Kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi

Trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trong nghề nuôi tôm nước lợ hiện nay, việc thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường là hết sức quan trọng. Việc kiểm tra này giúp người nuôi nhận biết, có đánh giá thực tế về môi trường ao nuôi với các thông số pH, độ kiềm, độ mặn, oxy hòa tan v.v.. từ đó có sự điều chỉnh sao cho phù hợp. Tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi, ngoại trừ các trại sản xuất con giống là có quan tâm đến vấn đề này, còn lại phần lớn các hộ nuôi tôm chưa biết đến lợi ích của việc kiểm tra này.
Nhằm giúp bà con đo các yếu tố môi trường ao nuôi chính xác, bài viết xin đề cập một số vấn đề cần lưu ý như sau:

Nguyên tắc chung:

Các điểm thu mẫu để đo phải đại diện và phản ánh đúng chất lượng nước trong từng ao nuôi và toàn khu nuôi.
Các điểm thu mẫu trong khu nuôi bao gồm: Nước nguồn, ao lắng, ao nuôi, ao xử lý chất thải, mương thải. Đảm bảo sau khi đo xong, người nuôi sẽ có cái nhìn toàn diện về tình hình môi trường trong cả khu vực nuôi.
Đối với công tác thu mẫu ở từng ao nuôi, có 2 cách đo như sau:
Cách 1: Trong mỗi ao, chọn ra 3 điểm theo đường chéo, đưa máy xuống đo sau đó lấy trung bình

Các vị trí lấy mẫu nước trong 1 ao nuôi

Cách 2: Thu mẫu ở 3 điểm theo đường chéo vào lọ, trộn đều sau đó đưa máy vào đo 1 lần. Cách này có thể sẽ tiết kiệm hóa chất (nếu sử dụng hóa chất để phân tích).

Chọn thông số và xác định chu kỳ theo dõi:

Để đánh giá chất lượng nước người nuôi có thể quan sát bằng các giác quan, trên cơ sở màu sắc, mùi vị kết hợp với đo các thông số chất lượng nước bằng các máy móc, thiết bị.
Các chỉ tiêu môi trường cần theo dõi trong ao nuôi: Nhiệt độ, pH, độ kiềm, oxy hòa tan, độ mặn, độ trong, màu nước, NH3, H2S. Đây là các chỉ tiêu có liên quan chặt chẽ đến sức khỏe của tôm, nếu các chỉ số môi trường đều ở trong ngưỡng cho phép tôm sẽ bắt mồi mạnh, mau lớn, tỷ lệ sống cao, ít bị bệnh tật.

Các thông số như nhiệt độ, pH, oxy hòa tan, độ trong, độ sâu, màu nước: theo dõi và đo 2 lần/ngày vào lúc 5-6 giờ sáng và 2-3 giờ chiều. Các thông số khác như NH3, H2S, độ kiềm, độ mặn: định kỳ đo 2 lần/tháng, đồng thời kiểm tra đột xuất khi tôm có dấu hiệu bất thường, giá trị pH trong ngày biến động mạnh.

Quy chuẩn quốc gia về thông số môi trường trong ao nuôi tôm nước lợ (QCVN 02 – 19 :2014/BNNPTNT)

Phương pháp đo một số chỉ tiêu môi trường:

Nhiệt độ
Dụng cụ phổ biến nhất để đo nhiệt độ trong ao nuôi là nhiệt kế thủy ngân, bên cạnh đó một vài máy đo oxy hòa tan cũng có tích hợp chức năng đo nhiệt độ.
Đối với nhiệt kế thủy ngân: Nhúng ngập nhiệt kế xuống nước, để khoảng 3 phút, sau đó nghiêng nhiệt kế và đọc kết quả. Chú ý không nên rút nhiệt kế lên khỏi mặt nước trong quá trình đọc kết quả vì như vậy sẽ không chính xác.
Đối với máy đo: Đầu tiên cần phải khởi động máy và hiệu chỉnh theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sau đó nhúng điện cực xuống vị trí cần đo, lắc hoặc rê đầu điện cực trong nước cho tới khi các số trên màn hình ổn định (không nhảy) thì dừng lại. Đọc kết quả và ghi vào sổ nhật ký, sau đó rửa đầu đo bằng nước sạch, đậy nắp.
pH
Để đo pH ao nuôi có thể sử dụng máy đo pH hoặc bộ test kit pH.
Cách sử dụng test pH và máy đo pH theo hướng dẫn nhà sản xuất. Thao tác sử dụng máy đo pH tương tự thao tác đã hướng dẫn ở phần đo nhiệt độ.
Yếu tố pH trong ao nuôi phụ thuộc vào thổ nhưỡng của đất, lượng vôi bón, mật độ tảo và chế độ thay nước.
Độ mặn
Người nuôi có thể sử dụng khúc xạ kế để đo độ mặn trong ao nuôi. Khi dùng khúc xạ kế, đầu tiên cần phải kiểm tra máy bằng nước cất, hiệu chỉnh độ mặn về 0. Lấy 1 giọt nước nhỏ lên đầu đọc, đậy nắp sao cho giọt nước lan đều khắp mặt kính. Đưa máy về phía có nguồn sáng, đọc kết quả và ghi vào sổ nhật ký, sau đó lau đầu đọc bằng khăn sạch, đậy nắp.
Oxy hòa tan
Để đo oxy hòa tan trong ao nuôi bà con có thể dùng máy đo oxy hoặc bộ test kid oxy. Muốn quản lý tốt oxy hòa tan cần phải duy trì được màu nước tốt và sử dụng linh hoạt máy sục khí. Cần tăng cường quạt nước vào ban đêm, khi trời âm u hoặc khi nhiệt độ nước ao nuôi tăng cao.
Độ trong
Thiết bị đo độ trong thường sử dụng là đĩa secchi.

Thả đĩa theo phương thẳng đứng, hạ từ từ xuống nước cho tới khi không phân biệt được 2 màu đen/trắng trên mặt đĩa. Đọc kết quả trên dây hoặc thước, đó chính là độ trong của nước ao (đơn vị là cm).
NH3, H2S
NH3 và H2S là các khí độc, tác động đến hô hấp của tôm, nếu xuất hiện dài ngày sẽ làm giảm sinh trưởng, tôm còi cọc chậm lớn, nồng độ cao sẽ gây chết tôm. NH3 sẽ độc hơn khi pH cao, còn khi pH thấp thì H2S sẽ độc hơn. Trên thị trường có bán các bộ test kit để đo nồng độ NH3, H2S trong ao nuôi, với ưu điểm nhỏ gọn, giá thành rẻ bà con có thể mua về sử dụng.
Để phòng ngừa tác hại của NH3 và H2S: cần phải có nguồn nước cấp sạch và chủ động, có hệ thống máy quạt nước đầy đủ. Trong quá trình nuôi cần tăng cường sử dụng zeolite và các chế phẩm vi sinh xử lý môi trường.
Độ kiềm
Độ kiềm có vai trò quan trọng trong việc tạo vỏ, lột xác của tôm. Độ kiềm liên hệ mật thiết tới sự biến động của giá trị pH và sự ổn định màu nước (tảo). Trong khoảng độ kiềm thích hợp pH rất ít khi dao động. Nuôi tôm ở độ mặn thấp, độ kiềm thường xuyên thay đổi. Cần hết sức chú ý bón vôi định kỳ để tăng độ kiềm của ao. Dụng cụ thường dùng để đo độ kiềm trong ao nuôi là các bộ test kit có bán trên thị trường.

Ngoài cách đo thông thường, có thể sử dụng thiết bị công nghệ cao, tích hợp nhiều chức năng để nhiều thông số môi trường cùng một lúc. Điển hình như các sản phẩm của công ty Farmtech Vietnam :

Hệ thống mạng cảm biến môi trường không dây (Environment Wireless Sensor Network).

Ứng dụng rộng rãi trong việc giám sát môi trường theo thời gian thực hiện tại đã có thể giám sát 54 chỉ tiêu về không khí và nước (Bao gồm việc đo các Ion trong nước), các chỉ số khác. Hệ thống sử dụng các công nghệ kết nối mạng để có thể tổng hợp số liệu từ nhiều điểm tổng hợp số liệu môi trường tốt nhất trước khi gửi kết quả cho người sử dụng.
Tại thời điểm hiện tại hệ thống ứng dụng công nghệ mạng không dây mới nhất, tiết kiệm điện năng và sử dụng các công nghệ cảm biến nhạy nhất xuất xứ từ Châu Âu.

Hệ thống mạng cảm biến môi trường không dây (Environment Sensor Network) là hệ thống gồm những thiết bị thu thập dữ liệu có thế kế nhỏ, cơ động, sử dụng điện năm thấp và các công nghệ không dây như : Bluetooth, Wifi, 802.15.4, Zig bee, Lora để kết nối truyền, tổng hợp dữ liệu, tính toán dữ liệu tại chỗ trước khi truyền về hệ thống trung tâm.

Trọn bộ AE Sensor, giúp quản lý môi trường ao nuôi toàn diện

Phao giám sát môi trường (Floating Wireless Environment System)

Phao giám sát môi trường ao nuôi cho phép giám sát các thông số môi trường trong ao nuôi như oxy trong nước, nhiệt độ. Pin năng lượng mặt trời giúp phao có thể tự hành mà không cần nguồn điện, bình dự phòng đủ thời gian cho phao hoạt động 3 ngày trong điều kiện không có ánh sáng mặt trời. Thiết bị có khả năng truyền dữ liệu về bộ thu thập dữ liệu với khoảng cách tối đa 15 km.

Hệ thống phao giám sát môi trường

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phòng trị bệnh cá chim vây vàng

Cá chim vây vàng (Trachinotus blochii) thích hợp cho nuôi lồng biển và ao đầm nước mặn, lợ. Trong quá trình nuôi đã xuất hiện nhiều loại bệnh, làm chết cá từ rải rác đến hàng loạt. Do vậy, người nuôi cần cập nhật các thông tin về bệnh để phòng trị kịp thời.

Do vi khuẩn

Bệnh do vi khuẩn Vibrio sp và  Vibrio anguillarum

Cá nhiễm bệnh thường bỏ ăn, chết rải rác, bụng trương to, thức ăn không tiêu. Cá hoạt động kém, bơi chậm chạp, màu sắc cá chuyển từ sáng nâu sang xám đen. Bệnh xuất hiện nhiều ở cá giống và giai đoạn nuôi cá thương phẩm mật độ cao, khi nước bị nhiễm bẩn.

Biện pháp phòng trị: Nước nuôi luôn phải sạch, không ô nhiễm. Thức ăn cho cá nên bổ sung thêm Vitamin C để tăng sức đề kháng. Khi phát hiện cá bị bệnh cần thay nước liên tục trong 3 ngày, mỗi ngày thay 50% lượng nước và trộn thuốc kháng sinh Tetracycline vào thức ăn, liều lượng  3 – 5 g/kg thức ăn/ngày. Cho ăn 5 ngày liên tục, mỗi ngày cho ăn một lần vào buổi sáng.

Bệnh đốm trắng nội tạng (vi khuẩn Nocardia sp)

Bệnh đốm trắng nội tạng trên cá chim vây vàng vừa được phát hiện bởi Khoa Nuôi trồng Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Nocardia sp. Cá nhiễm bệnh thường bỏ ăn, cơ thể xuất hiện nhiều nốt phồng rộp nhỏ dưới da, sau đó, vỡ tạo nên các điểm thương tổn nhỏ màu nâu. Mang cá xuất hiện nhiều dịch nhầy cùng các vùng thương tổn và các hạt nhỏ màu trắng đục. Phía trên xương sống xuất hiện một số khối u làm xương sống bị vẹo gây dị dạng cho cá. Quan sát trong ổ bụng cá thấy các hạt trắng nhỏ xuất hiện ở thận, lá lách và gan. Bệnh thường gặp trên cá ở giai đoạn đầu thả nuôi (cỡ 6 – 10 cm), xuất hiện ở thời điểm bắt đầu mùa mưa (tháng 7 – 8) tỷ lệ cá chết lên đến 50%.

Bệnh đốm trắng nội tạng trên cá chim vây vàng (phồng rộp da (a); màng tiết dịch nhầy (b); khối u cột sống (c); cong thân (d))

Biện pháp phòng trị: Thả cá mật độ vừa phải (nuôi ao 1 – 2 con/m2, lồng 3 – 5 con/m3). Đối với cá nuôi ao, cần cải tạo ao kỹ và xử lý nước trước khi thả cá. Duy trì độ mặn > 10‰ trong quá trình nuôi. Thay nước và bón vôi định kỳ hàng tháng, liều lượng 2 kg/100 m3 nước. Cung cấp đủ lượng thức ăn tránh dư thừa.

Cá nuôi lồng bè cần định kỳ 3 tháng/lần di chuyển lồng bè đến chỗ mới, vệ sinh lồng hàng ngày và bổ sung thêm vitamin, men vi sinh vào thức ăn để tăng sức đề kháng và giúp cá tiêu hóa tốt. Khi phát hiện cá bị bệnh nên giảm 50% lượng thức ăn, thay nước 30 – 50% nước ao hàng ngày và san bớt cá (cá nuôi lồng). Dùng kháng sinh Clindamycin (thuốc thú y) với liều lượng 4 – 5 g/kg cá, cho ăn liên tục 5 – 7 ngày.

Do ký sinh trùng

Trùng Cryptocaryon

Trùng Cryptocaryon rất nguy hiểm vì khi chúng ký sinh có thể gây chết hàng loạt cá nuôi. Trùng hình quả lê, kích thước 0,5 mm, thường ký sinh  bề mặt thân và mắt cá.

Khi cá nhiễm bệnh, trên da và mang xuất hiện các chấm trắng nhầy, cá ngứa ngáy, hay cọ mình vào các vật cứng khi bơi. Bệnh thường xuất hiện khi nhiệt độ nước hạ thấp.

Phòng, trị bệnh: Nuôi cá đúng thời vụ, đảm bảo độ sâu nước ao từ 1,2 m trở lên, cá nuôi lồng sâu 3 – 4 m để ổn định nhiệt độ nước. Dùng phèn xanh (CuSO4) để tắm cho cá với nồng độ 0,5 ppm trong nước ngọt 5 – 10 phút, sục khí mạnh hoặc sử dụng formol 100 ppm kết hợp với nước ngọt để tắm cho cá trong thời gian 5 – 10 phút.

Trùng bánh xe Trichodina

Trùng bánh xe dạng hình tròn, kích thước 100 mm (đường kính thân), thường ký sinh trên mang, vây và bề mặt thân cá. Cá nhiễm bệnh, cơ thể yếu, mang có màu nhợt nhạt, hay nhao mình lên mặt nước, cọ mình vào vật cứng, xuất hiện nhiều niêm dịch trên mang và bề mặt thân. Khi ký sinh vào cá, trùng sẽ vận động quanh mang, phá hủy mô của cá, sinh ra nhiều dịch nhầy bám trên mang gây ngạt thở cá. Điều trị: tắm cá với dung dịch formol 200 ppm với thời gian 30 – 60 phút, sục khí mạnh.

Trùng miệng lệch Brooklynella

Trùng có hình quả thận, kích thước 60 mm, trên thân có những hàng lông tơ mọc song song. Trùng thường ký sinh trên mang, bề mặt thân cá. Khi bị nhiễm bệnh cá ngứa ngáy khó chịu, bơi không định hướng. Trên da và mang bị tổn thương nhiều và bị nhiễm trùng, khi bệnh nặng cá bị chết nhiều.

Điều trị: Tắm cá với dung dịch formol nồng độ 200 ppm thời gian 30 – 60 phút, sục khí mạnh hoặc tắm formol 30 ppm trong 1 – 2 ngày, sục khí mạnh.

Trùng quả dưa Ichthyopthirius multifiliis

Trùng có hình dạng giống quả dưa, đường kính cơ thể 0,5 – 1 mm, ký sinh ở da, mang, đầu và vây cá, chúng hút chất dinh dưỡng cá, đồng thời kích thích cơ thể cá tạo ra đốm mủ trắng quanh vị trí bám. Trùng bám nhiều ở mang nên làm suy giảm chức năng hô hấp gây ngạt thở cá. Cá bị bệnh nặng sẽ bơi lội chậm chạp, lờ đờ. Khi yếu chúng chỉ ngoi đầu lên mặt nước để thở, đuôi bất động, chìm dần xuống đáy và chết. Điều trị: Quản lý tốt chất lượng nước nuôi, khi cá bị bệnh có thể bắt cá lên tắm formol với nồng độ 50 ppm trong thời gian 10 phút, hoặc phun xuống ao với liều lượng 7 –  8 ppm trong liên tục trong 3 ngày (cách ngày phun ngày).

Bệnh rận cá

Rận cá thường có màu sắc giống màu da cá, khi bám vào cá chúng cào rách lớp da và mang gây viêm loét và dùng tuyến độc qua ống miệng để tiết chất độc gây hại cá. Khi bị rận ký sinh, cá gầy yếu và lở loét trên thân, cá bị nhiễm nặng sẽ chết hàng loạt. Điều trị: dùng nước ngọt tắm cho cá 2 – 3 ngày, mỗi ngày 15 phút

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá chim trắng vây vàng

Cá chim trắng vây vàng là đối tượng thủy sản nuôi mới có giá trị kinh tế cao. Hiện nay cá chim trắng vây vàng được nuôi khá phổ biến ở một số địa phương và nhiều mô hình nuôi thử nghiệm đối tượng này ở một số địa phương khác cũng cho thấy có hiệu quả kinh tế cao. Do đó, việc sản xuất nhân tạo giống cá chim trắng vây vàng là yêu cầu cấp thiết để phát triển nghề nuôi đối tượng thủy sản nhiều tiềm năng này.

Cá chim trắng vây vàng – Stromateoides argenteus

1. Đặc điểm sinh trưởng và sinh sản

Cá chim vây vàng có kích thước tương đối lớn, chiều dài có thể đạt 45-60cm. Cá sinh trưởng nhanh, trong điều kiện nuôi bình thường một năm có thể đạt quy cách cá thương phẩm cỡ 0,5-0,7 kg. Từ năm thứ hai trở đi mỗi năm trọng lượng tuyệt đối tăng là 1 kg. Mùa sinh sản của cá chim vây vàng từ tháng 4-5 và duy trì cho đến tháng 8. Sức sinh sản của cá thể 40-60 vạn trứng. Trong thiên nhiên cá hương 1,2-2 cm bắt đầu bơi vào vùng biển cạn, cá lớn 13-15cm bắt đầu di cư từ vùng biển cạn ra vùng biển sâu. Hiện nay, ngoài tự nhiên cá thành thục ở 7-8 tuổi nếu muốn cho cá thành thục sớm cần phải tiêm kích dục tố, nuôi vỗ cá bố mẹ một cách khoa học. Trong thực tiễn sản xuất chứng minh cá chim vây vàng 4 tuổi tuyến sinh dục đạt độ thành thục, qua đó kích thích cá có thể phóng trứng thụ tinh và ấp nở thành cá bột bình thường.

Kiểm tra mức độ thành thục của cá thường được tiến hành trước 1 tuần trước khi cá đẻ nhằm quyết định thời điểm cá đẻ thích hợp. Chỉ có cá bố mẹ có tuyến sinh dục thành thục ở mức độ nhất định mới có thể đưa vào cho sinh sản nhân tạo. Tiêu chuẩn chọn cá cái cho sinh sản, kiểm tra trứng bằng que thăm trứng, trứng có đường kính từ 0,4-0,5 mm, các hạt noãn hoàn phân bố đều, không còn khoảng cách giữa noãn hoàn và nang trứng. Đối với cá đực, vuốt nhẹ phần bụng thấy có sẹ chảy ra và tan nhanh trong môi trường nước. Trong quá trình nuôi vỗ thường xuyên kiểm tra mức độ thành thục của cá để có biện pháp cho đẻ kịp thời.

2. Nuôi vỗ cá bố mẹ

Cá bố mẹ được lựa chọn từ đàn cá trưởng thành nuôi tại ao nuôi thương phẩm. Chọn cá khoẻ mạnh, không bị tổn thương, xây xát; cá cái, cá đực tuổi từ 2 tuổi trở lên; trọng lượng từ 2-3kg/con. Tỷ lệ cá đực/cá cái là 1/1 để đưa vào nuôi vỗ.

Ao đất nuôi vỗ cá bố mẹ có diện tích khoảng 1.000 m2, độ sâu mức nước 1,5 m, chất đáy là cát thịt, độ dày lớp bùn đáy 10-15 cm. 2 tuần nuôi cuối trước khi cho cá sinh sản, cá bố mẹ được nuôi trong bể xi măng có thể tích 80-100m3, độ sâu 1,5-1,8m. Môi trường nuôi vỗ: Môi trường nuôi vỗ cá bố mẹ có nhiệt độ trung bình 24-280C, pH 7,5-8,5; Oxy trên 4 mg/l, độ mặn 26-30‰. Mật độ nuôi vỗ cá bố mẹ trong ao từ 10-15 kg/100m2. Bể xi măng: 1-2 kg/m3.

3. Chăm sóc, quản lý

Nuôi vỗ chính vụ cá chim vây vàng từ tháng 2 đến tháng 4. Thức ăn nuôi vỗ cá bố mẹ gồm có cá tạp tươi hoặc thức ăn công nghiệp dùng cho cá biển có hàm lượng protein (chất đạm) 35-40%, lipit (chất béo) 10-12%. Khẩu phần ăn từ 3-4% khối lượng cá nuôi; cho cá ăn ngày một lần, vào lúc 8 giờ.

4. Kiểm tra mức độ thành thục sinh dục của cá

Đối với cá cái, dùng ống nhựa mềm có d = 1mm, đưa ống nhựa qua lỗ sinh dục vào tới buồng trứng, lấy một số tế bào trứng ra quan sát và đánh giá: nếu quan sát thấy chưa rõ hạt trứng thì buồng trứng mới ở giai đoạn II; các hạt trứng không đều cỡ, không tròn, còn dính lại nhau thì buồng trứng ở giai đoạn III; các hạt trứng có màu xanh vàng, tròn, rời thì buồng trứng ở giai đoạn IV, cá đã thành thục, tiến hành cho đẻ. Đối với cá đực, kiểm tra sẹ, thấy cá có sẹ trắng sữa, tan nhanh trong nước, cá đã thành thục chọn cho đẻ.

Kiểm tra mức độ thành thục sinh dục của cá bố mẹ

5. Cho cá đẻ

Bể cho cá đẻ là bể xi măng hay composit, có thể tích chứa nước 70-100 m3, độ sâu 1,3-1,5m, có đường cấp nước, thoát nước thuận tiện, bể có mái che và hệ thống sục khí. Điều kiện môi trường sinh thái thích hợp nhất cho cá đẻ trứng: nhiệt độ nước từ 28-300C, độ mặn từ 30-32‰, oxy hoà tan ≥ 4mg/lít, pH từ 7,8-8,5.

Chọn cá cái: sử dụng ống nhựa mềm có đường kính 1mm đưa qua lỗ sinh dục, vào tới buồng trứng, hút trứng ra để kiểm tra. Nếu thấy trứng có màu trắng ngà, các hạt trứng tròn, đều, rời nhau là cá thành thục tốt, chọn cá cho đẻ. Nếu các hạt trứng dính lại, không đều, không rời nhau là trứng còn non. Nếu các hạt trứng rời nhau, nhão, mầu trắng đục là trứng thoái hóa. Chọn cá đực: cũng dùng ống nhựa mềm có đường kính 1mm đưa vào lỗ liệu sinh dục hút sẹ để kiểm tra, nếu thấy sẹ đặc, màu trắng sữa, tan nhanh trong nước là sẹ tốt chọn cá cho đẻ.

Sử dụng chất LRH-A2 kết hợp với HCG liều lượng 8-10mg + 300-500 UI HCG/1kg cá cái; Cá đực liều lượng bằng 1/2 so với cá cái. Liều lượng chất kích thích sinh sản cho cá có thể nhiều hoặc ít hơn phụ thuộc vào mức độ thành thục của tuyến sinh dục tại thời điểm cho cá đẻ. Tiêm chất kích thích sinh sản từ 1-2 lần trong một đợt cho cá đẻ tuỳ thuộc mức độ thành thục của cá tốt hay chưa thật tốt. Nếu tiêm 2 lần, lần 1 chỉ tiêm LRH-A2 với liều lượng 1/4-1/3 tổng lượng thuốc cần dùng, nơi tiêm là phần mềm gốc vây ngực của cá (vây P).

Sau khi cá đẻ khoảng 2-3 giờ tiến hành thu toàn bộ trứng có trong bể. Khi thu trứng trong bể đẻ, dùng vợt có kích thước mắt lưới là 60 mắt/cm2, vợt loại nhỏ: 80cm x 35cm x 120cm, vợt loại lớn 5m x 1,2m x 4m để thu trứng. Trứng cá thu được chuyển vào thùng nhựa có thể tích là 100 lít để tách trứng thụ tinh; môi trường tách trứng thụ tinh có độ mặn 30-32‰. Trứng cá chim vây vàng thụ tinh thường nổi trên mặt nước, trứng không thụ tinh hoặc hỏng thường chìm xuống đáy. Dùng tay khuấy tròn dòng nước trong thùng rồi để yên khoảng 5-7 phút cho trứng thụ tinh nổi trên bề mặt, các trứng không thụ tinh, trứng hỏng và các chất bẩn lắng chìm xuống đáy thùng. Dùng vợt có kích thước mắt lưới 60 mắt/cm2 để vớt trứng thụ tinh chuyển vào bể ấp, tiến hành 2-3 lần đến khi thu hết trứng thụ tinh.

6. Ấp trứng và ương nuôi ấu trùng

Dụng cụ ấp trứng là bể composite có thể tích1m³, có sục khí. Môi trường ấp trứng là nước biển sạch, các yếu tố môi trường đảm bảo trong quá trình ấp trứng: độ mặn 30-32‰, nhiệt độ 26-300C, pH: 7,8-8,5, ôxy hoà tan ≥ 5mg/lít. Trứng thụ tinh được chuyển vào bể ấp trứng, mật độ ấp trứng từ 400-500 trứng/lít.

Bể ấp đặt ở nơi thoáng mát tránh ánh sáng mặt trời chiều trực tiếp vào môi trường ấp trứng. Duy trì sục khí liên tục. Hút bỏ trứng chìm ở đáy bể đảm bảo môi trường sạch. Thời gian ương nuôi ấu trùng từ 60-72 giờ, cũng là thời điểm cá phát triển thành cá bột.

7. Ương nuôi cá bột lên cá hương 2-3cm

Bể ương: bể xi măng hình chữ nhật hoặc bể composite hình tròn, có chiều cao 1-1,2m, dung tích bể 10-20m3. Bể có hệ thống sục khí, hệ thống cấp thoát nước thuận tiện. Trước khi đưa ấu trùng vào bể ương nuôi phải vệ sinh, sát trùng bể sạch. Điều kiện môi trường: độ mặn 28-30‰; nhiệt độ 26-300C; pH 7,8-8,5; Oxy hoà tan ≥ 4mg/lít.

Ấu trùng cá chim vây vàng thả vào nuôi phải có chất lượng tốt, cá khoẻ mạnh, tỷ lệ dị hình dưới 0,05%. Mật độ ương từ 2.000-3.000 con/m3. Mức nước ban đầu ở bể ương 0,5 m. Ngày nuôi thứ 2 đến ngày thứ 6, hàng ngày cấp thêm 10 cm nước vào bể ương. Mức nước trong bể ở ngày nuôi thứ 6 đạt 1m. Ngày thứ 7, thay 40% lượng nước trong bể, sau đó cấp thêm 10cm nước, nâng mức nước trong bể lên 0,7m. Ngày thứ 9 cấp thêm nước, nâng mức nước trong bể lên 0,8m.

Ương ấu trùng cá chim trắng vây vàng

Ngày thứ 11 cấp thêm nước, nâng mức nước trong bể lên 0,9m. Ngày thứ 13 cấp thêm nước, nâng mức nước trong bể lên 1m. Ngày thứ 14 trở đi, hàng ngày tiến hành si phông đáy và thay 50% nước trong bể. Từ ngày nuôi thứ nhất đến ngày thứ 5, cấp tảo Nanochloropsis ocunata hoặc Chlorellasp vào bể ương đạt mật độ 50-100 vạn/ml; vớt váng ở tầng mặt bể ương 2 lần một ngày.

Thức ăn ban đầu của cá là luân trùng. Trước khi đưa luân trùng vào bể ương,luân trùng phải được giàu hoá bởi tảo Nanochloropsis ocunata hay Chlorella sp nhằm nâng cao chất lượng thức ăn, tăng tỷ lệ sống cá nuôi. Mỗi ngày cho cá ăn 2 lần, duy trì mật độ luân trùng trong bể ương từ 6 – 8 con/ml. Đến ngày nuôi thứ 14, ngoài luân trùng, cho cá ăn thêm Nauplius Artemia; và Copepodda đảm bảo có từ 10-15 con/ml nước trong bể ương. Ngày thứ 20 trở đi ngoài cho cá ăn Artemia và Copepodda giảm còn 5-7 con/ml thì cho cá ăn thức ăn hỗn hợp là thịt cá băm nhỏ hợp với cỡ miệng khẩu phần ăn từ 0,8- 1,2 kg cá/1 vạn cá con.

Cá chim trắng vây vàng giống

Đến thời kỳ này cũng có thể tập cho cá ăn thức ăn hỗn hợp chế biến ở dạng viên nhỏ, kích cỡ thức ăn hỗn hợp bắt đầu từ số 0 (cỡ 250mm) tăng dâng lên số 1 (cỡ 400 mm), khi cho ăn phải quan sát theo dõi cá ăn, để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Sau 5 ngày nuôi tiến hành xi-phông đáy 1 lần/ ngày vào lúc 8 giờ để loại bỏ chất thải và xác chết ra ngoài bể ương. Chú ý, quá trình xi-phông đáy không hút lẫn cá con và duy trì các yếu tố môi trường nuôi cá.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Dinh dưỡng từ cá Chim

Ít ai biết được rằng cá Chim là một trong những loài cá có giá trị dinh dưỡng cao và là món đặc sản của nhiều vùng miền.

  • Giá trị dinh dưỡng

Cá chim có thịt ngon và bổ, được nhân dân ta coi là đặc sản hàng đầu trong các loài cá biển. Ở nước ta có nhiều loại cá chim như: Cá chim trắng, cá chim đen, cá chim gai, cá chim Ấn Độ… nhưng gặp phổ biến và có giá trị hơn cả là cá chim trắng và đen.

Thịt cá chim, dù là cá chim trắng, chim đen hay chim trắng nước ngọt đều là loại thực phẩm ngon và nhiều chất dinh dưỡng, giàu omega – 3, nhiều protein có lợi cho sức khỏe. Cá chim thường được bán trên thị trường dưới các dạng đông lạnh nguyên con, phi lê đông lạnh tươi, cắt khúc đông lạnh tươi.

Cá Chim biển

Thịt cá chim trắng ngon và giàu chất bổ dưỡng. Trong 100g thực phẩm ăn được có 75,2g nước, 19,4g protein, 5,4g lipit, 1,1g tro, 15mg canxi, 185mg photpho, 0,6mg sắt, 145mg natri, 263mg kali, 27mg vitamin A, 2mg vitamin PP, 1mg vitamin C, các vitamin B1, B2… cung cấp được 126kcal.

Trong 100g thịt cá chim đen có 76,3g nước, 19,8g protein, 2,5g lipit, 1,3g tro, 43mg canxi, 204mg photpho, 0,6mg sắt, 94mg natri, 196mg kali, 97mg vitamin A, 3,8mg vitamin PP, các vitamin B1, B2… cung cấp được 102kcal.

Ngoài các loại cá chim biển, hiện nay ở nước ta còn có loại cá chim nước ngọt. Cá chim nước ngọt có tên khoa học là Colossoma brachypomum, có nguồn gốc tại vùng Amazon, Nam Mỹ, được nhập vào nước ta từ năm 1998.

Cá Chim Colossoma brachypomum

Cá này cho thịt ăn ngon, lại lớn nhanh gấp 3 – 4 lần các loài cá khác, hiện đang được nuôi ở nhiều địa phương. Cá chim trắng nước ngọt có màu xám bạc hoặc màu ánh bạc hơi xanh, hàm trên và hàm dưới của cá đều có răng khá sắc có tác dụng cắn xé thức ăn (cá nhỏ, tôm, tép…).

  • Các món ngon từ cá Chim

Cá Chim chiên sốt tỏi ớt

Cá Chim sốt cà chua

Cá Chim trắng chiên muối ớt

Cá Chim trắng hấp tưới dầu hào

Nằm trong top những loài có giá trị dinh dưỡng cao, cá Chim là loại thực phẩm rất tốt cho cơ thể. Chất béo của cá rất đặc biệt, chúng chứa các chất béo chưa bão hòa – là chất rất có lợi cho hoạt động màng tế bào của con người; giúp làm giảm nồng độ mỡ xấu trong máu; và có khả năng giữ lại mỡ máu tốt…

Tuy nhiên không nên quá lạm dụng loại thực phẩm này mà cần phải có chế độ sử dụng phù hợp trong bữa ăn hàng ngày.

Tổng hợp từ Farm tech Viet Nam

Tiềm năng lớn từ cá chim vây vàng.

Cá chim vây vàng là đối tượng nuôi chủ lực tại các vùng nước ven bờ và trong các ao nước lợ, mặn. Việc phát triển để nuôi loài cá này ở vùng ven biển sẽ khai thác được nhiều tiềm năng diện tích mặt nước, mở rộng đối tượng nuôi có giá trị kinh tế, đa dạng đối tượng cá biển phục vụ xuất khẩu.

Một vài đặc điểm sơ lược về cá chim vây vàng. 

Cá chim vây vàng tên khoa học: Trachinotus blochii, là loài cá nổi, ưa hoạt động, sống chủ yếu ở tầng giữa và tầng mặt. Đây là loài cá nuôi quan trọng ở vùng biển miền Nam Trung Quốc và Đài Loan, Philippines, Malaysia. Cá có tập tính ăn tạp, dễ nuôi, có thể phát triển với quy mô công nghiệp với các hình thức nuôi lồng, trong ao đất, trong các thủy vực nước lợ và nước mặn. Cá có thân hình dẹp, màu ánh bạc, vây vàng. Là đối tượng có tốc độ tăng trưởng nhanh, sau 8 – 10 tháng nuôi cá đạt kích thước thương phẩm 600 – 800 g/con, đem lại giá trị kinh tế cao, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Nguồn giống phong phú, chất lượng.

Giống cá chim vây vàng có giá nhập khẩu rất cao (4.000 – 5.000 đồng/con). Việc vận chuyển giống xa làm cho chất lượng con giống yếu, hao hụt nhiều. Khắc phục tình trạng đó, trong những năm gần đây có nhiều đơn vị như trường Đại học Nha Trang, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I… đã nghiên cứu để sản xuất giống loài cá này nhằm chủ động và hạ giá thành sản xuất. Hiện nay, nguồn giống trong nước đáp ứng khoảng 55% nhu cầu nuôi thương phẩm, còn lại phải nhập từ Đài Loan, Trung Quốc. Tuy việc sản xuất giống và nuôi thương phẩm đối tượng này tại Việt Nam hình thành sau một số nước nhưng lại có tốc độ phát triển nhanh. Giống cá chim vây vàng được sản xuất trong nước có giá khoảng 2/3 cá giống nhập khẩu, và còn có xu hướng rẻ hơn nữa trong tương lai. Hơn nữa, chất lượng giống tốt, khỏe mạnh, thích nghi tốt với môi trường nuôi, tỷ lệ sống cao hơn. Để đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm trên cả nước nhiều đơn vị đã, đang tích cực tiếp nhận công nghệ sản suất giống loài cá này.

Tiêu thụ tốt. 

Cá chim vây vàng là đối tượng có giá trị kinh tế cao, giá 6 – 7 USD/kg, khả năng tiêu thụ rất tốt cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Loài cá này nuôi ít rủi ro, lợi nhuận lại cao (40.000 – 80.000 đồng/kg). Ưu điểm là có thể nuôi trong các ao nuôi tôm bỏ hoang do dịch bệnh, đặc biệt có khả năng nuôi ghép trong các ao nuôi tôm có tác dụng ngăn ngừa dịch bệnh cho tôm nuôi. Trước những ưu việt nói trên, có thể nói cá chim vây vàng là một giải pháp rất hiệu quả để thay thế trong khi dịch bệnh trên tôm hoành hành. Đây chính là cơ sở mà các vùng nuôi từ Bắc Trung bộ (Nghệ An) đến các tỉnh Nam bộ (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng) đang áp dụng nuôi loài cá này.

Hiện loài cá chim vây vàng được nhiều người dân nuôi cá lồng biển đưa vào sản xuất thương phẩm cùng hai đối tượng chính là cá song và cá giò. Ngoài ra, cá cũng được đưa vào nuôi thương phẩm nhiều trong ao đất. Thức ăn dùng để nuôi cá chim vây vàng là thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, có hàm lượng protein 40 – 45%, hàm lượng lipid 12 – 15 %, hệ số chuyển hóa thức ăn nhỏ hơn 2. Có thể sử dụng cá tạp, hệ số chuyển hóa thức ăn 4 – 5. Theo đánh giá của nhiều người nuôi, so với nuôi tôm thẻ chân trắng thì nuôi cá chim vây vàng có mức lãi thấp hơn, nhưng vẫn đảm bảo mức lợi nhuận lý tưởng hơn nuôi các loài cá biển khác. Đặc biệt, mô hình này chịu ít rủi ro bởi hiếm khi xảy ra dịch bệnh.

Trong tương lai, cá chim vây vàng có thể là đối tượng nuôi chính tại một số địa phương có tiềm năng phát triển nuôi cá lồng biển và là đối tượng nuôi thay thế tôm ở một số vùng dịch.

 

 

 

Nguồn: Tổng hợp lại bởi Farmtech VietNam

 

Phóng sinh cá Chim, tốt hay xấu?

Nhiều người cho rằng phóng sinh tức là nhìn thấy các loại chúng sinh có mạng sống đang bị bắt nhốt, giam cầm, sắp sửa bị giết hại, kinh hoàng, tù túng, mạng sống trong phút giây nguy ngập, liền phát lòng từ bi tìm cách cứu chuộc. Như vậy tức là hành vi giải thoát, phóng thích, cứu lấy mạng sống.

Trong kinh Hoa nghiêm, phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện dạy rằng: “Chúng sinh thương yêu nhất là sinh mạng, chư Phật thương yêu nhất là chúng sinh. Cứu được thân mạng chúng sinh thì thành tựu được tâm nguyện của chư Phật”.

“Cá chim trắng không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và không ăn thịt các loài khác, chủ yếu ăn vật tĩnh chứ không động. Chúng là loài rất khó sinh sản và không chịu được rét”, ông Hoàng Tiến Minh, Chi cục trưởng thủy sản Hà Nội khẳng định và cho biết chưa có văn bản nào quy định tự ý thả cá chim trắng ra ngoài tự nhiên là trái pháp luật.

Phóng thích cá Chim

Tuy nhiên, việc phóng sinh hàng tấn cá trong đó có cá chim trắng Colossoma brachypomum, một loài cá ăn thịt đáng sợ trong họ cá hổ Characidae du nhập từ Nam Mỹ được nuôi ở các ao hồ Việt Nam thì quả thực quá sức tưởng tượng.

Rất nhiều cá thể của loài này đã vượt khỏi tầm kiểm soát của con người thoát ra vùng lòng hồ. Chúng tấn công ăn thịt rất nhiều các loài cá bản địa, chúng là nỗi khiếp sợ của các loài lưỡng cư, bò sát và ngay cả một số loài thú nhỏ. Những con cá chim trắng trên 1 kg trở lên thường hay tấn công đàn vịt con nuôi, chăn thả trong ao.

Theo thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT, ngày 26-9-2013 quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại thì loài cá này thuộc Nhóm 1: Loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại đã xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Thông tư này ghi tên cá là Paractus brachypomus, có tên đồng danh là Colossoma brachypomum hoặc Colossoma bidens.

Cá chim trắng Colossoma brachypomum.

Nguồn: Internet

Vậy cá chim trắng Colossoma brachypomum là gì, đến từ đâu mà lại khiến người dân hoang mang như vậy?

Một loài cá được du nhập về từ Nam Mỹ tập tính của chúng là loài săn mồi theo đàn, ăn tạp và rất hung dữ. Nếu chúng bị thoát ra ngoài tự nhiên sẽ là một nguy cơ lớn đối với các sinh vật bản địa như cướp mất phần thức ăn, tấn công các loài cá nhỏ và nguy cơ tiềm ẩn nhất là gây các loài bệnh cho loài bản địa, giết chết hàng loạt các loài cá sống ở các khu vực loài này sinh sống vì không có kháng thể.

Tuy nhiên, loài cá nằm trong danh mục “Giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh”, theo Quyết định số 57/2008/QĐ-BNN ngày 2/5/2008 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Việc nuôi loài cá này cần được quản lý chặt chẽ và nuôi trong những khu vực có thể kiểm soát được, tránh để chúng có thể thoát ra ngoài. Đặc biệt là những khu vực đất ngập nước thấp, vùng có lũ lụt thường xảy ra hay các khu vực bảo tồn nghiêm ngặt các loài bản địa, đặc hữu, các vùng nhạy cảm về sinh thái.

Thiết nghĩ nếu như thật sự cần thiết phóng sinh thì người dân nên có các biện pháp quản lý một cách chặt chẽ và hợp lý, kiểm soát phạm vi nghiêm ngặt, đề phòng các vấn đề xảy ra không như mong muốn, ảnh hưởng đến môi trường cũng như các loài sinh vật xung quanh.

Tổng hợp từ Farm tech Viet Nam

Vài nét về cá chim trắng nước ngọt

Một số đặc điểm sinh học của cá Chim trắng nước ngọt

  • Môi trường sống

Cá Chim trắng sống và phát triển tốt ở tất cả các vùng nước trong tỉnh Bắc Ninh. Độ pH của nước từ 5-8, hàm lượng oxy trong nước thấp đến 2 mg/l cá vẫn sống tốt. Có thể nuôi loại cá này ở các vực có pha nước thải sinh hoạt ven thị trấn, thị xã.

  • Đặc điểm sinh sản

Cá Chim trắng có tốc độ lớn khá nhanh. Thời kỳ từ cá mới nở (cá bột) ương lên cá hương sau 30 ngày ở mật độ 100con/m2 cá đạt chiều dài 3 – 3,5 cm, trọng lượng cá thể trung bình 0,8 gam/con. Năng suất cá hương đạt 500 kg/ha/30 ngày. Tỷ lệ sống từ cá bột lên cá hương đạt 52%. Thời kỳ từ cá hương (3 -4 cm) ương thành cá giống, mật độ ương 15 con/m2, sau 45 ngày cá đạt trọng lượng cá thể trung bình 25 gam/con.

Năng suất ương giống đạt 3 tấn/ha/45 ngày. Tỷ lệ sống từ cá hương lên cá giống đạt 80%. Đối với cá thịt, nếu nuôi ghép 5 – 7% cá Chim trắng trong các ao nuôi chung với các loài cá khác, tỷ lệ sống của cá Chim trắng là 100%, với tốc độ lớn là 1,2 – 1,5 kg sau 6 tháng nuôi. Nếu nuôi riêng cá Chim trắng với mật độ 2 con/m2, cỡ giống thả 4 cm, cho ăn thức ăn công nghiệp, tỷ lệ sống đạt 70%, trọng lượng bình quân khi thu hoạch là 0,8 kg/con. Năng suất cá thịt đạt 11 tấn/ha/10 tháng. Cá nuôi 2 năm đạt 3- 4 kg, cá 3 tuổi có con nặng 5 kg.

Đàn cá Chim trắng

Có thể cho cá Chim trắng sinh sản bằng phương pháp nhân tạo như cá Mè, Trôi, Trắm. Cá bố mẹ đưa vào nuôi vỗ phải đủ 3 tuổi, mật độ nuôi vỗ thưa 10 – 15 m2/con. Cho cá ăn với khẩu phần 5 – 7% trọng lượng cá trong suốt thời gian nuôi vỗ. Kích thước nước trước khi cho cá đẻ 4 tuần, mỗi tuần 2 lần bơm nước mới. Dùng các kích dục tố HCG, LRH- A, PG tiêm đều có tác dụng thúc đẩy phát triển và gây rụng trứng.

Tuy nhiên, việc phân biệt cá đực, cá cái, việc chọn lựa cá bố mẹ để cho đẻ theo cảm quan khó hơn nhiều loài cá khác. Tỷ lệ phát dục, tỷ lệ đẻ, tỷ lệ nở trứng và năng suất cá bột thấp hơn cá Mè, Trôi, Trắm.

  • Tập tính

Cá Chim trắng ăn tạp và phàm ăn. Chúng có bộ răng cửa rất cứng và sắc nên nhiều người lầm đó là loài cá dữ, nhưng thực chất lại hiền lành, chậm chạp. Một số người nuôi đã để lẫn chúng sang ao cá Mè, Trôi, Trắm nhưng không thấy chúng ăn cá con.

Hàm răng sắc nhọn của cá Chim trắng

Cá Chim trắng ăn các loài phù du sinh vật, các loại hạt ngũ cốc, các loại rau củ quả, chúng ăn cả lá bí, lá mướp, xác động vật chết, các loại phế phẩm của lò mổ… Khi nuôi công nghiệp với mật độ cao chúng ăn thức ăn chế biến là chính.

Trong các ao nuôi ghép có hiện tượng cá Chim trắng thiếu ăn nên gặm vây đuôi cá Mè, Trôi, Trắm, nhưng nếu nuôi ghép cá Chim trắng với cá Rô phi đơn tính thì không có tình trạng này. Mức tiêu tốn thức ăn khi nuôi bằng thức ăn viên là 1,8 – 2kg thức ăn/1 kg cá thịt, tương đương với mức tiêu tốn thức ăn của cá Rô phi.

  • Khả năng sinh tồn

Cá Chim trắng kém chịu lạnh. Chúng sống và sinh trưởng tốt khi nhiệt độ nước 25 – 320C nhưng lại ngừng ăn khi nhiệt độ nước xuống dưới 150C và chết nhiều khi nhiệt độ nước thấp dưới 100C.

Cá Chim trắng ít bệnh tật vào mùa hè, nhưng vào mùa đông chúng thường nhiễm các loại nấm, trùng quả dưa trùng bánh xe, sán lá… với cường độ và tỷ lệ cảm nhiễm cao, gây chết cá giống hàng loạt. Vì vậy, muốn giữ cá qua đông phải chống lạnh kết hợp với phòng bệnh cho cá.

Cá Chim trắng dễ bị đánh bắt do hiền lành, chậm chạp. Ngay mẻ lưới đầu tiên có thể thu 90% số cá trong ao. Có lẽ do đặc điểm này nên trong các ao nuôi ghép chúng không gây áp lực cạnh tranh cho các loài cá khác.

Thịt cá Chim trắng nước ngọt ở mức bình thường. Do có nhiều xương răm, lườn bụng mỏng, nhiều mỡ, cỡ cá dưới 1 kg thịt không săn chắc nên không được ưa chuộng. Ngoài thị trường, giá cá thịt Chim trắng thấp hơn cá Rô phi, cá Chép, cá Trắm cỏ nhưng cao hơn cá Mè, cá Trôi.

Món cá nướng hấp dẫn từ cá Chim trắng

Như vậy có thế nói cá Chim trắng là đối tượng nuôi phổ biến trong các vùng nước tỉnh ta. Nó được sử dụng như các loại cá giống khác để làm phong phú thêm thành phần đàn cá nuôi hiện có. Với tất cả ưu và nhược điểm của chúng, chắc chắn người dân sẽ có các biện pháp nuôi cá Chim trắng hợp lý và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Tổng hợp bởi Farm tech Viet Nam

Kinh nghiệm nuôi cá chim vây vàng

Cá chim trắng vây vàng là loài cá biển có chất lượng thịt ngon, giá trị kinh tế cao nên những năm gần đây cá chim trắng vây vàng được nhiều nông dân khắp cả nước chọn nuôi.

Với 50 lồng nuôi ở khu vực đầm Nha Phu, gia đình chị Võ Thị Thu Thủy ở thôn Ngọc Diêm, xã Ninh Ích, TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) chỉ thả đơn thuần cá chim vây vàng mỗi năm kiếm lời hàng trăm triệu đồng.

Bè nuôi cá chim vây vàng của gia đình chị Thủy

Theo chị Thủy, nuôi cá chim vây vàng có thuận lợi so với các loài cá khác là nguồn giống được chủ động mua tại các cơ sở SX giống ở Vĩnh Lương (TP Nha Trang), với giá 5.000 – 6.000 đ/con; cá có sức đề kháng cao, tỷ lệ hao hụt thấp, dễ nuôi và không có nhiều bệnh tật, cho ăn cám công nghiệp nên không bị ô nhiễm nguồn nước.

“Trung bình mỗi năm tôi thả từ 35.000 – 37.000 con, sau 6 – 7 tháng nuôi bắt đầu thu hoạch cá có kích cỡ từ 0,5 – 0,6 kg/con, bán với giá 110.000 – 120.000 đồng/con, trừ chi phí còn lãi trên 300 triệu đồng/năm”, chị Thủy nói.

Cũng theo chị Thủy, hiện có 2 hình thức nuôi cá chim vây vàng là nuôi lồng, bè trên biển và nuôi trong ao đất với nguồn nước dẫn trực tiếp từ biển vào. Độ sâu nước thích hợp cho cá sống là 5 – 6m, nhiệt độ thích hợp từ 28 – 30ºC.

Nếu nuôi trong lồng bè trên biển như gia đình chị, lồng nuôi hình vuông có kích thước 3 x 3m thả từ 3.000 – 4.000 con/lồng (cá nhỏ nuôi từ 1 – 3 tháng). Đến khi cá nuôi bước sang tháng thứ 4 – 5 trở đi sẽ nuôi thưa chỉ khoảng 1.000 con/lồng.

Để cho cá sinh trưởng và phát triển tốt, đối với cá nhỏ, trung bình mỗi ngày cho ăn 3 lần, còn cá lớn ăn 2 lần và cứ 7 – 10 ngày vệ sinh lồng nuôi. Không dùng cá tạp làm thức ăn vì dễ làm ô nhiễm nước và truyền bệnh cho cá nuôi.

Trên đây là một số kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn nuôi cá chim vây vàng của gia đình chị Thủy. Hi vọng nhiều hộ nuôi có thể học hỏi và thành công đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nguồn: Nongnghiep được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

Kỹ thuật nuôi cá chim vây vàng.

Việc tìm kiếm một số đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao để thay thế con tôm cho những vùng nuôi khó khăn vì lý do môi trường nuôi lâu năm bị ô nhiễm và dịch bệnh luôn là vấn đề được cơ quan chức năng và người dân quan tâm. Cá chim vây vàng là một đối tượng như vậy.

Cá chim vây vàng.

Trachinotus blochii có phân bố ở biển Việt Nam nhưng ít khi bắt gặp. Do giá trị kinh tế cao nên Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 và Trường cao đẳng thủy sản du nhập giống từ Đài loan về cho sinh sản nhân tạo và tiến hành nuôi thử nghiệm trong ao đất thành công loài cá này. Đầu tháng 9/2011 Trung tâm khuyến nông khuyến ngư Quốc gia đã tiến hành xây dựng mô hình Nuôi cá chim vây vàng thương phẩm” tại xã Nghi Xá – Nghi Lộc – Nghệ an. Đây là đối tượng được người nuôi thuỷ sản mặn lợ kỳ vọng có thể thay thế những vùng nuôi tôm kém hiệu quả trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Cá chim vây vàng, thuộc loài cá rộng muối, có thể sinh sống ở độ mặn từ 3-330/00, dưới 200/00 cá sinh trưởng nhanh, trong điều kiện độ mặn cao tốc độ sinh trưởng của cá chậm.

Chọn và thả giống. 

Chọn giống.

Kích cỡ đồng đều 8 – 10 cm, khoẻ mạnh, không dị hình dị tật, không có dấu hiệu bệnh lý, bơi lội nhanh nhẹn.

Cần kiểm tra bệnh VNN (bệnh hoại tử thần kinh) trước khi thả giống.

Tắm cho cá bằng nước ngọt hoặc fomaline với nồng độ 20 ppm từ 10 – 15 phút. Trong quá trình tắm phải cung cấp sục khí cho cá để không bị thiếu oxy.

Mùa vụ thả vào tháng 3 – 4 hàng năm, thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

Chăm sóc và quản lý.

Thức ăn công nghiệp dạng viên nổi (dùng cho cá nuôi mặn, lợ).

Cách cho ăn: Cho thức ăn vào khung nhựa hoặc tre để giữ thức ăn cho cá. Cho ăn ngày 2 lần vào buổi sáng (8h) và buổi chiều mát (17 – 18h). Những ngày trời lạnh (nhiệt độ nước dưới 17C) hoặc trời nóng (nhiệt độ nước trên 36C) không cho cá ăn. Khi cho cá ăn cần quan sát kỹ khả năng ăn của cá để cho ăn phù hợp.

Thay nước: Theo dõi chất lượng nước thuỷ triều và chất lượng nước trong ao để tiến hành thay nước. Hàng tháng thay 20 – 30 % lượng nước ao nuôi.

Cung cấp quạt nước: Từ tháng thứ 2 cần cung cấp thêm quạt nước để tăng oxy cho cá. Với công suất quạt nước 1,7 kw cần lắp một bộ dàn (gồm 4 cánh/1000 m2. Bắt đầu quạt từ 24h – 5h hàng ngày.

Bón vi sinh: Hàng tháng bón vi sinh cho ao 1 lần để hạn chế sự ô nhiễm môi trường ao nuôi.

Kiểm tra sinh trưởng và bệnh: Hàng tháng cần kiểm tra tốc độ sinh trưởng và bệnh cho cá để có biện pháp xử lý kịp thời và điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Cần lập sổ theo dõi về tốc độ sinh trưởng, chế độ cho ăn, quá trình xử lý về môi trường và bệnh tật của cá.

Phòng và trị bệnh thường gặp.

Cá chim vây vàng thường mắc bệnh trùng bánh xe và trùng quả dưa khi nhiệt độ nước từ 23 – 26C. Ở miền bắc từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau cá thường mắc bệnh. Khi cá bị bệnh thường bỏ ăn, bơi tách đàn không định hướng. Thân cá bị lở loét sau từ 2 – 3 ngày mắc bệnh.

Phòng bệnh: luôn giữ nước ao sạch, tắm phòng cho cá 20 ppm (20 ml/m) formaline hàng tháng.

Thu hoạch.

Sau 10 – 12 tháng nuôi có thể thu hoạch cá với cỡ thương phẩm từ 650-700 g/con.

Cá chim vây vàng là loài dễ thu hoạch. Trước khi thu hoạch 1 ngày không cho cá ăn. Có thể dùng lưới kéo được trên 95% tổng số cá trong ao. Sau đó tháo cạn ao và thu nốt số còn lại.

 

 

Nguồn: Tổng hợp lại bởi Farmtech VietNam