Hướng dẫn Kỹ thuật chăn nuôi Ngan thịt chất lượng cao

Giống Ngan thịt sinh trưởng và phát triển nhanh, tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng thấp. Tỷ lệ nuôi sống cao, bộ lông phát triển bình thường.

So với giá trị kinh tế với các loại thương phẩm khác thì Ngan là loài gia cầm có sự ổn định giá trong nhiều năm liền mà chưa hề rớt giá. Trong bài viết này Fman sẽ hướng dẫn bà con tổng hợp các nguồn kiến thức hữu ích áp dụng trong kỹ thuật chăn nuôi Ngan thịt.

Kỹ thuật chăn nuôi ngan

1. Chuẩn bị dụng cụ chuồng trại

Chuồng nuôi: Chuồng nuôi và dụng cụ phải rửa sạch sẽ, trống chuồng trước khi nuôi 15 – 20 ngày . Cần được xử lý theo qui trình vệ sinh thú y, quét hoặc rắc vôi đặc 40%, khử trùng bằng formol 3% từ 2 – 3 lần. Trước khi xuống ngan con 1 – 2 ngày, phun khử trùng lần cuối cùng (đóng kính cửa để phun sau 5h đến 7h mới mở ra).

Máng ăn: Dùng máng ăn bằng tôn có kích thước 70 cm – 2,5 m sử dụng cho 70 – 100 con 1 máng.

Máng uống:

+ Giai đoạn 1-2 tuần tuổi sử dụng máng uống tròn loại 2 lít.

+ Giai đoạn 3-12 tuần tuổi sử dụng máng uống tròn loại 5 lít, dùng cho 20-30 con 1 máng đảm bảo cung cấp 0,3-0,5 lít nước mỗi con 1 ngày, đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho ngan.

Chụp sưởi: Có thể dùng hệ thống lò sưởi hoặc bóng điện đảm bảo cung cấp nhiệt cho đàn con. Dùng bóng điện 75W 1 quây (60 – 70 ngan). Mùa đông 2 bóng 1 quây, ở nhiều nơi không có điện dùng bếp than lò ủ trấu v.v… Cần hết sức chú ý phải có ống thông khí thải của bếp trấu và lò ủ trấu ra ngoài chuồng. Nếu không hàm lượng khí độc cao gây ảnh hưởng tới sức khoẻ đàn ngan.

Quây ngan: Dùng cót ép làm quây, chiều cao 0,5m; dài 4,5; sử dụng cho 60-70 con 1 quây, từ ngày thứ 5 tăng dần diện tích quây để cho ngan vận động, ăn uống. Từ cuối tuần thứ 3, đầu tuần thứ 4 trở đi bỏ quây để cho ngan vận động, ăn uống được thoải mái.

Rèm che: Dùng vải bạt, cót ép hoặc phên liếp che xung quanh chuồng nuôi ngan con để giữ nhiệt và tránh gió lùa.

Chất độn chuồng: Chất độn chuồng phải đảm bảo khô, sạch, không ẩm mốc sử dụng phôi bào, trấu, nếu không có dùng cỏ rơm khô băm nhỏ v.v…phun thuốc sát trùng bằng formol 2%. Chất độn chuồng nuôi ngan phải thay thường xuyên.

Sân chơi: Cần có sân, hoặc vườn với mương nước sạch cho ngan vận động và tắm từ giữa tuần thứ 3 trở đi. Hàng ngày rửa thay mương nước 2 lần đảm bảo ngan luôn được tắm nước sạch.

Chọn ngan giống: Chọn Ngan nở đúng ngày (từ ngày 34 và 35) khoẻ mạnh nhanh nhẹn. Lông bông, mắt sáng, bụng gọn, chân mập, có màu lông tơ đặc trưng của giống. Nên tách ngan trống, ngan mái nuôi riêng từ lúc 1 ngày tuổi. Ngan R31: lông màu vàng chanh, có phớt đen ở đuôi, ngan R51: lông màu vàng hoặc rơm, chân và mỏ màu hồng, có hoặc không có đốm đen trên đầu. Ngan siêu nặng: Lông màu vàng, vàng rơm có hoặc không có đốm đen trên đầu, chân và mỏ màu hồng.

2. Mật độ

Tuỳ thuộc vào điều kiện chăn nuôi, mùa vụ và khí hậu mà quyết định mật độ chuồng nuôi. Mật độ vừa phải thì Ngan sinh trưởng và phát triển tốt và hạn chế được sự lây nhiễm bệnh tật. Từ 0-4 tuần tuổi: 15-20 con trên m2 nền chuồng. Từ 9-12 tuần tuổi: 5-7 con trên m2 nền chuồng cộng với diện tích sân chơi bằng 2 lần diện tích nền chuồng.

3. Nhiệt độ và chế độ chiếu sáng

Ngan không tự nhiên điều chỉnh được thân nhiệt trong 2 tuần đầu mới xuống chuồng. Do vậy cần được đảm bảo được nhiệt độ cho ngan, nếu nhiệt độ không thích hợp thì tỷ lệ nuôi sống, khả năng sing trưởng bị ảnh hưởng, ngan dễ mắc bệnh về đường hô hấp, tiêu hoá.

Khi đủ ấm ngan nằm rải đều trong quây, khi thiếu nhiệt ngan nằm chồng lên nhau sát vào nguồn nhiệt. Nếu thừa nhiệt ngan nằm tản ra nguồn nhiệt nhào nhác khát nước. Ngan con cần chiếu sáng 24 trong ngày, ban ngày lợi dụng ánh sáng tự nhiên đảm bảo cường độ chiếu sáng 3W 1 m2 nền chuồng.

4. Thức ăn và phương pháp cho ăn

Thức ăn: Phải bảo đảm được thức ăn luôn mới, thơm, không bị mốc mọt. Thức ăn cần phải cân đối về thành phần dinh dưỡng để đáp ứng đủ về nhu cầu sinh trưởng và phát triển của ngan trong từng giai đoạn, sử dụng nhiều loại nguyên liệu và thức ăn bổ sung động vật, thực vật, premix khoáng và vitamin.

Phương pháp cho ăn:

Với mục đích của người chăn nuôi là ngan lớn nhanh nên lượng thức ăn đảm bảo thoả mãn được nhu cầu của ngan. Như vậy không có nghĩa là cứ cho ăn tự do ở mức lúc nào trong máng cũng có thức ăn, như vậy thức ăn sẽ bị ôi thiu, ẩm mốc. Thức ăn của ngan giảm đi gây ảnh hưởng tới sinh trưởng, thậm chí gây bệnh cho ngan. Để ngan ăn được nhiều, hiệu quả chuyển hoá thức ăn tốt cần cho ăn như sau: Cho ngan ăn theo bữa, hết thức ăn mới cho ăn tiếp. Việc để cám thường xuyên mới và mùi thơm của cám sẽ kích thích được ngan ăn nhiều, đồng thời tránh cho ngan mổ cắn nhau.

Từ 5-12 tuần tuổi có thể cho ngan ăn thêm rau xanh. Để có căn cứ cho các nhà sản xuất lập kế hoạch chuẩn bị thức ăn nuôi ngan. Kỹ thuật chăn nuôi Ngan thịt rất đơn giản nếu các bà con lưu ý được các vấn đề quy trình chăm sóc và giám sát các loại bệnh thường gặp phổ biến ở ngan.

Nguồn: Trangtraivac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi bồ câu trên đệm lót sinh học

Nuôi bồ câu trên đệm lót sinh học là một phương pháp hiện đại, giúp chim ít bị bệnh, từ đó ít sử dụng kháng sinh và kéo dài thời gian sinh sản.

Cách chọn giống bồ câu:

Chọn giống: Giống bồ câu Pháp được nhập vào Việt Nam từ tháng 05 năm 1998 phân bố tập trung ở các Trung tâm nghiên cứu giống gia cầm, nay đã được nuôi rộng rãi ở nhiều nơi

– Chọn mua con giống ở những cơ sở bán giống có uy tín, chất lượng, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y để sản xuất con giống, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

– Chọn mua những con mạnh khỏe, lông mượt, không có bệnh tật, dị tật, lanh lợi, con trống to hơn, đầu thô, có phản xạ gù mái (lúc thành thục) khoảng cách giữa 2 xương chậu hẹp hơn, con mái thường có khối lượng nhỏ hơn, đầu thon nhỏ, đuôi nhọn, khoảng cách giữa 2 xương chậu rộng hơn.

– Lông đa màu: Màu xám (chiếm 20%), màu trắng (chiếm 12%), màu nâu (chiếm 12%) và màu đốm (chiếm 4%) còn lại là những màu khác. Chân ngắn, vai nở, chim non mới nở nặng 17gr/con, lúc 28 ngày tuổi chim ra ràng nặng 530-580gr/con, lúc 4-5 tháng tuổi chim bắt đầu đẻ lứa đầu nặng 650-670gr/con và một năm tuổi chim sinh sản nặng 690gr/con, khoảng cách đẻ giữa hai lứa là 40- 45 ngày, trung bình mỗi năm 01 cặp chim đẻ từ 8-9 lứa (mỗi lứa là 02 con).

Chuồng trại nuôi bồ câu:

2.1. Vị trí xây dựng chuồng:

– Chọn khu đất cao ráo, dễ thoát nước

– Cách xa nhà ở và đường đi chung tối thiểu 10 mét

– Cách xa nguồn nước sử dụng gia đình tối thiểu 20 mét

– Cách xa khu công cộng (Khu vui chơi, giải trí, trường học, chợ …) tối thiểu 500 mét

Theo kinh nghiệm chuồng nuôi chim bồ câu phải thoáng mát, yên tĩnh thì chim mới mau lớn và đẻ tốt.

2.2. Thiết kế chuồng: Kiểu chuổng sàn, chuồng nền

2.2.1. Kiểu chuồng sàn (chuồng tầng): Nên làm bằng các vật liệu như cây gỗ, cây tre chẻ thành thanh nhỏ hoặc lưới chì. Đóng thành phên, ghép lại thành từng ô có thể nhiều tầng.

+ Chiều cao: 60cm

+ Chiều sâu: 60cm

+ Chiều rộng: 60cm

Mỗi ô chuồng nuôi 01 cặp chim sinh sản, mỗi ô chuồng cần đạt 02 ổ, ổ đẻ đặt ở trên cao, còn ổ nuôi con đặt ở dưới thấp, mỗi ô chuồng nên đặt thêm 1-2 cây sào đậu

Máng ăn, máng uống cho chim nên dùng bằng các chất dẻo đặt ở ngoài chuồng, không nên dùng bằng kim loại dễ bị gỉ sét.

Chuồng sàn cách mặt đất từ 40-50cm, chuồng sàn phải có mái che lợp bằng tôn hoặc lá, chuồng phải có đầy đủ ánh sáng, khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ, tránh mưa tạt gió lùa và tránh ồn ào.

2.2.2. Chuồng nền:

Chọn vị trí cao ráo, dễ thoát nước không bị ngập úng, nền chuồng tôn cao hơn mặt đất tự nhiên từ 30-40cm, mặt nền bằng đất nện chặt hoặc tráng xi măng.

Vật liệu làm chuồng bằng cây, mái lợp tôn hay lá, chuồng phải có đầy đủ ánh sáng, khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ, tránh mưa tạt gió lùa, tránh ồn ào. Chuồng có thể làm bằng các vật liệu như cây gỗ, cây tre chẻ thành thanh nhỏ hoặc lưới chì. Đóng thành phên ngăn theo từng ô, gạch xây bao xung quanh các ô, các dãy để ngăn chặn các chất độn chuồng.

Chuồng nền dễ làm ít tốn công lao động hơn chuồng sàn, chi phí mua vật liệu cũng rẻ hơn. Đối với chuồng nền có thể làm rộng lớn hơn chuồng sàn. Chiều cao là 1 mét, chiều sâu là 1 mét, chiều ngang là 60cm, được bố trí nuôi cho 01 cặp chim sinh sản, các ổ đẻ và ấp, ổ nuôi con, sào đậu và các máng ăn, máng uống cũng bố trí như chuồng lồng.

Sử dụng nệm lót sinh học nuôi bồ câu:

Bằng bột men chế phẩm Balasa. N01 chế phẩm tạo men vi sinh vật sẽ phân hủy phân chim và các chất thải của chim không gây mùi hôi thối, ảnh hưởng môi trường xung quanh và giảm được công dọn rửa vệ sinh chuồng trại…

3.1. Các nguyên liệu chuẩn bị để làm đệm lót: Chế phẩm Balasa N01 là 01kg, cám gạo loại tốt từ 3-5 kg, chất độn chuồng là cát khô sạch.

– Đối với chuồng sàn lồng tầng phải có bạt lót ở phía dưới sàn lồng, kéo thành bạt cao 12-15cm để hứng phân, các chất thải của chim và giữ cho chất độn không rơi ra ngoài.

– Đối với chuồng nền chỉ cần xây hoặc vây quanh các ô bằng gạch, gỗ ván, tôn … cao 15cm để giữ cho phân và các chất thải của chim, chất độn không rơi ra ngoài.

3.2. Tiến hành các bước và sử dụng nệm lót:

3.2.1. Đổ chất độn (cát) vào các ô có độ dầy từ 5-7cm. Sau khi rải xong tiến hành thả chim vào nuôi

3.2.2. Sau khi thả chim vào nuôi từ 7-10 ngày, khi thấy trên mặt chất độn rải rác có phân chim ta tiến hành các bước ủ gây men (ủ chế phẩm Balasa …)

3.2.3. Trộn đều 1kg bột men balasa N01 với 3-5kg cám gạo loại tốt. Sau đó cho từ 1-1,5 lít nước sạch xoa cho ẩm đều (bột ẩm không quá tơi hay không quá nhũn). Sau đó cho bột men vào túi ni lông hoặc vào thùng đậy kín và để vào nơi khô mát khoảng 2-3 ngày, khi bột men có mùi thơm men rượu là đạt yêu cầu, sử dụng được từ 35-50m2

3.2.4. Rác đều bột men lên toàn bộ bề mặt đệm lót và dùng cào, cào cho bột men chìm sâu xuống bề mặt đệm lót khoảng 2-3cm là được

Sở dĩ làm chất độn chuồng bằng cát để nuôi chim bồ câu là khác với làm chất độn bằng trấu và mùn cưa để nuôi gà, vịt… vì tập tính của chim bồ câu khác với các loại gia cầm khác là chúng hay quạt. cánh. Như vậy nếu sử dụng chất độn chuồng bằng trấu và mùn cưa khi mỗi lần chim quạt cánh, thì chất độn chuồng sẽ bay hết ra ngoài khỏi ô lồng, sẽ gây ô nhiễm, tốn công quét dọn và vệ sinh.

Bảo quản nệm lót khi nuôi bồ câu:Để sử dụng đệm lót được tốt và lâu dài chúng ta cần lưu ý một số điều như sau:

– Tránh không để mưa tạt, dột hay làm đỗ nước. nếu chỗ nào bị ướt phải thay ngay bằng chất độn mới,

– Không được phun xịt các loại hóa chất trực tiếp vào nệm lót sẽ diệt chết vi sinh vật

Nhu cầu dinh dưỡng thức ăn, nước uống cho chim bồ câu:

5.1. Nhu cầu dinh dưỡng:

Các loại thức ăn thường sử dụng nuôi chim bồ câu

– Thông thường chim ăn trực tiếp các loại hạt thực vật: Hạt đỗ, ngô, thóc, gạo … và một lượng thúc ăn cần thiết đã được gia công có chứa đầy đủ các đạm, khoáng và vitamin.

+ Hạt đỗ bao gồm: Đỗ xanh, đỗ đen, đỗ tương … Riêng đỗ tương lượng chất béo nhiều nên cho ăn ít hơn và phải rang trước khi cho chim ăn.

+ Thức ăn cơ sở: Thóc, ngô, gạo lứt, cao lương … Ngoài ra còn trộn thêm cám gà khoảng 20-30%. Yêu cầu thức ăn phải đảm bảo sạch , chất lượng tốt, không bị mốc mọt.

5.2. Nhu cầu thức ăn:

5.2.1. Cách phối trộn thức ăn:

+ Thức ăn cơ bản: Thông thường lượng hạt đỗ từ 25-30%, ngô, thóc, gạo lứt và thức ăn gà: 70-75%

+ Thức ăn bổ sung (chứa vào máng riêng): Khoáng Premix: 85%, muối ăn: 5%, hạt sỏi: 10%.

5.2.2. Cách cho ăn:

+ Thời gian cho chim ăn: – Buổi sáng lúc 8-9 giờ

– Buổi chiều lúc 14-15 giờ

+ Định lượng: Tùy theo từng lứa tuổi của chim mà chúng ta cho với lượng thúc ăn khác nhau, thông thường là bằng 1/10 trọng lượng cơ thể của chim như:

. Chim dò(từ 2-5 tháng tuổi): 40-50gr TĂ/con/ngày

. Chim nuôi con: 120-130gr TĂ/đôi/ngày

. Chim không nuôi con: 90-100gr TĂ/đôi/ngày

5.3. Nhu cầu nước uống:

Nhu cầu nước cho chim bồ không nhiều. Nhưng cần phải có đầy đủ nước sạch để chim uống tự do, không màu, không mùi. Trung bình mỗi đôi chim cần từ 200ml nước/ngày, có lúc tăng lên 300ml nước/ngày vào những ngày nắng nóng và ít nhất là 150ml nước/ngày vào những ngày trời lạnh.

Phòng bệnh khi nuôi bồ câu:

– Thường xuyên quét dọn, thu gom chất thải vệ sinh xung quanh chuồng trại, máng ăn, máng uống hàng ngày

– Định kỳ tẩy uế, sát trùng lối ra vào và những khu vực xung quanh chuồng trại.

– Hạn chế không để các loài động vật như chó mèo và người tham quan, qua lại khu vực chăn nuôi.

Nguồn: Nongdan.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Một số bệnh thường gặp ở bồ câu và cách phòng trị

Họ Bồ câu (danh pháp: Columbidae) là một họ thuộc bộ Bồ câu (Columbiformes), bao gồm khoảng 300 loài chim cận chim sẻ. Tên gọi phổ biến của các loài trong họ này là bồ câu, cu, cưu, gầm ghì.

Bệnh thương hàn

Bệnh do vi khuẩn Salmonella gallinacerum và S.enteritidis thuộc họ Enterbacteriacae gây ra. ChủngS. Gallinacerum có độc lực mạnh, gây bệnh cho bồ câu nhà, gà, vịt và nhiều loài chim hoang dã khác. Bồ câu các lứa tuổi đều bị bệnh, nhưng bị bệnh nặng và chết nhiều nhất ở bồ câu dưới một năm tuổi.

Triệu chứng chính: bồ câu bệnh lười vận động, kém ăn, uống nhiều nước. Sốt, đứng ủ rũ, thở gấp, tiêu chảy phân màu xanh hoặc xám vàng, lẫn máu.

Bệnh tích: niêm mạc đường tiêu hóa sung huyết, tụ huyết từng đám. Niêm mạc ruột non và ruột già bóc ra từng đám. Niêm mạc ruột già có hoại tử từng đám. Hạch limphô ruột tụ huyết.

Điều trị:

– Cho cả đàn uống 5 ngày một trong các loại kháng sinh sau: Oracin-pharm (1ml/1,5 – 2 lít nước uống); Enroflox 5% (2g/lít nước uống); Pharmequin, Pharamox G, Ampi-col (1g/lít nước uống); Pharcolivet, Ampi-col pharm (10g/2,5 lít nước uống); Pharmequin-max (1g/2 lít nước uống).

– Đồng thời cho uống kèm Dizavit-plus, 2g/lít nước uống.

Sau khi dừng kháng sinh, cho cả đàn uống men tiêu hóa (Pharbiozym, Pharselenzym) để phục hồi sức khỏe.

Bệnh cầu trùng (Pigeon coccidiosis)

Bệnh cầu trùng thường thấy ở bồ câu non 1 – 4 tháng tuổi với các triệu chứng tiêu chảy phân có nhiều dịch nhầy, đôi khi lẫn máu nên có màu sôcôla. Thông thường cầu trùng gây bệnh ở bồ câu nhẹ hơn ở gà, nhưng có ca bệnh nặng làm bồ câu tiêu chảy suy kiệt dẫn đến chết. Bệnh xảy ra vào vụ xuân – hè và thu – đông. Tại cơ sở ô nhiễm nặng bệnh có thể xảy ra quanh năm. Cầu trùng bồ câu có thể lây qua gà và ngược lại.

Điều trị: Bệnh cầu trùng có thể ghép vi khuẩn đường ruột (E.coli hoặc Salmonella…) cho nên cần điều trị cả 2 bệnh này cùng lúc.

– Pharticoc-plus, 10g/7 lít nước, liên tục 3 ngày, nghỉ 2 ngày rồi cho uống tiếp 2 ngày.

Hoặc Pharm-cox G, 1ml/lít nước uống, liên tục 48 giờ hoặc 3ml/lít nước uống, 8 giờ/ngày, liên tục 2 ngày để diệt cầu trùng.

– Cùng lúc cho uống kèm một trong các loại kháng sinh sau: Oracin-pharm (1ml/1,5 – 2 lít nước uống); Pharcolivet, Ampi-coli pharm (10g/2,5 lít nước); Pharmequin, Pharamox G, Gatonic-plus (1g/lít nước uống)…liên tục 3 – 5 ngày.

Các bệnh về giun, sán

Bệnh giun đũa.

Giun đũa Ascallidiosi columbae gây bệnh ở diều, ruột non, đôi khi ở thực quản. Vòng đời phát triển trực tiếp. Từ lúc cảm nhiễm đến lúc trưởng thành giun cần 37 ngày, có nghĩa mổ bồ câu ngoài một tháng tuổi mới thấy giun trưởng thành. Giun tròn như que tăm, màu trắng ngà. Giun cái dài 20 – 95mm, giun đực dài 50 – 70mm. Triệu chứng chính là bồ câu giảm ăn, gầy, lông xù, tiêu chảy, có khi chết do giun làm tắc ruột. Chim nuôi nhốt cũng bị giun nếu cho ăn thêm cát sỏi.

Bệnh giun ở diều bồ câu.

Bệnh do giun tròn Epomidiostomum uncinatum gây ra. Chúng ký sinh ở niêm mạc diều bồ câu. Giun đực dài 6,5 – 7,3mm, giun cái dài 2,0 – 11,5mm. Chúng gây tổn thương diều bồ câu, có khi gây viêm diều do nhiễm khuẩn thứ phát.

Bệnh sán dây.

Sán dây là loài ký sinh trùng nguy hiểm. Chim bệnh giảm ăn, gầy, đôi lúc tiêu chảy. Có con chết do búi sán làm tắc ruột. Bồ câu có thể nhiễm nhiều loài giun tròn khác. Để điều trị các loài này cho bồ câu uống Decto-pharm, 1g/1,5kgP/lần. 3 tháng tẩy một lần.

Sau tẩy giun sán, cho cả đàn uống 7 ngày men tiêu hóa Pharbiozym (2g/lít nước) và liên tục Phar-M comix để bổ sung khoáng vi lượng. Cho bồ câu bố mẹ uống Teramix-pharm (10g/lít nước) để tăng năng suất sinh sản.

Bệnh nấm diều

Bệnh do nấm Candidia albicans gây ra. Mẫn cảm nhất là bồ câu 1 – 2 tháng tuổi. Bệnh có thể lây qua dụng cụ, thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh. Cũng có thể do dùng kháng sinh phổ rộng dài ngày.

Triệu chứng: Đầu tiên xuất hiện những lớp vảy da màu vàng nhạt ở trong mỏ, có thể bóc tách dễ dàng, không chảy máu. Sau đó tạo những mụn loét ăn sâu xuống ngã tư hầu họng và diều. Chim bệnh ăn ít, tăng trọng kém, gầy, tiêu chảy. Thỉnh thoảng nôn ra chất nhầy lẫn thức ăn, mùi hôi. Diều chim bệnh sa, loét miệng. Chim non bị nặng hơn chim trưởng thành, chậm mọc lông.

Hộ lý: Tiêu hủy hết vật rẻ mau hỏng và phân trong chuồng bồ câu, vệ sinh sạch sẽ. Phun sát trùng chuồng và khu vực chăn nuôi bằng dung dịch chứa Iod, CuSO4 1% hoặc formol 2,5%. Loại tất cả thức ăn nghi nhiễm nấm như Ngô, khô dầu đỗ tương. Cho ăn cám gà đẻ với khối lượng = 1/10 trọng lượng bồ câu.

Điều trị:

– Cho cả đàn uống Nấm phổi GVN, 10g/2,5 – 3 lít nước uống hoặc 10g/30kgP/ngày, liên tục 7 ngày để diệt nấm.

– Cho uống chung với một trong các loại kháng sinh sau: Pharamox G, Pharmequin, Enroflox 5%, Orain-pharm… liên tục 5 ngày để diệt vi khuẩn bội nhiễm.

– Cho ăn/uống Phartigum B, 2g/10kgP/ngày hoặc 2g/lít nước uống để giảm đau, tăng lực.

Tốt nhất hòa tan lượng thuốc cần thiết, phun ướt đều vào cám rồi cho ăn, như vậy bồ câu mẹ vừa mớm được thức ăn lẫn thuốc cho bồ câu con.

Bệnh Niu cát xơn (NCX)

Bệnh Niu cát xơn (NCX) do virus gây ra. Triệu chứng chính: Chim bệnh ủ rũ, tiêu chảy phân màu trắng, đột tử, chân khô, diều căng đầy hơi hoặc thức ăn không tiêu hóa. Tỷ lệ chết có thể lên đến 90%. Có con bị vặn cổ, mặt ngửa lên trên, đi xoay vòng theo phía cổ bị vặn. Có khi đứng không vững, lăn quay ra nền chuồng. Những cá thể bị thần kinh thế này lâu chết nhưng thải mầm bệnh ra môi trường rất nguy hiểm, cho nên cần tiêu hủy.

Xử lý ổ dịch như sau:

A/ Dùng ngay vacxin NCX thẳng vào ổ dịch.

– Đối với chim dưới 1 tháng tuổi nhỏ Laxoota hoặc ND-IB 2 lần cách nhau 14 ngày. Lần đầu có thể nhỏ cho chim trong tuần tuổi đầu tiên.

– Đối với chim trên 1 tháng tuổi nếu trước đây đã nhỏ vacxin phòng NCX, nay tiêm ngay 0,3ml vacxin nhũ dầu hoặc các loại vacxin phòng NCX với liều như tiêm cho gà.

Nếu trước đây chưa dùng vacxin nhỏ lần nào thì nhỏ ngay, 7 ngày sau mới dùng vacxin tiêm.

B/ Kết hợp cho uống kháng sinh (Oracin-pharm, Pharamox G, Pharmequin, Gatonic-plus…) diệt vi khuẩn bội nhiễm và thuốc tăng thể trạng (Dizavit-plus). Dùng phác đồ như điều trị bệnh Thương hàn.

Bệnh mổ lông, rụng lông

Bồ câu mổ lông nhau, đặc biệt chim bố mẹ mổ lông chim con hoặc chim bị rụng lông có thể do chim bố mẹ thiếu khoáng vi lượng, vitamin trong thời kỳ nuôi con, cường độ ánh sáng mạnh, mật độ nuôi dày, stress (tiếng ồn, chó mèo đe dọa…), thức ăn không đảm bảo chất lượng (mốc, mọt), đơn điệu làm lông rụng kích thích con khác mổ, ngoại ký sinh trùng…

Điều trị bằng cách loại bỏ các nguyên nhân kể trên và cho uống thuốc như sau:

– Pharotin-K, 10g/2,5 – 3 lít nước uống, liên tục 7 ngày.

– Phar-Calci B12, 10 – 20ml/lít nước uống, liên tục 7 ngày.

Sau đó bổ sung thường xuyên khoáng vi lượng Phar- M comix, 1g/lít nước uống.

Đối với bồ câu sinh sản định kỳ cho ăn/uống Teramix-pharm (10g/lít nước uống hoặc 1g/kgP/ngày), 5 – 10 ngày/đợt/tháng hoặc liên tục tùy điều kiện từng cơ sở.

Lịch phòng bệnh cho bồ câu

– Trong giai đoạn 3 – 10 ngày tuổi nhỏ vacxin Lasota hoặc ND.IB, 2 tuần sau nhỏ nhắc lại lần 2. Sau đó cứ 1 – 2 tháng cho uống một liều vacxin ND.IB (hoặc Lasota) để phòng bệnh Niu cát xơn và bệnh viêm phế quản truyền nhiễm.

Tốt nhất đối với bồ câu ngoài 1 tháng tuổi tiêm vacxin nhũ dầu với liều 0,3ml/con hoặc H1 (M) tiêm liều như cho gà để phòng bệnh Niu cát xơn. Đối với bồ câu sinh sản một năm tiêm nhắc lại một lần vacxin nhũ dầu.

– Qua 10 ngày tuổi chủng đậu cho bồ câu. Cách dùng và liều dùng như chủng cho gà.

– Định kỳ 2 – 3 tuần, đặc biệt khi thời tiết thay đổi cho uống một đợt 3 ngày một trong các loại kháng sinh sau: Pharamox G, Pharmequin, Ampicol, Pharamox (1g/lít nước uống); Enroflox 5% (2g/lít nước uống); Pharmequin-max (1g/2 lít nước uống); Pharcolivet, Ampi-coli pharm (10g/2,5 lít nước uống)… để phòng bệnh tiêu chảy, hô hấp do vi khuẩn.

Các loại thuốc diệt khuẩn, ký sinh trùng, nấm… dùng phòng trị bệnh Bồ câu như dùng cho gia cầm.

– Một năm 2 lần tẩy giun sán bằng cách cho uống Decto-pharm (1g/1,5kg thể trọng để tẩy giun, sán dây), Pharcado (2g/4kg thể trọng để tẩy giun, sán dây) hoặc Pharcaris (10g/25 – 30kg thể trọng để tẩy giun tròn).

Nguồn: Nongdan.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Phòng, trị bệnh đậu cho chim bồ câu

Hiện nay, phong trào nuôi chim bồ câu đang phát triển. Đã có nhiều gia trại nuôi chim bồ câu với số lượng vài chục đôi đến hàng trăm đôi; khi chăn nuôi với số lượng nhiều, vấn đề phòng chống dịch bệnh càng cần được quan tâm.

Thời tiết mùa xuân và mùa hạ, nhiệt độ và độ ẩm cao, muỗi phát triển nhiều, đây là nguy cơ lây lan bệnh đậu trên đàn bồ câu. Bệnh Đậu ( Nổi trái) Bồ Câu do một chủng pigeon pox virus thuộc họ avipoxvirus gây bệnh nghiêm trọng cho khoảng 60 loài chim và gia cầm có ở khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt các loại chim cảnh: chim hót, bồ câu, hải âu, vẹt…rất dễ mắc bệnh.

Các mụn đậu nổi lên nhiều phần không có lông hoặc chưa mọc lông : mỏ, mép, quanh mắt, đùi, chân..thậm chí mụn đậu mọc trong thanh quản, khí quản. Có hai dạng mụn: khô và loét sùi, ướt do các nhiễm trùng kế phát.

Bệnh gây khó chịu cho chim, với chim non tử vong cao do khó ăn, khó nuốt hoặc nhiễm trùng máu do vi khuẩn kế phát. Chim lớn khỏi bệnh giảm khả năng bay và đua.

Đặc điểm của bệnh đậu ở chim bồ câu

  • Do virus gây ra.
  • Tạo thành các mụn đậu, thường ở những phần không có lông (mào, tích, quanh mắt, chân). Các loại gia cầm đều có thể mắc bệnh.
  • Gây tỷ lệ chết cao cho gà con, chim non.
  • Bệnh xảy ra nhiều vào mùa xuân, mùa thu.

    Đường lây lan của bệnh đậu ở chim bồ câu

  • Chủ yếu qua các vết xây xát ở vùng da không có lông.
  • Lây trực tiếp từ con ốm sang con khỏe.
  • Do muỗi đốt và truyền mầm bệnh từ con ốm sang con khoẻ.

    Triệu chứng của bệnh đậu ở chim bồ câu

  •  Mụn đậu mọc ở những vùng da không lông (mào, tích, xung quanh mắt, chân, mặt trong cánh).
  • Mụn có màu sắc khác nhau, từ màu trắng trong, màu hồng thẫm rồi chuyển sang màu xám.
  • Mụn đậu khô dần, đóng vảy, tạo thành nốt sẹo có màu vàng xám.
  • Trường hợp mụn ở mắt làm cho chim bồ câu bị mù.
  • Mụn đậu mọc trong thực quản, chim bồ câu thường không ăn, uống được và chết.

    Bệnh tích * Dạng hầu họng

    Bệnh tích: mụn đậu mọc trên niêm mạc miệng, thực quản

  • Thường xảy ra ở chim bồ câu non.
  • Gây các vết loét ở miệng, họng.
  • Làm cho chim bồ câu khó ăn, khó thở rồi chết.
  • Trong miệng và họng có lớp màng giả màu vàng xám.
  • Chim bồ câu dễ bị nhiễm vi khuẩn kế phát.

    Phòng bệnh đậu ở chim bồ câu

  •  Phòng bệnh bằng chủng vaccine đậu gà.
  • Vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ, dùng thuốc diệt côn trùng theo định kỳ.

    Chống bệnh đậu ở chim bồ câu

  • Cạy mụn đậu và cạo hết bã đậu sau đó bôi dung dịch Glyxerin i-ốt, 1% Xanh Metylen lên mụn đậu (bôi hàng ngày), ít ngày sau mụn đậu sẽ khô dần và tự bong.
  • Trường hợp chim bồ câu bị đậu ở niêm mạc miệng, có thể dùng thuốc sát trùng nhẹ như a-xít bô-ríc 3%.
  •  Bổ sung thêm vitamin, đặc biệt vitamin A. Nếu bệnh nặng cần bổ sung thêm kháng sinh phòng vi khuẩn bội phát.
  • Các chất thải của chim bồ câu, ổ đẻ cần đốt hết.
  • Phun sát trùng tiêu độc thường xuyên trong thời gian chim bồ câu bị bệnh.
  • Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng (cho ăn, uống tốt, bổ sung các thuốc trợ sức, trợ lực) để tăng sức đề kháng cho chim bồ câu.

Nguồn: Tiepthinongnghiep.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Ninh Thuận tổng kết mô hình nuôi vịt biển

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận tổ chức hội nghị tổng kết mô hình thử nghiệm nuôi vịt biển tại các xã Hộ Hải, Phương Hải, huyện Ninh Hải.

Huyện Ninh Hải là địa phương bị ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu, nhất là tình hình nước nhiễm mặn do nuôi tôm. Thời gian qua, huyện đã nghiên cứu đưa vào thử nghiệm các loại vật nuôi thích nghi với điều kiện mặn cao nhưng không hiệu quả.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2017 Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Ninh Hải tổ chức triển khai thí điểm “Mô hình nuôi vịt biển sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu” tại 2 xã nói trên với quy mô 400 con (200 con/hộ/xã).

Giống vịt được chọn nuôi thử nghiệm là Vịt biển 15 – Đại Xuyên (do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên – Viện Chăn nuôi nghiên cứu và chọn tạo) đã được nuôi thử nghiệm thành công ở nhiều vùng biển các tỉnh có độ mặn cao như Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Trà Vinh và 33 điểm ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Vịt biển 15 – Đại Xuyên

Thời gian thử nghiệm nuôi từ tháng 4 đến tháng 12/2017, đánh giá kết quả sơ bộ như sau:

– Tỷ lệ sống chuyển lên giai đoạn đẻ đạt 90,25% (kết quả có 361/400 con còn sống), đạt cao hơn yêu cầu của mô hình 10,25% (≥80%), vịt đạt trọng lượng từ 2,3 – 2,6kg/con mái, 2,5 – 2,8kg/con trống. Trong tổng số 361 con, đã bán thịt 191 con trống và mái với giá 75.000 đồng/con, trừ các khoản chi phí lợi nhuận gần 20.000 đồng/con; góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế 15% so với các hộ nuôi giống vịt địa phương.

– Số vịt còn lại là 20 con trống/150 con mái, tiếp tục nuôi lấy trứng để nhân đàn; tuổi đẻ bói đầu tiên (rớt hột) là 115 ngày (16 tuần 3 ngày). Đến nay vịt đẻ trung bình 65 trứng/đêm, chiếm tỷ lệ 43,33% (qua 12 tuần đẻ); trọng lượng trứng trung bình đẻ bói đầu tiên là 50gr/trứng, giai đoạn đẻ trứng rạ là 65gr/trứng với giá trứng bán thương phẩm từ 3.000 – 3.500 đ/trứng (trọng lượng trứng còn tiếp tục tăng).

– Đánh giá về sự thích nghi cho thấy, nước uống của vịt được chuyển dần từ độ mặn từ 2 phần nghìn lên đỉnh điểm 15 phần nghìn, vịt từ 0 – 2 tuần tuổi uống nước ngọt, từ 2 – 6 tuần tuổi uống nước có độ mặn từ 2 – 12 phần nghìn, vịt trên 6 tuần tuổi uống nước có độ mặn từ 12 – 15 phần nghìn, giai đoạn này vịt có thể bơi lội trong môi trường nước có độ mặn 20 – 25 phần nghìn.

Việc đưa vịt biển vào nuôi thành công tại Ninh Thuận được xem là giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục các nhược điểm của vịt nước ngọt nuôi các vùng nước lợ vào những tháng có độ mặn tăng cao như vịt giảm sản lượng trứng, bị quăn lông và thường hay bệnh đường ruột. Từng bước góp phần giải quyết bài toán sinh kế cho các hộ vùng nước lợ, nước mặn, nơi độ mặn ngày càng tăng do tình trạng xâm nhập mặn.

Từ những kết quả đạt được, mô hình đã giúp bà con vùng ven biển, những khu vực bị xâm nhập mặn có thêm một lựa chọn đối tượng nuôi mới, không những có khả năng phát triển kinh tế gia đình mà còn thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Bái phục lão nông làm trang trại tổng hợp trên vùng đất cát, thu 3 tỷ đồng/năm

Từ hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Thuận (58 tuổi) đã gây dựng thành công trang trại quy mô trên vùng cát ở xã Quảng Vinh (huyện Quảng Điền, TT-Huế), cho doanh thu mỗi năm trên 3 tỷ đồng.

Trước đây nguồn thu nhập chính của gia đình ông Nguyễn Thuận dựa vào sản xuất lúa, hiệu quả kinh tế thấp. Luôn trăn trở để tìm hướng phát triển sản xuất nhằm làm giàu cho gia đình và đóng góp xã hội, cuối năm 2006 ông cùng vợ làm đơn, phác thảo dự án rồi xin huyện cấp đất xây dựng trang trại ở xã Quảng Vinh.

Ông Thuận hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà

Vùng đất nơi gia đình ông đến lập nghiệp thời gian đó chỉ toàn sỏi và cát, nắng nóng khắc nghiệt. Để bắt tay thực hiện giấc mơ làm giàu, ông dùng số vốn eo hẹp đầu tư nuôi khoảng vài trăm con gà, mấy con heo và trồng thêm nấm rơm.

“Cuối năm 2006 tôi chuyển vào Rú Cát xây chòi để ở và chăn nuôi. Lúc ấy có đồng nào tôi đầu tư đồng đó, nuôi khoảng 500 con gà, vài con heo. Thời điểm đó tôi cũng chưa có nhiều kiến thức cần thiết về sản xuất theo hướng trang trại nên việc phát triển mô hình gặp khó khăn. Ngoài ra do cây trồng và vật nuôi không chống chịu được với điều kiện khắc nghiệt nên bị thua lỗ nặng”, ông Thuận tâm sự.

Sau thất bại đó, ông được đi tập huấn và tham gia các lớp học về kỹ thuật chăn nuôi, giới thiệu những mô hình trang trại hiệu quả. Trở về nhà, ông bắt tay cải tạo môi trường vùng cát bằng việc trồng cây xanh, phát triển trang trại theo hướng đa ngành nghề, phối hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi.

Năm 2012 trang trại của ông đạt tiêu chí trang trại thu nhập trên 1,2 tỷ đồng. Từ cuối năm 2016 đến nay, ông Thuận đã chủ động liên kết với Cty CP Greenfeed nuôi lợn theo công nghệ cao. Ông mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây chuồng trại, mở rộng quy mô sản xuất và trang thiết bị hiện đại như lắp đặt hệ thống lạnh, máng ăn và máng uống tự động, làm hầm chứa và xử lý chất thải, hầm biogas; áp dụng công nghệ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Trên diện tích 2ha, mỗi năm trang trại nuôi hơn 30.000 con gà lai ri, 500 ngan Pháp, 400 con lợn thịt, 40 con lợn nái. Ngoài nuôi gà, heo ông còn nuôi 3 ao cá và 1,3 ha rừng tràm.

Theo ông Thuận, để chăn nuôi đạt hiệu quả cao, trước hết phải xây dựng hệ thống chuồng trại bảo đảm khoa học. Nắm chắc các kỹ thuật từ khâu lựa chọn con giống đạt chất lượng tốt đên khâu chăm sóc. Đặc biệt, chủ động ổn định nhiệt độ trong khu chuồng trại để tránh dịch bệnh cũng như đảm bảo trọng lượng xuất chuồng.

Lão nông chia sẻ: “So với mặt bằng chung trong nông nghiệp thì chăn nuôi mang lại nguồn kinh tế cao, doanh thu trung bình năm trên 3 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí tính ra mỗi năm có lãi khoảng 1 tỷ. Làm trang trại phải có đam mê, năng động, chịu khó thì thành công sẽ đến, khi thấy lỗ đừng nản mà phải chủ động tìm giải pháp”.

Hơn 10 năm lao động vất vả trên vùng đất cát khô nóng, ông Thuận đã miệt mài không ngừng để có được trang trại quy mô, hiện đại như hiện nay. Nhờ trang trại mà 5 người con của ông được ăn học đến nơi đến chốn, ông còn xây dựng được ngôi nhà khang trang và tạo việc làm cho 12 lao động với mức lương ổn định từ 3 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, trang trại của ông hằng năm còn nhận sinh viên vào thực tập, hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc, chế độ ăn uống của gà, heo…

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm

Quản lý kháng sinh, vấn đề cấp bách

Trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đã đưa ra danh sách các loại kháng sinh quan trọng trong nhân y và trong thú y. Việc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm cho vật nuôi làm thực phẩm cho con người là cần thiết để đảm bảo hiệu quả của kháng sinh. Trong chăn nuôi, duy trì sức khỏe vật nuôi rất quan trọng trong sản xuất thực phẩm an toàn cho người, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân trên thế giới trong việc tìm kiếm protein có nguồn gốc động vật với giá cả phải chăng cho khẩu phần ăn hàng ngày của mình.

Chính sách lành mạnh có thể được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, và tốt nhất cần phải xem xét các bài học và kinh nghiệm toàn cầu. Những kinh nghiệm và bài học của các nước, bao gồm của Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ có thể đóng góp vào quá trình ban hành chính sách, quy định mang tính khoa học cho từng quốc gia. Việc áp dụng các nguyên tắc phân tích rủi ro, bao gồm đánh giá rủi ro, quản lý rủi ro và truyền thông rủi ro, có thể giúp các quốc gia kết hợp những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất vào quá trình quản lý động vật làm thực phẩm.

Các bài học và thực tiễn đều chứng minh rằng, một cách tiếp cận mang tính chiến lược để xác định kháng kháng sinh là vô cùng quan trọng. Nhận thức về hiện trạng và mục tiêu mong muốn của một quốc gia và sau đó xây dựng một quy trình thông qua các luật, quy định và thực tiễn để làm cầu nối giữa hiện trạng đến trạng thái mong muốn là điều quan trọng nhất để đảm bảo rằng chính sách và khoa học được thực hiện đạt kết quả cao nhất. Hành động chính trị mà không có lý do khoa học chính đáng hoặc thực tiễn thực tế sẽ dẫn đến hậu quả không mong đợi và lãng phí nguồn lực vốn còn hạn chế.

Kháng sinh thường được kiếm soát như một phần của quy trình phê duyệt thuốc thú y

Quy trình pháp lý này bao gồm đánh giá an toàn (con người, động vật và môi trường), chất lượng và hiệu quả (công bố trên nhãn với các công dụng đã được phê duyệt). Đánh giá an toàn về mặt pháp lý đối với con người của kháng sinh trong lịch sử được xem là an toàn về mặt độc tính và vi  giới hạn dư lượng tối đa (MRLs) để đảm bảo việc sử dụng sản phẩm một cách an toàn.

Gần đây, việc đánh giá an toàn kết hợp phân tích rủi ro cho kháng kháng sinh, bao gồm đánh nguy cơ phơi nhiễm, quản lý rủi ro thông qua hướng dẫn sử dụng nhãn và truyền thông rủi ro nhằm đảm bảo sử dụng có trách nhiệm. Trọng tâm chính là giảm thiểu các mầm bệnh trong thực phẩm và sự kháng lại các vi khuẩn khiến cho bệnh trên người không thể điều trị được.

Quan điểm của các nước

Trong hai thập kỷ qua, EU và Hoa Kỳ đã tìm kiếm để ngăn chặn sự kháng kháng sinh thông qua các luật, quy định của mình, đồng thời đưa ra các thực tiễn về sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Mỗi phương pháp tiếp cận tiên tiến khác nhau đưa ra những kinh nghiệm và bài học khác nhau. Trên toàn cầu, kháng sinh tiếp tục được sử dụng ở tất cả các quốc gia trong chăn nuôi động vật làm thực phẩm; không có quốc gia nào loại bỏ được tất cả các loại kháng sinh.

EU đã xây dựng các quy định về kháng sinh sử dụng qua đường tiêm, nước chứa thuốc và thức ăn chứa thuốc. Phân tích nguy cơ kháng kháng sinh đóng vai trò quan trọng trong quá trình phê duyệt pháp lý. Bác sỹ thú y đóng vai trò chính, là người kê đơn sử dụng kháng sinh. Ở châu Âu, hiện có nhiều cuộc tranh luận về sử dụng kháng sinh cho KTTT trong thú y, và EU đã cấm sử dụng kháng sinh cho KTTT từ 1/01/2016.

Quan trọng là, lệnh cấm của EU không phải là lệnh cấm cho một hoạt chất cụ thể mà mang ý nghĩa về chỉ dẫn sử dụng, rằng nếu một hoạt chất có chỉ dẫn về mục đích điều trị và KTTT thì KTTT sẽ bị cấm, tuy nhiên hoạt chất này vẫn được lưu hành trên thị trường cho mục đích điều trị.

Cách tiếp cận của EU đối với việc cấm KTTT đã có “những hậu quả không mong muốn” dẫn đến gia tăng tỷ lệ mắc bệnh viêm ruột hoại tử ở gia cầm và bệnh lị trên heo. Sự gia tăng sử dụng Tetracylin và Peniciline dẫn đến mức độ kháng các nhóm kháng sinh này càng tăng trong các mầm bệnh lây qua thực phẩm, đặc biệt là các chủng Samonella.

Dữ liệu từ DanMap 2013 của Đan Mạch cho thấy sau khi KTTT bị cấm, mức độ kháng Tetracycline và Ampicillin đã tăng, và điều này được phản ánh trong việc sử dụng các nhóm kháng sinh này cho mục đích điều trị. Rõ ràng, quyết định của EU dựa trên nguyên tắc thận trọng hơn là các dữ liệu khoa học.

Hoa Kỳ đã xây dựng các quy định về kháng sinh và phân tích rủi ro về kháng kháng sinh như một phần quan trọng trong quá trình phê duyệt pháp lý của mình. Các kháng sinh có thể được phê duyệt cho mục đích trị bệnh, kiểm soát và phòng bệnh, và cho KTTT. Bác sỹ thú y đóng vai trò chính trong việc kê đơn sử dụng kháng sinh, bao gồm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi theo “chỉ thị của bác sỹ thú y trong thức ăn chăn nuôi”.

Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phân loại kháng sinh thành 3 nhóm: nhóm chỉ dùng trong nhân y, nhóm chỉ dùng trong thú y và nhóm sử dụng chung cả trong nhân y và thú y. Các công ty thuốc thú y được khuyến khích tự nguyện rút KTTT khỏi nhãn sản phẩm với các kháng sinh thuộc nhóm sử dụng chung; trong đó, KTTT có thể được sử dụng đối với các kháng sinh chỉ dùng trong nhân y.

Từ ngày 1/01/2017, kháng sinh thuộc nhóm dùng chung chỉ được phép sử dụng cho mục đích điều trị (trị, kiểm soát và phòng bệnh) theo kê đơn của bác sỹ thú y. Các kháng sinh thuộc nhóm chỉ dùng trong thú y có thể được dùng cho mục đích điều trị theo kê đơn của bác sỹ thú y hoặc có thể tiếp tục được dùng cho KTTT và được bán tại quầy thuốc.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Thanh Hóa: Đưa Vịt Cổ Lũng từ thoái hóa đến thương phẩm có giá trị

Sau 4 năm tự bỏ tiền túi ra làm nghiên cứu, ThS Trương Tiến Hải – hiện là cán bộ BQL Dự án nguồn lợi ven biển, thuộc Sở NN&PTNT Thanh Hóa – cho biết đã phục tráng thành công giống vịt Cổ Lũng vốn bị lai tạp quá nhiều.

Thạc sỹ Trương Tiến Hải tại mô hình nuôi vịt Cổ Lũng của gia đình

Phục tráng giống vịt với tỷ lệ đồng nhất 95%

Vịt Cổ Lũng (Bá Thước – Thanh Hóa) nổi tiếng xưa nay là giống thủy cầm đặc sản bản địa. Theo mô tả của những người cao tuổi ở địa phương và các hộ nuôi, giống vịt này có đặc điểm mình bầu, chân ngắn, cổ ngắn và to, màu lông giống chim sẻ, đặc biệt quanh cổ có viền khoang trắng, thịt rất thơm ngon.

Thế nhưng, lần đầu tiên quan sát, đo đếm các đàn vịt mà các hộ dân đang chăn nuôi tại địa phương cách đây sáu năm, ThS chuyên ngành nuôi trồng thủy sản Trương Tiến Hải nhận thấy màu sắc của vịt lộn xộn, đen pha trắng, 70% không có khoang cổ, cổ nhỏ và dài. Qua nghiên cứu, anh đánh giá sơ bộ vịt Cổ Lũng đã bị lai tạp với vịt Bầu đất, Bầu cánh trắng, vịt siêu trứng, tỷ lệ lai tạp chiếm đến trên 60%. Nhận thấy loài vịt này có thể phục hồi được nguồn gene, anh đã quyết định đem về cho sinh sản, nuôi ghép, chọn lọc.

Vì muốn tập trung cho nghiên cứu, đầu năm 2014 anh Hải xin thôi vị trí Phó Giám đốc trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ của trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa, và về nhà mở trang trại.

Bởi việc nghiên cứu hoàn toàn do cá nhân thực hiện, không nằm trong đề tài hay dự án nào thuộc nhà nước nên anh gặp không ít khó khăn. “Đầu tiên phải nói đến vốn đầu tư trang trại, vốn mua thức ăn, mua giống. Đồng lương của giáo viên thì ít ỏi, cho nên tôi phải làm rất nhiều nghề mà đến bây giờ nhiều khi nghĩ mãi không hiểu tại sao lúc đó mình làm được” – anh Hải tâm sự.

Ban đầu, anh Hải chia toàn đàn (có tỷ lệ lai tạp trên 60%) ra làm 6 ô chuồng, mỗi ô chuồng là một đàn khác nhau về nguồn gốc, gồm 2 trống 8 mái. Sau một tháng lấy trứng, anh cho đảo trống giữa đàn nọ với đàn kia, cứ như vậy đến hết lượt. Chỉ những trứng thu trong nửa sau của tháng mới được đưa vào ấp, tránh trường hợp tinh trùng của đàn trống cũ vẫn còn trong đàn mái ban đầu. Sau đó, anh tiếp tục nuôi đàn vịt con lên 4 tháng tuổi, chọn lọc theo đặc điểm gần giống mô tả nhất, rồi lại cho lai theo phương pháp ban đầu. Cứ như vậy sau 4 năm nghiên cứu, Ths Hải đã tạo được đàn vịt sản xuất với tỷ lệ đồng nhất so với mô tả trên 95%, đồng thời có sức đề kháng tốt hơn giống vịt gốc cũ, cân nặng cũng tăng từ trung bình 1,3 kg lên 1,8 kg.

Mở rộng ra các tỉnh khác

Tự hào nói về kết quả của mình, anh Hải cho biết: “Trước khi được phục tráng, số vịt bị lai tạp là 100%, tổng số vịt có trong dân từ 1.000-1.500 con. Sau khi phục tráng, số vịt bị lai tạp giảm xuống còn khoảng 10%, tổng số vịt có trong dân tăng lên hơn 15.000 con. Riêng gia đình tôi ở thời điểm hiện tại sở hữu đàn “ông bà” 100 con, đàn “bố mẹ” 400 con, đàn vịt thịt 1.500 con, vịt giống 1.000 con”.

Theo anh Hải, giống vịt phục tráng chống chịu tốt với biến đổi của thời tiết, ít dịch bệnh, đặc biệt có lợi nếu tận dụng nuôi vào thời điểm sau khi gặt. Anh Hải còn nghiên cứu thức ăn công nghiệp cho giống vịt này với thành phần bao gồm men vi sinh, thảo dược và một số loại ngũ cốc. Kết quả, thời gian nuôi ngắn hơn 20 ngày, hàm lượng glutamic trong thịt (hay độ ngọt của thịt) dựa trên phân tích bằng máy cho thấy cao hơn 2,5 lần so với vịt cánh trắng, trong khi tỷ lệ mỡ thấp.

Do những ưu điểm nêu trên, giờ đây, vịt Cổ Lũng không chỉ được nuôi ở Bá Thước mà còn lan ra các huyện khác như Quan Sơn, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hoằng Hóa hay phường Quảng Thành… Khi cung cấp giống cho bà con, anh Hải đều hướng dẫn cách chăm sóc và tiêm phòng cho vịt và hiện đã có hai huyện Bá Thước và Hoằng Hóa chủ động được giống.

Nguồn: Khoahocvaphattrien.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi gà an toàn để xuất khẩu

Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đang gấp rút triển khai mở rộng các vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi gà sạch để đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu.

Chúng tôi đến trại gà của ông Lê Văn Nghĩa (xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất) để tìm hiểu. Đây là một trong số các trang trại gà nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tham gia mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh hướng tới xuất khẩu, do Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai triển khai thời gian qua.

Cơ hội

Theo ông Nghĩa, từ ngày tham gia chương trình, trang trại của ông gần như phải thay đổi toàn bộ quy trình nuôi gà truyền thống nhằm đảm bảo các yêu cầu đặt ra. Trước hết, hệ thống chuồng trại được ông đầu tư đồng bộ nhằm đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi. Ngoài trại nuôi gà thịt thương phẩm, ông còn phải xây dựng thêm trại nuôi gà giống. Trong đó, từ con giống, thức ăn, thuốc thú y tất cả đều phải đảm bảo truy xuất được nguồn gốc.

Nhiều trang trại nuôi gà sạch rất mong muốn được tham gia vào chuỗi cung ứng gà xuất khẩu

Đặc biệt, 1 tháng trước khi xuất bán gà, theo qui định ông phải ngừng sử dụng tất cả các loại thuốc thú y. Mặc dù quy trình nuôi được kiểm soát chặt chẽ, gà thịt đạt tiêu chuẩn sạch theo quy định nhưng hiện tại ông Nghĩa vẫn phải bán gà qua thương lái.

“Cứ 2 ngày lại có xe của thương lái vào bắt gà, mỗi lần bắt vài ngàn con. Giá bán theo giá thị trường, lúc cao họ mua cao, lúc giá xuống họ mua thấp”, ông cho biết.

Do đầu ra không chủ động lại hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái nên trại gà của ông Nghĩa dù chăn nuôi theo quy trình sạch, nhưng giá cả cũng không khác so với gà thường. Bởi vậy, khi nghe thông tin về việc một doanh nghiệp trong tỉnh xuất khẩu được thịt gà sang thị trường Nhật Bản, ông rất muốn được tham gia vào chuỗi cung ứng gà nguyên liệu.

“Tham gia vào chuỗi chăn nuôi xuất khẩu, doanh nghiệp thu mua đảm bảo sản lượng và giá gà ổn định, chắc chắn người nuôi sẽ yên tâm hơn rất nhiều. Theo quy trình của doanh nghiệp đưa ra, gà nguyên liệu phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhưng nếu có mô hình chăn nuôi cụ thể, được hỗ trợ kỹ thuật thì chúng tôi sẽ đáp ứng tốt”, ông Nghĩa cam kết

Tương tự, ông Lâm Đình Tới, chủ trại gà 20 ngàn con tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom cũng cho rằng, chỉ cần có đầu ra, giá cả ổn định thì người chăn nuôi sẽ tham gia. “Quy trình nuôi, chúng tôi chỉ cần có mô hình cụ thể cộng thêm đó là sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp thì làm được hết, chúng tôi cũng đã có kinh nghiệm chăn nuôi hàng chục năm rồi”, ông Tới cho hay.

An toàn dịch bệnh

Ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết, để đáp ứng nhu cầu chế biến thịt gà xuất khẩu sang Nhật, Cty Koyu & Unitek đang cần nguồn gà nguyên liệu rất lớn. Trong khi đó, số trang trại đáp ứng được các tiêu chuẩn đưa ra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là chưa nhiều, do đó cơ hội để người chăn nuôi gà tham gia vào chuỗi có biên độ rất rộng.

Tuy nhiên, để được tham gia vào chuỗi, trại nuôi cần phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe. Thực tế cho thấy, khó khăn lớn nhất đối với các trại gà để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng xuất khẩu chính là vấn đề an toàn dịch bệnh.

“Vừa rồi Cty Koyu & Unitek có tổ chức các đoàn kiểm tra các trại nuôi gà, trong đó có trại nuôi của gia đình tôi. Dù trại đảm bảo các tiêu chuẩn đề ra nhưng do nằm gần với các trại chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực nên họ còn lo ngại đối về vấn đề an toàn dịch bệnh”, ông Ngọc chia sẻ

Tuy nhiên, theo ông Phan Minh Báu – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, rất khó để thực hiện quy định về khoảng cách trại nuôi. Bởi, phần lớn người chăn nuôi hiện đang ở dạng nhỏ lẻ, nếu thực hiện việc giữ khoảng cách 1 m có một trại nuôi như yêu cầu thì Đồng Nai sẽ không còn bao nhiêu trại nuôi gà nữa.

Vì thế, nhằm gỡ khó cho người chăn nuôi, ngành nông nghiệp địa phương đang gấp rút triển khai mở rộng các vùng an toàn dịch bệnh để đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu. Theo đó, tại đây đã xây dựng và chứng nhận an toàn dịch bệnh cấp xã đối với 2 huyện Thống Nhất và Trảng Bom. Ngoài ra, 10 xã quanh trại gà của Cty Koyu & Unitek cũng đã được công nhận an toàn dịch bệnh. Tức là, tất cả các khu vực nói trên đều đã đủ tiêu chuẩn để nuôi gà xuất khẩu.

“Chúng tôi đang tập trung mở rộng xây dựng thêm các xã an toàn dịch bệnh nằm trên địa bàn huyện Xuân Lộc và TX Long Khánh. Mục tiêu những năm tới là sẽ xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu gà nguyên liệu”, ông Báu nhấn mạnh

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mô hình nuôi thỏ, gà kết hợp trồng trọt, thu 30 triệu đồng/tháng

Ngoài mô hình nuôi thỏ ta với quy mô trên 100 con, gia đình bà Lộc còn thực hiện thêm mô hình nuôi gà thả vườn với quy mô trên 350 con. Với kinh nghiệm nuôi gà hơn 15 năm, Bà Lộc luôn cho ấp trứng theo cách thông thường nhưng tỷ lệ nở gà con khá cao…

Thành ngữ Việt Nam có câu “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”. Câu nói đó thật đúng với trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Lộc và ông Nguyễn Quốc Kim ngụ tại Kp7, phường Tân An, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Ở độ tuổi ngoại ngũ tuần, hai vợ chồng vẫn ngày đêm cần mẫn phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Từ mô hình kết hợp này, mỗi tháng gia đình ông bà thu nhập được hơn 30 triệu đồng.

Mô hình nuôi thỏ và gà thả vườn của gia đình bà Lộc

Hơn 2 sào lúa đang trổ bông, 1 sào rau muống xanh mướt, một mô hình nuôi thỏ ta với hơn 100 con và hơn 350 con gà ta được nuôi theo cách thả vườn là điều ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Lộc. Chừng ấy công việc, mà chỉ có 2 người làm là điều không hề đơn giản, nhưng với sự cần mẫn, chịu thương chịu khó, vợ chồng bà Lộc đã bố trí thời gian vừa trồng trọt vừa chăn nuôi hợp lý để vừa chăm sóc tốt cho đàn thỏ và gà cũng như chăm bón tốt cho lúa và rau muống, khiến cho ai nhìn vào vào cũng trầm trồ, ngưỡng mộ.

Bà Nguyễn Thị Lộc chia sẻ: “Khởi đầu ngày mới của gia đình bà thường bắt đầu với công việc đầu tiên là vệ sinh chuồng thỏ để đảm bảo vệ sinh môi trường, nhờ được chăm sóc tốt nên tỷ lệ thỏ lớn khỏe mạnh hầu như lúc nào cũng tuyệt đối, trọng lượng mỗi con thỏ ta nuôi khoảng từ 3 đến 4 tháng, xuất bán cho thương lái và các mối hàng kinh doanh lúc nào cũng trên 2 ký rưỡi. Với giá bán lẻ và bán sỉ đều như nhau: Khoảng 65 ngàn đồng/kg nên người mua khá ưa chuộng”

Chất lượng thịt thỏ của gia đình bà Lộc nuôi được nhiều người mua đánh giá là thơm ngon, chắc thịt… vì thỏ nhà bà Lộc nuôi được cho ăn chủ yếu là rau muống mà gia đình tự trồng, chỉ bổ sung một ít thức ăn tinh vào buổi trưa là từ thức ăn gia súc để đảm bảo dinh dưỡng cho thỏ. Với 20 con thỏ giống, mỗi tháng chúng sinh sản phát triển trung bình trên 50 con thỏ con, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Ngoài mô hình nuôi thỏ ta với quy mô trên 100 con, gia đình bà Lộc còn thực hiện thêm mô hình nuôi gà thả vườn với quy mô trên 350 con. Với kinh nghiệm nuôi gà hơn 15 năm, Bà Lộc luôn cho ấp trứng theo cách thông thường nhưng tỷ lệ nở gà con khá cao, sau khi gà nở và trong quá trình chăn nuôi sau bà đều cho chúng uống vắc xin phòng bệnh theo từng giai đoạn, nên rất hiếm khi xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ xuất bán mỗi tháng trên 100 con với giá khoảng 90.000 đồng/kg. Vào dịp Tết Nguyên Đán, gà nhà bà Lộc nuôi không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bà Lộc trồng thêm lúa và rau muống để chủ động nguồn thức ăn cho thỏ và gà
Ngoài ra để tăng thêm thu nhập cho gia đình, bà Lộc còn trồng thêm 2 sào lúa và 1 sào rau muống. Một mặt là phát triển thêm kinh tế, mặt khác là để chủ động nguồn thức ăn cho thỏ và gà, không những tiết kiệm chi phí đầu tư thức ăn ban đầu, mà còn còn nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Ông Đỗ Bách Việt – PCT Hội Nông Dân phường Tân An cho biết: “Với mô hình vừa kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, gia đình bà Lộc thu nhập khoảng hơn 30 triệu đồng mỗi tháng”.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.