Na Hoàng Hậu đậu quả ngọt ở Đông Trường Sơn

Na Hoàng Hậu từ lúc xuống giống cho đến khi ra quả chỉ 2 năm, là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, ít đòi hỏi nước…

 

Huyện Kông Chro nằm ở phía Đông của tỉnh Gia Lai, theo tiếng địa phương có nghĩa là khu vực nhiều núi. Đây là nơi khí hậu khắc nghiệt, khô khan, nguồn nước khan hiếm nên người dân chủ yếu canh tác các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như mía, mỳ, bắp lai, dưa hấu, ớt… Gần đây, Kông Chro liên tục gặp đại hạn cũng như sâu bệnh hại trên các loại cây truyền thống.

 

Chuyển đổi để thích ứng thực tiễn

Huyện Kông Chro dù là nơi có con sông Ba chảy qua, song nhiều năm trở lại đây, nơi này chịu cảnh khan hiếm nước do hậu quả của các thủy điện ở phía thượng nguồn gây ra. Chính vì vậy, cấp ủy và chính quyền chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm khắc phục và ứng phó với tình hình thời tiết. Một trong những nơi đi đầu là xã Yang Trung, nông dân mạnh dạn đưa nhiều cây trồng mới hiệu quả cao như na Hoàng Hậu, xoài, nhãn muộn, gấc, dừa xiêm lùn, chanh dây… vào canh tác.

Hiệu quả kinh tế từ cây na Hoàng Hậu là mô hình điểm để địa phương nghèo này mạnh dạn chuyển đổi cây trồng.

 

Hơn 3 năm nay, kể từ khi cây na Hoàng Hậu bén rễ vùng đất này, nó đã từng bước khẳng định ưu thế vượt trội, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Đến vườn trái cây của gia đình ông Vũ Văn Nhất ở thôn 9, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những quả na Hoàng Hậu to vật, cây nào cũng lúc lỉu trái.

Ông Nhất sở hữu gần 8ha đất trồng các loại cây như na Hoàng Hậu, nhãn muộn, xoài, dừa xiêm lùn, mía và đậu đỗ… Riêng na Hoàng Hậu có 600 cây, trong đó 300 cây đã cho thu hoạch trái 2 năm. Theo ông Nhất, phần đất trồng na Hoàng Hậu trước đây được luân phiên trồng mía, mì và đậu đỗ các loại nhưng hiệu quả sản xuất không cao do thiếu nước, sâu bệnh hại và giá cả bấp bênh.

Năm 2016, nhận thấy na Hoàng Hậu đang được trồng nhiều, thu nhập ổn định nên ông Nhất đã mạnh dạn cải tạo lại vườn, mang giống cây có tên gọi vương giả này về trồng thử nghiệm. Gia đình ông đã phải lặn lội vượt cả ngàn cây số vào tận tỉnh Bến Tre để tham quan, học hỏi kinh nghiệm cũng như mua cây giống. Nhờ được chăm sóc bài bản, đúng cách nên năm thứ hai, vườn na của ông Nhất đã cho quả ngọt.

“Na Hoàng Hậu từ lúc xuống giống cho đến khi ra quả chỉ 2 năm, là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, ít đòi hỏi nước nên phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng. Trái na Hoàng Hậu chín có mùi thơm, vỏ màu vàng, da căng, mẫu mã đẹp, trọng lượng gấp 3 – 5 lần so với na thông thường (trái nhỏ nhất đạt 300gr, lớn nhất là 1,5kg). Na Hoàng Hậu được bạn hàng đánh giá ngon không kém sản phẩm cùng loại đang được bày bán trên thị trường”, ông Nhất phấn khởi cho hay.

Gia đình ông Nhất thu hoạch na bán cho thương lái.

 

Cũng trồng na Hoàng Hậu, hàng xóm của ông Nhất là hộ chị Vũ Thị Đào cho hay, gia đình có hơn 2ha đất trồng nhãn, gấc, chanh dây và na Hoàng Hậu. “Trước đây, riêng nhãn, gấc, chanh dây đã đem lại thu nhập mỗi năm hơn 220 triệu đồng, song các loại cây này rất nặng công chăm sóc. Hai năm nay, gia đình đã cải tạo lại vườn để trồng 0,5ha na Hoàng Hậu. Tôi thấy việc đa dạng cây trồng, mùa nào thức ấy sẽ mang lại nguồn thu nhập thường xuyên, ổn định. Bởi nếu bỏ nhiều trứng vào cùng một rổ thì dễ rủi ro khi bị dội chợ”, chị Đào tính toán.

 

Nâng cao thu nhập bằng cây ăn quả trái vụ

Sau 3 năm na Hoàng Hậu bén rễ vùng đất này, nông dân cho rằng loại cây này chính là một hướng đầu tư có tương lai. Nhược điểm của nó là na chính vụ thường rơi vào tháng khoảng 5 – 6, đợt 2 thu hoạch vào áp Tết Nguyên đán. Lúc này, na rất nhiều trên thị trường nên giá không cao.

Chính vì vậy, ông Nhất đã mày mò tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật xử lý na ra hoa trái vụ để cây cho thu hoạch vào thời điểm tháng 10. Theo ông, biện pháp chính là cắt tỉa cành cho cây luôn được trẻ hóa, thường xuyên đâm chồi mới và bung hoa. Khi nụ hoa hé màu trắng thì ông thụ phấn nhân tạo. Sau khi đậu quả, ông còn vài lần loại bỏ quả lép, méo mó để cây tập trung dinh dưỡng nuôi những trái đạt chuẩn.

Trung bình na trái vụ có giá 47.000 đồng/kg, được thương lái đến cắt tại vườn, cao hơn nhiều so với chính vụ (từ 25.000 – 37.000 đồng/kg).

 

“Tháng 10 năm nay, 300 cây na nhà tôi đã bắt đầu cho thu hoạch trái vụ. Trung bình na trái vụ có giá 47.000 đồng/kg, được thương lái đến cắt tại vườn, cao hơn nhiều so với chính vụ (từ 25.000 – 37.000 đồng/kg). Đợt quả này, 300 cây nhà tôi cắt được trên 2 tấn quả, thu nhập 95 triệu đồng, gần bằng hai đợt chính vụ năm ngoái (100 triệu đồng), trong khi vẫn còn 1 đợt thu nữa. Chính vì vậy, các vụ sản xuất tiếp theo, tôi sẽ tiếp tục xử lý cho cây ra quả trái vụ”, ông Nhất chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Quang Quốc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kông Chro, huyện có khoảng 624ha cây ăn quả, riêng xã Yang Trung có hơn 91ha. Tại thôn 9, có hơn 72ha cây ăn quả, trong đó na Hoàng Hậu hơn 30ha. Thời gian qua, hạn hán nặng nề, dịch bệnh cây trồng hoành hành, huyện đã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình mới, đáng kể nhất là mô hình trồng na Hoàng Hậu của ông Nhất.

Mô hình này được đánh giá rất cao, đã mở ra hướng đi mới để người dân chuyển đổi diện tích vườn tạp, vườn cây trồng kém hiệu quả cho phù hợp với điều kiện địa phương. “Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình làm kinh tế hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, giúp cải thiện một số tiêu chí trong việc xây dựng nông thôn mới”, ông Quốc cho hay.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Hơn 10.000 cây cam được cấp “chứng minh thư điện tử”

Trong khi con người vẫn chỉ sử dụng chứng minh thư thông thường khá bất tiện cho việc truy cứu dữ liệu thì nhiều loại cây, con đã được cấp “chứng minh thư điện tử”, chỉ cần giơ điện thoại có kết nối mạng ra là thấy rõ cả phả hệ, tông tích…

 

Hơn 10.000 gốc cam Xuân Canh được gắn mã truy xuất nguồn gốc.

 

Khó có thể nhập nhèm

Khi tiết trời Hà Nội bắt đầu chuyển sang thu cũng là lúc những hộ dân tại xã Xuân Canh (huyện Đông Anh, Hà Nội) tất bật với những quả cam chín mọng. Những đặc điểm thuận lợi về thời tiết, thổ nhưỡng và sự cần cù của người dân địa phương đã tạo nên thương hiệu Cam Xuân Canh nức tiếng gần xa.

Toàn xã hiện có tới 23 ha chuyên trồng cam với khoảng 20.000 gốc cam đang được chăm sóc trong đó có hơn 10.000 cây đã cho quả và có thể thu hoạch vào tháng 10 năm nay.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Xuân Nhạ – Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Canh cho biết: “Dự kiến sản lượng cam Xuân Canh năm nay sẽ đạt khoảng 250 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Thành công này sẽ mang lại cho mỗi hộ dân thu nhập bình quân lên tới 500 triệu đồng”

Cam Xuân Canh có hương thơm nhẹ, vị ngọt đậm đà và mẫu mã đẹp nên mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Đặc biệt, tại Xuân Canh, phân bón hóa học và các chất bảo vệ thực vật được hạn chế tối đa trong hoạt động canh tác, thay vào đó người dân chuyển dần sang sử dụng sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh.

Sự thay đổi trên, một mặt đảm bảo năng suất cây trồng và các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, mặt khác giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe của người bà con nông dân trong quá trình làm vườn. Vì vậy, thương hiệu cam Xuân Canh được người tiêu dùng đặc biệt tin tưởng và lựa chọn.

Tuy nhiên, bên cạnh các sản phẩm cam địa phương chất lượng cao, thị trường nông sản Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những loại cam không rõ xuất xứ với giá dao động từ 15.000 – 70.000 đồng/kg. Trên thực tế, không phải ai cũng biết cách nhận diện chính xác đâu là cam ngon và sạch.

Vì vậy, chính quyền huyện Đông Anh đã phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) triển khai thực hiện gắn mã QR truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm cam của Xuân Canh. Đây là một bước đi quan trọng trong việc phát triển và bảo vệ thương hiệu cam Xuân Canh.

Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản được huyện Đông Anh triển khai bắt đầu từ đầu năm 2019 và được áp dụng trên mô hình cam Xuân Canh từ tháng 7/2019. Hiện nay trên toàn xã có khoảng 20.000 gốc cam, trong đó có hơn 10.000 cây đã ra quả và được gắn mã vạch.

Theo ông Hoàng Văn Nhạ, Chủ tịch Hội Nông dân Xã Xuân Canh, sau khi đăng ký gắn mã truy xuất nguồn gốc cho nông sản, các chủ vườn sẽ được cấp tài khoản quản trị để cập nhật thông tin về nông sản.

Trên cơ sở đó, người tiêu dùng có thể theo dõi toàn bộ quá trình của cam Xuân Canh, từ khi cây mới ra hoa cho tới khi được đóng hộp xuất ra thị trường, thậm chí cả việc cây sử dụng phân bón gì và bón ngày bao nhiêu cũng được hiển thị tại đây.

Toàn bộ thông tin trên đều được công khai, minh bạch, không ai có thể thay đổi được. Hệ thống cũng sẽ tự định vị vị trí nơi sản xuất để đảm bảo thương hiệu của cam Xuân Xanh không bị làm giả.

Sau khi dán mã truy nguồn gốc, cam Xuân Canh bán ra thị trường với giá buôn khoảng 25.000 đồng/kg và từ 40.000 – 50.000 đối với bán lẻ. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Các thông tin về nông sản cũng được cập nhật trên Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thành phố Hà Nội tại địa chỉ https://hn.check.net.vn/.

Sản phẩm cam Xuân Canh được cập nhật trên trang chủ của Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thành phố Hà Nội.

 

Theo bà Phạm Thị Lý, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (Đông Anh), Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE), so với phương pháp truy xuất nguồn gốc truyền thống là ghi chép bằng tay và lưu trữ bằng giấy tờ sổ sách, việc truy xuất nguồn gốc bằng mã QR tiện lợi và đầy đủ thông tin hơn rất nhiều.

Sắp tới, Hợp tác xã và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc qua mã QR trên các mặt hàng nông sản khác như quất cảnh, cà chua, khoai tây, khoai lang…

 

Giấc mơ xuất ngoại

Từ bao đời nay, xuất xứ của sản phẩm vẫn luôn được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm, nhất là trong thời buổi thật giả lẫn lộn vấn đề này lại càng quan trọng. Hiện nay trên thị trường, chỉ nói riêng cam đã có tới cả chục loại khác nhau, gồm cả cam của các địa phương lẫn cam nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang, vì vậy việc minh bạch thông tin xuất xứ là cơ sở quan trọng để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

Về phía doanh nghiệp và bà con nông dân, việc hướng tới sản xuất nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc là giải pháp hữu hiệu để quản lý tình trạng từng cây cam và tiến độ phân phối của cam trên thị trường. Sự tin tưởng của người tiêu dùng cũng là yếu tố quan trọng giúp nâng cao uy tín của thương hiệu cam Xuân Canh.

Việc gắn mã truy xuất nguồn gốc còn là bước đi quan trọng giúp tăng tính cạnh tranh của cam Xuân Canh trên trường quốc tế. Thực tế cho thấy, thị trường các nước trong khu vực yêu cầu rất khắt khe về nguồn gốc xuất xứ của nông sản và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Cụ thể, từ đầu năm 2019, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã yêu cầu bắt buộc truy xuất nguồn gốc với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, đối với các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore thì yêu cầu còn cao hơn nữa.

Trên thực tế, công nghệ truy xuất nguồn gốc đã được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới nhưng còn khá mới ở Việt Nam. Vì vậy khi triển khai cũng gặp phải không ít khó khăn. Cụ thể, việc thực hiện các thao tác truy xuất nguồn gốc trên các thiết bị điện tử còn khá mới mẻ và khó khăn đối với người dân ở các vùng nông thôn, kinh tế chưa phát triển.

Bên cạnh đó, trang chủ của Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thành phố Hà Nội vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện nên chưa có tính năng song ngữ, đây là một hạn chế đối với nông sản Việt khi xuất sang thị trường nước ngoài.

Nhìn chung, dù mới triển khai nhưng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp cũng như người nông dân và người tiêu dùng. Những thành công từ mô hình cam Xuân Canh là cơ sở tiền đề và bài học kinh nghiệm để các HTX khác trên cả nước áp dụng và phát triển cho nông sản của địa phương.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Mít ruột đỏ thu tiền tỷ

Với hương vị thơm ngon, lạ miệng, càng để lâu càng ngọt và mềm, giống mít ruột đỏ Indonesia được nhiều người ưa chuộng, mặc dù giá cao gấp đôi, gấp 3 so với các loại mít thường.

 

Cây Mít giống tại vườn ươm của HTX.

 

Người mang loài mít đặc biệt này về trồng là ông Nguyễn Viết Vị, Giám đốc HTX Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.

Nói về cơ duyên với cây mít ruột đỏ, ông Vị cho biết, năm 2015, trong chuyến đi công tác tại Indonesia, ông tình cờ được giới thiệu và dùng thử mít ruột đỏ. Những múi mít có cùi dày, ăn dai, vị ngọt thanh, nên ông tò mò tìm hiểu.

Ông thấy giống mít này dễ trồng, năng suất cao, sinh trưởng trong điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng khá giống với bên mình. Điều khiến ông thích nhất là múi mít có màu đỏ bắt mắt và hương vị rất đặc biệt, có pha lẫn hương dầu chuối… Sau khi tìm hiểu kỹ, ông quyết định mua 100 cây giống về trồng thử.

Sau 2 năm trồng, cây đã cho lứa trái đầu tiên. Ngay lập tức những trái mít ruột đỏ đã được người tiêu dùng hào hứng đón nhận vì hương vị thơm ngon, có bao nhiêu thương lái đặt hàng hết bấy nhiêu, dù giá lên tới 60 ngàn đồng/kg.

Xác định đây là cây trồng tiềm năng, HTX đã triển khai trồng đại trà 20ha chuyên canh mít ruột đỏ. “Giống mít này có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu nước ta khá tốt. Cây có khả năng chịu hạn cao, phát triển trên mọi loại đất ở Bình Phước. Vì trồng theo chuẩn VietGAP, chỉ dùng phân vi sinh, nên chi phí đầu tư rất thấp, bình quân mỗi gốc mít chỉ tốn 50 ngàn 1 năm.

Cây trưởng thành có thể cho 15-30 trái, mỗi trái nặng khoảng 10kg. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, trái có thể nặng tới 14-15kg. 1ha đất trồng khoảng 270 cây, giá mít đang duy trì ổn định từ 40 – 60 ngàn đồng/kg, HTX thu cả chục tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí”, ông Vị cho biết.

Anh Lưu Anh Trung, thành viên HTX Phước Thiện chia sẻ, gia đình anh có 2ha đất chuyên canh cây tiêu. Thời hoàng kim của cây tiêu mỗi năm anh thu nhập cả tỷ đồng. Nhưng mấy năm nay, thời tiết thất thường, sâu bệnh phát triển mạnh, giá tiêu xuống thấp, trong khi chi phí đầu tư tăng cao… nên lỗ nặng.

 

Anh Lưu Anh Trung bên vườn Mít ruột đỏ 2 tuổi của gia đình.

 

“Khi HTX vận động tham gia dự án liên kết trồng mít, tôi hơi do dự vì vốn liếng không có. Nhờ sự hỗ trợ của HTX, năm 2017, tôi chuyển toàn bộ vườn tiêu sang trồng mít ruột đỏ. Hiện 600 gốc mít mới ra trái đợt đầu, mỗi ngày cũng kiếm được gần 1 triệu đồng”, anh Trung hồ hởi nói.

Ông Nguyễn Viết Vị cho biết: Mục tiêu của HTX là liên kết nông hộ, sản xuất tập trung theo quy trình VietGAP, cho ra sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, ổn định đầu ra. Ngoài ra, liên kết sản xuất cũng góp phần giảm phí đầu tư, tăng thu nhập.

“Nhằm giúp bà con nông dân có những cây giống tốt, HTX đã xây dựng vườn ươm từ những cây giống đầu dòng. Trung bình mỗi tháng HTX cung cấp hàng ngàn cây giống chất lượng với giá 40 ngàn đồng/cây, rẻ hơn ngoài thị trường từ 5-10 ngàn đồng, chỉ thu trước 50%, còn lại chờ thu hoạch mới thu hết. Bên cạnh đó, HTX cũng cam kết thu mua mít thương phẩm cho bà con trong tỉnh, nhưng phải trồng đúng theo quy trình sạch”, ông Vị nói.

Nói về đầu ra của sản phẩm, ông Vị cho biết, ngoài thương lái đến mua tận vườn, HTX cũng ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm với các siêu thị như Coop Mart, Big C… Ngoài ra, HTX còn thường xuyên tham gia các hội chợ kết nối cung – cầu, xúc tiến đầu tư. Nhờ vậy, mít ruột đỏ không chỉ đến tay người tiêu dùng trong nước mà được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng nhập hàng như Trung Quốc, Ấn Độ…

Hiện tại, ngoài 18 thành viên, HTX Phước Thiện còn liên kết với hơn chục hộ trên địa bàn tỉnh trồng mít ruột đỏ, trung bình mỗi hộ có từ 2 – 10ha, đều thu nhập ổn định từ 200 triệu đồng/năm trở lên.

Ngoài cây mít ruột đỏ, HTX Phước Thiện còn trồng các loại cây ăn quả khác như mít lá bàng, ổi ruột đỏ, chuối tím, vú sữa hoàng kim và xây dựng trang trại chăn nuôi gà, heo quy mô lớn để tăng thu nhập cho xã viên.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Phương pháp phục hồi vườn cây ăn trái khi bị ngập lũ

Trong đợt bão lũ vừa qua, nhiều vườn cây ăn trái bị ngập nước, gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân. Sau khi nước rút, bà con cần áp dụng các phương pháp kỹ thuật để vườn cây phục hồi nhanh, đảm bảo năng suất cho vụ tiếp theo.

Hàng trăm ha thanh long bị nước lũ nhấn chìm tại tỉnh Ninh Thuận

Bộ rễ suy yếu trong mưa lũ

Trong mùa mưa lũ, hầu hết các yếu tố về môi trường đều tác động gây bất lợi cho các vườn cây ăn trái. Đặc biệt là những vườn cây được nông dân xử lý ra hoa mùa nghịch trong mùa mưa thì càng chịu tác động bởi thời tiết mưa lũ nhiều hơn.

Trong mùa mưa, sức khỏe của cây bị ảnh hưởng nhiều nguyên nhân như: Cây thiếu ánh sáng quang hợp để tổng hợp chất đường bột nhằm tạo ra năng lượng để nuôi cây. Quang hợp ít hơn dẫn tới tình trạng thiếu năng lượng, làm cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cây bị hạn chế.

Tùy theo điều kiện về đất đai, loại cây trồng, tuổi cây, giai đoạn sinh trưởng mà các vườn cây ăn trái do ngập lũ có thể bị thiệt hại với mức độ khác nhau.

Mặt khác, khi thiếu ánh sáng, mưa nhiều ẩm độ không khí cao thì sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển và tấn công gây hại. Trong thời điểm này, bà con cần hạn chế đi lại trong vườn làm cho đất bị lèn chặt, ảnh hưởng đến bộ rễ cây và khả năng phục hồi của cây sau khi nước rút.

Các vườn cây ăn trái chẳng may bị ngập nước thì bề mặt đất bị phủ bởi một lớp phù sa và nước sẽ chiếm đầy các khoảng trống trong các khe hở của đất.

Vì vậy, các khí khổng trong đất sẽ không còn đủ oxy cung cấp cho bộ rễ cây hô hấp. Khi đất thiếu oxy, hệ sinh vật yếm khí sẽ hoạt động mạnh càng làm cho sự thiếu oxy thêm trầm trọng và thải ra nhiều chất độc hại như khí cacbonic và các axit hữu cơ làm cho rễ cây bị thối.

Đồng thời rễ cây cũng rất dễ bị các loại nấm bệnh như Fusarium, Phytophthora,… tấn công ngay sau khi bị ngập lũ. Ngoài ra, hiện tượng nghẹt rễ cũng làm cho cây bị “stress”, tổng hợp Ethylene bên trong cây gây ra ngộ độc làm cho lá bị vàng nhanh và rụng.

Cắt tỉa cành và chăm bón hợp lý

Để tránh bị thiệt hại do vườn bị ngập lũ, cần chú ý áp dụng các biện pháp sau đây:

Khi xảy ra sự cố vỡ bờ bao hoặc bị nước tràn vào vườn thì nên để nước chảy tự nhiên trên mặt liếp, không cần lội vào vườn đắp chặn hay ven ví nước lại.

Vườn cây ăn quả bị ngập nước trong đợt mưa lũ vừa qua tại Thanh Hóa.

Hạn chế tối đa việc đi lại trong vườn cây ăn trái, vì làm như vậy cây càng dễ bị thiếu oxy và chết nhanh hơn. Dòng nước chảy thoáng sẽ cung cấp một phần oxy và giúp rễ cây dễ dàng hô hấp hơn. Nếu cây đang ra hoa, trái hay tược non thì nên tỉa hoặc cắt bỏ hết tược non và đợt hoa, trái này.

Nên cắt tỉa các cành vô hiệu, chồi vượt để hạn chế tiêu hao chất dinh dưỡng, tránh lay động gốc ảnh hưởng đến rễ khi bị ngập.

Có thể xử lý giúp cây ngừng ra tượt non bằng cách phun dung dịch Phosphat Kali + Urê với tỷ lệ (Phosphat Kali: Urê là 4:5) ở nồng độ 1- 1,5% hoặc hỗn hợp phân DAP và KCl với tỷ lệ (DAP: KCl là 2:1) ở nồng độ 1- 2%, nên xử lý vào chiều mát nếu cộng thêm chất bám dính thì càng tốt vì sẽ hạn chế phần nào lượng phân bị rửa trôi do mưa.

Phun từ 2-3 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 7-10 ngày đến khi cây ngưng ra đọt. Việc xử lý này nhằm làm cho lá mau già, cây chậm tăng trưởng và đi vào giai đoạn ngủ nghỉ, ít tiêu hao năng lượng vì rễ cây không đủ khả năng cung cấp dinh dưỡng hoặc có thể phun dung dịch có chứa Cytokynin nhằm ngăn cản quá trình tổng hợp Ethylen và sự oxit hóa diệp lục tố, giúp cây tăng cường khả năng chống chịu khi bị ngập úng.

Tuyệt đối không nên sử dụng các chế phẩm kích thích ra hoa, ra đọt, trong giai đoạn này. Dùng dụng cụ tỉa bớt hoa, trái hoặc tỉa bỏ toàn bộ (thu hoạch trái sớm), tùy theo tình trạng sức khỏe của từng cây.

Sau khi nước rút cần xẻ rãnh phụ giữa các hàng cây để thoát nước thật nhanh nhằm hạ mực thủy cấp trong vườn. Dùng cào răng xới nhẹ mặt đất bằng để phá váng, giúp mặt đất được thông thoáng cho rễ dễ tiếp nhận oxy. Sau đó dùng rơm hay cỏ khô để che phủ mặt đất (nên che xa gốc cây khoảng 20cm để hạn chế phần nào nấm bệnh tấn công vào gốc cây).

Bón phân cân đối, đặc biệt là kali. Không nên bón đạm làm cây ra nhiều chồi non. Hạn chế bón phân hữu cơ, đặc biệt phân hữu cơ chưa hoai vì sẽ làm vi sinh vật hoạt động mạnh, tiêu hao nhiều oxy của cây trồng khi bị ngập úng.

Không nên bón nhiều phân NPK, nhất là phân chứa nhiều đạm, mà nên bón phân có chứa nhiều lân và kali như bón phân DAP và Clorua Kali với tỷ lệ (DAP: Clorua Kali là 2:1) liều lượng 0,2- 1kg hỗn hợp/cây tùy thuộc vào tuổi và loại cây nên kết hợp với phân chuồng nhằm kích thích cho vi sinh vật hoạt động tốt, rễ phát triển nhanh, cây mau phục hồi.

Có thể phun các loại phân qua lá có chứa N, P, K đặc biệt là các dạng phân bón lá có chứa nhiều lân, các dạng phân K-humat, humic,… nhằm giúp cây mau ra rễ mới và phục hồi nhanh; kết hợp với việc phun các loại thuốc đặc trị các loại bệnh gây hại ở vùng đất và rễ.

Đồng thời tỉa bỏ lá non, cành khô chết, tỉa bớt những cành quá xum xuê. Quét vôi vùng thân gốc từ mặt đất lên 0,5- 2m (tùy loại và chiều cao cây). Nên sử dụng nấm đối kháng Trichoderma hay các loại thuốc đặc trị nấm, để tưới vùng gốc rễ, ngăn chặn bệnh hại rễ.

Giai đoạn này, cần chú ý quản lý cỏ hợp lý vì cỏ là những “bơm sinh học” làm tầng đất sâu mau khô ráo. Do đó, không nên diệt sạch mà chỉ cắt thấp khi cỏ vườn phát triển quá cao.

Ngoài ra, sau mùa mưa lũ cũng nên bổ sung phân vi lượng cho vườn cây ăn trái bằng cách phun một số loại phân bón lá có chứa vi lượng. Đồng thời chú ý phòng trừ các loại bệnh như bệnh loét, bệnh xì mủ gốc hoặc bệnh vàng lá thối rễ sẽ xảy ra nếu trên vườn không có hệ thống thoát nước tốt

Nguồn: Trangtraiviet.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thu nhập 200 tỷ/năm nhờ vào cây có múi

Từ ý tưởng bị coi là “điên rồ”

Ở xã Đồng Thanh, huyện Kim Động, Hưng Yên, nhiều đời nay người dân sống chủ yếu dựa vào cấy lúa, mỗi sào cho thu hoạch vài tạ thóc. Có thời điểm, các hộ dân ở đây cơm không đủ ăn, cả nhà nhường nhau từng chút thức ăn để vượt qua những năm tháng đói nghèo bủa vây.

Trong hoàn cảnh đó, từ năm 2000, một số hộ dân ở xóm Thanh Sầm và Bùi Xá đã táo bạo chọn hướng thay đổi mô hình trồng lúa sang trồng cây có múi như cam Vinh, cam sành, bưởi Diễn với hy vọng cuộc sống sẽ sung túc hơn.

Xã Đồng Thanh thoát nghèo nhờ trồng cây có múi

Một trong những người đi tiên phong thay đổi cây trồng là ông Lê Văn Phú (60 tuổi), người dân thôn Thanh Sầm. Ông Phú được người dân kính nể không chỉ vì có thu nhập khủng từ vườn cây có múi mà còn là người trực tiếp hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm giúp các gia đình khác thoát nghèo.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, ông Phú vẫn không quên ‘trang điểm’ cho căn nhà bằng hai hàng bưởi sai trĩu quả đang vào vụ thu hoạch. Ông kể: “Năm 2000, khi tôi quyết định chuyển đổi 1,5 mẫu đất trồng lúa sang trồng cây cam Vinh, bưởi Diễn mọi người trong làng đều kịch liệt phản đối và cho rằng đó là ý tưởng điên rồ. Thậm chí, khi ấy UBND xã Đồng Thanh cũng không mặn mà gì với việc làm này của tôi”.

Tuy nhiên, bỏ qua những lời phản đối và những khó khăn ban đầu, ông Phú vẫn kiên định và quyết tâm theo đuổi con đường mình lựa chọn. Vì theo ông Phú, nếu cứ tiếp tục trồng lúa với thu nhập thấp như vậy thì gia đình sẽ mãi sống trong cảnh chật vật, nghèo túng.

“Thời gian đầu, khó khăn nhất là kĩ thuật trồng và chăm sóc cây. Tôi mất 5 năm đầu mới tự tin nhân rộng mô hình và thu được thành quả bước đầu” – ông Phú nhớ lại.

Cũng theo ông Phú, sau khi nắm bắt được kĩ thuật, học hỏi thêm kiến thức sau các đợt tập huấn, gia đình ông đã biết cách làm sao cho cây sống khỏe, cho ra vị ngọt rất đặc biệt, không giống với các loại cam ở các huyện khác ở Hưng Yên như Văn Giang.

“Đất của xã Đồng Thanh là đất thịt, khác với đất cát ở Văn Giang, đất đồi ở các vùng Hòa Bình nên rất phù hợp với việc trồng cây có múi. Hương, vị của hoa quả trồng ở đây cũng khác lạ, tạo nên thương hiệu riêng” – lão nông Lê Văn Phú cho biết.

Sau nhiều năm phát triển kinh tế gia đình từ trồng cây có múi, lão nông Lê Văn Phú còn sáng tạo nhiều kĩ thuật canh tác cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao hơn. Một trong những kĩ thuật đó là bón đậu nành cho cây cam.

Theo ông Phú, việc cho cây cam ‘ăn’ đậu nành giúp cây cho quả nhiều hơn, vị ngọt của cam đậm và thơm hơn. Cứ mỗi sào gia đình ông Phú bón từ 80 đến 100kg. Cùng với bón đậu nành, các hộ dân ở đây còn cho thêm phân kali để tăng vị ngọt và giúp cây chống chọi được với các dịch bệnh.

Sau 17 năm kiên trì, đến nay ông Phú đã mở rộng quy mô, tăng diện tích trồng cây có múi lên 11 mẫu, trồng khoảng 7.000 cây gồm cam Vinh, cam đường, bưởi Diễn. Tổng thu nhập bình quân mỗi năm gần 2 tỷ đồng.

Đến xã ‘tỷ phú’ mới nổi

Nhìn thấy hiệu quả kinh tế ngoài sức tưởng tượng mà ông Phú gặt hái được từ cây có múi, từ năm 2010 đến nay, nhiều hộ dân trong xã Đồng Thanh đổ xô chuyển sang trồng cây có múi và đều đổi đời. Có nhiều gia đình mở rộng quy mô lên hàng chục mẫu đất, với chi phí đầu tư nhiều tỷ đồng. Có những hộ dân, chỉ với một vài sào ruộng nhưng cũng quyết tâm chuyển đổi.

Ông Vũ Văn Luận, được người dân mệnh danh là “ông trùm” về cây có múi ở xã Đồng Thanh với tổng diện tích trồng cây khoảng 20 mẫu, trồng khoảng 10 nghìn cây gồm cam và bưởi Diễn, mỗi năm thu về trên 3 tỷ đồng lợi nhuận.

Với những tìm tòi, sáng tạo trong canh tác, ông Luận cùng nhiều người đã tạo ra những quả cam có vị ngọt rất lạ, đậm và thơm. Theo ông Luận, thương lái từ khắp các tỉnh phía Bắc như Hòa Bình, Bắc Giang, Hà Nội,… lần lượt rỉ tai nhau kéo về đây để lấy hàng, ai nấy đều gật gù với chất lượng cam Đồng Thanh.

Nhìn thấy lợi nhuận từ vườn cây có múi, cả xã Đồng Thanh ai nấy đều ồ ạt chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cam, bưởi. Có những gia đình diện tích đất chỉ vài sào nhưng cũng quyết tâm chuyển hướng với hy vọng đổi đời.

Cuộc sống của người dân thay đổi từ khi chuyển đổi cây trồng

Anh Đào Văn Vượng (40 tuổi), người dân thôn Thanh Sầm, mặc dù chỉ có hơn 5 sào đất trồng cam nhưng mỗi năm vẫn cho thu về trăm triệu.

Anh Vượng tâm sự: “Ngày xưa khi còn trồng lúa, tôi vừa làm ruộng vừa làm công nhân bốc vác trên địa bàn huyện thu nhập chỉ 4 triệu đồng mỗi tháng. Đời sống gia đình không khá lên được”.

“Thấy hàng xóm là ông Phú làm giàu từ cam với bưởi Diễn, tôi quyết định sang học tập kinh nghiệm. Sau 4 năm cố gắng, gia đình cũng có một vườn cam nhỏ đủ để trang trải cho cuộc sống. Năm nay, trừ đi chi phí, ước tính lợi nhuận thu được từ hơn 5 sào đất khoảng trên 100 triệu đồng”.

Bức tranh đời sống của xã Đồng Thanh thay đổi trông thấy, những ngôi nhà cao tầng, khang trang mọc lên san sát.

Ông Lê Văn Nhất, chủ nhiệm HTX dịch vụ thương mại xã Đồng Thanh, cho hay: Bộ mặt của toàn xã đã thay đổi hoàn toàn từ khi người dân chuyển đổi cây trồng.

Khoảng 5 năm trở lại đây, đời sống của người dân trong xã thay đổi hoàn toàn. Đó là nhờ việc nhân rộng mô hình chuyển đổi đất từ trồng lúa sang đầu tư cây có múi như cam Vinh, bưởi Diễn. Tổng thu nhập toàn xã Đồng Thanh các năm 2015, 2016 đều đạt trên 100 tỷ đồng. Xã đã chuyển đổi hơn 70% diện tích đất để trồng cây có múi.

Vị chủ nhiệm HTX Đồng Thanh vui mừng: “Mới đây, cam Đồng Thanh được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Chúng tôi đang đưa sản phẩm tham gia các hội chợ với tên thương hiệu là cam và bưởi Đồng Thanh, với kỳ vọng thời gian tới sẽ xuất khẩu được cam ra thị trường nước ngoài”.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Kĩ thuật trồng và chăm sóc na thái

Đất đai: Cây Na Thái dễ sống không kén chọn đất, kể cả đất nghèo dinh dưỡng, đất sỏi, đất cát, chua hoặc trung tính. Tuy nhiên, để Cây Na Thái cho quả to ngon, năng suất cao, thi Bà con nên trồng ở loại đất tốt, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt.

Đất thích hợp nhất để trồng Na Thái là đất rừng mới khai phá, đất phù sa, có độ pH= 5,5-6,5. Nếu trồng đất xấu, không bón phân thì cây nhanh già cỗi, ít quả, hạt nhiều, quả nhỏ.

Ánh sáng và độ ẩm: Na Thái là cây trồng ưa ánh sáng hoàn toàn,  Na Thái ưa độ ẩm trung bình.

Nhiệt độ: Na Thái chịu được biên độ nhiệt lớn, chịu rét khá tốt. Mùa đông cây rụng lá, nghỉ đông ngừng sinh trưởng, đến mùa xuân lại mọc lá mới. Cây rất phù hợp trồng ở Miền Bắc nước ta.

Thời vụ trồng: Bà con nên trồng Na Thái vào mùa xuân kéo dài đến tháng 8-9.

Mật độ trồng: Tính theo kích thước của tán cây có thể trồng mật độ 4x4m hoặc 4x5m/ 1 cây. Khoảng cách trồng 5m ở đất tốt, 4m ở đất xấu

  Na Thái giống

Đào hố trồng: Hố trồng Na Thái cần có chiều sâu khoảng 50 cm, kích thước rộng, bón lót bằng 15-20kg phân chuồng + 0,2 kg kali + 0,5 kg lân trước khi trồng khoảng 7-10 ngày.

Cách trồng: Trồng Na Thái cũng không khác gì so với trồng Na Thường. Đối với Bầu Na gieo từ hạt khi đã đủ tuổi Bà con tiến hành rạch nilon sau đó đặt cây vào giữa hố đã đào sẵn, san đất xuống hố và nệm đất cao hơn gốc cây một chút. Đối với cây giống ghép cành Bà con cũng trồng như thế. Bà con chú ý sau khi trồng cần tưới đẫm nước cho cây, chú ý bảo vệ cây.

Thời vụ trồng: đầu mùa xuân và có thể kéo dài đến tháng 8, 9. Nhất thiết phải tưới đẫm nước khi vừa trồng, dù là cây ương trong bầu, hay cây đánh đi trồng cho đến khi cây xanh trở lại, phải tưới nếu nắng hạn. Sau này khi cây đã ra trái, tưới bổ sung khi gặp trời hạn cũng có lợi.

Bón phân: Nên bón 20 – 30 kg phân chuồng khi trồng cho mỗi cây. Sau đó khi cây lớn bón phân cho 1 cây như sau: Phân chuồng hai năm đầu bón 20 kg/năm, sau đó từ năm thứ ba trở đi 30 kg/năm. Phân chuồng nên bón làm một lần hoặc hai lần trước mùa mưa và sau khi thu trái. Phân khoáng (bón thêm với phân chuồng) năm đầu bón phân NPK 16 -16 – 8 : 0,5 kg cho mỗi cây. Từ năm thứ hai trở đi cứ thêm 1 năm tuổi bón thêm 0,5 kg. Ví dụ năm thứ hai bón 1 kg/cây, năm thứ ba 1,5 kg và đến năm 9, 10 thì thôi không tăng nữa. Để trái thêm ngọt, có thể bón thêm phân Kali từ năm thứ ba trở đi, 0,5 kg cho mỗi cây, và sau đó tăng lên chút ít mỗi năm.

Sâu bệnh: Na Thái ít sâu bệnh. Tuy vậy cần chú ý phòng trị rệp sáp, rất phổ biến ở các vườn ít chăm sóc. Khi Na chưa có trái rệp bám ở dưới mặt lá, dễ nhận ra ở màu trắng sáp và các tua trắng quanh mình, sinh sôi ở đó. Khi có trái thì bám vào trái hút nhựa, từ khi trái còn non đến tận khi chín, thường ở kẽ giáp ranh giữa hai múi vì chỗ này vỏ mỏng, không những làm mất mỹ quan, khó bán được, mà còn làm giảm chất lượng do vị nhạt.

– Trị bằng thuốc: Supracid, Bi 58ND, Applaud, Mipcin,… Xịt vào cuối vụ, khi không còn trái. Khi có trái, xịt cả vào trái, vào lá. Khi trái sắp chín, không xịt nữa, tránh gây độc cho người tiêu thụ.

Thu hoạch: dấu hiệu Na chín là màu trắng xuất hiện ở các kẽ ranh giới giữa 2 mắt, và các kẽ này đầy lên, đỉnh múi thấp xuống (Na mở mắt). Ở một số giống xuất hiện những kẽ nứt và ở các giống “Na bở” kẽ nứt toác. Nên lót lá tươi, lá chuối khô để trái khỏi sát vào nhau, vỏ nát thâm lại, mã xấu đi, khó bán. Hái xong nên vận chuyển ngay đến nơi tiêu thụ vì khi chín rồi, dù là Na Thái, vẫn dễ nát.

Bảo quản:

Trái cây chín nhanh thường do quá trình hô hấp mạnh (hút khí O2 và thải khí CO2). Ngoài ra, trong quá trình chín, trái cây còn thải khí etylen và chính khí này quay trở lại kích thích trái cây mau chín hơn. Cách hữu hiệu để bảo quản trái cây không chín nhanh là dùng nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, đối với một số loại trái cây nhiệt đới, khi nhiệt độ quá thấp sẽ bị tổn thương lạnh (trái nhũn, bị chấm đen,…). Vì vậy, nhiệt độ bảo quản không nên thấp hơn so với giá trị quy định. Với xoài cần bảo quản ở nhiệt độ không thấp hơn 130C, chôm chôm: 120C, Na: 130C, Dưa hấu: 100C,… Nếu không có điều kiện bảo quản lạnh, có thể ngâm trái cây với dung dịch muối canxi (CaCl2, nồng độ 1-3% trong thời gian 1-3 phút) để ức chế quá trình hô hấp của trái cây.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật trồng cây bơ cho giá trị dinh dưỡng cao

So với các loại cây ăn quả khác, bơ có kĩ thuật trồng khá dễ, khả năng thích nghi rộng, chống chịu khá với các bất lợi của môi trường như hạn hán, gió, đất nghèo dinh dưỡng. Ngoài đem lại giá trị về dinh dưỡng, bơ còn là một loại trái cây khá an toàn, do có vỏ dày nên hạn chế được các loài sâu hay côn trùng chích hút, thuốc bảo vệ thực vật rất ít được dùng cho cây bơ.

Kỹ thuật trồng cây bơ

Cây bơ trồng được ở nhiều loại đất nhưng thích hợp nhất ở đất đỏ bazan. Địa hình đất trồng bơ bắt buột phải thoát nước tốt, đây là lý do miền Tây Nam bộ khó phát triển được bơ. Độ pH đất đạt yêu cầu từ 5 – 6 trên đất cà phê cần bổ sung vôi. Ở vùng đất quá dốc, người trồng cần thiết kế theo đường đồng mức, tạo băng để hạn chế xói mòn đất.

Cây bơ trồng từ hạt phân ly rất lớn trên nhiều tính trạng và chất lượng quả nên người dân phải trồng cây ghép đúng giống tốt, cây sinh trưởng khỏe, chống chịu sâu bệnh, năng suất đạt cao, dạng quả và chất lượng quả đảm bảo. Nếu làm được điều này thì sản phẩm của bà con sẽ đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và phù hợp một số tiêu chuẩn xuất khẩu.

cây bơ trồng đúng kĩ thuật năng suất cao

Mật độ, cách trồng

Trong điều kiện trồng thuần bơ, người trồng nên thiết kế khoảng cách 8m x 7m hoặc 9m x 6m giữa các cây, trồng xen kết hợp che bóng, chắn gió cho cà phê thiết kế 9m x 9m hoặc 9m x 12m. Đối với vườn trồng mới cà phê, người nông dân nên hạn chế trồng xen bơ ở khoảng trống.

Hố đào cần có kích thước 60 x 60 x 60cm, lượng phân bón lót mỗi hố 15 – 20 kg phân chuồng hoai (bổ sung men vi sinh), 0,5kg lân Ninh Bình và cần được rải 0,3 -0,5kg vôi. Bà con nông dân nên dùng dao rạch vòng tròn, bỏ đáy túi nilông, cắt bỏ những rễ mọc dài ra khỏi bầu đất, rạch dọc từ đáy lên 10cm, đặt mặt bầu thấp hơn mặt đất 5 cm có ngọn quay về hướng gió và lấp đất ½ bầu cây, rút túi ny lon từ từ kết hợp lấp và nén đất vào xung quanh bầu đất, nên xen kẽ các giống nhóm hoa A, B. Bơ mới trồng rất cần được che nắng, cắm cọc.

Phân bón

Cây con nên bón 4 -5 lần/năm, lượng bón tùy tuổi cây. Khi bắt đầu cho quả, cây có nhu cầu phân Kali cao hơn và lượng bón nên được ổn định ở năm thứ 9, thứ 10. Các giai đoạn sinh trưởng của cây bơ mùa nghịch khác nhiều so với cây cà phê nên cần có chế độ dinh dưỡng cân đối theo tuổi và giai đọan. Người chăm cây cần bổ sung vôi và phân hữu cơ, bổ sung phân qua lá như: phân bón lá cao cấp Alpha Super, Antonic; dùng Grow More trước và sau bón lần 4.

Tỉa cành tạo tán

Người nông dân cần tiến hành tỉa lá từ 2 -3 lần/năm hoặc 1 lần sau thu hoạch, chú ý tỉa chồi của gốc ghép, tỉa những cành sâu bệnh sát đất, tỉa trống gốc nâng dần độ cao, tạo tán tròn đều thông thoáng đôi khi lệch về hướng gió lớn. Ngoài ra, bà con nên bỏ hoa ra trong năm đầu để cây đủ sức phát triển. Khi cây còn nhỏ, chưa ổn định, điều kiện chăm kém, thiếu nước, tỉa không hợp lý sẽ khiến cây ra lệch mùa so với đặc tính giống.

Tưới và tủ gốc

Cây bơ cần lượng nước vừa phải nhưng người trồng nên tưới nhiều lần. Bà con có thể  tưới 10-15 ngày/lần trong mùa khô kết hợp ủ gốc, không cần tưới quá đẫm hay đầy bồn, kết hợp bón 2 lần phân trong mùa khô. Việc tưới quá đẫm, sau đó để đất khô nứt sẽ làm cây bị đứt rễ non, không phát triển hoặc chết.

Phòng trừ sâu, bệnh

Ở cây bơ nên được quản lý theo hướng IPM (hạn chế dùng thuốc BVTV). Người trồng cây nên tạo vườn thông thoáng, dọn sạch tàn dư, hạn chế ẩm ướt và phun thuốc phòng trị cục bộ trong vườn.

Bệnh thối rễ, nứt thân do nấm Phytophthrora cinamoni. Cây bị bệnh thường có tán lá xơ xác, lá đổi sang màu xanh nhạt rồi rụng, cành chết dần từ ngọn xuống thân chính. Người nông dân cần tránh ẩm ướt liên tục ở vùng rễ, phát hiện sớm những vết nứt dọc, xì mũ trên thân và thâm đen trong mạch gỗ.

Bệnh khô cành do nấm Colletotrichum cloeosporiodes, làm cành khô chết, làm trái bị nhũn (thường là ở phần cuối trái). Ngoài ra, bệnh còn do nắng nóng rọi trực tiếp trong thời gian dài, trường hợp này xuất hiện rất phổ biến ở những cây mới trồng ít lá.

Bệnh trên quả già : Nấm bệnh xâm nhập từ khi quả đang phát triển (đường kính 1-3cm) tạo ra các điểm đen nhỏ trên vỏ quả, ở các giống bơ Sáp nhìn khá rõ vào thời điểm sắp thu hoạch. Chúng có những vết nứt nhỏ, hình dấu cộng trên vỏ quả, các điểm đen này nứt và tách ra, làm giảm mẫu mã và giá bán.

Sâu hại phổ biến

Côn trùng hại rễ gồm các đối tượng thường thấy như mối, sùng, dế, kiến, đặc biệt là rệp sáp, tập trung ở tầng đất từ 0 – 50cm, cây bị bệnh có lá vàng nhạt, cây suy yếu và dễ chết.

Bọ xít: Gồm 2-3 loài, chích hút nhựa đọt non, lá non làm héo và chùm đọt, đặc biệt là trái non, tạo ra các chấm đen trên vỏ quả và nhiều hạt chai cứng trong thịt quả, với mật số cao sẽ làm rụng nhiều quả. Đây cũng là cửa ngõ xâm nhập của nhiều loại nấm bệnh, làm giảm rất rõ năng suất và chất lượng quả.

Mọt đục thân cành: Xuất hiện khá phổ biến trên các vườn bơ, tạo nhiều lổ đục nhỏ trên thân, cành (khác với sâu đục cành) với lớp phấn trắng ở lỗ đục (có thể là nấm) xuất hiện từ giữa mùa mưa khá rộ đến giữa mùa khô, lổ đục tuy nhỏ và đường đục ngắn nhưng làm giảm quá trình sinh trưởng, phát triển của cây và làm cành dễ gãy.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam