Đổ xô đào ao ương Cá Tra giống

Năm 2017 giá thu mua cá tra giống khá cao nên diện tích đào ao ương cá bột lên giống tăng mạnh tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười (Long An).

Theo khảo sát của Sở NN-PTNT Long An, đến cuối tháng 12/2017, các huyện vùng Đồng Tháp Mười có trên 631ha ao ương cá giống. Chỉ riêng tại huyện Tân Thạnh, diện tích ao ương cá giống tăng từng ngày. Xã Tân Hòa có hơn 50 hộ SX trên diện tích ao ương 50ha; xã Nhơn Ninh cũng có 18 hộ với 21ha ao ương…

Ông Lê Văn Dấn, Tổ trưởng Tổ hợp tác SX thủy sản Tân Hòa chia sẻ: Người miền Tây có câu vè “Giàu nuôi cá, khá nuôi heo, nghèo nuôi vịt đẻ”. Để nuôi cá đầu tư rất cao, tiền đào ao 100 triệu đồng/ha; tấm bạt giáp vòng bờ và hệ thống cấp thoát nước khoảng 30 triệu/ha. Giống cá bột thì tùy theo giá cả thị trường, hiện giá 5 – 6 triệu đồng/1 triệu con bột.

Tùy theo thời tiết, môi trường và chất lượng con giống mà thu hoạch. Trung bình lượng cá giống đạt 10% lượng cá bột thả là đã thành công. Với 30 – 35 con/kg thì thu được hơn 20 tấn/ha. Giá thu mua loại 30 con/kg là 60.000 – 70.000 đồng/kg. Chi phí đầu tư khoảng 20.000 đồng/kg cá, người nuôi kém chỉ đạt 10 tấn/ha thì lợi nhuận cũng đạt cả trăm triệu. Nếu trồng lúa thì phải 5 – 7ha mới được mức thu nhập đó. Đó chính là lý do bùng phát nuôi cá tra bột tại các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười”.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết, mọi năm thời điểm này giá cá tra giống 30.000 đồng/kg là đã “ngon”. Tháng 4 năm rồi, cá giống chỉ bán được 21.000 đồng/kg. Mấy hôm nay loại giống 30 con/kg không đủ cung cấp, giá tăng lên 70.000 đồng/kg. Hiện tượng này chưa bao giờ xảy ra.

Ông Hùng cho biết thêm, theo quy luật thị trường thì đến tháng 3,4 giá cá giống sẽ giảm dần cho đến tháng 9, 10 mới tăng lên lại. Việc tìm đầu ra cho tra giống cũng như cá tra thương phẩm không đơn giản. Tổ hợp tác SX thủy sản Tân Hòa đảm bảo ương cá bột thành cá giống đúng quy định, xã đã kết nối doanh nghiệp Vạn Đức thu mua cá tra giống cho các hộ.

Ông Lê Văn Dấn chia sẻ, hiện tượng bùng phát đào ao ương cá giống từng diễn ra vào năm 2011, khi đó giá mua 50.000 đồng/kg loại 30 con/kg. Hiện SX có lợi nhuận trên 50% nên nhiều hộ không có vốn cũng đi vay mượn để đào ao ương cá giống.

Theo số liệu báo cáo từ các huyện Đồng Tháp Mười, đến ngày 27/12/2017 đã có thêm 433 hộ ương với diện tích 633,09ha. Trong đó, nhiều nhất là huyện Tân Hưng (5 xã với 408 hộ) diện tích ao ương tăng 593,99ha.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, PGĐ Sở NN-PTNT Long An cho biết, trước tình hình bùng phát đào ao ương cá bột thành cá tra giống, Sở đã cử nhiều đoàn công tác đến các địa phương thu thập số liệu và đánh giá. Nhìn chung là diện tích đào ao nằm trong vùng quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2020 đã được tỉnh phê duyệt từ 2016.

Nguồn nước cấp và thải chưa ảnh hưởng diện tích lúa xung quanh, ao nuôi nằm gần sông, kênh nên thuận lợi quá trình cấp thoát nước. Cá bột được mua từ các tỉnh An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp sau đó ương cá giống cho các hộ nuôi thương phẩm tại địa phương.

Đáng lo ngại là hầu hết ao ương mới đều do người từ các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp sang thuê đất để sản xuất, đa phần chưa có kinh nghiệm, chưa biết các quy định pháp luật về việc sử dụng đất trồng lúa sang nuôi thủy sản, quản lý giống thủy sản, TĂCN, thuốc thú y thủy sản và vật tư nuôi trồng thủy sản.

Nguồn: Nông Nghiệp được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi cá tra và cá basa trong bè

Cá basa được nuôi khá nhiều ở Việt Nam lại có giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên để cá nhanh lớn đạt chất lượng tốt cần đảm bảo kỹ thuật nuôi tốt

1. Thiết kế và xây dựng bè.

Bè nuôi cá ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long thường được kết hợp vừa là bè cá vừa là nhà ở.

Dựa vào thời gian sử dụng mà chia ra 2 nhóm bè: bè kiên cố và bè tạm thời.

Nhóm bè tạm thời thường nhỏ và được đóng bằng tre hoặc loại gỗ chịu nước kém.

Bè cỡ trung và cỡ lớn thường nằm trong nhóm bè kiên cố. Các bè này được đóng bằng gỗ tốt và chịu nước như gỗ sao, vên vên, căm xe, chò chỉ, dầu, bằng lăng. Loại bè này đủ sức chịu đựng được với điều kiện sóng gió, nước chảy và khá bền, có khi tới 50 năm Việc đóng mới các loại bè kiên cố hiện nay cũng gặp khó khăn do khan hiếm các loại gỗ tốt. Vì vậy có một số bè mới được thiết kế bằng các loại vật liệu mới như bè ximăng lưới thép …

Bè nuôi cá thường có dạng hộp chữ nhật, ngoại trừ một số bè cỡ nhỏ dùng cho ương cá giống thì có dạng hộp vuông. Người nuôi cá bè cho rằng dạng bè hộp chữ nhật dễ dàng trong chọn gỗ thiết kế và quản lý sử dụng. Ngoài ra dạng này cũng phù hợp cho việc làm nhà trên bè theo truyền thống và cũng là nơi chế biến thức ăn, nhà kho, chuồng chăn nuôi…

Đầu tư đóng một bè nuôi khá tốn kém, vì vậy nguồn vốn là yếu tố quyết định cho việc đóng cỡ bè lớn hay nhỏ. Thời gian vừa qua đa số bè của các cơ sở quốc doanh do được đầu tư cao nên kích thước bè đóng khá lớn (thường là bè cỡ lớn, 500 đến 1000 mét khối). Bè lớn thì thuận lợi cũng như thích hợp cho nuôi các loài cá kích thước lớn và bơi nhanh như cá tra, basa.

Các bộ phận chính của bè gồm có:

– Khung bè: gồm có trụ đứng, đà dọc, đà ngang và cây chéo (cây xiên tả). Khung bè được kết cấu bằng gỗ tốt, kích thước thanh gỗ phù hợp để đảm bảo không bị biến dạng bởi sóng nước trong thời gian sử dụng.

– Mặt bè:được đóng kín bằng thanh nẹp gỗ, có chứa 2-3 cửa để cho cá ăn, chăm sóc và thu hoạch cá. Cửa mặt bè có nắp đậy và nâng hạ được, kích thước 1m x 2m. Nẹp gỗ đóng theo chiều ngang của bè, cách nhau 1-,5cm.

– Hông bè: được ghép bằng ván gỗ ở phía trong trụ đứng, khe hở giữa các tấm ván cách nhau 1 – 1,5cm để cá không thoát ra ngoài, đôi khi khoảng cách này còn tùy thuộc vào tốc độ dòng chảy. Nếu dòng chảy qua bè quá mạnh làm cá luôn hoạt động sẽ tốn năng lượng và kém ăn, ngược lại, nếu nước qua bè quá chậm sẽ làm cá thiếu oxy, các chất cặn bã, phù sa tích tụ trong bè có thể gây ô nhiễm và dễ làm cho cá nhiễm bệnh.

– Đầu bè: đóng bằng lưới kẽm, lưới đồng hoặc lưới Inox có kích thước mắt nhỏ hình vuông (1,5 x 1,5 – 2 x 2cm). Các bè nhỏ thì đầu bè đóng bằng các thanh nẹp gỗ phía bên trong trụ đứng, chỉ chừa một khoảng ở giữa để đóng lưới Inox.

– Đáy bè: đóng ván khép kín (chừa khe hở 1 – 1,5cm) để tránh thất thoát thức ăn và cho các loài cá nuôi ghép ăn đáy tận dụng hết thức ăn thừa.

– Phần nổi: ghép bằng các thùng phuy (200 lít), hoặc bằng cây tre hay thùng nhựa PVC. Thùng phuy phải được sơn chống rỉ sét và dầu hắc. – Neo bè: để cố định bè, gồm mỏ neo, dây neo nylon có đường kính 2-3cm. Có thể neo 4 góc bè hoặc 2 dây neo và 2 dây cột vào trụ cố định. Hiện nay có nhiều kích cỡ bè khác nhau, kích cỡ truyền thống và phổ biến chủ yếu như sau:

Loại Kích thước ( dài x rộng x cao) (m) Loài cá thả Độ sâu nước (m) Thể tích bè m3
Cở nhỏ (6-8) x (3-5) x (2,5 – 3,5) Tra, Chày 2 20-100
Trung bình (9-12) x (4-9) x (3,0-3,5) Tra, basa, hú 2,5-3 100 – 500
Bè lớn (12-30) x (9-12) x (4-4,5) Tra, basa, hú 3,5-4 500 – 1600

Các công cụ và phương tiện cần thiết phục vụ cho nuôi cá bè gồm có:

– Động cơ để quạt nước (mô tơ điện hoặc máy diezen) hỗ trợ dòng chảy trong bè, nhất là từ giữa đến cuối mùa khô, nước chảy chậm, phù sa và cặn bã tích tụ trong bè, gây thiếu oxy cho cá.

– Thuyền, ghe lắp máy để vận chuyển thức ăn, mua nguyên vật liệu và hổ trợ bơm nước. – Lò nấu thức ăn.

– Máy xay, trộn và ép thức ăn.

2. Vị trí để đặt bè nuôi cá.

Bè được đặt nổi và neo cố định tại một điểm trên sông, vì vậy phải lựa chọn những vị trí thích hợp nhiều mặt, tiện lợi cho nuôi cá, nhưng không làm cản trở giao thông và hạn chế sự ô nhiễm môi trường nước.

Bè được đặt gần bờ dọc theo chiều nước chảy, nơi thoáng, có dòng chảy liên tục, lưu tốc thích hợp (0, 2 -,5m/giây), mực nước sông ít thay đổi theo thủy triều và độ sâu tối thiểu phải cao hơn chiều cao ngập nước của bè 0,5 – 1m để tránh cho bè không bị đội lên mặt nước.

Nước sông nơi đặt bè không ảnh hưởng trực tiếp nước phèn, trong mùa khô khi nước bị nhiễm mặn thì độ mặn cho phép cá chịu đựng được và không thay đổi đột ngột. Nguồn nước lưu thông tương đối trong sạch, không bị ô nhiễm, nhất là gần các cống nước, thải đô thị, nước thải các nhà máy sử dụng hóa chất, nhà máy giấy, nhuộm, tẩy rửa và chứa các độc tố, các khu ruộng lúa sử dụng thuốc sát trùng … Tránh nơi có luồng nước ngầm, nơi khúc quanh của sông, nơi sông bồi tụ, xói lở, nơi có nhiều rong cỏ, nơi dòng nước có quá nhiều phù sa.

Ngoài ra, bè nuôi cá nên đặt gần nguồn cung cấp thực phẩm nuôi cá, vị trí thuận tiện giao lưu, gần các trục lộ giao thông thủy bộ để việc vận chuyển thức ăn, cá giống và buôn bán cá thịt được dễ dàng thuận lợi. Khi chọn vị trí đặt bè phải xem xét nhiều mặt, cân nhắc hợp lý các điều kiện và các tiêu chuẩn trên để quyết định chính xác, vì việc di chuyển bè rất khó khăn, tốn kém và ảnh hưởng đến cá nuôi và kết quả nuôi. Tuy nhiên, lưu tốc dòng chảy, chất lượng nước và nguồn nguyên liệu thức ăn là những yếu tố quan trọng hàng đầu.

Nguồn: Tép Bạc được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi Cá Ba Sa trong ao đạt chất lượng cao

Để có được kỹ thuật nuôi cá basa trong ao đúng cách đạt năng suất và chất lượng tốt không phải ai cũng làm được. Bởi vì nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan.

1. Thiết kế và xây dựng ao

Lựa chọn vị trí

Việc đầu tiên trong kỹ thuật nuôi cá basa trong ao là phải lựa chọn vị trí nên nuôi cá basa ở đâu cho thích hợp. Nên chọn những ao gần sông và kênh mương lớn để tiện cho việc lấy nước. Tuy nhiên mực nước sông ít thay đổi và có độ sâu tối thiểu 1,5m. Bên cạnh đó nguồn nước đó không bị nhiễm phèn, hay bị ô nhiễm bởi các chất thải từ các nhà máy, khu dân cư và các chất độc hại khác….Ngoài ra nên xây dựng ao nuôi ở gần nguồn cung cấp thức ăn dành cho cá basa, nơi thuận lợi để vận chuyển và buôn bán cá sau khi thu hoạch.

Chuẩn bị ao

Thông thường, nên chọn ao nuôi cá basa có diện tích khoảng trên 500m2, mực nước có độ sâu từ 2-3m. Bờ ao phải chắc chắn và có cống để giúp thoát nước dễ dàng cho ao. Lưu ý về các tiêu chí của môi trường ao như: nước có nhiệt độ từ 26-30 độ C, pH thích hợp từ 7-8, và hàm lượng oxy hòa tan trên 2mg/lít. Trước khi tiến hành thả cá vào ao, nên dọn ao thật sạch sẽ, vét bớt bùn, tát cạn nước, dọn dẹp cỏ và bắt hết các loại cá tạp. Sau đó rải vôi ở bờ và đáy ao để khử độc cũng như điều chỉnh độ pH thích hợp. Tiếp tục phơi ao trong vòng 2-3 ngày, cuối cùng bơm nước vào sao cho mực nước đạt yêu cầu rồi tiến hành thả giống. Đây là những yêu cầu cơ bản trong kĩ thuật nuôi cá basa trong ao.

2. Mùa vụ nuôi

Trước đây, nguồn giống thường phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nên bà con nông dân thường chỉ nuôi 2 mùa chính, vụ 1 (tháng 4-6), vụ 2 (tháng 11-12), thu hoạch cá thịt vào tháng 5-6 hoặc tháng 12-1 năm sau đó.

Tuy nhiên, ngày nay với công nghệ hiện đại, đã chủ động được con giống sinh sản nhân tạo nên mùa vụ thả giống có thể nuôi quanh năm.

3. Chọn cá giống với kỹ thuật nuôi cá basa trong ao

Chọn cá giống là khâu cực kì quan trọng trong kỹ thuật nuôi cá basa trong ao, khi chọn giống phải là những con khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, không có dấu hiệu bệnh tật hay xây xát và có kích cỡ đều nhau để tránh tình trạng tăng trưởng không đồng đều. Thường thì cá basa có chiều dài từ 10-12cm.

Nên thả cá ở mật độ từ 15-20 con/m2.

Trước khi tiến hành thả cá, cần tắm cho cá tầm 5-6 phút với nước muối 2% để khử trùng. Nên thả từ từ, nhẹ nhàng để cá thích nghi dần với môi trường mới.

4. Thức ăn nuôi cá basa

Các loại thức ăn

Đối với kỹ thuật nuôi cá basa trong ao có 2 loại thức ăn là thức ăn tự chế biến và thức ăn công nghiệp. Do giá thành thức ăn công nghiệp khá cao nên hiện nay, các hộ nuôi cá basa thường sử dụng thức ăn tự chế biến, bởi nguyên liệu rẻ và dễ kiếm, dễ tận dụng. Tuy nhiên, loại thức ăn này lại ít hàm lượng dinh dưỡng và mất nhiều thời gian chế biến. Trong khi đó thức ăn công nghiệp hàm lượng dinh dưỡng ổn định, vừa dễ sử dụng, bảo quản cũng như vận chuyển dễ dàng. Nếu dùng thức ăn công nghiệp thì trong 2 tháng đầu mới thả nuôi, nên cho ăn loại thức ăn có hàm lượng đạm 28-30%, các tháng tiếp theo giảm dần hàm lượng đạm còn khoảng 25-26%.

Hai tháng cuối cùng chỉ sử dụng thức ăn có hàm lượng đạm 20-22%. Còn đối với thức ăn tự chế biến thì nguyên liệu gồm có cá tạp, cá khô tạp, bột cá, đậu nành, cám gạo, tấm, rau xanh và một số phụ phẩm khác. Nên trộn thêm premix khoáng và vitamin C để kích thích cá ăn nhiều và sức đề kháng tốt hơn.

Chế biến thức ăn

Ở kĩ thuật nuôi cá basa trong ao này, thức ăn cho cá nên được trộn đều và xay thật nhuyễn rồi nấu chín. Thức ăn viên công nghiệp thường có cả dạng chìm và nổi, được tính toán và phối chế cân đối, hợp lý các thành phần và hàm lượng dinh dưỡng phù hợp cho cá. Lưu ý đối với cả 2 loại thức ăn phải tuân theo quy định không được chứa các loại hóa chất, nấm mốc, hoặc kháng sinh đã bị cấm, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phương pháp cho ăn

Nên vo thức ăn lại thành các viên tròn nhỏ rồi rải từ từ cho cá ăn từng ít một để cá sử dụng một cách triệt để.

Mỗi ngày cần chia ra 2 lần để cho cá ăn, buổi sáng từ 6-10 giờ, buổi chiều từ 16-18 giờ. Thường xuyên quan sát và theo dõi tình hình ăn và tăng trưởng của cá để tính toán điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý, không để cá ăn thiếu hoặc dư thừa thức ăn. Không cho cá ăn thức ăn quá hạn sử dụng. Ngoài ra, luôn vệ sinh sạch sẽ thường xuyên hàng ngày nơi chế biến thức ăn cũng như các thiết bị, dụng cụ chế biến thức ăn. Ở kỹ thuật nuôi cá basa trong ao, đòi hỏi phải có phương pháp cho ăn đúng thì cá mới có thể tăng trưởng nhanh và đạt chất lượng tốt.

5. Quản lý chăm sóc

Quản lý ao

Đối với kỹ thuật nuôi cá basa trong ao thì việc dành thời gian quan sát, kiểm tra ao là không thể thiếu. Bởi để kịp thời phát hiện và xử lý các hiện tượng bất thường như bờ ao bị sạt lở, cống bọng bị rò rỉ, hư hỏng…

Quản lý chất hóa học

Không được dùng thuốc và hóa chất cấm mà phải cập nhật thông tin thường xuyên về thuốc và hóa chất sử dụng trong ngành thủy sản qua đào tạo. Nên theo hướng dẫn trên nhãn sản phẩm thuốc, hóa chất để sử dụng một cách hợp lý về liều dùng, nơi bảo quản, thời kỳ hết hạn sử dụng. Không sử dụng sản phẩm thuốc, hóa chất không rõ nguồn gốc hay hết hạn sử dụng.

Quản lý chất thải và môi trường

Đây là việc cực kì quan trọng và không thể thiếu trong kĩ thuật nuôi cá basa trong ao. Cần phải thay nước mới hàng ngày, để cá có môi trường sống sạch, tránh bị bệnh. Không thả các loại chất thải xuống ao nuôi cá. Nước thải ra từ ao nuôi phải được xử lý khoa học trước khi thải ra sông để tránh làm ô nhiễm môi trường xung quanh và ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.

Quản lý dịch bệnh

Khi phát hiện có hiện tượng cá nổi đầu khác với bình thường, nhanh chóng xác định nguyên nhân, tìm hiểu bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời. Để phòng bệnh cho cá và khử trùng nước ao, có thể dùng vôi bột hòa nước và rải đều khắp ao với liều lượng 1,5-2kg/100m3 nước ao. Hoặc có thể dùng các loại chế phẩm vi sinh hoặc formol để xử lý và khử trùng nước ao nuôi.

Trên đây là toàn bộ kỹ thuật nuôi cá basa trong ao mà bà con có thể áp dụng cho hộ gia đình mình. Tình hình nuôi cá basa ở Việt Nam chuyển biến tốt dần dần. Cá basa khá dễ nuôi nhưng nếu không biết cách thì sẽ không thể đem lại được hiệu quả như mong muốn. Vì vậy nên tìm hiểu thật kỹ càng mô hình kỹ thuật nuôi cá basa trong ao đúng cách để có một vụ mùa bội thu.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo Cá Ba Sa và Cá Tra

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu sang nước ngoài thì các hộ nuôi trồng đã không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc tăng trọng nhanh cho cá cũng như kỹ thuật nuôi cá tra và cá basa để tạo ra những loại cá chất lượng nhất, thịt ngon nhất. Bên cạnh đó, Việc chủ động nguồn giống cũng rất quan trọng trong quy mô nuôi cá công nghiệp.

1. Nuôi vỗ cá bố mẹ:

Cá bố mẹ chọn nuôi vỗ phải khỏe mạnh, có độ tuổi 3 tuổi trở lên (nặng 2,5-3kg). Nơi nuôi cá bố mẹ: có thể trong ao đất hoặc trong bè:

– Trong ao đất: diện tích ao ít nhất 500 mét vuông trở lên (cá tra) và 1500 mét vuông (cá basa), độ sâu từ 1,2-1,5m. Nguồn nước cấp cho ao phải sạch và chủ động cấp thoát. Ao nuôi phải được thay nước thường xuyên, có thể lợi dụng thủy triều hàng ngày để thay nước cho ao.

– Nuôi trong bè: Bè đặt trên sông nước chảy để thuận lợi cho sự thành thục của cá bố mẹ. Mật độ thả nuôi: Trong ao: 2kg/10 mét vuông (cá tra), 0,5 – 1kg/10 mét vuông (basa) Trong bè: 1kg trên mét khối (cá tra), 0,5 kg trên mét khối (basa) Có thể nuôi chung đực cái trong ao hoặc bè, tỷ lệ đực/cái là 0,7-1/1

2. Mùa vụ nuôi vỗ và thức ăn cho bố mẹ:

Mùa vụ nuôi vỗ bắt đầu từ tháng 9 – 10 hàng năm, thức ăn phải có hàm lượng đạm 30% (cá tra) và 35% (basa) trở lên. Có thể sử dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để chế biến thức ăn hỗn hợp cho cá bố mẹ. Các loại nguyên liệu chính là cá tạp tươi, cá khô, bột cá, ruốc, bột đậu nành, cám gạo, tấm, bột bắp, bánh dầu, rau xanh, bí, cơm, dừa v.v… Cần phối chế hợp lý các thành phần để đảm bảo đủ hàm lượng đạm trong thức ăn. Nếu hỗn hợp thức ăn là nguyên liệu cá tươi thì khẩu phần ăn cho cá 4-6% trọng lượng thân cá/ngày. Nếu là thức ăn công nghiệp dạng khô (viên) thì 1-2% mỗi ngày. Mỗi ngày cho cá ăn 1-2 lần. Thức ăn hỗn hợp chế biến cho cá bố mẹ trong bè phải có độ dẻo và dính để giảm bớt sự tan rã trong nước làm lãng phí thức ăn. Trong ao có thể để thức ăn trong sàn (nong, nia) treo cách đáy 0,2 – 0,3m.

3 Cho đẻ nhân tạo

3.1 Chọn cá bố mẹ

– Chọn cá đã nuôi vỗ thành thục có buồng trứng phát triển ở giai đoạn bốn (IV), ngoại hình cá cái bụng to, mềm, lỗ sinh dục hồng, các hạt trứng đều, màu vàng nhạt hoặc trắng nhạt, đường kính đa số 1mm trở lên (cá tra) và 1,8mm trở lên (cá basa). Cá đực có tinh dịch tốt, trắng và đặc. 2.3.2 Sử dụng kích dục tố: Các loại kích dục tố đang sử dụng phổ biến hiện nay là HCG (Human chorionic gonadotropin), LHRH a (Lutenizing hormone Releasing hormone) và não thùy thể cá (chép, mè, trê, tra …)

Kích dục tố có thể dùng đơn hoặc kết hợp nhiều loại (cho liều tiêm quyết định). Dùng phương pháp tiêm nhiều lần sơ bộ (1-4 lần) và 1 lần quyết định cho cá cái, cá đực thì tiêm 1 lần cùng với liều quyết định của cá cái.

Đối với HCG: Tiêm sơ bộ 300-1000 UI/kg cá cái Tiêm quyết định 2500-3000UI/kg cá cái

Não thùy thể cá phối hợp HCG:
+ Liều sơ bộ: 0,2 – 0,3mg não thùy/kg cá cái
+ Liều quyết định: 1500-2000 UI (HCG) + 3 -5mg não thùy
+ Hoặc 70 – 100microgam LHRHa +3 -5mg não thùy/kg cá cái

Cá đực chỉ tiêm 1 lần với lượng dùng 1/4 – 1/3 so với liều quyết định của cá cái. Ngoài ra, tuỳ theo chất lượng và độ thành thục của trứng để điều chỉnh liều lượng và phối hợp chủng loại kích dục tố cho thích hợp. Điều này phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm và tay nghề của người kỹ thuật

Thời gian hiệu ứng của kích dục tố sau liều tiêm quyết định từ 8-12 giờ. Khi cá rụng trứng, tiến hành vuốt trứng và thụ tinh nhân tạo. Có thể khử dính trứng (sau khi thụ tinh) bằng Tanin hoặc không cần khử dính, cho trứng dính trên các giá thể làm bằng lưới nylon. Ấp trứng trong bể ấp hoặc bình weise (vây)

Ở nhiệt độ nước 28 – 30 độ C, cá bột sẽ nở sau 20 – 24 giờ (cá tra) và 28-33 giờ (basa). Cá tra sau khi nở 20 – 24 giờ, nhanh chóng chuyển cá xuống ao ương để tránh tình trạng cá ăn thịt lẫn nhau khi bắt đầu hết noãn hoàng. Đối với cá basa, nên chuyển cá bột hết noãn hoàng vào ương trong bể ximăng, cá bột basa không ăn thịt lẫn nhau như cá tra bột.

3.3 Ương cá giống:

Ao có diện tích tối thiểu 500 mét vuông trở lên, độ sâu nước 1 – 1,5m. Chuẩn bị ao theo quy trình chung ương nuôi các loài cá: tát cạn, diệt hết cá tạp, cá dữ, vét bớt bùn đáy, rải vôi bột (7-10kg/100 mét vuông đáy ao), phơi đáy 1-2 ngày, bón lót phân chuồng 10-15kg trên 100 mét vuông (phân gà, cút, heo …) hoặc 1-1,5kg (lân + urê) trên 100 mét vuông đáy ao. Sau đó đưa nước sâu 0,3 – 0,4m và thả giống trùng chỉ và trứng nước (Moina).

Thả cá bột và tiếp tục đưa nước từ từ vào ao cho đến khi đạt yêu cầu. Mật độ thả 400-500 con trên mét vuông. Các khâu trên là nhằm đảm bảo được lượng thức ăn tự nhiên cho cá ngay sau khi cá bột xuống ao, hạn chế sự ăn thịt lẫn nhau của chúng.

Sau khi thả bột, hàng ngày bổ sung tiếp tục thức ăn cho cá: cứ 10.000 cá bột dùng 200 gam đậu nành xay nhuyễn, nấu chín và 20 lòng đỏ hột vịt (luộc chín), trộn đều và rải đều khắp ao.

Sau 10 ngày, tăng lượng thức ăn thêm 50% và cho ăn dặm trùn chỉ.

Sau tuần lễ thứ 2 có thể cho ăn thức ăn chế biến bằng cá và ốc (phần thịt) xay nhuyễn trộn bột gòn.

Sau 1 tháng, cho ăn cám + bột cá (tỷ lệ 1/1) hoặc cám + cá tươi (tỷ lệ 1/2), mỗi ngày cho ăn 3-4 lần, khẩu phần ăn 5-7% trọng lượng cá.

Sau 3-4 tháng ương nuôi, cá đạt cỡ 12-15 con trên kg thì chuyển sang nuôi cá thịt. Đối với cá basa, ương cá bột trên bể ximăng với thức ăn là Moina hoặc ấu trùng Artemia, sau 1 tuần cung cấp bổ sung thêm trùn chỉ.

Sau 2 tuần chuyển cá xuống ương trong ao đất hoặc san thưa ương trong bể. Thức ăn là Moina + trùng chỉ + thức ăn chế biến (cá tươi xay nhuyễn và cám) cho đến khi 2 tháng tuổi.

Sau đó cá giống tiếp tục được ương nuôi trong bè cỡ nhỏ trong khoảng 4-5 tháng, khi cá đạt cỡ 10-15 con/ kg sẽ chuyển vào bè nuôi cá thịt. Đối với cá basa giống nhỏ thu gom từ tự nhiên, với cỡ cá 5-6g/con, sau khi mua hoặc đánh bắt về cần ương tiếp trong bè nhỏ 3-4 tháng cho đến khi đạt cỡ 80-100g/con mới đưa vào bè nuôi cá thịt.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Vài nét về Cá Ba Sa và Cá Ba Sa

Cá tra và cá basa là 2 trong số 11 loài cá thuộc họ cá tra (Pangasiidae) đã được tìm thấy ở sông Cửu Long. Trong đó có 5 loài được nuôi nhiều nhất hiện nay ở Đồng Tháp và An Giang, chủ yếu nuôi trong ao và trong bè. Tên khoa học của cá tra là Pangasianodon hypophthalmus, của cá basa là bocourti. Cả hai loài này đều thuộc giống Pangasius, họ Pangasidae, bộ Siluriformes, lớp Osteichchthyes và ngành Chordata.

Cá Tra

Cá Ba Sa

Ở Việt Nam, cá tra và cá basa có nhiều tên thương mại khác nhau. Điều này đã dẫn đến tình trạng tranh chấp về sản phẩm của hai loại cá này trên thị trường. Trước tình hình này, vào năm 2004, Hội nghị về chất lượng và thương hiệu cá tra – cá basa, do Bộ Thuỷ sản và Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang tổ chức, đã thống nhất, đặt tên thương mại cho cá tra là pangasius và cá basa là basa pangasius.

Đặc điểm sinh học của cá tra và basa

Cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) và basa (Pangasius bocourti) là 2 loài cá bản địa của Việt Nam và một số nước lân cận (Lào, Campuchia và Thái Lan). Cá basa là loài được nuôi truyền thống trong bè trên sông Mêkông của Việt Nam và Campuchia trong khi đó cá tra được nuôi nhiều trong ao cầu ở đồng bằng Nam bộ Việt Nam trước đây

Phân loại: 2 loài này thuộc bộ cá nheo (Siluriformes), họ cá tra (Pangasiidae). Hiện tại đã có 11 loài thuộc họ cá tra được tìm thấy ở Việt Nam, trong đó có 5 loài là đối tượng nuôi quan trọng trong ao và bè. Cá tra và basa có thân dài, không vẩy, màu sắc đen xám, bụng hơi bạc, bụng cá basa to tròn vì có lá mỡ rất lớn (nên trước đây gọi là cá bụng), miệng rộng và có 2 đôi râu dài. Cá sông chủ yếu ở nước ngọt, chịu được nước lợ nhẹ (độ muối dưới 10 phần ngàn), chịu đựng được nước phèn có pH>4.

Cá tra có cơ quan hô hấp phụ nên có thể sống được ở những ao hồ chật hẹp, thiếu oxy, nên nuôi được mật độ rất cao.

Cá basa chỉ sống chủ yếu ở sông nước chảy và được nuôi trong bè, chịu đựng điều kiện chật hẹp, thiếu oxy kém hơn cá tra.

Cả 2 loài đều có tính ăn tạp thiên về động vật, thích ăn mồi có nguồn gốc động vật và cũng dễ dàng chuyển đổi loại thức ăn. Trong vòng đời của cá, giai đoạn cá bột hết noãn hoàng thì thích ăn mồi tươi sống, ăn các loài động vật phù du có kích thước vừa cỡ miệng. Thậm chí cá tra bột còn ăn thịt lẫn nhau trong bể ương nuôi. Khi phân tích thức ăn trong ruột của cá đánh bắt ngoài tự nhiên, thành phần thức ăn được tìm thấy như sau:

Cá tra: Nhuyễn thể: 35,4%; Cá: 31,8% ; Côn trùng: 18,2% ; Thực vật thượng đẳng: 10,7%

Cá basa: Mùn bã 63,1%; Rễ thực vật 21,1%; Giáp xác 14%; Trái cây 12,1%; Côn trùng 6,7%; Nhuyễn thể 5,4%; Cá 4,5%

Khi nuôi trong ao, cá tra có khả năng thích nghi với nhiều loại thức như mùn bã hữu cơ, cám, rau, động vật đáy, thức ăn hỗn hợp và rất thích phân cầu. Cá basa cũng dễ dàng sử dụng các loại thức ăn khác nhau như hỗn hợp tấm, cám, rau và cá vụn (nấu chín) nên thích hợp cho nuôi dưỡng trong bè.

Trong tự nhiên, cá tra có thể sống trên 20 năm, cỡ cá lớn nhất đã gặp dài 1,8m. Nuôi trong ao một năm đạt 1-1,5kg/con.

Cá basa cũng có tốc độ lớn khá nhanh, sau một năm nuôi lớn được 0,7 – 1,3kg/con. Nuôi trong bè sau 2 năm đạt tới 2,5kg/con. Trong tự nhiên đã gặp cỡ cá dài 0,5m

Trong tự nhiên, tuổi thành thục của cá tra từ 3-4 năm, cá basa từ 4-5 năm. Vào mùa thành thục (từ tháng tư trở đi) cá có tập tính bơi ngược dòng di cư tìm đến các bãi đẻ, nơi có điều kiện sinh thái phù hợp cho sự phát triển của tuyến sinh dục và đẻ trứng. Vì vậy cá không đẻ tự nhiên ở phần sông Mêkông của Việt Nam. Bãi đẻ của cá nằm ở khu vực từ địa phận tỉnh Cratie của Campuchia trở lên. Tại đây có thể bắt được những cá bố mẹ 15kg với buồng trứng đã thành thục. Tại bãi đẻ, cá bố mẹ đẻ trứng thụ tinh tự nhiên, trứng dính vào cây cỏ thủy sinh ven bờ. Sau khi nở, cá bột trôi theo dòng nước về hạ lưu đến các vùng ngập nước ở Campuchia và xuôi theo sông Mêkông về phía Việt Nam.

Tại vùng biên giới giáp Campuchia và Việt Nam, ngư dân có truyền thống vớt cá tra bột bằng các dụng cụ gọi là “đáy”. Hàng trăm triệu bột cá tra (kể cả cá thuộc họ cá tra) và các loài cá khác được vớt lên. Nhưng để thu chỉ cá tra bột, ngư dân đã ép lọc loại bỏ những loài cá khác, do đó đã giết một số lượng lớn gấp hàng chục lần số lượng cá tra bột. Hình thức này đã làm thiệt hại nghiêm trọng đến nguồn lợi cá tự nhiên trên sông. Hiện nay, chúng ta đã chủ động nuôi vỗ cá bố mẹ và cho đẻ nhân tạo, ương nuôi cá giống cá tra, nên đã hạn chế được nghề vớt cá bột trên sông. Cá basa cũng đã chủ động được một phần.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Nuôi cá Bỗng và cá Anh vũ trên đèo Á ÂU

Nuôi cá ở lưng chừng đèo, câu chuyện tưởng vô lý nhưng lại là có thật của vợ chồng anh Nguyễn Việt Hòa, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang). Giữa mênh mông núi rừng, ngay ở lưng chừng đèo Ái Âu hiểm trở, trang trại nuôi cá đặc sản của vợ chồng người dân tộc Tày đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, là điểm đến hấp dẫn cho những du khách và thu hút đông đảo những người dân đến học tập kinh nghiệm.

Mô hình nuôi cá tiến vua của gia đình anh Nguyễn Việt Hoà.

Do có thời gian dài nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, anh Hòa rất am hiểu về đặc tính các loại cá. Năm 2005, để xây dựng Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang, anh cùng gia đình phải chuyển về xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình. Nhận thấy ở đèo Ái Âu có lợi thế là nguồn nước sạch, có nhiệt độ thấp, nước chảy quanh năm rất thuận lợi để nuôi cá, anh đã bàn với vợ mang tất cả số vốn dành dụm bấy lâu vào mua đất làm trang trại nuôi cá đặc sản. Anh Hòa chia sẻ: “Giờ nghĩ lại thấy quyết định của mình khi ấy là “quá liều” bởi trước đây làm gì đã có ai làm ao nuôi cá trên đỉnh núi bao giờ đâu”.

Những ngày đầu lập trang trại, vợ chồng anh phải dựa theo địa hình mà đào từng ao nuôi nhỏ rồi dẫn nước suối vào. Với kinh nghiệm từ việc nuôi cá trên lòng hồ thủy điện trước đây, anh liên hệ với các hộ đánh cá trên lòng hồ để thu mua cá nheo có kích thước bé đưa về nuôi. Nguồn nước khe ở đèo Ái Âu mát mẻ, chảy thường xuyên, đàn cá của anh phát triển tốt. Tuy nhiên, giống cá này có đặc tính là chỉ ăn những loài tôm cá nhỏ. Vì vậy, vào mùa đông, nguồn thức ăn không còn khiến cá chậm lớn. Mặt khác, nguồn cá giống cũng khan hiếm dần bởi nước hồ dâng cao, cá di chuyển lên vùng nước nông hơn ở thượng nguồn.

Không nản chí, anh lại tiếp tục đi tìm giống cá mới, biết được đặc tính loài cá bỗng, cá anh vũ thích sống vùng nước mát, có dộ dốc nên anh đã lăn lội lên Bắc Mê, Bắc Quang (Hà Giang) tìm mua. Lứa cá giống đầu tiên lấy về chỉ sống được vài ngày rồi chết nổi trắng mặt ao, đợt 2 cũng chỉ một nửa cá giống sống sót. Bao lần lội xuống ao vét bùn, vệ sinh ao cá tìm hiểu nguyên nhân, mới biết cá chết do nhiệt độ nguồn nước không phù hợp. Sau này, anh chị điều chỉnh lại dòng chảy và mực nước trong ao nuôi hợp lý nên cá mới phát triển được.

Cá bỗng và cá anh vũ là các loại cá quý hiếm, trước đây chỉ dùng để tiến vua. Đây là loại cá phát triển chậm, sau 3 năm mới đạt trọng lượng khoảng 2,5 – 3kg và khi đạt trọng lượng từ 7 – 8kg, cá mới bắt đầu sinh sản. Mặc dù lớn chậm nhưng loại cá này ít dịch bệnh, thịt cá lại dai ăn rất ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao.

Anh Hòa cho biết, hiện nay, trang trại của anh có rộng khoảng hơn 2 ha với hơn 3.000m2 mặt nước. Trên diện tích đó, anh chia ra 10 ao thả khoảng 2.500 con cá bỗng và 1.000 con cá anh vũ. Để chủ động nguồn thức ăn cho cá, anh trồng các loại rau, bí đỏ. Hiện số cá bỗng đã có trọng lượng từ 2,5kg trở lên với giá bán trên thị trường là 250.000 đồng/kg, khi bán ra sẽ mang lại một nguồn thu rất lớn cho gia đình.

Do cá “tiến vua” phải nuôi trong khoảng thời gian dài mới có thể thu hoạch, vợ chồng anh Hòa còn nuôi thêm các loài cá ngắn ngày hơn như trắm cỏ, trôi, chép… để tăng thêm thu nhập với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Ngoài phát triển cá, vợ chồng anh Hoà còn trồng cam, quýt, chăn nuôi thêm vịt suối, lợn đen và gà đồi. Sau 3 năm miệt mài lao động, bãi đất hoang vu nơi lưng chừng đèo ngày nào, giờ đây đã trở thành trang trại quy mô, là điểm dừng chân của nhiều du khách.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Hòa cho biết, tới đây anh sẽ đi Sapa (Lào Cai) để học tập cách nuôi cá hồi, bởi đặc tính loài cá này lớn nhanh hơn cá anh vũ, cá bỗng mà hiệu quả kinh tế cũng cao hơn, trong khi nguồn nước ở đây có nhiệt độ thấp thích hợp cho loài cá này phát triển.

Ông Quan Văn Phùng, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm (Lâm Bình) cho biết, xã đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế dựa trên một số cây, con đặc sản là thế mạnh của địa phương. Trang trại nuôi cá bỗng và cá anh vũ của gia đình anh Hòa là một trong những mô hình kinh tế điển hình của địa phương. Nuôi cá đặc sản không những mang lại giá trị kinh tế cao còn góp phần bảo tồn những loại cá quý hiếm.

Nguồn: Dantocmiennui.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sinh sản nhân tạo thành công cá Anh Vũ

Cá anh vũ (Semilabeo obscorus) là loài cá đặc hữu của vùng Hoa Nam-Trung Quốc và của Việt Nam. Thịt cá mềm, ít xương dăm, thơm ngon, được coi là cá tiến vua, giá bán cao nhất trong các loại cá nước ngọt hiện nay (300.000 – 400.000đ/kg) nhưng muốn ăn phải đặt trước cả tháng, thậm chí cả… năm vì không có hàng.

– Vì vậy đề án ”Bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn gen cá anh vũ Semilabeo obscorus (Lin 1981)” thực hiện tại Trung tâm Quốc gia giống thuỷ sản nước ngọt miền Bắc (Phú Tảo, Gia Lộc, Hải Dương), trực thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản 1 với mục tiêu nhằm phục hồi nguồn gen cá anh vũ quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng và phát triển loài cá này thành đối tượng nuôi. Cá anh vũ thu mua từ Tuyên Quang về được bố trí nuôi vỗ trong bể xi măng 50m3 có vòi phun nước tạo thành mưa từ xung quanh xuống và nước chảy ngầm dưới đáy bể. Cá được cho ăn bằng thức ăn hỗn hợp viên Cargill tỉ lệ đạm 26%, xay nhỏ trộn với bột mì làm chất dính. Thời gian nuôi vỗ từ tháng 11/2005 đến tháng 3/2006. Tổng số lượng đàn cá bố mẹ đưa vào nuôi vỗ là 316 con với trọng lượng trung bình 350g/con.

– Trong thời gian nuôi vỗ loại thức ăn cho mỗi bể được sử dụng khác nhau nhằm đánh giá hiệu quả của từng công thức thức ăn tới sự thành thục của đàn cá bố mẹ. Ba loại công thức thức ăn được bố trí ngẫu nhiên với 3 lần lặp cho ăn 10% gồm: 100% thức ăn công nghiệp (TN1), thức ăn công nghiệp kết hợp với thức ăn tự nhiên tỷ lệ 1:1 (TN2) và thức ăn công nghiệp kết hợp với thức ăn tự nhiên tỷ lệ 1:5 (TN3). Khi đến độ trưởng thành, cá được cho dùng 2 loại kích dục tố gồm RLH-A + Dom và HCG, tiêm 2 lần. Tiêm liều khởi động: 1/3 số lượng thuốc; liều quyết định: 2/3 lượng thuốc cần tiêm. Lượng tiêm cho cá đực bằng 1/3 cá cái, tiêm 1 lần. Tiến hành tiêm liều khởi động cho cá và liều quyết định sau liều khởi động khoảng 6 tiếng. Kiểm tra thấy cá bắt đầu rụng trứng thì tiến hành vuốt trứng, sẻ vào bát và tiến hành thụ tinh nhân tạo. Sau khi thụ tinh cho trứng xong đưa trứng ra các dụng cụ ấp trứng. Trứng sau khi được thụ tinh được đưa vào ấp trong 3 dụng cụ gồm: Khay ấp trứng cá rô phi, ấp trong bình tôn hình nón nhỏ vẫn dùng cho ấp cá chép hoặc ấp trong bát (ấp tĩnh). Phương pháp sử dụng bình ấp trứng cá chép cho việc ấp trứng cá anh vũ đem lại hiệu quả tốt nhất với tỷ lệ ra cá bột cao (35,8%) và tỷ lệ dị hình thấp tương đương các loài cá khác khoảng 2,8%. Mùa vụ cá thành thục và tham gia sinh sản vào tháng 4. Có thể sử dụng các loại thức ăn như lòng đỏ trứng gà, bột đậu tương để ương nuôi cá anh vũ trong giai đoạn cá bột lên cá hương đạt tỷ lệ sống trên 80% và cá lớn nhanh.

– Nghiên cứu sinh sản nhân tạo thành công mở ra triển vọng phát triển cá anh vũ thành đối tượng cá nuôi. Theo anh Nguyễn Hữu Ninh-Giám đốc Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt miền Bắc thì triển vọng của nghề nuôi cá quý rất tốt: ”Chỉ cần đặt trước, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng nhu cầu giống cá anh vũ cho bà con với giá cả không đắt hơn nhiều so với cá thông thường.

Kinh ngạc chuyện nuôi cá tiến vua siêu khủng ở Phú Thọ

Trong đêm ngủ đầy mộng mị trên đất tổ Sơn Vi (huyện Lâm Thao, Phú Thọ) tôi như kẻ mộng du đi theo những tiếng động lạch xạch của cá anh vũ.

Tiếng mống nước của loài cá anh vũ trong bể nuôi nghe rất giống tiếng của những con chép đực vờn ép chép cái ven bờ sông Đáy quê tôi vào mùa tình tự…

Bạch Hạc, “mỏ cá” tự nhiên

Anh vũ, rầm xanh, lăng, chiên và bỗng là năm loại cá quý của các dòng sông phía Bắc được dân gian xưng tụng “ngũ quý hà thủy”. Chuyện kể rằng xưa kia có người ngư dân bắt được một con cá quý đem dâng vua Hùng. Tướng cá rất lạ. Thân giống cá chép nhưng miệng lại hệt mồm lợn. Vua ăn xong khen ngợi hết lời và ban lệ cúng tiến. Loài cá ấy chính là anh vũ.

Anh vũ quen sống ở nơi nước xiết dùng cái miệng rất khỏe của mình để bám vào vách đá cạp rêu ăn mà ăn nên mồm bành ra, rất đặc biệt.

Cái “mõm lợn” ấy chính là bộ phận ngon nhất, quý nhất của loài cá này khiến cho nhiều người phải bỏ tiền, bỏ của để săn tìm khoảnh khắc một chốc được làm vua. Anh vũ nướng, nấu, làm chả đều ngon nhưng không thể qua mặt được món hấp lá gừng, thơm ngọt ngào đến khó tả (tuy cũng có khá nhiều xương dăm).

Ngã ba Bạch Hạc nơi giao thoa ba dòng sông Đà, sông Lô, sông Hồng là một “mỏ cá” tự nhiên cho những con anh vũ trưởng thành bắt đầu hành trình thiêng liêng ngược thượng nguồn tìm bãi đẻ. Sức ép mạnh mẽ của trăm thác, ngàn ghềnh dọc đường đi khiến buồng trứng non trong bụng cá cái sớm chín, hệ sẹ trong bụng cá đực sớm mọng để rồi thực hiện nghĩa vụ duy trì nòi giống.

Nhưng đó là chuyện của nhiều năm về trước. Hàng loạt thủy điện dựng trên thượng nguồn khiến các bãi đẻ biến mất. Hàng trăm cách khai thác hủy diệt của loài người khiến sản lượng cá anh vũ giảm sút nghiêm trọng. Sông Lô, sông Chảy và sông Thao vốn sẵn anh vũ hiện hầu như không còn vết dấu. Loài cá tiến vua nức tiếng đất Hùng Vương nay bị xếp vào danh sách đỏ có nguy cơ tuyệt diệt.

Bởi chúng khan hiếm nên người ta bắt đầu nghĩ đến chuyện cho anh vũ sinh sản. Khởi đầu là Trại cá Phú Tảo thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I rồi công nghệ ấy được chuyển giao cho Chi cục Thủy sản Phú Thọ.

Chủ nhiệm dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá lăng chấm, cá anh vũ tại tỉnh Phú Thọ” là kỹ sư trẻ Nguyễn Mạnh Phúc. Cứ như lời anh nói thực ra anh vũ họ cá chép, phân họ cá trôi, thuộc loài Semilabeo obscurus. Người Kinh một số nơi còn gọi là cá buột (cá nhỏ) còn người Thái gọi là pa tỷ hay pa thỷ.

Thân giống cá chép. 

Những con anh vũ nhỏ bằng đầu ngón tay bắt trong tự nhiên trước đây thường chẳng ai để ý giờ được thu gom lại. Những con anh vũ to cỡ bàn tay được tranh mua quyết liệt với cánh nhà hàng. Thường loài cá quý này chỉ xuất hiện từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch, ngư dân bắt chúng bằng cụp (một dạng bẫy bằng tre, có mồi nhử, chuyên dùng bắt các loại cá ăn mồi sát đáy).

Anh vũ có kích thước khá khiêm tốn chỉ độ 3-5 lạng, hiếm khi thấy có con kích cỡ trên 1kg. Con cá nặng kỷ lục nhất mà cán bộ Chi cục mua được trong hàng chục năm thu gom ngoài tự nhiên chỉ đạt mức 1,6 kg. Vàng, bất động sản có lên, có xuống nhưng giá anh vũ nhất mực thẳng đứng khoảng 10-12 triệu/kg tùy theo trọng lượng mà đến mùa đặt cả tuần, cả tháng mới mua nổi một vài con nho nhỏ.

Trông cá đẻ hơn trông… vợ đẻ

Cá đang trong môi trường nước chảy ngoài tự nhiên khi đem về phải thuần hóa bằng cách cho vào bể có xếp đá bên dưới, có máy bơm sục tạo dòng. Vốn là loài quen ăn rêu bám đá nên người ta phải trộn thức ăn công nghiệp với bột sắn, bột mì làm chất kết dính rồi nắm chặt thành những hòn đá nhân tạo thả xuống đáy bể.

Cá theo thói quen cứ cạp mồm vào những “hòn đá” ấy mà dần dà quen với hơi cám công nghiệp. Chưa thấy loài cá nào thi gan giỏi như anh vũ. Chúng nhịn đói 15-20 ngày mới chấp nhận chịu ăn.

Sau 1-2 tháng thuần hóa trong bể, cá được đem thả xuống ao đã hút sạch bùn, trải cát vàng, xếp đá sỏi tạo hang hốc, sục ô xy bốn mùa. Chăm bẵm là thế mà tỷ lệ cá chết lúc đầu lên tới 80-90%. Sau nhiều lần điều chỉnh công nghệ, tỷ lệ chết của anh vũ khi đem vào nuôi rút xuống còn 40-50%. 200 con cá anh vũ trong đó cá cái có khối lượng từ 300g trở lên, cá đực có khối lượng 250g trở lên khi đến tuổi cập kê (3 năm) liền được tiêm kích dục tố. Kết quả hơn 90% cá cái rụng trứng và 100% cá đực chảy sẹ (tinh) màu trắng đục.

Ngày Phúc ra ao, đêm nằm lì ở phòng trực 2 tháng ròng không về nhà để trông ngóng cá đẻ. Trứng cá được vuốt vào bát, gieo tinh lên, dùng lông gà khuấy đều rồi cho vào bình ấp. Tỷ lệ sống của cá anh vũ trong giai đoạn này chỉ đạt 68% không cao như một số loài cá nước ngọt truyền thống.

Lượng cá giống thu về được 5.000 con, hoàn thành mục tiêu mà dự án đặt ra. Sau 2 năm nuôi, lũ cá bột đạt trọng lượng trung bình 100 g/con, Hội đồng bảo vệ dự án gật gù đánh giá đạt nhưng Phúc vẫn còn trăn trở lắm.

Thấy nuôi trong ao tĩnh cá chậm lớn quá, anh thử nghiệm nuôi trong ao có nguồn suối chảy vào với hy vọng gần với môi trường tự nhiên cá sẽ phát triển nhanh hơn. Gia đình ông Hà Văn Được ở xã Địch Quả huyện Thanh Sơn được chấm làm mô hình này.

Dù cách xa Chi cục vài chục cây số nhưng cứ vài tuần Phúc lại nhảo vào thăm. Thế rồi chẳng biết thông tin thế nào mà khách huyện, khách tỉnh kéo đến nườm nượp. Đoàn nào cũng giục chủ nhà vớt cá anh vũ lên xem khiến chúng bị xây xát hóa thành hao hụt. Trên 100 con anh vũ sau hơn 1 năm nuôi chỉ còn lại 10. Buồn hơn, lúc thả mỗi con nặng 30g lúc bắt mỗi con chỉ nặng 48g, chậm lớn vẫn hoàn chậm lớn.

Mất nhiều năm lao tâm, khổ tứ vì cá tiến vua, Phúc rút ra một kết luận, loại cá này đời mình nuôi nhưng đời con cháu mới được hưởng. Đã thế, kỹ thuật nuôi lại rất khó, phải sục ô xy liên tục, nước phải luân chuyển luôn luôn. Sục bùn tí là anh vũ chết sặc, kéo lưới tí là anh vũ ngửa bụng trên mặt ao.

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi thủy sản lò dò tìm đến đây nhưng sau khi nghe thấy thế liền chạy tuột mất cả dép. Bởi thế, mục tiêu hiện tại không phải là nuôi thương phẩm mà là bảo tồn gen. Hàng trăm con anh vũ đã được thả ra ở hồ Thượng Long huyện Yên Lập, đầm Ao Trâu huyện Hạ Hòa, hồ Phượng Mao huyện Thanh Thủy, ngã ba Bạch Hạc TP Việt Trì.

Nhầm lẫn giữa “mõm trâu” và “mõm lợn”

Dự án của Nguyễn Mạnh Phúc kết thúc thì đến dự án khai thác quỹ gen cá anh vũ của Nguyễn Ngọc Sơn – một kỹ sư trẻ khác thuộc Chi cục. Ba con cá đang vẫy vùng trong bể trong cái đêm mộng mị tôi đi theo đó được chuyển về từ Hà Giang. Cũng như hàng chục con khác, chúng được bắn chíp vào lưng để theo dõi, bị lấy đi một mẩu vây nhỏ để phân tích gen nhằm tuyển chọn những con ưu tú nhất.

Vài năm gần đây trong các nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội người ta bỗng thấy xuất hiện những con “anh vũ” khủng nặng đến 5-7 kg. Nguồn cá rất đều đặn từ trong Nam tuồn ra, nhất là ở Đăk Lăk khiến cho ước mơ một chốc thành vua của nhiều người giàu có bỗng trở nên dễ dàng.

Cá tiến vua sẵn quá khiến cho nhiều người đâm ra nghi ngờ ngay cả độ quý hiếm của chúng. Loài cá “anh vũ” trong Nam này to thế nhưng không cho đẻ được nên khi biết Phú Thọ cho sinh sản nhân tạo thành công, một đoàn cán bộ nông nghiệp tỉnh Đăk Lăk liền bay ra học tập kinh nghiệm.

Khi tận mắt chứng kiến họ đều sửng sốt thốt lên: “Cá “anh vũ” của chúng tôi không giống thế này”. Xem ảnh đối chiếu, chúng giống nhau đến 80-90%, chỉ khác ở cái miệng. Miệng anh vũ xịn nằm thụt hẳn bên dưới, hai môi dày giống cái mõm lợn còn miệng cá “anh vũ” rởm nằm ở giữa có hình cái mõm trâu thậm chí có loại còn có u ở trên đầu. Ngoại hình của cá “anh vũ” Tây Nguyên vì thế không hiền lành như anh vũ thật mà dữ dằn kiểu thủy quái.

Một sự nhầm lẫn thường thấy nữa là cá anh vũ và rầm xanh. Rầm xanh tuy cũng quý hiếm nhưng vẫn chỉ là đáng làm đàn em cho anh vũ. Ngoại hình của hai loại cá này khá giống nhau, chỉ có điều anh vũ có hai cái môi rất dày và ráp còn rầm xanh chỉ có môi trên dày còn môi dưới lại mỏng.

Vì nhẫm lẫn giữa mõm lợn và mõm trâu, môi dày và môi mỏng này mà nhiều thực khách sẵn sàng móc vài triệu đồng ra để thưởng thức. Những tưởng một chốc lên ngồi ngai vua ai ngờ ngồi nhầm… tràng kỷ mốc.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Làm giàu thành công từ mô hình nuôi cá anh vũ

Bỏ nghề buôn bán ở dưới phố, vợ chồng chị Hoàng Thị Thơm, anh Nguyễn Việt Hòa, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) dắt díu nhau lên lưng chừng đèo Ái Au đào ao nuôi cá bổng, cá anh vũ – loài cá cổ xưa dùng tiến vua Hùng.

Khu vực nuôi cá quý anh vũ của gia đình chị Hoàng Thị Thơm, anh Nguyễn Việt Hòa được thiết kế, xây dựng kiên cố và luôn có người bảo vệ, chăm sóc.

Trong lúc nhiều người ở xã chọn mặt nước khu vực hồ thủy điện làm nơi nuôi cá, thì vợ chồng chị Thơm lại chọn địa thế nơi lưng chừng đèo Ái Au làm nơi đào ao thả cá, nhất là kiên trì nuôi loài cá quý như cá anh vũ, cá bỗng khiến những người trong xóm thán phục.

Bỏ phố về làm nông dân

Chị Hoàng Thị Thơm vừa rót trà mời khách, vừa cười bảo: Vợ chồng mình vốn là dân buôn bán dưới phố Bản Chợ chứ không hẳn là nông dân đâu. Sau này thấy kinh doanh buôn bán nhiều nhà làm quá, mà cũng chỉ có từng đấy mặt hàng, nên 2 vợ chồng mới quyết định bỏ nghề tiểu thương về nuôi cá.

Địa điểm vợ chồng anh chị chọn để dựng nghiệp là thôn Cốc Phát, nằm lưng chừng đèo Ái Au. Anh Hòa chọn khu vực khe có nước suối Khuổi Lung Vàng bắt nguồn từ đỉnh Khau Đao chảy về để dẫn nước về ao. Toàn bộ khu vực ao nuôi được xây dựng theo kiểu bậc thang. Nước từ khe chảy về ao nhỏ, tràn xuống ao lớn…

Khoảng 2 tháng nay mưa đổ về như trút, nhiều nhà nuôi cá trắng đêm canh không cho nước tràn bờ nhưng 6 ao nuôi nhà anh chị nước vào ra liên tục, đàn cá không bị ảnh hưởng gì. Năm đầu tiên bắt tay vào nuôi, cứ vài tháng anh chị lại phải đắp lại bờ do bị cua đục. Sau thấy không ổn, anh Hòa thuê nhân công xây lại toàn bộ lòng và bờ ao, vừa tránh được cua đục bờ, vừa dễ vệ sinh, thay nước.

Chọn địa thế “độc” để nuôi cá quý là cách làm của anh Hòa, chị Thơm. Anh Hòa bảo, cá anh vũ, cá dầm xanh, cá lăng, cá chiên và cá bỗng là năm loại cá quý của sông Gâm, được dân gian xưng tụng “Ngũ quý hà thủy”, trong đó giống cá anh vũ ngày càng hiếm trong tự nhiên.

Chuyện kể rằng, xưa kia có người ngư dân bắt được một con cá quý đem dâng vua Hùng. Tướng cá rất lạ. Thân giống cá chép nhưng miệng lại hệt mồm lợn. Vua ăn xong khen ngợi hết lời và ban lệ cúng tiến. Loài cá ấy chính là anh vũ. Anh vũ quen sống ở nơi nước chảy siết dùng cái miệng rất khỏe của mình để bám vào vách đá cạp rêu mà ăn nên mồm bành ra. Cái “mõm lợn” ấy chính là bộ phận ngon nhất, quý nhất của loài cá này khiến cho nhiều người phải bỏ tiền, bỏ của để săn tìm khoảnh khắc một chốc được “làm vua”.

Ngày anh Hòa còn nhỏ, cá anh vũ, dầm xanh trong tự nhiên vẫn còn rất nhiều. Nhưng càng về sau lượng cá càng ít đi, nhất là sau khi thủy điện Tuyên Quang tích nước, cá anh vũ ngược về khu vực Hà Giang nên chuyện tìm con giống về để nuôi rất khó khăn.

Đã từng có một thời gian buôn bán ở khu vực bến thủy, quen biết nhiều người đánh cá khu vực thượng nguồn sông Gâm, anh Hòa bắt mối với những người đánh cá ở Bắc Mê (Hà Giang). Có cá giống, họ xuôi theo dòng Gâm về bán lại cho anh chị. Quen mối, nhưng chuyện mua cá giống vẫn được anh Hòa, chị Thơm ví von như “đánh bạc”, bởi lẽ mỗi con cá anh vũ giống có trọng lượng chỉ tính bằng gram, lớn chưa bằng đầu đũa, mặc dù người bán cam kết nếu không phải anh vũ sẵn sàng hoàn lại tiền nhưng anh chị không dám lấy nhiều.

Năm đầu tiên, anh Hòa chỉ dám lấy hơn 100 con về nuôi thử. Sau vài tháng, cái “mõm lợn” đặc trưng của cá anh vũ đã được khẳng định, anh chị đặt mua thêm cá giống đều hơn. Sau gần 3 năm, 6 ao cá lưng chừng ngọn đèo Ái Au đã có trên 4.000 cá bỗng, 1.000 cá anh vũ; còn lại là cá chép, trôi, trắm…

Lấy tiền bán lợn, gà đầu tư nuôi cá quý

Chị Thơm tính nhẩm, tổng chi phí bỏ ra cho cái cơ ngơi con con nơi lưng chừng đèo của anh chị xấp xỉ con số 1 tỷ đồng, từ mua đất khai hoang, cải tạo ao nuôi đến chi phí cho con giống, thức ăn…

Vốn đầu tư ban đầu bỏ ra khá lớn, trong khi 2 giống cá quý đặc sản là cá bỗng và cá anh vũ lại có thời gian nuôi khá lâu, từ 3-4 năm mới được thu hoạch, nên anh chị nuôi thêm cá trôi, cá chép, lợn đen địa phương và ít gia cầm, như cách chị Thơm gọi là đầu tư “ngược”:. Tức là :Nuôi lợn, nuôi gà để lấy tiền đầu tư nuôi cá. Quanh khu vực ao nuôi, anh chị trồng thêm cỏ để làm thức ăn xanh cho đàn cá. Số cá bỗng nuôi được 3 năm đã có trọng lượng trung bình từ 2,5 – 3 kg/con. Cá anh vũ thì lớn chậm hơn, nhưng không bị thất thoát. Với giá thị trường của cá bỗng hiện nay dao động khoảng 250 đến 300 nghìn đồng/kg, riêng cá anh vũ có giá bán lên đến cả triệu đồng/kg thì tính ra, vợ chồng anh Hòa đã có một khoản tiền không hề nhỏ.

Đầu tháng 8, anh Hòa vừa có chuyến đi Sa Pa xem cách người dân ở đấy nuôi cá tầm, cá hồi. Anh Hòa bảo, đi mới thấy cùng là dân miền núi, nhưng họ làm ăn bài bản lắm. Dưới ao nuôi cá, trên bờ họ dựng giàn trồng su su, đất đai được tận dụng không có chỗ cho cỏ mọc chứ đừng nói đến chuyện cho đất nghỉ ngơi.

Năm sau, anh sẽ đào thêm một ao đón nước từ suối Khuổi Lung Vàng để nuôi cá tầm, đồng thời liên hệ với người dân địa phương mua thêm giống cá chày đất – cũng là một trong những loại cá đặc sản của Lâm Bình về nuôi. Giờ 2 vợ chồng anh chị đang tập trung cải tạo lại toàn bộ vườn tạp đưa rau bò khai, rau ngót rừng vào trồng, cùng với lợn đen, gà thả vườn, cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn trong huyện…

Ông Vũ Đình Thường, Giám đốc Công ty TNHH Thường Mai ở thị trấn Na Hang – người cũng vừa chuyển hướng từ xây dựng cơ bản sang nuôi cá lồng ở khu vực hồ thủy điện Tuyên Quang, hễ có thời gian lại đánh xe ô tô đến thăm cơ ngơi của anh Hòa. Ông Thường bảo, mình mới đầu tư vào nuôi cá nên cũng chỉ dám nuôi những loại cá truyền thống thôi, nhưng tận mắt thấy “khối tài sản biết bơi” của vợ chồng anh Hòa, cũng muốn liều theo rồi.

6 ao nuôi cá nước trong văn vắt, người trên bờ đi đến đâu, đàn cá dưới nước theo chân đến đấy. “Khối tài sản biết bơi” ấy dự kiến đem lại thu nhập tiền tỷ cho vợ chồng chị Thơm, anh Hòa – những người biết tận dụng thời cơ, nắm bắt xu thế làm giàu.

Nguồn: Báo Tuyên Quang được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sắp có cả “ngân hàng” cá tiến vua-Anh Vũ, Rầm xanh

Để phát triển các loại cá rầm xanh, anh vũ, từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học của tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Tư vấn, sản xuất, dịch vụ và Chuyển giao công nghệ thủy sản – Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I thực hiện đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng sản xuất giống cá rầm xanh, anh vũ bằng phương pháp sinh sản nhân tạo tại Tuyên Quang”.

Đề tài được thực hiện từ năm 2013-2016 do Thạc sỹ Trần Anh Tuấn làm chủ nhiệm. Để xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo cá Rầm xanh, Anh vũ phù hợp, dựa vào tập tính sống tự nhiên của cá và điều kiện tại tỉnh, đơn vị thực hiện đề tài đã phối hợp với Hợp tác xã Quý Long, xã Thái Long (TP Tuyên Quang) và Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang thực hiện đề tài.

Cá rầm xanh bố mẹ được nuôi tại Trung tâm Thủy sản tỉnh để nghiên cứu, ứng dụng sản xuất bằng phương pháp sinh sản nhân tạo.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện 14 đợt khảo sát cá rầm xanh, anh vũ tại các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang và thu gom cá bố mẹ ngoài tự nhiên về nuôi thuần hóa tại 2 đơn vị phối hợp gồm: 291 cá anh vũ và 160 cá rầm xanh.

Theo tài liệu tổng hợp của đơn vị thực hiện đề tài, cá rầm xanh phân bố tại các tỉnh miền núi phía Bắc, tập trung ở vùng trung du và thượng lưu các sông lớn: Sông Đà, sông Thao, sông chảy, sông Lô – Gâm… sống ở tầng đáy và kề đáy sông, nơi nước trong, nước chảy, đáy nhiều sỏi đá và rong rêu, thức ăn chủ yếu là bã hữu cơ, một số động vật không xương sống.

Cá anh vũ có tên khoa học là Pseudogyriocheilus procheilus và được chia thành 2 nhóm hình thái là thân lưng gù và thân thuôn dài, thường sống ở tầng đáy của các sông suối nước trong, sâu, chảy xiết, nơi nhiều rạn đá, có nhiều tảo đáy và rong rêu bám đá. Cá anh vũ con, mới nở ăn cặn vẩn, động vật không xương sống nhỏ, sau chuyển sang ăn mùn bã hữu cơ và tảo bám đáy…

Đơn vị thực hiện đề tài và các đơn vị phối hợp đã thực hiện cải tạo và xây dựng hệ thống sản xuất. Sau 3 năm, đơn vị đã thuần hóa và xây dựng được đàn cá anh vũ, rầm xanh bố mẹ; xây dựng và chuyển giao thành công quy trình sản xuất giống cá anh vũ và cho sinh sản được lượng cá anh vũ giống là hơn 10.000 con, số cá hương thu được là hơn 8.000 con.

Đối với cá rầm xanh, đơn vị thực hiện đã cho cá đẻ thành công, tuy nhiên trong quá trình ấp nở trứng cá, tỷ lệ thụ tinh thấp, cá bột thu được thấp và cần có nghiên cứu bổ sung để hoàn thiện quy trình.

Theo ông Đỗ Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, thông thường việc nuôi 2 loại cá rầm xanh, anh vũ gặp nhiều khó khăn vì không tìm được nguồn giống, nếu có thì số lượng ít và thường do dân vạn chài cung ứng từ tự nhiên. Cá được đánh bắt thủ công bằng xung điện hoặc bằng lưới, thân cá thường bị trầy xước hoặc ảnh hưởng xương sống, khó nuôi.

Vì vậy, việc nghiên cứu và chuyển giao thành công quy trình sản xuất giống cá anh vũ góp phần mở ra cơ hội lớn đối với nghề nuôi trồng thủy sản địa phương, làm tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo trong việc nghiên cứu khép kín quy trình sản xuất nhân tạo cá rầm xanh, anh vũ từ con giống đến cá bố mẹ để bảo tồn và phát triển nguồn gen.

Nguồn: Báo Tuyên Quang được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.