Thức ăn của chim yến

Mỗi chúng ta đều không còn gì xa lạ với tổ yến, hoặc ít nhất cũng được nghe nhắc đến tổ yến và công dụng của nó đôi ba lần. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết thức ăn của chim yến là gì? Với một loài chim “khó tính” như vậy thì chúng có ăn cào cào, châu chấu, giun, dế như đa số loài khác? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về chúng.

Chim yến chỉ có thể đớp mồi trên không trung mà không thể mổ hay nhặt mồi trên mặt đất như một số loài chim khác. Chúng thường sống bầy đàn lên đến hàng trăm con nhưng lại thích làm tổ từng cặp riêng rẽ, thích sống ở chỗ gần nước (sông, hồ, biển), có đồng ruộng, rừng cây thấp, và ít đến các khu rừng rậm. Đây được coi là môi trường lý tưởng tập hợp đa dạng các loại côn trùng, là nguồn thức ăn phong phú cho chim yến. Chính vì vậy việc khảo sát điều kiện nuôi yến ban đầu là bước rất quan trọng, đặt nền móng đầu tiên cho quá trình nuôi yến dài lâu sau này.

Vì kích thước cơ thể chim yến cũng khá nhỏ bé, chỉ nặng trung bình khoảng 13 gram nên thức ăn của chim yến là các loài côn trùng khá nhỏ bay trong không trung hoặc bị gió cuốn lên từ các đầm lầy, ao hồ, sông suối, các thảm cỏ hoang dã, từ cánh đồng, ruộng vườn, từ các kiểu rừng trong đó có rừng ngập mặn, từ chợ búa, bãi rác, trại chăn nuôi,…vv

Thức ăn của chim yến trưởng thành:

Chim yến trưởng thành ăn côn trùng có kích thước nhỏ bay trong không khí như kiến cánh, ong nhỏ, phù du, ruồi, muỗi, nhện, các con bọ nhỏ như rầy nâu, rầy xanh,… Kiến cánh là loài được tìm thấy trong thức ăn của chim yến chiếm tỷ lệ cao nhất, các loài khác còn lại có tỷ lệ thấp. Vào mùa mưa thì thức ăn chính của chim yến là mối. Chim yến bắt côn trùng và ăn trong khi đang bay. Khi tìm kiếm thức ăn ở những nơi khan hiếm, do mật độ côn trùng bay trong không khí giảm dần theo độ cao nên chim thường bay vòng quanh khu vực đó và là là hạ xuống thấp. Chim cũng kiếm mồi tại những nơi có nhiều cây cao có nhiều hoa, trái là nơi tập trung các loài côn trùng nhỏ và thường ở độ cao dưới 30m.

Thức ăn cho chim con:

Cũng giống như con người, trong suốt quá trình được sinh ra đến lúc có thể rời tổ đi kiếm ăn được thì chim con rất cần bố mẹ chăm sóc. Thời gian này hoạt động chủ yếu của chim con là ăn và ngủ.

Chim bố mẹ sau khi kiếm được thức ăn về sẽ trộn thêm enzym và các kháng thể trong nước bọt vào cục mồi rồi mớm cho chim con. Nhìn chung chim yến non ăn thức ăn có vỏ kitin mỏng hơn chim trưởng thành do hệ tiêu hóa còn yếu và chưa hoàn chỉnh. Việc ăn loại thức ăn vỏ kitin mỏng nhằm giúp chim con tiêu hóa thức ăn một cách dễ dàng hơn. Tỷ lệ bọ rầy (nâu, xanh) – chiếm 50% và ruồi muỗi chiếm 20%, ong kiến chiếm khoảng 7%. Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi giải phẫu một con chim non, người ta thấy trong cục mồi có từ 250-350 con côn trùng nhỏ.

Thông thường chim con ăn khoảng 4 lần/ngày, 3 lần vào ban ngày, 1 lần vào ban đêm (khoảng 8 giờ tối), tuy nhiên số bữa ăn của chim yến trong ngày còn phụ thuộc vào điều kiện khí hậu và tập tục sống của từng đàn chim. Vì vậy số lần ăn trong ngày của chim yến có thể thay đổi tùy vào môi trường sống.

Chim non rời tổ sau khi nở 40 – 45 ngày, trọng lượng cơ thể trung bình khoảng 13 gram. Khi này chúng có thể tự đi kiếm mồi như bố mẹ của chúng vẫn thường làm.

Hiện nay, tại một số mô hình nuôi chim yến có tình trạng yến tăng đàn rất nhanh dẫn đến nhu cầu nguồn thức ăn của chim cũng tăng cao theo. Khi đàn chim yến tăng nhanh từ vài chục con nay lên đến vài trăm, thậm chí vài ngàn con thì nguồn thức ăn trở thành vấn đề cấp thiết cần được giải quyết và phải đảm bảo ổn định lâu dài. Chỉ có rừng nhiệt đới ẩm ướt, rừng ngập mặn và thảm cỏ đất ngập nước mới là nơi có nhiều côn trùng quanh năm. Các khu vực khác chỉ sản sinh côn trùng trong một số thời điểm, với một số điều kiện nhất định. Do vậy, để chủ động nguồn thức ăn cho chim yến, chúng ta cần nuôi trên quy mô lớn một số loài côn trùng.

Giải pháp tốt nhất cho vấn đề này đó chính là chủ động tạo ra nguồn thức ăn cho yến. Thị trường thiết bị hỗ trợ nuôi yến hiện nay có rất nhiều các loại bột tạo côn trùng làm nguyên liệu tạo thêm nguồn thức ăn phong phú cho chim yến. Tuy nhiên có nhiều ý kiến trái chiều nhau về việc sử dụng các loại bột này sẽ ảnh hưởng tốt hay không tốt đến chất lượng tổ của chim yến. Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi vẫn chưa có đáp án chính thức từ các công trình nghiên cứu khoa học. Vì vậy tạo ra nguồn thức ăn từ tự nhiên vẫn là phương pháp an toàn và đảm bảo hơn cả.

Có thể trồng nhiều cây thu hút côn trùng quanh khu vực nhà yến như: sung, keo dậu (táo nhơn), ômôi, dừa nước, … Đây là những loài thích hợp trồng ở vùng nuôi yến, tạo môi trường cho yến sinh hoạt đồng thời cũng là tạo môi trường sinh thái xanh, sạch, trong lành cho con người.

Ngoài ra có thể tạo ruồi giấm bằng phương pháp tự nhiên để tạo thêm nguồn thức ăn cho chim yến. Cách tạo ruồi giấm cũng vô cùng đơn giản.

Ruồi giấm

Ruồi giấm

Là đối tượng ăn côn trùng trên không, chim yến đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần quan trọng trong việc khống chế số lượng các côn trùng gây hại cho hoa màu, giúp cân bằng hệ sinh thái. Qua đó cho thấy, việc nuôi chim yến không chỉ mang lại lợi ích cho người nuôi mà còn mang lại rất nhiều các lợi ích xã hội khác.

Nguồn: TamcaoViet được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim yến cho người mới bắt đầu

Nuôi chim yến không còn là nghề mới, tuy nhiên nghề này chưa bao giờ hết “nhiệt”.

Vốn được coi là ngành công nghiệp không khói bụi và tổ yến được coi như “vàng trắng”, ngày nay ngành công nghiệp này giống như một thỏi nam châm thu hút đông đảo các nhà đầu tư, bởi giá trị của nó mang lại không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế và còn ở lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng, sức khỏe,…vv.

Thế nhưng, để có được thành công với nghề yến thì không phải là điều dễ dàng.

Để đầu tư vào ngành này một cách hiệu quả, có tiền thôi là chưa đủ. Thực tế ghi nhận tỉ lệ thành công ở Việt Nam không cao do hầu hết các nhà đầu tư là tự phát nên việc lựa chọn mô hình kỹ thuật cũng là tự mình chọn lựa. Chính vì vậy dễ dẫn đến lựa chọn sai mô hình, sai kĩ thuật.

Vậy đâu là yếu tố cần thiết một người nên biết trước khi bước vào nghề nuôi yến? Mời bạn tham khảo một số kinh nghiệm nuôi chim yến được tổng hợp từ những người nuôi chim yến thành công và thất bại dưới đây:

Việc đầu tiên cần làm trước khi bắt đầu nuôi chim yến là gì?

Việc đầu tiên bạn cần làm trước khi bắt đầu nuôi yến đó là hãy tìm hiểu về yến, về kỹ thuật xây dựng nhà yến. Nuôi yến, hãy “Học từ thất bại, đừng học từ thành công”. Nghe thì có vẻ khá “ ngược đời” nhưng đặc trưng của nghề nuôi yến là không nên sao chép mô hình của nhà yến này, sau đó áp dụng nguyên bản vào nhà yến của mình. Chúng tôi khuyên bạn nên học hỏi thực tế từ những mô hình thất bại để rút ra được những kinh nghiệm cho bản thân để tránh những sai lầm.

Diện tích của nhà yến là bao nhiêu là đủ?

Hiện không có một thông số diện tích cố định nào cho nhà yến. Tùy vào diện tích nhà mà đơn vị thiết kế sẽ thiết kế mô hình phù hợp. Tuy nhiên diện tích nhà yến cần đạt từ 70m2-80 m2 trở lên. Nếu nhà nuôi chim yến ở thành phố thì phải cao hơn nhà xung quanh và nhà kế bên, phải có chuồng cu lượn của chim yến theo mô hình tự nhiên. Nhà vùng ven sẽ thoáng hơn, điều kiện tốt cho chim yến bay lượn và nguồn thức ăn nhiều hơn.

Làm cách nào để chim yến vào làm tổ ?

Trước tiên, bạn cần biết nơi mình định nuôi yến có đủ điều kiện nuôi hay không. Bạn nên nhờ đến sự tư vấn của các công ty chuyên nghiệp. Việc khảo sát số lượng chim yến là bước khởi đầu khá quan trọng, có ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình xây dựng và phát triển của nhà yến sau này.

Số lượng yến đạt tiêu chuẩn mới có thể đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến.

Để chim yến vào làm tổ không khó, bạn chỉ cần phát âm thanh tiếng kêu của chim để dẫn dụ chim yến từ nơi khác đến. Tuy nhiên, việc để chim yến ở lại định cư lâu dài và tăng bầy đàn là cả một quá trình đòi hỏi cần được đầu tư kĩ lưỡng và áp dụng kỹ thuật chuẩn xác. Nhà yến phải đáp ứng đầy đủ các yếu tố: âm thanh, ánh sáng, độ ẩm, thoáng khí,…tốt nhất và thường xuyên cập nhật kỹ thuật mới thì mới có thể đáp ứng kịp sự thay đổi về nhịp sinh học của chim yến.

Nếu nhà hàng xóm cũng nuôi chim yến thì có thể dụ được chim của mình đi hết không?

Không. Chim yến mà chúng ta dụ được chủ yếu là các con chim non. Vốn là một loài chim rất trung thành, một khi chúng đã vào nhà ở và làm tổ thì chúng sẽ gần như ở lại suốt đời, trừ khi ngôi nhà của bạn có những yếu tố làm chim yến cảm thấy bất an như bị phá hoại hay khai thác tổ không đúng cách.

Rủi ro khi đầu tư nuôi chim yến?

Bất cứ ngành nghề nào cũng đều có rủi ro không riêng gì nghề nuôi chim yến. Đặc biệt, nuôi chim yến lại phụ thuộc vào các yếu tố tự nhiên quá nhiều: nguồn thức ăn, môi trường sống, khí hậu, …đều là những tác nhân có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thành công của nhà yến. Chúng ta không thể triệt tiêu hoàn toàn được rủi ro khi nuôi yến tuy nhiên có thể giảm thiểu được nó một cách tối đa thông qua các thiết bị hỗ trợ nuôi yến hiện đại và không ngừng đổi mới kỹ thuật để bắt kịp nhịp sống của yến.

Chi phí đầu tư ban đầu và chi phí vận hành nhà yến là bao nhiêu?

Việc đầu tư nuôi chim chủ yếu là chi phí đầu tư ban đầu, còn chi phí vận hành là rất ít (chủ yếu cho người trông coi nhà nuôi chim và tiền điện nước). Chi phí đầu tư ban đầu cho một nhà chim bao gồm 2 khoản sau: tiền xây dựng phần thô nhà và tiền công nghệ.

Thức ăn cho chim yến là gì?

Thức ăn của chim yến là các loại côn trùng nhỏ: kiến cánh, ruồi, muỗi, rầy nâu, rầy xanh, …. Hàng ngày chim rời tổ đi kiếm ăn vào sáng sớm (5-6 giờ) và bay về tổ lúc trời sẩm tối ( 17-18 giờ). Chim yến bắt côn trùng khi chúng đang bay. Như vậy, nguồn thức ăn của chim yến là hoàn tự nhiên. Trong quá trình nuôi bạn không phải tốn tiền mua thức ăn cho chim yến.

Đầu ra cho tổ yến?

Hiện nay, nhu cầu tổ yến là vô cùng lớn do con người ngày càng nhận thức được lợi ích mà yến sào mang lại. Giá tổ yến thô trung bình giao động từ 2,5 triệu đồng/100gram đến 3 triệu đồng/100gram. Thị trường xuất khẩu cũng tấp nập do tổ yến Việt Nam đẹp và có chất lượng cao hơn tổ yến của những nước khác.

Nguồn: TamcaoViet được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi yến nhà

Tổ yến là thực phẩm vô cùng tốt cho sức khỏe với nhiều công dụng như tăng cường dinh dưỡng, chống lão hóa và nâng cao hệ miễn dịch. Với nhiều công dụng như vậy, tổ yến rất được nhiều người ưa chuộng và tìm mua.

Tuy nhiên, lượng yến tự nhiên khai thác không thể đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Vì thế, người ta đã tìm cách dụ yến về nhà nuôi để tiện chăm sóc và thu hoạch.

1. ĐỊA THẾ XÂY NHÀ CỦA CHIM:


Dựa theo việc nghiên cứu, theo dõi đời sống, tập tính thiên nhiên của chim yến, ngôi nhà chim cần có các yêu cầu sau:

– Vị trí xây nhà chim cũng phải gần đồng ruộng, bụi cỏ, rừng cây thấp, biển, sông, hồ. Những nơi này tạo điều kiện để chim tìm mồi dễ dàng, nhất là vào mùa mưa.

– Nhà phải được xây trong vùng có chim yến sinh sống, khu vực chim kiếm ăn, dưới đường chim bay.

– Nhà không xây ở độ cao vượt quá mặt biển 1.000m. Hiện nay người ta khuyến cáo dưới 500m.

– Địa điểm xây nhà phải là nơi không có nhiều hãng xưởng, nhà máy. Ở những nơi đó các côn trùng làm nguồn thực phẩm cho chim thường sẽ bị tiêu diệt do đô thị hóa.

– Nhà chim phải xây ở nơi tương đối an toàn tránh các loài dịch hại như chim quạ, đại bàng, chim cắt… là những loài thích ăn thịt chim. Các loài chim săn mồi này sẽ làm chim yến sợ và sẽ tìm nơi khác an toàn hơn.

– Tìm hiểu về điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, hướng gió của khu vực định xây nhà yến. Sau đó đối chiếu với các đặc tính thích nghi của chim yến xem có phù hợp hay không. Việc này giúp người làm nhà chim có 2 điều chỉnh nhất định về ván tổ, cửa thông gió, cửa ra vào, vật liệu xây nhà, kiểu nhà thích hợp.

2. XÂY NHÀ CHIM YẾN:

– Hình dáng căn nhà: Nhà chim thường giống 1 cái kho lớn có thể là hình khối ống, hoặc hình khối chữ nhật tùy vào địa thế miếng đất. Nhà có thể lợp mái hoặc mái bằng.

– Kích thước nhà: Thường có kích thước từ 10 x 20m (khoảng 150 – 200m2). Nhà chim có thể tổ hoặc nhỏ hơn chút ít nhưng phải tìm cách để tăng sức chứa chim ở trong phòng như chia nhà thành một số tầng (3 – 5 tầng).

– Độ cao của tường: 5,5 – 6m. Nhà có độ cao sẽ tiện cho việc chia thành tầng và phòng, giúp điều hòa không khí, giữ nhiệt độ và độ ẩm trong nhà.

– Độ dày của tường và vật liệu xây tường: Vừa xây tường là cát, vôi, ximăng trộn theo tỉ lệ3:2:1. Tường bê tông dày 20 – 25cm. Trong các vùng nóng để giảm nhiệt độ của nhà chim có thểxây gạch 2 lớp, giữa 2 lớp gạch cách nhau 1 khoảng không 5cm. Mặt ngoài và trong của tường phải phủ 1 lớp vừa, nhất là mặt ngoài phải phủ ximăng làm cho trơn láng để tránh các con vật khác như (mèo, chuột…), mặt trong chỉ có thể tráng vừa.

Với những ngôi nhà (xây sẵn) vách tường trơn láng, thay vì cải tạo bằng kĩ thuật mới, người làm nhà chim ốp lên tường những tấm lưới bằng nhựa cứng, chim yến vẫn có thể bám và làm tổ rất hiệu quả.

Mái và nóc nhà phải lợp kỹ để tránh mưa. Mái lợp ngói cũng có thể lợp bằng vật liệu khác như tôn lạnh màu xanh lá cây, ở vùng nóng góc nghiêng mái lớn (45 độ) để hấp thụ nhiệt tốt hơn, vùng lạnh thì góc nghiêng mái nhỏ hơn (30º). Cũng có nhiều nhà yến không lợp mái, trần phẳng, đổ bê tông, trên trần nhà là hệ thống chống nóng bằng gạch và có lót vật liệu chịu nóng. Một số nhà yến kiểu này người ta còn xây thêm một bể nước rộng thấp trên trần.

3. CỬA RA VÀO VÀ NỀN NHÀ:

– Cửa cho người: Chỉ xây 1 cửa, khi đi vào cần qua 1 phòng nhỏ, rồi mới đến cửa đi vào phòng chim.

– Cửa ra vào cửa chim:

  • Kích thước cửa ra vào cho chim phải đặt ở trên để không bị cản trở lúc chim bay ra bay vào.
  • Kích thước lỗ cửa nhỏ nhất là 30 x 20cm, lớn nhất 45 x 30cm, lỗ ra vào rộng quá thì căn phòng sẽ bị sáng, không thích hợp với chim.
  • Nếu là nhà yến mới xây thì kích thước lỗ ra vào của chim phải là 40 x 80cm. Hướng đặt lỗ cửa ra vào phụ thuộc vào hướng đường chim bay và hướng gió.
  • Nền nhà không cần lót gạch nhưng phải có một số chậu, bể nước không cạn, rộng để điều hòa độ ẩm của không khí. Từ nền có các ống nước đi lên theo vách tường 1,5m. Khi cần ta mở vòi, nước sẽ rỉ theo mặt tường làm cho căn nhà có độ ẩm như mong muốn.
  • Cần có rãnh dọc theo tường để khỏi làm hỏng sàn nhà và lỗ thoát nước khi làm vệ sinh. Ta cũng có thể lắp thêm hệ thống bơm nhỏ để bơm nước lên, đi qua ống nhựa đục lỗ rồi để nước chảy xuống các chồng gạch trong hồ (giống như lạo bơm dùng cho hồ cá).

– Thời gian kết thúc xây nhà nên kết thúc trước mùa sinh sản khoảng 2 tháng để mùi vôi và ximăng bay bớt và ngôi nhà trở nên cũ hơn.

4. PHÒNG CỦA CHIM YẾN:

– Độ cao của mỗi tầng nhà chim ít nhất là 2m (vùng lạnh). Tuy nhiên cần chú ý là có khoảng thông tầng. Làm sao cho bầu không khí trong phòng giống như trong các hang vách đá tự nhiên.

– Số tầng: Tối thiểu là 2 tầng. Nhà yến 1 tầng ít có cơ hội thành công hơn bởi nó quá thấp, không thuận tiện về đường bay của chim, nhiệt độ, độ ẩm khó điều chỉnh, ít điều kiện để chim lựa chọn 1 chỗ thích hợp nhất cho nó.

– Số phòng:

  • Nếu không đặt phòng dạo chờ ở phía trên, vẫn cần thiết kế một phòng dạo cùng tầng với phòng nghỉ. Vì khi chim đi vào nhà, chim thích bay lượn, lúc trong phòng dạo trước khi vào phòng nghỉ qua 1 cửa.
  • Ngôi nhà chia làm nhiều phòng tối thiểu 4m x 4m (cao 3 – 4m) nếu do điều kiện phòng hẹp hơn chút ít thì chiều cao phải tăng lên thậm chí có thể bỏ vách ngăn giữa 2 phòng liền kề làm cho nó rộng thêm.
  • Giữa các phòng nhỏ còn có cửa thông với nhau. Kích thước và kiểu dáng cửa giữa các phòng có thể khác nhau, lý tưởng là 20 x 20cm.
  • Lỗ thông tầng: Trong các nhà có nhiều tầng thì bao giờ cũng có 1 khoảng trống thông tầng thẳng từ trên xuống, khu vực này không có sàn nhà, để chim có thể bay lượn tự do giữa các tầng 1 cách dễ dàng như trong khe sâu của hang đất hoặc miếng lam bằng ximăng.

– Xà gỗ trong phòng chim yến:

  • Các xà gỗ hoặc miếng làm được gắn thêm trên trần nhà để chim bám và tăng diện tích làm tổ. Kích thước các ván gỗ hoặc miếng lam này dày 1,5 – 2cm, rộng từ 15 – 20cm.
  • Nếu làm bằng gỗ cần phải chọn loại gỗ tốt để làm các thanh gỗ trên trần nhà nhưng không được lưu lại mùi của gỗ mới vì chim không thích ở nhà có mùi lạ. Có thể sử dụng gỗ teach là loại gỗ xốp nhẹ, dai bền, không mùi, màu trắng vì chim bám rất dính vào loại gỗ này.

5. SƠN NHÀ VÀ ÁNH NẮNG:

Quét nhà bằng vôi trắng là tốt nhất, màu trắng dễ chịu, phẳng và không dễ bị hư hỏng. Mặt trong nhà chỉ có thể tô trát tường mà không quét vôi. Tuy nhiện hiện nay qua thực tiễn xây dựng nhà yến theo công nghệ mới, Công ty Nhà Yến Nha Trang đã vận dụng những tấm lưới nhựa (màu xanh) đóng vào mặt tường trong nhà, kết quả chim làm tổ trên mặt lưới này rất khả quan. (Thu hoạch tổ chỉ cần gỡ lớp dưới xuống thật tiện dụng và vệ sinh).

Cường độ ánh sáng trong nhà yến: Trong tự nhiên chim rất thích sống ở chỗ tối nên khu vực chim làm tổ phải có ánh sáng gần như trong hang động (0,2 – 0,6 lux).

6. ĐỘ ẨM VÀ NHIỆT ĐỘ:

– Độ ẩm: 75- 90%

– Nhiệt độ: 27 – 290C

– Để tạo được nhiệt độ và độ ẩm như trên, chúng ta cần thực hiện những việc cần thiết sau đây:

  • Độ cao của căn nhà hợp lý.
  • Địa thế của căn nhà xây theo chiều gió, giúp đem lại hơi ẩm ướt trong không khí.
  • Hướng cửa hợp lý và cần xem xét hướng chim bay đi về trong ngày.
  • Để giữ được nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng mờ tối ta cần phải tính đến sự thông gió. Kiểu lỗ thông gió có thể là ống thông gió hình chữ “L”,hình ống thẳng đặt xéo hoặc chừa các cửa sổ nhỏ trực tiếp khi xây nhà theo kiểu so le giữa 2 lớp gạch. Ống thông với lỗ hỏng phải ổn định và có biện pháp chống côn trùng bay vào tổ. Cũng có thể lắp 1 số quạt quay thông gió.
  • Điều chỉnh độ ẩm: Trong phòng chim yến làm các hồ nước cạn ở giữa phòng hoặc xây các ống nước theo tường từ nền lên cao 1,5m có rãnh thu gom nước chảy về 1 phía để tiện vệ sinh nhà yến. Sự phun tưới nước xung quanh nhà yến giúp hạ thấp nhiệt độ và tăng độ ẩm.

7. KHUÔN VIÊN NHÀ CHIM YẾN:

– Lý tưởng nhất là ngôi nhà nên xây trong một khuôn viên có đất xung quanh để chim có 1 sân lượn (4 x 4m). Xung quanh tường nhà chim cần làm 1 rãnh nước nhỏ để tránh kiến bò vào.

– Cần làm tường rào để bảo vệ ngôi nhà. Khuôn viên có thể trồng thêm cây như chuối, sung, keo đậu… nhưng không được cao quá lỗ cửa để tránh cản trở khi chim bay ra bay vào.

8. THIẾT BỊ HỖ TRỢ:

– Ván gỗ: Nếu chọn ván gỗ thì phải chọn loại gỗ mềm, xốp rỗ mặt và có độ dai bền, cho phép móng sắt nhọn của chim bám dễ dàng, nước bọt dính dễ dàng.

– Thiết bị phun nước, phun sường. Máy bơm nước PUW – 2300 chuyên dùng cho nhà yến, giúp duy trì độ ẩm ổn định (75 – 85%) giảm nhiệt độ, hạn chế sự sinh trưởng của nấm móc, và nhờ đó bảo đảm chất lượng của tổ yến.

– Nhiệt kế và ẩm kế: Theo dõi nhiệt độ và ẩm độ trong nhà yến.

– Máy đo ánh sáng PML – 06.

– Đầu đĩa CD, đĩa CD phát tiếng kêu gọi bầy đàn.

– Gương soi có cần để kiểm tra trứng. Đèn dầu tiện lợi cho người đi thu tổ.

– Tổ giả để kích thích chim làm tổ.

– Dung dịch có mùi kích thích hấp dẫn chim yến.

– Bột rãi sân nhà tạo mùi thân quen.

– Thuốc diệt các loài động vật (như chuột, gián, kiến, rận rệp…) gây hại cho yến.

9. PHUN QUÉT CÁC MÙI ĐẶC TRƯNG QUEN THUỘC:

– Chim yến có khứu giác rất nhậy, do vậy nhà yến sẽ được phun dung dịch có mùi thơm hữu cơ để chúng ngửi thấy giống như mùi cơ thể chúng cùng với tiếng gọi bầy đàn, mùa giao phối thì sẽ khuyến khích chúng chấp nhận ngôi nhà đó như là nhà mới của mình để làm tốt sinh sản.

– Sân nhà có thể rải một ít phân chim, chú ý khi nhà bẩn đừng rửa. Tuy nhiên ở những nhà đã quá đông chim yến ở thì phải thường xuyên dọn phân chim vì nếu không căn phòng sẽ quá nóng do sự toả nhiệt trong quá trình phân huỷ chất thải và làm tăng nồng độ NH3, CO2…

10. PHƯƠNG PHÁP DỤ CHIM:

Sử dụng CD có tiếng gọi của chim yến. Khi nghe tiếng chim gọi bạn tình nhiều lần từ đĩa CD phát ra, những con chim yến vô tình bay ngang qua gần đấy sẽ bay đến ngôi nhà có tiếng gọi bạn.

Đi tìm nơi phát ra tiếng gọi chúng sẽ bay dần vào trong nhà. Khi đã bay vào nhà rồi chim nhận thấy điều kiện sống phù hợp với chúng, do đó nhiều chim gọi nhau đến tiếp mỗi ngày, số lượng, đàn chim nhiều hơn và dần dần về làm tổ ở đây.

Chú ý thiết kế loa dụ yến

11. GẮN TỔ GIẢ:

Dùng tổ giả gắn lên ván tổ hoặc tường để dụ chim đu bám hoặc kích thích chim làm tổ.

12. QUẢN LÝ NHÀ CHIM:

– Sắp xếp và phòng vệ ngôi nhà yến thật tốt.

– Dọn sạch sẽ các gỗ vụn và loại bỏ dịch hại.

– Khi phân chim quá nhiều cần dọn bớt.

– Chú ý độ ẩm và nhiệt độ nhà chim.

– Xây dựng chương trình thu hoạch chính xác.

13. ĐỊCH HẠI:

– Chuột: Là loài chim yến khiếp sợ nhất, cho dù đã có vài lần làm tổ trong nhà yến như khi có chuột trong nhà yến sẽ bay đi nơi khác. Do vậy khi làm nhà phải tìm mọi cách không để chuột vào nhà yến từ cửa, ngạch, trần, mái, ống thông gió v..v… Có điều kiện để chuột trú ẩn, khi thấy chúng phải tìm cách hủy diệt hoặc ngăn chặn.

– Chim đại bàng, Quạ, Cú mèo… không để chúng bay quanh khu vực nhà yến, không để cơ hội cho chúng bay vào nhà bắt yến mà tìm cách diệt chúng hoặc xua đuổi chúng đi nơi khác.

– Bồ câu và những con chim nhỏ làm kinh động và làm nhiễu đường bay của yến, ta cần tác động và làm chúng tránh xa ngôi nhà yến.

– Dơi: Làm quấy động, ăn trứng và yến con nhất là về mùa khô. Khi có mặt của dơi yến sẽ bay đi nơi khác. Không trồng cây ăn trái ở khu vực nhà yến.

– Mèo: Chúng rình trên trần nhà, lỗ ra vào, cần giảm thiểu cây cối, cộc rào … mèo dùng để trèo vào nhà.

– Kiến và Dán: Chúng kéo nhau đến làm tổ trong tổ yến và yến sẽ bỏ tổ (dùng thuốc diệt)

– Nhện: tuy không trực tiếp gây hại nhưng mạng nhện sẽ quấy nhiễu khiến yến lỗ ra vào và nơi làm tổ (các thanh khung, gốc nhà…). Cần chú ý: sau vài giờ, màng nhện bị phá chúng sẽ làm trở lại, tốt nhất là diệt hết hoặc ngăn chặn trước.

– Rệp: một là quấy rối, khi lắp đặt trần và khung lỗ không tạo ra kẻ hở giữa các thanh khung và trần nhà (kẻ hở là nơi ẩn náu của rệp).

Nguồn: Nhayen được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Một số yếu tố quyết định thành công nuôi yến trong nhà

Nuôi yến nhà ngày càng phổ biến bởi hiệu quả kinh tế mà nó mang lại. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công bởi nhiều người không tìm hiểu kỹ các phương pháp đã học theo xây nhà nuôi yến. Để tránh trường hợp thua lỗ do thiếu kỹ thuật, Farmtech VietNam xin giới thiệu một số yếu tố quyết định thành công nuôi yến trong nhà.

A. ĐẶC ĐIỂM SINH LÝ, SINH THÁI CỦA CHIM YẾN

Đã định danh chim yến tổ trắng sống ở hải đảo và trong nhà ở các nước Đông Nam Á là Colloccalia fuciphaga. Chim yến sống làm tổ trong hoang đảo ven biển, phân loài chim yến ở Việt Nam có tên là Colloccalia fuciphaga germani hay còn gọi là Aerodramus fuciphagus germanicus.

Yến tổ trắng Aerodramus fuciphagus germanicus

1. Điều kiện khí hậu, môi trường trong nhà thích hợp để chim Yến sinh sống làm tổ.

Nhiệt độ trong nhà yến là từ 26-31°C, tuy nhiên tùy theo vùng miền, chim yến vẩn có thể chấp nhận sống trong điều kiện nhiệt độ trung bình bên trong nhà không đồng đều.

Trong môi trường ẩm độ 74% – 85%, số lượng cá thể chim yến làm tổ trong mùa sinh sản luôn cao và tương đối ổn định hơn trong môi trường độ ẩm cao.

Chim yến vẫn chấp nhận làm tổ và sinh sản ở môi trường ẩm độ cao 89-92% nhưng sản lượng có thể giảm 15-18%, trường hợp này rất dễ bị tổn thương cho các vật dụng trang thiết bị trong nhà yến.

Chim yến không vào làm tổ khi độ ẩm luôn thấp dưới 74%.

Cường độ ánh sáng trong nhà yến phải dưới 50 lux.

2. Hướng lỗ ra vào của nhà yến

Theo kết quả nghiên cứu chim yến sống ở các đảo thì các cửa hang tự nhiên đều ở trong 3 hướng là Đông, Nam và Bắc. Ở hang cửa hướng Đông chiếm 55,6%, hướng Nam và hướng Bắc chiếm 44,4%. Chim Yến thường chọn hang có cửa hướng Đông là do có sự tương thích về thời gian và chu kỳ chiếu sáng. Hướng lỗ ra vào của các nhà yến cũng thường được bố trí theo các hướng này.

Chọn theo hướng Đông, nếu chuồng cu nằm ở một phần ở giữa nhà yến thì có một phần trong nhà yến bị ảnh hưởng nhưng cường độ ánh sáng dưới 0,5 lux không ảnh hưởng đến sinh hoạt chim yến, nếu chuồng cu nằm ở cuối nhà yến cùng hướng Đông thì toàn bộ nhà yến cường độ ánh sáng dưới 0,02 lux, nếu chuồng cu nằm ở cuối nhà yến là hướng Tây thì toàn bộ nhà yến cường độ ánh sáng dưới 0,5 lux và chỉ cần chỉnh sửa ở phòng chim bay dạo.

Tuy nhiên vẫn có nhà chim yến mở lỗ ra vào ở hướng Tây và chim yến vẫn về tốt.

3. Chu kỳ hoạt động ngày đêm của chim yến tại nhà yến

Chim yến hoạt động chủ yếu vào ban ngày. Thời điểm chim Yến rời nhà được ghi nhận là từ 5g28-5g36 phút sáng khoảng 17-18 phút và về nhà là 16g55- 17g15 phút chiều khoảng 86- 87 phút. Tuy nhiên, các thời điểm này sẽ có sự dao động qua các tháng và nhân tố chi phối sự dao động này là sự thay đổi chu kỳ chiếu sáng và các hoạt động của chim trong mùa sinh sản.

Số lần rời và về nhà yến trong ngày theo thay đổi đời sống chim yến theo mùa sinh sản và rất rỏ ràng.

Trong mùa sinh sản chim yến rời và về nhà yến, thời kỳ chim ghép đôi và làm tổ 1 lần/ngày, thời kỳ chim đẻ và ấp trứng 2 lần/ngày, thời kỳ nuôi và chăm sóc con non 4-5 lần/ngày

4. Đặc điểm và tập tính sinh sản của chim yến

Chim yến sinh sản theo mùa, vào khoảng giữa tháng 01 chim bắt đầu xây tổ, đến giữa cuối tháng 3 bắt đầu đẻ trứng.

Chim yến đực và cái cùng nhau làm tổ, cùng ấp và nuôi chim con, sinh sống khá ổn định, bay đi, bay về đúng hang, đúng tổ theo những hướng khá ổn định.

Chim non nở ra trụi lông, màu hồng nhạt, da nhăn nheo. Sau 5 – 6 ngày tuổi, đâm lông tơ, lông mọc rất ít, chậm và giữ ít lông như vậy đến khoảng 20 ngày tuổi và mọc khá đều ở 30 – 40 ngày tuổi, khoảng 45 ngày thì bay được.

Chim yến 8 – 10 tháng tuổi thành thục và đẻ trứng lần đầu.

Chim xây tổ 30-80 ngày, giao cấu và đẻ trứng 5 – 8 ngày, ấp trứng: 23 ÷ 30 ngày, từ trứng nở đến lúc chim non bay khỏi tổ là 43 ± 3 ngày..

Chim yến nhà bắt cặp ghép đôi sống chung sau 3-4 tháng tuổi.

Nhịp độ sinh sản phụ thuộc vào phương pháp thu hoạch tổ. Nếu sau khi chim yến làm xong tổ và chuẩn bị đẻ thì bị lấy tổ không cho chim ấp nở nuôi con thì chim sẽ lập tức làm tổ lại nên chim nhà có thể đẻ nhiều lần trong chu kỳ một năm.

Trong nhà yến để chim tự ấp nở thì mỗi năm mỗi cặp chim chỉ có thể đẻ khoảng 3 lần. Một chu kỳ sinh sản của chim khoảng 3-4 tháng, trong đó 1-2 tháng là xây tổ và 2,5 tháng ấp nở nuôi con, và có thời gian nghỉ nhưng về quần đàn thì chim yến nhà đẻ rải rác quanh năm.

Chim yến đực và cái cùng nhau làm tổ, cùng ấp và nuôi chim con, sinh sống khá ổn định, bay đi, bay về đúng hang, đúng tổ theo những hướng khá ổn định.

Mục đích chim yến tổ trắng làm tổ là để đẻ trứng, ấp và nuôi con, không phải làm tổ để ở nên chim không di cư vào mùa đông.

B. NHỮNG ĐIỀU CẦN NẮM RÕ KHI XÂY DỰNG VÀ VẬN HÀNH NHÀ YẾN

1. Ván làm tổ cho chim yến

Chim yến tiết nước bọt làm tổ để sinh sản nên tổ rất dính và gắn được trên nhiều vật liệu như đá, tường gạch tô cement, tấm bêtông và ván gổ …, nhưng không gắn trên sắt thép và ván nhựa giả được vì không thấm nước.

Ở Indonesia, trước năm 1996, thời kỳ đầu của ngành nuôi chim yến, ván Teak (Giả Tị) được chọn dùng vì nhiều nhà chim yến tự nhiên vào ở là dùng ván Teak làm rui kèo cột, đòn tay.., chim yến làm tổ trên các tấm ván này. Ván giả tị có đặc điểm tốt cho chim yến làm tổ là thớ gỗ lớn, xốp nhẹ, hút nước nhanh, còn ván căm xe, gỏ, trắc …dùng không hiệu quả vì thớ gỗ nhỏ, cứng nặng, hút nước chậm ít .. và đắt tiền.

Các nhà khoa học và chủ nhà yến đã khảo sát và kết luận chim yến thích gắn tổ lên trên các tấm ván vì chim dể bám hơn trên tường gạch đá. Khi chim treo mình làm nền tổ, nước bọt phun ra ván hút nước tốt hấp thu khô nhanh nên chim làm nền tổ xong nhanh, chim không bị mệt mỏi vì chân và cơ bắp không phải hoạt động nhiều khi chim treo mình làm tổ.

Ván giả tị không mùi, không có vị đắng và ít bị mạt gỗ xâm hại, khi đóng chắc chắn không lung lay, đây là một yếu tố quan trọng để chim yến đeo bám lên ván ở lại nhà yến.

2. Luân chuyển không khí trong nhà yến

Để một nhà yến lôi cuốn được chim về ở các yếu tố về môi trường phải thực hiện đồng bộ, nhưng yếu tố “ Không khí trong nhà yến luân chuyển với mức độ nào “ thường bị bỏ qua ,và đây là một yếu tố quan trọng để chim yến sau khi vào thăm dò và có quyết định ở lại hay không trong thời gian đầu của nhà yến từ 2-3 tháng? Trong thời gian đầu chim yến vẫn đến thăm viếng và trú ở ban đêm, nhưng sau 1-2 tháng số chim ở lại giảm dần và đến thời gian làm tổ gần như vắng bóng chim quần đảo trên nhà yến.

Hiện tượng chim yến về, quần đảo thải phân dính khắp tường thông tầng hay lác đác vài con, vào trong một nhà yến mà âm thanh, nhiệt độ, ẩm độ và ánh sáng đều đạt là do không khí trong nhà yến không luân chuyển đúng yêu cầu, được chuyển động từ dưới lên và thoát ra lỗ ra vào vào các lỗ thoát khí được bố trí đúng.

“ Nhà yến làm đúng kỹ thuật, chắc chắn chim về ở, mỗi năm tăng đàn càng nhiều, nhà yến làm không đúng kỹ thuật thì không thể thành công được vì chim không ở được, yếu tố lộc trời cho là số lượng chim về ở ngày mỗi nhiều mà ai cũng mong ước có vài kg tổ /tháng”

Yếu tố không khí luân chuyển trong nhà yến, theo tôi rất quan trọng so với các yếu tố môi trường khác trong nhà yến. Đây là yếu tố mà nhiều nhà yến ở dễ bị vướng và dẫn đến tình trạng nấm mốc, không khí trong nhà yến luôn nóng hầm khiến chim không thể ở được. Việc chỉnh sửa phải đục phá tốn kém với việc sửa chữa các yếu tố khác trong nhà yến.

==> Thiết kế nhà yến là yếu tố quan trọng bậc nhất để có được căn nhà yến thành công.

3. Nuôi yến tại vùng lạnh

Trong 2-3 tháng mùa đông, có từng đợt rét lạnh xảy ra vài ngày, nhiệt độ xuống thấp dưới 18°C, sau đó thời tiết trở lại bình thường, nhiệt độ giao động từ 20-25°C. Ở nhiệt độ này chim yến vẫn sinh hoạt kiếm ăn, tung cánh vươn mình lên trời cao nắng ấm săn mồi. Chim yến không rời nhà lúc sáng sớm mà chờ đến khi mặt trời lên cao có nắng chiếu, chúng bay vút ra ngoài lên cao và đi xa đến những vùng có nhiệt độ cao hơn để săn tìm mồi ăn côn trùng. Chiều chúng về sớm, những ngày có mưa phùn gió rét thổi, chúng bay thật nhanh ép mình cách những dãy tường nhà 50-100 cm để khi đến nhà là chúng quẹo quập vô.

Cũng như các loài động vật khác, trong những ngày rét đậm nhiệt độ xuống càng thấp thì các loài động vật rất cần năng lượng để chống chọi cái lạnh.

Chim yến chết vì không có mồi ăn, không có đủ năng lượng để duy trì thân nhiệt đến mức thấp nhất đối kháng với cái lạnh thì chim yến chết. Để duy trì sự sống, chính chim yến phải tự đi săn tìm mồi ăn côn trùng ngay khi có thể trong những ngày mưa phùn gió lạnh hoặc do chính chủ nhà yến cung cấp.

4. Ánh sáng cho nhà yến

Các nhà Điểu học của Việt Nam đã khảo sát và xác định chim yến chỉ sống và làm tổ trong hang đảo, trong nhà yến là những nơi có ánh sáng dưới 50 lux. Chim yến không sống ở những nơi hoàn toàn tối “0 lux”, sống và làm tổ ở những nơi lờ mờ tối có ánh sáng từ 0,2 lux trở lên nhưng không xác định bao nhiêu là thích hợp.

Ánh sáng chỉ ảnh hưởng đến đời sống của chim yến vào ban ngày sau thời kỳ chim quẹt nước bọt làm tổ, là thời kỳ chim đẻ trứng, ấp trứng, chăm sóc nuôi con. Khi làm nhiệm vụ duy trì nòi giống, chim yến phải bảo vệ tổ, bảo vệ chim non nên không thích tổ bị nhìn thấy, tổ bị ánh sáng chiếu chim cảm thấy không an toàn. Đây cũng là đặc điểm của những loài chim sống trong hang động giấu tổ để bảo vệ bản thân và chim non khỏi kẻ thù. Khi đẻ và ấp trứng chim chọn những nơi không có ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào, thường chọn những nơi lờ mờtối. Nhờ đặc điểm này mà các loại chim khác như én nhạn, yến cỏ, se sẽ, bồ câu và những chim dữ như cắt, đại bàng, diều hâu và két không xâm nhập vào nơi trú ở của chim yến quấy rối và giết hại.

Trong nhà yến, ánh sáng tối đến “0 lux”, môi trường và âm thanh, mùi sinh cảnh đạt, nếu cần chổ cư trú và sinh sản, chim yến cũng sẽ chỉ cư trú ở các khu vực gần lổ ra-vào, phòng bay dạo và khu vực lổ thông tầng nơi trong nhà yến có độ sáng lớn hơn “0,2 lux”. Ở khu vực này nếu không có đóng ván, chim buộc lòng phải làm tổ trên tường, gốc nhà yến.

Những nơi có ánh sáng lờ mờ tối 0,2 lux trở lênnày thường nằm ở phía sau những vật bị chiếu sáng như sau những tấm ván nên chim yến thường tập trung ở và làm tổ ở các vùng tối này.

Ánh sáng trong nhà yến hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng hay màu sắc của tổ yến. Màu sắc của tổ yến bị tác động bởi ẩm độ và tình trạng vệ sinh trong nhà yến.

5. Độ ẩm trong nhà yến

Chim yến sống tốt trong nhà yến, chấp nhận được ở nhiệt độ không quá 32oC và không thấp hơn 20oC. Độ ẩm trên 65% là chim yến chấp nhận ở được trong nhà yến nhưng khi làm chim làm tổ sinh sản. Theo nhiều khảo sát, độ ẩm phải trên 73% chim mới làm tổ được, nếu không chim sẽ rời bỏ nơi cư trú để đến những nhà yến khác có môi trường độ ẩm thích hợp vì dưới độ ẩm này, nền tổ yến bị bong tróc không dính được vào vách hang hay tấm ván.

Độ ẩm này phải xuyên suốt trong cả thời gian chim bắt đầu quẹt nền tổ, sinh sản, ấp trứng, chăm sóc nuôi dưỡng chim non. Trong những đàn chim yến, việc sinh sản duy trì nòi giống diển ra liên tục trong suốt năm mặc dù trong năm là có những lúc vào vụ chính và vụ phụ sinh sản nên độ ẩm trong nhà yến phải duy trì liên tục và thường xuyên ngày và đêm kể từ khi nhà yến hoạt động.

6. Tạo mùi cho nhà yến

Phân chim yến thải ra ngoài còn chứa nhiều xác côn trùng với nhiều chất dinh dưỡng do hệ thống tiêu hóa của chim chưa xử lý và hấp thụ hết. Ở môi trường tự nhiên, dưới tác động của các loài vi sinh vật có trong phân, có trong tự nhiên đã phân hủy xác côn trùng tạo hỗn hợp mùi đặc trưng tự nhiên của protein chuyển hóa thành các Acid Amin và có các mùi của các khí NH3, H2S, NO2 , NO, CO, CO2 trộn lẫn.

Dùng phân dụ yến

Chim yến sinh ra và lớn lên đều quen thuộc với hỗn hợp mùi này “ thoang thoảng mùi khí Amoniac, mùi tanh của nội tạng côn trùng, mùi thơm của các Acid Amin, mùi trứng thối, mùi xác chim chết thối rửa, mùi vật chất hữu cơ đang còn trong quá trình phân hủy và cuối cùng là mùi thối thủm lông vũ ướt hầm hơi. Các mùi này được gọi là mùi “sinh cảnh trong nhà yến”, là mùi quen thuộc của chim yến vì ngay từ khi mổ vỏ trứng mở mắt chào đời, chim yến non đã cảm thụ được… do vậy, cách tạo mùi sinh cảnh trong nhà yến đều dựa trên việc tổng hợp các mùi này.

 

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật chăn nuôi hươu sao

Nhung hươu là sừng non của con hươu, chứa nhiều mạch máu là thực phẩm rất bổ dưỡng dành cho mọi người đặc biệt là người mới ốm dậy, trẻ em và người già. Không những vậy, nhung hươu còn hổ trợ điều trị một số bệnh như: tăng cường sinh lý, thiếu máu,suy dinh dưỡng, chống lão hóa…

1. Các hình thức chăn nuôi hươu sao

  • Nuôi nhốt: Là nuôi nhốt hoàn toàn trong chuồng, có đặc điểm dễ chăm sóc nuôi dưỡng, nhưng không thoả mãn tập tính, sinh lý vật nuôi. Vì thế chúng ta nuôi nhốt nhưng phải có sân chơi.

  • Nuôi bán tự nhiên: Là hình thức nuôi vừa có chuồng nuôi vừa có đồng cỏ chăn thả, hình thức này môi trường sinh thái của con vật được mở rộng hơn, phù hợp mọi hoạt động sống hoang dã của nó, hình thức này cũng rất phù hợp cho điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng.

  • Nuôi tự nhiên: Không có chuồng trại mà chỉ khoanh vùng nuôi với diện tích lớn. Hình thức này khó quản lý chăm sóc nuôi dưỡng.

2. Chuẩn bị chuồng trại

  • Việc xây dựng chuồng trại phải đạt được các mục đích sau đây:

– Phù hợp với các đặc tính sinh lý của hươu.

– Có độ bền vững, chắc chắn không cho hươu thoát ra ngoài và đi mất.

– Phải tiết kiệm nguyên vật liệu, vật liệu làm chuồng không ảnh hưởng tới sức khoẻ của hươu.

  • Vị trí xây chuồng:

– Phải cách nhà một khoảng hợp lý tránh ô nhiễm và tiếng động, mùi vị ô nhiễm, phải là nơi cao ráo nhưng phải là vị trí mà mùa đông thì ấm áp, mùa hè thoáng mát.

  • Hướng chuồng:

– Tốt nhất là xây dựng chuồng hướng nam hoặc đông nam để điều hoà được không khí của chuồng nuôi.

  • Nền chuồng:

– Phải có độ dốc từ 1 – 2o và phải cao hơn vùng đất xung quanh 10 –15cm.  Nền chồng có thể làm bằng xi măng láng nhám hoặc bằng đất nện chặt đều được.

  • Diện tích chuồng:

– Hươu đực phải đạt mỗi con trên 6m2 trở lên. Hươu cái có thể lớn hơn một chút để có thể giao phối ngay trong chuồng. Nhưng hiện nay thường làm chuồng hai ngăn để tiện vệ sinh và phối giống. Chuồng hai ngăn này thường rộng khoảng là 12m2 trở lên.

  • Xử lý và chế biến thức ăn trước khi cho hươu ăn.

– Thức ăn cho hươu: Thức ăn xanh phải non, ngon, sạch, không để thức ăn quá ướt nước, nhất là nước bẩn vì vậy trước khi cho ăn thì phải được rửa sạch để ráo nước, thì mới cho hươu ăn. Một số cây thức ăn như lá cây mía, cây cỏ voi trước khi cho ăn thì cần cắt ngắn chừng 10-15cm, các loại củ quả dùng làm thức ăn cho hươu thì đem thái lát cắt mỏng làm nhỏ, thức ăn có chứa độc tố thì cần xử lý loại bỏ độc tố rồi mới cho hươu ăn

– Không cho hươu ăn các thức ăn ôi thối kém phẩm chất.

– Cần trồng một số cây hươu thích ăn để chủ động nguồn thức ăn cho hươu.

– Cho hươu ăn uống sạch sẽ: Hươu là động vật nhai lại nhưng trong ăn uống hươu rất sạch sẽ, chính vì thế hươu ít mắc bệnh tật, thức ăn xanh được kẹp thành một dãy phía ngoài chuồng để hươu có thể thò cổ ra ăn, máng ăn được bố trí dốc vào phía trong chuồng có độ cao khoảng 30 – 40cm, rộng máng là 60cm, dài là 1,2 m vừa để bỏ cỏ hoặc cành lá cho hươu rút ăn từ từ.

– Để đảm bảo vệ sinh ăn uống cho hươu: chuồng rộng có sân chơi thì không nên xây máng gần chồng vì thế công tác vệ sinh không bảo đảm, hươu sẽ dễ bị một số bệnh đường tiêu hoá. Vì vậy nên dùng máng ăn, máng uống di động sẽ giữ được vệ sinh sạch sẽ hơn. Sau khi hươu ăn xong thì nên chùi rửa máng, để khô ráo sạch sẽ để lần sau cho ăn tiếp.

3. Kỹ thuật cho hươu ăn

  • Cho ăn đúng cách: Hươu chủ yếu hoạt động vào ban đêm, ban đêm hươu ăn tới 60% tổng số thức ăn của khẩu phần, vì vậy mỗi lần cho ăn trong ngày không nhiều, ban ngày hươu ăn ít mà dành thời gian nhai lại thức ăn qua đêm.

Đây là một đặc điểm hết sức quan trọng mà người chăn nuôi cần nắm biết. Vì vậy lịch phân bố cho hươu ăn như sau:

– Bữa thứ nhất: 6-7 giờ sáng cho ăn 15% thức ăn xanh.

– Bữa thứ hai: 9-10giờ sáng cho ăn 15% thức ăn xanh.

– Bữa thứ ba: 13-14 giờ chiều cho ăn 10% thức ăn xanh cộng với thức ăn tinh trong ngày.

– Bữa thứ tư: 17 – 18giờ tối cho ăn 30% thức ăn xanh.

– Bữa thứ năm: 22 giờ tối cho ăn 30% thức ăn xanh.

  • Thức ăn tinh không được cho hươu ăn vào buổi sáng vì ăn như vậy sẽ làm cho hươu ăn ít thức ăn xanh

4.4. Vận động – Tắm nắng – Tắm chải

  • Vận động

– Tuỳ thuộc vào hình thức nuôi khác nhau nên cho hươu vận động khác nhau. Hươu là động vật còn mang tính hoang dã nên rất thích vận động, chạy, nhảy rất hiếu động nên khi bị bó hẹp trong nuôi nhốt thì rất khó chịu. Chúng ta nên tạo diện tích sân chơi cho hươu bằng cách khoanh vùng rộng bằng rào chắn cao 2 – 2.5m thì khả năng vận động và tắm nắng của hươu được tốt hơn và thích nghi với điều kiện sinh lý của nó hơn, ít gây ra các hiện tượng ức chế (strees), con vật thoải mái hơn, góp phần tiêu hoá, trao đổi chất được tốt hơn.

– Nếu không có điều kiện thì cần phải thiết kế mái che có lắp tấm kính có độ rộng 40x50cm cho nắng rọi vào 1giờ/ngày. Có thể thiết kế chuồng cho nắng xuyên vào chuồng 7-8 giờ/ngày.

  • Tắm chải

– Thứ tự tắm chải từ đầu đến mông, từ trên xuống dưới, mỗi lần chỉ cần 5- 10 phút. Trước khi tắm chải phải tập làm quen với con vật để tạo cho nó có phản xạ có điều kiện.

– Trong quá trình tắm chải chú ý phát hiện một số ký sinh trùng như ve, ghẻ, lỡ, loét…Nếu có hãy dùng các biện pháp sau:

* Bắt diệt liên tục bằng cơ học.
* Dùng Ivermactin điều trị nội ngoại ký sinh trùng để tiêm 1ml/7kg trọng lượng.
* Dùng các thuốc sát trùng ngoài da và khử trùng chuồng trại.

– Định kỳ dọn vệ sinh chuồng trại.

4.5. Chăm sóc nuôi dưỡng hươu đực

Nuôi dưỡng, chăm sóc và quản lý hươu đực trong giai đoạn làm đực phối giống.

  •  Nuôi dưỡng: Hươu đực phối giống cần ăn đúng khẩu phần thức ăn là:

– Thức ăn xanh: 20-22kg.
– Thức ăn tinh: 0.6- 0.8kg.
– Thức ăn củ quả: 2.5 –3kg.
– Thức ăn giàu đạm: 0.5 –0.6kg.
– Thức ăn bổ sung( Premix khoáng, Premix Vitamin, muối ăn) 30-35g.

Trong thời gian làm đực phối giống hươu đực cần đủ chất dinh dưỡng để tăng cường việc sản xuất tinh trùng, đảm bảo chất lượng tinh dịch cho phối giống. Hoạt động giao phối cần nhiều sức, nên trong thời kỳ này cần cho ăn thêm các thức ăn có nguồn gốc giàu đạm, cho ăn các loại thức ăn khoáng đa lượng, khoáng vi lượng, và các loại Premix Vitamin A, D, E, B, tổng hợp.

Nên cho ăn xen kẻ các loại thức ăn ủ mầm như thóc, ngô mầm… rất cần thiết cho sản xuất tinh trùng.

  • Chăm sóc và quản lý đực phối giống:

– Mỗi tháng nên tắm chải cho hươu đực 2- 3 lần, dọn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cho vận động tắm nắng thường xuyên, về mùa phối giống thường tập trung vào mùa nắng nóng nên cho hươu nghỉ ngơi trong bóng mát, để cho hươu được yên tĩnh, không nên gây các ảnh hưởng gây strees trong mùa phối giống, nếu không hiệu quả phối giống sẽ đạt thấp

– Một đực giống nên ghép đôi từ 3- 4 con cái/ năm.

– Thời gian phối giống cho hươu thường từ tháng 4-10 dương lịch hàng năm.

– Cách giữa các lần phối giống là 10 –15 ngày.

– Tuổi phối giống lần đầu là 24 tháng tuổi, tốt nhất 3 – 9 năm tuổi.

– Đặc tính hung hăng trong mùa phối giống điều này chứng tỏ chúng còn mang tính hoang dã đấu tranh để đựơc phối giống, bộ lông vào mùa phối giống có màu nâu đen sao không nổi rõ, dưới bộ phận sinh dục, lúc nào cũng ướt sũng.

– Tiêu chuẩn cho một đực phối giống là: Trọng lượng đạt 55kg trở lên, hai hòn cà to đều, bộ phận sinh dục hoàn thiện, khoẻ mạnh không bệnh tật, gốc sừng to mập, khoảng cách giữa hai gốc sừng rộng, năng suất nhung đạt từ 0.8kg trở lên, tính hăng trong mùa phối tốt và ít hung dữ, dễ phối, hiệu quả phối đậu cao. Chuồng phối có diện tích là 8m² lên.

  • Nuôi dưỡng, chăm sóc và quản lý hươu đực trong giai đoạn cho nhung, cắt nhung, sau cắt nhung.

– Nuôi dưỡng: Hươu đực cho nhung, cắt nhung, sau cắt nhung. Cần ăn đúng khẩu phần thức ăn là:

* Thức ăn xanh: 18-22kg/ngày
* Thức ăn tinh: 0.6- 0.8kg/ngày
* Thức ăn củ quả: 2 –2.5kg/ngày.
* Thức ăn bổ sung( Premix khoáng, Premix Vitamin, muối ăn) 30-35g.
* Nước uống:12-14 lít nước.

– Cho hươu được ăn khẩu phần này 1-2 tháng trước khi bắt đầu đổ đế, để nâng cao chất lượng cũng như trọng lượng nhung thì trong giai đoạn này cần cho hươu ăn nhiều lá cỏ hỗn hợp, nhất là các loại cây có mủ, thức ăn tinh cần phối trộn nhiều thành phần như khô dầu, cám ngô, cám gạo để cân đối chất dinh dưỡng trong khẩu phần.

– Trong thời gian này hươu đực cần đủ chất dinh dưỡng để tăng cường việc sản xuất, tổng hợp nhung, đảm bảo chất lượng nhung thì cần cho ăn đủ cho ăn các loại thức ăn khoáng đa lượng, khoáng vi lượng, và các loại Premix Vitamin A, D, E, B, tổng hợp, muối ăn…

– Giai đoạn ra nhung (giai đoạn thúc nhung) kéo dài khoảng 55 –60 ngày.Lúc này khẩu phần cho hươu thay đổi:

* Thức ăn xanh: 20-25kg.
* Thức ăn tinh: 0.6- 0.8kg.
*Thức ăn củ quả: 2.5 –3kg.
* Thức ăn giàu đạm: 0.5 –0.6kg.
* Thức ăn bổ sung( Premix khoáng, Premix Vitamin, muối ăn) 35 – 40g.
* Nước uống:12-14 lít nước.

– Chăm sóc và quản lý hươu đực cho nhung, cắt nhung, sau cắt nhung: Dọn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cho vận động tắm nắng thường xuyên, để cho hươu được yên tĩnh, không nên gây các ảnh hưởng gây strees làm cho hươu húc vào thành chuồng gây dập nát nhung, ảnh hưởng xấu đến tốc độ phát triển của cặp nhung.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Kỹ thuật nuôi tằm trên nền xi măng

Gia đình anh Thanh từng phát triển kinh tế gia đình bằng việc trồng cây mì, cây bắp nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Thực hiện việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, anh Thanh quyết định đầu tư trồng dâu nuôi tằm. Qua tìm hiểu, anh đã gặp gỡ được người có cùng sở thích nuôi tằm và được chỉ dẫn khá tường tận cách nuôi tằm theo phương pháp nuôi mới trên nền xi măng, cũng như việc sử dụng giống dâu mới F7 với nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống dâu truyền thống như: lá dày, kháng bệnh tốt, giúp tằm ăn no lâu, đặc biệt có thể tiết kiệm được thời gian và công hái. Sau 4 tháng trồng dâu để đảm bảo đủ nguồn thức ăn cung cấp cho tằm, anh Thanh bắt tay vào mô hình chuyển đổi mới.

Nuôi tằm trên nền xi măng

Nuôi tằm trên nền xi măng, trước hết phải xây những nhà tằm riêng biệt, cách ly với nơi sinh hoạt của gia đình. Mô hình nuôi tằm mới này vừa tiết kiệm thời gian, lại giảm được chi phí mua nong. Nhất là giảm công cho ăn và dọn phân mà vẫn không ảnh hưởng đến con tằm, cái kén. Trước kia, khi nuôi trên nong phải cho tằm ăn liên tục, thì nay nuôi trên nền xi măng giảm tới 60% thời gian chăm sóc. Thay vì dọn phân hàng ngày, giờ đây 5 ngày mới dọn 1 lần. Không những vậy, nuôi tằm trên nền xi măng diện tích rộng hơn nên tằm ăn được nhiều hơn và kén sẽ nặng hơn. Thay vì một nong tằm thường chỉ cho 40 kg kén, thì nuôi trên nền xi măng cho khoảng từ 50 đến 55 kg kén. Mỗi lứa anh Thanh nuôi 3 hộp tằm, sau khoảng 10 – 12 ngày tằm chuẩn bị “chín”, người nuôi căng lưới trên nền nhà, tằm tự bò lên lưới để vào né. Tằm lên né, nền nhà được dọn dẹp sạch sẽ, cho nghỉ khoảng 7-10 ngày rồi tiếp tục nuôi lứa tằm mới. Bình quân 1 tháng, anh Thanh nuôi 2 lứa, sau khi trừ chi phí anh thu lãi trên 15 triệu đồng/tháng. Mô hình mới này đã đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình anh Thanh.

Nuôi tằm trên nền xi măng

Tuy nhiên, theo anh Thanh nuôi tằm trên nền xi măng phải đặc biệt chú ý tới việc giữ vệ sinh, phòng chống sinh vật hại như ruồi, kiến, chuột. Nhà tằm trước khi nuôi phải được sát trùng đúng kỹ thuật, đảm bảo thông thoáng, không ẩm thấp. Hiện đã có nhiều hộ đến học hỏi kinh nghiệm và xin anh Thanh cây giống dâu mang về trồng để chuyển sang mô hình nuôi tằm mới này.

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi dúi

Dúi trong tự nhiên đang khan hiếm dần do săn bắt nên hiện nay Dúi không đủ cung cấp cho thị trường.

Sau 3 năm nghiên cứu về con Dúi và đã thành công trong việc thuần hoá và gây nuôi sinh sản vì vậy Nhóm nghiên cứu (Trung tâm BDKT và ĐTN cho nông dân Vĩnh Phúc) và GS. Nguyễn Lân Hùng giới thiệu với bà con nông dân một số kinh nghiệm về nuôi Dúi, với mục đích giúp người nông dân có cơ hội tiếp cận để nuôi loại vật nuôi này.

Dúi được xếp vào loại thức ăn đặc sản, thịt ngon, mát, giàu đạm. Dúi là con nuôi mới, dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp (chuồng trại, con giống, thức ăn), ít nhân công, vòng xoay vốn nhanh, ít rủi ro. Nuôi Dúi ít vốn, tốn ít diện tích, thức ăn rẻ dễ kiếm. Trước nhu cầu của thị trường thì con dúi đang được bà con nông dân trên cả nước nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng đã đưa vào nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi giới thiệu một số kinh nghiệm trong nuôi Dúi.

Thức ăn

Trong tự nhiên, dúi ăn chủ yếu rễ tre và măng tre. Ngoài ra, dúi còn ăn các loại hạt, củ, quả, thân cây mía…

Khi nuôi thức ăn: cây họ nhà tre (măng bát độ, tre, trúc, bương…) không ăn lá, cây họ nhà mía (cỏ voi, các loại mía… ) nó chỉ ăn phần thân cứng không ăn lá (đây là hai loại thức ăn hàng ngày bắt buộc phải có khi nuôi Dúi) và nó ăn một số loại thức ăn khác như: củ khoai lang, củ sắn, nghô (đây là phần thức ăn bổ sung cho Dúi trong quá trình mang thai và nuôi con, và trong quá trình nuôi thương phẩm).

Làm chuồng nuôi sinh sản

Mỗi ô chuồng rộng khoảng 50 cm, dài 0,8 – 1 m xây tường cao 70 cm bên trong tô xi măng thật láng hoặc ốp gạch men (gạch loại), nền bê tông hoặc lát gạch. Đây là chuồng thiết kế cho nuôi sinh sản, mỗi ô chuồng dùng cho một con.

Kỹ thuật nuôi dúi

Làm chuồng nuôi thương phẩm

Làm chuồng nuôi thương phẩm, mỗi ô chuồng rộng khoảng 2 m2 trở lên, xây tường cao 70 cm trở lên (dúi leo trèo kém), bên trong tô xi măng hoặc ốp gạch men (gạch loại), nền bê tông hoặc lát gạch. Trong chuồng đặt khoảng các ống cống nhỏ hoặc nhiều các gốc cây, số lượng này phụ thuộc vào mật độ đàn nuôi thương phẩm chú ý mật độ càng nhiều thì cần nhiều các ống và các loại gốc cây để chúng chú ẩn, tránh nhau để không cắn nhau…

Chú ý: Có thể sử dụng chuồng nuôi thương phẩm để nuôi sinh sản tuy nhiên người nuôi Dúi cần phải nhận biết được khi nào con Dúi cái mang thai và phải tách nó ra trước khi nó sinh sản, nếu không khi sinh sẽ bị con khác ăn con hoặc có thể nó cũng ăn con. Khi sử dụng chuồng nuôi thương phẩm để nuôi sinh sản thì người nuôi phải chấp nhận hao hụt đàn bố mẹ do trong quá trình nuôi chúng sẽ cắn nhau có thể sẽ bị chết.

Khi thiết kế chuồng nuôi cần chú ý trong chuồng phải được mát về mùa hè, nếu mái che lợp lá, đảm bảo thông thoáng nhưng ít ánh sáng rọi vào chuồng. Bố trí làm chuồng ở khu yên tĩnh.

Kỹ thuật nuôi dúi

Sinh sản

Mỗi năm dúi đẻ 4 lứa, mỗi lứa 2-5 con, nuôi con rất giỏi, hao hụt ít. Nên cho dúi ăn đầy đủ và đúng khẩu phần trước, trong và sau khi sinh.

Dúi cái mang thai 45 ngày. Lúc mới ra đời dúi con không có lông và chưa mở mắt. Khoảng 15 ngày sau khi sinh dúi con mở mắt và vài tuần sau sẽ mọc lông. Sau 01 tháng ở với mẹ, dúi con trưởng thành và bắt đầu ăn được thức ăn như tre, mía… tuy nhiên nên sử dụng loại tre bánh tẻ vì răng nó chưa khoẻ, lúc này nó tự sống độc lập. Sau khi tách con thì nên ngừng cho ăn một ngày và sau 3 ngày thì kiểm tra và ghép đôi với Dúi đực.

Một số chú ý khi chăm sóc Dúi sinh sản:

Kiểm tra Dúi cái động dục: xách đuôi con Dúi cái lên kiểm tra nếu thấy bộ phận sinh dục của nó có màu hơi hồng, đưa tay lên vuốt nhẹ thấy nó hơi lồi ra, có thể ướt bộ phận sinh duc là con cái có biểu hiện động dục.

Tiến hành ghép đôi: chọn con đực (nên chọn con đực có kích thước tương đương con cái hoặc to hơn một ít) thả vào chuồng con cái và quan sát nếu thấy con đực và con cái quấn quýt với nhau thì để nguyên như vậy, nếu thấy con đực và con cái gằm ghè nhau thì thay con khác. Chú ý sau 2 ngày tiến hành quan sát con cái nếu thấy con cái co biểu hiện vú hơi căng, bộ phận sinh dục bắt đầu se lại thì con cái đã được đực. Nếu chưa quan sát quen thì tốt nhất để con đực và con cài ở với nhau trong vòng một tuần hoặc thấy con đực và con cái có biểu hiện gằm ghè nhau thì tách ra.

Chú ý: Khi ghép đôi con đực với con cái mà đã hợp nhau thì đánh dấu lại và lần giao phối sau nên sử dụng lại con đực. Mỗi con đực có thể quản lý được tối đa là 5 con cái tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của người nuôi và chu kỳ sinh sản của các con cái. Vì vậy khi bắt đầu nuôi nên sử dụng một đực một cái, sau khi đã có kinh nghiệm thì tăng dần số con cái lên.

Chăm sóc Dúi mang thai và sinh con: sau khi con cái được đực thì chú ý chế độ cho ăn: phải đủ tre, mía, và bổ sung thêm ngô hoặc khoai lang hoặc củ sắn.

Nuôi thương phẩm

Cần chú ý phải cho ăn đủ thức ăn để chánh khi đói chúng cắn nhau. Ngoài ra cần bố trí các vật chú ngụ sao cho phù hợp để hạn chế tối đa chúng cắn nhau.

Chưa phát hiện dịch bệnh xảy ra trên dúi khi nuôi. Tuy nhiên nếu cho ăn không đủ tre, mía, thì Dúi sẽ bị dài răng và thiếu nước sẽ bị chết hoặc để Dúi cắn nhau không phát hiện nó cũng rất dễ bị chết.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi trùn quế làm giàu

Tình cờ anh Hồ Văn Tây, 39 tuổi, một chủ trang trại ở Diên Xuân (Diên Khánh, Khánh Hòa) học được nghề nuôi trùn quế từ một người bạn Việt kiều ở Úc. Và nghề nuôi trùn quế đã giúp anh làm giàu sau bao lần thất bại trong kinh doanh.

nuôi trùn quế làm giàu

Anh Tây đưa tôi đi xem trang trại nuôi trùn quế của anh trên một ngọn đồi nhỏ, bạt ngàn mía và cỏ voi thuộc thôn Xuân Nam, xã Diên Xuân. Hàng dãy nhà lá nối tiếp nhau chạy dài như một nhà máy lớn. Bên trong từng căn nhà, các ô nuôi trùn xếp bằng gạch, nối tiếp nhau dày đặc một màu đen toàn phân và phân. Một công nhân đang tưới giữ ẩm cho các ô nuôi trùn. Anh Tây chỉ vào một ô nuôi, hồ hởi: “Nuôi trùn rất thú vị, phân bò đưa vào đây chỉ trong 10 – 15 ngày, con trùn đã biến phân sống thành phân vi sinh, bón rất tốt cho cây trồng. Con trùn quả là một nhà máy chế biến tuyệt vời…”.

Được biết, phân trùn là chất dinh dưỡng tuyệt vời đối với cây trồng. Phân chuồng sau khi qua “công đoạn” xử lý của trùn đã trở thành thức ăn bổ dưỡng, rất dễ hấp thụ đối với cây trồng. Chính vì vậy, trang trại của anh bán rất chạy loại phân này. Hiện nay, nguồn thu nhập chính từ trang trại là bán phân trùn. Mỗi tháng trang trại có thể sản xuất từ 15 – 20 tấn phân trùn. Với giá bán hiện tại 2.000 đ /kg, anh Tây thu về một nguồn lợi không nhỏ. Anh Tây cho biết, thị trường tiêu thụ phân trùn rộng khắp, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên, hiện nay trang trại không đủ sức cung cấp cho thị trường. Phân trùn có thể bón cho rất nhiều loại cây trồng: từ cây lương thực (lúa, màu), cây ăn quả (thanh long, cam, bưởi…), cây công nghiệp (cà phê, chè, tiêu, cao su…), đến cả cây cảnh; đây cũng là loại phân cao cấp không sợ bị lạm dụng. Dân trồng laghim ở Đà lạt (Lâm Đồng) rất thích tìm mua loại phân này. Để phát triển thị trường, anh Tây mua thiết bị chế biến phân, in bao bì (25 kg) và lập nhà kho để chứa phân.

Nuôi trùn quế rất đơn giản, sau khi đem phân bò về, lượm rác, sỏi đá, tạp chất; dùng thuốc xử lý vi khuẩn, mầm bệnh; đưa vào ô nuôi, tưới giữ ẩm và chờ ngày “ra” thành phẩm. Sản phẩm bao gồm: trùn quế (sinh khối) và phân vi sinh. Cả 2 đều có thể bán. Giá trùn quế sinh khối hiện tại 9.000 đ /kg, là thức ăn cao cấp của các loài tôm, cá, ba ba, heo, gà… Tuy nhiên, hiện nay việc bán sinh khối gặp khó khăn về đầu ra nên trang trại chủ yếu bán phân vi sinh và sinh khối cho các hộ có nhu cầu. Để có thức ăn cho trùn, mỗi tháng anh Tây mua khoảng 20 m3 phân chuồng, chủ yếu là phân bò ở các nơi về với giá từ 40 – 50 ngàn đồng /m3. Anh cho biết, tiền lãi nuôi trùn quế từ đầu năm đến nay đã lên tới 150 triệu đồng. Có thể nói, trùn quế là đối tượng nuôi kinh tế xếp đầu bảng, vượt xa các đối tượng nuôi khác trong nông nghiệp. Đến nay, anh Tây đã xây dựng được 10 trại nuôi, mỗi trại có diện tích 100 m2. Lượng sinh khối lên tới vài chục tấn. Để duy trì sản xuất, anh thuê 12 người giúp việc để nuôi trùn, trồng cỏ voi (1 ha) và chăm sóc đàn bò (70 con), thu nhập mỗi lao động từ 1 – 1,2 triệu đồng /tháng.

Được biết, ở nước ngoài, nghề nuôi trùn quế rất phát triển và con trùn được chế biến thành nhiều sản phẩm cao cấp như: trà trùn, biscuis trùn và phân trùn cũng là phân vi sinh cao cấp. Anh Tây cho biết, tổng vốn đầu tư vào trại trùn quế đến nay đã lên đến 500 triệu đồng nhưng anh rất tin tưởng vào tương lai của nghề này. Hiện tại, nhiều đơn vị trong đó có Công ty Cao su Việt Lào (Gia Lai) đang đặt vấn đề mua phân vi sinh của anh với số lượng lớn nhưng do khả năng còn yếu nên anh chưa dám nhận đơn đặt hàng vì sợ đáp ứng không đủ. Anh dự định sẽ mở rộng trại trùn lên 5.000 m2 để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Bí quyết nuôi thỏ sinh sản

Chuồng nuôi thỏ gồm 2 ô liên kết nhau theo chiều ngang, nhiều ô liên kết theo chiều dọc, tạo thành dãy chuồng kép…

* Rắc 4kg muối ăn/1m2 trấu lót nền nuôi, sẽ hết mùi khai từ phân và nước tiểu của thỏ

  1. Thiết kế chuồng

Nhà nuôi thỏ phải cao ráo, kín gió, có ánh sáng tự nhiên, có nhà nuôi thỏ sinh sản riêng, thỏ hậu bị riêng.

Bằng cách nuôi này, chỉ với hơn 100 thỏ sinh sản, mỗi tháng anh Nguyễn Văn Tiền ở huyện Văn Giang, Hưng Yên có lãi ròng hơn 10 triệu đồng.

Nền nhà phải bằng phẳng không thấm nước và dốc đều 15 độ xuôi theo rãnh gom nước thải ra bể xử lý bên ngoài.

Xây các lối đi cao 25cm, rộng 70cm. Khoảng cách giữa 2 lối đi rộng 1,2m là nơi kê đặt cho dãy chuồng nuôi thỏ.

Chuồng nuôi thỏ gồm 2 ô liên kết nhau theo chiều ngang, nhiều ô liên kết theo chiều dọc, tạo thành dãy chuồng kép, đặt cố định trên các cột ống nhựa lõi bê tông cốt thép, cao cách mặt nền 70 – 80cm.

Kích thước ô chuồng đơn, dài x rộng x cao = 80 x 50 x 40cm; ô chuồng kép 160 x 100 x 40cm.

Vật liệu làm chuồng là các nan thép hàn thưa, sao cho thỏ đứng không lọt chân, phân thỏ dễ rơi lọt xuống nền nhà.

Làm máng ăn bán tự động, để thỏ có thể dễ dàng lật máng vào ăn, người nuôi ngửa máng đổ thức ăn hoặc làm vệ sinh thuận lợi.

Tận dụng các vỏ chai nhựa coca cola loại 1,5 lít, lắp thêm van nước tự động cho thỏ uống, mỗi ô chuồng đơn treo 1 chai.

Có thể làm máng lõm trên mặt chuồng để chứa thức ăn thô xanh, khi thỏ ăn sẽ không dẫm đạp lên rau cỏ.

Dùng trấu lót sàn nền để hứng phân. Sau nuôi thỏ nuôi 4 – 5 ngày, rắc đều 4kg/1m2 trấu, sẽ khử hết mùi khai phân, nước tiểu và diệt khuẩn. Thay mới trấu và muối 2 tháng/1 lần.

Dùng rổ nhựa làm ổ cho thỏ đẻ (thỏ sẽ không cắn). Kích thước rổ: dài x rộng x cao là 40 x 30 x 15cm.

  1. Chọn con giống

     nuôi thỏ sinh sản

+ Con đực phải đạt trọng lượng trên 3kg, ngoại hình cân đối, khoẻ mạnh, không khuyết tật, tai rộng và cân, chân săn chắc, 2 tinh hoàn đều. Khi phối giống thỏ đực phải ghì chặt thỏ cái, sau giao phối thỏ đực đổ nằm xuống sàn chuồng, nhưng các chân vẫn ghì chặt thỏ cái đổ nằm theo.

+ Con cái cũng phải có thân hình cân đối, nhanh nhẹn, không dị tật, tai vểnh, lông mượt…

+ Khi phối giống, cho 2 thỏ đực thay nhau giao phối 1 thỏ cái cùng thời gian, sẽ đảm bảo phối giống thành công, rất hiếm khi phải phối lại. Thỏ mẹ sau đẻ 10 – 12 ngày có thể tiếp tục cho phối giống mang thai. Mỗi thỏ mẹ chỉ khai thác 7 – 8 lứa con thì dừng, thay mới bằng giống đã nuôi hậu bị. Cần tránh chọn giống bố mẹ cận huyết. Thỏ bố mẹ phải nuôi riêng, mỗi con 1 chuồng. Tỷ lệ đực cái đàn thỏ nuôi sinh sản là: 8 – 10 thỏ đực/100 thỏ cái, nhưng chỉ nuôi 10 thỏ cái cần 3 – 4 thỏ đực.

Thỏ đực nuôi sau 7 tháng, thỏ cái gần tháng mới cho phối giống. Kiểm tra thấy bộ phận sinh dục cái của thỏ chuyển màu đỏ tía (đã phát dục), thì cho giao phối.

Sau phối giống 28 – 32 thỏ sẽ sinh. Thỏ con sau sinh 25 – 30 ngày thì tách mẹ.

  1. Thức ăn

Thức ăn cho thỏ bao gồm rau củ quả phế thải từ nông nghiệp như, cà rốt, su hào, cỏ voi, thân cây ngô, lá rau các loại… Các loại thức ăn thô xanh phải rửa sạch để ráo nước mới cho ăn.

Tuyệt đối không cho thỏ ăn các loại rau còn dính sương, thỏ sẽ bị tiêu chảy.

Riêng cà rốt giàu dinh dưỡng, thỏ nhỏ chỉ cho ăn 1 củ/1 con/1 ngày, thỏ lớn cho ăn gấp đôi.

Thỏ cái sau sinh, ngoài thức ăn thô xanh, cám công nghiệp, cần cho ăn thêm mía hoặc uống nước đường nhạt 3 ngày liên tục để tăng sữa. Cám công nghiệp cách 1 ngày cho ăn 1 lần vào ban đêm, định lượng 0,2kg/1 con/1 ngày. Thời kỳ mang thai, cho ăn như trên, nhưng lượng cám công nghiệp giảm 1/2, ăn nhiều thỏ sẽ lú, đẻ kém.

Thỏ đực mỗi ngày 1 con cho ăn 0,1kg cám công nghiệp thỏ hoặc gà. Tuyệt đối không dùng cám công nghiệp của lợn và vịt, thỏ ăn sẽ bị tiêu chảy.

Thỏ con tách mẹ chỉ cho ăn công nghiệp, định lượng 0,1kg cám gà mảnh/5 con/ngày. Khi thỏ đạt 1 kg/1 con mới cho ăn rau và cám viên công nghiệp. Tuân thủ cách nuôi này đàn thỏ sẽ bảo toàn 100%.

  1. Phòng ngừa dịch bệnh

Vacxin xuất huyết thỏ cho thỏ sơ sinh, tiêm nhắc lại sau 6 tháng (thỏ hậu bị). Thỏ mẹ ngay sau đẻ tiêm kháng sinh Gentreks + thuốc bổ B12, tiêm nhắc lại 2 thuốc trên 2 tháng 1 lần.

Kiểm tra mỗi ngày, nếu chuồng nào có thỏ không ăn, uống phải cách ly ngay để chữa trị.

 

Hướng dẫn xây dựng chuồng trại nuôi hươu sao

Việc xây dựng chuồng trại phải đạt được các mục đích sau đây: Có độ bền vững, chắc chắn để hươu không chui ra khỏi chuồng trại. Phải phù hợp với đặc tính sinh lý của hươu. Phải tiết kiệm, không cầu kỳ mà vẫn đảm bảo phù hợp với các yêu cầu về khí hậu và vật nuôi.

Xây dựng chuồng trại phải quan tâm từ vị trí, nền, mặt bằng, diện tích, vật liệu xây dựng, hướng chuồng… không nên bỏ qua một chi tiết nào.

  1. Vị trí chuồng nuôi hươu

Mặc dầu đã được con người nuôi dưỡng từ lâu nhưng hươu sao vẫn rất ít quen người. Trong đó, hệ thần kinh vẫn còn nguyên vẹn các phản xạ tự nhiên của con vật hoang dại yếu hèn, luôn chạy trốn trước những biến động đột ngột. Vì thế, vị trí chuồng phải đảm bảo các yếu tố sau đây:

– Chuồng nuôi phải cách nhà ở một khoảng hợp lý, tránh ô nhiễm, tiếng ỗn.

– Phải đảm bảo kín về mùa đông, mát về mùa hè. Không nằm ở ngay nút giao lưu qua lại của người và các động vật khác thường gây ra tiếng động, mùi vị.

– Phải cao ráo, không có các loại cây thường xuyên rụng lá, rụng cành gây tiếng động tự nhiên (nếu đã có cây cối thỉ phải chặt ngay).

– Cần phải tạo ra một khoảng cách thích hợp giữa chỗ đi lại của con người, gia súc và chuồng, để không làm cho con vật sợ hãi khi có người hoặc vật nuôi xuất hiện…

Tóm lại, tuỳ vào sự bố trí vườn nhà cụ thể mà mỗi gia đình có thể chọn cho mình một vị trí thích hợp theo kinh nghiệm vừa kín vừa hở như nói ở trên.

  1. Hướng chuồng chuồng nuôi hươu

Việt Nam do khí hậu nhiệt đới gió mùa nên ta chọn hướng chuồng là hướng Nam hoặc Đông Nam để mát về mùa hè, ấm về mùa đông và ánh sáng được điều hòa suốt trong ngày, không gây ra chênh lệch cường độ ánh sáng lớn.

  1. Nền chuồng chuồng nuôi hươu

Phải có độ dốc từ 1 – 20 để thoát nước bẩn. Phải cao hơn vùng đất xung quanh.

– Nền đất nện: Đây là loại nền thông dụng có ưu điểm là chi phí ít. Nhưng trong một sộ trường hợp, hươu có thể đào bới, gây ra sự lỗi lõm và tích nước tiểu, phân… làm ô nhiễm chuồng. Khi chưa có điều kiện làm nền gạch, nền đất nện chặt vẫn là loại nền thích hợp.

– Nền gạch: Đây là loại nền tốt nhất, việc đi lại sinh hoạt của hươu rất dễ dàng, không gây tích nước, ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Trong điều kiện thiếu khoáng thì nền gạch cũng có thể bổ sung một phần, con vật liếm gạch để tăng khoáng cho cơ thể.

Cách làm: Dùng gạch đất dung (quá lửa) hay gạch lành tốt xây nằm hay xây nghiêng với vữa xi măng có miết mạch cân thận.

– Nền xi măng: Trước đây có nhiều người nghĩ rằng đây là loại nền tốt nhất. Nhưng trong thực tế, nền xi măng có nhược điểm lớn, lạnh về mùa đông, ẩm ướt về mùa hè, trong thi công nếu làm bóng mặt nền để dễ dọn chuồng thì thường làm cho hươu bị trượt chân, ngã…

Hướng phát triển là làm nền xi măng không nhẵn mặt, trong trường hợp có điều kiện thì làm thành từng tấm bê tông, ghép lại tạo điều kiện chống ẩm tốt hơn.

                                             chuồng trại nuôi hươu sao

– Nền gỗ: ở những nơi có điều kiện thì có thế làm nền bằng gỗ với loại gỗ dai không thấm nước bằng cách ghép các tấm gỗ lại với nhau. Nền đất phía dưới cần được nện kỹ, chống chuột làm tổ.

  1. Diện tích chuồng nuôi hươu

– Với hươu đực ít nhất cũng phải được 6m2/con (theo kích thược 3m x 2m hay 2,5m x 2,5m) và có điều kiện thì nên làm rộng hơn. Những con đực đã được chọn làm đực giống để phối cho các con cái của nhiều gia đình thì chuồng phải đủ rộng để chúng giao phối trong chuồng tốt.

– Với hươu cái: khoảng 5 – 6m2 /con là vừa, ít nhất phải được 4m2 /con.

  1. Vật liệu xây dựng chuồng nuôi hươu

– Gỗ: là vật liệu chủ yếu trong, xây dựng chuồng trại cho hươu. Ngoài việc dùng để làm các ô chuông, cột và róng, các kết cấu còn lại như cột, xà (kết cấu chịu lực mái) đều làm bằng gỗ là tốt nhất. Gỗ từ nhóm 4 trở xuống dùng để làm cột và róng chuồng. Kích thước cột khoảng từ 120 – 150 mm: 120 x 120 hoặc 150 x 150 (mm), róng có kích thước tiết diện khoảng từ 100 x 50 (mm) hoặc 100 x 60 (mm). Liên kết giữa róng và cột tốt nhất là đục lỗ hoặc dùng đinh. Sự liên kết giữa cột và róng phải thật chắc chắn.

Cột và róng nên bào trơn, mặt trong chuồng cân được vát cạnh để phòng gây xây xát cho hươu.

Chuồng nên làm cao 2m và chia làm 2 phần: 1m phía dưới: róng sẽ đóng dầy khoảng từ 50 – 60 (mm) để đề phòng hươu chui ra, nhất là hươu mới sinh, 1m phía trên đóng thưa hơn khoảng 100mm. Tất cả các róng nên đóng ngang (kinh nghiệm cho thấy: đóng róng dọc hươu rất dễ cho đầu ra ngoài, nếu không ra được do mông to hơn đầu thì hươu sẽ đập đầu vào chuồng mà chết (kể cả hươu con và mẹ).

Cửa chuồng cũng không nên làm róng dọc. Khi làm cần chú ý: róng dưới cùng chuồng được thay bằng một thanh giằng to hơn róng (gọi là thanh đà). Khoảng cách từ mặt nền đến mép dưới thanh giằng không vượt quá 50 mm nhằm không cho hươu thò chân ra ngoài khi nằm và hươu sơ sinh chui ra khỏi chuồng.

– Phần đỡ mái: Có thể làm bằng gỗ hoặc bằng tre. Tấm lợp có thể dùng ngói các loại, tôn hoặc fibrô xi măng (không nên dùng tấm lớp dễ cháy).

– Lưới thép: Trong điều kiện có kinh tế thì nên làm chuồng bằng lưới thép B40. Đây là loại chuồng thật sự an toàn. Cách làm là: vẫn dùng cột gỗ, chung quanh bọc bằng lưỡi thép. Dùng thép này làm hàng rào cũng rất an toàn và tiện lợi.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam