Tình hình sản xuất và cung ứng giống nhuyễn thể

Đối tượng nhuyễn thể đang được phát triển nuôi chủ yếu là ngao (nghêu Bến Tre), hàu Thái Bình Dương, tu hài, ốc hương, vẹm xanh, sò huyết… Đây là những đối tượng đã có công nghệ sản xuất giống.

Nghêu, ngao

Nuôi nghêu Bến Tre đang phát triển rất mạnh ở các tỉnh ven biển phía Nam, nhất là Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và một số tỉnh ven biển phía Bắc như Thái Bình, Nam Định. Nguồn con giống cung cấp chủ yếu từ khai thác tự nhiên. Nhiều địa phương như Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh đã thực hiện được quy chế quản lý bãi nghêu giống. Lượng ngao, nghêu giống cỡ nhỏ (nghêu cám) tự nhiên của Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau cung cấp cho các địa phương phía Bắc đã hình thành nghề ương nghêu giống trong ao ở Thái Bình, Nam Định, mang lại hiệu quả cao và góp phần tích cực cho việc giải quyết giống nuôi. Hiện nay, một số địa phương đang tiếp nhận công nghệ sản xuất giống nghêu từ các viện nghiên cứu bước đầu khá tốt như Tiền Giang, Bến Tre, Thái Bình, Nam Định.

Ốc hương

Ốc hương được nuôi ở các tỉnh ven biển miền Trung và giống được sản xuất chủ yếu ở các tỉnh Khánh Hòa, Thừa Thiên – Huế, Phú Yên và Ninh Thuận. Nhu cầu mỗi năm khoảng trên 10 – 20 triệu giống và tăng dần vì phần lớn diện tích ao nuôi tôm không hiệu quả ở vùng ven biển đã chuyển sang nuôi ốc hương. Tuy nhiên, sản xuất giống ốc hương chưa được quan tâm kiểm soát, chưa có tiêu chuẩn chất lượng.

Sò huyết

Nuôi sò huyết phát triển khá mạnh ở vùng ĐBSCL, tuy vậy con giống vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên, chưa sản xuất giống nhân tạo. Một số vùng nuôi cũng bắt đầu khoanh vùng bảo vệ các bãi sò huyết phân bố tự nhiên, cấm khai thác trong mùa sinh sản như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Phú Yên, Bình Định.

Trai ngọc

Trai ngọc được phát triển nuôi ở vùng biển Đông Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng) và đang được phát triển nuôi ở Kiên Giang do những công ty có vốn đầu tư lớn nuôi với mục đích cấy ngọc. Do nuôi ở vùng biển xa, đầu tư lớn, thị trường tiêu thụ hẹp có tính chất chuyên sâu nên mức độ nuôi còn rất hạn chế, con giống nuôi do các công ty nuôi tự sản xuất giống.

Tu hài

Nuôi tu hài phát triển mạnh ở vùng vịnh Bái Tử Long (Vân Đồn, Quảng Ninh) và đang nuôi ở một số tỉnh ven biển miền Trung. Hiện nay, sản xuất giống đã hoàn thiện công nghệ và chủ động cung cấp đủ giống, đáp ứng nhu cầu.

Hàu Thái Bình Dương

Nuôi hàu đang được phát triển ở nhiều địa phương ven biển và có triển vọng khả quan về thị trường tiêu thụ. Vùng nuôi tập trung nhất ở Quảng Ninh. Hiện đã sản xuất được giống bằng sinh sản nhân tạo nhưng số lượng chưa nhiều. Công nghệ sản xuất giống hầu tam bội được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III nhập và đang triển khai ứng dụng sẽ góp phần tạo được giống có chất lượng và chủ động sản xuất giống cho nhu cầu nuôi.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi sò huyết trong vuông tôm

Nhiều nông dân ở xã Hòa Tân (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) khẳng định, mô hình nuôi sò huyết xen canh trên đất nuôi tôm, cua giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hiện toàn xã có trên 30 hộ đang đầu tư làm theo mô hình này.

Nhiều bà con thoát nghèo nhờ nuôi sò huyết trong vuông tôm

Bà Lê Thị Tới ở ấp Cái Nai kể, một lần tình cờ xem ti vi, bà phát hiện mô hình nuôi sò huyết cho thu nhập cao. Để thử nghiệm, bà tìm mua sò giống ở đầm Thị Tường về thả xen canh trên diện tích 0,2ha mặt nước nuôi tôm, cua. Thấy hiệu quả nên mở rộng và duy trì mô hình cho đến nay.

Theo kinh nghiệm của bà Tới, sò huyết là loài hải sản rất khỏe, ít bệnh, không tốn công chăm sóc. Ăn thức ăn tự nhiên có trong vuông nên sò lớn nhanh. Sau 6 tháng thả nuôi, sò đạt trọng lượng 70 – 100 con/kg, giá bán mỗi kg dao động từ 70.000 – 100.000 đồng.

Từ 10 triệu đồng ban đầu, qua 3 vụ thả nuôi, bà Tới đã tích lũy được nguồn vốn trên 150 triệu đồng và xây cất được nhà khang trang. Hiện, 600kg sò giống trong vuông tôm của gia đình bà đang phát triển rất tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu.

Theo Tới, cái lợi của nghề nuôi sò huyết là cứ bỏ ra 1 đồng vốn thì 6 tháng sau thu vào được 3 đồng lời. Lại thêm, nuôi sò huyết xen canh với các đối tượng cua, tôm trên cùng đơn vị diện tích thì cả 3 đối tượng nuôi đều trúng so với nuôi độc canh.

Tuy nhiên, trước mỗi vụ nuôi, người nuôi cần cải tạo ao từ 15-30 ngày. Sau đó, tiến hành bón vôi từ 10 – 15kg/1.000m² đáy ao, để hạn chế trứng các sinh vật gây hại sò huyết xâm nhập vào ao nuôi, đảm bảo ao nuôi duy trì mực nước với độ sâu từ 0,4 – 0,6m, các yếu tố môi trường như độ pH, nhiệt độ, độ mặn phù hợp.

Thời điểm thả giống nuôi sò huyết lý tưởng là từ tháng 9 – 10 dương lịch. Trong quá trình nuôi thường xuyên theo dõi, kiểm tra khả năng phát triển của sò để thay nước, bổ sung nguồn nước đảm bảo độ sâu phù hợp.

Nuôi sò huyết khá đơn giản nhưng mang lại lợi nhuận sao

Sò huyết là đối tượng có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi nên nông dân nuôi thủy sản rất hào hứng với vật nuôi này. Từ một vài hộ nuôi ban đầu, đến nay toàn tỉnh có khoảng 600 hộ nuôi sò huyết xen canh trong ao tôm, với diện tích hơn 450ha.

Bà Đặng Kim Chung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Tân đánh giá: “Sò huyết nuôi xen canh trong vuông nuôi tôm góp phần đa dạng đối tượng nuôi, giúp nông dân nâng cao thu nhập. Theo kế hoạch, đầu năm 2018, Hội Phụ nữ xã sẽ vận động hội viên thành lập thêm hợp tác xã nuôi sò huyết tại ấp Xóm Chùa để liên kết sản xuất, tạo đầu ra thuận lợi cho sản phẩm”.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Vạn Ninh: Người dân nuôi sò mai tự phát

Với giá trị kinh tế khá cao của sò mai (còn gọi là sò biên mai, thuổng), hàng chục hộ ở các xã ven biển huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã mua giống về nuôi. Do tự phát nên người nuôi gặp nhiều khó khăn, nhất là về kỹ thuật, nguồn giống và đầu ra.

Nuôi tự phát

Ông Trần Văn Bảy (xã Vạn Khánh) cho hay: “Sò mai là loại sò biển hình tam giác, to cỡ bàn tay người lớn, sống dưới lớp bùn đáy biển. Trước đây, tôi đi lặn biển, thấy sò mai thì bắt về ăn, có bán cũng không được bao nhiêu tiền. Mấy năm gần đây, sò mai được thương lái thu mua với giá cao nên nhiều người đổ xô khai thác. Một số hộ nuôi trồng thủy sản ở địa phương đặt mua sò mai loại nhỏ về làm giống để nuôi. Hiện nay, có rất nhiều hộ nuôi sò mai trên khắp các vùng biển: Vạn Khánh, Vạn Long, Vạn Thọ, Vạn Hưng…”.

Ông Đặng Trung Diễn (xã Vạn Khánh) kể: “Từ trước đến nay chưa có ai nuôi loại thủy sản này. Nghề nuôi sò mai chỉ mới xuất hiện ở địa phương từ tháng 2 năm nay, vụ nuôi đầu tiên đến nay vẫn chưa thu hoạch. Vào thời điểm ấy, người dân thấy sò mai được thương lái thu mua với giá gần 60.000 đồng/kg (loại khoảng 5 con/kg) nên đặt mua giống từ thợ lặn với giá 2.000 đồng/con (kích cỡ khoảng 50 con/kg)”. Trong lần nuôi thử nghiệm này, ông Diễn cũng đặt thợ lặn, mua… con giống với tổng số tiền 100 triệu đồng để nuôi. Đến nay, qua khoảng 6 tháng nuôi, tỷ lệ hao hụt còn 50%, sò mai đã có kích cỡ khoảng 8 – 9 con/kg, gần thu bán được.

Trong khi đó, ông Trần Phi (xã Vạn Long) cho biết: “Sò mai được nuôi theo kiểu tự nhiên, chỉ nhổ giống ở khu vực lạch Cổ Cò (vịnh Vân Phong) về rồi cắm xuống nuôi trong khu vực vùng nước của mình đánh dấu, hoàn toàn không cho ăn thức ăn gì. Về tỷ lệ hao hụt, từ khi cắm giống đến khi thu hoạch hơn 50%, có thể do người dân chưa biết cách nuôi; trong khi giống có con lớn, con bé, có thể có những con sức đề kháng yếu nên khi đưa về nuôi thì bị chết, chứ các loại bệnh trên đối tượng nuôi này chúng tôi cũng mù mờ”.

Do nghề nuôi này mới phát triển tự phát nên đến nay ở mỗi địa phương cũng chỉ có một vài hộ nuôi thử. Hiện nay các hộ vẫn chưa thu hoạch nên chưa có thông tin gì để đánh giá hiệu quả của sò mai.

Hiện nay, sò mai được thương lái thu mua ở Vạn Ninh với giá 75.000 đồng/kg

Nhiều thách thức

Theo các ngư dân, thịt thân sò mai nhão, không ngon bằng 2 lớp cơ thịt (to cỡ đồng xu, dày chừng nửa lóng tay) nối liền 2 mảnh vỏ gọi là “cồi sò mai”, đây là phần ngon nhất của loại sò này. Sò mai là đặc sản của một số vùng biển, trong đó có Vạn Ninh. Hiện nay, loại sò này được thương lái thu mua bán cho một số vựa hải sản và tiêu thụ ở các nhà hàng trong và ngoài huyện. Với nhiều cách chế biến khác nhau, sò mai đang trở thành món ăn ngon, hấp dẫn, là một trong những mặt hàng hải sản thu hút thực khách. Vì vậy, giá trị kinh tế mang lại cho ngư dân ngày càng cao. Nếu như thời điểm này năm trước, sò mai chỉ được thu mua với giá chưa đến 60.000 đồng/kg thì hiện nay, thương lái thu mua với giá 75.000 đồng/kg ngay tại các vùng biển Vạn Ninh. Theo tính toán của ông Diễn, nuôi sò mai không tốn chi phí, chỉ mất tiền giống, đến khi xuất bán dù tỷ lệ hao hụt đến 50% người dân vẫn có lãi cao.

Tuy nhiên, người nuôi sò mai ở Vạn Ninh không khỏi lo lắng khi đầu ra chưa ổn định. Nhiều người cũng chưa biết gì về kỹ thuật nuôi loại hải sản này. Con giống cũng bấp bênh, có năm sò mai sinh sản nhiều nhưng có năm không được bao nhiêu, trong khi chưa có ai nhân giống đối tượng này. Đây là những thách thức lớn đối với nghề nuôi sò mai.

Cần quy hoạch và quản lý tốt để phát triển nghề nuôi sò mai bền vững

Ông Đặng Tri Thông – chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết: “Qua thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện Vạn Ninh hiện nay có khoảng 20 hộ nuôi sò mai theo kiểu tự phát. Nghề này mới rộ lên trong năm nay và đang đối diện với nhiều yếu tố không bền vững, trong đó lớn nhất là vấn đề tiêu thụ và con giống. Để định hướng cho nghề nuôi sò mai, địa phương đã đề xuất đề tài nghiên cứu, nhân giống sò mai. Nếu nhân giống thành công và thị trường đầu ra ổn định, địa phương sẽ có định hướng cho người dân phát triển nghề nuôi này”.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Hiệu quả từ nuôi sò

Những năm gần đây, nhiều hộ ở phường Cam Phúc Bắc (TP. Cam Ranh) mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi thủy sản từ cá, tôm sang các loại sò: mồng, dương, mía, tu hài… Bước đầu, các vật nuôi này đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ nuôi.

Thu nhập khá

Gia đình ông Đào Minh Tiến (phường Cam Phúc Bắc) được xem là hộ đầu tiên chuyển đổi từ nuôi cá lồng sang nuôi các loại sò. “Trong quá trình nuôi, tôi thấy các loại sò ở đây sinh trưởng rất tốt. Do đó, năm 2012, tôi quyết định chuyển sang nuôi một số loại sò như: mồng, dương, mía, tu hài. Đợt nuôi đầu tiên tôi thả khoảng 5.000 con giống, với tổng chi phí đầu tư khoảng 40 triệu đồng. Sau 10 tháng thả nuôi cho thu hoạch lời hơn 100 triệu đồng. Từ bước đệm này, tôi mạnh dạn đầu tư nuôi đại trà trên diện tích hơn 2ha. Bây giờ, tháng nào tôi cũng thả nuôi nên lúc nào cũng có sò thương phẩm để bán”, ông Tiến cho hay.

Nuôi sò dương

Được biết, trung bình 1 năm, ông Tiến thả nuôi hơn 70 triệu con giống. Sau 10 tháng thả nuôi, sò đạt trọng lượng từ 25 đến 30 con/kg, bán với giá 100.000 đồng/kg, riêng tu hài 250.000 đồng/kg. Trừ các chi phí, mỗi năm, gia đình ông Tiến lời hơn 400 triệu đồng. Ông Tiến cho biết: “Nuôi sò chi phí đầu tư ít, trong quá trình nuôi không phải lo thức ăn. Sò có đặc tính di chuyển chậm nên cách nuôi rất đơn giản, dùng lưới mùng bao quanh rổ nhựa (cao 20 cm, đường kính 40 cm), bên trong thả con giống đem đặt dưới đáy vịnh có độ sâu từ 2 đến 3 m. Mỗi rổ thả khoảng 50 con giống, 1 tháng kiểm tra 1 lần để có sự điều tiết đối tượng nuôi cho phù hợp”.

Thấy hộ ông Tiến nuôi hiệu quả, hiện nay, đã có hàng chục hộ chuyển sang nuôi các loại sò. Ông Vi Thanh Đông cho biết, trước đây gia đình ông nuôi cá bớp, chi phí đầu tư cao, công chăm sóc nhiều, chỉ cần một lần bị dịch bệnh có thể thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Chính vì thế, gia đình ông đã chuyển sang nuôi sò được hơn 4 năm nay. Thấy hiệu quả kinh tế cao, hiện nay, diện tích nuôi của gia đình ông Đông tăng lên đến 15 ô. Mỗi ô được khoanh với diện tích 100 m2, thả 10 triệu con giống, sau 10 tháng thả nuôi thu hoạch được 7 tấn sò thương phẩm. “Nuôi sò lợi nhuận không cao bằng nuôi các loại thủy sản khác, nhưng khi đã thả nuôi thì thắng chắc. Mấy năm qua, gia đình tôi chỉ đầu tư nuôi sò vì không tốn chi phí thức ăn, không xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt không đáng kể. Nhờ vậy, kinh tế gia đình ngày càng khá hơn”, ông Đông chia sẻ.

Theo lãnh đạo UBND phường Cam Phúc Bắc, hiện nay trên địa bàn có khoảng 40 hộ chuyển sang đầu tư nuôi các loại sò. Phần lớn những hộ này trước đây nuôi các loại thủy sản lồng. Từ ngày chuyển qua nuôi sò, các hộ này có kinh tế ổn định hơn.

Gia đình ông Đào Minh Tiến thả nuôi các loại sò

Không còn phải lo con giống

Trước đây, điều trăn trở lớn nhất của người nuôi sò là con giống, bởi nguồn giống chủ yếu được khai thác trong tự nhiên nên rất bị động.

Bên cạnh đó, do quy mô và số lượng người nuôi tăng lên khiến cho con giống trong tự nhiên trở nên khan hiếm, tăng giá. Có lúc, con giống tự nhiên cỡ bằng ngón tay út có giá từ 1.200 đến 1.500 đồng/con. Mặt khác, tỷ lệ hao hụt cũng khá cao, khoảng 40%, do lúc bắt con giống, người dân không biết cách bảo quản, khi thay đổi môi trường đột ngột làm con giống bị chết.

Hiện nay, người nuôi sò không còn phải lo con giống vì hơn 2 năm nay, Công ty Phát triển Thủy sản Nam Đại Dương (phường Cam Phú, TP. Cam Ranh) đã nghiên cứu ươm tạo được các loại giống sò. Ông Đào Minh Tiến cho biết: “Hơn 2 năm nay, con giống đã có công ty cung cấp nên rất thuận lợi cho người nuôi. Giá thành con giống thấp chỉ 70 đồng/con, tỷ lệ hao hụt khoảng 20%. Bây giờ, chỉ cần gọi điện thoại là công ty đưa giống xuống tận nhà. Đồng thời, công ty còn cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn tận tình nên việc nuôi sò của gia đình tôi cũng như các hộ ở đây gặp nhiều thuận lợi”.

Bà Nguyễn Thị Hương – cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông, Khuyến lâm, Khuyến ngư TP. Cam Ranh cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố chỉ có người dân ở phường Cam Phúc Bắc là phát triển nuôi các loại sò với diện tích hơn 10ha. “Qua nhiều năm theo dõi, chúng tôi thấy đối tượng sò: mồng, dương, mía, tu hài phát triển khá tốt ở địa phương này và hầu như chưa xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, chúng tôi vẫn theo sát và hướng dẫn người dân để tránh sự chủ quan, dẫn đến phát sinh nguồn bệnh, gây thiệt hại cho người nuôi sò”, bà Hương cho hay.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật sản xuất giống sò mía

Sò mía, hay ngao hai cồi, là đối tượng nuôi mới ở các tỉnh Nam Trung Bộ. Loại sò này mang lại giá trị kinh tế rất cao và cho thu nhập ổn định.

Nuôi sò đang mở ra một hướng đi làm ăn mới cho người dân bởi nuôi sò không phức tạp, chu kỳ ngắn và đầu tư ít.

Sò mía dễ sản xuất giống, có thể cho đẻ quanh năm để cung cấp giống liên tục cho người nuôi.

Sò mía

Kỹ thuật sản xuất giống sò mía

Chuẩn bị công trình thiết bị

Bể ương là bể xi măng hình chữ nhật, dài 2m, rộng 1.2m, cao 1.5m. Bể đẻ hình trứng, khoảng 10m3. Bể ương cấp nước 1.2m, bể đẻ cấp nước 0.4m.

Bố trí sục khí 0.8m2/1 dây khí.

Nước trước khi cấp vào bể phải được xử lý và lọc.

Tuyển chọn sò bố mẹ và kích thích cho đẻ

Sò bố mẹ kích thước hơn 40mm, được nuôi trong bể xi măng, nuôi vỗ 2 – 5 ngày trước khi kích thích cho đẻ. Tiến hành sục khí và thay nước hàng ngày. Kiểm tra trứng của sò, nếu trứng rời, đều thì có thể cho đẻ được.

Thăm trứng của sò

Phơi sò dưới nắng râm 3 -5 giờ, sau đó kích thích bằng dòng nước mạnh và liên tục. Đến khi sò bắt đầu đẻ (mở miệng và thò chân ra ngoài) thì ngừng kích thích.

Phơi sò dưới nắng râm để kích thích đẻ

Sau khi sò đẻ khoảng 30 phút, dùng ống nhựa hút trứng và thu bằng lưới (mắt lưới 30µm) và cho vào bể ương. Khi thu trứng vừa hút nước vừa bơm thêm nước để tạo dòng chảy kích thích sò tiếp tục đẻ và pha loãng trứng và tinh trùng trong nước.

Sau khoảng 12 giờ trứng nở thành ấu trùng.

Chăm sóc và quản lý ấu trùng

Điều kiện môi trường bể ương: Nhiệt độ 27 – 28oC, pH 7.5 – 8.5, độ mặn 25ppt. Mật độ ương 2 – 5 con/ml.

Cho ăn ngày 2 lần lúc sáng sớm và chiều tối. Giai đoạn ấu trùng trôi nổi : cho ăn 5 – 10 lít tảo/lần/bể. Giai đoạn xuống đáy : bơm tảo đến khi nước đục. Quan sát đường ruột ấu trùng dưới kính hiển vi để tăng giảm lượng thức ăn cho phù hợp.

Các loại tảo cho sò ăn : Nanochloropsis sp., Isochrysis sp., Thalassiosira sp. Tảo được nuôi ngoài trời trong bể composite. Nhân tảo làm thức ăn cho sò bằng môi trường F2. (Đa lượng : đạm (N), lân (P).Vi lượng : sắt, silic (nếu là tảo silic), EDTA.)

Thường xuyên đo kích thước để theo dõi sinh trưởng của ấu trùng. Hằng ngày thay nước 30 -50%. Sục khí 24/24.

Thu hoạch và vận chuyển sò giống

Sò giống đạt kích thước 5- 7mm là có thể xuất bán. Đếm và phân cỡ sò giống khi thu, cho vào túi nilon 2 lít. Đóng oxi cho túi nilon, làm lạnh và cho vào thùng xốp để có thể vận chuyển sò đi xa.

Sò mía giống

Làm giàu từ mô hình nuôi sò huyết trong ao tôm

Mô hình này đã mang lại nguồn lợi lớn, giúp các hộ dân thoát nghèo và hiện tại đang được nhân rộng ở các tỉnh phía Nam, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

                                                sò huyết của bà con nông dân

Hộ anh Nguyễn Quốc Trạng ở ấp Kênh Lớn, xã Đông Thới (Cái Nước, Cà Mau) có hơn 1 ha đất vuông tôm. Đầu năm, anh thả hơn 300 kg sò giống (chi phí 27 triệu đồng). Sau 9 tháng nuôi thu được 137 triệu, trừ chi phí lãi khoảng 100 triệu.

Không riêng gì gia đình anh Trạng, rất nhiều bà con trong vùng có nguồn thu nhập cao nhờ nuôi sò. Có hộ nuôi thành công nhiều năm nay và được bà con địa phương đặt cho cái biệt danh thật thân thương gắn liền với con sò.

Ông Tám “sò” (ông Nguyễn Văn Tám, một trong những người nuôi sò đầu tiên ở Cái Nước) đã xây được nhà cửa khang trang. Cũng nhờ nuôi sò, ông mua thêm được 5 công đất.

Ông Tám chia sẻ, nhiều năm trước, bà con sống chủ yếu dựa vào con tôm, con cua nhưng chỉ đủ ăn. Khi mô hình nuôi sò trong vuông tôm hình thành, nhiều hộ phất hẳn lên. Có của ăn của để, còn mua thêm được đất.

“Hồi đó thấy sò huyết sinh sống và phát triển tốt ở các cửa biển rồi vào cả các tuyến kênh nối biển. Nhiều bà con khai thác kiếm thêm thu nhập. Nhưng những con sò nhỏ bán không ai mua, mang về ăn thì phí quá. Một vài hộ thả đại xuống vuông tôm nhà mình, sống chết mặc bay, không ngờ mang lại hiệu quả”, ông Tám “sò” hồi tưởng.

Từ thành công của bà con ở Cái Nước, Đầm Dơi (Cà Mau) mô hình nuôi sò tràn sang huyện bạn Đông Hải (Bạc Liêu). Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, bà con vùng này còn có nguồn thu nhập cao hơn cả nơi “đất tổ” của mô hình nuôi sò.

Theo số liệu thống kê từ Phòng NN-PTNT huyện Đông Hải, diện tích nuôi sò trong mô hình “Nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp thả ghép sò huyết” của huyện đã tăng lên 578 ha chỉ hơn 100 ha), chủ yếu tập trung ở xã An Phúc, An Trạch A và Long Điền Tây dọc theo tuyến kênh sáng Gành Hào – Hộ Phòng. Ước lợi nhuận bình quân đạt từ 100 – 200 triệu đồng/ha.

Anh Trang Minh Cảnh, ngụ ấp 2, xã An Trạch A (Đông Hải) cho biết: “Sò rất dễ nuôi, không có quá nhiều rắc rối về kỹ thuật. Chỉ cần mua giống về quăng xuống, trông coi. Sau gần 1 năm trên 4 ha thử nghiệm  tôi thu gần 100 triệu đồng”.

Theo kinh nghiệm nuôi sò của bà con xã An Trạch A không phải vùng nào nuôi sò huyết cũng thuận. Nuôi con sò phải đảm bảo lấy được nước ra vào thường xuyên để cải tạo môi trường.

Đặc biệt cần chú ý vuông tôm nào mà có rong sống dưới đáy thì không thể nuôi sò được, thả giống xuống là chết hết, cũng chưa rõ tại sao sò lại kỵ rong đến như vậy. Còn theo sự tích góp kinh nghiệm cả chục năm nay của ông Tám “sò”.

Sò huyết ăn phù sa, vì vậy chúng phù hợp với nơi có thủy triều lên xuống. Càng gần cửa biển, càng dễ nuôi. Trên địa bàn xã Đông Thới vùng thích hợp nuôi sò, nhất là các vuông tôm dọc theo tuyến kênh Đông Hưng dài khoảng 9 km.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam