Tham gia chuỗi sản xuất trứng cút sạch XK sang Nhật, thu 40 – 50 triệu đồng/tháng

Những người nuôi chim cút liên kết với doanh nghiệp tạo ra chuỗi sản phẩm sạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đó là Tổ hợp tác nuôi chim cút Nguyễn Hồ ở xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Thu gom phân loại trứng cút xuất khẩu

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Long An cho biết, ông Trần Nguyễn Hồ là người đầu tiên trong xã nuôi chim cút và sáng chế chuồng nuôi bằng sắt. Đặc biệt ông trực tiếp liên kết với một Cty Nhật Bản để tiêu thụ sản phẩm trứng sạch cho nông dân. Những cố gắng nỗ lực của ông đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2013…

Nhằm phát triển nghề nuôi chim cút, tháng 10/2014, UBND xã Long An đã thành lập THT nuôi chim cút Nguyễn Hồ do ông Trần Nguyễn Hồ làm Tổ trưởng. Qua quá trình hoạt động cho thấy, đây là một mô hình liên kết làm ăn rất ổn định và hiệu quả, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho bà con.

Ông Trần Nguyễn Hồ cho biết, từ khi có THT bà con được tập huấn kỹ thuật nuôi chim cút, dùng thức ăn tự trộn theo công thức riêng, có sự giám sát chặt chẽ của DN. Không sử dụng kháng sinh, thuốc tăng trọng và chất bảo quản. Thức ăn trộn cho ăn trong ngày, không để thừa sang ngày hôm sau.

Ông Trần Nguyễn Hồ chia sẻ, thức ăn cho vật nuôi rất quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định thành công hay thất bại của cả THT, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng trứng. THT đã đầu tư 1 xe tải nhỏ chuyên thu gom trứng và 2 máy trộn thức ăn phục vụ các hộ nuôi, trứng sản xuất ra phải đảm bảo sạch. Hàng ngày THT cho xe tải nhỏ gom trứng của các hội viên về phân loại rồi xuất cho nhà máy đóng hộp trứng cút của Nhật. Sản lượng trứng xuất đạt 300.000 quả/ngày, với giá dao động từ 300 – 500 đ/quả.

“Để đảm bảo đủ sản lượng trứng cút cho thị trường XK, tôi đã mua thêm 2ha đất để làm nhà xưởng cho công nhân ở và xây chuồng trại. Tính tới thời điểm này gia đình đã nuôi 200.000 con chim cút”, ông Hồ chia sẻ.

Anh Huỳnh Văn Tuấn ở ấp Long Thạnh, xã Long An cho biết: “Trước đây gia đình anh làm rẫy trồng mía, trồng xoài. Do đất xấu nên SX không có hiệu quả. Năm 2005, ông Hồ chỉ cho cách làm chuồng trại và hỗ trợ vốn đầu tư nuôi 3.000 con. Khi có trứng bán thì ông trừ nợ dần. Ông Hồ không chỉ giúp anh mà còn giúp rất nhiều người ở trong xã. Đến nay họ đều tham gia THT tạo thành chuỗi sản phẩm sạch.

Hội viên tổ hợp tác đang thu hoạch trứng cút

“Bây giờ người nuôi không phải lo thị trường tiêu thụ như trước nữa. Cứ sáng sớm có xe của THT tới gom trứng, chiều là họ có tiền. Gia đình tôi đã phát triển được 30.000 con, mỗi tháng thu nhập 40 – 50 triệu đồng. Nhờ đó gia đình có của ăn của để”, anh Tuấn chia sẻ.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sử dụng vitamin C cho gà

Vitamin C tham gia quá trình hô hấp tế bào, tăng cường các phản ứng oxy hóa khử, kích thích sự sinh trưởng và đổi mới tổ chức tế bào, tăng cường khả năng tạo huyết sắc tố, thúc đẩy sự đông máu, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, chống stress, tạo điều kiện gia tăng năng suất và phẩm chất trứng, tinh trùng, có tính chất chống ôxy hóa trong cơ thể.

Vitamin C được tổng hợp trong cơ thể nhưng trong những trường hợp gia cầm bị bệnh hoặc trong tình trạng stress thì nên cung cấp Vitamin C qua thức ăn hoặc nước uống cho gia cầm với liều 100 – 500 mg/ kg thức ăn.

Vitamin C giúp gà chống stress, tạo điều kiện gia tăng năng suất

Khi thời tiết nóng, chủng ngừa, cân gà hoặc đàn gà bị bệnh truyền nhiễm thì dùng Vitamin C liều cao giúp cho đàn gà mau chóng ổn định và vượt qua những yếu tố bất lợi. Vitamin C (acid Ascorbic) có vai trò quan trọng  trong quá trình phòng chống stress, giúp cơ thể tăng khả năng chống chịu với những điều kiện bất lợi của môi trường.

Vì vậy, trong chăn nuôi gà sẽ thường xuyên sử dụng vitamin C điển hình như sau: Trước và sau khi chủng ngừa: trước khi chủng ngừa 1 2 ngày và sau khi chủng ngừa 3 5 ngày cần cung cấp Vitamin C để giúp gà tạo kháng thể tốt, hạn chế bị sốc do chủng ngừa. Trong mùa nắng nóng: Thường xuyên cung cấp Vitamin C trong thức ăn hoặc nước uống để giúp gà ổn định năng suất và tăng sức chịu đựng.

Trong những tháng chuyển mùa cần cung cấp Vitamin C thường xuyên để giúp gà tăng sức kháng bệnh. Trước khi và sau khi chuyển gà sang chuồng mới (như chuyển từ chuồng gà sang chuồng gà hậu bị, chuyển từ chuồng gà hậu bị sang chuồng gà đẻ,…): Cung cấp vitamin C để hạn chế những sốc do rượt đuổi, dồn ép gà,… Khi thấy chất lượng vỏ trứng không tốt (nhiều trứng non, trứng sần sùi, vỏ trứng mỏng,..). Khi sử dụng kháng sinh,…cũng cần sử dụng Vitamin C.

Chú ý là muốn sử dụng Vitamin C đạt hiệu quả cao, nên cho gà sử dụng Vitamin C trước khi xảy ra stress từ 12 14 giờ. Bên cạnh đó,Vitamin C rất dễ bị hư và bị giảm tác dụng trong điều kiện sản xuất và bảo quản không tốt, như: ánh sáng, độ ẩm cao, nhiệt độ cao.

Một số biểu hiện khi gà bị thiếu vitamin:

  • Gà thiếu vitamin A sẽ chậm phát triển, giảm đẻ tỷ lệ nở phôi thấp.Mắt mờ, chân, da, mào khô, sừng hóa.
  • Gà thiếu vitamin B1 chân yếu, đầu nghẹo, không đi được, ăn kém, gầy còm.
  • Thiếu vitamin B2 hấp thụ thức ăn kém, gà chậm lớn.
  • Thiếu vitamin PP (axít Nicotinic hay Nicotinamid) miệng loét, viêm khớp, viêm ruột.
  • Thiếu vitamin B12 gà thiếu máu, chậm lớn.
  • Thiếu vitamin C sức đề kháng gà yếu, kém chịu nóng.
  • Thiếu vitamin D xương mềm, gà đi tập tễnh, khớp xương biến dạng, gà đẻ xượng rỗng, vỏ trứng mỏng, giảm tỷ lệ đẻ.
  • Thiếu vitamin E gà phù đầu, sưng xuất huyết não, gà con đi lại khó khăn, đi hay ngã hoặc đầu hay cúi giữa 2 bàn chân. Gà trống kém hoạt động, tỷ lệ nở thấp.

Khắc phục: Bổ sung vitamin vào thức ăn, cho uống liên tục 3 5 ngày hay Multivit 1g/1lít nước hoặc 0,5 kg thức ăn,Vitamin ADE, B-complex,…

Theo nhanong.com,vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Cam Ranh: Làm giàu từ “nuôi bồ câu bằng nhạc”

Giữa cánh đồng trơ trụi nắng cháy ở thôn Hiệp Thanh, xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) lại mọc lên một trang trại nuôi chim bồ câu với số lượng lớn hơn 2.000 con bằng phương pháp độc đáo cho chim bồ câu nghe nhạc, đã mang lại hiệu suất kinh tế cao, mỗi tháng thu được hàng chục triệu đồng mà không phải tốn nhiều công sức.

Đó là mô hình nuôi chim bồ câu khá đặc biệt và dường như duy nhất của cả nước được ông Thiều Quang Toàn. Trang trại chăn nuôi chim bồ câu được đầu tư một cách quy mô, cùng với đó là cách chăn nuôi khoa học của ông chủ trang trại này. Hàng ngàn cặp bồ câu được nuôi nhốt trong lồng xếp thành dãy dài rất đẹp và ngăn nắp. Khi ông tình cờ xem, đọc được phương pháp các hộ dân cho gia súc nghe nhạc năng suất sẽ tăng hơn bình thường.

Khi đó thử áp dụng vào mô hình chăn nuôi chim bồ câu của mình đã thay đổi tình hình và có được hiệu quả kinh tế cao. Sau những lần đó ông tìm kiếm sách vở, học hỏi báo đài về các kỹ thuật nuôi chim bồ câu. Nhờ đó mà lợi nhuận kinh tế của ông cũng khá hơn nhiều, tăng hơn 50% so với khi chưa áp dụng phương pháp nghe nhạc.

Hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn nhờ phương pháp đặc biệt này.

Hàng ngày cứ việc áp dụng theo lịch trình, từ 7 giờ sáng cho chúng ăn, 8 giờ mở nhạc đến 3 giờ chiều mới tắt. “Nhưng chỉ mở một loại nhạc belero, hay thể loại nhạc trữ tình nhẹ nhàng, sâu lắng chúng rất thích nghe, phải điều chỉnh âm lượng vừa phải chúng mới có thể ổn định, không bay nhảy lung tung”, ông Toàn cho hay.

Nguồn: Theo Phụ Nữ News được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi vịt biển ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu gây nhiều thách thức cho người dân và sản xuất nông nghiệp. Việc triển khai mô hình nuôi vịt biển đang được xem là xu hướng mới nhằm đa dạng hóa vật nuôi, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập.

Nghiên cứu giống mới chuyển giao

Theo Cục Chăn nuôi, Việt Nam có đàn thủy cầm đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Thủy cầm là con vật dễ nuôi, có khả năng tận dụng các phế phẩm nông lâm nghiệp, côn trùng, thủy sinh làm thức ăn.

Thời gian qua, chăn nuôi thủy cầm đã có những bước phát triển nhảy vọt từ chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ, tự phát, dần chuyển thành chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng tăng, lợi nhuận cao, khiến nuôi thủy cầm nhiều địa phương đã trở thành nghề chính.

Hàng năm số đầu vịt tăng bình quân gần 7%, sản lượng thịt vịt, ngan hơi đạt trên 200 ngàn tấn/năm, trứng đạt gần 2 tỷ quả. Việt Nam đang có bộ giống thủy cầm rất phong phú, đa dạng, làm chủ được công nghệ SX con giống thủy cầm bố mẹ với năng suất và chất lượng cao. Các giống vịt siêu thịt, siêu trứng cao nhất thế giới đều được nhập về, đưa vào SX rất hiệu quả.

Nuôi vịt biển đang được xem là xu hướng mới thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia cầm VIGOVA, giống vịt biển có một số ưu điểm như dễ nuôi, nuôi được ở nước mặn, nước lợ và nhiễm phèn. Tuy nhiên, với mỗi nguồn nước có độ mặn khác nhau thì đều có quy trình nuôi phù hợp.

Giống vịt này năng suất thịt và trứng khá trong nhóm vịt chuyên dụng, cụ thể năng suất trứng đạt từ 235 – 245 quả/mái/năm; vịt thương phẩm nuôi khoảng 9 tuần sẽ đạt được 2,7 đến 2,8 kg, tùy theo điều kiện chăn nuôi. Thực tế ở vùng ĐBSCL, vịt nuôi 70 ngày đã đạt được 2,8 kg cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Dương Xuân Tuyển, GĐ Trung tâm Vigova cho biết: “Trong mấy năm qua, Trung tâm được Bộ NN-PTNT giao nuôi giữ đàn giống gốc chọn lọc nhân thuần. Đến nay chúng tôi đã có được một số giống vịt thuần để nhân nhanh số lượng giống cung cấp cho các tỉnh Nam bộ”.

Theo ông Tuyển, hiện trung tâm đang chọn lọc, nhân thuần và lai chéo các dòng thuần để có giống vịt bố mẹ và vịt thương phẩm cung cấp cho sản xuất. Mỗi năm Vigova đang cung cấp hàng trăm ngàn con giống cho các tỉnh Nam bộ. Ngoài ra, VIGOVA còn nghiên cứu được một số giống vịt khác như vịt siêu thịt, siêu nạc, siêu trứng.

Liên kết phát triển chăn nuôi

Đến cuối năm 2016, tổng đàn vịt khoảng 71,28 triệu con, tập trung nhiều nhất ở vùng ĐBSCL, với tỉ lệ 37,03%, tiếp đến ĐBSH 25,71%, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 23,13%, còn các vùng khác dưới 10%. Đặc biệt, một số nơi và cơ sở chăn nuôi đã liên kết thành lập các THT, HTX… hỗ trợ nhau về vốn, tiêu thụ, hình thành chuỗi và xây dựng thương hiệu vịt biển.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Châu, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Long An, trong 2 năm triển khai dự án nuôi vịt kiêm dụng PT, vịt biển nuôi thịt, Long An đã phát triển được 16.000 con. Năm 2016 đã phân bổ 1.600 vịt PT và 6.400 con vịt biển cho các huyện Tân Trụ, Cần Đước. Năm 2017, đã có 8.000 con vịt biển phân cho các xã Tân Phước Tây (Tân Trụ), xã Thạnh Vĩnh Đông (Châu Thành), mỗi hộ 800 con. Các hộ được hỗ trợ 100% con giống 1 ngày tuổi và vật tư, thức ăn (30%), được tập huấn kỹ thuật nuôi vịt biển.

Vịt biển có sức kháng bệnh rất tốt

Kết quả đánh giá cho thấy, vịt thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi của địa phương, tỉ lệ nuôi sống trên 95%. So với các giống vịt địa phương thì vịt biển có sức kháng bệnh tốt, ít xảy ra bệnh. Tất cả các hộ chăn nuôi vịt biển đều có lãi, nuôi 70 ngày lãi gần 14 triệu đồng/800 con, đây là mức thu nhập khá với nông dân.

Tương tự, ông Lưu Thành Long, TTKN Sóc Trăng cho biết, năm qua nhiều hộ chăn nuôi ở Sóc Trăng nuôi vịt biển đều có lời. Thực tế cho thấy giống vịt này dễ nuôi, thích nghi với môi trường phèn mặn, khả năng sinh trưởng nhanh.

TS.Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng vụ KH, CN- MT cũng cho rằng, giống vịt biển đang bắt đầu triển khai nuôi ở ĐBSCL, là mô hình phát triển đúng hướng. Còn ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhấn mạnh, khu vực ĐBSCL có nhiều lợi thế nuôi vịt, đặc biệt là nuôi vịt chạy đồng, chiếm 37% tổng số đầu vịt; chiếm 39% tổng sản lượng trứng. Đây cũng là khu vực có đàn vịt lớn và gần đầu mối tiêu thụ thịt vịt là TP.HCM.

Theo ông Trọng, VIGOVA cần tiếp tục nghiên cứu các giống vịt tốt, cao sản phục vụ phát triển chăn nuôi và biến đổi khí hậu, chuyển giao cho các địa phương nuôi. Theo định hướng đến năm 2020 sẽ phát triển lên 100 triệu con vịt, trong đó khoảng 40 triệu vịt chuyên trứng.

Theo nongnghiep.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Đeo kính cho gà mang lại lợi nhuận vượt trội

Ông chủ trẻ 9X Vũ Bá Quý, ở thôn 323 xã Đỉnh Sơn, Anh Sơn (Nghệ An) nuôi hàng ngàn con gà. Bí quyết để đàn gà khỏe mạnh, ngoài việc cho ăn thức ăn đa dạng, anh Quý còn cho gà “đeo kính”.

Hàng ngàn con gà được đeo kính ở Đỉnh Sơn, Anh Sơn. 

Hàng nghìn con gà thịt có cả gà trống, gà mái, nhưng 100% chúng đều được “đeo kính” trông rất lạ. Anh Quý cho biết: Anh bắt đầu công việc chăn nuôi gà thịt từ năm 2012. Với việc nuôi gà tập trung số lượng lớn nên thường xuất hiện cảnh gà cắn mổ nhau khiến gà bị trọc lông vùng lưng, cổ, đầu, thậm chí gây thương tích, dễ nhiễm một số bệnh, còi cọc, chậm lớn và con gà nhìn “xấu mã”, khách hàng kén mua, giá thành giảm.
Cách đây hơn 1 năm, tình cờ xem trên mạng có người “đeo kính” cho gà để tránh gà chọi nhau, anh liền mày mò tìm hiểu. Sau khi biết được địa chỉ, anh Quý được đặt mua 1 nghìn chiếc về áp dụng vào trang trại gà của mình.
Anh Quý chia sẻ: Kính cho gà được anh mua với giá giao động từ 600 đồng- 1.200 đồng/chiếc, có thể tái sử dụng 2- 3 năm nên tính ra chi phí rất nhỏ nhưng hiệu quả lại cao.
Cách sử dụng kính cho gà cực kỳ đơn giản, đợi khi gà đạt trọng lượng 0,5- 0,7kg lúc này gà bắt đầu có dấu hiệu cắn mổ nhau, anh Quý chỉ việc đặt phần lõm của kính ôm phần trên của mỏ gà, chỉnh 2 lỗ nhỏ ở phần lõm của kính khớp với lỗ mũi của gà, dùng then nhựa hình mũi tên xuyên qua lỗ nhỏ của kính và lỗ mũi của gà để cố định kính là xong.
Anh Quý khẳng định, việc đeo kính không làm ảnh hưởng đến bất kỳ sinh hoạt hàng ngày nào của con gà. Do chiếc then nhựa chỉ to bằng 1/3 lỗ mũi của gà nên không gây ảnh hưởng đến việc hô hấp, ăn uống. Đeo kính cho gà mục đích để che tầm mắt nhìn thẳng của con gà, nên gà không bao giờ chọi nhau, đuổi cắn nhau, gà phát triển rất nhanh.

Đeo kính cho gà khá đơn giản.

Với kinh nghiệm nuôi gà thịt lâu năm, anh Quý xây dựng 2 trại gà rộng gần 500m2 trên diện tích 0,5 ha vườn. Trại gà được lát nền bê tông, thưng kín xung quanh tránh gió lùa vào mùa đông, có cửa thông gió vào mùa hè và đều sử dụng đệm lót sinh học, vừa đảm bảo môi trường vừa giúp đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt.
Bên cạnh đeo kính cho gà để có được mẫu mã gà đẹp, anh Quý chọn nuôi theo hướng sinh học, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nên cho thịt dai và thơm ngon. Ngoài các loại thức ăn chính là lúa, ngô, anh Quý còn bổ sung thêm các loại thức ăn khác như cỏ, côn trùng để bổ sung thêm chất dinh dưỡng.
Hiện tại trang trại anh Quý có 1.100 con gà thịt đang vào thời điểm gần xuất bán, mỗi năm anh nuôi 2 lứa, mỗi lứa 5-6 tháng, từ 1.000- 1.200 con. Mỗi lứa xuất bán gần 1,5 tấn gà thịt, với giá từ 90.000- 100.000 đồng/kg, mỗi năm sau khi trừ chi phí cho anh thu nhập từ 100- 150 triệu đồng.
Ông Đinh Viết Hạnh – Chủ tịch hội nông dân xã Đỉnh Sơn cho biết: Trang trại nuôi gà thịt đeo kính của anh Vũ Bá Quý ỏ thôn 323 là một mô hình điểm của hội nông dân xã Đỉnh Sơn, chỉ mới ở tuổi 24 nhưng anh Quý đã nhạy bén, sáng tạo trong phát triển kinh tế, giúp cho gia đình vượt qua mọi khó khăn từng bước vươn lên làm giàu ở một vùng quê nông thôn thật đáng khâm phục.

Theo báo Nghệ An, kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nhân rộng mô hình nuôi gà nhiều cựa

Xuân Đài là xã nằm trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ) có nhiều hộ nuôi gà nhiều cựa. Gia đình chị Phùng Thị Mơ là một trong những hộ nông dân chăm sóc số lượng gà nhiều cựa với hàng trăm con.

Gia đình chị Phùng Thị Mơ là một trong những hộ nuôi gà nhiều cựa với số lượng lớn

Theo chị Mơ, để đàn gà phát triển tốt và không bị dịch bệnh, cần chăm sóc, tiêm phòng đầy đủ từ khi gà còn nhỏ. Gà nhiều cựa ở Tân Sơn là giống bản địa, được nuôi theo phương thức chăn thả tự nhiên, số trang trại, gia trại có quy mô lớn không nhiều. Thông thường giống gà này được nuôi từ 10 – 12 tháng mới xuất chuồng, giá bán từ 300.000 – 350.000 đồng/kg.

Trước đây người dân nơi đây chưa biết rõ về giá trị loài gà nhiều cựa, chỉ chăn thả tự nhiên, không chăm sóc đúng kỹ thuật và phòng bệnh nên giống gà này có nguy cơ tuyệt chủng. Những năm qua, việc bảo tồn, phát triển giống gà quý này được các sở, ban ngành địa phương triển khai bằng nhiều dự án, giống gà quý đã được phục hồi, nhân đàn. Tại thời điểm này, giá gà đủ 9 cựa lên đến 450.000 – 500.000 đồng/kg. Nhiều khách hàng tìm những con gà trống lâu năm, khỏe khoắn, mào đỏ như hoa chuối rừng, 9 cựa, không ngại ngần trả vài triệu đồng 1 con.

Mô hình gà nhiều cựa của anh Hà Thế An ở khu Vượng, xã Xuân Đài nuôi từ 300 – 400 con gà nhiều cựa, đã vươn lên thành hộ khá giả… Cách nhà anh An không xa là hộ anh Hà Văn Điểm. Anh Điểm kể: “Thấy gia đình anh An, chị Mơ và một số hộ gia đình khác nuôi gà nhiều cựa khá nhàn hạ lại cho thu nhập khá, tôi bàn với vợ quyết định đầu tư nuôi gà 9 cựa, cho chúng ăn thóc, ngô, rau lá… nên thịt chắc, ngon được khách hàng rất ưa chuộng…”.

Gà 9 cựa

Khởi đầu nuôi vài chục con một lứa, hiện quy mô của anh Điểm nuôi mỗi lứa từ 300 – 400 con, mỗi năm xuất bán từ 2 – 3 lứa, trừ chi phí mỗi năm thu lãi gần 60 triệu đồng.

Thời gian qua, Trạm Khuyến nông huyện Tân Sơn đã thực hiện dự án hỗ trợ mô hình nuôi gà 9 cựa tại các xã Xuân Sơn, Xuân Đài, Minh Đài, Văn Luông… nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen quý, tiến tới sản xuất hàng hóa.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Khánh Hòa: Tan hoang trại gà sau bão con Voi

Hầu hết các trại gà trong tỉnh đều thiệt hại nặng do cơn bão số 12. Hiện nay, bên cạnh nỗ lực khắc phục khó khăn, đưa trại gà hoạt động trở lại, các chủ trại đều mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ để giảm bớt khó khăn.

Thiệt hại nặng nề

Khu vực trại gà thôn Đồng Bé (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), có 5 chủ nuôi gà với hàng chục dãy chuồng trại lợp bằng mái tôn đều bị bão cuốn phăng, xếp thành dãy dài, bẹp dúm. Phờ phạc sau nhiều đêm mất ngủ và nỗi buồn vì phút chốc gia sản tiền tỷ tan theo mây khói, ông chủ trại gà Phạm Hữu Nghĩa mếu máo: “Nhà sập, toàn bộ 4 dãy chuồng tổng diện tích 3.200m2 cũng sập, đè chết hơn 2.000 con gà mái. Mấy ngày nay tôi chẳng thiết ăn uống, làm gì nữa”.

Tổng thiệt hại do bão đối với trại gà của ông Nghĩa lên tới 1,2 tỷ đồng. Để cứu 8.000 con gà còn lại (4.000 gà đẻ, 4.000 gà hậu bị), ông che tạm 2 lán nhỏ, mỗi lán gần 200m2 để có nơi cho gà ở. Vì làm tạm nên việc cho ăn, uống, vệ sinh, thu trứng và quản lý gặp nhiều khó khăn. “Lán trại tuềnh toàng, nên nguy cơ dịch bệnh rất cao do gà tiếp xúc trực tiếp với đất, môi trường gió lạnh, vệ sinh kém. Tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn (300 triệu đồng) để sớm khắc phục thiệt hại”, ông Nghĩa nói.

Trại gà của ông Võ Đông Anh (Cẩm Sơn, Diên Thọ, Diên Khánh) cũng tan tành do bão. Hơn 1.000m2 chuồng trại chỉ trơ lại khung sắt, 1.000 con gà hậu bị bị đè chết trong tổng đàn 5.000 gà đẻ và 3.500 gà hậu bị. Đồng thời, dàn cây sưa 8 năm tuổi của ông cũng bị gãy, đổ hư hỏng hết 200 cây. Tổng thiệt hại hơn nửa tỷ đồng.

Trại gà của ông Trần Văn Hiếu (Vạn Thuận, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) cũng đổ nát như một bãi chiến trường. Đây là trại gà điển hình của thị xã Ninh Hòa được cấp giấy chứng nhận trang trại an toàn vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Nhặt nhạnh những gì còn sót lại, ông Hiếu cho biết, trước bão trang trại có 6.000 gà đẻ và 3.000 gà hậu bị (4,5 tháng tuổi). Sau bão, số gà đẻ, gà hậu bị do thiếu nước, đè nhau chết chỉ tận thu bán được 1.800 con, còn lại phải đốt bỏ tiêu hủy. Bên cạnh đó, bão còn làm tốc mái, sập tường nhiều diện tích nơi làm việc và nhà ở của công nhân, thiệt hại hơn 3,8 tỷ đồng. “17 – 18 năm tâm huyết, tích cóp vốn nuôi gà nay tay trắng. Bây giờ tôi chỉ biết cố gắng khắc phục làm lại 1 – 2 dãy chuồng kiếm lợi tức sống qua ngày và mong Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ”, ông Hiếu nói.

Trại gà của ông Anh chỉ còn trơ khung sắt

Đang thống kê thiệt hại

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Cam Lâm, TP. Cam Ranh, thiệt hại các trang trại gà tại 2 địa phương này không lớn. Tại huyện Vạn Ninh, ông Nguyễn Ngọc Ý – Trưởng phòng Kinh tế cho hay, trang trại gà trên địa bàn huyện không nhiều, chỉ có vài trại nuôi theo hình thức gia trại, không phải quy mô doanh nghiệp, chủ yếu tại 2 xã Vạn Thắng và Vạn Bình, mỗi trại vài ngàn con nhưng đến nay chưa có số liệu thống kê chính thức. Huyện đã giao Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương thống kê, rà soát, bổ sung để có kế hoạch hỗ trợ bà con theo quy định.

Thị xã Ninh Hòa cũng đang triển khai việc thống kê, tổng hợp số liệu. Đến ngày 12-11, toàn thị xã có 50.166 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã, việc thống kê thực hiện theo biểu quy định, không tách từng đối tượng gia súc, gia cầm (trâu, bò, gà, vịt) nên không có số liệu riêng về gà.

Ông Nguyễn Lương Thao – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, hiện nay, các địa phương vẫn đang triển khai việc rà soát, thống kê số lượng gà bị thiệt hại do bão. Về hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, Trung ương có Nghị định 02/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; UBND tỉnh có Quyết định 2229/QĐ-UBND (4-8-2017) quy định mức hỗ trợ cụ thể giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. “Tuy nhiên, theo Quyết định 2229, để có phương án hỗ trợ, việc thống kê, rà soát phải hết sức cụ thể, bởi văn bản quy định việc hỗ trợ theo lứa tuổi gia súc, gia cầm. Ví dụ: gà đến 15 ngày tuổi hỗ trợ 10.000 đồng/con; 28 ngày tuổi hỗ trợ 20.000 đồng/con; 28 – 60 ngày tuổi hỗ trợ 30.000 đồng/con và trên 60 ngày tuổi hỗ trợ 35.000 đồng/con. Vì thế, việc thống kê phải tỉ mỉ, mất nhiều thời gian, hiện nay, các địa phương vẫn đang triển khai”, ông Thao cho biết.

Nguồn: Baokhanhhoa.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi gà theo công nghệ mới đạt hiệu quả cao

Với mục tiêu đưa nhanh tiến bộ khoa học áp dụng vào cuộc sống để giúp dân xóa đói giảm nghèo, Trạm Khuyến nông huyện Quế Phong (Nghệ An) đã xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi theo công nghệ mới. Trong đó có mô hình nuôi gà ri lai đang được bà con nhân ra diện rộng.

Nuôi gà ri lai có cơ hội mang lại kinh tế cao

Gà nông hộ ở Quế Phong chủ yếu là phục vụ riêng cho gia đình. Đàn gà phát triển tự nhiên như cây cỏ, một mặt đã không mang lại hiệu ích kinh tế, mặt khác môi trường sinh thái bị ô nhiễm, dẫn tới bệnh hại thường lây lan nhanh trên diện rộng. Chính vì vậy mà khi Trạm KN Quế Phong xây dựng mô hình nuôi gà theo công nghệ mới thì nông dân vô cùng phấn khởi, bởi hiệu quả kinh tế cao hơn 2,6 lần so với đàn gà đang nuôi theo tập quán cũ.

Đánh giá về thực trạng chăn nuôi gà ở huyện biên giới này, Hoàng Đình Nghĩa, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Quế Phong cho hay: Gà là giống gia cầm mà nông dân ở đây nhà nào cũng có. Tuy nhiên về phương thức chăn nuôi thì hầu như đàn gà chỉ biết tự đi kiếm ăn trong nương vườn là chủ yếu. Phần thức ăn bổ sung cũng có, nhưng không đáng kể.

Mô hình “Chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học” nằm trong chương trình nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp, phục vụ an sinh xã hội, do Ngân hàng TMCP Đầu tư & phát triển Việt Nam tài trợ vốn. Vật nuôi của mô hình được cấp 1.000 con gà ri lai 20 ngày tuổi, do Trạm KN Quế Phong chọn lựa xây dựng tại 5 hộ dân dân ở xã Châu Kim.

Trước lúc bắt tay vào thực hiện mô hình, Trạm KN đã hướng dẫn cho các hộ dân làm chuồng trại đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát về mùa nóng, kín ấm về mùa đông. Dụng cụ đựng thức ăn, máng nước luôn phải được vệ sinh thau rửa. Quá trình chăm sóc cho gà ăn cũng như theo dõi bệnh tật, cán bộ kỹ thuật của Trạm KN đã trực tiếp túc trực cùng hộ dân để cân đong đúng liều lượng và xem xét sự thay đổi sức khỏe của từng cá thể.

Gà ri lai khi được chăm sóc tốt

Theo đó đúng theo lịch trình các chuồng trại phải được vệ sinh, tẩy uế, phun thuốc khử trùng phòng bệnh. Nhờ vậy đàn gà nuôi của mô hình 1.000 con gà ri lai ở 5 hộ dân đều phát triển nhanh. Tỷ lệ sống từ ngày nuôi đến lúc xuất chuồng (hơn 3 tháng) đạt 93%. Trọng lượng gà mái đạt 1,8 – 2kg/con, gà trống đạt 2 – 2,4kg/con. Trong khi đó đàn gà 1.000 con giống bản địa, nuôi theo tập quán cũ, tỷ lệ sống đến lúc xuất chuồng chỉ đạt 78% và trọng lượng bình quân cả mái và trống chỉ đạt 1,5 – 1,7kg/con.

Mô hình gà ri lai sở dĩ đã thu hút tới sự quan tâm học hỏi của đồng bào bởi con giống do Viện Chăn nuôi lai tạo từ con trống là giống gà vàng thuần chủng, con mái là gà Lương Phượng thuần chủng. Gà ri lai có sức đề kháng cao, thích nghi với môi trường sống bán chăn thả, khả năng hấp thụ tiêu hóa thức ăn tốt nên tăng trọng đồng đều, sinh sản nhanh. Thịt gà ri lai thơm ngon, mẫu mã đẹp, trọng lượng vừa phải gọn gàng, nên thị trường rất ưa chuộng.

Ông Nguyễn Sĩ Vinh, cán bộ Trung tâm KN tỉnh Nghệ An, người trực tiếp cùng với Trạm KN Quế Phong thực hiện mô hình này cho biết: Trong thời gian triển khai mô hình, đàn gà ri lai ở giai đoạn 21 – 42 ngày tuổi có xuất hiện bệnh cầu trùng, ỉa chảy 30% và bệnh Newcastle 15% do nguồn bệnh từ đàn gà ngoài mô hình lây lan sang.

Tuy nhiên nhờ kiểm tra phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên đàn gà đã khỏi bệnh. Thế nên gà mô hình khi xuất chuồng tỷ hao hụt chỉ 7%. Trong khi đó cùng thời gian nuôi, nhưng gà truyền thống hao hụt tới 22%. Về chi phí, tuy nuôi gà theo công nghệ mới có cao hơn so với đàn gà đối chứng, nhưng hiệu quả kinh tế tính ra tiền thì lại cao hơn 2,6 lần so với đàn gà nuôi theo tập quán cũ. Lợi hơn nữa là gà mô hình thuộc nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và môi trường sinh thái thì luôn được bảo đảm an toàn.

Nguồn nongnghiep.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam. 

Mô hình nuôi vịt thịt an toàn sinh học

Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận xây dựng mô hình chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học, sử dụng đệm lót sinh học và dùng chế phẩm vi sinh hoạt tính ủ men thức ăn tại xã Đức Phú, huyện Tánh Linh.

Có 13 hộ dân tham gia thực hiện mô hình. Tham gia mô hình, các hộ được cấp 1.400 con vịt giống siêu nạc VIGOVA. Trước lúc thực hiện mô hình, cán bộ khuyến nông đã hướng dẫn cho các nông hộ làm chuồng trại hoặc tận dụng chuồng trại cũ nhưng đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát về mùa nóng, kín ấm về mùa đông.

Mô hình chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học

Trong quá trình chăm sóc, cán bộ khuyến nông thường xuyên bám sát cơ sở, hướng dẫn nông dân chăm sóc, cho ăn, theo dõi sự phát triển của đàn vịt. Theo đó, nông dân phải cân đong thức ăn đúng liều lượng, thường xuyên vệ sinh thau rửa máng đựng thức ăn, máng nước uống, định kỳ phải được vệ sinh, tẩy uế, phun thuốc khử trùng chuồng trại, tiêm phòng vắc-xin viêm gan siêu vi trùng, viêm gan, cúm gia cầm, dịch tả vịt theo lịch trình.

Nhờ vậy vịt nuôi của mô hình phát triển đồng đều, nhanh. Tỷ lệ sống từ ngày nuôi đến 30 ngày tuổi đạt 99%. Tỷ lệ hao hụt đa phần do cơ học tác động. Trọng lượng  đạt cao nhất 1,8kg/con (hộ chị Trần Thị Lợi và anh Trần Trung Hiếu), đa số đạt 1,6kg/con. Trong thời gian nuôi 45 ngày tuổi, tập thả vịt ra sân vườn để vận động, tỷ lệ sống giai đoạn này đạt 100% và trọng lượng bình quân đạt 2,3kg/con. Sau 60 ngày tuổi, tỷ lệ sống của đàn đạt 100%, trọng lượng bình quân 3,2kg/con.

Tính đến thời điểm này, mức tiêu tốn thức ăn/kg thể trọng tăng là 1,96kg. Mức tiêu tốn thức ăn thấp là do nông hộ cho vịt ăn làm nhiều lần trong ngày và quản lý tốt số thức ăn rơi vãi. Mặt khác, mô hình áp dụng chế phẩm vi sinh hoạt tính ủ men thức ăn nên khả năng hấp thu dinh dưỡng trong thức ăn cao, giảm được khối lượng thức ăn hằng ngày.

Tuy chi phí nuôi vịt theo công nghệ mới cao hơn so với nuôi vịt theo tập quán cũ nhưng hiệu quả kinh tế lại cao hơn. Cụ thể, đầu tư cho 100 con vịt siêu nạc khoảng 9 triệu đồng, ở 60 ngày tuổi trọng lượng bình quân 3,2kg/con, nên giá thành SX 29 nghìn đồng/kg hơi. Giá bán vịt tại địa phương 40 nghìn đồng/kg hơi. Doanh thu đạt 12,4 triệu đồng, lợi nhuận bình quân 3,4 triệu đồng/100 con vịt.

Nuôi thịt vịt an toàn sinh học

Cá biệt như nông hộ Trần Thị Lợi, Trần Trung Hiếu, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, vịt phát triển đồng đều, tăng trọng nhanh (bình quân 3,6kg/con), quản lý đàn tốt (tỷ lệ sống 100%) nên thu lợi nhuận cao (4,5 triệu đồng/100 con). Thiết thực hơn nữa, vịt ở mô hình là nguồn thực phẩm an toàn sinh học, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và vệ sinh môi trường sinh thái.

Theo nongnghiep.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Biện pháp bảo vệ vật nuôi mùa mưa bão

Ở tỉnh ta mùa mưa kéo dài từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Lượng mưa tập trung vào tháng 9,10,11, tổng lượng mưa trong 3 tháng chiếm gần 70% lượng mưa cả năm. Vũ lượng lớn, lại thường kèm theo bão mạnh, tạo ra các trận lũ quét ở vùng đồi núi và úng lụt thường xuyên ở vùng đồng bằng, từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau có rét và mưa phùn kéo dài.

Bão, lũ là thời điểm đàn gia súc, gia cầm dễ bị dịch bệnh phát sinh và lây lan. Thời tiết khắc nghiệt đã làm thiệt hại lớn đến ngành chăn nuôi ở các địa phương trên toàn tỉnh. Bài viết hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh, bổ sung thức ăn để tăng cường sức đề kháng, vệ sinh chuồng trại cho gia súc, gia cầm mùa bão lũ.

Để chủ động bảo vệ đàn gia súc, gia cầm có hiệu quả người chăn nuôi cần lưu ý  thực hiện những nội dung sau:

Trước mưa bão, lũ lụt

– Thực hiện việc kiểm tra và chằng chống chuồng trại để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng bão, lũ. Nếu chuồng nuôi lợp bằng lá, tôn tráng kẽm, fibro xi măng chưa kiên cố thì có thể dằn lên mái các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao chứa cát để hạn chế tốc mái khi có bão.

– Đối với những vùng có nguy cơ ngập lụt, cần chủ động tôn cao nền chuồng, làm chuồng tránh lũ,  làm sàn kê cao và dự trữ thức ăn đầy đủ, làm rèm che chắn, tránh mưa tạt, gió lùa.

– Đối với những vùng bị ngập lụt, bằng mọi cách phải di dời gia súc, gia cầm lên những vùng đất cao, làm chuồng che chắn cẩn thận, dự trữ thức ăn đầy đủ và bảo quản thức ăn khô ráo, không bị ẩm mốc, nhất là không cho gia súc, gia cầm uống nước lũ đã nhiễm bẩn.

Che chắn cẩn thận để bảo vệ vật nuôi

– Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin phòng bệnh cho gia súc như bệnh tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng… ở trâu, bò, lợn,dê;  bệnh tiêu chảy ở lợn con; bệnh Gumboro, tụ huyết trùng, cầu trùng… ở gia cầm. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng và  khẩu phần ăn cho vật nuôi để tăng sức đề kháng, dự trữ nước uống cho vật nuôi để vật nuôi có đủ nước sạch để uống.

– Đối với những gia đình có đàn gia súc, gia cầmlớn thì nên xuất bán vì trong thời kỳ này khan hiếm thức ăn và hạn chế khả năng rủi ro do lũ cuốn trôi, chết cũng như dịch bệnh có thể xảy ra.

Trong và sau mưa bão, lũ lụt

Khi lũ lụt, mầm bệnh theo nước lũ sẽ lan đi khắp nơi, mặt khác, trong khi có sự di chuyển đàn gia súc, gia cầm tránh lũ sẽ đem theo các mầm bệnh từ nơi này tới nơi khác. Các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh tẩy uế chuồng trại không được thực hiện tốt làm suy giảm đáng kể sức chống chịu bệnh tật ở vậtnuôi, khiến cho các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, dịch tả, thương hàn… dễ lây lan và bùng phát, do vậy người chăn nuôi cần:

– Vệ sinh chuồng trại, môi trường và dụng cụ chăn nuôi thật tốt, thường xuyên quét dọn, tẩy rửa, vệ sinh dụng cụ, chuồng trại, và môi trường xung quanh khu vực chăn nuôi  để vật nuôi được ở sạch. Định kỳ 1 tuần 1 – 2 lần phun tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh bằng các chất sát trùng. Khi nước rút đến đâu thì dọn vệ sinh, phun thuốc sát trùng, tiêu độc, diệt mầm bệnh đến đó.

Vệ sinh chuồng trại để triệt mầm bệnh

– Sau lũ lụt, nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm khan hiếm do rau màu bị lũ cuốn, hư hỏng, đồng cỏ bị ô nhiễm. Bùn đất và khí hậu ẩm ướt đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của đàn gia súc, gia cầm. Do vậy vật nuôi cần được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, không bị bỏ đói hoặc ăn những loại thức ăn thiếu dinh dưỡng, bị mốc, kém chất lượng. Đối với gia súc già yếu và gia súc non cần có chế độ chăm sóc đặc biệt như tăng cường các loại thức ăn bổ sung và các loại thức ăn giàu dinh dưỡng khác để gia súc già mau chóng hồi phục sức khỏe và gia súc non tăng trưởng bình thường. Hạn chế không cho vật nuôi uống nước bẩn, ao, bùn.

– Đối với xác vật nuôi chết: Phương pháp hiệu quả nhất là đốt xác vật chết, phun thuốc diệt côn trùng hoặc thuốc sát trùng hoặc tưới dầu hỏa lên xác vật chết để chống các loài ăn thịt và côn trùng xâm nhập, đợi khi nước rút thì đem chôn lấp.

– Rà soát lại kết quả tiêm phòng định kỳ, tiêm phòng trước mưa, bão. Những nơi tiêm chưa đạt yêu cầu thì tổ chức tiêm phòng bổ sung, nhất là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.