Kỹ thuật cấy ngọc trai

Trước khi tiến hành cấy cần chuẩn bị trai mẹ bằng cách nuôi Trai trong các lồng bằng tre hay lưới. Việc cấy nhân chỉ được thực hiện khi Trai đạt tiêu chuẩn về kích thước, thời gian và tình trạng của tuyến sinh dục.

Nếu khi cấy nhân mà tuyến sinh dục của trai đang ở giai đoạn thành thục thì Trai dể bị chết hay bị rơi nhân hoặc ngọc được tạo thành không đạt chất lượng. Vì vậy cần chọn Trai mẹ có tuyến sinh dục không thành thục để cấy nhân.

1. Chuẩn bị Trai mẹ.

Có hai cách chuẩn bị Trai mẹ:

Cách thứ nhất: ức chế tuyến sinh dục, thường được tiến hành vào đầu mùa sinh sản. Thời gian này nhiệt độ bắt đầu tăng sau mùa Đông lạnh nhưng tầng nước sâu nhiệt độ vẫn còn thấp. Nuôi Trai ở tầng nước sâu, với điều kiện nhiệt độ thấp sẽ ức chế sự phát triển của tuyến sinh dục.

Cách thứ hai: kích thích tuyến sinh dục phát triển nhanh, thường được áp dụng vào mùa Trai đẻ rộ. Kích thích sự phát triển của tuyến sinh dục bằng cách nuôi trai ở tầng nước mặt có nhiệt độ cao (28-32oC). Sau một thời gian ngắn Trai sẽ thành thục và sinh sản. Sau khi Trai đã sinh sản thì chúng ta có thể tiến hành cấy nhân. Tuy nhiên sau khi sinh sản Trai thường yếu đi nên hiệu quả của việc cấy nhân sẽ không cao.

2. Chọn lọc Trai mẹ.

Chọn Trai mẹ có kích thước phù hợp cho vào bể, đặt bụng Trai ngửa lên trên và duy trì nhiệt độ nước khoảng 28-30oC. Khoảng 1 giờ sau Trai sẽ mở vỏ, dùng kẹp mở miệng vỏ Trai (khoảng 1-1,5cm) để kiểm tra tuyến sinh dục. Nếu đạt yêu cầu thì chèn miệng vỏ và đưa về phòng thí nghiệm để tiến hành cấy nhân.

3. Cắt màng áo.

Trai dùng để cấy ngọc gồm hai loại, Trai kỹ thuật và Trai nguyên liệu. Trai kỹ thuật là Trai dùng để cấy nhân vào còn Trai nguyên liệu là Trai dùng để lấy mảnh màng áo. Tỉ lệ của hai loại này là 2:1-5:1. Trai nguyên liệu là loại khoảng 1-2 tuổi, Trai càng to càng tốt nhưng không nên vượt quá 5-6 tuổi. Việc chọn Trai nguyên liệu có ảnh hưởng rất lớn đến thời gian tạo ngọc và chất lượng sản phẩm sau này.

Lớp xà cừ của vỏ trai do toàn bộ biểu bì mặt ngoài màng áo (mặt tiếp xúc với vỏ) tiết ra, nhưng chất lượng tùy theo vị trí của màng áo mà quá trình hình xà cừ nhanh hay chậm và chất lượng của lớp xà cừ cũng khác nhau. Theo kết quả thí nghiệm bằng đồng vị phóng xạ Ca45 thì mép màng áo là nơi hấp thu nhiều Ca45 nhất (trao đổi chất mạnh nhất). Vì vậy, hiện nay trong kỹ thuật cấy ngọc đều dùng lớp tế bào ở mép màng áo để cấy. Tuy nhiên, trên mép màng áo ở từng vị trí khác nhau cũng cho chất lượng xà cừ khác nhau. Một thí nghiệm khác cũng cho thấy mép màng áo ở phần bụng có khả năng phục hồi nhanh nhất và cho chất lượng ngọc tốt nhất.

Dùng dao mổ luồn vào cát đứt cơ khép vỏ, chú ý không nên để dao đụng vào màng áo nếu không màng áo sẽ co lại. Lật vỏ ra cắt lấy phần bụng của màng áo, tẩy sạch chất nhầy rồi đặt lên giá tế bào. Khi đặt màng áo lên giá tế bào, lật mặt tiếp xúc với vỏ quay lên trên sẽ thấy có một đường vàng nâu cách mép màng áo khoảng 3-4mm chạy song song với mép vỏ. Dùng kéo cắt theo đường đó và loại bỏ phần mép rồi cắt màng áo thành từng miếng khoảng 2-3mm2. Khi cắt màng áo cần chú ý đến những điểm sau:

– Phần mép ngoài màng áo là các tế bào tiết ra chất sừng chứ không tiết ra ngọc cho nên cần loại bỏ phần này.

– Khi cắt màng áo xong thì phải tiến hành cấy ngay.

– Trai dùng để lấy màng áo phải khỏe, không bị tổ thương hay dị tật.

– Dụng cụ phải sạch sẽ.

– Thao tác nhanh và chính xác.

4. Cấy màng áo.

Khi cấy đặt Trai lên giá cấy, bụng ngửa lên trên. Dùng móc móc lấy phần giữa chân kéo về phía sau cho chân giãn rộng ra. Cắt lấy một lỗ nhỏ ở giữa gốc chân, kích thước của vết cắt phải tương ứng với đường kính nhân cấy (lỗ mở hơi nhỏ hơn nhân cấy) rồi dùng kim thọc qua lỗ mở đó thông đến vị trí đặt nhân tạo thành một đường ống. Có ba vị trí cấy là nội tạng, trước xoang bao tim, và gốc xúc biện. Sau khi đã thông đường thì dùng kim đưa màng áo ghim lên mép của miếng màng áo đã cắt sẵn và đưa thẳng vào cuối đường ống. Khi cấy chú ý mặt ngoài của mảnh màng áo phải quay về phía nhân cấy.

5. Cấy nhân.

Nhân thường dùng là vỏ trai nước ngọt hoặc thủy tinh đã được mài tròn, nhẵn bóng, đường kính của hạt từ 2-9mm (tùy theo kích thước của Trai kỹ thuật). Sau khi cấy màng áo xong thì tiến hành cấy nhân. Đặt nhân cấy vào đầu lõm của kim đưa nhân và đưa nhân vào tiếp xúc với miếng màng áo vừa mới cấy. Thao tác đưa nhân cũng giống như khi cấy màng áo.

Mỗi Trai kỹ thuật ta có thể cấy 5 nhân, một ở nội tạng, hai ở gốc xúc biện, hai ở trước xoang bao tim. Khi cấy ở trước xoang bao tim và gốc xúc biện thì thao tác cấy ở vị trí bên phải và bên trái là như nhau. Khi cấy màng áo và nhân ở nội tạng cố gắng tránh làm tổn thương đến cơ co rút chân và ống tiêu hóa, cấy ở vị trí trước xoang bao tim thì tránh việc cấy quá sâu dễ làm chết Trai.

6. Nuôi thành ngọc.

Nuôi vỗ: Sau cấy nhân Trai bị tổn thương nên cần phải nuôi vỗ để Trai phục hồi sức khỏe. Nơi nuôi vỗ phải yên tĩnh và điều kiện môi trường ít dao động. Sau một tuần nuôi vỗ vết thương sẽ lành và lớp biểu bì mặt ngoài màng áo sẽ phát triển bao lấy nhân cấy. Biểu bì mặt trong sẽ bị mô liên kết hấp thụ trong 2 ngày.

Nuôi thành ngọc: Sau khi Trai đã phục hồi chúng ta chuyển chúng đến bãi chính để nuôi thành ngọc. Bãi nuôi thành ngọc có nồng độ muối 25-30%o, nhiệt độ từ 20-30oC. Nuôi Trai bằng lồng tre hay lưới, thời gian nuôi thường từ 1-4 năm tùy theo yêu cần ngọc to hay nhỏ.

7. Chăm sóc quản lý.

Trong quá trình nuôi Trai công việc chăm sóc chủ yếu là giữ cho lồng Trai sạch và tránh những bất lợi cho Trai. Lồng Trai thường bị các sinh vật sống bám làm ảnh hưởng đến sinh trưởng. Nên định kỳ tẩy rửa khi thấy trên vỏ Trai có nhiều sinh vật bám, nhất là sinh vật bám trên bản lề của Trai nếu không Trai sẽ không mở vỏ được. Trong điều kiện môi trường bất lợi phải di dời đi nơi khác. Trai cũng có nhiều địch hại như Hải miên, Cua, Sao biển… cần có biện pháp phòng trừ (xem phần chăm sóc quản lý ở chương 2).

8. Nuôi gây màu.

Ngọc trai được ưa chuộng có màu trắng hồng. Loại ngọc này có thể được tạo thành ở những vùng biển nhất định mà nơi khác không tạo ra được. Vùng biển như vậy được người ta dùng để nuôi gây màu. Điều kiện môi trường cụ thể để tạo màu cho ngọc trai thì chưa được xác định rõ, nhưng theo kinh nghiệm thì khu vực này có thức ăn dồi dào, các điều kiện môi trường như nhiệt độ, nồng độ muối, khí hậu biến đổi theo mùa rõ rệt. Vì vậy trước khi thu hoạch ngọc người ta chuyển Trai đến vùng biển gây màu để nuôi, sau vài tháng nuôi gây màu thì có thể tiến hành thu hoạch.

9. Thu hoạch.

Ngọc trai được thu hoạch vào mùa nhiệt độ thấp thì chất lượng ngọc tốt hơn thu ở mùa có nhiệt độ cao. Thời kỳ thu hoạch rộ thường vào tháng 8-10 hàng năm.

Tách vỏ Trai, thu lấy ngọc sau đó rửa sạch và tiến hành phân loại. Trai không đạt tiêu chuẩn như hạt không tròn, có nhiều vết bẩn sẽ được xử lý tiếp. Có thể tẩy bẩn cho ngọc bằng dung dịch H2O2 2% từ 10-15 phút, sau đó rửa lại bằng xà phòng và ngâm vào cồn 40o trong 6 giờ. Có thể dùng sóng siêu âm để tẩy vết bẩn. Ngọc không tròn có thể được mài tròn và đánh bóng. Nếu màu sắc không đẹp có thể dùng phẩm nhuộm để nhuộm màu.

Nguồn: Ngoctrai.co được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tự tạo cơ hội: Nuôi vẹm bằng tre

Người dân sống quanh vùng vịnh Xuân Đài, TX.Sông Cầu (Phú Yên) đã có sáng kiến nuôi vẹm xanh bằng tre khá lạ mắt và cho thu nhập cao, trong khi chi phí đầu tư ban đầu rất thấp.

Trong mấy tháng qua, vịnh Xuân Đài bỗng nở rộ chuyện người dân gom cây tre đem về tập kết trước nhà. Cây tre được sơn màu xanh khiến ai cũng tò mò. Lần hỏi thì mới biết, những cây tre đó là dụng cụ dùng để nuôi vẹm xanh, còn người dân dùng sơn xanh sơn lên cây tre để chống mục, cây sẽ có tuổi thọ lâu hơn trong nước mặn.

Cách nuôi lạ

Ông Phan Văn Toàn, một nông dân ở ngã ba Trung Trinh dầm mình dưới nước, tay đang ấn mạnh cây tre xuống lớp bùn dưới vịnh Xuân Đài, nằm cách xa bờ hàng chục mét. Cách cắm cây tre cũng khá đơn giản. Đầu 3 cây tre cột chụp lại, gốc cây rẽ ra thành hình tam giác, kiểu kiềng ba chân và giằng đá để khỏi nổi lên khi bị gió bão lay mạnh.
Trước khi cắm tre, ông Toàn quấn vải mùng giữa thân tre đoạn ngâm dưới nước, chừa trống lại phần gốc cắm dưới bùn và phần ngọn nhô trên mặt nước. Ông Toàn chia sẻ kinh nghiệm: “Sở dĩ phải quấn vải mùng là để có độ nhám cho vẹm bám vào. Đây là nghề mới của người dân ven vịnh Xuân Đài. Những năm gần đây, mỗi khi dùng tre cắm xuống vịnh làm nhà chồ (nhà chòi) quay rớ (quay vó) thì vẹm bám dày nên năm ngoái có người mua tre cắm thử thì nuôi vẹm rất hiệu quả, nên hiện nay hàng trăm người đổ xô mua tre mang về để nuôi vẹm”.

Chi phí thấp, thu nhập cao

Ông Trần Bảy, người dân ở Vũng Mắm đã nuôi vẹm bằng cách này, nhẩm tính: “Chi phí mỗi cây tre chỉ tầm 40.000 đồng, cộng với chi phí quấn vải mùng chừng 50.000 đồng. Năm ngoái, tôi cắm thử 20 cây tre, trung bình mỗi cây tre có 20 – 30 kg vẹm bám vào, thu hoạch bán với giá 20.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi cây tre thu vào giá thấp nhất 400.000 đồng. Chỉ một vụ đã thu hồi vốn, lãi được 300.000 đồng/cây tre. Năm sau thu hoạch bao nhiêu là lãi bấy nhiêu, vì loài này không cho ăn mà chỉ tốn công thăm nom, chăm sóc”. Cách thu hoạch vẹm xanh cũng khá đơn giản. Khi thu hoạch thì bơi thúng chai (thuyền thúng) ra khu vực cắm tre nuôi, nhổ lấy các cây tre gác ngang qua thúng chai, rồi cầm rựa cùn gạt lên lưới để vẹm rơi xuống.

Hiệu quả thấy rõ nên năm nay ông Bảy tiếp tục đầu tư thêm 200 cây tre để cắm tiếp dưới vịnh Xuân Đài. “Với số lượng đó, mỗi vụ tôi sẽ thu nhập trên 80 triệu đồng. Thời gian nuôi loại này cũng ngắn, chỉ cần 10 tháng kể từ khi cắm tre xuống vịnh là vẹm đủ lớn để thu hoạch”, ông Bảy phấn khởi.

Hiện vịnh Xuân Đài có diện tích mặt nước khoảng 13.000 ha. Hàng ngàn người dân quanh vùng đến đây vừa làm nghề nuôi tôm hùm, vừa nuôi vẹm thì sẽ có nguồn thu khá ổn định. Trong 2 năm gần đây, vẹm xuất hiện nhiều bám vào bờ đá, lồng nuôi tôm hùm. Ông Ngô Xuân Lai, Trưởng trạm Khuyến nông – Khuyến ngư TX.Sông Cầu, cho biết mô hình nuôi vẹm đang phát triển mạnh ở vịnh Xuân Đài. Loại vẹm xanh đang nuôi không có dịch bệnh, trong quá trình nuôi không đầu tư thức ăn, bán được giá nên được nhiều người dân nuôi.

Nguồn: Thanhnien.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cho vẹm xanh sinh sản trong điều kiện nuôi giữ

Bằng cách sử dụng những phương pháp tài tình, một nhóm các nhà khoa học đã cho vẹm xanh sinh sản thành công trong điều kiện nuôi giữ. Các nỗ lực của họ có thể sớm đem lại cho nền kinh tế của New Zealand khoảng 138,5 triệu USD mỗi năm.

Cho vẹm xanh sinh sản trong điều kiện nuôi giữ. 

Sau nhiều năm nghiên cứu ở Nelson, các phương pháp này (tắm bằng nước ấm và sử dụng các thiết bị rung) đã tạo ra lứa con giống đầu tiên để đem nuôi thương phẩm và hiện chuẩn bị thu hoạch.

Roberts giải thích rằng các thí nghiệm đã được thực hiện với ánh sáng, âm thanh và nhiệt độ nước khác nhau, cuối cùng họ đã có được một sự kết hợp giữa ánh sáng, nhiệt độ và độ rung nhẹ thích hợp để kích thích vẹm xanh sản sinh ra một lượng tối đa trứng và tinh dịch.

Ông cũng nhấn mạnh: “Hiện chúng tôi đã có thể sản xuất hàng tỷ trứng vẹm xanh mỗi tháng và tin tuyệt vời là chúng đã phát triển mạnh mẽ, phát triển nhanh hơn và vẹm có thịt nhiều hơn (chắc hơn)”.

Về phần mình, Bruce Hearn là chủ tịch của Tổ chức Nuôi trồng thủy sản New Zealand đã bày tỏ hy vọng về ý nghĩa của nó đối với ngành công nghiệp này. Ông cho biết: “Có rất nhiều khía cạnh đối với trứng ở tự nhiên, khác biệt cả về số lượng cũng như về chất lượng. Chúng ta không bao giờ biết khi nào thì có chúng và khi nào thì có thể lấy được, vì vậy không chắc chắn. Một trong những thuận lợi của việc ấp trứng đó là chúng ta sẽ biết lúc nào có và có thể lên kế hoạch thực hiện. Điều đó sẽ tạo ra một sự khác biệt to lớn. Thật khó có thể đánh giá đúng sự khác biệt mà nó sẽ tạo ra, nhưng đó là một thuận lợi lớn”.

Hơn nữa, Gary Hooper là giám đốc điều hành của tổ chức trên cho biết rằng việc ấp trứng vẹm xanh là một thay đổi lớn đối với ngành này, khi nó mở ra một loạt các cơ hội xung quanh việc chọn giống và phát triển sản phẩm ở các lĩnh vực chất lượng cao như các chế phẩm hỗ trợ dinh dưỡng và các siêu thực phẩm.

Nguồn: The FIS.COM được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm vẹm xanh

Vẹm vỏ xanh (Perna viridis Linne, 1758) là một loài động vật thân mềm hai mảnh vỏ, sống phân bố rộng khắp ở các vùng biển nhiệt đới và á nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Theo độ sâu, chúng phân bố từ trên dưới tuyến hạ triều đến 20m nước, ở độ sâu 5 – 6m nước có mật độ tương đối cao.

Vẹm vỏ xanh là loài có giá trị kinh tế, hàm lượng chất dinh dưỡng cao, được nuôi phổ biến làm nguồn thực phẩm cho con người và những đối tượng nuôi khác. Trong tự nhiên, vẹm xanh thành thục quanh năm nhưng tập trung vào hai vụ chính là các tháng 1 – 5 và tháng 8 – 10. Tuyến sinh dục của vẹm tồn tại ở 3 hình thức: đực, cái và lưỡng tính. Khi vẹm thành thục, tuyến sinh dục của con đực màu trắng sữa, con cái màu đỏ cam.

Chọn giống và kích thích phóng tinh, đẻ trứng

Vẹm được chọn cho đẻ là những cá thể khỏe mạnh, có kích thuớc từ 85 – 100mm, tức là vẹm đã trên 1 năm tuổi tính từ giai đoạn ấu trùng, đây là giai đoạn vẹm có tuyến sinh dục phát triển chín muồi. Nuôi từ 3 – 7 ngày, cho ăn các loài tảo đơn bào như: Chaetoceros sp, Nanochlopsis sp, Platymonas sp… và thường xuyên sục khí, thay 40 – 60% nước hàng ngày. Sau khi làm vệ sinh vỏ, dội qua nước ngọt, nước biển và đem rải đều phơi nắng 20 – 30 phút, cho vào lồng treo trên bể đẻ đã chuẩn bị sẵn. Tiếp tục dùng vòi dội mạnh nước mặn đã được lọc sạch đã qua xử lý chlorine hoặc viên aquasep. Qua nhiều công đoạn, vẹm bố mẹ bị kích thích, trứng, tinh trùng được phóng ra và thụ tinh trong nước. Khi ngửi thấy mùi tanh, kiểm tra dưới kính hiển vi có trứng được thụ tinh thì vớt vẹm bố mẹ ra ngoài.

Ương ấu trùng nổi

Sau khi trứng thụ tinh phát triển thành ấu trùng chữ D (Veliger) sẽ được chuyển sang bể ương ấu trùng. Mật độ ấu trùng từ 2 – 3,5 con/ml. Thêm nước trong những ngày đầu và thay từ 25 – 30% nước từ ngày thứ 5 trở đi. Kiểm tra kích thước ấu trùng 2 ngày/lần. Giai đoạn ấu trùng chữ D cho ăn tảo đơn bào Nanochloropsis sp, Chaetoceros sp… lượng tảo cho ăn 5 – 10 ngàn tế bào/ml, ngày cho ăn 2 lần vào sáng và chiều mát. Từ giai đoạn tiền kỳ đỉnh vỏ về sau, ban đêm vào 21 – 22 giờ có thể cho ăn thêm men bánh mì. Thời gian này, độ mặn của nước phải đảm bảo từ 30 – 34%; sục khí 24/24 giờ để đảm bảo nhiệt độ 24 – 30oC.

Thu ấu trùng và phương pháp nuôi

Thả vật bám làm từ dây nylon, tấm nhựa, lưới… được vệ sinh sạch để ấu trùng bám khi ấu trùng có điểm mắt. Có thể thu được con giống cỡ 3 – 5mm sau khoảng 50 ngày kể từ khi đẻ. Môi trường sống của vẹm xanh rất thích hợp các thủy vực kín, ít sóng gió và có dòng chảy lưu thông. Chất lượng nước giàu thức ăn tự nhiên, có độ mặn từ 20 – 30%; nhiệt độ 23 – 30oC; pH 7,5 – 8,5; oxy hòa tan 4 – 5mg/l.

Có nhiều phương pháp nuôi khác nhau như cọc bê tông, cọc gỗ, treo băng bè hoặc dây treo… Nuôi treo bằng phao hoặc bằng bè được sử dụng rộng rãi vì phù hợp ở những vùng có sóng gió, dễ di chuyển và thao tác. Sau 2 năm có thể thu hoạch vẹm thương phẩm với kích thước 10 – 15cm, khối lượng 80 – 120g.

Nuôi vẹm xanh

Vẹm xanh là đối tượng nuôi trồng thuỷ sản mới, có giá trị kinh tế. Vẹm xanh dễ nuôi và trong quá trình nuôi, không cần bổ sung thức ăn cho chúng.

Cách nuôi : Có thể chọn các vùng đầm hồ, các vùng cửa vịnh để nuôi vẹm xanh, song môi trường nước phải trong sạch, không bị nước thải công nghiệp pha trộn…

Dụng cụ nuôi: Dùng loại rổ nhựa mắt dày, đường kính 50cm trở lên, hai mặt trên và dưới rổ được lót bọc bằng những tấm lưới dày hoặc vải màn để chống các loài sinh vật làm hại. Mỗi rổ thả khoảng 500 con. Sau đó đem rổ nuôi thả chìm xuống nước theo cọc tiêu đã được đóng trước. Rổ nuôi vẹm phải nằm ở vị trí cách đáy đầm 30-50cm. Để cố định được vị trí các rổ, nên cho vào rổ những hòn đá thích hợp và cố định bằng dây buộc trên cọc tiêu. Môi trường nước nuôi phải đảm bảo sự ổn định tương đối về độ mặn, độ pH, nhiệt độ khi thời tiết thay đổi.

Chăm sóc: Hai bên cửa sông nơi có nhiều thực vật phù du, mùn bã hữu cơ (là những thức ăn chính của vẹm) là những vùng đất thuận lợi để vẹm xanh phát triển vỏ tốt nhất… Trong quá trình nuôi phải chú ý khâu làm vệ sinh rổ. Cần cọ rửa rổ sạch sẽ để tiêu diệt các loại sinh vật khác sống ký sinh trên vẹm (nhất là con hàu).

Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Khánh Hoà đã nuôi thử nghiệm vẹm xanh ở đầm Nha Phú, theo phương pháp đóng cọc trên diện tích 10.000ha. Đến nay đã có trên 100 hộ nuôi vẹm xanh, sản lượng vẹm thương phẩm ước tính khoảng 40 – 50 tấn/năm.

Thu hoạch: Vẹm nuôi trên cọc, trên giàn, trong rổ cách xa lớp đáy bùn bẩn nên rất sạch. Khi vẹm đạt cỡ 8cm (chiều dài vỏ) trở lên, vào thời kỳ đó tuyến sinh dục phát triển mạnh nhất, nếu mở con vẹm thấy đỏ rực, vàng rộm hay vàng sữa là thu hoạch được.

Trước đây nguồn vẹm giống phụ thuộc vào khai thác tự nhiên, nhưng ngày nay chúng ta đã bắt đầu cho vẹm sinh sản nhân tạo và nuôi thành vẹm hàng hoá.

Nguồn: Vietlinh.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Phòng và trị bệnh hay gặp ở cá trê lai

Cá trê có sức chống chịu với bệnh tật rất cao. Tuy vậy ở điều kiện nuôi dưỡng quá xấu, một số bệnh thường phát sinh.

Cá trê lai vàng

Cá trê cũng như các loại thủy sản khác, lấy công tác phòng bệnh là chủ yếu:

    * Phòng bệnh:

    + Cải tạo ao ban đầu thật kỹ, vùng nuôi phù hợp, sạch, thức ăn đảm bảo chất lượng, hợp vệ sinh.

    + Vận chuyển cá giống không để xây xát, trước khi thả cá vào ao nuôi nên tắm qua bằng nước muối 3% trong 5 phút hoặc Iod 10% trong 5-10phút.

1. Bệnh do vi khuẩn

    * Triệu chứng: Cơ thể có nhiều vết loét rỉ máu, vây cá bị thối, râu quăn, bụng trướng, da tiết nhiều chất nhầy, cá chết rất nhanh.

    * Tác nhân gây bệnh: do các loại vi khuẩn Aeromonas sp, Flexibacter sp… gây nên.

    * Trị bệnh:

    + Thay nhiều nước, tốt nhất nên xi phông lớp đáy dơ.

    + Bón vôi 15-20kg/1000m3 kết hợp trộn thuốc kháng sinh Oxytetracylin hoặc Gencin, Ciprocan, Beta N…vào thức ăn với liều lượng 3-5g/kg thức ăn.

    + Sau khi ổn định cho cá ăn Vitamin và men tiêu hóa để cá phục hồi đồng thời phục hồi đáy ao bằng Zeofish.

2. Bệnh do ký sinh trùng

    * Triệu chứng: trên da có nhiều chất nhày, vết loét rỉ máu, vây thối, có những điểm trắng trên lưng. Cá có màu đen hơn so với bình thường, cá bị mất thăng bằng.

    * Tác nhân: Do các loại ký sinh trùng: trùng bánh xe, Costia…

    * Điều trị: phun  Sunphát đồng (CuSO4) trực tiếp xuống ao với liều lượng 0,3-0,5ppm hoặc Formalin 30-50ppm để 2-3 ngày sau mới thay nước.

    Cho ăn ngày 2 lần : 5-6h và 16-18h, nên cho ăn tại những vị trí cố định trong ao để dễ theo dõi, điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật nuôi cá trê lai

Cá trê lai là cá được lai giữa cá trê phi và cá trê vàng, có ngoại hình tương tự cá trê vàng, da trơn nhẵn, đầu dẹp, thân hình trụ, dẹp ở đuôi. Thân có màu xám có những chấm nhỏ mờ, u lồi xương chẩm có hình gần giống chữ M với các góc tròn, trong khi ở cá trê vàng là chữ U còn có trê phi là chữ M có các góc nhọn và rõ nét. Cá trê lai dễ nuôi, mau lớn, nuôi tốt có thể  tăng trọng bình quân 100g/con/tháng.

Cá trê lai

Chọn địa điểm và xây dựng ao

– Chọn nơi có nguồn nước sạch và chủ động nguồn nước để thay, chất đất là đất thịt hoặc cát pha sét để đắp bờ.

    – Xây dựng ao: có thể nuôi bằng ao đất bình thường hoặc bể xi măng có đáy là bùn đất. Ao có hình chữ nhật (để dễ kéo lưới khi thu hoạch). Diện tích ao thích hợp để nuôi cá trê từ 1.000-3.000m².

Độ sâu mức nước trong ao từ 1,2-1,5m. Bờ ao phải cao hơn mực nước cao nhất là 0,6m và được đầm nén thật chặt, không để nước rò rỉ hoặc chảy thành dòng từ mặt bờ xuống ao vì đặc điểm cá trê thường dùng hai ngạnh cứng của vây ngực để bò, kết hợp đầu bẹt và đuôi quạt rất mạnh để chui và đào ngoáy chỗ rò rỉ thành hang ổ để trú hoặc đi sang ao khác, cá có thể bò hàng giờ trên cạn và bò theo ngược dòng nước rất nhanh. Do đó để chống cá đi ta phải cho chảy rót thẳng xuống ao hoặc dẫn đường ống cấp nước vào trong lòng ao, đầu 2 cống cấp và thoát nước phải có bọc nylon hoặc lưới sắt không cho cá đi. Xung quanh ao không có cây cối che phủ.

Chuẩn bị ao

  – Đối với ao cũ: vét sạch lớp bùn đáy, xảm trét lỗ rò rỉ, đầm nén chặt sau đó tiến hành rãi vôi ở khắp đáy ao và mái bờ. Liều lượng vôi tùy thuộc và độ phèn của ao. Nếu ao ít phèn (pH trên 4,5) dùng 50 – 100 kg/1000m2, nếu ao nhiều phèn (pH dưới 4,5) dùng 100 – 150kg/1000m2.

Sau khi bón vôi xong phơi nắng đáy ao từ 2 – 3 ngày để diệt tạp. Tiếp theo bón phân chuồng ủ hoai (với 1% vôi) với lượng 100-150kg/1000m2. Lấy nước qua lưới lọc 0,5mm để ngăn cá dữ, địch hại vào ao, độ sâu mực nước 1,2-1,5m.Kiểm tra lại các thông số môi trường để điều chỉnh cho thích hợp rồi tiến hành thả giống.

Đối với những ao không có điều kiện tháo cạn nước, trong ao có nhiều cá tạp thì dùng rễ cây thuốc cá dập kỹ ngâm một đêm vắt lấy nước pha loãng tạt đều khắp ao, liều lượng 1kg rễ/1000m² nước hoặc dùng Saponin liều lượng dùng theo hướng dẫn trên bao bì để diệt hết các cá tạp, cá dữ còn trong ao. Thời gian xử lý thuốc diệt cá tốt nhất là vào lúc 7-8h sáng. Chú ý sau khi xử lý thuốc diệt cá phải để 7-10 ngày sau mới thả cá giống.

    – Đối với ao mới: Lấy nước ngâm ao 5-7 ngày sau đó sục rửa nhiều lần để loại bớt chất phèn, kiểm tra lại lỗ rò rỉ, đầm nén cho kỹ rồi tiến hành trình tự các bước; bón vôi, bón phân gây màu, lấy nước kiểm tra môi trường như ao cũ. Sau 5-7 ngày tiến hành thả cá.

Thả giống

1. Chọn giống

    – Chọn mua giống tại các trại có uy tín và chọn trại gần nhất.

    – Chọn giống có kích thước đồng đều, khỏe mạnh, không xây xát, không có dấu hiệu bị bệnh, bơi lội nhanh nhẹn.

    – Cỡ giống chọn thả nuôi tốt nhất: 200 – 300 con/kg.

2. Vận chuyển

    – Cho cá nhịn đói 1-2 ngày trước khi vận chuyển để cá thải hết phân.

    – Vận chuyển bằng 2 phương pháp:

    + Phương pháp hở có sục khí: dùng thùng xốp có lót ni lông, gắn máy sục khí, chứa mật độ 0,1-0,15kg cá giống/1lít nước, sau 3-4 giờ thay nước 1 lần.

    + Phương pháp vận chuyển bằng túi nilon có bơm oxy: Mật độ 0,15-0,2 kg cá giống/1lít nước. Thể tích giữa nước và oxy trong túi là 1:2, sau khi vận chuyển 8 giờ nên thay oxy mới.

    – Nhiệt độ khi vận chuyển 25-32oC. Cần vận chuyển lúc trời mát hoặc có biện pháp hạ nhiệt để chống nóng cho cá.

    – Thời gian thả cá tốt nhất là vào sáng sớm và chiều mát. Để phòng ngừa cá bị bệnh ngoại ký sinh trước khi thả cá xuống ao nuôi ta nên tắm cho cá bằng nước muối 2-3% (20-30gam muối/1lít nước) trong 3 -5 phút. Trước khi thả nên ngâm bao trong nước ao 10-15 phút để cân bằng nhiệt độ trong và ngoài, sau đó mở miệng bao cho một ít nước vào trong bao để yên trong 5 phút rồi thả cá tự bơi ra ngoài.

3. Mật độ thả

    Nuôi đơn thả 15-25 con/m2.

    Nuôi ghép thả 90% trê lai và 10% cá khác (Trắm, trôi, mè, chép,…).

Quản lý và chăm sóc

1. Cho ăn

    Cá trê rất háu ăn và ăn tạp, khả năng tiêu hóa mạnh

    Sử dụng các loại thức ăn: cám gạo, gạo kém phẩm chất, ngô, bã rượu, bột cá nhạt, tôm, cua, ốc, phế phẩm lò mổ, phân gia súc, gia cầm…để cho cá ăn. Có thể dùng thức ăn tổng hợp viên có bán trên thị trường.

    – Tháng đầu tiên: dùng thức ăn dạng bột như cám nhuyễn, bột cá, bột đậu nành rải trên mặt nước hoặc cám tổng hợp cho gia súc. Hoặc dùng cá tạp xay nhỏ trộn với cám gạo đặt vào sàng cho ăn. Lượng cho ăn bằng 20-30% trọng lượng cá.

    – Tháng 2 đến tháng 4: Cho cá ăn từ 10 – 15% trọng lượng thân, thành phần thức ăn bao gồm:

   + Cám gạo                                              : 35%

   + Bột cá                                                  : 50%

   + Rau xanh                                              : 10%

   + Khoáng chất, vitamine, men tiêu hóa     : 5%

    – Tháng 5 đến tháng 6: Khẩu phần ăn là 5% trọng lượng thân, thành phần thức ăn bao gồm:

   + Cám gạo                                              : 40%

   + Bột cá                                                  : 55%

   + Rau xanh                                              : 10%

   + Khoáng chất, vitamine, men tiêu hóa      : 5%

    *Cách chế biến thức ăn: Các loại bột nấu chín trộn với dầu cá, vitamin, men tiêu hóa xay ép thành viên hoặc nắm thành nắm cho ăn.

    Khẩu phần thức ăn được điều chỉnh theo mức ăn hằng ngày của cá, thường từ  4-6% trọng lượng cá/ngày (thức ăn khô), 8-10% (thức ăn ướt).

2. Chăm sóc

    Trong thời gian nuôi thường xuyên theo dõi hoạt động của cá và màu nước của ao để kịp thời xử lý những sự cố kịp thời, điều chỉnh thức ăn phù hợp cho cá.

    Cá trê lai chịu đựng được ở môi trường nước bẩn và hàm lượng oxy thấp nhưng ở môi trường sạch thông thoáng cá phát triển nhanh hơn nên cần thay nước thường xuyên. Tháng đầu chỉ cấp nước bù hao hụt, tháng hai trở đi định kỳ thay nước 5-7 ngày/lần, thay từ 20-40%.

    Khi có mưa lớn theo dõi bờ bao phòng chống cá đi trong mưa, đồng thời rắc vôi bột ở bờ ao 10kg/100m² để hạn chế phèn trên bờ ao theo nước mưa trôi xuống ao.

    Thường xuyên kiểm tra các lỗ rò rỉ, cống ao phòng trường hợp cá trê đi khỏi ao.

    Theo dõi phòng trừ địch hại như chim, rắn… ăn cá.

    Có thể thu tỉa những con lớn tránh trường hợp cá lớn ăn cá bé.

Thu hoạch

Cận cảnh cá trê lai

Sau 4 tháng nuôi cá đạt kích cỡ thương phẩm có thể thu hoạch. Trong điều kiện nuôi tốt cá có thể đạt quy cỡ sau:

    – Nuôi 3 tháng:  200-300g/con

    – 4-6 tháng:       400 – 500g/con

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Cá trê ‘thủy quái’ trên 10 kg/con

Thời gian gần đây, tại các chợ xuất hiện những con cá trê “khủng” có trọng lượng lên tới cả chục kilogram khiến nhiều bà nội trợ “mới nhìn đã sợ chết khiếp”. Nhiều người còn e ngại nguồn gốc loại cá này, cho rằng đây là cá nhập từ Trung Quốc và được nuôi bằng thức ăn không an toàn.

Trao đổi với PV, chị Chu Thị Phương – chủ một kiôt bán cá tươi sống tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Loại cá trê “cỡ đại” trọng lượng lên tới cả chục kilogram đang được bán nhiều tại các chợ dân sinh được bán hiện nay không phải nhập từ Trung Quốc, mà là cá do các hộ trong nước nuôi thả.

Cá trê khổng lồ

“Đây là cá nuôi trong nước, không phải nhập từ Trung Quốc. Cá nhập từ Trung Quốc chủ yếu là các loại trắm giòn, chép giòn, cá quả (cá sộp), cá tầm, lươn, ếch, chạch… Cá trê phi là giống mới xuất hiện vài năm nay, ăn tạp, chóng lớn, năng suất cao nên nhiều người đã thả nuôi”, chị Phương nói.

Tuy nhiên, do có thân hình đen bóng, trọng lượng to một cách bất thường và hình thù đáng sợ, nên loại cá này bán không chạy. “Con cá to cả chục kilogram, có con tới 12kg, nhìn đã thấy sợ nói chi ăn. Nhìn cái đầu con cá này to bằng cả chiếc nồi, tôi cảm giác đây là cá ăn thịt hoặc cá trê “húc mả” nên không dám mua ăn bao giờ, dù chủ hàng luôn mời chào, quảng cáo là thịt chắc, dai, đậm” – chị Nguyễn Thị An Bình (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.

Có lẽ bởi thân hình to một cách bất thường, gây cảm giác e ngại, nên mặc dù giá loại cá này chỉ từ 45.000-50.000 đồng/kg, nhưng ít người mua.

“Thực ra, đây là cá trê nuôi bằng thức ăn công nghiệp, lại ăn tạp, ăn khỏe, nên chỉ cần sau vài tháng các con cá đã đạt được trọng lượng khủng. Nhìn thân hình cá tuy có hơi đáng sợ, nhưng thịt loại cá này rất ngon vì vị đậm, thịt chắc, ít xương. Nếu ướp riềng mẻ nướng thì ngon không kém gì các loại cá đặc sản bán giá cả trên trăm nghìn đồng/kg”- chị Trần Thị Thìn, cũng bán ngành hàng cá tươi sống tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Các chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng, cá trê phi có hình thù đáng sợ, nhưng thịt khá ngon. Nếu được nuôi bằng các thức ăn đảm bảo an toàn thì người tiêu dùng có thể yên tâm ăn. Những thông tin về “cá trê húc mả” chủ yếu là đồn thổi, gây ảnh hưởng đến người chăn nuôi, mọi người nên thận trọng.

Để giải tỏa nghi ngại của người tiêu dùng về nguồn gốc mặt hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi và được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho hay: Các loại nông, lâm, thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc khi nhập khẩu vào cửa khẩu nước ta, đều được kiểm dịch theo quy định. Các lô hàng không đạt tiêu chuẩn an toàn đều bị trả lại. Hàng tiểu ngạch cũng đều được kiểm tra như hàng chính ngạch.

Tuy nhiên, do hàng Trung Quốc thường có vị nhạt, bở hơn, nên phần lớn người tiêu dùng không ưa chuộng bằng hàng trong nước, dù giá các mặt hàng này rẻ hơn khoảng 2-3 giá.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Hiệu quả từ mô hình nuôi cá tai tượng sinh sản trong mương vườn

Thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) là địa phương phát triển về nuôi thủy sản nước ngọt, với diện tích ương nuôi cá giống khoảng 350 ha, có nhiều đối tượng được bà con quan tâm nuôi như tai tượng, trê lai, diêu hồng, rô phi, cá sặc rằn, cá tra… Trong đó, cá tai tượng là một trong những đối tượng có nhiều lợi thế như: thịt ngon, dễ tiêu thụ, giá bán cao, nên cá tai tượng đang được bà con đầu tư nuôi từ khâu nuôi cá bố mẹ cho đẻ, đến ương cá giống, nuôi cá thịt.

Hiện số hộ nuôi cá tai tượng sinh sản ở Thị xã Cai Lậy khoảng 200 – 300 hộ, với đàn cá bố mẹ từ 15.000 – 18.000 con, sản lượng cá bột tai tượng hàng năm từ 35 – 40 triệu cá bột. Trong đó, khoảng 50% cá bột được bà con để lại ương thành cá giống, còn 50% bán cho người nuôi ở trong tỉnh và ngoài tỉnh. Nhờ đó, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho bà con nông dân…

Trứng cá tai tượng được ấp trong các chậu

Mô hình nuôi cá tai tượng sinh sản được bà con nuôi chủ yếu ở các xã: Phú Qúy, Nhị Quí, Nhị Mỹ, Tân Bình, Long Khánh…, nhiều năm qua đã mang lại hiệu quả cao cho người dân, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Điển hình như hộ anh Phạm Văn Tâm, (sinh năm 1974), ngụ tại ấp Phú Hưng, xã Phú Qúy.

Gia đình anh Tâm có 5 nhân khẩu, trong đó có 2 lao động chính, diện tích canh tác 9.000m2. Là một nông dân chí thú làm ăn, trước đây anh làm 3 vụ lúa mỗi năm, nhưng lãi không nhiều, đời sống còn nhiều khó khăn. Qua chương trình tập huấn và theo dõi tham quan những mô hình nông dân sản xuất giỏi tại địa phương, sau khi bàn bạc với gia đình, anh quyết định chuyển đổi 5.000m2 diện tích lúa, lên liếp trồng sầu riêng và thiết kế mương để nuôi cá tai tượng. Anh thiết kế 4 mương (rộng 3m, dài 120m, sâu 1,2 m), anh dùng lưới ngăn mỗi mương thành 4 ô, mỗi ô dài 30m; như vậy tổng cộng anh có 16 ô nuôi cá.

Anh Phạm Văn Tâm – một trong những hộ nuôi cá tai tượng điển hình

Trong mỗi ô anh thả tổng cộng 20 con cá bố mẹ tai tượng, trong đó 15 con cá cái và 5 con cá đực. Số cá bố mẹ thả tổng cộng là 320 con. Chi phí ban đầu từ mô hình gồm: Cá bố mẹ gần 500 kg, khoảng 30 triệu, với 240 con cá cái, mỗi năm đẻ gần 960 ổ trứng, số cá bột đạt khoảng 2,5 triệu con. Năm vừa qua, anh cho cá tai tượng đẻ, trừ đi chi phí anh thu lãi được 70 triệu đồng từ mô hình này.

Anh Tâm cho biết, nuôi cá tai tượng sinh sản phải được chuẩn bị cẩn thận theo các bước như sau:

Cải tạo mương

Vét sạch bùn, bón vôi liều lựợng 3 – 5 kg/100m2 mương, phơi mương 2 – 3 ngày, phải làm cẩn thận không để cá tạp, cá dữ còn lại trong mương, sau đó cấp nước đến độ sâu 1,2 m.

Chọn cá bố mẹ

Phải kỹ lưỡng, tuổi cá bố mẹ phải trên 2 năm tuổi, trọng lượng đạt từ 1,2 kg trở lên, không dị hình hay xay sát.

Thời gian nuôi vỗ

Từ tháng 10 – 11 âm lịch năm trước. Giai đọan đầu cho cá ăn thức ăn viên 26 – 28% đạm, với liều lượng 1 – 1,5% trọng lượng đàn, sau 2 tháng nuôi tích cực thì cá bắt đầu đẻ vào cuối tháng 12 âm lịch.

Làm ổ đẻ

Vật liệu cho cá đẻ được làm bằng xơ dừa; sử dụng những cây trúc để đan thành những giỏ hình nón, đường kính của miệng tổ dài khoảng 25cm, cắm tổ vào bờ để cố định sao cho miệng tổ thấp hơn mặt nước 20cm, cắm nghiêng xuống 15 – 20 độ so với mặt nước.

Cho cá đẻ

Cá thường đẻ vào thời điểm từ 16 – 18 giờ chiều. Khi quan sát thấy có giọt dầu nổi trước ổ hay có mùi tanh của trứng là cá đã đẻ, anh tiến hành thu trứng. Mỗi ngày anh thu được từ 4 – 5 ổ cá đẻ, mỗi ổ cá đẻ từ 2.000 – 6.000 trứng.

Ấp trứng

Sau khi thu trứng, đem trứng vào ấp trong thau. Hàng ngày anh thay nước và vớt trứng cá hỏng ra khỏi thau nhằm tránh ô nhiễm môi trường nước ấp và tránh lây lan nấm bệnh từ những trứng ung sang những trứng khỏe. Sau 3 ngày thì anh xuất bán cá bột, đầu vụ anh bán với giá 40 – 45 đồng/con cá bột.

Anh lưu ý, phải định kỳ cấp thêm nước mới vào mương cá bố mẹ để bù lại lượng nước bị thất thoát (khoảng 7 – 10 ngày/lần).

Khi cây sầu riêng 4 – 5 năm tuổi, anh chuyển cá bố mẹ sang mương khác vì cần lấy nước tưới cho sầu riêng, hơn nữa ao có nhiều bóng mát, sẽ ảnh hưởng tới sức sinh sản của cá. Khi sử dụng thuốc xịt sầu riêng, anh chỉ dùng thuốc sinh học không độc cho ao nuôi cá.

Toàn ấp Phú Hưng, xã Phú Qúy có gần 50 hộ chuyên nuôi cá tai tượng sinh sản, đã giúp bà con có cuộc sống ngày càng khấm khá hơn. Tuy nhiên, hiện nay, mô hình này có lúc cũng trầm lắng do cá tai tượng bị dịch bệnh thích bào tử trùng hay người dân còn gọi là bệnh “sùi bọt cua”, làm cho cá bố mẹ chết hàng loạt, đến nay chưa có thuốc đặc trị, người nuôi chỉ có biện pháp phòng bệnh như: cải tạo ao đúng kỹ thuật, chăm sóc cá bố mẹ tốt, khi cá bệnh phải trôn xác cá, không xả ra nguồn nước cá bệnh ra môi trường, có thể ngưng nuôi một thời gian là 6 tháng hoặc chuyển đối sang nuôi đối tượng khác.

Theo navifeed.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Thu 1 tỷ đồng/vụ từ nuôi cá tai tượng an toàn sinh học

Ông Đỗ Hiếu Liêm, 68 tuổi ở ấp Phú Khương B (Phú Kiết, Chợ Gạo) là người đi tiên phong và thành công với mô hình nuôi cá tai tượng an toàn sinh học, cho thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi vụ nuôi. Đây là mô hình mà ngành nông nghiệp tỉnh đang khuyến khích nông dân áp dụng, đồng thời có chủ trương nhân rộng ra những địa phương khác.

Một mô hình nuôi cá an toàn sinh học.

Xã Phú Kiết được xem là “cái nôi” của nghề nuôi cá bởi địa phương có dòng sông Bảo Định chảy qua cung cấp nước ngọt quanh năm, nông dân biết tận dụng diện tích mặt nước mương vườn sẵn có và đầu tư đào ao nuôi cá các loại, trong đó chủ lực là con cá tai tượng có giá thành hấp dẫn, ít tiêu tốn thức ăn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ phong trào nuôi cá, đã xuất hiện nhiều điển hình nông dân sản xuất giỏi nuôi cá làm giàu, trong số này có ông Đỗ Hiếu Liêm là “kiện tướng” nuôi cá ở địa phương.

Là người có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với nghề nuôi cá, ông Đỗ Hiếu Liêm rất am hiểu và nắm vững kỹ thuật nuôi cá, đặc biệt là áp dụng nuôi theo mô hình an toàn sinh học. Từ quan niệm “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi lợn”, trước đây, ông Liêm cũng từng nuôi các loại cá tra, trê lai kết hợp chăn nuôi lợn, nhưng do giá cả bấp bênh nên gần đây, ông bắt đầu chuyển sang nuôi cá tai tượng.

Hiện tại, với diện tích mặt nước khoảng 3.000m2, trung bình mỗi vụ nuôi, ông thu được hơn 20 tấn cá thương phẩm. Với giá bán từ 40.000 – 50.000 đồng/kg, mỗi vụ nuôi (khoảng 2 năm), cho thu nhập gần 1 tỷ đồng, trừ chi phí ông còn lãi trên dưới 50%.

Để tăng hiệu quả sản xuất, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, gần đây ông Liêm áp dụng mô hình nuôi cá tai tượng theo hướng an toàn sinh học. Ông Liêm cho biết: năm 2011, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang, ông bắt tay đầu tư con giống thả nuôi cá tai tượng thương phẩm theo mô hình an toàn sinh học.

Trên diện tích 3.000 m2 mặt nước, với 6 ao (mỗi ao từ 300 – 500m2 mặt nước) xen trong vườn, ông thả nuôi 20.000 con cá tai tượng giống, kết hợp với cá sặc rằn. Cá được nuôi theo hai giai đoạn, gồm: Ao nhỏ thả cá giống ương nuôi khoảng 8-10 tháng để cá đạt trọng lượng khoảng 0,3 – 0,5 kg/con rồi tiếp tục san qua ao lớn nuôi đến đạt kích cỡ thương phẩm.

Mật độ thả từ 7-10 con/m2 (ghép thêm cá sặc rằn để giúp ổn định môi trường nước). Đến nay, cá đã đạt trọng lượng khoảng 1 kg/con và chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch. Theo tính toán, vụ cá nuôi theo mô hình an toàn sinh học đầu tiên này, ông thu về không dưới 20 tấn cá, thu nhập gần 1 tỉ đồng.

Ông Liêm chia sẻ: “ Để nuôi theo mô hình an toàn sinh học, đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình từ khâu chọn lọc con giống, thức ăn, mật độ thả… mà cán bộ kỹ thuật khuyến nông đưa ra. Nuôi cá theo mô hình an toàn sinh học, mỗi ngày phải có sổ sách ghi chép về liều lượng thức ăn trong ngày, các chế phẩm theo dõi xử lý ao, lượng rau cho cá ăn hàng ngày”.

Theo ông Liêm, nuôi cá an toàn sinh học có nhiều ưu điểm hơn so với cách nuôi truyền thống lồng ghép với chuồng trại trước đây là bảo vệ được nguồn nước không bị ô nhiễm, quản lý được dịch bệnh trên đàn cá nuôi và hơn hết là cung cấp sản phẩm “sạch” cho người tiêu dùng . Hiện nay, ngoài nuôi cá, trên diện tích 17.000m2 đất vườn, để tăng thêm thu nhập, ông còn kết hợp trồng các loại cây ăn trái có giá trị như: nhãn tiêu da bò, bưởi da xanh, dừa dứa…

Mô hình của ông Đỗ Hiếu Liêm đang được nhiều nông dân ở địa phương học hỏi, nhằm đa dạng hóa sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới làm giàu ở vùng đất thuần nông. Nhiều năm liền, ông Đỗ Hiếu Liêm được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh và được tín nhiệm bầu là chi hội trưởng Chi hội nghề cá xã Phú Kiết.

Nguồn: Cần Thơ TV được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Đặc điểm sinh học của cá điêu hồng

1. Nguồn gốc và phân bố

Cá điêu hồng còn gọi là cá diêu hồng hoặc cá rô phi đỏ, có xuất xứ từ Đài Loan. Năm 1990, chúng được nhập từ Học viện Công nghệ Châu Á (AIT) về Việt Nam và được nuôi thử nghiệm. Từ năm 1997 đã bắt đầu nuôi thương phẩm cá điêu hồng và hiện nay nhiều địa phương đã nuôi thâm canh trong ao, trong lồng hoặc nuôi quảng canh đối tượng có giá trị kinh tế này.

Cá điêu hồng

2. Đặc điểm hình thái

Toàn thân phủ vảy màu đỏ hồng hoặc màu vàng đậm, màu vàng nhạt. Cũng có những cá thể trên thân có màu hồng xen lẫn những đám vảy màu đen.

3. Tập tính sống

Cá sống chủ yếu trong nước ngọt, nước lợ và cả ở vùng nước có độ mặn từ 5 -12%o, nhiệt độ thích hợp từ 25 – 35°C. Cá có thể sống trong mọi tầng nước, chịu đựng được ở vùng nước có hàm lượng ôxy hoà tan thấp và pH từ 5 – 11, thích hợp nhất là 6,5 – 7,5. Tuy nhiên, cá kém chịu đựng với nhiệt độ thấp. Khi nhiệt độ nước dưới 18°C, cá ăn kém dần, chậm lớn và dễ bị nhiễm bệnh. Khi nhiệt độ nước 11 – 12°C và kéo dài nhiều ngày, cá sẽ chết vì rét.

4. Thức ăn

Cá điêu hồng là loài ăn tạp, thức ăn thiên về nguồn gốc thực vật. Ngoài ra, chúng cũng ăn ấu trùng các loại côn trùng động vật thủy sinh, các phế phụ phẩm khác và thức ăn công nghiệp dạng viên.

Thức ăn dạng viên cho cá

Do ăn tạp nên việc nuôi thâm canh cá điêu hồng đạt năng suất cao khá thuận lợi vì có thế tận dụng phế phụ phẩm của các nhà máy chế biến thủy sản hoặc lò giết mổ gia súc để chế biến thành thức ăn nuôi cá. Tuy nhiên, do nuôi mật độ cao trong lồng nên cần cho cá ăn thức ăn dạng viên nổi để dễ dàng theo dõi cá ăn, kiểm soát lượng thức ăn thừa, hạn chế thất thoát thức ăn và quản lý chất lượng môi trường nuôi.

Thức ăn được xay nhuyễn cho cá

5. Sinh trưởng

Cá lớn nhanh, tốc độ lớn phụ thuộc vào môi trường nước, thức ăn, mật độ nuôi; chăm sóc. Khi nuôi trong lồng cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, cá sinh trưởng nhanh hơn, tỷ lệ hao hụt thấp, đạt cỡ thương phẩm (400 – 500 g trở lên) chi sau 5-6 tháng nuôi.

6. Sinh sản

Cá đẻ nhiều lần trong năm. Ở các tỉnh miền Bắc, cá ngừng đẻ khi nhiệt độ xuống thấp vào mùa lạnh từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

Đặc điểm sinh sản của cá giống như các loài cá rô phi khác. Khi cá cái đẻ, cá đực tiết sẹ thụ tinh cho trứng và cá cái ngậm ấp trứng trong miệng. Ở nhiệt độ 30°C, trứng cá nở sau 4 – 6 ngày ấp. Thời gian ngậm cá con có thể từ 3 – 4 ngày, sau đó cá con chui ra khỏi miệng cá mẹ. Khi hết cá con trong miệng, cá mẹ mới đi kiếm ăn và tham gia vào đợt đẻ mới.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.