Điểm sáng sản xuất giống thủy sản

Trạm Thực nghiệm NTTS Cát Tiến (Trung tâm Giống thủy sản Bình Định) đã nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, không chỉ cung ứng cho người NTTS ở Bình Định mà còn chiếm được niềm tin của người nuôi trên cả nước.

Cán bộ Trạm TNNTTS Cát Tiến chăm sóc hàu giống

Mặc dù phải làm việc trong điều kiện cơ sở hạ tầng vô cùng khó khăn, nhưng với lòng đam mê nghề nghiệp, những cán bộ của Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến (huyện Phù Cát, Bình Định) đã lặng lẽ nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, giúp người nuôi nâng cao hiệu quả SX.

Khó khăn không cản được bước tiến

Cách đây gần 10 năm, trong dịp về công tác tại Trạm Thực nghiệm NTTS Cát Tiến (Trung tâm Giống thủy sản Bình Định), tôi đã thật sự thấy choáng với hệ thống cơ sở vật chất quá xập xệ. Bây giờ về lại, đổi thay duy nhất mà tôi nhận ra là cơ sở hạ tầng ấy càng xuống cấp hơn.

Tuy nhiên, trong chừng ấy năm, Trạm đã nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, không chỉ cung ứng cho người NTTS ở Bình Định mà còn chiếm được niềm tin của người nuôi trên cả nước.

“Trạm được thành lập vào năm 2004, cơ sở hạ tầng được tận dụng từ xí nghiệp SX tôm giống để lại, từ đó đến nay chưa được sửa sang gì nên hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Dù vậy, Trạm vẫn được đánh giá là một trong số ít đơn vị hoạt động hiệu quả nhất trên cả nước”, ông Nguyễn Thế Vũ, GĐ Trung tâm Giống thủy sản Bình Định tự hào.

Ba năm sau ngày thành lập, Trạm đã tạo được tiếng vang khi thành công nhân giống cua xanh, một sản vật của đầm Thị Nại đã dần vắng bóng do khai thác quá mức. Từ công nghệ nuôi cua xanh tại Viện Nghiên cứu NTTS III (Khánh Hòa), những cán bộ của trạm đã SX được giống cua này, để trở thành 1 trong 5 đơn vị trong nước SX được giống cua xanh.

Hàu Thái Bình Dương đang được nuôi mạnh tại Bình Định

Ba năm sau, Trạm tiếp tục thành công với giống hàu Thái Bình Dương. Cũng học hỏi kinh nghiệm từ Viện Nghiên cứu NTTS III, bên cạnh thực hiện quy trình kỹ thuật được chuyển giao, các cán bộ của trạm vẫn thể hiện được dấu ấn sáng tạo của mình. Tùy theo thực tế về môi trường, thời tiết, khí hậu, đặc điểm sinh học, những cán bộ của Trạm có những điều chỉnh phù hợp. Quy trình kỹ thuật dần ổn định, mang lại hiệu quả cao. Hiện mỗi tháng trạm SX ít nhất 70.000 hàu giống, lúc cao điểm lên đến 200.000 con.

Ngoài cung cấp cho người nuôi trồng trong tỉnh, con giống cua xanh, cá chẽm, cá bớp, hàu, tôm của trạm còn “xuất ngoại” ra các tỉnh duyên hải miền Trung và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Bây giờ, giống hàu Thái Bình Dương của Trạm có thể cạnh tranh ngang ngửa với con giống của các đơn vị NTTS lớn trong nước.
Bên cạnh cua xanh, cá chẽm, hàu Thái Bình Dương, Trạm còn SX được nhiều giống thủy sản quý, như ốc hương, tôm sú, chình bông, tu hài. Trạm cũng góp phần lưu giữ nhiều loại giống đặc hữu của địa phương, như cá măng Phù Mỹ.

“Điểm tựa” của người nuôi trồng thủy sản

Mấy chục năm gắn với nghề NTTS trên đầm Đề Gi, nằm trên địa bàn xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), ông Thái Văn Triên từng nuôi thử nghiệm đủ con giống trên diện tích 1ha mặt nước, nhưng cuối cùng ông đã “mê tít” giống hàu. Đều đặn mỗi năm ông thả 3 lứa, mỗi lứa 70.000 – 80.000 hàu giống.

“Giống này phát triển tốt lắm, nhanh thu hoạch, giá giống rẻ hơn mua từ nơi khác. Hàu nuôi khoảng 4 tháng rưỡi là đạt 8 – 9 con/kg. Đây là con giống thủy sản phù hợp để phát triển ở vùng này”, ông Triên bộc bạch.

Trạm còn “nuôi mộng” xây dựng mô hình liên kết nuôi hàu theo chuỗi để làm cầu nối tiêu thụ cho người nuôi hàu thương phẩm. Trạm sẽ mua gom hàu thương phẩm của bà con nuôi từ con giống có xuất xứ từ trạm, xử lý bằng nước sạch và tia cực tím để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sau đó cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị để nâng cao giá trị.

Cán bộ Trạm Cát Tiến phải làm việc trong điều kiện cơ sở hạ tầng xập xệ

Theo ông Nguyễn Thế Vũ, hiện cua xanh và cá chẽm cũng được người NTTS trong tỉnh phát triển rất mạnh theo phương pháp quảng canh ở vùng nước lợ và diện tích mặt nước trong vùng hạ và trung triều với khoảng 1.500ha. Tuy nhiên, dù năng lực có thừa, nhưng Trạm Cát Tiến chỉ có thể SX mức độ do điều kiện cơ sở hạ tầng không cho phép. Do đó, con giống thủy sản của Trạm không đủ cung ứng cho người nuôi trồng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thủy sản đơn tính

Ở một số loài thủy sản nước ngọt, giới tính đực hoặc cái sẽ có kích thước và chất lượng vượt trội hơn hẳn giới tính cò lại. Tuy nhiên, khi đưa vào nuôi thương phẩm thì đa số thường nghiêng về giới tính bất lợi cho người nuôi. Vì vậy, người nuôi có xu hướng tạo vật nuôi đơn tính toàn đực hoặc toàn cái nhằm tăng hiệu quả kinh tế.

Hiện nay, có khá nhiều phương pháp được ứng dụng trong thực tế như: lai xa, xử lý bằng hormon sinh dục, kỹ thuật nhiễm sắc thể, thông qua con siêu đực, siêu cái hoặc kết hợp giữa nhiều phương pháp với nhau.

Cá rô phi

Cá rô phi là loài thuộc chi Oreochromis, có số lần sinh sản trong năm tới 12 – 13 lần, vì vậy, nếu trong đàn cá nuôi có số lượng con cái quá nhiều thì sản lượng thu hoạch sẽ thấp. Nguyên nhân, do các con cái phải tích lũy chất dinh dưỡng để phát triển buồng trứng nhằm đáp ứng nhiều lần sinh sản trong năm, do đó tốc độ tăng trưởng giảm khiến sản lượng thấp.

Cá Rophi đực có kích thước vượt trội

Phương pháp dùng hormone chuyển đổi giới tính: Người nuôi có thể trộn hormone vào thức ăn cho cá; ngâm (tắm) cá vào dung dịch trộn hormone hoặc tiêm hormone vào cơ thể. Phương pháp này được ứng dụng trên khá nhiều loài rô phi khác nhau để tạo đàn toàn đực. Kết quả từ phương pháp này cho thành công tới 95 – 97%. Hormone sử dụng trong phương pháp này gồm hai nhóm: Androgen chuyển giới tính từ cá cái thành cá đực và Oestrogen chuyển từ đực thành cái. Với nhóm Androgen, người nuôi có thể sử dụng hormone 19-nor-ethynylestotestosteron (thuộc nhóm mạnh nhất) hoặc Methytestosteron được tổng hợp nhân tạo có hiệu lực không thua kém và cũng có hiệu quả đối với nhiều loài cá, trong đó có cá rô phi. Nhóm Oestrogen có 2 loại phổ biến: Oestradiol-17b và Ethynyloestradiol. Phương pháp được tiến hành theo sơ đồ sau:

Cá bột => Oestrogen trộn vào thức ăn => cá cái

Cá bột => Androgen trộn vào thức ăn => cá đực

Phương pháp lai xa: Dựa trên việc xác định thành công giới tính, từ đó tiến hành lai hai loài cá rô phi thuộc hai nhóm khác nhau sẽ thu được ở thế hệ con lai F1 có 100% cá đực. Với phương pháp này, cá bố mẹ sau thời gian nuôi vỗ khoảng 45 – 60 ngày, bắt cá đực và cái mổ kiểm tra mức độ thành thục của tuyến sinh dục đực và cái. Mức độ thành thục khoảng 70% trên tổng số quần đàn, tiến hành ghép cá bố mẹ phục vụ cho sinh sản. Trong thời gian cá bố mẹ sinh sản, người nuôi sẽ tiến hành thu và vớt trứng. Tùy thuộc vào nhiệt độ nước của ao trong quá trình sản xuất giống mà xác định lịch thu trứng. Nhiệt độ nước 20 – 23oC thì chu kỳ thu trứng là 10 – 12 ngày; nhiệt độ nước 27oC trở lên thì chu kỳ thu trứng chỉ là 7 ngày.

Cá rô đồng

Cá rô đồng thuộc chi Anabas, con cái thường có tốc độ tăng trưởng vượt trội so con đực vì sinh sản ít lần trong năm, tích lũy nhiều mỡ và khối lượng buồng trứng rất lớn, chứa nhiều dinh dưỡng làm trọng lượng con cái lớn hơn con đực rất nhiều.

Cá rô đồng đực (dưới) có kích thước lớn hơn so với cá cái (trên)

Trước đây, người nuôi đã áp dụng phương pháp thủ công bằng hình thức lọc đàn cá thông qua mắt lưới (còn gọi là chặt đầu con), tuyển lại những con có kích thước lớn hơn để nuôi riêng. Đa số những con lớn đều là những con cái, có tốc độ phát triển nhanh hơn và quá trình tuyển lựa này phải được thực hiện 2 – 3 lần trong 1 chu kỳ nuôi, tỷ lệ con cái sẽ đạt 65 – 70%. Mới đây, một nghiên cứu đã thành công trong  sản xuất giống cá rô đồng toàn cái bằng phương pháp tạo cá đực đặc biệt. Giải pháp này nhằm tạo ra những cá đực đặc biệt, mang bộ nhiễm sắc thể cái (XX). Phương pháp cho thế hệ cá con với tỷ lệ cá cái 75 – 92%, trong khi ở điều kiện sản xuất bình thường, tỷ lệ cá cái chỉ khoảng 40%.

Tôm càng xanh

Ở loài tôm càng xanh (tên khoa học Macrobranchium rosenborgii) do con cái thường phải ôm trứng nhiều lần trong chu kỳ sống, ngay cả khi trọng lượng cơ thể còn nhỏ chúng đã tham gia sinh sản và phải sử dụng nhiều chất dinh dưỡng nuôi buồng trứng. Nhưng do điều kiện môi trường không phù hợp (tôm càng xanh đẻ trứng và trứng phải nở trong môi trường nước mặn) nên trứng dần thoái hóa và thải ra môi trường bên ngoài mang theo nhiều dinh dưỡng.

Tôm càng xanh đực (trên) có kích thước lớn hơn hẳn so với con cái (dưới)

Hiện, có 2 phương pháp sản xuất đàn giống tôm càng xanh toàn đực: Phương pháp vi phẫu tạo con cái giả và phương pháp tiêm sợi đôi iRNA chuyển giới tính tôm đực. Đối với phương pháp vi phẫu: Cắt tuyến sinh dục đực của 1 con tôm đực trưởng thành; sau đó, cho giao phối với một con tôm đực khác có ngoại hình tốt và tốc độ tăng trọng nhanh để sản xuất ra 1 đàn giống tôm càng xanh toàn đực. Phương pháp tiêm sợi đôi iRNA: Ở tôm càng xanh và các đối tượng giáp xác khác, sự biệt hóa của tuyến đực có liên quan gen Insulin-like. Gen này điều khiển sự phát triển và biệt hóa tôm con thành con đực. Nguyên tắc của tiêm iRNA là tạo liên kết bất hoạt gen này, do đó tuyến đực không thể hoạt động để chuyển tôm con thành con đực mà sẽ phát triển thành con cái. Với công nghệ này, sau khi tôm chuyển cái thì tỷ lệ thành thục là 95% và số tôm thành thục này tham gia sinh sản đạt 98 – 100%.

Cá chình

Cá chình (Anguilla sp) loài loài thủy sản di cư sinh sản phức tạp nên chưa thể sản xuất giống nhân tạo được. Cá cái có tốc độ sinh trưởng nhanh hơn và kích thước cơ thể lớn hơn cũng như chất lượng thịt thơm ngon hơn so với cá chình đực.

Công ty nuôi trồng thuỷ sản mới NovaEel  đã thành công trong việc biến cá chình thủy tinh đực thành cá cái, và nuôi chúng ở mật độ cao, các sản phẩm này không gây nguy hại cho sức khoẻ con người. Phương pháp chuyển đổi giới tính trên cá chình bằng cách sử dụng một loại estrogen có tên là estradiol có thể cái hóa này ngay cả trước khi cá chình phát triển bất cứ đặc điểm sinh dục nào có thể nhìn thấy. Điều quan trọng hơn là sau vài ngày hàm lượng estradiol của chình trở lại bình thường,không để lại dư lượng nào trong mô nên đặc biệt an toàn với người tiêu dùng.

Hiện phương pháp này mới chỉ có công ty nuôi trồng thuỷ sản mới NovaEel áp dụng thành công và ở Việt Nam chưa có công nghệ này.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

 

Phương pháp mới chuyển đổi giới tính cá chình tăng năng suất thịt

Một nghiên cứu mới có tính đột phá của nhóm các nhà khoa học Canada trong việc cải thiện chất lượng và năng suất thịt cá chình thông qua phương pháp chuyển đổi giới tính.

Thực hành đánh bắt cá con từ tự nhiên và nuôi chúng ở các trang trại cho đến tuổi trưởng thành đã cung cấp cho thị trường Châu Á những món ăn có hương vị thơm ngon và đầy dinh dưỡng, nhưng phần lớn là cá chình đực, không đủ cung cấp cho thị trường những sản phẩm thật sự chất lượng.

Sự đổi mới từ Nova Scotia, Canada có thể làm cho loại hình nuôi cá nước này trở thành hoạt động có tính thương mại bằng cách biến cá chình đực thành những con cái trưởng thành nhanh hơn và nặng hơn.

Công ty nuôi trồng thuỷ sản mới NovaEel cho biết họ đã thành công trong việc biến cá chình thủy tinh đực thành cá cái, và nuôi chúng ở mật độ cao, các sản phẩm này không gây nguy hại cho sức khoẻ con người.

Công ty đã làm việc với các nhà khoa học tại Trường Y khoa Dalhousie để hoàn thiện phương pháp chuyển đổi cá chình đực thành cái.

Tiến sĩ James Fawcett, giáo sư thuộc khoa Dược lý và giải phẫu cho biết: “Chúng tôi đã xác nhận một phương pháp chuyển đổi giới tính trên chình bằng cách sử dụng một loại estrogen có tên là estradiol có thể cái hóa này ngay cả trước khi cá chình phát triển bất cứ đặc điểm sinh dục nào có thể nhìn thấy”. Bài báo được công bố tại Dalhousie University, Dal News. “Điều quan trọng nhất đối với sức khoẻ con người, chúng tôi nhận thấy rằng hàm lượng estradiol của chình trở lại bình thường chỉ trong vài ngày, không để lại dư lượng nào trong mô.”

Trường đại học này cho biết, với thách thức chính của nghề nuôi chình, bước tiếp theo của NovaEel là tìm kiếm sự chấp thuận của FDA và Health Canada cho quá trình này và thuốc sử dụng, và sau đó chuyển sang các vấn đề thực tế trong việc nuôi chình cái.

NovaEel dự định thu hoạch chình ở tự nhiên và nuôi chúng ở các cơ sở sản xuất có năng suất thấp. Ông Dal News cho biết, dự kiến bắt đầu nuôi cá chình vào đầu năm 2020, giả định tất cả đều tốt với sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

Giám đốc điều hành của NovaEel nói. “Chúng tôi muốn nắm bắt được giá trị tiềm năng của ngành công nghiệp này đối với nền kinh tế hàng hải bằng cách cao giá trị của chình biển tại thị trường ở đây. Nhờ các đối tác của chúng tôi tại Dalhousie, chúng tôi hy vọng sẽ có thể làm điều đó.”

Nguồn: Tepbac được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

“Huấn luyện viên” cá chình bông

Không cần nuôi trong suối nước mát, không cần thức ăn tươi sống mà cá chình vẫn khỏe, lớn nhanh… Đó là những điều khác biệt mà anh Phương Trung (Ninh Giang, Ninh Phước, Ninh Hòa, Khánh Hòa) “huấn luyện” cho cá chình giống của mình và chinh phục được nhiều khách hàng đặt mua…

CHO CÁ “Ở” TRONG BỂ XI MĂNG

Không như những gì tôi tưởng tượng về một trại giống ương cá chình nằm ven chân núi, ven suối hay trong bè trên sông… như vẫn thường thấy, trại giống của anh Trung lại là một trại tôm giống cũ, nằm ven biển, toàn là bể xi măng. Vậy mà, lượng cá chình nuôi trong khu bể vốn để ương tôm post này hàng năm cung cấp cho thị trường đến 1,5 triệu con cá chình giống quý hiếm. “Ở đây chắc nóng lắm, cá chình liệu có thích hợp?” – tôi thắc mắc.

Không trả lời vội, dẫn tôi đi sâu vào khu trại, nơi hàng ngàn con cá chình đang vào cữ ăn, anh Trung chậm rãi nói: Hiện nay trên thế giới chưa có nước nào cho cá chình sinh sản nhân tạo. Cá chình giống hiện nay đều được bắt từ môi trường tự nhiên. Vì vậy, dù nghề nuôi cá chình bông sinh lợi rất lớn, giá cá thương phẩm loại 1 (2-5kg/con) lên đến 400.000 đồng/kg, nuôi 1.000 con, đến khi thu hoạch có thể cho thu lãi đến vài trăm triệu đồng. Nhưng “rào cản” lớn nhất của nghề này lại chính là con giống, khan hiếm, không chủ động về số lượng, chất lượng cũng như độ đồng đều. Cá được thu về từ việc đánh bắt ngoài thiên nhiên rất dễ bị xây xát, đuối sức nên tỷ lệ cá chết rất cao.

Hai năm trước, anh tình cờ quen biết một chuyên gia Đài Loan, người đã giới thiệu cho anh biết về nghề nuôi cá chình bông cũng như hứa hẹn với anh về nguồn cung cấp giống dồi dào, ổn định. Và đó chính là thời điểm anh bắt đầu “bén duyên” với cá chình. Anh đã bỏ ra không ít tiền đi hàng chục tỉnh thành trong nước học hỏi các mô hình nuôi và ước tính nhu cầu giống. Vận dụng kinh nghiệm nhiều năm làm trong nghề nuôi thủy sản, kinh nghiệm của những tháng ngày mày mò nghiên cứu cho cua, cá ngựa, tôm sú, tôm chân trắng đẻ nhân tạo, anh mạnh dạn nhập cá chình giống chỉ bằng que tăm từ Đài Loan về nuôi ương.

Cá chình là loài cá nước ngọt và ưa vùng nước lạnh (chúng được xếp vào nhóm cá nước lạnh nội địa). Để cá thích nghi được với môi trương mới, anh đã mua thiết bị và thiết kế lại khu trại tôm post của mình. Anh đặt một hệ thống ống nước, lấy nước bơm từ giếng lên xả vào các bể cá, đồng thời xả nước từ bể ra ngoài. Mục đích là tạo ra một môi trường nước chảy thường xuyên ra – vào bể cá, bảo đảm nước không bị quá nóng khi nhiệt độ ngoài trời lên cao và tạo nên một môi trường nước chảy thích hợp với cá chình như ở suối. Ban đầu hệ thống anh làm và sự chăm sóc cá còn chệch choạc nên cá chết nhiều. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay cách làm của anh đã thành công, tỷ lệ cá sống đến trên 95%, đặc biệt là sau khóa “huấn luyện” cá giống của anh có thể thích nghi với điều kiện sống khác hẳn với môi trường thiên nhiên. Cá không chỉ có thể chịu nhiệt tốt mà còn không sợ ánh sáng, chuyển sang ăn nổi, lớn nhanh trong cả môi trường nước không hoàn toàn ngọt ở những vùng nước bị nhiễm mặn.

LUYỆN ĂN “CÁM TỔNG HỢP”

Kể về chuyện này, anh Trung tự hào cho biết: Sau khi đã nắm được phương pháp huấn luyện cho cá chình giống sống tốt trong môi trường bể xi măng tôi mới thấy sự bất tiện của việc cho chúng ăn bằng thức ăn tạp tươi sống. Không chỉ vì việc băm nát cá tạp 2 lần/ngày rất mất thời gian, việc bảo quản cá cho thật tươi cũng rất nhiêu khê. Mặt khác, quá trình cá bắt mồi không đồng đều, rồi mồi rớt, lắng, dư thừa trong bể nếu không thường xuyên mất công vệ sinh kỹ sẽ gây ô nhiễm nguồn nước. Đó là chưa kể khi cá bị bệnh, trộn thuốc vào thức ăn tạp cũng không mấy hiệu quả, thuốc bị tan ra trong nước…

Vậy là, chàng thanh niên vốn ham mê tìm tòi cái mới này bắt tay vào nghiên cứu làm thức ăn công nghiệp cho cá chình. Từ kinh nghiệm làm thức ăn cho tôm ngày trước, chỉ trong thời gian ngắn anh đã chế biến thành công loại thức ăn công nghiệp với đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cá chình bông.

Để cá bắt mồi đồng đều, khắc phục và hạn chế việc thức ăn dư thừa trong bể gây ô nhiễm nước, khi cho cá ăn, anh cho vào cám một ít nước rồi nhào kỹ. Cứ mỗi bể cá, anh treo vào 2 – 3 rá nhựa. Mỗi ngày, trước mỗi cữ ăn, anh gõ mạnh vào thành thau nhôm phát ra tiếng leng keng như hiệu lệnh giờ ăn rồi mới múc từng cục lớn thức ăn đã nhào dẻo thả vào rá. Nhiều lần như vậy, cá quen, cứ hễ nghe tiếng gõ là cá tự động “tập hợp” quanh rá, rỉa cục cám cho đến khi no…

Bằng những biện pháp “huấn luyện” khoa học, sáng tạo và cách chăm sóc cá chu đáo, chỉ trong vòng 6 tháng cá chình tăm đã lớn đến cỡ 50 – 100 con/kg bán làm giống với giá 18.000 đồng/con. Cách làm này cho anh thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nguồn: Nongnghiep được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Hoàn thiện công nghệ ươm và nuôi thương phẩm cá chình hoa theo hướng công nghiệp

Nhóm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III do ThS. Hoàng Văn Duật dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Hoàn thiện công nghệ ươm giống và nuôi thương phẩm cá chình hoa (Anguilla marmorata) theo hình thức công nghiệp”.

Cá chình có giá trị dinh dưỡng cao được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, nghề nuôi cá chình ngày càng gặp nhiều khó khăn vì nguồn cá chình giống tự nhiên ngày một cạn kiệt. Do đặc điểm sinh sản đặc biệt của cá chình nên hiện chưa có nơi nào trên thế giới sản xuất thành công giống cá chình nhân tạo đáp ứng nhu cầu nuôi thương mại. Hầu hết nguồn giống hiện tại đều dựa vào đánh bắt tự nhiên với số lượng hạn chế nên sản lượng cá chình nuôi trên thế giới ngày càng giảm sút.

Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để trở thành một trong những nước có sản lượng cá chình hàng đầu thế giới, nhờ có điều kiện khí hậu và nguồn nước rất thuận lợi, có nguồn giống ở các tỉnh miền Trung với sản lượng trên 10 triệu con/năm. Nếu sử dụng nguồn lợi này để nuôi thương phẩm thì sản lượng có thể đạt tới 8.000 – 10.000 tấn/năm. Tuy nhiên, công nghệ nuôi cá chình còn lạc hậu, sử dụng thức ăn là cá tạp, môi trường và dịch bệnh đều khó kiểm soát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên năng suất và hiệu quả thấp.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III do ThS. Hoàng Văn Duật dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Hoàn thiện công nghệ ươm giống và nuôi thương phẩm cá chình hoa (Anguilla marmorata) theo hình thức công nghiệp” nhằm mục tiêu hoàn thiện quy trình công nghệ ươm giống và nuôi thương phẩm cá chình theo hình thức công nghiệp đạt năng suất cao, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đề tài đã thu được một số kết quả nhất định trong việc giải quyết kỹ thuật ươm cá chình bột trắng lên thành cá giống, chủ động tạo ra một số lượng cá giống cung cấp cho thị trường, mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của nghề nuôi cá chình.

Mô hình ươm giống với quy mô gia đình sẽ được áp dụng tại các trang trại ươm giống ở các tỉnh có nguồn cá chình bột trắng phong phú là Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và các tỉnh có nhu cầu lớn tiêu thụ cá giống là Bạc Liêu, Sóc Trăng.

Mô hình nuôi quy mô công nghiệp hiện đại trong nhà xưởng với hệ thống lọc sinh học tuần hoàn đòi hỏi phải đầu tư lớn, yêu cầu trình độ kỹ thuật vận hành cao sẽ được chuyển giao cho một số công ty nuôi thủy sản áp dụng.

Kết quả của dự án mở ra khả năng cung cấp số lượng lớn cá giống chất lượng cao cho nuôi thương phẩm, giúp nghề nuôi cá chình tận dụng tối đa nguồn lợi giống khai thác từ tự nhiên.

Công nghệ mới với hệ thống nuôi tuần hoàn, năng suất cao, bổ sung oxy nguyên chất, sử dụng thức ăn công nghiệp, kiểm soát môi trường và dịch bệnh, sẽ làm tăng lòng tin của các nhà đầu tư, mở ra hướng mới góp phần thúc đẩy nghề nuôi cá chình theo hướng công nghiệp, hiện đại.

Nguồn: Khoahocphothong được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Đặc điểm sinh học của cá chình

Cá Chình là loài cá có thịt thơm ngon, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên để nuôi tốt đòi hỏi chúng ta không chỉ có kinh nghiệm phong phú và phải có một phương pháp nuôi khoa học, tạo mọi điều kiện cho cá phát triển là ưu tiên hàng đầu, mau lớn. Đồng thời, phải nắm rõ các đặc điểm sinh học để có chế độ nuôi và chăm sóc phù hợp. Dưới đây là một số đặc điểm sinh học nổi trội của cá chình.

Cá chình

Môi trường

Cá chình là loài cá có tính thích ứng rộng với độ mặn, cá có thể sống được ở nước mặn, nước lợ, nước ngọt.

Cá thích bóng tối, sợ ánh sáng nên ban ngày chui rúc trong hang, dưới đáy ao, nơi có ánh sáng yếu, tối bò ra kiếm mồi di chuyển đi nơi khác.

Da và ruột cá có khả năng hô hấp, dưới 15o chỉ cần giữ cho da cá ẩm ướt là có thể sống được khá lâu. Trời mưa cá hoạt động rất khoẻ bò trườn khắp ao.

Cá chình là loài cá có phạm vi thích nhiệt rộng. Nhiệt độ từ 1 – 38oC cá đều có thể sống được, nhưng trên 12oC cá mới bắt đầu mồi. Nhiệt độ sinh trưởng là 13 – 30oC thích hợp nhất là 25 – 27oC.

Hàm lượng ôxy hoà tan trong nước yêu cầu phải trên 2 mg/1, 5 mg/l là thích hợp cho sinh trưởng, vượt quá 12 mg/l dễ sinh ra bệnh bọt khí.

Tập tính ăn và sinh trưởng

Cá chình là loại cá ăn tạp, trong tự nhiên thức ăn của cá là tôm, cá con, động vật đáy nhỏ và côn trùng thuỷ sinh.

Khi còn nhỏ thức ăn chính của cá là động vật phù du nhóm Cladocera và giun ít tơ.

Sau 2 năm nuôi, cá đạt kích cỡ 50 – 200g. Nếu thức ăn tốt sau 1 năm nuôi kể từ lúc vớt ngoài tự nhiên có thể đạt cỡ 4 – 6 con/kg.

Cá chình trưởng thành

Cá sinh trưởng chậm, nhất là cỡ từ 300g trở nên tốc độ sinh trưởng chỉ bằng 1/10 tốc độ sinh trưởng của giai đoạn cá có trọng lượng 70 – 100g.

Khi còn nhỏ tốc độ sinh trưởng của cá trong đàn tương đương nhau, nhưng khi đạt chiều dài hơn 40cm con đực lớn chậm hơn con cái.

Tập tính sinh sản

Cá chình là loài cá di cư, cá mẹ đẻ ở biển sâu, cá con sau khi nở trôi dạt vào bờ biển, cửa sông, vùng nước ngọt kiếm mồi và lớn lên. Khi trưởng thành, cá lại di cư ra biển sâu để đẻ trứng.

Cá con mới lớn có hình lá liễu, sau 1 năm mới trôi dạt vào cửa sông. Trải qua nhiều biến thái hình thành cá chình hương màu trắng, cá ngược dòng sắc tố đen tăng dần thành màu đen.

Cá chình con

Việc sinh sản nhân tạo cá chình đến nay chưa có nước nào nghiên cứu thành công. Tất cả cá giống đều dựa vào việc khai thác từ tự nhiên ngoài cửa sông hoặc ven biển. Ở nước ta cá chình phân bố nhiều từ Quảng Bình vào đến Bình Ðịnh, đặc biệt là vùng hồ Châu Trúc ở Bình Ðịnh có cá chình phân bố, hằng năm cung cấp một lượng cá giống quý cho nhân dân trong vùng để nuôi.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Vì sao cá chình được nhiều người miền Tây thích nuôi?

Phong trào nuôi cá chình trong lồng bè hay ao đất ở miền Tây đang phát triển mạnh bởi loài này đầu ra ổn định, giá bán cao, đem về thu nhập khá.
Vùng đầu nguồn, đặc biệt ở huyện An Phú, thị xã Tân Châu là nơi nuôi cá chình trong lồng bè lớn nhất tỉnh An Giang. Cá chình có thịt ngon, ngọt nên được thị trường rất ưa chuộng.

Ông Lý Văn Phú, ở ấp Tân Thạnh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú nuôi 5 bè cá chình gần 10.000 con cho hay, sau 24 tháng nuôi, cá có khả năng đạt cân nặng từ 2 đến 4 kg/con và thu hoạch được. Càng nuôi lâu, cân nặng cá càng lớn, giá trị càng cao. Cá giống càng lớn, thời gian nuôi càng rút ngắn. Mức tăng trọng bình quân đối với loại cá này, ông Phú cho biết, khoảng 1 – 1,5 kg/con nếu người nuôi cho ăn đầy đủ. Theo lời ông, cá chình có giá trị kinh tế cao, được thị trường chuộng mà người nuôi ít bị rủi ro hơn so với nuôi các loại khác như các basa, cá tra. Trung bình một năm, ông Phú bắt bán một đợt từ 15 đến 20 tấn. Trừ chi phí, ông lãi trên dưới 400 triệu đồng.


Thu hoạch cá chình ở An Giang. 

Ở ấp Phú Quý, xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu, anh Lê Quang Thống là một trong những người nuôi nhiều cá chình, với 6 lồng, mỗi lồng 800 – 1.000 con. Mỗi năm, anh xuất bán 2 lần. Cá được nuôi theo kiểu luân canh, bán hết lứa này người nuôi lại đi tìm mua con giống khác về thả. Chi phí đầu tư thức ăn cũng không quá cao vì cá chủ yếu ăn mồi xay nhuyễn trộn cám vào 2 lần sáng và chiều.

Hiện nay, các nhà hàng nổi tiếng ở Long Xuyên, TP. Cần Thơ và TP.HCM đang săn tìm mua cá chình với số lượng lớn để chế biến thành nhiều món ăn đặc sản. Không chỉ bán trong nước, anh Thống còn mở thêm công ty thu mua cá bống tượng, bông lau và cá chình. Sau đó, anh đemlên thành phố, liên kết với một công ty chế biến thủy sản tại TP.HCM xuất bán qua thị trường Nhật, Trung Quốc…

Cá chình loại sống khỏe và có thể nuôi ghép với nhiều loại khác cùng trong bè để tăng nguồn lợi nhuận. Ông Phan Văn Tâm, ở xã Phú Hội, huyện An Phú cho biết, ông có 2 bè cá chình nuôi ghép với chạch lấu, cá heo. Những loại cá này có cùng “khẩu vị” nên người nuôi sẽ tiết kiệm được tiền thức ăn khi thả chung cả 3 vào một lồng. Việc thả chung như vậy cũng giúp cá phát triển tốt, ít bệnh. Từ việc nuôi chung 3 loại cá một lồng, mỗi năm, ông thu về trên 600 triệu đồng lợi nhuận.

Tại vùng bán đảo Cà Mau, mô hình nuôi cá chình trong ao đất cũng đem lại kết quả khả quan. Ông Huỳnh Văn Tuấn (ngụ ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi A) cho biết, loại cá này dễ nuôi, ít bệnh, chi phí thấp và không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Người nuôi có thể tận dụng cá, ốc… trong tự nhiên để làm thức ăn cho cá chình.

Chị Lê Thị Oanh, thương lái mua cá chình ở tại chợ Châu Đốc cho biết, cá càng to thì giá càng cao. Loại trên 2 kg/con có thể từ 380.000 đến 450.000 đồng/kg, nhỏ hơn cũng khoảng 320.000 đồng/kg. Hiện tại, các thương lái cũng phải cạnh tranh nhau, đặt tiền trước cho chủ nuôi để mua được hàng.

Thành “tỷ phú” nhờ nuôi cá chình, ông Nguyễn Hữu Ánh (Tân Thành, TP.Cà Mau) vẫn khiêm nhường và tiếp tục giúp đỡ những người khác cùng nuôi loài cá này để vươn lên làm giàu.


Cá chình nuôi càng lâu năm cá càng có giá trị cao.

Giá trị thương phẩm cao, đem lại hiệu quả nhưng chi phí đầu tư loại cá này tương đối lớn, đòi hỏi người nuôi phải có vốn mạnh. Con giống cá chình cũng là vấn đề khó khăn khi hiện tại, người nuôi chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Tại huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), bà con nông dân cho biết đang nuôi 2 loại phổ biến là cá chình bông và chình mun, nhưng khó khăn nhất là mua con giống. Giá giống ngoài việc rất cao còn mang tính hên xui, khi người nuôi mua trên thị trường trôi nổi. Nguồn cung giống hiện tại chủ yếu là các đại lý ở miền Trung đem vào bán với giá 500.000 đồng/kg loại 20 con/kg.

Theo các hộ nuôi cá chình ở huyện Hồng Dân, vừa qua có một công ty của Hàn Quốc đã xuống địa phương để tham quan mô hình. Theo đánh giá của phía Hàn Quốc, vùng đất Hồng Dân rất phù hợp để con cá chình phát triển. Dự tính thời gian tới, phía đối tác sẽ cho xây dựng một nhà máy chế biến thịt cá chình thương phẩm tại địa phương. Ngoài ra, đối tác sẽ cung cấp nguồn cá giống, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao quy trình nuôi cá chình theo hướng công nghiệp và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Nguồn : Zing.vn, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

kỹ thuật nuôi cá chình bông trong bể xi măng

Cá chình là loài cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao và dễ nuôi. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có tài nguyên ao hồ để nuôi, vì vậy nhiều hộ nuôi đã tự tạo cơ hội cho mình bằng cách nuôi cá chình bông trong bể xi măng.

1. Lựa chọn địa điểm nuôi

Nơi có nguồn nước sạch, cung cấp nước thường xuyên, vị trí xây nơi yên tĩnh, chủ động việc cấp và thoát nước, thuận tiện giao thông. Tốt nhất là nơi có nguồn nước chảy tự nhiên như sông, suối. Đảm bảo đạt nhiệt độ của nước 25 – 27oC, hàm lượng oxy hòa tan 5mg/l, độ pH 7,5 – 8,5.

2. Thiết kế bể nuôi

Bể có diện tích tốt nhất từ 100m2 trở lên, hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình tròn được xây bằng gạch, bên trong láng nhẵn.

Độ sâu của bể 1,5 m, trên thành bể xây gờ ngang 10 cm để cho cá khỏi đi. Có hệ thống cống cấp thoát nước riêng biệt. Ống cấp nước cách mặt bể 50 cm, tốt nhất nên thiết kế bể nuôi có nước chảy ra vào thường xuyên, trang bị máy bơm nước tự động tắt mở khi nước đầy. Nên lắp thêm giàn phun mưa để tạo thêm oxy mỗi buổi sáng.

Để tránh tạp chất gây ô nhiễm, cho nước qua một bể lọc (có cát, than, sỏi…) chiếm 20 – 30% diện tích bể.

Vì cùng tập tính sống đáy và tính trú ẩn nên khi nuôi chung cá chình và bống tượng ta tạo nơi trú ẩn bằng ống nhựa hoặc tre, miếng đanh hoặc đổ một lớp cát dày 20 cm để cá vùi mình và thả bèo chiếm ¼ diện tích bể. Trên bể có mái che, lưới để giảm ánh nắng rọi vào nhiều.

Đối với bể mới xây, ngâm phèn chua 100 g/m2, ngâm 2 lần, 2 ngày/lần, sau đó chà bằng bẹ chuối, phơi nắng 30 ngày, cấp và xả nước 3 – 4 lần.

3. Chọn giống và thả cá

Nên có một bể nhỏ khoảng 50 m2 để lựa chọn giống, phân cỡ, phòng trị bệnh. Cá giống được gom về và lưu giữ trong bể này thời gian 5 – 7 ngày để kiểm tra và chọn lọc trước khi thả nuôi.

Chọn giống kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng, linh hoạt, không xây xát, thương tổn. Với cá bống tượng, chọn giống dưới đuôi có hình chữ V màu đen, lật ngửa thấy vảy bụng và lưng phải đều, các tia vi còn nguyên, cá nhiều nhớt, màu lưng của cá hơi xám, da bóng, mang phùng ra thật to và các tia vi xòe ra hết cỡ.

Mật độ nuôi từ 4-6 con/m2, kích cỡ 100 gam/con.

Trước khi thả cá, nên tiến hành sát trùng cho cá bằng dung dịch muối có nồng độ 2% trong thời gian 5-10 phút, thuốc tím 10 – 20g/m3 15-30 phút để loại trừ kí sinh và sát trùng vết thương do xây xát trong quá trình đánh bắt và vận chuyển.

Trước khi thả giống phải ngâm bao nilon chứa cá xuống ao từ 20 – 30 phút để nước nuôi và nước trong túi chứa cá tương đương nhau, từ từ cho nước trong bể vào túi, sau đó thả cá. Vị trí thả nơi đầu nguồn nước vào.

4. Cho ăn

Thức ăn nuôi cá chình và bống tượng là cá tạp, cá biển, trùn, ốc, nhái cộng thêm muối khoáng, vi lượng, vitamin thích hợp. Nếu thức ăn là cá tạp, trước khi cho ăn nên sát trùng bằng muối ăn 0,5 kg muối/3lít nước trong thời gian 30 phút. Để tăng cường sức khỏe cho ăn cá băm nhỏ hợp cỡ mồi theo kích cỡ cá nuôi hoặc thức ăn tự chế biến hấp, để nguội, phối hợp trộn 1% vitamin C, kháng sinh, 3 – 5% dầu gan cá. Tập cho cá quen với thức ăn tĩnh, trong 2-3 ngày đầu để cho cá đói: dùng cá tạp tươi rửa sạch, bỏ hết nội tạng, cắt nhỏ 2-3 cm cho cá ăn. Năm ngày đầu trộn với 3g men tiêu hoá/1kg thức ăn + vitamin C + dầu mực để kích thích cá bắt mồi.

Cho cá ăn ngày 2 lần vào lúc sáng sớm (6-7h) và chiều mát (18-19h), lượng thức ăn mỗi ngày bằng 3-5% tổng trọng lượng đàn cá. Sau khi cho cá ăn khoảng 6 đến 10 giờ, kiểm tra lại sàng ăn để xem khả năng cá ăn mồi, qua đó điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp ở lần kế tiếp.

Dụng cụ cho cá ăn là sàng tre đan thưa (kích thước 0,8m x 1m), nhẵn hoặc bằng sàng lưới cước được đặt cách mặt nước 20 -40cm. Cho hoàn toàn thức ăn vào sàng ăn, mật độ sàn 70-100 m2/sàng.

Để tận dụng và giảm chi phí thức ăn, có thể nuôi ghép rô phi, mật độ là 0,5-1 con/m2 để cá rô phi sinh sản làm thức ăn.

5. Chăm sóc quản lý

Khi nuôi cần chú ý đến khả năng cung cấp nguồn nước, chất lượng nước và các yếu tố môi trường khác như hàm lượng oxy hòa tan, nhiệt độ nước, pH… để có biện pháp kỹ thuật xử lý thích hợp. Vệ sinh bể khoảng định kỳ 5 – 7 ngày phải cọ sạch bể.

Hàng ngày có một vài lần bơm phun mưa tạo oxy, nhất là vào buổi sáng sớm. Mỗi ngày gom chất thải, thức ăn thừa lắng ở đáy lại và xả ra ngoài. Giặt nhá, sàn cho ăn sau khi kiểm tra.

Mỗi tháng phân cỡ một lần, tách con lớn, con nhỏ nuôi riêng để cá đồng đều và chóng lớn. Trước khi phân cỡ để cá nhịn từ 1 ngày, để cá bài tiết hết thức ăn trong bụng, dùng sàng nhẵn để phân loại cá, dùng vợt không dùng tay bắt cá. Nuôi riêng để cá đồng đều và chóng lớn.

Việc phòng bệnh cho cá rất quan trọng, định kỳ 10-15 ngày dùng vôi bột với liều lượng 10-20 g/m3 hoà nước tạt để ngừa bệnh cho cá. Thả nuôi mật độ vừa phải, tránh để ao bị ô nhiễm. Cho ăn đầy đủ về số lượng và chất lượng. Thường xuyên bổ sung vitamine C để tăng sức đề kháng cho cá và định kỳ trộn tỏi vào thức ăn với liều lượng 4-5g/kg thức ăn để phòng bệnh đường ruột cho cá. Theo dõi các hoạt động của cá, kịp thời phát hiện cá bị bệnh cách ly để điều trị.

6. Thu hoạch

Trước khi thu cho cá nhịn ăn một ngày. Thu tỉa thì dùng lọp, thả mồi bắt. Thu cuối vụ thì tát cạn. Cá chình đạt kích cỡ từ 1 kg/con sau một năm nuôi. Cá lớn thu trước cá nhỏ dưới kích cỡ để lại nuôi tiếp. Cá thu được nhốt trong bể nước sạch có sục khí, hoặc giai để cho cá khỏe, chịu đựng được mật độ cao thuận tiện cho việc vận chuyển sống đến thị trường tiêu thụ.

Nguồn: nongnghiep được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Phòng và trị bệnh cho cá chình

Phòng bệnh

Trước khi thả cá, ta cải tạo và xử lý nước thật kỹ bằng vôi công nghiệp và Vimekon. Cá giống trước khi thả nên tắm bằng muối (4 – 5kg/100 lít nước để diệt khuẩn, nấm, ký sinh trùng…)

Phải chọn giống nơi uy tín, chất lượng, cá cần phải đáp ứng một số chỉ tiêu như: nhanh nhẹn, đồng cỡ, nhớt nhiều, không bị xây xát, dị tật, không bị mắc câu… tốt nhất nên chọn cá ương từ cá lá liễu lên cá giống 10 con/kg. đây là vấn đề quan trọng nhất để giảm thiểu rủi ro.

Chọn nguồn cá chình giống uy tín, sạch bệnh

Sau khi đã thả giống phải thường xuyên định kỳ xử lý nước 1 tháng/lần cho ao như: Virkon: 0,5kg/1000m3 nước hoặc thuốc tím 1,5kg/1000m3. Sau đó dùng Zeolite từ 5-10kg/1000m2 kết hợp cấy men vi sinh để ổn định môi trường.

Sử dụng thức ăn tươi sống tránh hôi thối, kém chất lượng kết hợp với VitaminC để tăng cường sức đề kháng cho cá hoặc trộn Oxytetrcyline để cá tăng cường hấp thu qua đường tiêu hóa.

Thường xuyên theo dõi cá để phát hiện bệnh

Trị bệnh

Bệnh do vi khuẩn

Bệnh thối mang:

Nguyên nhân: Do vi khuẩn dạng sợi Myxococus piscicolas gam âm gây ra, do ao, lồng, bè không được vệ sinh tốt, quá nhiều mùn bã hữu cơ.

Triệu chứng: Vi khuẩn xâm nhập vào phá hoại mang cá làm cho mang bị viêm loét và nắp mang bị sưng đỏ, cung mang, sợi mang có mủ, nhiều nhớt, mang bị mòn dần, xuất huyết, hoại tử. Thông thường thối mang thường kết hợp với nhiễm trùng máu và xuất huyết.

Bệnh thối vây:

Do vi khuẩn Flexibacter columnaris gây ra. Bệnh này thường xảy ra khi nhiệt độ thấp trên dưới 15 độ C, cá bị stress hoặc thiếu dinh dưỡng.

Trên cá xuất hiện những đốm trắng nhất là phần đầu và vây. Vây bị đỏ, tia màng bị hoại tử hoặc tưa rách, cá giảm ăn. Bên cạnh đó cá bị nhiễm độc tố do vi khuẩn gây ra, sau đó vi khuẩn gây tổn thương vào hệ thống tuần hoàn. Cá bị bệnh này có thể chết hàng loạt trong vòng 48 giờ.

Bệnh xuất huyết:

Do vi khuẩn Psedomonas, Aeromonas spp. gây ra. Bệnh này xuất hiện quanh năm do thức ăn không được quản lý tốt. Khi bị bệnh, cá xuất hiện những nốt đỏ trên thân, quan sát rõ nhất là ở hậu môn và 2 tia vây dưới bụng.

Đối với các bệnh do vi khuẩn (thối vây, thối mang, xuất huyết) ta dùng 1 trong các hoá chất sau: Doxery (1kg/5-6 tấn cá) kết hợp với Vime-N333 (1kg/10 tấn cá) hoặc Vimefloro FDP(1lít/15tấn cá) kết hợp vớiVimenro (1kg/10 tấn cá). Ngoài ra ta có thể dùng Vime-Glucan (1kg/6 – 10 tấn cá), Glusome 115 (1kg/500 kg thức ăn) trọn với thức ăn cho cá ăn để tăng cường hệ thống miễn dịch và sức đề kháng tự nhiên cho cá.

Bệnh do ký sinh trùng:

Bệnh nội ký sinh do giun ký sinh trong ruột lấy hết dinh dưỡng của cá. Bệnh làm cá ốm đầu to, màu sắc sậm, chậm lớn. Nếu xảy ra ở cá con sẽ làm cho chức năng của bóng hơi bị phá hủy, không khí từ bóng hơi vào xoang cơ thể, cá mất khả năng giữ thăng bằng, nếu nhiễm ở nhiệt độ thấp cá sẽ chết.

Để trị bệnh ta tiến hành xổ lãi cho cá liên tục từ 2 – 3 ngày bằng 1 trong các sản phẩm sau: Vime-Clean:1-1,5kg/200kg thức ăn; Kill-Site:1kg/20-30 tấn cá; Parasitol:1kg/9-10 tấn cá.

Bệnh ngoại ký sinh xuất hiện nhiều nhất vào lúc giao mùa hoặc trời mưa nhiều, nhiệt độ thấp. Do nấm thuỷ mi, trùng bánh xe, rận cá và sán lá…ký sinh trên da. Bệnh làm cho da cá bị loét, viêm, nhiễm dẫn đến cá bị tuột nhớt rồi chết.

Đối với bệnh này ta có thể dùng: Fresh water: 1kg/1.500m3; Kill-Algae: 1lít/1.000m3

Biện pháp phòng và trị bệnh tổng hợp các bệnh trên như sau: Chọn giống đồng cỡ, khỏe, tốt, không nhiễm bệnh. Nên mua giống ở những cơ sở có uy tín. Cá bệnh chết được chôn vào hố cách ly, rắc vôi.

Tránh bắt cá làm xây xát, không để cá bị bệnh ngoài da tạo điều kiện cho vi khuẩn cơ hội tấn công gây bệnh phát triển. Không để cá bị sốc sẽ dễ mẫn cảm với bệnh, định kỳ 10 – 15 ngày/lần sử dụng một trong các hóa chất sau để xử lý nước: Vime-Protex: 1lít/2,000m3 nước; BKC 80%: 1kg/2.000m3 nước; Vimekon: 1kg/2.000m3 nước.

Sử dụng lúc trời mát: Sáng 7 – 8 giờ hoặc chiều 4 – 5 giờ. Sau đó có thể dùng Vime-Yucca 1kg/2.000m3 nước hoặc Zeolite hạt 20 – 30kg/1.000m2 tạt đều ao để hấp thu khí độc và làm sạch đáy ao.

Vào những lúc thời tiết lạnh, nhiệt độ thấp nên tăng cường tạt vôi nông nghiệp CaCO3 với liều lượng 20 – 30kg/1.000m3. Trong quá trình nuôi cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng nhất là Vitamin, Premix, để cá có sức đề kháng cao như: De-Amin, Vime-Glucan, Vitamin C Antistress, Elecamin…

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

 

Kỹ thuật ương giống cá chình

Ở Việt Nam nghề nuôi cá Chình đang ở bước khởi đầu, việc nghiên cứu thử nghiệm đang được các Viện, Trường thực hiện. Người dân ở các tỉnh chủ yếu nuôi theo hình thức quang canh tận dụng nguồn giống và thức ăn sẵn có tại địa phương để nuôi.

Cá chình

Một trong những vấn đề khó khăn nhất của việc phát triển nghề nuôi cá Chình ở nước ta là nguồn giống. Do nguồn giống cá Chình hiện nay, hoàn toàn phụ thuộc vào khai   thác tự nhiên. Hình thức khai thác giống của ngư dân ở nước ta mang tính thủ công, lạc hậu và nhiều hình thức mang tính hủy diệt như: Dùng hóa chất, thuốc nổ, xung  điện…nên nguồn lợi giống cá Chình ngày càng giảm sút, chất lượng con giống không đảm bảo.

Dưới đây là một số kinh nghiệm kỹ thuật ương giống nhằm giúp ích cho bà con:

Địa điểm

– Chọn vị trí cao không bị lũ lụt, thoáng mát, có đầy đủ ánh sáng mặt trời.

– Nơi có nguồn điện cung cấp ổn định, đường giao thông thuận lợi, an ninh trật tự tốt.

– Không nên xây dựng ao ở những vùng đất bị nhiễm phèn. Vùng bị ngập úng kéo dài.

– Phải bảo đảm nguồn nước dùng để ương cá Chình giống bao gồm nguồn nước sông, suối, nước ngầm phải đảm bảo chất lượng không bị ô nhiễm hóa chất độc hại hoặc do chất thải của các nhà máy…

Lựa chọn loài nuôi

Hiện nay, ở nước ta có 2 loài đang được ương:

  • Cá Chình Bông (Anguilla marmorata)

Cá Chình Bông (Anguilla marmorata)

  • Cá Chình Nhật Bản (Anguilla japonica).

Cá Chình Nhật Bản (Anguilla japonica)

Cách thức khai thác và lựa chọn giống

Có ba phương pháp khai thác cá chình ngoài tự nhiên:

– Dùng đèn tập trung cá theo tập tính huớng quang của nó vào ban đêm rồi dùng vợt để vớt.

– Ðặt lưới đăng cố định ở cửa sông nơi có cá con phân bố để đánh bắt

– Dùng 2 thuyền lưới vây để vây cá ở cửa sông ven biển rồi phân loại giữ lại cá chình.

– Cỡ giống: 5000-7000 con/kg

– Giống ương phải đồng đều kích cỡ, bơi lội hoạt bát, bơi ngược dòng nước chảy, cơ thể không bị xây sát, nhiễm bệnh.

Chuẩn bị bể ương

Trước khi thả cá 15-20 ngày cần chuẩn bị bể ương:

– Bơm nước sạch vào hệ thống bể ương dùng Chlorin nồng độ 30-50ppm ngâm trong 5-7 ngày để khử trùng. Sau đó tháo cạn, vệ sinh thật sạch, để bể khô.

Chuẩn bị bể nuôi cá chình

– Trước khi thả giống 2-3 ngày cho nước vào. Nguồn nước cấp phải được lắng lọc cẩn thận, các yếu tố môi trường phù hợp.

– Mức nước lấy vào bể ương ban đầu cao 30-40cm sau đó tăng dần độ cao mực nước trong bể lên 70-80cm.

Khử trùng cá giống

Dùng 1 trong 3 loại hoá chất để tiêu độc cho cá :
– KMnO4 : 1 – 3 ppm;
– CuSO4 : 0,3 – 0,5ppm;
– Formalin : 1 – 3 ppm.

Thả cá

Cá giống khi vận chuyển đến nơi ương trước lúc thả cần tuân thủ các bước:

– Cần cân bằng nhiệt độ và các yếu tố môi trường trước lúc thả bằng cách ngâm các túi đựng cá từ 30-60 phút sau đó cho nước vào từ từ rồi thả cá ra.

– Các thao tác phải nhẹ, nhanh không làm cá bị xây sát, mất nhớt.

– Sau khi thả cá khoảng 30 phút cần kiểm tra cá và dùng vợt vớt những con cá yếu, bị xây sát ra khỏi bể.

Mật độ thả cá

1500 -2500 con/m³ (0,3 – 0,5kg cá/m³)

Mật độ nuôi cá chình bông

Chăm sóc và quản lý bể ương

  • Cho cá ăn

– Sau khi thả giống 1-2 ngày bắt đầu cho cá ăn, thức ăn được để trong sàn cho ăn mỗi bể nên có từ 1-2 sàn ăn riêng biệt.

Trong tuần đầu thức ăn bao gồm: Trùng chỉ, trứng cá tươi. Lượng thức ăn 15-30% trọng lượng thân, thời gian cho ăn sáng 6-7 giờ, chiều 16-17 giờ, tối 22-23 giờ.

Tuần thứ hai: Cho ăn trùn chỉ có bổ sung thêm thức ăn công nghiệp hoặc chế
biến.

– Cách chế biến thức ăn cho cá: Trùng chỉ xay nhuyễn cho vào thau sau đó cho thức ăn tổng hợp vào và cho nước sạch vào từ từ trộn đều, khi thấy thức ăn đã có độ kết dính kiểm tra không dính tay là được. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm các chất như dầu gan cá, dầu thực vật (3-5%), Vitamin (0,5-1%) để tăng hàm lượng Protein trong thức ăn và tăng sức đề kháng cho cá.

– Trước khi cho ăn nên tắt hết thống nước, sục khí nhằm tránh thức ăn bị trôi. Tùy theo lượng cá, tình trạng sức khỏe và các yếu tố môi trường đặc biệt là nhiệt độ để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Sau khi cho cá ăn xong phải vệ sinh sàn ăn sạch sẽ, mở hệ thống nước và sục khí.

  • Quản lý chất lượng nước

– Hàng ngày, phải kiểm tra các yếu tố môi trường như: pH, nhiệt độ, độ trong… để có sự điều chỉnh kịp thời.

– Sau khi cho cá ăn phải thay nước kết hợp xi phong nhằm loại bỏ lượng thức ăn dư thừa và chất thải của cá..
Ngoài ra, phải thường xuyên kiểm tra thiết bị điện và máy sục khí. Đảm bảo cung cấp thường xuyên, đầy đủ trong suốt quá trình ương.

  • Phòng bệnh cho cá

– Quản lí tốt chất lượng nước trong quá trình nuôi.

–  Thường xuyên vệ sinh bể ương đúng quy trình kỹ thuật.

–  Thức ăn cung cấp phải đảm bảo chất lượng và số lượng.

– Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của cá để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.