4 ha rau hữu cơ cho sản lượng 30 tấn mỗi năm tại Hà Nam

Hiện, bà con Trác Văn, huyện Duy Tiên, Hà Nam canh tác khoảng 30 loại rau hữu, cung cấp chủ yếu cho thị trường Hà Nam, Hà Nội và Nam Định.

Theo ông Nguyễn Văn Phóng – Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Trác Văn ở thôn Tường Thụy, Xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, Hà Nam, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng rau sạch của thị trường khá cao; trong khi thổ nhưỡng của địa phương phù hợp với sự phát triển của nhiều loại nông sản, nguồn lao động tại chỗ lại dào dào, nên năm 2013, hợp tác xã thành lập tổ hợp tác chuyên trồng rau hữu cơ. Sau hơn 3 năm hoạt động, hiện, tổ hợp tác có 36 thành viên, canh tác khoảng 30 loại rau hữu cơ trên diện tích 4 ha.

Ruộng cà chua hữu cơ của bà con Trác Văn.

Theo ông Phóng, thời gian đầu khi phát triển mô hình rau hữu cơ, các thành viên trong tổ gặp không ít khó khăn. Một là, bà con còn gặp nhiều bỡ ngỡ khi chuyển đổi từ lối canh tác truyền thống sang phương pháp canh tác có sự kiểm tra, giám sát, thực hiện theo các tiêu chí kỹ thuật. Hai là, trong quá trình sản xuất rau hữu cơ, do không được phép sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân bón hóa học nên khi rau gặp sâu bệnh, bà con cũng lúng túng, chưa giải quyết được ngay.

Ngoài ra, mô hình trồng rau hữu cơ cho năng suất thấp, chỉ bằng 40-50% so với canh tác thông thường nên nhiều người còn e ngại, chưa nhiệt tình tham gia.

Bà con bón phân cho rau cải muộn. 

Để khắc phục những khó khăn trên, các cán bộ chuyên về trồng trọt được cử xuống tận nơi, hướng dẫn kỹ thuật canh tác rau hữu cơ cho bà con thông qua lớp tập huấn. Theo đó, ngoài đất trồng và nước tưới đảm bảo đạt chuẩn, để hạn chế sâu bệnh gây hại, bà con phải luân canh và xen canh nhiều loại rau, củ, quả.

Ngoài ra, cạnh luống rau, bà con còn được gợi ý trồng thêm các loài hoa có màu sắc rực rỡ để dẫn dụ thiên địch có lợi, từ đó, hạn chế sâu bướm đẻ trứng lên rau và gây hại. Khi gặp sâu bệnh, bà con dùng thuốc thảo mộc hoặc chế phẩm sinh học là hỗn hợp tỏi, ớt giã nhỏ trộn với rượu để phun cho rau.

Rau được trồng xen canh để hạn chế sâu bệnh.

Hiện, bà con Trác Văn canh tác khoảng 30 loại rau hữu cơ gồm cải ngồng, cải ngọt, cà rốt, cải chíp, cà chua, đậu cô ve, dưa chuột, su hào, bắp cải… Các giống rau này đều được nhập từ trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Về phân bón, người dân sử dụng phân bò, lợn, gà ủ cùng gốc rau thải cho hoai mục rồi đem bón. Đây là nguồn cung cấp dưỡng chất giúp rau phát triển tốt, đất tơi xốp, lại góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng các nguyên liệu thủ công, tự chế, chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, mô hình rau hữu cơ Trác Văn đã được cấp chứng nhận PGS. Đây là chứng nhận về quy trình sản xuất rau hữu cơ ở Việt Nam, được Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ IFOAM cấp phép.

Hiện, sản lượng rau hữu cơ của tổ hợp tác đạt khoảng 30 tấn mỗi năm; trong đó, 60-70% được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu, còn lại là bán lẻ cho người tiêu dùng. Giá rau ổn định ở mức 15.000 đồng một kg.

Ông Phóng chia sẻ, tổ hợp tác dự định hoàn thiện hệ thống tưới phun sương, xây nhà lưới hạn chế côn trùng và giảm thiểu ảnh hưởng của thời tiết tới sự sinh trưởng của các loại rau theo mô hình; góp phần nâng cao năng suất và sản lượng rau hữu cơ an toàn Trác Văn.

Nguồn: Vnexpress được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng đậu xanh

Đậu xanh là cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ khoảng 60-70 ngày. Trồng đậu xanh có ưu điểm tiết kiệm được nguồn nước tưới nên phù hợp với những vùng có nguy cơ bị hạn. Ngoài ra, trồng đậu xanh xen canh hoặc luân canh còn giúp cải tạo tăng độ phì cho đất. Đậu xanh tuy dễ trồng, song để có năng suất, chất lượng cao, nông dân áp dụng một số biện pháp kỹ thuật vào trong trồng và chăm sóc.

Hạt đậu xanh

1/Chọn giống 

– Giống V 87-13: Giống này có chiều cao trung bình từ 50 -60cm, phân cành tốt, khả năng tái tạo bộ lá mạnh, vì vậy, sau khi thu hoạch nếu cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, cây đậu xanh sẽ cho thêm một đợt bông thứ hai với năng suất vào khoảng 50-60% đợt đầu. Giống V87-13 có hạt đóng kín khá đều, tương đối lớn, màu xanh thích hợp với thị hiếu người tiêu dùng và xuất khẩu. Năng suất trung bình vào khoảng 1,2 tấn/hécta. Đậu xanh tốt có thể đạt 2 tấn/hécta. Khả năng chống chịu đối với bệnh khảm vàng do virus và bệnh đốm lá ở mức trung bình. 

– Giống HL89 E3: Đây là giống có tính thích nghi rộng thích hợp trên nhiều chân đất, hạt đóng khít, dạng hình oval, màu xanh mỡ rất đẹp. Trọng lượng 1.000 hạt khoảng 50 – 53g. Đặc điểm của 2 giống V87-13 và HL89 E3 là hạt không bị chuyển màu nếu gặp mưa trong quá trình thu hái. 

– Giống 91-15: Giống này cây cao trung bình khoảng 60 – 65cm, phơi bông nên rất thuận tiện cho công tác phòng trừ sâu hại, hạt có dạng hình trụ, màu xanh mỡ được người tiêu dùng ưa thích. Tỷ lệ hái đợt đầu vào khoảng 70 – 80%. Giống này chống chịu bệnh khảm vàng và đốm lá ở mức trung bình.

– Giống V94-208: là giống có năng suất cao, trung bình từ 1,4-1,5 tấn/hécta, có những nơi đạt 2,8 tấn/hécta. Đặc điểm nổi bật của giống V94-208 cao 75cm, thân to, lá rộng, quả nằm trên mặt lá, hạt to, hình trụ màu xanh đậm, bóng. Tuy nhiên, loại giống này có nhược điểm hạt đóng không khít trong trái, vì vậy khi gặp điều kiện dinh dưỡng không tốt các hạt sẽ không đều. Đồng thời, hạt đậu V94-208 rất dễ đổi màu khi thu hái gặp trời mưa hoặc phơi không kịp và dễ bị mọt. Khả năng chống chịu bệnh khảm vàng của giống ở mức trung bình – yếu cho nên chỉ gieo trồng trong vụ đông-xuân. 

2/ Làm đất trồng 

– Đất trồng đậu xanh yêu cầu phải làm tơi xốp nên cày bừa kỹ và làm sạch cỏ. Cây đậu xanh không chịu ngập úng, tùy địa thế mà chọn biện pháp làm đất như là đánh luống hoặc tỉa lan. Nhưng nên gieo đậu xanh theo hàng để thuận tiện cho việc chăm sóc. Ở các chân đất không bằng phẳng nên chú ý làm rãnh thoát nước.

3/ Gieo hạt 

– Hạt đậu xanh nảy mầm khỏe nếu đảm bảo được 2 yếu tố nhiệt và ẩm. Để đảm bảo đầy đủ nhiệt cho hạt nảy mầm, nhiều nông dân có tập quán gieo đón mưa. Nếu gặp năm mưa thuận thì năng suất rất cao, nhưng đa số các cơn mưa đầu vụ thất thường, nhiều vụ gieo đi gieo lại 2-3 lần rất tốn kém. Để giảm sự bấp bênh ở khâu gieo hạt, bà con cần chú ý phần dự báo thời tiết trên các phương tiện truyền thông. Đậu xanh có thể gieo sạ theo hàng, gieo hốc. Tùy theo phương thức gieo mà lượng giống thay đổi, thông thường là lượng giống sử dụng ít nhất từ 15-16 kg/hécta. 

4/ Phân bón và chăm sóc 

– Lượng phân bón thích hợp cho 1 hécta đậu xanh trên vùng đất đỏ Đông Nam bộ là 90kg urê, 300kg super lân và 90kg kali và chia làm 3 lần để bón. 

– Lần thứ nhất: Bón toàn bộ lân, 1/3 đạm, 1/3 kali. 

– Lần thứ hai: Bón thúc đợt 1 khi cây được 3 lá thật. Lượng phân bón là 1/3 urê và 1/3 kali. Do đậu xanh có số lá ít, vì vậy nên kết hợp bón thúc đợt 1 với làm cỏ lần đầu 

– Lần thứ 3 sau khi gieo 25 ngày, ta tiến hành bón thúc toàn bộ lượng phân còn lại và kết hợp với làm cỏ, vun gốc.

– Đậu xanh là cây trồng chịu hạn tốt, trồng vào mùa khô chỉ tưới 2-3 lần/tuần. Sử dụng cây tưới phun để tưới cho đậu xanh vừa tiết kiệm nước và tránh bật gốc làm ảnh hưởng đến phát triển sinh trưởng của cây. 

5/ Thu hoạch 

– Đậu xanh trồng được khoảng 45 – 50 ngày bắt đầu cho thu hoạch. Khi thu hoạch chỉ hái những quả chín chuyển màu nâu, nên thu trái vào buổi chiều, tránh thu vào buổi trưa những quả chín khô sẽ bị bung ra làm tỷ lệ hao hụt cao.

– Quả đậu xanh sau khi thu hoạch về đem phơi nắng khoảng 3-4 ngày đập tách lấy hạt làm sạch bụi, phơi tiếp 1-2 ngày và cho vào bao để bảo quản.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật bảo quản các loại đậu đỗ

Các loại đậu đỗ nói chung có lớp vỏ mỏng nên khả năng bảo vệ kém, lại chứa nhiều protein và chất béo (2 – 20%) nghĩa là những chất dễ phân giải. Mặt khác đậu đỗ lại là nguồn thức ăn rất tốt cho vi sinh vật và côn trùng phá hoại mạnh, rất dễ bị mốc, oxy hoá, lượng axit béo tăng lên, phẩm chất của đậu đỗ giảm xuống. Nếu thuỷ phần của hạt 15 – 16% và bảo quản trong điều kiện nhiệt độ cao sẽ rất dễ dẫn đến hiện tượng tự bốc nóng.

                                              Kỹ thuật bảo quản các loại đậu đỗ

Nếu trong khối hạt lẫn nhiều tạp chất hoặc sâu hại nước nghiêm trọng thì khả năng biến chất của hạt tương đối lớn. Từ sự biến hoá hình thái của hạt có thể nhận ra mức độ biến chất của hạt. Ví dụ nếu thuỷ phần của hạt là 13%, ở nhiệt độ cao 20 độ C có thể quan sát thấy màu sắc của tử diệp đậm. Còn nếu bộ phận hạt không chín đều, thuỷ phần 13% và ở nhiệt độ bảo quản là 23 độ C thì mặt sau tử diệp màu phớt hồng.

Để khống chế những hiện tượng biến chất của hạt cần phải chú ý những yếu tố sau đây:

  •  Thuỷ phần: Phải luôn luôn giữ cho thuỷ phần của đậu đỗ ở giới hạn < 12% thấp hơn các loại hạt chứa nhiều tinh bột như thóc, gạo. Nếu như thuỷ phần vượt quá 12% ví dụ ở mức độ là 14% thì hạt bị mềm, tỷ lệ axit béo tăng nhanh, có mùi chua, mốc…
  •  Nhiệt độ khối hạt giữ ở mức độ bình thường, nếu cao quá sẽ làm phẩm chất giảm. Do vỏ hạt mỏng và dễ bị nứt, nên khi phơi cần tránh ánh nắng buổi trưa quá mạnh nên có thể phơi trong bóng mát, tốt nhất là sau khi thu hoạch phơi cả cây thì hạt đậu được bảo vệ bởi vỏ quả không dễ phát sinh hiện tượng nứt.
  • Độ nguyên vẹn của hạt và độ chín của hạt phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn loại bỏ hạt xanh lép, vỡ…

Nói chung đối với hạt đậu đỗ người ta áp dụng phương pháp bảo quản kín hoàn toàn là tốt nhất; cách bảo quản tương tự như khi bảo quản khoai và sắn.

Khi nhiệt độ không khí không vượt quá 15 độ C thì căn cứ vào thuỷ phần khác nhau của hạt mà có thể xếp hạt như sau:

– Nếu thuỷ phần của hạt < 12% để hạt rời có độ cao 1,5 m, để trong bao và xếp 8 tầng.
– Nếu thuỷ phần từ 12 – 14% để hạt rời cao 1,0 m và đóng bao 6 tầng.
– Nếu thuỷ phần từ 14 – 16% để hạt rời cao 0,7 m và đóng bao 4 tầng.
– Nếu thuỷ phần từ > 16% để hạt rời cao 0,5 m và đóng bao 2 tấng.

Về mùa hè do thời tiết nóng nực nên độ cao hạt để rời nên giảm đi 1/3 và số tầng bao không quá 2 tầng bao. Với lượng hạt ít có thể dùng chum vại có lót tro bếp để hút ẩm, bỏ đậu vào và đậy kín. Không nhập kho lúc nóng.

Theo tài liệu nghiên cứu của Trung Quốc thì đậu nành nhập kho khi hạt nguội sau 10 tháng tỷ lệ nẩy mầm trên 50%. Nếu nhập kho lúc nóng thì tỷ lệ nẩy mầm chỉ còn 4%.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

 

Hà nội phát triển giống đậu tương cho năng suất cao

Để tạo điều kiện tốt nhất cho việc hình thành vùng sản xuất đậu tương tập trung theo hướng hàng hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất phát triển và tiêu thụ giống đậu tương, đồng thời yêu cầu các địa phương cần sớm hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giúp nông dân tiết kiệm chi phí lao động, tăng thu nhập.

Năm 2015, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã triển khai mô hình sản xuất đậu tương giống vụ Hè Thu với diện tích 210ha giống DT84, tại 5 hợp tác xã nông nghiệp Hát Môn, Vân Nam, Thuấn Nội (xã Tam Huấn) huyện Phúc Thọ, hợp tác xã nông nghiệp Trung Châu 1, Trung Châu 2 (xã Trung Châu, huyện Đan Phượng).

Hà Nội phát triển giống đậu tương DT84 mới cho năng suất caoTrồng đậu tương vừa cho hiệu quả kinh tế cao, lại không tốn nhiều công chăm sóc.

Nhằm đảm bảo chất lượng hạt giống, cán bộ kỹ thuật Trung tâm đã chú trọng hướng dẫn nông dân thực hiện tốt khâu kỹ thuật về khử lẫn cây khác dạng, khác giống trên đồng ruộng và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, năng suất đạt trên 2,35 tấn/ha (có nơi năng suất đạt từ 2,5-2,6 tấn/ha), cho sản lượng từ 490-495 tấn.

Chị Trần Thị Loan ở xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ) cho biết trồng đậu tương vừa cho hiệu quả kinh tế cao, lại không tốn nhiều công chăm sóc. Vụ này được Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội hỗ trợ giống đậu tương DT84, gia đình chị trồng hơn 4 sào, dự kiến cho thu hoạch hơn 3 tạ. Với giá bán 18.000-20.000 đồng/kg đậu tương giống, gia đình có thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/vụ, trừ chi phí, lãi 4 triệu đồng/vụ.

Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, giống đậu tương DT84 có khả năng kháng chịu sâu bệnh tốt hơn các giống đậu tương khác, thời gian sinh trưởng, phát triển ngắn

Hiện DT84 là giống đậu tương tốt nhất cả về chất lượng cũng như năng suất. Bộ giống này có thể triển khai đại trà, tiến tới phủ kín diện tích trồng đậu tương của các huyện ngoại thành Hà Nội, nhất là đáp ứng nhu cầu đậu tương của thị trường trong nước.

Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) cho biết thời gian tới, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội sẽ tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần tăng năng suất, đảm bảo chất lượng hạt giống cấp xác nhận, thực hiện tốt công tác thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch.

Từ nay đến cuối vụ, Trung tâm còn phối hợp chặt chẽ với cơ sở để chuẩn bị tốt công tác thu hoạch giống, phối hợp với doanh nghiệp thu mua và cung ứng giống đậu tương cho các vùng trồng đậu tương trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Giải mã bộ gene loài đậu thông dụng nhất trung mỹ

Một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu cao cấp Cinvestav của Mexico vừa giải mã thành công bộ gene của loài đậu thông dụng nhất tại quốc gia này và toàn bộ vùng Trung Mỹ.

Phóng viên tại Mexico dẫn thông báo ngày 23/2 của giáo sư Alfredo Herrera Estrella cho biết qua hai năm nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc Cinvestav đã tìm ra bộ gồm 26.500 gen của loài đậu có tên khoa học Phaseolus Vulgaris.

Việc tìm ra bộ gene này có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh giá cả lương thực trên thế giới tăng caoTìm ra bộ gane loài đậu

Trên cơ sở này, các nhà nghiên cứu sẽ sàng lọc những gene trội, cho phép cây đậu chịu hạn tốt, thích ứng với môi trường khắc nghiệt, có khả năng chống chọi với nhiều loại bệnh và lai tạo ra các dòng đậu cho năng suất cao.

Theo giáo sư Herrera Estrella, việc tìm ra bộ gene này có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh giá cả lương thực trên thế giới tăng cao.

Trong tương lai gần, Mexico sẽ tiến hành khoanh vùng và ưu tiên thâm canh loại đậu này để góp phần giảm đói nghèo tại các vùng sâu vùng xa thông qua tăng năng suất và sản lượng cây trồng.

Đây là kết quả công trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia có tên gọi “Dự án PhasIbeAm” với tổng chi phí gần 2,5 triệu USD, được thực hiện với sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học đến từ 21 quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Sau công trình này, các nhà khoa học thuộc Cinvestav tiếp tục nghiên cứu để giải mã gene của 12 loại đậu khác ở Mexico và các nước Trung Mỹ.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Cách trồng cây đậu đũa an toàn cho hộ gia đình

Với lượng dinh dưỡng cao và có kỹ thuật trồng cây khá dễ nên cây đậu đũa được trồng ở khá nhiều nơi và được chế biến trong nhiều món ăn. Đây cũng là thực phẩm được ưa chuộng vào mùa hè.

Đậu đũa hay đậu dải áo (tên khoa học: Vigna unguiculata subsp. sesquipedalis) là một phân loài thực vật thuộc phân họ Đậu, có kỹ thuật trồng cây không quá phức tạp. Đậu đũa là cây dây leo hàng năm, thường được trồng để lấy trái làm thực phẩm.

Kỹ thuật trồng đậu đũa rất đơn giản
Cây đậu đũa có kỹ thuật trồng cây không quá phức tạp

Quả đậu đũa xanh dài 35 cm đến 75 cm, thường được chế biến tương tự đậu cô ve. Đậu đũa ra quả khoảng 60 ngày sau khi gieo hạt, và thường gặp từng cặp quả đậu đũa trên cây. Loài cây này thích hợp với khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, được trồng rộng rãi ở khu vực Đông Nam Á và nam Trung Quốc. Tại châu Phi, đậu đũa là cây thực phẩm truyền thống, là nguồn dinh dưỡng tiềm tàng, giúp tăng cường an ninh lương thực, thúc đẩy phát triển nông thôn và hỗ trợ sự bền vững của hệ sinh thái.

Kỹ thuật trồng cây

Thời vụ

Đậu đũa có thể trồng quanh năm nhờ có nhiều giống. Vụ Đông Xuân rơi vào tháng 11 – 12 dương lịch (dl), vụ Xuân Hè vào tháng 2 – 3 dl, vụ Hè Thu có thể gieo tháng 5 – 6 dl và vụ Thu Đông gieo tháng 8 – 9 dl. Bà con nên chọn đất cao, thoát nước tốt, làm sạch cỏ, bón 1 tấn vôi/ha, cày xới kỷ và phơi ải 7 – 10 ngày. Những nơi đất thấp phải lên luống cao 15 – 20 cm.

Bà con có thể trồng cây trong thùng xốp hoặc trong chậuBà con có thể trồng cây trong thùng xốp hoặc trong chậu để tiết kiệm diện tích

Gieo hạt

Đối với đậu leo, người trồng cần gieo hạt khoảng cách 1.2 x 0.40 m, mỗi lỗ để 2 cây. Đối với đậu lùn gieo hạt khoảng cách 50 x 30 cm, mỗi lổ để 2 cây. Mùa mưa ít nắng, cây nên được gieo thưa để dễ chăm sóc và thu hái. Mùa nắng nên gieo dầy để thu được năng suất cao. Ngoài ra, việc khử đất với Basudin và Kitazin hạt trước khi gieo và vô cùng quan trọng. Lượng giống gieo từ 18 – 20 kg hạt /ha (đậu leo) và 30 – 40 kg hạt (dạng lùn).

Làm giàn trồng đậu đũa

Chăm sóc

Lượng phân bón tùy theo điều kiện dinh dưỡng có sẳn trong đất và nhu cầu của cây qua từng giai đoạn sinh trưởng. Đậu đũa cho năng suất cao hơn đậu cove nên thường được bón lượng phân cao hơn. Công thức phân thường dùng cho đậu đũa là: N: 180 – 250 kg/ha, P2 O5: 150 – 200 kg/ha, K2O : 80 – 120 kg /ha.

Làm giàn đậu đũa bằng dây

Dựa vào công thức trên, bà con có thể bón với tỷ lệ: 100 – 150 kg Urê, 50 kg DAP và 50 kg KCl hoặc 400 – 450 kg Urê, 800 – 1.000 kg super lân, 150 – 200 kg KCl, 20 – 25 tấn phân chuồng và 1-2 tấn tro trấu.

Bón thúc lần 1 bao gồm các bước: làm cỏ và đánh rảnh một bên hàng đậu, bón phân NPK rồi vun mép lấp phân và giữ ấm gốc. Bón thúc lần 2 có các việc cần thực hiện là làm cỏ và đánh rảnh bên phía đối diện, bón phân NPK và vun mép còn lại. Trong thời gian thu hoạch trái tươi, bà con nên tưới dậm phân đạm và kali 10 ngày/lần để kéo dài thời gian thu trái và trái đậu được tốt.

Thu hoạch

Quả đậu đũa có nhiều chất dinh dưỡngQuả đậu đũa có nhiều chất dinh dưỡng

Đậu lùn cho thu hoạch 40 – 45 ngày và đậu leo cho thu hoạch 45 – 50 ngày sau khi gieo. Năng suất lứa đầu rất thấp, khoảng 150 – 200 kg/ha. Lứa thứ 4 – 5 cây mới cho thu rộ, cách ngày bà con nên thu 1 lần, mỗi lần thu khoảng 1 -1.5 tấn/ha. Đậu cho thu hoạch kéo dài 30 – 40 ngày với 12 -15 lứa. Khi thu, người dân nên dùng dao cắt hay dùng tay vặn nhẹ trái, không giật mạnh làm rụng nụ hoa các lứa sau. Năng suất các giống đậu đũa leo cải thiện từ 25 – 35 tấn/ha.

Đậu đũa xào trứng là món ăn bổ dưỡng cho mọi ngườiĐậu đũa xào trứng là món ăn bổ dưỡng cho mọi người

Công dụng của cây đậu đũa

Đậu đũa là món ăn quen thuộc với người dân Việt Nam. Theo Đông y, đậu đũa có vị ngọt, mặn; tính bình, không độc; vào các kinh Túc thái âm Tỳ và Túc thiếu âm Thận. Quả đậu đũa có tác dụng kiện tỳ bổ thận, thanh nhiệt giải độc, lợi yết hầu… Loài cây này thường dùng chữa tỳ vị hư nhược, bụng trướng tiêu chảy, nôn mửa, tiêu khát (đái tháo đường), thận hư di tinh, đái đục, tiểu tiện nhiều lần, phụ nữ bị khí hư bạch đới…