“Nghệ thuật” trồng dưa kim.

Xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng có bề dày kinh nghiệm trồng dưa kim. Mỗi vụ diện tích trồng dưa kim của xã lên đến trên 50ha, năng suất đạt từ 8 tạ đến 1 tấn/sào (360m2), giá bán sản phẩm cũng luôn cao.

Kĩ thuật lên luống “mái nhà”, trồng dưa ở chính giữa cho bò sang hai bên của nông dân xã Tân Hưng.

Tham quan những cánh đồng dưa nơi đây chúng tôi học hỏi được nhiều điều bổ ích. Các biện pháp kĩ thuật như làm luống, bố trí mật độ trồng, đặt cây trên luống, định số nhánh, số lá trên thân là cả một “nghệ thuật” mà bà con dày công tôi luyện. Xin chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của họ để bạn đọc tham khảo.

Cách lên luống trồng cây: Không giống với thông thường khi lên luống trồng dưa hấu, dưa kim các nơi khác (luống san bằng phẳng), nông dân Tân Hưng lên luống trồng dưa kim theo kiểu mái nhà (cao ở giữa, thoải về hai bên mé luống). Vị trí đặt bầu cây cũng là chỗ cao nhất của luống (giữa luống), khác hẳn cách làm truyền thống (đặt cây vào mé luống để dưa bò dần ra giữa cho đến mé luống bên kia).

Chiều rộng của luống ở đây cũng để như thông thường (1,8-2m) nhưng mật độ trồng thì cao hơn. Cây cách cây 20-25cm (mật độ 500-550 cây/sào). Đặt cây vào giữa luống là cách làm hay để có thể tăng mật độ cho dưa kim, vì thông thường trồng vào phần mé luống thì mật độ chỉ đạt 420-450 cây/sào. Lên luống cao ở giữa (chỗ vị trí đặt cây) có tác dụng làm cho gốc cây sau này không bị thối hỏng do bị đọng nước sau mưa, vì vốn dĩ dưa kim có bộ rễ, thân gốc yếu hơn các loại dưa khác.

Cách định số nhánh, số lá/cây và định hướng bò cho dưa: Vì trồng ở giữa luống với mật độ dày hơn thông thường và để ngọn dưa bò sang hai bên như đan nên bà con không để nhánh dưa bò dài như truyền thống. Mỗi cây chỉ để 15-17 lá/thân chính và để thêm 3 chèo, mỗi chèo 1-2 lá. Tổng số lá/cây sẽ có khoảng 21-22 lá. Trên một gốc dưa thường chỉ để 1 thân.

Hai dây dưa liền nhau cho bò ngược chiều về hai phía (so le) để cây phủ kín luống và dây dưa không bị chồng chéo nhau. Hướng ngọn về hai bên giúp việc tuyển quả sau này được dễ dàng. Số quả/luống sẽ nằm dàn đều về hai phía chứ không cùng một hàng như phương pháp truyền thống. Quả nọ không tiếp giáp quả kia nên đầy đủ ánh sáng và to đều, dựng quả thuận lợi, màu quả đẹp hơn…

Nông dân Dương Văn Hùng cho biết: Ngay từ những vụ đầu tiên chuyển từ trồng dưa hấu sang dưa kim, nông dân nơi đây cũng làm luống, đặt cây giống như trồng dưa hấu. Song dưa kim được lai tạo và cùng dòng với dưa lê nên thân chính không cần bò dài. Vì vậy nhiều người đã mày mò trồng thử ra giữa luống như trồng dưa lê nhưng không làm luống cao giữa.

Quả dưa kim.

Việc định nhánh, định số lá/cây và hướng ngọn bò cho dưa kim cũng không được “nghệ thuật” như bây giờ. Sau khi gặp một số bất lợi (dưa hay bị thối gốc sau mưa, số lá um tùm làm quả không đẹp, không to, dây dưa chồng chéo khiến sâu bệnh gây hại nhiều…), bà con đã rút được ra kinh nghiệm và dần khắc phục được thông qua các biện pháp kĩ thuật đã làm như trên.

Với thân dưa để bò từ giữa luống ra 2 bên sẽ hạn chế về chiều dài hơn so với trồng vào một mé luống. Vậy việc tuyển quả sẽ như thế nào? Quả dưa sẽ phải lấy gần gốc hơn, vậy có đạt tiêu chuẩn?

Anh Hải, một đại lý chuyên cung ứng vật tư cho nông dân giải thích: Khác với trồng một mé, khi trồng ở giữa luống đòi hỏi vị trí tuyển quả sẽ phải gần gốc hơn. Nông dân lấy quả từ lá thứ 5-8 (khác trồng thông thường lấy quả từ lá 8-10). Song với cách để 3 chèo, mỗi chèo từ 1-2 lá nữa tổng số lá trên một cây đủ để quang hợp và nuôi quả để quả to, mã đẹp. Cuối vụ dưa vẫn phủ kín hết bề mặt luống là đủ để quả phát triển thuận lợi và chín ngọt.

Cách làm luống, trồng dưa kim của nông dân Tân Hưng giúp năng suất đạt cao nhất so với các vùng trồng dưa khác, chất lượng quả cũng luôn cao. Vụ thu đông vừa qua nhiều hộ đã thu lãi trên 100 triệu/mẫu. Vì thế cây dưa kim đã khẳng định vị thế trên “quê hương thuốc lào”.

Nguồn: nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Tận dụng 40m2 đất nuôi dế, chàng thanh niên thu lãi ròng cả chục triệu đồng.

Chỉ với diện tích hơn 40m2 bên hông nhà, anh Nguyễn Anh Tuấn ở thôn Thanh Lê, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã tận dụng nuôi dế. Lứa đầu nuôi anh lãi khoảng 12 triệu.

Anh Tuấn bên trại dế của mình.

Đầu năm 2018 sau khi đi tìm hiểu thực tế, anh Tuấn đã mạnh dạn liên hệ mua giống ở Hà Nội để phát triển mô hình. Anh bố trí 14 hộc nuôi, với kích cỡ 2m2 mỗi hộc.
Anh Tuấn chia sẻ, thức ăn cho dế chủ yếu là bột ngô, cám gạo và một số loại rau, cỏ như xà lách, cải non, lá sắn, rau lang, cỏ voi… Dế là loài vật rất nhạy cảm với hóa chất và mùi lạ nên đòi hỏi môi trường sống phải sạch sẽ, thoáng mát, thức ăn phải sạch và không bị nhiễm thuốc hóa học.

Để chủ động nguồn thức ăn cho dế, anh Tuấn đã tận dụng khu đất sau vườn nhà trồng rau, cỏ. Vào mùa sinh sản anh làm màng lưới phủ lên nắp chuồng, tránh dế bay ra ngoài. Bố trí các khay cát đặt vào trong ô chuồng để dế đẻ.

Sau khi sơ chế cắt cánh dế thương phẩm, 1kg anh bán với giá 200 nghìn đồng. Lứa đầu nuôi anh lãi khoảng 12 triệu. Hiện anh cung cấp cả dế thương phẩm lẫn dế giống. Ngoài nuôi dế anh còn nuôi hơn 100 cặp bồ câu.

Tổng hợp và kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Trồng nấm giữa lòng thành phố.

Sinh ra và lớn lên tại TP.Biên Hòa, từng tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh, anh Nguyễn Ngọc Quý (sinh năm 1992, ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) lại quyết định về quê chọn nghề trồng nấm rơm sạch để khởi nghiệp.

Mô hình trồng nấm rơm trong nhà của anh Nguyễn Ngọc Quý tại phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa.

* Cơ duyên với nghề trồng nấm:

Anh Quý cho biết, trước đây sau khi tốt nghiệp Trường đại học công nghệ TP.Hồ Chí Minh, anh từng trải qua nhiều vị trí công việc, trong đó có thời gian kinh doanh quán ăn. Thời gian đó, nhờ sự giới thiệu của bạn bè, anh bắt đầu tìm hiểu về nghề trồng nấm. Sau một thời gian tìm tòi, anh Quý bắt đầu thấy say mê và quyết định khởi nghiệp với cây nấm.

“Vào năm 2015, tôi bắt đầu trồng nấm linh chi. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về đầu ra nên sau đó tôi đã xác định lại và chọn mô hình trồng nấm rơm. Tôi đã rong ruổi khắp các trại nấm lớn ở các huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh khác, chủ động tìm hiểu để học hỏi kinh nghiệm và về áp dụng cho mình” – anh Quý cho hay.

Theo anh Quý, ban đầu mô hình trồng nấm rơm của anh gặp khá nhiều khó khăn, từ thiếu vốn, thiếu nhân lực đến thiếu kỹ thuật, trong đó có nguồn giống ở một số nơi anh mua chưa đạt chất lượng nên cũng nhiều lần thất bại. “Tôi quyết tâm không nản chí, cố gắng phân tích, tìm nguyên nhân thất bại để rút kinh nghiệm và tiếp tục theo đuổi giấc mơ phát triển nghề trồng nấm của mình” – anh Quý chia sẻ.

* Hướng tới mô hình sạch:

Trải qua những khó khăn ban đầu, hiện tại trại nấm cũng anh Quý đã phát triển khá ổn định. Trại nấm rộng 500m2với hệ thống 6 nhà vòm cùng với nhiều thiết bị khá hiện đại, phù hợp với mô hình nông nghiệp đô thị.

“Vì là mô hình trồng nấm trong nhà nên đòi hỏi các tiêu chí kỹ thuật khắt khe hơn. Quy trình sản xuất và thu hoạch nấm rơm từ 18-21 ngày, trong đó từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 8 là công đoạn xử lý nguyên liệu – nuôi sợi. Từ ngày thứ 9 đến ngày thứ 20 công đoạn chăm sóc và thu hoạch nấm.

Hiện tại, trại nấm rơm của anh hằng tháng cung cấp ra thị trường khoảng 400-500kg nấm rơm, giá bán ra từ 60-80 ngàn đồng/kg. Tuy trại nấm của anh hoạt động chưa lâu, nhưng bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế khá ổn định, anh Quý chia sẻ.

Anh Quý cho biết, hiện thị trường cung cấp chính của trại nấm là khu vực TP.Biên Hòa và một số địa phương lân cận. Trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục mở rộng thị trường, chủ động quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội…

Bên cạnh đó, anh Quý cũng được Hội Nông dân TP.Biên Hòa hỗ trợ để xây dựng mô hình sản xuất sạch theo hướng VietGAP để tăng hiệu quả kinh tế, ổn định đầu ra, cũng như phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị theo hướng hiện đại, tiết kiệm diện tích đất…

Nguồn: Agriviet.com được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Nữ tỷ phú say mê nghề vườn

Bà cho biết, thời gian đầu do thiếu vốn, thiếu đất, lại thiếu kinh nghiệm nên công việc làm ăn gặp không ít khó khăn. Sau đó nhờ quan hệ tốt với khách hàng, đặc biệt là các cơ sở sản xuất cây giống (cây ghép) nên sản phẩm làm ra tiêu thụ ngày càng nhiều. Nhờ vậy mà lần hồi bà thuê thêm đất, mở rộng diện tích sản xuất.

Năm 2016 bà bán ra trên 100.000 cây giống gồm sầu riêng, xoài, mít, bưởi da xanh và nhiều loại cây trồng khác do khách hàng đặt mua. Bà phấn khởi cho biết, hai năm 2017 – 2018 các loại cây giống đều tăng lên gấp rưỡi. Phần lớn cây trên 1 năm tuổi đều có thương lái đặt hàng bỏ cọc.

Bà chia sẻ, niềm đam mê lớn nhất của bà là nghề vườn. Hiện bà đang đầu tư trống 15 công sầu riêng loại Mongthong Thái và cơm vàng hạt lép Ri 6, trong số đó 10 công đã bắt đầu cho trái chín, năm 2018 thu nhập trên 300 triệu đồng.

Để cây phát triển tốt, năng suất chất lượng cao bà thường xuyên theo dõi báo chí và học hỏi kinh nghiệm từ những nông dân thành đạt. Nhờ vậy mà vườn sầu riêng nhà bà lúc nào cũng xanh mướt, trái sai, trái to, chất lượng thơm ngon, thương lái sẵn sàng mua với giá cao.

Xưa nay, đa phần nông dân ăn nên làm ra đều là đàn ông, lực điền, có đủ sức khỏe mới có thể đảm đương được công việc nặng nề. Vậy mà tại ấp Phước Thủy, xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long có một phụ nữ nổi tiếng về sản xuất cây giống và trồng cây ăn trái, mỗi năm thu nhập trên bạc tỷ.

Người đó là bà Trần Thị Hiền, 61 tuổi, suốt ngày cặm cụi gắn bó với mảnh vườn không thua gì đàn ông.

Bà Hiền tâm sự, trước đây vợ chồng bà đều là nông dân tay lấm chân bùn, cuộc sống vô cùng khó khăn, nhất là từ khi chồng qua đời năm 2001 đến nay, cuộc sống càng vất vả hơn, nhưng nhờ say mê nghề vườn nên bà đã nối nghiệp chồng, ngày ngày lặn lội đi tìm hạt giống về ươm trồng bán cho các nhà vườn và các cơ sở sản xuất cây giống. Ngoài ra, bà còn là một nông dân trồng sầu riêng nổi tiếng ở địa phương.

Bà Trần Thị Hiền chăm sóc cây giống vừa ghép

Bà cho biết, thời gian đầu do thiếu vốn, thiếu đất, lại thiếu kinh nghiệm nên công việc làm ăn gặp không ít khó khăn. Sau đó nhờ quan hệ tốt với khách hàng, đặc biệt là các cơ sở sản xuất cây giống (cây ghép) nên sản phẩm làm ra tiêu thụ ngày càng nhiều. Nhờ vậy mà lần hồi bà thuê thêm đất, mở rộng diện tích sản xuất.

Năm 2016 bà bán ra trên 100.000 cây giống gồm sầu riêng, xoài, mít, bưởi da xanh và nhiều loại cây trồng khác do khách hàng đặt mua. Bà phấn khởi cho biết, hai năm 2017 – 2018 các loại cây giống đều tăng lên gấp rưỡi. Phần lớn cây trên 1 năm tuổi đều có thương lái đặt hàng bỏ cọc.

Bà chia sẻ, niềm đam mê lớn nhất của bà là nghề vườn. Hiện bà đang đầu tư trống 15 công sầu riêng loại Mongthong Thái và cơm vàng hạt lép Ri 6, trong số đó 10 công đã bắt đầu cho trái chín, năm 2018 thu nhập trên 300 triệu đồng.

Để cây phát triển tốt, năng suất chất lượng cao bà thường xuyên theo dõi báo chí và học hỏi kinh nghiệm từ những nông dân thành đạt. Nhờ vậy mà vườn sầu riêng nhà bà lúc nào cũng xanh mướt, trái sai, trái to, chất lượng thơm ngon, thương lái sẵn sàng mua với giá cao.

Khu vườn ươm cây giống

Khi hỏi về cách chăm sóc cây sầu riêng, nhiều người không ngờ một phụ nữ như bà mà đã nắm bắt kỹ thuật một cách tỉ mỉ, khoa học từ khâu chọn cây giống, cách làm đất, xử lý phân, thuốc cho đến sau khi thu hoạch phải làm gì cho cây tiếp tục ra hoa kết trái vào mùa sau. Không những vậy, bà còn biết chủ động xử lý cho cây ra hoa đậu trái theo ý muốn.

Bà nói: Sầu riêng trồng gốc ghép chỉ sau ba, bốn năm là có trái, nhưng muốn cho cây tăng trưởng tốt và tuổi thọ cao, cây trồng phải sạch bệnh, mắt ghép không bị sâu bệnh, đất trồng phải xẻ mương, lên liếp, đắp mô cao để tránh úng vào mùa mưa.

Bà Trần Thị Hiền chuẩn bị cây giống sầu riêng để giao cho khách hàng

Điều quan trọng hơn nữa là cây trồng phải được chăm sóc chu đáo, thường xuyên bổ sung dinh dưỡng bằng phân hữu cơ hoặc chất mùn, tuyệt đối không được sử dụng phân, thuốc quá liều lượng làm cây dễ bị suy kiệt.

Để khách hàng tin tưởng, bà sử dụng phân, thuốc theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và người sản xuất, đồng thời bảo vệ được môi trường.

Bà chia sẻ, một trong những nguyên nhân giúp bà thành công như hôm nay, trước hết là nhờ bà đã gắn bó với nông thôn, yêu thích nghề vườn từ nhỏ nên đi đến đâu bà cũng tìm tòi, học hỏi về kỹ thuật canh tác và chăm sóc thích ứng mang lại hiệu quả cao.

Hơn nữa, bà có một người con trai cũng yêu thích nghề vườn đã giúp bà áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong nuôi trồng và sản xuất.

Cụ thể như thay vì trước đây tưới bằng thùng, bằng vòi phun thì nay được thiết kế bằng hệ thống tưới tự động, vừa giảm tốn kém chi phí vừa tiết kiệm được nhân công.

Một góc vườn sầu riêng của bà Hiền

Nguồn: Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech.vn

Thành công từ mô hình trồng rau mầm trên san hô

Mô hình trồng rau mầm trên san hô khá mới mẻ và duy nhất tại Việt Nam này đã mang lại thành công đáng kinh ngạc.

Anh Thái cho biết, mô hình trồng rau mầm trên san hô xuất phát từ việc đam mê nuôi cá cảnh của anh. Trước đây anh từng nuôi cá cảnh và sử dụng san hô để lọc nước, mỗi lần vệ sinh bể, anh thấy san hô có độ PH rất cao, phóng thích canxi nhiều, nếu trồng rau trên san hô, rau sẽ hấp độ PH này vừa hút canxi và sinh trưởng tốt.

Mô hình rau mầm trên san hô.

Vì vậy, anh Thái quyết định gieo thử một ít hạt cải giống lên san hô và chỉ sau một tuần, hạt giống nảy mầm, phát triển xanh tốt. Nghĩ đây là mô hình hiệu quả, anh quyết định đầu tư 1 tấn san hô và làm các bể kính đặt vào khung sắt để trồng rau mầm trong nhà.

Theo anh Thái, để đảm bảo rau sinh trưởng, phát triển tốt cần đầu tư hệ thống đi kèm. Chính vì vậy, anh đầu tư khu sản xuất rau sạch ứng dụng đầy đủ kỹ thuật công nghệ cao như hệ thống máy lạnh tự động, hệ thống tưới nước tự động và các vật dụng trồng rau mầm đều sử dụng bằng nhựa, đảm bảo sạch sẽ.

Một điều đặc biệt là rau mầm được anh trồng trong các bể kiếng, không sử dụng phân hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, cũng chẳng dùng chất kích thích, trồng hoàn toàn bằng san hô và dùng nước sạch để tưới.

Anh Thái chia sẻ: “Trồng các loại rau sạch theo đúng quy chuẩn an toàn vốn đã không đơn giản, trồng rau mầm lại càng đòi hỏi yêu cầu cao hơn, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường. Rau mầm khá mẫn cảm với nước tưới, nếu nước không đủ, rau dễ bị héo và chết. Ngược lại, nếu lượng nước tưới dư thừa, rau sẽ bị úng thối. Hệ thống máy lạnh và nước tự động từ bể san hô sẽ tự điều chỉnh nhiệt độ phù hợp cho rễ rau mầm hút chất dinh dưỡng để phát triển nên có thể canh tác quanh năm”.

Ban đầu anh Thái dự định trồng rau mầm để gia đình sử dụng. Sau đó, anh mở rộng diện tích trồng rau và mở cửa hàng bán rau ngay tại nhà với tên gọi Lucky Farm. Khách hàng đến mua sẽ lên các kệ rau mầm nhổ gốc và bỏ vào hộp nhựa tùy theo nhu cầu.

“Tôi đã từng bị bệnh và phải ăn rau xanh dài ngày để cải thiện. Tuy nhiên, để mua được rau sạch rất khó, từ đó, tôi luôn ấp ủ thực hiện mô hình trồng rau sạch để cung cấp cho gia đình hàng ngày. Và khi mô hình này thành công, tôi muốn chia sẻ với mọi người. Hiện tại, lợi nhuận từ trồng rau mầm không cao nhưng được cung cấp rau sạch cho mọi người tôi rất phấn khởi”, anh chia sẻ.

Nguồn: Kythuatnuoitrong.edu.vn được kiểm dịch bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng ớt Tiela hiệu quả cao

“Ớt lai Tiela thu bạc tỷ”, theo yêu cầu của bạn đọc, nay chúng tôi giới thiệu qui trình kỹ thuật trồng giống ớt này nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ớt lai Tiela thu bạc tỷ

Đây là giống có khả năng thích ứng rộng, trồng được ở nhiều vùng, nhiều vụ trong năm.

Chuẩn bị đất

Làm sạch cỏ, cày bừa đất tơi xốp, lên luống thoát nước, bón 30-50 kg vôi/1.000m2. Sau khi bón vôi 10-15 ngày thì tiến hành bón lót, lên luống. Ở khu vực miền Nam có thể sử dụng luống sẵn có, cần bón vôi bổ sung để cải tạo đất.

Khoảng cách trồng: hàng cách hàng 0,8-1,2 m. Cây cách cây 0,4-0,5 m.

Ươm cây con

Lượng hạt cần cho 1.000m2: Khoảng 20-25 g (4-5 gói), riêng khu vực Tiền Giang do tập quán trồng dày nên cần 30-35 g (6-7 gói).

Nên gieo hạt trong vườn ươm hoặc trong khay. Trước khi trồng một tuần, cần “luyện” cho cây con cứng cáp bằng cách tháo hết lưới che cho cây tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Để cây bắt đầu hơi héo mới tưới nước và mỗi lần tưới cần tưới thật đẫm.

Trồng cây con từ 20-30 ngày tuổi. Nên tưới đẫm nước trước khi trồng 2-3 giờ.

Bón phân

Tùy thuộc vào điều kiện đất đai và mùa vụ trồng để lựa chọn loại phân và liều lượng bón cho thích hợp. Dưới đây là lượng phân bón tham khảo cho 1.000m2:

+ Bón lót: 2-3 m3 phân chuồng, có thể thay thế bằng các loại phân hữu cơ sinh học hoặc hữu cơ vi sinh, 10-15 kg NPK 16-16-8, 30-50 kg super lân

+ Bón thúc lần 1 (sau trồng 20-25 ngày): 20-25 kg NPK 16-16-8, 3-5 kg urê, 2-3 kg KCl, 2 kg Calcium nitrat.

+ Bón thúc lần 2 (sau trồng 40-50 ngày): 20-25 kg NPK 16-16-8, 3-5 kg urê, 7-9 kg KCl, 2 kg Calcium nitrat.

+ Bón thúc lần 3 (sau khi thu 2-3 lứa): 15-20 kg NPK 16-16-8 + 3-5 kg urê và 7-9 kg KCl, 2 kg Calcium nitrat.

Kết hợp các lần bón phân với vun gốc. Giai đoạn đầu nếu rễ kém phát triển, sử dụng thêm các loại phân kích thích rễ để tưới hoặc phun như Roots 2, Orgo Root, Bio 8…

Ruộng ớt Tiela trong giai đoạn ra hoa

Chú ý: Có thể sử dụng thêm phân bón lá có chứa Ca và các chất vi lượng. Khi sử dụng phân bón lá cần chú ý hàm lượng đạm, lân, kali ghi trên bao bì. Giai đoạn cây mang trái thì không sử dụng các loại phân bón lá có hàm lượng đạm cao, nhất là trong mùa mưa vì sẽ tăng bệnh thán thư (nông dân thường gọi là nổ trái). Lúc cây ra hoa nên phun CaCl2 hoặc CaBo theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất.

Phòng trừ sâu bệnh

Sâu hại:

+ Bọ trĩ, rầy mềm, nhện đỏ, bọ phấn chích hút: Cần phòng ngừa bằng cách dọn sạch cỏ dại, tỉa bớt cành nhánh để cây được thông thoáng, hạn chế điều kiện ẩn nấp của rầy và dễ xịt thuốc. Xịt thuốc ngay khi phát hiện trên ruộng có các côn trùng chích hút bằng các loại thuốc như: Confidor, Radian, Voliam targo, Actara… Dùng luân phiên các loại thuốc để tránh kháng thuốc, không nên pha trộn nhiều thuốc để phun.

+ Các loại sâu ăn lá và sâu đục trái (sâu xanh, sâu ăn tạp…). Phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, phun các loại thuốc: Nockthrin, Proclaim, Voliam targo…

Bệnh hại:

+ Để phòng trừ bệnh hại cần chú ý bón phân đầy đủ và cân đối, trồng với mật độ vừa phải, vệ sinh đồng ruộng cho thông thoáng, làm đất tơi xốp, thoát nước tốt, kịp thời cắt bỏ và tiêu hủy phần cây bị bệnh để tránh lây lan.

+ Bệnh héo xanh do vi khuẩn: Để phòng ngừa cần đảm bảo đất thoát nước tốt. Khi phát hiện cây có triệu chứng nhiễm bệnh cần nhổ bỏ và tiêu hủy, rải vôi nơi cây bị bệnh. Cần luân canh với các cây không thuộc họ cà như bắp, đậu, các loại rau ăn lá, lúa…

+ Bệnh thán thư: Dùng luân phiên các loại thuốc trừ nấm như Ridomil gold, Score, Amistar, Amistar top…

+ Bệnh cháy lá, thối ngọn: Bệnh thường xuất hiện trong mùa mưa. Sử dụng các loại thuốc diệt nấm như Mancozeb, Kasuran, Ridomil gold, Score, Revus opti, Amistar top…

                                                Nguồn: Báo Nông Nghiệp, kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Trồng rau sạch bằng smartphone

Với một chiếc điện thoại di động kết nối Internet, bất kỳ ai cũng có thể tạo dựng và chăm sóc hệ thống trồng rau sạch ngay tại nhà hoặc quản lý nông sản cho năng suất cao gấp hai đến ba lần so với trồng rau thông thường.

Duyên số với nông nghiệp

Xuất phát điểm là dân công nghệ thông tin- sinh viên của Đại học Bách Khoa Hà Nội, khi ngồi trên ghế nhà trường, Đặng Xuân Trường- Nhà sáng lập, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ cao Hachi Việt Nam chưa từng nghĩ sẽ “kết duyên” với nông nghiệp. “Cuối năm 2015, mình có cơ hội tiếp xúc với một vài bạn sinh viên nông nghiệp, nhận thấy tiềm năng của nó rất lớn nếu được ứng dụng CNTT. Hơn nữa tại thời điểm đó, tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan, tivi đài, báo, đưa tin hàng ngày nên mình quyết tâm sẽ làm gì đó có thể ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp để giải bài toán thực phẩm tại các thành phố lớn” – Xuân Trường chia sẻ về lý do thôi thúc chàng sinh viên công nghệ chọn ngã rẽ khá bất ngờ.

Đặng Xuân Trường- Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ cao Hachi Việt Nam

Hachi thực chất là phương pháp trồng cây theo hình thức thủy canh, có sử dụng hệ thống đèn LED để chiếu sáng thay thế ánh sáng mặt trời. Hiện nay, Hachi triển khai hai loại sản phẩm là thủy canh nhà phố và thủy canh trang trại. Hệ thống tự động giám sát các điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng thông qua ứng dụng trên smartphone. Hệ thống sẽ tự động tải dữ liệu của từng loại cây trên server của Hachi về để kích hoạt chế độ chăm sóc thông qua mạng Wifi. Việc ứng dụng giải pháp của Hachi có thể giúp tăng 30% đến 50% tốc độ sinh trưởng của cây, đảm bảo sạch, cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài và trồng được những loại cây trái vụ, khó trồng ở điều kiện tự nhiên.

Đối với sản phẩm nhà phố, Hachi tận dụng được những khoảng không gian tối ưu tại ban công, sân thượng. Đó là xây dựng hệ thống tự động chăm sóc, người sử dụng không cần phải có mặt ở nhà mà vẫn có thể chăm sóc được giàn rau. Tận dụng được khoảng không gian, có được nguồn thực phẩm sạch ngay tại nhà, có thêm không gian xanh cho những người ở nhà phố.

Về trang trại thuỷ canh Hachi, có thể thấy trang trại thủy canh cho năng suất cây trồng cao hơn từ 50 đến 200%, tiết kiệm đến 95% lượng nước và phân bón sử dụng, tiết kiệm 75% chi phí nhân công bằng hệ thống tự động.

Giám đốc Hachi Việt Nam cho biết: “Tiềm năng ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp tại Việt Nam là vô cùng to lớn, 70% dân số Việt Nam sống dựa vào nông nghiệp. Nhu cầu sử dụng thực phẩm, đặc biệt là các loại rau sạch, rõ nguồn gốc của cư dân đô thị ngày càng tăng. Và để có nguồn rau sạch, rõ nguồn gốc thì rõ ràng là phải ứng dụng công nghệ cao để làm được điều này.”

Khó khăn và những thành quả

Chia sẻ về những thử thách từng gặp phải, Xuân Trường cho hay: Mặc dù không gặp vướng mắc trong quá trình xây dựng sản phẩm, nhưng Hachi lại gặp rất nhiều khó khăn khi phát triển dự án. Khó khăn đầu tiên của Hachi là về vốn vì việc start-up một dự án về nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi khá nhiều chi phí cho việc phát triển phần cứng, mua sắm các thiết bị nông nghiệp và phát triển ứng dụng trên di động. Ngoài ra sau khi hoàn thiện phiên bản mẫu của sản phẩm thì nhóm lại gặp khó khăn trong việc hoàn thiện và thương mại hoá chính thức sản phẩm do thiếu kinh nghiệm. Nhận thấy những khó khăn sẽ gặp phải ngay từ ban đầu nên Hachi đã chủ động tìm kiếm một vườn ươm khởi nghiệp là Vietnam Silicon Valley do Bộ Khoa học công nghệ hỗ trợ. Vườn ươm hỗ trợ Hachi một khoản vốn ban đầu đủ để hoàn thiện sản phẩm mẫu cũng như cố vấn về kinh nghiệm phát triển và bán sản phẩm.

Hachi dự kiến trong 1 năm tới sẽ trở thành một trong những đơn vị hàng đầu tại Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, cụ thể là mô hình trồng rau thuỷ canh công nghệ cao. Ngoài ra Hachi cũng đang lên kế hoạch để hợp tác giúp bao tiêu đầu ra cho những trang trại mà Hachi đã thi công.

Rau sạch được trồng với ứng dụng công nghệ cao

Những kết quả ban đầu của “đàn ong” Hachi cũng đã được đền đáp xứng đáng bằng những giải thưởng đáng tự hào: Giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp Việt Đức 2015 do Đại học Bách Khoa tổ chức, giải Dự án nông nghiệp xuất sắc nhất cuộc thi startup wheel 2016 do BSSC và thành đoàn HCM tổ chức, giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp Lotte do tập đoàn Lotte, Bkholding, và Vietnam Silicon Valley tổ chức, Giải nhất cuộc thi Techfest 2016 giành vé đi đến Silicon Valley, California, USA và Giải Startup triển vọng cuộc thi Nhân tài Đất Việt.

Hachi đến nay đã mở rộng sang những dự án quy mô trang trại với diện tích từ 500m² đến 2.000m². Các trang trại Hachi đã triển khai có mặt ở nhiều nơi bao gồm: Bắc Ninh (trang trại Delco Eco Farm, trang trại thuỷ canh tại Trung tâm thông tin và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bắc Ninh), Hà Nội (Biệt thự An Viên), Đà Lạt (trang trại Hokkaido Suchi), Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh…

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Mô hình sinh thái Ruộng lúa – bờ hoa

Thay vì phun thuốc trừ sâu, nhiều bà con nông dân vùng ĐBSCL đã áp dụng mô hình trồng hoa trên bờ ruộng, vừa quản lý tốt dịch bệnh, vừa nâng cao năng suất cây trồng.


Mô hình sinh thái ruộng lúa bờ hoa mang lại nhiều lợi ích cho bà con

ĐBSCL là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Nơi đây hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Hàng năm, ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng lương thực cả nước và 90% lượng gạo xuất khẩu ra thế giới. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động trồng lúa tại ĐBSCL đang phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan và chịu áp lực lớn về tình hình sâu bệnh như rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh siêu vi khuẩn…

Trước kia, để kiểm soát dịch bệnh, tăng năng suất bà con nông dân thường sử dụng thuốc hóa học. Dù mang lại lợi ích trước mắt song về lâu dài sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng: Thúc đẩy nhanh quá trình thoái hóa đất, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới sức khỏe con người…

Tuy nhiên vài năm trở lại đây, thay vì phun thuốc hóa học để diệt trừ sâu bệnh, người dân trồng lúa đã áp dụng chương trình IPM: Xuống giống lúa đồng loạt để “né” rầy, áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và đặc biệt là áp dụng công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch ăn các loại côn trùng có hại như: rầy nâu, sâu cuốn lá, nhện gié…

Ông Phan Văn Xích, nông dân trong vùng ĐBSCL chia sẻ: “Mô hình công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng dễ thực hiện, không tốn nhiều chi phí lại mang đến hiệu quả tích cực như ít sâu rầy hơn, cảnh quan đồng ruộng cũng đẹp hơn. Bởi vậy, tui đã truyền đạt lại cho bà con làng xóm để tiến hành thực hiện và nhận được sự ủng hộ tích cực của mọi người”.

Tại Cần Thơ, mô hình được triển khai từ năm 2013. Tại các ruộng lúa có bờ hoa, bà con nông dân không sử dụng thuốc trừ sâu trong suốt vụ lúa hoặc có sử dụng nhưng đã giảm số lần phun một vụ. Qua 3 vụ triển khai thực hiện, chi phí sản xuất đã giảm từ khoảng 382 – 505 đồng/kg, lợi nhuận tăng trung bình từ 2,3 – 4,1 triệu đồng/vụ/ha (tùy theo vụ lúa).

Không chỉ tại Cần Thơ một số tỉnh như An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau bà con nông dân cũng tâm đắc với mô hình ruộng lúa bờ hoa bởi nó dễ thực hiện, tạo môi trường trong lành, khi thăm đồng ruộng thấy phấn khởi trước những màu sắc rực rỡ của nhiều loại hoa. Quan trọng hơn ruộng lại ít bị sâu hại do có khả năng dẫn dụ nhiều thiên địch.

Mô hình mang lại cảnh quan đẹp

Một số nơi, thay vì trồng các loại hoa thông thường như hướng dương, sao nhái, hoa cúc mặt trời, hoa cẩm tú, xuyến chi, hoa quỳ… bà con tiến hành trồng đậu bắp, đậu xanh, mè vừa giúp quản lý có hiệu quả dịch bệnh, vừa mang lại giá trị kinh tế, nâng cao thu thập.

Th.S Lê Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam cho biết: “Mô hình trồng hoa trên bờ ruộng chính là việc tạo một hệ sinh thái phong phú, dẫn dụ được nhiều loại thiên địch trừ sâu bệnh, đồng thời tạo cảnh quan đẹp nơi đồng ruộng. Đây cũng là cách giúp nông dân giảm số lần phun xịt thuốc trừ sâu, từ đó giảm chi phí và tăng năng suất…”.

Tuy nhiên để áp dụng hiệu quả mô hình này, Th.S Lê Quốc Cường cũng lưu ý bà con cần thiết kế thửa ruộng có bờ cao, đủ lớn để trồng hoa, nhân giống hoa trước khi sạ lúa, chọn hoa dễ trồng, ra hoa quanh năm và nhiều hoa, nhiều màu sắc vì các loài hoa này thu hút thiên địch, từ đó góp phần làm giảm mật số rầy nâu và sâu cuốn lá từ 3 – 4 lần trong giai đoạn lúa đẻ nhánh, trỗ đòng và lúa chín.

Thời gian tới, các tỉnh ĐBSCL tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng mô hình công nghệ sinh thái trên đồng ruộng để giúp bà con nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, bảo vệ sức khỏe và môi trường, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Quy trình nuôi ghép tu hài, ốc hương và rong câu

Việc nuôi ghép các đối tượng này trong ao đầm nước mặn vừa đa dạng hóa đối tượng nuôi vừa hạn chế rủi ro dịch bệnh và nâng cao thu nhập cho người dân. Quy trình này đang được nhân rộng tại các vùng ven biển miền Trung.

Chuẩn bị ao nuôi

Khu vực nuôi là ao, đầm nguồn nước có độ mặn từ 25‰ trở lên trong suốt thời gian nuôi (8 tháng). Diện tích tối thiểu từ 3.000 m2 trở lên, trong đó, diện tích nuôi tu hài và rong câu ở giữa phải chiếm 30 – 50% tổng diện tích ao nuôi. Ao có bờ bao chắc chắn và cống cấp, thoát nước đảm bảo gần nguồn nước để thuận tiện thay nước. Chất lượng nước có pH 7,5 – 8, đáy cát bùn (cát nhiều hơn bùn, không nhiễm phèn và ít mùn bã hữu cơ).

Tháo cạn nước ao, đầm dọn sạch các loại rong, rêu, san hô, cây cỏ… tu sửa bờ ao, cống, nếu bùn đáy dày thì có thể nạo vét bớt, san bằng đáy, tạo dốc về phía cống thoát.

Dùng vôi nông nghiệp (CaO) rải xuống đáy ao, liều lượng 500 – 700  kg/ha để vệ sinh, sát trùng đáy ao. Nếu đáy ao không bằng phẳng cần rải vôi tập trung ở những vùng trũng, nhiều bùn. Xung quanh bờ ao phải vây lưới cước quanh bờ, sát mép nước (cỡ mắt lưới a = 0,3 cm) để ngăn không cho ốc bò lên bờ.

Khu vực nuôi tu hài và rong câu ở giữa ao được vây chắn lưới xung quanh với diện tích 1.000 – 2.000 m2 (dài 40 – 50 m và rộng 25 – 40 m). Đào rãnh sâu 15 – 20 cm, rộng 20 cm, cắm cọc đỡ lưới (đường kính cọc 5 – 7 cm, cao 1 m, khoảng cách 2 m/cọc), sau đó, đưa lưới xuống rãnh phủ đất và lèn chặt chân.

Cấp nước sạch cho ao vào kỳ triều cường, nước được lọc qua hệ thống đăng lưới chắn để ngăn rác, cá tạp và các loại địch hại khác vào ao. Duy trì mực nước 0,8 – 1,2 m trong ao và lắp quạt khí để đảo nước và tăng cường ôxy hòa tan trong ao khi ốc lớn, mật độ nuôi cao (2 dàn quạt/3.000 m2).

Nuôi ghép Tu hài, Ốc hương và Rong câu cho hiệu quả cao

Thả giống và chăm sóc

Thả giống

Giống ốc hương: được mua về cỡ 15 – 20 mm (4.000 – 6.000 con/kg), vận chuyển bằng bao nilon bơm ôxy, đóng kín vào thùng xốp, giữ nhiệt độ 24 – 250C hoặc đóng khô, giữ nhiệt độ 24 – 250C trong suốt quá trình vận chuyển. Ốc khoẻ mạnh, màu sắc tươi sáng, bò lên nhanh khi cho ăn và vùi toàn bộ xuống cát khi ăn xong. Không có các biểu hiện nhiễm bệnh như trắng vỏ, gãy đỉnh vỏ, sưng vòi…

Giống tu hài: có thể mua từ trại giống sản xuất nhân tạo hoặc giống thu gom từ tự nhiên, giống thường có kích cỡ 1.500 – 3.000 con/kg, giống phải khỏe mạnh không bị sứt sát, màu sắc tươi sáng và vòi không bị sưng. Mật độ thả 7 – 8 con/m2 ghép với trồng rong câu (0,5 kg/m2). Rong và tu hài được trồng và nuôi trong đăng chắn ở giữa ao.

Ốc hương: nuôi làm 2 giai đoạn: Giai đoạn ương (1 tháng đầu), thả 800 – 1.000 con/m2, nuôi trong đăng chắn với diện tích 200 m2. Nuôi lớn: Sau 1 tháng nuôi, ốc đạt cỡ 700 – 900 con/kg, mở lưới đăng và san thưa ốc trong ao (khu vực nuôi ốc) để nuôi lớn, mật độ 30 – 40 con/m2.

Chăm sóc, quản lý

Thức ăn cho ốc hương bao gồm cá tạp, tôm, tép…; cho ăn 1 – 2 lần/ngày, lượng thức ăn chiếm 10% trọng lượng thân và được điều chỉnh hàng ngày theo sức ăn của ốc. Nên sử dụng thức ăn tươi, không cho ốc ăn thức ăn ôi thiu. Có thể căn cứ vào điều kiện môi trường nước ao nuôi cùng với tốc độ sinh trưởng và mật độ ốc thả mà có thể san thưa để đảm bảo ốc sinh trưởng tốt. Cùng đó, có thể kết hợp tháo cạn nước, vệ sinh ao để san thưa sang ao và đăng nuôi khác nếu môi trường đáy ao có nhiều bùn và rong.

Trong quá trình nuôi thường xuyên quan sát hoạt động ăn mồi của ốc, kiểm tra sự dò rỉ nước ao, kịp thời phát hiện địch hại để diệt trừ. Theo dõi lượng thức ăn thừa hàng ngày để điều chỉnh cho phù hợp. Thay nước định kỳ 3 – 5 ngày/lần, mỗi lần 20 – 30% lượng nước ao. Luôn phải giữ cho môi trường ao nuôi trong sạch, tránh ô nhiễm làm ốc bị nhiễm bệnh. Duy trì mực nước trong ao 0,8 – 1,2 m để ổn định nhiệt độ, hạn chế rong đáy phát triển. Ốc hương thường vùi mình trong bùn và sống chủ yếu dưới tầng đáy, do vậy để tránh ô nhiễm đáy cần vớt hết thức ăn thừa. Vận hành quạt khí liên tục từ tháng thứ 2 trở đi nhằm cung cấp ôxy hòa tan và gom tụ chất thải vào giữa ao làm thức ăn cho tu hài. Cùng đó, nguồn dinh dưỡng sinh ra trong quá trình phân hủy mùn bã hữu cơ, bài tiết của ốc sẽ được rong câu hấp thụ, vừa làm trong nước ao vừa hạn chế được tảo và vi khuẩn gây bệnh phát triển. Trong vụ nuôi, cần hạn chế sự biến động lớn của độ mặn (không quá 5‰), để tu hài, rong câu, ốc hương phát triển tốt cần định kỳ thay nước ao đầm (15 – 20‰) vào kỳ con nước có độ mặn cao để cung cấp thêm nguồn thức ăn cho tu hài và làm trong nước, giúp ốc hương và rong câu phát triển tốt.

Ổn định các yếu tố môi trường trong suốt vụ nuôi như nhiệt độ nước: 27 – 300C; độ trong 30 – 35 cm, pH 7,5 – 8,5, độ kiềm 100 – 120 mg/l kiềm, ôxy hòa tan trên 4 mg/l, độ mặn 25 – 30‰; H2S < 0,01 mg/l; NO2 và NO3 < 0,1 mg/l. Cần kiểm tra chất đáy định kỳ (tháng/lần), nếu chất đáy có mùi hôi thối, chuyển sang màu đen thì tiến hành cào đáy, quạt và thay nước. Ngoài ra có thể bổ sung thêm cát sạch dày khoảng 2 cm.

Thu hoạch

Sau 5 – 6 tháng nuôi, khi ốc hương đạt kích cỡ lớn 25 – 30 con/kg con thì thu hoạch bằng cách dùng bẫy, lồng nhử mồi hoặc vợt để thu tỉa những con to, con nhỏ để lại nuôi tiếp. Sau 8 tháng nuôi trở lên có thể thu hoạch tu hài bán nếu đạt kích thước thương phẩm 30 – 40 con/kg.

Rong câu sau 2 tháng nuôi có thể tiến hành thu tỉa (tháng/lần) và luôn đảm bảo mật độ rong 0,5 – 1 kg/m2.

Nguồn : thuysanvietnam, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Mô hình nuôi tôm sú sạch kết hợp rong nho và hải sâm

Mô hình nuôi tôm sú kết hợp với hải sâm và rong nho do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Ninh Thuận thực hiện thí điểm thành công trên diện tích 2 ha tại xã Phương Hải, huyện Ninh Hải.

Ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông -Khuyến ngư Ninh Thuận, cho biết mật độ thả nuôi tôm sú 20 con/m2; hải sâm 1 con/m2; rong nho 0,05 kg/m2. Mô hình này được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng kháng sinh, chủ yếu dùng chế phẩm vi sinh để bảo vệ môi trường. Theo đó, các hộ tham gia dự án được cán bộ của trung tâm tập huấn kỹ thuật nuôi, cách thiết lập hồ sơ, ghi chép nhật ký để theo dõi quá trình sinh trưởng của tôm, hải sâm và rong nho.


Mô hình nuôi kết hợp tôm sú – hải sâm – rong nho ở tỉnh Ninh Thuận đã thành công bước đầu và chuẩn bị được nhân rộng

Sau gần 9 tháng, kể từ ngày thả nuôi các giống thủy sản nói trên, tỉ lệ sống của tôm và hải sâm đạt trên 70% (cao hơn 15% so với nuôi thuần chủng). Sản lượng thu hoạch tôm trên 3,6 tấn/ha, hải sâm gần 2,6 tấn/ha, rong nho 3 tấn/ha, kích cỡ rong nho thu hoạch 3 kg/bụi rong. Sau khi trừ chi phí, 3 hộ nông dân tham gia lãi hơn 600 triệu đồng, cao trên 30% so với nuôi tôm sú thuần chủng.

Ông Nguyễn Văn Long, một trong 3 hộ nói trên, cho biết lúc mô hình mới triển khai, ông rất bỡ ngỡ nhưng ngay vụ đầu đã thấy hiệu quả vì môi trường nước sạch hơn, tôm và hải sâm không dịch bệnh. Nhờ sản phẩm sạch, các cơ sở thu mua giá cao hơn, từ 3.000 đến 7.000 đồng/kg (tôm, hải sâm, rong nho).

Theo đánh giá của các chuyên viên thủy sản, lợi ích lớn nhất của mô hình này là giảm tối đa lượng thuốc, hóa chất trong quá trình nuôi, đồng thời thức ăn được kiểm soát tốt, không để dư thừa nên môi trường nước rất sạch, không gây bệnh cho vật nuôi.

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đang lập kế hoạch để nhân rộng mô hình nuôi thủy sản này trên địa bàn.

Theo báo Người lao động, tổng hợp bởi Farmtech Vietnam