Nuôi dê bằng thảo dược nhàn tênh, nhanh giàu

Từng có việc làm và thu nhập ổn định nhưng khát vọng làm giàu đã hối thúc anh Nguyễn Minh Tuấn (thôn Như Lân, xã Long Hưng, huyện Văn Giang, Hưng Yên) quyết định về quê đầu tư trang trại chăn nuôi dê.

 

Sở dĩ anh Tuấn chọn con dê để khởi nghiệp làm giàu, vì dê là gia súc đặc sản, dễ nuôi, ít bệnh, phàm ăn, chi phí chăn nuôi thấp, hiệu quả sản xuất cao, có thể chăn thả để dê tự kiếm ăn hoặc nhốt chuồng cho ăn bán công nghiệp.

Nhờ vậy, chỉ sau gần 2 năm nuôi 50 con dê hậu bị bố mẹ, anh Tuấn đã nhân rộng được đàn dê lên hơn 400 con các loại. Từ giữa năm 2017 đến nay đã được bán dê giống và dê thịt, thu lãi bình quân gần 500 triệu đồng/năm, chưa kể nguồn thu từ bán phân dê cũng được vài chục triệu đồng. Chất thải này ủ kỹ với chế phẩm sinh học, rất phù hợp bón các loại hoa, cây cảnh.

Đàn dê về chuồng.

 

Đạt được thu nhập cao như trên là do, anh Tuấn biết khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của làng quê, có nhiều cỏ non, lá cây mọc sẵn ven đường, bờ ruộng và gần trục các kênh sông… để chăn thả cho dê chủ động tìm ăn.

Đặc biệt, trong quá trình chăn nuôi, anh Tuấn còn cho dê ăn thêm một số lá cây thảo dược như cỏ ngọt, cỏ xước, đinh lăng, khổ sâm, kim ngân, ngưu tất, hồng ngọc, bồ công anh… vừa giúp tăng cường khả năng kháng bệnh cho dê, vừa gia tăng chất lượng thịt dê thương phẩm.

Nhờ cách chăn nuôi này, các loại dê của anh Tuấn bao giờ cũng bán được giá cao hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 10-15%, thậm chí còn đắt hơn nhiều loại dê thịt ở miền núi đưa về.

Kiểm nghiệm thực tế chăn nuôi anh Tuấn đã rút ra: Dê là loại ăn tạp, bên cạnh ăn các loại cỏ non là chính, dê còn ăn cả các lá cây chuối, táo, mít, ổi, xoài, mía, ngô, vối, dâu, so đũa, dâm bụt, sung, lộc vừng, bạch đàn, xà cừ, sanh, si… Đây chính là một trong những lý do để anh Tuấn bổ sung cho dê ăn thêm các lá cây thảo dược nói trên.

Dê đực được nhốt riêng.

 

Anh Tuấn còn bật mí: Nuôi dê rất nhàn, không bị áp lực thời gian lao động, tiết trời mát mẻ mới mang dê đi chăn, mưa gió, nắng nóng hoặc giá lạnh lùa dê về chuồng, mỗi ngày chỉ cần thả cho dê kiếm ăn 5-6 tiếng là đủ, 2 lao động cỏ thể quản lý được đàn dê 400-500 con, trong đó 1 người chuyên đi chăn, 1 người chuyên tẩy dọn vệ sinh chuồng trại.

Tham quan cơ ngơi khởi nghiệp làm giàu của anh Tuấn chúng tôi thấy: Trang trại ở đây được bố trí rất ngăn nắp và khoa học, có cây xanh chắn gió che nắng, có hồ nước điều hòa tiểu khí hậu, có giàn phun mưa trên mái trại và chuồng sàn cho dê ở, trong đó phân thành nhiều ngăn nhốt riêng dê đực, dê cái, dê thịt và dê nuôi hậu bị, ngoài ra còn có chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải chăn nuôi. Nhờ vậy khắp trong và ngoài trại chăn nuôi luôn thân thiện môi trường, sạch sẽ, thoáng mát và không có mùi hôi thối khó chịu.

Nuôi nhốt dê trên sàn.

 

Mặc dù thường xuyên cho dê ăn thêm lá cây dược liệu, anh Tuấn vẫn định kỳ tẩy giun sán, vacxin phòng dịch đúng lịch thú y trên các bệnh chính (lở mồm long móng, tụ huyết trùng, hoại tử ruột và bệnh đậu). Tránh chăn thả dê ở các khu vực mới phun thuốc trừ cỏ.

Cho dê uống nước sạch sau mỗi lần đi chăn về. Các dụng cụ máng ăn, nước uống đều được tẩy rửa sạch sẽ thường xuyên. Vào các ngày thời tiết khắc nghiệt, không thể đưa dê ra chăn thả ngoài đồng, cần cho dê ăn cám viên công nghiệp chuyên dùng, kết hợp với một số lá cây đã giới thiệu ở phần trên.

Được biết, khi thấy anh Tuấn nuôi dê nhanh giàu, một số hộ ở thôn Lại Ốc (trong xã) đã đến tham quan học tập mô hình và mua con giống về đầu tư chăn nuôi.

“Thịt dê là thực phẩm sạch và bổ dưỡng, nên giá chỉ có tăng hoặc ổn định chứ chưa bao giờ giảm. Theo đó trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng qui mô chuồng trại, nâng số lượng dê nuôi thường xuyên lên 600-700 con, kết hợp giữa chăn thả tự nhiên với nhốt chuồng nuôi thâm canh”, anh Tuấn cho hay.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Thu nhập cao nhờ trồng Mít Thái kết hợp chăn nuôi Dê

Những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã Long Tân, huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã chuyển đổi từ trồng tiêu sang trồng mít Thái, tre lấy măng, nhãn, bơ… kết hợp chăn nuôi dê, bò mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là hộ ông Lê Văn Vàng (ấp Tân Thuận) với mô hình trồng mít Thái, tận dụng lá mít làm nguồn thức ăn để phát triển đàn dê, cho thu nhập khá.

Trồng Mít Thái kết hợp chăn nuôi Dê

 

Ông Lê Văn Vàng (ấp Tân Thuận, xã Long Tân) đã tận dụng lá mít Thái để chăn nuôi đàn dê của gia đình, ổn định về kinh tế.

Trong căn nhà khang trang, nằm xen giữa màu xanh của những bụi tre cao vút và những cây mít trĩu quả, nhâm nhi ly trà nóng, chỉ tay ra phía sau vườn, ông Vàng vui vẻ cho biết: “Có được cơ ngơi như hôm nay cũng nhờ đàn dê và vườn mít Thái. Dê dễ nuôi, ít tốn công, thức ăn chủ yếu từ cây cỏ tự nhiên và lá mít có sẵn trong vườn”.

Theo ông Vàng, nhờ nguồn nước từ hồ Suối Môn, năm 2015, ông đã đầu tư trồng thử 100 cây mít Thái trên diện tích 1 sào, cho trái hơn 60kg/cây. Với giá hơn 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi gần 100 triệu đồng/năm từ loại cây ăn trái dễ trồng này.

“Các thương lái đến tận vườn của gia đình tôi thu mua. Nhờ cây mít Thái, gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập hàng năm. Hiện nay, tôi đã mở rộng thêm diện tích 1ha, trồng 1.000 cây mít Thái. Vừa cắt tỉa được lá để nuôi dê, vừa tăng thêm nguồn thu nhập của gia đình”, ông nói.

Ông Vàng cho biết, ông chọn nuôi dê bách thảo và dê boer lai (nguồn gốc Nam Phi) vì dễ nuôi, lớn nhanh, khoảng 5 tháng là sinh sản. Lứa đầu mỗi dê mẹ sinh 1 con, từ lứa thứ 2 trở đi sẽ sinh từ 2-3 con. Dê con sau 4 tháng nuôi có trọng lượng khoảng 25kg là có thể bán. Giá dê giống từ 180-200 ngàn đồng/kg, dê thịt từ 130-145 ngàn đồng/kg hơi. Do biết cách chăm sóc nên đàn dê của gia đình ông không ngừng sinh sản, phát triển, đến nay đã có hơn 10 dê mẹ và đàn dê thịt hơn 30 con. Bình quân mỗi tháng ông Vàng thu hơn 10 triệu đồng từ bán dê thịt. “Thời gian tới, gia đình tôi sẽ nhân đàn lên 20 con dê sinh sản, liên kết với các cơ sở mua bán dê giống, dê thịt ở trong và ngoài tỉnh nhằm tạo đầu ra ổn định”, ông Vàng cho biết thêm.

Để thành công như hôm nay, ông Vàng không chỉ cần cù, chịu khó trong lao động mà còn là người tích cực tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt do Hội Nông dân các cấp tổ chức.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã Long Tân cho biết: Hiện nay tổng đàn dê của xã có khoảng 672 con, tập trung nhiều nhất ở ấp Tân Thuận. Nhiều nông dân đã biết tận dụng mô hình trồng trọt và chăn nuôi kết hợp, điển hình như ông Vàng. Nhờ tận dụng được nguồn thức ăn dồi dào như lá mít, lá keo, cỏ để nuôi dê mà nhiều hộ dân đã cải thiện được cuộc sống, vươn lên làm giàu… Thực tế, mô hình này cần được nhân rộng vì phát huy hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư ít và thị trường tiêu thụ khá dễ dàng.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bê theo mẹ.

Sơ sinh là giai đoạn rất quan trọng vì bê phải thích nghi với cuộc sống bên ngoài cơ thể mẹ. Ngay sau khi sinh bê cần được quan tâm và chăm sóc của người chăn nuôi.

Bê con.

1. Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bê sơ sinh đến 7 ngày tuổi

a. Thức ăn: Sữa đầu rất quan trọng vì giúp tẩy sạch đường tiêu hóa, chứa nhiều kháng thể và các chất dinh dưỡng khác, làm tăng sức đề kháng của bê với các bệnh và tạo thuận lợi trong quá trình sinh trưởng và phát triển sau này. Hệ tiêu hóa của bê sơ sinh có khả năng hấp thu nguyên vẹn các chất từ sữa đầu vào máu, khả năng này giảm dần và đến 62 giờ sau khi sinh khả năng này bằng không. Vì vậy, bê cần được bú sữa đầu càng sớm càng tốt, chậm nhất là 1-1,5 giờ sau khi sinh.

b. Chăm sóc và quản lý bê sơ sinh:

Khi mới sinh bê cần được cắt rốn. Rốn phải được cắt như sau: tay trái cầm cuống rốn đồng thời dùng ngón trỏ và ngón cái của tay phải vuốt mạnh rốn theo chiều từ cuống trở ra và cắt rốn ở khoảng cách 5 – 6cm, sau đó sát trùng chỗ cắt bằng cồn iốt 5%.

Vệ sinh cho bê sơ sinh: dùng giẻ lau, móc hết nhớt bẩn trong mũi, miệng bê, bóc móng. Để bò mẹ liếm hoặc dùng khăn, bao tải, rơm khô mềm lau toàn bộ cơ thể bê.

Sau khi sinh, trước lúc bê bú sữa đầu cần tiến hành cân khối lượng của bê, quan sát đặc điểm lông da, phản xạ mút bú, răng, niêm mạc miệng, tình hình sức khỏe, ăn uống, đi lại… để có chế độ nuôi dưỡng phù hợp và xác định hướng sử dụng sau này. Những thao tác này cần làm nhanh để bê được bú sữa đầu sớm.

Trong chăn nuôi bò thịt, sau khi sinh bê thường theo mẹ và bú mẹ trực tiếp theo nhu cầu. Thường trong những ngày đầu tiên cho bú 3 – 4 lần/ngày, về sau giảm xuống 2 lần/ngày.

Trường hợp phải nuôi bê ghép, cho từng con bú một và đảm bảo các bê đều được bú lượng sữa như nhau.

2. Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bê theo mẹ (sau sơ sinh đến cai sữa)

a. Thức ăn:

Sữa mẹ là loại thức ăn quan trọng nhất đối với bê trong giai đoạn này. Sữa mẹ có các chất dinh dưỡng tương đối hoàn chỉnh và phù hợp với yêu cầu sinh lý của bê. Đồng thời, khả năng tiêu hóa sữa của bê thường trên 95%. Cho nên cần sử dụng tối đa lượng sữa mẹ để nuôi bê. Trong tháng đầu tiên thức ăn chủ yếu của bê là sữa mẹ, các thức ăn khác chỉ là tập ăn.

Thức ăn tinh hỗn hợp: Có thể cho bê tập ăn từ lúc 15 – 20 ngày tuổi vì dạ cỏ phát triển chưa hoàn thiện nên loại thức ăn tinh hỗn hợp tập ăn phải có chất lượng tốt, hàm lượng protein cao. Lượng thức ăn tinh lúc đầu khoảng 0,2kg sau đó tăng dần lên 0,5kg (từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 5).

Cỏ khô: Là loại thức ăn cần thiết vì nó kích thích sự phát triển của dạ cỏ và hoàn thiện hệ vi sinh vật dạ cỏ. Có thể tập cho bê ăn cỏ khô từ lúc 7 – 10 ngày bằng cách để cỏ khô chất lượng tốt vào xô treo trên cũi cho bê.

Cỏ tươi: Có thể tập cho ăn từ cuối tháng thứ nhất bằng cách bổ sung tại chuồng hoặc trực tiếp gặm trên bãi chăn.

Củ quả: Đây là loại thức ăn chứa nhiều bột đường, tương đối ngon miệng nên bê rất thích ăn. Tuy nhiên, vì bột đường dễ lên men nên không cho bê ăn quá sớm mà chỉ cho ăn từ tháng tuổi thứ 3 trở đi, khi cho ăn cần theo dõi phản ứng của đường tiêu hóa, nếu thấy bê bị ỉa chảy thì phải dừng lại.

Chất khoáng: Từ tháng thứ nhất đến tháng tuổi thứ 5 bê cần nhiều Ca và P, nên phải bổ sung thức ăn nhiều khoáng như: bột xương, bột đá vôi, bột vỏ sò… Đồng thời phải cho bê vận động dưới ánh sáng mặt trời để tăng tỷ lệ tiêu hóa và hấp thu Ca tránh bệnh còi xương.

Ngoài sữa mẹ và cỏ, cần bổ sung thức ăn khác nhằm cung cấp thêm dinh dưỡng cho bê trước khi cai sữa. Thành phần thức ăn bổ sung cho bê bú sữa tốt nhất là hỗn hợp các loại thức ăn hạt và thức ăn bổ sung protein-khoáng. Thành phần thức ăn bổ sung nên chứa: 2,4-2,6Mcal ME/kg, 13-16% protein thô, 0,7% Ca, 0,5% P, khoáng vi lượng, vitamin A, D và E. Để tăng tính ngon miệng cho thức ăn có thể bổ sung thêm cám 1 và rỉ mật.

b. Chăm sóc và quản lý:

– Hàng ngày cần quan sát đặc điểm lông, da, phản xạ mút bú, răng, niêm mạc, kiểm tra tình hình sức khỏe, bệnh tật của bê, vệ sinh tiêu độc chuồng nuôi và cũi bê.

– Đảm bảo đủ nước uống và hợp vệ sinh.

– Nơi nhốt bê con phải luôn khô ráo, đủ ánh sáng tự nhiên và có mái che.

Tổng hợp và kiểm duyệt bởi FarmTech.

Kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gây tổn thất lớn cho ngành chăn nuôi nước ta, song song với việc phòng chống dịch bệnh, người chăn nuôi cần thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học để tiếp tục duy trì, ổn định, phát triển đàn lợn…

Từ đó, đáp ứng yêu cầu cung cấp thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường.

Định kỳ phun thuốc sát trùng các dãy chuồng nuôi.

Chăn nuôi an toàn là việc áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc của vật nuôi với các mầm bệnh. Một số lưu ý về kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học như sau:

1. Yêu cầu về chuồng trại:

Vị trí xây dựng trang trại phải phù hợp với quy hoạch của địa phương, hoặc được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép. Khoảng cách từ trang trại đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt tối thiểu 100m; cách nhà máy chế biến, giết mổ lợn, chợ buôn bán lợn tối thiểu 1 km. Nơi xây dựng trang trại phải có nguồn nước sạch; đảm bảo điều kiện xử lý chất thải theo quy định.

Trại chăn nuôi phải có tường hoặc hàng rào bao quanh nhằm kiểm soát được người và động vật ra vào trại và phải bố trí riêng biệt các khu: khu chăn nuôi; khu vệ sinh, sát trùng thiết bị chăn nuôi; khu cách ly lợn ốm… Phải có hố khử trùng ở cổng ra vào trại chăn nuôi, khu chuồng nuôi và tại lối ra vào mỗi dãy chuồng nuôi.

Chuồng nuôi lợn phải bố trí hợp lý theo các kiểu chuồng về vị trí, hướng, kích thước, khoảng cách giữa các dãy chuồng. Nền chuồng phải đảm bảo không trơn trượt và phải có rãnh thoát nước, có độ dốc từ 3-5%.

Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải phải kín, đảm bảo dễ thoát nước và không trùng với đường thoát nước khác.

Các thiết bị, dụng cụ chứa thức ăn, nước uống phải đảm bảo không gây độc và dễ vệ sinh tẩy rửa. Các dụng cụ khác trong chuồng phải đảm bảo dễ vệ sinh, tẩy rửa sau mỗi lần sử dụng.

Các kho thức ăn, kho thuốc thú y, kho hoá chất và thuốc sát trùng, kho thiết bị, … phải được thiết kế đảm bảo thông thoáng, không ẩm thấp và dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

2. Yêu cầu về con giống:

Lợn giống mua về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch và phải có bản công bố tiêu chuẩn chất lượng kèm theo. Trước khi nhập đàn, lợn phải được nuôi cách ly theo quy định hiện hành.

Lợn giống sản xuất tại cơ sở phải thực hiện công bố tiêu chuẩn. Chất lượng con giống phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn đã công bố. Lợn giống phải được quản lý và sử dụng phù hợp theo quy định hiện hành.

3. Yêu cầu về thức ăn, nước uống:

Thức ăn sử dụng cho chăn nuôi lợn phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn và khẩu phần ăn của các loại lợn.

Không sử dụng thức ăn thừa của đàn lợn đã xuất chuồng, thức ăn của đàn lợn đã bị dịch cho đàn lợn mới. Bao bì, dụng cụ đựng thức ăn của đàn lợn bị dịch bệnh phải được tiêu độc, khử trùng.

Nước dùng cho lợn uống phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Thành phần vô cơ (Asen, xianua, chì và thủy ngân), vi sinh vật (vi khuẩn hiếu khí và coliform tổng số) dưới mức cho phép.

4. Chăm sóc, nuôi dưỡng:

Các trại chăn nuôi phải áp dụng quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với các loại lợn và giai đoạn sinh trưởng phát triển.

5. Yêu cầu về vệ sinh thú y:

Chất sát trùng tại các hố sát trùng ở cổng ra vào trại chăn nuôi, khu chăn nuôi và chuồng nuôi phải bổ sung hoặc thay hàng ngày.

Tất cả các phương tiện vận chuyển khi vào trại chăn nuôi, khu chăn nuôi phải đi qua hố khử trùng và phải được phun thuốc sát trùng. Mọi người trước khi vào khu chăn nuôi phải thay quần áo, giầy dép và mặc quần áo bảo hộ của trại.

Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, các chuồng nuôi ít nhất 2 tuần/1 lần; phun thuốc sát trùng lối đi trong khu chăn nuôi và các dãy chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần khi không có dịch bệnh, và ít nhất 1 lần/ngày khi có dịch bệnh; phun thuốc sát trùng trên lợn 1 lần/tuần khi có dịch bệnh bằng các dung dịch sát trùng thích hợp theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh trong khu chăn nuôi ít nhất 1 lần/tháng.

Không vận chuyển lợn, thức ăn, chất thải hay vật dụng khác chung một phương tiện; phải thực hiện sát trùng phương tiện vận chuyển trước và sau khi vận chuyển. Phải vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày.

Có biện pháp để kiểm soát côn trùng, loài gặm nhấm và động vật khác (nếu có) trong khu chăn nuôi. Khi sử dụng bẫy, bả phải có biển thông báo và ghi sơ đồ chi tiết vị trí đặt bẫy, bả và thường xuyên kiểm tra thu gom để xử lý.

Thực hiện các quy định về tiêm phòng cho đàn lợn theo quy định. Trong trường hợp trại có dịch, phải thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về chống dịch.

Áp dụng phương thức chăn nuôi “cùng vào cùng ra” theo thứ tự ưu tiên cả khu, từng dãy, từng chuồng, từng ô. Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa lợn mới đến. Trong trường hợp trại bị dịch, phải để trống chuồng ít nhất 21 ngày.

6. Xử lý chất thải và bảo vệ môi trường:

Các trại chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải trong quá trình chăn nuôi. Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày và xử lý bằng nhiệt, hoặc bằng hoá chất, hoặc bằng chế phẩm sinh học phù hợp. Chất thải rắn trước khi đưa ra ngoài phải được xử lý đảm bảo vệ sinh dịch tễ theo quy định hiện hành của thú y. Chất thải lỏng phải được xử lý bằng hoá chất hoặc bằng phương pháp xử lý sinh học phù hợp.

Nguồn: nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Bò ngoại về Việt Nam: Ngành chăn nuôi nội địa phải giảm giá thành

Khi số lượng bò Australia được về tăng mạnh, thậm chí người ta đã dự báo đến cái chết của ngành chăn nuôi gia súc lớn, cụ thể là bò thịt ở trong nước.

Đó là thời điểm năm 2013 – 2014, 7 tháng đầu năm 2014, Việt Nam nhập về khoảng 120.000 con bò Australia, cao gấp 4 lần cùng kỳ và nhiều hơn gần 50% cả năm 2013. Thời điểm đó, người ta đánh giá, tốc độ nhập bò Australia vào Việt Nam tăng khủng khiếp, bởi năm 2012 mới có 3.000 con, qua năm 2013 đã vọt lên 67.000 con. Ngay lập tức, bò Australia đã thống trị, đánh bật bò nội ra khỏi các cửa hàng, siêu thị, quán ăn.

Cơn bão nhập khẩu bò Australia qua lại đến sự đổ bộ của thịt bò từ các thị trường lớn, giàu tiềm năng khi các hiệp định thương mại tự do cho phép sự cởi mở, thông thoáng trong lưu thông hàng hóa, một lần nữa đàn bò trong nước lại bị đe dọa.

Theo thống kê, đàn bò thịt trong cả nước luôn tăng trưởng trong 3 năm qua. Năm 2015 cả nước có 5.367.078 con bò, đến năm 2016 đạt 5.496.557 con; năm 2017 tăng lên 5.654.901 con. Nhưng trong khoảng 2 năm trở lại đây, người nuôi bò gặp nhiều khó khăn do từ đầu năm 2017 đến nay, giá bò thịt rớt thê thảm.

Một lái buôn bò ở Ninh Thuận cho biết, giá bò lai đẹp trước đây có giá 20-21 triệu đồng/con, nay hạ còn 7-8 triệu đồng/con. Không chỉ ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, giá bò thịt cũng giảm mạnh ở khu vực ĐBSCL, khiến đàn bò ở An Giang, vốn là địa phương có thế mạnh về chăn nuôi bò, nuôi bò được coi là nghề truyền thống, đã giảm mạnh, hiện tỉnh này có 77.822 con bò, giảm 13.572 con so với cùng kỳ. Một trong những lý do khiến giá bò thịt trong nước giảm là do không cạnh tranh được với thịt bò nhập khẩu giá rẻ.

Theo Cục Chăn nuôi, mục tiêu tới năm 2030, đàn gia súc lớn của nước ta sẽ đạt 8 triệu con và sản lượng thịt bò chiếm 10% tổng sản lượng thịt hơi. Tổng đàn bò sữa đạt 700.000 con, tổng sản lượng sữa đạt 2 triệu tấn. Số lượng đàn trâu ổn định ở mức 2,5 triệu con, sản lượng thịt đạt 127.000 tấn. Nhưng để đạt được mục tiêu này trong bối cảnh nhiều mặt hàng thịt ngoại đổ bộ ồ ạt là không hề dễ dàng nếu chúng ta không thay đổi phương thức chăn nuôi.

PGS-TS Hoàng Kim Giao-Chủ tịch Hiệp hội Gia súc lớn Việt Nam cho biết, điểm yếu cố hữu của ngành chăn nuôi gia súc lớn ở Việt Nam là quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, giá thành cao.

“Một trong những khó khăn lớn nhất mà ngành chăn nuôi gia súc lớn nước ta gặp phải đó là sự liên doanh, liên kết giữa người chăn nuôi với các cơ sở thu mua giết mổ, chế biến thịt chưa bền chặt, đôi khi có sự bất hòa về lợi nhuận. Đặc biệt, chăn nuôi, quản lý theo chuỗi, theo ngành hàng từ trang trại đến bàn ăn chưa thực hiện hoặc có thực hiện nhưng chỉ ở một, hai khâu trong chuỗi nên không hiệu quả, đảm bảo sự bền vững” – ông Giao nêu một thực tế trong hội thảo về ngành chăn nuôi gia súc lớn hồi tháng 10.

Trong khi đó, Cục Chăn nuôi cho rằng, ngành chăn nuôi bò cần giảm được giá thành, nếu không sẽ không thể phát triển. Để giảm giá thành, cần phải xác định nuôi bò ở những vùng có lợi thế về không gian, về vùng trồng cỏ và phải coi bò như một phần của một chuỗi nông nghiệp khép kín. Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để nuôi bò,  tái tạo phân bò thành phân bón cho cây trồng, đặc biệt phải liên kết với doanh nghiệp  để đảm bảo đầu ra thì mới hạ giá thành, đảm bảo sự bền vững.

Để phát triển chuỗi gia súc lớn thực sự hiệu quả, nên tập trung chủ yếu vào 3 nhóm giải pháp: Tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo chuỗi; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển chuỗi giá trị sản phẩm gia súc lớn theo hướng công nghệ cao.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Việt Nam là điểm đến của các nhà xuất khẩu bò

Theo Cục Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện đàn bò của cả nước đạt khoảng 5,4 triệu con, giảm 14,7% so với 10 năm trước (2008) nhưng sản lượng thịt giết mổ tăng 43,4% nhờ năng suất tăng. Tuy vậy, vẫn không đủ cung ứng cho thị trường nội địa.

Theo ông Michael Patching, Giám đốc dịch vụ khu vực châu Á – Thái Bình Dương Hiệp hội Thịt và Gia súc Úc (MLA), Việt Nam đang trở thành điểm đến của các nhà xuất khẩu bò trên thế giới. “MLA chính thức có mặt tại Việt Nam 3 năm trước, khi thị trường thịt bò tại Việt Nam rất sơ khai, không được quan tâm và chưa có điều kiện công nghiệp hóa. Ngành thịt bò của Việt Nam đang có tiêu chuẩn rất thấp nên các doanh nghiệp muốn cải tiến rất khó để bắt đầu. Các hiện tượng như bò bị bơm nước, thịt bò giết mổ xong để dưới sàn mất vệ sinh rất phổ biến. Người ta dễ thấy thịt bò nhập khẩu được vận chuyển bằng xe máy thô sơ” – ông Michael nhận xét.

Ông Michael cho biết ở thị trường Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi sản phẩm an toàn và đáng tin cậy hơn, giá cả không phải là yếu tố quá quan trọng. Bằng chứng là thịt trâu Ấn Độ (giá rẻ, thường được bán như thịt bò – PV) nhập khẩu có xu hướng giảm, trong khi bò nhập khẩu từ Mỹ và Úc đang tăng.

Thống kê cho thấy những năm gần đây, Việt Nam đều phải nhập khẩu thêm bò sống (chính ngạch từ Úc và biên mậu từ các nước lân cận) và bò đã qua giết mổ từ Úc, Mỹ… Đối với bò sống từ Úc, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu đến 200.000 con. Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 8 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhập hơn 24.000 tấn thịt bò các loại với trị giá gần 91 triệu USD. Như vậy, bình quân mỗi tháng Việt Nam phải chi ra gần 11,4 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng này, tức khoảng 87.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chủ một doanh nghiệp nhập khẩu thịt bò cho biết mức giá trên có thể chỉ là trên “giấy tờ” chứ không phải thực tế. “Hiện thịt bò nhập từ Mỹ đang chịu thuế từ 7%-18% tùy loại nên một số doanh nghiệp cố tình khai giá thấp để giảm thuế phải nộp” – ông này nêu.

Khảo sát tại các cửa hàng bán thịt bò nhập khẩu tại TP HCM cho thấy giá bán lẻ thịt bò Mỹ ở mức khá cao như: thăn nội 850.000 đồng/kg, thăn vai 650.000 đồng/kg, thăn ngoại 530.000 đồng/kg…

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Heo bị làm giá

Nguồn cung heo cho nhu cầu tiêu dùng không thiếu nhưng giá thịt heo liên tục tăng phi mã từ đầu năm đến nay đang có những dấu hiệu bất thường và chỉ có doanh nghiệp chăn nuôi đang được hưởng lãi lớn.

“Nghi án” doanh nghiệp thao túng giá

Giá thịt heo cao ngất ngưởng trên phạm vi cả nước đã khiến Bộ NN-PTNT phải hiệu triệu doanh nghiệp tổ chức một cuộc họp tại Hà Nội trong chiều 9.10, với sự tham gia của 12 doanh nghiệp chăn nuôi để bàn giải pháp kiềm chế.

Ngay sau cuộc họp, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, một “ông lớn” của ngành chăn nuôi, tuyên bố giảm 500 đồng/kg heo hơi ở thị trường phía bắc. Doanh nghiệp này cũng cam kết cung ứng đúng con giống cho người chăn nuôi có nhu cầu tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. Dù ghi nhận động thái tích cực của doanh nghiệp nhưng mức giảm giá này còn cách xa mục tiêu mà Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đề xuất tại cuộc cuộc họp “đưa giá heo về dưới 50.000 đồng/kg” nhằm giữ ngành này phát triển bền vững, bảo vệ thị trường trong nước.

Khảo sát ngày 11.10 tại Vĩnh Phúc, Hà Nội giá heo hơi trên thị trường dao động từ 51.000 – 53.000 đồng/kg; giá heo cắt mảnh từ 71.000 – 72.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại các chợ dân sinh ở khu vực Phạm Văn Đồng (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và Nghĩa Tân (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), giá thịt bán lẻ đến tay người tiêu dùng loại ba chỉ dài, ngắn dao động từ 110.000 – 130.000 đồng/kg; mông sấn từ 80.000 – 90.000 đồng/kg; sườn dao động từ 115.000 – 125.000 đồng/kg. “So với hồi tháng 4 – 5, giá mỗi ký thịt tăng từ 15.000 – 20.000 đồng”, chị Nguyễn Thị Gấm, kinh doanh thực phẩm khu chợ dân sinh P.Xuân Đỉnh (Q.Bắc Từ Liêm), nói.

Còn tại vùng chăn nuôi Đông Nam bộ, giá heo đang ở mức 54.000 – 55.000 đồng/kg. Giá heo mảnh ở chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) dao động ở mức 68.000 – 71.000 đồng/kg. Ở các chợ lẻ, giá sườn già 92.000 đồng/kg, thịt nạc đùi 108.000 – 110.000 đồng/kg, thịt cốt lết 95.000 đồng/kg… Theo các tiểu thương, giá thịt heo đã tăng từ 10.000 – 15.000 đồng/kg tùy loại so với thời điểm giữa năm.

Không chỉ người tiêu dùng, doanh nghiệp chế biến, kinh doanh cũng chịu thiệt thòi khi thịt heo tăng giá chóng mặt. Ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch Công ty CP thực phẩm an toàn Nam Hà Nội, cho biết từ tháng 4 đến nay, nhiều doanh nghiệp giết mổ phân phối thực phẩm vào bếp ăn thực phẩm chịu lỗ tiền tỉ do giá bán ra theo hợp đồng đã ký trong khi giá nguyên liệu tăng lên từng ngày.

“Trước đây cả nước có 4 triệu hộ chăn nuôi heo thì đây là đối trọng để các “ông lớn” không thể làm giá. Nhưng hiện tại thì phần lớn nguồn cung đều rơi vào tay doanh nghiệp, họ có thể thao túng giá”, ông Dũng nêu vấn đề.

Tạo khan hiếm giả để đẩy giá

Cũng tại cuộc họp với Bộ NN-PTNT, ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, cho biết giá heo hơi tăng từ đầu năm đến nay có nhiều dấu hiệu bất thường cần phải làm rõ. Sau cuộc khủng hoảng thừa năm ngoái, tại Đồng Nai phần lớn các hộ chăn nuôi trang trại, gia trại đều thua lỗ, giảm đàn thậm chí là đóng cửa. Heo tăng giá như hiện giờ, người chăn nuôi không được hưởng lợi, hưởng lợi nhiều nhất hiện nay là doanh nghiệp chăn nuôi, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp FDI.

“Tính toàn bộ chi phí giá thành chăn nuôi heo hiện nay chỉ rơi vào khoảng 35.000 – 36.000 đồng/kg nhưng thực tế giá heo hơi bán ra đều trên 51.000 đồng/kg thì doanh nghiệp lãi rất lớn” Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.Hà Nội

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, tính toàn bộ chi phí giá thành chăn nuôi heo hiện nay chỉ rơi vào khoảng 35.000 – 36.000 đồng/kg nhưng thực tế giá heo hơi bán ra đều trên 51.000 đồng/kg thì doanh nghiệp lãi rất lớn.

Chia sẻ thông tin khảo sát thực tế, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhận định giá heo tăng khi nguồn cung không thiếu là một nghịch lý. Chăn nuôi nông hộ, gia trại có giảm nhưng quy mô ở các doanh nghiệp vẫn tăng rất nhanh. Đặc biệt, có hiện tượng doanh nghiệp bán heo theo lô, mỗi lô 200 con thì không lò mổ nào mua được, đành phải mua lại từ thương lái, như thế là tạo tâm lý thiếu hàng để đẩy giá lên cao. Cá biệt có thời điểm lên tới 53.000 – 56.000 đồng/kg.

Cũng theo ông Dương, khảo sát ở địa phương, xuống đến tận sạp cũng không có chuyện thiếu heo để giết mổ. Đến quý 4 năm nay, tổng sản lượng heo hơi đạt 1.071 tấn, vẫn tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. “Giá heo trong nước hiện nay đều do doanh nghiệp tự quyết định, chứ không có thị trường nào quyết định cả. Tôi khẳng định là nguồn cung không thiếu, phải nói sòng phẳng với nhau như thế, chứ để dân nuôi lại ồ ạt thì năm sau lại chết”, ông Dương nói.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, giá heo ở Việt Nam trong tháng 8 – 9 đã tăng cao hơn cả Trung Quốc và Thái Lan và thuộc nhóm cao nhất thế giới. Cụ thể, giá thịt heo trong tháng 8 – 9 của Việt Nam dao động từ 49.000 – 53.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại Trung Quốc, giá thịt heo chỉ có 46.000 – 49.000 đồng/kg; còn tại Thái Lan từ 45.000 – 46.200 đồng/kg. Thịt heo chiếm 60% thị phần trong rổ thực phẩm tiêu dùng tại Việt Nam và với quy mô thị trường gần 100 triệu dân thì đây là căn nguyên để các nước xuất khẩu heo vào nước ta. Trong khi đó, tác động của bệnh tả heo châu Phi và xung động thương mại Mỹ – Trung Quốc đang làm gia tăng nguy cơ thâm nhập thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo vào Việt Nam.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi vào Hà Nội rất cao

Theo Sở NN-PTNT Hà Nội, do tiếp giáp với 8 tỉnh, thành phố, nhiều trục đường, cửa ngõ ra vào nên công tác quản lý dịch bệnh ở Thủ đô gặp nhiều khó khăn.

Tại Hà Nội, có tới 988 cơ sở giết mổ với khoảng 4.000 con lợn mỗi ngày. Riêng cơ sở giết mổ lợn Vạn Phúc, mỗi ngày giết mổ từ 1.700 – 2.000 con, trong đó 70% nhập từ các địa phương khác.

Đoàn công tác kiểm tra tại trang trại lợn quy mô 300 – 400 con tại xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội).

Tiếp nối chuyến thị sát công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi tại các tỉnh biên giới, ngày 4/10, Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT đã có buổi làm việc với thành phố Hà Nội về vấn đề này.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, tổng đàn lợn của Hà Nội hiện nay khoảng 1,6 triệu con. Trong đó, có 283 Cty, xí nghiệp, HTX… chăn nuôi với khoảng 450 nghìn đầu lợn, chiếm 22% tổng đàn. Còn lại vẫn chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ tại các vùng ngoại thành.

Mỗi ngày, 988 cơ sở điểm giết mổ kiểm soát khoảng 4.000 con lợn, 200 con trâu, bò, 28.000 con gia cầm. Điển hình như cơ sở giết mổ lợn Vạn Phúc (huyện Thanh Trì), hàng ngày giết mổ khoảng 1.700 – 2.000 con lợn. Điều đặc biệt, 70% trong số đó lại được nhập về từ nhiều tỉnh bạn. Ông Sơn khẳng định, Hà Nội đang có nguy cơ nhiễm dịch tả lợn Châu Phi là rất cao.

Ông Chu Phú Mỹ, GĐ Sở NN-PTNT Hà Nội đồng ý với nhận định trên. Theo ông Mỹ, ngay sau khi nhận được công văn khẩn đối phó dịch tả lợn của Chính phủ và Bộ NN-PTNT, Sở đã đôn đốc các quận, huyện nâng cao tinh thần phòng chống dịch. Đồng thời ra quyết định thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch, thời gian từ 1/10 – 30/12 tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng phối hợp với các ngành Công thương, Ban chỉ đạo 389 Hà Nội, Sở TT-TT… chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn vào địa bàn Thủ đô. 4 chốt kiểm dịch đầu mối giao thông kiểm soát vận chuyển lợn ra vào thành phố; 4 chốt kiểm dịch động vật liên ngành kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú ý… cũng được tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn chia sẻ, những ngày qua, qua kiểm tra, thị sát tình hình… nhìn chung công tác triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh của các địa phương, đặc biệt tại Hà Nội là rất tích cực. Phía nước bạn Trung Quốc cũng áp dụng nhiều biện pháp dập dịch, kiểm soát biên giới chặt chẽ. Cho tới nay, dịch tả lợn Châu Phi chưa xâm nhập vào Việt Nam nhưng nếu có sẽ rất nguy hại, gây ra hệ lụy khó lường cho ngành chăn nuôi, từ đó ảnh hưởng chung tới thương mại nông sản, hàng hóa.

Với địa bàn Hà Nội, Thứ trưởng Tuấn cho rằng, dứt khoát phải rà soát lại việc tiêm phòng dịch bệnh, tuyên truyền cho người dân thường xuyên tiến hành tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Tương tự là tại các trang trại, đặc biệt phải ký cam kết đảm bảo an toàn dịch bệnh. Thứ trưởng nhấn mạnh, những việc này tuyệt đối không được làm kiểu phong trào mà phải thường xuyên, liên tục, đặc biệt là khi nguy cơ dịch bệnh khó lường như hiện nay.

Riêng với Cục Thú y, Thứ trưởng Tuấn đề nghị đơn vị này tham mưu để Bộ sớm ban hành bộ kỹ thuật, biện pháp lấy mẫu bệnh dịch. Khi phát hiện dấu hiệu dương tính với bệnh dịch, Cục phải báo cáo lên lãnh đạo Bộ bất kể giờ giấc. Cục Thú y cũng phải có trách nhiệm theo dõi sát sao thông tin từ các tổ chức thú y thế giới, lập lại đường dây nóng, chuẩn bị kế hoạch diễn tập tình huống khi dịch bệnh xảy ra.

Nguồn: Báo Nông Nghệp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi

Ngành chăn nuôi từng bước chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, quảng canh sang chăn nuôi tập trung với quy mô phù hợp và phát huy những lợi thế của từng vùng, miền, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của nông dân.

Nuôi gà thịt lông màu an toàn sinh học

Hàng năm, bằng nguồn kinh phí trung ương và địa phương, hệ thống khuyến nông các tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng được khoảng 450 – 500 điểm trình diễn khuyến nông lĩnh vực chăn nuôi cho khoảng 9.188 hộ nông dân tham gia và hưởng lợi từ các dự án, mô hình này.

Ngoài ra, các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp cũng tổ chức hàng trăm điểm trình diễn để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho người chăn nuôi.

Dưới đây là một số mô hình tiêu biểu có hiệu quả, sức lan tỏa tốt góp phần tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

1.  Dự án “Xây dựng mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các vùng chăn nuôi chính”

Dự án chuyển giao với quy mô 1.025 bò được vỗ béo và 616 bò cái nền được thụ tinh nhân tạo (TTNT). Địa bàn triển khai tại 8 tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Lào Cai, Lạng Sơn và Thái Nguyên.

Mô hình cải tạo đàn bò bằng kỹ thuật TTNT: Phương pháp nhân giống bằng TTNT đã cải thiện được năng suất, chất lượng con lai. Dự án đã góp phần tăng tỷ lệ bò lai trong cả nước nói chung và tại các địa phương triển khai mô hình dự án nói riêng lên 10,25%.

Do đã lựa chọn bò cái nền ở độ tuổi từ 3 – 5 lứa đẻ và chọn tinh bò nhập ngoại có năng suất chất lượng cao (BBB, Drouhtmaster, Brahman), hướng dẫn các hộ cách phát hiện bò động dục để cho tỷ lệ thụ thai cao nên tỷ lệ phối chửa lần 1 khá cao, bình quân đạt 75,3%, khối lượng bê sơ sinh 22,1kg/con. Mỗi con bò lai có giá trị cao hơn bò nội khoảng 3 – 5 triệu đồng. Mặt khác, do không phải chi phí nuôi bò đực giống nên hiệu quả mang lại so với chăn nuôi bò địa phương đạt trên 15%.

Mô hình bò vỗ béo: Bò được tiêm tẩy nội ngoại ký sinh trùng trước khi vỗ béo và cho ăn thức ăn tinh kết hợp với thức ăn xanh một cách hợp lý nên có khả năng tăng trọng nhanh, bình quân đạt 740 gram/con/ngày, vượt so với yêu cầu 40 gram/con/ngày (tương ứng 5,7%). Bò tăng trọng nhanh, lại có giá bán cao hơn bò nội nên hiệu quả kinh tế của các hộ tham gia dự án tăng 14,8% so với chăn nuôi truyền thống. Đến tháng 12/2017 dự án đã có sự tham gia của 184 hộ với quy mô 674 con.

2. Dự án “Xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung – Tây Nguyên”

Dự án đã chuyển giao với quy mô 1.640 đàn ong, trong đó 600 đàn ong ngoại và 1.040 đàn ong nội tại Đắk Lắk, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La. Năng suất ong ngoại đạt bình quân 41,5kg/đàn, ong nội đạt bình quân 18,3kg/đàn. Sản phẩm mật ong có chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế của các hộ tham gia dự án tăng 13,8%. Đến nay, dự án đã nhân rộng được trên 1.000 đàn ong mới, thu nhập bán giống và mật đạt doanh thu ban đầu từ 15 – 35 triệu đồng/hộ.

3. Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu”

Năm 2017 đã có 72 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh được công nhận, trong đó 14 cơ sở chăn nuôi lợn và 58 cơ sở chăn nuôi gà với quy mô 1.167.000 con gia súc, gia cầm.

Kết quả của dự án đã góp phần hình thành nên các vùng sản xuất an toàn dịch bệnh tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Nam Định và Thái Bình.

Dự án đã kiện toàn và thành lập mới 10 tổ hợp tác chăn nuôi. Tỷ lệ tiêm phòng tại các cơ sở chăn nuôi tham gia mô hình đạt 100%. Mô hình của dự án đã trở thành những điểm tham quan học tập của người chăn nuôi trên địa bàn.

4. Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo và các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất sinh sản tại nông hộ”

Dự án đã xây dựng 6 mô hình với 12 điểm trình diễn tại Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long với quy mô 24 lợn đực giống và 120 lợn nái. Dự án chuyển giao lợn đực giống có năng suất cao như giống Duroc, YL, Pidu… thông qua công tác TTNT, tỷ lệ thụ tinh đạt từ 80 – 86% đã tạo ra đàn lợn có năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, năng suất các mô hình trong dự án cao hơn lợn nái đang chăn nuôi tại địa phương.

Số con sơ sinh/nái lứa đầu đạt 11,28 – 12 con. Khối lượng lợn con sơ sinh đạt 1,23 – 1,25kg/con. Hiệu quả kinh tế của các hộ tham gia dự án tăng từ 15 – 18%. Dự án đã góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn lợn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn và bền vững.

5. Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu có năng suất, chất lượng, an toàn sinh học”

Dự án đã xây dựng được 6 mô hình trình diễn với quy mô 40.740 con gà Lương Phượng lai, gà Ri vàng rơm lai thương phẩm. Đây là các giống được công nhận tiến bộ kỹ thuật, đưa vào sản xuất chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng gà thịt trong chăn nuôi nông hộ. Tỷ lệ nuôi sống đến xuất chuồng đạt 94,5%, khối lượng cơ thể 2kg/con.Dự án đã giúp nâng cao nhận thức, khả năng áp dụng tiến bộ kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình và các hộ trong địa bàn triển khai.

Thông qua hoạt động của các dự án khuyến nông chăn nuôi, hàng nghìn nông dân đã được học tập kinh nghiệm chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm,… góp phần phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Nguồn: nognghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Phòng và trị một số bệnh thường gặp ở gia súc trong mùa rét

Để gia súc có sức đề kháng tốt, người chăn nuôi cần tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng trâu bò, đặc biệt trong mùa mưa, rét.

A. Bệnh lở mồm long móng (FMD): Là một bệnh cấp tính nguy hiểm và lây lan rất nhanh

1. Nguyên nhân: Bệnh do vi-rút thuộc họ Picorna Viridae gây ra, vi-rút có nhiều type khác nhau, vi-rút tuýp O,A Asia 1 ở cả bò và lợn

2. Triệu chứng

– Trâu bò nung bệnh từ 2 – 7 ngày, đôi khi kéo dài 14 ngày. Con vật sốt cao 40 – 410C, ăn ít, uống nước nhiều, nước dãi từ miệng chảy ra như bọt xà phòng. Sau khi con vật sốt 2 – 3 ngày bắt đầu xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc lưỡi, hàm trên, miệng, mũi. Mụn ở chân móng và kẽ móng làm cho con vật đi lại khó khăn.

– Các mụn nước lớn lên và vỡ ra tạo thành những nốt loét đỏ. Các nốt loét ở chân do thường xuyên tiếp xúc với môi trường bẩn nên có thể bị nhiễm trùng, gây ra bong móng, làm cho con vật đi đứng khó khăn hoặc nằm một chỗ. Ngoài ra các mụn nước còn mọc ở vú, nách, bụng gây các vết loét tương tự.

Kẽ ngón chân trâu, bò bị loét trong bệnh lở mồm long móng

3. Phòng bệnh

– Thực hiện tốt vệ sinh thú y, giữ gìn chuồng khô sạch và ấm. Thực hiện định kỳ tiêu độc khử trùng, ủ phân sinh học.

– Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng trâu bò, đặc biệt trong mùa mưa, rét. Bổ sung thức ăn tinh và thức ăn thô xanh.

– Tiêm vắc-xin lở mồm long móng 6 tháng/lần. Khi nghi ngờ gia súc mắc bệnh cần báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất để được hướng dẫn cách xử lý.

– Kiểm dịch nghiêm ngặt khi xuất nhập khẩu trâu, bò để loại trừ những con mang mầm bệnh.

4. Điều trị

Chưa có thuốc đặc trị. Điều trị các triệu chứng như sau:

– Dùng các chất sát trùng nhẹ (xanh metylen, thuốc tím 1%), nước chanh, nước khế… để rửa, sát trùng các chỗ lở loét;

– Dùng nước sắc các loại như: ổi, chè xanh… để rửa các vết loét;

– Dùng thuốc trợ sức, trợ lực: bổ sung vitamin, khoáng chất;

– Dùng kháng sinh để chống các bệnh nhiễm trùng kế phát.

B. Bệnh tụ huyết trùng (Pasteurellosis bovum)

Bệnh tụ huyết trùng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, xảy ra trên khắp cả nước nhưng hay gặp ở các tỉnh miền núi.

1. Nguyên nhân

Bệnh tụ huyết trùng do vi khuẩn Pasteurella multocida với các tuýp A,B,D,E gây ra. Vi khuẩn có sẵn trong đất, rất dễ phát tán vào mùa mưa, dính vào rơm, cỏ hoặc trôi vào nguồn nước, trâu, bò mắc bệnh do ăn phải thức ăn hoặc uống phải nước bị nhiễm khuẩn.

Bệnh cũng có thể lây lan trực tiếp từ gia súc bệnh sang gia súc khỏe thông qua tiếp xúc, nhốt chung chuồng, chung nguồn thức ăn, nước uống, chăn thả cùng bãi chăn hoặc có thể do dùng chung dụng cụ chăn nuôi… Bệnh có thể lan xa do việc mổ thịt gia súc ốm, phân tán thịt da, ăn thịt gia súc bệnh bị chết, bị giết mổ.

2. Triệu chứng và bệnh tích

Trâu bò thường mắc bệnh ở 3 thể: thể quá cấp tính, thể cấp tính và thể mãn tính.

+ Thể quá cấp: Thường ít gặp, trâu bò đột nhiên sốt cao (41 – 420C), hung dữ, bệnh phát rất nhanh và chúng có thể chết sau 24 giờ. Trâu bò chết đột ngột ngay trên bãi chăn hoặc trong chuồng, không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Với bê, nghé triệu chứng thần kinh rõ hơn, con vật giãy giụa, ngã vật xuống rồi chết.

+ Thể cấp tính phổ biến ở trâu, bò. Bệnh tiến triển trong 3 – 5 ngày, tỷ lệ chết rất cao: 90 – 100%. Sau thời kỳ nung bệnh 1 – 3 ngày, con vật có biểu hiện không nhai lại, sốt cao đột ngột 40 – 420C, khó thở và thở mạnh. Các hạch lâm ba đều sưng, đặc biệt là hạch lâm ba dưới hầu sưng to, làm con vật thở khó, lè lưỡi ra để thở nên còn gọi là “bệnh trâu bò hai lưỡi”. Hạch lâm ba trước vai, trước đùi sưng, thủy thũng làm con vật đi lại khó khăn.

Trâu, bò biểu hiện thở khó do viêm màng phổi, tràn dịch màng phổi, viêm phổi cấp tính. Một số con bị bệnh thể đường ruột: bụng chướng to do viêm phúc mạc. Con vật lúc đầu đi táo, sau đó ỉa chảy dữ dội, phân có lẫn máu và niêm mạc ruột. Lúc sắp chết, thấy bò nằm liệt, đái ra máu, khó thở, có nhiều chấm xuất huyết đỏ sẫm ở các niêm mạc. Nếu bệnh chuyển sang nhiễm trùng máu thì con vật chết nhanh trong 24 – 36 giờ.

+ Thể mãn tính xuất hiện ở những con mắc bệnh thể cấp tính không chết, bệnh sẽ chuyển thành mãn tính. Bệnh biểu hiện với các triệu chứng: viêm ruột mãn tính (lúc ỉa chảy, lúc táo bón), viêm phế quản và viêm phổi mãn tính, viêm khớp và con vật đi lại khó khăn, giảm ăn, gầy nhanh.

Bệnh tiến triển trong vòng vài tuần, các triệu chứng có thể nhẹ dần và con vật khỏi bệnh, nhưng thông thường con vật khó qua khỏi.

3. Phòng bệnh

– Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, bãi chăn: tiêu độc, tẩy uế chuồng trại bằng nước vôi 10% hoặc bằng các thuốc sát trùng khác, khơi thông cống rãnh quanh chuồng, bãi chăn để hạn chế sự tồn tại của mầm bệnh trong tự nhiên.

Khi có dịch xảy ra cần phát hiện kịp thời những con ốm để cách ly và điều trị. Nghiêm cấm không cho vận chuyển, giết mổ, trâu, bò chết phải được chôn sâu, đổ vôi bột vào hố chôn, tẩy uế chuồng trại, bãi chăn, ủ phân có trộn vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh.

Tiêm phòng vắc-xin tụ huyết trùng 6 tháng/lần. Tiêm phòng vào tháng 3 – 4 và tháng 9 – 10 trước khi giao mùa.

– Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng và vệ sinh phòng bệnh nhất là trong lúc giao mùa và thời gian bị ngập lũ hoặc mưa rét.

4. Điều trị

Do đặc điểm bệnh thường xảy ra ở dạng cấp tính nên cần phát hiện sớm, cách ly và điều trị kịp thời mới hiệu quả.

Điều trị bằng kháng sinh Streptomycin, Kanamycin, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Con vật sốt cao tiêm thuốc hạ sốt. Tăng cường trợ sức trợ lực bằng cafein, vitamin C, vitamin B1. Con vật quá yếu, bỏ ăn cần truyền huyết thanh. Tăng cường hộ lý chăm sóc, dinh dưỡng.

C. Bệnh cước chân ở trâu, bò

1. Nguyên nhân

Do thời tiết lạnh, vùng núi cao thường xuyên có băng giá và sương muối, nhiệt độ xuống dưới 100C làm cho đàn trâu, bò dễ mắc bệnh cước chân.

Thời tiết lạnh, trâu, bò phải đứng và nằm trong chuồng nuôi ẩm, ướt, lầy thụt mất vệ sinh, trâu, bò phải làm việc ngâm chân lâu trong nước lạnh làm cho hệ thống mao mạch ở chân trâu, bò bị co lại gây trở ngại cho việc lưu thông máu. Nếu tiếp diễn khoảng 2 – 3 ngày hệ thống mao mạch ở chân trâu, bò bị tắc từng đám dẫn đến hiện tượng phù nề xung quanh móng chân, bàn chân, cổ chân, làm cho trâu bò đau đớn không đi lại được.

2. Triệu chứng

Giai đoạn mới mắc bệnh, chân trâu, bò sưng nhẹ làm cho con vật đi lại chậm chạp, khập khiễng. Nếu không được điều trị kịp thời, chân sẽ có biểu hiện phù nề, sưng tấy, nhiều vết tím đỏ hoặc có vết nứt da, rỉ nước màu vàng, nếu ấn tay vào chỗ sưng khi bỏ tay ra thấy rõ vết lõm sâu là do hệ thống mạch máu ở vùng bàn chân đã bị tắc làm cho vùng da xung quanh móng và bàn chân bị hoại tử nặng. Chân trâu, bò bị nhiễm trùng kế phát khiến cho trâu, bò không đứng dậy đi lại được, nếu vết thương sâu làm cho trâu, bò bị què phải nằm tại chỗ.

Bệnh cước chân ở trâu, bò tuy không phải bệnh truyền nhiễm nhưng có thể xảy ra hàng loạt gây ảnh hưởng lớn đến việc cày kéo và vận chuyển. Trâu, bò giảm tăng trọng và giảm sức đề kháng, dễ gây nhiễm các bệnh kế phát.

3. Phòng bệnh

– Những ngày thời tiết giá lạnh (dưới 120C) không chăn thả trâu, bò ở ngoài trời, cần cho trâu, bò nghỉ cày kéo. Di chuyển đàn trâu, bò ra khỏi khu vực núi cao, dồn chúng về chỗ nuôi nhốt để dễ kiểm soát.

– Luôn giữ chuồng trại khô ráo, sạch sẽ, che chắn kín gió, giữ ấm cho gia súc và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi. Dự trữ đủ thức ăn (rơm rạ, cỏ khô) cho trâu, bò ăn uống đầy đủ và bổ sung thức ăn tinh như cám gạo, bột ngô, sắn với lượng khoảng 2 kg thức ăn tinh/ngày.

Thường xuyên quan sát đi lại của trâu, bò, nếu thấy hiện tượng như đã nêu ở phần triệu chứng cần có phương pháp điều trị kịp thời để trâu, bò nhanh bình phục.

– Dùng vật liệu giữ ấm cho gia súc như: Làm áo khoác bằng bao tải hoặc có thể nâng nhiệt độ chuồng nuôi bằng cách đốt than, trấu, củi,… để sưởi ấm cho trâu, bò (lưu ý khi đốt cần có ống khói ra ngoài để tránh trâu, bò bị ngạt).

– Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các bệnh và tẩy ký sinh trùng định kỳ cho đàn trâu, bò trước mùa mưa rét. Định kỳ vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi

4. Điều trị

Nếu bệnh mới xuất hiện cần rửa sạch, lau khô chân trâu, bò, dùng gừng, riềng giã nhỏ, sao nóng cho vào túi vải rồi chườm vào chỗ sưng hoặc dùng rơm rạ, bao tải… trà xát nhiền lần vào chỗ sưng làm cho máu tụ tan ra, mạch máu lưu thông trở lại, mỗi ngày chườm 2 lần. Dùng cồn Methylxalixilate xoa vào chân trâu, bò sau khi đã rửa sạch, lau khô. Không để trâu bò nằm lâu một bên sẽ gây hoại tử phần da tiếp súc xuống nền chuồng.

Nếu chân có chỗ bị vỡ, loét đã nhiễm trùng phải rửa sạch bằng dung dịch thuốc tím, sau đó rắc bột Tetracylin hoặc Sunfamid.

Nếu chân có nhiều chỗ hoại tử cần cắt bỏ những tổ chức hoại tử, sau đó điều trị kháng sinh liên tục trong 5 – 7 ngày. Tiêm kháng sinh (Pen – Strep; Ampicillin…) theo liều lượng của nhà sản xuất. Tăng cường trợ sức trợ lực bằng Cafein, vitamin C, vitamin B1. Tăng cường chăm sóc, dinh dưỡng. Giữ cho trâu, bò trên nền chuồng khô ráo, sạch và ấm.

Nguồn: PGĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.