Bệnh thiếu dinh dưỡng trên tôm sú

Hiện nay, thức ăn công nghiệp quan tâm nhiều đến lợi nhuận tối đa với chi phí tối thiểu, không chú trọng để đảm bảo có đầy đủ các chất dinh dưỡng vi lượng. Vì vậy, đó là nguyên nhân xuất hiện một số loại bệnh làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của tôm.

Bệnh thiếu vitamin

Theo Rai và Reddy (2004), thức ăn thiếu riboflavin và Vitamin K không ảnh hưởng đến sinh trưởng và sự sống còn của tôm. Chế độ ăn có bổ sung tất cả các vitamin cho thấy sự tăng trưởng tối đa. Thức ăn thiếu Vitamin C là nguyên nhân dẫn đến bệnh chết đen do màu sắc cơ thể chuyển sang màu đen tối và làm giảm tỷ lệ sống của ấu trùng tôm, tăng thời gian biến thái. Tôm ăn ít hoặc bỏ ăn, sức đề kháng giảm, khả năng chịu sốc kém, dễ bị các tác nhân gây bệnh cơ hội tấn công tôm sinh trưởng chậm, chết rải rác 1 – 5% hàng ngày (tỷ lệ hao hụt rất cao 80 – 90%).

Để nuôi tôm sú phòng tránh bệnh chết đen và tăng sức đề kháng của tôm cần bổ sung 2.000 – 3.000 mg (loại acide ascorbic)/kg thức ăn cơ bản, hoặc dùng 157 mg (loại Ascorbyl -2 sulphate)/kg thức ăn và 40 mg (loại Ascorbyl -2 Monophosphate)/kg thức ăn.

Hội chứng thiếu hụt sắc tố (PDS)

Hội chứng thiếu hụt sắc tố (pigment deficiency syndrome) còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau như tôm màu nhạt, bệnh tôm xanh hay hội chứng vỏ xanh (McVey, 1993). Theo một số nghiên cứu, PDS được báo cáo là có liên quan với mức thấp của Astaxanthin Carotenoid trong thức ăn của tôm. Astaxanthin (C40H52O4) là một loại Carotenoid màu đỏ, có thể tan trong chất béo. Là một nhóm sắc tố hiện diện trên một số loài tảo, nấm men và thủy sản (tôm, cá hồi), tạo cho cơ, da, trứng có màu vàng cam hay đỏ.

Bổ sung tảo Spirulina sp. với tỷ lệ 30 g/kg trong vào chế độ ăn ngay sau khi xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng (Regunathan và Wesley, 2006) cũng cho thấy cải thiện đáng kể tình trạng bệnh và tăng sắc tố đỏ trong cơ thịt tôm cũng như chất lượng trứng (tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ nở nauplius trên mỗi lần đẻ, tỷ lệ sống sót nauplius) và chất lượng ấu trùng. Hàm lượng Carotenoid trong tảo Spirulina thương mại có thể dao động từ 3,5 đến 5,7 g/kg.

Bệnh mềm vỏ

Nguyên nhân do trong thức ăn dùng nuôi tôm thiếu chất khoáng hoặc thiếu một số vitamin, nhất là Vitamin D để thúc đẩy quá trình hấp thụ các chất khoáng. Cũng có thể do thức ăn kém chất lượng, ôi thiu hoặc cho ăn thiếu. Tôm bệnh mềm vỏ thường có màu xỉn, vỏ bị mềm có khi rất mềm, vỏ rời thịt, thường yếu, kém hoạt động, dễ bị con khác ăn thịt hoặc dễ bị các sinh vật gây bệnh tấn công, dễ bị mắc các bệnh bẩn mình bẩn mang.

Các chất dinh dưỡng vi lượng liên quan trực tiếp đến bệnh này là canxi, kali và phốt pho. Bổ sung các loại sản phẩm dinh dưỡng cho tôm như hỗn hợp của Phosphorous hữu cơ, cung cấp đủ các loại vitamin và acid amin thiết yếu, để tăng cường quá trình trao đổi chất và hấp thu dưỡng chất, giúp tôm khỏe mạnh, đề kháng bệnh tật, mau lớn.

 Bệnh cong thân

Cũng là một bệnh liên quan đến chế độ dinh dưỡng tôm, bệnh nặng hơn khi tôm sống trong môi trường dễ bị stress. Nguyên nhân chính là do trong khẩu phần ăn hàng ngày thiếu một số chất như Na, Ca và Mg. Khi bị sốc, tôm búng đuôi và cơ thể bị cong mà không duỗi ra được. Tôm bệnh nhẹ lưng bị gù nhưng vẫn có thể bơi lội được. Bệnh nặng, tôm thường nằm nghiêng một bên. Bệnh làm tôm khó lột xác, bơi lội, bắt mồi khó khăn. Một số tôm có thể phục hồi nhưng ít tăng trọng, sức đề kháng kém, dễ nhiễm bệnh. Ngoài việc bổ sung đầy đủ sinh dưỡng, cần đảm bảo môi trường nuôi tôm luôn được sạch, pH ổn định khoảng 7,5 – 8,5 trong suốt quá trình sinh trưởng. Không nuôi tôm với mật độ quá cao…

Nhiễm độc tố Aflatoxin

Aflatoxin, một loại độc tố được sản xuất bởi loài nấm Aspergillus có thể được tìm thấy trong nhiều loại nguyên liệu sử dụng để chế biến thức ăn như ngô, lạc, gạo, bột cá, tôm, thịt… Tôm nhiễm độc Aflatoxin có biểu hiện chuyển màu đỏ, giai đoạn hấp hối có màu như tôm rang. Bệnh xuất hiện trong bể ấp hay ao nuôi. Theo kết quả của một nghiên cứu cho thấy, khi trộn một lượng khoảng 50 microgam Aflatoxin trên mỗi gram thức ăn tôm sẽ gây hiện tượng teo và hoại tử gan tụy. Tình trạng này dẫn đến tử vong dần dần và thiệt hại đến 98% trong vòng ba tháng. Các biểu hiện bên ngoài bao gồm giảm ăn, tăng trưởng chậm lại đáng kể, tôm yếu đi, bơi lờ đờ. Tôm chết nhanh khi đưa ra khỏi nước. Biện pháp phòng bệnh chính là sử dụng thức ăn tươi, mới được chế tạo. Lưu trữ thức ăn đúng cách trong phòng thoáng mát, tốt nhất là ở khoảng 10 – 200C trở xuống.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Thời gian đông máu của tôm

Tác dụng của việc biết thời gian đông máu của tôm để xác định sự hiện diện của vi khuẩn, giúp người nuôi có những biện pháp xử lý kịp thời.

Sự hiện diện của vi khuẩn trong máu tôm được đo bằng thời gian đông máu tôm

Máu của tôm

Động vật bậc thấp như tôm, cua, chuồn chuồn, nhện… máu của chúng chỉ có các tế bào trông giống như bạch cầu ở động vật bậc cao, chứ không chứa các tế bào hồng cầu. Vì thế, máu không có màu đỏ. Một số loài động vật bậc thấp khác (như giun đất, tằm cát…) cũng có máu đỏ, nhưng là do trong huyết tương của chúng có chứa huyết sắc tố (chứ không phải do có hồng cầu).

Một số loài côn trùng khác lại có máu màu vàng hoặc màu xanh lục. Đó là bởi trong huyết tương của chúng có chứa một loại huyết tố có chứa kim loại đồng. Đa số các loài động vật bậc thấp có máu không màu và trong suốt. Các nhà khoa học không gọi đó là máu, mà chỉ coi là một dịch thể

Thời gian đông máu tôm

Sự hiện diện của vi khuẩn trong máu tôm được đo bằng thời gian đông máu tôm. Để kiểm tra thời gian đông máu, lấy vài giọt máu tôm bằng kim tiêm và trải lên lam kính sau đó tính thời gian đông máu tôm. Với tôm khỏe, thời gian đông máu khoảng 10 – 30 giây, nếu thời gian đông máu quá 30 giây có thể cho thấy cơ thể tôm đang nhiễm vi khuẩn.

Nguồn: Contom.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thịt cá hồi tự nhiên có nhiều chất ô nhiễm môi trường hơn so với cá hồi nuôi

Kết quả của một nghiên cứu gần đây ở Na Uy cho thấy hàm lượng các chất ô nhiễm môi trường trong cá hồi tự nhiên cao hơn trong cá hồi nuôi.

Đây là nghiên cứu chuyên đề đầu tiên so sánh cá hồi tự nhiên sống ở các vùng biển của Na Uy (Salmo salar) với cá hồi nuôi.

Anne-Katrine Lundebye, nhà khoa học hàng đầu tại Viện Nghiên cứu Hải sản và Dinh dưỡng Quốc gia Na Uy (the National Institute of Nutrition and Seafood Research – NIFES) nói rằng: “Người ta vẫn cho rằng cá hồi nuôi chứa nhiều chất ô nhiễm môi trường hơn cá hồi tự nhiên, nhưng trong trường hợp này thì không”.

Lundebye đã chủ nhiệm một dự án nghiên cứu ở Na Uy. Ở dự án này, hàm lượng các chất ô nhiễm môi trường và các dưỡng chất trong cá hồi tự nhiên và cá hồi nuôi đã được phân tích. Nghiên cứu đã cho thấy cá hồi nuôi có hàm lượng các chất ô nhiễm môi trường thấp hơn nhiều so với cá hồi tự nhiên, bao gồm dioxin, PCB (là một nhóm các hợp chất nhân tạo, chủ yếu trong các thiết bị điện nhưng đã bị cấm vào cuối những năm 1970 ở nhiều nước bởi những nguy cơ gây hại cho môi trường và sức khỏe), BFR (là chất được phủ ngoài các linh kiện máy tính nhằm tăng khả năng chịu nhiệt và chống cháy) và các loại thuốc trừ sâu. Lundebye giải thích rằng sự khác biệt này xuất phát từ chế độ ăn của chúng.

Lundebye cho rằng cá hấp thụ những gì chúng ăn được, kể cả các chất ô nhiễm môi trường và chất dinh dưỡng. Có thể kiểm soát thức ăn của cá nuôi, nhưng cá tự nhiên thì không thể.

Các thay đổi trong thành phần thức ăn là một trong những lý do liên quan đến hàm lượng thấp các chất ô nhiễm hữu cơ trong cá hồi nuôi. Thức ăn cho cá ngày nay chứa ít dầu cá hơn, mà trước đây dầu cá là nguồn chủ yếu của các chất không mong muốn trong thức ăn.

Cá hồi tự nhiên và cá hồi nuôi đều là nguồn cung cấp tốt các acid béo omega-3

Trong nghiên cứu này, cá hồi nuôi và cá hồi tự nhiên đều có hàm lượng các chất ô nhiễm môi trường tương đối thấp, thấp hơn nhiều so với giới hạn tối đa cho phép. Nghiên cứu cũng cho thấy cá hồi tự nhiên có hàm lượng cao các dưỡng chất sắt, đồng, kẽm và selen. Các chất này làm cho các acid béo omega-3 và omega-6 trong cá hồi tự nhiên có giá trị hơn so với cá hồi nuôi.

Lundebye nói rằng: “Omega-3 trong cá hồi nuôi vẫn có tác dụng tốt, mặc dù tỷ lệ omega-3/omega-6 ở cá hồi nuôi thấp hơn so với cá hồi tự nhiên”.

Mặc dù có sự khác biệt giữa cá hồi nuôi và cá hồi tự nhiên về hàm lượng các dưỡng chất và các chất ô nhiễm môi trường, nhưng Lundebye không ngần ngại khi khuyến cáo: người tiêu dùng đừng nên lo lắng, bởi vì cả 2 loại này đều là nguồn cung cấp tốt các acid béo omega-3, chúng cũng không chứa các chất ô nhiễm môi trường đến mức phải báo động, chúng tôi đảm bảo rằng cả 2 đều tốt cho sức khỏe.

Nghiên cứu lớn nhất trong khu vực

Nghiên cứu được tiến hành rộng rãi, có 100 mẫu cá hồi được đánh bắt từ tự nhiên và 100 mẫu cá hồi nuôi, điều này đã đem lại những kết quả đáng tin cậy. Cá hồi tự nhiên được đánh bắt từ vùng biển Bắc Na Uy, nhưng Lundebye cho rằng các kết quả sẽ không có sự khác biệt lớn so với các con cá được đánh bắt dọc theo bờ biển Na Uy.

Lundebye nói thêm: “Do cá hồi là loài di cư nên vị trí khi bị đánh bắt cũng có sự thích hợp tương đối. Trước đây, người ta đã chứng minh rằng cá hồi ở Na Uy chỉ kiếm ăn ở biển Na Uy, ở một mức độ nào đó có thể là biển Barents. Các nghiên cứu khác cho thấy, cá hồi bị đánh bắt ở một khu vực thì đã từng sống ở những khu vực hoàn toàn khác nhau trong vùng biển. Nhưng chúng tôi không biết chính xác những con cá hồi trong nghiên cứu này đã từng sống ở đâu. Lý do mà chúng tôi đã sử dụng cá hồi được đánh bắt ở biển Bắc Na Uy trong nghiên cứu này là vì hầu hết cá hồi tự nhiên được đánh bắt ở đây”.

Mâu thuẫn với các nghiên cứu trước

Nghiên cứu được công bố rộng rãi nhất về các chất ô nhiễm môi trường ở cá hồi nuôi và cá hồi tự nhiên là một nghiên cứu của Mỹ được công bố trên tạp chí “Science” vào năm 2004. Nghiên cứu này đã báo cáo rằng cá hồi nuôi có hàm lượng các chất ô nhiễm môi trường cao hơn so với cá hồi tự nhiên. Lundebye hoài nghi về nghiên cứu năm 2004, vì nghiên cứu này so sánh hai loài cá hồi khác nhau. Trong nghiên cứu của Mỹ, cá hồi tự nhiên được lấy mẫu là cá hồi Thái Bình Dương, trong khi cá hồi nuôi là cá hồi Đại Tây Dương.

Lundebye giải thích rằng hai loài này có hàm lượng chất béo khác nhau và do đó rất khó để so sánh chúng. Cá hồi Đại Tây Dương có nhiều mỡ hơn, nó sẽ có lượng chất ô nhiễm hữu cơ hòa tan trong chất béo cao hơn cá hồi Thái Bình Dương, bất kể là chúng được nuôi hay từ tự nhiên.

Kết quả nghiên cứu

Hàm lượng các chất ô nhiễm môi trường sau đây trong cá hồi nuôi thấp hơn so với cá hồi tự nhiên: dioxin, PCB, BFR, các loại thuốc trừ sâu (DDT, toxaphene, dieldrin, lindane, chlordane, hexachlorobenzene, mirex) và thủy ngân.

Hàm lượng các chất dinh dưỡng trong cá hồi tự nhiên cao hơn so với cá hồi nuôi: selen, đồng, kẽm, sắt, thành phần có lợi của các acid béo omega.

Hàm lượng các chất ô nhiễm môi trường sau đây tương tự nhau ở cá hồi nuôi và cá hồi tự nhiên: cadmium, chì, thuốc trừ sâu endosulfan và pentachlorobenzene.

Nguồn: NIFES được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Điều kiện cơ sở vùng nuôi tôm thâm canh đảm bảo ATVSTP

Thông tư 45/2010/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2010 của Bộ NN&PTNT Quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mô hình nuôi tôm của Công ty Trúc Anh tại Bạc Liêu 

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến nuôi thương phẩm tôm sú, tôm chân trắng thâm canh tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nuôi thương phẩm tôm sú, tôm chân trắng quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này. Cơ sở nuôi thương phẩm tôm sú, tôm chân trắng tuân thủ các quy định chung trong Thông tư này và khi kiểm tra theo quy trình GAP (SQF, VietGAP, GlobalGAP, …) sẽ được cơ quan có chức năng cấp chứng nhận nuôi tôm sú, tôm chân trắng đạt cấp độ tương ứng. Tại Điều 6, chương II: Điều kiện cơ sở vùng nuôi có quy định:

Điều kiện về quy trình công nghệ nuôi tôm

Chuẩn bị ao nuôi

a) Trước khi thả giống, cơ sở nuôi tôm phải cải tạo ao nuôi với các biện pháp phù hợp nhằm giảm thiểu mầm bệnh và cải thiện chất lượng đáy ao, bảo đảm thời gian gián đoạn tối thiểu 01 tháng sau mỗi đợt nuôi.

b) Nước cấp vào ao nuôi tôm phải được xử lý nhằm loại bỏ mầm bệnh, địch hại. Nước cấp và nước trong quá trình nuôi tôm phải đảm bảo chất lượng nước theo phụ lục 1 của Thông tư này.

Tuyển chọn con giống và thả giống

a) Tôm giống để nuôi phải đảm bảo chất lượng theo Tiêu chuẩn Việt Nam và những quy định của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn hiện hành; có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan quản lý chuyên ngành.

b) Mật độ thả giống

– Nuôi tôm chân trắng thâm canh: mật độ > 60 con/m2.

– Nuôi tôm sú thâm canh: mật độ > 20 con/m2.

c) Mùa vụ thả giống: tuân thủ lịch mùa vụ hàng năm của địa phương.

Thức ăn và chất bổ sung thức ăn

a) Thức ăn và chất bổ sung thức ăn phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

b) Trường hợp cơ sở tự sản xuất thức ăn cho tôm thì chất lượng thức ăn phải đảm bảo theo quy định của Tiêu chuẩn ngành 28 TCN 102 : 2004 Thức ăn hỗn hợp dạng viên cho tôm sú.

Thuốc, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản phải nằm trong các danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

Quản lý và chăm sóc

a) Mực nước ao nuôi: phải được duy trì thấp nhất 1,4 m.

b) Môi trường ao nuôi: chủ cơ sở nuôi tôm phải định kỳ kiểm tra các chỉ tiêu môi trường nước, bùn đáy ao nuôi theo quy định tại mục I phụ lục 5 của Thông tư này.

c) Cho tôm ăn: khẩu phần ăn của tôm thường từ 2-4% trọng lượng tôm/ngày, tuy nhiên mỗi lần cho ăn người nuôi cần kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn lần sau cho phù hợp; số lần cho tôm ăn 2-4 lần/ngày.

d) Nước thải và chất thải

– Nước thải từ nuôi tôm trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo quy định tai phụ lục 3 của Thông tư này.

Chất thải rắn và bùn đáy ao phải được đưa vào khu chứa riêng biệt, không được xả thải ra môi trường xung quanh khi chưa xử lý.e) Phòng bệnh cho tôm

– Cơ sở nuôi tôm phải xây dựng và thực hiện đúng kế hoạch giám sát sức khoẻ tôm nuôi theo hướng dẫn tại phụ lục 4 của Thông tư này.

– Tôm bệnh, tôm chết và chất thải của ao bị bệnh phải được thu gom, xử lý kịp thời.

Người lao động, dụng cụ, thiết bị tiếp xúc trực tiếp với bùn, nước khi di chuyển từ ao này sang ao khác phải được vệ sinh để ngăn ngừa lây lan mầm bệnh.

Yêu cầu về thu hoạch sản phẩm

Cơ sở nuôi tôm phải ngừng sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trước khi thu hoạch tôm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Bước đột phá trong công nghệ chọn giống rong biển

Hiệp Hội Khoa Học Biển Scottland (SAMS) đã trở thành tổ chức đầu tiên sử dụng một thiết bị công nghệ cao để chọn lọc ra giống rong biển có khả năng kháng bệnh, tạo nên bước đột phá trong ngành công nghiệp nuôi trồng rong biển.

Với sự hỗ trợ kiến thức chuyên môn từ giáo sư Claire Gachon, công ty BMG LABTECH đã tung ra thị trường thiết bị NEPHELOstar. Dựa trên nguyên lý phân tán ánh sáng mà thiết bị này sẽ phát hiện được các hạt vật chất không hòa tan trong mẫu rong biển, từ đó sẽ xác định được mức sinh khối cũng như phát hiện ra được loại rong biển có khả năng kháng được nhiều bệnh, và cuối cùng là chọn ra giống rong biển có khả năng kháng bệnh tốt nhất.

Dr. Gachon chia sẻ: “Chúng tôi sẽ sử dụng thiết bị hiện đại để chọn ra loại rong biển kháng bệnh và sau đó sẽ kết hợp với dữ liệu về gen để chọn ra giống rong biển phù hợp nhất để nhân giống. Nghiên cứu này rất quan trọng trong ngành nuôi trồng công nghiệp rong biển toàn cầu,vì nó có thể loại bỏ hoàn toàn dịch bệnh trong hệ thống sản xuất ngay từ đầu”. Với ưu điểm là không gây hại đến cơ thể động vật thí nghiệm, Dr. Gachon tin tưởng công nghệ này không chỉ được sử dụng cho rong biển mà còn có thể được sử dụng rộng rãi cho động vật thủy sản.

Nghiên cứu tiên phong này là một phần trong dự án GENIALG, mục tiêu của dự án là cải thiện chất lượng nguồn gen và tìm ra nguồn giống tốt phục vụ các trang trại nông nghiệp trên khắp châu Âu.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kiểm soát khí độc ao tôm và sử dụng vi sinh hiệu quả

Trong ao nuôi thâm canh, một trong những vấn đề khó khăn nhất là việc kiểm soát khí độc hình thành trong quá trình nuôi tôm đó là NH3, NO2 và H2S.

Nhân viên Skretting cùng khách hàng kiểm tra ao tôm 

NH3 là sản phẩm của sự trao đổi chất của động vật thủy sản trong ao (được thải qua mang và bài tiết), nó cũng hình thành từ sự phân hủy thức ăn thừa (rất giàu đạm), các chất hữu cơ trong nước và chất thải của động vật. Thực tế, chỉ khoảng một nửa nguồn Nitơ trong thức ăn khi tôm sử dụng được chuyển hóa vào xây dựng cơ thể và một nửa còn lại sẽ được thải ra môi trường nước ở các dạng khác nhau.

Lượng NH3 trong ao nuôi tồn tại dưới dạng kết hợp (NH4/NH3). Tùy theo pH của nước mà tồn tại ở dạng NH3-N (rất độc) hay NH4-N (ít độc hơn). pH của nước càng cao thì NH4/NH3 sẽ tồn tại ở dạng NH3 nhiều hơn và gây độc cho tôm (tại pH>8,5, NH4 sẽ chuyển sang dạng NH3 hoàn toàn). Tuy nhiên, ngay ở dạng NH4-N ít độc hơn nhưng cũng làm gia tăng áp lực đối với tôm, làm gia tăng căng thẳng, tôm cá dễ bị bệnh hơn và có tỷ lệ chuyển đổi thức ăn thấp hơn.

Trong ao nuôi, NH3 được hấp thụ theo 3 cơ chế sau:

Được tảo sử dụng: Các loại tảo xanh cần sử dụng Nitơ để tạo tế bào trong quá trình quang hợp;

Được sử dụng bới hệ vi sinh tự dưỡng tiêu hủy hợp chất Carbon. Các nhóm vi khuẩn này phân hủy các chất thải, vật chất hữu cơ và cần sử dụng Nitơ (tốt nhất là NH3 – amoniac) để xây dựng các tế bào mới và tiêu thụ một lượng đáng kể ammonia;

Được sử dụng bởi hệ vi sinh ôxy hóa amonia (Nitrosomonas và Nitrobacter). Chúng đòi hỏi đủ ôxy và pH thích hợp và phát triển rất chậm, chúng hiệu quả trong việc chuyển hóa NH3 – amoniac qua một quy trình hai bước thành NO2 – nitrit đầu tiên (Nitrosomonas) và sau đó tiếp tục chuyển hóa NO2 – nitric thành NO3 – Nitrate ít độc hơn (Nitrobacter).

Hiện nhiều công ty bán sản phẩm có chứa hỗn hợp nhóm vi khuẩn ôxy hóa amonia (Nitrosomonas và Nitrobacter).  Một câu hỏi đặt ra, việc bổ sung nhóm vi khuẩn ôxy hóa amonia để chống lại lượng amonia cao trong ao có thực sự hiệu quả như chúng ta mong đợi?

Sản phẩm vi sinh chứa nhóm vi sinh ôxy hóa amonia cần phải được cô đặc và làm lạnh để có được dạng sống “tạm chết” từ 3 – 6 tháng. Bất kỳ sự tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc đóng băng sẽ giết chết phần lớn nhóm này trong sản phẩm. Vì vậy, chất lượng sản phẩm này như thế nào nếu lưu giữ ở nhiệt độ phòng? Ngoài ra, nhóm vi sinh này khỏe mạnh trong ao cũng chỉ đóng góp một phần trong việc loại bỏ amonia.

Vậy nông dân có những lựa chọn nào cho vấn đề amonia? Amonia có thể được kiểm soát tốt trước tiên phải thông qua quá trình giám sát chặt chẽ ao nuôi, kiểm soát lượng thức ăn, loại bỏ chất thải hằng ngày để duy trì nước trong ao sạch, duy trì pH không cao hơn 8,3, hàm lượng ôxy cao hơn 5 ppm, duy trì sự hiện diện của tảo trong ao, duy trì độ mặn cao để giảm tính độc của NO2.

Bổ sung nguồn vi sinh với nhóm vi khuẩn tự dưỡng Bacillus sẽ mang lại hiệu quả cao hơn là cố gắng cung cấp nhóm ôxy hóa amonia (Nitrosomonas và Nitrobacter) vì khả năng nhân sinh khối nhanh và ít nhạy cảm hơn với các yếu tố môi trường. Chúng cũng hiệu quả hơn trong việc phân hủy các chất hữu cơ trong ao vì chúng sử dụng nguồn hữu cơ để xây dựng cơ chất. Ngoài ra, nhóm vi sinh này sống tốt hơn ở dạng ngủ đông trong các sản phẩm vi sinh trên thị trường (trong khi việc cô đặc ở dạng “tạm chết” của nhóm ôxy hóa amonia Nitrosomonas và Nitrobacter vẫn còn nhiều nghi ngờ).

Vì vậy, trừ khi có các yếu tố đặc biệt và các vấn đề amoniac quan trọng, việc bổ sung các vi khuẩn ôxy hóa amonia thực sự hiếm khi cần trong nuôi trồng thủy sản. Nông dân thêm vào một sự cân bằng các vi khuẩn tự dưỡng cùng với việc duy trì mật độ tảo để  giúp phân hủy chất thải trong ao. Đối với việc bổ sung vi khuẩn tự dưỡng cần thực hiện sớm trước khi ao trở nên mất cân bằng. Với liều lượng thường xuyên trong suốt vụ nuôi (khi thức ăn và sinh khối tăng cao), ao sẽ vẫn cân bằng sinh thái tốt hơn và tôm sẽ bị stress ít hơn.

Nhóm vi khuẩn tự dưỡng Bacillus cần năng lượng từ nguồn Cacbon hữu cơ và nguồn Nitơ (NH4/NH3, NO2) để tổng hợp protein cho việc xây dựng tế bào. Nếu nguồn Carbon hữu cơ có sẵn thì việc chuyển hóa Nitơ sẽ diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. Chính vì vậy, để thúc đẩy quá trình tiêu thụ nguồn Nitơ, chúng ta có thể cung cấp thêm nguồn Carbon hữu cơ vào trong ao và rỉ đường là một lựa chọn lý tưởng vì giá thành rẻ, hàm lượng Carbon hữu cơ cao mà không chứa hợp chất Nitơ (acid amin).

Nguồn: Contom.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Vèo Tôm Thâm Canh Trên Bể Composite, Xi Măng Ở Braxin

Hệ thống ương tôm giống thâm canh hoạt động như một bộ phận mở rộng của trại giống ở vùng nuôi có tác dụng rất tốt để hậu ấu trùng (PL) nhanh chóng thích nghi với điều kiện trại nuôi, đồng thời giúp quản lý chặt chẽ chất lượng và sức khỏe PL trước khi thả ra ao nuôi.

Đông bắc Braxin, khu vèo tôm của trại nuôi này được đặt gần các ao nuôi thương phẩm

Trong hệ thống nuôi 1 giai đoạn truyền thống, tôm PL được thả trực tiếp vào ao nuôi thương phẩm để nuôi đến khi thu hoạch. Phương pháp này vẫn rất thịnh hành trên thế giới. Tuy nhiên, hệ thống nuôi 2 giai đoạn với kỹ thuật hiện đại hơn đang dần dần chiếm ưu thế. Hệ thống này áp dụng 1 giai đoạn nuôi trung gian, gọi là ương giống, giữa giai đoạn sản xuất giống và nuôi thương phẩm. Trong những năm 1980, nhiều trại nuôi tôm lớn đã được xây dựng với diện tích các ao ương rộng 0,5 đến 3 ha. Ấu trùng tôm được thả với mật độ từ 0,5 đến 2,5 triệu PL/ha, ương trong 4-5 tuần trước khi chuyển vào ao nuôi thương phẩm.

Phương pháp này làm thay đổi chiến lược sản xuất tôm khi cho phép kiểm soát tốt hơn và dự đoán trước được số lượng tôm. Mặc dù tiến bộ đáng kể so với các hệ thống 1 giai đoạn, nhưng chi phí xây dựng các ao ương rất đắt và cần có diện tích đất lớn để hoạt động giống như khu vực nuôi thương phẩm. Việc vận chuyển tôm giống lớn hơn 0,5 g cũng khó và nhiều rủi ro do quá trình thu hoạch dễ làm tôm bị sốc.

Trong những năm qua, người ta đã thiết kế ao ương trong các khu vực nuôi nhỏ hơn ở các trại giống hoặc nằm gần hay ngay trong phạm vi ao nuôi thương phẩm. Phổ biến nhất trong các trang trại tôm ở Braxin là ương tôm thâm canh trong các bể vòng.

Bể ương thâm canh

Khái niệm bể ương thâm canh có lẽ được phát triển từ hệ thống nuôi tôm siêu thâm canh có nguồn gốc từ Nhật Bản do GS. Kunihiko Shigueno và đồng sự khởi xướng vào những năm 1970. Mặc dù thiết kế và kỹ thuật của 2 hệ thống này gần giống nhau, nhưng phương pháp áp dụng và thực tế lại có nhiều điểm khác nhau.

Trong giai đoạn đầu của việc nuôi tôm, các bể của Shingueno vận hành giống phương pháp nuôi thương phẩm với tỉ lệ thay nước cao và mật độ thả lên tới 100 con/m2. Các bể ương thâm canh được sử dụng để tối ưu hóa việc tiếp nhận, phân phối tôm giống ở các trại nuôi tôm, điều chỉnh số lượng PL thả ao.

Bể ương có chức năng như hồ chứa tạm thời để PL thích nghi dần với môi trường trại nuôi, kiểm kê số lượng và đánh giá chất lượng PL. Các trại ương giúp ngăn ngừa mầm bệnh và mối nguy của các loài địch hại, cho phép phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe và dịch bệnh, đồng thời cũng cải thiện chế độ dinh dưỡng cho PL.

Ưu điểm chính của các bể ương là có thể bắt đầu nuôi thương phẩm từ cỡ tôm giống lớn hơn. Điều này làm giảm rủi ro tài chính, rút ngắn thời gian nuôi thương phẩm, giảm thời gian quay vòng ao nuôi và cuối cùng là tăng sản lượng hằng năm.

Xây dựng, kỹ thuật quản lý

Ở hầu hết các trang trại nuôi tôm, khu vực sản xuất giống thâm canh, bao gồm các bể ương, thường có diện tích từ 100m2 đến 0,5 ha. Hạ tầng cơ bản của bể bao gồm mái che để tránh cho PL tiếp xúc nhiệt độ cao trong giai đoạn thích nghi và di chuyển, chòi để quạt thông gió, máy bơm, máy phát điện và các thiết bị điện khác, phòng chuẩn bị thức ăn và máy đo chất lượng nước, kho bảo quản thức ăn và các thiết bị khác.

Các bể vèo được trang bị hệ thống sục khí liên tục đảm bảo ôxy hòa tan trong nước

Tại trang trại, khu ương giống nên đặt ngay trong khu vực sản xuất, nhưng phải cách ly với các ao nuôi vì vấn đề an toàn sinh học. Khu ương giống phải đặt ở vị trí thuận tiện lấy nước biển sạch từ các kênh nước của trại nuôi. Các bể ương thường được đặt cạnh nhau ở ngoài trời để PL tiếp xúc với những thay đổi của điều kiện tự nhiên. Ở những nơi có nhiệt độ biến động mạnh, có thể xây dựng các bể ương trong nhà để dễ dàng kiểm soát nhiệt độ nước.

Các bể ương có thể hình vuông, chữ nhật hoặc hình tròn (bể vòng). Ở Braxin, các trang trại chủ yếu sử dụng bể vòng do có nhiều ưu điểm hơn so với các hình dạng khác. Vì không có góc cạnh nên các bể vòng tích tụ thức ăn thừa, tảo chết, cặn bã và các chất thải khác ít hơn và làm cho nước lưu thông đều hơn.

Đáy bể vòng lõm ở giữa, ở đó có van thoát nước. Các bể ương có thể làm bằng sợi thủy tinh, mạ kẽm, nhựa PVC mỏng hoặc xây bằng gạch, xi măng. Bể xây bằng gạch xi măng có thể phủ lớp nhựa epoxy, hoặc phủ lớp màng polyetilen dày. Có thể đào sâu hoặc xây bể ở các vị trí có địa hình phẳng. Trong cả 2 trường hợp, khu vực này nên quang đãng, không khí lưu thông tốt và dễ tiếp cận.

Các bể ương thương phẩm có dung tích từ 30-55m2, đường kính trong 5-7m, độ sâu 1m và độ cao tối đa 1,2m. Mỗi bể ương có trang bị hệ thống đường ống nước vào và ra độc lập.

Nước thường được bơm từ các kênh vào ao bằng máy bơm điện. Máy bơm không nên đặt ở các khu vực nước nông hoặc các địa điểm nhiệt độ dễ thay đổi, ứ đọng nước hoặc ô nhiễm do việc thoát nước từ ao nuôi thương phẩm. Nước bơm vào ao nên lấy cùng một nguồn với nước nuôi thương phẩm tôm và tốt nhất là đã lọc qua hệ thống lọc cát và túi lọc 10µ để loại bỏ các chất rắn.

Việc thu hoạch PL thực hiện bằng cách sử dụng một ngăn được xây dựng thấp hơn đáy bể ương. Điều này cho phép thoát nước hoàn toàn và gây ít tác động lên hậu ấu trùng. Ngăn thu hoạch hậu ấu trùng này có trang bị sục khí oxy cho nước và hệ thống thoát nước.

Để thu hoạch tôm, cho nước trong bể ương chảy qua bình lọc bằng gỗ hoặc bằng sợi thủy tinh, có lưới lọc 1.000-2.000µ ở đáy. Khi thu hoạch, đặt bình trong ngăn thu hoạch để giữ tôm ngập trong nước trong suốt quá trình thu hoạch.

Để có thể thường xuyên cung cấp oxy trong nước, các bể ương đều có trang bị máy sục khí 5-10 hp và có hệ thống thông khí. Nguồn điện dự phòng, ví dụ máy phát điện diesel với công tắc tự động rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho hoạt động của bể ương.

Dùng các ống nhựa PVC nối liền nhau gắn cố định vào đáy bể để giúp nước lưu thông. Hệ thống sục khí bằng đá bọt ngày càng phổ biến hơn bởi vì có thể dễ dàng làm sạch và bảo trì. Một số nông trại sử dụng đường ống đặt xung quanh tường bể để tạo dòng nước xoay tròn trong bể. Hệ thống này cũng giúp tập trung cặn bẩn và chất thải rắn ở giữa bể để loại bỏ khi thay nước.

Quản lý quá trình ương

Ở Braxin, thường bắt đầu ương hậu ấu trùng 10 ngày tuổi (PL10) hoặc hơn.

Thả tôm vào bể ương từ 5 ngày đến 15 ngày để thích nghi. Mật độ thả ban đầu khoảng 15-30 PL/lít. Tỉ lệ sống thường cao hơn 95%.

Trước khi thả, làm sạch bể ương, các ống nước và đá bọt bằng hypochlorite 20ppm, dùng bản chải đánh và rửa sạch bằng nước, và hong khô trong 24 giờ. Sau khi đổ đầy nước biển vào bể, bón phân vô cơ để gây màu. Khi cần sinh khối tảo lớn, có thể dùng bình nuôi tảo riêng.

Hậu ấu trùng đang được chuyển từ các bể vèo vào ao nuôi thương phẩm

Khi đưa PL đến trại nuôi, cho tôm thích nghi với độ pH, độ mặn và nhiệt độ trong các bể sợi thủy tinh 1.000 lít trước khi thả trong các bể ương. Sau khoảng hơn 2 giờ sẽ cho ăn.

Trong suốt thời kỳ ương, tôm được ăn với chế độ ăn chất lượng cao, hàm lượng protein thô 40% trở lên, kích thước thức ăn nhở hơn 800µ. Trong những ngày đầu, rải đều thức ăn trong bể, sau đó cho ăn trong các khay.Thay nước không quá 10%/ngày trong tuần đầu tiên để. Trong những ngày tiếp theo, có thể thay nước hằng ngày ở mức 30%. Hút chất thải ở đáy bể qua ống xi-phong.

Khi PL đã đủ điều kiện để chuyển sang ao nuôi thương phẩm, cần kiểm tra sức khỏe và thức ăn trong đường tiêu hóa. Không chuyển giao PL nếu có hiện tượng chết, bệnh hoặc có dấu hiệu bị tổn thương. Có thể sử dụng bể sợi thủy tinh hình nón 100 lít, thường gọi là “tàu ngầm” để chuyển PL vào ao nuôi. Những bể này được trang bị hệ thống thông khí dưới đáy và có thể chứa 500.000 PL26/m3  hoặc 800.000 PL20/m3 trong thời gian 2 giờ.

Nguồn: Global Aquaculture Alliance được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao tròn

Với nhiều ưu điểm như nuôi được với năng suất cao, tốn ít chi phí, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường… hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) trong ao tròn nhỏ, có sử dụng hệ thống xử lý chất thải đáy đang được nhiều trang trại ứng dụng và cho hiệu quả cao.

Ưu điểm

So với những ao nuôi TTCT với diện tích thông thường 2.000 – 5.000 m2, ao nuôi hình tròn, có diện tích nhỏ mang nhiều ưu điểm. Do diện tích ao nhỏ, nên việc thu gom chất thải vào giữa bằng tác động của máy quạt nước rất hiệu quả, việc loại bỏ chất thải ra khỏi ao được thực hiện dễ dàng, nền đáy được kiểm soát trong suốt vụ nuôi, giảm thiểu bùng phát vi khuẩn có hại và khí độc. Rủi ro thiệt hại thấp vì ao nhỏ, xử lý nhanh và dễ dàng. Mặt khác, không bị ô nhiễm bởi hóa chất có hại tồn lưu trong đất, vì đã cách ly đất ở mặt đáy. Quan trọng nhất là giảm thiểu tối đa chi phí sử dụng hóa chất xử lý môi trường. Do không mất nhiều thời gian cải tạo cũng như cho ao nghỉ nên mỗi năm có thể nuôi 3 vụ.

Thiết kế ao

Ao nuôi được thiết kế ở những vị trí đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật như những ao nuôi thông thường. Ao nuôi có hình tròn, diện tích 500 – 2.000 m2, tốt nhất 500 – 1.000 m2. Chiều sâu của ao 2 – 2,2 m, chiều sâu mực nước 1,5 – 2 m. Được trang bị máy quạt nước và máy tạo ôxy đáy. Đáy ao nên được lót bạt hoàn toàn bằng tấm bạt nhựa dày 0,5 mm (bền, có thể sử dụng trên 5 năm), hoặc được đổ xi măng. Ao nuôi không thiết kế cống thoát nước mà sử dụng ống PVC đường kính miệng lớn để cấp thoát nước. Ống PVC được chôn ở vị trí phần giữa đáy ao, nơi chất thải tập trung để hút chất thải ra ngoài. Từ đó nước được hút sang hệ thống xử lý nước, rồi chảy lại vào ao nuôi. Như vậy ao có tính khép kín tốt, đồng thời tránh ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là hệ thống chất thải ô nhiễm phần đáy dưới tác dụng của máy quạt nước, nước quay tròn, giúp tập trung chất thải vào chính giữa và thải liên tục ra ngoài.
Ao lắng có diện tích bằng 30% so diện tích ao nuôi. Lấy nước vào ao lắng qua túi lọc bằng vải dày nhằm loại bỏ ấu trùng tôm, cua, còng… Nước trước khi vào ao nuôi cần được xử lý trong ao lắng bằng Clo, liều lượng 2 kg/1.000 m3 nước để khử trùng, quạt nước liên tục trong 1 ngày, rồi dùng tiếp BKC, liều lượng 2 lít/1.000 m3 nước, sau 2 ngày dùng vôi CaCO3 hòa tan, té xuống nước để ổn định pH, dùng EDTA, liều lượng 5 kg/1.000 m3 để khử kim loại nặng và ổn định độ kiềm. Sau đó lọc qua lưới có kích thước 80 mắt, rồi hút nước vào ao nuôi. Với những ao nuôi từ vụ thứ hai, trước khi thả nuôi nửa tháng, tiến hành rửa ao. Sau đó khử trùng và tiêu diệt các động vật và giáp xác tạp, rồi phơi nắng.

Chuẩn bị ao

Trước khi thả nuôi tôm 10 ngày, tiến hành gây màu nước cho ao nuôi. Phương pháp thứ nhất, sử dụng 2 kg cám gạo hoặc cám ngô, 1 kg bột cá, 2 kg bột đậu nành. Trộn đều hỗn hợp trên, sau đó nấu chín, ủ kín trong 2 – 3 ngày, rồi bón để gây màu, liều lượng 3 – 4 kg/1.000 m3, bón liên tục trong 3 ngày, 7 ngày sau tiếp tục bón bổ sung với liều lượng bằng ½ so với ban đầu. Phương pháp thứ 2, phối trộn theo tỷ lệ 3 kg mật đường, 1 kg cám gạo hoặc cám ngô, 3 kg bột đậu nành, trộn đều, ủ trong 12 giờ. Dùng cám ủ để bón lên màu, liều lượng 2 – 3 kg/1.000 m3 nước, liên tục trong 3 ngày, 7 ngày sau bón bổ sung với liều lượng bằng ½ liều lượng so ban đầu. Thả tôm giống cỡ P15, tôm có màu sắc tươi sáng, đều cỡ, khỏe mạnh, đã qua kiểm dịch. Thả tôm giống vào thời điểm trời mát. Do có chiều sâu lớn, môi trường nuôi được quản lý chặt chẽ, nên có thể nuôi với mật độ cao, vào chính vụ có thể nuôi với mật độ 200 – 300 con/m2, vụ nghịch có thể nuôi với mật độ 120 – 150 con/m2.

Quản lý ao

Thường xuyên thay nước ao nuôi, phụ thuộc vào tình trạng thực tế và từng thời kỳ trong vụ nuôi. Hàng ngày, rút lượng chất thải trong ao thông qua hệ thống ống PVC dưới đáy. Thời kỳ đầu vụ nuôi cấp bù lượng nước thải ra, thời kỳ giữa thay nước tùy theo chất lượng nước, thời kỳ cuối mỗi ngày thay nước khoảng 30 cm/ngày, chất lượng nước kém nên thay trên 50 cm/ngày. Trang bị đầy đủ máy quạt nước và bố trí máy ôxy đáy. Duy trì quạt nước trong 24/24 giờ, máy ôxy đáy có thể dùng cả ngày hoặc chỉ dùng ban đêm, tùy theo tình trạng ao và sức khỏe tôm nuôi, nhưng luôn đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan duy trì ở mức trên 4 mg/lít. Sử dụng thức ăn công nghiệp có chất lượng cao, hàm lượng đạm 32 – 38%, kích cỡ thức ăn theo đúng độ tuổi của tôm. Cho ăn ngày 4 lần vào sáng, trưa, chiều tối. Với ao nuôi tròn nhỏ, rất phù hợp cho việc sử dụng máy cho tôm ăn tự động. Trong quá trình nuôi định kỳ bổ sung khoáng chất vào môi trường nước và Vitamin C, thuốc bổ gan vào thức ăn. Khi nhiệt độ cao hơn 340C và thấp hơn 240C, giảm 20% lượng thức ăn. Thời gian nuôi từ 80 đến 120 ngày, tôm thu có kích thước 40 – 70 con/kg.

Nguồn: Tomvang.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Phát triển tôm kháng bệnh cho thị trường Châu Á

Công ty Benchmark đã công bố sự phát triển tôm kháng bệnh cụ thể (SPR) sẽ giải quyết các vấn đề mà người nuôi tôm Châu Á đang đối mặt và tôm giống đã sẵn sàng cho sản xuất thương mại.

Phát triển tôm kháng bệnh cho thị trường Châu Á.

Châu Á sản xuất hơn 2.66 triệu tấn tôm thẻ chân trắng, trị giá khoảng 13 tỷ USD với tổng giá trị thị trường tăng trung bình 7% mỗi năm.

Bệnh trên tôm bao gồm White Spot (WSSV) và AHPND (trước đây gọi là Hội Chứng Tử vong Sớm – EMS), từng gây ra tổn thất hàng tỷ đô la mỗi năm cho ngành tôm toàn cầu. Riêng ngành tôm Châu Á đã phải chịu thiệt hại 22,5 tỷ đô la Mỹ từ AHPND trong giai đoạn 2009-2016.

Tôm của Benchmark đã chứng minh có sức đề kháng với các bệnh chính như: White Spot, Taura (TSV), NHP (Necrotising Hepatopitis), IHHNV và vibrio và có khả năng kháng AHPND.

Malcolm Pye, Giám đốc điều hành Benchmark cho biết:  “Trong vòng 20 năm, các đội của chúng tôi ở Colombia và Na Uy đã phát triển một loại tôm có khả năng kháng một số bệnh tôm chính. Chúng tôi đang chuyển sang giai đoạn thương mại hóa của công nghệ này đưa nó vào các thị trường sản xuất tôm lớn trên thế giới.”

Nguồn: Thefishsite được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tái thiết vùng nuôi thủy sản sau bão

Nhiều vùng biển từng san sát lồng bè, sau bão giờ chỉ còn là vùng biển trống, kéo theo những khoản nợ chất chồng lan rộng ở nhiều gia đình.

Ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa đang chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề của cơn bão 12

Phải nhanh chóng tái thiết sau bão là yêu cầu bức bách bởi tái thiết nhanh chóng mới ổn định lâu dài đời sống của người dân vùng bão. Tuy nhiên, tái thiết như thế nào khi bão đã lấy đi nguồn lực tài chính của nhiều gia đình.

Ở các vùng nuôi thủy sản, lúc này nhiều gia đình không biết phải bắt đầu từ đâu để phục hồi vùng sản xuất sau khi hơn 24 ngàn lồng bè thủy sản bị bão phá hủy, gây tổn thất nặng nề.

Nhiều vùng biển từng san sát lồng bè, giờ chỉ còn là vùng biển trống, kéo theo những khoản nợ chất chồng lan rộng ở nhiều gia đình. Đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản đang khảo sát tại ba tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định. Thực tế chung của những vùng biển sau bão là nguy cơ khó phục hồi các vùng nuôi thủy sản. Nguồn lực tài chính của các gia đình không còn để tái đầu tư, chưa kể những khoản nợ.

Chính sách hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do bão số 12 đã có. Vấn đề đặt ra là việc thống kê phải kịp thời, đầy đủ, sát thực tế. Đây là công việc không dễ với tình hình hiện nay ở các địa phương còn thiếu hồ sơ kê khai lồng bè. Việc khôi phục các vùng nuôi thủy sản sau bão sẽ được gắn với tổ chức lại sản xuất vùng nuôi theo hướng tuân thủ quy hoạch, đảm bảo tính bền vững.

Nguồn: VTV được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.