Trắng đêm phun thuốc cho hoa Tết vì bệnh nấm gia tăng

Do thời tiết diễn biến thất thường, nhiệt độ xuống thấp (13-15 độ), đi kèm là những trận mưa phùn nên những hộ dân trồng hoa cúc tại Gia Lai đang phải trắng đêm theo dõi bệnh nấm gia tăng trên hoa.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018, những ngày này nhiều người trồng hoa lâu năm ở Gia Lai đang tất bật chăm chút cẩn thận từng chậu hoa, cây cảnh nhằm phục vụ tối đa nhu cầu chơi hoa Tết của người tiêu dùng. Năm nay, nhiệt độ tại Gia Lai xuống thấp, lạnh hơn khiến bệnh nấm trên hoa cúc gia tăng vào ban đêm nên nhiều hộ dân đang phải trắng đêm theo dõi phun thuốc trị nấm cho hoa.

Một hộ dân trồng mai đang tưới nước, bón phân cho vườn mai Tết

Trò chuyện với chúng tôi, anh Mai Quốc Trưởng (38 tuổi, chủ vườn Hồng Cầu Sắt, ở ngã tư đường Cách Mạng Tháng 8, TP.Plieku) cho biết, để đáp ứng nhu cầu chơi hoa của người tiêu dùng, hiện tại tôi cũng đang chăm khoảng 400 chậu hoa mai, hơn 10.000 chậu hồng và khoảng 2 ngày nữa sẽ xuống giống hơn 6.000 chậu hướng dương. Mai và Hồng thì hiện đang theo đúng chu kỳ, khoảng 50 ngày trước tết, tôi sẽ tiến hành cắt cành đồng loạt. Hiện tại, tôi đang phải theo dõi cẩn thận vì thời tiết lạnh hơn nên hoa phát triển chậm hơn, may năm nay không xuống giống cúc chứ không giờ cũng trắng đêm phun thuốc trị nấm cho cúc rồi.

Nông dân thắp đèn cho cúc phát triển nhanh và theo dõi bệnh nấm gia tăng vào thời tiết lạnh

“Theo tôi, số lượng hoa Tết năm nay sẽ giảm hơn so với mọi năm vì đợt vừa rồi chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, lượng hoa giảm sẽ khiến cho thị trường giá hoa cao hơn”, anh Trưởng nhận định. Đi qua đường Lạc Long Quân, TP. Plieku chúng tôi phát hiện một vựa hoa cúc khá lớn. Theo tìm hiểu của PV, được biết tại đây mỗi nhà có trồng khoảng 400 đến 1.000 chậu cúc. Vì thời tiết năm nay lạnh hơn, bệnh nấm gia tăng nên nhiều hộ dân đang phải trắng đêm thắp đèn theo dõi các loại nấm và ứng cứu kịp thời để đáp ứng nhu cầu chơi hoa tết của người tiêu dùng.

Trời lạnh hoa cúc rất dễ bị nấm nên người dân phải túc trực phun thuốc kịp thời

Ông Trần Đăng Hòa (60 tuổi, trú tại đường Lạc Long Quân, TP.Plieku) một trong những hộ trồng hoa cúc nhiều nhất chia sẻ: “Năm nay tôi cung cấp cho thị trường tết khoảng 1.000 chậu hoa cúc vàng. Lúc mới gieo, hoa cúc phát triển khá tốt, nhưng những ngày gần đây nhiệt độ khá lạnh nên phát sinh các loại nấm gây hại cho hoa. Mấy ngày vừa qua, hai vợ chồng tôi phải thay nhau túc trực thắp đèn vừa để cúc phát triển nhanh hơn, vừa phải theo dõi xem có bị mắc phải các loại nấm không còn kịp thời phun thuốc, chứ không là hỏng hết. Nấm lây lan rất nhanh, đặc biệt là ban đêm khi thời tiết lạnh. Nếu thời tiết thuận lợi như năm ngoái, 1.000 chậu Cúc này bán tết sẽ thu về khoảng 180 đến 200 triệu, trừ hết chi phí cũng thu về khoảng hơn 100 triệu”.

Nông dân đang lo lắng vì bệnh nấm hoành hành phá hoại vựa cúc lớn chuẩn bị cho dịp Tết nguyên đán 2018

Tâm sự cùng chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu (58 tuổi, trú tại đường Lạc Long Quân) lo lắng: “Thời tiết năm nay lạnh quá nên phải thắp đèn sớm và số lượng bóng nhiều hơn mọi năm. Ngoài ra, gia đình tôi phải thay nhau túc trực cả đêm để trông coi, chia đều các bóng ra thì vườn cúc mới phát triển đều được. Rồi phải chăm sóc từng tí một chứ lạnh như này nấm phát triển mạnh lắm, không phun kịp mà để lây lan là hỏng hết. Giờ cũng chỉ biết trông coi tỷ mỉ hơn một chút chứ cũng không biết làm thế nào nữa, hy vọng trời không phụ lòng người”.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng hoa cúc vụ Tết

Hoa cúc có tên tiếng Anh là Asteraceae, có nghĩa là ngôi sao. Theo quan niệm phương đông, ngày tết trong nhà có những chậu hoa cúc đẹp nhất sẽ mang lại cho gia đình may mắn và sung túc.

Để có được một chậu hoa cúc đẹp cần áp dụng những quy trình kỹ thuật sau:

Chuẩn bị đất trồng hoa cúc

Đất phù hợp để trồng hoa cúc là đất thịt nhẹ, tơi xốp, đặc biệt là đất phù sa mới, bề mặt bằng phẳng, thoát nước tốt, có nguồn nước tưới không bị ô nhiễm.

Độ pH phù hợp trên đất trồng cúc từ 6-6,5. Nếu trồng hoa cúc trên đất trũng, ẩm thấp, bí, đất chua, dẫn tới thiếu oxy và ảnh hưởng tới hoạt động của các vi sinh vậy trong đất, quá trình phân giải chất hữu cơ chậm thì bộ rễ kém phát triển. Điều này ảnh hưởng tới việc hút dinh dưỡng của cây, dẫn đến hiện tượng cây còi cọc, lá úa vàng, sinh trưởng phát triển kém.

Cuốc đất và phơi ải 1 tuần, sau đó lên luống và tiếp tục làm nhỏ đất trên mặt luống sao cho đất tơi xốp, để quá trình phát triển của cây thuận lợi. Sau đó, san mặt luống bằng phẳng rồi tiến hành bón lót cho đất. Phân được giải đều trên mặt luống và dùng cuốc trộn đều phân với đất.

Nếu muốn trồng hoa cúc vào chậu thì có thể trộn giá thể trồng theo công thức:  ½ đất phù sa +  ¼ phân chuồng + ¼  xơ dừa.

Ngoài ra, nên phun đều Ridomil (nồng độ 3g/lít) để xử lý nấm bệnh trong giá thể trước khi trồng.

Đất được cày sâu, phơi ải và bừa kỹ, lên luống cao 20-30cm, bón phân lót khoảng 15-20 ngày trước khi trồng. Nên bón nhiều phân chuồng sẽ làm cho đất thêm thuần thục, cải tạo được kết cấu của đất, giúp cho cây bền lâu, chất lượng hoa tốt hơn.

Thời vụ trồng hoa cúc

Hoa cúc trồng được quanh năm, và được trồng vào những tháng sau:

Vụ Xuân Hè: Trồng tháng 3,4,5 để có hoa vào tháng 6,7, 8.

Vụ Thu: Trồng tháng 5,6,7 để có hoa bán vào tháng 9, 10, 11.

Vụ Thu Đông: Trồng tháng 8, 9 để có hoa bán vào tháng 12, 1.

Vụ Đông Xuân: Trồng tháng 10, 11 để có hoa bán vào tháng 2, 3.

Chuẩn bị giống hoa cúc

Sử dụng các giống cúc mới được chọn tạo, nhập nội của Đài loan, Hà Lan, Nhật Bản hợp thị hiếu người tiêu dùng gồm cúc cành (có nhiều bông) và cúc đơn (cây chỉ 1 bông) như: Vàng Đài Loan, vàng hè, HL1, CN42, CN43, CN93, CN98… Với cây con khi đem trồng phải cao 5-6cm, có 6-10 lá (nuôi cấy mô); cây giâm cành phải cao 7-8cm, có 6-8 lá. Cây giống phải đồng đều, không bị nhiễm bệnh và mang đầy đủ đặc trưng của giống.

Kỹ thuật trồng hoa cúc

Sử dụng cây hoa cúc để giâm cành với chiều cao khoảng 5- 7cm, có 5-7 lá, đường kính thân 0,2cm, rễ dài 0,5-3cm, số rễ nhỏ hơn 4cm. Khoảng cách trồng đối với loại cúc 1 bông là 15cm x 12 cm, cúc hoa trung bình thân bụi là 10cm x 30cm và cúc hoa nhỏ là 50cm x 60cm.

Nên trồng vào những ngày râm mát, trước khi trồng tưới nước cho mặt luống đủ ẩm (75%), sau đó dùng dầm để đào hốc, trồng xong dùng tay ấn nhẹ xung quanh gốc và phủ gốc bằng mùn rơm rồi dùng ôdoa tưới nước đẫm mặt luống.

Trong trường hợp trồng cúc vào chậu thì tùy thuộc vào kích thước, kiểu dáng khác nhau mà lựa chọn số cây để trồng trong chậu cho phù hợp.

Chậu có kích thước 30x 15x 20cm ( chiều cao x đường kính đáy x đường kính miệng chậu) có thể trồng 5 cây/chậu.

Khi trồng cúc, đầu tiên cho giá thể đã xử lý nấm bệnh vào chậu cao cách miệng chậu 5cm. Trồng các cây sao cho cây phân bố đều xung quanh chậu để tán cây đều, không trồng cây quá sát vào thành chậu. Nên trồng cây vào buổi chiều, sau khi trồng tưới đẫm nước. Xếp chậu cách chậu 10 – 15cm (tính từ mép chậu).

Kỹ thuật bón phân cho hoa cúc

Khối lượng phân bón cho 1 sào Bắc bộ cần 1 tấn phân chuồng đã hoai mục, 10 kg urê, 30 kg supe lân, 10 kg Kali clorua, 100kg tấm đậu đã ngâm hoai.

Cách bón: Bón lót toàn bộ phân chuồng + 2/3 supe lân + 1/3 kali. Lượng phân còn lại chia bón thúc làm 3 đợt. Có thể rạch hàng 2 bên hàng cây, giữa 2 hàng cây để rắc phân kết hợp xới xáo và tưới nước hoặc hòa phân bón vào nước rồi tưới cho cây theo rãnh, phun sương…

Kỹ thuật chăm sóc hoa cúc

Phải thường xuyên làm cỏ xới xáo và vun luống. Việc xới xáo, vun quanh gốc chỉ cần khi cây cúc còn nhỏ.

Khi cây đã trồng 40 ngày nên hạn chế xới xáo, chỉ tiến hành nhổ cỏ.

Tưới rãnh cho hoa cúc nên tưới ngập 2/3 rãnh trong 1 – 2 giờ để nước ngấm vào luống sau đó rút nước ra. Tuỳ theo tình trạng độ ẩm của luống hoa có thể 7 – 10 ngày tưới 1 lần.

Đối với cách tưới mặt, nên dùng ô doa tưới nhẹ trên mặt luống cho đến khi đạt độ ẩm bão hoà trong đất, cách tưới này phải thường xuyên và phụ thuộc vào độ ẩn của luống hoa.

Ngoài ra, với mỗi giống hoa cúc lại có cách bấm ngọn, tỉa cành khác nhau.

Sau khi trồng 15 – 20 ngày bấm ngọn để lại 3 – 4 cành hoa đối với giống cúc có hoa lớn. Đối với các giống hoa cúc nhỏ, dạng thận bụi, bấm ngọn 2- 3 lần:

Lần 1 sau khi trồng 15 – 20 ngày, Lần 2 bấm ngọn sau lần 1 khoảng 15 ngày, Lần 3 sau lần 2 khoảng 15 ngày.

Người trồng hoa phải thường xuyên bấm, tỉa cành và các nhánh không cần thiết. Đến thời kỳ ra hoa cần bấm những nụ phụ, chỉ để lại nụ chính để tập trung dinh dưỡng nuôi hoa.

Kỹ thuật đặc biệt khi trồng hoa cúc trái vụ

Xử lý ánh sáng ngày ngắn để thúc đẩy sự phân hóa mầm hoa và ra hoa bằng cách mỗi ngày che 3-4 giờ vào thời gian từ 16 đến 19 giờ hàng ngày. Thời gian che liên tục trong 15 ngày, cúc sẽ phân hóa mầm hoa và ra hoa theo ý muốn.

Dùng bóng điện loại 100W treo cách ngọn cây hoa cúc khoảng 50-60cm (luôn thay đổi chiều cao dây treo bóng theo độ lớn của cây) với mật độ 1 bóng/10m2. Hàng ngày chiếu sáng từ 22 giờ đêm đến 2 giờ sáng, chiếu sáng liên tục trong thời gian khoảng 1 tháng sẽ làm cho cây không phân hóa mầm hoa và nở sớm.

Thu hoạch hoa cúc

Trước thu hoạch 7-10 ngày nên tưới dung dịch phân lân và kali ở nồng độ thấp cho cây: 30 kg P205 + 30 kg K20 cho 1ha, đồng thời phun thuốc diệt trừ sâu bệnh.

Cắt hoa vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Dùng dao, kéo sắc cắt riêng các cành hoa có 2/3 số cánh đã nở cách mặt đất 5-10cm.

Xử lý hoa trước khi đóng thùng bằng cách nhúng gốc cành vào dung dịch STS (Silver thiosulphate) 1% cho hoa được tươi lâu, bảo quản được trên đường vận chuyển. Xếp các bó hoa vào thùng carton hoặc hộp xốp với kích thước 120 cm x 60 cm x 60 cm. Mỗi thùng xếp 15 bó khoảng 1.200 cành.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam