Để khai thác hải sâm, thợ lặn phải lặn rất sâu ngoài biển xa và chúng đang ngày càng cạn kiệt. Nay loài sâm biển quý giá đó đã được các nhà khoa học thủy sản Việt Nam nhân tạo thành công, nuôi thương mại dễ dàng…
NNVN xin giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Đình Quang Duy, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, chuyên gia hàng đầu về hải sâm…
Bị săn lùng
Hải sâm (Holothuroidea, Echinodermata) có lịch sử lâu dài về thương mại trên khắp châu Á và Ấn Độ – Thái Bình Dương; chúng được khai thác để làm thực phẩm và sử dụng làm dược liệu cho y học cổ truyền ở Trung Quốc trong nhiều thế kỷ
Hải sâm (Holothuroidea, Echinodermata) có lịch sử lâu dài về thương mại trên khắp châu Á và Ấn Độ – Thái Bình Dương; chúng được khai thác để làm thực phẩm và sử dụng làm dược liệu cho y học cổ truyền ở Trung Quốc trong nhiều thế kỷ
Hải sâm là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng và nguồn thu nhập cho các cộng đồng ven biển nhỏ trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương; là nhóm động vật không xương sống được khai thác nhiều nhất với khoảng 77 loài được thu hoạch và giao dịch ở ít nhất 70 quốc gia trên toàn thế giới.
Các hình thức phổ biến nhất của sản phẩm hải sâm trên thị trường là hải sâm bỏ ruột, luộc và phơi khô, được gọi là trepang (Indonesia), beche-de-mer (Polynesia thuộc Pháp), namako (Nhật Bản) hoặc gamat (Malaysia).
Hải sâm được coi là món ăn bổ dưỡng ở nhiều vùng, đặc biệt là Trung Quốc và được đánh giá cao vì lợi ích nhận thức như thuốc cổ truyền dưới dạng chiết xuất được chế biến thành thuốc viên, thuốc bổ và các loại thuốc bôi tại chỗ.
Hải sâm cát cũng có các hợp chất hoạt tính sinh học có thể có ứng dụng sinh học và dược lý cho các đặc tính chống ung thư, kháng virus, chống tạo mạch máu trong điều trị ung thư, chống tăng huyết áp, chống viêm, kháng khuẩn, chống oxy hóa, chống huyết khối…
Hải sâm Nhật Bản Apostichopus japonicus là loài được khai thác tự nhiên nhiều nhất với sản lượng trung bình hàng năm là 11.473 tấn, từ năm 2002 đến năm 2015 mức tăng trung bình 131 tấn mỗi năm.
Khai thác nhằm vào các loài hải sâm khác có giá trị thấp hơn đáng kể như hải sâm vú đen Holothuria nobilis, hải sâm ngận Thelenota ananas và hải sâm vú trắng Holothuria fuscogilva, ở mức 12, 89 và 115 tấn mỗi năm, từ năm 2002 đến 2015 (FAO, 2018). H. fuscogilva được coi là loài sắp nguy cấp trong khi H. nobilis và T. ananas được coi là loài nguy cấp (theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, IUCN).
Quần thể hải sâm bị suy giảm nghiêm trọng trong khoảng 50 – 90% do áp lực khai thác. Hải sâm cát (Holothuria scabra) là một trong những loài hải sâm nhiệt đới có giá trị nhất và chịu áp lực đánh bắt nghiêm trọng trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Sản xuất giống và nuôi thương phẩm
Tại Việt Nam, quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm hải sâm cát đã được nghiên cứu bởi Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III qua hai đề tài cấp Bộ, giai đoạn 2003 – 2004 là đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống hải sâm cát tại Nha Trang – Khánh Hòa”;
Giai đoạn 2008 – 2009 là đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi thương phẩm hải sâm cát quy mô sản xuất trong ao tại một số khu vực duyên hải Nam Trung Bộ”.
Hai dự án trên cùng với các dự án hợp tác quốc tế khác về loài hải sâm cát khác được nghiên cứu về cơ bản đã hình thành nghề nuôi hải sâm cát tại Việt Nam, chủ yếu là nuôi thương phẩm trong ao.
Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu cho thấy, quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm hải sâm cát không ổn định với tỉ lệ sống từ ấu trùng mới nở cho đến giai đoạn con giống có thể thả nuôi (2 – 3cm) thương phẩm trung bình khoảng 5% tính chung cho tất cả giai đoạn ương nuôi; con bố mẹ phụ thuộc đánh bắt từ tự nhiên chưa có quy trình nuôi con bố mẹ thành thục chủ động.
Thời gian nuôi thương phẩm hải sâm cát đạt được tại các mô hình trung bình từ 10 – 12 tháng, có thể thu hoạch với kích cỡ khoảng 3 – 4 con/kg, năng suất trung bình 2,5 tấn/ha, tỷ lệ sống trung bình khoảng 80%.
Trong số các loài hải sâm nhiệt đới, hải sâm cát có giá bán cao nhất trên thị trường, dao động từ 115 – 640 USD/kg đến 1.670 USD/kg (đối với mẫu nặng hơn 1,5kg) (Purcell và cộng sự, 2012). Trong năm 2015, tổng sản lượng nuôi hải sâm cát trên toàn cầu chỉ là 156 tấn, trị giá 732.000 USD, phần lớn được sản xuất ở Việt Nam và Malaysia (FAO, 2018).
Từ năm 2000 đến năm 2003, tổ chức ICLARM (nay là WorldFish Center) hợp tác với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã nghiên cứu sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm hải sâm cát Holothuria scabra.
Dự án đã sản xuất nhân tạo vài chục vạn con giống 1 – 2mm với tỷ lệ sống cho ương nuôi ấu trùng từ trứng đến con giống còn thấp chỉ đạt 3,1%, nguyên nhân chính do thức ăn và địch hại.
Dự án cũng đã thử nghiệm thả nuôi hải sâm cát có kích cỡ khác nhau để ương nuôi trong lồng, đăng ngoài biển. Kết quả nuôi trong ao với mật độ 1 con/m2 cho thấy cỡ giống 1,6g/con nuôi khoảng 1,5 – 2 tháng đạt 60g/con, cỡ giống 5,5g/con nuôi khoảng 1,5 tháng đạt 96g/con.
Quy trình sản xuất giống hải sâm cát đã đạt được thành công trong cải tiến kỹ thuật nâng cao tỷ lệ sống trong giai đoạn bám lên 10%. Kết quả ương nuôi thành công từ ấu thể 1 – 2mm lên con giống 2cm đạt tỷ lệ sống gần 50%.
Gần đây,các dự án hợp tác quốc tế về hải sâm giữa Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III và tổ chức Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) đã nghiên cứu và làm chủ công nghệ sản xuất giống hải sâm cát, đồng thời nghiên cứu các hình thức nuôi ghép giữa hải sâm và tôm, hải sâm với ốc hương, nuôi đăng biển, tập huấn sản xuất giống và các giải pháp quản lý môi trường ao nuôi và tạo sinh kế cho cộng đồng ven biển…
Lợi ích kinh tế
Nuôi thương phẩm hải sâm cát vẫn chưa được phát triển ở quy mô công nghiệp trên thế giới, ngoại trừ một số mô hình nuôi ao tại Nam Trung Bộ, Việt Nam những năm gần đây.
Trong khi đó, nhu cầu về sản phẩm hải sâm cát trên thị trường thế giới như Trung Quốc, Singapore, Đài Loan… là rất lớn. Ngoài ra, thị trường trong nước có tiềm năng rất lớn đối với mặt hàng hải sâm cát – vốn là sản phẩm có giá trị y học và thực phẩm cao – nhưng chưa được quan tâm khai thác với nguồn nguyên liệu còn hạn chế do nuôi trồng còn chưa phát triển ở quy mô công nghiệp.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, chất lượng giữa hải sâm cát nuôi và tự nhiên là không có sự sai khác nhiều (Hair và cộng sự, 2018).
Do đó, trong tương lai khả năng sản phẩm hải sâm cát nguồn gốc từ nuôi trồng có tính cạnh tranh cao so với nguồn sản phẩm khai thác từ tự nhiên vốn hạn chế và không bền vững.
Khu vực Nam Trung Bộ có điều kiện tự nhiên phù hợp (nhiệt độ, độ mặn cao và ổn định) cho sản xuất giống và nuôi thương phẩm hải sâm cát.
Nhiều trại sản xuất giống hải sản, diện tích nuôi sử dụng nuôi các loài hải sản (tôm, ốc hương, cá biển…) không hiệu quả có thể chuyển đổi qua sản xuất giống và nuôi hải sâm cát, sẽ phát huy công năng trên một diện tích đất, nhà xưởng, mặt nước nuôi trồng.
Khu vực miền Trung là nơi có rất nhiều diện tích nuôi tôm bị bỏ hoang do ô nhiễm, dịch bệnh nên việc nuôi hải sâm, vốn là đối tượng ăn lọc, sẽ góp phần cải tạo môi trường ao nuôi, giảm ô nhiễm vùng nuôi.
Việc triển khai sản xuất nuôi trồng hải sâm cát ở quy mô công nghiệp sẽ mở rộng nghề sản xuất giống và nuôi thương phẩm một đối tượng có giá trị kinh tế cao, đa dạng hóa đối tượng nuôi, tạo công ăn việc làm, nhất là việc làm cho phụ nữ vùng hải đảo và ven biển.
Sản phẩm từ nghề nuôi sẽ góp phần vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản, cung cấp nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và y học cao, góp phần cải thiện sức khỏe người dân.
Cần chiến lược nghiên cứu và nuôi hải sâm thương mại
Mặc dù các kết quả nghiên cứu và thực tế sản xuất tại Việt Nam cho thấy có những chỉ tiêu vượt trội so với công trình đã xuất bản và công nghệ khu vực cũng như trên thế giới nhưng nghề nuôi vẫn chưa phát triển mạnh trong những năm qua.
Việc đầu tư về cơ sở sản xuất hải sâm cát còn hạn chế và hải sâm cát vẫn chưa được xem là đối tượng nuôi trồng ưu tiên của ngành thủy sản nên quy mô sản xuất còn nhỏ, công nghệ chưa thật sự ổn định ở một số khâu kỹ thuật.
Việc sản xuất thử nghiệm ở quy mô công nghiệp đòi hỏi nhiều nghiên cứu cải tiến, hoàn thiện trong các khâu nuôi vỗ con bố mẹ chất lượng cao; nghiên cứu thức ăn, mật độ, nâng cao tỉ lệ sống từ ấu trùng cho đến giai đoạn bám đáy và giai đoạn ương lên con giống tiêu chuẩn phục vụ nuôi thương phẩm; nghiên cứu thức ăn bổ sung phù hợp và mật độ thích hợp cho hải sâm nuôi nhằm giảm thời gian nuôi, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trên một diện tích nuôi trồng.
Việc kết hợp với doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu hải sâm sẽ hỗ trợ gia tăng quy mô sản xuất, chiến lược tiếp thị và đưa sản phẩm ra thị trường hiệu quả hơn.
TS NGUYỄN ĐÌNH QUANG DUY
Nguồn: https://nongnghiep.vn/