Những mô hình canh tác né hạn: Đậu phộng chinh phục đất lúa

Vụ hè thu 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên triển khai mô hình trồng đậu phộng trên đất trồng lúa, màu kém hiệu quả lại thiếu nước tại xã Hòa An (huyện Phú Hòa) và thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân).

Mô hình trồng Đậu Phộng (Lạc) trên đất trồng lúa

 

Trên 3 xứ đồng đậu phộng

 

Mô hình chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả cao nên thời gian tới, các địa phương tiếp tục nhân rộng. Mô hình trồng đậu phộng giống TB25 tại xứ đồng Gò Chàm, Soi Dưới, Soi Trên, thuộc thôn Vĩnh Phú, xã Hoà An (huyện Phú Hòa) trên diện tích 8ha, với 48 hộ nông dân tham gia. Trong thời gian sinh trưởng, đậu phộng TB25 có khả năng phân cành cấp 1 nhiều, chống chịu khá tốt với sâu bệnh hại; năng suất thực thu đậu phộng tươi đạt 46 tạ/ha, lợi nhuận bình quân gần 30 triệu đồng/ha.

 

Ông Đặng Minh Nghĩa, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tây Hòa An cho hay: Vùng đất này, trước đây bà con nông dân trồng lúa thì lợi nhuận chỉ đạt 8 triệu đồng/ha, như vậy trồng đậu phộng lợi nhuận cao hơn trồng lúa trên 20 triệu đồng/ha. Đầu ra ổn định, có thương lái tiêu thụ. Không những thế, trồng đậu phộng trả lại đất nguồn dinh dưỡng, dây đậu phộng sau khi thu hoạch làm phân xanh.

Ông Trần Hay, một nông dân tham gia mô hình trồng đậu phộng trên xứ đồng Soi Trên chia sẻ: “Tôi trồng 3 sào (1.500m2) đậu phộng, cuối vụ gia đình tôi thu hoạch nhổ được 279 kg/sào, với giá bán 17.000 đồng/kg, thu trên 4,7 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí từ khi làm đất đến thu hoạch, còn lãi trên 2,1 triệu đồng/sào, với 3 sào tôi thu lãi 6,3 triệu đồng. So sánh với trồng lúa, vùng này lâu nay 3 sào đất nhà tôi bình quân thu 600kg, với giá bán 5.500 đồng/kg thì thu 3, 3 triệu đồng. Đó là chưa trừ chi phí phân thuốc, cày bừa”.

Ông Nguyễn Thành Phương, một nông dân tham gia mô hình trồng đậu phộng trên xứđồng Gò Chàm, cho hay: “Gia đình tôi trồng 3 sào, hôm tổ chức hội nghị tham quan mô hình, nhổ thí điểm 1m2 được 22 bụi, lặc lấy hột cân, quy ra năng suất đạt 220kg đậu tươi/sào. Trước khi trồng, gia đình tôi được nhận hỗ trợ 36kg giống, tương đương mỗi sào 12kg”.

Còn bà Bùi Thị Hiền, cũng tham gia trồng đậu phộng trên xứ đồng Soi Dưới, cho hay: “Tôi trồng 2 sào, thu hoạch được gần 5 tạ. Tôi chăm sóc, bón phân theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông. Cuối vụ nhổ lên trái sai, hột đậu no. Trước đây tôi trồng đậu phộng nhưng dính lép, hột đậu phộng hơi nghiêng (bị xốp)”.

 

Giống TB25, LDH.01 trên Soi Họ

 

Vụ hè thu 2019, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên triển khai mô hình trồng đậu phộng giống TB25, LDH.01 tại xứ đồng Soi Họ, thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), trên diện tích 8ha, trong đó giống LDH.01 là 5ha, TB25 là 3ha, với 56 hộ nông dân tham gia.

Tại hội nghị tổng kết tham quan thực tế mô hình trồng đậu phộng tại Soi Họ, nông dân cân đo đong đếm, năng suất thực thu đậu phộng tươi đối với giống LDH.01 đạt 44,4 tạ/ha, giống TB25 là 40 tạ/ha, với giá bán 13.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì lãi ròng đối với giống LDH.01 gần 15 triệu đồng/ha, giống TB25 là 5,7 triệu đồng. Trong khi đó, nếu bà con nông dân trồng bắp lợi nhuận chỉ đạt 2,3 triệu đồng/ha, như vậy trồng đậu phộng lợi nhuận cao hơn trồng bắp từ 3,7 đến 12,7 triệu đồng/ha.

Ông Trần Văn Bình, tham gia mô hình cho hay: “Tôi tham gia mô hình trồng 1 giạ giống (1.000m2). Trước khi xuống giống, tôi được tập huấn kỹ thuật từ khâu cày bừa đất, sạch cỏ dại, bón lót phân chuồng, vôi, phân lân. Bón lót kết hợp với các biện pháp phòng trừ mối, kiến để khi rắc xuống không bị kiến, mối ăn hột giống. Đến khi đậu phộng ra hoa 10-15 ngày, tôi bón vôi, sau đó phun Bidamin 15WP (thuốc ức chế tăng trưởng) để giúp đậu phộng tập trung dinh dưỡng nuôi củ, chắc hột”.

Bà Đặng Thụ Duyên, Phó chủ tịch UBND thị trấn La Hai cho rằng, mô hình trồng đậu phộng trên đất trồng lúa, màu kém hiệu quả triển khai tại Soi Họ, kết quả năng suất 2 giống đậu phộng lần lượt là TB25 đạt 40, còn LDH.01 đạt 44,4 tạ/ha. Mô hình còn tiết kiệm nước tưới, cải tạo đất, cắt cầu nối sâu bệnh giữa 2 vụ trồng cây màu và giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn tại địa phương. Thông qua mô hình, nông dân nắm bắt kỹ thuật trồng cây đậu phộng giống mới.

Ông Nguyễn Văn Tri, Phó phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết, mô hình trồng đậu phộng thuộc Dự án “Phát triển vùng chuyên canh đậu phộng ứng phó biến đổi khí hậu gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm”. Trồng đậu phộng về mặt chi phí đầu tư cũng tương tự như trồng bắp nhưng đậu phộng có giá bán cao hơn.

Mặc khác, nếu trồng đậu phộng trên nền đất lúa kém hiệu quả giảm được từ 4 – 5 lần tưới tràn/vụ và lượng nước dùng tưới cho đậu phộng giảm từ 60 – 70% so với lúa. Vì vậy, mô hình này không những có hiệu quả về mặt kinh tế mà còn tiết kiệm một lượng lớn nước dùng trong công tác tưới tiêu, phù hợp với định hướng của ngành nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam

Cà Phê Việt: Thế mạnh top 2 thế giới, Việt Nam vẫn ôm nỗi buồn đội sổ

Đứng thứ 2 thế giới, song xuất khẩu cà phê của Việt Nam lại đang sụt giảm mạnh. Đáng buồn hơn, giá xuất khẩu cà phê Việt đang xếp vị trí gần như đội sổ, rẻ hơn nhiều so với giá cà phê cùng loại của các nước.

Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu Cà Phê

Theo báo cáo của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, xuất khẩu cà phê 8 tháng năm 2019 ước đạt 1,17 triệu tấn và gần 2 tỷ USD, giảm 11,8% về khối lượng và giảm 21,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Từ đầu năm đến nay, Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 13,7% và 9%. Ngoại trừ Philippines và Malaysia có giá trị xuất khẩu cà phê tăng lần lượt 22% và 3,7%, hầu hết các thị trường chính còn lại đều giảm so với cùng kỳ năm 2018.

Không những giảm về sản lượng xuất khẩu, giá giá cà phê xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 1.708 USD/tấn, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Thực tế, giá cà phê Việt Nam đang giảm theo xu hướng chung. Giá cà phê thế giới tiếp tục suy giảm trong những tháng đầu năm 2019 và giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây do áp lực dư cung của thị trường cà phê toàn cầu.

Song, điều đáng buồn, giá cà phê Việt xuất khẩu lại đang xếp vị trí gần như đội sổ, rẻ hơn nhiều so với giá cà phê cùng loại của các nước khác.

Đơn cử, tại Tây Ban Nha, Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn nhất cho nước này với hai loại chủ yếu gồm: cà phê chưa rang; chưa khử caffein và khử caffein (không bao gồm rang) chiếm 42,8% và 39,5% trong tổng trị giá nhập khẩu hai chủng loại cà phê này trong 4 tháng đầu năm 2019.

Giá nhập khẩu bình quân cà phê của Tây Ban Nha đạt mức 2.712 USD/tấn. Trong khi đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê từ Việt Nam chỉ ở mức 1.779 USD/tấn, thấp hơn nhiều giá bình quân nhập khẩu tại thị trường này.

Đáng chú ý, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Tây Ban Nha từ Pháp đạt mức cao 15.670 USD/tấn. Tức cao gấp gần 9 lần so với giá cà phê nước này nhập từ Việt Nam.

Tương tự, Bộ Công Thương cũng dẫn số liệu từ Ủy ban thương mại Hàn Quốc, trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam cũng là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất vào thị trường này với sản lượng 11.000 tấn, song giá chỉ đạt 1,8 USD/kg.

Brazil là nước đứng thứ hai về sản lượng với gần 10.600 tấn nhưng xuất khẩu được vào Hàn Quốc với giá 2,6 USD/kg. Còn cà phê Colombia đứng thứ 3 với trên 9.000 tấn, giá bình quân đạt 3,2 USD/kg.

Cà Phê Việt xuất khẩu thô là chủ yếu nên giá trị thu về thấp

Một chuyên gia trong ngành cho biết, cà phê Việt Nam hiện được xuất khẩu sang trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, chiếm 14% thị phần và 10,4% giá trị cà phê nhân xuất khẩu toàn cầu, đứng thứ 2 sau Brazil.

Tuy nhiên, lượng cà phê xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, chiếm khoảng 90%. Do đó, lợi nhuận thu về chưa tương xứng với lượng hàng xuất đi. Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam cũng thấp hơi nhiều, thậm chí còn xếp bét bảng so với các nước có thế mạnh xuất khẩu cà phê.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, phần lớn cà phê Việt Nam khi thu hoạch không đáp ứng được độ chín, lẫn nhiều tạp chất, máy móc thiết bị sơ chế lạc hậu, sân phơi tạm bợ trên nền đất hoặc nền xi măng,… dẫn đến chất luọng thấp.

Trong khi xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô nên cà phê Việt không có thương hiệu mà phần lớn trở thành nguyên liệu của nhiều nước dùng để chế biến sâu và tái xuất lại tiêu thụ ở Việt Nam dưới dạng cà phê bột, hòa tan, pha sẵn…

Đơn vị này dự báo, giá cà phê trong ngắn hạn sẽ tăng do nguồn cung có phần sụt giảm từ các nước sản xuất chính, tuy nhiên giá sẽ vẫn ở mức thấp trong nhiều năm. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng cà phê tăng nhanh hơn so với sản xuất sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu cà phê trong trung và dài hạn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Trồng giống keo thân thiện môi trường

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với Công ty TNHH MTV Vũ Minh vừa tổ chức hội nghị tổng kết dự án trồng rừng gỗ lớn bằng giống keo thân thiện với môi trường hướng đến chứng nhận FSC.

Keo giống thân thiện với môi trường

Theo đó, đã có gần 566 ngàn cây keo giống thân thiện với môi trường được cấp cho người dân để trồng 221 ha rừng gỗ lớn, hướng đến chứng nhận FSC.

Với việc nhân rộng mô hình, kết hợp công tác tuyên truyền đã giúp người dân các xã vùng đệm Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền và Khu Bảo tồn Sao La hiểu hơn về tác dụng của việc sử dụng cây giống được gieo ươm thân thiện với môi trường.

Mục tiêu của dự án nhằm thiết lập mô hình trình diễn trồng rừng, phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC nhằm tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm phát khí thải hiệu ứng nhà kính.

Thành công của mô hình trồng keo giống thân thiện với môi trường còn là tiền đề cho việc gieo ươm giống cây lâm nghiệp như các loại cây bản địa, cây ăn quả và lâm sản ngoài gỗ, cung ứng nhu cầu trồng rừng, phục hồi rừng và phát triển sinh kế cho các địa phương trên toàn tỉnh.

Bí quyết trồng tiêu có lời trong cơn bão giá của nông dân Thuận Hà

Trong khi nhiều hàng ngàn nông dân trồng tiêu “méo mặt” vì giá tiêu rớt thê thảm kéo dài lê thê qua nhiều năm thì ở xã Thuận Hà, huyện Đắk Song (Đắk Nông), nhiều nông trồng tiêu vẫn bình chân như vại. Bí quyết của họ là gì?

Ở thời điểm hiện tại giá hạt tiêu chỉ ở mức dưới 50 ngàn đồng/kg nhưng ông Nông Văn Lê ở xã Thuận Hà, huyện Đắk Song vẫn bán được tiêu với giá hơn 80 ngàn đồng/kg. Ông Lê nói, ở Thuận Hà không chỉ riêng ông mà hàng chục nông dân khác cũng bán được tiêu với giá ổn định như vậy.

Để có những hạt tiêu sạch đạt chuẩn, ông Lê chọn cách làm cỏ thủ công thay cho việc dùng thuốc để diệt.

Nông dân này cho biết, trước thực trạng bấp bênh về giá cả nông sản, năm 2012, ông quyết định đầu tư trồng 6 ha hồ tiêu theo quy trình sản xuất nông sản sạch. Thay vì phải dùng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật như trước đây, ông sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để chăm bón cho cây tiêu.

Nhờ sản xuất theo quy trình này mà nhiều năm qua, sản phẩm của gia đình ông Lê đã được một doanh nghiệp xuất khẩu tiêu sang thị trường Châu Âu bao tiêu toàn bộ. Chính vì thế mà dù giá tiêu trên thị trường rớt thê thảm, tiêu hạt của ông Lê vẫn có giá ổn định, cao hơn thị trường khoảng 2,5 lần.

Không chỉ gia đình ông Lê mà ở Thuận Hà, hiện có khoảng 30 gia đình khác cũng đang trồng tiêu theo quy trình sản xuất nông sản sạch. Toàn bộ sản phẩm các nông dân này làm ra đều được bao tiêu với giá cao hơn từ 2,5- 3 lần so với giá thị trường.

Anh Trần Văn Toàn, một trong số những nông dân này, cho biết: “Khi mới bắt đầu làm thì thấy khó do phải thực hiện nhiều công đoạn nghiêm ngặt để đạt được các tiêu chí về nông sản sạch. Tuy nhiên, bù lại sản phẩm bán ra luôn có giá cao hơn”.

Tiêu sạch đã giúp nhiều nông dân có thu nhập cao hơn.

Theo ông Lê, để có hạt tiêu sạch đúng chuẩn, gia đình không dùng thuốc diệt cỏ mà chỉ làm thủ công; tăng cường sử dụng các loại phân vi sinh, phần chuồng thay thế cho phân hóa học. Ngoài ra, tôi cũng thay thế các loại thuốc bảo vệ thực vật bằng chế phẩm sinh học để đảm bảo sức khỏe cho vườn cây và đất.

Ngoài ra, việc thu hoạch, bảo quản… cũng phải thực hiện theo đúng quy trình. Theo đó, việc thu hoạch chỉ bắt đầu khi hạt tiêu đã chín được từ 95%, quá trình thu hoạch không để lẫn các tạp chất như lá, cành… Sau khi thu hoạch xong, hạt tiêu phải được phơi, sấy trong môi trường sạch sẽ vệ sinh.

Ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Song khẳng định, HTX sản xuất nông sản sạch Thuận Phát đang làm rất tốt mô hình sản xuất gắn liền với việc bao tiêu sản phẩm. Hiện ngành ngành nông nghiệp địa phương đang khuyến khích, tuyên truyền để người dân sản xuất theo mô hình này để nâng cao được chất lượng cũng như đảm bảo đầu ra.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Mô hình cây tiêu kết hợp cọc cừ tràm.

Từ xưa đến nay người nông dân luôn được biết đến không chỉ ở sự cần cù chịu khó mà còn sức sáng tạo vô bờ bến của họ. Trong nông nghiệp nhiều mô hình kết hợp các loại cây với nhau mang lại hiệu quả kinh tế cao mà chính những kĩ sư nông nghiệp cũng không ngờ tới. Và mô hình trồng tiêu trên cây cừ tràm sống là một ví dụ điển hình cho sự sáng tạo của người nông dân.

Cọc cừ tràm phù hợp với cây tiêu

Trước hết cây tiêu là một cây cho thu nhập khá cao, nếu được giá có thể nhanh chóng làm giàu. Chăm sóc cây tiêu không quá khó khăn nhưng cần phải có nọc tiêu để leo bám và phát triển. Và cừ tràm là sự lựa chọn hoàn hảo trên cũng đất nhiễm phèn, một sự kết hợp sáng tạo của những người nông dân sông nước miền tây. Nếu như sử dụng các loại cọc khác như gòn, dừa thì chỉ sau vài năm sẽ bị chết hoặc gãy đỗ. Nhưng cừ tràm thì hoàn toàn khác, đây là loại cây lâm nghiệp lâu năm, gỗ chắc bền đảm bảo thời gian cho cây tiêu phát triển đến lúc đạt năng suất cao nhất. Ngoài ra cừ tràm còn có nhiều lớp vỏ, giữ nước tốt tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu sinh sống và phát triển.

Mô hình cây tiêu kết hợp cọc cừ tràm.

Cừ tràm dùng để làm cọc tiêu quả thực là một sự sáng tạo mang lại hiện quả kinh tế cao đối với những vùng đất nhiễm phèn. Nếu sử dụng cọc xi măng thì sẽ rất tốn kém, tăng chi phí sản xuất lên dẫn đến lợi nhuận không đáng kể. Đối với vùng đất như thế này chính cừ tràm đã giúp cho tiêu sinh sổi phát triển mạnh mẽ như các vùng đất khác. Đầu tiên đó là tán của loài cây này sẽ giúp tiêu tránh được những thời tiết bất lợi. Đặc biệt từ rễ của cây cừ tràm tiết ra một số chất có thể tiêu diệt được nấm trên cây tiêu. Thật bất ngờ phải không, nhưng đó là kết quả qua trình tìm hiểu tại sao mô hình vườn tiêu ôm cừ tràm đều cho năng suất cao và ít bị sâu bệnh tấn công.

Kĩ thuật trồng tiêu kết hợp với cừ tràm

Cho dù mô hình kết hợp có thuận lợi theo tự nhiên đến đâu thì kĩ thuật trồng vẫn đóng một vai trò then chốt cho sự thành công của mô hình kết hợp tiêu với cừ tràm này. Trước hết là trồng cừ tràm hơn một năm tuổi phải tiến hành đào sâu từ 5 tấc đến 7 tấc, tiếp giáp với mặt nước. Sau khi xong công đoạn này tiến hành dùng vôi bột rải lên gốc cừ tràm để hạ độ phèn. Tiếp theo là đặt dây tiêu vào mỗi gốc cừ tràm với mật độ 1,5 m đến 2m cho một nọc tiêu. Đây là kĩ thuật tạo ra được sự hiện quả đã được chứng minh bằng thực tiễn. Về mặt lí thuyết cách trồng này giúp cho tiêu và cừ tràm không cạnh tranh dinh dưỡng với nhau, quá trình sinh trưởng và phát triển đều bảo đảm cho cả 2.
Về khâu chăm sóc thì theo kinh nghiệm của người nông dân, sau khoảng một tuần trồng thì tiến hành bón phân chuồng vào mỗi gốc cừ tràm khoảng 5-7 kg. Và tất nhiên liều lượng bón sẽ tăng dần cùng với sự phát triển của cây nhằm tạo cho đất luôn ở trạng thái tươi xốp và màu mỡ. Nhìn chung nhờ sự kết hợp này mà tiêu với cừ tràm đều phát triển tốt trên đất phèn, chỉ cần chú trọng tới hệ thống tưới tiêu và đào rãnh thoát nước để tránh ngập úng.

Hiệu quả kinh tế của mô hình tiêu ôm cừ tràm này chủ yếu đến từ cây tiêu. Bắt đầu từ năm thứ 3 tiêu sẽ bắt đầu cho thu hoạch với năng suất khoảng 1,5 kg/nọc tiêu. Và khi đến năm thứ 5 thì con số này sẽ tăng lên từ 3-4 kg/ nọc tiêu. Thu nhập bình quân sẽ là 40-50 triệu/ ha với tiêu khoảng 2 năm tuổi và khi tiêu khoảng 5 năm tuổi thu nhập sẽ tăng lên khoảng trên 100 triệu/ha. Theo chu kì sinh trưởng mỗi nọc tiêu sẽ cho thu hoạch lên tới 20 năm, khi kết thúc thì đã có nguồn thu không nhỏ từ việc bán gỗ cây cừ tràm.

Giữ và phát triển được diện tích rừng tràm

Do giá cừ tràm lên xuống thất thường nên rất nhiều người đã không chọn loài cây lâm nghiệp này để phát triển kinh tế nữa. Thay vào đó học cải tạo trồng lúa hay nuôi tôm để có nguồn thu ổn định hơn. Do đó diện tích rừng tràm giảm mạnh ảnh hưởng đến độ che phủ rừng nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung. Việc khuyến khích người dân trồng cừ tràm rất khó khăn cho đến khi có mô hình này xuất hiện.

Với việc kết hợp tiêu với cừ tràm cho hiệu quả kinh tế cao, giúp người nông dân thoát nghèo thì chắc chắn mô hình này sẽ được mọi người hưởng ứng và lan tỏa rộng rãi. Lúc đó độ che phủ rừng sẽ tăng lên đáng kể, vừa giải quyết được vấn đề môi trường đang nhức nhối hiện nay mà kinh tế vẫn phát bền vững.

Có thể nhận thấy mô hình tiêu kết hợp cừ tràm là một mô hình sánh tạo, vừa phát triển kinh tế vừa giữ rừng bảo vệ môi trường. Vì vậy mô hình này cần được khuyến khích nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới để nhiều người nông dân sớm thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Nguồn: agriviet.com được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Trồng điều hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic.

Trồng điều hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic đòi hỏi quy trình kỹ thuật khắt khe, do đó bắt buộc người trồng phải có kiến thức sâu.

Vườn điều Organic của HTXNN Bù Gia Mập.

Vậy nhưng, một HTXNN ở vùng biên giới Bình Phước, với khoảng 85% xã viên là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vốn được coi là lạc hậu, đang có thành quả tốt với mô hình điều hữu cơ, tiêu chuẩn Organic.

Cuối năm 2016, HTXNN Bù Gia mập (xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập) ra đời với 64 thành viên có tổng diện tích điều 250 ha. Sau khi được thành lập, UBND xã đã chỉ đạo HTX phối hợp Liên hiệp HTX điều Bình Phước hướng dẫn các thành viên về kỹ thuật chăm sóc điều theo tiêu chuẩn Organic.

Đến nay, số xã viên là 136 và diện tích tăng lên gần 544 ha điều, trong đó 495 ha đạt chuẩn Organic, diện tích còn lại đang tiếp tục được đánh giá để cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ trong thời gian tới.

Kết quả, vụ điều 2016-2017, dù SX bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng bởi thời tiết, sâu bệnh, nhưng năng suất điều của xã vẫn đạt từ 0,7-1,3 tấn/ha, riêng vườn điều của các thành viên HTX Bù Gia Mập đạt từ 1-1,5 tấn/ha.

“SX điều sạch phải thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình, từ khâu dọn vườn, cắt tỉa, bón phân, chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đến thu hoạch… nên tính trung thực của nông dân phải đặt lên hàng đầu. Các chuyên gia nước ngoài sẽ kiểm tra tại một vườn điều bất kỳ, nếu sản phẩm của vườn nào không đạt tiêu chuẩn sẽ bị ra khỏi HTX và phải làm lại từ đầu. Ban đầu, nhiều hộ ngần ngại vì sợ không theo được, nay họ chủ động trồng điều sạch để được vào HTX”, ông Hà Văn Toản, Phó giám đốc HTX cho biết.

Ông Điểu Hồng Mớt ở thôn Đắk Á, xã Bù Gia Mập đi tiên phong trong SX điều sạch cho biết: “Ngày xưa còn nghèo, cây điều nuôi sống mình, hết mùa thì mua phân bò về bón để cây có sức cho trái vụ sau. Từ 1 ha, nay tôi mua thêm 7 ha. Duy trì bón phân chuồng 2 lần/năm nên vườn điều luôn đạt 1,8-2 tấn/ha và ít sâu bệnh. Tham gia HTX, được kỹ sư nông nghiệp đến tận vườn “cầm tay chỉ việc”, từ bón phân, phun thuốc đúng quy trình đến không xịt thuốc cỏ, đốt lá tại vườn giúp mình có thêm kiến thức, sản phẩm làm ra được công ty đến tận vườn thu mua với giá cao hơn ngoài thị trường”.

Gia đình anh Nghị ở thôn Đắk Á, có 3 ha điều, xưa nay vẫn SX theo kinh nghiệm chứ không biết đến trồng điều sạch. Sau khi cân nhắc, anh quyết định vào HTX. Sau đó, anh được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, năng suất vườn điều tăng từng năm. Niên vụ điều 2017-2018 đạt 2,5 tấn/ha, đây cũng là một trong những vườn điều đạt năng suất cao của xã.

Hướng dẫn quy trình chăm sóc điều theo tiêu chuẩn hữu cơ.

“Mừng nhất là sản phẩm được công ty đến tận vườn thu mua với giá cao. Sau khi hết vụ, còn được công ty trợ giá thêm 500 đồng/kg điều hữu cơ, tổng số tiền nhận được 12 triệu đồng, đủ tiền mua gạo ăn cả năm”, anh Nghị khoe.

Hiện toàn bộ sản phẩm điều của HTX được một số DN bao tiêu với giá cao hơn thị trường 1.000 đồng/kg. Đồng thời, được trợ giá 500 đồng/kg sau khi kết thúc mùa vụ. Bà Trần Thị Yến, Giám đốc HTX nông nghiệp Bù Gia Mập cho biết, vụ điều 2017-2018, HTX bán được 333,35 tấn điều Organic. “Một vườn điều bình thường hằng năm cho năng suất khoảng 2 tấn/ha, nhưng trồng theo hướng Organic thấp hơn nhiều. Nhưng bù lại, giá lại cao hơn. Cho nên, trên cùng diện tích, nông dân vẫn đạt mức thu nhập ngang với phương thức trồng thông thường, đồng thời, không lo đầu ra”, bà Yến nói.

Quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Organic phải tiến hành song song với việc giảm lượng thuốc hóa học và kết hợp bón phân hữu cơ để cải tạo đất. Điều dễ nhận thấy, SX hữu cơ bước đầu nông dân gặp khó khăn, nhưng để tính lâu dài thì đây đang là hướng đi tất yếu.

Ngoài HTXNN Bù Gia Mập, trong Liên hiệp HTX điều Bình Phước còn 3 HTX là Đồng Nai, Thành Phát (Bù Đăng) và Phước Hưng (Đồng Xoài). Trong đó, HTX Đồng Nai đã dán nhãn thương mại công bằng quốc tế. HTXNN Bù Gia Mập sản xuất hữu cơ là bước đi nhanh nhất để sản phẩm được dán nhãn thương mại công bằng của Tổ chức Fair Trade. Qua đó, sản phẩm có thể đi thẳng vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU…

Nguồn: nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Nông dân Đồng Tháp trồng sen lãi gấp 2-3 lần trồng lúa.

Vụ mùa Đông Xuân 2018-2019, nông dân trong tỉnh Đồng Tháp chuyển đổi gần 200 ha đất trồng lúa sang trồng sen lấy gương, bình quân mỗi héc ta cho lãi từ 60 – 100 triệu đồng, lãi gấp 2 – 3 lần trồng lúa. Trồng sen ở Đồng Tháp nhiều nhất là ở các huyện Tháp Mười, Thanh Bình, Tam Nông và Cao Lãnh; trong đó, huyện Tháp Mười trồng gần 70 ha.

Thu hoạch sen lấy gương ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình.

Anh Nguyễn Thành Dũng, trú tại xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình cho biết, vụ Đông Xuân 2018-2019 anh không làm lúa và chuyển sang trồng sen. Anh trồng được hơn 1 ha sen lấy gương, sau 2,5 tháng sen cho thu hoạch, anh thu hoạch kéo dài 2,5 tháng. Bình quân mỗi ha trồng sen lấy gương cho năng suất 8 tấn/ha, anh bán với giá 15.000 đồng/kg và sau khi trừ chi phí lãi gần 100 triệu đồng. Sau khi thu hoạch diện tích trồng sen lấy gương anh Dũng tiếp tục trồng lúa, sản xuất theo mô hình lúa – sen – lúa.

Đặc biệt, cây sen ở huyện Tháp Mười được trồng nhiều nhất tỉnh và được chứng nhận nhãn hiệu Sen Tháp Mười (huyện Tháp Mười) do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp. Ở huyện Tháp Mười còn đưa cây sen vào chương trình xây dựng “mỗi xã phường một sản phẩm”.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đến thu mua tiêu thụ sản phẩm gương sen tươi và hạt sen khô để xuất khẩu, ngoài ra còn các sản phẩm chế biến từ sen được đưa ra thị trường như: sữa sen, bột hạt sen, trà lá sen, trà tim sen đang được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nông dân xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình thu hoạch sen lấy gương.

Ông Đinh Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết, huyện sẽ phát triển 300 ha trồng sen, đây là mô hình chuyển đổi cây trồng lãi cao hơn trồng lúa. Các sản phẩm từ cây sen Tháp Mười được chế biến sấy khô, làm tim sen, bán sen tươi, sữa sen, đồng thời tạo ra nhiều món ăn hấp dẫn, nổi bật là món cơm gói lá sen, chè sen…

Nguồn: tintucnongnghiep.vn được kiểm duyệt bới FarmTech VietNam.

Trồng xen cây Hoài Sơn trong vườn tiêu cho lợi nhuận kép.

Cây Hoài Sơn (củ mài) dễ trồng, khi trồng xen trong vườn tiêu bón phân cho tiêu cũng là bón phân cho cây Hoài Sơn, lấy ngắn nuôi dài nếu có rủi ro về giá, tiết kiệm được chi phí đầu tư nhưng thu lợi nhuận kép.

Anh Nhâm giới thiệu cách trồng Hoài Sơn xen tiêu.

Khi giá tiêu ở mức thấp, thu không đủ bù chi khiến nhiều nông dân ở huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) không mặn mà đầu tư để giữ vườn tiêu. Tuy nhiên anh Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp – Thương mại – Du lịch Bầu Mây (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) lại có lãi nhờ trồng xen cây Hoài Sơn (củ mài).

Chúng tôi đến tham quan vườn tiêu 10 ha trồng xen với cây Hoài Sơn của anh Nhâm đang thời kỳ thu hoạch. Những trụ tiêu sai trái đang độ chín trên cao, mà trong lòng đất cũng đang lộ thiên những củ Hoài Sơn chờ thu hoạch. Anh Nhâm nói: Cách đây 3 năm (2015) khi giá hồ tiêu xuống thấp, Công ty đã thử nghiệm nhiều cây trồng cộng sinh trong vườn tiêu và thành công với cây Hoài Sơn.

Theo anh Nhâm, Hoài Sơn là cây mọc hoang dại tự nhiên dưới các tán lá cây trong rừng và có nhiều loài (khoảng 20 loài). Cây Hoài Sơn trồng tại vườn được lấy từ vùng núi Mây Tàu thuộc huyện Xuyên Mộc. Là loại cây thân leo, nhưng khi đưa vào trồng trong vườn tiêu, cây được điều khiển phát triển bò trên phần diện tích đất trống.

Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cây Hoài Sơn giữ độ ẩm cho đất, làm cho đất tơi xốp, vườn tiêu không phải làm cỏ. Thân rễ phình to thành củ ăn sâu xuống đất, có nhiều rễ con làm cho mặt đất nứt tạo độ thông thoáng và lưu dẫn nguồn nước thoát cho cây tiêu, chống xói mòn.

Lá cây Hoài Sơn phát triển tốt, là thức ăn của sâu nhưng vẫn không ảnh hưởng đến năng suất củ. Vì thế mà trên cây tiêu cũng giảm được các loài sâu và côn trùng, từ đó giảm được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công chăm sóc.

Với chiều cao cây tiêu 5 – 6 mét là môi trường lý tưởng cho cây Hoài Sơn phát triển. Sự sinh trưởng cộng sinh này không cạnh tranh về ánh sáng. Bón phân cho cho cây tiêu cũng là bón phân cây Hoài Sơn, tiết kiệm chi phí, tạo giá trị kinh tế tăng thêm trên cùng đơn vị diện tích canh tác.

Cây Hoài Sơn thường trồng vào đầu mùa mưa, một hàng tiêu trồng xen một hàng Hoài Sơn, cây cách cây 20 cm. Với diện tích 1 ha, trước khi trồng cần bón lót 15 tấn phân chuồng ủ hoai, 250kg phân NPK loại 16-16-8. Sau một tháng bón thúc tăng lượng phân NPK lên khoảng 500-700 kg/ha. Mỗi ha đất trồng tiêu, trồng xen khoảng 20.000 gốc cây.

Trong vòng sáu tháng là cây có thể cho thu hoạch củ. Mỗi cây cho một củ có trọng lượng khoảng từ 0,5-3kg. Mỗi ha trồng tiêu khi trồng xen cây Hoài Sơn nếu chọn được giống tốt, rõ nguồn gốc, bón phân cân đối, áp dụng kỹ thuật canh tác thì năng suất có thể cho từ 30-40 tấn củ.

Củ Hoài Sơn ( củ Mài ).

“Củ Hoài Sơn có giá trị kinh tế cao (khoảng 120-150 ngàn đồng/kg). Ngoài việc dùng để ăn, còn làm dược liệu điều chế thuốc quý chữa các bệnh như ăn uống khó tiêu, mồ hôi trộm, tiểu đường, giúp phụ nữ sau sinh ăn ngon miệng và hấp thu tốt. Chính những đặc tính ưu việt đó, sắp tới Công ty sẽ chế biến củ Hoài Sơn thành sản phẩm Sữa Hoài Sơn, đưa ra tiêu thụ thị trường trong nước và quốc tế”, anh Nhâm chia sẻ.

Cây Hoài Sơn dễ trồng, khi trồng xen trong vườn tiêu bón phân cho tiêu cũng là bón phân cho cây Hoài Sơn, lấy ngắn nuôi dài nếu có rủi ro về giá, tiết kiệm được chi phí đầu tư nhưng thu lợi nhuận kép.

Đây được xem là mô hình trồng xen cây cộng sinh điển hình, tạo điều kiện thuận lợi để canh tác vườn tiêu bền vững cần được khuyến khích nhân rộng trong bối cảnh giá tiêu không được thuận lợi như mong muốn của người dân.

Nguồn: nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Người dân lao đao vì mía rẻ như cho

Ông Mai Văn To – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bến Lức (Long An) ngồi buồn so nói: “Vừa rồi chúng tôi đi xem tình hình bà con trồng mía trên địa bàn, thấy mà phát rầu. Bây giờ bà con kêu lái đến cho mía cũng không ai lấy. Xem như năm này bà con mất Tết”.

Hàng ngàn ha mía mất bao công chăm sóc để “rồi cho không”, khiến năm nay nông dân trồng mía ở Bến Lức (Long An) không biết lấy tiền đâu mà sắm tết.

“Ăn Tết nỗi gì!”

Sau vụ mía “bán mà như cho”, ông Hai Long (Nguyễn Văn Long, xã Lương Hòa, Bến Lức) hốp ngụm trà thơm mà đắng chát cổ họng. “Mong vô vụ mía bán kiếm tiền ăn Tết, nhưng thua rồi. Giờ không biết lấy tiền đâu ăn Tết”, ông lắc đầu.

Theo ông Hai Long, giờ thương lái rất ngại mua mía cho nông dân. Nếu mua họ phải chở đi tận Tây Ninh, Bến Tre, thậm chí Hậu Giang để bán cho nhà máy đường. Đi như vậy lỗ vốn lấy gì ăn”, ông Hai thổ lộ.

Ông Hai cho biết, năn nỉ riết thương lái mới chịu mua mía nhưng chỉ với giá 200.000 đồng/tấn. Bán hơn 1ha mía với giá này ông Hai cầm chắc lỗ. “Với giá này chỉ đủ tiền phân. Nhưng không bán chẳng lẽ để mía chết khô trên đồng, rồi lại tốn thêm tiền thuê nhân công dọn rẫy”, ông Hai trần tình.

Trong khi đó, dù có gần 30 năm gắn bó với cây mía, từng trồng cánh đồng mía với diện tích đến 300 ha, nhưng ông Trương Hùng Dũng (huyện Trảng Bom, Đồng Nai)  giờ cũng nản lòng với cây mía. Hiện, ông đang chuyển dần khoảng 100ha mía còn lại sang trồng cây ăn trái.

Theo ông Dũng, năm nay bất lợi về thời tiết nên năng suất mía bình quân chỉ đạt khoảng 50 tấn/ha. “Với giá mía bèo bọt như hiện nay, trừ các khoản chi phí là lỗ là cái chắc, mong gì kiếm lời mà trang trải, ăn tết”, ông than thở.

Ông Dũng cho rằng, dù rất buồn phải chia tay với cây mía, nhưng ông sẽ quay lại nghề trồng mía nếu mỗi ha có lời khoảng 30 triệu đồng. Vì trồng mía có nhà máy chế biến bao tiêu, nông dân yên tâm chứ không quá bấp bênh như thị trường cây ăn trái sáng nắng, chiều mưa như hiện nay.

Nghề trồng mía teo tóp

Giá mía năm qua sụt giảm nghiêm trọng khiến các tỉnh có trồng mía đang teo tóp dần diện tích. Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, diện tích mía niên vụ 2018 – 2019 trên địa bàn tỉnh giảm khoảng 40% so cùng kỳ năm 2017.

Hiện, tỉnh có hơn 8.000ha mía, tập trung chủ yếu tại các huyện: Bến Lức (5.900ha), Thủ Thừa (1.400ha), Đức Hòa, Đức Huệ (trên 650ha). Dự tính, đến năm 2020, diện tích này sẽ giảm còn 3.000 – 4.000ha.

Nhà máy đường Nivl (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đanbg nợ trên 100 tỉ đồng không có khả năng chi trả đành đóng cửa.

Theo Đề án Phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ NNPTNT, tỉnh Long An được phân bổ 8.500ha mía. Nhưng theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An Nguyễn Chí Thiện, sở này đã kiến nghị với Bộ NNPTNT xin giảm một nửa diện tích mía được phân bổ trong Đề án trên.

Lý do là tình hình sản xuất mía trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, do: Giá thấp, nhà máy nợ tiền nông dân, khan hiếm nhân công, nhất là khi thu hoạch; Chi phí vận chuyển, đầu tư sản xuất tăng cao, lượng đường tồn kho lớn. Vừa qua, nhiều diện tích mía trên địa bàn tỉnh bị bỏ chết khô ngoài đồng do giá rẻ.

Trong khi đó, Đồng Nai từng là tỉnh có diện tích mía lớn của cả nước với cả chục ngàn ha nhưng cũng đang giảm dần theo từng năm. Theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, nếu năm 2012 toàn tỉnh có gần 10.700 ha trồng mía thì đến nay chỉ còn 8.000ha.

Thương lái ở Long An không muốn mua mía vì phải vận chuyển mía đến nhà máy đường quá xa, sợ thua lỗ.

Tại nhiều tỉnh, thành, hàng loạt nhà máy đường đã đóng cửa hoặc đối diện với nguy cơ phá sản. Vụ thu hoạch mía năm nay, cả nông dân và doanh nghiệp sản xuất đều lâm vào cảnh khốn đốn.

Tại Long An, nông dân bán mía phải nhận đường vì Nhà máy Đường Nivl (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) nợ trên 100 tỉ đồng không có khả năng chi trả.

 Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 2 nhà máy chế biến đường là Công ty cổ phần mía đường La Ngà (huyện Định Quán) và Nhà máy đường TTC Biên Hòa – Trị An (huyện Vĩnh Cửu). Tổng thiết kế của 2 nhà máy đạt khoảng 5.000 tấn mía/ngày với tổng sản lượng đường đạt khoảng 38.900 tấn đường/năm. Nhưng theo số liệu thống kê của Sở NNPTNT tỉnh, tính đến cuối 2018, lượng đường tồn kho của 2 nhà máy trên khoảng 19.000 tấn.

Theo ông Thiện, có 3 nguyên nhân dẫn đến giá thành đường Việt Nam cao là: Năng suất mía Việt Nam bình quân 60 – 70 tấn/ha, trong khi năng suất mía của các nước đạt khá cao; Chữ đường của Việt Nam lại thấp; nhiều nhà máy sản xuất công nghệ lạc hậu nên lượng đường sản xuất trên 1 tấn mía thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới…

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

“Vận đen” của hồ tiêu: Chết trơ trụi, nông dân nợ chồng chất

Hàng trăm hecta tiêu bị chết hoặc đang nhiễm bệnh ở mức không thể cứu vãn cùng rất nhiều diện tích khác bị nhiễm bệnh đang khiến hàng ngàn nông dân tại Đắk Song (Đắk Nông) đứng ngồi không yên. Nhiều người bỏ nhà cửa đi biệt xứ vì nợ nần.

5 năm trước, thấy giá hồ tiêu cao ngất, ông Nguyễn Văn Thu (thôn Đắk Kual 5, xã Đắk N’Drung, Đắk Song, Đắk Nông) đã phá bỏ cà phê để trồng 1.400 trụ tiêu. Để có vốn đầu tư, ông Thu thế chấp sổ đỏ, vay ngân hàng 250 triệu đồng. 4 năm sau, khi vườn tiêu bắt đầu cho thu bói thì giá tiêu lao dốc. Thế nhưng “vận đen” chưa từ bỏ ông Thu khi năm nay, vườn tiêu bắt đầu cho thu chính thì lại đổ bệnh, chết hàng loạt.

  Vườn tiêu của ông Thu chết trụi chỉ trong vòng một tuần.

“Tiêu vàng lá rồi chết khô chỉ trong vòng một tuần không thể trở tay. Công sức, vốn liếng của gia đình 5 năm qua giờ tiêu tan. Bây giờ tiêu chết, gia đình ông chưa biết lấy tiền đâu ra để trả nợ và kiến thiết vườn cây”- ông Thu chua xót nói.

Gần nhà ông Thu, hơn 1.700 trụ tiêu đang kinh doanh của ông Nguyễn Hữu Hương cũng chết khô. Vợ ông Hương nói với chúng tôi, khi thấy vườn tiêu vàng lá, bà đã mời kỹ sư về tư vấn rồi bỏ gần 50 triệu đồng mua thuốc về chữa nhưng kết quả là tiền mất tật mang, cả vườn tiêu chết sạch chỉ trong chừng một tháng. Gần 1 tỷ đồng mà gia đình ông Hương đầu tư trồng tiêu giờ tiêu tan…

Một vườn tiêu ở xã Thuận Hà chết trụi.

Trưởng thôn Đắk Kual 5, ông Nguyễn Hữu Thiện, cho biết, tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt đã khiến 3 gia đình trong thôn bỏ nhà đi biệt tích. Hàng trăm gia đình khác đang đứng trước nguy cơ trắng tay khi diện tích tiêu nhiễm bệnh rồi chết tiếp tục tăng.

Khó cứu chữa

Ngoài Đắk N’Rung, tại các xã khác của huyện Đắk Song như: Thuận Hạnh, Nâm N’Jang, Trường Xuân, Thuận Hà hàng trăm ha tiêu cũng đang nhiễm bệnh và chết. Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng phòng NNPTNT huyện Đắk Song, thống kê đến cuối tháng 9, toàn huyện có hơn 200 ha tiêu chết, 130 ha đang nhiễm bệnh nặng không thể cứu chữa và gần 1.700 ha tiêu đang bị nhiễm bệnh.

Một vườn tiêu ở Đắk N’Rung chết sạch đang bị chủ nhân bỏ hoang.

Tuy nhiên, theo ông Vinh đây là con số chưa chính xác, diện tích hồ tiêu chết và nhiễm bệnh vẫn đang tiếp tục tăng. Cũng theo ông Vinh, tình trạng tiêu chết và nhiễm bệnh xuất hiện từ khoảng cuối tháng 6, khi mùa mưa kết thúc.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do trên địa bàn có mưa nhiều khiến cây tiêu bị nhiễm nhiều loại nấm (Phytophthora sp, Pythium…), vi khuẩn, tuyến trùng và nhiều diện tích bị úng nước. Mặt khác, trong canh tác, nhiều bà con quá lạm dụng các loại phân bón không phù hợp, thuốc bảo vệ thực vật không đúng theo khuyến cáo của ngành chức năng.

Ông Vinh cho biết, hiện đối với những diện tích đã nhiễm bệnh nặng thì xem như không thể cứu vãn. Đối với diện tích mới nhiễm, ngành nông nghiệp đang tuyên truyền cho người dân áp dụng quy trình kỹ thuật quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu do Cục Trồng trọt- Bộ NNPTNT- ban hành tháng 8.2016.

Theo ngành nông nghiệp huyện Đắk Song, tình trạng tiêu nhiễm bệnh và chết vẫn đang tiếp tục tăng chưa có biện pháp chữa trị hữu hiệu.

Ngoài ra, Phòng NNPTNT huyện cũng thống kê diện tích tiêu nhiễm bệnh và bị chết để báo cáo UBND huyện, Sở NNPTNT sớm có giải pháp hỗ trợ xử lý tình trạng dịch bệnh đang lan rộng trên cây hồ tiêu. Cùng với đó, Phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện đề xuất UBND tỉnh có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đắk Nông chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại khoanh nợ, giãn nợ cho các nông hộ để bà con vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất.

Theo Phòng NNPTNT huyện Đắk Song, toàn huyện có hơn 15.200 ha hồ tiêu, chiếm khoảng một nửa diện tích tiêu toàn tỉnh. Trước tình trạng tiêu chết và nhiễm bệnh hàng loạt, các ngành chức năng, chính quyền các cấp và người dân đang nỗ lực dùng nhiều biện pháp để cứu chữa.

Tuy nhiên, mọi sự cố gắng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Cây tiêu vẫn đang trên đà chết và lây lan dịch bệnh rất nhanh.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam