Nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa.

Nuôi tôm trong ruộng lúa là hình thức canh tác kết hợp giữa trồng trọt và thủy sản. Phương thức nuôi này không những làm giảm việc tranh diện tích sản xuất mà còn góp phần tăng thu nhập trên một mảnh đất.Nuôi tôm trong ruộng lúa chẳng những không giảm năng suất lúa mà còn có sản phẩm tôm.

Tôm càng xanh.

1. Mùa vụ

– Thường tận dụng vụ lúa Hè – Thu để nuôi tôm. Lúc này nước nhiều và thời gian ngập nước trong ruộng kéo dài, tôm có điều kiện ăn được thức ăn trên ruộng.

– Nuôi tôm tốt nhất nên nuôi trên các ruộng cấy lúa vì lúa cấy có khoảng trống nên tôm có thể bơi xen giữa lúa ăn được thức ăn trên ruộng.

– Nếu nuôi trên lúa sạ thì nên sạ lúa thưa hơn sạ bình thường. Thả giống tốt nhất khi cây lúa 2 tuần sau khi sạ hay 1 tuần sau khi cấy.

– Lịch thời vụ 2 lúa + 1 tôm.

Một số mô hình nuôi tôm càng xanh ở ruộng lúa

– Mô hình một vụ lúa và một vụ tôm:

+ Ruộng chỉ canh tác vụ lúa Đông – Xuân, sau khi thu hoạch lúa thì tiến hành thả tôm Post (cỡ 1,1 – 1,2 cm).

+ Thời điểm thả giống thông thường từ tháng 3 – 4, mật độ thả từ 3 – 5 con/m2, thời gian nuôi 7 – 8 tháng.

– Mô hình hai vụ lúa và một vụ tôm:

+ Thời gian nuôi ngắn khoảng 4,5 – 5,0 tháng, do đó yêu cầu thả giống lớn (cỡ 3,0 – 5,0 g/con).

+ Mật độ thả từ 2 – 4 con/m2.

2. Thức ăn:

Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong nuôi tôm là thức ăn. Tôm cần phải được cung cấp thức ăn đầy đủ về số lượng và chất lượng để có thể phát triển tốt. Vì vậy, việc xác định nguồn thức ăn đảm bảo giá trị dinh dưỡng và ổn định là điều cần thiết đối với người nuôi tôm.

– Thức ăn tự nhiên: Là thức ăn có sẵn trong thủy vực bao gồm động thực vật thủy sinh, thức ăn tự nhiên giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu của các đối tượng thuỷ sản nuôi.

– Thức ăn tươi: Bao gồm cá, tép, cua, ốc, hến,… các phế phẩm từ nhà máy chế biến thủy sản. Thức ăn tươi rất dễ làm chất lượng nước xấu đi nhanh chóng, hệ số tiêu tốn thức ăn cao.

– Thức ăn viên (công nghiệp), thức ăn chế biến:

+ Các thành phần dinh dưỡng đã được phối chế phù hợp với từng giai đoạn tăng trưởng của đối tượng nuôi.

+ Quy trình công nghệ sản xuất thức ăn hiện đại đảm bảo chất lượng thức ăn, thời gian bảo quản lâu, hệ số thức ăn thấp, ít ảnh hưởng đến chất lượng nước trong hệ thống nuôi.

Phương pháp cho ăn:

– Kiểm tra việc sử dụng thức ăn của tôm và trọng lượng tôm hàng tháng để điều chỉnh khẩu phần ăn, tiến hành như nuôi tôm trong ao.

– Khẩu phần cho ăn chỉ cần 3% trọng lượng cơ thể sau 01 tháng đối với tôm giống tự nhiên và sau 4 tháng đối với tôm bột vì trong ruộng có nhiều thức ăn tự nhiên, mật độ thả thấp.

– Thức ăn nên rải nhiều điểm xung quanh mương hay trong sàng ăn đặt trong ao.

3. Chăm sóc quản lý:

Nuôi tôm trong ruộng lúa cần phải chăm sóc, quản lý thật chặt chẽ vì nó liên quan đến việc canh tác lúa.

– Trao đổi nước thường xuyên, càng nhiều càng tốt nhưng cũng chú ý việc kích thích tôm lột xác như nuôi trong ao. Vào ban đêm do các loại thực vật và rễ lúa sử dụng oxy nên rất dễ xảy ra tình trạng thiếu oxy vào buổi sáng, nếu có hiện tượng tôm nổi đầu vào buổi sáng thì cần tiến hành trao đổi nước ngay.

– Phòng chống và theo dõi thường xuyên địch hại của tôm vì nuôi tôm trong ruộng lúa địch hại có thể ảnh hưởng rất lớn đến tỉ lệ sống và năng suất của tôm.

– Việc phun thuốc trừ sâu cho lúa phải cẩn thận, thông thường rút hết nước trên ruộng lúa cho tôm xuống mương và tiến hành phun thuốc nhằm tránh thuốc rơi xuống mương, sau 2-3 ngày dâng nước lên để tôm trở lại ruộng ăn bình thường.

Cần chú ý sử dụng các loại thuốc ít độc đối với tôm và chọn các giống lúa kháng sâu rầy để hạn chế việc phun thuốc.

4. Thu hoạch

– Hai tháng trước khi thu hoạch thì có thể tiến hành thu tỉa những con lớn, con cái và con chậm phát triển để bán.

– Nếu thả giống vào vụ Đông – Xuân thì thu những con lớn và những tôm nhỏ để lại nuôi tiếp.

Tổng hợp và kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Thanh Chương – Nghệ An: Nuôi thành công tôm càng xanh trên ruộng lúa

Trạm Khuyến nông Thanh Chương đã xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa ở Thanh Chương và đã thành công.

Người dân xã Thanh Hưng (Thanh Chương) thu hoạch tôm càng xanh.

Mô hình được thực hiện ở ruộng của ông Trần Văn Hải ở xóm Trung Đường, xã Thanh Hưng huyện Thanh Chương. Với 1,5 ha ruộng lúa; sau 4 tháng nuôi ông Hải đã có tôm thu hoạch, loại to 6 con/kg, loại trung bình 10 con/kg. Với giá bán bình quân 220.000 đồng/kg ông thu về 235 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 100 triệu đồng, chưa kể tiền thu về từ 2 vụ lúa.

“Tôi thấy nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa có hiệu quả nhiều so với nuôi cá vụ 3. Sắp tới tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích và hướng dẫn cho những ai muốn phát triển nghề nuôi tôm càng xanh” – ông Hải vui mừng chia sẻ”.

Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Thanh Chương nghề nuôi trồng thủy hải sản phát triển đáng kể; với nhiều hình thức nuôi trồng khác nhau, song đối tượng nuôi chủ yếu là cá truyền thống mà hiệu quả lại không cao. Xuất phát từ thực tế trên, Trạm Khuyến nông huyện đã tham mưu, xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa tại xã Thanh Hưng.

Sau 4 tháng triển khai thực hiện mô hình đã mang lại giá trị thu nhập cao góp phần hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế ô nhiễm môi trường và tăng tính bền vững trong sản xuất.

Ông Trần Đình Bình – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thanh Chương đánh giá, qua quá trình nuôi cho thấy, tôm càng xanh là đối tượng nuôi mới nhưng nó phù hợp với điều kiện thời tiết của địa phương, kỹ thuật nuôi đơn giản, hiệu quả cao.

Thực tế cho thấy, trong quá trình nuôi tôm càng xanh cũng gặp không ít khó khăn nhất là về con giống và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bởi con giống phải vận chuyển từ các tỉnh Long An, An Giang về bằng đường máy bay nên chi phí rất lớn. Trong lúc đó tỷ lệ sống chỉ đạt từ 40 – 50%.

Thêm vào đó, giá của tôm càng xanh cũng cao nên đối tượng tiêu thụ cũng chỉ dành cho những người có thu nhập cao và các nhà hàng, quán ăn nên đối tượng nuôi trồng cũng phải lựa chọn cụ thể, rõ ràng.

Chính vì thế, trước khi nhân ra diện rộng, huyện đang phối hợp với nhà cung cấp giống và các nhà khoa học thực hiện nghiêm các quy trình.

Việc xây dựng thành công mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa ở Thanh Chương đã giúp người dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện tiếp cận được với đối tượng nuôi mới, phương thức nuôi mới có hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích; khai thác có hiệu quả các chân ruộng trũng trên địa bàn huyện, tăng tính bền vững trong sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Nguồn: Báo Nghệ An được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa

Tôm càng xanh nuôi trên ruộng lúa là mô hình đang cho thấy hiệu quả về kinh tế, nông dân nhiều nơi trong tỉnh muốn mở rộng diện tích nuôi đối tượng dễ tính và nhiều hấp dẫn này. Tuy nhiên bà con nên tìm hiểu rõ thêm về đời sống của tôm càng xanh để có sự chăm sóc tốt nhằm tăng năng suất.

nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa

Theo các tài liệu, trong tự nhiên, vòng đời của tôm càng xanh có 4 giai đoạn rõ ràng là trứng, ấu trùng, hậu ấu trùng và tôm trưởng thành. Tôm trưởng thành sống ở vùng nước ngọt, nhưng sau đó chúng di cư ra vùng nước lợ đẻ (có độ mặn 6 – 18‰) và ấu trùng nở ra sống phù du trong nước lợ. Khi hoàn thành 11 lần lột xác để thành tôm con thì tôm di chuyển dần vào trong vùng nước ngọt.

Về môi trường sống, tôm càng xanh là loài thích nghi với biên độ nhiệt rộng từ 18 – 34oC, nhiệt độ tốt nhất là 26 – 31oC; cần ánh sáng vừa phải, ánh sáng cao sẽ ức chế hoạt động của tôm, do vậy ban ngày tôm xuống đáy thủy vực trú ẩn, ban đêm hoạt động tìm mồi; mức pH thích hợp nhất là 6.5 – 8.5, pH dưới 5 thì tôm hoạt động yếu và chết sau 6 giờ. Khi gặp môi trường có pH thấp, tôm sẽ nổi đầu, dạt vào bờ, mang đổi màu, mang và các phụ bộ bị lở loét, tôm bơi lội chậm chạp và chết sau đó. Môi trường sống phải có ôxy hòa tan > 3 mg/l, dưới mức này tôm hoạt động yếu, tập trung ven bờ, nổi đầu và chết sau vài giờ. Tôm cũng thích hợp ở nồng độ muối từ 0 – 16‰, tôm trưởng thành sinh trưởng tốt ở vùng cửa sông, ven biển.

Về giới tính, tôm đực có kích cỡ lớn hơn tôm cái, đầu ngực to hơn và khoang bụng hẹp hơn. Đôi càng thứ hai to, dài và thô. Ở con đực còn có nhánh phụ đực mọc kế nhánh trong của chân bụng thứ hai. Nhánh phụ đực bắt đầu xuất hiện ở giai đoạn ấu niên khi tôm đạt kích cỡ 30mm và hoàn chỉnh khi tôm đạt 70mm. Ngoài ra, ở giữa mặt bụng của đốt bụng thứ nhất còn có điểm cứng. Cơ quan sinh dục trong của con đực gồm một đôi tinh sào, một đôi ống dẫn tinh và đầu mút. Tôm cái thường mang trứng sớm, ít ăn, chậm lớn nên có kích cỡ nhỏ hơn tôm đực, phần đầu ngực nhỏ và đôi càng thon, có 3 tấm bụng đầu tiên rộng và dài tạo thành khoang bụng rộng làm buồng ấp trứng.

Về tập tính ăn, tôm càng xanh xác định thức ăn bằng mùi và màu sắc, tìm thức ăn bằng cơ quan xúc giác (râu). Là loài ăn tạp nghiêng về động vật, thức ăn tự nhiên của chúng là các loại nguyên sinh động vật, giun nhiều tơ, giáp xác, côn trùng, nhuyễn thể, các mảnh cá vụn, các loài tảo, mùn bã hữu cơ và cát mịn. Hình dạng và mùi vị thức ăn đóng vai trò quan trọng trong việc hướng tôm đến bắt mồi, nên điều này rất quan trọng trong việc chế biến thức ăn cho tôm.

Tôm thường bò trên mặt đáy ao, bắt mồi nhiều vào chiều tối và sáng sớm, dùng càng nhỏ đưa mồi vào miệng. Trong thời gian ấp trứng, tôm cái có thể nhịn ăn vài ba ngày. Tôm càng xanh có đặc tính loài đáng lưu ý là nếu không đủ thức ăn, chúng hay ăn thịt lẫn nhau khi lột xác, nên khi nuôi tôm thương phẩm phải đề phòng hiện tượng này để có giải pháp thích hợp.

Tôm càng xanh trưởng thành thường kiếm ăn ở tầng đáy, tìm thức ăn bằng cơ quan xúc giác, chúng dùng râu quét ngang dọc phía trước hướng di chuyển. Trong quá trình tìm thức ăn, tôm có tính tranh giành cao, cá thể nhỏ thường tránh xa đàn hay khi tìm được một miếng thức ăn thì di chuyển đi nơi khác, trong khi đó con lớn vẫn chiếm chỗ và đánh đuổi tôm nhỏ. Ngoài ra, tôm còn ăn đồng loại khi thiếu thức ăn hay bị mềm yếu nên trong vùng nuôi cần có những bó chà để tôm trú ngụ khi lột.

Về lột xác, giống như các loài giáp xác khác, để sinh trưởng, tôm càng xanh đều phải lột vỏ theo chu kỳ, sau mỗi lần lột xác là sự gia tăng đột ngột về kích thước và trọng lượng. Tốc độ sinh trưởng của tôm đực và cái gần như tương đương nhau, cho tới khi chúng đạt kích cỡ 35 – 50g, sau đó khác nhau rõ theo giới tính, tôm đực sinh trưởng nhanh hơn tôm cái và đạt trọng lượng có thể gấp đôi tôm cái trong cùng một thời gian nuôi, nên có hiện tượng thường thấy trong nuôi tôm càng xanh là sự phân đàn khá rõ, kể cả trong cùng một nhóm giới tính. Đây là ưu điểm của tôm càng xanh toàn đực.

Chu kỳ lột xác của tôm càng xanh sẽ tùy thuộc vào giai đoạn sinh trưởng, tình trạng sinh lý, điều kiện dinh dưỡng, điều kiện môi trường… Khi tôm tích lũy đầy đủ chất dinh dưỡng, năng lượng và tới chu kỳ lột xác thì lớp vỏ mới hình thành dần dưới lớp vỏ cũ, lớp này rất mỏng, mềm. Khi lớp vỏ mới phát triển đầy đủ thì tôm tìm nơi vắng và giàu ôxy để lột vỏ. Khi lớp vỏ cũ lột đi, vỏ mới còn mềm và co giãn được. Dưới áp lực của khối mô cơ lâu ngày bị ép bởi lớp vỏ cũ, cơ thể tôm bấy giờ giãn nở, lớn lên nhiều và khác hẳn với lúc trước khi lột xác. Lớp vỏ mới cứng dần sau 3 – 6 giờ và tôm sẽ hoạt động lại bình thường sau đó.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam