Đem cá tươi ủ làm phân bón, kết quả là 2000 gốc cam sai trĩu quả

Mọi người lên thăm vườn cam của lão thì bảo “lão này hâm, cá không có mà ăn lại đem ủ phân bón cho cam”, người thì bịt mũi không chịu được cái mùi hôi thối của cá ủ bốc lên nồng nặc. Nhưng ít ai ngờ đây là chiêu độc mà ông Phạm Bá Tiến, đội 5, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên làm để “sai khiến” gần 2.000 gốc cam của ông vụ nào cũng trĩu quả.Giảm chi phí phân bón

Đã 7 vụ cam, ông Tiến thành công với cách bón phân lạ lùng của mình. Phân bón cam của ông được làm từ cá tươi, ủ với các chế phẩm sinh học. Theo ông Tiến thì chi phí từ việc ủ cá làm phân, thấp hơn nhiều so với đầu tư các loại phân bón khác. Không phải ai làm nghề trồng cây ăn quả cũng biết cách ủ cá làm phân như ông Tiến, vì mọi người vẫn quan niệm phân bón là dùng phân vô cơ, hữu cơ mới tốt.“Lúc đầu, thấy tôi làm như vậy, ai cũng bảo hâm, cá không có mà ăn, lại đem ủ phân bón cho cam, họ chỉ quen dùng các loại phân bón bán trên thị trường. Nhưng tôi ủ cá làm phân không phải chỉ có cá mà tôi còn mua thêm nhiều loại men vi sinh phân hủy trộn lẫn để ủ cá. Nhờ thế chất lượng phân rất tốt mà cây cũng dễ hấp thu” – ông Tiến chia sẻ cách ủ cá làm phân của mình. Khi nước lòng hồ thủy điện Sơn La dâng cao, các loại cá nhỏ được bà con đánh bắt rất nhiều, bán rất rẻ trên thị xã Mường Lay. Ông Tiến đã cất công lên tận Mường Lay để mua cá về ủ phân bón cho cam.

Theo ông Tiến thì chi phí ủ cá bón cho 1.500 gốc cam của ông trung bình mỗi năm hết 20 triệu đồng cả cá và men vi sinh, giảm 1/3 chi phí so với bón các loại phân khác. Cá được ông Tiến mua về, ông đào hố, lót cẩn thận để nước phân không ngấm ra ngoài, ông mua thêm chế phẩm EMUNIV là loại chế phẩm sinh học có chứa nhiều vi sinh vật có tác dụng phân hủy xác, bã hữu cơ và khử mùi hôi. Sau đó cho thêm nước, mật rỉ đường cùng ủ, thời gian ủ khoảng hơn 1 tháng thì bón cho cam.“Cách làm này không mới với bà con vùng trồng cây ăn quả lớn nhưng lại rất mới với bà con nông dân của các vùng quê nghèo như tỉnh Điện Biên. Cả vùng này tôi chưa thấy ai ủ cá làm phân bón như tôi, cách này tôi học được chính là trong chuyến thăm quan vùng trồng cam nổi tiếng – Cao Phong, tỉnh Hòa Bình”. Ông Tiến chia sẻ thêm.

Bón đúng thời điểm cho cam chất lượng

Cách bón phân cá cho cam của ông Tiến cũng rất khoa học, đảm bảo cung cáp đủ dinh dưỡng cho cam, vì thế 7 năm gần đây năm nào vườn cam nhà ông cũng trĩu quả. “Để bón phân hiệu quả nhất, trước đó phải cuốc quanh gốc nhằm làm đứt các rễ già, khi cây ra rễ mới tôi mới bón phân cá cho cam. Sau khi cây ra hoa được hơn 1 tháng tôi lại tiếp tục bón phân cá, như vậy cây sẽ hấp thu được hết các chất dinh dưỡng, cho quả sai và chất lượng cam cũng rất tốt. Khi bón, cần pha loãng phân với nước, tưới đều xung quanh gốc cây với lượng vừa đủ, như thế cây cam sẽ hấp thu hết chất dinh dưỡng” – ông Tiến bảo vậy.Trung bình 1 cây cam của ông Tiến cho thu hoạch hơn 40kg quả, đạt hơn 1 triệu đồng/cây.

Trung bình 1 cây cam của ông Tiến cho thu hoạch hơn 40kg quả, đạt hơn 1 triệu đồng/cây

Những năm nguồn cá làm phân khan hiếm trên thị trường và giá đắt, ông Tiến lại tìm kiếm gom nhiều nguồn cá tạp để làm phân. Năm nay, ông Tiến phải đánh bắt gần 1 tấn cá tạp trong chính ao nhà mình và hàng xóm, chủ yếu là rô phi, để ủ phân bón cam. Theo cách tính của ông thì nếu bán cả tấn cá rô phi may lắm cũng chỉ được 25 triệu đồng, đấy là cá loại to. Nhưng để mua phân bón cho cam thì cả vườn cam nhà ông cũng ngốn ngót nghét cả trăm triệu. Vì thế ông quyết định đầu tư toàn bộ số cá trong ao nhà cho vườn cam.

“Họ bảo tôi hâm chính là thấy tôi bắt cá ủ phân bón cam. Nhưng mọi người có biết đâu, để đầu tư mua phân bón cho vườn cam còn đắt hơn rất nhiều mà chất lượng chưa chắc đã đảm bảo. Họ cũng không biết phân ủ từ cá có nhiều khoáng chất cần thiết cung cấp dinh dưỡng cho cây nên tạo sức phát triển mạnh và tăng tuổi thọ cây trồng. Qua gần chục năm thử nghiệm, tôi đã đúc rút ra bài học ấy cho nghề làm vườn” -ông Tiến khẳng định như vậy.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sản xuất giống cà phê bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào

Nhằm đáp ứng nhu cầu tái canh cà phê của người dân, cũng như áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, các nhà khoa học làm việc tại Phòng Sinh hóa và Công nghệ sinh học -Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã ngày đêm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sản xuất giống cà phê bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào.

Đây được xem là một công nghệ sinh học hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả khi đã nhân giống hàng nghìn cây cà phê đạt chất lượng cao. Một số hình ảnh tại phòng nghiên cứu nuôi cấy mô tế bào của WASI:

Bước đầu tiên của hình thức nhân giống cà phê bằng phương pháp nuôi cấy mô, các nhà khoa học phải lựa chọn những giống cây đạt chất lượng tốt nhất để lấy mẫu. Trong ảnh: Cà phê lựa chọn lấy mẫu là TR4 và TR11 (đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận)

Các mẫu lá sau khi được lựa chọn sẽ khử trùng và đưa vào bình thí nghiệm để tiến hành tạo mô sẹo, công đoạn này mất khoảng 5 tháng 

Sau đó các bình thí nghiệm được đưa lên máy lắc để nhân thêm mô sẹo

… sau 4 tháng những mô sẹo mới được hình thành

Để bảo đảm cây giống cà phê được phát triển tốt, các bình thí nghiệm chứa mô sẹo đều được bảo quản trong môi trường tốt nhất

Mất thêm 5 tháng để mô sẹo hình thành cây trong hệ thống nuôi cấy mô

… và mất thêm 50 ngày để các nhà khoa học tạo thành cây con hoàn chỉnh trong các box thí nghiệm nhỏ.

Sau đó được cắm vào các bầu đất trong vườn thực nghiệm để cây sinh trưởng

Nhằm giúp cây con phát triển tốt, vườn thực nghiệm phải được trang bị một hệ thống tưới phun sương hiện đại

Hệ thống phải bảo đảm được điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây con

Nhờ chăm sóc tốt, các cây cà phê được nhân giống tại đây đều sạch bệnh, phát triển tốt

Mất gần 2 năm kể từ khi lấy mẫu lá cho đến lúc phát triển thành cây cà phê, tuy nhiên chất lượng cây giống này luôn được bảo đảm. Trong ảnh: các nhà khoa học kiểm tra tình trạng phát triển của cây cà phê được nhân giống bằng hình thức nuôi cấy mô

Như vậy, từ một mẫu lá của một cây mẹ đạt chuẩn, bằng hình thức nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, các nhà khoa học có thể nhân lên hàng nghìn cây con có chất lượng tương đương hoặc tốt hơn, nhờ loại bỏ được những khuyết điểm tồn tại trên cây mẹ.

Nguồn: Báo Daklak được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Dự báo sâu bệnh tổng hợp trong tuần (13.11.2017)

Ở các tỉnh thành phía Nam, rầy nâu phổ biến tuổi 2 – 4, gây hại chủ yếu ở mức nhẹ – trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, hại nặng cục bộ trên lúa giai đoạn làm đòng trỗ.

1. Trên lúa

1.1. Các tỉnh phía Bắc: 

Rầy, sâu cuốn lá, chuột, nhện gié, bệnh khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, lem lép,… hại nhẹ trên lúa mùa muộn tại Hà Tĩnh.

1.2. Các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: 

– Trên lúa đông xuân cực sớm giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng các đối tượng bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông hại nhẹ; giai đoạn mạ – đẻ nhánh sâu năn, sâu keo, bọ trĩ, dòi đục nõn… phát sinh gây hại nhẹ. Rầy, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh bạc lá… hại lúa mùa giai đoạn đẻ nhánh – chín.

– Chuột gây hại cục bộ trên lúa đông xuân giai đoạn đẻ nhánh và trên lúa gieo.

– Ốc bươu vàng di chuyển và lây lan theo nguồn nước và gây hại diện rộng sau mưa lũ.

1.3. Các tỉnh phía Nam: 

– Rầy nâu phổ biến tuổi 2 – 4, gây hại chủ yếu ở mức nhẹ – trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, hại nặng cục bộ trên lúa giai đoạn làm đòng trỗ.

– Bệnh bạc lá có khả năng phát triển mạnh trên lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh đến trỗ, trên những diện tích lúa quá tốt do bón thừa phân đạm, nhất là trên các giống nhiễm C10, OM 4900, OM 5451, OM 7347…

2. Trên cây trồng khác

– Trên ngô và cây rau màu: Các đối tượng gây hại tiếp tục hại nhẹ – trung bình.

– Cây hồ tiêu: Tuyến trùng rễ, bệnh chết chậm giảm; bệnh chết nhanh gây hại tăng nhẹ.

– Cây cà phê: Bệnh khô cành, gỉ sắt; rệp vảy xanh, rệp sáp, bệnh đốm mắt cua… gây hại tăng.

– Cây có múi: Sâu vẽ bùa, ruồi đục quả, bệnh loét, bệnh sẹo… hại tăng.

– Cây thanh long: Bệnh đốm nâu tăng nhẹ.

– Cây điều: Bọ xít muỗi và bệnh thán thư tiếp tục phát sinh gây hại tăng.

– Cây mía: Bệnh chồi cỏ, bệnh trắng lá… gây hại cục bộ mía ở vùng ổ dịch.

– Cây sắn: Nhện đỏ, bệnh chổi rồng, bệnh khảm lá sắn… tiếp tục gây hại.

Nguồn: Cục Bảo vệ thực vật được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Hướng dẫn cách phơi cà phê kiểu mới đem hiệu quả cao

Cách phơi cà phê kiểu mới đem hiệu quả cao Viện khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên đề xuất cách phơi cà phê mới đơn giản, dễ áp dụng ở từng nông hộ và có thể vừa hái vừa phơi trên rẫy.

Phơi cà phê trên giá

Dùng những cây tre/thanh gỗ đóng giá phơi giống như kiểu làm cây thang. Tùy vị trí đặt và phương tiện chuyên chở giá phơi đến vị trí phơi, chiều dài một khung tre có thể từ 2 – 6 m. Cắt các khúc ngọn tre làm thanh đà ngang dài 1,2 hoặc 1,4 m. Đục các lỗ tương ứng cách nhau 40 cm trên hai thanh dài để lắp các thanh đà ngang. Dùng ngàm/chốt nối 2 đoạn tre dài với các đoạn tre ngắn thành khung giá. Chẻ những thanh tre có bản rộng 2 – 3 cm, chuốt sơ, tề đầu, đóng cách nhau 3 cm vào các thanh đà. Chân giàn cao 0,7 – 0,8 m tiện cho việc đứng phơi, thu gom; có thể đóng cố định xuống đất, tạo thành ngựa hay dùng các sọt nhựa hình chữ nhật dễ di chuyển. Dựng giá phơi ở chỗ nhiều nắng và có gió càng tốt. Dùng bạt nhựa loại 2 da hay có chỉ (bền, xài được nhiều năm) rộng 1,5 – 1,6 m trải lên mặt giàn. Hái được bao nào, đổ lên giàn, trải mỏng phơi liền. Gặp mưa chỉ cần kéo nửa tấm bạt đậy lại, trời hửng giở ra, lâu lâu quơ tay đảo trở.

Phơi cà phê trên giá kết hợp với hiệu ứng lồng kính

Giá phơi làm như trên. Làm thêm tấm “kính” bằng nylon hay polyester trong suốt có kích thước bằng hay lớn hơn một chút với giá phơi. Trong 1 giờ đầu buổi sáng, tấm “kính” được đậy lên giàn phơi. Khi bên ngoài nhiệt độ 20 – 30 độ C, bên trong lồng kính tăng đến 40 – 50 độ C, hơi nước trong trái cà phê bay hơi nhanh hơn. Sau 1 – 1 giờ 30, dùng đoạn cây dài 30 – 40 cm chống một bên của tấm “kính” lên, việc này quan trọng giúp hơi nước bay đi mà không thấm lại vào trái cà phê. Nắng vẫn xuyên qua tấm “kính”, nhiệt độ trong lồng kính cao vẫn làm sự bay hơi nước liên tục, cà phê mau khô. Nếu trời mưa, chỉ cần sập tấm “kính” xuống là cà phê không bị ướt.

Nhà kính phơi cà phê

Phát triển từ phơi giá và tấm “kính” làm tăng nhiệt độ, phơi cà phê mau khô. Theo cách này, chế nhà vòm mỗi chiều khoảng 2,5 – 3 m lợp “kính”, dựng ngoài trời, có “nồi hút gió” trên nóc. Phủ “kính” kín từ nóc, tứ bề đổ xuống nền xi măng. Bố trí 2 – 3 cửa thông (lấy) gió dài 30, rộng 15 cm ở hai bên, cách mặt đất 20 cm. Trong nhà vòm có nhiều tầng đặt giá lưới sắt hay nan tre, giá dưới cùng cách mặt đất 30 – 35 cm, các tầng trên cách nhau 25 – 30 cm. Khi trời nắng, nhiệt độ ngoài trời đạt 30 độ C thì trong nhà vòm là 60 độ C, cà phê rất mau khô. Không khí trong nhà vòm bị nung nóng bởi hiệu ứng nhà kính bốc lên cao đi qua các giàn cà phê cần phơi, bay ra ngoài qua nồi gió. Các luồng không khí đi vào từ bên dưới, vào nhà vòm, bốc lên cao một cách tuần hoàn; trong khi không khí nóng di chuyển giúp cà phê khô mau.

Nguồn: Trung tâm nguyên cứu nông vận nông được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Người dân trồng mía Khánh Hòa trắng tay sau bão

Hàng ngàn ha mía ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) đổ rạp, gãy ngọn, bật gốc sau bão 12 đi qua. Một vụ mía trắng tay.

Đã nhiều năm, người trồng mía Khánh Hòa mới chịu thiệt hại nặng nề đến như thế. Nhiều người thua lỗ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng.

Đổ rạp, bật gốc toàn bộ

Là địa phương có diện tích mía lớn của tỉnh Khánh Hòa, khi cơn bão số 12 đi qua, hầu hết các cánh đồng mía ở TX Ninh Hòa đều bị hư hại. Thống kê sơ bộ, có 7.768ha mía chịu thiệt hại do bão. Trong đó, nhiều địa phương như Ninh Thượng, Ninh Tây, Ninh Sim… diện tích thiệt hại trên 1.000ha.

Sau bão, diện tích trồng mía trên địa bàn TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) chịu thiệt hại nặng nề

Ông Lê Thiện Nhất, Phó chủ tịch xã Ninh Sim, cho biết, trên địa bàn có khoảng 1.800ha mía gãy đổ, bật gốc. “Tùy từng cây ở độ tuổi nào mà chịu ảnh hưởng ở mức độ khác nhau. Những cây lớn thường bị gãy ngọn, thân, còn  cây nhỏ thì đổ rạp, bật gốc. Nói chung là tỷ lệ diện tích thiệt hại lên đến 100%. Chắc chắn năng suất mía sẽ giảm khoảng 50%”, ông Nhất nói.

Được biết, vụ thu hoạch mía tại Ninh Hòa sẽ bắt đầu từ cuối tháng 12 cho đến tháng 5 năm sau. Qua quan sát, hầu như toàn bộ những cây mía lớn, chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là thu hoạch đều bị gió bẻ gãy ngang thân, ngọn đứt lìa. “Năng suất sẽ giảm khoảng 50 – 70% vì cây đã gãy như thế thì không phát triển được nữa”, ông Cao Văn Cảnh (Ninh Sim) – một người dân trồng mía cho biết.

Vụ mía này, ông Cảnh canh tác diện tích 20ha. Tính tất cả chi phí đầu tư, phân bón, nhân công… ông đã bỏ ra khoảng 800 triệu đồng. Bình thường với diện tích này mỗi năm sẽ đem lại cho ông khoảng 200 – 300 triệu tiền lời thì năm nay, gia đình ông sẽ thua lỗ với con số tương tự.

Trắng tay sau bão

Cũng giống như ông Cảnh, do ảnh hưởng của bão, toàn bộ 57ha mía của gia đình ông Nguyễn Hữu Điền (Ninh Xuân, Ninh Hòa) cũng thiệt hại hoàn toàn. Ông Điền nghẹn ngào: “Còn gì đâu mà nhắc đến nữa. Tôi bỏ ra hơn 2 tỷ đồng đầu tư cho đồng mía giờ toàn bộ vốn liếng gần như đi sạch. Dù có vớt vát lại cũng phải lỗ gần cả tỷ đồng rồi. Số tiền lỗ còn có thể hơn nữa vì năm nay, mía đổ nghiêng ngả nên thu hoạch khó. Tiền công chặt năm ngoái trung bình 200.000 đồng mỗi tấn chứ năm nay có thể lên đến 300.000 đồng, càng thêm lỗ”.

Những cây mía sắp đến thời kỳ thu hoạch đều bị gió bão làm gãy ngọn

Đau xót không kém là trường hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Được (Ninh Tây). Mấy ngày nay, dù căn nhà của ông bị đổ sập, mọi thứ còn ngổn ngang chưa dọn dẹp nhưng vì quá buồn bã ông cứ đi loanh quanh khắp nơi cho khuây khỏa. Toàn bộ diện tích 45 ha mía của ông đều bị bão tàn phá hư hại.

“Mất sạch rồi chú à. Mấy ngày nay người trồng mía chúng tôi đã khóc cạn nước mắt. Trồng mía ở đây mấy chục năm chưa có năm nào cây mía bị tàn phá hoàn toàn như thế. Trong 6 tiếng đồng hồ, bao nhiêu tiền bạc, vốn liếng ra đi sạch”, ông Được nói.

Lặng lẽ đi vào ruộng mía, ông Được cho biết thêm, với cây mía đã ngã đổ thì người dân chỉ biết để vậy chứ không có cách nào khắc phục. Khi nào thu hoạch chặt được chừng nào hay chừng đó. “Mía chưa phát triển tối đa đã gãy đổ thì tỷ lệ chữ đường cũng thấp, giá bán thấp hơn. Những cây mía còn nhỏ, khoảng 6 – 7 tháng nữa mới thu hoạch giờ bị ngã như thế chỉ bỏ luôn chứ làm gì được. Tính ra năm nay nhà tôi thua lỗ gần 700 triệu đồng”, ông Được nói.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

“Cải lão hoàn đồng” những giống cà phê đặc sắc

Sau nhiều thập niên gần như bị lãng quên, các giống cà phê đặc sắc, quý hiếm bậc nhất thế giới như Bourbon, Moka… đang được phục tráng, trồng trở lại tại Cầu Đất và vùng phụ cận của Đà Lạt – Lâm Đồng. Các hãng cà phê lớn trên thế giới sẵn sàng đặt hàng, báo giá trước khi thu hoạch tới vài tháng.

Thu hoạch cà phê Arabica.

Thương hiệu trăm năm

Từ những thập niên đầu của thế kỷ trước, người Pháp đưa một số giống cà phê Arabica nổi tiếng thế giới như Moka, Bourbon… sang trồng tại Cầu Đất (xã Xuân Trường), cách trung tâm thành phố Đà Lạt hơn 20km. Dòng cà phê Moka nhanh chóng thích nghi với vùng đất mới, nơi có độ cao lý tưởng 1.600m, khí hậu lạnh, có sương mù… Moka Đà Lạt đã góp phần làm rạng danh thương hiệu “Arabica du Tonkin” tại Pháp từ trăm năm trước. Theo các “tín đồ” của dòng Moka, loại cà phê này có hương thơm quyến rũ, hậu vị sâu và thanh chua tinh tế.

Một dòng cà phê được xếp vào loại quý hiếm nhất nữa là Bourbon với hạt nhỏ màu xanh biếc, hương thơm quý phái, ngất ngây, vị hơi chua một cách thanh thoát và hậu vị hơi đắng như socola. “Một khi đã thưởng thức hương vị đích thực của Bourbon, người ta sẽ luôn nhớ đến nó hơn bất kỳ loại cà phê nào”, một du khách Mỹ thốt lên sau khi thưởng thức ly cà phê Bourbon tại resort 4 sao Ana Mandara Villas Dalat.

Đây là loại cà phê mang về giải Nhất 2 năm liên tiếp (2015-2016) cho ông Lê Thành An (Đà Lạt) tại cuộc thi tuyển chất lượng cà phê Arabica của Việt Nam do UCC Nhật Bản – UCC châu Âu tổ chức tại Lâm Đồng. Vì khó trồng và năng suất thấp nên giá cà phê Bourbon thường cao gấp đôi các loại Arabica khác.

Theo các chuyên gia đến từ Công ty Cà phê UCC UESHIMA COFFEE CO.LTD, cà phê Arabica hiện có nhiều dòng khác nhau. Dòng Bourbon được trồng tại Đà Lạt có giá trị cao nhất Việt Nam và chất lượng hương vị sánh ngang với cà phê ngon nhất thế giới.

Nhãn hiệu độc quyền

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) vừa cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm “Cà phê Cầu Đất Đà Lạt”. Kết quả khảo sát mới nhất cho thấy, Cầu Đất – Xuân Trường hiện có gần 1.300 ha, phần lớn là cà phê kinh doanh hơn 10 năm tuổi. Đây là diện tích đã được cấp “sổ đỏ”, nếu cộng thêm những vườn cà phê trồng trên đất đang chờ phân định nông-lâm thì diện tích cà phê Arabica tăng hơn gấp đôi.

Theo Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt, ngoài Cầu Đất, Arabica còn được trồng tại các xã Trạm Hành, Xuân Thọ và một số phường, nâng tổng diện tích lên khoảng 3.500ha, chiếm hơn 85% diện tích cà phê và 33% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Năng suất bình quân đạt 2,7 tấn/ha, sản lượng ước đạt gần 11 ngàn tấn/năm.

Cuối tháng 10 vừa qua, UBND thành phố Đà Lạt đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Cầu Đất Đà Lạt” đợt đầu tiên cho 10 công ty, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến cà phê nhân và cà phê bột Arabica tại Đà Lạt. “Đây là tài sản trí tuệ của thành phố nên chúng tôi cam kết không tự ý chuyển nhượng nhãn hiệu với bất kỳ hình thức nào. Mục tiêu của doanh nghiệp là duy trì, phát triển và không ngừng nâng cao giá trị, chất lượng của sản phẩm cà phê Arabica”, ông Phan Đắc Phú, Giám đốc Cty TNHH cà phê Arabica Cầu Đất Phú Vinh, nói.

Cơ sở chế biến với công suất 100 tấn tươi/ngày của Phú Vinh được đặt tại xã Xuân Thọ, vùng cà phê Arabica rộng lớn với diện tích hơn 540 ha, ước tính tổng sản lượng hơn 1.500 tấn nhân. Hiện đang vào vụ thu hoạch 2017 – 2018. Hội Nông dân xã tích cực vận động nông dân hạn chế tối đa thu hái cà phê xanh, chỉ tập trung thu hái cà phê đủ độ chín để bán cho công ty này.

Các chuyên gia ngành cà phê khuyến cáo trong vòng 24 giờ sau khi thu hái phải đưa cà phê vào chế biến để đảm bảo chất lượng. Ủ lên men đúng kỹ thuật sẽ làm cho hương vị cà phê dịu và thơm ngon tự nhiên. Cà phê phơi nắng có màu sáng trong hơn cà phê sấy; hương vị cũng  ngon hơn…

Kỳ công phục tráng

Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Arabica còn được trồng ở Mộc Châu (Sơn La), Sa Pa (Lào Cai) và một số vùng ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị… Thế nhưng cà phê Arabica ở Đà Lạt và một số tiểu vùng tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) vẫn đạt chất lượng cao nhất bởi vì dẫu ưa khí hậu lạnh nhưng Arabica không chịu được nhiệt độ thấp kéo dài dưới 12 độ C của những nơi khác.

Với độ cao lý tưởng (trên 1.500m) và biên độ nhiệt phù hợp, Đà Lạt-Lâm Đồng trồng được những loại cà phê Arabica có giá cao nhất thế giới như Moka, Bourbon… Tuy nhiên vì đây là những giống khó trồng và dễ bị sâu bệnh nên nông dân chưa mặn mà, giống bị thoái hóa dần.

Những năm gần đây, ông Pierre Morère từ Pháp đã trở lại Lâm Đồng để phục tráng giống cà phê Bourbon mà ông ngoại và mẹ ông từng phát triển thành những đồn điền tươi tốt từ những năm 30 của thế kỷ trước. Ông chuyển giao cây giống và kỹ thuật cho nhiều nông dân ở Lâm Đồng trồng cà phê, sau đó bao tiêu sản phẩm để chế biến thành công loại cà phê mang thương hiệu Bourbon Morère Pointu rồi bán tại Việt Nam và đưa đi tiếp thị rộng rãi ở nước ngoài.

Ông Phạm S cho biết đã tham quan vùng cà phê Bourbon này và nhận thấy tiềm năng rất lớn, do đó tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn lập trại nhân giống cà phê Bourbon. Nếu thành công thì 2 năm nữa sẽ có đủ cây giống để trồng quy mô lớn.

Nguồn: Báo Tiền Phong được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Lạ mà hay: Trồng rau buông rễ lơ lửng, doanh thu 10 tỷ/năm

Trên sườn dốc tọa lạc mặt đường phố Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP Ðà Lạt (Lâm Đồng) có Trang trại Langbiang Farm hàng ngày tươi xanh những luống rau khí canh, khách địa phương và khách du lịch tự quảng bá với nhau tìm đến tham quan, khám phá nhiều điều thú vị bất ngờ.

Rau xanh lá, rễ lơ lửng trong không khí Dừng lại bên đường phố Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đà Lạt, khách tôi bước lên mấy chục bậc cấp ngập đầy sắc xanh của rau, hoa nhà kính canh tác địa canh, thủy canh rồi dành lâu hơn thời gian khám phá rau khí canh trên diện tích 500 m2 nhà kính của Trang trại Langbiang Farm. Anh Trần Thế Vũ, hướng dẫn viên của trang trại đưa khách tôi đến từng luống rau khí canh với nhiều chủng loại mới lạ và nhiều tuổi gieo trồng khác nhau…

Rau khí canh ở Trang trại Langbiang Farm Đà Lạt với bộ rễ lơ lửng trong không khí.  

Với chiều rộng khoảng 1,5m, chiều dài khoảng 8m, từng luống rau khí canh được lắp đặt cách ly mặt đất khoảng 1m. Rau được trồng trong rọ nhựa có chứa viên nén xơ dừa đường kính khoảng 4cm, chiều cao khoảng 5cm, đặt trong từng ô tròn bố trí trên bề mặt máng canh tác khí canh. Bên dưới máng là một khoang máng trống chứa không khí hấp thu dinh dưỡng phun sương để nuôi bộ rễ.

Hướng dẫn viên Vũ mở chiếc máng lên trên, “phát lộ” ra những chùm rễ cây trắng vàng tua tủa, rồi nói: “Cây giống rau đưa vào trồng khí canh chừng tuần sau là rễ phát triển thành từng chùm bên dưới máng; bên trên máng thì cây đã phát triển đủ những bộ lá, đường kính đo cả gang tay. Tùy theo thời điểm sinh trưởng của cây, trang trại cài đặt chế độ phun sương dinh dưỡng trong không khí nuôi bộ rễ lưu dẫn lên hấp thu vào thân, lá rau phát triển tươi tốt, có thể cách nhau từ 1 – 5 phút phun sương một lần, phun theo chu kỳ trong 24 giờ hàng ngày. Như vậy giúp cây vừa đủ thức ăn, nước uống và ngập đầy không khí để phát triển theo từng giây, từng phút…”.

Lúc này đang vào thời điểm tháng 9.2017, vườn rau khí canh nhà kính 500m2 của Trang trại Langbiang Farm có hơn 10 loại rau đang sinh trưởng trên 25 luống, hàng tuần đều có sản phẩm thu hoạch cuốn chiếu. Thu hoạch đến đâu xuống giống tái canh đến đó.

Tất cả đều thực hành theo quy trình khép kín tại chỗ từ phối trộn nén viên giá thể, ươm gieo cây giống, xuống giống và đóng gói sản phẩm chuyển đi tiêu thụ…Trung bình một lứa rau khí canh xuống giống, chăm sóc và thu hoạch trong vòng 25 ngày. Hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Trên bề mặt luống rau thủy canh treo từng hàng bẫy dính để dẫn dụ, tiêu diệt côn trùng. Bộ rễ bên dưới cách ly nhau trong không khí nên gần như ít xảy ra vi khuẩn lây nhiễm bệnh theo nguồn nước từ cây này sang cây khác như rau thủy canh.

Ông Trần Huy Đường, chủ nhân Trang trại Langbiang Farm tính toán: “Nếu trừ thời gian làm vệ sinh máng, rọ nhựa, kiểm tra bảo dưỡng đường ống phun sương, hệ thống bơm nước từ giếng ngầm…sau khi thu hoạch, trong năm vừa qua, Trang trại Langbiang Farm đã trồng thành công 12 lứa rau khí canh, cung cấp cho thị trường siêu thị các tỉnh phía Nam, giá ổn định bán ra trung bình 25.000 đồng/kg. Mỗi năm nhân với tổng sản lượng 400 tấn/ha, thành tổng doanh thu 10 tỷ đồng. Tỷ lệ lợi nhuận 25-30%, thành tiền 2,5-3 tỷ đồng/ha/năm”.

Khí canh “bù đắp” cho thủy canh

Có được Trang trại Langbiang Farm trồng rau khí canh diện tích 500m2 nhà kính, chủ nhân Trần Huy Đường đã thực hành gần 1 năm thực nghiệm, bổ sung và hoàn chỉnh quy trình. Còn trước đó, ông Đường dành nhiều thời gian tham quan, nghiên cứu, tập huấn kỹ thuật trồng khí canh từ châu Âu, Nhật Bản… về Đà Lạt áp dụng trên một vài luống rau nhỏ, sau đó mới từng bước chọn ra những giải pháp kỹ thuật phù hợp nhân rộng đến nay.

“Trồng rau khí canh và thủy canh với cùng cơ chế cung cấp dinh dưỡng trực tiếp đến bộ rễ cây. Nhưng khác nhau là rau thủy canh có bộ rễ ngập trong nước; rau khí canh với bộ rễ phát triển trong môi trường khí oxy tổng hợp. Nhờ vậy phương pháp khí canh bù đắp hạn chế của phương pháp thủy canh là ngăn chặn gần như tuyệt đối các mầm bệnh xâm nhập bộ rễ, lây lan trong dung dịch hồi lưu. Mỗi năm sản xuất rau khí canh tăng hơn 2 lứa với đa dạng chủng loại cao cấp hơn so với sản xuất rau thủy canh. Giá trị đầu tư thiết bị, dây chuyển sản xuất rau khí canh cũng thấp hơn rau thủy canh từ 5 – 10%…”, chủ nhân Trần Huy Đường đúc kết ban đầu.

Ngoài ra, nếu so ngược về rau địa canh thì rau khí canh ở Trang trại Langbiang Farm ước tính tăng sản lượng gầp 2 lần và rút ngắn thời gian canh tác đến 1,5 lần. Đây một giải pháp sản xuất khả quan mới áp dụng cho vùng rau Đà Lạt và các huyện phụ cận trong trước mắt cũng như lầu dài.

Nguồn: Báo Lâm Đồng được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Cấp bách xây dựng chỉ dẫn địa lý cho nông sản Việt

Thực tiễn của các nước trên thế giới đã chỉ ra, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, được đăng ký bảo hộ sẽ có “giá” hơn rất nhiều sản phẩm không có chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức.

Hầu như địa phương nào cũng có những đặc sản nổi tiếng gắn liền với các địa danh. 

Chiếm tỷ lệ quá ít

Việt Nam là một nước nông nghiệp nhiệt đới dồi dào, phong phú các loại trái cây, cây nông nghiệp, thủy hải sản. Hầu như địa phương nào cũng có những đặc sản nổi tiếng gắn liền với các địa danh như nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, chè Thái Nguyên, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn… Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện nay có khoảng hơn 900 sản phẩm gắn với 700 địa danh khác nhau trên toàn quốc.

Ở trong nước, con đường tiêu thụ các sản phẩm này chủ yếu là đi từ người sản xuất ra chợ truyền thống. Dưới góc độ quốc gia, nông sản Việt Nam chủ yếu được XK bằng con đường vận chuyển từ miền Nam ra miền Bắc để XK. Gần đây, một số ít các loại hoa quả được một số thị trường khó tính cho phép NK. Hiện, nhiều mặt hàng của Việt Nam còn đứng top XK lớn nhất thế giới như gạo, cà phê, hạt tiêu…, nhưng có một nghịch lý là nông sản Việt ít được người tiêu dùng thế giới biết đến.

Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, có tới 90% nông sản Việt Nam XK dưới nhãn hiệu của nước ngoài, mới có khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chỉ một số ít trong đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài. Bổ sung thêm thông tin, PGS.TS Lê Thị Thu Hà, Đại học Ngoại thương cho hay, có 9/11 tổng công ty của Bộ NN&PTNT đã đăng ký thương hiệu cho 107 mặt hàng nhưng chỉ mới có 3 thương hiệu được đăng ký ở nước ngoài; mới có 15/58 hội viên của Hiệp hội Trái cây Việt Nam đăng ký bảo hộ thương hiệu trong nước.

Không chỉ dừng ở đó, bà Hà còn bổ sung, không thể tìm thấy những loại hoa quả có gắn nhãn trên thị trường trong nước, còn ở thị trường thế giới, có đến 95% nông sản XK dưới dạng nguyên liệu, dạng thô mà chưa có thương hiệu. Đơn cử như cà phê, 95% XK dưới dạng nguyên liệu, chiếm 40% thị phần XK cà phê thế giới nhưng giá trị chỉ chiếm 2% bởi Việt Nam chỉ có 3 thương hiệu cà phê hòa tan và 20 thương hiệu cà phê rang xay. Trong khi đó, so sánh với các quốc gia có tỷ lệ XK cao như Brazil, có đến 20% thương hiệu cà phê hòa tan và 3.000 thương hiệu cà phê rang xay. Tương tự, mặt hàng gạo, chè cũng vậy.

Thua thiệt

Do chưa được xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý nên hàng hóa Việt Nam bị thua thiệt rất nhiều, ít được người tiêu dùng thế giới biết đến. Ví dụ, cùng là sản phẩm chè Việt Nam chỉ XK được với giá 50 USD/kg trong khi sản phẩm chè của Ấn Độ bán với giá 200 USD/kg. Đây là một khoảng cách vô cùng lớn được tạo ra bởi thương hiệu của sản phẩm.

Một dẫn chứng khác được ông Nguyễn Đăng Duy Nhất, Chủ tịch CMO Council Wordwide tại Việt Nam nêu ra, trong khi Trung Đông bán vài USD/kg thanh long thì thanh long của Việt Nam chỉ bán được vài nghìn đồng/kg, bày bán tràn lan trên khắp các vỉa hè Hà Nội. Hiệp hội Thanh long của Bình Thuận chỉ có vài chục DN tham gia, dẫn tới thương hiệu thanh long Bình Thuận rất ít người biết tới. “Thử hỏi làm sao sản phẩm Việt có đủ sức cạnh tranh với nước ngoài. Tôi cho rằng, trước khi nghĩ tới chuyện xúc tiến ra thế giới, chúng ta cũng cần trả lời câu hỏi xúc tiến trong nước trước đã. Làm sao để người Việt yêu thích các sản phẩm của Việt Nam hơn hàng hoá của thế giới mới là vấn đề. Còn hiện nay, người Việt vẫn chuộng gạo Campuchia, Thái Lan hơn gạo Việt, chuộng mít Thái hơn mít Việt”, ông Nhất nêu vấn đề.

Theo bà Hà, việc khai thác thị trường thông qua chỉ dẫn địa lý trong nước và nước ngoài ở Việt Nam còn hạn chế, gần như mới chỉ dừng lại ở việc công nhận một tên gọi được định danh trên thị trường, chưa xây dựng được quy chế bảo hộ địa lý và truy xuất nguồn gốc sản xuất. Để xảy ra tình trạng trên, theo ông Toản, có nguyên nhân từ nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, năng lực hiệu quả hoạt động của các DN còn thấp, sự liên kết giữa chính quyền địa phương, người dân và DN chưa chặt chẽ, kỹ năng thương mại và tiếp thị, phát triển sản phẩm của người sản xuất còn hạn chế, mang tính tự phát.

Chính quyền cơ sở và người nông dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc phát triển thị trường, xây dựng và đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và nhãn hiệu nông sản. Bên cạnh đó, chi phí bảo hộ tốn kém cũng ảnh hưởng đến quyết định đăng ký bảo hộ của DN. Thực tiễn triển khai ở địa phương hiện nay, việc xây dựng 1 bộ hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý rất phức tạp vì liên quan đến vấn đề kỹ thuật, pháp lý và nhiều yếu tố khác mà không phải địa phương nào cũng sẵn sàng triển khai được.

Dựa vào yếu tố khác biệt

Trên thực tế, chỉ dẫn địa lý mang lại lợi ích cho những nhà sản xuất kinh doanh và cho nền kinh tế. Nghiên cứu của Đại học Harvard đã chỉ ra, nhờ vào sản phẩm duy nhất của Colombia đã thay đổi cả nền kinh tế. Cụ thể, những năm 1960, 87% cà phê tiêu thụ ở thị trường Mỹ có nguồn gốc từ Colombia nhưng người tiêu dùng Mỹ hầu như không biết đến nguồn gốc của loại sản phẩm này. Chỉ có 4% người tiêu dùng biết sản phẩm này có nguồn gốc từ Colombia. Nhưng sau hơn 60 năm xây dựng và phát triển thương hiệu này, độ nhận biết sản phẩm trên thị trường Mỹ từ 4% lên 80%, một vài quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha con số này là 95%. Nhờ có thương hiệu mà giá trị của sản phẩm cà phê Colombia tăng đáng kể.

Trong khi đó, xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng Nhà nước bảo hộ. Theo bà Hà, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để mua một sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và thương hiệu uy tín. Nghiên cứu tại Liên minh châu Âu cho thấy, 43% người tiêu dùng Liên minh châu Âu (khoảng 159 triệu người) sẵn sàng trả thêm 10% cho sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, 8% (khoảng 29,6 triệu người) thậm chí sẵn sàng trả thêm 20%. 3% (khoảng 11 triệu người) trả tới 30% cho các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý. Do đó, để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm, việc tăng cường phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm là vấn đề cấp bách.

Ông Nhất cho rằng, đến thời điểm này, Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng để phát triển thị trường, sau khi có thương hiệu cần xây dựng và phát triển để tăng giá trị thương hiệu. Trước tiên, Việt Nam cần phải xây dựng được thương hiệu trong nước rồi mới tính đến chuyện đem thương hiệu đó đi XK, khắc phục tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” đã diễn ra trong thời gian qua. Để làm được điều này, chúng ta phải định vị, xác định được vị trí, đối thủ. Ví dụ, muốn làm thương hiệu du lịch, Việt Nam cần nhìn từ Thái Lan, Malaysia. “Có đến 80% khách du lịch khi đến Thái Lan đều muốn quay trở lại, còn Việt Nam tại sao không. Chúng ta phải tìm ra sự khác biệt để xây dựng thương hiệu”, ông Nhất nói.

Cùng quan điểm này, bà Hà cho biết thêm, việc xây dựng thương hiệu nông sản dựa vào chiến lược cạnh tranh, dựa vào năng lực cạnh tranh dẫn đầu, năng suất, sự khác biệt. Bản chất của quá trình xây dựng thương hiệu chính là tạo ra sự khác biệt, tìm ra năng lực cạnh tranh cốt lõi. “Ở Việt Nam có đặc điểm là, nhiều địa phương có ranh giới giáp nhau có sự tương đồng văn hóa, nhiệm vụ của người xây dựng thương hiệu là phải chỉ ra được thương hiệu cốt lõi, sự khác nhau của sản phẩm, ví dụ chè Tân Cương, chè San Tuyết và chè Hà Giang”, bà Hà chia sẻ.

Nguồn: Baohaiquan.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nông nghiệp 4.0: Đưa máy bay không người lái, robot vào … trồng rau

“Công nghiệp 4.0” và “Nông nghiệp 4.0” đã và đang tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến lĩnh vực nông nghiệp trên quy mô toàn cầu. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam đổi mới công nghệ và tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp, tuy nhiên cần có cách tiếp cận hợp lý và giải pháp tổng thể để phát huy những lợi thế…

Cơ hội và thách thức nhìn lại lịch sử, khoa học và công nghệ (KHCN) đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam. Từ thập niên 50 của thế kỷ XX, những tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, bảo vệ thực vật và công nghệ sinh học đã tạo nền tảng cho nông nghiệp công nghệ cao. Giai đoạn từ năm 1969 tới nay, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục được phát triển nhờ ứng dụng công nghệ số, công nghệ sinh học, và các công nghệ tiên tiến khác.

Dây chuyền tự động phân loại củ, quả trị giá 3,5 triệu USD của Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng).

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khoảng 70 – 75% lao động sẽ mất việc làm bởi ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0. Với Việt Nam, khoảng 20 – 30 triệu lao động ngành dệt may, lắp ráp, nông nghiệp sẽ thất nghiệp. Vì vậy, cần sớm có những giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Kết quả, từ một nền nông nghiệp lạc hậu, tự cung tự cấp, đến nay Việt Nam đã trở thành 1 trong 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu ổn định ở mức 30 tỷ USD/năm. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 32,1 tỷ USD. Nội hàm của cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp là sự kết nối mạng lưới bên trong và bên ngoài của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Theo đó, các thông tin số hóa được sử dụng trong toàn bộ quá trình sản xuất, kết nối với các đối tác và người tiêu dùng. Quá trình phân tích, xử lý thông tin chủ yếu được thực hiện tự động.

Để xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, phải số hóa dữ liệu và tự động hóa quy trình sản xuất sản phẩm.Thực tế, Việt Nam đã có thể ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) với hàng loạt hệ thống cảm biến (sensor), giúp phân tích, kết nối dữ liệu đất đai, dinh dưỡng, sinh lý, sinh trưởng cây trồng… Đồng thời ứng dụng các công nghệ nông nghiệp chính xác để tự động hóa và tưới cây, bón phân đúng thời điểm với lượng cần thiết vừa đủ cho cây.

Chúng ta cũng đã ứng dụng công nghệ đèn Led canh tác trong nhà, công nghệ thông tin, thiết bị bay không người lái (drones), thủy canh, người máy (robot) tích hợp các bộ phân tích hoặc các phần mềm hỗ trợ phân tích có thể thay thế con người.

Một số doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới và thu được những kết quả đáng ghi nhận, có thể kể đến các trang trại bò sữa ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn TH True Milk và Công ty Vinamilk; các vùng sản xuất rau an toàn của VinEco; hay Trung tâm Hợp tác nông nghiệp thông minh FPT-Fujitsu tại Hà Nội.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chưa thuận lợi. Hạ tầng cơ sở để ứng dụng IoT của nước ta cũng chưa đồng bộ…

Thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng công nghệ

Anh Nguyễn Tiến Thắng (xã Bình Kiều, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) nuôi gà trong phòng lạnh và áp dụng thụ tinh nhân tạo.

Về mặt pháp lý, hiện Việt Nam đã có Luật KHCN, Luật Chuyển giao công nghệ. Trong Luật Chuyển giao công nghệ, có riêng một điều về chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp. Ngoài ra, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp cũng được Chính phủ tập trung chỉ đạo tại các Nghị quyết 35, 63 và 64 năm 2016 và các Nghị quyết 01, 19 và 27 năm 2017.

Nhà nước cũng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu phát triển và hoàn thiện công nghệ. Trong đó, có lĩnh vực nông nghiệp như: Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025; Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia… Ngoài ra, còn có các quỹ phát triển KHCN như Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KHCN quốc gia và một số quỹ khác của địa phương.

Các chương trình, hoạt động trên đã mang lại hiệu quả và tạo tác động tích cực đối với sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp nói riêng và sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung. Các doanh nghiệp, cá nhân đã có điều kiện tiếp cận các thông tin về công nghệ, thiết bị trong và ngoài nước. Nhiều dự án nghiên cứu phát triển đã được triển khai, nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng và thương mại hóa thành công, đáp ứng phần nào nhu cầu của sản xuất.

Chuẩn bị gì cho nông nghiệp 4.0?

Về mặt chính sách, cần hoàn thiện hệ thống chính sách về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, xây dựng mạng lưới và nâng cao năng lực các tổ chức trung gian về KHCN. Đây là yêu cầu cấp thiết nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước.

Với các chính quyền địa phương, đây là giai đoạn phải cụ thể hóa các chính sách, quy định của T.Ư thông qua các cơ chế, chương trình hành động chi tiết, phù hợp với địa phương mình. Cụ thể, các địa phương nên tổ chức các diễn đàn công nghệ, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, cuộc thi sáng tạo kỹ thuật để kết nối nhà nông với doanh nghiệp và nhà khoa học trong hoạt động sản xuất và quản lý.

Với doanh nghiệp và người nông dân, cần khẳng định mình chính là chủ thể quyết định của quá trình sản xuất. Người nông dân và doanh nghiệp cần chủ động kết nối với các cá nhân, tổ chức KHCN, các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế để có thêm cơ hội tiếp cận và cập nhật công nghệ.

Với các tổ chức trung gian và tổ chức hỗ trợ như vườn ươm, trung tâm hỗ trợ công nghệ, các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm cần tăng cường phối hợp trong việc tạo ra hệ sinh thái hoàn thiện để các sáng chế, ý tưởng có điều kiện phát triển, ứng dụng vào thực tế sản xuất hoặc trở thành các sản phẩm có khả năng thương mại hóa.

6 kiến nghị, đề xuất

Thứ nhất, cần sớm quan tâm tới vấn đề đào tạo và chuyển dịch cơ cấu lao động. Về đổi mới chương trình đào tạo từ bậc đại học, bậc phổ thông. Thậm chí, ngay từ cấp tiểu học. Ngoài ra, phải lấy KHCN làm nền tảng, trụ cột trong chương trình đào tạo, tập trung truyền đạt tri thức, khuyến khích tính sáng tạo, phát triển trí tuệ, trang bị kiến thức và các kỹ năng khoa học.

Thứ hai, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước liên kết nhiều hơn, tốt hơn với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức KHCN trong nước và nước ngoài. Đây là tiền đề để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, học tập, chuyển giao, phát triển công nghệ… phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, Nhà nước cần một hệ thống pháp luật chặt chẽ, đồng bộ, tạo điều kiện cho nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng phát triển. Sự bình đẳng, tính minh bạch sẽ thúc đẩy sức sáng tạo, hỗ trợ đúng mức cho các doanh nghiệp đang ứng dụng, đổi mới, chuyển giao và phát triển công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ.

Thứ tư, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, tăng cường các hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ, thông tin KHCN cũng như tổ chức các diễn đàn KHCN khác.

Thứ năm, cần đầu tư hạ tầng KHCN. Đặc biệt, xây dựng trung tâm nghiên cứu, hỗ trợ hoàn thiện và phát triển công nghệ.

Thứ sáu, hoàn thiện và thực thi tốt chính sách về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.Với các giải pháp tổng thể từ trung ương tới địa phương, cùng hệ thống chính sách thân thiện và phát huy tốt các nguồn lực xã hội, KHCN sẽ là đòn bẩy để nông nghiệp Việt Nam nâng cao vị thế trong kỷ nguyên công nghệ 4.0.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Làm giàu từ nông nghiệp: 8X du học ở Mỹ, về quê làm…giống cấy mô

Có bố mẹ là doanh nhân kinh doanh vàng bạc nổi tiếng ở đất cảng Hải Phòng, lại học thạc sĩ về quản trị kinh doanh ở 1 trường đại học có tên tuổi ở Mỹ, những tưởng chàng trai 8X Nguyễn Mạnh Hiếu sẽ lao vào khởi nghiệp một ngành gì đó tương đồng. Ai dè, Hiếu đứng ra lập Công ty CP Công nghệ sinh học Hoa Việt, chuyên sản xuất và phân phối các loại giống cây trồng nuôi cấy mô.

Duyên với cây giống mô

Từ quận 10, TP.HCM, chúng tôi mất gần 2 tiếng đồng hồ để đến Nhà máy sản xuất cây giống công nghệ sinh học ở ấp Rừng Sến, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa (Long An). Đây là “đại bản doanh” sản xuất giống cây trồng cấy mô của Công ty Hoa Việt. Trên xe có Hiếu và thạc sĩ Tô Thị Nhã Trầm – Giám đốc kỹ thuật của công ty. Đường khá xa, thỉnh thoảng lại kẹt xe nhưng câu chuyện khởi nghiệp đầy thú vị của 2 bạn trẻ đã làm cho thời gian gần như rút ngắn lại.

Giám đốc Nguyễn Minh Hiếu và Thạc sĩ Tô Thị Nhã Trầm trong phòng nuôi cấy mô của Công ty Hoa Việt. 

Cả Hiếu và Trầm đều có chung niềm đam mê với cây giống cấy mô, nhưng con đường đến với nghề này của cả 2 lại khác nhau. Hiếu kể, cậu học ở Mỹ về, nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Trường đại học Winconsin. Về Việt Nam,  không biết run rủi thế nào, Hiếu lại gặp cậu bạn đang ấp ủ ý định khởi nghiệp với loại giống cây nuôi cấy mô – lĩnh vực vô cùng tiềm năng nhưng vẫn còn  rất mới mẻ với những người trẻ như Hiếu. Nghe bạn say sưa câu chuyện đó, Hiếu  thử tìm tài liệu đọc và mê lúc nào không biết.

Đúng lúc đó, Hiếu gặp Trầm – cô thạc sĩ đã có hơn 10 năm nghiên cứu trong lĩnh vực nhân giống vô tính các loại cây trồng. Hiếu lập tức mời Trầm cùng cộng tác. Cũng dễ hiểu vì sao Trầm lại có “sức hút” với Hiếu như vậy. Trầm xuất thân từ gia đình làm nông ở Bình Thuận. Từ nhỏ, máu làm nông đã ăn vào da thịt cô, nên hễ có điều kiện là cô lại mày mò nghiên cứu các loại giống. Đến khi vào học Đại học Nông lâm TP.HCM và sau này là giảng viên của trường, Trầm càng có cơ hội được nghiên cứu về giống cây trồng. Có lần, khi Trầm đề xuất với thầy chủ nhiệm khoa làm đề tài nghiên cứu về cây chè đột biến ở xứ Lâm Đồng, không ít người đã cho rằng đầu óc cô “có vấn đề”. Nào ngờ Trầm làm thật và thành công.

 Nhờ sự sáng tạo, say mê nghiên cứu, Trầm đã gặt hái được hàng loạt các giải thưởng uy tín, như Giải thưởng VIFOTEX 2007; Giải Quả cầu Vàng toàn quốc 2011; Giải Eureka toàn quốc 2007, Giải thưởng Lương Định Của 2013…Có niềm đam mê chung, thế là cả 2 cùng bắt tay vào câu chuyện khởi nghiệp mà không ai nghĩ sẽ gắn bó lâu dài với mình: Sản xuất các loại giống nuôi cấy mô cho thị trường.

Mải nói chuyện, xe đến Nhà máy sản xuất cây giống của công ty lúc nào không hay. Trông bề ngoài, nhà máy thật khiêm tốn, nhưng vào trong mới thấy quy mô bế thế của nó. Phòng lad rộng hơn 1.000m2 với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại; vườn ươm giống 20.000m2; vườn thuần 4.000m2…Làm việc tại công ty, lúc cao điểm có 60 công nhân viên. Dưới sự chỉ huy của Hiếu, Trầm, họ chính là những người duy trì sản xuất giống cây nuôi cấy mô và phân phối đi khắp nơi.

Những giống tiêu, chuối…sạch bệnh 

Phòng nuôi cấy mô của Công ty Hoa Việt.

Theo lời kể của Hiếu, khi bắt đầu khởi nghiệp, Hoa Việt cũng gặp rất nhiều khó khăn, lý do chính thời điểm đó chưa định vị được sản phẩm chính của công ty. Lúc này, khách hàng đặt mua giống gì là Trầm và nhóm kỹ sư của công ty lại bắt tay vào nuôi cấy mô và nhân giống. Cây nào cũng làm. Nhưng qua một thời gian, lãnh đạo công ty và Trầm nhận thấy nếu làm thế sẽ đặt công ty vào thế bị động, phải chạy theo khách hàng và quan trọng là Hoa Việt sẽ không có sản phẩm tiêu biểu để định vị thương hiệu.

 Nghĩ vậy, Hoa Việt định hướng đi vào 3 loại giống chính: Chuối, tiêu và đinh lăng. Vì sao vậy? Trầm cho biết: Cây chuối mấy năm nay rất phát triển, nhiều nước đã nhập khẩu loại quả này của Việt Nam. Tuy nhiên, yếu thế của ta là phải nhập giống từ nước ngoài hoặc sử dụng giống trong nước nhưng chất lượng không đồng đều. Trong khi đó, nếu nuôi cấy mô giống chuối  sẽ tạo được chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu của sản xuất trong nước.

Còn cây tiêu, đường đến với nó phức tạp hơn. Trầm chia sẻ, cây tiêu là “vàng đen”, cho thu nhập lớn nhưng  rủi ro vì dịch bệnh luôn tiềm ẩn xuất hiện. Thực tế là từ thủ phủ cây tiêu ở Chư Sê (Gia Lai), xuống các huyện của Đồng Nai, rồi ra tận miền Trung, nông dân đã bao lần lao đao, tán gia, bại sản vì dịch bệnh.  “Nếu Hoa Việt có sản phẩm tốt, sạch bệnh và nguồn gốc rõ ràng thì không lý gì chúng tôi không định hướng lại sản xuất cho người dân”- Trầm khẳng định.  Những năm qua, Trầm và các đồng nghiệp đã nghiên cứu và phát triển ra loại tiêu Sri Lanka và tiêu Vĩnh Linh sạch bệnh, ngoài cung cấp cho các hộ nông dân còn đủ sức phục vụ cho những dự án quốc gia. Với 2 giống tiêu này, Hoa Việt đặt tham vọng sẽ khôi phục nền nông nghiệp hồ tiêu sạch và khoẻ, giảm thiểu chi phí và đạt giá trị thương phẩm cao.

Để có một sản phẩm cây giống mô ra thị trường, câu chuyện về quy trình sản xuất của nó không hề đơn giản. Lấy ví dụ từ sản xuất giống chuối, các kỹ sư ở đây đã phải áp dụng quy trình tuyển chọn nguồn giống khắt khe và ứng dụng dây chuyền sản xuất giống công nghệ cao. Giai đoạn cây chuối cấy mô được chăm sóc trong nhà lưới  khoảng 1 tuần. Yêu cầu độ thoáng cao, nhiệt độ lý tưởng từ 25 – 30 độ C, cung cấp độ ẩm cho không khí và cho cây bằng cách tưới phun sương. Suốt quá trình này, các kỹ sư  phải kiểm tra sự thích nghi của cây chuối với môi trường sống, độ cứng cáp của cây và khả năng tiếp nạp dinh dưỡng của rễ.

“Hiện, hàng trăm nghìn cây chuối giống mô, với các chủng loại như chuối cau, chuối tiêu Nam Mỹ, chuối Laba, chuối Xiêm, chuối đỏ… của chúng tôi đã được đưa đến khắp mọi miền Tổ quốc và xuống giống thành công. Tỷ lệ cây giống sinh trưởng và phát triển khoẻ mạnh luôn đạt ngưỡng trên 95%” –  Trầm khẳng định.

Sứ mệnh thay đổi nền nông nghiệp

Sau khi thăm khu nuôi cấy mô, rồi vườn ươm, khu làm giống, chúng tôi đến một khu vườn chuối được cấy mô tế bào khá đẹp. Những cây chuối  cao chừng 1m, đều tăm tắp, được trồng trên những luống đất được cày xới thẳng hàng, vuông vức. Phía trên là những màng lưới để che nắng cũng như để giữ độ ẩm cây. Cùng với đó là hệ thống tưới nhỏ giọt luôn đủ cung cấp nước cho chuối. Hóa ra, đây là vườn chuối cấy mô của ông Út Huy (ông Võ Quan Huy- vua chuối ở Long An) được công ty Hoa Việt ươm thử nghiệm mấy tháng nay. Theo lời Hiếu, “vua” chuối út Huy hiện là đơn vị xuất khẩu chuối lớn (thị trường chính là Nhật Bản),  nhưng cơ sở  này  chưa chủ động được nguồn giống, nên hàng năm  phải nhập khẩu từ nước ngoài, do đó chi phí và an toàn dịch bệnh không được đảm bảo.

 Chính vì thế, Hiếu đã có sáng kiến xuống tận vườn của ông Út Huy, tuyển lựa các cây giống đầu nguồn tốt nhất rồi cho tiến hành nuôi cấy mô. “Chỉ năm sau thôi là chúng tôi có thể chủ động được nguồn giống cho ông Út Huy. Lúc đó, cơ sở này không còn lo chuyện nhập khẩu giống nữa. Giống chuối này đảm bảo năng suất như giống chuối nhập khẩu, sạch bệnh và đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật mà đối tác đặt hàng”- Hiếu khẳng định.

Nghe Hiếu kể chuyện, tôi bấm máy gọi điện luôn cho ông Út Huy. Đầu dây bên kia, giọng ông Út Huy  nghe sang sảng: “Bọn nó được lắm chú ơi. Anh em nó xuống đây lấy giống đầu nguồn về làm mô suốt, làm rất tốt,  có tâm. Có Hoa Việt, anh cũng khỏe”. Nghe ông nói thế, tôi cũng mừng. Cùng với cấp giống chuối cho ông Út Huy, hiện Hoa Việt mỗi năm có thể đưa ra thị trường 3 triệu cây giống mô  các loại, đương nhiên chủ yếu vẫn là các loại chuối, tiêu, đinh lăng.

Kết thúc chuyến thăm trung tâm cũng là lúc mặt trời bắt đầu đứng bóng. Chúng tôi lên xe về lại thành phố. Đi cả buổi cũng khá mệt, nhưng Hiếu vẫn râm ran  chuyện làm nông, làm giống. Đại thể,  Hiếu cho rằng, Việt Nam sở hữu một nền nông nghiệp có quá nhiều lợi thế, về tự nhiên, khí hậu, nhưng quá trình trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch lại gặp quá nhiều bất lợi như cây trồng kém chất lượng, sâu bệnh hại và một số biến đổi bất lợi về sinh thái.  Chính vì thế, mục tiêu của Hoa Việt là phải tạo ra được những loại giống  nuôi cấy In vitro với khả năng chống chọi dịch bệnh, sinh trưởng mạnh và mang lại hiệu quả cao. Muốn làm được vậy, cây giống của Hoa Việt phải tạo ra nhiều sự khác biệt, trong đó giống được tuyển chọn nuôi cấy mô phải là giống đầu dòng, được kiểm tra virus và kiểm tra di chuyền qua 3 thế hệ.  Trên cơ sở này, các kỹ sư của Hoa Việt sẽ sử dụng công nghệ nuôi cấy mô để sản xuất cây giống đồng đều cả về số lượng, chất lượng. Cây giống đảm bảo sự tăng trưởng tốt, khả năng chống chịu, khả năng kháng sâu bệnh tốt…

“Làm tốt các yêu cầu trên, chúng tôi tin rằng mình sẽ góp phần giúp nền nông nghiệp Việt Nam vươn lên những tầm cao mới. Lúc đó, thương hiệu nông sản Việt Nam không chỉ được tin yêu bởi chính người Việt mà còn vươn xa ra thế giới. Và cuộc hành trình này nhất định phải bắt đầu từ một chuẩn cây giống chất lượng”.

Nghe Hiếu chốt câu chuyện một cách quả quyết như vậy, tôi hoàn toàn tin  điều chàng trai này nói  sớm  muộn rồi cũng sẽ trở thành hiện thực. Và lúc đó, người  nông dân, khách hàng của Hiếu, của Trầm sẽ tin Hoa Việt chính là tinh hoa về giống của nền nông nghiệp nước nhà như cái cách mà 2 bạn trẻ này đặt tên cho công ty của mình.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.