mang về cho gia đình ông thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Sau khi bỏ nghề đi biển, ông Võ Ngọc Ân đã tìm đến nghề nuôi tôm hùm, cá biển lồng. Thế nhưng, do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nên đều thất bại. Năm 2009, sau khi xem một phóng sự về phong trào nuôi trăn ở miền Nam, ông quyết định vào Củ Chi để tham quan và mua giống về nuôi thử. Ông Ân kể: “Thời điểm đó, ở Khánh Hòa chưa có ai nuôi trăn nên tôi chỉ mua 4 con về nuôi thử. Tôi tự thiết kế chuồng trại và đọc sách, báo để học thêm cách chăm sóc. Chỉ khoảng nửa năm, trăn phát triển khá tốt và không mất quá nhiều công sức, thời gian chăm sóc. Do vậy, tôi mua thêm vài chục con và mở rộng chuồng trại để nuôi”.
Qua vài năm, ông Ân dần phát hiện ra những điểm hạn chế trong kỹ thuật chăm sóc của mình, từ đó khắc phục dần như: nuôi mỗi con một chuồng và lập sổ ghi chép lịch cho ăn của từng con; thay thế toàn bộ chuồng làm bằng lưới sắt sang bằng các phuy nhựa hình vòm, bên dưới lót ván gỗ để đảm bảo da trăn không bị trầy xước; làm chuồng trại hình tầng để có thể nuôi được nhiều trăn hơn. Đến bây giờ, ông vẫn đang áp dụng những biện pháp này và rất hiệu quả.
Theo ông Ân, trăn là đối tượng rất dễ chăm sóc và không bị bệnh tật; thức ăn sử dụng để nuôi trăn rất dễ kiếm, giá lại rẻ như: đầu gà công nghiệp, chuột. Với một con trăn trưởng thành có trọng lượng từ 5 đến 10kg thì mỗi lần ăn khoảng 1kg thức ăn, nhưng 15 ngày mới cho ăn/lần. Gần 10 năm nuôi trăn, ông Ân chỉ cho trăn ăn chuột là chủ yếu, còn đầu gà ông chỉ mua vào những thời điểm mưa bão. Để có đủ chuột làm thức ăn cho trăn, ông đã mày mò, tự thiết kế ra chiếc bẫy chuột 2 ngăn rất hiệu quả. Nhờ đó, ông có đủ thức ăn cho hơn 100 con trăn, tiết kiệm được chi phí mua thức ăn rất lớn.

Mô hình nuôi trăn đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Võ Ngọc Ân

Hiện nay, mỗi đợt, ông Ân chỉ thả nuôi khoảng 100 con trăn theo hình thức cuốn chiếu, bán mỗi năm 2 lứa. Thời gian nuôi đến lúc xuất chuồng khoảng 12 tháng, thời điểm này, trăn đạt trọng lượng khoảng 10kg/con. Bên cạnh nuôi trăn thịt, để tiết kiệm chi phí mua giống, ông còn nuôi thêm 2 cặp trăn bố mẹ cho sinh sản.
Ông Ân cho biết: “Trăn thịt hiện nay bán với giá 300.000 đồng/kg. Tôi chủ yếu bán cho một số công ty ở TP. Hồ Chí Minh. Khi nào bán, chỉ cần gọi điện thoại là họ đưa xe ra tận nơi để thu mua nên rất an tâm. Nuôi trăn khá nhàn, mỗi tháng chỉ cho ăn 2 lần, mỗi ngày mất 30 phút để kiểm tra, vệ sinh chuồng trại và bổ sung nước vào khay”.
Ông Nguyễn Văn Phú – Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Nguyên (TP. Nha Trang) cho biết, mô hình nuôi trăn của ông Ân đã và đang phát triển khá tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao và đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh cấp giấy phép. Mô hình này đã đạt giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh trong lĩnh vực chăn nuôi lần thứ VII năm 2016 – 2017; đồng thời được các cấp, ngành đánh giá cao và phổ biến rộng rãi cho người dân trong toàn tỉnh. Từ hiệu quả của mô hình đã có rất nhiều hộ trong và ngoài tỉnh tìm đến học hỏi kinh nghiệm và được ông Ân tận tình truyền đạt.

Theo báo Khánh Hòa, kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nuôi rắn mối nhanh, đỡ tốn chi phí

Nuôi rắn mối được xem là mô hình “nuôi hàng độc” và là đặc sản tại các nhà hàng ở khắp các tỉnh thành trong cả nước vì mùi vị thơm ngon và giá thành tương đối mềm. Đặc biệt rắn mối trị được rất nhiều bệnh. Nhưng do lượng rắn mối trong thiên nhiên ngày một giảm dần nên rắn mối đang rất hút hàng.

Kỹ thuật làm chuồng

Trong quá trình nuôi rắn mối cần nghiên cứu thật kỹ quy cách thiết kế chuồng trại. Chiều ngang của chuồng khoảng 2,5 – 3m, dài: 6 – 7m, cao 80cm. Mặt trong chuồng có thể dán gạch men hoặc đóng thiếc bằng tránh rắn mối thoát ra ngoài, để tránh thất thoát. Với kích thước như trên có thể nuôi được 1000 con bố mẹ và 1000 con con.

Chuồng nuôi rắn mối

Dưới nên chuồng có thể làm những mô cao để vào mùa mưa thoát nước tốt, có thể bỏ gạch ống hay rơm, ngói, tôn bể….để làm chổ trú ẩn cho chúng phía trên có thể bỏ rơm hay lá chuối lên trên làm bãi tắm nắng cho chúng. Phía trên nóc nên che một tấm tôn sáng để có nắng.

Nguồn thức ăn

Rắn mối mẹ vào giai đoạn mang thai và sinh sản bà con nên cung cấp cho chúng lượng thức ăn nhiều hơn, chất lượng hơn, lượng chất dinh dưỡng cao hơn. Ngoài những loại thức ăn phổ biến như cơm trộn cá tạp, tôm tép vụn mua ở các chợ bà con cũng cần tìm kiếm thêm nguồn thức ăn tự nhiên cho những con rắn mối sinh sản này như sâu bọ, mối, cào cào, côn trùng…

Những loại thức ăn tự nhiên sẽ cung cấp cho rắn mối sinh sản một lượng chất cần thiết, giúp rắn mối phát triển tốt và đảm bảo quá trình phát triển của những chú rắn mối con.

Cho rắn mối ăn

Đối với khoảng thời gian thích hợp để cho rắn mối ăn bà con nên cho chúng ăn vào thời điểm buổi sáng, trưa và chiều. Sau khi ăn xong rắn mối thường có thói quen phơi năng để tiêu hóa lượng thức ăn vừa đưa vào cơ thể.

Chọn giống rắn mối

Rắn mối giống nên chọn con to khỏe không bệnh tật, có kích thước từ ngón tay cái trở lên. Cách phân biệt rắn mối đực và rắn mối cái:

Rắn mối đực: Đầu to, chân khẻo, không có những đốm trắng chạy dọc theo hai bên hông.

Rắn mối giống

Rắn mối cái: Đầu nhỏ, di chuyển chậm chạp và có nhiều đốm trắng chạy dọc theo hai bên hông. Rắn mối 2 tháng sinh sản một lần, mỗi lần sinh được từ 8 đến 12 con. Do đó để rắn mối sinh sản được nhiều con ta nên chia tỉ lệ đực cái là 1: 1 để tăng khả năng thụ thai của rắn cái.

Khi rắn mối cái mang bầu nên tách rắn cái sang một chuồng chuyên nuôi rắn mối mang bầu nuôi riêng và chú ý theo dõi, khi rắn mối cái sinh sản ra rắn mối con ta cho rắn cái sang chuồng ở chung với rắn đực để tiếp tụ thủ thai, đồng thời cho rắn mối con sang chuồng khác nuôi riêng.

Theo baomoi.com được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.