Làm giàu từ củ ấu

Trước đây, hằng năm, nông dân ở các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang đã tận dụng diện tích mặt nước dâng cao trong mùa nước nổi để trồng ấu kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn. Đa số nông dân trồng ấu có chung nhận xét: dễ trồng, ít vốn, nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh.

Trong quá trình trồng, chỉ cần bón phân và phun thuốc dưỡng cây, ngừa sâu ăn lá và phòng bệnh cháy lá là đủ… Việc trồng ấu bắt đầu từ giữa tháng 6 âm lịch đến cuối tháng 11 âm lịch – lúc nông dân rảnh rang việc đồng áng.

Theo nhiều nông dân, cây ấu phù hợp với vùng nhiều nước nhưng để cây phát triển và có củ trong mùa nắng nóng thì ít nơi trồng được, chưa kể ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên khó ổn định năng suất.

Củ ấu

Tuy nhiên, hiện nay, tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long củ ấu được bà con trồng đại trà tại xã Tân Hạnh nhờ họ biết cách trữ nước trong ruộng trũng và ươm giữ giống. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được mô hình trồng ấu 3 vụ một năm, với tổng diện tích khoảng 50ha.

Ông Lê Văn Hết (53 tuổi, ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Hạnh), vui vẻ tiết lộ: “Trước đây, sau mỗi lần thu hoạch lúa hè thu, tôi mới xới trục đất rồi lấy nước vào ruộng để cấy ấu giống. Nhưng hiện nay, tôi luôn giữ nước trong ruộng rồi cấy ấu ở mặt nước cao từ 2–3 tấc cho ấu mau bén đất. Khi ấu vừa lớn, tôi xả nước vào sâu bao nhiêu thì dây ấu lên cao bấy nhiêu… Vụ nào ít gặp nắng hạn, thời gian thu hoạch ấu sẽ kéo dài nên coi như vụ đó trúng mùa”.

Bình quân, một công ấu (1.000m2) cho từ 800 kg đến một tấn củ. Nếu trúng có thể lên đến hơn một tấn, thất thì cũng được 600 kg.

Nhờ 4 công ruộng luôn trữ hơn nửa mét nước, bà Nguyễn Thị Hoa (56 tuổi, ngụ ấp Tân Hóa, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ) đã trồng trúng mùa và bán hơn 5 tấn củ ấu với giá 7.000 đồng một kg, thu nhập gần 35 triệu đồng mỗi vụ. Sau khi trừ tất cả các khoản chi phí đầu tư và công chăm sóc, gia đình bà còn lời hơn 25 triệu đồng.

Bà Hoa còn cho biết thêm ấu có lợi nhuận cao hơn lúa và hoa màu khác. Bà Hoa dẫn chứng, gia đình bà từng trồng một ha lúa với kinh phí đầu tư hơn 13 triệu đồng nhưng bán chỉ được khoảng 24 triệu đồng. Trong khi đó, vốn trồng ấu khoảng 2 triệu đồng, năng suất gần 10 tấn, doanh thu có thể lên tới hơn 50 triệu đồng. Đây là cây trồng có hiệu quả cao, lợi nhuận gấp 3 cây lúa.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Chính (ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Hạnh) tỏ ra phấn khởi vì thị trường tiêu thụ củ ấu mạnh. Bà Chính cho biết: “Lúc trước, nhà tôi trồng lúa nhưng sau này, thấy ấu có giá trị kinh tế cao, vốn đầu tư ít nên tôi mua giống về trồng. Vào mỗi mùa thu hoạch, thương lái đến tận bờ ruộng để thu mua với giá từ 6.000 – 7.000 đồng một kg. Mỗi vụ thu hoạch được 3 lần, hàng bán rất chạy nên nông dân an tâm”.

Ông Lê Thanh Bình, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hạnh, cho biết ngoài tiêu thụ trong nước, ở Vĩnh Long đã có nhà máy chế biến củ ấu để xuất khẩu. “Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chính quyền địa phương khuyến khích nông dân trong xã tham gia mô hình trồng ấu quanh năm ở những vùng trũng vì hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, xã cũng khuyên người dân trồng cây ấu theo quy hoạch của địa phương, trồng xen canh với các loại hoa màu khác, không nên trồng ấu ồ ạt, tránh tồn ứ”, ông Bình khuyến cáo.

Thu hoạch ấu

Cây củ ấu sống dưới nước, mọc ở các ao, đầm. Hoa màu trắng, mọc đơn độc hay ở nách lá. Trong củ chứa một hạt, trong hạt có nhiều bột trắng ăn được. Củ ấu có 2 giống là ấu gai và ấu trụi: ấu gai quả có 2 sừng nhọn như gai, năng suất thấp; ấu trụi quả có 2 sừng tù, năng suất cao. Cây ấu trồng để lấy củ làm thức ăn cho người hay cho gia súc, lấy lá làm thức ăn xanh.

Trong củ ấu có nhiều gluxit, đường glucô, protein. Trong 100g thịt củ ấu có 24g đường, 9mg canxi, 49mg phot pho, 0,7mg sắt, các vitamin A, B1, C, D và men có tác dụng hạn chế ung thư gan, ung thư dạ dày.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Độc đáo vườn cà chua trái cây

Không cần phải đi Đà Lạt, du khách, người tiêu dùng vẫn có thể tham quan, thưởng thức những trái cà chua bi trái cây, cà chua Sôcôla… Đặc biệt là giống cà chua đen, cà chua vàng được trồng theo công nghệ cao của nông dân Hồ Tấn Phong (phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang).

Nhiều giống mới, tốt cho sức khỏe

Trong nhà kính rộng hơn 1.000m2, chú Phong chia ra làm 2 phần, một bên trồng các giống cà chua trái cây, một bên trồng dưa lê, dưa lưới. Bước vào khu vực trồng cà chua, tôi “mê mẩn” trước những trái cà chua đủ màu sắc: Xanh, đỏ, tím, vàng, đen… bé xíu treo trên cây. Thấy tôi chụp hình những trái cà chua căng mọng, chú Phong cho biết: “Ai vô đây cũng khoái chụp hình hết. Nền xanh lá cây, lại thêm mấy trái cà chua nhỏ nhỏ, đủ màu sắc! Cô ăn thử trái cà chua vàng này và cho biết cảm nhận nhé!”. “Ngọt, giòn, thơm thơm, không hạt… ngon và lạ!”- tôi quay sang nói với chú Phong. “Đây là cà chua vàng Kim Ngọc, giống mới! Khách vào đây ăn thử xong cũng đòi mua loại này vì nó ngon, ngọt, thơm… nên gọi là cà chua trái cây. Mới trồng thử không nhiều nên cung không đủ cầu”.

Nông dân Hồ Tấn Phong chăm sóc vườn cà chua trái cây

à chua vàng, tuy trái nhỏ nhưng chứa nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe, làm giảm nguy cơ lão hóa cao, màu đẹp và có vị ngọt dịu. Chỉ tay vào những trái cà chua đen bóng, chú Phong nói: “Nó là loại “hot” và đắt tiền nhất thời gian qua, vì chứa nhóm hợp chất có khả năng chống ô-xy hóa mạnh, có khả năng ngừa hàng loạt bệnh (ung thư, tiểu đường và béo phì) và giúp tăng sinh lực. Những lúc hút hàng ở Đà Lạt, họ bán 100.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ để cung cấp. Cà chua đen có vỏ màu đen, ruột đỏ. Đây là giống cà chua khó trồng, nhiều nông dân ở Đà Lạt cũng trồng thử”. Cà chua đen, cà chua vàng chứa nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe và có khả năng làm giảm nguy cơ lão hóa. Được tham quan, dùng thử các loại cà chua tại vườn, anh Lê Cao Trị (du khách đến từ huyện Tịnh Biên) chia sẻ: “Những trái cà chua mới hái nên ngọt và giòn, ngon. Mỗi loại có mùi vị khác nhau, cà chua sôcôla có màu đen nhạt, tím, hơi chua; cà đen trái to hơn cà chua sôcôla nhưng màu đen đậm, có vị ngọt, cơm dầy; cà chua cherry trái màu đỏ, nước nhiều, vị ngọt nhẹ…”.

Sản xuất ứng dụng công nghệ cao

Nông dân Hồ Tấn Phong cho biết: “Với diện tích 500m2, tôi trồng 1.500 gốc cà chua các loại, như: Cà chua bi đỏ Thúy Hồng, cà chua cherry, cà chua vàng Kim Ngọc, cà chua sôcôla, cà chua đen… Cà chua được trồng theo công nghệ cao, đảm bảo an toàn nên có thể hái và ăn tại vườn”. Cà chua được trồng trên luống cao và cố định bằng sào để cây không bị gãy, đổ vì đang đến độ thu hoạch, trái sai trĩu cành. Mặc dù nhiệt độ nóng hơn so với ở Đà Lạt nhưng do áp dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại nên cà chua sinh trưởng tốt, không cần dùng đến chất kích thích tăng trưởng hay thuốc bảo vệ thực vật.

Cà chua vàng trái nhỏ, ngọt dịu, giòn, thơm

Cũng như cà chua đỏ thường, các loại cà chua này trồng 3 tháng thì bắt đầu cho ra quả và thu hoạch (kéo dài 3 – 4 tháng), trung bình mỗi gốc từ 3-5kg trái chín. Với 1.500 gốc sẽ thu hoạch được 5-6 tấn, giá bán 50.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được trên 50 triệu đồng/vụ. Vì mô hình trồng bán thủy canh nên nhu cầu nước cung cấp cho cây rất cao, cây càng lớn hút nước càng nhiều. Hiện cà chua đang trong giai đoạn thu hoạch nên phải tưới nước từ 6-7 lần/ngày. “Trong quá trình sản xuất, nhờ có hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel nên tiết kiệm được nước tưới, nhân công… Ngoài ra, việc sản xuất trong nhà lưới giúp hạn chế rất nhiều sâu bệnh và không phun xịt các loại thuốc bảo vệ thực vật nên an toàn cho người tiêu dùng”- nông dân Hồ Tấn Phong thông tin.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân phường Châu Phú B (TP. Châu Đốc) Huỳnh Mộc Khải: Mô hình này hiện đang có thương hiệu trên thị trường vì hiệu quả mang lại rất cao. Từ khâu gieo hạt giống, chăm sóc, thu hoạch… được kiểm soát kỹ nên sản phẩm đạt chất lượng và tiêu chuẩn an toàn. Mặt khác, đây là mô hình được UBND TP. Châu Đốc, Sở Khoa học và Công nghệ chọn làm điểm kết hợp tham quan du lịch sinh thái. Qua thời gian thực hiện rất thành công, lượng khách đến bình quân từ 5-10 lượt người/ngày, những ngày nghỉ cuối tuần, lễ, Tết… lên đến 40-50 lượt khách/ngày. Hiện chú Phong đang đầu tư, mở rộng thêm 1.300m2 nhà kính để trồng thêm một số giống cây mới. Song, để nông dân an tâm sản xuất, tỉnh và địa phương quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sử dụng thực phẩm sạch, an toàn. Tiếp tục hỗ trợ về giống, kỹ thuật để sản phẩm chất lượng hơn. Đồng thời, hỗ trợ nông dân đăng ký Vietgap…”.

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Bình Thuận: Mô hình trồng nấm bào ngư ở Hàm Hiệp

Chúng tôi có dịp đến thăm cơ sở trồng nấm bào ngư thí điểm của gia đình ông Trần Văn Nhanh tại thôn Đại Lộc, xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận mới thấy hiệu quả của mô hình này. Trại trồng nấm bào ngư của ông chỉ khoảng 54 m2, làm bằng khung sắt, mái lợp xốp nhựa để giảm bớt độ nóng. Trong trại có 6.000 bịch phôi nấm được xếp lớp chồng lên nhau, cao khoảng 2,5 m, tạo thành 5 dãy song song. Trong đó có 2 dãy bịch phôi nấm đã hình thành quả thể ló ra ngoài phát triển rất nhanh, chỉ vài ngày nữa là cho thu hoạch.

Nấm bào ngư

Dẫn chúng tôi đi xem trại trồng nấm bào ngư, ông Trần Văn Nhanh cho biết: Vào tháng 6/2017, Trạm Khuyến nông huyện Hàm Thuận Bắc phối hợp Công ty TNHH Nông trại Quốc An (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) và UBND xã Hàm Hiệp triển khai thí điểm mô hình trồng nấm bào ngư cho 5 hộ dân tại thôn Đại Lộc, với tổng kinh phí 150 triệu đồng, bình quân mỗi hộ 30 triệu đồng. Đó là các hộ: Trần Văn Nhanh, Nguyễn Văn Bông, Nguyễn Xuân Hiệp, Nguyễn Văn Xu, Nguyễn Văn Khánh. Riêng gia đình ông đã đầu tư 21 triệu đồng làm trại trồng nấm bào ngư bằng khung sắt, kệ sắt, được Công ty Quốc An hỗ trợ 6.000 bịch phôi nấm bào ngư, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo đúng quy trình và sẽ đứng ra thu mua sản phẩm. Ông bắt đầu thực hiện trồng nấm bào ngư từ ngày 10/7/2017, đến nay đã thu hoạch 50% bịch phôi nấm được 130 kg nấm bào ngư, với giá bán 35.000 đồng/kg, thu được 4,55 triệu đồng. Sản phẩm nấm bào ngư của ông còn ít nên chỉ bán cho bà con trong xã và các chợ ở Phan Thiết. Khi nào các hộ dân sản xuất sản lượng nhiều Công ty Quốc An sẽ ra thu mua.

Trại nấm bào ngư của gia đình ông Trần Văn Nhanh tại thôn Đại Lộc, xã Hàm Hiệp.

Theo ông Nhanh, quy trình trồng, chăm sóc nấm bào ngư cũng đơn giản, sau khi nhận 6.000 bịch phôi nấm của công ty, ông xếp thành lớp trên các kệ sắt, cách mặt đất khoảng 25 – 30 cm và phun thuốc khử trùng lên bịch phôi nấm. Hàng ngày giữ nhiệt độ trong trại từ 25 – 32oC, khi nhiệt độ vượt quá 32oC cần phun nước tưới nền trại để giảm nhiệt độ và đảm bảo vệ sinh môi trường trong trại thông thoáng, không che chắn xung quanh. Thường xuyên kiểm tra phôi nấm để loại bỏ các bịch không đạt yêu cầu. Khi các bịch phôi nấm chuyển sang màu trắng hoàn toàn thì tháo nút bông trong nắp bịch ra để 1- 2 ngày không tưới nước rồi đậy nắp bịch phôi nấm lại. Sau 10 ngày tưới thật nhiều nước lên bịch phôi nấm, nền trại và tháo nắp ra, các bịch phôi nấm bắt đầu hình thành quả thể. Khoảng 4- 5 ngày sau, các quả thể trong bịch phôi nấm bào ngư đã ló ra phát triển rất nhanh, mủ nấm mỏng lại, căng rộng ra, mép hơi quằn xuống, tai nấm có đường kính 4 – 6 cm thì bắt đầu thu hoạch. Sau khi thu hoạch tiếp tục làm vệ sinh, phun nước vôi loãng vào miệng cổ các bịch phôi nấm, khoảng 1- 2 ngày đậy nắp bịch lại và tiến hành phun nước thật nhiều lên phôi nấm bào ngư, nền trại. Khoảng 7- 8 ngày tháo nắp ra, các phôi nấm sẽ hình thành quả thể ló ra ngoài phát triển thành nấm bào ngư có mủ nấm mỏng lại, căng rộng ra cho thu hoạch tiếp lần hai.

Để nhân rộng mô hình trồng nấm bào ngư, UBND xã Hàm Hiệp đã lập kế hoạch, tờ trình UBND huyện Hàm Thuận Bắc xem xét, phê duyệt, hỗ trợ triển khai mô hình trồng nấm bào ngư thêm 13 hộ dân tại 4 thôn Đại Lộc, Xuân Điền, Phú Nhang, Phú Điền, với tổng diện tích 620 m2, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khoảng 349,93 triệu đồng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Ớt ngăn ngừa và chữa chứng loét dạ dày

Gần đây, các nhà nghiên cứu đã công bố một báo cáo mới bất ngờ về công dụng của ớt, theo đó ớt là thức ăn tốt cho những người bị loét dạ dày.

Theo báo cáo nói trên, ớt không những không gây loét dạ dày như người ta vẫn tưởng, ngược lại có thể ngăn ngừa hoặc làm lành chỗ bị loét.

Các nhà nghiên cứu đã chứng minh được trong quả ớt có chất capsaicin có tác dụng ngăn chặn việc tạo ra axít chua, kích thích quá trình tạo kiềm và tăng lượng máu chảy vào niêm mạc dạ dày giúp ngăn ngừa tình trạng loét hoặc làm lành những vết loét.

Những nhà nghiên cứu trên còn dẫn một nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ bị loét dạ dày ở những người ăn nhiều ớt thấp 3 lần so với những người ăn ớt trung bình và chất capsaicin có tác dụng kích thích các tế bào thần kinh trong dạ dày tăng cường bảo vệ chống lại những kích thích có thể gây loét dạ dày.

 Ớt ngăn ngừa và chữa chứng loét dạ dày

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

 

Cà chua biến đổi gene giúp ngăn bệnh tim

Các nhà khoa học đã trồng một loại cà chua đã được biến đổi gene, tạo ra một chuỗi axit amin giúp giảm bớt các điểm tụ máu trên động mạch chuột.


Loại cà chua biến đổi gene có thể ngăn được bệnh tim

Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trong cuộc họp của Hội tim mạch Mỹ năm 2012. Theo đó, loại cà chua GM có thể tạo ra 6F, một chuỗi axitamin nhỏ, có khả năng bắt chước hoạt động của ApoA-1, một protein chính trong nhóm lipoprotein nồng độ cao. Họ đã sử dụng chuỗi axit amin này cho những chú chuột không có khả năng loại bỏ những lipoprotein nồng độ thấp và cho chúng ăn theo một chế độ ăn nhiều chất béo.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng những chú chuột có chế độ dinh dưỡng bao gồm cà chua GM có tỉ lệ nhiễm trùng máu thấp hơn, các enzyme chống ô-xi hóa làm tăng số lượng lipoprotein nồng độ cao, giảm axit Lysophospatidic và ít mảng xơ vữa động mạch hơn.

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi tìm ra được một loại thuốc có những đặc tính này trên một loại thực vật có thể ăn được và phát huy được tác dụng mà không cần chiết tách”, tác giả của công trình nghiên cứu, tiến sỹ Alan M. Fogelman cho biết.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Ghép thành công cà chua trái vụ cho hiệu quả cao

Các cán bộ kỹ thuật ở Phòng kinh tế Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) phối hợp với Viện nghiên cứu rau quả Trung ương ứng dụng thành công phương pháp ghép cà chua lên gốc cà tím trái vụ cho hiệu quả kinh tế cao.

                            Ghép thành công cà chua trái vụ cho hiệu quả cao

Kết quả bước đầu cho thấy, cà chua ghép trên gốc cà tím phát triển khỏe, thời gian sinh trưởng dài hơn so với cà chua không ghép. Năng suất cà chua ghép trái vụ đạt tới 35- 40 tấn/ha, chất lượng không thua kém cà chua trồng chuyên canh chính vụ.

Giá bán cà chua trái vụ cao hơn so với cà chua đông chính vụ từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/1 kg nên mỗi ha đạt giá trị từ 150 – 250 triệu đồng.

Đạt được kết quả này, các nhà chuyên môn đã kết hợp sử dụng gốc ghép cà tím giống EG 203 ghép với các giống cà chua VL 3500, VL 642, Savior trồng trái vụ vào tháng 7 và tháng 8; đồng thời áp dụng kỹ thuật gieo hạt cà tím, cà chua trong bầu.

Khi cây cà tím, cà chua cao 12 – 18 cm, có 3 – 4 lá thật tiến hành ghép. Dùng dao lam cắt vát cây cà tím, cây cà chua phía trên 2 lá mầm, dùng ống cao su giữ gốc ghép và ngọn ghép áp sát 2 mặt vát vào nhau.

Để cây sinh trưởng phát triển đưa cây ghép vào nhà che nilon để giảm bớt cường độ ánh sáng, giữ ẩm cho cây ghép bằng cách phun mù 2 tiếng một lần nếu trời nắng to.

Giữ cây ghép trong nhà một tuần. Khi vết ghép đã liền, đưa cây ra nhà có mái che sáng để cây quang hợp trong 3 – 4 ngày thì có thể trồng ra đồng.

Với phương pháp canh tác này đã hạn chế được bệnh héo rũ do vi khuẩn, hoặc chết héo do nấm ghép cà chua lên gốc cà tím.

Ngoài ra gốc ghép cà tím còn có khả năng chống ngập úng rất tốt, đặc biệt là cà chua trồng trái vụ, chất lượng quả của giống không thay đổi./.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật mới thâm canh cà chua vụ đông

   

       Kỹ thuật mới thâm canh cà chua vụ đông

Giống:

Nên chọn các giống có khả năng chịu nhiệt, chịu lạnh tốt, loại hình sinh trưởng vô hạn, thời gian cho quả kéo dài sẽ cho sản lượng cao, hiệu quả thu nhập lớn. Hiện thị trường đang có các giống dùng để ăn tươi hoặc sản xuất cà chua cô đặc tốt như: P/S, BM 199, VL 2910, VL 2922 của Mỹ; các giống TN 01, TN 05, TN 09, TN 129, TN 148… của Ấn Độ, Đài Loan. Đây là những giống cà chua thuộc loại hình sinh trưởng vô hạn, thời gian cho quả kéo dài, có khả năng chịu nhiệt, chịu lạnh và khả năng chống chịu một số sâu bệnh cao, đặc biệt là bệnh héo xanh.

Đặc điểm chung của các giống này là sinh trưởng khoẻ, chống đổ tốt, chịu thâm canh, quả to (trung bình 85-130g/quả), năng suất cao (55-60 tấn/ha), chất lượng tốt, thịt quả dầy, nhiều bột, khi chín có màu đỏ tươi, rất đẹp, độ brix cao (4,5-5), quả cứng dễ bảo quả và chịu vận chuyển, ít hạt. Các giống cà chua quả nhỏ dùng làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu có giá trị như: Thuý Hồng của Công ty Nông Hữu, TN 060, TN 061 của Công ty Trang Nông, giống VR2 của Viện NC Rau quả…. Các giống này đều thuộc dạng hình sinh trưởng vô hạn, thời gian thu hoạch kéo dài, rất sai quả, năng suất cao, quả đồng đều, mã quả đẹp, chất lượng tốt, có thể bán siêu thị để ăn tươi hoặc làm nguyên liệu đóng hộp, đóng lọ xuất khẩu.

Gieo ươm cây giống:

Nên gieo ươm cây giống trong túi bầu hoặc khay xốp, khay nhựa vừa tranh thủ được thời gian, vừa giảm được chi phí mà chất lượng cây giống lại đảm bảo. Trồng cây đủ độ tuổi, khoẻ mạnh sau 22-25 ngày gieo, khi cây có 3-4 lá thật là tốt nhất.

Làm đất và trồng:

Cày bừa kỹ, phơi ải tốt, bón phân lót và bừa lại trước khi lên luống. Lên luống rộng 55-60cm (trồng hàng đơn), 80-90cm (trồng hàng đôi) cao 35-40cm, rãnh rộng 25-30cm, cây cách cây 45-50cm, hàng cách hàng 60cm. Nếu trồng trên đất lúa vụ mùa, đất ướt vùng chiêm trũng thì cày lên luống, bón phân mồi (bằng phân chuồng hoai + đất bột) để trồng, khi cây đã bén rễ hồi xanh, đất khô thì xăm đất kết hợp bón thúc để tận dụng thời gian gọi là kỹ thuật làm đất tối thiểu. Nên sử dụng màng phủ nông nghiệp loại có 2 màu (đen và trắng bạc) để phủ mặt luống vừa hạn chế được cỏ dại, giữ ẩm tốt, tiết kiệm được phân bón, công lao động, đặc biệt hạn chế được hiện tượng nứt mặt luống gây đứt rễ, chết cây ở những vùng đất ướt.

Trồng bằng cây ghép để chống bệnh héo xanh, héo rũ:

Gieo hạt cà tím (gốc ghép) trước khi gieo hạt cà chua (để lấy ngọn ghép) 4-5 ngày trong các khay bầu, vỉ xốp để ghép cho thuận tiện. Khi cà chua và cà tím có 3-4 lá thật thì bắt đầu ghép. Dùng dao lam đã khử trùng cắt vát thân cây cà tím (phía trên 2 lá mầm) và thân cây cà chua (phía dưới 2 lá thật) rồi dùng ống cao su nối chuyên dụng có đường kính 2-3mm dài 2cm để giữ chặt 2 đoạn nối với nhau cho thật khít. Ghép xong đem cây vào nơi râm mát chăm sóc. Khi cây đã liền sẹo, đưa dần ra nơi nhiều ánh sáng tiếp tục chăm sóc cho đến khi đủ tiêu chuẩn trồng ra ruộng.

Lượng phân và cách bón:

Đây là các giống cà chua lai F1, có tiềm năng năng suất cao, thời gian cho quả kéo dài do đó cần bón đủ lượng phân, bón cân đối và đúng thời kỳ sẽ cho năng suất cao, chất lượng tốt. Lượng phân bón tính cho 1 sào Bắc bộ (360m2) bao gồm: 800-1.000 kg phân chuồng hoai mục + 9-10 kg urê + 20-25 kg supe lân + 12-15 kg phân kali.

Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân và 3 kg phân kali.

  •  Bón thúc lần 1 sau trồng 10-15 ngày với lượng 1-1,5kg ure
  • Thúc lần 2 sau trồng 25-30 ngày khi cây có nụ non với 1-1,5kg urê + 3kg kali kết hợp vun gốc, cắm giàn.
  • Thúc lần 3 khi quả non phát triển mạnh với lượng 1-1,5 kg urê + 2kg kali bằng cách pha nước tưới.
  • Thúc lần 4 sau khi thu quả chùm đầu với lượng 1-1,5 kg urê + 2kg kali. S

ố phân còn lại chia bón sau mỗi đợt thu quả. Có thể phun thêm các loại phân bón qua lá như Thiên Nông, Atonik, Humate, Orgamin, Komic, Bioted (602, 603)… định kỳ 5-7 ngày/lần, cây sẽ phát triển mạnh, thời gian cho thu hoạch kéo dài, năng suất tăng 30-35% hoặc tăng thêm số lượng phân và số lần bón cho cây nếu thấy cần thiết nhằm tăng sản lượng và chất lượng quả.

Chăm sóc:

Chú ý tưới đủ nước cho cây sinh trưởng, phát triển tốt, nhất là thời kỳ ra hoa, nuôi quả lớn. Làm giàn kịp thời, tỉa bỏ bớt lá già, nhánh phụ (chỉ để 1 thân chính và 1 nhánh cấp 1 ngay dưới chùm hoa thứ nhất). Chú ý phòng trừ kịp thời sâu bệnh đặc biệt là các loại sâu đục quả, bệnh héo xanh, héo rũ cho cà chua.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật mới nâng cao chất lượng súp lơ xanh

Súp lơ xanh nổi tiếng là loại “siêu thực phẩm” chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là công dụng chống ung thư. Mới đây, các nhà khoa học tại Đại học Illinois (Mỹ) đã tìm ra một phương pháp tự nhiên và rẻ tiền giúp kéo dài “thời hạn sử dụng” cho súp lơ xanh cũng như tăng cường nguồn dưỡng chất có lợi.

Đầu tiên, các chuyên gia xịt lên thân cây chất methyl jasmonate (MeJA – hợp chất báo hiệu thực vật vô hại) tại thời điểm 4 ngày trước khi thu hoạch. MeJA sẽ giúp tăng cường đặc tính chống ung thư của súp lơ bằng cách kích thích hoạt tính của gene có liên quan đến quá trình tổng hợp hóa sinh glucosinolate.

Kỹ thuật mới nâng cao chất lượng súp lơ xanhKỹ thuật mới nâng cao chất lượng súp lơ xanh

Đây là hợp chất thường có trong mô của súp lơ xanh cũng như thực vật họ cải bắp và đã được công nhận là tác nhân chống ung thư nhờ khả năng kích thích sản xuất các enzyme giải độc (giúp loại bỏ các chất gây ung thư khỏi cơ thể).

Mặc dù MeJA giúp tăng dưỡng chất của súp lơ xanh nhưng nó cũng có thể kích hoạt một mạng lưới gene trong cây giải phóng khí ethylene, khiến rau mau hư hỏng. Do đó, nhóm cũng phát triển thêm chất methylcyclopropene 1 (1-MCP) có đặc tính tương tự hợp chất tự nhiên trong thực vật nhằm tác động vào các protein nhạy cảm với ethylene, nhờ đó ngăn chặn hoặc làm chậm lại tốc độ thối rữa của súp lơ xanh.

Nhận xét về 1-MCP, trưởng nhóm nghiên cứu Jack Juvik cho biết: “Chất này rất rẻ và vô hại. Nó dễ bay hơi và biến mất khỏi sản phẩm sau 10 giờ”. Tuy nhiên, Juvik cũng lưu ý 2 hợp chất mới không phải là thuốc giúp loại bỏ hoặc phục hồi phần mô bị hư hỏng, mà chỉ là giải pháp bảo vệ tăng cường đối với loại rau củ này.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Dưa chuột lựa vụ mang lại thu nhập cao

Trước và sau tết đến nay, trên các vùng trồng dưa chuột tập trung của huyện Gia Lộc (Hải Dương) ngày nào cũng có hàng chục tư thương thu mua tại đầu bờ với giá cao.

                                                ruộng dưa chuột

Thời gian qua, nhiều loại nông sản rớt giá thảm hại, giá bắp cải chỉ còn 1.000 – 1.500 đ/kg, su hào 600 – 700 đ/củ, cà chua 1.000 – 1.500 đ/kg, giá thịt lợn hơi, giá  tăng chậm, nhiều hộ nông dân không có lãi. Trong khi đó, một số hộ rất phấn khởi vì biết vận dụng quy luật cung cầu của thị trường, trồng rau, quả trái vụ, lựa vụ cho thu nhập cao.

Trước và sau tết đến nay, trên các vùng trồng dưa chuột tập trung của huyện Gia Lộc (Hải Dương) ngày nào cũng có hàng chục tư thương thu mua tại đầu bờ với giá cao. Kẻ mua và người bán đều phấn khởi, giá dưa chuột có ngày lên đến 25.000 đ/kg, cuối tháng 2 giá dưa vẫn giữ mức 6.000 – 7.000 đ/kg. Ước tính mỗi sào dưa chuột lựa vụ sau khi trừ hết chi phí về giống, làm đất, phân bón, dóc làm giàn, thuốc BVTV còn thu nhập ngày công và lãi từ 6 – 7 triệu đồng, 1 ha thu nhập trên 160 triệu đồng trong khoảng thời gian trên 3 tháng.

Theo phòng NN-PTNT Gia Lộc, diện tích trồng dưa chuột đông xuân sớm toàn huyện là trên 30ha, ước giá trị sản xuất đạt trên 8 tỷ đồng.

Ông Đỗ Văn Thê ở thôn Đông Thượng, xã Đồng Quang chia sẻ: “Nhà tôi trồng dưa chuột đã nhiều năm. Những năm trước đây trồng giống dưa chuột Yên Mỹ của Hưng Yên. Qua tìm hiểu, tham quan khu đồng trồng trình diễn giống Dưa chuột nếp số 1 của Viện Cây lương thực – cây thực phẩm, tôi trồng 2 sào 3 thước. Dưa chuột nếp số 1 chịu rét khá tốt, phân nhánh khỏe, ít nhiễm sâu bệnh hơn hẳn so với giống dưa chuột Yên Mỹ, sau trồng khoảng 45 ngày cho thu quả lứa đầu.

Về thời vụ, phải gieo cấy kết thúc trước ngày 15/12, thời gian cây trong bầu 12 – 15 ngày. Vụ đông xuân ít nắng, rét nhiều nên làm luống trồng theo hướng Đông Tây, bón lót nhiều phân chuồng hoai mục trung bình 1 sào khoảng 5 tạ, bón phân lân và kali nhiều, giảm lượng đạm so với các vụ khác.

Để chống rét cho cây con dùng khum và nilon trắng. Dùng bạt che hướng Bắc và Đông Bắc cao khoảng 2,5m để giảm bớt hiện tượng táp lá do gió. Mặc dù, trồng vụ đông xuân sớm năng suất có giảm hơn so với chính vụ nhưng thu nhập cao, đặc biệt là năm nay 1 sào dưa chuột thu bằng gần 1 mẫu su hào”.

Ông Đỗ Văn Hồng ở xã Đồng Quang vui vẻ cho biết: “Để trồng dưa chuột đông xuân sớm phải dùng các giống chịu lạnh như Dưa chuột nếp số 1 là rất thích hợp, chịu rét khá tốt, hình thức đẹp, quả dài 18 – 25cm, đặc ruột, ăn giòn, vị đậm, vỏ quả màu xanh và có gai, được thị trường ưa chuộng, dễ bán, giá cao hơn so với các giống dưa chuột khác.

Năm nay, thời tiết ấm, khô nên dưa chuột sinh trưởng khá tốt, ít bệnh cho năng suất khá 8 – 9 tạ/sào. Ở xã tôi mọi nhà đều gieo cấy từ ngày 10 đến hết tháng 11 âm lịch. Nhà tôi gieo đầu tháng 11 nên thu lứa đầu trước tết. Năm nay dưa chuột sớm là nhất, mỗi sào thu 9 – 10 triệu đồng”.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật bảo quản các loại đậu đỗ

Các loại đậu đỗ nói chung có lớp vỏ mỏng nên khả năng bảo vệ kém, lại chứa nhiều protein và chất béo (2 – 20%) nghĩa là những chất dễ phân giải. Mặt khác đậu đỗ lại là nguồn thức ăn rất tốt cho vi sinh vật và côn trùng phá hoại mạnh, rất dễ bị mốc, oxy hoá, lượng axit béo tăng lên, phẩm chất của đậu đỗ giảm xuống. Nếu thuỷ phần của hạt 15 – 16% và bảo quản trong điều kiện nhiệt độ cao sẽ rất dễ dẫn đến hiện tượng tự bốc nóng.

                                              Kỹ thuật bảo quản các loại đậu đỗ

Nếu trong khối hạt lẫn nhiều tạp chất hoặc sâu hại nước nghiêm trọng thì khả năng biến chất của hạt tương đối lớn. Từ sự biến hoá hình thái của hạt có thể nhận ra mức độ biến chất của hạt. Ví dụ nếu thuỷ phần của hạt là 13%, ở nhiệt độ cao 20 độ C có thể quan sát thấy màu sắc của tử diệp đậm. Còn nếu bộ phận hạt không chín đều, thuỷ phần 13% và ở nhiệt độ bảo quản là 23 độ C thì mặt sau tử diệp màu phớt hồng.

Để khống chế những hiện tượng biến chất của hạt cần phải chú ý những yếu tố sau đây:

  •  Thuỷ phần: Phải luôn luôn giữ cho thuỷ phần của đậu đỗ ở giới hạn < 12% thấp hơn các loại hạt chứa nhiều tinh bột như thóc, gạo. Nếu như thuỷ phần vượt quá 12% ví dụ ở mức độ là 14% thì hạt bị mềm, tỷ lệ axit béo tăng nhanh, có mùi chua, mốc…
  •  Nhiệt độ khối hạt giữ ở mức độ bình thường, nếu cao quá sẽ làm phẩm chất giảm. Do vỏ hạt mỏng và dễ bị nứt, nên khi phơi cần tránh ánh nắng buổi trưa quá mạnh nên có thể phơi trong bóng mát, tốt nhất là sau khi thu hoạch phơi cả cây thì hạt đậu được bảo vệ bởi vỏ quả không dễ phát sinh hiện tượng nứt.
  • Độ nguyên vẹn của hạt và độ chín của hạt phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn loại bỏ hạt xanh lép, vỡ…

Nói chung đối với hạt đậu đỗ người ta áp dụng phương pháp bảo quản kín hoàn toàn là tốt nhất; cách bảo quản tương tự như khi bảo quản khoai và sắn.

Khi nhiệt độ không khí không vượt quá 15 độ C thì căn cứ vào thuỷ phần khác nhau của hạt mà có thể xếp hạt như sau:

– Nếu thuỷ phần của hạt < 12% để hạt rời có độ cao 1,5 m, để trong bao và xếp 8 tầng.
– Nếu thuỷ phần từ 12 – 14% để hạt rời cao 1,0 m và đóng bao 6 tầng.
– Nếu thuỷ phần từ 14 – 16% để hạt rời cao 0,7 m và đóng bao 4 tầng.
– Nếu thuỷ phần từ > 16% để hạt rời cao 0,5 m và đóng bao 2 tấng.

Về mùa hè do thời tiết nóng nực nên độ cao hạt để rời nên giảm đi 1/3 và số tầng bao không quá 2 tầng bao. Với lượng hạt ít có thể dùng chum vại có lót tro bếp để hút ẩm, bỏ đậu vào và đậy kín. Không nhập kho lúc nóng.

Theo tài liệu nghiên cứu của Trung Quốc thì đậu nành nhập kho khi hạt nguội sau 10 tháng tỷ lệ nẩy mầm trên 50%. Nếu nhập kho lúc nóng thì tỷ lệ nẩy mầm chỉ còn 4%.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam