Nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa.

Nuôi tôm trong ruộng lúa là hình thức canh tác kết hợp giữa trồng trọt và thủy sản. Phương thức nuôi này không những làm giảm việc tranh diện tích sản xuất mà còn góp phần tăng thu nhập trên một mảnh đất.Nuôi tôm trong ruộng lúa chẳng những không giảm năng suất lúa mà còn có sản phẩm tôm.

Tôm càng xanh.

1. Mùa vụ

– Thường tận dụng vụ lúa Hè – Thu để nuôi tôm. Lúc này nước nhiều và thời gian ngập nước trong ruộng kéo dài, tôm có điều kiện ăn được thức ăn trên ruộng.

– Nuôi tôm tốt nhất nên nuôi trên các ruộng cấy lúa vì lúa cấy có khoảng trống nên tôm có thể bơi xen giữa lúa ăn được thức ăn trên ruộng.

– Nếu nuôi trên lúa sạ thì nên sạ lúa thưa hơn sạ bình thường. Thả giống tốt nhất khi cây lúa 2 tuần sau khi sạ hay 1 tuần sau khi cấy.

– Lịch thời vụ 2 lúa + 1 tôm.

Một số mô hình nuôi tôm càng xanh ở ruộng lúa

– Mô hình một vụ lúa và một vụ tôm:

+ Ruộng chỉ canh tác vụ lúa Đông – Xuân, sau khi thu hoạch lúa thì tiến hành thả tôm Post (cỡ 1,1 – 1,2 cm).

+ Thời điểm thả giống thông thường từ tháng 3 – 4, mật độ thả từ 3 – 5 con/m2, thời gian nuôi 7 – 8 tháng.

– Mô hình hai vụ lúa và một vụ tôm:

+ Thời gian nuôi ngắn khoảng 4,5 – 5,0 tháng, do đó yêu cầu thả giống lớn (cỡ 3,0 – 5,0 g/con).

+ Mật độ thả từ 2 – 4 con/m2.

2. Thức ăn:

Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong nuôi tôm là thức ăn. Tôm cần phải được cung cấp thức ăn đầy đủ về số lượng và chất lượng để có thể phát triển tốt. Vì vậy, việc xác định nguồn thức ăn đảm bảo giá trị dinh dưỡng và ổn định là điều cần thiết đối với người nuôi tôm.

– Thức ăn tự nhiên: Là thức ăn có sẵn trong thủy vực bao gồm động thực vật thủy sinh, thức ăn tự nhiên giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu của các đối tượng thuỷ sản nuôi.

– Thức ăn tươi: Bao gồm cá, tép, cua, ốc, hến,… các phế phẩm từ nhà máy chế biến thủy sản. Thức ăn tươi rất dễ làm chất lượng nước xấu đi nhanh chóng, hệ số tiêu tốn thức ăn cao.

– Thức ăn viên (công nghiệp), thức ăn chế biến:

+ Các thành phần dinh dưỡng đã được phối chế phù hợp với từng giai đoạn tăng trưởng của đối tượng nuôi.

+ Quy trình công nghệ sản xuất thức ăn hiện đại đảm bảo chất lượng thức ăn, thời gian bảo quản lâu, hệ số thức ăn thấp, ít ảnh hưởng đến chất lượng nước trong hệ thống nuôi.

Phương pháp cho ăn:

– Kiểm tra việc sử dụng thức ăn của tôm và trọng lượng tôm hàng tháng để điều chỉnh khẩu phần ăn, tiến hành như nuôi tôm trong ao.

– Khẩu phần cho ăn chỉ cần 3% trọng lượng cơ thể sau 01 tháng đối với tôm giống tự nhiên và sau 4 tháng đối với tôm bột vì trong ruộng có nhiều thức ăn tự nhiên, mật độ thả thấp.

– Thức ăn nên rải nhiều điểm xung quanh mương hay trong sàng ăn đặt trong ao.

3. Chăm sóc quản lý:

Nuôi tôm trong ruộng lúa cần phải chăm sóc, quản lý thật chặt chẽ vì nó liên quan đến việc canh tác lúa.

– Trao đổi nước thường xuyên, càng nhiều càng tốt nhưng cũng chú ý việc kích thích tôm lột xác như nuôi trong ao. Vào ban đêm do các loại thực vật và rễ lúa sử dụng oxy nên rất dễ xảy ra tình trạng thiếu oxy vào buổi sáng, nếu có hiện tượng tôm nổi đầu vào buổi sáng thì cần tiến hành trao đổi nước ngay.

– Phòng chống và theo dõi thường xuyên địch hại của tôm vì nuôi tôm trong ruộng lúa địch hại có thể ảnh hưởng rất lớn đến tỉ lệ sống và năng suất của tôm.

– Việc phun thuốc trừ sâu cho lúa phải cẩn thận, thông thường rút hết nước trên ruộng lúa cho tôm xuống mương và tiến hành phun thuốc nhằm tránh thuốc rơi xuống mương, sau 2-3 ngày dâng nước lên để tôm trở lại ruộng ăn bình thường.

Cần chú ý sử dụng các loại thuốc ít độc đối với tôm và chọn các giống lúa kháng sâu rầy để hạn chế việc phun thuốc.

4. Thu hoạch

– Hai tháng trước khi thu hoạch thì có thể tiến hành thu tỉa những con lớn, con cái và con chậm phát triển để bán.

– Nếu thả giống vào vụ Đông – Xuân thì thu những con lớn và những tôm nhỏ để lại nuôi tiếp.

Tổng hợp và kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Một số biện pháp để tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản.

Trong quá trình nuôi trồng thủy sản, người nuôi cần tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản, để giúp giảm thiểu vật nuôi bị mắc bệnh.

Động vật thủy sản.

Dưới đây là một số biện pháp giúp tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản:

– Thả ghép cá

Việc thả ghép các loài cá và mật độ thích hợp sẽ tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, không gian sống rộng rãi, phòng bệnh tốt.

Mật độ thả ghép cần tuỳ thuộc vào loại hình nuôi như bán thâm canh hay thâm canh, tuy nhiên cần phải đảm bảo mật độ tối thiểu là 2 con/m2.

– Nuôi xen canh các loài động vật thuỷ sản

Ao nuôi sẽ tích luỹ nhiều chất thải và mầm bệnh do trong quá trình nuôi ao nuôi đã tích luỹ nhiều thức ăn dư thừa. Các chất thải và mầm bệnh này sẽ ảnh hưởng và gây bệnh cho các chu kỳ nuôi tiếp theo của đối tượng nuôi đó. Do vậy cần tiến hành nuôi xen canh trên một ao nuôi để khắc phục yếu điểm này.

– Chăm sóc đàn tôm cá

Người nuôi cần thực hiện biện pháp kỹ thuật chăm sóc cá tôm theo “4 định”: Định chất lượng thức ăn; Định số lượng thức ăn; Định vị trí cho ăn; Định thời gian cho ăn.

– Chọn giống động vật thuỷ sản

Khâu chọn giống là rất quan trọng. Người nuôi cần chọn giống có sức đề kháng tốt, có khả năng miễn dịch đối với một số bệnh và sinh trưởng nhanh.

– Cần kiểm tra tôm cá trong ao nuôi một cách định kỳ

– Người nuôi có thể sử dụng một số sản phẩm dưới đây:

+ Men vi sinh Probiotic: Là một chế phẩm sinh học probiotic và enzyme tổng hợp ở dạng bộ, dùng để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột. Liều lượng sử dụng: trộn 0,5 – 1g/kg thức ăn, cho cá ăn trong suốt vụ nuôi.

+ Dầu mực: Tác dụng bao bọc thức ăn và thuốc, tránh tan rữa nhanh trong môi trường nước. Tạo mùi hấp dẫn cho cá bắt mồi nhiều. Liều dùng 10g/kg thức ăn.

+ Vitamin C: Vào những mùa xuất hiện bệnh nhiễm khuẩn máu trộn thêm vitamin C vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày. Liều lượng sử dụng là 50 – 60 mg/kg thức ăn/ngày.

Tổng hợp và kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Ứng dụng tiến bộ kĩ thuật sản xuất giống cá trắm đen.

Để chủ động sản xuất được con giống tại chỗ, năm 2017 và 2018, Trung tâm Giống thủy sản (nay sáp nhập với Trung tâm Khuyến nông Thái Bình) thực hiện đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cá trắm đen”.

Kiểm soát cá giống.

Trung tâm đã chọn và đưa vào nuôi vỗ 50 cặp cá bố mẹ, kết quả cá bố mẹ thành thục đạt 64%, tiến hành cho sinh sản nhân tạo được 9 đợt. Tỷ lệ đẻ đạt trung bình đạt 78%, thu được 149,5 vạn trứng. Tỷ lệ thụ tinh trung bình đạt 72%, tỷ lệ nở trung bình 62% và thu được 52,7 vạn con cá bột. Tiến hành ương 52,7 vạn con cá bột thu được 26,4 vạn con cá hương, tỷ lệ sống đạt 49,4%. Từ 26,4 vạn con cá hương cỡ 2 – 4 cm nuôi ương thành cá giống cỡ 4 – 6 cm thu được 15,2 vạn con, tỷ lệ sống trung bình đạt 57,4%. Các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu đề tài xây dựng.

Sau 2 năm triển khai đề tài, Trung tâm đã ứng dụng thành công kỹ thuật lựa chọn và nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ; kỹ thuật sử dụng kích dục tố, cho đẻ và ấp trứng; kỹ thuật ương cá bột thành cá hương cỡ 2- 4cm; kỹ thuật ương từ cá hương cỡ 2 – 4 cm thành cá giống cỡ 4 – 6 cm.

Với việc ứng dụng thành công kỹ thuật sinh sản nhân tạo giống cá trắm đen, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã góp phần chủ động nguồn giống và khôi phục, bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi cá trắm đen tự nhiên trong tỉnh.

Nguồn: nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Nuôi cá bông lau trong ao đất, thu 17 tấn/ha, lãi 30.000đ/kg.

Nhiều hộ dân ở Cù Lao Dung (tỉnh tỉnh Sóc Trăng) đã thả nuôi cá bông lau trong ao đất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nuôi cá bông lau trong ao đất, thu 17 tấn/ha, bán 1 ký lời 30 ngàn.

Ông Lâm Thành Lâm (ở ấp An Quới, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung) thả nuôi 4.000 con cá bông lau giống, năng suất đạt 15-17 tấn/ha, giá bán cá bông lau là 100.000 đồng/ký, bình quân mỗi ký cá bông lau bán ra người nuôi cá lời (lãi) 30 ngàn đồng.

Nếu như trước đây, cá bông lau được khai thác chủ yếu trong tự nhiên thì vài năm trở lại, nhiều hộ dân ở Cù Lao Dung (tỉnh tỉnh Sóc Trăng) đã phát triển nghề nuôi cá bông lau bằng nguồn giống được khai thác tại chỗ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau 11 tháng nuôi, cá bông lau đạt trọng lượng trên 1kg/con, thương lái mua với giá 100.000 đồng/kg.

Theo đó, mô hình nuôi cá bông lau trong ao đất sử dụng nguồn con giống nhân tạo được triển khai tại xã An Thạnh 3 (Cù Lao Dung) đã tạo điều kiện giúp người dân chủ động được nguồn cá giống cũng như góp phần phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản ở địa phương.

Với diện tích 2.000m², ông Lâm Thành Lâm ở ấp An Quới được hỗ trợ khoảng 4.000 con giống cá bông lau, thả nuôi với mật độ là 2 con/m².

Ông Lâm cho biết: “Cuối tháng 1.2018, tôi được hỗ trợ cá giống để thả nuôi. Khi đó, cá giống chỉ đạt kích cỡ 8 – 10cm (cỡ 160 con/kg). Sau khoảng 11 tháng nuôi, cá đã đạt trọng lượng từ 1 – 1,2kg/con, ước năng suất sau khi thu hoạch đạt khoảng 15 – 17 tấn/ha, qua đó lợi nhuận cũng khá”.

Cũng theo ông Lâm, nuôi cá bông lau trong ao đất, khâu quan trọng nhất và quyết định thành công cho vụ nuôi là việc thả giống. Thời điểm thả giống tốt nhất là vào buổi sáng, do nước đóng bao cá giống là nước ngọt nên trước khi thả ra ngoài, tháo miệng bao cho nước vào từ từ để thuần độ mặn cho cá vài phút sau đó để cá tự bơi ra. Đồng thời, khâu chọn cá giống cũng phải đặc biệt chú ý nên chọn giống cùng kích cỡ, không bị xây xát và không nhiễm bệnh.

Còn ông Lâm Vũ Linh cũng ở xã An Thạnh 3 góp lời: “Hiện nay, đàn cá bông lau của tôi đang phát triển rất tốt, trọng lượng trung bình đạt 1,2kg/con. Nuôi cá bông lau trong ao đất cũng như nuôi các loài thủy sản khác, trong quá trình nuôi thực hiện đúng quy trình kỹ thuật cũng như quản lý môi trường ao nuôi theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật là được”.

Với kinh nghiệm nuôi cá bông lau nhiều năm, ông Linh chia sẻ thêm: “Nuôi cá bông lau giống nhân tạo lớn nhanh hơn, kích cỡ cá nhân tạo ngắn so với giống cá tự nhiên. Đặc biệt, trong quá trình nuôi cần lưu ý: khi thời tiết thay đổi thất thường hay sau khi thay nước, cá có thể giảm ăn hoặc bỏ ăn. Hoặc là cá giảm ăn có thể do ký sinh trùng, nên khi cá nuôi có biểu hiện giảm ăn cần phải diệt bệnh ký sinh trùng trên cá, cá khỏi bệnh sau vài ngày là ăn bình thường trở lại”.

Cũng là hộ tham gia thực hiện mô hình, ông Trần Thanh Nhã ở ấp An Quới chân tình chia sẻ: “Điều kiện ở xã An Thạnh 3 rất thích hợp để nuôi cá bông lau. Sau 11 tháng nuôi, cá đã đạt trọng lượng trên 1kg/con và có thể thu hoạch bán được. Hiện thương lái đến thu mua giá 100.000 đồng/kg, tính ra nếu bán cá thương phẩm thì mỗi kg cá bông lau thu lãi được 30.000 đồng. Do chi phí nuôi cá đạt trọng lượng 1kg là hết 70.000 đồng”.

Nuôi cá bông lau trong ao đất tại huyện Cù Lao Dung đã được người dân nuôi khoảng 3 năm nay, chủ yếu là giống được đánh bắt từ tự nhiên. Năm 2018, từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh, Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá bông lau trong ao đất”.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung – Chủ nhiệm dự án cho biết: “Thực hiện dự án, đơn vị đã triển khai 3 mô hình thí điểm nuôi cá bông lau trong ao đất tại xã An Thạnh 3, với mật độ thả nuôi là 2 con/m² và 1 con/m². Sử dụng nguồn giống nhân tạo được sản xuất bởi Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ (Cái Bè, Tiền Giang). Qua 11 tháng nuôi, cá sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với độ mặn dao động từ 3‰ – 7‰. Đây là đặc điểm sinh thái của vùng đất An Thạnh 3 nên rất phù hợp với đặc tính sinh trưởng cá bông lau”.

Còn theo đánh giá của Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung Đồ Văn Thừa, cá bông lau là đối tượng nuôi mới, phù hợp với nguồn nước lợ, mặn tại Cù Lao Dung. Nguồn giống cá bông lau nhân tạo sẽ có nhiều ưu thế để nhân rộng và cũng dần thay thế được nguồn cá tự nhiên có nguy cơ cạn kiệt do khai thác quá mức; đồng thời, góp phần bảo tồn nguồn lợi giống cá bông lau tự nhiên, đa dạng hóa các đối tượng nuôi và phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản ở địa phương.

“Hiện nay, đầu ra cá bông lau chưa thật ổn định. Vì vậy, người nuôi cần phải tính toán kỹ trước khi ồ ạt mở rộng diện tích nuôi, tránh tình trạng cung vượt cầu, rồi dẫm vào “vết xe đổ” như con cá tra trong những năm trước đây” – đồng chí Đồ Văn Thừa khuyến cáo.

Nguồn: tintucnongnghiep.com được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi tôm.

Đó là khuyến cáo của Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản tỉnh Phú Yên khi kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường nước đợt 2/2019 tại vùng nuôi huyện Đông Hòa cho thấy các chỉ tiêu môi trường nằm ngoài ngưỡng giới hạn cho phép.

Bà con bắt đầu thả nuôi đợt đầu.

Theo đó, chỉ tiêu độ mặn thấp, dao động từ 2 – 3‰ không phù hợp cho nuôi tôm tại Phước Giang, xã Hòa Tâm và cầu Ông Đại, xã Hòa Xuân Đông. Chỉ tiêu NH3 dao động 0,52 – 1,35mg/l, vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại vùng nuôi Phước Long, Phước Giang, xã Hòa Tâm và cầu Ông Đại. Chỉ tiêu PO4 (dao động 0,21 – 0,47mg/l) cũng vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại các vùng nuôi tại Bãi Ngọn, Vũng Tàu, thuộc xã Hòa Hiệp Nam và cầu Ông Đại.

Trong khi đó, hàm lượng DO dao động 0,21 – 0,47mg/l thấp hơn ngưỡng giới hạn cho phép tại vùng nuôi Bãi Ngọn, Vũng Tàu và cầu Ông Đại. Mật độ Vibrio spp dao động 1.030 – 3.580 CFU/ml vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại vùng nuôi Bãi Ngọn và Vũng Tàu.

Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên lưu ý người nuôi cần xử lý trước khi cấp và lấy nước vào ao nuôi. Đối với những ao có mật độ Vibrio tổng số vượt ngưỡng có thể khử trùng nước ao nuôi bằng iodine.

Bên cạnh đó, xu hướng thời tiết hiện nay trong khu vực đêm không mưa, ngày nắng nên cần lưu ý duy trì mực nước trong ao nuôi trên 1,5m và duy trì quạt nước ao nuôi tránh hiện tượng phân tầng nhiệt và duy trì oxy trong ao nuôi. Định kỳ cần bổ sung vitamin, khoáng chất nhằm tăng sức đề kháng và chủ động phòng bệnh cho tôm nuôi.

Ngoài ra, để nuôi tôm được hiệu quả người nuôi nên triển khai phương pháp nuôi tôm 2 giai đoạn. Các hộ nuôi có điều kiện hoặc cần thiết xây dựng bể nổi ương tôm từ 15 – 30 ngày rồi mới thả vào ao nuôi thương phẩm nhằm hạn chế bệnh chết sớm trên tôm nuôi.

Tại vùng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn huyện Đông Hòa, người nuôi đã bắt đầu thả đợt 1. Tuy nhiên theo người nuôi, do ảnh hưởng thời tiết cũng như môi trường nước chưa ổn nên việc thả giống chậm hơn mọi năm. Theo ông Đỗ Kim Đồng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, toàn huyện chỉ mới thả được 100/1.100 ha.

Nguồn: nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Nghề nuôi cá thát lát.

Cá thát lát là một trong những loài cá nước ngọt phổ biến ở miền Nam Việt Nam. Với phẩm chất thịt ngon, được thị trường ưa chuộng, loài cá này đã và đang trở thành đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Thành công từ mô hình nuôi cá thát lát.

Hiện nay, nguồn cá thát lát ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt do tình trạng khai thác bừa bãi, thiếu khoa học, trong khi nhu cầu trên thị trường ngày càng tăng nên giá bán cá thát lát cao hơn nhiều so với các loài cá nước ngọt khác. Vì thế, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường, đồng thời đa dạng hóa các đối tượng thủy sản nuôi nước ngọt, bà con nông dân nên quan tâm đến mô hình nuôi cá thát lát.

Cá thát lát.

Đây là loài cá ăn tạp, thích nghi tốt với nhiều vùng sinh thái nước ngọt khác nhau như sông, rạch, ao, hồ, ruộng lúa… Cá có thể sống trong môi trường nước có hàm lượng oxy trên 4mg/lít, pH 7 – 8, khí Amoniac 0,0125mg/lít nước.

Anh Trần Ngọc Châu (ngụ số 1 đường 614, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi), hộ tham gia mô hình khuyến nông “Nuôi cá thát lát thương phẩm”, chia sẻ: Để mô hình đạt hiệu quả kinh tế, hạn chế tối đa rủi ro, người nuôi cần có những hiểu biết cơ bản về loài cá này, như kích cỡ cá thả nuôi phải khoảng 10cm/con, mật độ 5 – 10 con/m².

Thả cá lúc trời mát, trước khi thả cá phải ngâm bao chứa cá trong ao khoảng 15 phút để cân bằng nhiệt độ trong và ngoài bao cá, sau đó mở miệng bao cho nước ao vào bao để cá tự bơi ra.

Theo dõi cá ăn và điều chỉnh lượng thức ăn hàng ngày cho phù hợp, hạn chế thức ăn dư thừa vì sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng nước, tăng chi phí không cần thiết. Khi thay đổi sang một loại thức ăn mới, cần chuyển từ từ, mỗi lần cắt giảm thức ăn cũ khoảng 20% và thay thế bằng thức ăn mới, cho đến khi cá quen dần thức ăn mới.

Tránh thay đổi thức ăn đột ngột, cá sẽ ăn ít hoặc không ăn, dẫn đến gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm lớn, phân đàn, dễ bệnh, hao hụt nhiều.

Ngoài ra, chất lượng nước ao nuôi cần đảm bảo sạch và ổn định, thay nước định kỳ 7 ngày/lần, mỗi lần thay 20% – 30% lượng nước trong ao. Tuyệt đối hạn chế cá tạp trong ao nuôi.

Với lượng cá thả nuôi ban đầu là 20.000 con, trên diện tích ao nuôi 2.000m², sau 9 tháng nuôi có thể thu được 3.600kg cá, giá bán bình quân 50.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí (giống, thức ăn, nhân công, vật tư…). Mô hình nuôi cá thát lát thương phẩm góp phần tăng thu nhập cho nông hộ, tạo việc làm cho nguồn lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Nguồn: tintucnongnghiep.com được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Những điều cần lưu ý khi nuôi cá chạch sụn

Trong thời gian gần đây, có một loài cá chạch được phát triển nuôi ở nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long. Đặc điểm nổi bật của loài cá chạch này là có xương mềm (xương sụn). Có thể do có đặc điểm này nên nó được gọi là cá chạch sụn. Có một số thông tin cho rằng loài cá chạch này có nguồn gốc từ Đài Loan (nên còn có tên gọi là cá chạch sụn Đài Loan). Ngoài ra, loài cá này còn có tên gọi khác là cá chạch bùn hay chạch quế.

Cá chạch sụn

Qua theo dõi một số thông tin chuyên ngành thì loài cá chạch có xương mềm (xương sụn) này có tên khoa học là Macrognathus aculeatus, nhưng có tài liệu lại ghi tên khoa học là Misgurnus anguillicaudatus. Theo Quyết định số 57/2008/QĐ-BNN ban hành ngày 02/05/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Ban hành danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh thì trong 199 loài cá nước ngọt được phép sản xuất, kinh doanh thì không có giống cá chạch nào có tên là cá chạch sụn hoặc cá chạch quế với tên khoa học là Macrognathus aculeatus hoặc Misgurnus anguillicaudatus. Chỉ có các giống cá nuôi nước ngọt được phép sản xuất, kinh doanh là:

– Cá Chạch (Mastacembelus),

– Cá Chạch bông (Chạch lấu) (Mastacembelus (armatus) favus),

– Cá Chạch khoang (Mastacembelus circumceintus),

– Cá Chạch lá tre (còn gọi là Chạch gai) (Macrognathus aculeatus),

– Cá Chạch rằn (Mastacembelus taeniagaster),

– Cá Chạch sông (Mastacembelus armatus),

– Cá Chạch khoang (còn gọi là cá heo mắt gai) (Pangio kuhlii).

Như vậy, theo Quyết định số 57/2008/QĐ-BNN thì cá chạch có tên khoa học Macrognathus aculeatus hoặc Misgurnus anguillicaudatus là loài cá chạch không có tên trong danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam. Bên cạnh đó, do cá chạch có xương sụn (sau đây gọi là cá chạch sụn) là loài cá mới xuất hiện trên thị trường và có đặc điểm là xương mềm khác với một số loài cá chạch đã có mặt ở thị trường trước đây nên nó gây sự hiếu kỳ cho người tiêu dùng. Và loài cá này nhanh chóng có mặt ở nhiều quán ăn, nhà hàng với giá bán trên dưới 300.000 đ/kg. Với giá bán cao nên một số hộ nuôi thủy sản đã mạnh dạn đầu tư nuôi thương phẩm loài thủy sản mới này trước tình hình một số đối tượng nuôi thủy sản khác kém hiệu quả.

Nhưng do thị trường tiêu thụ có giới hạn nên một số hộ nuôi cá chạch sụn hiện nay đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Theo thông tin từ một số hộ nuôi cá chạch sụn ở tỉnh Đồng Tháp thì hiện nay giá bán chỉ còn 100.000 – 120.000 đ/kg nhưng có hộ nuôi vẫn không có thương lái đến mua.

Cá chạch sụn hầm tàu hũ

Với những thông tin, các hộ nuôi thủy sản nếu có ý định phát triển nuôi loài cá này thì cần tham khảo thông tin thị trường để tránh gặp phải trường hợp tiêu thụ khó khăn như nuôi cá rô đầu vuông hoặc cá lăng nha đã xảy ra trong thời gian qua. Thiết nghĩ, mạng lưới khuyến ngư cần có những thông tin về thị trường tiêu thụ và đầu ra của loài cá này để có những khuyến cáo kịp thời nhằm tránh những thiệt hại do thua lỗ cho người nuôi.

Hiện nay loài cá chạch với đặc tính có xương mềm này có nhiều tên gọi khác nhau như là cá chạch sụn hoặc cá chạch bùn, cá chạch đồng hay còn gọi là cá chạch quế và có khi còn gọi là cá chạch sụn Đài Loan, có thông tin cho là cá chạch bùn còn gọi là cá chạch quế nhưng cũng có thông tin cho là cá chạch bùn và cá chạch quế có hình dáng và cấu tạo xương khác nhau.Vì vậy, rất cần các nhà khoa học có thêm những thông tin về định danh, nguồn gốc và các đặc điểm hình thái phân loại các loài cá chạch nêu trên để xác định là các tên gọi trên là cùng một loài hay là nhiều loài khác nhau để tránh nhầm lẫn cho người tiêu dùng và gây thiệt hại cho người nuôi trong việc lựa chọn giống cá chạch để nuôi.

Tổng hợp và kiểm duyệt bới Farmtech Việt Nam

Thành tỉ phú nhờ nuôi tôm.

Là người dân tộc Khmer, dù chỉ mới học hết lớp 3, nhưng nhờ cần cù lao động, chịu khó học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi, mỗi năm ông Lâm Văn Linh (TP.Bạc Liêu, Bạc Liêu) thu lãi hàng tỉ đồng từ con tôm.

Thu hoạch tôm

Gặp ông Linh (45 tuổi, ngụ ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông) ngoài đầm tôm, nhiều người cứ tưởng là người giữ vuông thuê bởi làn da đen đúa, lúc nào cũng đội nón lụp xụp, cặm cụi dưới ao. Thật ra ông là một tỉ phú, hiện sở hữu trên 100 công vuông (mỗi công khoảng 1.300 m2), 2 xe ô tô và biệt thự thuộc hàng lớn nhất vùng.

Hơn 15 năm nuôi tôm thất bại.

Nhờ nuôi tôm trúng lớn, ông Linh liên tiếp mở rộng quy mô. Hiện ông có 3 khu nuôi tôm công nghiệp với diện tích hơn 10 ha. Ngoài phân chia ra nhiều ao lắng, ông có tổng cộng 51 ao nuôi tôm công nghiệp. Chỉ tính riêng vụ nuôi tôm năm 2018, ông Linh thu hoạch trên 60 tấn tôm thương phẩm, thu lãi trên 4 tỉ đồng.

Ông Linh kể, gia đình ông có 4 công đất trồng lúa nhưng từ năm 2003, nước mặn xâm nhập nên không trồng lúa được nữa. Lúc đó, ông đã đi nhiều nơi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm. Sau khi “học lóm” được chút ít kinh nghiệm, ông quyết tâm cải tạo 4 công đất trồng lúa thành ao nuôi tôm sú. Thật bất ngờ, vụ nuôi đầu tiên ông trúng lớn, thu hoạch 4,7 tấn tôm, bán được 470 triệu đồng, sau trừ chi phí còn lãi 300 triệu đồng. Theo ông Linh, thời điểm đó 300 triệu đồng có giá trị rất lớn, bằng người dân làm hàng trăm công lúa. Bởi người làm lúa khi đó lợi nhuận cao lắm chỉ khoảng 500.000 đồng/công.

Có tiền, ông tiếp tục mua thêm đất, cải tạo thêm 2 ao nuôi tôm. Năm tiếp theo, ông Linh lại trúng đậm, thu lãi cả tỉ đồng. Theo ông Linh, từ năm 2003 đến nay, qua hơn 15 năm nuôi tôm bất bại, có năm nuôi tôm chậm lớn, tôm mất giá, cũng có nhiều ao thiệt hại, nhưng tổng kết năm nào ông cũng có lợi nhuận từ 3 – 4 tỉ đồng.

Ông Linh kiểm tra tôm sú nuôi công nghiệp.

Hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho hàng ngàn hộ dân.

Ông Linh chia sẻ, trong quá trình nuôi tôm ông tự đúc kết, tích lũy kinh nghiệm là chính. Theo đó, mỗi năm ông thuê máy ủi, máy cuốc cải tạo ao nuôi một lần. Trong quá trình xử lý nước trước khi thả tôm nuôi phải có ao lắng, lưới lọc giám sát, xử lý diệt khuẩn đáy ao. Về con giống, phải lựa chọn giống tốt từ các công ty sản xuất giống có uy tín, chất lượng, đặc biệt phải biết rõ nguồn gốc tôm bố mẹ. Trong quá trình nuôi phải quản lý chặt chẽ về môi trường, sự phát triển của tôm ở cụ thể từng ao nuôi. Khi môi trường có biến động như tôm ăn chậm, đứt râu, đen mang, màu nước thay đổi… thì chủ động xử lý, phòng ngừa. Để ổn định môi trường, giảm ô nhiễm nguồn nước, đáy ao định kỳ phải cấy vi sinh, tạt vôi, tạo khoáng…

Ông Linh cho biết, để đạt được kết quả tốt trong nhiều vụ nuôi tôm liên tiếp, gia đình ông phải thức khuya dậy sớm theo dõi, chăm sóc từng ao nuôi. Hằng đêm, từ 19 – 24 giờ ông phải “đi tuần” kiểm tra các ao nuôi tôm, sau 24 giờ thì giao người con trai thay ca túc trực. Bởi nuôi tôm công nghiệp với mật độ cao, khi xảy ra các sự cố như cúp điện đột ngột, dàn quạt bị gãy đổ, môi trường nguồn nước thay đổi đột ngột nếu không phát hiện kịp thời thì tôm nuôi sẽ thiệt hại bất cứ lúc nào.

Ông Linh nuôi tôm liên tục từ 2 – 3 vụ/năm nên đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 20 thanh niên địa phương, với thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông còn thưởng thêm từ hiệu quả nuôi tôm. Nếu thu hoạch được 1 tấn tôm sú thì thưởng thêm 2 triệu đồng, 1 tấn tôm thẻ thưởng thêm 1,5 triệu đồng. Những lao động gắn bó lâu năm, chuyên cần nhưng có khó khăn về nhà ở được ông xây tặng nhà tình thương, mỗi căn trị giá khoảng 40 triệu đồng… Đặc biệt, những kinh nghiệm nuôi tôm đạt hiệu quả đúc kết được, ông Linh tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho hàng ngàn hộ nuôi tôm ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau… thông qua các cửa hàng thuốc thú y thủy sản ở địa phương.

Nguồn: Tintucnongnghiep.com được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

146 tỷ đồng sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao

UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, vừa ban hành kế hoạch thực hiện “Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, giai đoạn 2018 – 2025”, nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi cá ở địa phương và các tỉnh vùng ĐBSCL.

Theo đó, tỉnh Đồng Tháp xây dựng 4 vùng sản xuất giống cá tra chất lượng cao tập trung, với tổng diện tích 400ha ở các huyện: Hồng Ngự, Châu Thành, Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự.

Đề án được chia làm 2 giai đoạn: từ năm 2018 – 2020 và từ 2021 – 2025 nhằm cung cấp nhu cầu cá tra giống chất lượng cao trong tỉnh Đồng Tháp; đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất giống cá tra; tập trung ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy mô công nghiệp đảm bảo điều kiện sản xuất giống và kiểm soát được chất lượng con giống…

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho đề án là khoảng 146 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương khoảng 50,5 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 21,5 tỷ đồng, vốn vay tín dụng 30 tỷ đồng, vốn tự có và vốn huy động của các tổ chức, cá nhân khoảng 44 tỷ đồng…

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Vài triệu đồng một kg cua lông Hong Kong

Cua lông được nhiều người săn lùng về Việt Nam bán với giá 1,6 triệu đồng một kg, còn tại nhà hàng giá lên tới vài triệu đồng.

Đặt mua cua lông cả tuần nay nhưng chị Hằng, ở quận 3 (TP HCM) chỉ mua được nửa kg. “Loại này tôi mua từ người bạn thường xuyên đi Hong Kong với giá 1,6 triệu đồng một kg. Vì là sản phẩm xách tay nên nếu đặt muộn sẽ không còn hàng”, chị Hằng nói.

Cua lông tuy trọng lượng nhỏ nhưng gạch và thịt chắc.

Là người chuyên xách tay hàng Hong Kong, chị Loan ở quận 5 cho biết, thường xuyên sang Hong Kong hàng chục lần mỗi năm, song xách tay loại này chỉ được hai lần vì hiếm và chỉ có vào mùa tháng 9 – 10. Vì là hàng tự nhiên nên nếu mua sai thời điểm thì cả chục triệu đồng một kg cũng không có hàng.

“Cua lông mỗi con có trọng lượng 100 – 300 gram, nhưng loại 300 gram hiếm nên bình quân tôi chỉ nhập loại 200 gram. Loại cua này có phần gạch béo, ngậy khác hẳn với cua Việt Nam, còn thịt thì ngọt đậm và chắc”, chị Loan nói.

Mới chỉ nhập bán loại cua này được 5 ngày, chủ cửa hàng hải sản ở Vườn Lài (Tân Phú) cho biết đã bán hết 100 kg và lượng khách đặt hàng khá đông. Sở dĩ chúng được gọi là cua lông vì chân có lông, trọng lượng nhỏ.

“Sắp tới cửa hàng sẽ về khoảng hơn 100 kg. Tuy nhiên hiện đơn đặt hàng đã chiếm tới 50%. Nhiều khách cho biết đã thưởng thức đặc sản này tại Hong Kong khi đi du lịch nên thấy cửa hàng bán là đặt liền vài kg”, chủ cửa hàng này nói và cho biết, ngoài hình dáng đặc biệt, gạch cua lông béo thơm lẫn ngọt thanh đậm. Ăn xong, hậu vị hấp dẫn kia vẫn còn lưu lại cỡ 5 – 7 phút, chỗ vòm họng.

Gạch của cua lông có độ béo, ngậy, thơm đậm khác hẳn với những loài cua khác.

Cua lông bán trên thị trường hiện nay đa phần là cua nhập từ Hong Kong, Thượng Hải, chia thành nhiều loại, tùy trọng lượng. Ngoài ra, giá cua đực, cua cái cũng chênh nhau ít nhiều vì chất lượng thịt của cua đực ngon hơn cua cái (cua đực thịt nhiều gạch ít, cua cái thịt ít gạch nhiều). Hiện dân buôn thường nhập cua sống về bán trực tiếp, một số nơi bán cua hấp sẵn.

Không chỉ các cửa hàng hải sản bán cua này, một số nhà hàng ở TP HCM và Hà Nội cũng chế biến thành món đặc sản. Tuy nhiên, giá của chúng tại các nhà hàng lên tới 3 – 4 triệu đồng một kg. Mỗi con cua có trọng lượng chỉ từ 100 – 250 gram sau khi chế biến có giá 600.000 – 900.000 đồng.

Tại Hong Kong vào mùa này, cua được bán ở mọi chợ, nhà hàng, thậm chí còn xuất hiện trên máy bán hàng tự động ở ga tàu ngầm.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam