Kỹ thuật nuôi bồ câu trên đệm lót sinh học

Nuôi bồ câu trên đệm lót sinh học là một phương pháp hiện đại, giúp chim ít bị bệnh, từ đó ít sử dụng kháng sinh và kéo dài thời gian sinh sản.

Cách chọn giống bồ câu:

Chọn giống: Giống bồ câu Pháp được nhập vào Việt Nam từ tháng 05 năm 1998 phân bố tập trung ở các Trung tâm nghiên cứu giống gia cầm, nay đã được nuôi rộng rãi ở nhiều nơi

– Chọn mua con giống ở những cơ sở bán giống có uy tín, chất lượng, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y để sản xuất con giống, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

– Chọn mua những con mạnh khỏe, lông mượt, không có bệnh tật, dị tật, lanh lợi, con trống to hơn, đầu thô, có phản xạ gù mái (lúc thành thục) khoảng cách giữa 2 xương chậu hẹp hơn, con mái thường có khối lượng nhỏ hơn, đầu thon nhỏ, đuôi nhọn, khoảng cách giữa 2 xương chậu rộng hơn.

– Lông đa màu: Màu xám (chiếm 20%), màu trắng (chiếm 12%), màu nâu (chiếm 12%) và màu đốm (chiếm 4%) còn lại là những màu khác. Chân ngắn, vai nở, chim non mới nở nặng 17gr/con, lúc 28 ngày tuổi chim ra ràng nặng 530-580gr/con, lúc 4-5 tháng tuổi chim bắt đầu đẻ lứa đầu nặng 650-670gr/con và một năm tuổi chim sinh sản nặng 690gr/con, khoảng cách đẻ giữa hai lứa là 40- 45 ngày, trung bình mỗi năm 01 cặp chim đẻ từ 8-9 lứa (mỗi lứa là 02 con).

Chuồng trại nuôi bồ câu:

2.1. Vị trí xây dựng chuồng:

– Chọn khu đất cao ráo, dễ thoát nước

– Cách xa nhà ở và đường đi chung tối thiểu 10 mét

– Cách xa nguồn nước sử dụng gia đình tối thiểu 20 mét

– Cách xa khu công cộng (Khu vui chơi, giải trí, trường học, chợ …) tối thiểu 500 mét

Theo kinh nghiệm chuồng nuôi chim bồ câu phải thoáng mát, yên tĩnh thì chim mới mau lớn và đẻ tốt.

2.2. Thiết kế chuồng: Kiểu chuổng sàn, chuồng nền

2.2.1. Kiểu chuồng sàn (chuồng tầng): Nên làm bằng các vật liệu như cây gỗ, cây tre chẻ thành thanh nhỏ hoặc lưới chì. Đóng thành phên, ghép lại thành từng ô có thể nhiều tầng.

+ Chiều cao: 60cm

+ Chiều sâu: 60cm

+ Chiều rộng: 60cm

Mỗi ô chuồng nuôi 01 cặp chim sinh sản, mỗi ô chuồng cần đạt 02 ổ, ổ đẻ đặt ở trên cao, còn ổ nuôi con đặt ở dưới thấp, mỗi ô chuồng nên đặt thêm 1-2 cây sào đậu

Máng ăn, máng uống cho chim nên dùng bằng các chất dẻo đặt ở ngoài chuồng, không nên dùng bằng kim loại dễ bị gỉ sét.

Chuồng sàn cách mặt đất từ 40-50cm, chuồng sàn phải có mái che lợp bằng tôn hoặc lá, chuồng phải có đầy đủ ánh sáng, khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ, tránh mưa tạt gió lùa và tránh ồn ào.

2.2.2. Chuồng nền:

Chọn vị trí cao ráo, dễ thoát nước không bị ngập úng, nền chuồng tôn cao hơn mặt đất tự nhiên từ 30-40cm, mặt nền bằng đất nện chặt hoặc tráng xi măng.

Vật liệu làm chuồng bằng cây, mái lợp tôn hay lá, chuồng phải có đầy đủ ánh sáng, khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ, tránh mưa tạt gió lùa, tránh ồn ào. Chuồng có thể làm bằng các vật liệu như cây gỗ, cây tre chẻ thành thanh nhỏ hoặc lưới chì. Đóng thành phên ngăn theo từng ô, gạch xây bao xung quanh các ô, các dãy để ngăn chặn các chất độn chuồng.

Chuồng nền dễ làm ít tốn công lao động hơn chuồng sàn, chi phí mua vật liệu cũng rẻ hơn. Đối với chuồng nền có thể làm rộng lớn hơn chuồng sàn. Chiều cao là 1 mét, chiều sâu là 1 mét, chiều ngang là 60cm, được bố trí nuôi cho 01 cặp chim sinh sản, các ổ đẻ và ấp, ổ nuôi con, sào đậu và các máng ăn, máng uống cũng bố trí như chuồng lồng.

Sử dụng nệm lót sinh học nuôi bồ câu:

Bằng bột men chế phẩm Balasa. N01 chế phẩm tạo men vi sinh vật sẽ phân hủy phân chim và các chất thải của chim không gây mùi hôi thối, ảnh hưởng môi trường xung quanh và giảm được công dọn rửa vệ sinh chuồng trại…

3.1. Các nguyên liệu chuẩn bị để làm đệm lót: Chế phẩm Balasa N01 là 01kg, cám gạo loại tốt từ 3-5 kg, chất độn chuồng là cát khô sạch.

– Đối với chuồng sàn lồng tầng phải có bạt lót ở phía dưới sàn lồng, kéo thành bạt cao 12-15cm để hứng phân, các chất thải của chim và giữ cho chất độn không rơi ra ngoài.

– Đối với chuồng nền chỉ cần xây hoặc vây quanh các ô bằng gạch, gỗ ván, tôn … cao 15cm để giữ cho phân và các chất thải của chim, chất độn không rơi ra ngoài.

3.2. Tiến hành các bước và sử dụng nệm lót:

3.2.1. Đổ chất độn (cát) vào các ô có độ dầy từ 5-7cm. Sau khi rải xong tiến hành thả chim vào nuôi

3.2.2. Sau khi thả chim vào nuôi từ 7-10 ngày, khi thấy trên mặt chất độn rải rác có phân chim ta tiến hành các bước ủ gây men (ủ chế phẩm Balasa …)

3.2.3. Trộn đều 1kg bột men balasa N01 với 3-5kg cám gạo loại tốt. Sau đó cho từ 1-1,5 lít nước sạch xoa cho ẩm đều (bột ẩm không quá tơi hay không quá nhũn). Sau đó cho bột men vào túi ni lông hoặc vào thùng đậy kín và để vào nơi khô mát khoảng 2-3 ngày, khi bột men có mùi thơm men rượu là đạt yêu cầu, sử dụng được từ 35-50m2

3.2.4. Rác đều bột men lên toàn bộ bề mặt đệm lót và dùng cào, cào cho bột men chìm sâu xuống bề mặt đệm lót khoảng 2-3cm là được

Sở dĩ làm chất độn chuồng bằng cát để nuôi chim bồ câu là khác với làm chất độn bằng trấu và mùn cưa để nuôi gà, vịt… vì tập tính của chim bồ câu khác với các loại gia cầm khác là chúng hay quạt. cánh. Như vậy nếu sử dụng chất độn chuồng bằng trấu và mùn cưa khi mỗi lần chim quạt cánh, thì chất độn chuồng sẽ bay hết ra ngoài khỏi ô lồng, sẽ gây ô nhiễm, tốn công quét dọn và vệ sinh.

Bảo quản nệm lót khi nuôi bồ câu:Để sử dụng đệm lót được tốt và lâu dài chúng ta cần lưu ý một số điều như sau:

– Tránh không để mưa tạt, dột hay làm đỗ nước. nếu chỗ nào bị ướt phải thay ngay bằng chất độn mới,

– Không được phun xịt các loại hóa chất trực tiếp vào nệm lót sẽ diệt chết vi sinh vật

Nhu cầu dinh dưỡng thức ăn, nước uống cho chim bồ câu:

5.1. Nhu cầu dinh dưỡng:

Các loại thức ăn thường sử dụng nuôi chim bồ câu

– Thông thường chim ăn trực tiếp các loại hạt thực vật: Hạt đỗ, ngô, thóc, gạo … và một lượng thúc ăn cần thiết đã được gia công có chứa đầy đủ các đạm, khoáng và vitamin.

+ Hạt đỗ bao gồm: Đỗ xanh, đỗ đen, đỗ tương … Riêng đỗ tương lượng chất béo nhiều nên cho ăn ít hơn và phải rang trước khi cho chim ăn.

+ Thức ăn cơ sở: Thóc, ngô, gạo lứt, cao lương … Ngoài ra còn trộn thêm cám gà khoảng 20-30%. Yêu cầu thức ăn phải đảm bảo sạch , chất lượng tốt, không bị mốc mọt.

5.2. Nhu cầu thức ăn:

5.2.1. Cách phối trộn thức ăn:

+ Thức ăn cơ bản: Thông thường lượng hạt đỗ từ 25-30%, ngô, thóc, gạo lứt và thức ăn gà: 70-75%

+ Thức ăn bổ sung (chứa vào máng riêng): Khoáng Premix: 85%, muối ăn: 5%, hạt sỏi: 10%.

5.2.2. Cách cho ăn:

+ Thời gian cho chim ăn: – Buổi sáng lúc 8-9 giờ

– Buổi chiều lúc 14-15 giờ

+ Định lượng: Tùy theo từng lứa tuổi của chim mà chúng ta cho với lượng thúc ăn khác nhau, thông thường là bằng 1/10 trọng lượng cơ thể của chim như:

. Chim dò(từ 2-5 tháng tuổi): 40-50gr TĂ/con/ngày

. Chim nuôi con: 120-130gr TĂ/đôi/ngày

. Chim không nuôi con: 90-100gr TĂ/đôi/ngày

5.3. Nhu cầu nước uống:

Nhu cầu nước cho chim bồ không nhiều. Nhưng cần phải có đầy đủ nước sạch để chim uống tự do, không màu, không mùi. Trung bình mỗi đôi chim cần từ 200ml nước/ngày, có lúc tăng lên 300ml nước/ngày vào những ngày nắng nóng và ít nhất là 150ml nước/ngày vào những ngày trời lạnh.

Phòng bệnh khi nuôi bồ câu:

– Thường xuyên quét dọn, thu gom chất thải vệ sinh xung quanh chuồng trại, máng ăn, máng uống hàng ngày

– Định kỳ tẩy uế, sát trùng lối ra vào và những khu vực xung quanh chuồng trại.

– Hạn chế không để các loài động vật như chó mèo và người tham quan, qua lại khu vực chăn nuôi.

Nguồn: Nongdan.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Một số bệnh thường gặp ở bồ câu và cách phòng trị

Họ Bồ câu (danh pháp: Columbidae) là một họ thuộc bộ Bồ câu (Columbiformes), bao gồm khoảng 300 loài chim cận chim sẻ. Tên gọi phổ biến của các loài trong họ này là bồ câu, cu, cưu, gầm ghì.

Bệnh thương hàn

Bệnh do vi khuẩn Salmonella gallinacerum và S.enteritidis thuộc họ Enterbacteriacae gây ra. ChủngS. Gallinacerum có độc lực mạnh, gây bệnh cho bồ câu nhà, gà, vịt và nhiều loài chim hoang dã khác. Bồ câu các lứa tuổi đều bị bệnh, nhưng bị bệnh nặng và chết nhiều nhất ở bồ câu dưới một năm tuổi.

Triệu chứng chính: bồ câu bệnh lười vận động, kém ăn, uống nhiều nước. Sốt, đứng ủ rũ, thở gấp, tiêu chảy phân màu xanh hoặc xám vàng, lẫn máu.

Bệnh tích: niêm mạc đường tiêu hóa sung huyết, tụ huyết từng đám. Niêm mạc ruột non và ruột già bóc ra từng đám. Niêm mạc ruột già có hoại tử từng đám. Hạch limphô ruột tụ huyết.

Điều trị:

– Cho cả đàn uống 5 ngày một trong các loại kháng sinh sau: Oracin-pharm (1ml/1,5 – 2 lít nước uống); Enroflox 5% (2g/lít nước uống); Pharmequin, Pharamox G, Ampi-col (1g/lít nước uống); Pharcolivet, Ampi-col pharm (10g/2,5 lít nước uống); Pharmequin-max (1g/2 lít nước uống).

– Đồng thời cho uống kèm Dizavit-plus, 2g/lít nước uống.

Sau khi dừng kháng sinh, cho cả đàn uống men tiêu hóa (Pharbiozym, Pharselenzym) để phục hồi sức khỏe.

Bệnh cầu trùng (Pigeon coccidiosis)

Bệnh cầu trùng thường thấy ở bồ câu non 1 – 4 tháng tuổi với các triệu chứng tiêu chảy phân có nhiều dịch nhầy, đôi khi lẫn máu nên có màu sôcôla. Thông thường cầu trùng gây bệnh ở bồ câu nhẹ hơn ở gà, nhưng có ca bệnh nặng làm bồ câu tiêu chảy suy kiệt dẫn đến chết. Bệnh xảy ra vào vụ xuân – hè và thu – đông. Tại cơ sở ô nhiễm nặng bệnh có thể xảy ra quanh năm. Cầu trùng bồ câu có thể lây qua gà và ngược lại.

Điều trị: Bệnh cầu trùng có thể ghép vi khuẩn đường ruột (E.coli hoặc Salmonella…) cho nên cần điều trị cả 2 bệnh này cùng lúc.

– Pharticoc-plus, 10g/7 lít nước, liên tục 3 ngày, nghỉ 2 ngày rồi cho uống tiếp 2 ngày.

Hoặc Pharm-cox G, 1ml/lít nước uống, liên tục 48 giờ hoặc 3ml/lít nước uống, 8 giờ/ngày, liên tục 2 ngày để diệt cầu trùng.

– Cùng lúc cho uống kèm một trong các loại kháng sinh sau: Oracin-pharm (1ml/1,5 – 2 lít nước uống); Pharcolivet, Ampi-coli pharm (10g/2,5 lít nước); Pharmequin, Pharamox G, Gatonic-plus (1g/lít nước uống)…liên tục 3 – 5 ngày.

Các bệnh về giun, sán

Bệnh giun đũa.

Giun đũa Ascallidiosi columbae gây bệnh ở diều, ruột non, đôi khi ở thực quản. Vòng đời phát triển trực tiếp. Từ lúc cảm nhiễm đến lúc trưởng thành giun cần 37 ngày, có nghĩa mổ bồ câu ngoài một tháng tuổi mới thấy giun trưởng thành. Giun tròn như que tăm, màu trắng ngà. Giun cái dài 20 – 95mm, giun đực dài 50 – 70mm. Triệu chứng chính là bồ câu giảm ăn, gầy, lông xù, tiêu chảy, có khi chết do giun làm tắc ruột. Chim nuôi nhốt cũng bị giun nếu cho ăn thêm cát sỏi.

Bệnh giun ở diều bồ câu.

Bệnh do giun tròn Epomidiostomum uncinatum gây ra. Chúng ký sinh ở niêm mạc diều bồ câu. Giun đực dài 6,5 – 7,3mm, giun cái dài 2,0 – 11,5mm. Chúng gây tổn thương diều bồ câu, có khi gây viêm diều do nhiễm khuẩn thứ phát.

Bệnh sán dây.

Sán dây là loài ký sinh trùng nguy hiểm. Chim bệnh giảm ăn, gầy, đôi lúc tiêu chảy. Có con chết do búi sán làm tắc ruột. Bồ câu có thể nhiễm nhiều loài giun tròn khác. Để điều trị các loài này cho bồ câu uống Decto-pharm, 1g/1,5kgP/lần. 3 tháng tẩy một lần.

Sau tẩy giun sán, cho cả đàn uống 7 ngày men tiêu hóa Pharbiozym (2g/lít nước) và liên tục Phar-M comix để bổ sung khoáng vi lượng. Cho bồ câu bố mẹ uống Teramix-pharm (10g/lít nước) để tăng năng suất sinh sản.

Bệnh nấm diều

Bệnh do nấm Candidia albicans gây ra. Mẫn cảm nhất là bồ câu 1 – 2 tháng tuổi. Bệnh có thể lây qua dụng cụ, thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh. Cũng có thể do dùng kháng sinh phổ rộng dài ngày.

Triệu chứng: Đầu tiên xuất hiện những lớp vảy da màu vàng nhạt ở trong mỏ, có thể bóc tách dễ dàng, không chảy máu. Sau đó tạo những mụn loét ăn sâu xuống ngã tư hầu họng và diều. Chim bệnh ăn ít, tăng trọng kém, gầy, tiêu chảy. Thỉnh thoảng nôn ra chất nhầy lẫn thức ăn, mùi hôi. Diều chim bệnh sa, loét miệng. Chim non bị nặng hơn chim trưởng thành, chậm mọc lông.

Hộ lý: Tiêu hủy hết vật rẻ mau hỏng và phân trong chuồng bồ câu, vệ sinh sạch sẽ. Phun sát trùng chuồng và khu vực chăn nuôi bằng dung dịch chứa Iod, CuSO4 1% hoặc formol 2,5%. Loại tất cả thức ăn nghi nhiễm nấm như Ngô, khô dầu đỗ tương. Cho ăn cám gà đẻ với khối lượng = 1/10 trọng lượng bồ câu.

Điều trị:

– Cho cả đàn uống Nấm phổi GVN, 10g/2,5 – 3 lít nước uống hoặc 10g/30kgP/ngày, liên tục 7 ngày để diệt nấm.

– Cho uống chung với một trong các loại kháng sinh sau: Pharamox G, Pharmequin, Enroflox 5%, Orain-pharm… liên tục 5 ngày để diệt vi khuẩn bội nhiễm.

– Cho ăn/uống Phartigum B, 2g/10kgP/ngày hoặc 2g/lít nước uống để giảm đau, tăng lực.

Tốt nhất hòa tan lượng thuốc cần thiết, phun ướt đều vào cám rồi cho ăn, như vậy bồ câu mẹ vừa mớm được thức ăn lẫn thuốc cho bồ câu con.

Bệnh Niu cát xơn (NCX)

Bệnh Niu cát xơn (NCX) do virus gây ra. Triệu chứng chính: Chim bệnh ủ rũ, tiêu chảy phân màu trắng, đột tử, chân khô, diều căng đầy hơi hoặc thức ăn không tiêu hóa. Tỷ lệ chết có thể lên đến 90%. Có con bị vặn cổ, mặt ngửa lên trên, đi xoay vòng theo phía cổ bị vặn. Có khi đứng không vững, lăn quay ra nền chuồng. Những cá thể bị thần kinh thế này lâu chết nhưng thải mầm bệnh ra môi trường rất nguy hiểm, cho nên cần tiêu hủy.

Xử lý ổ dịch như sau:

A/ Dùng ngay vacxin NCX thẳng vào ổ dịch.

– Đối với chim dưới 1 tháng tuổi nhỏ Laxoota hoặc ND-IB 2 lần cách nhau 14 ngày. Lần đầu có thể nhỏ cho chim trong tuần tuổi đầu tiên.

– Đối với chim trên 1 tháng tuổi nếu trước đây đã nhỏ vacxin phòng NCX, nay tiêm ngay 0,3ml vacxin nhũ dầu hoặc các loại vacxin phòng NCX với liều như tiêm cho gà.

Nếu trước đây chưa dùng vacxin nhỏ lần nào thì nhỏ ngay, 7 ngày sau mới dùng vacxin tiêm.

B/ Kết hợp cho uống kháng sinh (Oracin-pharm, Pharamox G, Pharmequin, Gatonic-plus…) diệt vi khuẩn bội nhiễm và thuốc tăng thể trạng (Dizavit-plus). Dùng phác đồ như điều trị bệnh Thương hàn.

Bệnh mổ lông, rụng lông

Bồ câu mổ lông nhau, đặc biệt chim bố mẹ mổ lông chim con hoặc chim bị rụng lông có thể do chim bố mẹ thiếu khoáng vi lượng, vitamin trong thời kỳ nuôi con, cường độ ánh sáng mạnh, mật độ nuôi dày, stress (tiếng ồn, chó mèo đe dọa…), thức ăn không đảm bảo chất lượng (mốc, mọt), đơn điệu làm lông rụng kích thích con khác mổ, ngoại ký sinh trùng…

Điều trị bằng cách loại bỏ các nguyên nhân kể trên và cho uống thuốc như sau:

– Pharotin-K, 10g/2,5 – 3 lít nước uống, liên tục 7 ngày.

– Phar-Calci B12, 10 – 20ml/lít nước uống, liên tục 7 ngày.

Sau đó bổ sung thường xuyên khoáng vi lượng Phar- M comix, 1g/lít nước uống.

Đối với bồ câu sinh sản định kỳ cho ăn/uống Teramix-pharm (10g/lít nước uống hoặc 1g/kgP/ngày), 5 – 10 ngày/đợt/tháng hoặc liên tục tùy điều kiện từng cơ sở.

Lịch phòng bệnh cho bồ câu

– Trong giai đoạn 3 – 10 ngày tuổi nhỏ vacxin Lasota hoặc ND.IB, 2 tuần sau nhỏ nhắc lại lần 2. Sau đó cứ 1 – 2 tháng cho uống một liều vacxin ND.IB (hoặc Lasota) để phòng bệnh Niu cát xơn và bệnh viêm phế quản truyền nhiễm.

Tốt nhất đối với bồ câu ngoài 1 tháng tuổi tiêm vacxin nhũ dầu với liều 0,3ml/con hoặc H1 (M) tiêm liều như cho gà để phòng bệnh Niu cát xơn. Đối với bồ câu sinh sản một năm tiêm nhắc lại một lần vacxin nhũ dầu.

– Qua 10 ngày tuổi chủng đậu cho bồ câu. Cách dùng và liều dùng như chủng cho gà.

– Định kỳ 2 – 3 tuần, đặc biệt khi thời tiết thay đổi cho uống một đợt 3 ngày một trong các loại kháng sinh sau: Pharamox G, Pharmequin, Ampicol, Pharamox (1g/lít nước uống); Enroflox 5% (2g/lít nước uống); Pharmequin-max (1g/2 lít nước uống); Pharcolivet, Ampi-coli pharm (10g/2,5 lít nước uống)… để phòng bệnh tiêu chảy, hô hấp do vi khuẩn.

Các loại thuốc diệt khuẩn, ký sinh trùng, nấm… dùng phòng trị bệnh Bồ câu như dùng cho gia cầm.

– Một năm 2 lần tẩy giun sán bằng cách cho uống Decto-pharm (1g/1,5kg thể trọng để tẩy giun, sán dây), Pharcado (2g/4kg thể trọng để tẩy giun, sán dây) hoặc Pharcaris (10g/25 – 30kg thể trọng để tẩy giun tròn).

Nguồn: Nongdan.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Phòng, trị bệnh đậu cho chim bồ câu

Hiện nay, phong trào nuôi chim bồ câu đang phát triển. Đã có nhiều gia trại nuôi chim bồ câu với số lượng vài chục đôi đến hàng trăm đôi; khi chăn nuôi với số lượng nhiều, vấn đề phòng chống dịch bệnh càng cần được quan tâm.

Thời tiết mùa xuân và mùa hạ, nhiệt độ và độ ẩm cao, muỗi phát triển nhiều, đây là nguy cơ lây lan bệnh đậu trên đàn bồ câu. Bệnh Đậu ( Nổi trái) Bồ Câu do một chủng pigeon pox virus thuộc họ avipoxvirus gây bệnh nghiêm trọng cho khoảng 60 loài chim và gia cầm có ở khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt các loại chim cảnh: chim hót, bồ câu, hải âu, vẹt…rất dễ mắc bệnh.

Các mụn đậu nổi lên nhiều phần không có lông hoặc chưa mọc lông : mỏ, mép, quanh mắt, đùi, chân..thậm chí mụn đậu mọc trong thanh quản, khí quản. Có hai dạng mụn: khô và loét sùi, ướt do các nhiễm trùng kế phát.

Bệnh gây khó chịu cho chim, với chim non tử vong cao do khó ăn, khó nuốt hoặc nhiễm trùng máu do vi khuẩn kế phát. Chim lớn khỏi bệnh giảm khả năng bay và đua.

Đặc điểm của bệnh đậu ở chim bồ câu

  • Do virus gây ra.
  • Tạo thành các mụn đậu, thường ở những phần không có lông (mào, tích, quanh mắt, chân). Các loại gia cầm đều có thể mắc bệnh.
  • Gây tỷ lệ chết cao cho gà con, chim non.
  • Bệnh xảy ra nhiều vào mùa xuân, mùa thu.

    Đường lây lan của bệnh đậu ở chim bồ câu

  • Chủ yếu qua các vết xây xát ở vùng da không có lông.
  • Lây trực tiếp từ con ốm sang con khỏe.
  • Do muỗi đốt và truyền mầm bệnh từ con ốm sang con khoẻ.

    Triệu chứng của bệnh đậu ở chim bồ câu

  •  Mụn đậu mọc ở những vùng da không lông (mào, tích, xung quanh mắt, chân, mặt trong cánh).
  • Mụn có màu sắc khác nhau, từ màu trắng trong, màu hồng thẫm rồi chuyển sang màu xám.
  • Mụn đậu khô dần, đóng vảy, tạo thành nốt sẹo có màu vàng xám.
  • Trường hợp mụn ở mắt làm cho chim bồ câu bị mù.
  • Mụn đậu mọc trong thực quản, chim bồ câu thường không ăn, uống được và chết.

    Bệnh tích * Dạng hầu họng

    Bệnh tích: mụn đậu mọc trên niêm mạc miệng, thực quản

  • Thường xảy ra ở chim bồ câu non.
  • Gây các vết loét ở miệng, họng.
  • Làm cho chim bồ câu khó ăn, khó thở rồi chết.
  • Trong miệng và họng có lớp màng giả màu vàng xám.
  • Chim bồ câu dễ bị nhiễm vi khuẩn kế phát.

    Phòng bệnh đậu ở chim bồ câu

  •  Phòng bệnh bằng chủng vaccine đậu gà.
  • Vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ, dùng thuốc diệt côn trùng theo định kỳ.

    Chống bệnh đậu ở chim bồ câu

  • Cạy mụn đậu và cạo hết bã đậu sau đó bôi dung dịch Glyxerin i-ốt, 1% Xanh Metylen lên mụn đậu (bôi hàng ngày), ít ngày sau mụn đậu sẽ khô dần và tự bong.
  • Trường hợp chim bồ câu bị đậu ở niêm mạc miệng, có thể dùng thuốc sát trùng nhẹ như a-xít bô-ríc 3%.
  •  Bổ sung thêm vitamin, đặc biệt vitamin A. Nếu bệnh nặng cần bổ sung thêm kháng sinh phòng vi khuẩn bội phát.
  • Các chất thải của chim bồ câu, ổ đẻ cần đốt hết.
  • Phun sát trùng tiêu độc thường xuyên trong thời gian chim bồ câu bị bệnh.
  • Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng (cho ăn, uống tốt, bổ sung các thuốc trợ sức, trợ lực) để tăng sức đề kháng cho chim bồ câu.

Nguồn: Tiepthinongnghiep.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cam Ranh: Làm giàu từ “nuôi bồ câu bằng nhạc”

Giữa cánh đồng trơ trụi nắng cháy ở thôn Hiệp Thanh, xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) lại mọc lên một trang trại nuôi chim bồ câu với số lượng lớn hơn 2.000 con bằng phương pháp độc đáo cho chim bồ câu nghe nhạc, đã mang lại hiệu suất kinh tế cao, mỗi tháng thu được hàng chục triệu đồng mà không phải tốn nhiều công sức.

Đó là mô hình nuôi chim bồ câu khá đặc biệt và dường như duy nhất của cả nước được ông Thiều Quang Toàn. Trang trại chăn nuôi chim bồ câu được đầu tư một cách quy mô, cùng với đó là cách chăn nuôi khoa học của ông chủ trang trại này. Hàng ngàn cặp bồ câu được nuôi nhốt trong lồng xếp thành dãy dài rất đẹp và ngăn nắp. Khi ông tình cờ xem, đọc được phương pháp các hộ dân cho gia súc nghe nhạc năng suất sẽ tăng hơn bình thường.

Khi đó thử áp dụng vào mô hình chăn nuôi chim bồ câu của mình đã thay đổi tình hình và có được hiệu quả kinh tế cao. Sau những lần đó ông tìm kiếm sách vở, học hỏi báo đài về các kỹ thuật nuôi chim bồ câu. Nhờ đó mà lợi nhuận kinh tế của ông cũng khá hơn nhiều, tăng hơn 50% so với khi chưa áp dụng phương pháp nghe nhạc.

Hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn nhờ phương pháp đặc biệt này.

Hàng ngày cứ việc áp dụng theo lịch trình, từ 7 giờ sáng cho chúng ăn, 8 giờ mở nhạc đến 3 giờ chiều mới tắt. “Nhưng chỉ mở một loại nhạc belero, hay thể loại nhạc trữ tình nhẹ nhàng, sâu lắng chúng rất thích nghe, phải điều chỉnh âm lượng vừa phải chúng mới có thể ổn định, không bay nhảy lung tung”, ông Toàn cho hay.

Nguồn: Theo Phụ Nữ News được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi chim bồ câu Pháp

Chim bồ câu Pháp là một đối tượng nuôi đem lại hiệu quả kinh tế ổn định và kỹ thuật nuôi đơn giản.

Image associée

Giống bồ câu Pháp có ký hiệu là VN1, là giống chuyên thịt nổi tiếng, mỗi năm một cặp có thể đẻ 8-9 lứa, khối lượng chim ra ràng (28 ngày tuổi) đạt 530-580g/con. Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.

1. Chọn giống chim bồ câu

Chim bồ câu được chọn làm giống phải đảm bảo các yêu cầu: khỏe mạnh, lông mượt, không có bệnh tật, dị tật, lanh lợi: con trống to hơn, đầu thô, có phản xạ gù mái (lúc thành thục), khoảng cách giữa 2 xương chậu hẹp; con mái thường có khối lượng nhỏ hơn, đầu nhỏ và thanh, khoảng cách giữa 2 xương chậu rộng.

Chim bồ câu đực (bên trái) và bồ câu cái (bên phải)

2. Chuồng nuôi và thiết bị nuôi chim

Chuồng nuôi cá thể (dùng nuôi chim sinh sản từ 6 tháng tuổi trở đi)

Mỗi cặp chim sinh sản cần một ô chuồng riêng. Ô chuồng là một đơn vị sản xuất, trên đó được đặt các ổ đẻ, máng ăn, máng uống, máng đựng thức ăn bổ sung và 1 đôi trống mái sinh sản.

Mỗi cặp chim bố mẹ được bố trí vào một chuồng riêng biệt

Kích thước của một ô chuồng: Chiều cao: 40 cm; Chiều sâu: 60 cm; Chiều rộng: 50 cm.

Chuồng nuôi quần thể (nuôi chim hậu bị sinh sản từ 2-6 tháng tuổi)

Kích thước của 1 gian: Chiều dài: 6m; Chiều rộng: 3,5m; Chiều cao: 5,5m (cả mái). Máng ăn, máng uống, ổ đẻ, máng đựng thức ăn bổ sung được thiết kế riêng cho kiểu chuồng này.

Chuồng nuôi dưỡng chim thịt (nuôi vỗ béo chim thương phẩm từ 21-30 ngày tuổi) mật độ dày hơn 45-50 con/m2, không có ổ đẻ, không có máng ăn (chúng ta phải nhồi trực tiếp cho chim ăn), ánh sáng tối thiểu.

Chim bồ câu ra ràng

Ổ đẻ: khô ráo, sạch sẽ, tiện cho việc vệ sinh thay rửa thường xuyên. Kích thước của ổ: Đường kính: 20-25cm; chiều cao: 7-8cm;

Máng ăn: Kích thước máng ăn cho một đôi chim bố mẹ: Chiều dài: 15cm; Chiều rộng: 5cm; Chiều sâu: 5cm x 10 cm

Máng uống: Có thể vỏ dùng đồ hộp, cốc nhựa…với kích thước dùng cho một đôi chim bố mẹ: Đường kính: 5-6 cm; chiều cao: 8 -10 cm;

Mật độ nuôi chim: Nếu nuôi nhốt theo kiểu ô chuồng thì mỗi ô chuồng là một đôi chim sinh sản. Nếu nuôi thả trong chuồng thì mật độ là 6-8 con/m2 chuồng. Khi được 28 ngày tuổi, chim non tách mẹ (giai đoạn về sau này được gọi là chim dò). Nuôi chim dò với mật độ gấp đôi nuôi chim sinh sản (10-14 con/m2).

Chế độ chiếu sáng: Chuồng trại phải thiết kế thoáng đảm bảo cung cấp đủ ánh sáng cho chim. Tuy nhiên ở miền Bắc ban ngày mùa đông ánh sáng ngắn, có thể lắp bóng đèn 40w chiếu sáng thêm vào ban đêm (nếu nuôi theo quy mô lớn) với cường độ 4-5w/m2 nền chuồng với thời gian 3-4h ngày.

3. Thức ăn và cách cho ăn

Thức ăn: Các loại thức ăn thường sử dụng nuôi chim. Thông thường chim ăn trực tiếp các loại hạt thực vật: đỗ, ngô, thóc, gạo… và một lượng cần thiết thức ăn đã gia công chứa nhiều chất khoáng và vitamin.

* Đỗ bao gồm: đỗ xanh, đỗ đen, đỗ tương,…Riêng đỗ tương hàm lượng chất béo nhiều nên cho ăn ít hơn và phải được rang trước khi cho chim ăn.

* Thức ăn cơ sở: thóc, ngô, gạo, cao lương,..trong đó ngô là thành phần chính của khẩu phần.

Yêu cầu của thức ăn phải đảm bảo sạch, chất lượng tốt, không mốc, mọt. Chim bồ câu cần một lượng nhất định các hạt sỏi, giúp cho chim trong quá trình tiêu hoá của dạ dày (mề). Kích cỡ của các hạt: dài 0,5-0,8mm, đường kính 0,3-0,4mm. Vì vậy nên đá sỏi vào máng dành riêng đựng thức ăn bổ sung cho chim ăn (trộn cùng với muối ăn và khoáng Premix).

Cách phối trộn thức ăn: Thức ăn bổ sung (chứa vào máng ăn riêng): Khoáng Premix: 85%; NaCl: 5%; Sỏi: 10%. Thông thường lượng hạt đậu đỗ từ 25-30%; ngô và thóc gạo: 75-75%.

Cách cho ăn: Thời gian: 2 lần trong ngày buổi sáng lúc 8-9h, buổi chiều lúc 14-15 h, nên cho ăn vào một thời gian cố định trong ngày.

Định lượng: Tuỳ theo từng loại chim mà chúng ta cho ăn với số lượng thức ăn khác nhau, thông thường lượng thức ăn= 1/10 trọng lượng cơ thể:

  • Chim dò (2-5 tháng tuổi): 40-50g thức ăn/con/ngày
  • Chim sinh sản: (6 tháng tuổi trở đi)
    * Khi nuôi con: 125-130g thức ăn/đôi/ngày
    * Không nuôi con: 90-100g thức ăn/đôi/ngày
  •  Lượng thức ăn/đôi sinh sản/năm: 45-50kg

Nước uống: Nhu cầu nước uống của chim bồ câu không lớn, nhưng cần có đủ nước để chim uống tự do. Nước phải sạch sẽ, không màu, không mùi và phải thay hằng ngày. Có thể bổ sung vào trong nước Vitamin và kháng sinh để phòng bệnh khi cần thiết, trung bình mỗi chim bồ câu cần 50-90ml/ngày.

4. Chăm sóc và nuôi dưỡng chim bồ câu

Khi ghép đôi xong, quen với chuồng và ổ, chim sẽ đẻ. Trước khi chim đẻ, chuẩn bị ổ (chỉ dùng 1 ổ). Dùng rơm khô, sạch sẽ và dài để lót ổ. Ở những lứa đầu tiên chim thường có hiện tượng làm vãi rơm gây vỡ trứng, do đó nên bện 1 vòng rơm lót vừa khít đường kính của ổ. Nơi ấp trứng phải yên tĩnh, đặc biệt với chim ấp lần đầu nên giảm bớt tầm nhìn, âm thanh, ánh sáng để chim chuyên tâm ấp trứng.

Khi chim ấp được 18 -20 ngày sẽ nở, nếu quả trứng nào mổ vỏ lâu mà chim không đạp vỏ trứng chui ra thì người nuôi cần trợ giúp bằng cách bóc vỏ trứng để chim non không chết ngạt trong trứng.

Trong thời kỳ nuôi con (từ khi nở đến 28 ngày tuổi), cần thay lót ổ thường xuyên (2-3 ngày/lần), để tránh sự tích tụ phân trong ổ vì đó là nơi lý tưởng cho ký sinh trùng, vi khuẩn và virus.

Khi chim non được 7-10 ngày mới tiến hành cho ổ đẻ thứ hai vào. Sau khi tách mẹ, ổ đẻ tương ứng được bỏ ra rửa sạch, phơi khô để bố trí lứa đẻ tiếp theo.

Chăm sóc chim dò:

Sau khi được 28-30 ngày tuổi chúng ta tiến hành tách chim non khỏi mẹ. Chim dò được nuôi thả ở chuồng quần thể với lứa tuổi tương đương nhau.

Sau khi rời ổ, chim non chuyển sang một giai đoạn mới phải tự đi lại, tự ăn. Giai đoạn này chim còn yếu, khả năng đề kháng và khả năng tiêu hoá kém dễ sinh bệnh. Do đó cần chú ý công tác chăm sóc nuôi dưỡng. Giai đoạn này nên bổ sung Vitamin A, B, D, các chất kháng sinh…vào nước uống để chống mềm xương, trợ giúp tiêu hoá và chống các bệnh khác.

Trong giai đoạn đầu có một số con chưa quen cuộc sống tự lập không biết ăn, uống do đó người nuôi phải kiên nhẫn tập cho chim non.

Nuôi vỗ béo chim lấy thịt:

Tiến hành tách mẹ lúc 20-21 ngày tuổi (khối lượng cơ thể đạt 350-400g/con) dùng nhồi vỗ béo:

  • Mật độ: 45-50 com/m² lồng, không để không gian cho chim hoạt động nhiều, đảm bảo ngoài giờ ăn,uống thì thời gian ngủ là chính.
  • Thức ăn dùng để nhồi: Ngô: 80%, đậu xanh 20%.
  • Cách nhồi: Thức ăn được nghiền nhỏ, viên thành viên nhỏ ngâm cho mềm rồi sấy khô đảm bảo tỷ lệ thức ăn/nước: 1:1
  • Định lượng: 50-80 g/con;
  • Thời gian: 2-3 lần/ngày;
  • Phương pháp : Nhân công dùng tay nhét thức ăn vào miệng chim

Nhồi thức ăn vào miệng chim

  • Khoáng vẫn được bổ sung tự do, các loại vitamin, thuốc bổ khác được bổ sung trong nước uống.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam