Phòng trị một số bệnh trên cá điêu hồng

Cá rô phi đỏ hay còn gọi là cá điêu hồng (Red Tilapia) hiện đang được nuôi khá phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, mang lại giá trị kinh tế cao. Những đặc điểm sinh học cơ bản trong điều kiện thả nuôi được xác định như sau: về dinh dưỡng là loài cá ăn tạp các chất như: mùn bả hữu cơ, tảo, ấu trùng côn trùng, trong ao nuôi hoặc bằng bè, cá ăn thức ăn tự chế từ các phụ phẩm nông nghiệp, thức ăn viên (đạm từ 20 – 25%). Về sinh sản, cá rô phi đỏ là loài mắn đẻ, đẻ quanh năm, ấp trứng trong miệng. Có thể ương cá con trong ao hoặc trong chậu, lồng. Khi ương trong ao cần bón phân gây thức ăn tự nhiên để nuôi cá bột, còn khi ương trong lồng, chậu thì không cần bón phân nhưng phải thường xuyên vệ sinh chập, lồng.

Môi trường nuôi chủ yếu trong ao hoặc lồng bè. Trong ao, sau 1 năm nuôi, cá đạt 200 – 500g/cn; khi nuôi bè cá lớn nhanh hơn (đạt trọng lượng 200 – 500g/con chỉ 7 – 8 tháng) và tỷ lệ hao hụt thấp.

Phòng trị một số bệnh thường gặp:

Bệnh do ký sinh trùng:

Các bệnh do ngoại ký sinh trùng có tác động mạnh đến cá con trong quá trình ương. Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở ương giống có tỉ lệ hao hụt từ 50 – 70% chủ yếu là do cá con bị bệnh đốm trắng (trùng quả dưa tấn công), bệnh do trùng mặt trời và tà quản trùng, bệnh do sán lá đơn chủ, bệnh do giáp xác ký sinh (Argulus và Ergasilus).
Cách phòng trị: ao ương hoặc nuôi cá phải có sục khí. Khi phát hiện cá bị bệnh cần bón: Formol nồng độ 25 – 30ml/m3 trị thời gian dài và nồng độ từ 100 – 150ml/m3 nếu trị trong 15-30 phút; CuSO4 (phèn xanh) nồng độ 2-5g/10m3 trị thời gian dài và từ 20 – 50g/10m3 trị trong 15 – 30 phút, cách ngày trị một lần; muối ăn dùng để phòng và trị bệnh cho cá, nồng độ 1-3% trị thời gian dài và 1-2% trị trong 10-15 phút.

– Bệnh xuất huyết:

Bệnh do vi khuẩn Aemomas hydrophia hoặc Edwardsiellatarda gây ra. Cá có dấu hiệu toàn thân bị xuất huyết, hậu môn sưng lồi, bụng trương to, có dịch vàng hoặc hồng, đầu và mắt cá sưng và lồi ra. Bệnh thường xuất hiện ở cá rô phi đỏ nuôi bè.
Biện pháp đề phòng: là tránh thả cá nuôi và hạn chế thay nước lúc giao mùa. Nên định kỳ bón khử trùng nơi cho ăn. cách trị là bón vôi và khử trùng nước, có thể trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn cá, tỷ lệ tuỳ theo tình trạng bệnh.

– Cá trương bụng do thức ăn:

thường xảy ra ở các ao, bè cho cá ăn thức ăn tự chế không được nấu chín, không đảm bảo chất lượng làm cá không tiêu hoá được thức ăn, bụng cá trương to, ruột chứa nhiều hơi. Cá bơi lờ đờ và chết rải rác.
Biện pháp khắc phục: là kiểm tra chất lượng và thành phần thức ăn để điều chỉnh lại cho thích hợp. Nếu trường hợp nặng, thường xuyên có thể thay đổi thức ăn. Trong thức ăn nên bổ sung men tiêu hóa (các probiotic…)

– Cá chết do mật độ dày:

Hiện tượng này thường xảy ra ở các ao, bè nuôi thâm canh với mật độ quá dày. Cá chết không có dấu hiệu bệnh lý, chỉ nổi lờ đờ và chết hàng loạt. Tỉ lệ cá chết lệ thuộc vào mật độ và chất lượng nước. Mật độ thích hợp để thả nuôi cá rô phi thịt là 100-150con/m³. nếu mật độ trên 200 con/m³ có thể gây chết đột ngột lúc giao nước hoặc sau những cơn mưa lớn.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phòng trị một số bệnh ở cá rô phi

Một trong những yếu tố quan trọng để tăng năng suất nuôi thâm canh cá rô phi là quản lý tốt sức khỏe vật nuôi. Nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, có điều kiện khí hậu ấm áp để sản xuất cá rô phi hướng tới mục tiêu xuất khẩu nhưng đồng thời đó cũng là môi trường cho bệnh tật phát triển. Tuy là loài cá nuôi bị sốc với biến đổi của môi trường và có khả năng kháng một số bệnh nhưng trong quá trình ương nuôi cá giống và nuôi cá thương phẩm thường gặp một số bệnh sau:

Bệnh xuất huyết


Tác nhân gây bệnh:
Cầu khuẩn Streptococcus sp, Gram dương.
Dấu hiệu bệnh lý:
Ðầu tiên cá yếu bơi lờ đờ, kém ăn hoặc bỏ ăn, hậu môn, gốc vây chuyển màu đỏ; mắt, mang, cơ quan nội tạng và cơ xuất huyết; máu loãng; thận, gan, lá lách mềm nhũn. Cá bệnh nặng bơi quay tròn không định hướng, mắt đục và lồi ra, bụng trương to.
Phân bố và lan truyền bệnh:
Bệnh gặp ở nhiều loài cá nước ngọt. Khi nuôi cá rô phi năng suất cao trong hệ tuần hoàn khép kín, cá dễ phát bệnh. Bệnh có thể lây cho người khi chế biến cá không vệ sinh an toàn.
Phòng trị bệnh:
Bón vôi (CaO hoặc CaCO3 hoặc CaMg(CO3)2) tùy theo pH môi trường, liều lượng 1-2kg/100m3, 2 – 4 lần/tháng.
Dùng Erythromyxin: trộn vào thức ăn từ 3-7 ngày, dùng 2-5 g/100kg cá/ngày. Có thể phun xuống ao nồng độ 1-2 ppm, sau đó sang ngày thứ 2 trộn vào thức ăn 4 g/100kg cá, từ ngày thứ 3-5 giảm còn một nửa. Thuốc KN-04-12 cho ăn 4g/1kg cá/ngày và 3 – 6 ngày liên tục. Vitamin C phòng bệnh xuất huyết, liều dùng thường xuyên 20 – 30mg/1kg cá /ngày, liên tục 7-10 ngày.

 Bệnh viêm ruột


Tác nhân gây bệnh:
Vi khuẩn Aeromonas hydrophila, Gram âm.
Dấu hiệu bệnh lý:
Tương tự bệnh xuất huyết do cầu khuẩn Streptococcus sp. Bệnh tích điển hình ruột trương to,chứa đầy hơi.
Phân bố và lan truyền bệnh
Thường gặp ở cá rô phi nuôi thương phẩm và cá bố mẹ nuôi sinh sản khi môi trường nuôi bị ô nhiễm, đặc biệt là thức ăn không đảm bảo chất lượng, tỷ lệ nhiễm bệnh thấp.
Phòng trị bệnh
Dùng một số kháng sinh cho cá ăn như Erythromyxin hoặc Oxytetramyxin, liều dùng 10 – 12 g/ 100 kg cá/ngày đầu, từ ngày thứ 2-7 liều bằng 1/2 ngày đầu; thuốc KN-04-12.

Bệnh trùng bánh xe
Tác nhân gây bệnh:
Một số loài trong họ trùng bánh xe Trichodinidae như : Trichodina centrostrigata, T. domerguei domerguei, T. heterodentata, T. nigra, T. orientalis, Trichodinella epizootica, Tripartiella bulbosa, T. clavodonta.
Dấu hiệu bệnh lý:
Khi mới mắc bệnh, trên thân, vây cá có nhiều nhớt màu hơi trắng đục, ở dưới nước thấy rõ hơn so với khi bắt cá lên cạn. Da cá chuyển màu xám, cá cảm thấy ngứa ngáy, thường nổi từng đàn lên mặt nước. Một số con tách đàn bơi quanh bờ ao. Khi bệnh nặng trùng bám dày đặc ở vây, mang, phá huỷ các tơ mang khiến cá bị ngạt thở, những con bệnh nặng mang đầy nhớt và bạc trắng. Cá bơi lội mất phương hướng. Cuối cùng cá lật bụng mấy vòng, chìm xuống đáy ao và chết.
Phân bố và lan truyền bệnh
Trùng bánh xe gây bệnh chủ yếu ở giai đoạn cá giống, là bệnh ký sinh đơn bào nguy hiểm nhất của giai đoạn này. Trùng bánh xe ít gây bệnh ở giai đoạn cá thịt. Khi ương cá trong nhà, bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tỷ lệ chết cao 70-100%. Bệnh thường phát vào mùa xuân, mùa thu, khi nhiệt độ nước 25-30 độ C.
Phòng trị bệnh
Dùng nước muối NaCl 2-3% tắm cho cá 5-15 phút, dùng CuSO4 nồng độ 3-5 ppm tắm cho cá 5-15 phút hoặc phun trực tiếp xuống ao với nồng độ 0,5-0,7 ppm (0,5-0,7g cho 1 m3 nước). Dùng formalin nồng độ 200-250 ppm (200-250 ml/m3) tắm trong 30-60 phút hoặc nồng độ 20-25 ppm (20-25 ml/m3) phun xuống ao.

Bệnh trùng quả dưa
Tác nhân gây bệnh: trùng quả dưa Ichthyophthyrius multifiliis.
Dấu hiệu bệnh lý: Da, mang, vây của cá bệnh có nhiều trùng bám thành các hạt lấm tấm rất nhỏ, màu hơi trắng đục (đốm trắng), có thể thấy rõ bằng mắt thường (người nuôi cá còn gọi là bệnh vẩy nhót . Da, mang cá có nhiều nhớt, màu sắc nhợt nhạt.
Cá bệnh nổi đầu trên tầng mặt, bơi lờ đờ yếu ớt. Lúc đầu cá tập trung gần bờ, nơi có cỏ rác, quẫy nhiều do ngứa ngáy. Trùng bám nhiều ở mang, phá hoại biểu mô mang làm cá ngạt thở. Khi cá yếu quá chỉ còn ngoi đầu lên để thở, đuôi bất động cắm xuống nước.
Phân bố và lan truyền bệnh
Bệnh gặp ở nhiều loài cá nuôi. Cá rô phi lưu qua đông ở miền Bắc hoặc nuôi trong nhà, thường bị bệnh trùng quả dưa làm cá chết hàng loạt. Bệnh phát vào mùa xuân, mùa đông.
Phòng trị bệnh
– Dùng xanh malachit phun trực tiếp xuống ao hoặc bể kính với nồng độ 0,1- 0,3 ppm 2 lần/tuần.
– Cá nuôi lồng vào mùa phát bệnh thường xuyên treo xanh malachit trong lồng, liều lượng 5g/10m3 lồng.
– Dùng formalin nồng độ 200-250 ppm (200-250 ml/m3) tắm trong 30-60 phút hoặc phun xuống ao với nồng độ 20-25 ppm(20-25 ml/m3), 2 lần/tuần.

Bệnh sán lá đơn chủ


Tác nhân gây bệnh: sán lá đơn chủ Cichlidogyrus tilapiae, C. sclerosus, Gyrodactylus niloticus
Dấu hiệu bệnh lý: Cichlidogyrus, Gyrodactylus ký sinh trên da và mang cá, làm cho mang và da cá tiết ra nhiều dịch nhờn ảnh hưởng đến hô hấp cá. Tổ chức da và mang có sán ký sinh bị viêm loét tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm và một số sinh vật xâm nhập gây bệnh.
Phân bố và lan truyền bệnh
Cá có thể bị bệnh khi ương giống với mật độ dày và có thể gây chết hàng loạt trong giai hoặc bể ương. Bệnh phát vào mùa xuân, mùa thu, mùa đông.
Phòng trị bệnh
– Dùng nước muối NaCl 2-3% tắm cho cá 5-15 phút
– Dùng KMnO4 nồng độ 20 ppm (20g/m3) tắm cho cá 15 -30 phút
– Dùng formalin nồng độ 200 – 250 ppm (200 – 250 ml/m3) tắm trong 30-60 phút hoặc nồng độ 20 – 25 ppm (20 – 25 ml/m3) phun xuống ao.

Bệnh rận cá
Tác nhân gây bệnh: rận cá Caligus sp.
Dấu hiệu bệnh lý: Rận cá thường ký sinh ở vây, mang cá rô phi, làm cho da cá bị viêm loét tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng khác xâm nhập, vì vậy nên nó thường cùng lưu hành với bệnh đốm trắng, bệnh đốm đỏ, lở loét nên dẫn đến làm cá chết hàng loạt. Cá bị Caligus ký sinh có cảm giác ngứa ngáy, vận động mạnh trên mặt nước, bơi lội cuồng dại, cường độ bắt mồi giảm.
Phân bố và lan truyền bệnh
Rận cá ký sinh ở nhiều loài cá nuôi. Cá rô phi nuôi mật độ dày, rận cá ký sinh đã gây chết hàng loạt ở các đầm nước lợ hoặc nước ngọt.
Phòng trị bệnh
– Dùng KMnO4 nồng độ 3-5 ppm (3-5g/m3) hoặc chlorin nồng độ 1ppm (1g/m3) phun xuống ao.
– Dùng formalin nồng độ 20-25 ppm(20-25 ml/m3) phun xuống ao.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phòng trị bệnh cho cá tra và cá basa nuôi trong bè

Nuôi cá bè là một trong những kỹ thuật nuôi thâm canh có hiệu quả. Nhưng do nuôi mật độ cao và cung cấp một lượng lớn thức ăn, nên dẫn đến môi trường trong bè và xung quanh dễ dàng bị ô nhiễm và là điều kiện để bệnh cá bộc phát, lây lan gây thiệt hại cho người nuôi. Theo điều tra hàng năm ở khu vực nuôi cá bè đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ hao hụt mà chủ yếu do bệnh cá gây chết ở cá basa nuôi bè là 15%, có khi lên tới 30 – 40%.


Nguyên nhân

Các bệnh không truyền nhiễm (Bệnh do môi trường gây ra)

Cá basa rất nhạy cảm với những biến đổi của môi trường, do đó vào các tháng 1 – 2, khi nhiệt độ hạ thấp đột ngột, làm cho cá kém ăn hoặc bỏ ăn, dẫn đến cá suy dinh dưỡng và dễ nhiễm bệnh gây chết ở các tháng sau đó.

Vào tháng 4-5, nhiệt độ lên cao (có ngày tới 31 – 32 độ C) cũng dễ làm cho cá nhiễm bệnh, đặc biệt xuất huyết đường ruột gây chết hàng loạt. Cá basa dễ bị chết ngạt do thiếu oxy ở những thời gian nước đứng (đặc biệt từ giữa đến cuối mùa khô), khi thiếu oxy, cá thường bơi nhào lên, làm cho cá dễ bị lộn ruột và chết. Cá có thể chết do nước có nhiều khí độc như H2S, CH4, NH3 … hoặc CO2 quá cao, nước nhiễm phèn, nước thải công nghiệp có độc tố, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ …

Ngoài ra, thức ăn và vấn đề cho ăn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của cá. Nếu nguyên liệu chế biến thức ăn để quá lâu (như bột cá để lâu quá sẽ bị hư, mốc và nấm độc phát triển, cá tạp bị ươn thối, cám gạo bị mốc…) sẽ có nguy cơ gây độc cho cá. Thức ăn không đủ hàm lượng đạm sẽ làm tăng trưởng chậm và dễ nhiễm bệnh. Thiếu vitamin sẽ làm sức tăng trưởng giảm, cá bị co giật.

Các bệnh truyền nhiễm

Gồm có nhiều tác nhân gây bệnh cho cá như vi khuẩn, virus và ký sinh trùng. Bệnh cá bè hầu như xuất hiện quanh năm, tuy nhiên cũng có một số bệnh xuất hiện theo mùa rõ rệt như bệnh viêm ruột gây chết cá basa vào các tháng đầu năm, bệnh đốm đỏ, đốm trắng xuất hiện nhiều vào các thời điểm giao mùa (tháng 2-3 và 5-6), bệnh nhiễm giun tròn xuất hiện ở tất cả các tháng trong năm.

Biện pháp phòng trị một số bệnh phổ biến

Bệnh đốm đỏ


Xuất hiện vào lúc giao mùa, nhiễm trên cả cá tra, basa và nhiều loài cá khác. Bệnh gây do một số loài vi khuẩn như Aeromonas hydrophila và Pseudomonas fluoresen. Cá bị bệnh thường bơi lờ đờ trên mặt nước, trên thân xuất hiện điểm xuất huyết nhỏ li ti, nếu bệnh nặng thì các gốc vây cũng xuất huyết. Bụng cá trương to, thành ruột xuất huyết, cá ít ăn hoặc bỏ ăn. Các tia vây lưng, hậu môn và vây đuôi bị rách xơ xác. Cách phòng trị: Nếu cá còn ăn được thức ăn thì trộn thuốc vào thức ăn như sau: Nitrofurazon 2 gam (hoặc Oxytetracyclin) 2 gam + Vitamin C, 3 gam/100kg cá. Cho cá ăn liên tục 5-7 ngày, lưu ý thức ăn trộn thuốc nên giảm đi một nửa.

 Bệnh trắng da (hay bệnh mất nhớt)


Bệnh dễ xuất hiện khi cá bị xây xát hoặc bị sốc do đánh bắt, vận chuyển hoặc do nhiệt độ môi trường nước thay đổi đột ngột. Tác nhân gây bệnh là do vi khuẩn Flexibacter columnaris. Cá nhiễm bệnh thường bỏ ăn, yếu dần, gốc vây lưng xuất hiện màu trắng, lan dần đến cuống đuôi và toàn thân. Bệnh nặng xuất hiện các vết loét ăn sâu vào cơ. Vây cá rách xơ xác yếu ớt rồi chìm xuống đáy và chết. Cách phòng trị: Trộn vào thức ăn Oxytetracycline 5 gam/100kg cá bệnh, hoặc Sulfadimezin 5 gam + Oxytetracycline 2 gam/100kg cá. Cho cá ăn liên tục 5-7 ngày.

Bệnh xuất huyết đường ruột


Bệnh xuất hiện vào các tháng mùa khô, khi nhiệt độ cao gây cho cá bị xuất huyết nội tạng (chủ yếu ở cá basa) và gây thiệt hại lớn cho nghề nuôi cá basa. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Staphylococcus sp. Cá bị bệnh thì bụng bị trương to, hậu môn lồi, sưng đỏ, vây bụng xuất huyết, cá biếng ăn, bơi tách đàn. Khi giải phẩu nội tạng thấy đường ruột bị xuất huyết, cơ xoang bụng cũng bị xuất huyết, đôi khi mỡ cũng có màu hồng. Để phòng bệnh, nhiều chủ bè đã dùng cây cỏ mực băm nhỏ, nấu chung với thức ăn, đã phòng bệnh cho cá vào đầu mùa khô rất tốt. Lượng dùng: 1kg cỏ mực + 0,5g muối + 70kg cám. Cứ cách một tuần cho ăn một lần. Cách trị bệnh Dùng Sulfathiazone 6 gam + Thiromin 0,5gam/100kg cá bệnh Hoặc Sulfaguanin 5-10gam + 70kg cám/100kg cá bệnh, cho ăn đến ngày thứ 3 thì giảm đi 1/2 liều, đến ngày thứ 5 cá sẽ hết bệnh.

Bệnh do ký sinh trùng

Bệnh giun tròn: do tác nhân thuộc giống Philometra ký sinh trong ruột cá. Chúng không gây thành dịch lớn, nhưng ảnh hưởng đến sức tăng trưởng của cá, phá hoại niêm mạc ruột và gây viêm ruột, đôi khi tắc ruột, thủng ruột hoặc tắt ống dẫn mật. Cách xổ giun: Dùng thuốc Nova – Parasite trộn với thức ăn theo liều 1 kg/300 kg thức ăn cho ăn 1 lần/ngày (buổi sáng), liên tục 3 – 5 ngày. Dùng thuốc Praziquantel trộn vào thức ăn, liều lượng 50 – 75 mg/kg thức ăn cho ăn liên tục 4 – 6 ngày, nên kết hợp trộn thêm Vitamin C để tăng sức đề kháng của cá.

Bệnh sản lá 16 móc (Dactylogyrus): là loài sán có kích thước cơ thể dài 0,5-1mm, thường ký sinh trên mang cá tra và basa. Chúng bám chặt vào mang và niêm mạc của mang để hút máu, gây viêm loét mang cá. Cách phòng trị: Treo giỏ thuốc Sulfat đồng (CuSO4) 5-7ppm (1gam trên mét khối nước)).

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi cua đá lợi nhuận cao trên đảo Phú Quý

Cua đá khỏe, dễ nuôi, năng suất cao, ít dịch bệnh nên người nuôi không cần phải tốn nhiều kinh phí đầu tư và ít tốn công chăm sóc. Hiệu quả từ mô hình nuôi cua đá đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân đảo Phú Quý.

Ông Nguyễn Ngọc Phi ở thôn Triều Dương xã Tam Thanh đã mạnh dạn thử nghiệm mô hình nuôi cua đá. Ông dùng tôn xi măng dựng thành vòng khép kín trên 300 m2 đất, dùng lưới bao xung quanh để cua không thoát ra ngoài. Trên diện tích này, ông thả 1.000 con cua giống mua từ đảo Hòn Tranh với giá 3.000 đồng/con.

Cua đá rất dễ nuôi, điều kiện chủ yếu là đất nuôi phải có độ ẩm, nhiều hang đá và rác khô để cho cua ẩn nấp, thức ăn của chúng là các loại rau xanh, chuối cây băm nhỏ hoặc ruột trái dừa khô nạo nhỏ. Đặc biệt trong thời kỳ cua mang trứng thì phải thường xuyên tưới nước đảm bảo độ ẩm để cua sinh sản hiệu quả, cho năng suất cao.

Ông Nguyễn Ngọc Phi – người dân nuôi cua đá xã Tam Thanh cho biết: “Từ lúc nuôi đến giờ chưa thấy loài cua này bị bệnh tật gì, khâu chăm sóc cũng không mất nhiều thời gian, cua này có sức sống mạnh, thích hợp cho những gia đình nuôi mà có nguồn vốn ít”.

Cua đá thường sinh sản từ tháng 6 đến tháng 9. Trong mùa sinh sản con cái thường di chuyển đến những nơi có nước để đẻ trứng. Từ tháng 10 đến tháng 12 , cua lột xác trong hang, theo thông tin từ Cổng TTĐT huyện Phú Quý.

Cua đá khỏe, dễ nuôi, ít dịch bệnh nên người nuôi không cần phải tốn nhiều kinh phí để đầu tư chuồng trại, mua thức ăn và ít tốn công chăm sóc. Hiệu quả bước đầu từ mô hình nuôi cua đá đang mở ra thêm một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân Phú Quý.

Bên cạnh đó, bộ môn kỹ thuật nuôi hải sản – Khoa Thủy sản- Trường Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu ương nuôi thành công ấu trùng cua đá ( Myomenippe hardwickii) cho năng suất cao. Cua cái có khối lượng trung bình 120 -150 g, đã mang trứng từ tự nhiên được chọn để nghiên cứu sản xuất giống.

Trứng cua sau khi cho nở thành ấu trùng được ương trong hệ thống nước xanh. Sau 25- 27 ngày ương nuôi, ấu trùng trải qua 5 giai đoạn Zoae và 1 giai đoạn Megalopa và chuyển thành cua con với kích cở cua đầu tiên ( cua 1) khoảng 2,5- 3mm. Tỷ lệ sống từ ấu trùng đến giai đoạn cua 1 khá tốt, đạt 4- 14%.

Cua đá loài đặc sản vùng ven biển và có giá trị kinh tế cao. Cua đá sống chủ yếu trong các hốc cây, hốc đá ở vùng rừng ngập mặn, vùng nước lợ mặn ven biển hay các đảo. Cua phân bố phổ biến ở vùng Đông Nam Á. Vùng ĐBSCL, cua đá phân bố và được khai thác nhiều ở Kiên Giang và Cà Mau. Hiện nay chưa có nghiên cứu nào về sản xuất  giống và nuôi loài cua đá này.

Với thành công này, Bộ môn Kỹ thuật nuôi hải sản đang tiếp tục nghiên cứu để xây dựng qui trình sản xuất giống cua đá, góp phần phát triển mô hình nuôi cua đá thương phẩm, giúp đa dạng hóa nghề nuôi thủy sản, theo thông tin từ Trung tâm Khuyến nông Tp. HCM.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Thức ăn thủy sản không có cá: Hướng phát triển cho nuôi trồng thủy sản bền vững

Sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào bột cá và dầu cá trong sản xuất thức ăn thủy sản làm cho nguồn cung ngày càng trở nên khan hiếm. Giá bột cá trên thị trường liên tục tăng trong thời gian qua làm cho giá cho thức ăn thủy sản tăng cao.

Chi phí thức ăn chiếm khoảng 60-70% chi phí của vụ nuôi. Do đó, giảm chi phí thức ăn đóng vai trò quyết định mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Nhiều biện pháp đã được đưa ra nhằm tìm nguồn thay thế bột cá và dầu cá trong chế biến thức ăn thủy sản. Các biện pháp được đề xuất hướng đến việc sản xuất thức ăn không chứa cá trong nuôi trồng thủy sản.

Nuôi tôm áp dụng công nghệ Biofloc

Biofloc là các hạt lớn (macroaggregrates) bao gồm các loài tảo khuê, tảo có kích thước lớn, những hạt phân, khung xương của sinh vật (như vỏ giáp xác), xác chết của các vi sinh vật trong ao nuôi. Hàm lượng protein trong các hạt này rất cao so với hàm lượng protein trong thức ăn. Mật độ vi sinh vật có lợi trong các hạt floc đã được chứng minh có khả năng tăng cường hoạt động của các enzyme tiêu hóa, qua đó kích thích sự tăng trưởng của tôm nuôi. Việc kiểm soát các hạt này phải được đảm bảo trong suốt quá trình nuôi nhằm cung cấp nguồn thức ăn cho tôm nuôi. Công nghệ này đang được áp dụng rộng rãi trong nuôi tôm siêu thâm canh, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng.

Hạn chế của công nghệ biofloc là đòi hỏi người nuôi phải hiểu rõ kỹ thuật nuôi, cùng với việc lắp đặt hệ thống sục khí phải đảm bảo cho việc tạo và duy trì các hạt biofloc. Công nghệ nuôi này mang lại hiệu quả kinh tế cao do việc giảm được một phần đáng kể chi phí thức ăn. Tuy nhiên, nuôi tôm với công nghệ biofloc đòi hỏi nguồn năng lượng cao. Do đó, khả năng nhân rộng mô hình này đòi hỏi đầu tư chi phí cao cùng với nguồn năng lượng phải đảm bảo trong suốt quá trình nuôi.

Nuôi tôm với công nghệ Copefloc

Công nghệ nuôi tôm này được phát triển ở Thái Lan, công nghệ copefloc được phát triển dựa trên công nghệ biofloc. Copefloc sử dụng hoàn toàn nguồn thức ăn là các hạt biofloc và thức ăn tự nhiên bao gồm: copepod, động vật thân mềm, giun nhiều tơ, giáp xác nhỏ.

Trong mô hình nuôi này dung dịch lên men từ cám gạo/cám đậu nành và probiotics được định kỳ bổ sung vào ao nuôi, qua đó kích thích sự phát triển của thức ăn tự nhiên. Đây là một trong số các mô hình nuôi có nhiều triển vọng trong tương lai. Mô hình này hoàn toàn không sử dụng thức ăn công nghiệp, thuốc và hóa chất. Qua đó, chất lượng sản phẩm tôm thương phẩm được đảm bảo. Hạn chế của mô hình nuôi này là chỉ nuôi được với mật độ thấp.

Thử nghiệm sản xuất thức ăn không chứa cá (challenge F3, fish-free-feed)

Một cuộc thi có tên “Challenge F3” (fish-free-feed) đang được tiến hành tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Úc, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, và Nam Phi. Giải thưởng lên đến 200.000 đô la Mỹ, đội chiến thắng là đội đầu tiên bán được 100.000 tấn cá nuôi sử dụng thức ăn không chứa cá, hay là đội bán nhiều nhất tính đến thời điểm kết thúc cuộc thi vào tháng 9/2017. Qua đó, nhằm kêu gọi các cá nhân tổ chức đưa ra các công thức thức ăn khác nhau với tiêu chí không chứa bột cá và dầu cá. Các ý tưởng đưa ra trong đó bao gồm sử dụng tảo làm thức ăn, tảo với hàm lượng omega-3 và DHA cao nên có khả năng thay thế dầu cá. Bên cạnh đó nguồn đạm từ côn trùng cũng được dự đoán có thể thay thế nguồn đạm từ cá trong tương lai. Mục đích cuộc thi nhằm hướng đến các ý tưởng mang đến sự phát triển bền vững trong tương lai. Kết quả của cuộc thi sẽ được ứng dụng rộng rãi trong ngành nuôi trồng thủy sản trong thời gian sắp tới.

Nguồn: Aquanetviet.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thay thế dầu cá bằng nguyên liệu thực vật

Nguồn cung bột cá, dầu cá hạn chế khiến ngành thủy sản nuôi bị chững lại nhưng thúc đẩy ngành khoa học thủy sản tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới. Bằng công nghệ hiện đại, hãng dinh dưỡng Alltech đã tìm nguyên liệu thức ăn tối ưu 100% nguồn gốc thực vật để thay thế dầu cá.

Alltech – hãng sản xuất hàng đầu thế giới về công nghệ lên men và sản xuất nấm men, tảo, lên men giá thể rắn đã tìm ra được nguồn nguyên liệu thức ăn 100% nguồn gốc thực vật để nuôi thủy sản mà không cần phải bổ sung bất cứ thành phần sản phẩm phụ từ động vật hoặc chất béo động vật trên cạn hay dưới nước. Bằng công nghệ đùn, Alltech đã tạo ra nguyên liệu thức ăn dinh dưỡng cao và premix (canxi bổ sung khoáng và vitamin) như Aquate, ForPlus và tảo DHA.

Tăng lợi nhuận từ nguồn dinh dưỡng tối ưu

Công nghệ đùn chính là bước quan trọng nhất mang lại thành công cho quy trình sản xuất thức ăn 100% nguồn gốc thực vật; đặc biệt có ý nghĩa khi mô hình nuôi thủy sản tái tuần hoàn đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Lợi ích của công nghệ đùn là cải thiện tính ổn định của nguồn nước được cung cấp; quá trình tinh bột hồ hóa cao hơn; cải thiện hấp thu dinh dưỡng; tăng năng lượng; giảm thất thoát chất dinh dưỡng; có khả năng tạo ra thức ăn chìm, nổi hoặc chìm chậm.

Aquate

Công nghệ Aquate được sử dụng thành công trong ngành nuôi trồng thủy sản từ thập kỷ trước và ngày nay nó vẫn duy trì được lớp cân bằng bảo vệ giữa đối tượng nuôi, dinh dưỡng và môi trường. Công nghệ Aquate có khả năng thúc đẩy tăng trưởng của những vi khuẩn có lợi và tạo ra màng chắn bảo vệ dạ dày và ruột của vật nuôi. Aquate củng cố chức năng của hệ tiêu hóa; từ đó, mang lại sự phát triển trong chăn nuôi và cuối cùng là nâng cao lợi nhuận cho người nuôi.

Phương pháp dị dưỡng

Cơ sở sản xuất tảo của Alltech tại Winchester, Kentucky là một trong những cơ sở sản xuất vi tảo dị dưỡng lớn nhất thế giới. Bản chất của phương pháp này là giảm nhiễm bẩn, đồng thời cho phép nhà sản xuất giám sát tốt hơn các quy trình chế biến và tối đa hóa hàm lượng dinh dưỡng. Kết quả cuối cùng là tạo ra nguồn DHA giàu dinh dưỡng, tinh khiết và ổn định. Loại vi tảo giàu DHA này là nguồn thức ăn thiên nhiên dành cho cá hồi non và thay thế được dầu cá trong chế độ ăn hiện nay. Nhờ sản xuất theo công nghệ dị dưỡng, năng suất của tảo đã được tăng lên đáng kể, cùng đó, giúp nhà sản xuất nâng cao khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm và môi trường.

ForPlus

Đây là một sản phẩm chất lượng cao có khả năng thay thế dầu cá do chứa hàm lượng DHA rất cao, an toàn và bền vững. Sản phẩm đã được dùng thử nghiệm trên cá hồi Atlantic từ giai đoạn cá bột đến khi phát triển thành cá giống và giai đoạn tăng trưởng trên 1,2 kg theo chế độ ăn 15% vi tảo. Đáng chú ý là chế độ ăn 15% vi tảo không chứa dầu cá. Vi tảo được chứng minh là tạo cảm giác ngon miệng hơn cho vật nuôi, tiêu hóa tốt hơn và đặc biệt giàu đạm và axít béo không bão hòa. Loại tảo này cũng tác động tích cực lên hàm lượng axít béo ở gan và fillet cá hồi bằng cách kích thích sự phát triển các cơ của vật nuôi.

>> Alex Tsappis, Chuyên gia dinh dưỡng, Alltech cho biết: Các loài thủy sản nuôi chỉ cần một chế độ dưỡng chất cân bằng để tăng trưởng và khỏe mạnh. Do đó, chúng ta cần phải tìm ra được cách thức cung cấp dinh dưỡng cho các loại thủy sản với chi phí hiệu quả và bền vững nhất.

Nguồn: Tạp chí Thủy sản VN được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật ương cua xanh bột lên cua giống

Cua bột 1,2 có thể thả trực tiếp xuống ao nuôi cua thịt nếu như đáy ao nuôi được cải tạo triệt để, có lưới chắn xung quanh bờ, nước nuôi được xử lý từ ao chứa và phải được loại bỏ tôm cá tạp… trước khi lấy vào ao nuôi. Tuy nhiên, phần lớn các ao nuôi cua khó có thể làm được điều đó nhất là việc nuôi cua trong hệ sinh thái rừng ngập mặn. Vì vậy, cua thả nuôi phải đạt kích cỡ lớn hơn để bảo đảm tỉ lệ sống cao hơn.

Tuỳ theo điều kiện môi trường ao nuôi, số lượng và giá cả con giống, kỹ thuật quản lý và mật độ thả mà kích cỡ cua giống thả nuôi khác nhau.

Ương cua bột

Có nhiều hình thức để ương nuôi cua bột thành cua giống: ương trong hồ xi măng, ương trong giai, ương trong ao đất.

Dưới đây là một số kinh nghiệm ương cua bột thành cua giống xin mời bà con tham khảo qua:

I. Ương cua bột trong hồ xi măng

1. Chuẩn bị hồ ương

Hồ xi măng dùng để ương cua thường có kích thước lớn, có thể từ 40-70 m².

Chuẩn bị hồ ương theo các bước sau:

– Tháo cạn nước và phơi đáy hồ.

– Vệ sinh tẩy trùng bể bằng chlorin.

– Chà sạch lại bể bằng xà phòng và rửa lại bể bằng nước sạch.

– Đáy hồ có thể thực hiện một trong các cách sau:

+ Rải đều, dày vỏ hến hoặc vỏ sò, nghêu…

+ Đổ một lớp cát mịn, sạch, dày từ 3 – 5 cm

+ Rải đều các cành san hô nhỏ, ống nước Ф 21.

– Cấp nước biển vào hồ, nước đã để lắng hoặc qua lọc thô có độ mặn từ 20 – 23‰. Chiều cao mực nước từ 40 – 60 cm.

– Bắt sục khí đều khắp hồ, cứ 2 m² thì một viên đá bọt.

– Treo hoặc thả đều vật bám bằng lưới phong lan trong hồ.

– Mật độ thả ương từ 200 – 300 con/m².

– Thời gian ương từ 7 – 15 ngày thì kích cỡ giống có thể đạt từ 1 – 1,7 cm với tỉ lệ sống khoảng 60 – 80%.

2. Quản lý và chăm sóc

Trong những ngày đầu cua ương còn nhỏ, do đó việc chuẩn bị thức ăn ở thời gian 3 – 5 ngày đầu cơ bản giống như thức ăn chế biến trong giai đoạn Megalop, cua bột 1.

Nguyên liệu chế biến thức ăn cơ bản như sau:

– Trứng gà: 5 quả, lấy lòng đỏ.

– Cá thu tươi: 300 g, lóc lấy thịt, bỏ da, xương.

– Tôm nhỏ: 200 g bóc bỏ vỏ.

– Hến hoặc hầu: 350 g.

Xay nhỏ riêng biệt từng nguyên liệu trên, sau đó trộn thật đều cho vào tô sứ lớn đem hấp cách thuỷ, để nguội và giữ trong tủ lạnh cho ăn dần.

Hàng ngày cho ăn 3 lần: 6 giờ sáng, 3 giờ chiều, 11 giờ đêm. Kiểm tra lượng thức ăn mà chúng sử dụng để điều chỉnh tăng giảm, tránh dư thừa làm ô nhiễm môi trường nước. Đặc biệt là không để thiếu thức ăn sẽ tăng nguy cơ ăn thịt lẫn nhau, tỷ lệ sống rất thấp, khả năng phân đàn cao.

Sau ngày thứ 5, có thể sử dụng cá tươi, cá tạp, cua ghẹ, giáp xác nhỏ… đem hấp cách thủy, loại bỏ xương, lọc qua rổ nhựa có mắt lưới phù hợp, khi cho ăn dùng ca tạt đều khắp hồ.

Sau 3 ngày từ lúc thả ương, nên cấp thêm 1/3 nước mới và giảm độ mặn từ 2 – 3 ‰ giúp chúng lột xác và chuyển đồng loạt hơn. Sau 7 – 8 ngày thay 1/3 lượng nước, kích thích cua lột xác phát triển, sau 11 – 12 ngày thay 1/2 – 2/3 lượng nước trong hồ ương, có thể tiếp tục giảm độ mặn 1 – 2‰.

Sau 15 ngày ương, cua bột 1có thể trải qua 3 – 5 lần, lột xác để trở thành cua 5 – 6. Số lần lột xác phụ thuộc vào chế độ cho ăn, hàm lượng dinh dưỡng có trong thức ăn và việc xử lý nước trong hồ ương. Khi đạt kích cỡ mong muốn ta có thể tiến hành thu hoạch và vận chuyển đến ao nuôi cua thương phẩm.

II. Ương nuôi cua bột trong ao đất

Ao đất dùng để ương cua bột phải nằm trong khu vực có độ mặn thấp như vùng cửa sông, nơi có nguồn nước ngọt, vùng đầm phá… phù hợp đặc tính sinh học của chúng. Ao phải có cống cấp thoát nước và chịu ảnh hưởng của chế độ thủy triều, thuận tiện cho việc thay nước, kích thích sự lột xác của chúng.

Cua bột ương trong ao đất thường có 2 hình thức:

– Ương cua bột trực tiếp ao ương giống như ương tôm post, ương kiểu này thường chi phí thấp, tỷ lệ sống cao hơn nhưng lại khó thu hoạch. Do vậy ương trong ao đất khi nhu cầu con giống có kích thước lớn với thời gian ương dài.

– Ương cua bột trong giai: giai này cắm trong ao ương, kích thước giai: 2m x 10 m, có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn tuỳ theo người sử dụng. Chiều cao từ 80 – 100 cm. Đáy giai đặt chìm trong lớp đất bùn của ao ương từ 2 – 3 cm. Miệng giai cao hơn mặt nước 20 – 30 cm. Hình thức ương này có những ưu điểm sau:

– Chủ động trong việc thu hoạch

– Môi trường nước thông thoáng nên có thể nuôi mật độ dày hơn.

– Thay nước thuận tiện nhờ dựa trên chế độ thuỷ triều.

– Cua ương có thể sử dụng một phần thức ăn tự nhiên có trong ao ương.

* Quản lý và chăm sóc:

– Chế độ cho ăn giống như ương cua trong bể xi măng. Tuy nhiên khó xác định chính xác lượng thức ăn mà chúng sử dụng. Vì vậy, phải đặt nhá trong giai để kiểm tra thức ăn và tốc độ tăng trưởng của chúng.

– Thường sau 3 ngày thả giống thay 1/4 lượng nước trong ao.

– Sau 7 ngày thay 1/3 lượng nước trong ao.

– Sau 12 ngày thay1/2 lượng nước trong ao.

Việc thay nước này sẽ kích thích sự lột xác diễn ra dễ dàng hơn, cường độ bắt mồi tốt hơn và khả năng tăng trưởng nhanh.

Sau 15 ngày có thể nhắc giai thu hoạch toàn bộ cua ương, xác định tỉ lệ sống, khả năng tăng trưởng, vận chuyển cua ương bằng phương pháp vận chuyển hở đến ao ương thương phẩm.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Bão cướp đi tất cả, người nuôi trồng thủy sản Khánh Hòa kiệt quệ!

Trắng tay, nợ nần chồng chất, đó là những lời thốt lên buồn bã tận đáy lòng của người nuôi trồng thủy sản Khánh Hòa khi chúng tôi đến hỏi thăm; nhiều vùng nuôi đã bị bão san phẳng, tôm, cá trôi theo bọt nước…

Theo BCH PCTT-TKCN tỉnh Khánh Hòa, bão số 12 đã làm hơn 1.000 ha nuôi trồng thủy sản chủ yếu tôm, cá và 24.320 lồng bè nuôi lồng, thủy sản bị thiệt hại. 1.141 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng. Ngoài ra, nhiều diện tích đìa nuôi trồng thủy sản bị ngập nước.

Trăm tỷ bay theo bão

Mấy ngày nay vợ chồng chị Cao Thị Yến Châu, tổ 8, thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) như người thất thần khi nhìn bè nuôi trồng thủy sản ở khu vực Cồn Cỏ của gia đình đã bị bão đánh chìm, tan nát. Cá, tôm đội nón ra đi, bao nhiêu vốn liếng dành dụm bây lâu nay của gia đình mất sạch.

Vùng nuôi tôm ở Vạn Thọ tan hoang

Chồng chị Châu vốn có tiền sử bệnh huyết áp lại đau thận thấy vậy bệnh càng nặng ra. Anh đi đâu cũng mang theo thuốc để uống nên chẳng làm được gì cứ ngồi ì trên bè thở dài. Mấy ngày qua chị Châu nhờ mấy đứa cháu cùng ra biển phụ kiếm lồng bè sót lại nhưng chỉ kéo vô bờ được mấy khung lồng rách nát.

Chị buồn bã nói: “Hơn 20 lồng nuôi tôm hùm (1.000 con), trọng lượng 0,3-0,5 kg/con và 20 lồng nuôi cá bớp (2.000 con) đã đến ngày thu hoạch, trọng lượng 4-5kg/con chưa kịp xuất bán giờ tan theo bọt nước, ước thiệt hại hơn 2 tỷ đồng chú ơi. Thê thảm hơn gia đình không chỉ trắng tay mà còn nợ ngân hàng và vay nóng bên ngoài đầu tư mua thức ăn hơn 1 tỷ đồng nữa. Cá tôm mất sạch rồi không biết lấy gì để trả nợ đây. Đến chiếc ghe để kiếm cơm giờ cũng bị bão đánh vỡ làm đôi”.

Chị Châu buồn bã vì vốn liếng trôi theo bão

Còn gia đình anh Hà Anh Tuấn, cùng địa phương, khóc nấc lên khi tâm sự gia đình anh mất trắng hơn 100 lồng nuôi tôm hùm và cá bớp, ước thiệt hại trên 4 tỷ đồng.

Anh Tuấn cho biết, trước khi bão vào gia đình đã gọi thương lái đến để bán. Tuy nhiên gọi mãi mà họ không đến. Sau vài tiếng đồng hồ bão vào, rạng sang 4/11, tất cả vốn liếng hàng tỷ đồng của gia đình đã bay mất.

Không chỉ vùng nuôi tôm cá ở thị trấn Vạn Giã thiệt hại nặng mà vùng nuôi tôm thẻ chân trắng đầu tư nuôi trải bạt ở xã Vạn Thọ cũng bị bão xóa sạch. Dẫn chúng tôi đến vùng nuôi tôm ở thôn Ninh Mã, ông Nguyễn Văn Lộc, một người nuôi tôm ở đây cho biết, vùng nuôi hoàn toàn tan hoang. Bây giờ muốn phục hồi phải mất vài tháng  mới xong. Bão vào làm toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng như ao nuôi, điện, quạt nước, phao ganh… đều bị cuốn phăng. Điều đáng nói là các ao nuôi đều thả tôm nên thiệt hại càng nặng nề hơn. Người thiệt hại ít cũng vài trăm triệu, còn nhiều lên đến hàng tỷ đồng.

Ông Lộc bên ao đìa nuôi tôm bị tan hoang

Như gia đình ông Lộc có 2 ao nuôi trải bạt, trong đó 1 ao (1.200m2) thả 30 vạn con đã nuôi 2 tháng, tôm đạt size hơn 100 con/kg và 1 ao (1.600m2) thả 45 vạn con đã nuôi 1,5 tháng cũng bị bão đánh vỡ bờ, tôm thoát sạch ra ngoài, thiệt hại trên 500 triệu đồng (chưa kể thiệt hại công trình ao nuôi).

Rời vùng nuôi Ninh Mã, chúng tôi tiếp tục xuống vùng nuôi tôm thẻ ở thôn Tuần Mã cùng thuộc xã Vạn Thọ cũng tương tự với khung cảnh ao đìa tan hoang. Bão vào, nước biển bất ngờ dâng cao, tràn vào các bãi đầm nên tôm đã bơi đi hết. Ngoài ra thiệt hại còn nặng nề khi nhiều công trình ao nuôi bị phá hủy buộc phải đầu tư lại từ đầu.

Trong số người thiệt nặng phải kể đến hộ anh Lê Quang Duy với 16 ô nuôi tôm và ốc hương (từ 2.000-5.000m2/ao) đều bị sạt lở. Cá tôm, ốc chết nằm la liệt đành thu hoạch non. Anh Duy than vãn: “Hiện chưa thống kê hết thiệt hại, nhưng ít nhất gia đình tôi mất khoảng 6 tỷ đồng”.

Ở khu vực Đầm Môn, xã Vạn Thạnh một trong những vùng nuôi tôm hùm trọng điểm ở Khánh Hòa với hàng ngàn ô lồng bè, theo khảo sát của chúng tôi cũng bị bão nhấn chìm hoàn toàn ô lồng.

Bão đánh lồng bè tan nát, chỉ còn khung trơ trọi

Không giấu được nỗi buồn, anh Lê Tuấn, một người nuôi tôm ở đây cho biết: “Vụ tôm hùm vừa qua tôi thả nuôi 1.000 con tôm hùm giống. Tôm nuôi được 7 tháng rồi. Cơn bão ập đến đã cuốn đi tất cả. Tính cả tiền giống, tiền chi phí thức ăn, làm lồng bè thì nhà tôi đã mất trên 1 tỷ đồng”.

Mong có chính sách hỗ trợ

Trao đổi với NNVN, ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ thừa nhận, đúng là hầu hết người nuôi trồng thủy sản ở địa phương đều có vay vốn ngân hàng. Sau cơn bão, toàn xã ngoài 47 ha ao tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại, còn có 10 ha ốc, hàng chục lồng nuôi cá ở ven biển bị xóa sổ; tổng giá trị thiệt hại ước khoảng hàng chục tỷ đồng.

Nếu nhà nước không có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ thì bà con không để nào khôi phục sản xuất. Ông Nguyễn Văn Lộc, cho biết: “Hai ao nuôi trên bạt của gia đình tôi giờ muốn nuôi lại phải đổ đất đắp ao, rồi trải bạt và mua toàn bộ thiết bị phục vụ nuôi tôm bởi đã hư hỏng hoàn toàn. Dự kiến số tiền sửa chữa tốn hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra chưa kể sau khi phục hồi xong ao rồi, còn mua giống, mua thức ăn để nuôi”.

Còn chị Cao Thị Yến Châu than thở: “Bây giờ gia đình tôi đã trắng tay, còn mang nợ nữa nên không thể nào xoay xở vốn để đầu tư. Chúng tôi hy vọng nhà nước có chính sách tháo gỡ giúp cho người trồng thủy sản”.

Nguồn: Báo Nông nghiệp được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn

Bài viết trình bày chi tiết về quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn cho hiệu quả kinh tế cao.

1. Chuẩn bị ao ương nuôi

– Cải tạo ao

+ Để nuôi TTCT theo hình thức này, người nuôi cần bố trí 1 ao với diện tích từ 500 – 1.000 m2 để ương tôm giống giai đoạn đầu. Đồng thời, bố trí ao nuôi liền kề với ao ương để thuận tiện cho việc san thưa, hạn chế tôm nuôi bị sốc.

+ Trước mỗi vụ tiến hành cải tạo ao nuôi và ao ương theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Đầu tiên, tháo cạn nước ao nuôi và ao ương, sên vét làm sạch đáy ao, loại bỏ các địch  hại có trong ao từ vụ nuôi trước, gia cố bờ ao chắc chắn hạn chế thẩm thấu, mất nước trong ao; sau đó rải vôi CaO lượng 10 – 15 kg/100 m2 tiêu diệt mầm bệnh của vụ nuôi trước.

+ Tiếp theo lấy nước vào ao (sâu 20 – 30 cm), thau rửa 2 – 3 lần, xả khô, rải vôi nông nghiệp (CaCO3) từ 15 – 20 kg/100 m2, sau đó tiếp tục phơi ao 5 – 7 ngày đến khi nứt chân chim thì tiến hành lấy nước.

– Lấy nước và xử lý nước

+ Khuyến cáo người nuôi tôm cần thường xuyên theo dõi chất lượng ngoài kênh rạch trước khi lấy vào ao. Khi quan sát thấy chất lượng nước đảm bảo (nước đứng), tiến hành lấy vào ao lắng (qua túi lọc) cho đầy ao, lắng 3 – 5 ngày.

+ Cấp nước từ ao lắng qua ao ương và ao nuôi (qua túi lọc) đạt 1 – 1,2 m, tiến hành chạy quạt liên tục 3 ngày cho trứng cá và giáp xác nở thì tiến hành xử lý BKC liều lượng 10 – 15 kg/1.000 m3 kết hợp saponine liều lượng 7 – 10 kg/1.000 m3 vào lúc trời nắng để đạt hiệu quả diệt tạp và diệt khuẩn tốt nhất.

– Gây màu nước

+ Áp dụng phương pháp bón phân gây màu theo khuyến cáo của ngành chuyên môn nhằm duy trì mật độ tảo trong ao, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm giống. Phân vô cơ (urê hoặc DAP), bón ngày đầu 2,2 kg/1.000 m2, sau đó giảm dần hoặc dùng cám gạo, bón 1 – 1,2 kg/1.000 m2 trong 1 tuần.

+ Sử dụng chế phẩm sinh học có chứa các dòng vi khuẩn (Lactobacillus, Nitrobacter, Nitrosomonas…) để khống chế vi khuẩn gây bệnh, làm sạch đáy ao, hấp thu khí độc NH3, H2S, NO2… Sau khi gây màu nước nên kiểm tra độ trong của nước ao, khi đạt 35 – 40 cm mới tiến hành thả giống.

2. Tôm giống và phương pháp ương

– Chọn tôm giống

+ Trong nuôi tôm, chất lượng tôm giống là yếu tố quyết định thành công của vụ nuôi. Do vậy, muốn tôm giống thả nuôi có chất lượng đảm bảo cần chọn ở các cơ sở có uy tín, xuất xứ nguồn gốc rõ ràng.

+ TTCT giống phải đảm ứng các yêu cầu cảm quan như: Tôm có chiều dài > 0,8 cm (PL10 – 12), kích cỡ đồng đều, tỷ lệ chênh lệch đàn < 5%, phụ bộ tôm hoàn chỉnh, không dị tật và khả năng bơi ngược dòng tốt. Sau đó, đem tôm giống xét nghiệm đảm bảo âm tính với các bệnh nguy hiểm như: Bệnh còi, đốm trắng, đầu vàng, hoại tử gan tụy cấp tính, Taura.

– Phương pháp ương tôm giống

– Sau khi ao ương đã chuẩn bị hoàn tất, tiến hành ương với mật độ ương phổ biến 100 – 150 con/m2. Thả tôm giống vào thời điểm sáng sớm, thời tiết thuận lợi không ảnh hưởng của mưa bão, nắng nóng kéo dài.

+ Trong thời ương cần tăng cường quản lý, chăm sóc tôm nuôi, theo dõi các yếu tố môi trường ao ương (ôxy hòa tan, pH, nhiệt độ, độ kiềm, độ mặn…) hằng ngày để kịp thời xử lý hiệu quả. Theo dõi khả năng tiêu tốn thức ăn của tôm để điều chỉnh cho phù hợp, thông thường lượng thức ăn cho ngày đầu 1,5 – 2 kg/100.000 post, sau đó tăng 300 – 700 g/ngày.

+ Định kỳ sử dụng vôi CaCO3 liều lượng 10 – 15 kg/100 m3 kết hợp tạt vi sinh cho ao ương, khoáng để ổn định các yếu tố môi trường ao ương.

3. Chăm sóc, quản lý sau khi san nuôi

– Trước khi san cần lưu ý kiểm tra môi trường cả hai ao (ao ương và ao san) đảm bảo sự tương đồng các thông số: độ mặn, pH, độ kiềm, ôxy hòa tan… nhằm hạn chế gây sốc cho tôm nuôi. Ao san cần được diệt khuẩn, gây màu, đảm bảo màu nước, độ trong, các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng thích hợp cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt.

– Sau khi ương được 30 – 40 ngày, tiến hành san ra ao nuôi. Khuyến cáo tiến hành san thưa trong những ngày thời tiết thuận lợi, tốt nhất san thưa vào chiều tối. Thông thường có hai cách san tôm từ ao ương san ao nuôi là đào mương cho tôm tự qua và chày tôm chuyển sang.

– Quản lý tốt việc cho tôm ăn trong quá trình nuôi, thông thường cho ăn từ 4 cữ/ngày, cho tôm ăn theo nguyên tắc “ngày nhiều, đêm ít” với tỷã lệ 6:4. Trong những ngày thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, tôm đang lột xác… giảm lượng thức ăn 30 – 50% lượng thức ăn hằng ngày.

– Hàng ngày quan sát hoạt động bắt mồi và sức khỏe của tôm trong ao, xem biểu hiện bên ngoài của tôm thông qua màu sắc, phụ bộ, thức ăn trong ruột… để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường kịp thời xử lý.

– Trong nuôi thẻ chân trắng, cần độ kiềm > 80 mg/l trở lên bằng cách sử dụng vôi CaCO3 hoặc Dolomite với liều lượng 10 – 15 kg/1.000 m3 kết hợp tạt khoáng cho ao nuôi vào ban đêm 3 – 5 ngày/lần giúp tôm nhanh cứng vỏ và lột xác đồng loạt.

–  Định kỳ 7 – 10 ngày sẽ cấy vi sinh để tăng cường mật độ vi khuẩn có lợi trong ao nuôi. Trường hợp vi khuẩn Vibriospp. cao (sau khi có kiểm tra mẫu nước tại các cơ quan chuyên môn) tiến hành diệt khuẩn ao nuôi trước, sau 1,5 – 2 ngày tạt vi sinh để tạo môi trường thuận lợi cho tôm nuôi sinh trưởng và phát triển.

– Cấp nước bổ sung cho ao nuôi khi thật sự cần thiết vì nếu chất lượng nước không đảm bảo tôm dễ bị sốc. Trường hợp cấp nước bổ sung vào ao nuôi thì nên lấy nước từ ao lắng đã được xử lý cẩn thận và mỗi lần bổ sung 10 – 20% vào sáng sớm hoặc buổi chiều mát.

Nguồn: Tạp chí Thủy sản VN được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Hóa chất trị rận biển và tác hại với các sinh vật khác

Để xử lý cá bị rận biển, người nuôi thường sử dụng các loại hóa chất. Tuy nhiên, các loại hóa chất này lại gây ra tác dụng phụ nguy hiểm.

Rận biển là một nhóm các giáp xác chân chèo sống kí sinh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng sức khỏe của vật chủ, đặc biệt là các loài thủy sản nuôi như cá hồi.

Emamectin benozoate (EMB) là một loại thuốc trừ sâu hữu hiệu, thường được sử dụng để trị nhiễm rận biển trong nuôi cá. Mặc dù là hóa chất có ích khi đảm bảo sức khỏe cho cá và duy trì được sản lượng cá hồi có lãi, nhưng EMB không phải không có những mặc trái của nó. Đã có những tranh cãi trong việc sử dụng EMB do các tác động bất lợi được đã báo cáo đối với các loài khác (không phải là đối tượng trị bệnh), được coi là quan trọng để duy trì một môi trường lành mạnh.

EMB được sử dụng nhiều

Mặc dù từ năm 2012 – 2013 việc sử dụng emamectin đã giảm, nhưng đến năm 2014 thì tăng trở lại ở một số quốc gia như Na Uy do rận biển đang dần kháng lại các biện pháp xử lý thay thế. EMB là chất gây độc thần kinh mạnh đối với côn trùng và các giáp xác chân chèo như rận biển, và cuối cùng có thể dẫn đến chết do bị tê liệt. Thuốc trừ sâu có hiệu nghiệm này cũng gây độc cao cho các loài giáp xác như tôm hùm Mỹ, và do đó làm dấy lên mối quan tâm về những ảnh hưởng bất lợi đến các loài không phải là đối tượng trị bệnh nhưng lại có giá trị về kinh tế.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu nước Na Uy (the Norwegian Institute for Water Research – NIVA) đã tiến hành một loạt các nghiên cứu để xác định đặc tính gây độc của EMB ở loài giáp xác không phải là đối tượng xử lý bệnh. Nghiên cứu đã được công bố gần đây ở Tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường.

You Song, một nghiên cứu sau tiến sĩ tại NIVA, giải thích: “Giáp xác nước ngọt và loài thử nghiệm độc tính theo chuẩn OECD, Daphnia magna, đã được sử dụng như là một mô hình tham khảo”.

Song cho biết thêm: “Bằng cách kết hợp giữa thử nghiệm độc tính cấp tính đã được tiêu chuẩn hóa với các kỹ thuật phân tử và tế bào cải tiến, người ta đã chứng minh EMB vừa ảnh hưởng đến sự dẫn truyền thần kinh ở D. magna, vừa can thiệp vào sự lột xác bình thường do làm rối loạn các tín hiệu của tuyến nội tiết”.

Những cơ chế tiềm năng này có thể là động lực chính gây ra tỷ lệ tử chết cao của các động vật được quan sát trong nghiên cứu này.

Có nên hạn chế sử dụng EMB?

Nghiên cứu kết luận rằng điều trị rận biển bằng EMB có thể gây nguy hiểm đối với các loài giáp xác không phải là mục tiêu trị bệnh trong các vùng nước gần các trang trại nuôi cá.

Nhà nghiên cứu cao cấp và quản lý dự án, Knut Erik Tollefsen, của NIVA cho biết: “Việc đánh giá để mở rộng quy mô vấn đề và xác định liệu cần có những hạn chế sử dụng đặc biệt hay không cần phải được xem xét để đảm bảo sử dụng bền vững các loại thuốc thú y trong nuôi trồng thuỷ sản”.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.