Bỏ lúa nếp, trồng vườn Dâu Tằm, cả năm đón khách

Ông Trần Văn Cường, ngụ ấp Hưng Thới 2, xã Phú Hưng, huyện Phú Tân (An Giang) đã bỏ trồng lúa nếp, dành 3.000m2 đất ông trồng 500 cây dâu tằm. Mỗi ngày, vườn dâu tằm của gia đình ông đón khoảng trăm lượt khách, riêng 2 ngày cuối tuần có hàng trăm người…

Mỗi ngày, vườn dâu tằm của gia đình ông Trần Văn Cường đón khoảng trăm lượt khách, riêng 2 ngày cuối tuần có hàng trăm người rủ nhau đến điểm hẹn mới này để mua trái dâu, tham quan và thưởng thức các sản phẩm từ dâu tằm và hoa atiso đỏ. Đây là thành công bước đầu của ông Cường sau 1 năm thử nghiệm đưa loại cây trồng Đà Lạt về xứ cù lao.

Phú Tân không phải là cái tên được nhắc đến nhiều khi mọi người có nhu cầu tham quan, vui chơi do các loại hình dịch vụ còn khiêm tốn. Thời gian gần đây, bên cạnh hành hương, người trong và ngoài địa phương đã tìm đến cù lao này nhiều hơn để trải nghiệm du lịch sông nước, trải nghiệm ở các địa chỉ vui chơi mới.

Ngoài bán quả tươi cho du khách tại chỗ, gia đình ông Cường còn lựa những quả ngon nhất để đóng gói cho khách mua mang về

Vườn dâu tằm Ngọc Thái của gia đình ông Cường là một trong số “từ khóa” được nhắc đến nhiều trong mấy tháng qua. Vườn dâu cách trung tâm huyện Phú Tân không xa, nằm cạnh Hưng Hòa tự (tên gọi khác là chùa Cây Xanh) – ngôi chùa lớn thứ 2 của Phật giáo Hòa Hảo trên địa bàn huyện. Nằm ở vùng quê yên ắng nhưng bên trong vườn dâu lại rất xôm tụ náo nhiệt, bởi ngày nào cũng có rất nhiều nhóm học sinh, sinh viên đến họp mặt, dạo chơi trong vườn chụp ảnh những trái dâu chín mọng, hoa atiso đỏ, lạ mắt, thưởng thức các món giải khát từ trái dâu tươi.

Bà Nguyễn Thị Thảo (vợ ông Cường) cho biết, ngoài việc thu hoạch trái tươi để bán, bà còn làm nước ép dâu, sinh tố dâu, nấu nước siro dâu, nước cốt atiso và mứt dâu tằm phục vụ tại chỗ. Nhiều khách hàng đến đây rất cảm mến tính tình hiền hậu của ông bà, bởi xác định phục vụ khách đến vui chơi là chính nên có người gợi ý làm rượu dâu, ông bà lắc đầu: “Chỉ chế biến đồ ăn, thức uống có lợi cho sức khỏe mà thôi”. Hiện nay, không chỉ có các bạn trẻ trong huyện đến ủng hộ, biết tin về vườn dâu tằm của ông bà, người ở xa cũng tìm đến mua rất nhiều, nhất là trái dâu tươi và mứt đóng hộp, sản lượng thu hoạch không đủ để cung cấp.

Chế biến dâu tằm giải khát

Việc chuyển đổi từ cây lúa nếp sang trồng dâu tằm Đà Lạt để thu hoạch trái là quyết định khá hồi hộp của ông Cường. Sau nhiều năm trồng lúa nếp kém hiệu quả, ông Cường trăn trở tìm cây trồng để tăng năng suất, chất lượng và cải thiện thu nhập. Tích cực đi tìm và học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả, nhờ con trai gợi ý, ông Cường biết được cây dâu tằm đang ngày càng phát triển mạnh.

Tìm hiểu qua sách và mạng Internet, ông Cường rất tâm đắc về những công dụng của dâu tằm và hoa atiso đỏ đối với sức khỏe. Trên diện tích 3.000m2, ông Trần Văn Cường chuyển đổi trồng 500 cây dâu tằm đầu tiên thay cho lúa nếp. Sau 6 tháng chăm sóc dâu tằm bắt đầu cho thu hoạch trái, vụ đầu được 45kg, giá bán 50.000 đồng/kg. Hiện nay, mỗi ngày vườn dâu thu hoạch được 20kg trái tươi vẫn không đủ bán.

Ông Cường cho biết, trước khi trồng dâu tằm chính thức, ông đã bỏ 1 năm thử nghiệm để đánh giá mức thành công của cây dâu tằm ở thổ nhưỡng địa phương. Quan trọng nhất là cách chăm bón dùng phân hữu cơ, kỹ thuật lặt lá và hoàn toàn không sử dụng phân thuốc hóa học để đảm bảo an toàn cho trái, đồng thời tránh thoái hóa đất khi trồng lâu dài.

Theo ông Cường, đặc điểm của cây dâu tằm là càng thu hoạch đợt sau trái càng ra nhiều hơn. Có sẵn không gian nhà, ông Cường rào vườn dâu, đầu tư làm sân bóng chuyền, bóng đá và lợp lá làm các “tum” cho khách ngồi ăn uống. Xen kẽ với dâu tằm hiện nay có thêm cây atiso đỏ, chủ yếu thu hoạch hoa bán tươi hoặc nấu nước cốt đóng chai bán. Những khách hàng ở huyện Tịnh Biên, huyện An Phú, TX. Tân Châu và tỉnh Đồng Tháp đã biết đến và tìm mua sản phẩm rất nhiều.

Từ những hiệu quả bước đầu mang lại từ vườn dâu tằm, sắp tới, gia đình ông Trần Văn Cường tiếp tục đầu tư bao lưới chống sâu hại cho cây trồng, cải tạo thêm 4 công đất để trồng dâu và không gian phục vụ khách hàng, nâng chất lượng các sản phẩm đang phục vụ để trở thành vườn sinh thái của địa phương. Với giống cây trồng mới được xác định có lợi thế, gia đình ông Cường đã được Hội Nông dân huyện Phú Tân hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng để đầu tư sản xuất.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Bí quyết chăm sóc Dâu Tằm lấy quả

Dâu tằm thời xưa được trồng nhiều để nuôi tằm nhả tơ, và lá là bộ phận được sử dụng duy nhất để nuôi tằm, ngày nay khi mà quả dâu tằm được biết đến với nhiều giá trị dinh dưỡng và phục vụ nhu cầu ẩm thực làm đẹp nhiều thì mọi người lại chú trọng đến việc chăm sóc dâu tằm làm sao để ra thật nhiều quả càng tốt.

Quả dâu tằm

Dâu tằm là loại cây rất dễ trồng , ngay cả ở thành phố, mỗi nhà chỉ cần dành một diện tích đất nhỏ trên sân thượng là có thể có dâu tằm ăn quanh năm, có thể làm siro đường, ngâm rượu, đắp mặt dưỡng da gì cũng được. Dâu tằm ra trái quanh năm, nhưng chính mùa vẫn là thường từ tháng 3 đến tháng  9, trái mùa dâu ra ít hơn, nhưng nếu biết cách chăm sóc vẫn có dâu ăn đều đều.

Công dụng của dâu tằm không chỉ giải khát , làm đẹp, chống lão hóa, trang trí thức ăn, thức uống mà còn hỗ trợ trong điều trị bệnh Alzhiemer (bệnh mất trí nhớ), vậy thì ai có tính hay quên và đãng trí thìđây là thực phẩm rất tốt cho não bộ.

Cách chăm sóc cây dâu tằm để thu trái

Dâu tằm khi mới mua cây giống về, sang chậu, môi trường chăm sóc về đất và phân bón của bạn sẽ khác nên dâu sẽ bị héo lá đi , điều này ngườ trồng không nên hoang mang, hãy bình tĩnh lấy kéo và cắt tỉa hết các lá khô héo đi, chỉ 2 3 ngày sau, cây sẽ ra lá mới ngay cho các người trồng.
Dâu tằm có rất nhiều giá trị dinh dưỡng cao
Đối với dâu tằm trồng để thu trái thì các bạn nên chú ý cắt tỉa bỏ bớt lá héo, lá già đi, để lá non có thể mọc ra lại. Dâu tằm ra quả ở các nách lá, chồi non mới nảy ra, quả cũng sẽ ra ở các nách lá, quả non có màu xanh, dần chuyển sang màu đỏ và chín sẽ có màu tím đen. Cứ nửa tháng thì các bạn bón phân cho cây để cây xanh và phát triển tốt, nếu không muốn cây cao thì nên dùng dao dứt ngang một vài chỗ không cần thiết .

Một kg dâu tằm mua về có thể sử dụng một ít để xay uống, vị chua chua ngọt ngọt, bỏ thêm vài cục đá sẽ cho bạn một cốc sinh tố dâu mát lạnh và giải khát hiệu quả, phần còn lại đi ngâm rượu hoặc đường để từ từ dùng dần, dâu tằm xay ra để đắp mặt hoặc tắm body sẽ giúp trắng tự nhiên và an toàn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng Dâu Tằm sai quả, mọng nước

1. Đặc điểm sinh trưởng của cây dâu tằm

Cây dâu tằm là cây có nguồn gốc từ khu vực Đông Á, thích hợp sinh trưởng và phát triển trên nền khí hậu nhiệt đới. Dâu tằm là cây thân gỗ, có thể cao tới 5 m tùy điều kiện chăm sóc. Cây ưa sáng, dễ trồng, không tốn công chăm sóc, sai quả.

Trồng đúng kỹ thuật dâu tằm sẽ rất sai quả

Hiện nay có rất nhiều nơi trồng cây dâu làm bonsai bởi dâu tằm là cây sống lâu năm, cành dâu tằm mềm, nhiều cành, dễ uốn tỉa, tạo dáng, sai quả, quả đẹp nên rất được các nhà vườn ưa chuộng trồng làm bonsai. Đồng thời theo quan niệm dân gian cây dâu kị tà nên có tác dụng trừ tà. Các gia đình Bắc Bộ thường quan niệm trồng cây dâu để ngăn không cho các tà ma vào quấy nhiễu gia chủ.

Khi trồng cây dâu tằm nên trồng vào mùa xuân, khí hậu ấm áp, mưa gió thuận hòa để cây nhanh phát triển.

2. Kỹ thuật trồng cây dâu tằm sai quả

  • Chuẩn bị đất trồng:

Bạn chọn khoảng đất tươi xốp, thoát nước tốt, khu vực nhiều ánh sáng mặt trời để cây phát triển tốt nhất.

Nếu không có đất vườn bạn có thể trồng cây dâu tại chậu cảnh, thùng xốp, hay vỏ bao xi măng…

Bạn có thể tiến hành trộn đất với phân chuồng, rơm rạ đã hoai mục hoặc mua đất đã trộn sẵn thành phần hữu cơ. Trước khi trồng cây dâu tằm, đất cần được bón vôi và phơi ải từ 7 – 10 ngày để diệt sạch mầm bệnh trong đất.

  • Giống dâu tằm sai quả

Đối với trồng cây dâu tằm tại nhà bạn có thể giâm cành dâu lấy giống cây hoặc mua sẵn cây con đã được nhân giống về trồng.

Giống dâu tằm tại nước ta là giống dâu trắng, ngoài ra hiện nay có một số giống tằm khác như giống dâu quả dài,… Dâu tằm thường được nhân giống bằng cách giâm cành bởi cách trồng dâu tằm bằng giâm cành thường sai quả và tuổi thọ cao hơn.

  • Kỹ thuật giâm cành, nhân giống dâu tằm

Chọn cành bánh tẻ có tuổi trên 8 tháng từ những cây dâu sai quả, quả ngọt, mọng nước nhất để tiến hành giâm cành.

Cắt cành giâm thành từng đoạn từ 18 – 20cm, mỗi đoạn phải có ít nhất 2 mắt, chặt cách mắt từ 0,5 tới 1cm.

Nếu trồng nhiều bạn có thể tiến hành nhúng cành dâu vào thuốc kích thích ra rễ cho tỉ lệ nảy mầm cao.

Sau đó tiến hành cắm cành dâu vào đất đã chuẩn bị sẵn hoặc vào hom rồi tưới đẫm nước. Hàng ngày chú ý tưới đủ ẩm cho đất để cành dâu nhanh bén rễ.

  • Kỹ thuật trồng cây dâu tằm sai quả

Sau khi cành giâm được từ 30 – 45 ngày bạn có thể tiến hành ruống cây ra đất trồng hoặc vào chậu.

Đối với cây con mua sẵn tại vườn thì về bạn bóc bỏ vỏ hom sau đó trồng cây vào bồn, lấp đất kín hom.

Rồi tưới đẫm nước cho cây nhanh bén rễ.

Sau khi trồng cây khoảng 15 – 20 ngày cây đã bén rễ bạn tiến hành bón thúc cho cây bằng phân hữu cơ hoặc hòa phân lân với nước rồi tưới. Cứ khoảng 1 – 2 tháng bạn lại tiến hành bón thúc và nhổ cỏ, vun gốc cho cây dâu một lần.

Thường xuyên tưới nước, giữ ẩm cho cây phát triển tốt, vặt bỏ lá sâu, lá già trên cây.

Tỉa cành: Nếu bạn không muốn cây phát triển cao thì ngắt ngọn hoặc cành của cây dâu. Ngoài ra bạn có thể uốn nắn cành dâu thành bonsai rất dễ, bởi cành dâu khá mềm, dễ sống nên bạn hoàn toàn có thể tự uốn nắn, tạo dáng bonsai cho cây dâu tằm của mình.

3. Thu hoạch

Cây dâu tằm thường ra hoa vào tháng 2 – tháng 3 và tới tháng 4 –  tháng 5 là quả bắt đầu chín và cho thu hoạch.  Trong thời gian cây ra hoa bạn nên bón thúc phân lân một đợt và khi quả đã đậu thì bón một đợt nữa để cây lấy dinh dưỡng nuôi quả.

Thu hoạch dâu tằm

Dâu tằm khi chín thường chuyển dần từ màu xanh sang vàng rồi đỏ và tím đen. Khi quả dâu tằm chuyển sang đỏ hoặc tím thì bạn có thể tiến hành thu hái và thưởng thức dâu tằm ngay tại vườn nhà.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Làm giàu từ cây Dâu Tằm

Lần đầu tiên, một nông dân Quảng Trị mạnh dạn đưa cây dâu tằm vào trồng đại trà trên diện tích rộng lớn. Ban đầu, nhiều người tỏ ra nghi ngại về hiệu quả, nhưng chỉ vài năm hàng ngàn gốc dâu đã giúp chủ nhân khấm khá…

Rẽ ngang bất ngờ

Vùng đất Tân Phú vốn dĩ rất trù phú, nhưng nông dân làm giàu từ cây cao su, hồ tiêu, sắn… chứ chưa nghe nói đến dâu tằm. Ông Quốc kể, trước đây vợ chồng ông từng là công nhân Nông trường Tân Lâm. Nghỉ hưu sớm, ông bà cũng không ngơi tay mà vẫn trồng những loại cây quen thuộc trong vườn nhà để gia tăng thu nhập. Cho đến một ngày, ông Quốc đưa con ra thăm quê ngoại ở Nghệ An, thấy người ta trồng cây dâu tằm và giới thiệu đây là một loài cây thuốc nam, các bộ phận lá, thân, rễ, vỏ, quả của cây đều có thể bài chế ra những vị thuốc quý. Đoạn ông Quốc ăn thử rồi thích thú và xin một ít cành về vườn nhà trồng thử, nào ngờ cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho quả chi chít.
Ăn quả không hết, ông bèn ủ rượu. Thật bất ngờ, món rượu dâu tự chế của ông đã trở thành “đặc sản” khi khách đến chơi nhà uống và tấm tắc khen ngon. Ý tưởng trồng đại trà loại cây này lóe lên từ dạo đó.
Vợ chồng anh Quốc đang hái dâu để ủ rượu
Ban đầu, ông Quốc nhận nhiều sự phản đối, kể cả từ bà Hồ Thị Lan, vợ ông. “Nhiều người lúc đó tưởng ông nhà tôi bị “cuồng” vì đang yên đang lành tự nhiên phá hết vườn tiêu để trồng một loài cây lạ. Trong khi hồ tiêu là cần câu cơm của gia đình bấy lâu”, bà Lan kể. Phải mất nhiều tuần trao đổi, phân tích, ông mới thuyết phục được bà Lan để cả hai “dấn thân” vào lối đi mới, dù vẫn có hơi miễn cưỡng. Năm 2011, mấy trăm gốc dâu đã bén rễ ở vườn nhà ông Quốc…
Vườn dâu tằm lớn nhất Quảng Trị
Từ những gốc dâu cong queo đầu tiên, vợ chồng ông Quốc dần mở rộng diện tích lên 1.000 gốc và đến nay đã đạt hơn 2.000 gốc dâu tằm. Ông bà quy hoạch có hàng có lối, chăm tỉa cẩn thận nên vườn dâu tằm bây giờ đẹp như tranh vẽ với hơn 2.000 gốc chi chít quả, ai cũng trầm trồ ngạc nhiên. Quan trọng hơn, loài cây trồng này đã sớm phát huy hiệu quả kinh tế. Đến giờ, thông tin về chất lượng sản phẩm dâu tằm và “rượu dâu tằm Quốc Khánh” của gia đình ông Quốc đã vượt khỏi phạm vi tỉnh Quảng Trị. Nhiều người tìm tới tận nhà ông Quốc hỏi mua với giá cao.
Vườn dâu tằm nhà anh Quốc khi nhìn tổng quan
Nhớ lại năm 2013, khi thu hoạch “lứa” dâu tằm đầu tiên, ông Quốc mướt mồ hôi vì phải mang… đổ nhiều mẻ rượu dâu pha chế không đúng. Dạo đó, vợ chồng ông gặp không ít khó khăn vì còn non kinh nghiệm, nhưng lại chế biến rượu với số lượng lớn, mẻ quá chua, mẻ khác lại quá ngọt. “Làm rượu dâu tằm phải theo nó từng li từng tí, lơ là hoặc tăng giảm nguyên liệu sai thì công sức đổ sông đổ bể ngay. Dù tiếc của, nhưng vợ chồng tôi thống nhất nếu sản phẩm chế biến chưa đạt là bỏ ngay, không để hàng kém chất lượng đến tay khách hàng”, bà Lan cho hay.
Cầu tiến và chịu khó tìm tòi, vợ chồng ông Quốc đã tạo ra sản phẩm rượu dâu tằm Quốc Khánh và đăng ký nhãn hiệu với giá bán 60.000 đồng/chai. Trung bình mỗi dịp Tết Nguyên đán, họ xuất bán chừng 1.000 chai, chưa kể lượng rượu bán ra đều đặn mỗi tháng cho khách hàng. Ngoài việc ủ rượu, vợ chồng ông Quốc còn bán quả dâu tằm tươi cho khách với giá khoảng 50.000 đồng/kg.
Với kết quả khả quan, ông Quốc lên kế hoạch trồng thêm 2.000 gốc dâu tằm nữa. “Vườn dâu tằm của tôi không những mang cơm no áo ấm về cho gia đình mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 người, thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/tháng. Khi đến vụ, tôi còn lo cho thêm 10 người nữa… Bây giờ, mọi người đã nhìn tôi bằng ánh mắt khác, chẳng còn ai dám bảo tôi “cuồng” nữa”, ông Quốc tự hào.
Theo thanhnien.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Hướng dẫn trồng và chăm sóc Dâu Tằm lấy quả

Quả dâu tằm có tác dụng giải khát, làm đẹp, chống lão hóa, trang trí thức ăn, thức uống, hỗ trợ trong điều trị bệnh Alzhiemer (bệnh mất trí nhớ)…

1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và giống

Dụng cụ trồng

Bạn có thể tận dụng bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng sơ ri. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.

Đất trồng

Dâu tằm là loại cây ưa ánh sáng và có khả năng thích ứng tốt với nhiều loại đất. Tuy nhiên, để có năng suất, chất lượng quả tốt nhất cần chọn đất có bề dày tầng canh tác >1m, độ pH từ 6,5 – 7.

Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 7 – 10 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.

Giống

Cây dâu có thể trồng bằng hạt (nhân giống hữu tính) hoặc trồng bằng cách giâm hom (nhân giống vô tính). Hiện nay, người ta thường chọn phương pháp nhân giống bằng giâm hom bởi cây nhanh cho trái và tuổi thọ bền hơn.

Cây giống dâu tằm

2. Cách trồng

Tiêu chuẩn hom: Hom đạt chuẩn phải có 2 mắt trên hom, đường kính ≥ 0,5cm, tuổi hom ≥ 8 tháng. Chặt hom dâu thành từng đoạn dài 18 – 20cm. Vết chặt cách mắt từ 0,5 – 1cm.

Đào hố 40cm x 40cm x 40 cm. Đáy hố bón lót bằng phân hữu cơ, lấp đất đầy miệng hố và cắm hom. Sau khi trồn xong, tiến hành tưới nước bằng vòi phun nhẹ cho cây dâu. Để tiết kiệm thời gian và công sức, bạn có thể mua cây giống dâu bán sẵn ở các cửa hàng bán cây giống.

3. Chăm sóc

Đối với dâu tằm trồng để thu trái thì các bạn nên chú ý cắt tỉa bỏ bớt lá héo, lá già đi, để lá non có thể mọc ra lại.

Thường xuyên tưới nước cho cây, nhất là mùa khô.

Khoảng 15 – 20 ngày sau khi trồng, tiến hành bón thúc cho cây bằng phân hữu cơ, phân bò, phân dê, phân bò, phân trùn quế… Cứ khoảng 1 – 2 tháng tiến hành bón 1 đợt. Mỗi đợt bón phân kết hợp làm cỏ và vun xới cho gốc dâu.

Nhiều nhà vừa trồng lấy quả vừa dùng để làm cảnh

Nếu bạn không muốn cây cao thì nên dùng dao dứt ngang một vài chỗ không cần thiết.

4. Thu hoạch

Khi chín, trái dâu sẽ chuyển từ màu xanh sang vàng, đỏ rồi tím đen. Bạn có thể hái sử dụng khi trái dâu chuyển sang màu đỏ hoặc tím.

Thu hoạch dâu tằm

Nguồn: Baomoi.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Người đưa cây Măng Cụt về đất Gia Nghĩa

Vốn là người miệt vườn miền Tây Nam bộ, ông Trần Quang Đông, hiện là chủ trang trại Gia Ân ở bon Sê Rê Ú, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đã có nhiều kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc cây ăn quả.

Măng cụt

Khi lên địa bàn Đắk Nông khảo sát, tìm quỹ đất để làm ăn, ông nhận thấy khu vực Đắk Nia đất đai màu mỡ, khí hậu tương đối thuận lợi nên quyết định đầu tư trang trại trồng thử nghiệm một số loại cây ăn quả. Sau nhiều năm, ông Đông đã nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây rất phù hợp để phát triển cây măng cụt, một loại cây có giá trị kinh tế tương đối cao trên thị trường. Vậy là ông tự tìm giống và dành phần lớn quỹ đất có được để trồng măng cụt.

Đây là loại cây khá mới ở vùng Gia Nghĩa nên khi thấy ông đầu tư trồng với quy mô lớn, nhiều người còn nói ông đang “chơi một canh bạc” khá mạo hiểm. Tuy nhiên, tin vào nhận định cũng như kinh nghiệm, kỹ thuật của chính mình học hỏi được, ông đã dồn sức thâm canh loại cây này để chờ ngày cho quả ngọt. Đúng như dự tính, cây măng cụt của ông không chỉ phát triển mà khi cho quả chất lượng cũng rất tốt. Theo ông Đông, một số bạn bè đang là chủ các vựa cây ăn quả lớn ở các tỉnh miền Tây khi lên thăm trang trại cũng đều thừa nhận chất lượng quả măng cụt nơi đây rất đặc biệt. Hầu như quả nào cũng có trọng lượng khá chuẩn, da trơn bóng lại rất ngọt và thơm.

Đến nay, chỉ với hơn 8 ha măng cụt 6 năm tuổi, mỗi năm gia đình ông Đông cũng đã thu 60 tấn quả thương phẩm, cho doanh thu hơn 2 tỷ đồng. Theo ông Đông, trồng măng cụt tuy thời gian đầu tư ban đầu là khá dài so với một số loại cây ăn quả khác nhưng đổi lại, thời kỳ ra quả dài và tương đối ổn định, không mất nhiều công cho việc chăm sóc vì gần như chúng phát triển tự nhiên, không bị tỉa cành, chủ yếu thu hái và bón phân định kỳ, theo dõi và xử lý một số loại địch hại. Mặt khác, cây măng cụt chủ yếu nhân giống từ hạt và tỷ lệ thoái hóa rất thấp nên nông dân có thể chủ động về nguồn cây giống cho việc mở rộng diện tích.

Khi nói về thị trường đầu ra, ông Đông cho biết: “Thời gian qua, sản phẩm măng cụt của Trang trại Gia Ân chủ yếu xuất sang thị trường Đà Lạt (Lâm Đồng). So với nhu cầu hiện nay, 8 ha măng cụt của trang trại là chưa thấm tháp vào đâu. Điều đáng nói, vấn đề ở đây không phải là số lượng mà chất lượng quả măng cụt ở Gia Nghĩa rất đặc biệt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, do quy mô loại cây này mới chỉ phát triển nhỏ lẻ, chưa tạo được những vùng chuyên canh nên sản phẩm cung ứng cho thị trường thiếu tính ổn định. Vì thế, ngoài việc xây dựng thương hiệu cho quả măng cụt Gia Nghĩa, cũng như kêu gọi một số hộ dân cùng sở thích trồng loại cây này, tôi cũng mong muốn chính quyền địa phương sớm có quy hoạch, nhân rộng mô hình để măng cụt Gia Nghĩa sớm khẳng định được vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh”.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Tư thương Trung Quốc đến tận nhà gom Mít Thái, trả giá cao chót vót

Với mức giá 43.000 đồng/kg tại vườn, người dân một số tỉnh vùng ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang đang lãi lớn vì đây cũng là mức giá cao nhất trong 5 năm qua. Đặc biệt với mít Thái không hạt, giá có lúc lên tới 60.000 đồng/kg.

Ông Năm có 15 cây mít Thái ở Tiền Giang cho biết, vì chăm sóc khá cẩn thận nên vườn nhà ông cho trái khá đều và ổn định. Đa phần là trái loại một và hai, trung bình 1 cây chỉ có khoảng 2-3 trái loại 3. Riêng trái loại một, thương lái đến thu gom ngay tại vườn với giá mỗi trái lên tới 300.000 đồng.

Nhà vườn xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) chăm sóc mít Thái.

“Nếu giá đỉnh điểm của 2017 có khi lên tới 30.000 đồng/kg thì nay đã nhảy vọt lên 43.000 đồng/kg. Do tư thương thu gom mua mạnh nên không dễ có hàng để bán. 3 năm trước giá bán tại vườn 15.000 đồng là tôi đã có lãi, còn năm nay với mức giá trên thì vụ mít năm nay… siêu lãi. Chỉ với 15 cây mít mà có thể thu về cả trăm triệu”, ông Năm nói.

Cũng có vườn mít Thái lớn, ông Bảy Ẩn, ở huyện Cai Lậy, Tiền Giang cho biết, năm nay nhà ông thu hoạch 5 tấn. Vì là hàng chất lượng đa phần loại 1 và 2 nên bán rất nhanh.

“Tôi bán 43.000 đồng/kg cho trái loại một (trái trên 9kg) và 35.000 đồng/kg cho loại 2 (trái trên 7kg). Đây là năm mà mít Thái có giá cao nhất từ trước tới nay”, ông Bảy Ẩn nói và cho biết, khi mới trồng mít Thái có giá 15.000 đồng/kg cho trái loại một nhưng nay chỉ với hàng dạt ông đã bán được với giá này.

Ông cũng cho biết, năm nay thị trường Trung Quốc thu gom mít Thái với số lượng lớn nên hàng ngon được tuyển đi hết. Mít bán tại chợ hiện đa phần là hàng “dạt”, trái bé, hoặc bị sâu phần đầu.

“Chưa có đầu năm nào thuận lợi như năm nay. Thương lái liên tục đi gom hàng tận nhà và trả với giá cao nhưng không còn hàng để bán. Có ngày có 3-4 người hỏi nhưng vì bán hết cho người hỏi mua đầu tiên nên không còn hàng để bán”, ông Bảy chia sẻ thêm.

Hiện mít Thái loại 1 giá lên tới 43.000 đồng/kg tại vườn, cao nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Tương tự, ông Trần Văn Sáu có 2 công mít Thái siêu sớm ở xã Bình Trưng, huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) cũng cho biết, vườn của ông trồng đã thu hoạch khi cây được 2 – 3 năm. Hiện giờ, vườn ông thu hoạch bình quân mỗi trái nặng từ 8 – 20 kg, sau khi trừ chi phí thu lợi 70 – 80 triệu đồng, cao gấp 3 lần giá đỉnh điểm năm 2017.

Không chỉ ở Tiền Giang, Bến Tre nhà vườn bán được mít với giá cao mà tại Cần Thơ, Hậu Giang cũng lãi lớn với mít Thái sớm năm nay.

Cẩn trọng khi giá mít tăng cao kỉ lục

Khảo sát tại các chợ trên địa bàn TP HCM cho thấy, mít loại 3 cũng được bán với giá khá cao. Chị Hoa, tiểu thương chợ Hòa Bình (quận 5) cho biết, tại chợ đầu mối lượng mít không nhiều đa phần bị sâu đầu nhưng cũng đã có giá trên 20.000 đồng một kg nên khi bán ra có giá 30.000 đồng. Riêng với mít Thái không hạt, giá lên tới 60.000 đồng nhưng cũng chưa phải là loại nhất.

Giá mít Thái tăng cao nên nông dân rất phấn khởi. 

Lý giải cho giá mít tăng cao, hầu hết nhà vườn và thương lái cho biết, vì Trung Quốc thu gom ồ ạt nên lượng hàng khan hiếm. Nếu như những năm trước đây thị trường này chỉ thu mua trái mít đã tách múi, bỏ hạt và đóng vào hộp thì nay họ tăng mua mặt hàng mít nguyên trái. Mặt khác, do hiện chưa phải là chính vụ nên giá cao hơn so với thời kỳ vào mùa.

Theo Sở Nông nghiệp & Nông thôn tỉnh Tiền Giang, giá mít loại một bán tại vườn đang trên 40.000 đồng/kg, còn tại chợ là 60.000 đồng/kg. Đây là mức cao kỷ lục so với 5 năm trở lại đây.

Trước tình hình giá mít tăng đột biến, giúp bà con có lãi cao như hiện nay, người dân một số nơi đang phá bỏ diện tích vườn cây ăn trái để chuyển sang trồng mít. Vì vậy các chuyên gia nông nghiệp cũng lo ngại, nếu diện tích trồng mít tăng với tốc độ nhanh và không có định hướng thì nguy cơ cung vượt cầu. Mặt khác, Trung Quốc ngừng thu mua sẽ khiến giá giảm mạnh.

Thực tế là đã có thời điểm, giá mít Thái sụt giảm chỉ còn từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân ở Châu Thành (Hậu Giang) không bán được mít đã phải bổ ra ném xuống ao cho cá ăn.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cho Bưởi Da Xanh xen Mít Thái ruột vàng, mới thu bói đã ra 300 triệu

Anh anh Đỗ Thanh Toàn, xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) hiện có 7 ha trồng cây ăn trái đặc sản. Trong đó, anh Toàn có 3,5 ha chuyên trồng bưởi da xanh ruột đỏ, 1 ha trồng mít Thái Lan, 2,5 ha trồng mít vàng sấy xen bưởi da xanh. Tuy mới thu trái bói, nhưng diện tích trồng bưởi da xanh xen mít Thái ruột vàng đã mang về cho anh Toàn hơn 300 triệu đồng.

Anh Trần Quốc Hoàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam giới thiệu anh Đỗ Thanh Toàn trồng cây ăn trái đặc sản đạt giá trị kinh tế cao trên vùng đất gò đồi xã Nhị Hà.

Chúng tôi “tận mục sở thị” vườn cây ăn trái đặc sản tỏa bóng xanh mát vùng đất đồi tục danh Láng Dầu ở thôn Nhị Hà 2. Anh Toàn nhiệt tình đưa chúng tôi đi thăm khu vườn ngọt ngào hương thơm mít chín đầu mùa.

Anh Đỗ Thanh Toàn cho biết, mặc dù mới là mùa quả chiến (quả bói), nhưng những cây mít Thái ruột vàng trong trang trại của gia đình đều cho ra những trái đẹp với sản lượng tốt.

Trao đổi với người chủ sở hữu vườn cây ăn trái đặc sản thuộc diện bậc nhất của huyện Thuận Nam, chúng tôi được biết anh từ xã Phước Minh lên xã Nhị Hà khởi nghiệp trồng cây ăn trái từ năm 2004 đến nay. Buổi đầu, anh đầu tư trồng 1 ha mãng cầu theo phương pháp cắt cành cho ra bông trái vụ. Thổ nhưỡng, khí hậu xã Nhị Hà thích hợp với các loại cây ăn trái này, anh liên tiếp thu hoạch những mùa mãng cầu trái vụ cho thu nhập cao. Chỉ với 1 ha mãng cầu qua gần 10 năm thu hoạch 2 vụ/năm, anh Toàn tích lũy trên 1 tỷ đồng.

Anh tiếp tục sang nhượng đất mở rộng diện tích vườn cây ăn trái hiện nay lên 7 ha. Trong đó, có 3,5 ha chuyên trồng bưởi da xanh ruột đỏ, 1 ha trồng mít Thái Lan, 2,5 ha trồng mít vàng sấy xen bưởi da xanh. Anh trồng bưởi da xanh và mít vàng sấy với mật độ 400 cây/ha. Trong vài vụ tới, khi bưởi da xanh giao cành, anh sẽ bỏ gốc mít để cây bưởi thông thoáng hấp thụ tốt dinh dưỡng và ánh sáng. Anh đào 7 ao chứa nước và lắp đặt hệ thống bơm tưới tiết kiệm cho vườn cây canh tác theo hướng an toàn sinh học.

“Từ nguồn hoa lợi của vườn cây trái đặc sản tuy mới cho những mùa trái chiến nhưng đã giúp gia đình tôi có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Trong thời gian tới, khi vườn bưởi da xanh 3,5 ha cho thu hoạch sẽ nâng mức thu nhập cao gấp nhiều lần so với hiện nay”, anh Đỗ Thanh Toàn.
Bóc vỏ trái bưởi da xanh ruột đỏ đầu mùa mời khách thưởng thức, anh Đỗ Thanh Toàn phấn khởi, chia sẻ: Bưởi da xanh trồng trên đất Nhị Hà ruột chín có màu hồng tươi, hương thơm, vị ngọt thanh, không hạt. Do mới trồng từ năm 2012 tới nay nên tôi mới thu hoạch trái chiến trên diện tích 2,5 ha trồng xen với mít ruột vàng. Thương lái đến tận vườn thu mua bưởi da xanh với giá 35-40 ngàn đồng/kg.

Anh Toàn cho biết thêm, có lẽ chưa có loại cây nào trồng trên đất Nhị Hà cho thu nhập cao như bưởi da xanh ruột đỏ. Riêng vườn mít Thái Lan rộng 1 ha đã bước vào năm thu hoạch thứ ba, chất lượng thơm ngon được người tiêu dùng trong tỉnh ưa chuộng. Tôi bán sỉ cho bạn hàng ở Phú Quý thu mua với giá 15 ngàn đồng/kg, cao hơn 3 ngàn đồng so với mít cùng loại trồng ở các tỉnh phía Nam đưa ra tiêu thụ tại thị trường Ninh Thuận.

Anh Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhị Hà nhận xét: Anh Đỗ Thanh Toàn là nông dân đầu tiên đưa cây bưởi da xanh ruột đỏ và mít Thái Lan về trồng trên vùng đất gò đồi thôn Nhị Hà 2 cho hiệu quả kinh tế cao. Anh nêu cao ý chí vượt khó vươn lên làm giàu nhờ trồng các loài cây đặc sản. Vườn cây ăn trái của gia đình anh được nông dân địa phương học tập kinh nghiệm thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao.

Vườn bưởi da xanh ruột đỏ, mít Thái Lan của gia đình anh Toàn trở thành điểm đến của nông dân địa phương tham quan, học tập kinh nghiệm chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện.

Nguồn: Báo Ninh Thuận tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Chăm sóc Mai sau tết

Ngày tết nhiều gia đình ở miền Nam thường chưng cây mai vàng với ý nghĩa mang may mắn vào nhà. Tuy nhiên, sau tết không phải ai cũng quan tâm đến việc chăm sóc cây mai nhà mình.

Theo các nghệ nhân chuyên trồng mai thì việc chăm sóc cây sau tết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của mai và quyết định cho việc ra hoa vào mùa tết năm sau. Do đó, thời điểm này, nhiều nhà vườn trồng mai đang tất bật chăm sóc cây.

Với gần 30 năm gắn bó với cây mai vàng, anh Nguyễn Văn Điền ở khóm Tân Hiệp, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đã sưu tầm và sở hữu trên 100 gốc mai lớn nhỏ, trong đó có nhiều cây có tuổi đời cả trăm năm tuổi.

Dịp tết vừa qua, đa số các gốc mai trong vườn nhà anh đều cho hoa nở đều cây. Bí quyết giúp anh có được những gốc mai ra đẹp như thế là do biết cách chăm sóc theo từng thời điểm phát triển của cây.

Anh Điền chia sẻ: “Đầu mùng 7 là mình cắt dài tới 15 – 20 âm lịch, ráng cắt hết những nụ đã nở, chưa nở và còn nhỏ, cắt bỏ hết đừng tiếc để năm sau cho bộ hoa đẹp hơn và có hoa nhiều hơn”.

Hiện nay, một số người dân sau khi mua mai về chưng tết thường tiếc không cắt hoa, để cho hoa tàn hết rồi tự rụng nhưng theo kinh nghiệm của nhiều người trồng lâu năm thì đây chính là nguyên nhân khiến cây bị mất sức, ảnh hưởng quá trình sinh trưởng cho cả năm sau.

Anh Nguyễn Văn Điền ở khóm Tân Hiệp, phường Tân Quy Đông khuyến cáo: “Qua tết mà không cắt nụ thì sẽ làm cho cây mai “mất sức”, vì phải nuôi hạt của đài hoa, nuôi càng nhiều thì cây dốc sức càng nhiều. Mình không có phân bón, không rút cành làm cho ánh nắng không chiếu được vô thân, vô nhánh cây dễ bị nấm bệnh…”.

Cũng theo các nghệ nhân thì việc chăm sóc mai sau tết đòi hỏi phải công phu, người trồng phải có sự nghiên cứu bởi cây mai đang trồng ngoài trời và cây mai chưng trong nhà đều có cách chăm sóc khác nhau. Trong đó, cây mai chưng trong nhà đòi hỏi phải đầu tư chăm sóc nhiều hơn.

“Cây trong nhà nên đưa ra ngoài từ từ cho nó quen ánh nắng chứ đừng cho ra đột ngột, vì trong thời gian chưng trong nhà cây không có ánh nắng quang hợp, bộ lá mỏng. Nếu đem ra đột ngột quá nó sẽ sốc, dễ cháy lá. Nên đem ra từ từ ngoài bóng râm khoảng 1 tuần để bộ lá hơi dầy mới đưa ra nắng”, anh Điền chia sẻ thêm.

Ngoài việc cắt nụ hoa sau tết thì khâu thâu tàn cho cây cũng là yếu tố quan trọng bởi khi thâu tàn sẽ tạo ra thêm nhiều nhánh mới, giúp cây có thêm nhiều chồi và nụ cho đợt tết năm sau. Bên cạnh đó, khâu bón phân cũng là yếu tố quan trọng mà các nghệ nhân khuyến cáo nên thực hiện từ đầu đến giữa tháng 2 khi lá đã ra đầy đủ và chỉ bón với một lượng vừa đủ. Không nên bón nhiều bởi rễ cây chưa hoạt động mạnh. Nếu bón quá nhiều nhiều phân có thể làm cây bị chết.

Ngoài các khâu trên thì việc thay chậu cho cây chỉ nên thực hiện vào khoảng thời gian từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4 âm lịch khi đó bộ rễ cây đã cứng cáp, cây sẽ không bị chết.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật xử lý Măng Cụt ra hoa theo ý muốn

Măng cụt được trồng chủ yếu ở Nam bộ, trong đó đồng bằng sông Cửu Long hiện có hơn 5.000 ha, sản lượng khoảng 4.500 tấn, trong đó có 1/3 diện tích đang cho trái. Bến Tre hiện có gần 4.500 ha, là tỉnh đã công bố chính thức chọn măng cụt là cây trồng chủ lực để đầu tư phát triển theo hướng thâm canh.

Đặc sản măng cụt

Măng cụt là loại cây đặc sản, đã từng “làm mưa làm gió” trên thị trường trái cây cao cấp. Giá măng cụt lúc nào cũng cao. Đám cưới mà có mâm măng cụt là thuộc loại sang. Măng cụt được gọi là “nữ hoàng” của cây ăn trái là vậy. Chủ cơ sở cây giống Duy Hiền, cũng là người trồng để nhân giống tại xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre, nói về vườn cây của mình, cũng có bao thăng trầm. Để có trái măng cụt đến tay người tiêu dùng nhà vườn phải bỏ ra không ít công sức.

Trồng măng cụt

Đối với cây măng cụt, việc chuẩn bị đất cũng giống như các loại cây ăn trái khác, nhưng khoảng cách trồng phải từ 7-10 m, vì tàn lá lớn và cây sống lâu năm. Nếu trồng xen với dừa, thì nên trồng khoảng giữa 4 cây dừa là tốt nhất.

Khi trồng nên cắt bớt lá, nên trồng vào đầu mùa mưa. Có thể trồng xen với chuối, dừa để che mát. Muốn trồng thuần măng cụt, lúc đầu khi cây còn nhỏ nên xen những cây ngắn ngày để có thu nhập.

Rễ măng cụt tiếp xúc với đất kém, nên cần tưới và chăm sóc thường xuyên. Cây bị ngập nước dễ chết, cho nên cần thoát nước tốt vào mùa mưa.

Cây măng cụt rất ưa phân chuồng. Bón đạm để giúp cây tăng trưởng nhanh. Kinh nghiệm của những nhà vườn chuyên canh: Trong năm đầu có thể bón từ 50 gam đến 100 gam phân SA/cây hoặc 20-40 gam urê/cây vào một tháng sau khi trồng và từ 50-100 gam SA, hoặc 20-40 gam urê vào sáu tháng sau. Từ năm thứ hai sau khi trồng nên tăng dần lượng phân theo giai đoạn tăng trưởng. Khi cây bắt đầu cho trái, bón 500 gam phân NPK 20-20-15 một cây vào đầu và cuối mùa mưa. Lượng phân tăng khi cây lớn sẽ cho nhiều trái.

Cây trưởng thành có thể bón từ 2 kg NPK/năm. Những người có kinh nghiệm có thể bón 1,5 kg DAP/gốc vào cuối mùa mưa, kết hợp bồi sình rải lá và cỏ mục để cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây.

Lúc đầu cắt bỏ cành yếu, nhưng cây cao từ 8 đến 10m thì cắt ngọn để giảm chiều cao, tạo tán ngang giúp cây cho trái nhiều.

Bệnh của cây măng cụt thường là sâu ăn lá, rệp dính hoặc nhện đỏ, bọ xích làm cây kiệt sức, bệnh đóm rong, chảy nhựa vàng. Các loại bệnh này đều có thuốc trị, chỉ cần nhà vườn lưu ý sẽ khỏi.

Thu hoạch trái đã chuyển màu đỏ là thuận lợi, vì có thể bảo quản được từ 7-10 ngày.

Quả măng cụt chín

Hiện tại theo dự án của Bến Tre diện tích măng cụt của tỉnh đã lên tới 4.500 ha, trong đó 200 ha đang trong thời kỳ cho trái năng suất cao.

Hạn chế của trái măng cụt là trái bị sượng. Cách tốt nhất là thu hoạch trước mùa mưa. Đặc tính của măng cụt là ra hoa trên đầu cành đọt mới nên việc cho măng cụt ra hoa sớm, trước hết phải làm cho cây ra đọt non sớm và đồng loạt.

Xử lý cho trái nghịch vụ

Để cho mùa sau ra trái sớm và chất lượng, sau thu hoạch mùa trước cần làm mấy việc sau: Thứ nhất, bón 3 kg phân đầu trâu AT1 + 30 kg phân ủ hoai + 50 gam RICHO-MS/cây có tán 6-8 mét, tưới nước đều. Thứ hai là tỉa bỏ cành vượt, cành cấp một vượt ra khỏi khung tán và cắt bỏ những cặp lá đầu cành trên toàn bộ tán lá. Làm hai việc này càng nhanh càng tốt.

Hai tuần sau, dùng MS-THIORÊ hoặc FOOD-MS1 phun sương ướt đều tán cây. Sau hai đến ba lần phun, cây sẽ nhú đọt đồng loạt. Khi đọt non nhú được 01 tuần, dùng FOOD-MS1 phun hai lần, 10 ngày một lần nữa, giúp đọt lá phát triển mạnh chuẩn bị ra hoa.

Xử lý ra hoa cũng đòi hỏi trình độ. Vì tạo được đọt non phát triển chưa hẳn là ra hoa. Khi đọt non được 05 tuần tuổi, bón 02 kg phân đầu trâu AT2 + 02 kg HUMICH/cây. Muốn có hiệu quả nhanh, thì dùng 100 gam MS hòa nước xịt đều trên cây. Một tuần sau dùng FOOD-MS2 hoặc F-PO phun sương cho ướt đều hai mặt lá cây hai lần, cách nhau 07 ngày/lần. Làm vào đầu tháng 10 âm lịch để thu hoạch đầu tháng 04 năm sau.

Có hai cách bắt cây ra hoa sớm và đồng loạt: Thứ nhất, khi đọt non 09 tuần thì siết nước (tạo khô hạn, rút nước trong mương và phủ nylon trên mặt liếp. Khoảng 2-4 tuần thấy lá non có biểu hiện héo thì tưới thật nhiều, 5-7 ngày sau tưới lần nữa để mặt liếp đủ ẩm. Thứ hai, là khất gốc (khoanh vỏ). Cách làm này chỉ áp dụng cho những vườn khó tạo khô hạn, thì khi đọt được 9-10 tuần tuổi, khoảng ngày 15 tháng 10 (âm lịch), tiến hành khất gốc xung quanh thân. Chỉ khất phần vỏ, không được chạm vào gỗ trong thân, vết khất cách mặt đất khoảng 1 mét.

Sau khi lá tươi trở lại hoặc khấc gốc 2 hoặc 3 ngày là cho cây ra hoa đồng loạt bằng cách dùng thuốc kích thích ra hoa C.A.T + FOOD-MS2 phun sương đều hai mặt lá cây một lần. Khoảng 10-20 ngày sau khi tưới nước lại và phun thuốc, cây sẽ nhú chồi hoa. Từ khi hoa nhú đến hoa nở khoảng 30-45 ngày. Muốn đậu trái tốt, nên phun hai lần thuốc đậu trái C.A.T hoặc HCR cách nhau 10 ngày một lần.

Nuôi trái cũng là vấn đề quan trọng. Khi trái đậu hai tuần, bón 02 kg phân đầu trâu AT3 + 02 kg HUMICH/cây, chia làm hai lần. Muốn cho cung cấp nhanh dinh dưỡng nuôi trái thì bón 400 gam MS hòa với 04 lít nước xịt cho một cây. Đồng thời, dùng HCR phun hai lần, 07 ngày/lần. Sau đó dùng thuốc dưỡng trái + FOOD-MS4 phun 3-4 lần, 10 ngày một lần giúp cho trái to, chắc, ngon ngọt và hạn chế hiện tượng xì mủ, sượng

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.