Nông nghiệp thiệt hại nặng nề sau bão số 12

Cơn bão số 12 đã đi qua, tuy nhiên những hậu quả mà nó để lại vô cùng nặng nề.

Xơ xác, tan hoang, mất mát là những gì có thể chứng kiến được tại những nơi mà bão số 12 Damrey đi qua: Vạn Ninh, Bình Định, Phú Yên,…

Hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái, đổ sập, cây cối ngã đổ sát rạt, đau đớn hơn, một số người vẫn đang mất tích trong sự bất lực của người thân. Bên cạnh đó, những thiệt hại về vật chất, nông nghiệp, thuỷ sản cũng rất nặng nề. Dưới đây là một số số liệu sơ bộ sau cơn bão:

Thiệt hại về nông nghiệp

Tính đến thời điểm này trên địa bàn Bình Định đã có 379ha lúa vụ mùa (vụ 3) chưa kịp thu hoạch bị ngã đổ, 21,6ha lúa giống gieo sạ chuẩn bị cho vụ Đông Xuân 2017-2018 bị trôi, 100 con gia cầm bị chết, 10 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị cuốn trôi.

Tại Phú Yên, trên 2.000 ha cao su. Hơn 20.000ha mía sắn bị ngã đổ.

Tại Nha Trang, khoảng 1.550 ha lúa, 70 ha hoa màu bị ngập, 5.700 gia cầm và 200 gia súc bị cuốn trôi, 15 ha tôm, 12 ha ốc bị thiệt hại. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 40 tỷ đồng.

Người dân lao đao vì lúa ngã sau bão

Về thuỷ sản

Bình Định bị thiệt hại nặng nề, đến chiều 4/11 đã có 17 chiếc tàu bị chìm, 2 tàu bị lũ cuốn trôi. Số lượng tàu hàng bị chìm tại khu vực cảng Quy Nhơn cũng tăng từ 6 chiếc vào trưa nay lên 8 chiếc, theo báo cáo của Cảng vụ Quy nhơn, vào lúc 16 giờ ngày 4/11 có 2 thuyền viên bị chết và cứu được 70 thuyền viên khác.

Tại Phú Yên, 104 tàu thuyền bị chìm, 23 lồng tôm hùm bị cuốn trôi mất cùng hơn 2.600 con cá mú bị vỡ bờ thoát ra biển.

Tại Nha Trang, chiều 4/11, lãnh đạo Trạm Biên phòng Hòn Rớ cho biết theo thống kê sơ bộ ít nhất 10 tàu cá (tàu mũi nhọn) có công suất 50 CV trở xuống đang neo đậu xung quanh cảng cá Hòn Rớ bị bão số 12 đánh chìm, chỉ nổi một phần cabin. Hầu hết là những chiếc tàu mũi nhọn, có giá trị hàng chục triệu đồng. Riêng các tàu công suất lớn hiện vẫn an toàn, không bị thiệt.

Tàu chìm sau cơn bão khủng khiếp

Nhiều ngư dân cho biết, mặc dù trước khi bão số 12 đổ bộ vào bờ họ đã neo đậu, buộc dây cẩn thận nhưng do gió to, mưa lớn đã đánh úp tàu. Hiện nay các chủ tàu ở đây đang đợi thời tiết ổn định mới tính đến trục vớt.

Tàu thuyền được buộc dây cẩn thận vẫn không thể chống lại được sức gió từ bão

Theo UBND huyện Vạn Ninh, bão số 12 đã khiến gần 12.400 lồng bè thủy sản của địa phương này bị thiệt hại hoàn toàn.

Tại xã Vạn Thắng (Vạn Ninh) có hàng chục hộ nuôi tôm hùm với hàng trăm lồng bè bị bão nhấn chìm hoàn toàn. Không giấu được nỗi buồn, anh anh Lê Thanh Bình (trú thôn Quảng Hội 2, Vạn Thắng, Vạn Ninh) cho biết: “Vụ tôm hùm vừa qua tôi thả nuôi 1000 con tôm hùm giống. Tôm nuôi được 7 tháng rồi. Cơn bão ập đến đã cuốn đi tất cả. Tính cả tiền giống, tiền chi phí thức ăn, làm lồng bè thì nhà tôi đã mất khoảng 1 tỷ đồng”.

Khung cảnh hoang tàn sau cơn bão số 12

Tương tự như gia đình anh Bình, năm nay, chị Trần Thị Hoài (thôn Quảng Hội 2, Vạn Thắng) cũng bị bão cuối trôi, phá hủy lồng bè nuôi 5000 con tôm hùm lớn nhỏ, thiệt hại lên đến gần 3 tỷ đồng.

Ở khu vực Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh) cũng có hàng trăm hộ dân sinh sống bằng nghề khai thác và nuôi trồng thủy hải sản. Trong đó phần lớn là nuôi tôm hùm và cá chim, cá bớp.

Lồng bè bị thiệt hại nặng nề

Chia sẻ với PV, một người dân thôn Đầm Môn cho biết, gia đình chị vay mượn ngân hàng hơn 300 triệu đồng để nuôi tôm hùm, đến nay cũng được hơn 5 tháng tuổi. Bão đến bất ngờ quá, cuốn hết tất cả. Bây giờ cả gia đình chị không biết trông phải trông cậy vào đâu.

Nói trong cay đắng, ông Tư Bụi (Đầm Môn, Vạn Thạnh) cho biết: “Ngay khi có thông tin bão đổ bộ, cán bộ xã và xóm ngay lập tức đã thông báo với bà con để đưa thuyền vào nơi tránh trú. Tuy nhiên toàn bộ tài sản với gần 80 lồng bè nuôi tôm hùm của tôi bão đập nát, ước tính thiệt hại gần 2 tỷ đồng”.

Bao nhiêu tài sản ngư dân dồn vào NTTS lồng bè mất trắng

Theo thống kê sơ bộ của BCH PCTT – TKCN tỉnh Khánh Hòa, ngoài huyện Vạn Ninh toàn tỉnh còn có nhiều địa phương nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng như Nha Trang, Ninh Hòa, Cam Ranh… với 22.700 lồng bè nuôi tôm cá bị trôi hoàn toàn và chưa thể thống kê được mức thiệt hại cụ thể.

Cơn bão đi qua, gây nhiều thiệt hại cho bà con ngư dân ven biển. Tuy nhiên điều họ đang lo lắng là phần lớn gia sản, vốn liếng chìm trong biển đều từ nguồn vay mượn ngân hàng, nợ tiền thức ăn thủy sản chưa trả.

Ngoài ra, có rất nhiều người dân bị mất tích do đi kiểm tra bè nuôi trồng hải sản bị bão quăng quật.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

 

Trồng rau sạch quanh năm không cần đất và ánh sáng mặt trời

Chẳng bao lâu nữa, ngành nông nghiệp trên thế giới sẽ đón chào một cuộc cách mạng mới, đó là phương thức canh tác không cần đất và ánh sáng mặt trời, thậm chí tiêu tốn rất ít nước.

Theo nhiều nghiên cứu, quá trình canh tác tiêu tốn đến 70% tổng lượng nước ngọt trong nông nghiệp, và chỉ có thể tái tạo được một nửa trong số đó sau khi sử dụng. Bên cạnh đó, ngành này cũng đòi hỏi phải tốn rất nhiều đất và có đủ ánh nắng mặt trời.

Để giải quyết bài toán trên, startup AeroFarm đã đưa ra giải pháp ưu việt hơn, đó là canh tác không cần có đất hay ánh nắng mặt trời, và chỉ cần rất ít nước. Thú vị hơn, tất cả đều được thực hiện trong nhà, thường là một nhà kho cũ, nghĩa là trên lý thuyết mọi địa điểm đều có thể canh tác, bất kể trong điều kiện khí hậu thế nào.

AeroFar được lập ra bởi Ed Harwood, một giáo sư ở Trường Nông nghiệp thuộc Đại học Cornell. Vào năm 2003, Harwood tạo ra một hệ thống mới để trồng cây trong một loại vải mà ông nghĩ ra.

Không cần có đất bên dưới tấm vải và rễ cây được phun các chất dinh dưỡng. Lúc đó, startup này chỉ bán hệ thống trồng cây và không tạo ra nhiều doanh thu cho lắm.

Tới năm 2011, David Rosenberg – chủ công ty xi măng chống nước Hycrete, và Marc Oshima – một doanh nhân kỳ cựu trong ngành thực phẩm và ngân hàng, đã chú ý đến sự thiếu hiệu quả trong phương thức canh tác truyền thống và cảm thấy có cơ hội thay đổi.

Họ bắt đầu nghiên cứu về các phương thức mới và tìm ra AeroFarm. Họ đầu tư vào startup này và đề nghị thay đổi mô hình kinh doanh: Tối ưu hóa quy trình và tự bán sản phẩm.

Hiện nay mỗi trang trại của công ty đều gồm những khay treo thẳng đứng trên đó trồng cà rốt, dưa chuột, khoai tây và sản phẩm cao cấp chính là rau trộn salad.

Nhờ trồng ngay tại chỗ quanh năm, công ty này hy vọng sẽ đủ khả năng cung cấp sản phẩm tươi với giá thấp hơn, nhờ việc vận chuyển được giảm thiểu tối đa.

AeroFarms đã thu thập hàng trăm ngàn điểm dữ liệu ở mỗi cơ sở của mình, nhờ thế dễ dàng thay đổi hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED để kiểm soát mùi vị, kết cấu, màu sắc và chất dinh dưỡng. Đồng thời, dữ liệu này cũng giúp công ty điều chỉnh các biến số như: nhiệt độ và độ ẩm để tối ưu hóa sản lượng.

Kết quả là AeroFarms đã thu về hiệu quả đáng kinh ngạc: Phương thức canh tác này hiệu quả hơn 130 lần so với một trang trại bình thường, xét về sản lượng cây trồng. Một trang trại của AeroFarm cũng sử dụng ít hơn 95% nước, 40% phân bón so với phương thức canh tác truyền thống, và không sử dụng thuốc trừ sâu.

“Hầu hết các trang trại đều không có giám đốc công nghệ”, Oshima cho biết. “Còn chúng tôi có hẳn một trung tâm R&D, các nhà khoa học về cây trồng, các nhà vi trùng học, kỹ sư cơ khí và kỹ sư điện. Chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian để có được thành quả như ngày nay”.

Tuy nhiên, kể cả đã rất sáng tạo và đổi mới, AeroFarm vẫn chưa phải là một giải pháp khả thi để thay thế các trang trại trên toàn thế giới. Một vấn đề mà canh tác trong nhà gặp phải là lượng điện năng tiêu thụ lớn và họ nói đang tích cực giải quyết vấn đề này.

Startup này sau đó đã thuê Roger Buelow, cựu giám đốc công nghệ của công ty đèn LED Energy Focus, để giúp tối ưu hóa hệ thống chiếu sáng. “Điều đó cho phép chúng tôi tiết kiệm năng lượng hơn bất kỳ cơ sở sản xuất nào khác”, Oshima cho biết.

Một thử thách nữa mà AeroFarms phải đối mặt là mở rộng đội ngũ chuyên gia khi điều hành các trang trại. Dickson Despommier, một nhà vi trùng học tại Đại học Columbia, nói rằng điều hành một trang trại đòi hỏi kiến thức bao quát về nông nghiệp và quy trình, mà ở AeroFarms chủ yếu phụ thuộc vào Harwood.

“Một số người cho rằng chỉ cần đọc sách và tìm ra cách làm thế nào”, Despommier cho biết, “Nhưng làm nông nghiệp không đơn giản như vậy”.

Mức độ tiếp thu kiến thức và kỹ năng có thể tạo ra những rào cản cho các công ty trong ngành này. Theo Despommier, vấn đề lớn nhất là tìm được người đủ khả năng, “Những người chúng tôi cần rất khó tìm. Ai đang đào tạo họ? Câu trả lời là rất ít nơi làm việc đó”.

Ở AeroFarms, vấn đề này càng lớn hơn khi Harwood là người đầu tiên nghĩ ra hệ thống trồng cây thông minh này. “Không ai có kinh nghiệp trực tiếp về vấn đề này”, Oshima cho biết. Bởi mỗi khi tìm được người tin tưởng, startup lại phải đào tạo họ và dạy họ về hơn 100 quy trình vận hành tốt nhất của mình.

Nguồn: GenK được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nông nghiệp hữu cơ có khác nông nghiệp sạch?

Nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch về bản chất đều giống nhau là sản phẩm sạch, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc nhưng khác nhau cơ bản về phương thức và điều kiện canh tác…

Một nông trại trồng rau hữu cơ ở Lâm Đồng

Nông nghiệp hữu cơ: SX theo kiểu tự nhiên, truyền thống lâu đời của con người mà tạo ra sản phẩm. Theo quy định của IFOAM (tổ chức bảo vệ quốc tế về nông nghiệp hữu cơ), khi sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ thì giống trồng do con người chọn lọc, bảo quản mà có, không phải là giống chuyển gen; đất trồng không sử dụng bất cứ loại phân hóa học, không dùng thuốc diệt cỏ, diệt sâu bệnh thuộc dạng hóa học và sử dụng nước sạch.

Nếu đất trước đó sử dụng các loại phân hóa học, thuốc BVTV thì phải cách ly khoảng 3 năm mới được sử dụng. Sản phẩm khi thu hoạch, vận chuyển, chế biến bảo quản phải được sử dụng công cụ và bao bì, đồ chứa đựng cũng sạch, khôn sử dụng các chất bảo quản cấm.

Nếu đối chiếu lại lịch sử canh tác của nông dân Việt Nam thì mấy ngàn năm qua, nông dân đã sử dụng các vật liệu, giống tự nhiên, không có hóa học, nên cũng được gọi là nông nghiệp hữu cơ. Tuy vậy cũng có khi chưa phải lúc nào cũng được gọi là nông nghiệp sạch.

Nông nghiệp sạch: Vẫn cho phép sử dụng tất cả các loại giống, kể cả giống chuyển gen, cho phép sử dụng phân hoá học, thuốc trừ sâu, trừ cỏ bằng hóa học. Tuy nhiên khi kiểm tra sản phẩm thì sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn sạch. Người ta quy định sản phẩm sạch theo một hệ thống kết hợp kinh nghiệm và số liệu chứng minh mức độ tồn dư của chất nào đó trong từng sản phẩm mà con người sử dụng liên tục cũng không đủ sức gây độc hại đến cơ thể con người hay gia súc. Trong hoạt động SX cũng không gây ra ô nhiễm môi trường. Vượt ngưỡng quy định đó là thuộc loại sản phẩm không sạch. Dựa vào tiêu chuẩn quy định của từng nước, từng khu vực hay quy định chung của thế giới để đánh giá.

Như vậy người SX muốn sản phẩm của mình được tiêu thụ trong nước và thế giới thì phải bảo đảm được yêu cầu của họ. Người SX phải biết điều chỉnh số lượng phân bón, thuốc trừ sâu cho cây trồng, chọn nguồn nước đảm bảo dùng tưới cho đồng ruộng để đạt được tiêu chuẩn của từng loại khách hàng. Để thực hiện được tiêu chuẩn nông nghiệp sạch theo quy định này trên thế giới hiện nay đều dựa vào tiêu chuẩn của GAP, có thể VietGAP, Asean GAP hay GlobalGAP.

Tuy nhiên khi SX, người trồng phải theo dõi thông tin của khách hàng để điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ, người Nhật mua hạt tiêu của Việt Nam trước đây chỉ yêu cầu dư lượng Metalaxy trong hạt tiêu dưới ngưỡng 0,1ppm là được, nay người ta có yêu cầu cao hơn là phải đạt mức 0,05 ppm mới được. Biết được yêu cầu của khách hàng thì người SX hoặc không sử dụng loại thuốc này hoặc hạn chế tối đa sử dụng cũng như thời gian cách ly. Phân bón hóa học cũng vậy.

Muốn đạt chuẩn các chất dinh dưỡng không vượt mức cho phép thì phải giảm thiểu tối đa số lượng sử dụng, nhất là loại phân đạm. Thực tế SX sạch theo tiêu chuẩn GAP cũng không phải đơn giản. Ví dụ GlobalGAP gồm có 12 nội dung chính trong đó có 68 chỉ tiêu người SX phải tuân thủ. Các vật liệu và điều kiện SX phải có lý lịch rõ ràng. Sản phẩm cũng phải được kiểm tra, chứng minh bằng số liệu phân tích và cũng phải được một đơn vị có năng lực, có chức năng chứng nhận, khi cần có thể truy nguyên được nguồn gốc xuất xứ.

Vậy trong SX, nông dân nên làm theo nông nghiệp hữu cơ hay theo tiêu chuẩn GAP? Về hướng SX nông nghiệp hữu cơ, Bộ NN-PTNT vẫn khuyến khích, hiện đã có một số trang trại và HTX hay tổ hợp tác đang SX theo hướng này, và có những kết quả đáng khích lệ. Khách hàng nghe nói sản phẩm hữu cơ thường an tâm hơn dù giá cả còn cao. Tuy nhiên ta chưa có hệ thống kiểm tra đánh giá nghiêm ngặt nên không ít cửa hàng thu mua sản phẩm thường rồi cho vào bao bì cũng gọi là sản phẩm hữu cơ, trắng đen còn lẫn lộn.

Nông nghiệp sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP ở Việt Nam đã có nhiều mô hình nhỏ có, mô hình cánh đồng lớn có, bà con đã làm quen, chỉ cần có tổ chức và giải quyết đầu ra ổn định thì khả năng mở rộng nhanh chóng và mạnh mẽ.

Vả lại SX sạch theo GAP vẫn cho phép sử dụng phân bón hóa học là nhân tố quan trọng làm tăng năng suất dễ hơn để có sản lượng nhiều hơn, đáp ứng được nhu cầu dân số ngày một tăng cao mà diện tích canh tác ngày một thu hẹp.

Vì vậy, SX theo hướng tăng cường phân bón hữu cơ, giảm thiểu lượng đạm và quản lý sâu bệnh theo hướng hữu cơ sinh học sẽ là bước đi chủ yếu…

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Phương pháp mới ngăn ngừa tuyến sinh dục cá phát triển

Các nhà khoa học Hoa Kỳ mới đây đã tìm ra một phương pháp mới gây bất dục trên cá bằng cách ngăn cản sự phát triển của tế bào mầm mà không dùng kỹ thuật gây đột biến hay chuyển gen. Mở ra một triển vọng nhằm nâng cao năng suất thịt cá và an toàn cho người tiêu dùng.

Lợi ích của việc gây bất dục trên cá

Việc gây bất dục cá nuôi cung cấp cho ngành nuôi trồng thuỷ sản một số lợi ích đáng kể. Đối với nông dân, nó có thể ngăn chặn cá thành thục sinh dục sớm hơn mong muốn vì sự trưởng thành sớm sẽ làm giảm chất lượng thịt và làm cho cá dễ bị bệnh hơn.

Việc gây bất dục cũng có thể hạn chế tác động môi trường của chúng trong việc phòng ngừa các mầm bệnh, vốn thường không tối ưu trong cuộc sống ngoài tự nhiên.

Phương pháp làm bất dục cá

Trình tự của sự làm bất dục theo phương pháp mới này là: Trứng được tiếp xúc với áp suất cao hoặc nhiệt độ cao, phá vỡ chuyển động của nhiễm sắc thể trong quá trình phân bào. Các trứng được xử lý sẽ giữ lại nhiều nhiễm sắc thể hơn bình thường – ba thay vì chỉ hai – làm cho động vật không có khả năng sinh sản sau này.

Biện pháp này cũng đã được sử dụng trong các hệ thống nông nghiệp trên cạn. Hầu hết các loại chuối và dưa hấu không hạt mà chúng ta ăn chẳng hạn. Cũng có thể gây bất dục cho từng cá thể – chẳng hạn như làm bất dục bằng thủ công nhưng cần có nhiều thao tác hơn – và thực sự chỉ thích hợp cho việc xử lý một số lượng nhỏ cá cùng một lúc.

Các bước của phương pháp tạo ra cá bất dục cho nuôi trồng thuỷ sản. Các hợp chất gây bất dục được điều khiển bởi ngâm tắm, phá vỡ sự phát triển của tế bào mầm ở giai đoạn rất sớm, dẫn đến sản xuất cá bất dục

Tiến sĩ Ten-Tsao Wong (Đại học Maryland, Quận Baltimore)cho biết các quy định khác nhau của các quốc gia cũng là một trở ngại đáng kể. Ngay cả khi có sự chấp thuận của chính quyền, vẫn còn một trở ngại nữa để vượt qua – đó là sự lựa chọn của người tiêu dùng, cho đến nay đã có sự phản đối đáng kể đối với cá biến đổi gen. Do đó nếu mọi việc suôn sẻ, quá trình này có thể mang lại nhiều lợi thế hơn: Nó không đòi hỏi phải có một giống cá mới biến đổi gen; Phương pháp tắm có thể dễ dàng kết hợp vào các phương pháp canh tác hiện đang được sử dụng; Và quá trình này có thể gây bất dục một số lượng lớn trứng trong một lần.

Wong, tác giả của nó được hỗ trợ bởi Chương trình Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản  Hoa Kỳ và Chương trình Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản NOAA, cũng đã xem xét việc phá vỡ sự phát triển tế bào mầm nguyên thủy bằng kỹ thuật ngâm chứ không phải là sự biến đổi di truyền. Ông đã phát triển một bồn tắm đặc biệt bao gồm một phân tử tổng hợp được thiết kế để phá vỡ biểu hiện gen, và một chất mang để đưa phân tử vào trứng. Việc xử lý ngăn ngừa tuyến sinh dục phát triển tạo ra cá bất dục. Wong hy vọng rằng trong vài năm tới, ông sẽ có thể đánh giá hiệu quả của cá được xử lý bằng phương pháp ngâm và so sánh chúng với cá tam bội.

Sự khác biệt giữa cá tam bội và cá lưỡng bội

Cá hồi Đại Tây Dương cá Triploid (tam bội) có nhu cầu về phốt pho cao hơn cá nheo – đặc biệt là những con non và trải qua sự tăng trưởng nhanh. Nghiên cứu của Tiến sĩ Per Gunnar Fjelldal (Viện Nghiên cứu Hàng hải, Na Uy) đã cho thấy rằng nếu không có đủ phốt pho – cá thậm chí cũng có thể tử vong. Điều này có nghĩa là triploid (3n) không nên chỉ đơn giản được cho ăn cùng một chế độ ăn như các đối tượng lưỡng bội (2n), như thường xảy ra. Chính xác bao nhiêu phốt-pho nên được thêm vào chế độ ăn của chúng để thực hiện tối ưu là một vấn đề cần điều tra nghiên cứu.

Cũng đã có kết luận rõ ràng rằng cá hồi tam bội nhạy cảm hơn với nhiệt độ và sự giảm ôxy (oxy thấp) hơn cá lưỡng bội bình thường. Theo Tiến sĩ Florian Sambraus (Viện Nghiên cứu Hàng hải, Nauy), có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, lượng thức ăn ăn được và tỷ lệ tử vong. Trong các thí nghiệm của mình, cá tam bội cho thấy lượng thức ăn ăn được cao hơn đáng kể so với cá lưỡng bội khi nhiệt độ trong khoảng từ 3° C đến 9°C, với lượng ăn vào đạt đến đỉnh điểm ở 12°C. Nguồn cung cấp thức ăn của lưỡng bội, đạt đỉnh điểm lúc 15°C, chỉ vượt qua cá tam bội một khi nhiệt độ vượt quá 12°C.

Khi họ xử lý cho các điều kiện thiếu oxy, cá triploid (3n) thực sự phải rất khó khăn: lượng thức ăn ăn vào giảm và ở nhiệt độ 18°C đã trở thành một vấn đề khó khăn đáng kể đối với chúng. Nghiên cứu cung cấp lời khuyên cho các nhà nuôi trồng thuỷ sản cá hồi: Chỉ nên nuôi cá hồi ta bội ở những nơi có tình trạng giảm ôxy hiếm khi xảy ra – và ở những nơi nhiệt độ nước không cao hơn 15°C. Nếu điều kiện thay đổi nhiều hơn nơi trang trại của bạn, cá lưỡng bội có thể là đối tượng an toàn nhất.

Kết luận: Phương pháp xử lý ngăn ngừa tuyến sinh dục phát triển để tạo ra cá bất dục bằng việc ngâm là một hứa hẹn trong tương lai bởi tốc độ tăng trưởng cũng như an toàn cho người tiêu dùng.

Nguồn: TheFishSite được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Trồng rong nho – nhàn như… đi tắm biển

Trồng rong nho vừa nhàn, đầu tư thấp lại cho năng suất cao. Nhờ rong nho, nhiều hộ dân tại phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa đang có thu nhập khá ổn định, từ 5 – 10 triệu đồng/tháng.

Rong nho là một loại rong biển, do hình dạng hạt rong giống quả nho nên được gọi là rong nho. Trong tự nhiên, chúng thường được phân bố tại các vùng biển ấm. Tại Việt Nam, các nhà khoa học cho rằng vùng biển Khánh Hòa có tiềm năng phát triển rong nho đạt năng suất cao nhất thế giới.

Rong nho có đặc điểm mềm, giòn, ngon, được thị trường ưa chuộng như một loại rau xanh cao cấp. Đây là một sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường.

Để trồng rong nho, ông Đặng Ngọc Minh (phường Ninh Hải, TX Ninh Hòa, Khánh Hòa) chỉ phải bỏ chi phí 150 triệu đồng cho việc mua vật liệu, giống và đầu tư trang thiết bị. Số tiền này sẽ được ông thu hồi sau một năm nuôi trồng và bắt đầu từ năm thứ 2 trở đi sẽ có nguồn lợi nhuận ổn định từ mô hình này.

Theo ông Minh, rong nho phát triển rất nhanh, từ khi trồng đến thu hoạch chỉ khoảng 1 tháng. Trong khoảng thời gian này, người trồng hầu như không phải đầu tư chi phí chăm sóc mà vẫn có thu nhập ổn định.

“Cái này ai làm cũng được. Không phải làm gì nặng nhọc cả, khi thu hoạch chỉ xuống nước nhặt như mình đi tập thể thao, đi tắm biển vậy…”, ông Minh chia sẻ.

Theo Trung tâm khuyến nông khuyến ngư tỉnh Khánh Hòa, nghề nuôi trồng rong nho được phổ biến tại địa phương từ năm 2004. Qua thời gian nuôi trồng thử nghiệm, ngành nuôi trồng địa phương nhận thấy, Khánh Hòa có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình này. Chính vì vậy, từ 1-2 ha ban đầu, đến nay diện tích trồng rong nho tại địa phương đạt gần 100 ha.

Nguồn : báo Dân Việt, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Tổng hợp giá tôm trên thị trường trong nước tháng 10/2017

Tháng 10/2017, đang chính vụ xuất khẩu tôm, nguồn tôm nguyên liệu rất hút kéo theo giá tôm tăng mạnh. Dưới đây là chi tiết giá tôm các loại trong tháng :

Giá tôm nhìn chung tăng cao trong tháng vừa rồi, trung bình tăng khoảng 10% so với 2 tháng trước và tăng 15% so với cùng ký năm ngoái. Dự báo trong tháng tiếp theo giá tôm vẫn có thể duy trì ở mức này.

Tuy nhiên, hiện tại là là mùa tôm nghịch vụ, lượng mưa lớn, thời tiết thất thường nên bà con nên cẩn trọng trong việc thả nuôi. Giá tôm tăng cao, kích thích người dân xuống giống nhưng lượng mưa lớn làm biến động môi trường, khiến người nuôi tôm phải hết sức chú ý đến khâu chăm sóc. Đặc biệt, những vùng có điều kiện bất lợi, thường xuyên mưa lũ, bà con nên hạn chế thả tôm, đợi đến chính vụ mới bắt đầu thả. Đối với nuôi quảng canh cần lưu ý, khi độ mặn dưới 7‰ bà con nên dừng thả tôm mà tập trung chăm sóc đàn tôm đang có, mặt khác cũng chú ý đến các yếu tố môi trường dễ biến động trong mùa mưa như pH, độ kiềm, rong tảo. Còn đối với nuôi thâm canh và siêu thâm canh, bà con cũng nên thả với mật độ thưa để dễ chăm sóc và giảm rủi ro.

Hiện nay giá tôm tăng do nguồn cung cho thị trường dịp lễ sắp tới

Hiện nay, thị trường EU và Mỹ đang nhập mạnh mặt hàng tôm để chuẩn bị cho dịp lễ, tết cuối năm dẫn đến giá tôm tăng mạnh. Tuy nhiên, thông thường chỉ đến khoảng cuối tháng 11 nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường này sẽ giảm mạnh và giá tôm khó duy trì. Chính vì vậy, người nuôi tôm cần cân nhắc xuống giống vụ mới khi điều kiện nuôi hiện nay không thật sự thuận lợi và một vụ tôm kéo dài ít nhất 2 tháng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Mô hình nuôi tôm sú sạch kết hợp rong nho và hải sâm

Mô hình nuôi tôm sú kết hợp với hải sâm và rong nho do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Ninh Thuận thực hiện thí điểm thành công trên diện tích 2 ha tại xã Phương Hải, huyện Ninh Hải.

Ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông -Khuyến ngư Ninh Thuận, cho biết mật độ thả nuôi tôm sú 20 con/m2; hải sâm 1 con/m2; rong nho 0,05 kg/m2. Mô hình này được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng kháng sinh, chủ yếu dùng chế phẩm vi sinh để bảo vệ môi trường. Theo đó, các hộ tham gia dự án được cán bộ của trung tâm tập huấn kỹ thuật nuôi, cách thiết lập hồ sơ, ghi chép nhật ký để theo dõi quá trình sinh trưởng của tôm, hải sâm và rong nho.


Mô hình nuôi kết hợp tôm sú – hải sâm – rong nho ở tỉnh Ninh Thuận đã thành công bước đầu và chuẩn bị được nhân rộng

Sau gần 9 tháng, kể từ ngày thả nuôi các giống thủy sản nói trên, tỉ lệ sống của tôm và hải sâm đạt trên 70% (cao hơn 15% so với nuôi thuần chủng). Sản lượng thu hoạch tôm trên 3,6 tấn/ha, hải sâm gần 2,6 tấn/ha, rong nho 3 tấn/ha, kích cỡ rong nho thu hoạch 3 kg/bụi rong. Sau khi trừ chi phí, 3 hộ nông dân tham gia lãi hơn 600 triệu đồng, cao trên 30% so với nuôi tôm sú thuần chủng.

Ông Nguyễn Văn Long, một trong 3 hộ nói trên, cho biết lúc mô hình mới triển khai, ông rất bỡ ngỡ nhưng ngay vụ đầu đã thấy hiệu quả vì môi trường nước sạch hơn, tôm và hải sâm không dịch bệnh. Nhờ sản phẩm sạch, các cơ sở thu mua giá cao hơn, từ 3.000 đến 7.000 đồng/kg (tôm, hải sâm, rong nho).

Theo đánh giá của các chuyên viên thủy sản, lợi ích lớn nhất của mô hình này là giảm tối đa lượng thuốc, hóa chất trong quá trình nuôi, đồng thời thức ăn được kiểm soát tốt, không để dư thừa nên môi trường nước rất sạch, không gây bệnh cho vật nuôi.

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đang lập kế hoạch để nhân rộng mô hình nuôi thủy sản này trên địa bàn.

Theo báo Người lao động, tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Trồng rong nho: Cần đầu tư nhân rộng

Một số người dân ở TX Sông Cầu (Phú Yên) đang nuôi trồng rong nho. Đây là đối tượng nuôi trồng mới nên nhiều bà con chưa mạnh dạn đầu tư.

Đối tượng trồng mới

Tại TX Sông Cầu, người đầu tiên trồng rong nho là anh Lương Khắc Lâm. Anh Lâm cho biết: “Cách đây 2 năm, tôi từ TP Tuy Hòa ra xã Xuân Phương (TX Sông Cầu) trồng rong nho. Ban đầu, tôi mua khoảng 500kg giống (25.000 đồng/kg) ở Khánh Hòa về trồng trên diện tích ao hơn 1.500m2. Sau 1 tháng, rong nho phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch đến nay. Hiện Phú Yên chưa có địa điểm thu mua, nên sau khi thu hoạch rong nho, tôi chở vào TP Nha Trang (Khánh Hòa) bán xô với giá từ 23.000 đến 25.000 đồng/kg. Tôi cũng đang học cách sơ chế rong nho thành phẩm, bán với giá 100.000 đồng/kg. Nghề này rất nhọc, đòi hỏi nhiều công lao động để chăm sóc và thu hoạch, nhưng bù lại cho thu nhập cũng khá. Hiện gia đình tôi mỗi tháng thu khoảng 15-20 triệu đồng từ tiền bán rong nho”.

Rong nho mang lại thu nhập bình quân mỗi tháng 15 – 20 triệu đồng

Theo tiến sĩ Thái Ngọc Chiến, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Khánh Hòa), ở Việt Nam, việc nghiên cứu rong nho được thực hiện từ năm 2004 đến nay. Rong nho biển là loại thức ăn ngon, bổ dưỡng, chất caulerparine trong rong nho kích thích ăn ngon miệng, có tác dụng diệt khuẩn. Rong nho biển không nhiều đường, đạm nhưng chứa nhiều vitamin và các nguyên tố vi lượng cần thiết. Những năm gần đây, rong nho được trồng khá phổ biến ở TP Cam Ranh và TX Ninh Hòa (Khánh Hòa), bằng hình thức trồng tiếp đáy trực tiếp hay trồng bằng vỉ cho tiếp đáy ở ao. Các mô hình trồng rong nho đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các hộ dân đồng thời tận dụng được các ao nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả.

Cần đầu tư nhân rộng

Hiện nhiều người dân ở TX Sông Cầu có ao đìa nuôi tôm không hiệu quả đang muốn chuyển sang trồng rong nho. Tuy nhiên, đây là một đối tượng nuôi trồng mới nên bà con chưa mạnh dạn đầu tư. Ông Đoàn Mỡ ở thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương, cho biết: “Ao đìa có sẵn, kỹ thuật trồng rong nho đã được tập huấn nên tôi cũng am hiểu phần nào. Điều lo lắng nhất hiện nay là đầu ra của sản phẩm, vì tại Phú Yên chưa có cơ sở chế biến và điểm thu mua”. Theo ông Nguyễn Minh Chỉ ở xã Xuân Phương, các cơ quan chuyên môn nên hướng dẫn kỹ thuật trồng rong nho cho người dân theo hướng cầm tay chỉ việc. Nghĩa là, cán bộ kỹ thuật phải ứng trực tại địa phương có trồng rong nho, khi đó bà con cần hỏi điều gì thì hướng dẫn trực tiếp. Nhà nước cũng cần đầu tư mô hình trồng rong nho thí điểm để sau đó nhân rộng… Ông Trần Ngọc Hà, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Phương, cho biết: “Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản nuôi rất phức tạp; một số diện tích ao, đìa nuôi tôm hiệu quả bấp bênh. Trồng rong nho đầu tư ít nhưng đem lại giá trị kinh tế ổn định nên Nhà nước cần có chính sách đầu tư để bà con ven biển cải thiện đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo”.

Theo tiến sĩ Thái Ngọc Chiến, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đang thực hiện mô hình thí điểm trồng rong nho tại TX Sông Cầu; bà con nào có nhu cầu thì đăng ký để Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III xem xét và sẽ triển khai trồng trong năm 2015. Đối với kỹ thuật trồng rong nho, tiến sĩ Chiến cho biết: Ao, đìa dùng để triển khai trồng rong nho có chất đáy là cát pha bùn, đáy ao có độ dốc nghiêng về cống và độ cao trình đáy thấp hơn khi thủy triều lên. Người nuôi cần chọn vùng ven biển có nguồn nước sạch, không bị nhiễm bẩn do chất thải các ngành sản xuất và chất thải sinh hoạt của dân cư, vùng có độ mặn ổn định từ 28 đến 35‰ (thích hợp nhất từ 30 đến 35‰), độ pH từ 7,5 đến 8,5. Rong nho phát triển rất nhanh với tốc độ tăng trưởng đạt gần 2,6%/ngày, đặc biệt là trong môi trường nhiều chất hữu cơ. Sau 30-35 ngày trồng, rong nho có thể cho thu hoạch, năng suất trung bình 20 tấn/ha/năm. Tùy thuộc vào mùa vụ, người trồng có thể điều chỉnh ánh sáng ở khu vực trồng rong thích hợp trong khoảng 15.000 Lux (15% ánh sáng tự nhiên vào buổi trưa mùa hè) bằng lưới lan đen. Mùa hè ánh sáng mạnh cần phải che 2 lớp lưới, mùa đông ánh sáng yếu chỉ cần che 1 lớp lưới hoặc che 1 tấm lưới cách 1 tấm lưới không che.

Thu hoạch rong nho

Trung tâm Chất lượng thủy sản Vùng 3 đã cấp chứng nhận sản phẩm rong nho đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cho 3 công ty tại Khánh Hòa. Sản phẩm xuất khẩu gồm rong nho tươi, rong nho khô (chế biến qua muối bão hòa) và bột rong nho biển; chủ yếu xuất sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và Nga… Trong nước, người dân cũng đang chú ý đến các sản phẩm từ rong nho bởi giá trị dinh dưỡng và tính an toàn cho sức khỏe.

Nguồn : Tepbac, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Hướng đến sản xuất nông nghiệp hiện đại

Nhờ các cảm biến ghi nhận dữ liệu tự động và cập nhật qua internet, các trang trại nuôi tôm sẽ không cần loay hoay đo độ pH, oxy hòa tan… mỗi ngày. Chỉ cần cầm trên tay một chiếc smartphone, chủ trang trại có thể cập nhật nhanh chóng tình hình ao nuôi dù đang ở bất cứ nơi nào.

Chiều 14-10, vòng chung kết cuộc thi IoT Startup 2017 đã diễn ra tại TPHCM với sự tham dự của 10 dự án tập trung vào giải pháp thiết kế hệ thống quản lý vận hành trên nền tảng công nghệ Internet of Things (Internet kết nối vạn vật-IoT). Trong số các dự án này, có khá nhiều giải pháp hướng tới việc ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa việc quản lý các hệ thống sản xuất, chiếu sáng, môi trường…

Theo Ban tổ chức, các dự án này sau giai đoạn phát triển ý tưởng, xây dựng sản phẩm… đều phải trải qua thời gian triển khai giải pháp trong thực tế mới đủ điều kiện tham gia vòng chung kết. Tại vòng chung kết, các dự án đã cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, trình diễn kết quả thử nghiệm trong thực tế và thuyết trình về chiến lược kinh doanh sản phẩm, giải pháp.

Các dự án tham gia vòng chung kết IoT Startup 2017 đã đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn của ngành nông nghiệp, giao thông, môi trường.

Giải thưởng cao nhất thuộc về dự án chuyên giám sát, quản lý ao nuôi trồng thủy sản bằng các thiết bị IoT cũng đã triển khai mô hình thực tế ở các hộ nuôi thủy sản. Các ao nuôi thủy sản thay vì hàng ngày phải đo các chỉ số môi trường theo hình thức thủ công; thông qua giải pháp này cùng với cảm biến (gắn dưới ao) sẽ tự động đo các chỉ số và gửi dữ liệu tới máy tính hoặc điện thoại thông minh (smartphone).

Farmtech Vietnam đạt giải thưởng cao nhất trong cuộc thi IoT Startup 2017

IoT Startup 2017 là cuộc thi thường niên do Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao (SHTP-IC) tổ chức. Mục tiêu của cuộc thi là kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng khởi nghiệp, xã hội với các nghiên cứu, phát triển các sản phẩm trên nền tảng IoT (Internet of Things) cũng như ươm tạo và hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Theo TBKTSG Online & Farmtech Vietnam

Việt Nam hoàn toàn làm chủ được công nghệ sản xuất giống lúa

So với thế giới, Việt Nam đã có thể làm chủ được tới 70,5% công nghệ sản xuất giống. Trong đó lúa thuần được xem là lợi thế – đạt 90%, còn lúa lai đã làm chủ công nghệ tới 66%.

Đó là số liệu được đưa ra trong đề tài “Đánh giá hiện trạng, năng lực công nghệ và nhu cầu đổi mới công nghệ trong tạo giống và sản xuất lúa lai tại miền Bắc và duyên hải miền Trung” do thạc sỹ Phạm Ngọc Lý – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) – làm chủ nhiệm. Đề tài thuộc chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 – một trong các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đang được triển khai tại Bộ Khoa học và Công nghệ.

Các giống lúa đặc sản được bảo tồn tại Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng – Học viện Nông nghiệp Việt Nam

“Việt Nam hoàn toàn làm chủ được công nghệ sản xuất giống lúa. Tuy nhiên, lượng giống lúa thuần đủ cung cấp cho sản xuất trong nước, trong khi đó lúa lai chỉ đảm bảo cung ứng đủ 33% nhu cầu giống, lượng còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài (Trung Quốc, Ấn Độ…)” – Phó Tổng Giám đốc Vinaseed cho biết.

Ông Phạm Ngọc Lý nêu một thực trạng, qua khảo sát 17 công ty (thuộc 2 khu vực miền Bắc và duyên hải miền Trung) thì chỉ Công ty cổ phần giống cây trồng Trung ương và Công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình là có hệ thống máy, chế biến và đóng gói công nghệ hiện đại. Công ty cổ phần giống cây trồng trung ương có công suất sấy và chế biến hơn 30.000 tấn giống lúa/năm và Công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình có công suất 15.000 tấn giống lúa/năm. Hệ thống máy sấy, chế biến và đóng gói chủ yếu nhập khẩu từ các nước châu Âu (Đức, Đan Mạnh). Vì vậy, chất lượng hạt giống lúa của 2 công ty trên rất có uy tín trên thị trường.

Đa số các công ty giống còn lại có hệ thống máy sấy, chế biến và đóng gói tương đối đơn giản, hằng năm chủ yếu sản xuất, kinh doanh từ vài trăm tấn đến 5.000-7.000 tấn giống lúa các loại.

“Vì vậy, các công ty trong thời gian tới muốn tồn tại và phát triển được bắt buộc phải đầu tư hơn nữa về công nghệ cũng như công cụ máy móc để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường giống lúa ở nước ta” – ông Lý đề xuất.

Nguồn: Khoahocphattrien được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.