Nhãn Việt lần đầu tiên xuất khẩu sang Úc

Sau vải, xoài, thanh long được xuất sang Úc, ngày 9/9/2019, quả nhãn đầu tiên của Việt Nam chính thức được cấp phép nhập khẩu vào thị trường Úc, mở ra cơ hội cho nhiều loại trái cây Việt tiếp tục xuất ngoại. Tuy nhiên, để trái cây Việt xuất khẩu bền vững vẫn còn nhiều thách thức.

 

Nhãn Việt được quản bá tại thị trường Úc

Vào được các thị trường khó tính nhất

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017, trái cây Việt Nam xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2016 (1,7 tỷ USD). Năm 2018, đạt trên 4 tỷ USD. Tính đến nay, trái cây Việt Nam đã thâm nhập thị trường của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc trái nhãn tươi của Việt Nam tiếp tục được xuất khẩu vào Úc không chỉ mở ra cơ hội mới cho trái cây Việt mà còn là nền tảng rất tốt để trái cây Việt Nam thâm nhập vào các thị trường khác, bởi một khi đã vượt qua được sự kiểm duyệt từ một thị trường khắt khe như Úc, sẽ thuận lợi để tỏa đi nhiều thị trường mới nữa với giá bán  tốt hơn. Đến thời điểm này, Việt Nam đã xuất khẩu nhãn vào nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc , EU… và đều đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn, đồng nhất, chất lượng và có đủ sản lượng cung ứng quanh năm.

Đại diện Hiệp hội Xuất khẩu rau quả Việt Nam cũng cho biết, hiện nay trái thanh long, nhãn tươi là một trong hai mặt hàng có kim ngạch cao nhất trong top 10 hoa quả xuất khẩu có kim ngạch cao của Việt Nam. Mặc dù Úc là một nước nông nghiệp và cũng có nhãn tươi nhưng diện tích trồng không nhiều, chủ yếu tập trung tại bang Queensland và một phần tại phía Bắc bang New South Wales. Nhãn tươi của Úc chỉ có một mùa kéo dài từ tháng 1 đến giữa tháng 6. Vì vậy, nếu nhãn tươi Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Úc, nhất là vào thời điểm trái mùa thì có thể được tiêu thụ với giá cao. Bên cạnh đó, cơ hội thị trường cũng rất lớn khi giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Úc trong 10 năm gần đây tăng bình quân gần 10%/năm và Úc cũng là bạn hàng xuất khẩu lớn thứ 8 và nhập khẩu đứng thứ 12 của Việt Nam.

Hình thành chuỗi liên kết là rất cần thiết

Theo các chuyên gia trong ngành, việc được cấp phép nhập khẩu mới chỉ là giai đoạn đầu, thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp là làm sao  trụ vững trên thị trường Úc và các thị trường khó tính khác. Muốn vậy, các doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa để hướng đến một nền sản xuất sạch hơn, ở đó chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu chứ không phải là sản lượng và giá cả thấp. Do vậy, việc hình thành chuỗi liên kết là rất cần thiết.

Nhìn lại quá trình thâm nhập thị trường Úc của trái cây Việt trước đó, mới thấy chặng đường không hề dễ dàng. Chỉ tính riêng vải thiều và xoài, quá trình đàm phán hai loại trái cây này vào thị trường Úc mất lần lượt là 12 năm và 7 năm. Tương tự, lô thanh long tươi đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang Úc cũng mất 9 năm đàm phán và làm thủ tục.

Tuy nhiên, vào được thị trường rồi vẫn chưa vội mừng. Bởi thực tế, những chuyến hàng vải thiều và xoài đầu tiên khi nhập khẩu vào Úc có chất lượng rất tốt, bảo đảm, mang ra chợ bán được giá rất cao, nhưng sau đó giá bị giảm nhanh chóng do trong các lô hàng xuất khẩu tiếp theo, doanh nghiệp không đáp ứng được đủ các quy trình như các lô hàng đầu tiên, dẫn tới việc mất khách hàng.

Theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp Úc, các doanh nghiệp cần lưu ý về liều lượng chiếu xạ tối thiểu và tối đa trong việc xử lý quả nhãn, phải tuân thủ hàng loạt các quy định về kiểm tra chất lượng, dịch bệnh, đóng gói và các vấn đề kiểm dịch, vệ sinh thực phẩm. Ngoài việc phải được chứng minh nguồn gốc, sản xuất và xuất khẩu, quả nhãn cũng phải trải qua các biện pháp quản lý rủi ro bắt buộc. Đó là một trong những điều kiện để xuất khẩu nhãn tươi từ Việt Nam vào Úc được Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc chính thức công bố mới đây.

Ông Nguyễn Đình Tùng-  Tổng giám đốc Công ty T&T Vina cho biết, trái cây Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh rất lớn tại thị trường Mỹ, Úc, EU… Tuy nhiên, thông thường, trong 10 tấn sản phẩm thì chỉ lựa được vài ba tấn hàng đáp ứng thị trường. Tuy nhiên, đây chỉ một phần trong các điều kiện cần, doanh nghiệp còn phải xây dựng quy trình thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, đặc biệt là sở hữu được công nghệ bảo quản mới giữ được chất lượng trái cây tốt cho đến khi đến tay người tiêu dùng”. Đơn cử như quả bưởi của Việt Nam hiện mới chỉ có 30% sản lượng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Con số này sẽ tăng lên 70-80% nếu có đầu tư về chế biến, bảo quản.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi FarmTech Vietnam

Một số giống Nhãn đặc sản

Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Rau quả đã tuyển chọn thành công một số giống nhãn đặc sản, phù hợp cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương miền Bắc.

Các giống nhãn chín muộn cho hiệu quả kinh tế cao

1. Giống nhãn chín muộn PHM99-1.1

Được tuyển chọn từ cây gieo hạt tại xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Giống đã được Bộ NN-PTNT công nhận giống chính thức năm 2011.

Đặc điểm chính: Cây có khả năng sinh trưởng, phân cành khoẻ. Tán hình bán cầu, một năm ra 4 – 5 đợt lộc, phiến lá to, màu xanh nhạt, hơi mỏng, phẳng và ít bóng. Thời gian ra hoa đậu quả từ 1/3 – 5/4. Thu hoạch tập trung từ 25/8 – 5/9. Quả tròn, vỏ dày màu vàng sáng, có nhiều gai lì nổi rõ, ít bị nứt quả. Khối lượng trung bình 85 quả/kg. Tỷ lệ phần ăn được đạt trên 70%, vị ngọt đậm, ít thơm. Cùi dày màu trắng đục. Hàm lượng đường tổng số 15 – 18%. Độ brix 18 – 20%.

2. Giống nhãn chín muộn PHM99-2.1

Được tuyển chọn tại xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên. Giống đã được Bộ NN – PTNT công nhận chính thức năm 2011.

Đặc điểm chính: Cây sinh trưởng, phát triển khoẻ, tán hình mâm xôi, lá kép màu xanh đậm, không bóng, trung bình có 8,5 lá chét, phiến lá dầy, mép và phiến lá hơi lượn sóng. Cây ra hoa đậu quả tập trung từ 1/3 – 5/4. Quả cho thu hoạch từ 15/8 – 25/8. Chùm hoa ngắn. Chùm quả ngắn và có dạng chùm sung, vỏ quả dày trơn màu vàng sáng. Khối lượng trung bình 90 quả/kg. Tỷ lệ phần ăn được (cùi) đạt trên 68,6%. Cùi dầy giòn ráo nước thơm màu trắng đục. Hàm lượng đường tổng số 17 – 19%. Độ brix 21,6%. Sau trồng 5 năm cây sẽ cho sản lượng quả ổn định. Năng suất trung bình đạt 6,5 – 7 tấn/ha. Giống có ưu điểm nổi bật là, ít ra quả cách năm do cây có khả năng ra 2 – 3 đợt hoa trong cùng thời vụ.

3. Giống nhãn chín muộn HTM-1

Được tuyển chọn từ cây gieo hạt tại xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Giống đã được Bộ NN – PTNT công nhận giống chính thức từ năm 2011.

Đặc điểm chính: Cây sinh trưởng khoẻ, tán hình bán cầu, khả năng phân cành mạnh, trung bình mỗi năm ra từ 4 – 5 đợt lộc. Lá màu xanh đậm, hơi bóng, phiến lá mỏng và rộng, mép lá lượn sóng. Thời gian ra hoa từ 5 – 15/2, hoa nở từ 5/3 – 10/4. Quả cho thu hoạch tập trung từ 25/8 – 20/9. Dạng quả hơi lệch. Vỏ quả mỏng, khi chín chuyển màu vàng nâu. Tỷ lệ phần ăn được (cùi) là 67,0%. Cùi quả dầy, màu trắng trong, mọng nước, giòn, ngọt, thơm. Trọng lượng quả trung bình 105 quả/kg. Hàm lượng đường tổng số 16,5. Acid tổng số 0,12%, vitamin C 73,27 mg%, chất khô 20,37%, độ brix 21,9%.

4. Giống nhãn chín muộn HTM-2

Được tuyển chọn từ cây gieo hạt tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Giống đã được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức năm 2016.

Đặc điểm chính: Cây sinh trưởng và phân cành khoẻ. Lá màu xanh nhạt, ít bóng, phiến lá rộng và mỏng, mép lá ít lượn sóng. Chùm hoa to có nhiều nhánh nhỏ. Chùm quả có dạng chùm dâu da. Quả tròn, màu vàng sáng, Vỏ quả dày, hơi sần. Thời gian ra hoa tập trung từ 5/2 – 15/2. Đậu quả từ 5/4 – 10/4. Quả cho thu hoạch từ 25/8 – 10/9. Cây 5 – 6 tuổi cho năng suất trung bình 30 – 35kg/cây. Trọng lượng trung bình 75 quả/kg. Tỷ lệ phần ăn được là 68,0%. Thịt quả dày, màu trắng đục, hơi dai, ngọt thơm. Hàm lượng đường tổng số 14,5%. Acid tổng số 0,13%. Vitamin C 54,23 mg%. Chất khô 20,15%. Độ brix 20,2%.

5. Giống nhãn chín sớm PHS2

Được tuyển chọn từ cây gieo hạt tại tỉnh Hưng Yên, được Bộ NN-PTNT công nhận, cho sản xuất thử từ năm 2016.

Đặc điểm chính: Cây sinh trưởng, phát triển khỏe, góc phân cành hẹp, mỗi năm ra từ 3 – 4 đợt lộc. Lá hình elip, màu xanh đậm, bóng, chóp lá nhọn. Chùm hoa dạng hình tháp, dài 24 – 25 cm. Thời gian ra hoa từ 5/2 – 10/2, hoa nở từ 5 – 15/3. Quả cho thu hoạch tập trung từ 15 – 25/7. Năng suất trung bình đạt 30kg/cây. Quả dạng tròn, cân đối. Vỏ quả mỏng nhẵn, khi chín chuyển màu nâu sáng. Khối lượng trung bình 85 quả/kg. Cùi màu trắng trong, vị ngọt, thơm, giòn, ráo nước, rễ tách khỏi hạt. Tỷ lệ phần ăn được (cùi) là 66%. Độ brix 21,1%. Hàm lượng đường tổng số 14,5%. Vitamin C 51,5 mg%.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng nhãn (P2)

Ở phần 1, chúng tôi đã giới thiệu đặc điểm sinh học của cây nhãn  cùng với một số giống nhãn có giá trị được trồng phổ biến. Trước đó, chúng tôi cũng đã giới thiệu kỹ thuật thiết kế vườn. Ở phần 2, Fman xin giới thiệu cho các bạn cách tỉa cảnh, tạo tán; bón phân và thu hoạch nhãn.

6. Tỉa cành và tạo tán

– Tạo tán: Khi cây còn nhỏ cần tỉa bỏ ngọn cây cách mặt đất khoảng 0,8-1 m và những cành dầy đặc, cành vượt, cành đan chéo nhau, trên thân cây. Tuyển chọn lại 3-4 cành phân bố đều theo các hướng, cách nhau 10-20 cm. Cành thứ nhất nên cách mặt đất 50-80 cm.

Sau khi trồng 12-18 tháng tiến hành tỉa bỏ những cành mọc thẳng đứng, cành hướng vào giữa tán cây, cành bị che khuất mọc gần gốc,…nên theo định hướng tạo dáng cây có một bộ khung cơ bản thông thoáng.

– Tỉa cành: Việc cắt, tỉa cành cho cây thông thoáng giúp các cành trong tán cây có thể nhận được đầy đủ ánh sáng làm cho quá trình quang hợp của cây được đầy đủ.
Mức độ cắt tỉa ở cây nhãn còn tùy thuộc vào giống, tuổi cây, trạng thái sức khỏe của cây, mùa vụ,…để có thể quyết định đốn đau hay cắt nhẹ.

Sau khi thu hoạch xong cần cắt bỏ đồng loạt những đọt đã mang trái hay không mang trái ở vụ trước nhằm tạo ra bộ tán đều và đồng loạt (Hình 14). Cắt bỏ những cành bị sâu bệnh, cành mọc nằm bên trong tán.

7. Bón phân

Dinh dưỡng là yếu tố chính ảnh hưởng đến sự hình thành trái (ngoại trừ các yếu tố như thời tiết, nhiệt độ và lượng mưa).

Bón phân hợp lý sẽ làm cho năng suất được ổn định. Thiếu phân, đặc biệt là thiếu đạm và kali sẽ làm cho trái rụng, trái nhỏ và cơm mỏng.

Việc cung cấp phân cũng giống như tưới nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến suốt vụ, đặc biệt là sự phát triển của chùm hoa, sự ra trái và thời kỳ sinh trưởng, ra đọt ở vụ sau.

Liều lượng phân bón cho nhãn cần căn cứ vào độ lớn của cây, sản lượng quả hàng năm, giống và độ màu mỡ của đất để bón phân.

a. Bón phân thời kỳ kiến thiết cơ bản

Đối với cây 1-3 năm tuổi: sau khi trồng cây nhãn bắt đầu ra đợt đọt non thứ 2 thì bón phân.

Năm đầu tiên cây còn nhỏ nên pha phân vào nước để tưới, phải tưới cách gốc 20-25 cm để tránh phân làm cháy rễ.

Hàng năm bón thêm phân hữu cơ hoai mục 5-10kg/cây.

Bảng 1: Khuyến cáo bón phân cho cây nhãn ở thời kỳ kiến thiết cơ bản

b. Bón phân thời kỳ khai thác

Đối với cây trên 3 năm tuổi: số lượng phân bón kể trên tăng dần từ 20-30% mỗi năm và số lần bón được chia ra như sau:

Lần 1: Sau khi thu hoạch trái 1 tuần bón: 60%N + 60%P2O5 +25% K2O.Lần 2: Trước khi cây ra hoa 5 tuần bón: 40% P2O5 + 25% K2O.Lần 3: Đường kính quả khoảng 1cm bón: 40%N + 25% K2O.Lần 4: Trước khi thu hoạch trái 1 tháng bón: 25% K2O.

– Hàng năm cần bón thêm phân hữu cơ hoai mục khoảng 10-20kg/gốc/ năm hoặc bón phân tro trấu, xác thân đậu, vỏ đậu.

*Chú ý:

– Tùy tình hình sinh trưởng, năng suất nhãn của vụ trước mà gia giảm lượng phân bón NPK cho vụ nhãn kế tiếp.

– Trước khi cây ra hoa, nếu bón phân không hợp lý (nhiều đạm) thì rất dễ dẩn đến cây ra đọt quá mạnh, ức chế quá trình phân hóa mầm hoa. Do đó trong giai đoạn này cần phải giảm bớt đạm, gia tăng hàm lượng lân và kali để lá sớm thuần thục và trổ hoa sớm.

c. Phương pháp bón phân

– Vùng ĐBSCL: Cuốc rãnh xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây, sâu 10-20 cm cho phân vào lấp đất lại tưới nước.

– Vùng Đông Nam Bộ, miền Trung và Duyên Hải Nam Trung Bộ: Đào rãnh xung quanh tán cây rộng 20-30 cm, sâu 10-20 cm. Lượng phân bón được cho vào rãnh sau đó lấp đất lại và tưới nước.

d. Phun phân bón qua lá:

Để bổ sung dinh dưỡng kịp thời cho cây, có thể dùng hình thức phun phân bón qua lá.

– Sau khi thu hoạch, cắt tỉa cành xong, có thể phun một số loại phân bón qua lá có hàm lượng đạm cao như N-P-K: 30-10-10, 40-4-4, 33-11-11,…nhằm giúp cho bộ lá mới ra đều và khỏe mạnh.

– Sau khi khoanh vỏ khoảng 4-7 ngày, để thúc đẩy lá mau thuần thục và sớm trổ, có thể dùng một trong các loại phân bón qua lá như Bloom Plus (Schultz) N-P-K:10-60-10 (20gr/10 lít nước) hoặc MKP 0-52-34 (50gr/10 lít nước). Không nên xịt các loại phân bón qua lá có hàm lượng đạm cao vào lúc này vì có thể dẩn đến sự xuất hiện lá non mới, cây tiếp tục ra lá, không ra hoa hoặc hoa ra không đều, dễ hình thành bông lá (trên chùm hoa có mang lá) và những lá non mới này sẽ cạnh tranh dinh dưỡng với hoa, trái non.

– Trong giai đoạn từ khi trái non cho đến trước lúc thu hoạch, để bổ sung thêm dinh dưỡng, có thể sử dụng các loại phân bón qua lá có hàm lượng đạm và kali cao như N-P-K:13-10-21, 10-0-35, 25-10-17,5 .

8. Xử lý ra hoa

a. Xử lý ra hoa trên giống nhãn Tiêu da bò:

a.1. Một số kinh nghiệm và kỹ thuật cần thiết khi xử lý ra hoa:

– Cây nhãn Tiêu da bò 2 năm có thể cho được 3 vụ quả. Tuy nhiên, tỷ lệ ra hoa tự nhiên là rất thấp, cho nên phải tiến hành biện pháp xử lý ra hoa. Kỹ thuật khoanh vỏ trên cây (còn được gọi là khấc cành) để xử lý cho cây ra hoa là kỹ thuật chính yếu(Hình 15).

– Sau khi thu hoạch quả vụ trước tiến hành bón phân, loại bỏ những cành cằn cỏi, vô hiệu.

– Khi lá nhãn của đợt thứ 2 có màu xanh đọt chuối (thường gọi lá lá lụa, Hình 16), dùng dao hay sứa khoanh vỏ vòng tròn quanh thân cành. Chỉ khoanh vỏ trên những cành chính và nên để lại 1-2 cành thường được gọi là nhánh thở để có nhựa luyện nuôi cây.

– Vết khoanh rộng khoảng 1.5-2 mm (đối với cành nhỏ), 3-5 mm (đối với cành lớn), dùng dây nilon quấn chặt nhiều vòng vào chỗ đã khoanh. Từ lúc khoanh vỏ đến khi cây nhãn ra hoa khoảng 20-35 ngày (tùy vào tuổi cây), thời gian này không được tưới nước cho cây. Khi thấy chùm hoa nhãn đã nhú ra được khoảng 5 cm thì tháo bỏ dây và bắt đầu tưới nước trở lại.

a.2. Các giai đoạn phát triển trong một vụ nhãn trên giống nhãn Tiêu da bò có thể tóm tắt như sau

– Tỉa cành à Khoanh cành : 60-90 ngày (2-3 cơi đọt)

– Khoanh cành à Chuẩn bị ra hoa : 30-35 ngày.

– Ra hoa à Đậu quả : 25-30 ngày.

– Đậu quả à Thu hoạch : 90-105 ngày.

Tổng cộng: Thời gian từ lúc khoanh vỏ đến thu hoạch trái nhãn: 5 – 5,5 tháng.

a.3. Một số nguyên nhân hạn chế sự thành công khi xử lý ra hoa trên cây nhãn Tiêu da bò:

– Giai đoạn khoanh vỏ: không ít nhà vườn tiến hành khoanh vỏ cho cây không đúng thời điểm mà lại xử lý quá sớm (lá non còn màu đỏ trên đọt) hoặc quá trể (lá đã chuyển sang màu xanh đậm) nên tỷ lệ thành công thấp. Tiến hành xử lý ra hoa cho cây quá sớm ngay cơi đọt thứ nhất, lúc này cây chưa hồi phục kịp sau giai đoạn mang trái ở vụ trước, cây có bộ lá không khoẻ, lá nhỏ dẩn đến sự hình thành bông yếu, trái nhỏ. Nhưng nếu đợi đến cơi đọt thứ 3, 4 mới khoanh vỏ thì càng khó xử lý cho cây ra hoa đồng loạt vì càng về sau thì cây ra đọt càng không tập trung, đọt không đều.

– Chiều rộng của vết khoanh: đã có nhiều trường hợp chết cành hoặc chết cả cây xảy ra là do khi khoanh vỏ cho cây ra hoa không ít nhà vườn đã tạo ra một vết khoanh quá lớn. Hoặc như trường hợp khi cây chưa kịp ra hoa thì hai dấu vết khoanh đã liền nhau do chiều rộng của vết khoanh quá nhỏ.

– Vị trí khoanh vỏ: khoanh vỏ ở gốc thân chính hay trên cành cấp 1 nhưng lại không chừa “nhánh thở” cho cây hoặc để lại những cành quá nhỏ, những cành phía dưới, cành nằm bên trong tán cây dẫn đến trường hợp cây chết trước khi ra hoa.

– Bón phân không hợp lý: bón hoặc phun các loại phân bón qua lá quá nhiều đạm trong giai đoạn xử lý ra hoa cho cây dẫn đến cây dễ ra lá hoặc hình thành bông lá.

– Tưới nước: trong giai đoạn xử lý cho cây ra hoa mà lại tưới nước quá nhiều hoặc do điều kiện thời tiết như mưa nhiều, mưa liên tục thì cây lại tiếp tục ra lá.

– Cắt tỉa cành: cắt tỉa cành nhiều quá sẽ làm cho cây đâm nhiều chồi, hình thành nhiều chùm hoa, năng suất cao trong vụ này nhưng lại giảm ra hoa trong vụ tới.

– Phòng trừ sâu bệnh: không phòng trừ sâu bệnh kịp thời điển hình như sâu đục gân lá nên lá non trên đọt bị biến dạng, gân lá bị cháy đen, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, hình thành đọt mới.

b. Xử lý ra hoa trên giống nhãn Xuồng cơm vàng và Xuồng cơm trắng

Nhãn Xuồng cơm vàng và Xuồng cơm trắng mỗi năm cho một vụ quả. Khi thu hoạch xong cần tỉa cành đồng loạt. Bón phân đầy đủ theo khuyến cáo. Nên phun thuốc ngừa sâu phá hại lá đồng thời kết hợp phun một số loại phân bón lá có hàm lượng đạm cao như N-P-K (30-10-10) với liều lượng 10g/8-10 lít nước để nuôi bộ lá cho tốt. Bắt đầu ngưng tưới nước khi lá của đợt đọt thứ 2 trở nên già và bắt đầu cho đợt đọt thứ 3. Đến khi cây vừa nhú hoa có thể tưới nước trở lại. Nếu trong thời gian ngưng tưới thấy có triệu chứng cây thiếu nước có thể tiến hành tưới nhẹ cho cây.

c. Xử lý ra hoa trên cây nhãn Long, nhãn Super:

Cây nhãn long hay nhãn super một năm có thể thu hoạch 2 vụ trái: vụ thuận, vụ nghịch.

– Vụ thuận: Khoảng giữa đến cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1 tiến hành bón phân, tỉa cành, sửa tán cây. Thông thường tỉa đọt (đã thu quả) chỉ để lại 3 đôi lá kép ở cành mang quả. Có thể phun thêm các loại phân bón lá có công thức đạm cao như N-P-K (30-10-10). Khi lá đọt thứ 2 từ màu đỏ chuyển sang xanh nhạt là thời điểm phát hoa xuất hiện nên tiến hành tưới nước trở lại .

– Vụ nghịch: Sau khi thu hoạch nhãn vụ thuận khoảng tháng 6-7 dương lịch thì nhanh chóng tỉa cành và tiến hành bón phân điều khiển cho cây ra một đợt đọt non trong thời gian nhất định. Để giúp cho cây ra hoa đồng loạt có thể phun bổ sung thêm các loại phân bón lá có tỉ lệ NPK như sau: 0-52-34; 10-60-10; 6-30-30. Sau khi chùm hoa xuất hiện cũng tiến hành chăm sóc như trên.

9. Tăng đậu quả, hạn chế rụng quả non

a. Tăng đậu quả: Dùng Progibb (GA3) liều lượng 0,1g/10 lít nước hoặc H3BO3 1,0g/10 lít nước, phun vào các thời điểm trước khi cây nở hoa, 30% hoa nở và cây vừa đậu quả sẽ làm tăng tỷ lệ đậu quả.

b. Khắc phục hiện tượng rụng trái non: vườn phải trồng cây chắn gió, tưới nước, bón phân đầy đủ, phòng trừ sâu bệnh và phun các chế phẩm chống rụng quả non như: CRT, Thiên Nông,… từ khi trái có đường kính 0,3 – 0,5 cm.

10. Tỉa trái trên chùm:

Việc tỉa trái giúp gia tăng kích thước, trái to, giảm hiện tượng ra trái cách năm, chùm trái sẽ có trái đồng đều về độ lớn. Tiến hành tỉa trái sau khi kết thúc thời kỳ rụng trái sinh lý, lúc này trái non đang ở vào giai đoạn khoảng 4-6 tuần sau khi đậu trái, kích thước trái khoảng bằng hạt đậu nành. Tỉa những trái bị sâu bệnh, trái dị hình, trái ở đầu ngọn của chùm.

11. Bao quả

Biện pháp đơn giản là dùng lưới, túi chuyên dùng để bao quả hoặc túi nhựa PE có đục những lỗ nhỏ sao cho nước không đọng ở đáy túi trong quá trình bao quả. Thời điểm bao tốt nhất là trái có đường kính 1cm. Chú ý phòng trừ sâu bệnh trước khi bao quả.

 Làm cỏ xung quanh gốc nhãn             Trồng xen đu đủ trong vườn nhãn

(1)                                                               (2)

(1)Tưới nước cho nhãn bằng hệ thống tưới phun dưới tán cây

 (2)Cắt đọt cành sau khi thu hoạch

 Khoanh vỏ trên thân cành trên cây                           Giai đoạn lá lụa trên cây

IV. THU HOẠCH VÀ CÁCH BẢO QUẢN

Ở ĐBSCL, nhãn Xuồng cơm vàng và nhóm nhãn Long nên thu hoạch khoảng tuần thứ 11, nhãn Tiêu da bò nên thu hoạch khoảng tuần thứ 14 sau khi đậu trái. Nếu thu hoạch sớm hơn tỷ lệ thịt/quả còn ít và vị ngọt kém, còn nếu thu hoạch trễ hơn tuy làm cho quả có ngọt hơn nhưng vỏ trái có nhiều chấm đen làm mất giá trị thương phẩm.

Khi thu hoạch dùng kéo cắt cả chùm quả để cho cành khỏi bị gãy, bị xước và nếu cành bị bẻ đi quá sâu sẽ ảnh hưởng đến ra hoa vụ sau. Nhãn non thu hoạch được cắt tỉa và buộc lại thành từng chùm cho đẹp mắt hoặc đóng gói theo yêu cầu của thị trường.

Vận chuyển và bảo quản ở điều kiện nhiệt độ 5-8oC, ẩm độ môi trường không khí 90-95% sẽ giữ được màu sắc và độ tươi của quả nhãn. Dùng bao nilon PE (Poly ethylene) có 15-25 lỗ nhỏ/dm2 để bảo quản nhãn sẽ hạn chế được cường độ hô hấp của quả tươi và bảo quản quả nhãn kéo dài hơn 2 ngày so với cách bảo quản thông thường.

Nguồn: Kỹ thuật trồng nhãn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng nhãn (P1)

Nhãn có tên khoa học là Euphoria longana hay Dimocarpus longan, thuộc họ Sapindaceae. Trong 100g thịt quả chứa: 109,0 calo; 1,0g protein; 0,5g chất béo; 12,38-22,55% đường tổng số; +28,0 I.U. Vit A; 43,12-163,70mg Vit C; 196,5mg Vit K,…Như vậy, quả nhãn ngoài các chất khoáng thì độ đường, vitamin C và K khá cao là các chất dinh dưỡng rất cần cho sức khỏe của con người, thích hợp với ăn tươi. Nhãn tươi và nhãn chế biến là mặt hàng giá trị có thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước. Nhãn ở miền Nam được xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia, Lào, …

I. YÊU CẦU SINH THÁI

1. Nhiệt độ

Nhãn thường được trồng chủ yếu trong vĩ độ từ 15-28o Bắc và Nam của xích đạo. Nhiệt độ bình quân hàng năm 21-27oC thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển.

2. Lượng mưa

Nhãn cần lượng mưa thích hợp hàng năm khoảng 1300-1600mm. Lúc cây ra hoa gặp thời tiết nắng ấm, tạnh ráo có lợi cho việc thụ phấn, đậu quả tốt và năng suất sẽ cao.

3. Ánh sáng

Nhãn cần nhiều ánh sáng, thoáng. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cây nhãn thích hợp với ánh sáng tán xạ hơn ánh sáng trực xạ. ánh sáng chiếu được vào bên trong tán giúp cây phát triển và thường sai trái, ánh sáng còn giúp đậu trái, vỏ bóng và vị ngọt, ngon.

4. Nước

Nhãn là cây ưa ẩm nhưng không chịu úng và rất dễ nhạy cảm với việc ngập nước kéo dài. Ngược lại, nếu gặp khô hạn trong thời gian dài sẽ làm cho cây sinh trưởng chậm, ra hoa và đậu trái khó khăn.

5. Đất đai

Đất cát pha thịt, đất đỏ, đất phù sa có thành phần cơ giới nhẹ thích hợp cho việc trồng nhãn hơn trên các loại đất khác. Cây nhãn sinh trưởng tốt trong điều kiện đất thoát nước, tơi xốp, pH nước khoảng 5,5-6,5.

II. CÁCH NHÂN GIỐNG, TIÊU CHUẨN CÂY GIỐNG TỐT VÀ NHỮNG GIỐNG PHỔ BIẾN HIỆN NAY

1. Cách nhân giống:

a. Chiết cành:

Đây là phương pháp nhân giống phổ biến nhất trên nhãn, thời điểm chiết tốt nhất là vào đầu mùa mưa.

Chọn cành chiết trên cây mẹ có năng suất cao, phẩm chất tốt, sinh trưởng tốt, không nhiễm sâu bệnh hại quan trọng. Chọn cành chiết có đường kính 0.8-1.5cm, chiều dài từ 0.5-0.8m, tùy giống. Dùng dao bén khoanh vỏ cành 1 đoạn dài từ 0.5-1 cm cách ngọn cành 0.5-0.8m tùy giống, cạo sạch vỏ (có thể dùng chất kích thích ra rễ thoa phía trên vết khoanh), dùng bao nylon bó chỗ khoanh lại, khoảng 1-2 tuần thì tiến hành bó bầu. Vật liệu bó bầu có thể là rễ lục bình, bột xơ dừa. Khoảng 1,5-2 tháng sau khi bó bầu sẽ ra rễ, khi rễ thứ cấp ra đều và chuyển sang màu vàng lợt thì cắt xuống giâm đến khi cây ra được 1 đợt đọt và bắt đầu già thì có thể đem trồng.

b. Ghép mắt

Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp cần thay đổi giống nhanh từ giống nhãn có phẩm chất kém sang giống có năng suất cao và phẩm chất ngon. Từ các gốc nhãn có sẵn, sẽ ghép giống cần ghép vào. Trường hợp này thường áp dụng kiểu ghép chữ U hoặc chữ H. Dùng dây PE quấn kín mối ghép, sau 2-3 tuần tháo dây ra, khoảng 5 ngày sau tiến hành cắt ngọn gốc ghép. Hiện nay phương pháp ghép cành trên nhãn cũng được áp dụng rộng rãi để nhân nhanh các giống nhãn có phẩm chất tốt, năng suất cao phổ biến ra sản xuất.

2. Tiêu chuẩn cây giống tốt:

Thân cây thẳng, vững chắc. Chiều cao cây giống từ 80 cm trở lên (đối với cây ghép), từ 60 cm trở lên (đối với cây chiết). Đường kính cành giống từ 1,0-1,2 cm (đo cách vết ghép khoảng 2 cm về phía trên đối với cây ghép), từ 0,8 cm trở lên (đo cách mặt giá thể bầu ươm 10 cm đối với cây chiết). Có 2 hoặc hơn 2 cành (đối với cây ghép) và chưa phân cành hoặc có hơn 2 cành (đối với cây chiết). Có 1-2 đợt lộc mới sinh ra sau ghép hoặc chiết. Số lá trên thân chính hiện diện đầy đủ từ vị trí chiều cao cây đến ngọn. Lá đã trưởng thành, xanh tốt và có hình dạng, kích thước đặc trưng của giống.

3. Những giống phổ biến hiện nay:

Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) có thể trồng một số giống nhãn đạt năng suất cao, phẩm chất ngon như nhãn Xuồng cơm vàng, nhãn Super (nhóm nhãn long), nhãn Tiêu da bò (tiêu Huế)

a. Giống nhãn Xuồng cơm vàng

Giống này có nguồn gốc và được trồng đầu tiên tại Bà Rịa- Vũng Tàu. Đây là giống có nhiều triển vọng. Khả năng sinh trưởng khá. Năng suất ổn định, cây 15-20 năm tuổi có năng suất trung bình 100-140kg/cây/năm. Quả trên chùm to đều, trọng lượng quả trung bình 16-25g. Thịt quả có màu trắng hanh vàng, dầy thịt 5,5-6,2 mm, tỷ lệ % thịt (phần ăn được)/quả 60-70%, độ Brix 21-24%. Cấu trúc thịt: ráo, dai, dòn. Mùi vị ngọt, khá thơm, dùng để ăn tươi là chính. Vỏ trái khi chín có màu vàng da bò. Giống nhãn Xuồng cơm vàng rất thích hợp trên vùng đất cát giồng, nếu trồng trên đất khác nên trồng bằng cây tháp dùng gốc nhãn có sẵn tại địa phương.

b. Giống nhãn Super

Cây ra hoa tự nhiên, mùa thu hoạch chính (vụ 1) vào tháng 6-7 DL, vụ phụ (vụ 2) vào tháng 12-1 DL. Năng suất ổn định, cây 4 năm tuổi có năng suất trung bình 30 kg/cây/năm. Trọng lượng quả trung bình 10-14g. Thịt quả có màu trắng, hanh vàng, dầy thịt 5-8 mm, tỷ lệ % thịt/quả 65-70%, độ Brix 21-25%. Cấu trúc thịt: ráo, dòn. Mùi vị ngọt, ít thơm. Vỏ trái khi chín có màu vàng sậm đến vàng sáng.

c. Giống nhãn Tiêu da bò

Giống này còn được gọi là Tiêu Huế. Đây là giống được trồng phổ biến do có khả năng sinh trưởng rất cao. Năng suất ổn định, cây 8-10 năm tuổi có năng suất trung bình 120-180kg/cây/năm. Trọng lượng quả trung bình 8-12g. Thịt quả màu trắng đục, dầy thịt 5-6 mm, tỷ lệ % thịt/quả 60-65%, độ Brix 20-23%. Cấu trúc thịt: khá ráo, dai. Mùi vị ngọt trung bình, ít thơm.

Thay giống mới trên cây nhãn bằng phương pháp ghép bo

III. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC

A. THIẾT KẾ VƯỜN

1. Đào mương lên líp

Vùng đất thấp như ở ĐBSCL cần phải đào mương lên líp nhằm xả phèn, mặn và nâng cao tầng canh tác. Líp có chiều rộng trung bình 7-8 m, mương rộng 2-3 m, sâu 1-1,5 m (. Vùng đất cao phải chọn nơi có nguồn nước suối hoặc nước ngầm để tưới cho cây nhãn vào mùa nắng.

2. Trồng cây chắn gió:

Khi qui hoạch vườn nhãn nên trồng cây chắn gió để hạn chế việc rụng hoa, trái trong mùa mưa bão. Hàng cây chắn gió được trồng dọc theo phía ngoài, thẳng góc với hướng gió

3. Khoảng cách trồng:

Trồng cây trong vườn có thể theo kiểu hình vuông, hình chữ nhật, hình nanh sấu hoặc theo đường vành nón cho vườn đồi ở vùng đồi núi.

Khoảng cách trồng cây thường thay đổi từ 4-8m tùy vào giống, đất đai và mô hình trồng. Giống nhãn Tiêu da bò là giống sinh trưởng rất mạnh nên có thể trồng thưa hơn so với các giống nhãn khác (Hình 8,9). Đối với vùng đất ở ĐBSCL có thể trồng với khoảng cách 5 x 4 m hoặc 6 x 5 m. Sau 7-10 năm, khi cây giao tán thì tỉa bớt cây ở giữa (bỏ 1 cây, chừa 1 cây) để tránh cạnh tranh ánh sáng. Tương tự, những vùng đất ở miền Đông Nam Bộ, miền Trung và Duyên hải Nam Trung Bộ có thể trồng nhãn với khoảng cách trên.

Khoảng cách cây là 7 m (cây được tỉa cành hàng năm nên chưa giao tán lúc 7 năm tuổi)

Tủ gốc giữ ẩm cho nhãn vào mùa nắng

Nguồn: Kỹ thuật trồng nhãn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

 

Một số bệnh phổ biến trên cây nhãn

Cây nhãn là một loại cây ăn trái được ưa thích vì ăn ngon và dễ trồng. Nhãn được trồng nhiều ở miền Nam. Tuy nhiên, khi trồng nhãn, thường gặp một số loại sâu bệnh sau:

A. sâu hại

1. Sâu đục gân lá (Acrocercops hierocosma Meyr)

Hình thái và cách gây hại: Thành trùng màu xám nâu, kích thước sải cánh khoảng 4 mm, cánh trước dài và hẹp, trên cánh có những vân màu trắng bạc, cánh sau hình dùi có nhiều lông tơ mịn dài.

Ấu trùng dài khoảng 5mm có màu xanh nhạt. Sâu chui ra khỏi gân lá để hoá nhộng, nhộng dài khoảng 5 mm được che phủ bên ngoài bằng một màng mỏng đính trên mặt lá nhãn.

Sâu gây hại trên nhãn, vải. Hiện nay loài này ngày càng gây hại quan trọng trên nhãn ở các tỉnh ĐBSCL. Bướm cái thường đẻ trứng trên các cành, lá nhãn non. Sâu nở ra ăn phá bằng cách đục vào gân chính của lá, làm đứt nghẻn mạch nhựa của lá, lá không phát triển được hoặc bị méo mó. Triệu chứng lá bị cháy khô đầu trông rất giống lá bị bệnh. Khi các đợt lộc bị gây hại nặng ảnh hưởng đến sự phát triển bộ lá, làm giảm khả năng ra hoa hoặc trái bị rụng.(Hình 17 và 18).

Phòng trị: Tỉa cành để các đợt ra lộc tập trung dễ kiểm soát.

Phun thuốc trong giai đoạn cây ra đọt non bằng các loại thuốc như: Fenbis, Sagomycin, Cymbus, Applaud hoặc các loại thuốc gốc cúc tổng hợp khác.

 Triệu chứng sâu đục gân lá nhãn                     Sâu và nhộng sâu đục gân lá nhãn

2. Sâu đục trái (Conogethes punctiferalis (Guenée))

Hình thái và cách gây hại: Thành trùng là một loại bướm có chiều dài sãi cánh 20 – 23mm, toàn thân màu vàng, trên cánh có nhiều chấm nhỏ màu đen. Trứng có hình elip dài khoảng 2- 2,5mm, trứng lúc mới đẻ có màu trắng sữa, khi sắp nở có màu vàng nhạt.(Hình 19).

Ấu trùng mới nở có màu trắng sữa, đầu màu nâu, về sau chuyển thành màu trắng hơi ửng hồng, trên lưng mỗi đốt cơ thể có 4 chấm màu nâu nhạt, trên các đốm có mang 1 sợi lông cứng nhỏ. ấu trùng trải qua 5 tuổi, ấu trùng phát triển đầy đủ dài 17 – 20 mm.

Nhộng dài khoảng 12 – 13 mm nằm trong một cái kén bằng tơ, ban đầu có màu nâu nhạt khi sắp vũ hóa có màu nâu đậm và có thể thấy rõ các chấm đen trên cánh.

Thành trùng hoạt động vào ban đêm, ban ngày chúng nấp ở nơi tối hoặc mặt dưới lá cây ký chủ. Cả thành trùng đực và cái đều ăn mật hoa. Trưởng thành cái đẻ trứng trên trái, đặc biệt là nơi tiếp giáp giữa các trái. Sâu có thể gây hại từ khi trái còn nhỏ đến sắp thu hoạch, nặng nhất là khi trái bắt đầu có cơm. Trái non bị sâu đục thường biến dạng, khô và rụng, trái lớn nếu bị hại sẽ ảnh hưởng đến phẩm chất. Sâu thường hóa nhộng ở nơi tiếp giáp giữa các trái hoặc trên bề mặt trái. Trong tự nhiên nhộng thường bị ký sinh bởi 2 loài ong Brachymeria lasus (Walker) và Brachymeria nosatoi Habu.

Phòng trị:

Vệ sinh vườn bằng cách thu gom những trái bị nhiễm đem tiêu hủy.

Cắt tỉa cành sau khi thu hoạch cho vườn thông thoáng.

Dùng bẫy đèn với ánh sáng đen (Black light) để bẩy trưởng thành.

Có thể sử dụng bao trái để giảm thiệt hại.

Phun thuốc nếu có 1% số trái trong vườn bị tấn công, có thể dùng các loại thuốc như Vovinam, Fenbis, Karate, Polytrin, Baythroid, Fenbis, Cymbush. Chú ý thời gian cách ly của mỗi loại thuốc để bảo đảm an toàn cho nguời sử dụng.

Thành trùng sâu đục trái Conogethes punctiferalis

3. Bọ xít (Tessaratoma papillosa (Drury))

Hình thái và cách gây hại:

Thành trùng có màu nâu nhạt, cơ thể to, chiều dài thân khoảng 25-30 mm có dạng hình 5 cạnh, cánh trước có dạng cánh nửa cứng. Trứng dạng hình cầu, kích thước khoảng 2mm, màu nâu nhạt, được đẻ thành từng ổ xếp cạnh nhau trên mặt lá. ấu trùng cũng có dạng như thành trùng tuy nhiên cánh chưa phát triển hoàn chỉnh, kích thước nhỏ hơn và có màu vàng nâu, khả năng di chuyển kém linh hoạt hơn thành trùng.(Hình 20 và 21).
Bọ xít là đối tượng gây hại nguy hiểm trên nhãn vùng ĐBSCL, gây hại chủ yếu vào giai đoạn cây ra đọt non, rụng hoa, rụng trái, chết các cành của phát hoa ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và sinh trưởng của cây.

Phòng trị:

Tỉa cành để các đợt hoa và đọt non ra tập trung.

Dùng vợt bắt trưởng thành vào sáng sớm.

Trong tự nhiên có các loài thiên địch như kiến vàng, ong ký sinh có thể tấn công trứng bọ xít, do vậy nên tạo điều kiện thuận lợi cho thiên địch tự nhiên phát triển nhằm hạn chế bớt sự gây hại của bọ xít. Phun thuốc khi thấy mật số bọ xít cao, có thể dùng cá loại thuốc như Vovinam, Secsaigon, Confidor, Fastac, Sherpa…

Thành trùng bọ xít Tessaratoma papillosa     Bọ xít chích hút trên chùm nhãn

4. Rệp sáp (Pseudococus sp.) (Aleurodicus dispersus) (Nipaecoccus sp.)

Hình thái và cách gây hại:

Rệp sáp gồm rất nhiều loài gây hại trên nhãn. Khả năng sinh sản của rệp sáp rất cao, con cái có thể đẻ trứng hoặc đẻ trực tiếp ra con.
ấu trùng tuổi nhỏ ít có khả năng di chuyển, chúng thường kết hợp với các loại kiến để phân tán sang nơi khác. Rệp sáp có thể gây hại trên các bộ phận của cây như cành, lá, hoa trái. Cả ấu trùng và trưởng thành đều chích hút nhựa cây, trong quá trình gây hại chúng thải ra mật thu hút nấm bồ hóng đến phát triển, sự phát triển của nấm bồ hóng trên tán lá làm giảm khả năng quang hợp của cây, trên trái làm giảm giá trị thương phẩm. Ngoài ra vết thương do rệp gây ra giúp các loại nấm bệnh khác dễ dàng xâm nhập vào cây.(Hình 22 và 23).

Phòng trị:

Phun nước vào tán cây để rửa trôi rệp.

Nên tỉa bỏ những trái bị nhiễm ở giai đoạn đầu để tránh sự nhân mật số rệp sáp.

Tìm diệt các loại kiến có hại để hạn chế sự lây lan.

Hạn chế trồng xen với những cây dễ nhiễm rệp sáp như đu đủ, mãng cầu,…

Phun thuốc khi thấy mật số cao bằng các loại thuốc như: Pyrinex, Fenbis, Supracide, Pyrinex, Admire, D-C tron plus…Khi phun có thể kết hợp các loại chất bám dính để tăng hiệu quả của thuốc.

Rệp sáp gây hại trên cành nhãn                       Rệp sáp gây hại trên trái nhãn

5. Sâu Đục Trái (Acrocercops cramerella Snellen)

Hình thái và cách gây hại:

Thành trùng là một loại ngài nhỏ có chiều dài sãi cánh 12 mm, toàn thân màu nâu nhạt, râu và chân rất dài, cánh trước có hình lá liễu thon dài có những vân trắng, cánh sau hình dùi rìa, cánh mang nhiều lông tơ. Thời gian sống của trưởng thành khoảng 7 ngày.
Thành trùng cái đẻ từng trứng trên cuống trái, trứng có hình bầu dục dẹp kích thước 0,5 mm, thời gian trứng 6 – 7 ngày. ấu trùng có 4 – 6 tuổi, khi mới nở ấu trùng có màu trắng sữa, đầu màu vàng và không chân, khi phát triển đầy đủ ấu trùng chuyển sang màu vàng nhạt kích thước 12 mm, giai đoạn ấu trùng kéo dài 14 – 18 ngày. Sâu thường hóa nhộng ở kẻ trái, nơi tiếp giáp giữa các trái hoặc trên lá khô, thời gian nhộng khoảng 6 – 8 ngày.

Thành trùng hoạt động vào ban đêm, ban ngày chúng nấp dưới lá hoặc cành cây. Trưởng thành đẻ trứng trên cuống trái, ấu trùng sau khi nở đục vào phần cuống trái làm cho trái bị rụng, đôi khi vào giai đoạn trái còn rất nhỏ.(Hình 24).

Sâu đục trái Acrocercops cramerella không gây thiệt hại nhiều đến năng suất trái so với sâu đục trái Conogethes punctiferalis, tuy nhiên theo một số ghi nhận gần đây cho biết, loài sâu hại này đang có chiều hướng gia tăng trên nhãn. Thiệt hại do loài này gây ra thông thường khoảng 10 – 15%. Điều đáng chú ý là loài này rất khó phát hiện nếu chỉ quan sát triệu chứng bên ngoài, khi điều tra trên vườn phải lột vỏ trái ra mới phát hiện được.

Phòng trị

Có thể sử dụng bao trái để giảm thiệt hại.

Trong tự nhiên trứng sâu đục trái Acrocercops cramerella bị ký sinh bởi ong ký sinh họ Trichogrammatidae và kiến, do đó tạo điều kiện thuận lợi cho các loài này phát triển cũng giảm được thiệt hại do sâu gây ra.

Có thể phun thuốc để phòng trị bằng các loại thuốc như: Fenbis, Sago-Super, Karate, Polytrin, Baythroid, Fenbis, Cymbush… Chú ý thời gian cách ly của mỗi loại thuốc để bảo đảm an toàn cho nguời sử dụng.

 Thành trùng sâu đục trái Acrocercops cramerella

B. Bệnh hại

1. Bệnh thối trái (do nấm Phytophthora sp.)

Triệu chứng bệnh thối trái nhãn

Triệu chứng: Bệnh này thường xuất hiện và gây hại nặng trên trái nhãn lúc nhãn sắp già, chín và đặc biệt là trong mùa mưa, nơi có ẩm độ cao thì bệnh phát triển và lây lan rất nhanh chóng. Do nấm Phytophthora thường lưu tồn trong đất nên các chùm trái gần mặt đất thường dễ bị nhiễm bệnh hơn trong mùa mưa từ đây sẽ là nguồn lây lan cho các chùm trái phía trên và lây lan sang cây khác trong cả vườn.

Trái bị bệnh thường bị thối nâu, lan dần từ vùng cuống trái trở xuống, làm trái nứt ra, thịt trái bị thối nhũn, chảy nước có mùi hôi chua và có thể thấy tơ nấm trắng phát triển trên vết bệnh.(Hình 25).

Phòng trị: Để phòng trị bệnh này nên tỉa bỏ các cành gần mặt đất vì khi trái gần chín sẽ dễ nhiễm bệnh từ đất trong mùa mưa.

Cần lưu ý cắt bỏ và thu gom các trái bị bệnh rơi rụng trong vườn đem tiêu hủy. Phun các loại thuốc như Alpine, Mexyl, Ridomil Gold, Aliette, hoặc các loại thuốc có gốc đồng theo liều lượng khuyến cáo.

2. Bệnh phấn trắng (do nấm Oidium sp.)

Triệu chứng bệnh phấn trắng

Triệu chứng: Hoa bị xoắn vặn, khô cháy. trái non bị nhiễm bệnh sẽ nhỏ, có màu nâu. Vỏ trái bị đóng phấn trắng nhất là ở vùng gần cuống. Trái lớn hơn nếu nhiễm bệnh thường bị thối nâu từ cuống trái sau đó chuyển sang màu nâu đen và lan dần đến nguyên trái.(Hình 26).

Phòng trị: Vườn thoáng, ánh sáng xuyên qua được tán lá sẽ hạn chế sự phát triển của bệnh.

Phòng trị bệnh bằng cách phun các loại thuốc hóa học như ư Thio –M 500SC, Bendazol 50WP, Topsin M, Nustar, … nồng độ theo khuyến cáo. Để phòng ngừa bệnh và phòng trị có hiệu quả có thể phun thuốc vào giai đoạn trước khi trổ hoa và ngay khi hoa vừa đậu trái non.

3. Bệnh đốm bồ hóng (do nấm Meliola sp.)

Triệu chứng: Bệnh gây hại chủ yếu ở mặt dưới lá. Đốm bệnh hình hơi tròn với viền không đều, kích thước 1-3mm, đen ( màu càng sậm khi đốm bệnh càng to ). Bề mặt đốm bệnh hơi sần sùi do nấm bồ hóng phát triển trên đó. Mặt dưới lá có thể có nhiều đốm

nhưng các đốm này thường rời nhau. Cạo lớp bồ hóng đi bên dưới thấy mô lá bị thâm đen. Nấm bò hóng thường phát triển nhiều trên các vườn trồng quá dầy, tàn lá che rợp nhau và ẩm độ khộng khí cao.

Triệu chứng bệnh đốm bồ hóng

Phòng trị: Không nên trồng dầy, tỉa bớt cành vô hiệu khi tạo tán sau thu hoạch giúp cây thoáng..

Có thể sử dụng các loại thuốc gốc đồng để phòng trị bệnh như: Carbenzim 500FL, Thio-M 500SC, COC-85, Copper zinc, …phun theo liều lượng khuyến cáo.

4. Bệnh khô cháy hoa (do nấm Phyllostica sp. hoặc Pestalotia sp.)

Triệu chứng bệnh khô hoa

Triệu chứng: Bệnh khô cháy hoa thường xuất hiện vào lúc hoa nhãn đang nở rộ, trên cánh hoa có những vết chấm nhỏ bằng đầu kim, có màu nâu đen làm hoa bị vàng, sau đó khô và rụng đi. Nấm thường tấn công vào lúc có nhiều sương mù hay mưa nhiều, ẩm độ không khí cao.(Hình 28).

Phòng trị: Nên trồng thưa giúp cây thoáng, cho ánh sáng xuyên qua tán cây làm giảm độ ẩm sẽ hạn chế được bệnh. Phòng trị bằng các loại thuốc như: Bendazol 50WP, Score, Carbenzim 500FL hoặc thuốc gốc đồng theo khuyến cáo vào giai đoạn trước khi hoa nở để phòng bệnh.

Nguồn: Kỹ thuật trồng nhãn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thâm canh nhãn theo quy trình vietGAP

1. Thời vụ trồng

Đồng bằng sông Hồng: Trồng tháng 2 – 4 và tháng 8 – 10.

Trung du miền núi phía Bắc: Trồng tháng 4 – 6.

2. Chọn giống

Nên trồng giống nhãn T6 – giống có cùi quả dày, thơm, ngọt, bóc ráo tay, ăn có dư vị, sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao.

Ngoài ra, ở Hưng Yên đang duy trì được hơn 30 cây nhãn đầu dòng có chất lượng tương đương, nhà vườn có thể liên hệ để có cây giống nhân ra từ số nhãn đầu dòng này.

Nhãn lồng

3. Kỹ thuật trồng

Do bộ rễ nhãn hút dinh dưỡng thông qua hệ nấm háo khí hoạt động ở vùng rễ. Nên cần vun đất hình nấm cao (thoáng khí) để trồng cây con.

Nấm đất cao 30 – 40cm, rộng 50 – 60cm. Trồng 12 cây/sào Bắc bộ. Khoảng cách 6 x 5m/cây.

Cây giống ở vườn ươm đưa ra ruộng trồng cần xếp nơi thoáng mát 1 – 2 ngày. Chờ cho các đầu rễ cây thâm lại mới tiến hành trồng, tránh bị thồi rễ, ảnh hưởng đến sinh trưởng.

Phân lót/cây: 15 – 20kg phân chuồng hoai + 0,3 kg NPK Đầu trâu 13-13-13+TE (không để rễ cây tiếp xúc trực tiếp với phân lót khi trồng).

4. Chăm sóc nhãn thời kỳ cây con

Bón phân khi cây bén rễ hồi xanh: 0,2kg đạm urê + chế phẩm siêu lân pha loãng tưới gốc/12 cây.

Cây ra lộc dài 5 – 10cm, phun bón lá Atonik (kích cành lộc vươn dài, lóng to, lá dày).

Lá lộc chuyển màu bánh tẻ, tiếp tục tưới thúc đạm urê. Cây ra lộc dài 5 – 10cm, phun Atonik. Lặp lại chu kỳ tưới đạm, phun Atonik như trên trong 2 năm liên tiếp. Cây nhãn sẽ ra được 13 – 15 lứa lộc. Bọ tán có thể vươn rộng tới 3m, sang năm thứ 3 mỗi cây đã có thể cho khai thác 20 – 25kg quả.

Chú ý:

– Tăng dần lượng bón đạm urê từ 0,2kg/sào lên 0,5kg/sào vào cuối năm thứ 2.

– Ngoài tưới đạm urê, cần bón thêm 0,5kg bột đậu tương + 0,3kg lân supe/gốc/năm (rắc đều lân supe, bột đậu tương cách gốc 15 – 30cm tới mép hình chiếu tán cây, dùng màng nilon phủ kín phân, và phải đợi bột đậu tương lên mốc xanh mới cuốn dọn màng nilon, rồi vùi sâu phân trong đất).

– Phun Atonik kết hợp thuốc phòng trừ sâu bệnh.

– Sau mỗi lần cành lộc chuyển màu bánh tẻ, cần cắt tỉa, tạo tán để cây phát triển cân đối dạng hình nấm. Và khống chế đỉnh tán cây cao không quá 3m, thuận tiện chăm sóc và thu hoạch.

– Đất vườn khô chỉ tưới đủ ẩm, không được tưới bão hòa đất. Định kỳ vét đất vun gốc tạo rãnh luống thoát nước trong vườn.

5. Điều khiển cây ra hoa đậu quả

Với cây nhãn thâm canh cao thì từ tuổi thứ 2 trở đi đã có thể khai thác quả. Cách làm:

– Từ trung tuần tháng 9 (âm lịch): Dừng tưới nước, bón phân cho cây.

– Vào ngày Đông chí hàng năm, tiến hành khoanh vỏ cành kích cho cây phân hóa mầm hoa (nếu trước đó 10 – 15 ngày đã có cây đã nhú lộc, phải khoanh vỏ ngay, không cần đợi tới ngày Đông chí).

– Khoanh thân cây hoặc cành cây có đường kính 8 – 10cm.

– Vị trí khoanh: cách gốc cành 15 – 20cm.

– Dụng cụ khoanh: Cưa sắt.

– Cách khoanh: Tiện 1 vòng tròn khép kín (quanh thân/cành cây) làm đứt lớp vỏ bì, tượng tầng, chạm tới tầng sinh gỗ.

Sau khoanh vỏ xúc tiến bón gốc ngay. Lượng phân/gốc: 1kg bột đậu tương + 2-3kg phân hữu cơ vi sinh + 0,5 kg lân supe.

6. Chăm bón thời kỳ cây mang quả

Cây phân hóa mầm hoa đến quả non đạt đường kính 1cm, định kỳ 7 ngày/lần phun dưỡng quả bằng bón lá SWEED-RONG BIỂN 95%.

Khi hạt quả chuyển màu đen, bón nuôi quả/ 1 gốc: 0,5kg kali clorua + 1,5kg bột đậu tương + chế phẩm siêu lân.

Trước thu quả 20 ngày, tùy theo lượng quả lấy đi trên cây để định lượng phân bón cho cây. Nếu cây cho khai thác 70 – 100kg quả, lượng bón gốc là 1,5 – 2kg bột đậu tương + 3-4kg phân hữu cơ vi sinh + 0,7-1kg lân supe (lần bón này chủ yếu để nuôi lộc thu).

7. Phòng trừ sâu bệnh

Cắt tỉa nhãn thường xuyên, tạo sự thông thoáng cho vườn để giảm thiểu sâu bệnh hại.

– Phòng trừ sương mai, rệp muội, bọ xít và một số dịch hại khác bằng Ridomil (0,2%) + Sherpa (0,2%). Phun các thời điểm: Cây nhú lộc; lá bánh tẻ; giò hoa mới nhú; trước nở hoa 7 ngày và sau tắt hoa, đậu quả.

– Trừ bệnh thối rễ và lở cổ rễ khi cây nhãn có biểu hiện suy yếu, lá vàng rụng, rễ mủn, rễ thối đen: Xới xáo vùng gốc, vét rãnh sâu để khơi thông dòng chảy, hạ thấp mực nước ngầm vườn nhãn, kết hợp tưới gốc bằng Bassa 50EC + Ridomil 5G.

– Suốt giai đoạn nhãn mang quả tuyệt đối không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật. Khống chế bệnh hại, làm sáng vỏ quả bằng chế phẩm Nano bạc. Phun định kỳ 15 ngày/lần. Lượng phun 60ml pha/ bình 16 -18 lít nước sạch. Có thể kết hợp bón lá SWEED-RONG BIỂN 95%.

8. Chăm sóc vườn sau thu hoạch

Để năm sau cây nhãn tiếp tục ra hoa đậu quả, thì trong mùa thu năm trước cây nhãn phải có 2 lần ra lộc. Nên ngay khi cây kết thúc thu quả phải bón đạm urê ngay (vườn khô thì hòa nước tưới, vườn ẩm rắc vùi phân dưới lớp đất 5 – 10cm. Lượng đạm bón/cây đối với cây trên 5 tuổi 0,5 – 0,6kg.

Sau đó tiến hành cắt tỉa cành khô, cành gầm, cành vượt, cành sâu bệnh và cành mọc quá dày trong tán. Thu gom tiêu hủy tàn dư thực vật trong vườn. Quét vôi thân gốc. Tìm diệt sâu đục thân, đục cành qua lỗ mùn đùn trên thân (cành).

Khi cây ra lộc dài khoảng 10cm, phun Atonik kích dài cành lộc. Cành lộc chuyển màu bánh tẻ tiếp tục bón đạm urê, rồi phun Atonik khi lộc dài 10. Như vậy vườn nhãn đã ra 2 lần lộc thu.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Tuyệt chiêu cho nhãn ra hoa trái vụ

Trong khi các vườn nhãn trong tỉnh sắp đến kỳ thu hoạch quả thì nhiều cây nhãn của lão nông Hoàng Quang Tuấn ở xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu, Hưng Yên mới bắt đầu ra hoa giữa mùa hè.

Cuối vụ xuân năm nay, trong khi các trà nhãn trong khu vực đều đã tắt hoa, lộ quả, thì nhiều cây nhãn trong vườn nhà lão nông Hoàng Quang Tuấn mới bắt đầu ra hoa. Có thể coi là trà hoa cực muộn, quý hiếm… Tôi còn chưa hết sự trầm trồ, ông Tuấn đã tiếp lời: “Chưa hết đâu “sếp” ạ!”.

Cây nhãn đã ra quả lại tiếp tục ra hoa giữ mùa hè

Và phải đợi thêm 2 tháng nữa (quá nửa mùa hè), khi các vườn nhãn ở địa phương đang sắp cho thu hoạch quả, ông Tuấn mới lại “nháy máy” cho tôi: “Mời bác đến thăm nhãn ra hoa giữa mùa hè – hoa trái vụ”.

Đi thăm khắp vườn nhãn của gia đình ông Tuấn chúng tôi thấy, bên cạnh gần 500 gốc nhãn đang mang quả đều tăm tắp, lại có cả chục cây nhãn mới bắt đầu ra hoa. Nhãn ra hoa không chỉ ở các cây không ra quả chính vụ, mà nhiều cây nhãn còn vừa mang hoa vừa mang quả.

Để cây nhãn ra hoa cực muộn và ra hoa trái vụ, ông Tuấn vẫn chỉ sử dụng kinh nghiệm khắc phục nhãn ra hoa cách vụ của các nhà nông khi xưa như, chăm bón cho cây phát triển cân đối; phòng trừ sâu bệnh kịp thời; khoanh tiện vỏ thân cây, thân cành…

Nét mới trong cách làm cho nhãn ra cực muộn và ra hoa trái vụ của ông Tuấn là, chọn thời điểm khoanh cây, khoanh cành thích hợp như khoanh tiện vỏ thân cây/cành muộn hơn so với thời điểm khoanh cây cho nhãn ra hoa chính vụ khoảng 1 tháng (để nhãn ra hoa chính vụ cần khoanh tiện vỏ thân cây/cành khoảng tiết Đông chí – giữa tháng 12 DL).

Theo ông Tuấn, nếu không có biến động bất thường về thời tiết, thì trà nhãn trái vụ sẽ cho quả vào mùa đông (khoảng 20 tháng 11 DL). Bởi vì năm 2010 ông đã từng thành công cho nhãn ra hoa giữa mùa hè, thu hoạch quả trong mùa đông, trong khi trọng lượng quả và chất lượng quả không đổi so với trà nhãn ra chính vụ.

Sở dĩ từ năm 2010 tới nay ông Tuấn mới cho nhãn ra hoa trái vụ trở lại, vì quãng thời gian đó anh phải tập trung cho các kế hoạch sản xuất khác.

Hiện trà nhãn ra hoa cực muộn của gia đình ông Tuấn đã khá sai quả, dự kiến sẽ cho thu hoạch muộn hơn so với các trà nhãn muộn ở đây 10 – 15 ngày.

Nếu như những năm trước đây ở một số địa phương có nhãn cho thu hoạch đến giữa tháng 10 đã được coi là của hiếm. Thì nay ông Tuấn có nhãn cho hoạch tới 20 tháng 11, có thể coi là hàng “độc”. Thành công này, sẽ mở ra triển vọng mới cho các nhà vườn chuyên canh nhãn.

Không chỉ là một lão nông lão luyện trong nghề làm vườn, ông Tuấn còn là một cao thủ trong nghề thâm canh cá. Hiện ông đang nuôi thả thường xuyên 3ha cá các loại, trong đó có 1ha cá nuôi thâm canh. Trên diện tích đó, năm 2016 trung bình mỗi mét vuông mặt nước ao nuôi ông thu được hơn 6kg cá thương phẩm, được coi là siêu năng suất, tương đương năng suất nuôi thâm canh cá của các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Biết tiếng ông Tuấn, đã có rất nhiều chủ trại nuôi cá khắp các tỉnh thành trên miền Bắc đến thăm quan và học hỏi kinh nghiệm. Trong đó, khá nhiều trại cá nhờ tư vấn kỹ thuật kịp thời từ ông Tuấn, đã thoát khỏi bờ vực phá sản, chủ trại nuôi cá Vũ Thị Thắm ở xã Hoà Phong, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên là một ví dụ.

Đầu năm 2017 vừa qua, nhà vườn Nguyễn Quang Tuấn đã vinh dự được ông Đỗ Tiến Sĩ, Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên đến thăm và khích lệ.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.