Nông dân làm giàu: Trồng mận quả xanh lét, ăn ngọt như đường, lãi 300 triệu/năm

Mấy năm nay, ông Nguyễn Văn Quyên, 50 tuổi, ngụ khóm Đông Bình, phường Đông Thuận, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long ăn nên làm ra bởi giống mận xanh đường. Vườn mận nhà ông Quyên đeo từng chùm quả xanh lét, nhưng ăn giòn, ngọt như đường. Chỉ với 7 công trồng mận xanh đường, ông Quyên lãi 300 triệu đồng/năm…

Ông Nguyễn Văn Quyên giới thiệu về vườn mận xanh đường đang mang lại thu nhập rất tốt cho gia đình

Phải khá vất vả chúng tôi mới “chui tọt” được vào khu vườn mận xanh đường rộng 7.000 mét vuông (7 công đất) đã cho trái hàng chục năm qua được bao phủ rất kín đáo bằng những tấm lưới bên trên như một chiếc mùng khổng lồ. Chủ nhân khu vườn “ độc” và “ lạ” ấy là nông dân sản xuất giỏi tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Quyên.

Ông kể về cơ duyên đến với loại trái cây này : “Trong một dịp tình cờ phát hiện loại mận xanh đường tại địa phương 20 năm trước, tôi đã mang về trồng thử nghiệm tại vườn nhà. Kết quả thật bất ngờ, mận xanh đường có chất lượng ngon, ngọt, màu sắc xanh tự nhiên; sản lượng rất cao và có thể cho trái quanh năm. Trông trái mận xanh lét vậy chớ ăn giòn và ngọt như đường. Vậy nên dân địa phương gọi là mận xanh đường đó anh…”.

Sau nhiều năm trồng giống mận xanh đường, ông Nguyễn Văn Quyên mới nghiệm ra rằng, năng suất, sản lượng của giống mận này so với các giống mận khác; giá bán mận quả cũng cao hơn từ 10-15%. Điều đặc biệt, thương lái rất khoái thu mua mận xanh đường nhà ông Quyên. Chính vì điều này, ông Quyên đã phá bỏ 7 công đất trồng hoa huệ trắng để chuyển sang trồng giống mận xanh đường. Mỗi năm ông Quyên thu hoạch 3 vụ mận xanh đường với sản lượng từ 55-60 tấn trái, trừ hết các khoản chi phí chăm bón, ông Quyên lãi hơn 300 triệu đồng.

Mận xanh

Ông Quyên chia xẻ kinh nghiệm trồng giống mận xanh đường: “Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật thì bình quân 1 cây mận xanh đường sẽ cho từ 120-130 ký trái mỗi vụ (một năm thu hoạch 3 vụ); mỗi ký có từ 10-12 trái tùy theo mùa thuận hay nghịch. Mùa thuận từ tháng 10 năm nay đến tháng 4 âm lịch năm sau; thời gian còn lại là mùa nghịch. Về sản lượng thì mùa nghịch mận xanh đường kém hơn khoảng 30 % so với mùa thuận nhưng bù lại giá bán cao hơn rất nhiều. Điều đặc biệt, với loại mận xanh đường bón rất ít phấn. Chỉ dùng phân NPK với số lượng rất ít và sau khi bao trái thì không bón bất kỳ loại phân nào khác nữa…”.

Tiếng lành đồn xa, thấy vườn mận xanh đường của gia đình ông Quyên không chỉ đẹp mà còn cho lợi nhuận khá, hàng trăm hộ dân trong vùng đã đến thăm quan, học tập kinh nghiệm, kỹ thuật, kỹ năng chăm sóc giống mận này từ ông Quyên. Từ vài công đất “làm theo” ban đầu, đến nay diện tích trồng mận xanh đường ở phường Đông Thuận đã vượt qua con số 50 ha.

Ông Trần Văn Hải, ngụ khóm Đông Bình, phường Đông Thuận vui vẻ kể : “Từ khi chuyển 5 công đất từ trồng nhãn tiêu da bò sang trồng giống mận xanh đường, mức lợi nhuận tăng rất nhiều lại tránh được cảnh trúng mùa rớt giá, trúng giá thất mùa. Với giá bán từ 15-17.000 đồng/ký mận xanh đường, bình quân mỗi công đất tui có lời từ 30-35 triệu đồng mỗi năm. Nhờ mận xanh đường mà tui mới cất cái nhà 800 triệu đồng, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, công cụ sản xuất…”.

Mặc dù là giống mận mới, nhưng những năm gần đây, người trồng cũng đã phát hiện nhiều sâu rầy, dịch bệnh tấn công mận xanh đường. Để đối phó với sâu rầy ăn hoa, trái mận xanh đường, ông Quyên đã nghĩ ra cách bảo vệ  bằng phương thức bao trái bằng bao ni lông và đã mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên cách làm này đòi hỏi nhiều nhân công thực hiện khâu bao từng trái mận. Với giá thuê bao trái hiện nay là 120.000 đồng/ người/ ngày, ông Quyên vẫn phải thuê.

Ông Quyên bao từng trái mận xanh đường để chống sâu, bọ đục trái, làm cho trái mận có mã đẹp, hút hàng

“Tiền thuê nhân công bao trái mận xanh đường làm đội chi phí sản xuất lên, nhưng tóm lại người trồng vẫn có lời khá, trái mận được bao cũng đẹp mã, hút hàng, người địa phương lại có công việc để làm, có thêm thu nhập…”, ông Nguyễn Văn Quyên bày tỏ. Ông Nguyễn Chí Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân phường Đông Thuận phấn khởi nói: “Mô hình trồng giống mận xanh đường của ông Quyên rất thành công tại địa phương và được các ngành tỉnh Vĩnh Long nêu điển hình, phổ biến cho những hộ dân có điều kiện cùng trồng….”.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Quyên lại tiếp tục thử nghiệm cách làm mới “ Trồng mận xanh đường trong mùng lưới” kết hợp với việc bao từng trái bước đầu cho kết quả rất khả quan. Ông Quyên dùng lưới mùng bao phủ vườn mận quanh năm từ ngọn đến gốc. Lưới nầy được bao trên các đọt mận mà không phải dùng bất kỳ cây chống đỡ nào. Rồi ông Quyên lại nghĩ ra cách trồng xen canh mận xanh đường với nhãn Ido, cam xoàn, bưởi da xanh. “Xen giữa các gốc mận, tui trồng 100 cây nhãn Ido, 400 cây cam xoàn và 400 cây bưởi da xanh. Nhãn thì cho trái rồi, còn cam xoàn và bưởi da xanh sang năm 2019 sẽ cho trái…”.

Lại một lần nữa, cách trồng xen mận xanh đường với 1 số cây ăn trái khác của ông Quyên đã và đang được nhiều người dân ở khóm Đông Bình hưởng ứng, làm theo…Ông Nguyễn Văn Quyên chia xẻ kinh nghiệm : “Dùng mùng lưới bao phủ giúp bảo vệ cây mận tốt hơn, giảm cường độ nắng. Trái mận xanh đường vẫn dòn, ngon ngọt và to đẹp…”.

Theo danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Đặc điểm sinh học cây mận

Mận là một trong các loại quả được ưa chuộng rộng rãi, có giá trị kinh tế khá. Mấy năm gần đây, diện tích trồng mận ở nước ta tăng nhanh, nhất là ở các tỉnh miền núi.

Quả mận căng mọng đầy hấp dẫn

Cây mận ưa thích khí hậu mát và lạnh. Những giống mận ngon như mận Hậu, mận Tam hoa là những giống có giá trị hàng hoá của nước ta, được trồng tập trung ở những vùng núi cao của các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn… Tuy nhiên ở vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ cũng trồng một số giống mận, song phần nhiều là các giống kém phẩm chất, ít được ưa chuộng như mận đắng, mận chua, mận thép…

Đối với giống mận ngon, trong một kg thịt quả có: 39g Gluxit; 6g Protit; 13 Axit; 280mg Canxi; 200mg p, 1mg Caroten và 30mg Vitamin C, đồng thời còn có các Vitamin B1, B2 và PP. Quả mận dùng để ăn tươi hoặc chế biến thành rượu, nước ngọt hoặc sấy khô; mận khô để được lâu và có tác dụng giải khát, kích thích thần kinh…

Tuỳ thuộc vào cách nhân giống và chăm sóc, sau khi trồng 3 – 4 năm cây mận đã bắt đầu cho thu quả và từ 8 – 10 năm tuổi, mỗi cây có thể cho 60 – 70kg quả, nếu chăm sóc tốt thì tố đa có thể đạt tới 200kg. Tuổi thọ của cây mận, nếu không có biến động bất thường, có thể kéo dài tới 25 – 30 năm. Mặc dù các khâu chế biến, tiêu thụ đối với cây ăn quả – trong đó có cây mận – chưa coi là cây xoá đói giảm nghèo nhưng cũng đã giúp cho nhiều gia đình nông dân tăng thu nhập một cách đáng kể. Ngoài ra, trồng mận còn góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cải thiện môi sinh, tăng độ che phủ và giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục vạn lao động ở vùng trung du và miền núi.

Đặc điểm thực vật học Gây mận là cây thân gỗ, phân cành thấp và nhiều, tán xoè rộng 2 – 2,5m. Rễ mận ăn không sâu mà tập trung ở tầng đất từ 20 – 40cm và lan rộng hơn đường chiếu của tán cây, có khi gấp đôi. Đặc điểm của rễ mận là có sức nảy chồi rất mạnh, cho nên thường thấy các mầm bất định mọc từ rễ xung quanh gốc, tạo thành các cây mận con. Lợi dụng đặc điểm này, người ta bấm rễ tạo cây con để trồng mới. Cây ra lộc mỗi năm 2 – 3 đợt vào vụ xuân, vụ hè và vụ thu. Lá mận rụng về mùa đông làm cho cây bị trơ cành.

Chồi lá phát sinh ở ngọn cành và từ nách lá mọc cả chồi lá và chồi hoa.Cây mận ra hoa trong tháng 2 – 3 dương lịch và quả phát triển tới tháng 4 – 5 thì chín. Hoa mận thuộc loại tự thụ phấn, khó đậu quả. Vì vậy, người ta thường trồng xen các giống mận khác nhau trong một vườn đồng thời chăn thả ong để tăng cường khả năng thụ phấn cho hoa.

Sau khi thu hái quả thì chồi ngọn của cành quả năm trước vươn dài thành cành quả mới và kéo dài liên tục trong 4 – 5 năm liền.

Cây mận sinh trưởng phù hợp ở nhiệt độ bình quân hàng năm là 22 – 24°C. Nếu nhiệt độ tuyệt đối cao hơn 35°C thì ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng, và phát triển của mận. Ở nhiệt độ 0ºC, cây mận vẫn chịu đựng được. Do bộ dễ của mận ăn nông, cho nên độ ẩm trong đất và không khí phải cao mới đáp ứng được yêu cầu của cây mận. Lượng mưa thích hợp cho cây mận là 1.600 — 1.700 mm/năm.

Cây mận sinh trưởng phù hợp ở nhiệt độ bình quân hàng năm là 22 – 24°C

Tuy nhiên ở Sapa có lượng mưa hàng năm tới 2.800mm, cây mận vẫn cho nhiều quả. Đối với ánh sáng thì cây mận yêu cầu vừa phải, tức là ở nơi có độ cạo so với mặt biển tới 2.000m vẫn trồng được mận. Khi cây mận nở hoa và nuôi cỏ non thì cần có ánh nắng vừa phải. Có thể trồng mận ở nhiều loại đất của miền núi với yêu cầu đất phải có độ sâu trên dưới lm, tơi xốp và giữ ẩm nhưng dễ tiêu thoát nước khi mưa to liên tục.

Các loại đất như dốc tụ, đất rừng mới khai hoang, phù sa cổ, đất bồi ven sông, suối, đất Feralit đỏ vàng đều phù hợp cho việc trồng mận. Độ pH từ 5,5 – 6,5 thích hợp cho cây mận. Đất có độ mùn từ 2,5% trở lên là điều kiện tốt để cây mận cho nhiều quả. Cây mận cần nơi khuất gió, cho nên những vùng có gió mạnh phải trồng các đai rừng phòng hộ

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

4.000ha mận hậu Sơn La quả to nhờ kỹ thuật tỉa cành

Những cây mận hậu cổ thụ trước kia nay chỉ cao ngang đầu người, tỉa bớt cành để chất dinh dưỡng tập trung nuôi quả.

Mận hậu ngọt giòn là đặc sản nổi tiếng của cao nguyên Mộc Châu

Sơn La hiện có 4.000ha mận, tập trung chủ yếu ở cao nguyên Mộc Châu, tổng sản lượng đạt hơn 40.000 tấn mỗi năm. Mận hậu Sơn La nổi tiếng to ngon, đỏ mọng, ngọt giòn nhờ khí hậu và thổ nhưỡng ưu đãi. Ngoài ra, nông dân còn sử dụng kỹ thuật chăm bón và tỉa cành khoa học để tăng kích thước quả.

Để giúp mận hậu phát triển tốt, người trồng bón lót phân NPK và phân hữu cơ quanh gốc cây, vừa giúp cây cân bằng dinh dưỡng, vừa làm đất tơi xốp. Đến tháng 10, cây được bón vôi để phòng trừ sâu bệnh. Tháng 11 thì bắt đầu tỉa cành để lá quang hợp tốt hơn, chất dinh dưỡng trong cây tập trung nuôi quả.

Nhờ áp dụng kỹ thuật trồng và cắt tỉa nên tán cây mận hậu ngày nay xum xuê, thân cây chỉ vừa tầm của người hái. Khi mận ra quả, nông dân sẽ tiếp tục tỉa cành và trái. Công đoạn cuối cùng này giúp quả đạt kích cỡ lớn, hình thức đẹp.

Cuối tháng 3 năm sau, quả mận phát triển to hơn đầu ngón tay, vỏ xanh bao phủ lớp phấn mỏng, vị chua rôn rốt. Đến tháng 5-6, mận bắt đầu chín rộ, cả cao nguyên Mộc Châu bước vào giai đoạn thu hoạch. Khắp các sườn đồi hay trên vách đá cao nguyên, đâu đâu cũng bắt gặp trái mận hậu sai trĩu cành.

Mận hậu chín có màu đỏ tím, quả tròn đều, căng mọng. Sau khi thu hái, mận được tập kết và theo chân các thương lái về xuôi. Loại trái cây này giàu vitamin C, B2, B1… có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, kích thích tiêu hóa, lại có hương vị thơm ngon nên được thị trường ưa thích. Ngoài ăn trực tiếp, có thể làm món dầm chua ngọt, mứt, nước ép…

Thu hoạch mận

Tại tổ hợp tác sản xuất và tiêu dùng mận an toàn Mộc Châu (tiểu khu Pa Khen 1, thị trấn nông trường Mộc Châu), mận hậu được trồng theo quy trình VietGAP và quản lý theo chuỗi từ công đoạn trồng cho tới chăm sóc, thu hái, đóng thùng… Sản phẩm được dám tem điện tử thông minh để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mận cho năng suất cao nhất

Mận là cây ăn trái được ưa thích vào mùa hè và được trồng nhiều ở nước ta. Vì vậy, mọi người cần nắm vững kỹ thuật trồng cây mận để cho năng suất cao nhất, thu được nhiều lợi nhuận.

Trồng mận đúng cách không những cho năng suất mà còn cho cả về chất lượng quả

Mận là giống cây ăn trái được trồng nhiều nơi trên thế giới. Hoa, lá có mùi hương thơm dễ chịu. Nếu được trồng chăm sóc đúng qui trình kỹ thuật trồng cây mận sẽ cho hoa trái theo ý muốn, bán được giá cao nên có thể xem là cây xóa đói giảm nghèo cho một số bà con nông dân.

Mật độ, khoảng cách

Khoảng cách trồng 5m hoặc 5 x 4m (400-500 cây/ha). Đất xấu trồng mau, đất tốt trồng thưa hơn. Ghép lên gốc đào, cây mọc khỏe tán to, cũng trồng thưa hơn khi ghép lên gốc mận.

Bổ hốc, đánh cây

Bổ hốc theo kỹ thuật thông thường và nên bổ sớm cho đất ải. Mận cũng như hồng là một cây rụng lá nên thời gian trồng thuận tiện nhất là tháng 12, 1 khi cây nghỉ Đông. Thời kỳ này có thể trồng rễ trần nghĩa là đánh cây lên, rũ hết đất.

Nếu có đất bùn ao tốt nhúng vào rễ bùn sau đó bó từng bó 10, 20 cây sau vài ngày trồng vẫn có thể sống 100%. Muốn trồng sống vào bất cứ thời gian nào trong năm nên ương cây trong bầu bọc polyetylen, 6 – 10kg đất, ghép khi cây còn ở bầu, bóc vỏ bỏ polyetylen khi trồng.

Cách trồng

Móc một hốc nhỏ ở giữa vị trí trồng. Rọc đáy túi đựng bầu. Đặt cây vào vị trí, và rọc một đường từ trên xuống để lấy túi đựng bầu ra. Lấp đất giữ chặt cây. Cắm cọc cố định cây (cột cây bằng dây nilon).

Kỹ thuật chăm sóc

Giữ ẩm: Sử dụng các vật liệu dễ tìm như rơm rạ, cỏ khô … đậy phủ xung quanh gốc để giữ ẩm. Tưới tiêu: Cung cấp nước cho cây thường xuyên nhất là ở thời kỳ mới trồng, và khô hạn kéo dài. Cây chuẩn bị ra hoa, cần giữ cho gốc cây khô ráo. Thời kỳ mang trái, cây rất cần nước để nuôi trái.

Cần phải bón phân, tưới nước, tỉa cành đúng thời điểm

Bón phân

Cần tham khảo thêm tài liệu và kinh nghiệm bón phân trong điều kiện canh tác thực tế. Phân hữu cơ: Hàng năm nên bón cho cây 5 – 10kg.

Phân hóa học: Năm thứ nhất: Bón cho cây khoảng 500 gram phân NPK 16-16-8. Chia ra 4 – 5 lần bón trong năm.

Năm thứ hai: Bón gấp đôi lượng phân năm thứ nhất, chia ra 3 – 4 lần bón. Thời kỳ cho hoa trái: Bón 1,5 – 3kg phân NPK 20-20-15, chia ra làm nhiều lần bón. Thu hoạch xong có thể bón tiếp cho cây 0,5 – 1 kg phân NPK 20-20-15 cho cây nhanh chóng phục hồi.

Trừ sâu bệnh

Trên núi cao, với điều kiện khí hậu thích hợp, nhất là về nhiệt, cây mận mọc khỏe, không có sâu bệnh đáng kể. Ở đây trồng giống mận chua, chống sâu sâu bệnh cũng khỏe, nên ít khi người ta bắt sâu phun thuốc. Nếu chăm bón tốt và nếu lại trồng những giống mận ngon quả to, sâu bệnh vẫn nguy hiểm.

Thu hoạch

Mùa mận chín là tháng 5 – 6 ở đồng bằng, 7 – 8 ở miền núi. Xác định độ chín căn cứ vào màu sắc quả. Vị trí chuyển màu trước tiên là vết lõm ở đuôi quả nơi xa cuống nhất. Màu xanh nhạt dần chuyển sang vàng nhạt rồi vàng sẫm, đỏ hoặc tía tùy giống.

Những quả mận căng mọng đầy sức hấp dẫn

Hái xanh hai chín căn cứ vào mục đích sử dụng. Nếu để ăn tươi thì người ta hái sớm, nhiều ít tùy theo nơi sử dụng xa hay gần nơi sản xuất vì quả càng chín càng nhũn khó vận chuyển, và càng phải mang đi xa càng phải hái sớm khi mận còn hơi xanh.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Hòa Bình mở rộng diện tích trồng cây có múi

Với lợi thế về điều kiện tiểu khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, thời gian gần đây, diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ngày càng tăng, bước đầu hình thành những vùng sản xuất mang tính hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác của người dân.

Hòa Bình thúc đẩy phát triển cây có múi

“Thủ phủ” cam Cao Phong

Có thể nói, thời gian gần đây, cây có múi, nhất là cây cam đã và đang khẳng định được thương hiệu, hiệu quả trên đồng đất Hòa Bình. Trong đó, huyện Cao Phong được biết đến là một trong những “thủ phủ” cam ở các tỉnh phía bắc. Riêng năm 2016, sản lượng cam đạt hơn 23.000 tấn, bình quân mỗi héc-ta cho thu hoạch khoảng 25 đến 30 tấn quả, với giá bán từ 25 nghìn đến 30 nghìn đồng/kg người dân thu lãi từ 400 đến 600 triệu đồng/ha.

Là một trong những gia đình trồng cam lâu năm và có kinh nghiệm sản xuất, hiện nay, gia đình anh Nguyễn Đức Thủy (khu 3 thị trấn Cao Phong) nổi tiếng là một trong những tỷ phú nhờ trồng cam. Anh Thủy chia sẻ: “Gia đình tôi trồng cam từ năm 1996, đến nay, đang trồng 10 ha cam, trong đó có 7 ha ở thời kỳ thu hoạch, còn lại 3 ha chuẩn bị cho quả. Vụ cam năm 2016, với 7 ha, gia đình thu khoảng 210 tấn quả, bình quân thu khoảng 780 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu về 500 triệu đồng/ha”.

Cũng như nhiều hộ khác, anh Bùi Văn Đồng ở thị trấn Cao Phong, đang mở rộng diện tích trồng cam sau một thời gian canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Đồng cho biết: “Trước đây, gia đình chỉ trồng 1 ha cam, sau một thời gian thấy hiệu quả, nên đã thuê thêm 2 ha để trồng. Hiện nay, 2 ha cam đã bước vào năm thứ 5 và cho bói năm trước được hai tấn quả. Dự kiến năm nay, 2 ha cam sẽ thu khoảng 20 tấn, với giá bán như hiện nay, chắc chắn sẽ thu lãi hàng trăm triệu đồng”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình Vương Đắc Hùng cho biết, đến nay diện tích cây có múi trên địa bàn khoảng 6.300 ha, trong đó, diện tích cam là 3.600 ha, bưởi 2.700 ha. Đặc biệt, cây cam hiện có mặt ở hầu khắp các huyện, nhưng chủ yếu vẫn tập trung nhiều nhất ở Cao Phong. Qua thống kê, bình quân mỗi héc-ta cam đạt năng suất 30 tấn quả, thu nhập từ 650 đến 700 triệu đồng/ha. Ngoài ra, hiện nay cây bưởi, chủ lực là cây bưởi đỏ cũng đang phát triển mạnh ở huyện Tân Lạc, với thu nhập từ 400 đến 450 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, có những gia đình trồng bưởi đỏ hơn 10 năm, có cây cho thu hoạch khoảng 700 đến 800 quả, giá bán 25.000 đồng/quả, bình quân thu nhập hơn 18 triệu đồng/cây. Ngoài ra, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 117 ha cây ăn quả được cấp chứng nhận VietGAP.

Nhằm phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, tạo sản phẩm mang tính hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ phát triển, trong đó chú trọng các loại cây ăn quả chủ lực. Đặc biệt, tỉnh triển khai hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hiện nay, sản xuất cây ăn quả trên địa bàn đã hình thành các vùng sản xuất tập trung có giá trị kinh tế cao ở các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Sơn… Từ các vùng sản xuất tập trung hình thành các hình thức liên kết sản xuất hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, nhằm mục đích trao đổi kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất.

Đẩy mạnh tiêu thụ

Điều đáng mừng là hiện nay cây cam, bưởi trên địa bàn Hòa Bình đang được tiêu thụ tốt do nhu cầu thị trường ngày càng tăng. Tuy nhiên, về lâu dài cây cam cần có giải pháp thúc đẩy chế biến tại chỗ cũng như tìm hướng xuất khẩu, tránh trường hợp phát triển nhiều sẽ gây bão hòa, cung nhiều hơn cầu gây khó khăn cho tiêu thụ.

Cũng như cam, mặc dù diện tích bưởi đỏ trên địa bàn đã tăng nhanh trong những năm gần đây nhưng nhìn chung hầu hết người dân đều trồng tự phát, chưa được tập huấn kỹ thuật; diện tích trồng nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng giống chưa bảo đảm, kỹ thuật trồng trọt chưa cao, ít có sự hỗ trợ để áp dụng sản xuất theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, an toàn (VietGAP).

Bưởi đỏ trên địa bàn đã tăng nhanh trong những năm gần đây

Bên cạnh đó, việc bảo quản hoàn toàn bằng thủ công; thời gian bảo quản ngắn chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch còn cao; việc tiêu thụ sản phẩm mang tính nhỏ lẻ, sức cạnh tranh thấp do chất lượng không ổn định, số lượng còn ít, giá trị sản phẩm chưa cao. Trong khi đó, theo mục tiêu tại Quyết định số 1178/QĐ-UBND ngày 29-4-2016 của UBND tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020, tỉnh xây dựng vùng sản xuất bưởi đỏ ổn định, tập trung quy mô 2.000 ha; phấn đấu giá trị thu nhập bình quân đạt hơn 500 triệu đồng/ha/năm.

Vì vậy để khắc phục tình trạng này, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vương Đắc Hùng, cần có bộ quy chuẩn quốc gia về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả, trong đó chú trọng giống cây ăn quả lâu năm để có cơ sở quản lý giống. Triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án đã được phê duyệt trong sản xuất quả an toàn; hỗ trợ triển khai các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng khu sơ chế sản phẩm có công nghệ tiên tiến đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích lưu thông, thu mua sản phẩm bảo đảm lợi ích người sản xuất, chú trọng liên kết bốn nhà trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, thâm canh cây ăn quả an toàn, nhất là cây có múi; hỗ trợ, xây dựng mạng lưới tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; đẩy mạnh việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác và sản xuất theo hướng trang trại, gia trại quy mô tập trung để tạo sản phẩm lớn thu hút thị trường.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Liều trồng chanh đào trái vụ, anh nông dân thu tiền tỷ vì sai quả

Anh Vũ Văn Thiết là người đầu tiên tại xã Quảng Thành, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) trồng chanh đào. Nhờ chịu khó mày mò, anh đã tập trung thành công vào chanh đào trái vụ, trung bình mỗi cây cho khoảng 10kg quả, có cây ra tới 300 quả (khoảng 20kg). Anh cũng sản xuất thành công “si rô chanh đào”, mang lại thu nhập cả tỷ đồng/năm.

Anh Vũ Văn Thiết liều mình trồng cam trái mùa

Anh Thiết cho biết: Anh vốn là lái xe chở khách đường dài, công việc thì vất vả nhưng thu nhập không được bao nhiêu. Năm 2014 có người bạn khuyên anh về mở gia trại trồng chanh đào, bởi Quảng Thành có thuận lợi về quỹ đất, thích hợp với làm trang trại, gia trại. Thấy hợp lý, anh quyết định bỏ nghề lái xe, dốc hết số tiền bao năm tích cóp, vay mượn thêm anh em bạn bè, ngân hàng để trồng gần 3.000 cây chanh đào trên diện tích 2ha. Giống chanh 3 năm tuổi được mua từ Công ty CP Đầu tư phát triển kỹ thuật giống cây trồng Việt Nam (trụ sở tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Khi mua cây giống, anh còn được Công ty hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chanh đào.

Dù có nhiều lo lắng, nhưng ngay năm đầu tiên đã cho thấy cây chanh đào rất phù hợp với vùng đất ở đây, trung bình mỗi cây cho khoảng 10kg quả, có cây ra tới 300 quả (khoảng 20kg).

Qua gợi ý từ lãnh đạo xã Quảng Thành là nên thử làm si rô chanh đào. Chanh đào cũng có vị chua như chanh thường, nhưng công dụng vượt trội về chữa bệnh, nhiều người thích mua chanh ngâm với đường phèn, mật ong làm si rô trị ho rất hiệu quả. Cách này tiêu thụ được nhiều chanh hơn, giá trị kinh tế cao hơn. Người trồng chanh có thể bán si rô chanh quanh năm, tiêu thụ tốt nhất là vào dịp Tết.

ia đình anh Thiết có nghề truyền thống làm bánh kẹo, nên việc chế biến quả thành si rô không mấy khó khăn. Từ gợi ý của lãnh đạo xã, vụ thu hoạch chanh đào đầu tiên được 4 tấn quả, anh Thiết dành 1 tấn làm được 2.300 lọ si rô. Quả chanh đào tươi được thái lát ngâm với mật ong rừng. Toàn bộ sản phẩm si rô chanh của anh bán hết nhanh tại Hội chợ OCOP tỉnh tháng 4 năm 2016, giá 130.000 đồng/lọ, thu về gần 300 triệu đồng, trong khi 1 tấn chanh tươi bán chỉ được khoảng 30 triệu đồng lại khá khó khăn.

Sản phẩm mật ong chanh đào tạo thêm công ăn việc làm cho nông dân

Từ kết quả này, hiện xã Quảng Thành đã có thêm 5 hộ nữa trồng chanh đào, diện tích 1ha. Anh Thiết nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Vụ chanh năm nay, riêng hộ anh Thiết ước tính thu khoảng 6 tấn quả chanh đào.

Anh Thiết đã đầu tư mở rộng nhà xưởng rộng khoảng 150m2, cùng nhiều thiết bị máy móc để sản xuất si rô. Huyện Hải Hà đã quy hoạch trồng cây có múi, trong đó có cây chanh đào trên địa bàn 2 xã Quảng Thịnh và Quảng Thành với diện tích khoảng 340ha. Cây chanh đào đang cho hiệu quả kinh tế cao là hướng phát triển mới của huyện Hải Hà nhằm hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung cho giá trị kinh tế cao, đồng thời xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Bí thư Đảng uỷ xã Hoàng Phi Trường đánh giá: Thành công của sản phẩm “Si rô chanh đào” không chỉ tạo cho xã sản phẩm OCOP trong chương trình xây dựng nông thôn mới, mà còn tạo thêm việc làm cho nông dân, cải tạo những khu ruộng xấu thành vườn cây ăn quả. Sản phẩm “Si rô chanh đào” cần lượng mật ong rất lớn để chế biến, điều này còn giúp cho nghề nuôi ong của huyện và một số địa phương khác trong tỉnh phát triển.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Cao Phong (Hòa Bình): Niềm vui sau mùa quả ngọt

Thời điểm này, các nhà vườn ở huyện miền núi Cao Phong (Hòa Bình) đã bắt đầu bước vào vụ chăm sóc cam mới. Niên vụ 2016 – 2017 vừa qua, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi nên năng suất, sản lượng cam, quýt của toàn huyện đã tăng hơn so với niên vụ trước.

Cam Cao Phong

Cùng với đó, giá thu mua của thương lái trong toàn bộ thời gian thu hoạch cũng tương đối cao và ổn định… Tất cả những điều đó đã mang đến cho người trồng cam ở Cao Phong một mùa quả ngọt với niềm vui no ấm, mạnh giàu…

Nằm ở trung tâm huyện Cao Phong, thị trấn Cao Phong hiện có khoảng trên 700 ha cam, quýt các loại, chiếm hơn 40% tổng diện tích cam, quýt của toàn huyện Cao Phong. Những năm qua, thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả có múi của tỉnh Hòa Bình, thị trấn Cao Phong đã tập trung chỉ đạo nhân dân tích cực chuyển đổi những diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có múi, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Đồng chí Nguyễn Hồng Thủy, Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong cho biết: “Để nâng cao sản lượng và chất lượng cây ăn quả, thị trấn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư, phát triển diện tích cây ăn quả có múi; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào cải tạo, chăm sóc để nâng cao chất lượng. Cùng với việc phát triển cây cam đúng theo quy hoạch, việc giữ gìn thương hiệu cam Cao Phong cũng được địa phương đặc biệt chú trọng. Hàng năm, 100% số hộ trồng và kinh doanh cam đều được tham gia ký cam kết chấp hành đúng quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh cam, quýt”.

Là hộ có thâm niên trồng cam, ông Tạ Đình Đào, Trưởng khu 5, thị trấn Cao Phong được nhiều người biết đến như là hộ tiên phong trong gắn bó và làm giàu cùng cây cam. Với tổng diện tích trồng cam gần 7 ha, niên vụ quả 2016 – 2017 vừa qua, gia đình ông Đào thu lãi được trên 3 tỷ đồng từ tiền bán cam. Bằng kinh nghiệm nhiều năm với cây cam trên vùng đất này, ông Tạ Đình Đào khẳng định, trồng cam không khó. Nhưng phải nắm vững và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khi lựa chọn vị trí trồng, lựa chọn cây giống cho đến việc sử dụng phân bón, phòng trừ dịch bệnh…, có như vậy cây cam mới cho năng suất cao và chất lượng quả thơm ngon.

Cũng theo Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong Nguyễn Hồng Thủy, để có những cây mới, năng suất và hiệu quả cao đưa vào sản xuất đại trà, UBND thị trấn đã phối hợp Công ty TNHH Một thành viên Cao Phong liên kết với nhiều viện nghiên cứu, ứng dụng thành công các giống cam, quýt mới có chất lượng quả tốt, năng suất cao và phù hợp với thổ nhưỡng Cao Phong. Điển hình như các giống: quýt ôn châu, cam CS1, chanh đào, bưởi đỏ, cam canh, cam V2,… Năm 2014, sản phẩm cam Cao Phong được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận chỉ dẫn địa lý. Từ đó đến nay, giá trị kinh tế từ cây cam mang lại cho người nông dân Cao Phong đã ngày càng tăng lên. Theo thống kê sơ bộ, niên vụ cam 2016 – 2017 vừa qua, thị trấn Cao Phong có khoảng trên 200 hộ đạt mức thu nhập từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ đồng, hơn 70 hộ đạt từ một tỷ đồng đến mười tỷ đồng từ việc bán cam, quýt. Thu nhập bình quân của thị trấn đạt 42 triệu đồng/người. Nhiều hộ dân còn mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, liên kết mở rộng diện tích trồng cam, quýt.

Không chỉ ở riêng thị trấn Cao Phong mà từ khoảng gần chục năm lại đây, diện tích cây cam nói riêng và các loại cây ăn quả có múi nói chung đã được người dân đầu tư phát triển mạnh ra nhiều xã khác của huyện Cao Phong. Đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Phong cho biết: Những năm gần đây, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất cùng với các biện pháp đồng bộ, cây cam ở Cao Phong đã và đang cho hiệu quả, năng suất chất lượng tương đối cao. Diện tích, sản lượng cam của huyện liên tục tăng qua các năm.

Năm 2010, diện tích cam, quýt 557 ha, sản lượng đạt 9.000 tấn; năm 2013, diện tích 920 ha, sản lượng đạt 16.000 tấn; năm 2014, diện tích 1.200 ha, sản lượng đạt hơn 17.000 tấn; năm 2015, diện tích là 1.500 ha, sản lượng 20.000 tấn. Năm 2016, với diện tich cam, quýt trên 1.700 ha, trong đó khoảng 900 ha đang trong thời kỳ kinh doanh, sản lượng trái cây có múi của Cao Phong đã đạt hơn 23.000 tấn. Cây cam đã trở thành cây chủ lực của huyện Cao Phong trong sản xuất hàng hóa; đồng thời cũng là “cây làm giàu” của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn toàn huyện.

Theo thống kê, hiện tại bình quân 1 ha cam, quýt có sản lượng từ 20 – 30 tấn, giá trung bình 25.000 – 30.000 đồng/kg thì giá trị thu nhập của người trồng cam ở Cao Phong cũng vào khoảng từ 600 – 700 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí các loại, người nông dân vẫn có thể thu lãi khoảng 350 – 400 triệu đồng/ha/năm. Hàng năm, nguồn thu từ cam của toàn huyện Cao Phong ước đạt khoảng 600 tỷ đồng, con số đáng mơ ước đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở một huyện vùng cao.

Được biết, thời gian qua, huyện Cao Phong đã đẩy mạnh hướng dẫn, định hướng cho nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, phát triển bền vững vùng cam hàng hóa, tổ chức liên kết hợp tác từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng trồng cam. Đồng thời, để nâng tầm giá trị của cây ăn quả có múi, đặc biệt là cam, quýt, các cơ quan chức năng trực tiếp là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện còn tăng cường hỗ trợ người dân ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để hình thành những vùng hàng hóa như: cam lòng vàng, cam đường canh, cam V2, cam CS1, bưởi đỏ… gắn với xây dựng các vùng cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Một mùa cam mới đang về với những người nông dân ở huyện miền núi Cao Phong. Với định hướng đúng đắn và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, tin tưởng việc đẩy mạnh phát triển cây cam nói riêng và các loại cây ăn quả có múi nói chung sẽ thực sự là hướng đi hiệu quả, giúp nông dân Cao Phong tăng thu nhập, phát triển đời sống.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Tỷ phú từ cây cam

Những năm gần đây, Cam Cao Phong (Hòa Bình) đã trở thành thương hiệu lớn trên toàn quốc và là hình mẫu của nhiều địa phương về cách làm giàu từ nông nghiệp, cụ thể là trồng cây ăn quả.

Cam Cao Phong có giá trị dinh dưỡng rất cao

Theo kinh nghiệm của người dân ở đây, cam trồng càng lâu năm chất lượng càng ngon ngọt. Một hộ gia đình có Vườn cam 300 gốc có tuổi đời trên 10 năm cho biết, với vườn cam này, mỗi năm gia đình này lãi chừng 700 triệu đồng. Có nhiều thương lái đến mua đều phải tự tay cắt từng quả cam trong vườn, do số lượng quả nhiều.

Điển hình như hộ gia đình anh Nguyễn Văn Điệp, khu 3, thị trấn Cao Phong (Hòa Bình). Với diện tích 3 ha cam canh, cam V2 và cam lòng vàng, đồng thời tận dùng phần hàng rào trồng chanh đào. Nhờ trồng cam mà đời sống gia đình khấm khá hơn nhiều. Là khách hàng nhiều năm Trung tâm Cây giống Thôn Trang với nguồn giống chất lượng, được tư vấn quy trình chăm sóc hiệu quả, đến nay gia đình anh đã có thu nhập ổn định mỗi năm gần trên 1 tỷ đồng từ cam và chanh.

Dẫn chúng tôi thăm vườn đồi cam mới thấy hết được công sức anh chị trong việc tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật qua thông tin từ Trung tâm Thôn Trang và theo các chương trình khuyến nông, học hỏi từ bà con xung quanh, đồng thời vừa làm vừa rút kinh nghiệm kết hợp với đầu tư cải tạo phân bón, chăm sóc đúng kỹ thuật giúp cây phát triển tốt. Thấm thoát chẳng bao lâu sau vườn cam của gia đình cũng cho thu hoạch lứa quả đầu tiên.

Đến nay vườn cam của gia đình chị cũng vào năm thứ 5, chủ yếu là cam canh, cam V2 và cam lòng vàng. Năm 2015 gia đình anh thu khoảng hơn 30 tấn quả cam canh, 30 tấn quả cam lòng vàng với giá 20.000 – 25.000đồng/1kg giá buôn, trừ chi phí cho thu nhập gần 2 tỷ và ngoài ra còn thu được 200 triệu từ chanh đào. Là vùng có thương hiệu nên sản phẩm làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Mỗi vụ thu hoạch là thương lái khắp các tỉnh thành tìm về các vườn để thu mua.

Để vườn cây được xanh tốt anh chị đã đầu tư phân chuồng ủ hoai mục để bón cho cây. Đồng thời giống cây này cũng hay bị bệnh nên chị thường xuyên cập nhất những loại thuốc đặc trị trên thị trường như sản phẩm chất lượng của Apolo, Biovina, Agriseeds mà Trung tâm Thôn Trang để phun nhằm phòng và trị bệnh.

Với sự chịu thương chịu khó, cùng tinh thần luôn học hỏi kèm theo sự tư vấn nhiệt tình, hiệu quả, khoa học của Trung tâm Cây giống Thôn Trang, bước đi của a Điệp là bước đi vững chắc cho việc làm giàu từ cây ăn quả.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Độc chiêu trị sâu bệnh cho cam: Dùng chanh đào ngâm mật ong 6 tháng

Áp dụng những “chiêu trò” như trồng cam “siêu phẩm” bằng phân bón là đậu tương xay mịn rồi ngâm ủ hay dùng chanh đào ngâm mật ong 6 tháng pha với chế phẩm sinh học để trị sâu bệnh cho cam, lão nông Vũ Văn Cường ở thôn Vũ Xá, xã Thất Hùng, huyện Kinh Môn, Hải Dương đã có thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm.

Gia đình ông Cường là hộ đầu tiên ở xã Thất Hùng vượt lập ruộng lúa để trồng cam. Dẫn chúng tôi thăm 2 ha cam, cây nào cây ấy sai trĩu, trái nào cũng to đều như nắm tay, ông Cường bộc bạch: “Nhiều năm trước, cuộc sống gia đình chỉ bám bíu vào mấy sào ruộng nên khó khăn vô cùng. Năm 2003, xem ti vi thấy nông dân ở Văn Giang (Hưng Yên) có thu nhập cao từ cam, tôi bèn đến tận nơi tìm hiểu”.

Gia đình ông Cường là hộ đầu tiên ở xã Thất Hùng trồng cam VietGAP thành công

Nhìn thấy những vườn cam chín đỏ rất đẹp mắt, rồi những chủ vườn cam lớn ở Văn Giang ai cũng nhà cửa khang trang, ăn vận đẹp đẽ ông Cường thích mê. Thế là ông về bàn với vợ cải tạo 2 sào vườn trồng cam với hy vọng đổi đời. Nhưng làm giàu đâu có dễ.

Theo ông Cường, dẫu cây cam hợp đất Thất Hùng lớn nhanh, xanh mơn mởn nhưng do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên vụ đầu tiên thu hoạch quả cam nhạt thếch, có bán cũng chả ai mua. Suốt 1 năm ròng sau đó, ông Cường miệt mài đi đến các vùng trồng cam nổi tiếng ở Cao Phong (Hòa Bình), cam Vinh Quỳ Hợp (Nghệ An)… để học hỏi kinh nghiệm trồng cam. Kết hợp với kinh nghiệm tích lũy của bản thân dần dà việc trồng cam của ông Cường thuận lợi hơn.

Hầu hết những vườn cam từ 3 đến hơn chục năm tuổi của ông Cường đều cho hiệu quả kinh tế cao, đạt trung bình 20 tấn quả/ha

Ông Cường cho biết, độ ngọt của cam ngoài phụ thuộc rất nhiều vào cách chăm sóc, trong đó việc bón phân cho cam rất quan trọng. Ông Cường thường dùng lân để bón giai đoạn ra hoa và kali bón giai đoạn nuôi quả. Đặc biệt để tăng độ ngọt cho cam, ông Cường tưới cam bằng nước đậu tương được xay nhỏ và ngâm ủ trong 5 tháng. “Một tháng tưới cho cam hai lần, duy trì như vậy liên tục trong 2 tháng đến khi cam xuất bán cam sẽ sai trĩu, quả đều tay, ngọt lừ. Bình quân 1 ha cam tôi dùng 10 tấn đậu tương mỗi năm”, ông Cường bộc bạch.

Mỗi năm ông Cường dùng 20 tấn đậu tương xay mịn rồi ngâm ủ trong 5 tháng để bón tăng độ ngọt cho 2 ha cam

Điều đáng chú ý, ông Cường là người đầu tiên ở Thất Hùng thực hiện quy trình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, trong quá trình chăm sóc cây, ông Cường đã áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trồng cam thân thiện với môi trường.

Ông Cường cho biết công thức ngâm ủ đậu tương để bón cho cam như sau: 2 tạ đậu tương xay nhỏ + 1.000 lít nước + 1 kg nấm đối kháng ngâm trong 5 tháng. Lưu ý đổ nước ngâm từ từ, lúc đầu chỉ đổ 200 lít nước, 1 tuần sau cho thêm nước dần.

Đặc biệt để diệt trừ rầy, côn trùng trích hư, gây hại cho cam, ông Cường đã nghĩ ra “độc chiêu” bá đạo vô cùng hiệu quả và an toàn. Đó là dùng chanh ngâm với đường và mật ong sau đó pha cùng với chế phẩm sinh học để diệt trừ sâu bệnh gây hại trên cam. “Hơi mất công một tí nhưng trừ sâu bệnh cho cam cực hiệu quả. Sở  dĩ các loài côn trùng rất ưa thích mùi thơm và vị ngọt. Người xưa có câu “mật ngọt chết ruồi” là vì thế”, ông Cường vui vẻ giải thích.

Độc chiêu “mật ngọt chết ruồi” là dùng chanh ngâm mật ong và pha với chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh cho cam, ông cường còn tự làm các bẫy diệt côn trùng

Về liều lượng ông Cường cho biết, ông thường dùng 3 kg chanh đào + 1kg đường + ¼ lít mật ong xịn cho vào bình sạch ngâm từ 5 – 7 tháng. Sau đó lấy 50 ml cốt nước chanh ngâm mật ong hòa với 16 lít nước và chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh cho cam.

Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng cam VietGAP, giá bán cam tại vườn của gia đình ông luôn cao hơn các hộ khác. Thương lái đến tận vườn đặt và hái quả. Vụ cam năm 2016, với giá bình quân 30.000 đồng/kg cam Vinh và 40.000 đồng/cam đường canh, ông Cường có doanh thu hơn 1 tỉ từ việc xuất bán hơn 40 tấn quả cam.

Theo danviet.vn được tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Phòng và trị một số bệnh phổ biến trên cây Bông vải

Cây bông là cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao. Kỹ thuật trồng bông tương đối đơn giản. Khi trồng, ta cần chú ý để phòng trừ các loại bệnh sau đây:

1. Một số loại sâu hại chính trên cây bông:

Sâu xanh:

Sâu xanh là loại sâu đa thực, gây hại trên rất nhiều loại cây trồng. Trên cây bông nó được coi là loài sâu đục quả nguy hiểm nhất, làm giảm năng suất bông hạt.

Ngay từ khi sâu non mới nở đã nhanh chóng đục vào ngọn cây, nụ non, hoa, quả. Sức phá của chúng rất lớn, mỗi con có thể làm hại 15-20 nụ hoa trong đời của nó (13-15 ngày). Sâu tuổi nhỏ gây hại mạnh hơn sâu tuổi lớn, vì chúng di chuyển nhiều để tìm thức ăn.

Sâu xanh phát sinh quanh năm, thường mỗi tháng có 1 lứa. Những tháng không có bông chúng gây hại trên cây trồng khác như đậu đỏ, thuốc lá, cà chua, bắp cải,…

* Biện pháp phòng trừ :

Trong tự nhiên sâu xanh bị nhiều loại thiên định tấn công: ong mắt đỏ ký sinh trứng, ruồi ký sinh sâu non và nhộng, bọ rùa, bọ xít, bọ xít cổ ngỗng, bọ xít trắng vai nhọn,…

– Đa dạng hóa hệ thống cây trồng bằng cách trồng bông với các cây trồng khác.

– Bố trí thời vụ thích hợp tránh né giai đoạn bông ra nụ rộ trùng với thời điểm phát sinh của sâu.

– Trồng giống bông khánh sâu.

– Phun chế phẩm NPV – Ha với liều lượng 500 LE/ha hoặc Divicin – H, liều lượng 0,6-0,8 kg/ha.

– Phun thuốc hoá học: Chỉ nên phun thuốc ở giai đoạn 70-80 ngày sau gieo, khi mật độ sâu non 10-20 con/100 cây bằng các loại thuốc sau :

+ Karate 2,5 EC với liều lượng 0,8 – 1,0 lít / ha.

+ Lannate 40Wp với liều lượng 0,8 kg/ha

+ Sherpa 25EC liều lượng 0,3 – 0,4 lít /ha

+ Match 0,5 lít / ha

Sâu loang:

Sâu loang còn gọi là sâu gai. Trưởng thành đẻ trứng rải rác ở các bộ phận: búp non, kẽ nách nụ, hoa, quả non, cuống lá, mặt dưới lá non.

Sâu non gây hại nách cành, lá non, đục vào thân làm cho búp non, cành non bị héo rũ.

Khi bông lớn chúng đục vào nụ, hoa quả non làm nụ xòa, hoa rụng,… khi quả lớn chúng ăn hết quả này sang quả khác.

* Biện pháp phòng trừ:

– Sâu loang bị nhiều loại thiên định tấn công như ong mắt đỏ ký sinh trứng, ong kén nhỏ ký sinh sâu non.

– Tiêu hủy cây ký chủ sâu loang.

– Trồng giống bông kháng sâu.

– Phát hiện sớm và dùng thuốc Bt ngay khi sâu mới nở ,liều lượng 0,3 – 0,4 lít/ha .

– Dùng thuốc hóa học:

* Sherpa 25EC: 0,3 – 0,4 lít /ha

* Karate 2,5EC: 0,8 – 1,0 lít /ha

Sâu cuốn lá:

Sâu cuốn lá phát triển trong điều kiện ẩm ướt, âm u về thời tiết. Sâu non ở tuổi 1-3 thường tập trung, sau đó mới phân tán bằng cách nhả tơ để qua lá khác, chúng có tập tính cuốn lá, mỗi con có khả năng gây hại 2-3 lá.

* Biện pháp phòng trừ:

– Sử dụng giống kháng là biện pháp tốt nhất.

– Phun thuốc hóa học: Netoxin 95Wp, liều lượng 0,5 – 0,7kg/ha và một số loại thuốc khác có tác dụng tương tự.

Sâu hồng :

Sâu hồng là một trong những đối tượng kiểm dịch của thế giới và là một trong những loại sâu đục quả khó trị nhất. Sâu non không những phá hại trên đồng ruộng mà còn phá hại hạt trong kho.

Sâu non sau nở đục vào nụ, hoa, quả non. Sống kín đáo trọn đời trong đó. Khi đẫy sức sâu đục 1 lỗ chui ra khỏi quả, xuống đất hoá nhộng hoặc làm nhộng ngay trong quả.

Sâu làm cho hoa không nở được, đục quả, ăn hạt .

* Biện pháp phòng trừ:

– Thiên địch của sâu hồng là ong đa phôi ký sinh và vi khuẩn gây chết sâu non.

– Dọn sạch tàn dư cây trồng trước.

– Phun thuốc hóa học để phòng trừ các đối tượng khác gây hại bông cũng có tác dụng ngăn cản, diệt sâu hồng.

Sâu keo da láng:

Sâu non nở nằm tập trung dưới mặt lá, chúng ăn chất xanh để lại màng lá, sâu non ăn hết lá để lại phần gân lá. Chúng cũng ăn lá đài, nụ, hoa và quả non.

* Biện pháp phòng trừ:

– Sâu xanh da láng bị nhiều loại thiên định tấn công: ong ký sinh sâu non, bọ xít ăn thịt, virus gây bệnh ở giai đoạn sâu non.

– Phun chế phẩm NPV- Se với liều lượng 800-1000 LE /ha; Bt với liều lượng 0,3 – 0,4 lít/ha

– Phun thuốc hóa học: Atabron; mimic 20F; Match với liều lượng 0,5 – 0,8 lít/ha.

Rầy xanh:

Rầy xanh tập trung chích hút dịch cây, làm cho cây thiếu dinh dưỡng, còi cọc. Khi bị nhẹ mép lá có màu hơi vàng và cong lên, nặng chuyển màu nâu vàng, rồi đỏ, lá cong queo cháy từ mép lá vào trong. Lá, nụ và quả non bị rụng, làm quả chín ép, ảnh hưởng đến năng suất.

Ở nước ta rầy xanh gây hại quanh năm.

* Biện pháp phòng trừ:

– Thiên định của rầy không nhiều chủ yếu là các loại nhện bắt mồi và chuồn chuồn cỏ.

– Trồng giống bông có khả năng kháng rầy .

– Xử lý hạt giống bằng Gaucho 70WS liều lượng 5 – 7 g/1 kg hạt. Sau gieo 70-80 ngày, nếu rầy gây hại đến 30% số cây thì phun một trong các loại thuốc sau :

– Admire 25EC, liều lượng 0,3 – 0,4 lít/ha.

– Netoxin 95WP, liều lượng 0,7 kg/ha .

– Trebon 50EC, liều lượng 0,5 – 0,7 lít/ha .

– Karate 2,5EC, liều lượng 0,8 – 1,0 lít /ha .

Bọ trĩ :

Bọ trĩ thường tập trung gây hại dọc theo hai bên gân lá. Cả ấu trùng và trưởng thành đều trực tiếp gây hại bằng cách cứa, hút làm rách tế bào biểu bì lá, những lá bị hại chảy dịch tạo thành một lớp có màu nâu ánh bạc.

Cây bông bị hại sẽ cằn cõi với lá sù sì biến dạng; nụ, hoa, quả non bị rụng.

* Biện pháp phòng trừ :

– Trồng bông có màng phủ PE có tác dụng làm giảm bọ trĩ.

– Dùng thuốc hoá học: Dùng thuốc hoá học khi cây con có 1-2 con/lá và cây lớn có 5-10 con/lá.

– Confidor 100SL, liều lượng 0,3 – 0,4 lít/ha .

– Admire 50EC, liều lượng 0,6 – 0,8 lít/ha .

Rệp

Rệp có đặc tính đẻ con, cả rệp non và trưởng thành đều chích hút dịch cây làm cho lá co rút lại, cây sinh trưởng kém. Trong quá trình gây hại rệp thải ra chất mật dính tạo điều kiện cho nấm đen phát triển, làm ảnh hưởng quá trình quang hợp của cây. Gây hại vào giai đoạn cuối sẽ làm bẩn xơ bông.

Rệp là môi giới lây truyền bệnh xoắn lùn cho cây bông.

* Biện pháp phòng trừ :

– Rệp có khá nhiều thiên định : bọ rùa, chuồn chuồn cỏ, dòi ăn rệp và một số ong ký sinh.

– Trồng bông xen cây trồng khác như bắp, đậu nành,… tạo điều kiện cho thiên định của rệp cư trú.

– Xử lý hạt bằng Gauch 70WP, liều lượng 5g/1kg hạt.

– Phun thuốc hoá học

+ Admire 50 EC, liều lượng 0,6 lít/ha

+ Mospilan 3EC, liều lượng 0,3 lít/ha

2. Bệnh chủ yếu hại bông:

Bệnh xanh lùn:

– Xanh lùn là bệnh gây hại quan trọng cho cây bông. Tác nhân gây bệnh do virus và được lan truyền trong tự nhiên nhờ côn trùng môi giới là rệp bông.

– Cây bông có thể bị bệnh khi cây còn nhỏ đến khi cây già. Triệu chứng vết bệnh rìa lá cong xuống phía dười, lá giòn màu xanh đậm đồng nhất, các đốt thân, cành ngắn lại, cây lùn, khả năng ra hoa đậu quả kém, quả nhỏ, phẩm chất xơ giảm. Nếu cây bông bị bệnh trước 50 ngày sau khi gieo thì hầu như không cho thu hoạch.

– Bệnh này không lây truyền qua đất, hạt giống, cơ giới.

* Biện pháp phòng trừ :

– Kỹ thuật canh tác: Vệ sinh đồng ruộng tốt, luân canh cây trồng khác. Nhổ bỏ cây bệnh, chăm sóc bông kịp thời, luân xen canh, bón phân cân đối, gieo đúng thời vụ để cây khỏe mạnh,…

– Xử lý hạt giống bằng Gaucho 70WP với liều lượng 5g/1kg hạt bông.

– Phun trừ rệp cục bộ để tránh lây lan trong ruộng bông.

– Dùng giống ít bị nhiễm hay kháng rệp.

– Dùng các loại thuốc trừ rệp như đối với trừ rầy xanh.

Bệnh mốc trắng :

Tác nhân gây bệnh do nấm Ramulariopsis Gossypii gây ra.

Bệnh gây hại trên lá, tấn công từ lá già đến lá bánh tẻ. Cây bị bệnh nặng lá vàng và làm nụ, hoa, quả non bị rụng, quả chín ép, giảm năng suất.

Bệnh xâm nhiễm trong điều kiện lá có giọt nước, nhiệt độ từ 16-34oC, đặc biệt là vào cuối mùa mưa. Bệnh lây lan qua không khí, đất, nước tưới, giống,…

* Biện pháp phòng trừ:

– Biện pháp kỹ thuật canh tác: tiêu hủy tàn dư bông vụ trước, luân canh cây trồng khác, bón phân cân đối,…

– Dùng thuốc hóa học: nên phun phòng trước khi bệnh xuất hiện hay phun trừ bệnh khi xuất hiện đốm bệnh bằng một trong các loại thuốc sau :

+ Derosal 50SC (60WP) 1,0 – 1,5 lít kg/ha ( 1,2 kg/ha )

+ Topsin M70 WP 1,0 – 1,2 kg/ha .

+ Anvil 5 SC 1,0 – 1,5 lít/ha.

Bệnh đốm – cháy lá:

Bệnh xuất hiện trong mùa mưa, làm thối quả ở tầng dưới, làm giảm năng suất.
Tác nhân gây bệnh do nấm khi Rhizoctonia salani gây ra.

* Biện pháp phòng trừ:

– Vệ sinh đồng ruộng, luân canh cây trồng khác.

– Phun thuốc phòng bệnh

+ Thời kỳ cây con: Phun 1-2 lần vào lúc cây bông xòe hai lá mầm và khi cây bông được 10 ngày tuổi bằng các loại thuốc Monceren 250 SC liều lượng 0,4 – 0,6 lít/ha, Validacin 50EC liều lượng 0,5 lít/ha, Calidan 262.5 EW liều lượng 0,3 – 0,4 lít/ha.

+ Thời kỳ cây lớn: phun 1-2 lần khi bông bị hại bằng thuốc Moncerer 250 SC liều lượng 1-1,5 lít/ha; Anvil 5SC liều lượng 1-1,5 lít/ha.

Bệnh lở cổ rể:

Tác nhân gây bệnh do nấm và vi khuẩn như Rhizoctonia solani, pythium spp,…

Bệnh gây hại từ khi cây bông vừa nảy mầm đến giai đoạn 3-4 lá thật trong điều kiện nhiệt độ thấp và ẩm độ đất cao.

Triệu chứng là cây héo, ngọn rũ xuống. Cây bị bệnh rất dễ nhổ, vết bệnh ăn vòng quanh thân gần sát mặt đất, vết bệnh có màu mốc trắng, nâu hoặc đen.

* Biện pháp phòng trừ:

– Vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư cây trồng vụ trước.

– Cày bừa kỹ, san mặt ruộng cho bằng phẳng để đất thoáng và không đọng nước.

– Chỉ dùng hạt giống không bị bệnh. Không gieo hạt quá sâu, những vùng có bệnh phổ biến cần phải tăng lượng hạt giống gieo.

– Xử lý hạt giống bằng Rovral 50WP, liều lượng 3-5g/kg hạt hoặc Monceren 70WP với liều lượng 3-5g/kg hạt.

– Có thể phun thuốc sau khi bông mọc từ 1 đến 2 lần bằng Monceren 250 SC, liều lượng 0,4 – 0,6 lít/ha hay Monceren 70WP liều lượng 0,2kg/ha.

Nguồn: Hội nông dân Cần Thơ được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.