Nghề ‘chăm con mọn’ ở đầm Nha Phu thu bạc triệu

Nhìn qua tưởng đơn giản nhưng nghề nuôi gia công trai lấy ngọc cũng lắm công phu khi người nuôi chăm những “viên ngọc thô” của mình chẳng khác gì chăm con mọn…

Tỉ mỉ, kỳ công

Sau 15 phút xuất phát từ bến ghe thôn Ngọc Diêm (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), chúng tôi đến khu vực nuôi trai của anh Nguyễn Văn Tuấn trên đầm Nha Phu. Anh Tuấn là người đầu tiên trong tỉnh hợp tác với một công ty của Nhật nuôi gia công trai lấy ngọc. Từ ngoài nhìn vào, khu bè của gia đình anh rộng cả ngàn mét vuông, tít tắp tầm mắt. Khi chúng tôi đến, anh Tuấn đang đo độ mặn của nước.

Trai giống 4 tuần tuổi được đưa lên thay lồng

Hơn chục công nhân hối hả đưa những lồng nuôi trai lên vệ sinh. Những con trai giống xù xì, hàu rêu bám mốc, dính vào nhau, chỉ một loáng đã được tách ra, cắt tai sạch sẽ. Anh Tuấn cho biết, con trai rất “khó tính”, muốn nó sống và tăng trưởng mạnh khi chăm sóc phải rất tỉ mỉ, cẩn thận. Chỉ cần lơ là, vệ sinh không tốt trai sẽ chết.

Nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trai, anh Tuấn rút ra kết luận, nghề này thực lắm công phu. Không chỉ có kỹ thuật nuôi mà việc chăm sóc trai chẳng khác nào chăm con mọn. Giai đoạn trai từ 1 tuần tuổi đến 8 tuần tuổi là thời gian vất vả nhất. “Ban đầu trai được công ty cung cấp để nuôi chỉ nhỉnh hơn hạt cát một chút. Muốn trai lớn và đạt tiêu chuẩn phải qua hàng trăm công đoạn khác nhau, theo đúng chu kỳ nhất định.

Thu hoạch trai

Hàng ngày phải đưa trai lên vệ sinh, thay túi theo kích cỡ tăng trưởng của nó. Lúc vệ sinh cũng phải để ý không được cắt tơ của con trai, nếu cắt trúng tơ thì nó sẽ chết”, anh Tuấn chia sẻ.

Không chỉ có kỹ thuật mà người nuôi phải thành thục con nước triều lên xuống. Anh Lê Thạnh, người có nhiều năm nuôi trai ở trại anh Tuấn cho hay, môi trường khu vực đầm Nha Phu thuận lợi cho việc nuôi con 2 mảnh vỏ, nhất là hàu, trai, vẹm xanh.

Tuy nhiên, với đặc tính của con trai không chịu được nước ngọt nên khi nước nguồn từ núi chảy xuống đầm mang theo nước ngọt, người nuôi phải nhận biết để xử lý kịp thời. Khi nước ngọt xâm nhập, trai phải được thả dây sâu xuống tầng đáy. Nếu không kịp xử lý thì chỉ 2 giờ ngâm nước ngọt trai sẽ chết. Vì vậy, anh em phải trực 24/24 giờ để xử lý khi có sự cố xảy ra.

Theo người nuôi trai kinh nghiệm, trong số các công đoạn nuôi thì việc xử lý muối công phu và khó nhất. Bởi cứ 2 tuần phải xử lý muối 1 lần, giúp trai kháng khuẩn, tránh bệnh tật. Nồng độ muối phải đạt ngưỡng bão hòa mới có thể diệt được rêu mốc, sâu vỏ. Con trai sau 7 tháng nuôi sẽ được xuất bán lại cho công ty thực hiện cấy ghép ngọc; nếu đạt chuẩn nó có trọng lượng từ 10gram trở lên và không bị sâu vỏ.

Người tiên phong nuôi trai lấy ngọc

Với anh Tuấn, cái duyên đến với nghề nuôi trai cũng thật tình cờ. Năm 2012, sau khi thành công với con hàu sữa Thái Bình Dương, tiếng tăm của anh đã được một công ty Nhật Bản chuyên nuôi trai lấy ngọc biết đến. “Họ chủ động liên hệ với tôi, đặt vấn đề nhờ nuôi thí điểm trai giống lấy ngọc. Tôi vốn thích cái mới nên đã nhận lời, bỏ hơn 1 tỷ đồng để đầu tư bè, với hơn 3.000m2.

Phía công ty Nhật cung cấp toàn bộ con giống, mình chỉ việc chăm sóc. Thế nhưng, ban đầu khi mới nuôi, kỹ thuật chưa có, lại không hiểu được con nước triều… nên gặp khá nhiều khó khăn. Có thời điểm giống chết quá nhiều do thiên tai, chán nản tôi tính bỏ nghề nhưng nghĩ lại vì uy tín và là một người Việt nên tôi đã quyết tâm vượt qua”, anh chia sẻ.

Lâu dần, với kinh nghiệm làm nghề nuôi nhiều năm và được sự hướng dẫn của đối tác, anh Tuấn trở thành người nuôi đạt nhất trong số đối tác của Nhật. Đến nay, mỗi tháng trại giống của anh cung cấp cho công ty Nhật Bản từ 500.000 đến 800.000 con trai giống lấy ngọc có trọng lượng từ 17 đến 20gram. Hiện nay, mỗi kg trai giống được bán với giá dao động từ 15.000 đến 17.000 đồng.

Những thành công trong nghề nuôi trai giúp anh Tuấn có thu nhập ổn định từ 200 đến 400 triệu đồng/năm. Không chỉ vậy, anh đã tạo việc làm cho gần 20 lao động thường xuyên ở thôn Ngọc Diêm. Tuy đã chia sẻ kinh nghiệm cho những người cùng làng để làm, nhưng nghề nuôi trai lấy ngọc khá kén người. Vì vậy, ngoài gia đình anh, hiện nay, toàn tỉnh mới chỉ có thêm 2 hộ đang manh nha nuôi thí điểm với số lượng ít.

Nguồn: Danviet được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

Khánh Hòa : Người dân cần cẩn trọng khi nuôi ốc hương

Những năm gần đây, do nuôi tôm thua lỗ nên nhiều diện tích đìa được nông dân thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) chuyển đổi sang nuôi ốc hương. Tuy nhiên, do chuyển đổi tự phát, mạnh ai nấy đầu tư nên việc nuôi ốc hương đang dần mất kiểm soát.

Người dân cần cẩn trọng khi nuôi ốc hương

Ông Nguyễn Đức Thành (phường Ninh Hải) cho biết: “Năm nay, gia đình tôi thả nuôi 3,2 triệu con ốc hương giống trên 8 đìa. Tổng số tiền đầu tư cho ao nuôi, con giống, mua thức ăn cho ốc từ khi bắt đầu thả nuôi đến khi thu hoạch hơn 1,5 tỷ đồng. Chi phí nuôi ốc hương rất cao, nếu tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi lớn, giá cả bấp bênh thì người nuôi rất dễ thua lỗ. Vì vậy, tuy có nhiều đìa nhưng tôi vẫn thận trọng, không dám mạo hiểm đầu tư hết cho con ốc”.

Thận trọng khi nuôi ốc hương

Người dân phường Ninh Hải chuẩn bị ao nuôi ốc hương

Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, năm 2016, trên địa bàn thị xã có gần 290ha nuôi ốc hương. Đến năm 2017, nông dân trên địa bàn thị xã đã thả nuôi khoảng 350ha ốc hương, diện tích thả nuôi dự kiến còn tiếp tục tăng. Trong đó, có hàng chục héc-ta được chuyển đổi từ nuôi tôm sang nuôi ốc hương; các địa phương có sự chuyển đổi mạnh như: Ninh Thọ, Ninh Hải, Ninh Hà, Ninh Phú, Ninh Ích…
Ông Nguyễn Khiêm, người dân TP. Nha Trang đến thuê đìa tại xã Ninh Ích để nuôi ốc hương cho biết: “Năm trước, tôi thuê 1ha đìa, thả nuôi gần 2 triệu con giống. Sau gần 5 tháng, tôi thu hoạch được hơn 8 tấn ốc thương phẩm. Với giá bán gần 200.000 đồng/kg, tôi thu được khoảng 1,6 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi gần 700 triệu đồng”. Theo ông Khiêm, gần đây, nhiều người dân đã cải tạo các đìa nuôi tôm để thả nuôi ốc hương nên diện tích ngày một tăng, khiến nguồn cung cấp con giống cũng khan hiếm. Hiện nay, hầu hết người nuôi ốc hương phải đặt cọc với các chủ trại sản xuất ốc giống trước cả tháng mà vẫn chưa có giống. Vụ năm nay, ông tính thả nuôi 3 triệu con giống, nhưng do nhiều trại nuôi con giống bị chết hàng loạt nên nguồn giống khan hiếm, đẩy giá lên cao.

Ông Phạm Ngọc Khánh – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho hay: “Sau nhiều vụ tôm thất bát, khoảng 2 năm trở lại đây, người dân trong xã ồ ạt chuyển sang nuôi ốc hương. Đến nay, diện tích chuyển đổi sang nuôi ốc hương đã lên đến 20ha. Nuôi ốc hương chi phí đầu tư khá lớn, nên chỉ những hộ có tiềm lực kinh tế mới có thể đầu tư nuôi. Vì thế, nhiều diện tích đìa tại địa phương do người ở nơi khác đến thuê nuôi”. Điều khiến ông Khánh lo lắng, đối với những diện tích được chuyển đổi từ tôm sang ốc, người dân chỉ có lãi được 1 – 2 vụ đầu, còn những vụ sau đều khó nuôi, thậm chí thua lỗ. Vì vậy, địa phương khuyến cáo người dân cần thận trọng khi nuôi ốc hương.

Tại xã Ninh Phú, người nuôi ốc hương cũng đứng ngồi không yên khi nhiều diện tích chuyển từ tôm sang thả ốc hương bị dịch chết. Ông Trần Văn Sơn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Phú cho hay: “Trên địa bàn hiện có khoảng 20ha nuôi ốc hương, trong đó phần lớn diện tích được chuyển từ tôm sang ốc trong vòng 2 năm trở lại đây. Thời gian qua, trên địa bàn có 10ha ốc hương mới thả chưa đến 30 ngày đã bị dịch chết. Nguyên nhân có thể do môi trường nước, chất lượng con giống không đảm bảo”.

Ông Đặng Cửu – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết: “Trong quá trình nuôi, nông dân thấy đối tượng nào hiệu quả thì chuyển sang nuôi theo kiểu tự phát. Năm trước, các hộ nuôi tôm thua lỗ, trong khi các hộ nuôi ốc hương trúng, nên năm nay người dân bỏ tôm chuyển sang ốc. Điều khiến chúng tôi lo lắng là thời gian qua, ốc giống của các trại giống có biểu hiện chết hàng loạt; ở một vài vùng nuôi ốc mới thả vài ngày đã bị chết”.

Theo ông Cửu, không phải khu vực nào cũng nuôi được ốc hương, bởi phụ thuộc nhiều vào nguồn nước, kỹ thuật của người nuôi. Trong khi đó, giá ốc hương lên xuống thất thường do đầu ra không ổn định, phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc… Bên cạnh việc thường xuyên phối hợp với ngành chức năng tập huấn kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi ốc hương cho người dân, địa phương khuyến cáo người dân không nên ồ ạt thả nuôi ốc hương, cần phải thận trọng với đối tượng nuôi này do chi phí đầu tư rất lớn.

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Khánh Hòa : Ốc móng tay được sản xuất giống nhân tạo thành công

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa vừa nghiệm thu kết quả đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và thử nghiệm nuôi thương phẩm móng tay dày” do Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản III chủ trì thực hiện.
Móng tay dày (hay còn gọi ốc móng tay) là động vật thân mềm, hai mảnh vỏ, có giá trị kinh tế cao.
Kết quả này đã bổ sung thêm một loài thủy sản có thể nuôi trồng cho người dân Khánh Hòa nói riêng và mở rộng ra các vùng nuôi có điều kiện thích hợp trong cả nước.
Móng tay dày (hay còn gọi ốc móng tay) là động vật thân mềm, hai mảnh vỏ, có giá trị kinh tế cao do thịt thơm ngon, giá bán hiện nay khoảng 450.000 đồng/kg. Loài này sử dụng thức ăn là sinh vật phù du và mùn bã hữu cơ nên có tác dụng làm sạch môi trường sinh thái biển.
Với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng, đề tài được thực hiện từ tháng 7/2015 và kéo dài 2 năm, bao gồm các nội dung: Xây dựng quy trình sản xuất giống nhân tạo móng tay dày; chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống móng tay dày cho ngư dân và thử nghiệm các mô hình nuôi thương phẩm tại đầm Nha Phu, đầm Thủy Triều.
Nhóm nghiên cứu đã sản xuất được 50.000 con giống cỡ 2 – 3mm và 5.000 con giống cỡ 10 – 15mm; đưa vào nuôi thương phẩm đạt 20kg/mô hình, sau đó chuyển giao quy trình kỹ thuật cho người dân để đi vào sản xuất.
Ốc móng tay là loại thực phẩm được nhiều người ưa chuộng
Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật nuôi tu hài bằng lồng treo

Lựa chọn địa điểm

Địa điểm được lựa chọn phải có độ sâu nhất định, độ sâu thấp nhất khi nước triều xuống trung bình khoảng 3m. Độ mặn quanh năm của nước từ 28‰ trở lên. Độ trong của nước trên 2,5 m. Nước lưu thông tốt, thành phần thực vật phù du phong phú, nước không bị ngọt hoá, không chịu ảnh hưởng của nguồn nước thải

Gia công lồng và giàn treo

Lồng nuôi

– Cắt lưới bao thành sao cho đủ để lót hết toàn bộ phía trong thành lồng.
– Cắt lưới lót đáy sao cho đủ lót hết đáy và gập vuông góc lên thành lồng với chiều cao 12 cm.
– Dùng kim và chỉ nilon khâu cả 2 lớp áp sát và cố định vào thành lồng.
– Làm quang treo lồng bằng loại dây lớn.
– Cắt lưới 2a = 20mm làm nắp lồng (nếu lồng có sẵn nắp nhựa thì không cần làm nắp lưới).

Giàn treo cố định

Nếu không có bè thì làm giàn treo cố định. Vật liệu và cách làm giàn treo cố định làm giống như giàn treo trong phần ương giống. Giàn có thể làm nhiều hàng song song với nhau và vuông góc với dòng nước chảy.

Đặc biệt lưu ý là giàn phải ở nơi có độ sâu trên 5 m so với mép sóng hoặc dưới mức nước ròng nhất  0,5 m.

Tu hài

Kỹ thuật thả giống

Cỡ giống thả có dài vỏ 20-25 mm. Mật độ: từ 30-50 con/lồng, tương đương 200-300 con/m2.

Trình tự thả giống:
– Cho cát vào lồng dày 7-8 cm.
– Treo lồng dưới nước sao cho mặt lồng vẫn không chìm dưới mặt nước.
– Lấy ngón tay chọc xuống cát làm thành các lỗ phân đều trên mặt cát và thả vào mỗi lỗ 1 con. Không được thả những con giống đã bị vỡ vỏ.
– Buộc nắp lồng và từ từ thả lồng xuống độ sâu quy định:
+ Với bè: Thả sâu 2,5 -3,5 m.
+ Với giàn cố định: đáy lồng cách mặt bãi từ 0,3-0,5 m.

Quản lý, chăm sóc

– Mỗi tháng kéo lồng lên 2 lần vào ngày thuỷ triều ròng nhất và dùng bàn chải đánh rửa sạch mặt ngoài lồng. Loại bỏ hết những vật lạ ở trong lồng ra ngoài.
– Lấy tay bới cát xuống đến độ sâu 1/2 độ dầy của lớp cát, nếu phát hiện chỗ có cát màu đen, dấu hiệu ở đó có thể có một số tu hài bị chết, phải loại bỏ tu hài chết và thay cát mới.
– Kiểm tra dây treo lồng và nắp lồng, nếu bị cua hoặc cá làm rách lưới hoặc có nguy cơ đứt dây thì phải thay ngay. Bên ngoài lồng nếu có nhiều hà, sun bám, dùng dao xây cạy, đẽo bỏ hết.
– Kiểm tra giàn, nếu cọc và giằng ngang bị hà và sun bám làm hư hỏng, phải thay ngay.
– Nuôi treo trên bè, khi có mưa phải thả lồng xuống độ sâu tối đa có thể. Sau mưa chờ cho độ mặn trở lại bình thường hãy kéo lồng lên ở mức quy định.
– Sau mưa 1 ngày, cần kiểm tra nếu có sự cố phải xử lý ngay.
– Kiểm tra sinh trưởng mỗi tháng 1 lần, làm như chỉ dẫn ở phần ương giống.
– Từ tháng thứ 2 trở đi, tăng dần cát vào lồng đến 10 hoặc 15 cm. Nếu lồng có chiều cao 30 cm thì độ dầy của cát có thể tới 20 cm.

Nuôi tu hài bằng lồng treo

Thu hoạch

Có thể thu tỉa hoặc thu toàn bộ và thả vào một giai đặt dưới nước trước khi vận chuyển đến thị trường.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi tu hài thương phẩm theo hình thức nuôi đáy

Hiện nay, Tu hài đang là một đặc sản được ưa thích của du khách khi đến Hải Phòng và Quảng Ninh, cũng từ khi đó giá tu hài tăng lên thì việc nuôi tu hài mới được chú ý tới. Trước đây nguồn tu hài thực phẩm cung cấp cho tiêu thụ chủ yếu là khai thác tự nhiên. Khi nguồn lợi tự nhiên không còn dồi dào nữa thì con người mới quan tâm đến nuôi chúng và con giống để nuôi lớn lại là một vấn đề khó khăn đầu tiên. Một thực tế cho thấy, thu gom con giống Tu hài trong tự nhiên rất khó thực hiện do loài này sống chủ yếu ở vùng biển tương đối sâu và hình thái giai đoạn con non dễ nhầm lẫn với một số loài nhuyễn thể khác như phi phi (Sanguinolaria diphos) và móng tay (Solen gouldii) phân bố rất nhiều ở vịnh Hạ Long và Bái Tử Long).

Tu hài

Lựa chọn địa điểm nuôi

Chọn địa điểm nuôi có các điều kiện môi trường thích hợp với sinh thái của Tu hài: độ mặn 29 – 30‰, đáy cát có pha lẫn các mảnh vụn vỏ của động vật thân mềm như vỏ hầu, sò, điệp; độ trong cao từ 2,5 – 3m, nước lưu thông tốt, không tù đọng. Không bị ảnh hưởng của nguồn nước ngọt vào mùa mưa lũ, không chịu ảnh hưởng của nguồn nước thải sinh hoạt và công nghiệp. Địa điểmnuôi Tu hài thích hợp nhất cũng cần chú trọng tới nguồn thức ăn tự nhiên, nơi có thành phần thực vật phù du phong phú và đa dạng.

Chuẩn bị bãi nuôi

Cải tạo bãi:

Vào ngày thuỷ triều thấp nhất, dọn sạch rong tạp trên mặt bãi, nhặt các viên đá, sỏi lớn ra khỏi bãi nuôi, san phẳng những nơi lồi lõm. Tạo mặt phẳng, giảm độ nghiêng của bãi. Cuốc xới mặt bãi tạo độ tơi xốp nhất định.

Rào bãi:

Dùng cọc gỗ phi 4 – 5cm, dài 1,5m đóng xung quanh bãi nuôi. Khoảng cách cọc từ 1 – 2m. Dùng tre và dây thép buộc giằng các đầu cọc theo chiều ngang. Lưới ni-lon 2a = 2cm chôn xuống bãi 0,3m, phần trên cao 50 – 70cm. Bãi trước rào theo hình chữ nhật, chiều dài theo hướng từ trong bờ ra bãi sâu.

Cấy giống:

Dùng que tre/gỗ đâm xuống mặt bãi 5cm tạo thành lỗ và cấy vào đó 1 con giống, mật độ 25 con/m2 tương ứng khoảng cách 20cm giữa các cá thể.

Tu hài giống

Quản lý và chăm sóc

– Quản lý và chăm sóc bãi nuôi là việc làm thường xuyên, cần có người trông nom

Thường xuyên kiểm tra cọc và lưới vây, có biện pháp xử lý kịp thời khi thấy hiện tượng cọc lưới bị nghiêng đổ.

– Định kỳ (1tháng/1lần) kiểm tra tốc độ tăng trưởng đo chiều dài và cân trọng lượng của tu hài nuôi.

Thu hoạch

Tu hài đạt kích thước thương phẩm sau khi nuôi được 18 tháng trở đi, tiến hành thu hoạch khi nước triều rút cạn, dùng cào đánh mặt bãi, nhặt lấy tu hài. Để tu hài đạt độ béo nhất định, hàm lượng đạm trong thịt cao nên thu hoạch vào thời gian tuyến sinh dục phát triển, thường từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau.

Tu hài được rửa sạch bằng nước biển trước khi đem chế biến hoặc tiêu thụ.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật sản xuất giống tu hài

Tu hài là đối tượng nuôi cho hiệu quả kinh tế rất cao. Quy trình sản xuất giống tu hài đơn giản, dễ thực hiện. Chi tiết được thể hiện qua video sau đây

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Phòng và trị bệnh cho Ốc hương

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, thì mới chỉ biết được có 2 loại bệnh trên ốc hương: bệnh sưng vòi lấy thức ăn (nguyên nhân có thể do tác hại của trùng lông ciliophora) và bệnh ốc hương bỏ vỏ.
Những bệnh này thường xuất hiện vào đầu tiên giữa mùa mưa (tháng 10 – 11 hàng năm) khi các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ mặn, hàm lượng vật chất hữu cơ thay đổi. Đây là môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển.
Đến nay vẫn chưa xác định được tác nhân chính gây chết ốc hương cũng như chưa đưa ra các phương pháp điều trị bệnh hiệu quả. Do đó người nuôi ốc hương cần quan tâm đến khâu phòng bệnh.

Các Tác Nhân Gây Bệnh

Tác nhân gây bệnh chủ yếu ở ốc hương gồm năm nhóm sau đây:
Vi khuẩn:
Đây là nhóm nguy cơ cao với tần suất xảy ra thường xuyên.
Ốc hương (nhất là ở giai đoạn ấu trùng) rất nhạy cảm với thuốc kháng sinh, hầu hết chúng đều chết khi sử dụng liều lượng cao (>5ppm). Có thể dùng A30 (2-3 ppm) cho trực tiếp vào bể ương nuôi ấu trùng nhằm ngăn chặn tác hại của một số vi khuẩn.
Nấm:

Đây cũng là tác nhân gây bệnh chủ yếu cho ấu trùng ốc hương. Kết quả phân lập nấm trên trứng và ấu trùng Veliger đã xác định được 3 giống là Haliphthros, Fusarium, Legenidium. Nấm Fusarium thường được tìm thấy cùng với vi khuẩn V.alginolyticus ở các mẫu ốc bị bệnh.
Có thể dùng Nistatine 1 ppm cho trực tiếp vào bể nuôi để hạn chế tác hại của nấm. Sun-fat đồng dùng ở liều lượng nhỏ (0,1 – 0,2 ppm) cũng có tác dụng hạn chế sự phát triển của nấm.

Nguyên sinh động vật:
Trong số các nguyên sinh động vật, trùng loa kèn là tác nhân thường gặp nhất trên cả giai đoạn trứng và ấu trùng, đặc biệt trong trường hợp nuôi ấu trùng ở mật độ dày và ít thay nước. Trùng loa kèn thường ký sinh trên vỏ ốc, tiêm mao và chân ấu trùng. Ở mật độ thấp, trùng loa kèn gây khó khăn cho hoạt động của ấu trùng, còn ở mức độ nhiễm cao chúng có thể gây chết rải rác hoặc hàng loạt trong các trại sản xuất giống.
Hai giống Vorticella và Zoothamnium thường gặp trong các mẫu kiểm tra và thường xuất hiện nhiều hơn trong môi trường nước có độ mặn cao. Mật độ trùng loa kèn tăng theo thời gian nuôi liên quan đến mức độ nhiễm bẩn của nước. Bên cạnh trùng loa kèn còn xuất hiện một số tác nhân khác. Chúng có kích thước nhỏ, không có tiêm mao nhưng chuyển động rất nhanh, kí sinh bên trong ấu trùng với cường độ cảm nhiễm cao.
Theo dự đoán đây có thể là những loài thuộc vi bào tử Glugeo ngành Microsporia, bộ Glugeida, họ Glugeidae. Một loại ký sinh trùng khác thường gặp, nhất là vào mùa mưa là trùng lông. Trùng lông ký sinh ở mang, chân, ống hút và thường gặp ở giai đoạn con non và con trưởng thành. Loại này có hình dạng giống như cầu gai nhưng kích thước rất nhỏ không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Tác nhân này đã được phát hiện với tần suất cao trong ốc nuôi ở thời điểm dịch bệnh gây chết hàng loạt.
Shrimp favour với nồng độ 0,5 – 1,5 ppm có tác dụng phòng bệnh tốt cho ấu trùng để ngăn chặn sự phát triển của trùng loa kèn trên ấu trùng ốc hương.

Ốc hương

Giun:
Gồm có giun đốt, giun tròn và giun đầu móc hình dấu phẩy. Chưa xác định được tên giống loài. Giun đốt có màu đỏ, kích thước chiều dài của con trưởng thành khoảng 1-1,5 cm. Loại giun này thường xuất hiện nhiều trong bể nuôi ấu trùng sử dụng các loài tảo tươi làm thức ăn. Tác hại của chúng chưa rõ ràng. Giun tròn có kích thước khác nhau từ 1 đến vài mm, bám ở trên vỏ ốc nhưng không gây ảnh hưởng nhiều. Giun móc hình dấu phẩy là bọn kí sinh nguy hiểm đối với ấu trùng và chuyển động nhất nhanh chọc khuấy các bộ phận cơ quan ốc làm cho ốc yếu dần và chết.
Sử dụng dung dịch CuSO4 nồng độ 0,05 và 0,1 ppm có thể loại bỏ hoàn toàn ba loài giun này.
Copepoda:
Thường xuất hiện trong các bể ương ấu trùng sử dụng nhiều thức ăn công nghiệp. Chúng thường cạnh tranh thức ăn, môi trường sống và dùng chủy tấn công vào các bộ phận cơ quan của ốc. Kết quả làm giảm tỉ lệ sống và sinh trưởng của ốc, có thể gây chết hàng loạt nếu mật độ copepoda cao. Chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả ngoại trừ việc chuyển bể để hạn chết số lượng copepoda.

Hiện Tượng Ốc Hương Chết Hàng Loạt

Chết hàng loạt là hiện tượng xảy ra phổ biến ở các trại sản xuất giống, ao và lồng nuôi thương phẩm ốc hương. Ốc bò lên bề mặt nền đáy bể hoặc lồng nuôi, bò ăn và chết rất nhanh sau 1 đến 2 ngày, đặc biệt với ốc giai đoạn ương giống.
Dấu hiệu kèm theo là vòi lấy thức ăn của ốc lòi ra, sưng tấy. Quan sát kỹ thấy ốc thường giẫy dụa rất nhiều trước khi chết. Kết quả nghiên cứu cho thấy tổng hợp các tác nhân gồm vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng phát triển trong điều kiện môi trường nước bị ô nhiễm là nguyên nhân chính gây chết trực tiếp đối với ốc hương.
Hiện nay vẫn chưa có biện pháp trị bệnh hiệu quả do chưa xác định rõ tác nhân chính. Do đó cần chú ý đến vấn đề phòng bệnh.

Để hạn chế bệnh này, cần thực hiện tốt các vấn đề sau:
Trước hết phải quan lý môi trường nuôi sạch sẽ.
Chú trọng đến nguồn giống và chất lượng giống nuôi. Tuyệt đối không nên khai thác giống tự nhiên và vận chuyển từ xa về nuôi vì không đảm bảo sức khỏe, dễ bị nhiễm khuẩn và chết do vận chuyển, làm lây lan và truyển bệnh.

Ngoài ra nên bổ sung một số loại vitamin như C, B1,…vào trong thức ăn để giúp ốc sinh trưởng nhanh, kháng bệnh tốt.

Biện Pháp Phòng Bệnh Cho Ốc Hương

Phòng bệnh cho ốc hương

Thả giống đúng kích cỡ (theo khuyến cáo, kích cỡ giống tối thiểu đạt 8.000 – 10.000 con/kg; mật độ thả thích hợp 500 – 1.000 con/m2), không nên thả giống còn quá nhỏ chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y.

Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, độ mặn, oxy hòa tan để có biện pháp xử lý thích hợp, kịp thời nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ốc, đặc biệt chú ý yếu tố nhiệt độ và độ mặn.
Khi có biểu hiện ốc kém ăn và chết rải rác, cần nhặt hay sàn lọc số ốc này, không nên vứt bừa bãi ở khu vực vùng nuôi sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường nước trong khu vực. Di chuyển lồng khi nguồn nước có sự xáo trộn các chi tiêu lý hóa, biến động. Báo cáo bộ buôi trồng thủy sản ở địa phương khi xảy ra sự cố, ốc chết.
Thường xuyên kiểm tra vệ sinh lưới lồng, nền đáy trong suốt quá trình nuôi, sau mỗi đợt nuôi cần cải tạo suốt quá trình nuôi, sau mỗi đợt nuôi cần cải tạo kỹ nền đáy. Định kỳ sử dụng vôi bột với liều lượng 10 – 30 ppm để cải tạo nền đáy trong quá trình nuôi.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật nuôi ốc hương

Tùy từng điều kiện tự nhiên mà chọn loại hình nuôi ốc hương thương phẩm: nuôi đăng hoặc lồng, nuôi ao đất, nuôi bể xi-măng.

Nuôi trong đăng, lồng

Phải chọn vị trí đặt đăng, lồng ở vùng nước trong sạch, đáy cát hoặc san hô, độ mặn 25- 35, ổn định. Lồng, đăng được làm chắc chắn, có lưới bảo vệ. Độ sâu đặt lồng, cắm đăng từ 1,5m nước trở lên.

Thu hoạch ốc hương nuôi trong đăng

Thả giống: Cỡ giống tối thiểu đạt 8.000 – 10.000 con/kg trở lên. Mật độ thả: 500-1.000 con/m2.

Thời gian nuôi: Nuôi từ 5 – 6 tháng tùy theo điều kiện môi trường nuôi và quá trình quản lý chăm sóc.

Chăm sóc: Thức ăn cho ốc hương là cá, cua, ghẹ, don, dắt… đập vỏ, thái nhỏ. Lượng thức ăn mỗi ngày bằng 5 – 10% trọng lượng ốc hương, ngày cho ăn một lần vào chiều tối. Theo dõi lượng thức ăn thừa hằng ngày để điều chỉnh, vớt thức ăn thừa tránh ô nhiễm. Nếu lồng, đăng quá bẩn cần chuyển vị trí, làm vệ sinh lồng sạch sẽ.

Thu hoạch: Khi ốc nuôi đạt 90 – 150 con/kg tiến hành thu hoạch.

Nuôi trong ao

Ao nuôi phải gần biển, nước sạch, đáy cát, ít bùn. Độ mặn 25 – 35. Độ sâu ao từ 0,8 – 1,5m nước, độ pH 7,5 – 8,5. Ao tẩy sạch sẽ, diệt trừ dịch hại, dùng lưới ngăn cá dữ, cua ghẹ vào ăn ốc con.

Thả giống: Cỡ giống thả 5.000 – 6.000 con/kg. Mật độ thả: 50 – 100 con/m2.

Thời gian nuôi: Từ 5 – 6 tháng tùy điều kiện chăm sóc và môi trường ao nuôi.

Chăm sóc: Thức ăn gồm cá, trai nước ngọt, don, cua, ghẹ… băm nhỏ. Lượng thức ăn hằng ngày bằng 5 – 10% trọng lượng ốc nuôi. Cho ăn mỗi ngày một lần vào chiều tối. Thức ăn được thả vào sàn hoặc vó, đặt đều khắp ao.

Nuôi ốc hương trong ao

Theo dõi lượng thức ăn thừa hằng ngày để điều chỉnh. Vớt thức ăn thừa khỏi ao để tránh ô nhiễm. Thay nước ao thường xuyên để ốc lớn nhanh. Cải tạo lại ao cũ trước khi nuôi lại.

Thu hoạch: Khi ốc nuôi đạt kích thước 90 – 150 con/kg có thể thu hoạch. Tháo cạn nước trong ao, nhặt bắt ốc bằng tay, hoặc dùng cào sắt để gom ốc. Ốc thu hoạch xong nhốt trong giai hoặc bể 1 – 2 ngày để làm sạch bùn đất và trắng vỏ.

Nuôi trong bể xi-măng

Bể xi-măng có che bớt ánh sáng bằng lưới chắn nắng. Nhiệt độ trong bể nuôi không quá 320C vào mùa hè. Đáy bể phủ cát mịn dày 2 – 3cm. Độ mặn 30 – 35, giữ độ mặn không giảm xuống dưới 20. Nuôi ở mức nước từ 0,5 – 1,2m.

Thả giống: Cỡ giống thả 10.000 – 12.000 con/kg trở lên.

Mật độ thả: 100 – 200 con/m2.

Thời gian nuôi: Từ 5 – 7 tháng tùy theo điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng.

Nuôi ốc hương trong bể xi măng

Chăm sóc: Thức ăn là cá, ghẹ,… băm, đập, giã nhỏ. Lượng thức ăn hằng ngày bằng 5 – 10% trọng lượng ốc nuôi. Mỗi ngày cho ăn 1 – 2 lần. Rải thức ăn đều trên khắp mặt bể.Theo dõi lượng thức ăn thừa hằng ngày để điều chỉnh hệ số cho phù hợp. Vớt thức ăn thừa để không làm ô nhiễm nước bể.Thay nước từ 50 – 70% nước trong bể mỗi ngày. Định kỳ thay, rửa cát đáy, giữ môi trường bể nuôi luôn sạch để giúp ốc lớn nhanh. Vệ sinh, cải tạo bể khi nuôi lại.

Thu hoạch: Khi ốc nuôi đạt kích thước 90 – 150 con/kg có thể thu hoạch. Ốc sau thu hoạch nhốt trong giai hoặc trong bể 1 – 2 ngày để làm sạch bùn đất và làm trắng vỏ.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Hiệu quả từ nuôi sò

Những năm gần đây, nhiều hộ ở phường Cam Phúc Bắc (TP. Cam Ranh) mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi thủy sản từ cá, tôm sang các loại sò: mồng, dương, mía, tu hài… Bước đầu, các vật nuôi này đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ nuôi.

Thu nhập khá

Gia đình ông Đào Minh Tiến (phường Cam Phúc Bắc) được xem là hộ đầu tiên chuyển đổi từ nuôi cá lồng sang nuôi các loại sò. “Trong quá trình nuôi, tôi thấy các loại sò ở đây sinh trưởng rất tốt. Do đó, năm 2012, tôi quyết định chuyển sang nuôi một số loại sò như: mồng, dương, mía, tu hài. Đợt nuôi đầu tiên tôi thả khoảng 5.000 con giống, với tổng chi phí đầu tư khoảng 40 triệu đồng. Sau 10 tháng thả nuôi cho thu hoạch lời hơn 100 triệu đồng. Từ bước đệm này, tôi mạnh dạn đầu tư nuôi đại trà trên diện tích hơn 2ha. Bây giờ, tháng nào tôi cũng thả nuôi nên lúc nào cũng có sò thương phẩm để bán”, ông Tiến cho hay.

Nuôi sò dương

Được biết, trung bình 1 năm, ông Tiến thả nuôi hơn 70 triệu con giống. Sau 10 tháng thả nuôi, sò đạt trọng lượng từ 25 đến 30 con/kg, bán với giá 100.000 đồng/kg, riêng tu hài 250.000 đồng/kg. Trừ các chi phí, mỗi năm, gia đình ông Tiến lời hơn 400 triệu đồng. Ông Tiến cho biết: “Nuôi sò chi phí đầu tư ít, trong quá trình nuôi không phải lo thức ăn. Sò có đặc tính di chuyển chậm nên cách nuôi rất đơn giản, dùng lưới mùng bao quanh rổ nhựa (cao 20 cm, đường kính 40 cm), bên trong thả con giống đem đặt dưới đáy vịnh có độ sâu từ 2 đến 3 m. Mỗi rổ thả khoảng 50 con giống, 1 tháng kiểm tra 1 lần để có sự điều tiết đối tượng nuôi cho phù hợp”.

Thấy hộ ông Tiến nuôi hiệu quả, hiện nay, đã có hàng chục hộ chuyển sang nuôi các loại sò. Ông Vi Thanh Đông cho biết, trước đây gia đình ông nuôi cá bớp, chi phí đầu tư cao, công chăm sóc nhiều, chỉ cần một lần bị dịch bệnh có thể thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Chính vì thế, gia đình ông đã chuyển sang nuôi sò được hơn 4 năm nay. Thấy hiệu quả kinh tế cao, hiện nay, diện tích nuôi của gia đình ông Đông tăng lên đến 15 ô. Mỗi ô được khoanh với diện tích 100 m2, thả 10 triệu con giống, sau 10 tháng thả nuôi thu hoạch được 7 tấn sò thương phẩm. “Nuôi sò lợi nhuận không cao bằng nuôi các loại thủy sản khác, nhưng khi đã thả nuôi thì thắng chắc. Mấy năm qua, gia đình tôi chỉ đầu tư nuôi sò vì không tốn chi phí thức ăn, không xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt không đáng kể. Nhờ vậy, kinh tế gia đình ngày càng khá hơn”, ông Đông chia sẻ.

Theo lãnh đạo UBND phường Cam Phúc Bắc, hiện nay trên địa bàn có khoảng 40 hộ chuyển sang đầu tư nuôi các loại sò. Phần lớn những hộ này trước đây nuôi các loại thủy sản lồng. Từ ngày chuyển qua nuôi sò, các hộ này có kinh tế ổn định hơn.

Gia đình ông Đào Minh Tiến thả nuôi các loại sò

Không còn phải lo con giống

Trước đây, điều trăn trở lớn nhất của người nuôi sò là con giống, bởi nguồn giống chủ yếu được khai thác trong tự nhiên nên rất bị động.

Bên cạnh đó, do quy mô và số lượng người nuôi tăng lên khiến cho con giống trong tự nhiên trở nên khan hiếm, tăng giá. Có lúc, con giống tự nhiên cỡ bằng ngón tay út có giá từ 1.200 đến 1.500 đồng/con. Mặt khác, tỷ lệ hao hụt cũng khá cao, khoảng 40%, do lúc bắt con giống, người dân không biết cách bảo quản, khi thay đổi môi trường đột ngột làm con giống bị chết.

Hiện nay, người nuôi sò không còn phải lo con giống vì hơn 2 năm nay, Công ty Phát triển Thủy sản Nam Đại Dương (phường Cam Phú, TP. Cam Ranh) đã nghiên cứu ươm tạo được các loại giống sò. Ông Đào Minh Tiến cho biết: “Hơn 2 năm nay, con giống đã có công ty cung cấp nên rất thuận lợi cho người nuôi. Giá thành con giống thấp chỉ 70 đồng/con, tỷ lệ hao hụt khoảng 20%. Bây giờ, chỉ cần gọi điện thoại là công ty đưa giống xuống tận nhà. Đồng thời, công ty còn cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn tận tình nên việc nuôi sò của gia đình tôi cũng như các hộ ở đây gặp nhiều thuận lợi”.

Bà Nguyễn Thị Hương – cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông, Khuyến lâm, Khuyến ngư TP. Cam Ranh cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố chỉ có người dân ở phường Cam Phúc Bắc là phát triển nuôi các loại sò với diện tích hơn 10ha. “Qua nhiều năm theo dõi, chúng tôi thấy đối tượng sò: mồng, dương, mía, tu hài phát triển khá tốt ở địa phương này và hầu như chưa xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, chúng tôi vẫn theo sát và hướng dẫn người dân để tránh sự chủ quan, dẫn đến phát sinh nguồn bệnh, gây thiệt hại cho người nuôi sò”, bà Hương cho hay.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật sản xuất giống sò mía

Sò mía, hay ngao hai cồi, là đối tượng nuôi mới ở các tỉnh Nam Trung Bộ. Loại sò này mang lại giá trị kinh tế rất cao và cho thu nhập ổn định.

Nuôi sò đang mở ra một hướng đi làm ăn mới cho người dân bởi nuôi sò không phức tạp, chu kỳ ngắn và đầu tư ít.

Sò mía dễ sản xuất giống, có thể cho đẻ quanh năm để cung cấp giống liên tục cho người nuôi.

Sò mía

Kỹ thuật sản xuất giống sò mía

Chuẩn bị công trình thiết bị

Bể ương là bể xi măng hình chữ nhật, dài 2m, rộng 1.2m, cao 1.5m. Bể đẻ hình trứng, khoảng 10m3. Bể ương cấp nước 1.2m, bể đẻ cấp nước 0.4m.

Bố trí sục khí 0.8m2/1 dây khí.

Nước trước khi cấp vào bể phải được xử lý và lọc.

Tuyển chọn sò bố mẹ và kích thích cho đẻ

Sò bố mẹ kích thước hơn 40mm, được nuôi trong bể xi măng, nuôi vỗ 2 – 5 ngày trước khi kích thích cho đẻ. Tiến hành sục khí và thay nước hàng ngày. Kiểm tra trứng của sò, nếu trứng rời, đều thì có thể cho đẻ được.

Thăm trứng của sò

Phơi sò dưới nắng râm 3 -5 giờ, sau đó kích thích bằng dòng nước mạnh và liên tục. Đến khi sò bắt đầu đẻ (mở miệng và thò chân ra ngoài) thì ngừng kích thích.

Phơi sò dưới nắng râm để kích thích đẻ

Sau khi sò đẻ khoảng 30 phút, dùng ống nhựa hút trứng và thu bằng lưới (mắt lưới 30µm) và cho vào bể ương. Khi thu trứng vừa hút nước vừa bơm thêm nước để tạo dòng chảy kích thích sò tiếp tục đẻ và pha loãng trứng và tinh trùng trong nước.

Sau khoảng 12 giờ trứng nở thành ấu trùng.

Chăm sóc và quản lý ấu trùng

Điều kiện môi trường bể ương: Nhiệt độ 27 – 28oC, pH 7.5 – 8.5, độ mặn 25ppt. Mật độ ương 2 – 5 con/ml.

Cho ăn ngày 2 lần lúc sáng sớm và chiều tối. Giai đoạn ấu trùng trôi nổi : cho ăn 5 – 10 lít tảo/lần/bể. Giai đoạn xuống đáy : bơm tảo đến khi nước đục. Quan sát đường ruột ấu trùng dưới kính hiển vi để tăng giảm lượng thức ăn cho phù hợp.

Các loại tảo cho sò ăn : Nanochloropsis sp., Isochrysis sp., Thalassiosira sp. Tảo được nuôi ngoài trời trong bể composite. Nhân tảo làm thức ăn cho sò bằng môi trường F2. (Đa lượng : đạm (N), lân (P).Vi lượng : sắt, silic (nếu là tảo silic), EDTA.)

Thường xuyên đo kích thước để theo dõi sinh trưởng của ấu trùng. Hằng ngày thay nước 30 -50%. Sục khí 24/24.

Thu hoạch và vận chuyển sò giống

Sò giống đạt kích thước 5- 7mm là có thể xuất bán. Đếm và phân cỡ sò giống khi thu, cho vào túi nilon 2 lít. Đóng oxi cho túi nilon, làm lạnh và cho vào thùng xốp để có thể vận chuyển sò đi xa.

Sò mía giống