Cá Bơn: Công nghệ sản xuất và thị trường tiêu thụ (Phần 1)

Sự phát triển công nghệ nuôi sẽ làm tăng sản lượng và giảm chi phí sản xuất cá bơn trong những năm tới. Giá bán và thị trường tiêu thụ loài thủy sản này, do dó, cũng sẽ thay đổi.

Cá bơn (Scophthalmus maximus) là một loài thủy sản giá trị cao được ưa chuộng ở nhiều phân khúc thị trường, nhất là chuỗi nhà hàng cao cấp. Nguồn lợi tự nhiên của loài này tập trung ở vùng Đông Bắc Đại Tây Dương – từ các bờ biển Châu Âu tới Bắc cực, xuyên suốt khu vực Địa Trung Hải và miền Tây biển Bantích.

Cá bơn sống ở nhiều tầng nước khác nhau, từ tầng nước nông cho tới 100 mét nước sâu, ở đáy biển nhiều cát và bùn. Từ nguồn khai thác và nuôi thương phẩm, cá bơn được cung ứng ra thị trường dưới hai dạng sản phẩm tươi và đông lạnh.

Nghề nuôi cá bơn có lịch sử từ những năm 1970 ở Scốtlen, nhưng chỉ đến đầu những năm 80, sản lượng và số lượng trại nuôi mới bắt đầu mở rộng ở Galicia, Tây Ban Nha. Tiến bộ công nghệ sinh học trong những năm đầu thập niên 90 đã giúp ngành cá bơn ở nhiều nước Châu Âu tăng trưởng ổn định dù tốc độ hơi chậm. Galicia vẫn là khu vực sản xuất cá bơn chính, bên cạnh Pháp, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Đức, Aixơlen, Ailen, Italia, Na Uy và xứ Wales.

Tuy nhiên, vị trí nhà sản xuất cá bơn hàng đầu thế giới có thể sẽ chuyển từ Tây Ban Nha sang Bồ Đào Nha, khi vùng nuôi Pescanova ở phía Bắc Bồ Đào Nha ước tính sản xuất 7.000 tấn cá trong năm 2011. Sản lượng cá bơn ở Châu Âu cũng sẽ tăng từ khoảng 11.000 tấn trong năm 2010 lên 16.500 tấn trong năm 2012. Do đó, thị phần cá bơn nuôi sẽ cao hơn ngành khai thác (6.700 tấn trong năm 2008).

Sản lượng khai thác cá bơn tự nhiên

Hình 1 cho thấy sản lượng khai thác cá bơn của thế giới và Liên minh Châu Âu (EU) trong giai đoạn 1970-2008 với đặc điểm chung là đều tuân theo một chu kì lặp lại. Vào năm 1970, sản lượng cá bơn toàn cầu ước đạt 10.800 tấn và của EU đạt 6.600 tấn. Sản lượng thế giới đạt mức cao nhất là 15.000 tấn vào năm 1979, sau đó giảm xuống mức thấp nhất là 5.500 tấn vào năm 1985. Sau một thập kỉ tăng liên tục, từ giữa những năm 1990, sản lượng khai thác bắt đầu có xu hướng giảm. Năm 2008, sản lượng khai thác cá bơn toàn cầu đạt 6.665 tấn, trong đó 5.740 tấn là từ EU (chiếm 86% sản lượng khai thác toàn cầu).

Ngoài EU, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có sản lượng khai thác cá bơn đáng kể trên thế giới với 528 tấn trong năm 2008. Tuy nhiên, con số này thấp hơn rất nhiều so với mức khai thác vào những năm 1980 và 1990. Một số quốc gia khai thác cá bơn khác bao gồm: Ukraina, Na Uy, Marôc và Liên bang Nga.

Đội tàu khai thác cá bơn chủ lực của Châu Âu tập trung ở các nước Hà Lan, Anh, Đan Mạch, Pháp, Bỉ, Đức, Ailen, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hi Lạp (Hình 2). Từ năm 1970 đến nay, sản lượng khai thác của các quốc gia này luôn chiếm từ 88-97% sản lượng khai thác của khối EU25, trong đó tỉ trọng giảm dần theo thời gian. Nhìn chung, sản lượng khai thác cá bơn của các nước này đều giảm kể từ giữa những năm 1990.

Hà Lan có sản lượng khai thác cá bơn lớn nhất trong khối EU với con số kỷ lục 4.098 tấn vào năm 1979. Tuy nhiên, sản lượng đã giảm xuống còn 3.780 tấn vào năm 1991 và chỉ còn 1.751 tấn vào năm 2008.

Sản lượng khai thác cá bơn dự đoán sẽ tiếp tục giảm; do đó, ngành nuôi cá bơn sẽ đóng vai trò quyết định đối với việc tăng sản lượng loài thủy sản này.

Sản lượng nuôi cá bơn của EU

Nói đến ngành nuôi cá bơn của thế giới thì EU dường như giữ vai trò là nhà sản xuất độc quyền (Hình 3). Sản lượng cá bơn của EU Trong giai đoạn 1985-2007, tổng sản lượng nuôi cá bơn của EU tăng từ mức 53 tấn (1985) lên 8.205 tấn (2007) với tốc độ tăng trưởng hàng năm cao nhất vào khoảng cuối những năm 80-đầu những năm 90. Trong vài năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng dao động ở mức 10-15%/năm. Ngành nuôi cá bơn của EU đạt tốc độ tăng trưởng cao tới mức sản lượng nuôi của nó trong năm 2007 chiếm 50% tổng sản lượng khai thác và nuôi cá bơn của thế giới.

Ngoài EU, Aixơlen là một quốc gia nuôi cá bơn nhỏ (đạt mức sản lượng cao nhất 115 tấn trong năm 2005, giảm xuống còn 100 tấn trong năm 2006-07). Nam Phi cũng có tên trong danh sách các nước sản xuất cá bơn trong vài năm trở lại đây .

Theo Hình 4, khu vực nuôi cá bơn của Châu Âu tập trung ở 5 quốc gia, trong đó Tây Ban Nha giữ vai trò là nhà sản xuất chính (cung cấp 84% sản lượng của EU trong năm 2007). Sản lượng nuôi cá bơn của nước này nhìn chung không ngừng tăng, từ 38 tấn (1985) lên 6.838 tấn (2007), tuy giảm nhẹ vào năm 1997 và 1998.

Sản lượng cá bơn của Pháp cũng tăng từ 15 tấn năm 1985 lên 980 tấn năm 1997 (tuy nhiên, sản lượng gần như chạm đáy trong năm 1996) trước khi chững lại trong giai đoạn sau (1998-2006). Năm 2007, sản lượng nuôi của Pháp đạt 850 tấn, chiếm 12% tổng sản lượng nuôi toàn EU.

Trong khi đó, ngành nuôi cá bơn mới chỉ xuất hiện ở Bồ Đào Nha chưa đầy hai thập kỉ. Với xuất phát điểm 35 tấn vào năm 1994, sản lượng nuôi cá bơn của nước này liên tục tăng lên mức cao nhất là 386 tấn vào năm 2002, trước khi giảm xuống còn 167 tấn vào năm 2007 . Dự đoán, mức sản lượng này sẽ tăng mạnh trong những năm tới nhờ chiến lược tăng cường đầu tư trong thời gian gần đây.

Tại Anh, mặc dù ngành nuôi cá bơn đã hình thành vào năm 1970 ở Scốtlen, nhưng hoạt động nuôi cá bơn thương phẩm chỉ mới phát triển vào khoảng năm 2000 (107 tấn) và đạt sản lượng cao nhất là 233 tấn vào năm 2004, sau đó lại giảm xuống mức 62 tấn vào năm 2007 . Sản lượng nuôi của Hà Lan trong năm 2007 cũng đạt con số tương đương của Anh trong năm này.

Tổng sản lượng nuôi cá bơn của 5 quốc gia này chiếm trên 98,5% sản lượng toàn EU. Gần 1,5% còn lại do các hệ thống sản xuất quy mô nhỏ ở Đan Mạch , Đức và Ailen cung cấp.

Giá trị ngành nuôi cá bơn của EU

Sự tăng trưởng của ngành sản xuất cá bơn EU đã khiến giá trị cá bơn nuôi trong khu vực này tăng từ mức 38.000 EUR (1984) lên 64,3 triệu EUR (2007) (Hình 5).

Tây Ban Nha

Ngành sản xuất cá bơn của Tây Ban Nha tập trung chủ yếu ở khu vực Galicia (sản lượng của Galicia chiếm khoảng 95% sản lượng cả nước). Bảng 1 cung cấp số liệu sản xuất cá bơn của Tây Ban Nha (1999-2010) trong mối tương quan với tổng sản lượng thế giới (2007-2010). Sản lượng nuôi của Tây Ban Nha tăng đáng kể, từ 2.243 tấn (1999) lên 9.400 tấn (2010). Với mức sản lượng này, Tây Ban Nha đóng góp 85,5% tổng sản lượng cá bơn thế giới trong năm 2010.

Acuinova đã xây dựng một trại nuôi cá bơn công suất 7.000 tấn ở Mira, Bồ Đào Nha, với nguồn vốn hỗ trợ từ EU. Theo ước tính, trại này sản xuất 1.500 tấn cá trong năm 2010 và đạt công suất hoạt động tối đa trong năm 2012, khiến tăng sản lượng nuôi cá bơn toàn cầu, và do đó, giảm thị phần nuôi cá bơn của Tây Ban Nha trong năm 2012.

Cán cân thương mại của EU

Các nước trong khối EU25 đã ngừng NK cá bơn kể từ năm 1991 trong khi vẫn tiếp tục XK loài thủy sản này, nhưng với khối lượng không đáng kể. Sản lượng XK giảm từ 879 tấn vào năm 1979 xuống còn 464 tấn vào năm 2006. Theo đó, sự thay đổi trong cán cân thương mại của ngành cá bơn EU25 trong những năm gần đây phụ thuộc hoàn toàn vào XK. Với mức sản xuất giới hạn, trên 95% sản lượng cá bơn (gồm cả nuôi và khai thác) của Châu Âu hiện nay dành cho tiêu dùng nội địa.

*Lưu ý:

1 Báo cáo này không đề cập đến Trung Quốc, mặc dù đây là quốc gia sản xuất trên 50.000 tấn cá bơn.

2 Tây Ban Nha là quốc gia sản xuất cá bơn lớn nhất toàn cầu với công ty Stolt Sea Farm SA là nhà sản xuất cá bơn nuôi dẫn đầu thế giới. Hai trại nuôi của công ty này cung cấp khoảng 1 triệu con giống cá bơn mỗi năm cho các cơ sở nuôi vỗ trong khu vực.

3 Mặc dù nuôi cá bơn, Pháp vẫn phải NK loài thủy sản này với nguồn cung chủ yếu từ Tây Ban Nha. Đây cũng là quốc gia sản xuất cá bơn giống lớn nhất thế giới với thị trường XK chính là Trung Quốc. Sản phẩm cá bơn XK của Pháp bao gồm cả cá sống.

4 Bồ Đào Nha nuôi cá bơn qua hệ thống trên cạn với hầu hết các cơ sở sản xuất được quản lý bởi công ty Stolt Sea Farm SA.

5 Sản lượng do một nhà sản xuất cung cấp.

6 Seafarm BV là công ty nuôi cá bơn duy nhất từ giai đoạn cá bột đến cá trưởng thành (bán ra trên thị trường) thông qua hệ thống nuôi trên cạn. Seafarm BV cung cấp cá bơn sống cho các thị trường Trung Quốc và Nhật Bản.

7 Công nghệ sản xuất cá bơn ở Đan Mạch phát triển mạnh, đặc biệt là sản xuất cá bột – sản phẩm có khối lượng XK lớn.

8 Chỉ có một trại giống và một cơ sở nuôi cá bơn ở Đức.

9 Ailen có một cơ sở nuôi cá bơn thương phẩm ở hạt Galway. Tuy nhiên, trại nuôi này đã bị thanh lý vào đầu năm 2005.

Nguồn: Vietfish được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi thương phẩm cá ngừ mắt to tại Việt Nam

ThS. Bùi Quang Mạnh, Viện nghiên cứu hải sản, vừa hoàn thành đề tài “Nghiên cứu nuôi thương phẩm cá ngừ vây vàng (Thunnus albacares) và cá ngừ mắt to (Thunnus obesus) tại Việt Nam”. Sau hơn 2 năm triển khai, đề tài đã hoàn thiện được kỹ thuật dồn cá ngừ giống từ lưới vây sang lồng lưu giữ và vận chuyển cá giống.

Kết quả đã thả giống được 485 con cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to vào 2 lồng, xây dựng được quy trình nuôi thương phẩm cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to phù hợp với điều kiện tại Việt Nam. Quy mô 2 lồng đạt sản lượng 7.092 kg, tỷ lệ sống cá nuôi đạt 53,2%, cá ngừ có chất lượng cao và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật Bản.

Nuôi cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to lần đầu tiên nghiên cứu tại Việt Nam nên việc lựa chọn vùng nuôi là điều vô cùng quan trọng. Địa điểm đặt lồng nuôi cần phù hợp với đặc tính sinh học của cá ngừ. Trước hết là điều kiện khí hậu phải phù hợp với cá ngừ, sau đó là các chỉ tiêu chất lượng nước và đặc điểm địa hình vùng nuôi.

Thức ăn của cá ngừ là cá nục và cá trích tươi, mỗi ngày cho cá ăn hai lần sáng và chiều. Khung lồng nuôi cá là hình trụ tròn, chu vi 50 m và sâu 10 m.

Nguồn: Khoa học phổ thông được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trại cá giống bè vàng (cá khế vằn) của một người phụ nữ ở Khánh Hòa.

Một người phụ nữ ở Khánh Hòa đã sản xuất thành công giống cá bè vàng (cá khế vằn) giúp giải quyết vấn đề con giống cho người nuôi bởi trong tự nhiên, nguồn giống ngày càng khan hiếm.

Nguồn: Vnexpress được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

‘Bà mụ’ mát tay ép đẻ thành công hàng chục loài cá biển

Gần 20 năm qua, kỹ sư thủy sản Lê Thị Như Phượng đã ép đẻ thành công gần 20 loài cá biển có giá trị kinh tế cao giúp người nuôi trồng thủy sản (NTTS) có nguồn giống phong phú, chất lượng để nuôi thương phẩm.

Kỹ sư thủy sản Lê Thị Như Phượng đã ép đẻ thành công gần 20 loài cá biển có giá trị kinh tế cao

“Phá sản” ngay lần đầu tiên đỡ cá đẻ

Hẹn chúng tôi tại trại nuôi cá giống nằm trên địa bàn huyện Ninh Hòa – Khánh Hòa, bà Lê Thị Như Phượng (SN 1972), phụ trách một công ty sản xuất cá biển giống hàng đầu Việt Nam nhưng vô cùng bình dị. Bà mặc chiếc áo khoác dày, đội mũ rộng vành, chân mang ủng nhựa, tay cầm vợt lưới… tất tả cùng các công nhân sang lựa cá giống giữa cái nắng rát người.

Mở đầu câu chuyện về cơ duyên đến với nghề “bà mụ” cho cá, bà kể, năm 1998, sau khi tốt nghiệp Khoa Nuôi trồng Trường Đại học Thủy sản Nha Trang (nay là Đại học Nha Trang) bà được nhận vào làm kỹ thuật viên một công ty thủy sản có vốn của Đài Loan.

Lúc bấy giờ, ngoài tôm sú, tôm hùm lồng, ốc hương và một số loài nhuyễn thể khác, người NTTS ở Khánh Hòa bắt đầu nuôi thương phẩm thử nghiệm một số loài cá biển như cá mú, cá hồng…

Nhận thấy con giống được đánh bắt từ tự nhiên ngày một khan hiếm trong khi chưa có một cơ sở nào sản xuất cá giống thương phẩm, kỹ sư Phượng đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng sản xuất giống cá biển bằng phương pháp sinh sản nhân tạo với ban giám đốc.

Sự táo bạo của cô gái mới ra trường, non kinh nghiệm và còn là “hàng hiếm” trong ngành nuôi trồng thủy sản (xưa nay rất ít cơ sở nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là sản xuất con giống thường không nhận phụ nữ làm việc) đã thuyết phục ban giám đốc bởi sự quyết đoán và tầm nhìn chiến lược.

Với sự tận tụy và kiến thức nền tốt, kỹ sư Phượng đã lai tạo, nhân giống nhiều loài cá khó như cá mú, cá khế vằn.

Vậy là cô kỹ sư trẻ bắt đầu “săn lùng” cá bố mẹ từ các ngư dân để nuôi vỗ cho cá phát triển.

“Cái khó nhất của nghề làm cá giống là tìm cá bố mẹ và nuôi chúng phát triển thành thục. Trong 100 con cá bố mẹ sau nhiều năm nuôi vỗ may mắn lắm có thể chọn được 40 con nhưng để tìm được 100 con bố mẹ là cả một vấn đề.

Đặc biệt là cá mú, phải hơn 3 – 6 năm nuôi vỗ (tùy kích thước cá bố mẹ) và sử dụng nhiều phương pháp mới có thể “ép” chúng thành con đực hay con cái. Bởi đây là loài không xác định giới tính khi còn nhỏ”, bà Phượng chia sẻ.

Khó nhưng kỹ sư Phương đã chọn cá mú là đối tượng ép đẻ làm cá giống. Sau 4 năm nuôi vỗ, cô nữ kỹ sư và cả công ty mừng vui khi có thể cho cá đẻ lứa đầu tiên. Tuy nhiên, lúc đó cả cá bố mẹ và con giống đều chết sạch.

Một cú sốc cực lớn với kỹ sư Phượng và của cả công ty. Mọi thứ gần như sụp đổ, mọi vốn liếng, tâm huyết và cả thời gian đã dành cho đàn cá đã mất trắng.

Không từ bỏ, nữ kỹ sư vẫn tin sẽ ép cá mú đẻ trong môi trường nuôi nhốt. Đồng thời, bà được sự hậu thuẩn của vị giám đốc lúc bấy giờ là hôn phu nên tiếp tục nghiên cứu công việc dang dở.

“Làm thủy sản là phải lao vào làm, phải sống với thất bại để rút tỉa kinh nghiệm. Thất bại giúp tôi nhận ra những thiếu sót nên sau lứa cá bố mẹ chết ngay lần đầu ép cá đẻ tôi đã thành công”, bà Phượng nói.

Nhiều lần thất bại nhưng bản thân kỹ sư Phượng luôn nghĩ đó là bài học và bà tâm niệm làm thủy sản là phải dấn thân, phải làm để rút tỉa kinh nghiệm. Trong ảnh, các công nhân đang sang lựa cá giống tại trại cá của kỹ sư Phương.

Không từ bỏ

Khi cá con nở, kỹ sư Phượng như quay cuồng không phải vì vui mừng mà xoay sở tìm thức ăn, cân bằng môi trường phù hợp với cá con trong môi trường nuôi nhốt. Lý do là, cá con nhỏ như đầu tâm, miệng nhỏ hơn đầu kim nên tìm mồi nhỏ từng ấy là cả một vấn đề.

Rồi môi trường nước phải được xử lý như thế nào để cá con khỏe mạnh, sinh trưởng tốt và kháng bệnh cao. Tất cả đều mới mẻ với kỹ sư Phượng và buộc bà không ngừng học hỏi, rút kinh nghiệm qua từng ngày.

Hơn 18 năm làm cá giống, bà Phượng đã ép đẻ thành công gần 20 loài, riêng cá mú (loại cực khó trong quá trình lai tạo con giống) bà đã ép đẻ thành công 5 giống khác nhau. Trong có cả việc lai cá mú cọp với cá mú đen để ra con mú trân châu đang thịnh hành trên thị trường.

Hiện thương hiệu Phượng “cá giống” đã trở nên thân thuộc với người NTTS cả nước. Từ 5 loài cá mú đến cá bớp, cá gáy, cá vược… đến cá tai bồ, cá bè, cá khế vằn bà ép đẻ làm giống nuôi thương phẩm đã giúp người NTTS yên tâm làm giàu.

Từ nhiều năm nay, thương hiệu cá giống của kỹ sư Phượng luôn được người NTTS tin dùng.

“Chị Phượng không chỉ bán con giống mà còn đồng hành với người nuôi. Cá có vấn đề về dinh dưỡng, nguồn nước, bệnh tật có thể gọi chị bất cứ lúc nào. Cái nào biết, chị tư vấn ngay.

Trường hợp lần đầu, hay ca khó chị bảo gửi mẫu để chị đưa đi phân tích để tránh, hạn chế rủi ro. Nhờ sự đồng hành của chị Phượng mà người NTTS như tôi rất an tâm”, ông Võ Văn Vinh, một người nuôi cá bớp ở Vạn Ninh nhận định.

Chính sự gần gũi và sẵn sàng hỗ trợ người NTTS đã giúp chị Phượng tạo được lòng tin nơi họ. Và cũng xuất phát từ mối quan hệ đó mà nhiều giống cá chị làm mới là do chính người nuôi trồng yêu cầu.

“Nhiều giống cá có giá trị kinh tế cao như cá gáy, cá bè, cá khế vằn… sau một thời gian bị đánh bắt đã cạn kiệt con giống tự nhiên nên người dân nói mình ép đẻ làm giống vậy là bắt tay mày mò làm.

Nhưng cũng chính sự gần gũi và tin tưởng nên tôi nhờ họ kiếm giúp cá bố mẹ để nuôi vỗ là có ngay. Vì để tìm được vài chục con cá bố mẹ là cả một vấn đề nếu không có sự hỗ trợ của người NTTS”, bà Phượng tâm sự

Với mỗi giống cá mới, bà đều được người NTTS tin tưởng đón nhận và được Sở KHCN, Hội Nông dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và cá giải thưởng về qui trình lai tạo giống mới.

Với đề tài kỹ thuật sản xuất thành công giống nhân tạo cá khế vằn nuôi thương phẩm, kỹ sư Lê Thị Như Phượng vừa được trao giải nhì trong hội thi Sáng tạo Khoa học – Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa lần thứ VII. 

“Không một việc gì là thành công ngay mà không gặp thất bại, nhất là với ngành thủy sản. Phải làm và làm sẽ thấy được mình đúng và sai chỗ nào.

Chính việc lao vào công việc và tự tin bước tiếp đã giúp tôi thành công trong việc ép đẻ thành công nhiều giống cá biển để nuôi thương phẩm”, kỹ sư Lê Thị Như Phượng tâm niệm.

Nguồn: Đời sống & Pháp lý được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cá bớp nuôi lồng bè trên biển Hòn Lăng chết hàng loạt

Khốn đốn

Hòn Lăng là vùng nuôi trồng thủy sản trong lồng bè trên biển lớn nhất ở xã Ninh Ích, với quy mô lên đến khoảng 1.500 lồng, hơn 82 hộ nuôi. Trong đó, các lồng bè chủ yếu nuôi cá chim, cá bớp.

Thời điểm năm ngoái, người nuôi đã từng thiệt hại nặng nề vì cá bớp chết hàng loạt. Vậy mà vụ nuôi năm nay họ tiếp tục nếm “trái đắng”. Cá bớp bắt đầu chết từ ngày 10/7. Lúc đầu cá chết lai rai nên người nuôi không thông báo cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên sau đó càng ngày cá chết càng nhiều, với tỷ lệ hao hụt từ 20 -40% ở tất cả bè nuôi.

Dấu hiệu cá bớp sắp chết mắt lờ đờ, bỏ ăn

Ông Nguyễn Văn Phước, một người nuôi cá ở khu vực này cho biết, dấu hiện lâm sàng trước khi cá chết là biểu hiện bỏ ăn, phần đầu xuất hiện chấm trắng, mang hơi nhạt và tiết nhiều chất nhầy. Mặc dù người nuôi đã tự điều trị cho đàn cá bị bệnh các loại thuốc kháng sinh nhưng không hiệu quả.

“Năm nay gia đình tôi nuôi cá bớp tiếp tục thua lỗ nặng. Tôi thả vụ này khoảng 10.000 con, đến nay cá đã đạt trọng lượng gần 1kg. Vậy mà ngày nào kiểm tra lồng tôi đều thấy cá chết nên xót lắm. Giờ chẳng biết trong lồng còn bao nhiêu con nữa, nhưng ước thiệt hại hơn nửa đàn rồi”, ông Phước than vãn.

Không chỉ gia đình ông Phước mà 23 hộ nuôi ở nơi đây cũng bị thiệt hại. Họ nghi ngờ có thể do hoạt động cào sò xung quanh vùng nuôi khiến nguồn nước bị xáo trộn bùn đất lên gây ô nhiễm nặng.

Chết do vi khuẩn

Sau khi nhận được thông tin cá chết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y Ninh Hòa phối hợp UBND xã tiến hành xuống hiện trường để thu mẫu xác định nguyên nhân.

Theo đó, 3 mẫu cá bớp được gửi xét nghiệm tại Trung tâm Nghiên cứu giống và dịch bệnh thủy sản (ĐH Nha Trang) cho thấy: Một mẫu cá bị nhiễm streptococcus sp và 2 mẫu cá còn lại đều bị nhiễm khuẩn nặng với 2 loại khuẩn streptococcus sp và Vibrio sp.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa, hiện tượng này cũng như thời điểm tháng 7 – 8/2016. Streptococcus sp xâm nhập vào cá bớp nuôi vào thời điểm cá yếu, Vibrio sp. gây bệnh xâm nhập và phát triển bội nhiễm, kết hợp với các yếu tố môi trường vùng nuôi biến đổi không thuận lợi gây hiện tượng cá chết từ rải rác đến hàng loạt.

Cá bớp bị chết hàng loạt

Để hạn chế thiệt hại thấp nhất cho người nuôi, chi cục khuyến cáo người nuôi nếu có thể di chuyển lồng bè đến khu vực môi trường nước không bị ảnh hưởng bởi nguồn gây ô nhiễm. Tiến hành san thưa đàn cá trong lồng còn lại, đồng thời theo dõi sức khỏe đàn… Thu gom xác cá chết đưa vào bờ, không vứt xác cá chết xuống biển.

Đối với đàn cá chưa bị bệnh thì áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Thường xuyên theo dõi cá để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp điều trị kịp thời. Cần tắm cá định kỳ để phòng bệnh. Cụ thể, tắm oxy già với nồng độ 200 – 300 ppm trong thời gian 20 – 30 phút. Tắm nước ngọt từ 10 – 20 phút. Kết hợp tắm nước ngọt pha oxy già với nồng độ 100 – 150 ppm trong thời gian 10 – 15 phút. Thực hiện cứ 10 ngày tắm 1 lần, liên tiếp 3 lần, sau đó khoảng 35 – 45 ngày tắm lại theo quy trình trên.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật nuôi vỗ cá bố mẹ và cho đẻ cá khế vằn

Nuôi vỗ cá bố mẹ

 – Nguồn cá bố mẹ: đánh bắt ngoài tự nhiên hoặc từ đàn nuôi thương phẩm (cá giống từ tự nhiên). Khối lượng: 1 – 2kg/con. Thời gian nuôi vỗ: 11 – 12 tháng, khối lượng đạt 2 – 3 kg/con.

– Điều kiện nuôi: lồng bè trên biển. Mật độ nuôi: 1,5- 3kg/m³  lồng

– Thức ăn: cá (nục, mối, trích…), tôm, mực, vitamin B, C, E. Cho ăn 1 lần/ngày.

– Chăm sóc: định kỳ thay lồng, vệ sinh lưới lồng hoặc kết hợp kiểm tra cá để sang lồng nuôi khác.

Cá khế vằn

Cho đẻ

– Gây mê cá trước khi kiểm tra bằng thuốc gây mê EME, nồng độ 200-250ppm.

Cách kiểm tra: Cá đực dùng ống nhựa mềm đưa vào lỗ niệu hút nhẹ nếu có sẹ đặc màu trắng sữa, dễ tan trong nước là cá đã thành thục; Cá cái dùng ống nhựa mềm đưa vào lỗ sinh dục 2 -3 cm, hút nhẹ lấy trứng ra, cho lên miếng thủy tinh, quan sát độ rời, độ đồng đều của trứng, màu sắc trứng để xác định độ thành thục của tuyến sinh dục. Nên chọn con cái có bụng to tròn, màu sắc sáng.

– Kích dục tố sử dụng: HCG và  LHR. Liều lượng: Cá cái là HCG 1000-1500UI/kg cá và LHR-A 25-35μg/kg cá, liều lượng cho cá đực bằng ½ cá cái.

– Cách tiêm: Tiêm vào phần cơ mềm ở lưng, góc tiêm 45º so với thân cá, độ sâu mũi kim tiêm (kim tiêm 21) vào phần cơ 1 – 1,5cm.

– Thời gian tiêm: Tiêm 1 lần (7h sáng), thời gian hiệu ứng thuốc khoảng 30-36 giờ.

Cá sau khi tiêm thuốc cho vào lồng nuôi trên biển và có lưới  may bằng vải bọc bên ngoài để giữ trứng cá.

Thu và ấp trứng cá

-Trứng cá dạng nổi, ở độ mặn trên 28-30‰ thì trứng thụ tinh nổi trên mặt nước. Dùng vợt hoặc lưới kéo để thu trứng cá.

– Mật độ ấp 1.000 – 2.000 trứng/lít. Sục khí nhẹ liên tục trong suốt quá trình ấp nở.

– Nhiệt độ nước 26 – 300C,  độ mặn 28 – 30‰.

– Thời gian ấp trứng 18 – 24 giờ.

Trứng sau khi ấp nở thành cá bột, định lượng số lượng rồi chuyển vào bể ương nuôi.

Theo lhhkh.org.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Thừa Thiên – Huế: Cá dìa đã được sinh sản nhân tạo thành công

Sau gần 2 năm nghiên cứu, TS Nguyễn Ngọc Phước và ThS Lê Văn Bảo Duy, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông lâm Huế đã thành công trong việc hoàn thiện quy trình sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá dìa quanh năm với tỷ lệ sống cao và ổn định.

Cá dìa là một trong những giống cá biển có giá trị kinh tế

Thành công này sẽ giúp việc cung cấp được con giống quanh năm cho người nuôi trồng thủy sản, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nghề nuôi cá dìa nói riêng và sản xuất giống cá biển nói chung tại Thừa Thiên – Huế và ở Việt Nam.

Được biết, sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá dìa là một trong những thách thức lớn đối với nghề nuôi cá biển Việt Nam, do quá trình ương ấu trùng sau khi nở không thành công, tỷ lệ sống của ấu trùng đến 6 – 7 ngày tuổi rất thấp và thiếu ổn định. Do đó, thành công của đề tài sẽ đóng góp thiết thực cho người nuôi trong nước trong việc nuôi thương phẩm loài cá này.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi xen ghép tôm sú – cá dìa – cua

Đầu năm 2017, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh triển khai mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cá dìa và cua trên diện tích ao nuôi 3.000m2 của gia đình bà Lê Thị Lịch ở thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh.

Nuôi xen ghép tôm sú – cá dìa – cua 

Trong quá trình thực hiện mô hình, gia đình bà Lê Thị Lịch được hỗ trợ con giống gồm 1.500 con cá dìa, 45.000 con tôm sú và 1.500 con cua và được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và trực tiếp hướng dẫn quy trình, theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của các loại đối tượng thủy sản nuôi trồng.

Sau gần 5 tháng thực hiện, nhìn chung mô hình phát triển khá tốt. Trọng lượng bình quân cá dìa đạt 200 gram/con, tôm sú 40 con/kg và cua 200 gram/con. Theo đánh giá tại hội thảo, mô hình cho thu hoạch 2 tạ cá dìa, 1,5 tạ cua và 6,7 tạ tôm sú, tổng doanh thu ước đạt hơn 182 triệu đồng; trừ chi phí đầu tư, hộ nuôi trồng có thu nhập 90 triệu đồng.

Đây là hình thức nuôi trồng mới, nuôi xen ghép các đối tượng nhằm cải thiện môi trường, hạn chế dịch bệnh, khai thác được tiềm năng ao hồ nuôi trồng thủy sản mặn lợ, hồ nuôi tôm kém hiệu quả hoặc bỏ hoang sang nuôi theo mô hình, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập.

Nguồn: Baomoi.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi cá dìa giúp tăng thu nhập và cải tạo môi trường ao tôm

Đối với nông dân, một trong những khó khăn trong nuôi tôm chính là xử lý nạn ô nhiễm môi trường nước. Khắc phục khó khăn này, nhiều hộ dân ở tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát triển mô hình nuôi cá dìa kết hợp với con tôm sú.

Cá dìa có đặc tính thích ăn tạp. Do vậy, cá dìa sẽ ăn rong, tảo và một phần thức ăn dư thừa cùng những mùn bã hữu cơ giúp môi trường nước ao nuôi được sạch hơn, giảm thiểu dịch bệnh. Đây cũng là giải pháp góp phần cải thiện môi trường ao nuôi và sử dụng nguồn thức ăn có hiệu quả.

Theo kinh nghiệm của nông dân Thừa Thiên – Huế, nếu cá giống lớn, mật độ thả ghép thưa khoảng 1 con/m2, sau 4 – 5 tháng nuôi cùng tôm, cá dìa có thể cho thu hoạch 0,8 – 1 tấn/ha, tỷ lệ sống đạt 60% trở lên, lợi nhuận từ 70 – 80 triệu đồng/ha. Quan trọng hơn, khi nuôi ghép với tôm sú, tôm vẫn phát triển tốt, ít dịch bệnh, giảm được chi phí thuốc và hóa chất trong quá trình nuôi.

Một ưu điểm khác của cá dìa là có thể nuôi ngay trong ao tôm bị dịch bệnh. Cá dìa sẽ tiêu diệt các mầm bệnh tồn lưu trong ao tôm. Nông dân có thể thả cá với mật độ từ 2 – 3 con/m2, sử dụng thức ăn tự chế hoặc cám công nghiệp. Sau 10 – 12 tháng nuôi, cá có thể đạt trọng lượng 0,6 – 1kg/con, tỷ lệ sống cao.

Cá dìa ăn thức ăn tự nhiên nên chi phí đầu tư thức ăn thấp. Tuy nhiên, nông dân cũng cần chọn con giống sạch, có chế độ chăm sóc tốt, đề phòng các bệnh, chủ động theo dõi các yếu tố môi trường, vì cá dìa khá nhạy cảm với biến đổi thời tiết…

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Đại học Huế, Đại học Nha Trang, Đại học Cần Thơ đã sản xuất giống cá dìa nhân tạo thành công. Vì vậy, nông dân có nhu cầu nuôi có thể liên hệ với các địa chỉ trên để mua con giống và tìm hiểu thông tin, kỹ thuật nuôi.

Nguồn: Tomvang.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi cá Kỹ thuật nuôi cá dìa trong ao đất kết hợp tôm sú

Cá dìa là một đặc sản của Thừa Thiên Huế, không chỉ người dân Huế mà cả khách du lịch đều biết đến giá trị thương phẩm của loài này.

Nắm bắt nhu cầu thị trường, đồng thời được sự vận động của các cán bộ Trung tâm Khuyến ngư tỉnh, anh Nguyễn Văn Dưỡng ở thôn Triệu Thôn, xã Phú An, huyện Phú Vang đã mạnh dạn đầu tư hơn 5000 m2 ao đất của mình để nuôi cá dìa kết hợp với nuôi tôm sú.

Từ những kiến thức đã học hỏi từ các cán bộ kỹ thuật, anh Dưỡng cho biết cá dìa là đối tượng nuôi có nhiều ưu điểm phù hợp với điều kiện tự nhiên của Huế. Chúng là loài rộng nhiệt, rộng muối, chịu được biên độ dao động muối từ 5-37‰. Thức ăn của cá dìa là thực vật thuỷ sinh, mùn bã hữu cơ, đồng thời chúng vẫn có thể ăn thức ăn tổng hợp nên rất tốt cho việc cải thiện môi trường ao nuôi.

Các bước thực hiện trong quá trình nuôi cá dìa của anh Dưỡng như sau:

Kỹ thuật cải tạo ao nuôi:

Trước khi thả nuôi cá phải tiến hành cải tạo kỹ ao nuôi. Sau khi cày xới mặt ao, anh Dưỡng dùng 500 kg vôi bột rải đều mặt ao, đặc biệt bón nhiều ở những chỗ còn đọng nước.  Dùng phân vi sinh và phân NPK để gây màu nước với hàm lượng 10kg phân vi sinh/100m2 và 3kg phân NPK/100 m2.

Hướng dẫn thả giống:

Trên diện tích 5000 m2, anh Dưỡng thả 2500 con cá dìa giống cỡ 50-70g/con, 7.500 tôm sú giống.

Kỹ thuật chăm sóc:

Biết được cá dìa là loài ăn thực vật thủy sinh, mùn bã hữu cơ nên anh Dưỡng tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như rong tảo. Ngoài ra anh còn tự chế biến thức ăn từ ngũ cốc, cá tạp. Trong quá trình nuôi, cá dìa cũng mắc phải một số bệnh như bệnh ký sinh trùng và bệnh nhiễm khuẩn nhưng sau khi xử lý bằng formol (100%) với nồng độ 100-150ppm thì cá hết bệnh.

Sau 3 tháng nuôi anh Dưỡng thu được 312 kg cá dìa thịt, 150 kg tôm sú, 100 kg cua và tôm đất. Cá dìa có trọng lượng bình quân 250g/con, tỷ lệ sống 50%. Sau khi trừ chi phí, anh Dưỡng thu lãi hơn 8 triệu đồng.

Mô hình nuôi cá dìa kết hợp nuôi tôm sú bước đầu thành công đã làm tăng thu nhập của gia đình anh Dưỡng. Cá dìa sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên nên chi phí thức ăn thấp. Tuy nhiên cần phải lưu ý lựa chọn con giống sạch, có chế độ chăm sóc tốt, đề phòng các bệnh, chủ động theo dõi các yếu tố môi trường vì cá dìa khá nhạy cảm với biến đổi thời tiết.

Nguồn: Tiếp Thị Nông Nghiệp được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.