Đáng nể vườn địa lan Hoàng Vũ đạt kỷ lục lớn nhất nước

Sau 10 năm nghiên cứu và sản xuất, đến nay ông Trần Phi Công (SN 1959, thôn Bồi Tây, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) sở hữu gần 2.300 chậu hoa địa lan Hoàng Vũ.

Kỷ lục gia Trần Phi Công bên vườn lan Hoàng Vũ của mình

“Nhiễm” thú chơi lan từ nhạc phụ

Vườn lan Hoàng Vũ của ông Trần Phi Công được Hội đồng biên soạn Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là “Vườn địa lan Hoàng Vũ tư nhân lớn nhất cả nước” vào ngày 19/1/2017.

Ông Công đến với nghề trồng lan Hoàng Vũ cũng thật bất ngờ. Bố vợ ông là cụ Nguyễn Văn Nâm, một trong những người ở Nam Định đam mê thú chơi lan Hoàng Vũ nên ông Công cũng “nhiễm” địa lan từ cụ. Và, từ đó ông tâm huyết với loài cây này không kém bố vợ mình.

Hàng ngày, ông qua nhà bố vợ học hỏi kinh nghiệm chăm sóc và tìm hiểu thú chơi về loài “Nữ hoàng địa lan” này. Nắm bắt thị trường lan Hoàng Vũ ở trong nước rất lớn nhưng còn thiếu những vườn có quy mô lớn, giống lan quý hiếm để đáp ứng nhu cầu người chơi. Sau nhiều ngày tính toán, bàn bạc với gia đình, ông Công quyết định trồng lan Hoàng Vũ.

Năm 2007, ông Công bỏ ra 85 triệu đồng để mua 10 chậu lan Hoàng Vũ về gây dựng và hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà xưởng trồng lan tại chợ Dần (xã Trung Thành, huyện Vụ Bản). Tích góp dần dần, vườn lan của ông Công ngày càng lớn mà diện tích lại càng ít đi. Để mở rộng diện tích, năm 2011, ông đã mạnh dạn mua đất, xây dựng vườn tại xã Mỹ Phúc.

Vườn rộng trên 5.000m2, trong đó có 2 khu vực trồng lan Hoàng Vũ rộng trên 1.000m2 được rào kiên cố bằng sắt, lưới thép bao xung quanh, trên mái được che chắn bằng lưới nilon, có hệ thống tưới nước tự động.

Sau 10 năm gây dựng, ông Công đang sở hữu gần 2.300 chậu lan Hoàng Vũ

Bao quanh toàn bộ khu vườn là hệ thống mương nước có tác dụng tạo không khí ẩm cho cây lan phát triển, có khu vực ủ phân bón, làm đất. Tổng giá trị đầu tư vườn địa lan Hoàng Vũ khoảng 3,5 tỷ đồng.

“Ngày xưa các cụ trồng lan Hoàng Vũ là chỉ để chơi, thưởng thức mùi hương và giao lưu chứ không phải mục đích trồng để làm kinh tế. Nhận thấy nhu cầu chơi lan Hoàng Vũ ngày càng nhiều, tương lai phát triển rất rõ mà quy mô trồng không nhiều nên tôi đã mạnh dạn đầu tư trồng giống lan này”, ông Công chia sẻ.

Sau 10 năm gây dựng, đến nay ông Công đang sở hữu 2.300 chậu lan Hoàng Vũ, trong đó có 1.000 chậu hoa giống và 1.300 chậu hoa chuẩn bị bán thương phẩm. Đến đầu năm 2017, vườn địa lan Hoàng Vũ Thành Công của ông mới chính thức bán sản phẩm lan giống và lan thương phẩm ra thị trường.

Hiện tại, lan Hoàng Vũ của gia đình ông được bán với giá dao động từ 300 – 600 nghìn đồng/chậu hoa giống và 10 – 20 triệu đồng/chậu hoa thương phẩm, tùy thuộc vào cây to, khỏe, hoa đẹp.

Còn hơn 1 tháng nữa, mới đến tết Nguyên đán nhưng thị trường hoa lan Hoàng Vũ ở Nam Định đã bắt đầu sôi động. Nhiều người yêu hoa lan Hoàng Vũ ở các tỉnh, thành phố phía Bắc như Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh, Ninh Bình… đang đua nhau về vườn lan nhà ông Công để chiêm ngưỡng và đặt hàng.

Văn hóa chơi lan

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn lan Hoàng Vũ của gia đình, kỷ lục gia Trần Phi Công bảo, lan Hoàng Vũ được người yêu hoa đánh giá là “Nữ hoàng địa lan”, là đỉnh cao trong các loài hoa, bởi loài này đẹp tổng thể từ thân, lá, độ cao của hoa, cho đến màu sắc, hương thơm. Lá của cây lan Hoàng Vũ mềm, mướt, luôn vặn kiếm, đầu nhọn, tỏa ra ôm trọn lấy chậu rất đẹp.

Hoa lan Hoàng Vũ màu vàng, to nhất trong các loại lan, các cánh hoa lúc nào cũng hướng về ánh sáng, mềm mại như đang múa. Thân cây cứng cáp, hương thơm man mác. Không chỉ đẹp, lan Hoàng Vũ còn đòi hỏi người trồng, chăm sóc phải có kinh nghiệm, kỳ công nên có giá trị kinh tế cao.

Hội đồng biên soạn Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục

Để chơi lan Hoàng Vũ đúng cách trong dịp tết, theo ông Công, người chơi lan Hoàng Vũ phải tinh tế, hiểu được văn hóa chơi cũng như cái đẹp, giá trị của loài lan này. Nên bỏ chậu lan Hoàng Vũ lúc đẹp nhất (khi hoa đang nở rộ) vào nhà chơi tết và khi nào lan sắp tàn thì nên đem ra ngoài.

Ông Công lý giải: “Lan Hoàng Vũ thường được chơi vào những ngày tết, nó tượng trưng cho những gì tinh túy nhất trong những ngày đầu năm mới. Vì vậy, khi đưa chậu lan vào nhà phải trọn vẹn, lan đang thời kỳ nở rộ, ý muốn nói năm mới luôn đầy sức sống, mãnh liệt và khi đón tết xong thì nên bỏ chậu lan ra ngoài, ý muốn nói phải trân trọng và nhớ đến loài hoa này. Chứ chơi tàn hết hoa mới đem ra ngoài thì không còn đọng lại cảm xúc…”.

Đặc biệt, một chậu lan Hoàng Vũ đầy đủ ý nghĩa nhất, chơi trong những ngày tết phải đủ 3 thế hệ hay còn gọi là gia đình “Tam đại đồng đường” gồm lan mẹ, lan con, lan cháu, ý muốn nói sự sum họp của gia đình trong ngày Tết, thể hiện lối sống mẫu hệ, một gia đình nương tựa vào nhau mà sống.

Cũng theo ông Công, chậu hoa lan Hoàng Vũ đủ 3 năm thì sẽ cho hoa chất lượng nhất, hương thơm ngào ngạt. Mỗi chậu hoa nên giữ khoảng 7 – 9 ngồng hoa là đẹp nhất, không bị rối mắt.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trắng đêm phun thuốc cho hoa Tết vì bệnh nấm gia tăng

Do thời tiết diễn biến thất thường, nhiệt độ xuống thấp (13-15 độ), đi kèm là những trận mưa phùn nên những hộ dân trồng hoa cúc tại Gia Lai đang phải trắng đêm theo dõi bệnh nấm gia tăng trên hoa.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018, những ngày này nhiều người trồng hoa lâu năm ở Gia Lai đang tất bật chăm chút cẩn thận từng chậu hoa, cây cảnh nhằm phục vụ tối đa nhu cầu chơi hoa Tết của người tiêu dùng. Năm nay, nhiệt độ tại Gia Lai xuống thấp, lạnh hơn khiến bệnh nấm trên hoa cúc gia tăng vào ban đêm nên nhiều hộ dân đang phải trắng đêm theo dõi phun thuốc trị nấm cho hoa.

Một hộ dân trồng mai đang tưới nước, bón phân cho vườn mai Tết

Trò chuyện với chúng tôi, anh Mai Quốc Trưởng (38 tuổi, chủ vườn Hồng Cầu Sắt, ở ngã tư đường Cách Mạng Tháng 8, TP.Plieku) cho biết, để đáp ứng nhu cầu chơi hoa của người tiêu dùng, hiện tại tôi cũng đang chăm khoảng 400 chậu hoa mai, hơn 10.000 chậu hồng và khoảng 2 ngày nữa sẽ xuống giống hơn 6.000 chậu hướng dương. Mai và Hồng thì hiện đang theo đúng chu kỳ, khoảng 50 ngày trước tết, tôi sẽ tiến hành cắt cành đồng loạt. Hiện tại, tôi đang phải theo dõi cẩn thận vì thời tiết lạnh hơn nên hoa phát triển chậm hơn, may năm nay không xuống giống cúc chứ không giờ cũng trắng đêm phun thuốc trị nấm cho cúc rồi.

Nông dân thắp đèn cho cúc phát triển nhanh và theo dõi bệnh nấm gia tăng vào thời tiết lạnh

“Theo tôi, số lượng hoa Tết năm nay sẽ giảm hơn so với mọi năm vì đợt vừa rồi chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, lượng hoa giảm sẽ khiến cho thị trường giá hoa cao hơn”, anh Trưởng nhận định. Đi qua đường Lạc Long Quân, TP. Plieku chúng tôi phát hiện một vựa hoa cúc khá lớn. Theo tìm hiểu của PV, được biết tại đây mỗi nhà có trồng khoảng 400 đến 1.000 chậu cúc. Vì thời tiết năm nay lạnh hơn, bệnh nấm gia tăng nên nhiều hộ dân đang phải trắng đêm thắp đèn theo dõi các loại nấm và ứng cứu kịp thời để đáp ứng nhu cầu chơi hoa tết của người tiêu dùng.

Trời lạnh hoa cúc rất dễ bị nấm nên người dân phải túc trực phun thuốc kịp thời

Ông Trần Đăng Hòa (60 tuổi, trú tại đường Lạc Long Quân, TP.Plieku) một trong những hộ trồng hoa cúc nhiều nhất chia sẻ: “Năm nay tôi cung cấp cho thị trường tết khoảng 1.000 chậu hoa cúc vàng. Lúc mới gieo, hoa cúc phát triển khá tốt, nhưng những ngày gần đây nhiệt độ khá lạnh nên phát sinh các loại nấm gây hại cho hoa. Mấy ngày vừa qua, hai vợ chồng tôi phải thay nhau túc trực thắp đèn vừa để cúc phát triển nhanh hơn, vừa phải theo dõi xem có bị mắc phải các loại nấm không còn kịp thời phun thuốc, chứ không là hỏng hết. Nấm lây lan rất nhanh, đặc biệt là ban đêm khi thời tiết lạnh. Nếu thời tiết thuận lợi như năm ngoái, 1.000 chậu Cúc này bán tết sẽ thu về khoảng 180 đến 200 triệu, trừ hết chi phí cũng thu về khoảng hơn 100 triệu”.

Nông dân đang lo lắng vì bệnh nấm hoành hành phá hoại vựa cúc lớn chuẩn bị cho dịp Tết nguyên đán 2018

Tâm sự cùng chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu (58 tuổi, trú tại đường Lạc Long Quân) lo lắng: “Thời tiết năm nay lạnh quá nên phải thắp đèn sớm và số lượng bóng nhiều hơn mọi năm. Ngoài ra, gia đình tôi phải thay nhau túc trực cả đêm để trông coi, chia đều các bóng ra thì vườn cúc mới phát triển đều được. Rồi phải chăm sóc từng tí một chứ lạnh như này nấm phát triển mạnh lắm, không phun kịp mà để lây lan là hỏng hết. Giờ cũng chỉ biết trông coi tỷ mỉ hơn một chút chứ cũng không biết làm thế nào nữa, hy vọng trời không phụ lòng người”.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Hoa Tết điêu tàn sau bão

“Hoa cúc Ninh Giang” thiệt hại nặng

Ông Trần Ngọc Hiếu – Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa – cho biết hằng năm, làng hoa ở đây trồng khoảng 150.000 chậu cúc các loại với trên 20 ha. Sau 5 tháng, làng hoa này có thể sinh lãi khoảng 6,5 tỉ đồng, hơn hẳn các cây trồng khác. Hoa cúc ở đây nổi tiếng và đã đăng ký bảo hộ thương hiệu “Hoa cúc Ninh Giang”. Tuy nhiên, sau đợt mưa bão vừa qua, làng hoa cúc ở đây xơ xác, cây bị gãy đổ, rũ lá. “Để khắc phục, người trồng phải đầu tư thêm phân bón, hoa dược để kích cây nhưng cũng chưa biết Tết này có hoa bán không” – ông Hiếu lo lắng.

Theo ông Đỗ Đình Đông (thôn Phong Phú 2, phường Ninh Giang), so với thời điểm này các năm trước, cây hoa cúc phải lên đến ngực, đến Tết thì hoa ra đúng tầm mắt. Tuy nhiên, năm nay hoa chỉ mới đến bụng do bị “đẹt”. Người trồng như đang ngồi trên lửa vì lo không có hoa bán Tết.

Hoa cúc bị “đẹt” do ảnh hưởng cơn bão

Chi phí đầu tư cho mỗi chậu cúc đại đóa cỡ lớn từ 100.000-150.000 đồng, chưa tính nhân công. Riêng năm nay, người trồng đầu tư nhiều hơn nhưng cây lại phát triển kém.

Ngoài Ninh Giang, làng hoa ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa cũng có khoảng 80.000 chậu cúc nhưng đã thiệt hại gần 10.000 chậu.

Ông Phan Văn Kính, Chủ tịch Hội Sinh vật Nha Trang, cho biết sau bão số 12, làng hoa cảnh Nha Trang lâm vào khốn đốn vì hàng chục ngàn giò lan của các vườn hoa bị hư hại. Tại nhiều vườn sinh vật cảnh, hàng loạt chậu bonsai trị giá cả chục triệu đồng giờ cũng phải nhổ bỏ. Riêng gia đình ông Kính thiệt hại trên 100 triệu đồng vì cây lan hư, cháy lá. “Tết này nguy cơ TP Nha Trang kém sắc vì các làng hoa trong tỉnh hư hại đồng loạt. Bà con trồng hoa điêu đứng vì dồn sức cả năm vào vụ Tết, bây giờ có nguy cơ lỗ nặng” – ông Kính nhận định.

Không thể khắc phục

Hơn 200 hộ chuyên trồng hoa Tết tại làng hoa Cẩm Châu, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đang phải đối diện với một mùa vụ thất thu bởi hầu hết bị thiệt hại gần như hoàn toàn sau lũ và nhiều trận mưa lớn kéo dài vừa qua.

Hộ trồng hoa Tết tập trung nhiều nhất tại các khối Sơn Phô 1, Sơn Phô 2 và An Mỹ, phường Cẩm Châu. Làng hoa Cẩm Châu mỗi năm cho ra thị trường gần 100.000 chậu hoa kiểng các loại. Cách đây hơn 1 tháng, do bị ngập trong nước, chịu nhiều trận mưa lớn kéo dài khiến hàng chục ngàn chậu hoa Tết ở đây thối rễ và chết hàng loạt. Công sức bỏ ra mấy tháng trời của người trồng hoa nơi đây coi như mất trắng. Số diện tích còn lại tuy được người trồng khắc phục nhưng không thể nở hoa kịp dịp Tết nguyên đán do đang suy kiệt.

Nhiều chậu hoa bị thối rễ do bị ngập trong nước

Sau đợt lũ rút vào đầu tháng 11 vừa qua, buồn rầu đứng bên vườn cúc trên 1.000 m² với hơn 1.200 chậu đang bị thối rễ, ông Nguyễn Phú Quang (khối Sơn Phô 1) bộc bạch: “Hơn 100 triệu đồng của gia đình bỏ vào vụ hoa Tết năm nay coi như mất trắng”.

Theo ông Quang, sau khi nước lũ gây ngập, hoa cúc trong vườn rũ lá, héo và sau đó chết dần do bị thối rễ. “Mặc dù tôi đã mua các loại thuốc kích thích về phun để vớt vát các chậu hoa còn lại nhưng cây vẫn không thể sinh trưởng tiếp. Công sức, vốn liếng hàng trăm triệu đồng bỏ ra hơn 5 tháng nay coi như mất sạch” – ông Quang buồn rầu.

Hộ ông Nguyễn Cư (khối Sơn Phô 2) có hơn 700 chậu cúc, 250 chậu dạ yến thảo và hơn 200 chậu mãn đình hồng cũng không phát triển và chết dần. Ông Cư cho rằng hoa thối rễ thì chịu, dù gia đình chi nhiều tiền mua thuốc kích rễ.

“Mỗi chậu hoa, người trồng phải bỏ ra hơn 30.000 đồng, chưa tính công chăm sóc và tiền phân bón, thuốc trừ sâu. Như vậy, gia đình tôi thiệt hại mấy chục triệu đồng. Do bà con không có vốn mua giống mới trồng thay thế nên sắp đến, diện tích hoa trong làng sẽ sụt giảm đáng kể, gây thiệt hại nặng cho người trồng dù còn khoảng 1 tháng rưỡi nữa là đến Tết nguyên đán” – ông Cư ngán ngẩm.

Ông Phan Văn Liêu, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hội An, xác nhận: “Việc nước lũ kèm mưa lớn đã khiến hơn 40% diện tích hoa Tết trong làng hoa Cẩm Châu bị thiệt hại với hơn 28.000 chậu, trong tổng số 18 ha. Số hoa bị thiệt hại chủ yếu là cúc, vạn thọ, mãn đình hồng, dạ yến thảo.

Theo ông Liêu, Hội Nông dân đã kết hợp với nhiều trung tâm khuyến nông lân cận giúp người trồng khắc phục hoa Tết bị hư hại nhưng vẫn không cải thiện được. “Chúng tôi chỉ còn cách yêu cầu người dân trồng lại các loại hoa ngắn ngày như mai dạ thảo, xác pháo, chùm thọ… để kịp bán vào dịp Tết nguyên đán sắp tới, mong lấy lại vốn. Người trồng ở đây đang phải đối diện với một mùa vụ thất thu chưa từng thấy” – ông Liêu cho hay.

Hết sức khó khăn

Sau 3 đợt lũ liên tiếp vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 năm nay, nhiều làng hoa ở tỉnh Bình Định trở nên xơ xác, tiêu điều, người trồng lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần.

Lũ quét khiến 20.000 chậu cúc của 50 hộ trồng hoa ở làng cúc Vĩnh Liêm, phường Bình Định, thị xã An Nhơn héo rũ, chết dần. Nhìn 500 chậu hoa cúc trong vườn héo vàng, tuột lá, ông Nguyễn Văn Phúc (ngụ phường Bình Định) xót xa cho biết gia đình ông đầu tư hơn 50 triệu đồng vào vườn cúc với hy vọng cuối năm bán kiếm chút tiền ăn Tết. Thế nhưng, 3 cơn lũ đã nhấn chìm toàn bộ vườn cúc trong nhiều ngày, khiến cây sắp ra búp xơ xác, chết dần.

“Hoa cúc không chịu được nước, trong khi lũ ngâm cả ngày lẫn đêm. Giờ chậu cúc nào cũng đóng một lớp bùn non nên gặp nắng là chết, không còn cách nào cứu chữa. Ngoài số tiền đầu tư cho vườn cúc, bao nhiêu công sức trong 3 tháng qua coi như mất trắng, Tết này sẽ hết sức khó khăn” – ông Phúc than thở.

Cách nhà ông Phúc vài trăm mét, vườn cúc hơn 1.000 chậu của ông Nguyễn Minh Công cũng trong tình cảnh tương tự. “Lũ lên nhanh quá, chưa kịp kê dọn thì nước đã dâng đến cổ. Hôm đầu tiên nước rút, thấy cảnh vườn cúc, tôi buồn đến nghẹn người, không nuốt nổi cơm. Tiền bạn hàng đặt cọc mua cúc trước đó, tôi phải gửi trả lại. Giờ không còn cúc, không biết lấy gì trả nợ” – ông Công than.

Không rơi vào cảnh mất trắng như nhiều hộ dân ở làng cúc Vĩnh Liêm, song hàng chục hộ ở làng hoa Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) cũng điêu đứng khi hoa bị ngâm trong nước lũ dài ngày. “Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay gia đình tôi đưa các chậu cúc lên vùng đất cao hơn. Vậy mà trong vài đợt lũ vừa qua, hơn một nửa trong 500 chậu vẫn bị ngập nước. Giờ nhìn vườn cúc, tôi thấy ngán ngẩm. Lỗ, nợ nần là chuyện không thể tránh khỏi” – anh Trần Văn Hưng (ngụ thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa) nói.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, sau hai đợt lũ trong đêm 5 và ngày 6-11 khiến hàng ngàn chậu cúc, vạn thọ… bị ngập nước, dập nát, gây thiệt hại nặng cho nông dân.

Tại 2 xã Nghĩa Mỹ và Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa hàng loạt chậu hoa Tết bị nước lũ nhấn chìm gây hư hỏng nặng. Ông Nguyễn Văn Bảy, một hộ trồng hoa ở xã Nghĩa Hiệp, cho biết nước lớn đổ về làm hàng chục ngàn chậu hoa cảnh ngập chìm trong bùn đất, héo úa.

Theo thống kê của huyện Tư Nghĩa, sau đợt lũ đầu tháng 11-2017, hàng trăm hộ trồng hoa Tết bị thiệt hại nặng với trên 200.000 chậu các loại, nhiều hộ trắng tay.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Hoa Tết công nghệ cao “chiếm lĩnh” các nhà vườn

Nắm bắt được thị hiếu khách hàng, năm nay, nhiều nhà vườn tại Phố núi Pleiku (Gia Lai) đã quyết định chuyển sang trồng các giống hoa hiện đại, lai tạo thay cho những loại hoa truyền thống để phục vụ thị trường Tết sắp đến.

Khu vườn nhỏ của anh Bùi Trọng Hưng tại tổ dân phố 8, phường Hoa Lư, TP. Pleiku đã gần như được phủ kín bởi hơn 600 chậu hoa sống đời, mai dạ thảo, hồng, cát tường, ớt kiểng… đang mơn mởn lá xanh. Một góc đất trống còn lại, anh dành để xuống giống thêm một số loại hoa ngắn ngày khác như: vạn thọ mỹ, cẩm chướng. Năm nay, hoa thược dược, mào gà, lay ơn… anh tạm thời không trồng nữa vì quá ít người mua; riêng cúc pha lê, anh Hưng giảm số lượng giống lại chỉ còn 150 chậu lớn nhỏ.

“Có thể nói đây là thời của hoa công nghệ cao, hoa lai tạo, ngoại nhập. Chúng rất đa dạng về chủng loại, phong phú về màu sắc, phù hợp với nhiều không gian khác nhau mà giá thành bán ra cũng chẳng quá cao nên rất được thị trường ưa chuộng. Điều này bắt buộc người trồng hoa chúng tôi muốn sống được với nghề phải thay đổi cách thức trồng và cập nhật thêm các giống hoa mới lạ thay vì cứ giữ khư khư các loại hoa truyền thống trước giờ”-anh Hưng bày tỏ.

Đang phụ con trai chăm sóc mấy chậu sống đời, bà Đỗ Thị Tam (84 tuổi, mẹ anh Hưng) không khỏi ngậm ngùi. Bà kể rằng gia đình bà tận ngoài Bắc xa xôi vào đây theo diện kinh tế mới từ những năm 50 của thế kỷ trước, gắn bó với nghề trồng hoa đã 6, 7 thập niên. 4 trong số 8 người con của bà sau này cũng tiếp nối cái nghề “ươm xuân” của bố mẹ. Dù biết phải thích ứng với thị trường, song nhìn những sắc hoa truyền thống dần khan hiếm và mai một trên chính mảnh đất của mình, bà Tam lại cảm thấy chạnh lòng. Vì vậy, bà vẫn căn dặn các con mình giữ lại ít chậu vạn thọ để trồng vào mỗi mùa hoa Tết.

Cách đó không xa, chủ nhân của những nhà vườn trên đường Tôn Thất Tùng (thuộc tổ dân phố 17, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) cũng đang tất bật xuống giống và chăm sóc những “đứa con tinh thần” để chúng kịp khoe sắc trong ngày Tết cổ truyền sắp đến. Khác với xóm Hoa Lư, nơi đây mặc nhiên không thấy xuất hiện bất kỳ loài hoa truyền thống nào. Tất cả đều là hoa kiểng được trồng trong những chiếc chậu nhỏ xinh, xếp ngay ngắn dưới đất hoặc treo lơ lửng trên giàn lưới.

Hoa công nghệ cao “chiếm lĩnh” không gian tại các nhà vườn.

Vừa giúp chị gái tỉa lá, bỏ bớt hoa trên những chậu ớt kiểng, em Nguyễn Thị Mỹ Phương vui vẻ cho biết: “Vì thời tiết nắng ấm nên ớt ra hoa sớm. Muốn ớt không đậu trái và chín trước Tết thì phải ngắt hết đợt hoa này đi để chúng trổ hoa khác. Năm nay, vườn hoa của gia đình em có khoảng hơn 20 loại, chủ yếu là các loài hoa được nhiều người tìm mua như: sushi, baby, cẩm chướng, cúc đài loan, cúc 7 màu, thọ pháp, mai dạ thảo, dạ yến thảo, dừa cạn, thài lài tía, sống đời, triệu chuông, phong lữ… Thường thì trước Tết, thương lái hay đến tận nhà đặt hoa rồi chở đi bán nơi khác chứ gia đình em không tham gia chợ hoa Xuân”.

Theo chia sẻ của nhiều chủ nhà vườn, đa số giống hoa được họ nhập về từ Đà Lạt, chỉ có một số ít là tự ươm. Hoa thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu nên sinh trưởng và phát triển khá nhanh, cho bông đẹp. Việc chăm sóc cũng không cần quá kỳ công vì rễ cây khỏe, ít sâu bệnh và có thể chịu được nắng mưa thất thường.

Ngoài sức tiêu thụ mạnh, khi trồng hoa công nghệ cao bán Tết, người trồng hoa không lo bị thua lỗ nếu chẳng may ế ẩm. Bởi lẽ, thay vì phải vứt bỏ như một số loại hoa đặc trưng khác, họ có thể mang về chăm sóc lại và tiếp tục bán cho những ai có nhu cầu hoặc bỏ mối trang trí tại các quán cà phê, ăn uống, vui chơi… trên địa bàn thành phố.

Người trồng hoa kỳ vọng vào một mùa hoa Tết khởi sắc.

“Ngày thường, giá bán mỗi chậu hoa dao động từ 25.000 đồng đến 120.000 đồng tùy từng loại hoa và kích cỡ; mức giá này có thể nhỉnh hơn ít nhiều trong dịp Tết. Mong rằng năm nay thị trường hoa khởi sắc để người trồng hoa như nhà em có được cái Tết trọn vẹn” – Phương kỳ vọng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật xử lý quất cảnh chín đúng dịp Tết

Cây quất (miền Nam gọi là cây tắc) thường được chọn làm cây cảnh trong những ngày Tết. Do vậy, ngoài việc trồng bình thường, phải biết xử lý để cây cho trái và chín vào đúng dịp Tết, vừa để trưng Tết vừa bán được giá.

Thời vụ trồng:

Quất được trồng quanh năm nhưng muốn trồng mới (chiết cành) tốt nhất nên thực hiện vào đầu mùa mưa.

Đất trồng:

Thường trồng trên đất vườn, đất có pha cát, sét bảo đảm được độ thông thoáng và đủ độ ẩm. Độ pH thích hợp là 5-6.

Cách trồng:

Có thể trồng quất trực tiếp trên đất, nhưng cũng có thể trồng vào giỏ, chậu… Trước hết nên trồng quất ngoài đất vườn rồi sau đó mới đưa vào chậu.

– Đất trồng cần lên liếp cao, thiết kế mương nước xung quanh, líp rộng 4-6m, mương khoảng 1-1,5m. Mặt líp phải cao hơn mương nước từ 20-30cm, tránh để nước ngập, quất sẽ ngừng phát triển và có thể chết.

– Quất cần nhiều ánh sáng, chịu ẩm ướt, nhiệt độ thích hợp từ 20-24oC. Vào mùa khô cần tưới nước đầy đủ, tránh để đất khô, quất sẽ không phát triển và bị vàng lá rồi rụng dần.

– Quất không trồng bằng hạt vì dễ biến dị, cây chậm ra quả, do vậy, trồng mới nên áp dụng phương pháp chiết cành.

Cách chiết:

Cũng giống như cam, quýt, cần chọn cành khoẻ, mọc xiên, tiến hành khoanh vỏ, để khô 4-5 ngày, quấn rơm đã nhào với đất bùn ướt, bên ngoài cần bao một lớp nilon có đục lỗ thoát nước. Nên tiến hành chiết vào tháng 3-4, những tháng đầu mùa mưa.

Bón phân:

Cần bón phân cân đối cho quất, bón lót, bón thúc cho hợp lý cây mới phát triển tốt và cho bông trái nhiều.

– Bón lót trung bình một gốc cần 20-25kg phân chuồng hoai, rác mục.

– Bón thúc dùng phân NPK (16-16-8), trung bình 0,3-0,5kg/gốc/năm, chia 2 lần, bón cách nhau 40 ngày. Khi cây chuẩn bị ra hoa cần bón thêm phân KCl 100g/gốc để tăng cường đậu trái và trái ít bị rụng. Để cây phát triển mạnh, cành lá xanh mướt cần phun thêm phân bón lá, 15 ngày phun 1 lần.

Phòng trừ sâu bệnh:

Nên chọn cành chiết từ cây mẹ khoẻ mạnh, không có biểu hiện bệnh để đảm bảo cho cây con sau này khoẻ mạnh, khả năng phát triển tốt, đậu quả nhiều.

Quất thường dễ bị bệnh trong trường hợp thiếu phân, nước, ánh sáng và pH không phù hợp…

Thường xuyên thăm vườn để phát hiện và loại bỏ cây bị bệnh vàng lá để tránh lây lan sang cây khác.

Nếu trồng quất cảnh phải phun ngừa bệnh theo định kỳ, cứ 7-15 ngày phun thuốc trừ bệnh Aliette, Benlate C, Sunfat đồng để ngừa các bệnh về nấm. Đối với các loại sâu, côn trùng phá hoại như vẽ bùa, rệp mềm, rệp sáp, sâu đục thân… cần sử dụng các loại thuốc Sevin, Padan, Tribon, Bi58… để phòng trị. Tuỳ vào mức độ phá hoại của côn trùng mà phun định kỳ từ 7-10 ngày/lần theo liều lượng ghi trên nhãn bao thuốc.

Xử lý cho trái chín đúng dịp Tết:

Quất ra trái quanh năm, nên phải điều chỉnh sao cho trái chín vào đúng dịp Tết. Cách làm như sau:

– Đến khoảng tháng 6-7 âm lịch bắt đầu thăm chừng thường xuyên vườn quất, phát hiện cây nào có trái phát triển mạnh thì đào bứng cây lên, rồi phơi nắng nhẹ độ 10 ngày, sau đó tỉa bỏ bớt cành lá cho cây gọn nhẹ rồi đem trồng lại (đảo quất, đánh quất). Nếu trồng trong giỏ, chậu, chỉ cần vặt hết trái, giảm tưới nước tối đa.

– Đến giữa hoặc cuối tháng 8 âm lịch, chuẩn bị cho cây ra hoa, kết trái và làm sao cho trái chín vàng vào dịp Tết Nguyên đán. Giai đoạn này cần cung cấp cho quất đầy đủ phân bón, nước, cây sẽ xanh tốt, cho trái nhiều và đảm bảo trái sẽ chín vàng vào đúng Tết.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật trồng hoa cúc vụ Tết

Hoa cúc có tên tiếng Anh là Asteraceae, có nghĩa là ngôi sao. Theo quan niệm phương đông, ngày tết trong nhà có những chậu hoa cúc đẹp nhất sẽ mang lại cho gia đình may mắn và sung túc.

Để có được một chậu hoa cúc đẹp cần áp dụng những quy trình kỹ thuật sau:

Chuẩn bị đất trồng hoa cúc

Đất phù hợp để trồng hoa cúc là đất thịt nhẹ, tơi xốp, đặc biệt là đất phù sa mới, bề mặt bằng phẳng, thoát nước tốt, có nguồn nước tưới không bị ô nhiễm.

Độ pH phù hợp trên đất trồng cúc từ 6-6,5. Nếu trồng hoa cúc trên đất trũng, ẩm thấp, bí, đất chua, dẫn tới thiếu oxy và ảnh hưởng tới hoạt động của các vi sinh vậy trong đất, quá trình phân giải chất hữu cơ chậm thì bộ rễ kém phát triển. Điều này ảnh hưởng tới việc hút dinh dưỡng của cây, dẫn đến hiện tượng cây còi cọc, lá úa vàng, sinh trưởng phát triển kém.

Cuốc đất và phơi ải 1 tuần, sau đó lên luống và tiếp tục làm nhỏ đất trên mặt luống sao cho đất tơi xốp, để quá trình phát triển của cây thuận lợi. Sau đó, san mặt luống bằng phẳng rồi tiến hành bón lót cho đất. Phân được giải đều trên mặt luống và dùng cuốc trộn đều phân với đất.

Nếu muốn trồng hoa cúc vào chậu thì có thể trộn giá thể trồng theo công thức:  ½ đất phù sa +  ¼ phân chuồng + ¼  xơ dừa.

Ngoài ra, nên phun đều Ridomil (nồng độ 3g/lít) để xử lý nấm bệnh trong giá thể trước khi trồng.

Đất được cày sâu, phơi ải và bừa kỹ, lên luống cao 20-30cm, bón phân lót khoảng 15-20 ngày trước khi trồng. Nên bón nhiều phân chuồng sẽ làm cho đất thêm thuần thục, cải tạo được kết cấu của đất, giúp cho cây bền lâu, chất lượng hoa tốt hơn.

Thời vụ trồng hoa cúc

Hoa cúc trồng được quanh năm, và được trồng vào những tháng sau:

Vụ Xuân Hè: Trồng tháng 3,4,5 để có hoa vào tháng 6,7, 8.

Vụ Thu: Trồng tháng 5,6,7 để có hoa bán vào tháng 9, 10, 11.

Vụ Thu Đông: Trồng tháng 8, 9 để có hoa bán vào tháng 12, 1.

Vụ Đông Xuân: Trồng tháng 10, 11 để có hoa bán vào tháng 2, 3.

Chuẩn bị giống hoa cúc

Sử dụng các giống cúc mới được chọn tạo, nhập nội của Đài loan, Hà Lan, Nhật Bản hợp thị hiếu người tiêu dùng gồm cúc cành (có nhiều bông) và cúc đơn (cây chỉ 1 bông) như: Vàng Đài Loan, vàng hè, HL1, CN42, CN43, CN93, CN98… Với cây con khi đem trồng phải cao 5-6cm, có 6-10 lá (nuôi cấy mô); cây giâm cành phải cao 7-8cm, có 6-8 lá. Cây giống phải đồng đều, không bị nhiễm bệnh và mang đầy đủ đặc trưng của giống.

Kỹ thuật trồng hoa cúc

Sử dụng cây hoa cúc để giâm cành với chiều cao khoảng 5- 7cm, có 5-7 lá, đường kính thân 0,2cm, rễ dài 0,5-3cm, số rễ nhỏ hơn 4cm. Khoảng cách trồng đối với loại cúc 1 bông là 15cm x 12 cm, cúc hoa trung bình thân bụi là 10cm x 30cm và cúc hoa nhỏ là 50cm x 60cm.

Nên trồng vào những ngày râm mát, trước khi trồng tưới nước cho mặt luống đủ ẩm (75%), sau đó dùng dầm để đào hốc, trồng xong dùng tay ấn nhẹ xung quanh gốc và phủ gốc bằng mùn rơm rồi dùng ôdoa tưới nước đẫm mặt luống.

Trong trường hợp trồng cúc vào chậu thì tùy thuộc vào kích thước, kiểu dáng khác nhau mà lựa chọn số cây để trồng trong chậu cho phù hợp.

Chậu có kích thước 30x 15x 20cm ( chiều cao x đường kính đáy x đường kính miệng chậu) có thể trồng 5 cây/chậu.

Khi trồng cúc, đầu tiên cho giá thể đã xử lý nấm bệnh vào chậu cao cách miệng chậu 5cm. Trồng các cây sao cho cây phân bố đều xung quanh chậu để tán cây đều, không trồng cây quá sát vào thành chậu. Nên trồng cây vào buổi chiều, sau khi trồng tưới đẫm nước. Xếp chậu cách chậu 10 – 15cm (tính từ mép chậu).

Kỹ thuật bón phân cho hoa cúc

Khối lượng phân bón cho 1 sào Bắc bộ cần 1 tấn phân chuồng đã hoai mục, 10 kg urê, 30 kg supe lân, 10 kg Kali clorua, 100kg tấm đậu đã ngâm hoai.

Cách bón: Bón lót toàn bộ phân chuồng + 2/3 supe lân + 1/3 kali. Lượng phân còn lại chia bón thúc làm 3 đợt. Có thể rạch hàng 2 bên hàng cây, giữa 2 hàng cây để rắc phân kết hợp xới xáo và tưới nước hoặc hòa phân bón vào nước rồi tưới cho cây theo rãnh, phun sương…

Kỹ thuật chăm sóc hoa cúc

Phải thường xuyên làm cỏ xới xáo và vun luống. Việc xới xáo, vun quanh gốc chỉ cần khi cây cúc còn nhỏ.

Khi cây đã trồng 40 ngày nên hạn chế xới xáo, chỉ tiến hành nhổ cỏ.

Tưới rãnh cho hoa cúc nên tưới ngập 2/3 rãnh trong 1 – 2 giờ để nước ngấm vào luống sau đó rút nước ra. Tuỳ theo tình trạng độ ẩm của luống hoa có thể 7 – 10 ngày tưới 1 lần.

Đối với cách tưới mặt, nên dùng ô doa tưới nhẹ trên mặt luống cho đến khi đạt độ ẩm bão hoà trong đất, cách tưới này phải thường xuyên và phụ thuộc vào độ ẩn của luống hoa.

Ngoài ra, với mỗi giống hoa cúc lại có cách bấm ngọn, tỉa cành khác nhau.

Sau khi trồng 15 – 20 ngày bấm ngọn để lại 3 – 4 cành hoa đối với giống cúc có hoa lớn. Đối với các giống hoa cúc nhỏ, dạng thận bụi, bấm ngọn 2- 3 lần:

Lần 1 sau khi trồng 15 – 20 ngày, Lần 2 bấm ngọn sau lần 1 khoảng 15 ngày, Lần 3 sau lần 2 khoảng 15 ngày.

Người trồng hoa phải thường xuyên bấm, tỉa cành và các nhánh không cần thiết. Đến thời kỳ ra hoa cần bấm những nụ phụ, chỉ để lại nụ chính để tập trung dinh dưỡng nuôi hoa.

Kỹ thuật đặc biệt khi trồng hoa cúc trái vụ

Xử lý ánh sáng ngày ngắn để thúc đẩy sự phân hóa mầm hoa và ra hoa bằng cách mỗi ngày che 3-4 giờ vào thời gian từ 16 đến 19 giờ hàng ngày. Thời gian che liên tục trong 15 ngày, cúc sẽ phân hóa mầm hoa và ra hoa theo ý muốn.

Dùng bóng điện loại 100W treo cách ngọn cây hoa cúc khoảng 50-60cm (luôn thay đổi chiều cao dây treo bóng theo độ lớn của cây) với mật độ 1 bóng/10m2. Hàng ngày chiếu sáng từ 22 giờ đêm đến 2 giờ sáng, chiếu sáng liên tục trong thời gian khoảng 1 tháng sẽ làm cho cây không phân hóa mầm hoa và nở sớm.

Thu hoạch hoa cúc

Trước thu hoạch 7-10 ngày nên tưới dung dịch phân lân và kali ở nồng độ thấp cho cây: 30 kg P205 + 30 kg K20 cho 1ha, đồng thời phun thuốc diệt trừ sâu bệnh.

Cắt hoa vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Dùng dao, kéo sắc cắt riêng các cành hoa có 2/3 số cánh đã nở cách mặt đất 5-10cm.

Xử lý hoa trước khi đóng thùng bằng cách nhúng gốc cành vào dung dịch STS (Silver thiosulphate) 1% cho hoa được tươi lâu, bảo quản được trên đường vận chuyển. Xếp các bó hoa vào thùng carton hoặc hộp xốp với kích thước 120 cm x 60 cm x 60 cm. Mỗi thùng xếp 15 bó khoảng 1.200 cành.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam