Biện pháp chăm sóc, quản lý Trâu, Bò trong vụ rét

Để tránh những thiệt hại nặng nề cho đàn trâu, bò trong vụ rét, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện biện pháp chăm sóc, quản lý đàn trâu, bò như sau:

1. Thường xuyên theo dõi thời tiết

Trước những diễn biến về khí tượng thủy văn ngày càng phức tạp thì người chăn nuôi cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết để có kế hoạch phòng, chống rét cho trâu, bò đạt hiệu quả cao. Trên thực tế, nguyên nhân gia súc chết rét một phần là do khí hậu lạnh giá khắc nghiệt, nhưng phần lớn là do thói quen thả rông gia súc trong rừng của người dân miền núi.

2. Quản lý đàn trâu, bò

Những ngày trời rét, nhiệt độ xuống dưới 150C nên đưa trâu, bò về nuôi nhốt tại chuồng, không nên chăn thả. Khi nhiệt độ xuống dưới 120C không cho gia súc làm việc (cày, kéo…). Trong trường hợp đặc biệt nếu bắt buộc phải đưa gia súc gia ngoài cần đảm bảo giữ ấm gia súc bằng cách mặc áo ấm trước khi đưa ra ngoài. Thời gian đưa gia súc gia ngoài tốt nhất sau 8 giờ sáng và trở về chuồng trước 17 giờ.

3. Cung cấp thức ăn và nước uống tại chuồng

Để tăng cường sức đề kháng cho trâu, bò cần cho ăn đầy đủ và cân đối khẩu phần thức ăn xanh và thức ăn tinh.

Những ngày bình thường mỗi trâu, bò trưởng thành cho ăn khoảng 25 – 30 kg thức ăn thô xanh và 1 – 1,5 kg thức ăn tinh. Nhưng nếu vào những ngày rét đậm, rét hại nhiệt độ dưới 150C thì tăng lượng thức ăn tinh lên khoảng 2 kg/con/ngày để giúp trâu, bò chống lại giá rét. Ngoài thức ăn thô xanh và thức ăn tinh, bà con cần bổ sung vitamin và khoáng chất. Có thể sử dụng tảng đá liếm hoặc dùng muối ăn, nếu sử dụng tảng đá liếm thì treo tại chuồng; nếu sử dụng muôi thì pha như sau: Pha với nước ấm 37 – 380C, nồng độ 0,1 – 0,3% (tương đương 10 – 30g muối/10 lít nước).

Cách cho ăn: Thức ăn thô xanh bổ sung trong máng thường xuyên, thức ăn tinh chia làm 2 bữa trong ngày, cho trâu bò ăn thức ăn thô xanh trước, thức ăn tinh và uống nước sạch đầy đủ theo nhu cầu.

4. Các biện pháp chống rét

a. Chất độn chuồng

Sử dụng chất độn chuồng bằng rơm, rạ, cỏ khô lót chuồng sẽ làm giảm đáng kể ảnh hưởng thời tiết lạnh đến đàn trâu, bò.

Tùy vào điều kiện thực tế có thể rải một lớp độn chuồng dày khoảng 5 – 15 cm. Các chất độn chuồng này có thể để suốt mùa đông mà không cần phải dọn (chỉ dọn phân). Chất độn chuồng luôn đảm bảo khô, không bị ẩm ướt.

b. Che chắn tránh gió

Sử dụng bạt hoặc các tấm phên, các bao tải đan lại. Không nên che kín, chỉ che qua chiều cao của con vật khoảng từ 1,8 – 2m.

c. Đốt lửa chống rét

Khi nhiệt độ xuống dưới 120C thì cần áp dụng phương pháp đốt lửa chống rét. Dùng xô, chậu cũ để đựng củi, trấu (chú ý nhóm củi bén ở ngoài chuồng cho bớt khói rồi mới đưa vào trong chuồng). Nên đặt khay lửa ở cuối chuồng để khói không tạt vào mặt trâu, bò và tránh xa chất độn chuồng, bạt che để phòng bén lửa gây cháy.

d. Mặc áo chống rét

Khi nhiệt độ xuống dưới 120C thì bà con cần mặc áo chống rét cho trâu, bò. Với 1 chiếc áo, bà con có thể sử dụng cho 01 trâu, bò trong suốt mùa, tuy nhiên bà con lưu ý không nên mặc áo chống rét cho trâu, bò cả ngày, lúc trời nắng ấm nên bỏ áo để trâu bò hưởng nắng ấm.

Khi mặc áo cho trâu, bò cần chú ý chiều dài áo phủ từ thân đến hết đuôi, chiều ngang vừa đủ choàng qua thân, các dây buộc thắt như khuy áo buộc dưới bụng.

5. Vệ sinh chuồng trại

Vệ sinh chuồng trại có vai trò quan trọng, giúp hạn chế mầm bệnh cho trâu, bò. Hàng ngày, cần quét dọn vệ sinh chuồng trại, thu gom phân và chất thải ra khỏi chuồng nuôi. Định kỳ phun thuốc khử trùng từ 2 – 3 tuần một lần để tăng cường tiêu độc khử trùng. Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Han – Iodine, cloramin B, Virkon,… Cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Lưu ý: Khi có gia súc bị chết do rét, người chăn nuôi cần báo ngay với chính quyền địa phương và cán bộ thú y để xác định thiệt hại.

Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Công nghệ số giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh của Bò Sữa

Những thiết bị gọn nhẹ có thể tự động gửi thông báo đến chủ trang trại nếu bò gặp vấn đề sức khỏe.

Vòng cổ thông minh (Smart Collar) là một thiết bị công nghệ phân tích sự thay đổi trong hành vi của bò có liên quan thế nào đến sức khỏe chúng, từ đó thông báo đến người chủ trang trại qua hệ thống máy tính và điện thoại.

Thiết bị này đã được dùng để theo dõi sức khỏe của những chú bò tại một trong trại ở Scotland từ năm 2010. Ban đầu vòng cổ được thiết kế và phát triển bởi một startup có tên là Glassgow. Chức năng duy nhất là theo dõi khả năng sinh sản của bò bằng cách theo dõi những hoạt động của chúng.

Bò sẽ di chuyển nhiều hơn khi chúng có nhu cầu sinh sản. Dựa vào đặc điểm này, thiết bị sẽ thông báo với người chủ trang trại khi những con bò đã sẵn sàng giao phối qua tin nhắn đến điện thoại hoặc máy tính.

Hiện nay, nhiều chức năng mới đã được thêm vào từ khi Afimilk – một công ty chuyên phát triển công nghệ trong ngành chế biến sữa được chuyển giao và tiếp tục nghiên cứu để phát triển vòng cổ thông minh.

Những chiếc vòng đeo cổ giúp người nông dẫn giám sát được những thay đổi về sức khỏe của chúng.

Những chức năng mới đã được thêm vào cho chiếc vòng như: phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tật bằng cách kiểm tra thời gian trung bình mỗi con bò ăn uống và nhai lại. Sau khi phân tích thông tin, báo cáo sẽ được gửi đến điện thoại của người chủ trang trại nếu các hoạt động này có dấu hiệu suy giảm.

Richart Dewhurst – người chuyên nghiên cứu về vấn đề dinh dưỡng cho động vật ở trường đại học nông nghiệp Scotland cho biết: “Chúng tôi đang tìm kiếm thêm nhiều sự thay đổi hành vi nhạy cảm của bò và mối liên hệ đến các vấn đề sức khỏe như đi khập khiễng hoặc bị nhiễm axit”. Các nhà khoa học đang phát triển thuật toán để phân tích các dữ liệu thu thập được từ những chiếc vòng cổ.

Trong một phần nghiên cứu khác, Dewhurst phân tích nồng độ xeton và sulfua trong hơi thở của mỗi con bò để tìm hiểu về sự thiếu ăn, sự phân hủy của các mô hay việc thiếu hụt protein trong chế độ ăn của chúng.

Ngoài dùng vòng theo dõi, camera cảm ứng nhiệt cũng được phát triển để theo dõi những vấn đề sức khỏe của bò.

Bệnh viêm vú trên bò sữa là căn bệnh có nguyên nhân từ việc bò bị nhiễm trùng tuyến vú, chính là bệnh phổ biến nhất ở bò sữa. Để phát hiện căn bệnh này, những máy quay cảm ứng nhiệt đã được đặt trong chuồng để có thể nhận ra những điểm nóng hoặc nhiễm trùng trên núm vú, điều này giúp bò có thể được điều trị sớm hơn.

Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu phát triển một thiết bị để gắn lên tai của những chú bò nhằm giúp phát hiện mức độ căng thẳng.

Theo Berkmans một nhà nghiên cứu động vật cho hay, bò càng căng thẳng thì mức độ dinh dưỡng trong thịt lại càng suy giảm. Chính vì vậy thiết bị đeo vào tai sẽ giúp phát hiện và thông báo cho người nông dân kịp thời qua hệ thống điện thoại và máy tính khi có vấn đề xảy ra.

Nguồn: Nature được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi cừu mau lớn, ít tốn kém chi phí

Có lẽ ở Việt Nam, Ninh Thuận là vùng khô và nóng nhất. Ở đây nóng đến mức khiến dê và bò còn phải tìm chỗ để tránh nắng. Thế nhưng tại Ninh Thuận, có một loài vật nuôi không biết nóng là gì, đó là con cừu.

Ngay giữa trưa, nhựa trên quốc lộ chảy ra nhem nhép, thế nhưng những chú cừu vẫn tha thẩn tìm những ngọn cỏ hiếm hoi. Cả đàn cừu vẫn lặng lẽ, kiên trì kiếm ăn giữa trời nắng nóng như thiêu, như đốt…

Đàn cừu kiếm ăn giữa trưa

Cừu là loài dễ nuôi, mau lớn, ít tốn công chăm sóc, ít bệnh tật, chuồng trại lại đơn giản và rẻ tiền. Thức ăn của cừu toàn là những loại không cạnh tranh với lương thực của người. Thậm chí, nó còn ăn cả những loại mà không loài nào ăn được (ví dụ như xương rồng).

Nuôi cừu quay vòng nhanh, lãi cao. Gần đây, giá thịt cừu lên tới trên 100.000 đồng/kg, bà con nuôi cừu rất phấn khởi. Đặc biệt, khách du lịch nhiều nước rất mê thịt cừu vì nó là loại thực phẩm độc đáo, có chất lượng cao và được chế biến thành nhiều món ăn ngon miệng như: Nướng, luộc, xào, xông khói, cari, lẩu, chả…

Cừu nuôi hiện nay có nguồn gốc xa xưa từ những loài cừu núi ở Iran và vùng bắc Ấn Độ. Tới nay, nó được nuôi suốt từ Bắc Âu tới tận các vùng nhiệt đới.

Cừu vào Việt Nam theo các giáo sĩ từ thời Pháp thuộc. Nó được nuôi ở nhiều nơi, nhưng hợp nhất vẫn là vùng khí hậu khô nóng ở Phan Rang. Dần dần, bà con gọi cừu ở đây là cừu Phan Rang. Tới năm 1997, Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây đã đưa giống cừu Phan Rang ra nuôi thử ở miền Bắc. Tới nay, đã được 5-6 thế hệ mà chúng vẫn sống tốt. Điều đó mở ra hướng, có thể nuôi cừu ngay cả ở miền Bắc.

Cừu rất hiền lành, chịu khó và chịu khổ. Nó rất cần cù đi kiếm ăn, tính bầy đàn cao, nên dễ quản lý. Chúng thường đi kiếm ăn theo đàn.

Cừu đẻ trung bình 1,55 lứa/năm. Mỗi lứa được 1-2 con. Cũng có con đẻ 3 con/lứa. Bà con nuôi cừu chủ yếu là để bán thịt và bán giống. Tùy vào từng khu vực mà mỗi nhà có thể nuôi từ vài chục con đến 500-600 con. Cá biệt có nhà nuôi tới 1.000 con.

So với dê, hàm lượng các chất dinh dưỡng ở thịt cừu không thua kém. Tỷ lệ thịt xẻ của chúng lên tới 41,62% và thịt lọc là 28,62%.

Để nuôi cừu, bà con cần chọn giống cho kỹ càng, cả con đực và con cái. Không nên chọn những con cừu cái đã già. Riêng cừu đực phải nhốt riêng, 8-9 tháng tuổi mới cho chúng phối giống. Nếu phối tự do, một cừu đực có thể đảm nhận cho 20-30 cừu cái. Còn nếu phối giống có kiểm soát thì nó còn có thể phụ trách tới 40-50 cừu cái.

Thức ăn thô xanh cho cừu

Thức ăn của cừu rất đa dạng: Cả thức ăn thô xanh (như các loại cỏ, các loại lá cây…), thức ăn thô khô (như các loại cỏ khô) cùng các loại thức ăn ủ chua, thức ăn củ quả các loại phụ phẩm của công nghiệp thực phẩm… Vào mùa khô, ta có thể cho cừu ăn thêm thức ăn tinh (như cám, bột ngô, bột mì…). Tuy nhiên, thức ăn thô vẫn là chủ yếu.

Bà con cần bố trí nuôi cừu ở nơi khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát và đầy đủ ánh sáng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Nuôi lợn sạch kiếm tiền tỉ mỗi năm

Coi vật nuôi như… con đẻ

Khi mà nuôi lợn trang trại đang bước vào giai đoạn cầm chừng, cầm cự thì Phạm Viết Đức, chủ trang trại lợn Đức Anh tại xóm 12, xã Thanh Hương (huyện Thanh Chương, Nghệ An) vẫn không ngại tăng đàn. Đức có bí quyết! Đương nhiên, trong chăn nuôi ai cũng phải có bí quyết riêng cho mình. Ở Đức còn có tình yêu thật đặc biệt với đàn vật nuôi trong trang trại của mình. Chính tình yêu ấy đã giúp anh luôn trăn trở để tìm ra những con đường mới cho riêng mình và có chỗ đứng vững vàng khi ngành chăn nuôi đang lao đao.

Chủ trang trại lợn Đức Anh tại xóm 12, xã Thanh Hương (Nghệ An)

Đức bỏ dở con đường ĐH để đi học nghề thú y và đến năm 2005 bắt tay vào kinh doanh thức ăn gia súc. Cùng thời gian đó, Đức lập gia trại cách trung tâm thị trấn Thanh Chương vài km, mỗi lứa nuôi vài trăm con, mỗi năm lãi ròng chừng 300 triệu đồng.

Có vốn và có chút kinh nghiệm, năm 2014, Đức dời gia trại vào thành lập trang trại tại xóm 12, xã Thanh Hương cách trung tâm thị trấn 30km. Để mua 4ha đất và đầu tư ban đầu, Đức đã bỏ ra gần chục tỷ đồng. Phải nói, đó là một quyết định táo tợn và có phần mạo hiểm của chàng trai 8x. Nhưng rồi Đức thành công giống như một lập trình đã định sẵn mặc cho biết bao khó khăn chung đang bủa vây ngành chăn nuôi.

Nhiều người còn kể về câu chuyện đi tìm giống vật nuôi “thuần chủng” của Đức. Để có đàn gà cỏ địa phương, Đức một mình rong ruổi từ thượng huyện tới hạ huyện Thanh Chương. Hễ thấy nơi nào có gà chân nhỏ, lông xếp sít nhau, mình thấp, thon… còn mang dáng dấp của gà cỏ Thanh Chương là Đức dừng lại “gạ” mua bằng được.

Nhiều lúc, Đức hào phóng đến mức có thể bỏ cả vài ba trăm nghìn đồng để được sở hữu một chú gà cỏ Thanh Chương chính hiệu, nặng chưa đến 1kg. Chẳng vì thế, chỉ sau một thời gian ngắn, Đức có được đàn gà sinh sản như mình mong ước. Tự tay Đức nhặt từng quả trứng, cho vào lò ấp để có được đàn gà thuần chủng địa phương.

Lúc cao điểm, trang trại của Đức có tới vài ba nghìn con gà thịt, hàng trăm con gà đẻ và thường xuyên có lớp gà con kế cận.

Dù là một ông chủ trẻ, đồng vốn hạn hẹp nhưng Đức sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu đồng để đón những đàn lợn phẩm cấp ông bà, bố mẹ từ đất nước Đan Mạch về làm giống. Đức lặn lội vào tận Đồng Nai để đấu giá mua bằng được những con lợn đực Duroc Đài Loan có giá lên đến 50 – 60 triệu đồng. Đó là điều mà nhiều trạm giống chăn nuôi các huyện tại Nghệ An cũng phải mơ ước. Nhiều người nghĩ Đức “chơi trội” và rồi chẳng bao lâu sẽ đổ bể. Nhưng với Đức, ngoài kỹ thuật, công nghệ thì con giống là yếu tố then chốt.

“Cùng một mức đầu tư ban đầu về vốn, kỹ thuật, nhân công… như nhau nhưng nếu có con giống chất lượng có nghĩa là bạn đang nắm chắc phần thắng trong tay. Bạn thử nghĩ xem, bình quân một con lợn nái ngoại đẻ mỗi năm 2,2 lứa, mỗi lứa 13 – 18 con và trọng lượng hơn hẳn lợn nội, còn chất lượng phụ thuộc vào cách nuôi thì chúng ta chọn giống lợn nào? Tôi nghĩ, con giống quyết định 50% thành công của người chăn nuôi”, Đức chia sẻ.

Có trong tay giống tốt, Đức đầu tư cả phòng, hệ thống phương tiện thu và lưu trữ tinh dịch lợn đực giống. Đức thuê lao động có tay nghề thú y cao, trả lương hậu hĩnh để phụ trách trang trại. Nhiều chủ trang trại trong và ngoại huyện Thanh Chương tìm đến trang trại Đức Anh để mua tinh dịch lợn…

Lợn đực giống được chăm sóc tốt

Những đàn lợn cơ bắp cuồn cuộn, đàn gà cỏ lớn lên từng ngày cho đến lúc Đức giật mình chững lại. Đó là thời điểm giá vật nuôi xuất trại liên tục lao dốc chưa có dấu hiệu dừng lại. Đó cũng là lúc Đức tìm đến với công nghệ nuôi lợn an toàn sinh học (ATSH), trước mắt chỉ là để tồn tại. Thế nhưng, “chiến dịch” cầm cự của chàng trai trẻ lại đem về thành công giòn dã.

Lãi từ “gốc” đến “ngọn”

Khi người chăn nuôi ở hầu khắp đất nước này đang ở giai đoạn cầm cự và ngần ngại tái đàn, thậm chí buông xuôi thì Đức vẫn ung dung. Mỗi ngày, đàn lợn từ trang trại của Đức vẫn xuất chuống đều đều như thời kỳ hoàng kim mấy năm trước.

Chuyện Đức đến với chăn nuôi ATSH bắt đầu từ năm 2016. Thời điểm đó, Đức được dự án Jica Nhật Bản chọn làm thí điểm để nuôi lợn, gà ATSH. Nếu đáp ứng được các yêu cầu đối tác đặt ra, trang trại của Đức sẽ được Jiaca “ôm” trọn gói đầu ra cho sản phẩm. Nó như một liều doping thúc đẩy Đức lao vào công việc để đạt bằng được thành quả.

Đàn lợn trong các ô chuồng của Đức dường như chẳng tìm ra đâu được tỳ vết. Trăm con như một, lớn đều như nhau, vai, mông nở, cơ bắp cuồn cuộn như những lực sỹ đấu vật. Đức quả quyết: “Nhìn thế chứ chúng nặng cả trăm kg đấy anh! Về lý thuyết, chúng có thể đạt 70% nạc nếu nuôi công nghiệp và nuôi ATSH có thấp hơn chút ít. Nhưng ở trại của em, tỷ lệ nạc ít nhất cũng đạt 60%”.

Để bước vào nuôi ATSH, cả đàn gà và đàn lợn của Đức dường như được nuôi theo một công thức. Thời gian đầu (45 ngày đối với gà, 2 tháng đối với lợn), đàn vật nuôi được nuôi hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp. Thời gian tiếp sau, đàn vật nuôi được làm quen với thức ăn tự phối trộn và đến non nửa chu kỳ nuôi được cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn do chính Đức phối trộn. Nguồn thức ăn này gồm bột ngô + lúa + cá khô nghiền nhỏ. Chúng được trộn đều với sắn đã ủ chua + nước dẫn theo đường ống vào chuồng nuôi. Ăn thức ăn này, đàn vật nuôi ngừa được một số bệnh thông thường, tuy không nhanh lớn bằng nuôi thức ăn công nghiệp nhưng đổi lại chất lượng thịt thơm ngon hơn hẳn.

“Thông thường, lợn, gà tôi phải nuôi 6 tháng mới xuất chuồng. Trọng lượng vẫn đạt mức tối đa nhưng nếu chỉ nhìn vào màu sắc của thịt thì người không sành ăn sẽ kén mua. Thịt nuôi bằng thức ăn công nghiệp nạc nhiều hơn, màu nạc đỏ hơn, trông rất bắt mắt. Nhưng khách hàng của tôi là các siêu thị, cửa hàng lớn, thậm chí là cá nhân mua về làm quà, có bao nhiêu cũng hết”, Đức quả quyết.

Nhưng để có được thành quả như hôm nay, bản thân Đức cũng phải lăn lộn khắp nơi để tìm thị trường. Lúc đầu, những đề nghị của Đức chỉ nhận được những cái lắc đầu. Chỉ khi trực tiếp sử dụng và chứng kiến quy trình nuôi của Đức khách hàng mới tin tưởng. Đầu ra vật nuôi trong trang trại của Đức rộng mở từ đó.

“Lúc đầu, tôi đi chào hàng khắp nơi. Thậm chí, mổ thịt một con lợn chỉ để đi bán rẻ để khách hàng ăn cho biết nhưng vẫn bị mọi người nghi ngờ. Không nản lòng, tôi tiếp tục “đánh” vào những đối tượng sành ăn. Vượt qua được chính mình cũng chính là lúc tôi được người tiêu dùng đón nhận”, Đức tâm sự.

Thời điểm cuối năm 2017, khi giá lợn hơi nuôi bằng thức ăn công nghiệp chưa nổi 30 nghìn đồng/kg thì lợn nuôi ATSH của Đức vẫn cháy hàng với giá 45 nghìn đồng/kg. Tính ra, mỗi con lợn nuôi ATSH, Đức lãi ròng 1 triệu đồng.

Không chỉ bán lợn hơi, Đức còn có một lò giết mổ gia súc tự xây dựng trong trang trại để mổ lợn đóng cấp đông đem đi nhập cho các nhà hàng, siêu thị tại Nghệ An và Hà Nội. Nhiều chủ hàng đến đặt vấn đề tiêu thụ 15 con lợn/ngày nhưng quy mô trang trại chưa đáp ứng nên Đức chưa nhận lời.

Nằm trong chương trình hỗ trợ của Jica, đến nay, lò mổ của Đức đã được đầu tư hiện đại hơn có thể đáp ứng công nghệ mổ treo, đảm bảo ATVSTP.

Với 1,5ha hồ đập, mỗi năm Đức lãi ròng 100 triệu đồng cá thương phẩm. Nhưng Đức đang dự định sắp tới sẽ chỉ nuôi mỗi cá rô phi để làm thức ăn cho lợn nuôi theo hướng ATSH. Từ đàn gà ATSH, mỗi năm, trang trại xuất ra thị trường gần 7 tấn gà thương phẩm, lãi ròng trên 300 triệu đồng.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Bái phục lão nông làm trang trại tổng hợp trên vùng đất cát, thu 3 tỷ đồng/năm

Từ hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Thuận (58 tuổi) đã gây dựng thành công trang trại quy mô trên vùng cát ở xã Quảng Vinh (huyện Quảng Điền, TT-Huế), cho doanh thu mỗi năm trên 3 tỷ đồng.

Trước đây nguồn thu nhập chính của gia đình ông Nguyễn Thuận dựa vào sản xuất lúa, hiệu quả kinh tế thấp. Luôn trăn trở để tìm hướng phát triển sản xuất nhằm làm giàu cho gia đình và đóng góp xã hội, cuối năm 2006 ông cùng vợ làm đơn, phác thảo dự án rồi xin huyện cấp đất xây dựng trang trại ở xã Quảng Vinh.

Ông Thuận hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà

Vùng đất nơi gia đình ông đến lập nghiệp thời gian đó chỉ toàn sỏi và cát, nắng nóng khắc nghiệt. Để bắt tay thực hiện giấc mơ làm giàu, ông dùng số vốn eo hẹp đầu tư nuôi khoảng vài trăm con gà, mấy con heo và trồng thêm nấm rơm.

“Cuối năm 2006 tôi chuyển vào Rú Cát xây chòi để ở và chăn nuôi. Lúc ấy có đồng nào tôi đầu tư đồng đó, nuôi khoảng 500 con gà, vài con heo. Thời điểm đó tôi cũng chưa có nhiều kiến thức cần thiết về sản xuất theo hướng trang trại nên việc phát triển mô hình gặp khó khăn. Ngoài ra do cây trồng và vật nuôi không chống chịu được với điều kiện khắc nghiệt nên bị thua lỗ nặng”, ông Thuận tâm sự.

Sau thất bại đó, ông được đi tập huấn và tham gia các lớp học về kỹ thuật chăn nuôi, giới thiệu những mô hình trang trại hiệu quả. Trở về nhà, ông bắt tay cải tạo môi trường vùng cát bằng việc trồng cây xanh, phát triển trang trại theo hướng đa ngành nghề, phối hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi.

Năm 2012 trang trại của ông đạt tiêu chí trang trại thu nhập trên 1,2 tỷ đồng. Từ cuối năm 2016 đến nay, ông Thuận đã chủ động liên kết với Cty CP Greenfeed nuôi lợn theo công nghệ cao. Ông mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây chuồng trại, mở rộng quy mô sản xuất và trang thiết bị hiện đại như lắp đặt hệ thống lạnh, máng ăn và máng uống tự động, làm hầm chứa và xử lý chất thải, hầm biogas; áp dụng công nghệ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Trên diện tích 2ha, mỗi năm trang trại nuôi hơn 30.000 con gà lai ri, 500 ngan Pháp, 400 con lợn thịt, 40 con lợn nái. Ngoài nuôi gà, heo ông còn nuôi 3 ao cá và 1,3 ha rừng tràm.

Theo ông Thuận, để chăn nuôi đạt hiệu quả cao, trước hết phải xây dựng hệ thống chuồng trại bảo đảm khoa học. Nắm chắc các kỹ thuật từ khâu lựa chọn con giống đạt chất lượng tốt đên khâu chăm sóc. Đặc biệt, chủ động ổn định nhiệt độ trong khu chuồng trại để tránh dịch bệnh cũng như đảm bảo trọng lượng xuất chuồng.

Lão nông chia sẻ: “So với mặt bằng chung trong nông nghiệp thì chăn nuôi mang lại nguồn kinh tế cao, doanh thu trung bình năm trên 3 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí tính ra mỗi năm có lãi khoảng 1 tỷ. Làm trang trại phải có đam mê, năng động, chịu khó thì thành công sẽ đến, khi thấy lỗ đừng nản mà phải chủ động tìm giải pháp”.

Hơn 10 năm lao động vất vả trên vùng đất cát khô nóng, ông Thuận đã miệt mài không ngừng để có được trang trại quy mô, hiện đại như hiện nay. Nhờ trang trại mà 5 người con của ông được ăn học đến nơi đến chốn, ông còn xây dựng được ngôi nhà khang trang và tạo việc làm cho 12 lao động với mức lương ổn định từ 3 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, trang trại của ông hằng năm còn nhận sinh viên vào thực tập, hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc, chế độ ăn uống của gà, heo…

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm

Quản lý kháng sinh, vấn đề cấp bách

Trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đã đưa ra danh sách các loại kháng sinh quan trọng trong nhân y và trong thú y. Việc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm cho vật nuôi làm thực phẩm cho con người là cần thiết để đảm bảo hiệu quả của kháng sinh. Trong chăn nuôi, duy trì sức khỏe vật nuôi rất quan trọng trong sản xuất thực phẩm an toàn cho người, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân trên thế giới trong việc tìm kiếm protein có nguồn gốc động vật với giá cả phải chăng cho khẩu phần ăn hàng ngày của mình.

Chính sách lành mạnh có thể được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, và tốt nhất cần phải xem xét các bài học và kinh nghiệm toàn cầu. Những kinh nghiệm và bài học của các nước, bao gồm của Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ có thể đóng góp vào quá trình ban hành chính sách, quy định mang tính khoa học cho từng quốc gia. Việc áp dụng các nguyên tắc phân tích rủi ro, bao gồm đánh giá rủi ro, quản lý rủi ro và truyền thông rủi ro, có thể giúp các quốc gia kết hợp những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất vào quá trình quản lý động vật làm thực phẩm.

Các bài học và thực tiễn đều chứng minh rằng, một cách tiếp cận mang tính chiến lược để xác định kháng kháng sinh là vô cùng quan trọng. Nhận thức về hiện trạng và mục tiêu mong muốn của một quốc gia và sau đó xây dựng một quy trình thông qua các luật, quy định và thực tiễn để làm cầu nối giữa hiện trạng đến trạng thái mong muốn là điều quan trọng nhất để đảm bảo rằng chính sách và khoa học được thực hiện đạt kết quả cao nhất. Hành động chính trị mà không có lý do khoa học chính đáng hoặc thực tiễn thực tế sẽ dẫn đến hậu quả không mong đợi và lãng phí nguồn lực vốn còn hạn chế.

Kháng sinh thường được kiếm soát như một phần của quy trình phê duyệt thuốc thú y

Quy trình pháp lý này bao gồm đánh giá an toàn (con người, động vật và môi trường), chất lượng và hiệu quả (công bố trên nhãn với các công dụng đã được phê duyệt). Đánh giá an toàn về mặt pháp lý đối với con người của kháng sinh trong lịch sử được xem là an toàn về mặt độc tính và vi  giới hạn dư lượng tối đa (MRLs) để đảm bảo việc sử dụng sản phẩm một cách an toàn.

Gần đây, việc đánh giá an toàn kết hợp phân tích rủi ro cho kháng kháng sinh, bao gồm đánh nguy cơ phơi nhiễm, quản lý rủi ro thông qua hướng dẫn sử dụng nhãn và truyền thông rủi ro nhằm đảm bảo sử dụng có trách nhiệm. Trọng tâm chính là giảm thiểu các mầm bệnh trong thực phẩm và sự kháng lại các vi khuẩn khiến cho bệnh trên người không thể điều trị được.

Quan điểm của các nước

Trong hai thập kỷ qua, EU và Hoa Kỳ đã tìm kiếm để ngăn chặn sự kháng kháng sinh thông qua các luật, quy định của mình, đồng thời đưa ra các thực tiễn về sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Mỗi phương pháp tiếp cận tiên tiến khác nhau đưa ra những kinh nghiệm và bài học khác nhau. Trên toàn cầu, kháng sinh tiếp tục được sử dụng ở tất cả các quốc gia trong chăn nuôi động vật làm thực phẩm; không có quốc gia nào loại bỏ được tất cả các loại kháng sinh.

EU đã xây dựng các quy định về kháng sinh sử dụng qua đường tiêm, nước chứa thuốc và thức ăn chứa thuốc. Phân tích nguy cơ kháng kháng sinh đóng vai trò quan trọng trong quá trình phê duyệt pháp lý. Bác sỹ thú y đóng vai trò chính, là người kê đơn sử dụng kháng sinh. Ở châu Âu, hiện có nhiều cuộc tranh luận về sử dụng kháng sinh cho KTTT trong thú y, và EU đã cấm sử dụng kháng sinh cho KTTT từ 1/01/2016.

Quan trọng là, lệnh cấm của EU không phải là lệnh cấm cho một hoạt chất cụ thể mà mang ý nghĩa về chỉ dẫn sử dụng, rằng nếu một hoạt chất có chỉ dẫn về mục đích điều trị và KTTT thì KTTT sẽ bị cấm, tuy nhiên hoạt chất này vẫn được lưu hành trên thị trường cho mục đích điều trị.

Cách tiếp cận của EU đối với việc cấm KTTT đã có “những hậu quả không mong muốn” dẫn đến gia tăng tỷ lệ mắc bệnh viêm ruột hoại tử ở gia cầm và bệnh lị trên heo. Sự gia tăng sử dụng Tetracylin và Peniciline dẫn đến mức độ kháng các nhóm kháng sinh này càng tăng trong các mầm bệnh lây qua thực phẩm, đặc biệt là các chủng Samonella.

Dữ liệu từ DanMap 2013 của Đan Mạch cho thấy sau khi KTTT bị cấm, mức độ kháng Tetracycline và Ampicillin đã tăng, và điều này được phản ánh trong việc sử dụng các nhóm kháng sinh này cho mục đích điều trị. Rõ ràng, quyết định của EU dựa trên nguyên tắc thận trọng hơn là các dữ liệu khoa học.

Hoa Kỳ đã xây dựng các quy định về kháng sinh và phân tích rủi ro về kháng kháng sinh như một phần quan trọng trong quá trình phê duyệt pháp lý của mình. Các kháng sinh có thể được phê duyệt cho mục đích trị bệnh, kiểm soát và phòng bệnh, và cho KTTT. Bác sỹ thú y đóng vai trò chính trong việc kê đơn sử dụng kháng sinh, bao gồm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi theo “chỉ thị của bác sỹ thú y trong thức ăn chăn nuôi”.

Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phân loại kháng sinh thành 3 nhóm: nhóm chỉ dùng trong nhân y, nhóm chỉ dùng trong thú y và nhóm sử dụng chung cả trong nhân y và thú y. Các công ty thuốc thú y được khuyến khích tự nguyện rút KTTT khỏi nhãn sản phẩm với các kháng sinh thuộc nhóm sử dụng chung; trong đó, KTTT có thể được sử dụng đối với các kháng sinh chỉ dùng trong nhân y.

Từ ngày 1/01/2017, kháng sinh thuộc nhóm dùng chung chỉ được phép sử dụng cho mục đích điều trị (trị, kiểm soát và phòng bệnh) theo kê đơn của bác sỹ thú y. Các kháng sinh thuộc nhóm chỉ dùng trong thú y có thể được dùng cho mục đích điều trị theo kê đơn của bác sỹ thú y hoặc có thể tiếp tục được dùng cho KTTT và được bán tại quầy thuốc.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Giống bò BBB – ‘cỗ máy’ sản xuất thịt

Các nhà khoa học của Trung tâm Giống vật nuôi chất lượng cao, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu nhập nội thành công giống bò BBB cho cải tạo đàn bò thịt lai Sind ở nước ta.

Bò BBB hay bò lang trắng xanh có nguồn gốc từ Bỉ. Một số nơi nông dân còn gọi bò 3B. Giống có đặc điểm ngoại hình da loang lổ màu trắng xen xanh xám, cơ bắp phát triển, đặc biệt là vùng đùi sau và phần cơ mông (phát triển hơn 40% so với bò thông thường).

Bò BBB nhập nội từ Bỉ

Đây là giống bò thịt cao sản. Được mệnh danh là “cỗ máy” sản xuất thịt. Khối lượng bò trưởng thành đạt 900 – 1.250kg với con đực và 600 – 800kg với con cái. Khả năng tăng trọng trung bình đạt 1,3kg/ngày. Tỷ lệ thịt xẻ đạt 66 – 70%. Tỷ lệ thịt tinh/thịt xẻ đạt 78%. Tuổi đẻ lứa đầu trung bình là 32 tháng. Thời gian mang thai 280 ngày. Tỷ lệ đẻ hàng năm đạt 80%. Khoảng cách lứa đẻ là 14 tháng.

Nhược điểm của bò cái BBB là sự đàn hồi của cơ xương chậu kém, nên ở Bỉ trên 90% bò cái BBB khi đẻ phải mổ để lấy thai. Ở Việt Nam, bò BBB đã được Bộ NN-PTNT giao cho Trung tâm Giống vật nuôi chất lượng cao (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nhập nội, nuôi giữ, khai thác và sản xuất tinh bò đực BBB thuần, phục vụ chương trình cải tạo đàn bò thịt lai Sind thành đàn bò lai F1 BBB hướng thịt, có khả năng thích nghi tốt, tăng trọng nhanh, thịt ngon và cho hiệu quả kinh tế cao. Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Cty CP Giống gia súc Hà Nội sản xuất tinh cọng rạ trên dây chuyền hiện đại, và phân phối tinh Bò đực BBB thuần trên toàn quốc.

Bò BBB đã nuôi thử nghiệm rất thành công trên địa bàn Hà Nội. Bê lai BBB ở 1 tháng tuổi đã có thể bán được 14 – 15 triệu đồng/con (cao hơn so với bê lai khác từ 5 – 6 triệu đồng/con), đến 18 tháng tuổi có thể bán từ 35 – 40 triệu đồng/con (cao hơn bò lai khác từ 12 – 15 triệu đồng/con).

Để chăn nuôi hiệu quả bò lai BBB, TS Phạm Kim Đăng, Phó Trưởng khoa Chăn nuôi (Học viện Nông nghiệp Việt Nam ) khuyến cáo:

– Cần mua bê lai BBB ở những cơ sở nhân giống có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

– Bê lai BBB có tốc độ sinh trưởng nhanh, nên thức ăn phải đảm bảo năng lượng cao, lượng cho ăn hàng ngày tối thiểu đạt 2,5% khối lượng cơ thể. Nên cân đối khẩu phần hoàn chỉnh trên cơ sở phối trộn 55 – 60% thức ăn thô với 40 – 45% thức ăn tinh (tính theo vật chất khô trong khẩu phần).

– Chuồng trại cũng giống như khuyến cáo nuôi bò thịt cao sản khác như, xây dựng chuồng ở nơi cao ráo sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Đảm bảo diện tích chuồng bình quân 4,5 – 5,5 m2/con.

– Thực hiện đúng quy trình vệ sinh thú y đối với bò thịt. Đặc biệt chú ý phòng trị bệnh nội và ngoại ký sinh trùng.

– Thường xuyên liên hệ với các chuyên gia về vật nuôi để có được tư vấn tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi bò lai BBB nói riêng, gia súc, gia cầm nói chung.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nghệ An: Bùng phát bệnh Lepto trên lợn?

Theo người dân xóm 10, xã Ngọc Sơn (Thanh Chương, Nghệ An), xóm có nhiều lợn bị chết.

Thế nhưng, xã xác nhận chỉ có 1 số con bị nhiễm bệnh. Điều đáng nói, trên QL 46 đi qua xã Ngọc Sơn thời gian qua có rất nhiều lợn chết bị vứt dọc đường.

Người dân không đồng ý tiêm phòng?

Ông Thái Văn An, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết, cách đây vài ngày xuất hiện tin đồn tại xóm 10 có một số con lợn khi người dân mổ thịt bán có mùi hôi, thịt màu vàng không thể sử dụng được. Còn một người dân xóm 10 khẳng định, một tuần trở lại đây, xóm có rất nhiều lợn chết vì bệnh Lepto(?).

Rác thải, xác động vật thường xuyên dạt vào các đập tràn của xã Ngọc Sơn

“Chúng tôi nghe thông tin như thế nhưng qua kiểm tra thì chỉ có 4 con lợn bỏ ăn hoặc ăn ít. Trong số đó, một con bị rối loạn tiêu hóa đã được điều trị khỏi bệnh. Đề nghị ngành thú y lấy mẫu xét nghiệm, nếu xuất hiện dịch bệnh chúng tôi sẽ triển khai ngay các biện pháp dập dịch”, ông An cho biết.

Ngày 18/11, sau khi được báo cáo, Trạm Chăn nuôi – Thú y huyện Thanh Chương đã cấp 6 lít bencocid cho xóm 10 và cử cán bộ xuống những hộ có lợn ốm để lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm. Sau khi kiểm tra lợn của hộ ông Nguyễn Văn Cường và bà Nguyễn Thị Thủy có các dấu hiệu như kén ăn cám, ăn nhiều rau, thân nhiệt cao, ông Đào Quang Biên, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi – Thú y huyện Thanh Chương cho rằng, đó là dấu hiệu của bệnh Lepto.

“Tại xóm 4, xã Xuân Tường, giáp ranh với xóm 10 xã Ngọc Sơn đã ghi nhận một cá thể lợn chết do Lepto. Lợn của người dân xóm 10 kén cám, ham rau, thân nhiệt cao là dấu hiệu của bệnh Lepto. Thời gian điều trị bệnh này dài nhưng khả năng khỏi bệnh thấp. Chúng tôi không chờ kết quả xét nghiệm mà sẽ làm tờ trình xin cấp vacxin để tiêm phòng. Đề nghị UBND xã Ngọc Sơn cử cán bộ phụ trách cùng vào cuộc và hỗ trợ người dân vôi bột, tuyên truyền để người dân tích cực chống dịch”, ông Biên cho biết.

Trạm Chăn nuôi – Thú y huyện Thanh Chương lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm

Theo thống kê, xóm 10 có tổng đàn lợn 158 con. Tuy nhiên, khi triển khai đăng ký mua vacxin có 22 hộ (nuôi 22 con lợn) không đồng ý tiêm phòng. “Họ nói, nếu tiêm phòng xảy ra chuyện gì thì xã, huyện phải cam kết chịu trách nhiệm. Nhưng quan điểm của chúng tôi là có dịch thì phải dập dịch, hộ nào không tiêm phòng thì căn cứ Luật Thú y để xử lý. Hộ nào tiêm phòng, nếu gia súc chết thì xã sẽ làm thủ tục để xin Nhà nước hỗ trợ theo quy định. Xã sẵn sàng trích kinh phí mua vacxin và vôi bột để cùng người dân dập dịch”, ông Thái Văn An cho biết thêm.

Nhiều nguy cơ bùng phát dịch

Ngọc Sơn nằm sát QL 46, giáp với các xã Xuân Tường, Võ Liệt, Thanh Ngọc. QL 46 đi qua xã Ngọc Sơn là địa bàn nối nhiều huyện phụ cận, đường trung chuyển động vật từ khắp nơi đổ về đi các địa phương khác tiêu thụ; sông Lam, sông Gang chảy theo chiều dọc của xã.

Xác lợn chết vứt dọc QL 46 đoạn giáp ranh giữa Ngọc Sơn và Thanh Ngọc

Nhiều đặc điểm cho thấy, đây là địa bàn có nhiều nguy cơ xảy ra và lây lan dịch bệnh. Và thực tế, trong vài năm trở lại đây, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở đây diễn biến phức tạp. Theo ghi nhận, tại xóm 3, từ năm 2014 – 2016 từng xảy ra dịch tụ huyết trùng thể cấp tính khiến hàng chục con trâu bò bị chết. Tháng 11/2017, đàn vịt của người dân xóm 10 cũng chết như ngả rạ nhưng mẫu bệnh phẩm dương tính với virus H5N1.

Một nguy cơ nữa xuất phát từ sự thiếu ý thức và trách nhiệm của một số hộ chăn nuôi. Một ngày giữa tháng 12/2017, QL 46 đoạn qua núi Nguộc, điểm giáp ranh giữa xã Ngọc Sơn và xã Thanh Ngọc xuất hiện một con lợn chừng trên 100kg đã được mổ ruột, màu vàng nghệ bị vứt bỏ bên lề đường.

Người dân ở đây phỏng đoán, có thể con lợn trên bị bệnh Lepto, đã mổ thịt đem đi chợ bán nhưng không bán được nên đem về vứt cạnh đường. Thực tế, thời gian qua, đoạn đường này thường xuyên xuất hiện những bao tải chứa xác động vật chết bốc mùi hôi thối. Do nằm ở địa phận xã, UBND xã Ngọc Sơn đã nhiều lần phải cử lực lượng đem xác động vật đi chôn nhưng tình trạng trên vẫn không thuyên giảm.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tỷ phú giữa vùng đất chết

Theo con đường mình chọn

Đến trang trại ông Nguyễn Lợi Đức (65 tuổi; ngụ xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) những gì  làm được đã thôi thúc chúng tôi tìm hiểu. Chúng tôi gặp lúc vợ chồng ông cùng ăn cơm chiều với hàng chục công nhân trong không khí ấm áp, chân tình. Bữa cơm đạm bạc với cá rô đồng, cá lóc kho lạt, canh chua bông súng, bầu luộc, dưa leo, rau muống xào nhưng đầy ắp tiếng cười.

Anh Võ Văn Hai (40 tuổi), công nhân trang trại Lợi Đức, vui vẻ kể: “Ở đây không có sự phân biệt giữa chủ và 40 người làm công. Những người ở xa được ông Đức cho ngủ tại chỗ và bao cơm ăn. Có làm gì sai thì ổng nhắc nhở rất khéo, rất hài hước mà mình thấy nhột nên sửa sai tức thì. Người ta tốt như vậy nên công nhân không làm hết mình mới lạ. Giàu có vậy mà ổng toàn ăn cơm chung với công nhân, hiếm người được vậy lắm”.

Xuất thân từ nông dân nghèo ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, từ nhỏ ông đã theo gia đình định cư ở Campuchia. Ở đây, ông học đến lớp 7 rồi nghỉ. Thời gian này giúp ông thông thạo ngôn ngữ cũng như cung cách làm ăn của xứ chùa Tháp. Năm 1973, ông trở về Việt Nam và sinh sống tại xã biên giới Khánh An (huyện An Phú, tỉnh An Giang) bằng nghề mua bán các loại thủy sản và mắm đồng. Thuận lợi tiếp nối, năm 1978, ông chuyển sang nghề nuôi cá bè trên sông. Thời kỳ này được xem là “hoàng kim” của ông.

Trong một lần về thăm quê, ông quyết định chuyển nghề để canh tác 30 công đất đầu tiên với cách làm rất riêng.

Ông Đức nhớ: “Tôi quyết định đăng ký theo học các khóa tập huấn nông nghiệp do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức. Vì thế, tôi được đích thân GS-TS Võ Tòng Xuân trực tiếp định hướng phát triển cây lúa trên vùng đất nhiều người gọi là “đất chết” này. Từ đó, giúp tôi mở rộng tầm nhìn. Hồi đầu ai cũng nói tôi tưng tưng nhưng tôi bất chấp để đi theo con đường mình chọn”.

Trang trại nuôi bò thành công của ông Nguyễn Lợi Đức

Nói là làm nhưng tính toán

Dự đoán nhà nước sẽ đầu tư lớn về giao thông đường thủy lẫn đường bộ, trong đó có kênh đào T5 (còn gọi là kênh Võ Văn Kiệt đấu nối sông rạch của xã Lương An Trà vào kênh Vĩnh Tế) để “giải cứu” hàng chục ngàn hecta đất phèn đang “chết”; cạnh đó là dự án đầu tư nhà máy chế biến bột mì lớn nhất ĐBSCL đang hoàn thành, ông Đức tranh thủ nhận chuyển nhượng lại quyền sử dụng hàng chục rồi hàng trăm công đất vốn chỉ canh tác được một vụ với sản lượng chỉ đạt từ 6-8 giạ lúa/công) rồi liên kết với Trường Đại học Nông Lâm TP HCM thực hiện mô hình cào phẳng đồng ruộng bằng tia laser.

Mô hình này rất thành công nên mở ra một triển vọng mới cho ruộng đồng quê ông lẫn các xã lân cận. Cùng với việc triển khai sản xuất trên diện rộng, ông còn mang về cho nông dân rất nhiều giống lúa đạt năng suất rất cao như OM 50504, 2517, 4518…

Với trên 1.000 công ruộng luôn trúng mùa, mỗi năm mang lại cho gia đình ông Đức hàng trăm triệu đồng. Thừa thắng xông lên, ông mở cửa hàng phân bón, thuốc trừ sâu, bán lúa giống cho nông dân quanh vùng. Mỗi năm, lãi từ nguồn thu của 10.000-15.000 tấn lúa giống mang về cho ông từ 4-5 tỉ đồng, chưa kể lãi từ kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tiếng lành đồn xa.

Năm 2013, ông Đức quyết định thu hẹp lĩnh vực kinh doanh lúa giống để chuyển sang phát triển trang trại nuôi bò tại xã Vĩnh Gia. Lý giải về quyết định bất ngờ này, bà Nguyễn Thị Thanh – vợ ông – bật mí: “Thấy rơm rạ của 1.000 công đất nhà hơi bị dư, ổng bàn với tui chuyển sang nuôi bò thịt lẫn bò con theo phương thức công nghệ hiện đại để tận dụng triệt để nguồn rơm khô, tui nhất trí liền. Tánh khí ổng là vậy, hễ nói là làm nhưng làm phải tính toán khoa học”.

Hiện với diện tích trên 71 ha, ông Đức dành khoảng 3 ha làm trang trại bò nuôi hơn 400 con bò thịt và 200 con bò nái với các giống bò Pháp, bò Lai Sin, bò Úc… Sau chi phí, mỗi năm ông còn lãi từ 4-5 tỉ đồng từ việc bán bò.

Vừa có tiền vừa đỡ hao tốn

Ông Đức kể: “Tôi nuôi trên 600 con bò, dự kiến sẽ tăng lên 1.000 con trong tương lai, nếu không tận dụng hết nguồn phân mỗi tháng từ 130-140 tấn/tháng thì rất lãng phí. Từ đó, tôi nghĩ đến mô hình dùng phân bò để bón cho 55 ha chuối xuất khẩu, vừa có tiền vừa đỡ hao tốn nguồn phân”.

Với cách làm này, năm đầu tiên (2016), ông đã thu lãi trên 3 tỉ đồng. Ông cũng khác người ở chỗ với những buồng chuối bị “lỗi” không thể xuất khẩu, ông tận dụng làm thức ăn xen kẽ rơm cho đàn bò để tiết kiệm chi phí thức ăn và giúp đàn bò tăng trọng nhanh, màu da đẹp, thịt săn chắc.

Ông Đức còn cho biết đang làm mô hình nuôi trùn quế trên diện tích 3.000 m², kết quả rất khả quan. “Đây là mô hình tương đối khó làm nhưng nguồn lợi rất lớn. Nguồn thức ăn chủ yếu vẫn là phân bò, nếu thành công tôi sẽ tiếp tục đầu tư với quy mô lớn hơn” – ông Đức tin tưởng và còn cho biết vợ ông đang khẩn trương xây nhà nuôi yến và đang trồng 4.500 cây bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc.

Với những thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, ông Nguyễn Lợi Đức đã được tặng nhiều bằng khen của các cấp, được công nhận là Nông dân sản xuất giỏi toàn quốc năm 2009. Đặc biệt mới đây, ông còn được Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Huân chương Lao động hạng ba.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Độc nhất mô hình nuôi lợn ăn tảo xoắn, nghe nhạc sô-panh

Đàn lợn trong trại ngoài được nghe nhạc cổ điển, ăn tảo xoắn còn được hưởng những chế độ đặc biệt ưu đãi khác như điều kiện chuồng trại, tắm rửa nghỉ ngơi, vỗ về săn sóc để sao cho chúng có cuộc sống thoải mái và hạnh phúc nhất có thể.

Những con lợn biết… cười

“Trong sinh hoạt, những gì tôi được hưởng thì đám lợn cũng xứng đáng được hưởng theo”. Đó chính là tâm sự của người đấu tranh cho quyền lợi của con lợn nhằm hướng cho chúng đến một cuộc sống thoải mái, hạnh phúc hơn…

Nuôi lợn để… diệt ốc bươu vàng

Mấy hôm rồi anh Nguyễn Hồng Sơn – Trưởng phòng Chăn nuôi thủy sản (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) thấy toàn thân đau nhức quá nên mới tìm đến một trung tâm vật lý trị liệu có tiếng ở Thủ đô để chữa chạy. Vừa bước qua cánh cửa thì một bản nhạc không lời của Chopin (Sô-panh) cất lên réo rắt làm cho anh chợt bật cười.

Trước vẻ mặt ngơ ngác của mấy cô nhân viên, anh liền vội giải thích kẻo họ hiểu nhầm: “Tôi thấy mình được đối xử giống hệt như lũ lợn ở trang trại của anh bạn các cô ạ! Chúng cũng được thường xuyên nghe nhạc cổ điển để chống stress và uống tảo biển hàng ngày để bảo vệ sức khỏe…”.

Anh Quang đang cho lợn ăn

Anh bạn có trang trại lợn đặc biệt ấy là Nguyễn Thanh Quang ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội. Vốn xuất thân từ dân cơ khí, hoàn toàn ngoại đạo về nông nghiệp nên anh chỉ bật ra ý tưởng nuôi lợn trong một dịp tình cờ trò chuyện với người bạn vong niên là GS Nguyễn Lân Dũng. Ông Dũng khi đó kể cho anh nghe nỗi trăn trở về chuyện con ốc bươu vàng một thời từng được lầm lỡ tuyên truyền, lầm lỡ đưa vào chăn nuôi để rồi sau đó gây đại họa cho những cánh đồng.

Chúng tàn phá đủ loại cây trồng đặc biệt là lúa nhưng rất khó diệt trừ. Ốc vàng tràn lan đến nỗi giờ ở nhiều vùng quê, người dân thay vì ví von “nhiều như lợn con” bằng ví von “nhiều như ốc bươu vàng”. “Chỉ còn mỗi cách là thử dùng ốc bươu vàng để chế biến thức ăn cho lợn thì may ra mới có thể ngăn cản được tốc độ lây lan của chúng”.

Ý tưởng nảy ra trong đầu anh Quang. Ngay lập tức 4 chuyên gia về chăn nuôi, chuồng trại, thức ăn gia súc được ông Dũng vời về giúp. Họ “quần nhau” đúng 1 ngày thì anh vác 700 triệu đồng đi lập trại nuôi thử nghiệm 100 con lợn với thức ăn là ốc bươu vàng.

Thường thì thức ăn của lợn phần thô gồm có ngô, cám gạo, phần tinh có bột cá, bột huyết nhưng nay anh Quang thay phần tinh ấy bằng đạm của động vật ngoại lai: ốc bươu vàng. Đang từ chỗ phải mất công đổ bỏ, ốc bươu vàng kìn kìn được chở về để bán cho trại của anh với giá 5.000 đồng/kg.

Ốc sau khi đập dập được đem vào lò bánh mì sấy rồi nghiền nhỏ ra thành bột để phối trộn với cám, ngô làm thức ăn cho lợn. Lứa đầu tiên thất bại gần như hoàn toàn. Lợn phát triển rất chậm đã đành mà lông còn xù lên như nhím, bì dầy cứng tựa áo giáp khiến cho cánh thợ ba toa phải kêu giời, kêu đất: “Lợn của bác da chẳng kém gì lợn rừng, chỉ cắm thêm hai cái lông nữa là xong, khó thịt quá”. Cũng còn một chút an ủi là thịt của chúng khá ngon và thơm.

Lại phải nghiên cứu để thay đổi công thức thức ăn bằng cách tăng tỷ lệ ruột ốc, loại bớt vỏ, bổ sung thêm giun quế để khắc phục tình trạng thừa can xi mà lại thiếu đạm. Như người dò đá bên dưới để vượt sông, anh Quang chia bầy lợn ra thành 5 đàn nhỏ với 5 khẩu phần ăn khác nhau rồi theo dõi sự sinh trưởng cũng như chất lượng thịt. Hễ đàn nào kém là loại bỏ.

Lợn nuôi kiểu này sau 6 tháng mới xuất chuồng được thay vì chỉ 4 tháng theo kiểu nuôi công nghiệp nhưng chất lượng thịt thơm ngon và an toàn hơn hẳn nên giá bán thịt hơi bao giờ cũng hơn khoảng 15.000 – 20.000 đồng/kg.

Những con lợn hạnh phúc

Tuy là dân cơ khí nhưng anh Quang lại rất mê âm nhạc cổ điển mà nhất là Chopin. Âm nhạc xoa dịu đi những ồn ào, vất vả, mưu toan của cuộc sống hiện đại. Người đã có tác dụng, lợn chắc cũng thế. Vậy là anh thử nghiệm cho chúng nghe nhạc cổ điển hàng ngày và quả thực cũng thấy chúng cũng ngoan hơn, bớt cục tính hơn.

Tình cờ một lần anh đi tham quan cơ sở sản xuất tảo xoắn – một sản phẩm đặc biệt với hàm lượng protein từ 56 – 77%, hàm lượng vitamin, khoáng chất cao và có tới khoảng 20 loại axit amin các loại. Bởi thế tảo xoắn là loại thực phẩm chức năng có công dụng chống lão hóa, tăng cường hệ miễn dịch rất tốt cho con người và có giá bán rất đắt. Hàng sản xuất trong nước 1 vỉ 10 viên cũng 150.000 đồng hay bán theo kg cũng là tiền triệu.

Tò mò quá nên anh Quang liền mua mấy vỉ để dùng thử. Chỉ trong vài tháng uống là anh có thể cảm nhận được cơ thể thay đổi rõ rệt, bệnh tật vặt vãnh liền bị thoái lui nên mới quyết định mua luôn để về bồi bổ cho… lợn.

Anh Quang giới thiệu về cách cho lợn ăn tảo xoắn

Cứ mỗi ngày người uống 2 viên thì lợn uống 1 viên. Lúc đầu thử nghiệm cho lợn ăn tảo biển trong suốt quá trình nuôi 6 tháng liền nhưng giá thành đội lên thành 10 triệu/con, khó bán nên sau đó mới rút ngắn xuống chỉ ăn trong khoảng 2 tháng đầu tiên.

Cho ăn bình thường lợn 6 tháng xuất chuồng, cho ăn tảo biển vẫn 6 tháng xuất chuồng một lần, chất lượng thịt cũng ít có sự thay đổi đáng kể tuy nhiên khả năng đề kháng của chúng lại gia tăng đáng kể. Lợn con vừa rời vú mẹ thường hay ốm yếu nhưng kể từ khi được uống tảo biển thì không phải sử dụng đến thuốc kháng sinh nữa.

Nói về chuyện kháng sinh, có lần một công nhân trong trại có đàn lợn đã thau tháu 50 – 60 kg/con nhưng vì điều kiện không thể nuôi thêm được mới nằn nì anh Quang mua giúp. Nuôi thêm 3 tháng nữa theo mô hình thức ăn sạch, không dùng thuốc kháng sinh nhưng đến khi xuất chuồng xét nghiệm thịt vẫn dính dư lượng, làm cho anh cạch đến tận giờ, chỉ dám nhập lợn giống 7 – 8kg về nuôi đến khi xuất bán.

Đàn lợn trong trại ngoài được nghe nhạc cổ điển, ăn tảo xoắn còn được hưởng những chế độ đặc biệt ưu đãi khác như điều kiện chuồng trại, tắm rửa nghỉ ngơi, vỗ về săn sóc để sao cho chúng có cuộc sống thoải mái và hạnh phúc nhất có thể.

Nếu nuôi lợn kiểu công nghiệp 1,3 con/m2 thì ở trại 2 m2/con để có không gian cho chúng vận động, chạy nhảy được thoải mái. Vận động chán chê, mồ hôi mồ kê đầm đìa rồi chúng sẽ được tắm ngày 2 – 3 lần đối với mùa hè, mùa thu, mùa xuân còn riêng mùa đông thì ít hơn vì lạnh.

Năng vận động nên những con lợn có thân hình rất đẹp

Lợn là loài tham ăn nhưng khá nóng tính nhất là khi thấy đối thủ lạ trong chuồng sẽ chiến đấu đến khi phân thắng bại mới thôi. Bởi thế mà khi ghép chuồng với lợn lạ anh Quang thường chọn thời điểm buổi tối, vừa thả vào cái là đổ thức ăn xuống máng ngay để chúng sao lãng đối thủ. Con nào còn có ý vừa ăn vừa hăm he dọa nạt sẽ được quẳng cho một chiếc bao tải – thứ đồ chơi mà lũ lợn rất ưa thích được hũi hũi mõm vào, được lăn lê bò toài cọ xát.

Dù thường xuyên nghịch ngợm nhảy qua chuồng để dạo chơi bên ngoài nhưng chúng cũng không bị đánh mắng mà còn được chủ xoa đầu, vuốt cổ để làm dịu đi sự căng thẳng.

Ăn thức ăn chất lượng, tắm táp suốt ngày nên vào giữa chuồng lợn mà nhiều khi còn ngỡ ngàng vì quá sạch sẽ, quá ít mùi hôi. Hiện ngoài trại của mình anh Quang còn liên kết với trại của anh Đàm Ngọc Doanh gần đó chăn nuôi tổng cộng 700 con lợn để cung cấp hàng cho hệ thống các chuỗi cửa hàng, siêu thị lớn tại Hà Nội…

Ở nơi những con lợn được nuôi theo hướng hạnh phúc, sống sướng như con người ấy anh Quang bảo rằng nhiều lúc chẳng muốn về nội thành nữa bởi: “Không khí trong lành, đồ ăn sạch sẽ, làm việc với nông dân thật thà chất phác nên đầu óc rất thoải mái, tối về ngủ ngon hệt như… lợn vậy”.

Nguồn: Nongnghiep.vn được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.