Điểm sáng sản xuất giống thủy sản

Trạm Thực nghiệm NTTS Cát Tiến (Trung tâm Giống thủy sản Bình Định) đã nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, không chỉ cung ứng cho người NTTS ở Bình Định mà còn chiếm được niềm tin của người nuôi trên cả nước.

Cán bộ Trạm TNNTTS Cát Tiến chăm sóc hàu giống

Mặc dù phải làm việc trong điều kiện cơ sở hạ tầng vô cùng khó khăn, nhưng với lòng đam mê nghề nghiệp, những cán bộ của Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến (huyện Phù Cát, Bình Định) đã lặng lẽ nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, giúp người nuôi nâng cao hiệu quả SX.

Khó khăn không cản được bước tiến

Cách đây gần 10 năm, trong dịp về công tác tại Trạm Thực nghiệm NTTS Cát Tiến (Trung tâm Giống thủy sản Bình Định), tôi đã thật sự thấy choáng với hệ thống cơ sở vật chất quá xập xệ. Bây giờ về lại, đổi thay duy nhất mà tôi nhận ra là cơ sở hạ tầng ấy càng xuống cấp hơn.

Tuy nhiên, trong chừng ấy năm, Trạm đã nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, không chỉ cung ứng cho người NTTS ở Bình Định mà còn chiếm được niềm tin của người nuôi trên cả nước.

“Trạm được thành lập vào năm 2004, cơ sở hạ tầng được tận dụng từ xí nghiệp SX tôm giống để lại, từ đó đến nay chưa được sửa sang gì nên hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Dù vậy, Trạm vẫn được đánh giá là một trong số ít đơn vị hoạt động hiệu quả nhất trên cả nước”, ông Nguyễn Thế Vũ, GĐ Trung tâm Giống thủy sản Bình Định tự hào.

Ba năm sau ngày thành lập, Trạm đã tạo được tiếng vang khi thành công nhân giống cua xanh, một sản vật của đầm Thị Nại đã dần vắng bóng do khai thác quá mức. Từ công nghệ nuôi cua xanh tại Viện Nghiên cứu NTTS III (Khánh Hòa), những cán bộ của trạm đã SX được giống cua này, để trở thành 1 trong 5 đơn vị trong nước SX được giống cua xanh.

Hàu Thái Bình Dương đang được nuôi mạnh tại Bình Định

Ba năm sau, Trạm tiếp tục thành công với giống hàu Thái Bình Dương. Cũng học hỏi kinh nghiệm từ Viện Nghiên cứu NTTS III, bên cạnh thực hiện quy trình kỹ thuật được chuyển giao, các cán bộ của trạm vẫn thể hiện được dấu ấn sáng tạo của mình. Tùy theo thực tế về môi trường, thời tiết, khí hậu, đặc điểm sinh học, những cán bộ của Trạm có những điều chỉnh phù hợp. Quy trình kỹ thuật dần ổn định, mang lại hiệu quả cao. Hiện mỗi tháng trạm SX ít nhất 70.000 hàu giống, lúc cao điểm lên đến 200.000 con.

Ngoài cung cấp cho người nuôi trồng trong tỉnh, con giống cua xanh, cá chẽm, cá bớp, hàu, tôm của trạm còn “xuất ngoại” ra các tỉnh duyên hải miền Trung và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Bây giờ, giống hàu Thái Bình Dương của Trạm có thể cạnh tranh ngang ngửa với con giống của các đơn vị NTTS lớn trong nước.
Bên cạnh cua xanh, cá chẽm, hàu Thái Bình Dương, Trạm còn SX được nhiều giống thủy sản quý, như ốc hương, tôm sú, chình bông, tu hài. Trạm cũng góp phần lưu giữ nhiều loại giống đặc hữu của địa phương, như cá măng Phù Mỹ.

“Điểm tựa” của người nuôi trồng thủy sản

Mấy chục năm gắn với nghề NTTS trên đầm Đề Gi, nằm trên địa bàn xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), ông Thái Văn Triên từng nuôi thử nghiệm đủ con giống trên diện tích 1ha mặt nước, nhưng cuối cùng ông đã “mê tít” giống hàu. Đều đặn mỗi năm ông thả 3 lứa, mỗi lứa 70.000 – 80.000 hàu giống.

“Giống này phát triển tốt lắm, nhanh thu hoạch, giá giống rẻ hơn mua từ nơi khác. Hàu nuôi khoảng 4 tháng rưỡi là đạt 8 – 9 con/kg. Đây là con giống thủy sản phù hợp để phát triển ở vùng này”, ông Triên bộc bạch.

Trạm còn “nuôi mộng” xây dựng mô hình liên kết nuôi hàu theo chuỗi để làm cầu nối tiêu thụ cho người nuôi hàu thương phẩm. Trạm sẽ mua gom hàu thương phẩm của bà con nuôi từ con giống có xuất xứ từ trạm, xử lý bằng nước sạch và tia cực tím để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sau đó cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị để nâng cao giá trị.

Cán bộ Trạm Cát Tiến phải làm việc trong điều kiện cơ sở hạ tầng xập xệ

Theo ông Nguyễn Thế Vũ, hiện cua xanh và cá chẽm cũng được người NTTS trong tỉnh phát triển rất mạnh theo phương pháp quảng canh ở vùng nước lợ và diện tích mặt nước trong vùng hạ và trung triều với khoảng 1.500ha. Tuy nhiên, dù năng lực có thừa, nhưng Trạm Cát Tiến chỉ có thể SX mức độ do điều kiện cơ sở hạ tầng không cho phép. Do đó, con giống thủy sản của Trạm không đủ cung ứng cho người nuôi trồng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thủy sản thời 4.0

Nhờ bắt kịp xu thế và áp dụng những công nghệ thông minh trong thời đại nông nghiệp 4.0 mà ngành nuôi trồng thủy sản đã và đang gặt hái được nhiều thành tựu to lớn. Dưới đây là một số ứng dụng thông minh đang mang lại những hiệu quả thiết thực, mở ra nhiều triển vọng cho ngành thủy sản.

Công nghệ điện hóa – siêu âm

Tác giả của công nghệ này là TS Lê Quang Tiến Dũng và cộng sự thuộc bộ môn Vật lý chất rắn – Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học Huế. Với ưu điểm không phải sử dụng bất cứ hóa chất nào khác trong quá trình nuôi, đây là giải pháp được trao giải Ba Giải thưởng Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2016. Công nghệ đã được ứng dụng thành công ở các tỉnh ĐBSCL như Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau… giúp giải được bài toán lớn về xử lý các chất dư thừa đọng lại dưới đáy ao nuôi. Thiết bị xử lý nước trong hồ tôm dựa trên nguyên lý chuyển hóa mật độ bọt khí của dung dịch điện hóa thành vi bọt khí. Dung dịch vi bọt khí được điều chế bằng phương pháp điện hóa – siêu âm đã tăng hiệu suất diệt khuẩn mà không cần đến bất kỳ một loại hóa chất diệt khuẩn, kháng sinh nào và cũng không cần thay nước trong suốt vụ nuôi. Bằng cách cho nổ tung bọt khí sau điện hóa sử dụng siêu âm công suất, dung dịch vi bọt khí đã đem lại chìa khóa thành công cho nuôi tôm thâm canh vì đã cùng lúc xử lý đạm hóa tan trong suốt vụ nuôi, xử lý khuẩn, xử lý tảo và làm giàu ôxy cho nước ao nuôi. Cụ thể, khi sử dụng dung dịch vi bọt khí được điều chế từ siêu âm – điện hóa kết hợp khảo sát theo nồng độ muối NaCl với điện áp cố định 4V, hiệu suất xử lý khuẩn Vibrio spp. đạt 77,7% nồng độ NaCl 5 g/l. Với nồng độ NaCl 20 g/l, hiệu suất xử lý khuẩn Vibrio spp. đạt 100% với tỷ lệ dung dịch vi bọt khí: khuẩn (1:1). Dung dịch vi bọt khí có khả năng phân hủy xanh methylene và xử lý khuẩn Vibrio spp. tốt hơn so với khi sử dụng dung dịch anolyte được điều chế từ bộ điện hóa.

Công nghệ giúp giảm chi phí rất lớn về xử lý nước trong quá trình nuôi, chỉ tiêu tốn khoảng 700 đồng/m3 so với 2.000 đồng/m3 khi sử dụng các hóa chất để xử lý. Nâng tỷ lệ thành công các vụ nuôi trồng thủy sản rất lớn cho các hộ nuôi so với trước đây. Đến nay, công nghệ đã được Trường ĐH Khoa học Huế kết hợp với Công ty Huetronics tiến hành triển khai chế tạo và thương mại hóa thiết bị xử lý nước sử dụng điện hóa – siêu âm với công suất lớn, cấp nước vào ao hoặc tuần hoàn trong suốt vụ nuôi mà không dùng bất kỳ sản phẩm diệt khuẩn truyền thống nào.

Thiết bị XpertCount2

Thiết bị được sản xuất bởi XpertSea Solutions, một nhà sản xuất hàng đầu các sản phẩm công nghệ tin học phần cứng và phần mềm của ngành thủy sản có trụ sở tại Canada. Hiện, thiết bị đang được phân phối tại Việt Nam bởi Công ty Vinhthinh Biostadt. Đây là một thiết bị di động thông minh dùng để kiểm tra và đánh giá nhanh chất lượng các loài thủy sinh về: số lượng, kích cỡ (chiều dài) và độ phân đàn (CV). Sử dụng công nghệ quang học tiên tiến an toàn cho tất cả sinh vật, XperCount2 giúp người sử dụng đếm hàng nghìn sinh vật, từ các tế bào vi tảo, ấu trùng đến các hậu ấu trùng chỉ trong vài phút. Mọi dữ liệu từ thiết bị XperCount2 đều được tổng hợp vào một báo cáo kiểm soát chất lượng dựa trên công nghệ đám mây dễ sử dụng, có thể được tải về và chia sẻ giữa ban quản lý cơ sở tôm giống và khách hàng. XperCount2 hoạt động như một chiếc máy tính được hỗ trợ thêm bởi 2 camera và bộ cảm biến nên có độ chính xác vượt trội lên đến 95% đối với tất cả ứng dụng cập nhật mỗi 2 tuần. Có khoảng cách kích thước hoàn thiện từ 1 micromet đối với vi tảo cho đến lớn hơn như ấu trùng tôm hay tôm post. Máy vận hành bằng pin, sử dụng liên tục 6 – 8 giờ, gọn nhẹ (khoảng 4 kg), dễ thao tác, sử dụng màn hình cảm ứng và hệ thống wifi nên vừa có tính cơ động cao, nhưng cũng dễ dàng sử dụng trong mọi lúc, mọi nơi. Máy có khả năng báo cáo và phân tích chuyên sâu cho 100% hoạt động truy xuất và mở rộng sản xuất. Kết quả các mẫu kiểm tra sẽ được tự động gửi về cho khách hàng và khách hàng có thể truy cập từ bất kỳ trình duyệt nào để xem dữ liệu.

Hệ thống RAS

Mặc dù đã được nhắc đến nhiều, nhưng không thể phủ nhận rằng hệ thống lọc tuần hoàn (RAS) cho đến nay vẫn được xem là hệ thống nuôi trồng thủy sản thông minh và mang lại hiệu quả đối với người nuôi nhất tại nhiều nước trên thế giới. Với ưu điểm là tiết kiệm nước, tỷ lệ sống cao, năng suất cao gấp nhiều lần nuôi bình thường (trên 100 kg/m3), chất lượng cá nuôi được đảm bảo và không gây ô nhiễm môi trường. RAS bao gồm một dây chuyền các quá trình bổ sung, cho phép lượng nước thải được tái sử dụng cho các bể nuôi. Trong suốt quá trình nuôi, nước sẽ tuần hoàn trong một hệ thống kín và hoàn toàn không thay nước, chỉ một lượng nhỏ nước mới được cấp thêm vào hệ thống để bù đắp cho lượng nước hao hụt do bốc hơi. Sau khi hệ thống được vận hành, kiểm tra thông số môi trường (DO, pH, NH3, NO2…) và nhiệt độ, sau đó có thể thả cá vào bể nuôi. Thông thường cá được thả vào bể phải có mật độ cao (100 – 200 con/m3), hàng tuần định kỳ kiểm tra thông số môi trường để điều chỉnh thích hợp. Hệ thống lọc phải được vận hành liên tục suốt vụ nuôi (3 – 5 tháng), hệ thống sục khí phải được duy trì hằng ngày. Sau khi vận hành hệ thống lọc tuần hoàn 3 ngày trở lên thì thả cá giống vào bể và cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, lượng thức ăn được điều chỉnh theo sức ăn của cá.

Hiện, RAS được cải tiến, áp dụng chủ yếu trong các trại sản xuất tôm giống ở các tỉnh ĐSBCL.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thời của nuôi trồng hiện đại

Thời gian qua, việc áp dụng những hình thức mới vào nuôi trồng thủy sản đã cho kết quả tích cực về năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. Hãy cùng Thủy sản Việt Nam “điểm danh” lại những mô hình này.

Tôm giống chất lượng cao

Nuôi tôm hai giai đoạn

Với quy trình này, trong giai đoạn đầu, tôm được nuôi trong nhà lưới 20 – 30 ngày nhằm tránh tác động của thời tiết và các yếu tố khác từ bên ngoài. Thời điểm này, người nuôi cần kiểm soát chặt chẽ tôm giống, thức ăn, chế phẩm sinh học để ngăn ngừa hội chứng chết sớm (thường xảy ra trong 20 ngày đầu của quá trình nuôi). Tôm giống được thả với mật độ 1.000 – 3.000 con/m2. Khi tôm có trọng lượng 1,5 – 2 g/con sẽ được chuyển sang nuôi giai đoạn 2 ở ao liền kề, mật độ 200 – 300 con/m2, cho đến khi đạt cỡ 40 – 60 con/kg. Tổng thời gian nuôi là 80 – 100 ngày. Quá trình nuôi không sử dụng hóa chất, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học; không phải thay nước hoặc thay rất ít; sử dụng các thiết bị hiện đại như: máy cho ăn tự động, máy sục ôxy đáy, quạt nhím. Quy trình này tái sử dụng chất thải của tôm thành hạt biofloc làm thức ăn cho tôm. Hệ số chuyển đổi thức ăn thấp, thời gian nuôi ngắn nên giảm 10 – 20% chi phí so các mô hình nuôi tôm khác.

Nuôi tôm bằng công nghệ vi sinh

Giai đoạn một, thực hiện cải tạo ao như thông thường. Cấp nước và diệt khuẩn với các sản phẩm không độc cho tôm như Iodine, chỉ diệt khuẩn bằng Chlorine khi cần thiết với những ao nuôi mà vụ trước bị bệnh hoặc ao nuôi nằm trong vùng có dịch bệnh. Đối với những ao nuôi khó gây màu nước có thể sử dụng chế phẩm vi sinh và gia tăng hàm lượng vi sinh có lợi trong ao nuôi. Kiểm tra thành phần vi sinh trong ao khi đạt yêu cầu thì tiến hành thả giống.

Giai đoạn hai, dùng chế phẩm vi sinh xử lý môi trường định kỳ trong suốt vụ nuôi nhằm ổn định một số vi khuẩn có lợi trong ao. Trộn chế phẩm vi sinh vào thức ăn giúp phòng trị các bệnh về đường ruột của tôm.

Giai đoạn ba, sau khi thu hoạch sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại chế phẩm vi sinh với nhiều thương hiệu khác nhau; tuy nhiên, chế phẩm vi sinh được dùng phổ biến nhất và có hiệu quả cao là chế phẩm EM. Cạnh đó, người nuôi có thể tự sản xuất bằng sử dụng 1 gói vi sinh EM gốc kết hợp 5 kg mật đường cùng với 500 ml nước, tiến hành ủ ít nhất 4 – 10 giờ, sau đó có thể sử dụng tạt xuống ao.

Nuôi tôm theo CPF-Combine Program

Nhằm giúp người nuôi tôm vượt qua khó khăn, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã triển khai mô hình CPF-Combine Program bao gồm: CPF-Green House, CPF-Turbo Program và chương trình 3C. CPF-Green House là mô hình nuôi tôm trong nhà ương (25 – 30 ngày), sau đó tôm được đưa ra các ao nuôi thương phẩm nhằm mục đích hạn chế được các dịch bệnh, tăng sức đề kháng cho tôm, giảm chi phí, tăng vụ nuôi. Ao CPF-Green House diện tích từ 500 m2 trở lại. Đây là hệ thống ao nuôi an toàn sinh học có đầy đủ lưới lan, ao có lót bạt, có hố xi phông… và quản lý môi trường ao nuôi bằng chế phẩm sinh học. Ao CPF-Turbo Program diện tích không quá 2.000 m2, thuận lợi cho việc quản lý, đồng thời phải có thêm hệ thống ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng. Còn chương trình ba sạch là: Tôm giống sạch bệnh, nước sạch và đáy ao sạch. Khi thực hiện mô hình CPF-Turbo Program, người nuôi phải làm hệ thống an toàn sinh học; các trang trại phải dành 30% diện tích làm ao xử lý nước, có hệ thống lưới ngăn chim và các động vật khác xâm nhập. Hiện, mô hình này được C.P triển khai rất hiệu quả ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Như theo chị Trần Thị Bàng, hộ nuôi tôm thẻ chân trắng (xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh), áp dụng mô hình này chi phí đầu tư khoảng 2 tỷ đồng/ha, tỷ lệ thành công lên đến 90%, năng suất tôm trên 30 tấn/ha, mỗi năm sản xuất 4 vụ.

Nuôi cá “sông trong ao” (IPA)

Do ông Jess Chappell (Mỹ) sáng tạo là một công nghệ nuôi trồng thủy sản mới cho hiệu quả cao, giảm tiêu hao năng lượng và bảo vệ tốt cho môi trường nuôi, tránh dịch bệnh. Hiện nay, một số tỉnh như Nghệ An, Hưng Yên, Hải Dương… đã áp dụng và cho kết quả tốt, có thể nhân rộng. Hệ thống IPA tạo môi trường sông trong ao, chủ động nguồn nước, nước trong ao không cần thay mà có thể tuần hoàn, tránh lây lan mầm bệnh sang các trang trại khác và ra môi trường xung quanh. Công nghệ IPA đã giải quyết được các khó khăn của người nuôi là giảm tỷ lệ cá chết do ô nhiễm nguồn nước, nâng cao chất lượng thịt; đặc biệt cá được nuôi thả liên tục, thường xuyên chứ không cần phải chờ xử lý ao. Trong mô hình này, cá tập trung ở một phạm vi nhỏ (hệ thống IPA chỉ chiếm 1,5 – 2% diện tích ao) nên giảm đáng kể công lao động (cho ăn và thu hoạch) so với các hệ thống nuôi trong ao khác. Công nghệ IPA có điểm tối ưu là hệ thống máy nén đưa không khí nén qua máng độn dưới đáy ao, sau đó đẩy từ dưới lên mặt nước, giúp tạo ra dòng chảy và đẩy các khí độc khỏi đáy ao.

Công nghệ Na Uy nuôi cá lồng

So với lồng nuôi bằng gỗ truyền thống, hệ thống lồng bè bằng ống nhựa HDPE (công nghệ Na Uy) có nhiều tính năng vượt trội, được xem là mô hình phù hợp với biến đổi khí hậu. Thể tích mỗi lồng nuôi 1.200 – 2.400 m3, kết nối với nhau và với neo giàn, mỗi neo nặng 3 – 4 tấn, chịu được bão gió cấp 12. Hệ thống cho phép nuôi ở những vùng biển xa bờ nơi mà môi trường nước trong sạch, giúp hạn chế nguy cơ ô nhiễm và dịch bệnh; kiểm soát được chất lượng ATTP; tránh xung đột với các lợi ích khác như giao thông vận tải, du lịch ở những vùng vịnh kín sóng gió (Nguyễn Quang Huy, 2016). Ngoài ra, loại lồng này còn chịu được thời tiết khắc nghiệt trên biển, khung lồng bằng ống nhựa có tuổi thọ trên 35 năm, độ an toàn nuôi trên 20 năm.

Việc ứng dụng công nghệ Na Uy cho kết quả khả quan qua mô hình của Viện Nghiên cứu NTTS I thực hiện tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Mô hình có thể sản xuất được 100 – 200 tấn cá/năm (cá chim, cá giò, cá vược…) với năng suất nuôi 8 – 12 kg/m3. Tỷ suất lợi nhuận trên chi phí đầu tư cao hơn so mô hình nuôi nhỏ lẻ.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Liên kết nuôi cá Vược VietGAP, cung ứng ra thị trường khoảng 2.000 tấn/năm

HTX Nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng có 65 hội viên SX tổng diện tích mặt nước 210ha. Bình quân mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường khoảng 2.000 tấn cá vược…

Xuất phát từ các hộ nhỏ lẻ, những người làm nghề nuôi trồng thủy sản, tiên phong là anh Nguyễn Đức Văn tại xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng liên kết với nhau thành lập HTX Nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng nhằm xây dựng thương hiệu cá vược, nhờ đó mang lại hiệu quả cao.

Công nhân HTX Nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng cho cá vược ăn

HTX Nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng có 65 hội viên SX tổng diện tích mặt nước 210ha. Bình quân mỗi năm HTX cung ứng ra thị trường khoảng 2.000 tấn cá vược nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng Nguyễn Đức Văn cho biết, trước việc sản phẩm cá vược tồn đọng nhiều, khó khăn trong tiêu thụ, nhiều hộ băn khoăn có nên tiếp tục phát triển SX hay không? Được sự động viên hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành trên địa bàn Hải Phòng, những hộ nuôi cá vược tại Lập Lễ quyết tâm ngồi lại với nhau để tìm tiếng nói chung.

Anh Nguyễn Đức Văn tâm sự, cái khó nhất khi thành lập HTX là tạo được lòng tin, sự đoàn kết giữa các xã viên với nhau. Do đó, bản thân anh Văn và một số hộ khác tiên phong xây dựng một phương án đầu vào, đầu ra chi tiết, bài bản, trên tinh thần tự nguyên, dân chủ và các bên đều có lợi, sau đó trình bày trước tất cả mọi người. Nhờ đó, từ khi thành lập đến nay không có bất cứ xã viên nào xin tham gia mà mỗi năm HTX lại kết nạp thêm thành viên mới.

Nhờ được ngành nông nghiệp địa phương tạo điều kiện tập huấn, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật, nên kỹ năng trình độ nuôi trồng thủy sản sạch của người dân được nâng lên theo từng năm. Hiện các thành viên HTX đều thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn theo VietGAP, với nguồn thức ăn hoàn toàn bằng cá tươi khai thác từ biển. Việc thu gom cá mồi của HTX có nhiều thuận lợi, kể cả trong những ngày biển động. Cá mồi được bảo quản đúng tiêu chuẩn kỹ thuật là điều kiện để con cá vược phát triển hiệu quả.

“Nguồn thức ăn nuôi cá, nguồn nước sản xuất của HTX thường xuyên được Chi cục Thú y, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NN-PTNT Hải Phòng) kiểm tra, lấy mẫu thường xuyên và có hướng dẫn xử lý kịp thời để bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, phù hợp với tiêu chuẩn VietGAP”, anh Văn cho biết.

Được biết, mục tiêu ban đầu khi thành lập HTX, các xã viên chỉ mong đạt sản lượng trên 10 tấn/ha, nhưng nay bình quân đã đạt 20 tấn/ha. Do đó, kế hoạch của HTX trong thời gian tới đưa sản lượng cá ở Lập Lễ lên 30 tấn/ha. HTX sẽ tích cực mở rộng ngành nghề kinh doanh, liên doanh, liên kết với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm, xây dựng một chuỗi các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, kỹ thuật chế biến cá vược ở một số điểm du lịch của Hải Phòng, nhà hàng Hà Nội, các trung tâm thương mại nhằm quảng bá thương hiệu…

Không chỉ nuôi trồng cá vược an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX còn được biết tới là nơi có “bí kíp” tránh rét cho cá rất độc đáo. Anh Nguyễn Đức Văn chi sẻ, ngoài việc cứng hóa hệ thống dẫn nước, kè gạch bờ bao xung quanh, hướng nạo vét đáy là yếu tố giúp cá vượt qua thời tiết khắc nghiệt của mùa đông.

Khi nạo vét đáy, phần mạn đáy được thiết kế đào sâu hơn về hướng đông bắc. Ở trên bờ, nhà và lều bạt cũng phải xây dựng quay về phía đông bắc nhằm chắn gió. Khi gió mùa tràn về, phía bờ đông bắc sâu hơn, được chắn gió nên nước sẽ ấm. Lúc này đàn cá vược sẽ tự động đổ dồn về hướng này để tránh rét. Ngoài ra, nếu nhiệt độ ngoài trời dưới 15 độ C, người nuôi cá phải cho dừng hoạt động của toàn bộ hệ thống quạt nước để cá không bị ngạt và chết.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi cá Vược thương phẩm trong ao nước ngọt

Lates calcarifer (Block 1790) thường được gọi là cá vược hay cá chẽm, là một loài cá có giá trị kinh tế quan trọng ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc châu Á và Thái Bình Dương.

Cá được nuôi thương phẩm nhiều ở Úc, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Philipin và Hàn Quốc trong các ao nước lợ và ngọt. Do có giá trị thương phẩm khá cao nên cá vược trở thành đối tượng nuôi hấp dẫn cho các cơ sở nuôi thủy sản cả quy mô nhỏ và quy mô lớn.

Năm 2007, phòng NN-PTNT huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình triển khai thực hiện mô hình nuôi cá vược thương phẩm ở 2 ao: Hộ ông Trần Văn Nghĩa diện tích 2.200 m2 và bà Phạm Thị Liên diện tích 2.800 m2, thuộc xã Đông Giang.

1. Chuẩn bị ao nuôi

Cuối tháng 4 các hộ nuôi tiến hành tháo cạn ao, bắt hết cá trong ao. Dọn sạch cỏ bờ ao, lấp hết hang hốc, chỗ rò rỉ, tu sửa lại bờ ao. Vét bùn lỏng dưới đáy ao chỉ để lại lớp bùn đáy khoảng 15-20 cm.

Dùng 500 kg vôi bột rải khắp đáy ao và bờ ao để ổn định pH, tăng hệ đệm của môi trường. Phơi nắng đáy ao trong 3 ngày, lọc mức vào ao đạt 1,2m tiến hành thả ương bột cá mè để làm thức ăn ban đầu cho cá vược giống. Kiểm tra các yếu tố môi trường đảm bảo trước khi thả giống vược.

2. Thả giống

Thời gian thả giống 25/5/2007, cỡ giống cá thả: 6-8 cm, số cá thả trong 2 ao là: 6.000 con, mật độ 1,2 con/m2. Cá giống được lấy từ Cty Giống thủy sản Cầu Nguyệt, Kiến An – Hải Phòng. Cá khỏe mạnh, không mất nhớt, bơi lội nhanh nhẹn, không bị bệnh.

3. Chăm sóc quản lý

a. Thức ăn:

Tháng đầu thức ăn của cá vược là cá mè hương, giống có sẵn trong ao. Tháng tiếp theo luyện cho cá vược ăn cá tạp, cá rô phi băm nhỏ. Trong hai tháng đầu mỗi ngày cho cá ăn 10% trọng lượng thân cá, các tháng tiếp theo cho ăn từ 3-5% trọng lượng thân cá. Cho ăn ngày 2 lần, vào 8 giờ và 16 giờ. Cá vược không ăn thức ăn chìm, vì vậy khi ném thức ăn xuống ao phải từ từ, quan sát thấy hiện tượng cá phân tán lúc đó cá đã no thì ngừng cho ăn.

b. Quản lý môi trường ao nuôi

Mực nước ao luôn duy trì >1,2m. Hai tháng đầu thay nước 1 lần/tháng, khoảng 50% lượng nước trong ao. Ngoài ra, tùy chất lượng nước, có thể tiến hành thay nước nhiều lần/tháng.

Định kỳ 15 ngày khử trùng nước ao 1 lần bằng vôi bột với lượng 1,5-3,0 kg/100 m3 nước ao, hòa loãng té đều khắp ao để đảm bảo tốt môi trường nước nuôi.

c. Theo dõi bệnh cá và biện pháp phòng trị bệnh

Sau 20 ngày thả giống kiểm tra cá phát hiện thấy ở cả hai ao nuôi cá vược đều bị bệnh trùng mỏ neo, tiến hành xử lý dùng vôi bột 2 kg/100 m3 hòa nước tét đều mặt ao, lá xoan bó thành từng bó ngâm xuống ao với lượng 0,3 kg/m3 nước, 4 ngày sau thay nước và kiểm tra lại thấy trùng mỏ neo bám trên cá còn ít, cho tiếp lá xoan xuống ao ngâm lần hai, sau vài hôm kiểm tra lại không còn thấy trùng mỏ neo trên thân cá nữa.

4. Kết quả mô hình

Qua kiểm tra cho thấy: Hộ ông Nghĩa cá có trọng lượng lớn hơn so với hộ bà Liên, sự phân đàn không lớn, trọng lượng đạt từ 600-1.000g: cỡ cá 1.000g chiếm tỷ lệ khoảng 10%, từ 700- <1.000g chiếm 70-80%, còn lại là dưới 700g, hệ số thức ăn 6,5 kg, sản lượng đạt 1.478 kg. Hộ bà Liên trọng lượng cá đạt từ 550- <800g, loại 700- <800g chiếm 70%, trên 800g chiếm 10%, còn lại là cá có trọng lượng từ 550- <700g, hệ số thức ăn 7,0 kg, sản lượng đạt 1.646 kg.

Hiệu quả mô hình: Lãi ròng = tổng thu – tổng chi phí.

Hộ ông Nghĩa: 81.290.000 – 72.637.000 = 8.653.000 đ/2.200 m2.

Hộ bà Liên: 90.530.000 – 84.429.000 = 6.101.000 đ/2.800 m2.

5. Một số kinh nghiệm rút ra từ mô hình

Cá vược là đối tượng rộng muối, sinh trưởng và phát triển được ở ao hồ nội đồng. Quy mô diện tích ao nuôi từ vài trăm m2 đến vài nghìn m2, độ sâu 1,0-1,2m, thuận tiện cấp, tiêu nước và chăm sóc quản lý.

Chọn giống nuôi đảm bảo chất lượng tốt, có nguồn gốc rõ ràng. Cá được thuần dưỡng hạ độ mặn xuống 5‰ trước khi vận chuyển từ cơ sở dịch vụ con giống về ao nuôi.

Mật độ nuôi trong các ao nội đồng từ 1,0-1,5 con/m2.

Thức ăn cho cá vược chủ yếu là các loại cá tạp, có thể ương bột, hương cá mè làm thức ăn cho cá vược ở giai đoạn cá còn nhỏ để cá bắt mồi chủ động, sau đó cho cá tập ăn quen dần với thức ăn tôm, cá tạp đã chết. Do thức ăn sử dụng chủ yếu là cá tạp nên môi trường ao nuôi dễ bị ô nhiễm, vì vậy trong quá trình nuôi cần được thay nước kết hợp với việc bón vôi định kỳ 15 ngày/lần, liều lượngt ừ 1,5-3,0 kg/100 m3.

Cá vược dễ nhiễm bệnh trùng mỏ neo do đó sau khi thả cá giống xuống ao khoảng 15-20 ngày tiến hành kiểm tra. Nếu có trùng thì dùng lá xoan ngâm xuống ao với liều lượng từ 0,3-0,4 kg/m3.

Chi phí đầu tư cho cá vược lớn hơn so với các đối tượng nuôi truyền thống khác vì vậy những hộ nông dân khi phát triển nuôi cần có vốn và đảm bảo ao nuôi đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi cá Chẽm công nghiệp tại Sóc Trăng

Với thu nhập bình quân 6 – 8 triệu đồng mỗi tháng, nghề nuôi cá chẽm giúp những công nhân làm việc tại trang trại nuôi cá ở Sóc Trăng có thu nhập ổn định.

Mô hình nuôi cá chẽm tại Sóc Trăng từ lâu đã trở thành một trong những điểm mạnh đối với ngành thủy sản của tỉnh nói riêng và nước ta nói chung. Từ vùng ao và kênh rạch bỏ trống, người dân nơi đây đã cải tạo thành các khu ao nuôi cá chẽm, đảm bảo nguồn cung ứng cho người tiêu dùng.

Cá chẽm là một trong những thực phẩm có giá thành cao do thịt trắng thơm và chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, lượng cá chẽm trong tự nhiên sau nhiều lần khai thác không còn đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nắm bắt được điều này, nhiều hộ gia đình tại Sóc Trăng đã lấy cá tự nhiên mang về nhân giống và thực hiện quy trình nuôi công nghiệp nhằm tạo nguồn cung ổn định.

Thời gian đầu, khi áp dụng nuôi cá chẽm, các hộ chủ yếu để cá phát triển giống như ngoài tự nhiên bằng việc cung cấp thức ăn tươi sống. Do đó, khó khăn gặp phải là người dân khó tìm được nguồn thức ăn ưa thích thường xuyên cho cá. Không những vậy, đặc tính của giống này là cá lớn ăn cá bé nên những con phát triển sẽ ăn những con nhỏ hơn. Điều này khiến nhiều hộ rơi vào tình trạng khó khăn, lợi nhuận khi thu hoạch thấp hơn nhiều so với số tiền bỏ ra mua giống.

Ao nuôi cá chẽm tại Sóc Trăng.

Trước tình hình đó, trang trại nuôi trồng thủy sản Ngọc Hường, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã tìm cách tạo nguồn cá giống, nguồn cung cấp thức ăn ổn định và quy trình nuôi nhốt nhằm đảm bảo sản lượng thu hoạch.

Theo anh Dũng, chủ trang trại Ngọc Hường, do đặc tính tự nhiên của cá chẽm là ăn thịt tươi nên không thể nuôi chung với các loại cá khác. Bên cạnh đó, loại cá này còn có xu hướng ăn thịt lẫn nhau nên giai đoạn thuần dưỡng con giống khi mới nuôi gặp nhiều khó khăn.

Cá chẽm sau khi thu hoạch được vận chuyển tới địa điểm tiêu thụ. 

Tuy nhiên, tận dụng tiềm năng và lợi thế của địa phương, những năm qua, trang trại Ngọc Hường đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá chẽm công nghiệp với quy trình khép kín, quản lý chặt chẽ từ khâu lựa chọn con giống, kỹ thuật nuôi tới xây dựng ao hồ, hoàn thiện hệ thống sục khí hiện đại. Toàn bộ quy trình này được giám sát bởi Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sóc Trăng. Trang trại hiện có khoảng 12 ha nuôi cá chẽm công nghiệp, tạo việc làm ổn định cho 30 nhân công địa phương.

Anh Dũng cho biết, 30 nhân công làm việc tại trang trại có mức thu nhập ổn định 6 – 8 triệu đồng mỗi tháng. Bên cạnh đó, trang trại còn hỗ trợ ăn trưa, các sinh hoạt cơ bản cho những người cần phải ở lại trại nuôi trong thời gian dài. Nếu tiết kiệm, họ có thể để ra được một khoản tiền không nhỏ.

Hiện, Sóc Trăng có nhiều trang trại áp dụng mô hình nuôi cá chẽm công nghiệp nhằm đảm bảo nguồn cung ứng cho các công ty chế biến hải sản nội địa và quốc tế. Trong đó, một số trang trại hình thành xu hướng mở rộng và phát triển để trở thành nhà cung cấp trực tiếp trên thị trường.

Nguồn: Vnexpress được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tốc độ sinh trưởng của Cá Bơn được cải thiện nhờ quá trình sinh sản chọn lọc

Nhà nghiên cứu Robbert Blonk đã tìm ra cách cải thiện đáng kể tốc độ sinh trưởng của loài cá bơn biển bắc.

Điều này khiến việc nuôi cá bơn thu được nhiều lợi nhuận. Tám năm trước đây, loài cá bơn gần như biến mất khỏi khu vực Biển Bắc.Đây là loài cá rất khó nuôi và việc thụ tinh nhân tạo không mang lại hiệu quả.

Người ta phải cho cá sinh sản trong môi trường tự nhiên với cá bố cá mẹ bắt tại biển. Phương pháp này mất trung bình 2 năm để một con cá bơn có thể đạt trọng lượng là 200 g. Đây là một khoảng thời gian quá dài và tốn nhiều chi phí.

Nhà nghiên cứu Robbert Blonk mong muốn đẩy nhanh tốc độ sinh trưởng này bằng việc lựa chọn các con cá bơn sinh sản nhanh.

Bản phân tích DNA cho thấy hơn một nửa số cá bơn con chỉ do 6 cặp cá bố mẹ sinh ra. Blonk đã tiến hành lựa chọn các con cá bố mẹ có tốc độ tăng trưởng khá. Trong hai năm, các con cá bố mẹ này đã sản sinh ra các con cá bơn có trọng lượng trung bình lớn hơn 20% so với các con khác. Tức là, phương pháp này của Blonk giúp các con cá bơn đạt được mức trọng lượng yêu cầu chỉ trong 1,5 năm thay vì 2 năm. Loài cá bơn có khả năng sinh sản khi được 4 năm tuổi.

Nghiên cứu của Blonk được tài trợ bởi Tổ chức Nghiên cứu NWO của Hà Lan.

Nguồn: Physorg được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi Cá Bơn công nghệ cao hướng làm giàu trên vùng đất cát ven biển Hà Tĩnh

Dồn sức kịp tiến độ

Dự án nuôi cá mú, cá bơn chính thức được khởi động sau khi UBND tỉnh ra Thông báo số 384, ngày 29/9/2014 về “Chiến lược phát triển mô hình nuôi cá trên cát có giá trị kinh tế cao”. Kể từ đó, Sở NN&PTNT, với vai trò chủ công, đã phối hợp với đối tác là Công ty Fineton (Hồng Kông) khảo sát thiết kế dự án và cùng chính quyền các địa phương lựa chọn nhà đầu tư.

HTX Nuôi trồng thủy sản và kinh doanh thương mại Việt Hải tranh thủ làm ngày làm đêm để hoàn thành ao nuôi cá mú kịp ngày thả giống cuối tháng 2 năm 2015.

3 vùng đất cát ven biển: Xuân Liên (Nghi Xuân); Thạch Trị, Thạch Lạc (Thạch Hà); Cẩm Dương (Cẩm Xuyên) với diện tích gần 20 ha được chọn làm các mô hình thí điểm. Đồng thời, các nhà đầu tư có kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản cũng như nguồn lực kinh tế dồi dào được “chọn mặt gửi vàng”, giao trách nhiệm thực hiện dự án, gồm: Công ty Hoàng Dương, Công ty TNHH Như Nam, HTX Nuôi trồng thủy sản và Kinh doanh tổng hợp Việt Hải.

Mục tiêu ấn định cho ngày thả giống cá mú chậm nhất là cuối tháng 2/2015. Bởi vậy, “sức ép” tiến độ có tác động lớn đến các ngành chức năng, chính quyền địa phương và cả nhà đầu tư. Theo ông Nguyễn Công Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh: Nếu cuối tháng 2 không thả giống sẽ mất cơ hội và dự án sẽ bị chậm lại đến năm 2016. Do vậy, quá trình từ thiết kế, thẩm định đến xem xét lựa chọn vùng đất và nhà đầu tư đều được các ngành linh hoạt lồng ghép nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Bắt tay vào cuộc “chạy đua”, các huyện, xã cũng gặp không ít khó khăn bởi công tác GPMB liên quan đến hàng chục hộ dân. Đặc biệt là tại Xuân Liên phải lập lại dự án đầu tư vì diện tích nuôi cá bơn, cá mú chồng chéo với phần diện tích đã được UBND tỉnh phê duyệt nuôi tôm trên cát. Tuy nhiên, đến nay, mọi việc đang “thuận buồm xuôi gió”. Công tác GPMB cơ bản hoàn tất, cả 3 nhà đầu tư đang tích cực tiến hành san lấp và xây dựng các trại. Hiện tại, các nhà đầu tư đã chuyển hơn 137.000 USD để mua giống và trong những ngày tới sẽ chuyển đủ 90% tiền giống, tương đương hơn 273.000 USD.

Hứa hẹn hiệu quả cao

Dự án nuôi cá mú, cá bơn trên cát công nghệ cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả khai thác những vùng cát trắng; đồng thời, ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa. Bởi vậy, quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư sẽ nhận được sự hỗ trợ khá lớn từ những cơ chế, chính sách của tỉnh. Hiện tại, 3 nhà đầu tư đều bỏ ra nguồn vốn 5-6 tỷ đồng/mô hình.

Công ty Hoàng Dương đẩy nhanh tiến độ thi công ao nuôi tại Xuân Liên (Nghi Xuân) để nuôi cá mú.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nuôi trồng thủy sản và Kinh doanh tổng hợp Việt Hải – Tôn Đức Việt, đơn vị từng nuôi cá mú hơn 15 năm, tự tin: “Dự án sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao”.

Theo tính toán, kinh phí trọn gói cho mô hình nuôi cá mú hơn 3 tỷ đồng; sau khoảng 3 năm sẽ hoàn vốn. Trong khi đó, chi phí cho mỗi ha nuôi cá bơn hơn 10 tỷ đồng; thời gian hoàn vốn 6 năm. Đặc biệt, đây là những mô hình nuôi hợp tác nên ngoài hỗ trợ của tỉnh, các nhà đầu tư còn được cung cấp giống, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm (lợi nhuận được chia theo tỷ lệ: nhà đầu tư 70%, công ty Fineton 30%). Ông Nguyễn Công Hoàng cho biết: “Nếu so với nuôi tôm, lợi nhuận của 2 loại cá không bằng, tuy nhiên, lợi thế của nuôi cá là ít xảy ra dịch bệnh và rủi ro không lớn”.

Dự án nuôi cá bơn, cá mú công nghệ cao sẽ mở ra hướng làm giàu đối với các địa phương ven biển. Khi các mô hình đi vào hoạt động, sẽ tạo hàng trăm việc làm cho lao động địa phương.

Nguồn: Báo Hà Tĩnh được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nhận biết và phòng trị một số bệnh thường gặp khi ương nuôi Cá Bơn Vỉ

Cá bơn vỉ có thân cá to, thịt thơm ngon, hàm lượng đạm cao. Cá có tốc độ sinh trưởng nhanh, sức sinh sản mạnh.

1. Bệnh nấm

Bệnh thường phát sinh khi cá được 25 ngày tuổi, chiều dài cơ thể 9mm.

Cá nhiễm bệnh da bị phồng rộp lên dẫn đến các tế bào biểu bì của cá bị hoại tử.

– Dấu hiệu bệnh lý: cá xuất hiện các đốm trắng thường ở phía trước vây lưng, đó là các quần thể nấm có kích cỡ thường 1×100 µm, vi khuẩn nấm hình sợi.

– Phòng bệnh: Trước và trong quá trình ương nuôi, công trình nuôi, dụng cụ phải vệ sinh, nguồn nước ương nuôi cá phải sạch.

Đây là phương pháp tốt nhất để ngừa bệnh.

– Trị bệnh: phun hoá chất pronopol xuống bể ương nuôi với nồng độ 3-5 ppm.

2. Bệnh truyền nhiễm về đường ruột

Bệnh thường phát sinh ở cá được 30 ngày tuổi, giai đoạn cá chuyển xuống sống đáy.

Nuôi trong điều kiện nhiệt độ nước 18-200C thì tỷ lệ cá mắc bệnh giảm.

Khi cá nhiễm bệnh sẽ chết rất nhanh, thường 3-5 ngày cá có thể chết.

Tác nhân gây bệnh này là do vi khuẩn vibrio sp.

– Dấu hiệu bệnh lý: cá nhiễm bệnh thường bỏ ăn, bụng trướng to, đường tiêu hóa thức ăn không tiêu, cá hoạt động kém, bơi chậm chạp, màu sắc cá biến sang màu xám đen, ống tiêu hóa co rút và khi cá chết giải phẫu phát hiện ống tiêu hóa có rất nhiều khuẩn hình que.

– Biện pháp phòng bệnh: Nguồn gây bệnh thường do nguồn thức ăn là luân trùng và artemia.

Do đó, nuôi luân trùng và ương artemia nên sử dụng tiểu cầu tảo (Chorella sp), không nên nuôi trong điều kiện nhiệt độ quá cao và mật độ ương dày.

Môi trường nước ương phải sạch, không ô nhiễm.

Đây là cách phòng ngừa bệnh có hiệu quả.

– Trị bệnh: Trộn vào thức ăn cá thuốc kháng sinh oxytetracyline với nồng độ 1-2 g/1kg cá/ngày.

Cho ăn liên tục 3-5 ngày, kết hợp bổ sung B.complex và vitamin C.

3. Bệnh do vi khuẩn vibrio anguillarium

Bệnh này thường xuất hiện chủ yếu ở giai đoạn cá giống, tỷ lệ chết có thể lên tới 50%, thường gặp ở cá có chiều dài thân 5-20 cm.

Bệnh thường phát sinh quanh năm, đặc biệt phát sinh cao ở thời kỳ từ tháng 4-7.

Tác nhân gây bệnh này là do vi khuẩn vibrio anguillariu.

– Dấu hiệu bệnh lý: màu sắc cơ thể chuyển sang màu xám đen, vảy bị bong ra, vây bị hoại tử phần tia vây ngoài, vây bị xuất huyết thối rữa.

– Biện pháp phòng bệnh: Vi khuẩn vibrio anguillariu tồn tại ở trong nước biển, do vậy muốn phòng bệnh này nguồn nước phải đảm bảo sạch, phải thường xuyên sát trùng đáy bể ương nuôi.

Dung thuốc phun trực tiếp vào bể nuôi để nước bể có nồng độ thuốc formaline nồng độ 10-15ppm.

– Trị bệnh: dùng một trong các loại thuốc kháng sinh (oxytetracyline, rifammycine…) trộn với thức ăn cho cá ăn trong 7 ngày liên tục với lượng như sau: ngày đầu tiên từ 100mg thuốc/kg cá /ngày, từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 lượng thuốc mỗi ngày bằng một nửa ngày đầu.

Kết hợp bổ sung B.complex và vitamin C.

4. Bệnh do vi khuẩn (liên cầu khuẩn)

Bệnh phát sinh từ tháng 4 đến tháng 12, tập trung vào thời điểm nhiệt độ nước khoảng 250C (nhất là tháng 7-10), cá nuôi mật độ cao, tỷ lệ nước thay ít.

Cá bị bệnh có tỷ lệ chết hàng ngày 0,1-2%, có lúc đạt 10%.

Khi nhiệt độ hạ thấp, bệnh hạn chế phát sinh.

Tác nhân gây bệnh do liên cầu khuẩn Streptoccous sp

– Dấu hiệu bệnh lý: màu sắc cơ thể chuyển sang màu xám đen, nhãn cầu trắng đục, xuất huyết, bộ phận đầu và hàm trên hàm dưới cá màu đỏ.

Mang cá có màu đỏ do xuất huyết hoặc tái xám do chuyển sang giai đoạn hoại tử.

Khi giải phẫu nội tạng thấy ruột có màu đỏ.

– Biện pháp phòng bệnh: Bệnh thường xuất hiện khi nhiệt độ nước lên cao, thức ăn chất lượng kém.

Do đó, khi phát hiện cá bị bệnh phải tách cá bệnh ra riêng.

Cho cá ăn thức ăn tươi sống, chất lượng tốt, ngừng cho ăn hoặc cho ăn ít hơn khi phát hiện cá nhiễm bệnh.

Tăng chất dinh dưỡng cho cá, giảm mật độ ương nuôi, tăng cường thay nước, hạn chế thức ăn dư thừa.

– Trị bệnh: trộn vào thức ăn và thuốc kháng sinh Tetracyline hoặc Erythromycine với nồng độ 50mg/1 kg cá/ngày.

Cho ăn liên tục 3-5 ngày, kết hợp bổ sung B.complex và vitamin C.

5. Bênh do ký sinh trùng Benedenia epinepheli:

Gây ra do ký sinh trùng Benedenia epinepheli ký sinh ở phần vây và da cá.

– Dấu hiệu bệnh cá: ký sinh trùng có kích thước nhỏ, màu sắc trong suốt nên khó nhìn thấy bằng mắt thường.

Khi ký sinh trùng ký sinh tập trung với số lượng nhiều mới nhìn thất hiện tượng cá xuất hiện cá đốm loét nhỏ trên vây và da.

– Phòng bệnh: nuôi cá ở mật độ vừa phải, tăng cường thay nước, tăng cường vệ sinh ở đáy bể khi ương nuôi cá.

Bảo đảm điều kiện nuôi sạch, tránh ô nhiễm.

– Trị bệnh: tắm cho cá bằng nước ngọt, sau 24 giờ tắm lặp lại lần 2.

6. Bệnh do ký sinh trùng Endamoeba ở mang cá

Bệnh thường xuất hiện từ tháng 2 đến tháng 3, khi nhiệt độ nước 13-140C, cá ở giai đoạn từ 5-14g/con.

Tỷ lệ chết hàng ngày khi cá nhiễm bệnh từ 0,05-0,2%.

– Dấu hiệu bệnh lý: cá bị nhiễm bệnh hoạt động chậm chạp, bắt mồi kém, mang và đầu cá biến màu đỏ.

Ký sinh trùng thường bám vào mang cá.

– Phòng bệnh: nuôi cá ở mật độ vừa phải, tăng cường thay nước, tăng cường vệ sinh ở đáy bể khi ương nuôi cá.

Bảo đảm điều kiện nuôi sạch, tránh ô nhiễm.

– Trị bệnh: tắm cho cá bằng nước ngọt, sau 24 giờ tắm lặp lại lần 2.

Nguồn: Trung Tâm Nghiên Cứu khoa Học Nông Vận, Hội Nông Dân Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cá bơn: Công nghệ sản xuất và thị trường tiêu thụ (Phần 2)

Cá bố mẹ là cá nuôi đã được chọn lọc qua hơn một thập kỉ. Nuôi vỗ cá bố mẹ với mật độ thấp (khoảng 5 kg/m2) trong bể xi măng, cho ăn bằng thức ăn viên công nghiệp dành riêng cho cá bố mẹ. Đảm bảo ánh sáng và nhiệt độ tối ưu cho cá bố mẹ có vai trò quan trọng để trứng cá đạt năng suất và chất lượng cao và năng suất quanh năm.

Cá bơn nuôi trong hệ thống tái lưu thông nước (RAS)

Công nghệ nuôi

Sản xuất giống

Cá bố mẹ là cá nuôi đã được chọn lọc qua hơn một thập kỉ. Nuôi vỗ cá bố mẹ với mật độ thấp (khoảng 5 kg/m2) trong bể xi măng, cho ăn bằng thức ăn viên công nghiệp dành riêng cho cá bố mẹ. Đảm bảo ánh sáng và nhiệt độ tối ưu cho cá bố mẹ có vai trò quan trọng để trứng cá đạt năng suất và chất lượng cao và năng suất quanh năm.

Cá bơn không đẻ trứng trong điều kiện nuôi, do vậy, phải thụ tinh nhân tạo. Cá cái sản xuất 1-10 triệu trứng/mùa, phụ thuộc vào kích cỡ.

Ấu trùng mới nở (sau 6-7 ngày thụ tinh) dài khoảng 3mm, được ương nuôi thâm canh ở mật độ khoảng 20 triệu ấu trùng/lít nước, tần suất thay nước khá thấp. Khi ấu trùng lớn hơn, tần suất thay nước sẽ tăng lên. Khoảng 3 ngày sau khi nở, ấu trùng bắt đầu giai đoạn ăn thức ăn ngoài. Ban đầu cho ăn luân trùng Brachionus plicatilis trong khoảng 10 ngày, sau đó chuyển sang ăn ấu trùng Artemia. Sau 40-50 ngày, quá trình biến thái kết thúc, khi đó ấu trùng dài khoảng 25 mm. Trong 2 tháng tiếp theo, con giống được ương trong bể nhỏ, cho ăn thức ăn viên khô cho đến khi cá đạt trọng lượng 5-10 g. Trong số ấu trùng còn sống, có khoảng 10-25% biến thái, và 90% số không biến thái còn lại được chọn để nuôi tiếp. Tất cả con giống đều được tiêm vắcxin phòng các bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, đôi khi vẫn có những loại bệnh hoặc ký sinh trùng “mới” xâm nhập vào con giống; nếu không bị phát hiện, chúng sẽ gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho các công ty nuôi cá bơn như tình hình ở Galicia trong giai đoạn 2006-2007.

Nuôi thương phẩm

Con giống cỡ 5-10 g được thả nuôi trong phòng ương đến cỡ 200-400 g sẽ chuyển sang bể nuôi cố định, diện tích mặt nước từ 60-120 m2 và độ sâu 0,5-1,0 m. Mật độ thả ban đầu là 20 kg/m2 sẽ tăng lên 50-70 kg/m2 khi cá đạt cỡ thu hoạch.

Các bể nuôi luôn được tự làm sạch nhờ thiết kế của bể bảo đảm lưu thông nước. Hàm lượng ôxy bão hòa ở nước thoát duy trì ở mức trên 60%, cong ở nước cấp là 120-150%, nhờ đó giảm được một nửa công đoạn bơm nước

Cho cá ăn thức ăn viên tổng hợp bằng máy cho ăn hoặc bằng phương pháp thủ công (đối với các trại nuôi nhỏ). Phân loại kích cỡ cá 2-4 lần trong khoảng thời gian 1-1,5 năm tiếp theo. Do có tốc độ tăng trưởng chậm hơn, trọng lượng thu hoạch của con đực chỉ đạt dưới 1kg, còn con cái dao động từ 1-2 kg, một số trên 2 kg. Thời gian thu hoạch là 2 năm từ lúc thả con giống 5-10 g.

Ở các trại nuôi lớn, cá bơn được nuôi trong bể ngoài trời với hệ thống dẫn nước liên tục từ biển. Chỉ một lượng nhỏ cá bơn châu Âu sản xuất trong hệ thống nuôi tái lưu thông nước (RAS). Phần lớn các trại được xây dựng tại các vị trí có nhiệt độ nước biển từ 10-20oC quanh năm, và hầu như luôn duy trì nhiệt độ quanh giá trị tối ưu (khoảng 15oC).

Các khu nuôi công nghiệp

Phần lớn các hoạt động nuôi thủy sản trên đất liền hiện nay đều đòi hỏi diện tích đất lớn. Để giảm diện tích, người nuôi cần áp dụng các công nghệ mới như hệ thống ống dẫn nước nông. Với hệ thống này, cá nuôi trong kênh với các ống dẫn nước phân loại ở các mức khác nhau (từ 3-6 mức). Đây là công nghệ nuôi thủy sản siêu thâm canh, thích hợp để áp dụng tại các khu nuôi công nghiệp với sản lượng cao gấp 5-10 lần công nghệ nuôi thông thường.

Các khu nuôi công nghiệp là giải pháp mở rộng sản xuất thủy sản đầy triển vọng với tốc độ tăng trưởng nhanh, có thể triển khai ở nhiều khu vực duyên hải và vùng nội địa.

Quá trình phát triển ngành nuôi thủy sản từ các đơn vị quy mô nhỏ thành các khu công nghiệp mang lại rất nhiều lợi ích, do có thể sử dụng cơ sở vật chất đã được xây dựng chắc chắn trên đất liền, từ đó giúp các quốc gia có chi phí sản xuất cao vẫn có thể cạnh tranh ở các mặt hàng thủy sản giá trị cao.

Sản xuất chi phí thấp được tạo ra thông qua các giải pháp tiết kiệm nguồn lực dựa trên công nghệ tiên tiến và các phương thức sản xuất tuân thủ các quy định về truy xuất nguồn gốc, an sinh động vật, môi trường và các tiêu chuẩn bền vững khác. Các khu công nghiệp có sự phối hợp giữa các hoạt động sản xuất và dịch vụ quan trọng, có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn này dễ dàng hơn rất nhiều so với các cơ sở sản xuất đơn lẻ, tách rời.

Sản phẩm cá bơn hun khói lạnh cắt lát

Ví dụ, để sản xuất 10.000 tấn cá bơn bằng công nghệ thông thường sẽ cần hơn 300.000 m2 đất. Đó là thách thức lớn. Tuy nhiên, với công nghệ siêu thâm canh, diện tích xây dựng khu công nghiệp có thể giảm 80%, tức là có thể đạt sản lượng cá trên chỉ với 60.000 m2 đất xây dựng. Nói cách khác, công nghệ mới này có thể giúp tăng năng suất nuôi cá từ 30 lên hơn 150 kg/m2.

Ngoài ra, công nghệ siêu thâm canh cũng được kì vọng là sẽ giúp cắt giảm sử dụng các yếu tố đầu vào như thức ăn, nước, ôxy, năng lượng và sức lao động. Một yếu tố khác nữa là năng suất lao động. Khi áp dụng công nghệ thông thường, năng suất đạt khoảng 20-50 tấn/năm.lao động. Hệ thống ống dẫn nước nông được thiết kế nhằm mục đích nâng cao sản lượng lên 50- 200 tấn/năm.lao động, phụ thuộc vào quy mô trại nuôi.

Các khu quy hoạch

Tại Galicia, chính quyền đã thông qua kế hoạch xây dựng 25 khu nuôi thủy sản công nghiệp trên diện tích 300 ha với năng suất dự kiến hằng năm 22.500 tấn. Đây có thể sẽ là mô hình mẫu cho ngành nuôi thủy sản ở châu Âu và tạo ra hiệu ứng dây chuyền trong ngành sản xuất này.

Theo kế hoạch, các khu nuôi sẽ áp dụng công nghệ nuôi thủy sản thông thường, cũng có thể chuyển sang công nghệ siêu thâm canh nếu vẫn trong giai đoạn quy hoạch. Sự chuyển giao công nghệ này có thể sẽ tạo ra tác động rất lớn với sự gia tăng sản lượng lên mức 200.000 tấn.

Hệ thống ống dẫn nước nông có những lợi ích sau:

• Diện tích đất tối thiểu: Với sinh khối tương đương, hệ thống này chỉ cần sử dụng 20% diện tích đất so với hệ thống thông thường.

• Bảo toàn nước: Hệ thống này dễ kết nối với các nguồn nước và hỗ trợ việc tái sử dụng hoặc tái lưu thông nước. Hệ thống ống dẫn nước nông chỉ cần 30% lượng nước sử dụng trong công nghệ thông thường để duy trì sinh khối tương đương.

• Mật độ cao: Việc sử dụng thức ăn viên công nghiệp nổi và các tấm chắn có thể di chuyển trong hệ thống ống dẫn nước nông giúp duy trì mật độ nuôi thả cao. So với công nghệ thông thường, sinh khối cá ở hệ thống này cao hơn khoảng 30%.

• Linh động chọn loài nuôi: Có thể sử dụng đối với các loài cá nổi và cá đáy-nổi.

• Hiệu quả sử dụng thức ăn: Sử dụng thức ăn viên công nghiệp nổi có thể làm giảm 10% hệ số thức ăn.

• Hiệu quả sản xuất: Hệ thống ống dẫn nước nông có thể thiết kế như các mô-đun “tòa tháp” để phù hợp với mức tăng sinh khối và giảm chi phí ban đầu.

• Sức lao động giảm: Với cùng năng suất, hệ thống ống dẫn nước nông chỉ cần 50-70% lượng lao động sử dụng trong hệ thống thông thường.

Chi phí sản xuất

Trong trường hợp thông thường, với sản lượng hằng năm 133 tấn, chi phí ước tính trung bình 7,54 eur/kg cá bơn. Khi sản lượng tăng lên 400 tấn/năm, chi phí trung bình giảm 33%, xuống còn 5,07 eur/kg. Qua đó, có thể thấy lợi thế kinh tế nhờ quy mô là rất lớn.

Xét về chi phí đầu tư, một trại nuôi cá bơn sản lượng 133 tấn/ năm cần 4,3 triệu eur. Nếu gấp ba lần sản lượng đó lên mức 400 tấn, chi phí đầu tư bổ sung là khoảng 1,8 triệu eur. So với mức tăng sản lượng, chi phí bổ sung này thấp hơn rất nhiều; đó là lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Hơn nữa, với sản lượng cao hơn, lực lượng lao động và đội ngũ quản lý được sử dụng hiệu quả hơn, nhờ đó cũng góp phần giảm chi phí sản xuất.

Điểm đáng chú ý là cá bơn là một loài thủy sản rất được ưa chuộng nhưng đắt tiền. Do đó, triển vọng tăng trưởng loài này phụ thuộc nhiều vào giá bán. Việc áp dụng các công nghệ nuôi mới sẽ giúp sản lượng tăng mạnh, đồng thời làm giảm chi phí sản xuất, từ đó tháo gỡ bài toán giá cá bơn trên thị trường.

Nguồn: Vietfish được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.